Đuốc sáng soi đường
Người đệ tử Phật hướng về Tam bảo, nương theo ánh sáng Chánh pháp, trước phải thấy rõ gốc rễ khổ đau tham sân si để tìm cách chuyển hóa và đoạn tận. Ai thành tựu điều này, Thế Tôn gọi đây là đuốc sáng.

Theo lời dạy của Thế Tôn: “Tại sao gọi đó là đuốc sáng?
Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si” - Ảnh minh họa
Mặt khác, để chuyển hóa toàn bộ phiền não của chúng sinh, con đường tối thắng trong đạo Phật là tu tập Bát Chánh đạo. “Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh tam muội” chính là nghiệp đuốc soi đường. Đi theo con đường Bát chánh thì chắc chắn chuyển hóa các nghiệp xấu ác, bất thiện; lần lượt thành tựu giới-định-tuệ, chứng đắc các Thánh quả, giải thoát, Niết-bàn.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói về pháp đuốc sáng, cũng sẽ nói nghiệp đuốc soi đường. Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tại sao gọi đó là đuốc sáng? Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si.
Tại sao gọi đó là nghiệp đuốc soi đường? Nghĩa là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh tam muội. Đó là nghiệp đuốc soi đường. Ta vì các Thầy đã nói về đuốc sáng, cũng nói về nghiệp đuốc soi đường. Như Lai điều đáng làm nay đã chu tất. Hãy khéo nhớ tụng đọc, chớ có giải đãi. Nay chẳng hành, về sau hối không kịp.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hỏa diệt,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.213)
Theo lời dạy của Thế Tôn: “Tại sao gọi đó là đuốc sáng? Nghĩa là đã dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si” thì thế gian này những ngọn đuốc sáng thực sự vốn không nhiều. Điều cần lưu ý là tuy không nhiều nhưng không phải là không có. Gọi là sáng mà đôi khi không chói lóa rực rỡ với đủ loại hình thức áo mão, chức phận bên ngoài. Bởi lẽ đây là sáng đạo, sáng ở bên trong nên đuốc sáng mà không dễ tìm, khó thấy, thiếu duyên cũng chẳng thể gặp.
Đuốc sáng cũng chính là thước đo đạo đức và tâm linh của người tu Phật. Quan trọng là có chuyển hóa và hướng đến “dứt hẳn tham dâm, sân giận và ngu si” hay không? Nếu chưa hoặc không thì chúng ta mãi là ngọn đuốc mờ, thậm chí là ngọn đuốc tắt. Các bậc Thánh đã chuyển hóa và đoạn tận căn bản phiền não mới thực sự là đuốc sáng. Thế Tôn, các vị A-la-hán là những ngọn đuốc sáng ở thế gian.
Để trở thành ngọn đuốc sáng, căn bản vẫn không ngoài tu tập Bát Chánh đạo, nghiệp đuốc soi đường. Nội dung tu tập Bát Chánh đạo quy về thành tựu giới-định-tuệ. Cho nên, người tu Phật dù theo truyền thống, tông phái hay hệ phái với các pháp tu khác nhau nhưng đều quy về thành tựu giới-định-tuệ là đúng Chánh pháp. Nếu các pháp môn tu của chúng ta mà thiếu vắng cả ba món vô lậu thì chắc chắn tu sai.
Quảng Tánh
Những tin mới hơn
- Một ngày an vui theo giáo lý nhà Phật (27/06/2016)
- Tâm yên không phải là vô cảm (30/06/2016)
- Dính mắc tài vật thật là khó bỏ (30/06/2016)
- Bát Chánh đạo: quản trị khủng hoảng, tạo nền bình an (01/07/2016)
- Chữ hiếu xưa và nay (12/06/2016)
- Chuyển hóa uế độ thành tịnh độ (31/05/2016)
- Thiện tri thức - Gần đèn thì sáng (01/12/2015)
- Câu chuyện Phật giáo: Vị tăng bị đọa làm thân chồn 500 kiếp vì một câu trả lời sai (25/05/2016)
- Suy nghiệm lời Phật: Mong muốn chính đáng (30/05/2016)
- Tâm hồng danh chiếu ra miền Cực lạc (29/11/2015)
Những tin cũ hơn
- Lập hạnh không nói dối (17/11/2015)
- Nhất niệm Vô Minh tức đọa luân hồi (12/11/2015)
- Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể (11/11/2015)
- Biết khổ, thể nghiệm khổ, không cho đấy là khổ (05/11/2015)
- Sự đau khổ và cách thức diệt trừ (27/07/2015)
- Trả nghiệp oan gia nhiều đời (27/07/2015)
- Học để hoàn thiện chính mình (21/07/2015)
- Nội tâm thế nào, cuộc sống thế ấy (15/07/2015)
- Những lời dạy vượt thời gian (11/07/2015)
- Sự trói buộc của luyến ái (09/07/2015)