Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cứu người mà không sát vong

Cứu người mà không sát vong

Đăng lúc: 22:06 - 26/09/2017

Khóa tu chỉ có bảy người, trong đó có hai tu sĩ (đã xuất gia từ thuở nhỏ), còn lại là nam cư sĩ. Cả đoàn lặng lẽ lên núi, trú nhờ nơi gian nhà tổ của một ngôi chùa. Chùa xa và nghèo, nên chùa vắng; thuận tiện cho khóa tập; duy chỉ không có người “phục vụ” nên đoàn phải mang theo lương thực-thực phẩm đủ dùng cho hơn một tháng. Mỗi ngày, công việc chính của đoàn là bốn thời thiền tọa, mỗi thời khoảng hai giờ. Thời gian còn lại dành cho việc chẻ củi, lặt rau, bếp núc… Nghĩa là không có thời giờ trống…

aminhhoa.jpg
Ảnh minh họa
Khoảng giữa khóa thiền, một hôm có đôi vợ chồng đến gặp thầy, dắt theo người con gái để nhờ thầy trị bệnh. (Không biết do đâu mà dẫn đến việc nhờ trị bệnh này, vì khóa thiền diễn ra rất âm thầm!). Người con gái khoảng hơn hai mươi tuổi, sắc mặt hồng hào, không có vẻ gì là người có bệnh. Bệnh, theo lời đôi vợ chồng nói, là không hiểu sao, ngày nào người con gái cũng múa hát cười cợt lung tung…

Nhìn chăm chú người con gái giây lát, thầy hỏi: Có phải cháu thích ăn kẹo bánh và cứ chiều chiều, là cháu mới lên cơn, phải không? Đôi vợ chồng thưa: Quả thế thật. Cháu còn thích mặc áo quần đẹp nữa. Gia đình đã đi tìm thầy chữa hơn ba năm rồi mà thầy nào cũng… lắc đầu. Nhờ thầy làm ơn làm phước…

Thầy bảo hai vợ chồng đưa cháu về, vài hôm sau sẽ gặp lại.

Đêm ấy, thầy khó ngủ, cứ đi đi lại lại trước sân chùa…

Trong buổi uống trà sáng hôm sau, mấy huynh đệ được thầy cho biết, người con gái ấy bị một vong trẻ con đeo bám lâu ngày nên mới có những biểu hiện như thích ăn bánh kẹo, thích mặc áo quần mới… Thầy đang phân vân, chưa chọn được cách giải quyết chu toàn.

***

Mấy ngày sau, cả nhà người con gái ấy trở lên núi. Thầy cho bệnh nhân ngồi chính giữa bộ phản gỗ lớn đặt bên phải gian nhà Tổ, hai bên và phía sau bệnh nhân, thầy bảo ba huynh đệ cùng đặt tay lên lưng và hai vai người bệnh; thầy ngồi đối diện với người bệnh. Thầy bắt ấn, lâm râm trì chú rồi nói lớn: Đi, đi ra khỏi đây ngay, đi mà tìm nơi tu tập, nếu không ta sát! Vừa dứt lời, thầy đánh mạnh vào bệnh nhân…

***

Khi khóa thiền sắp kết thúc, gia đình bệnh nhân lại lên núi để báo tin, rằng sinh hoạt của con gái họ đang dần dần trở lại bình thường. Các huynh đệ đều chúc mừng, mong họ thêm vững lòng tin vào Phật pháp. Thầy cũng chân thành bày tỏ, rằng cái vong đeo bám cô gái là một vong hiền, nên thầy mới có thể “gọi” nó rời bỏ khỏi thân thể cô ấy. Và điều khiến thầy phải đắn đo khi trị bệnh, là làm sao vừa giúp được bệnh nhân mà vẫn không làm thương tổn đến cái vong ấy. Bởi vì nó cũng không có ác ý làm hại người bệnh, nó cũng chỉ là nạn nhân của chính những nghiệp quả đã gieo, đang trôi lăn trong dòng luân hồi u u minh minh bất tận. Thầy lưu ý cho tất cả huynh đệ hiểu-nhận sâu sắc rằng, mỗi một ấn quyết và thần chú đều có công năng riêng nhưng điều chủ yếu là phải dùng tâm từ để điều khiển khi sử dụng ấn chú vào những mục đích tốt đẹp nhằm cứu giúp người khác. Nếu đi lệch khỏi động cơ và mục đích ấy, mọi việc làm đều trở nên vô nghĩa, vô ích và có hại cho bản thân, vì nó chỉ làm tăng thêm cái “ngã” mà thôi. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi người trong việc nhận thức về những thế giới tồn tại bên cạnh đời sống hàng ngày của con người, là sự tôn trọng đối với họ…

Buổi sớm mai, tiết trời se se. Còn lại mãi trong sâu xa của tất cả huynh đệ ngày ấy, là hình ảnh thầy vừa nâng tách trà nóng, vừa từ tốn: Đức Khổng phu tử đã từng dặn rằng: Kính quỷ thần nhi viễn chi! (Đối với quỷ thần thì kính trọng nhưng nên tránh xa). Ngài còn nói: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã (Luận ngữ), có nghĩa là những kẻ vừa mới nghe giảng Đạo rồi đi thuật lại liền sau đó, thì xem như bỏ mất cái đức nơi mình, cũng có nghĩa là, người học Đạo cần phải có sự trải nghiệm chứ không chỉ nghe suông nói suông...
Nguyễn Đông Nhật

Chánh niệm là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất

Chánh niệm là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất

Đăng lúc: 14:43 - 16/09/2016

Sau mười ba năm xuất gia, Sư Cô Đặng Nghiêm nhìn lại sự nghiệp của mình trong ngành y và nhận ra rằng việc tu học trong tự viện và ngành y thực sự không khác gì nhau.


Tôi đã tốt nghiệp trường y và có gia đình, rồi tôi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng với cộng đồng tu viện của Ngài. Chẳng bao lâu sau đó, bạn đời của tôi đột ngột qua đời trong một tai nạn. Cái chết của anh ấy đã giúp tôi quyết tâm sống cuộc đời thiền định của một Phật tử. Tôi rời bỏ ngành y sau bảy năm đào tạo và trở thành một sư cô.


Cho đến nay, tôi đã sống đời tu sĩ được mười ba năm và tôi nhận thấy rằng bạn không cần phải lìa bỏ nghề nghiệp của mình để sống một cuộc đời chánh niệm. Cho dù là ngành y hay bất cứ một công việc nào khác, bạn luôn có thể sống chánh niệm trong từng hơi thở và trong chính thân này. Bạn có thể kết hợp thân và tâm làm một thay vì để chúng tách rời nhau. Khi bạn đứng lên, bạn biết rằng bạn đang đứng lên. Khi bạn duỗi người ra, bạn có thể theo dõi hơi thở và chuyển động của chính mình. Với sự chánh niệm và nhận thức được chính thân tâm của mình, bạn có thể lắng lòng để nghe một cách sâu sắc và bạn ý thức hơn về những gì đang xảy ra xung quanh. Sau đó, hãy mang nhận thức đó vào cuộc sống hàng ngày và công việc của bạn.


Hãy tưởng tượng rằng bạn là một bác sĩ và bạn đang lắng nghe một bệnh nhân. Nếu khi đang lắng nghe mà bạn lại suy nghĩ về các bệnh nhân khác trong phòng, và bạn hỏi bệnh nhân cùng một câu hỏi nhiều lần, điều này sẽ chỉ làm tăng thêm bệnh tật và nỗi sợ hãi của họ. Các bệnh nhân đã cảm thấy bị tổn thương vì phải nằm viện. Bây giờ họ cảm thấy rằng bạn không thực sự có mặt ở đó vì họ. Nếu bạn đang khám bệnh cho một người nhưng không để tâm vào đó mà tâm trí lại suy nghĩ về những bệnh nhân khác, bạn đang lãng phí thời gian của chính mình và của các bệnh nhân.


Giây phút hiện tại chính là giây phút duy nhất chúng ta có.


Đó là thời điểm duy nhất mà chúng ta có thể tạo sự khác biệt cho chính mình và cho những người khác. Cho dù chúng ta đang làm gì và với bất kỳ ai - cho dù là với chính mình, bệnh nhân, khách hàng, bạn bè, hay người lạ - nếu chúng ta thật sự đặt tâm trí mình vào từng hơi thở và cơ thể của chúng ta, chúng ta có thể sống trong thời điểm này một cách sâu sắc và thu được nhiều lợi ích.


Khi còn là một sinh viên y khoa, tôi đã khám cho một bệnh nhân bị ung thư túi mật giai đoạn cuối. Người ta mới chẩn đoán căn bệnh này ba tháng trước nhưng căn bệnh đã hoàn toàn bộc phát. Người bệnh nhân ở độ tuổi sáu mươi đã trở nên trầm cảm và không ăn uống gì. Ông ta trở nên thô lỗ và khắc nghiệt đối với các y tá và bác sĩ.


Ban đầu, ông cũng không thân thiện với tôi, nhưng dần dần ông đã mở lòng ra. Sau đó ông được hỏi ý kiến xem có đồng ý giải phẫu để chữa dứt căn bệnh ung thư một cách an toàn hay không. Ông cảm thấy rất miễn cưỡng và lo lắng. Tôi nói với ông rằng tôi hoàn hoàn ủng hộ ông đối với bất cứ quyết định nào mà ông đưa ra. Ông đã quyết định phẫu thuật nhưng thật không may, khi vừa mới bắt đầu, các bác sĩ nhận thấy rằng ung thư đã di căn đến các cơ quan lân cận và họ ngay lập tức đóng lại vết mổ và ngưng cuộc phẫu thuật.


Đêm đó tôi nhận được cuộc gọi và đã đến thăm ông vào lúc hai giờ sáng. Phòng có hai bệnh nhân và người bệnh nhân kia đã ngủ. Nguồn sáng duy nhất trong phòng là từ hành lang hắt vào. Tôi ngồi lặng lẽ bên cạnh giường của ông. Ông nói với tôi, "Bạn biết đấy, các bác sĩ, tôi không còn hy vọng ở họ nữa. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là giờ này đây tôi cảm thấy bình an hơn bao giờ hết".


Tôi chỉ ngồi với ông. Trước khi phẫu thuật, tôi đã kể cho ông nghe về cái chết của bà tôi ở Việt Nam. Bà biết bà sẽ chết và cảm thấy rất bình an. Bà gọi tất cả các con của mình tụ tập xung quanh bà và nhắc họ đừng để cho tôi và em trai của tôi biết việc bà qua đời, bởi vì chúng tôi ở Mỹ và bà không muốn việc học của chúng tôi bị ảnh hưởng.


Bà tôi vẫn tỉnh táo và bình yên trong những giờ cuối cùng của cuộc đời mình. Khi tôi biết được thông tin sáu tháng sau khi bà mất, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ về cái chết. Khi chúng ta sống tốt và ra đi thật yên bình, đó chính là một món quà cho chính chúng ta, và cũng là một món quà cho những người chứng kiến ​​cuộc sống và sự ra đi của chúng ta. Món quà của sự vô úy thật sự là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho những người thân yêu.


Tôi nói với bệnh nhân của mình "bà của tôi ra đi trong bình an và thanh thản. Ông cũng có thể chọn cách ra đi an nhiên như thế. Ông hãy nhớ lại tất cả những hồng ân mà ông đã nhận được trong suốt cuộc đời của mình và cảm tạ về những điều đó. Ông có thể ra đi, nhận biết được thời gian của cái chết trong sự an nhiên."


Khi bệnh nhân của tôi được chuyển về nhà, ông ta được tiêm morphine để giảm đau. Ông đã trở nên hoảng hốt và bạo lực. Vợ ông cảm thấy rất sợ hãi và đau buồn. Tuy nhiên, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông đã trở nên sáng suốt, minh mẫn. Bà vợ gọi cho tôi vào ngày hôm sau và nói rằng, "Anh ấy ra đi thật yên lành và thanh bình. Mặc dù không thể nói chuyện với tôi, anh ấy biết tôi đang ở bên cạnh, và điều đó làm tôi rất hạnh phúc! "Ít nhất hai lần cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đang hạnh phúc.


Trong khi tu học với tư cách là một sư cô, tôi không cảm thấy rằng tôi đã rời bỏ ngành y. Thật ra, chánh niệm là phương thuốc tốt nhất mà tôi có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của tôi để chăm sóc bản thân mình, và đó cũng là phương thuốc tốt nhất tôi dùng để chữa trị cho mọi người. Tôi không hối tiếc vì đã dành hai mươi bốn năm ở trường rồi sau đó trở thành một sư cô. Không có gì phải hối tiếc khi bạn tận tâm làm việc hết sức. Nếu bạn dồn tâm huyết để làm một việc gì đó, rồi thì cơ duyên khiến bạn chuyển sang một giai đoạn mới, làm một công việc mới, không có gì phải hối tiếc cả. Mỗi khoảnh khắc là một cơ hội để sống và khám phá bản thân.


Việt Dịch: Vi Trần

Ba câu chuyện kể về thứ đáng sợ nhất trên đời

Ba câu chuyện kể về thứ đáng sợ nhất trên đời

Đăng lúc: 21:23 - 04/12/2015

Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”

Thiền sư đáp: “Dục vọng!”
Người đó lộ vẻ hoài nghi.
Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.


Truyện thứ nhất: Bạc vàng đáng sợ

Một vị tăng nhân hốt hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo gặp hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.
Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.
Hai người bạn, không nhịn được liền nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật không thể hiểu nổi!”.
Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia: “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.
Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.
Hai người kia gạt phăng, hùng hổ nói: “Chúng tôi không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.
Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.
Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trước mắt, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”. Người kia cũng gật đầu đồng tình.


(Ảnh theo NTDTV)
Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói: “Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến chúng ta mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.
Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.
Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng: “Bằng hữu ơi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.
Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.
Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Truyện thứ hai: Người nông dân mua đất

Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói một người ở vùng khác có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất nói với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là của ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.
Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như hôm nay ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, thì chẳng phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.


(Ảnh theo Epochtimes)
Mặt trời vừa mới nhô lên, ông ta liền cất bước thật dài đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.
Ông ta cứ thế tiếp tục đi về phía trước, đến khi mặt trời sắp lặn rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không về kịp thì một tấc đất cũng chẳng có. Thế là ông ta vội vàng trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.
Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

Truyện thứ ba: Phật và ma

Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho hòa thượng một số tiền lớn để làm người mẫu cho ông.
Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.


(Ảnh: theo Epochtimes)
Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.
Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.
Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tìm hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.
Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.
Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.
Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”
Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.
Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.
Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.
Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.
Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.
Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.
Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.

Giá trị của khổ đau

Giá trị của khổ đau

Đăng lúc: 21:12 - 04/12/2015

Khổ đau đến giống như những ngày mưa gió bão bùng để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền. Tất nhiên, không ai muốn mình bị đau khổ và luôn tìm mọi cách để tránh né chúng. Nhưng đôi lúc, chúng ta cần có đau khổ để cảnh báo mình phải dừng lại để đánh giá cuộc sống của mình.

Những người đạt đến đỉnh cao hạnh phúc trong đời sống là những người biết hướng tâm nhiều về tâm linh và thường không quan tâm nhiều đến vật dục. Mỗi ngày, chúng ta phải trải qua một cuộc đấu tranh lớn bên trong nội tâm. Đó là cuộc đấu tranh giữa thể xác và tâm hồn. Thể xác là nơi phát sinh những đam mê vật dục mà mình sinh ra đã có sẵn, hay mình đã tạo tác trong quá khứ. Đau khổ thường xảy ra khi vật dục không được đáp ứng thỏa đáng, và tâm hồn thì cứ tiếp tục đòi hỏi thêm mãi. Nghĩa là thân và tâm không được hòa hợp, bình an.

giatrikd.jpg

Một người kia vừa mới chết và được sinh vào một nơi thật xinh đẹp, bao quanh với mọi thứ lạc thú không thể nào tưởng tượng được. Một người bận áo choàng trắng đến đón chào anh ta và nói: “Ngài có thể có mọi thứ ngài muốn - thức ăn, khoái lạc, mọi thứ giải trí”. Anh ta thật sung sướng, và cả ngày anh ta thử hết tất cả những món mà mình đã mơ ước khi ở trần gian. Nhưng một ngày kia, anh ta đâm chán với tất cả mọi thứ, và cho gọi người hầu đến, nói: “Tôi chán hết mọi thứ ở đây rồi, tôi cần một việc gì đó để làm. Ông có việc gì cho tôi làm hay không?”.

Người hầu buồn bã lắc đầu, rồi đáp: “Xin lỗi ngài. Đó là điều duy nhất chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của ngài. Không có việc làm gì ở đây cho ngài cả!”.

Nghe người hầu trả lời xong, anh ta bèn quát lớn: “Thật là hay chưa! Tôi chẳng thà sinh vào địa ngục”.

Người hầu đáp nhẹ nhàng: “Vậy ngài nghĩ ngài đang ở đâu đây?”.

Câu chuyện cho thấy, nếu sống ở đời mà không có khổ đau thì đời người thật trống vắng và buồn chán! Điều đáng nói ở đây là: Tại sao đau khổ lại cần thiết trong đời sống? Đau khổ sẽ mang lại lợi ích gì mà mình cần đến nó? Nếu chúng ta tư duy cho kỹ sẽ thấy tại sao Phật lại nói về Khổ đế (sự thật về khổ), một trong bốn sự thật (Tứ đế) trong bài giảng đầu tiên, Chuyển pháp luân.

Tại sao Đức Phật không khởi đầu bằng Đạo đế (sự thật về đạo diệt khổ)? Nhớ lại lịch sử khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc dạo chơi ngoài thành, Ngài đã trực tiếp nhìn thấy khổ đau. Ngài kinh ngạc phát hiện ra rằng những khổ đau này không chừa ai cả! Như lời ông Xa-nặc đã trả lời: “Hễ làm con người tức là phải có bệnh, có lão, và có tử. Không ai có thể tránh khỏi”. Ngài lại càng ngạc nhiên thêm khi thấy hầu như ai cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật này mà không hề làm một cái gì đó để thoát ra. Khổ đau là đầu mối khiến Thái tử Sĩ-đạt-ta ưu tư không dứt và là một trong những nguyên nhân khiến Ngài quyết tâm cầu đạo giải thoát.

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong một đoạn kinh văn có ghi: Sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài bèn lên đường trở lại giáo hóa cho 5 anh em Kiều Trần Như. Trên đường, Ngài có gặp một hành giả du-già khổ hạnh. Vị hành giả này thấy Phật tướng hảo, nhưng lại quá sạch sẽ, gọn gàng, trông không giống một vị du-già sư, bèn hỏi: “Ngài là ai? Tu hạnh gì? Sao trông nhẹ nhàng, tự tại vậy?”. Đức Phật trả lời: “Ta là Phật, là bậc Giác ngộ, đã thấu rõ mọi lẽ sanh diệt của tất cả các pháp thế gian nên không còn luân hồi sanh tử nữa!”. Vị du-già sư nghe xong, quay lưng bỏ đi. Ông vừa đi, vừa lắc đầu không tin, và trong đôi mắt có vẻ thương hại Phật vì nghĩ rằng Phật đã mất trí nên mới dám xưng tụng mình như vậy!

Câu chuyện cho chúng ta thấy nếu Phật chỉ nói về sự giác ngộ của Ngài thì có lẽ không ai có thể hiểu nổi! Cái mà chúng ta kinh nghiệm nhiều nhất đó là đau khổ. Và chính vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta cách nhìn thấy sự thật về đau khổ để tìm con đường diệt khổ (Đạo đế). Sự thật mà nói, dù chúng ta đã trải nghiệm nhiều về đau khổ, nhưng phần nhiều chúng ta chỉ biết sợ khổ; và hầu như, ít khi nào học được gì nhiều từ đau khổ. Bằng chứng là chúng ta luôn chạy theo vật dục để kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh né, càng nhiều càng tốt, tất cả những gì mang lại khổ đau. Thậm chí mình phát tâm tu là cũng vì ‘sợ khổ’. Thế mà oái oăm thay, mình lại cứ đụng phải khổ đau hoài!

Thực ra, khổ đau không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực đáng chán, đáng sợ; ngược lại, có nhiều lúc chúng ta cần có đau khổ để thức tỉnh bản thân. Như vậy, đau khổ là một vị thầy, nhắc nhở chúng ta biết hồi đầu hướng thiện. Cho nên trong 2 câu đầu của 10 điều tâm niệm, Phật dạy: “1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh. 2. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy”.

Cái bệnh khổ và hoạn nạn ở đây đóng một vai trò cần thiết trong đời sống tu tập. Đó là chúng giúp diệt trừ dục vọng và kiêu mạn. Như vậy, có tuệ giác nằm bên trong bệnh khổ và hoạn nạn. Chỉ có điều là chúng ta có nhìn thấy cái tuệ giác bên trong đó hay không? Vì phần nhiều chúng ta chỉ biết than oán và lo sợ. Chính tâm phiền não và sợ hãi này đã che lấp tuệ giác của mình, cho nên khiến mình không vận dụng được cặp mắt chánh tri kiến để thấy rõ giá trị của bệnh khổ và hoạn nạn.

Phật dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, chúng ta ngay lập tức buông bỏ, cũng giống như khi mình cầm lên cái chảo sắt đang nóng bỏng sẽ khiến mình rút tay lại. Khi chúng ta cảm thấy cái đau khổ cùng cực, mình sẽ muốn được giải thoát khỏi chúng ngay vì mình học được từ tuệ giác nằm bên trong mỗi kinh nghiệm, đặc biệt là càng thống khổ thì tuệ giác càng sâu.

Như câu chuyện về nàng Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả vô cùng sang giàu. Lên 16 tuổi, Liên Hoa Sắc lấy chồng, sinh một bé gái. Nhưng cảnh đời trớ trêu, cha chồng chết sớm, mẹ chồng loạn luân vô đạo, và đối xử tệ bạc với nàng. Quá buồn tình uất ức, Liên Hoa Sắc trốn nhà ra đi, bỏ con gái lại cho chồng, lang thang đó đây, kiếm kế sinh nhai. Sau đó Liên Hoa Sắc tái giá với một thương gia giàu có. Một hôm chồng bà dẫn về một nàng vợ hầu trẻ đẹp. Không ngờ, nàng vợ hầu của chồng lại chính là con gái của bà với người chồng trước. Chán nản thế thái nhân tình, Liên Hoa Sắc quyết đi làm gái bán hoa để phá hoại gia thất của các chàng sở khanh.

Một hôm, ngài Mục-kiền-liên đang trên đường đi khất thực, Liên Hoa Sắc đón đường ra chọc ghẹo. Nhờ có đạo lực, ngài Mục-kiền-liên dừng lại từ tốn hỏi thăm và quyết tâm thuyết phục người dâm nữ trở về nẻo thiện. Ngài dạy Liên Hoa Sắc: “Tâm hồn bất tịnh thì hãy đem Phật pháp mà tẩy. Đức Phật của tôi có hàng vạn pháp môn rất khế lý khế cơ, con người có thể tùy theo hoàn cảnh, khả năng, để chọn pháp môn tu tập”. “Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”, qua lời giải thích an ủi đầy đạo lý, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ, nét mặt trở lại tươi tỉnh, xin đi theo ngài Mục-kiền-liên để bái yết Phật. Liên Hoa Sắc được Phật cho phép xuất gia, trở thành Tỳ-kheo-ni gương mẫu, và về sau chứng quả A-la-hán, trở thành vị Thánh Tỳ-kheo-ni có thần thông đệ nhất.

Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đã thấu rõ tuệ giác bên trong hoàn cảnh đầy bất hạnh của mình. Khi quán chiếu sâu vào cuộc đời của Liên Hoa Sắc, chúng ta thấy sự nổi bật của đau khổ, luôn biến hóa, thay đổi tiến trình đời sống của bà. Nhưng chính nhờ những kinh nghiệm đau khổ ấy mà Liên Hoa Sắc đã dễ dàng thấu hiểu và thực hành đúng những pháp môn Phật đã chỉ bày, và nhanh chóng chứng đắc Thánh quả.

Đúng là: “Khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy”. Khổ đau là người bạn chân thật, không giấu giếm, khoe khoang, không màu mè, kiểu cách. Nó trực tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá trị mình đang theo đuổi có thực sự quan trọng như mình nghĩ hay không? Hoạn nạn cũng vậy, nó đã dạy chúng ta biết dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân giá trị của cuộc đời mình.

Nhờ có chánh tri kiến, chúng ta thấy rằng ai cũng cần có khổ đau. Chúng ta cảm thấy khổ đau không phải là một cái gì thật đặc biệt, chỉ có mình phải chịu như trong câu chuyện Phật dạy bà Ki-sa Go-ta-mi về cái chết của đứa con 7 tuổi của bà. Ai cũng đã từng trải nghiệm khổ đau, bất kể kẻ sang, người hèn. Cứ mỗi lần kinh nghiệm với khổ đau, chúng ta lại thấy được nhiều điều giá trị.

Và nếu chúng ta biết dừng lại, quán chiếu những kinh nghiệm đó, mình sẽ tìm thấy cái tuệ giác ngay chính trong kinh nghiệm khổ đau đó. Do vậy, khổ đau không còn là kẻ thù mà có thể là một người bạn tuy khó tính, nhưng rất chân thật mà ai cũng cần có để giúp mình tu tập, chuyển hóa.
Tuệ Nghiệp

Tìm thấy tranh Bồ-tát Quán Thế Âm thuộc thế kỷ 16

Tìm thấy tranh Bồ-tát Quán Thế Âm thuộc thế kỷ 16

Đăng lúc: 10:51 - 01/12/2015

Đức Quán Thế Âm Bồ-tát đang ngồi bắt chéo chân trên một hoa sen với một ấn tượng đức hạnh và dịu dàng. Đôi mắt từ bi của Ngài đang hướng về Thiện Tài Đồng Tử đang cung kính chắp tay.

Trong lúc Bồ-tát đang thuyết pháp cho nhà sư trẻ, thần Karttikeya mạnh mẽ đang bảo vệ Ngài. Một đóa sen vàng nở từ mặt nước và một con chim trên bầu trời đang ngậm một bông hoa trong miệng làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh.

vch 1.jpg
Bức tranh này, gần đây đã được tìm thấy ở Nhật Bản, được cho là đã được vẽ tại Hàn Quốc vào giữa thế kỷ 16 trong triều đại Joseon (ảnh).

Có 4 bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát như thế này được vẽ trong triều đại trên đã được tìm thấy cho đến nay.

Bức tranh vừa mới tìm thấy này là duy nhất trong số 4 bức miêu tả Bồ-tát trong tư thế chân bắt chéo.

Bồ-tát Quán Thế Âm trong các bức tranh vẽ trong triều đại Goryeo thường uốn cong một chân lên và hạ chân kia xuống. Trong các bức tranh được vẽ trong triều đại Joseon, Ngài thường nâng một đầu gối về phía trước và đặt một tay lên đó.

"Gần đây, một bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát rất độc đáo đã được tìm thấy trong một ngôi chùa tại Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản", Jeong Woo-take, giám đốc Bảo tàng Đại học Dongguk, một chuyên gia về tranh Phật giáo, nói.

"Dựa trên các kỹ thuật được sử dụng để vẽ khuôn mặt bầu bĩnh, phác thảo rõ ràng, và phân cấp của hoa sen, tôi cho rằng bức tranh được vẽ vào giữa thế kỷ 16". Theo Jeong, có 6-7 bản in gỗ tương tự như bức tranh này, bao gồm cả những bức trong chùa Guin, nhưng một bức tranh như thế này chưa bao giờ được tìm thấy.

Bức tranh mới được tìm thấy này được vẽ trên vải gai có kích thước 119,2 cm x 70,9 cm. Bức tranh có đặc điểm điển hình của tranh Phật giáo; nền đỏ và một phác thảo vàng được vẽ một cách cẩn thận. Jeong đánh giá bức tranh khi cho rằng, "Bức tranh này là một ví dụ đại diện của Hàn Quốc diễn giải lại các bức tranh của Trung Quốc. Nó bổ sung vào sự đa dạng của bức tranh Phật giáo được vẽ trong giai đoạn đầu triều đại Joseon".

Văn Công Hưng

Họa phước đến từ đâu?

Họa phước đến từ đâu?

Đăng lúc: 19:35 - 09/11/2015

Phước hay họa đều do nghiệp (hành động, tạo tác của con người thông qua suy nghĩ, lời nói, việc làm. Tạo nghiệp tốt thì gọi là thiện nghiệp. Tạo nghiệp xấu, ác thì gọi là bất thiện nghiệp hay ác nghiệp.


Có họa phước không?

Trong những tai nạn, hiểm họa như động đất, sóng thần, bão lụt, chiến tranh, dịch bệnh, hỏa hoạn… một số ít người may mắn được sống còn trong khi nhiều người khác không thoát khỏi cái chết. Sự may mắn đó người ta gọi là phước.

Có người vừa mới ra đời đã phải gánh chịu những bất hạnh khổ đau: bệnh hoạn, tật nguyền, bị vứt bỏ, hoặc sinh ra trong một gia đình khốn khổ, hoặc sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc… Cuộc sống đang an lành bỗng dưng tai ương xảy đến cho gia đình khiến tan nhà nát cửa, mất người thân, mất gia tài sản nghiệp… Những hoàn cảnh khốn khổ, những tai ương hoạn nạn, những nỗi khổ niềm đau ấy, người ta gọi là họa.

Phước và họa đều do nghiệp

Phước và họa không phải tự nhiên sinh ra cũng không phải do ông trời (Phạm thiên hoặc Thượng đế) hay thần linh sắp đặt. Có đấng siêu nhiên nào lại bất công ban hạnh phúc cho người này nhưng lại gieo khổ đau cho kẻ khác? Những con người hiền lành lương thiện, họ có tội lỗi gì lại phải gánh chịu những thảm họa đớn đau? Những kẻ gian ác, bất lương có được ân phước gì mà lại bình an, sống trong hoàn cảnh tốt? Tất cả những hiện tượng sai biệt và những vấn đề dường như bất công, phi lý ấy đều có những nguyên nhân gần và xa mà chúng ta không thấy, không biết hết.

Kinh Phật có ghi: Một lần có người hỏi Đức Phật nguyên nhân tại sao trên thế gian có quá nhiều sự sai biệt bất đồng: người sống lâu, kẻ chết yểu; người ít bệnh, kẻ nhiều bệnh; người đẹp, kẻ xấu; người giàu, kẻ nghèo; người có nhiều uy quyền, kẻ không có thế lực; người cao quý, kẻ thấp hèn; người thông minh, kẻ ngu khờ v.v…

Đức Phật cho biết tất cả những hiện tượng đó đều do nghiệp. Con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Chính nghiệp đã phân chia các loài hữu tình có hơn kém như thế. Đức Phật cũng cho biết cụ thể rõ ràng một số nghiệp nhân và nghiệp quả tiêu biểu dẫn đến sự sai khác giữa con người với con người, giữa các loài hữu tình với nhau:

Chết yểu là do nghiệp giết hại các loài hữu tình, không có tâm từ bi. Sống lâu là do từ bỏ giết hại, có tâm từ bi. Nhiều bệnh là do đời trước thường não hại các loài hữu tình. Ít bệnh là do không não hại các loài hữu tình. Tướng mạo xấu xí là do thường hay phẫn nộ bất mãn, tâm sân hận. Tướng mạo xinh đẹp là do không phẫn nộ bất mãn, tâm nhu hòa, từ ái. Nghèo là do không bố thí, cúng dường. Giàu có là do đã bố thí, cúng dường. Ít uy quyền là do thói ganh tỵ, đố kỵ với người được quyền lợi, người được tôn kính. Nhiều uy quyền là do không ganh tỵ, đố kỵ.

Sinh vào gia đình hèn hạ là do tâm ngạo mạn, kiêu căng, thường khinh khi kẻ khác, không kính người đáng kính, không trọng người đáng trọng. Sinh vào gia đình cao quý là do tâm khiêm tốn, nhún nhường, thường tôn kính người đáng kính. Không có trí tuệ là do không thường đến các bậc tu hành để học hỏi. Có trí tuệ là do thường đến học hỏi các bậc tu hành (Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, số 135, Trung bộ kinh III).

Phước hay họa đều do nghiệp (hành động, tạo tác của con người thông qua suy nghĩ, lời nói, việc làm. Tạo nghiệp tốt thì gọi là thiện nghiệp. Tạo nghiệp xấu, ác thì gọi là bất thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Trong kiếp sống hiện tại và nhiều kiếp sống quá khứ, chúng sinh đã tạo ra vô số nghiệp thiện ác cho nên phải chịu thọ nhận niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên những ai tạo thiện nghiệp nhiều thì đời sống sẽ nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc hơn những chúng sinh tạo nhiều bất thiện nghiệp. Do đó có người giàu sang, uy quyền tột bực và có người nghèo hèn, khốn khổ vô cùng.

Chúng sinh không thể nào nhớ được những nghiệp mình đã tạo ra trong kiếp sống quá khứ. Ngay cả trong kiếp sống hiện tại, con người cũng không thể nào nhớ hết những nghiệp nhân của mình đã làm. Do đó khi nghiệp quả xảy ra, phần nhiều chúng ta không biết đó là kết quả của nguyên nhân gì. Chỉ các bậc Thánh xuất thế gian như Đức Phật và các vị Bồ-tát, A-la-hán mới thấy biết rõ hành nghiệp của chúng sinh, những nghiệp nhân đã gieo và những nghiệp quả phải nhận lãnh của họ.

Phước là yếu tố rất quan trọng để hình thành đời sống an vui, hạnh phúc. Người có nhiều phước báo sẽ dễ dàng thành công trong cuộc sống, dễ dàng vượt qua những trở ngại, khó khăn và có được những gì mà đời sống thế gian mong đợi (quyền uy, sức khỏe, giàu sang, nổi tiếng, may mắn, hạnh phúc).

Ngược lại, họa là yếu tố khiến cho đời sống con người điên đảo, khiến cho họ phải chịu bất hạnh, khổ đau. Đối với người có phước, cuộc sống nhiều sung sướng, mãn nguyện bao nhiêu thì đối với người vô phước, cuộc sống nhiều cực nhọc, bất mãn và khổ đau bấy nhiêu.

Đánh giá một cách tương đối thì thế gian này vui ít khổ nhiều trong mắt của người ít phước báo; vui nhiều khổ ít trong mắt của người nhiều phước báo; khổ vui lẫn lộn, đan xen đến rồi đi không ổn định đối với người có tội lẫn phước báo xấp xỉ với nhau.

Rất ít người tạo được những phước nghiệp cần và đủ để có một đời sống hạnh phúc, đa phần có phước báo này nhưng lại thiếu phước báo khác, vì thế nhân loại không có bao nhiêu người mãn nguyện với cuộc sống này. Mặt khác, những ai tạo được phước nghiệp quá lớn đủ để sinh về các cõi trời thì họ không xuất hiện ở cõi người, nên bản chất của cõi người là không có niềm vui, hạnh phúc lâu dài, viên mãn.

Phần lớn chúng sinh cõi người đều thiếu phước báo để có được một đời sống mãn nguyện. Có những người thành đạt, nổi tiếng từ khi tuổi còn trẻ, nhưng có những người sống đến hết cuộc đời cũng chẳng làm được sự nghiệp chi, thậm chí cuộc sống bấp bênh, phải chịu cảnh khốn khổ, bần hàn và gặp nhiều tai ương hoạn họa.

Không phải người nào giàu sang, thành đạt hoặc có quyền uy, đều là người có tài năng và đạo đức. Cũng không phải ai nghèo khổ, khốn khó cũng đều là những kẻ bất tài vô dụng. Tất cả đều do nghiệp mà họ đã tạo ra trong hiện tại và quá khứ gần hoặc lâu xa, dẫn đến sự nhận chịu phước và họa nhiều hay ít.

Người có phước giàu sang nhưng không có phước thọ mạng. Do quá khứ có làm phước bố thí nhưng tạo nghiệp giết hại chúng sinh, cho nên sinh ra đời thụ hưởng sự giàu sang sung túc nhưng lại chết sớm khi tuổi đời còn trẻ. Ngược lại, có người có phước sống thọ nhưng không có phước giàu sang nên sống cả đời trong hoàn cảnh bần hàn khốn khó.

Người có tài năng, trí tuệ nhờ đời trước siêng năng nghiên cứu, học hỏi, thường gần gũi cầu học nơi các bậc hiền trí nhưng nếu không tạo nghiệp bố thí, không biết chia sẻ với người khác thì không có được phước báo giàu sang và ít có người ủng hộ.

Trong kinh Phước đức (Tiểu bộ kinh), Đức Phật dạy 10 phương pháp tạo phước đức cho mình và người, đây chính là cách kiến tạo đời sống an vui, hạnh phúc bền vững:

1. Lánh xa kẻ xấu ác, luôn thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính.
2. Sống trong môi trường tốt, được tạo tác nhân lành, được đi trên đường chánh.
3. Có học, có nghề hay, biết hành trì giới luật, biết nói lời ái ngữ.
4. Được cung phụng cha mẹ, yêu thương gia đình mình, được hành nghề thích hợp.
5. Sống ngay thẳng, bố thí, giúp quyến thuộc thân bằng, hành xử không tỳ vết.
6. Tránh không làm điều ác, không say sưa nghiện ngập, tinh cần làm việc lành.
7. Biết khiêm cung, lễ độ, biết đủ và nhớ ơn, không bỏ dịp học đạo.
8. Biết kiên trì phục thiện, thân cận giới xuất gia, dự pháp đàm học hỏi.
9. Sống tinh cần tỉnh thức, học chân lý nhiệm mầu, thực chứng được Niết-bàn.
10. Hành xử trong nhân gian, tâm không hề lay chuyển, phiền não hết, an nhiên. Ai sống được như thế, đi đâu cũng an toàn, tới đâu cũng vững mạnh, phước đức của tự thân (HT.Thích Nhất Hạnh dịch).

10 phương pháp trên chính là những thiện nghiệp sinh ra công đức, phước báo làm cho hữu tình (người, trời) được nhiều an vui, lợi lạc (Bởi loài người, trời mới có nhiều điều kiện thực hành những phương pháp này, còn chúng sinh ở các cõi khác như súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục bị nhiều khổ não bức bách nên rất khó tu tập).

Ngay khi sống theo những lời dạy trên chính là đang sống trong an lạc hạnh phúc (ở hiện tại) chứ không chỉ có hạnh phúc trong tương lai và đời sau. Càng thực hành được nhiều điều Đức Phật dạy thì hiện tại càng có hạnh phúc, và tương lai được sinh làm người có nhiều phước báo hoặc sinh về cõi trời. Chính vì thế mà 10 phương pháp trên còn được gọi là 10 phước đức hay 10 hạnh phúc, và bài kinh trên được gọi là kinh Phước đức hay kinh Hạnh phúc.

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Đăng lúc: 08:26 - 06/06/2015

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng: Phương pháp độ nhân, cần phải chú trọng “khéo léo đúng dịp”. Câu chuyện Đức Phật hóa độ Bạt Kiết Đế, người con gái đem lòng cảm mến tôn giả A Nan, chính là một minh chứng sống động về phương diện này.


Tôn giả A Nan trông vô cùng anh tuấn khôi ngô, Văn Thù Bồ Tát từng dùng “Tướng như thu mãn nguyệt, mục tựa tịnh liên hoa” để ca ngợi ngài.

Một hôm, tôn giả A Nan khát nước đến không chịu được, liền đến bên một thiếu nữ đang gánh nước xin chút nước uống. Thiếu nữ này tên là Bạt Kiết Đế, là tộc người Ma Đăng Già vốn bị mọi người xem là hạ tiện. Cũng giống như bao thiếu nữ quyền quý khác, cô cũng đã ngưỡng mộ A Nan từ lâu. Nhân thấy A Nan đến chỗ mình xin nước uống, lòng cô vui khôn tả xiết.

Tôn giả A Nan uống nước xong, cúi mình cảm tạ cô gái, trong lòng ngài không hiểu sao lại có cảm giác dường như đã quen biết cô từ rất lâu rồi.

Thiếu nữ nhìn theo hình bóng A Nan đi xa rồi khuất dần, bỗng sinh lòng mến mộ, từ đó cô chìm sâu vào nỗi nhớ tương tư của mối tình đầu, thần trí suốt ngày ngẩn ngơ như mất hồn mất vía.

Mẹ cô không ngừng gặn hỏi nguyên do, cuối cùng cô cũng nói ra sự thật. Người mẹ không nhẫn tâm nhìn thấy con gái ngày một gầy đi, liền nghĩ ra một mưu kế: Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú, có thể mê hoặc đàn ông, nếu như gạt A Nan đến chỗ này, mời người niệm chú, để cho họ gạo nấu thành cơm……

Một hôm, quốc vương Ba Tư Nặc mở hội đàn trai tăng cúng dường, Đức Phật cùng chúng đệ tử là những người được mời đến tham dự. Tôn giả A Nan vì đi ra ngoài chưa về, nên không thể đến dự tiệc hội trai tăng, đành phải tự mình cầm bát đi khất thực. Khi đi ngang qua trước cửa nhà của người thiếu nữ Ma Đăng Già, cô mỉm cười tiếp đón ngài, nói: “Tôn giả A Nan, ngài còn nhớ tôi không?”

Tôn giả A Nan thực tình vẫn chưa quên người thiếu nữ xinh đẹp này, liền cười cười gật đầu.

Thiếu nữ vô cùng xúc động nắm lấy tay A Nan, nói: “Hãy theo em vào nhà nào, vào nhà em nhận cúng dường”.

A Nan trong đầu mơ mơ màng màng đi theo sau cô gái, vào đến khuê phòng của cô, tôn giả cứ như khúc gỗ, mặc cho người ta sắp đặt, trong lòng rất muốn thoát ra, nhưng lại không làm gì được.

Lúc này, hội trai tăng cúng dường trong hoàng cung cũng vừa mới bắt đầu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ A Nan bị ma chú khống chế, không cách nào thoát ra được, liền căn dặn Văn Thù Bồ tát, dùng Lăng Nghiêm Chú mà giải cứu A Nan.

Văn Thù Bồ tát vội đến nhà thiếu nữ, dùng Lăng Nghiêm Chú hóa giải Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú. A Nan giật mình tỉnh ngộ, thoát khỏi sự khống chế của cô gái, lôi thôi lếch thếch trở về tịnh xá.

Thiếu nữ Ma Đăng Già không can tâm bỏ cuộc dễ dàng như vậy, ngày ngày cứ đứng chờ A Nan trước của tịnh xá, A Nan đi đến đâu, cô theo đến đó. Cuối cùng tôn giả A Nan hết cách, đành cầu xin Đức Phật giúp đỡ.

Đức Phật nói: “Ngày mai con hãy gọi cô gái đó đến đây, ta sẽ nói chuyện với cô ấy”.

Ngày hôm sau, cô gái theo A Nan đến gặp Đức Phật. Đức Phật không hề oán trách cô nửa lời, Ngài từ bi mà nói với cô rằng: “Tâm tình muốn được gả cho A Nan của con ta hiểu được, nhưng A Nan đã là người xuất gia, nếu con muốn gả cho y, thì con cần phải xuất gia tu hành một năm cái đã”. Thiếu nữ liền gật đầu đồng ý.

Đức Phật nói: “Xuất gia cần phải được sự đồng ý của cha mẹ, cha mẹ con đồng ý cho con xuất gia sao?”

Thiếu nữ đáp: “Bẩm Phật Đà! Từ nhỏ đến lớn cha mẹ con lúc nào cũng đều nghe lời con hết, họ nhất định sẽ đồng ý cho con xuất gia”.

Cứ như vậy, thiếu nữ Ma Đăng Già vui vui vẻ vẻ mà xuống tóc tu hành, trở thành một thành viên trong nhóm Tỳ Kheo Ni.

Sau khi xuất gia, dưới sự cảm hóa của Phật Pháp, trái tim nồng nhiệt ban đầu của cô, càng ngày càng trở nên tĩnh lặng, dần dần cô hiểu ra rằng tình cảm ràng buộc đối với A Nan ngày trước đều là sự ngu muội nhất thời mà thôi.

Phật Đà nói với chúng đệ tử rằng: A Nan và Bạt Kiết Đế 500 năm kiếp trước, trong một lần tình cờ gặp gỡ, hai người đã mỉm cười với nhau, từ đó mà dẫn đến tình duyên trong đời này.

Từ đó, Bạt Kiết Đế càng thêm nỗ lực tinh tấn tu hành, sau cùng cô trở thành một trong những người kiệt xuất trong nhóm Tỳ Kheo Ni, chứng đắc Thánh quả còn sớm hơn cả A Nan.

(Dựa theo “Câu chuyện mười đại đệ tử của Đức Phật”)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 133
  • Tháng hiện tại 61,887
  • Tổng lượt truy cập 23,468,136