Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Hãy tập tha thứ!

Hãy tập tha thứ!

Đăng lúc: 20:29 - 04/12/2016

Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy, nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt che khuất đi
Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên, thế là cao tăng lại phải thêm một lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử :
- Con mà còn lật nó lên, ta sẽ ăn luôn!
Người đệ tử nghe thầy nói thế thì không dám bới miếng thịt heo lên nữa
Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy :
- Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn , lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta ? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta
Cao tăng từ tốn nói :
- Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý . Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay , ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải là điều mà chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh chỉ biết lý mà bỏ quên người phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua
Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi con người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay đoạt lý mà quên người , như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục, trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng
Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở, phải biết cho người ta một lối thoát, vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.

Diệt trừ phiền não

Diệt trừ phiền não

Đăng lúc: 19:06 - 28/10/2015

Hỏi: Làm cách nào để diệt trừ được phiền não và niệm Phật được nhất tâm?



Đáp: Diệt trừ hết phiền não để niệm Phật được nhất tâm luôn là mục tiêu và nguyện vọng tha thiết của hầu hết những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần phải biết được phiền não từ đâu có? Biết được cội gốc của nó nằm ở đâu, thì mới có thể diệt trừ. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ tát Mã Minh chia tâm làm hai môn là Chân Như và Sinh Diệt. Một cái là tâm thể sáng suốt thanh tịnh và hai là cái tâm lăng xăng mê muội.

1- Nguồn gốc của phiền não:

Nếu chịu khó ngồi yên để quán xét kỹ, thì chúng ta sẽ biết được hằng ngày mình thường sống với cái tâm nào nhiều nhất. Khi ngồi tĩnh tọa hoặc niệm Phật hay nghe pháp, chúng ta có thấy được cái tâm sáng suốt thanh tịnh của mình không? Nếu không có nó, chúng ta không thể nghe thấy hay nhận biết được các sự vật ở bên ngoài. Tuy nhiên, thông thường chúng ta dễ bỏ quên cái tâm sáng suốt quý báu của chính mình, mà chỉ lo hướng theo sự nắm giữ những sự việc ở bên ngoài, cho nên suốt đời bị lầm lạc khổ đau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rằng: “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tất cả các đức Phật, từ Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca và cho đến sau này là Phật Di Lặc ra đời cũng chỉ vì một lý do cực kỳ quan trọng là chỉ bày cho mọi người thấy được cái tâm thanh tịnh, sáng suốt chân thật sẵn có ở ngay nơi mình, mà không phải làm một việc gì khác hơn nữa.

Đức Phật không bắt buộc tất cả mọi người phải bỏ hết vợ con, tài sản để đi vào chùa để được giải thoát. Nếu sống trong chùa mà không hóa giải được phiền não, thì chạy đi đâu cũng không thể thoát khổ. Bởi vì phiền não không ở ngoài tâm này, cho nên nếu không biết tu tập thì dù có bay lên trời cũng vẫn bị đau khổ phiền muộn. Những vật chất có hình tướng thì có thể vứt bỏ, còn cái tâm không hình tướng này thì làm sao bỏ? Chỉ còn cách quay trở về tâm này xét sâu cội gốc, tìm ra nguyên nhân mà hóa giải nó, thì mới được yên ổn. Chính cái tâm này là cội gốc của khổ đau phiền muộn và cũng chính nó là nguồn gốc của an lạc giải thoát.

2- Diệt trừ phiền não:

Muốn phá trừ tâm bám chấp vào thân này, thì cần phải thấy rõ được cội gốc của sự thật. Sự thật ấy nằm ở ngay nơi sự vay mượn trong từng hơi thở, không có gì là bền chắc của cái thân này. Do chúng ta không biết tu, không hiểu đạo và không gặp được chánh pháp, cho nên cả một đời cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất và vất vả tranh đấu, ra sức bon chen với cuộc sống cũng chỉ vì lo cho cái thân này được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lúc nào cũng muốn cho nó được đầy đủ sung sướng. Tuy nhiên, dù mình yêu quý, giữ gìn và lo lắng hết mức như vậy, nó vẫn không chung thủy với mình. Rồi một ngày nào đó, nó cũng bỏ mình ra đi không một lời từ biệt. Một khi bác sĩ tuyên bố thân này đã bị ung thư vào giai đoạn cuối hoặc nhiễm siêu vi B, C.v.v… thì mình chỉ còn biết khóc than. Thân này không bảo đảm bền chắc, dù có tồn tại lâu dài thì cuối cùng nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt. Do không thấu rõ được lẽ thật của thân này, cho nên chúng ta luôn bám chấp vào nó và lấy nó làm sự sống, cho nên đức Phật gọi đó là sự si mê hoặc vô minh.

Hai chữ ‘thọ trì’ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự tu học của chúng ta. ‘Thọ’ là nhận và ‘Trì’ là giữ. Nắm giữ danh hiệu Phật tức là chúng ta luôn giữ cho tâm của mình lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Chỉ cần sơ ý phóng tâm, buông mất câu danh hiệu Phật thì liền thấy người và vật có tốt, xấu, phải, quấy, hơn, thua. Làm mất tâm thanh tịnh trong sáng để chạy theo những ý niệm chúng sinh và chuốc lấy phiền não. Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta cứ mãi chạy theo những tâm niệm phiền não, mê lầm thì sẽ còn tạo nghiệp và bị khổ đau hoài, không thể nào dừng lại. Niệm Phật chính là con đường ngắn nhất để quay trở về cái tâm thanh tịnh sáng suốt. Tâm thanh tịnh sáng suốt đó không có tạo nghiệp xấu ác, cho nên không có chiêu cảm quả báo khổ. Tu hành là cốt để trở về với cái tâm thanh tịnh, không còn sống với phiền não vô minh và nhận lấy khổ đau nữa. Mỗi khi gặp việc buồn giận hoặc vui thích thì đều phải nhanh chóng quay trở về niệm thầm danh hiệu Phật: “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật”, mạng này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì hơn thua hoặc yêu ghét làm chi cho thêm mệt, trở về với tâm an lạc sáng suốt cho nhẹ khỏe. Luôn sống đúng như vậy là giữ được tâm thanh tịnh ngay trong môi trường ô nhiễm loạn động và được giải thoát ở ngay trong sự ràng buộc. Đó chính là phiền não tức Bồ đề.

Ngay từ bây giờ, nhiếp tâm vào từng danh hiệu Phật trong mỗi hơi thở, mỗi khi ăn uống, ngủ nghỉ hoặc mỗi lúc mặc quần áo cần phải thấy rõ được lẽ thật vay mượn mong manh của thân này, buông xả muôn duyên huyễn hoặc. Thực hành quán xét như vậy thì định huệ đầy đủ chỉ trong một danh hiệu Phật và dần dần chúng ta có được sức mạnh của trí tuệ để phá vỡ bức màn vô minh mê lầm. Khi mọi phiền não tan hết và trí huệ tròn sáng đầy đủ, thì hoặc nghĩ, nói hay làm việc gì cũng ở trong cái tâm an lạc sáng suốt và đều phù hợp với chánh pháp. Làm tất cả phước đức, công đức đó để trang nghiêm cho pháp thân thanh tịnh của mình trong kiếp này và muôn kiếp về sau. Đời này, chúng ta tu học theo chánh pháp được an lạc tốt đẹp, trang nghiêm thì đời sau sinh ra sẽ được công đức, phước huệ tròn đầy. Hạt giống tu tập đó được nhân thêm nhiều hơn trong những kiếp sau nữa và cứ tiếp tục tu tiến mãi cho đến kiếp cuối cùng khi tròn đầy công đức như Phật. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta con đường tu tập an lạc, giải thoát duy nhất này, dù tìm khắp cả thế gian cũng không có con đường nào khác, do đó mọi người cứ vững lòng mà tiến bước. Tu hành đúng theo chánh pháp thì ngay trong đời sống này luôn được an vui và khi chết sẽ nhẹ nhàng vãng sinh về Cực Lạc.
Thích Minh Thành

Nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng

Nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng

Đăng lúc: 09:43 - 05/06/2015

Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được vận dụng để minh họa cho thính chúng dễ hiểu, dễ liên hệ, nhận rõ ý nghĩa những lời dạy của Ngài. Nước sông Hằng đã được Thế Tôn dùng để chỉ cho nước mắt của chúng sanh khóc thương nhau trong những lần tử biệt sanh ly, chuyển lưu sanh tử trong nhiều đời kiếp.

Một trẻ thơ chào đời, mọi người thân đều vui. Một người nhắm mắt lìa đời, những người thân yêu đều tiếc thương, ngậm ngùi khóc than tiễn biệt. Nhịp sống cứ tiếp nối như vậy, trải qua biết bao lần vui buồn với tử sanh, khiến cho nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng, thậm chí nhiều hơn nước trong bốn biển.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào, Tỳ-kheo các thầy lưu chuyển sanh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng? Hay nước sông Hằng nhiều?
Các Tỳ-kheo đến trước bạch Phật:
- Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sanh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lành thay, lành thay! Các Tỳ-kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sanh tử, nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao thế? Ở trong sanh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên chán họa sanh tử, xa lìa pháp ấy. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Phi thường,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.527)

Thế Tôn nói một cách cụ thể về sự “thương nhớ khóc lóc không thể tính kể”, về “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” để chỉ cho chúng ta thấy rằng, mình đã trôi lăn trong luân hồi nhiều kiếp, mình đã trải qua vô lượng khóc than tiễn biệt nhau, nay được làm thân người “nên chán họa sanh tử” mà hướng đến vô sanh. Biết rằng rồi đây mình sẽ chết, sẽ kết thúc một đời vốn nhiều khổ đau và giả tạm này nhưng sau cái chung cuộc ấy thì cánh cửa nào sẽ mở ra?
Tam giới, lục đạo hay Cực Lạc, Niết-bàn hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức, cách sống và cách tu dưỡng của chính mình trong hiện tại. Nếu muốn sanh lên, muốn hướng thượng và thăng hoa thì cần xả buông. Buông được chừng nào thì càng nhẹ nhàng chừng nấy. Còn nắm giữ, dính mắc càng nhiều thì càng bị kẹt và nặng nề thêm, không thể thoát ra được.
Người con Phật phải nhận rõ khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi, chứng đắc Niết-bàn hay ít ra là thành tựu vãng sanh Cực Lạc. Giải thoát từng phần chính là sự thực hành xả buông trong đời sống hàng ngày.
Chán ngán cuộc luân hồi tử sanh vô tận (Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán) là tuệ giác đầu tiên, là nền tảng cho nguyện lực quyết buông bỏ những dính mắc và trói buộc thế thường để cất bước ra đi tìm đường thoát khỏi sanh già bệnh chết. Như Thế Tôn xưa, sau khi dạo bốn cửa thành thấy chán ngán tất cả mới đủ nguyện lực xả buông, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo.
Chúng ta ngày nay bước chân vào chùa, vào đạo là nguyện theo dấu chân xưa. Dẫu sống trong cuộc đời như bao người nhưng quyết không bị kẹt, không chìm đắm. Dẫu cũng tử sanh như bao người nhưng nguyện đó là lần sau cùng. Dẫu biết rằng giải thoát khỏi tử sanh là vượt sang bờ kia nhưng kỳ thực làm gì có bờ để sang, có tử sanh để vượt thoát.
“Sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải” chính là chỗ này. Khổ đau, sanh tử cũng từ tâm mình mà ra và cũng ngay nơi tâm mà diệt. Xả buông đến tận cùng, không chấp thủ bất cứ vật hay việc gì thì ngay đây, ngay nơi tử sanh mà giải thoát, ngay nơi cuộc đời “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” này chính là Cực Lạc, Niết-bàn.

Quảng Tánh (

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 16
  • Hôm nay 3,918
  • Tháng hiện tại 61,303
  • Tổng lượt truy cập 23,467,552