Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đừng lãng phí đời người quý báu này

Đừng lãng phí đời người quý báu này

Đăng lúc: 07:41 - 30/06/2015

Theo các giáo lý nhân quả và các ví dụ v.v.., thật khó tìm được sự tự do và thuận lợi. Cho dù ta được sinh làm một con người, vẫn còn những vùng đất rộng lớn không có Giáo Pháp. Việc chư Phật xuất hiện và giảng dạy Pháp thì vô cùng hi hữu. Đặc biệt là rất khó được nghe giáo lý Mật thừa. Cuộc đời không bền vững ngay cả trong chốc lát. Vì thế hãy suy nghĩ cẩn trọng, liệu bạn có thể lãng phí sự tự do và thuận lợi này?


Đừng Lãng Phí Đời Người Quý Báu Này
Nữ hành giả Tây Tạng với kinh luân trong tay

TA THƯỜNG NGHE NÓI rằng thật khó tìm được một thân người. Không phải là bất kỳ thân người nào mà là một thân người “quý báu” có nối kết với Giáo pháp – đó chính là điều khó đạt được. Điều này được mô tả trong nhiều quyển sách, chẳng hạn như Pháp Bảo của sự Giải thoát. Chính Đức Phật đã đưa ra ví dụ này:

Giả sử toàn thể thế giới này là một đại dương. Dưới đáy biển có một con rùa mù, một trăm năm mới nổi lên mặt biển một lần. Trên mặt nước là một cái ách có một cái lỗ ở giữa, bị gió thổi tới lui. Hầu như con rùa không thể chui đầu vào cái lỗ trong khúc cây đó. Tuy thế điều đó cũng còn dễ dàng hơn là có được một đời người quý báu.

Thường thì ai cũng ước muốn thoát khỏi mọi loại đau khổ. Vì thế, nếu ta sử dụng cuộc đời này một cách tốt đẹp nhất thì nó có thể khiến ta hoàn toàn thoát khỏi đau khổ. Nó có thể mang lại cho ta sự giác ngộ - đó là lý do vì sao thân người này vô cùng quý báu. Trong thế giới có nhiều hình thức sống khác nhau như các thú vật v.v.. Một số con vật có thể rất thông minh, nhưng nếu bạn bảo chúng “Đây là điều thiện lành và đây là điều bất thiện; hãy tránh điều bất thiện và thực hành thiện hạnh” hay “Đây là luân hồi sinh tử. Ta phải nỗ lực để thoát khỏi nó,” thì chúng chẳng có ý niệm gì về những điều bạn nói. Nhưng con người có tâm thức như chúng ta có thể hiểu được những điều này, và khả năng hiểu biết đó vô cùng quý báu.

Bạn có thể thấy có biết bao chúng sinh trong thế giới này. Hãy quên các cõi địa ngục và tất cả những cõi ta không nhìn thấy. Chỉ nghĩ về con người và các thú vật thôi, kể cả những loài chim, những con rệp nhỏ bé và các sinh vật biển. Trong số những con vật đó, bao nhiêu con có may mắn học Giáo pháp? Trong chúng ta là những người nghiên cứu và thực hành, ai thực sự nhìn vào tâm – có bao nhiêu người, và bao nhiêu người thành công trong việc thực hành Pháp? Rất ít! Đó là lý do khiến một hiện hữu làm người đầy ý nghĩa được cho là thật khó tìm.

Trong số tất cả các hành giả, có bao nhiêu người giác ngộ? Một ngàn vị Phật được cho là xuất hiện trong thời kiếp này, và bốn vị đã xuất hiện. Trong lịch sử của ta, chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện và giảng dạy trong hơn 2.500 năm. Vì thế các giáo lý mà ta nghiên cứu và thực hành vào lúc này thì vô cùng hiếm có.

Vì sao thế? Về cơ bản, nguyên nhân để có được một thân người là giới hạnh, chẳng hạn như mười đức hạnh (thập thiện). Nói gọn lại thì đó là
ba giới hạnh của thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm
bốn giới hạnh của ngữ: không nói dối, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời khó nghe, và không tham gia vào việc trò chuyện vô ích.
ba giới hạnh của tâm: không tham muốn, không có tư tưởng ác hại, và không giữ những tà kiến.

Nhiều bản văn nói rằng ta phải giữ giới hạnh như nền móng cho hiện hữu làm người. Nhưng như ta biết, thật không dễ thực hành mười thiện hạnh. Nếu ta không giữ giới hạnh, rất có thể ta sẽ bị sinh trong những cõi thấp, nơi không có cơ hội để nghiên cứu và thực hành Giáo pháp quý báu. Không chỉ có thế, ta sẽ không có sự an bình ngay cả trong cuộc đời này. Bởi nếu không có giới hạnh, ta sẽ không dễ dàng tìm thấy một đời người cao quý nên các Bồ Tát trì giữ giới hạnh thuần tịnh để trong đời sau các ngài lại có thể tái sinh làm người ở nơi có Giáo pháp.

Trong đời này, trì giữ giới hạnh nói đến việc tránh làm mười ác hạnh và thực hành mười thiện hạnh. Mười thiện hạnh là nguyên nhân chính yếu để có được đời người. Điều tối quan trọng là phải hiểu rằng các thiện hạnh đó là nền tảng của mọi giới hạnh; tất cả những giới luật khác được xây dựng trên nền móng này. Chẳng hạn như trên nền tảng này, ta thực hành sáu ba la mật và phát triển một ước nguyện thuần tịnh luôn luôn được gặp Giáo pháp và đạt được giác ngộ.

Hãy nhìn thẳng vào bản thân bạn và xem việc thực hành Pháp của bạn hiện nay mỹ mãn tới mức độ nào. Hãy thành thật. Nhìn vào tâm và xem các tư tưởng tiêu cực có giảm bớt mỗi tháng hoặc mỗi năm hay không, và các tư tưởng tích cực có phát triển không. Dường như năm này qua năm khác, sự việc vẫn y như thế, đúng không? Đó là lý do vì sao việc tịnh hóa các tập quán tiêu cực của ta được cho là vô cùng khó khăn. Với đời người quý báu này, nếu đủ nỗ lực, ta có mọi khả năng, mọi cơ hội, để giải thoát chính mình khỏi mọi tập khí xấu xa đó.

Mật thừa ám chỉ giáo lý Kim Cương thừa. Bởi những giáo lý này không được truyền xuống qua dòng truyền thừa của chúng, một số Phật tử đã nói rằng Đức Phật không giảng dạy các giáo lý đó. Họ tin rằng Kim Cương thừa là giáo lý do người Tây Tạng tạo nên bằng cách pha trộn Ấn giáo và đạo Bön. Tuy nhiên, vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chỉ có những đệ tử vĩ đại, đặc biệt như Vajrapani (Kim Cương Thủ) mới được nhận giáo lý Kim Cương thừa; Mật thừa không được giảng dạy rộng rãi. Vì thế, ta không nên xem thường Kim Cương thừa. Nhờ rất may mắn tích tập đầy đủ thiện nghiệp từ nhiều đời nên ta mới có thể nghe những giáo lý này. Được thôi thúc bởi sự hi hữu đó, ta hãy phát triển lòng can đảm và nhận trách nhiệm tuân theo các giáo lý ấy một cách chân thành.

Đôi khi ta có thể nghe giáo lý Mật thừa, nhưng ta có hiểu nó hay không? Nếu không hiểu thì ta không thực sự nghe giáo lý đó. Câu truyện ngụ ngôn dưới đây giúp ta hiểu rõ điều đó:
Có người hỏi con cú: “Vì sao đầu của bạn bẹt ra như thế?” Nó trả lời: “Đó là bởi tôi được đặt rất nhiều bình quán đảnh lên đầu.” “Vì sao bạn có lông tai?” “Bởi tôi không từng nghe ngay cả một lời Giáo pháp.”

Đây là câu chuyện ngược đời của những con cú. Con cú đã nhận rất nhiều quán đảnh nhưng không hiểu Giáo pháp. Tương tự như thế, ta cũng nhận nhiều quán đảnh nhưng tâm ta vẫn không thuần thục và vẫn trơ lì. Điều này không có nghĩa là ta không nhận được những gia hộ từ quán đảnh mà bởi những trông đợi mãnh liệt của ta đã không mang lại kết quả.

Cuộc đời không bền vững ngay cả trong chốc lát; nó trôi đi trong từng giây phút. Ta sinh ra và lớn lên; ta đang già đi mỗi ngày. Mọi sự trong đời ta đều vô thường. Một ngày kia ta sẽ đi qua đời sau, nhưng ta không biết mình đi đâu và khi nào sẽ đi. Hãy nhìn vào tâm. Có lúc ta tràn đầy nghị lực; ở phút giây kế tiếp, tim ta tan vỡ. Giây phút này ta thấy tốt lành; giây phút kế tiếp ta cảm thấy tệ hại. Giây phút này ta tràn trề niềm tin; giây phút sau ta hoàn toàn thất vọng. Tất cả những điều này diễn ra liên tục. Giống như tâm mỏng manh, cuộc đời cũng mỏng manh như thế.

Đời người này có thể tạo nên ác nghiệp mạnh mẽ như thế; không có hình thức sinh tồn nào khác có thể sánh với nó. Trái lại, nếu ta sử dụng đời người một cách tích cực, thân thể này có thể thành tựu rất nhiều và làm lợi ích chúng sinh; không hình thức sinh tồn nào khác có thể làm được điều đó. Vì thế, đời người của ta như một giao lộ: ta có thể đi xuống địa ngục hay đạt được giác ngộ. Cả hai con đường đều đầy uy lực. Giáo pháp cho ta một chỉ dạy về cách sử dụng cuộc đời này một cách tối ưu. Cùng lúc đó, đời người này hết sức vô thường, vô cùng mỏng manh. Nếu ta thở ra và không hít vào, cuộc đời ta đã chấm dứt.

Hãy suy nghĩ cẩn trọng. Xin hãy suy niệm về những điều này. Chắc chắn là mọi chúng sinh đều khát khao hạnh phúc. Cũng thật rõ ràng là mọi chúng sinh đều muốn thoát khỏi đau khổ. Họ là ai, họ được sinh vào loại văn hóa nào, hay họ có hệ thống niềm tin nào, điều đó chẳng có gì là quan trọng. Họ vẫn muốn thoát khỏi đau khổ cho dù không tin vào bất kỳ tôn giáo nào. Nhưng bạn thấy đấy, hạnh phúc không đến chỉ bằng cách nói “Tôi muốn nó.” Đau khổ không ra đi bởi bạn nói bạn không mong muốn nó. Điều này cho thấy hạnh phúc và đau khổ là những kết quả được tạo ra. Do bởi điều đó, mọi người đều nỗ lực và làm việc cực nhọc trong đời họ, dù họ có tâm linh hay không, dù họ nghiên cứu Giáo pháp hay công nghệ. Họ tìm kiếm những gì mang lại hạnh phúc cho họ, điều gì để thoát khỏi đau khổ. Mọi người đều bận rộn mà không thoát khỏi đau khổ.

Đức Milarepa nói: “Để thoát khỏi đau khổ, chúng sinh tạo thêm đau khổ.” Ta không cố ý làm điều này. Như thế điều gì xảy ra? Kiểu mẫu đau khổ của ta được tạo nên bởi mê lầm và vô minh. Giáo pháp chỉ cho ta con đường, cách thức chân thực để hiểu biết về đau khổ và thoát khỏi nguyên nhân của nó. Điều đó rất quan trọng và đó là lý do vì sao ta hết sức tôn kính Giáo pháp. Dù sao chăng nữa ta cũng đang làm việc, vì thế tại sao không nỗ lực thêm chút nữa trong việc nghiên cứu và thực hành Pháp, là điều mang lại cho ta trí tuệ sâu sắc để thấu hiểu nguyên nhân đích thực của việc thoát khỏi đau khổ? Điều này vô cùng hợp lý.

Tất cả những Đạo sư vĩ đại trong quá khứ đã làm việc khó nhọc để bảo tồn Giáo pháp nhờ đó ngày nay chúng ta có được những giáo lý đó. Giờ đây ta có trách nhiệm nghiên cứu và thực hành Giáo pháp quý báu này để duy trì nó cho những thế hệ mai sau. Hãy lấy tiểu sử của Đức Marpa làm ví dụ - ngài đã hy sinh cuộc đời cho Giáo pháp ra sao. Với đôi chân, ngài đã du hành sang Ấn Độ qua những cánh rừng rậm, nóng bức và đầy những kẻ cướp và dã thú. Không có những con đường, không có máy bay hay xe lửa, không có máy điều hòa không khí, không có ngay cả những chiếc quạt điện. Sau khi thọ nhận những giáo lý vĩ đại, ngài nói: “Trong một chuyến du hành dài như thế, ta đã đi bộ trong rừng rậm nóng bức, nơi có nhiều dã thú. Mặc dù tâm ta rất kiên cố, thân ta hầu như quỵ xuống khi nghe tiếng hổ gầm và tiếng sột soạt của những con rắn.” Ngài phải mang mọi thứ trên lưng – thực phẩm, quần áo, tiền bạc, kinh sách. Ngài đã du hành tháng này qua tháng khác mà thậm chí không biết mình có thể tìm thấy giáo lý ở đâu. Trong chuyến đi Ấn Độ lần thứ ba, ngài không biết chỗ ở của Naropa, vì thế ngài đã tìm kiếm nhiều tháng trong khi cầu nguyện, thiền định, khẩn cầu, bôn ba khắp nơi. Nhờ ngài hy sinh như thế mà ngày nay chúng ta có được Giáo pháp quý giá này. Vì thế ta nên gánh vác trách nhiệm duy trì Giáo pháp và đừng xem thường những giáo lý ấy.

Marpa nhận giáo lý vào ban ngày và sau đó thực hành vào ban đêm. Nhờ nỗ lực như thế, ngài đã thành tựu như một Đạo sư vĩ đại và đã dịch nhiều bản văn Giáo pháp quan trọng từ Phạn ngữ sang tiếng Tây Tạng. Vì thế ta không nên thực hành chỉ vì lợi lạc của riêng mình, nghĩ rằng: “Làm sao tôi có thể hạnh phúc trong sinh tử?” Thay vào đó, hãy mở rộng trái tim bạn và tạo lập một tâm thức to lớn. Hãy phát triển lòng dũng cảm và làm việc để củng cố Giáo pháp. Mỗi cá nhân quan tâm đến Giáo pháp có trách nhiệm giải thoát khỏi đau khổ vì lợi lạc của những thế hệ mai sau, giống như đại dịch giả Marpa đã làm.

Khi suy xét đời người quý báu ra sao và việc tạo lập mọi nhân duyên để đạt được giác ngộ khó khăn thế nào, làm sao ta có thể lãng phí cơ hội quý báu này?

Trích dịch từ nguyên tác “A Complete Guide to the Buddhist Path” by Khenchen Konchog Gyaltshen edited by Khenmo Trinlay Chödrön

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Chế ngự sân hận

Chế ngự sân hận

Đăng lúc: 08:03 - 24/06/2015

Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.
Chuyển hóa sợ hãi và căm ghét


Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.

Nói chung, khi ta tức giận hay bị tổn thương, ta cảm thấy như mình là nạn nhân của những hành động ác hại từ người khác. Ta thấy mình là người vô tội, đang phải hứng chịu một cách bất công những hành vi của người khác. Chúng ta nổi giận hay cảm thấy bị tổn thương vì ta nghĩ rằng những người kia là sai trái hay xấu ác,. Cả cơn giận và sự tổn thương đó đều [khiến cho ta] không chịu thừa nhận những gì đã xảy ra.

Nhiều người sống trong tâm trạng của những “nạn nhân”, thường xuyên cảm thấy vô vọng, thấy mình bị ngược đãi và luôn lo lắng sợ sệt. Tuy nhiên, càng thấu hiểu được hoạt động của tâm thức và sự vận hành của nhân quả trong dòng tâm thức tương tục của mình, ta sẽ càng nhận biết rõ hơn rằng cách nhận hiểu vấn đề của ta trong hiện tại, cũng như những hành động trong quá khứ, đóng vai trò quyết định trongsự tiến triển của những gì ta đang trải nghiệm. Bằng cách nào đó, chúng ta là người chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra với ta. Hiểu được điều này, chúng ta phải có trách nhiệm bắt tay vào việc cải thiện tình trạng của bản thân mình.

Để hiểu rõ được những trường hợp bất như ý và làm dịu đi lòng sân hận đối với những trường hợp đó, chúng ta có thể tự đặt ra một số câu hỏi mấu chốt. Để suy xét lại cách nhận hiểu của mình, ta có thể tự hỏi: “Liệu tôi nhận hiểu về tình trạng đó có chính xác không? Liệu sự nổi giận có phải là một phản ứng thích hợp?” Bằng cách suy xét sự vận hành của nhân quả, ta có thể đặt câu hỏi: “Tại sao điều này xảy đến với tôi? Liệu tôi có từng gặp phải những tình trạng tương tự như thế này nhiều lần trước đây? Và nếu như vậy thì tại sao?” Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về cả hai khía cạnh này.

Suy xét sự nhận hiểu vấn đề

Liệu ta có nhận hiểu được sự việc một cách chính xác? Cơn giận đã khởi sinh trong ta như thế nào? Khi có ai đó chỉ ra lỗi lầm của mình, ta liền cảm thấy như thể là sự tổn thương ta đang chịu đựng đó đã được chuyển từ người kia sang cho ta. Dường như trong lời lẽ của người kia tự nó đã hàm chứa tính chất gây thương tổn, và về phía mình thì ta chỉ đơn thuần tiếp nhận sự tổn thương sẵn có trong những lời lẽ đó mà thôi.

Nếu điều đó là đúng thì hẳn là chúng ta có thể xác định được sự thương tổn nằm ở đâu trong những lời lẽ đó. Cô ấy nói: “Bạn là đồ kém cỏi!” Vậy thì cảm giác khó chịu nằm ở đâu? Sự thương tổn nằm ở đâu? Có phải nó ở trong từ “bạn”, trong từ “là” hay trong cụm từ “đồ kém cỏi”? Câu nói “Bạn là đồ kém cỏi” mà cô ấy phát ra chỉ là những sóng âm. Cảm giác khó chịu nằm ở đâu trong những sóng âm rung động truyền qua không khí? Giả sử bạn đang ngủ say [không nghe thấy gì] khi cô ấy lên tiếng xúc phạm bạn, liệu bạn có thấy tức tối không? Hoặc giả cô ấy nói ra bằng tiếng Mông Cổ (và bạn không hiểu được thứ tiếng đó!), liệu bạn có cảm thấy bị tổn thương không?

Sự tổn thương đã khởi lên như thế nào từ những lời lẽ nặng nề kia? Đó không phải do tai ta nhận được những sóng âm của lời lẽ đó. Chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của những lời ấy, nhưng ý nghĩa đó tự nó không hàm chứa sự tổn thương, vì nếu nó nhằm vào một người nào đó mà mà ta không thích, thì những từ ngữ “bạn là đồ kém cỏi” hẳn không có gì là khó chịu khi lọt vào tai ta.

Sự tổn thương kia xuất phát từ chính suy nghĩ của chúng ta: “Cô ấy đang nói về tôi! Chính tôi! Sao cô ấy dám nói về tôi như thế?” Chúng ta càng nghĩ đến những gì đã xảy ra thì ý niệm về cái “tôi” càng trở nên lớn mạnh hơn. Chúng ta nhìn nhận sự việc chỉ từ một phía - phía của riêng ta - và rồi nghĩ rằng sự việc đã diễn ra đúng thực như thế. Chúng ta tin vào quan điểm phiến diện của mình và cho đó là hoàn toàn khách quan.

Bất kỳ tình huống nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau để xem xét. Khi ta nhìn một cái tách từ bên trên thì hình dạng của nó có vẻ như khác với khi ta nhìn theo chiều ngang. Thật khó để chứng minh rằng những quan điểm xuất phát từ tâm chấp ngã lại là những quan điểm duy nhất đúng đắn! Suy xét như thế sẽ làm lắng dịu cơn giận của ta.

Một cách khác để chế ngự cơn giận là hãy nhớ rằng, có thể có một chuyện gì khác đã xảy ra khiến cho người kia nặng lời. Có thể anh ta đang gặp khó khăn trong một phương diện khác của đời sống, và ta chỉ tình cờ trở thành đối tượng để anh ta trút giận. [Trong trường hợp đó,] chẳng có gì [thực sự] nhắm vào ta cả, nên chẳng có lý do gì để ta xem đó là xúc phạm rồi nổi giận.

Liệu việc nổi giận có phải là một phản ứng thích đáng? Người đã xúc phạm chúng ta cũng là một chúng sinh luôn mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau, cũng giống như chúng ta. Phương thức mà anh ta đang sử dụng có thể là sai lầm, nhưng mong muốn của anh ta cũng giống như ta: muốn được hạnh phúc. Bằng việc mở rộng nhiều khía cạnh nhận thức và quên đi chính mình trong chốc lát, ta sẽ nhìn thấy được một con người đang đau khổ, giận dữ và mất bình tĩnh. Chúng ta biết rõ cảm giác khổ đau là như thế nào. Chúng ta biết rõ là ngay lúc này người ấy đang cảm thấy khổ sở như thế nào. Sao lại nổi giận với một người đang đau khổ? Người đó lẽ ra phải được ta khởi lòng bi mẫn, thương xót.

Còn nếu chúng ta quả thật đã mắc sai lầm và có ai đó chỉ ra điều ấy thì sao lại nổi giận? Nếu có người bảo ta rằng trên khuôn mặt ta có cái mũi, ta sẽ không bực tức, vì đó là sự thật hiển nhiên. Cũng vậy, nếu ai đó nhận ra lỗi lầm của ta, những gì người ấy nói là sự thật. Ta thực sự có lỗi, ta nợ người ấy một lời cảm ơn. Người ấy đã chỉ cho ta phương cách để hoàn thiện bản thân mình. Trái lại, nếu người ấy đỗ lổi cho ta một cách không đúng, ta cũng không cần nổi giận. Nếu có người nói rằng trên đầu ta có sừng, ta không nổi giận vì biết rõ đó là chuyện không đúng thật.

Chúng ta thường giận dữ khi xảy ra một điều gì đó mà ta cho là không đúng như ý ta. Nhưng sự giận dữ đó liệu có ích gì? Nếu chúng ta có thể làm thay đổi tình thế thì hãy tiến hành ngay việc đó. Không cần gì phải giận dữ. Cách suy nghĩ như vậy rất hữu ích đối với các vấn đề xã hội và bất công. Đó là những vấn đề có thể làm thay đổi, nên thay vì nổi giận thì việc giữ bình tĩnh và nỗ lực cải thiện xã hội sẽ là khôn ngoan hơn.

Trái lại, nếu tình trạng đó là không thể thay đổi, thì sự giận giữ cũng là vô ích. Một khi chân ta bị gãy, ta không thể thay đổi điều đó! Tất cả những suy đồi trên toàn thế giới không thể giải quyết chỉ trong một năm. Việc giận dữ với những điều ta không thể thay đổi được sẽ khiến ta đau khổ. Lo lắng hay sợ sệt về những điều chưa xảy ra sẽ khiến ta trì trệ. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã dạy:

Việc có thể cứu vãn,
Thì giận dữ làm gì?
Bằng như không giải pháp,
Buồn giận cũng vô ích!

Suy xét về nhân quả

Sự vận hành của nhân quả là tư tưởng trọng tâm trong Phật giáo. Điều này sẽ được giải thích đầy đủ hơn ở một chương sau nữa; tuy nhiên, ý nghĩa cơ bản là hành động của ta sẽ mang lại nghiệp quả. Ta không thể biết ngay tất cả nghiệp quả của một hành động, vì cũng giống như việc phải mất một thời gian để hạt mầm đâm chồi rồi phát triển thành cây, những hành động của chúng ta cũng cần có thời gian để tạo thành nghiệp quả.

Khi hiểu được sự vận hành của nhân quả, chúng ta sẽ hiểu được rằng những hoàn cảnh mà ta gặp phải trong cuộc sống không phải là do sự ngẫu nhiên. Chúng là kết quả của những hành động ta đã làm trong quá khứ. Giống như những cái vòng bu-mơ-rang [của thổ dân Úc], khi ném ra bay theo vòng tròn rồi sẽ trở về đúng chỗ người ném. Cũng vậy, ta đối xử với người khác như thế nào thì ta sẽ nhận lãnh như thế ấy. Sự giải thích của đạo Phật về nhân quả cũng tương tự như ý tưởng của đạo Thiên Chúa: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.”

Nếu xem xét lối hành xử của mình với người khác, ta sẽ thấy được rằng thái độ và cách ứng xử của ta không phải lúc nào cũng mẫu mực. Chúng ta đã từng cắt đứt tình thân hữu, xúc phạm, lạm dụng hoặc nói xấu người khác hay trộm cắp tài sản của họ. Vậy thì có gì lạ khi chúng ta phải tự mình nhận lấy những điều tổn hại? Có thể gần đây ta không hề xử tệ với người hiện đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong quá khứ chúng ta đã từng làm tổn hại những người khác. Khi nghiệp quả từ những hành động của chính ta đã chín muồi, chẳng có ích gì trong việc than trách hay oán giận, vì suy cho cùng thì chính bản thân ta đã hành động để đặt ta vào tình trạng đó. Như bậc thánh vĩ đại của Ấn Độ, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói:

Xưa kia ta tạo nghiệp,
Nay phải chịu quả báo.
Mọi sự do ta cả,
Sạo lại oán hận người?

Điều này không có nghĩa là ta nên vui vẻ trong sự đau khổ hoặc quy lỗi cho bản thân mình. Đúng hơn, ta nhận biết vai trò [trách nhiệm] của mình và học được bài học từ đó. Nếu ta muốn tránh quả báo khổ đau mà hiện giờ mình đang thọ nhận, ta sẽ phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ là chấm dứt mọi hành động có thể đưa đến quả báo tương tự trong tương lai. Điều này sẽ khiến ta luôn ghi nhớ không gây hại cho người khác. Từ nay, bất kỳ lúc nào sắp mất đi sự bình tĩnh, ta sẽ biết dừng lại để suy xét kỹ. Rút ra bài học từ những tình cảnh bất như ý, ta sẽ phát tâm dõng mãnh tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Bằng cách đó, ta sẽ chuyển hóa nghịch cảnh khó khăn thành một tình huống có lợi.

Chúng ta có thường nhận ra chính mình trong những tình huống tương tự, liên tục phản ứng theo cách tương tự? Nếu có, thì tại sao? Chúng ta có thể xét mình để thấy, liệu ta có thói quen bất cẩn, buộc người khác phải sửa lỗi cho ta hay không. Nếu là như vậy, thì người ấy trong thực tế đã thật tốt bụng khi chỉ ra lỗi lầm cho ta, vì điều này giúp ta có cơ hội để hoàn thiện. Việc người ấy có thể đã to tiếng khi chỉ lỗi cho ta lại là một việc hoàn toàn khác. Điểm chính ở đây là, chúng ta cần tỉnh giác hơn về việc những hành vi của ta ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Và người này đang giúp ta phát triển một sự tỉnh giác như thế.

Chúng ta cũng có thể theo dõi xem liệu ta có thói quen cảm thấy bị tổn thương hoặc giận dữ khi bị chỉ trích hay không. Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm và dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm. Nếu ai đó hành động theo cách mà chúng ta đặc biệt không thích, ta cường điệu hóa tầm quan trọng của việc ấy, làm cho nó trở thành cụ thể và không sao quên được. Rồi chúng ta ôm giữ mối hiềm hận đó qua nhiều năm. Đây là nguồn gốc của rất nhiều sự oán hận trong gia đình.

Việc ta ôm giữ mối hiềm hận đó trong lòng không gây tổn thương gì đến người kia, vì họ có thể đã quên đi sự việc từ rất lâu. Nhưng mối hiềm hận ấy làm chúng ta đau khổ trong nhiều năm. Người kia chỉ nói ra những lời ấy có một lần, nhưng ta thì cứ nhắc lại chúng nhiều lần trong nhiều năm, và mỗi lần đều làm cho chính ta đau khổ. Vì sự lợi lạc của chính mình cũng như sự hòa hợp với người khác, tốt hơn là chúng ta bớt đi sự nhạy cảm và buông bỏ mọi việc.

Cứng rắn hay thụ động?

Phải chăng điều đó có nghĩa là ta để mặc cho người khác áp chế? Hoặc ta sẽ để cho ai đó làm hại chính bản thân họ hoặc người khác, chỉ vì việc ngăn cản người ấy cần phải to tiếng hay dùng đến vũ lực? Hoàn toàn không. Nhẫn nhục không có nghĩa là cầu an. Người nhẫn nhục luôn giữ tâm an định, nhưng hành vi phát khởi từ tâm nhẫn nhục có thể là mạnh mẽ hoặc ôn hòa.

Trước hết, chúng ta phải từ bỏ tâm sân hận. Khi biết mình đang nhận thức tình huống thông qua cái nhìn hẹp hòi của sự chấp ngã, chúng ta sẽ dừng lại và dành đôi chút thời gian để nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn. Chúng ta sẽ suy xét xem vấn đề được nhìn nhận như thế nào từ phía người kia, và điều gì là quan trọng đối với người ấy. Chúng ta sẽ tự xét lại xem những hành vi đã qua cũng như hiện nay đã lôi kéo ta vào tình huống này như thế nào.

Khi cơn giận đã lắng dịu, sẽ nhường chỗ cho từ bi và nhẫn nhục. Một tâm thức sáng suốt, không còn sự nóng giận hung hăng và thiển cận, sẽ có khả năng xem xét một cách thực tiễn những giải pháp khác nhau và chọn ra được giải pháp nào là tối ưu cho mọi người trong cuộc.

Đôi khi chúng ta cần phải nói năng mạnh mẽ để đạt hiệu quả trong giao tiếp. Nói năng cứng rắn với một thái độ bi mẫn khi tình huống đòi hỏi là một kỹ năng quan trọng. Điều này hoàn toàn khác biệt với sự quát tháo trong cơn giận không kiềm chế, khi mà việc giữ im lặng hay nhận lỗi, hoặc giải thích tình huống của mình với sự tôn trọng, sẽ là khôn ngoan hơn. Động cơ [của hành vi], vốn là trạng thái bên trong tâm thức chúng ta, không nên nhầm lẫn với những hành động và lời nói mà ta sử dụng để ứng xử với người khác.

Bất kỳ khi nào có thể được, ta nên tránh những hành vi bạo lực. Nếu như sử dụng vũ lực là cách duy nhất để ngăn cản không cho một người nào đó làm hại bản thân hoặc người khác, thì với lòng bi mẫn đối với cả người bị hại lẫn người gây hại, chúng ta sẽ thực hiện đúng mức những gì cần thiết để ngăn cản. Vì thế, điều quan trọng là phải giữ tâm an hòa trước khi hành động. Nếu ta hành động dưới ảnh hưởng của sân hận, ta rất có thể sẽ dùng đến những lời nói hay việc làm cứng rắn khi không cần thiết, hoặc khi cần thiết thì lại sử dụng quá đáng.

Vì mục đích giao tiếp, đôi khi chúng ta buộc phải nói năng cứng rắn - để nói lên hiểu biết của ta về những gì là đúng hoặc không đúng, có lợi hoặc không có lợi. Điều này có thể được làm với tâm không sân hận. Nếu người kia đã nói năng sai trái hay giận dữ, và chúng ta cũng làm như vậy thì ai đúng, ai sai? Sự giận dữ phá hỏng đi những gì ta nói và làm. Một tâm thức an định có thể giải quyết tình huống theo cách lợi lạc nhất.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Đăng lúc: 08:02 - 24/06/2015

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.


Buông bỏ khổ đau

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.

Sự ghen tỵ có thể hủy hoại các mối quan hệ từ bên trong. Ta ghen tỵ với người khác bởi vì họ có quan hệ với người ta yêu thương. Ta ghen tỵ trong môi trường làm việc khi có người khác nhận được công việc ta mong muốn. Khi một người khác chơi bóng đá giỏi hơn ta, chơi đàn guitar giỏi hơn ta, có nhiều y phục hợp thời trang hơn ta, hoặc được nhận vào một trường học tốt hơn... ta đều ghen tỵ. Sự ghen tỵ còn liên quan đến cả những cuộc tranh chấp biên giới giữa các quốc gia và trong sự bất hòa giữa các đảng chính trị trong cùng một nước.

Đôi khi, ta quá ghen tỵ đến nỗi mất ngủ hay không thể tập trung vào công việc. Tâm ghen tỵ thúc đẩy ta có những lời nói hay việc làm hủy hoại sự an vui và hạnh phúc của người khác. Nó biến ta thành kẻ gian giảo, không trung thực.

Sự ghen tỵ xuất phát từ nhận thức sai lầm của chúng ta về một tình huống. Với tâm chấp ngã cao độ, sự ghen tỵ đưa đến ý tưởng: “Hạnh phúc của tôi quan trọng hơn của bất kỳ ai khác. Tôi không thể chịu được khi người khác có được hạnh phúc mà tôi mong muốn.”

Phương thức đối trị là hãy nhận thức tình huống với một tâm hồn rộng mở hơn, không chỉ xem xét đến những hạnh phúc, lợi ích hay tổn hại của riêng ta, mà còn của những người khác nữa. Hãy nhớ rằng, những người khác cũng đều mong muốn hạnh phúc, cũng vui mừng khi nhận được những lợi ích vật chất và cơ hội tốt đẹp, cũng thích thú khi được giao hảo với những người tốt bụng, và cũng trân trọng những lời khen ngợi. Khi suy nghĩ như vậy, điều đó sẽ tác động sâu xa đến tâm thức ta.

Khi một người khác có được điều gì đó tốt đẹp, tại sao ta không thấy vui theo? Chúng ta thường nói, thật tuyệt vời khi người khác có được hạnh phúc. Giờ đây, có người được hạnh phúc và ta thậm chí đã không phải làm bất cứ điều gì để giúp mang lại niềm hạnh phúc ấy! Việc tự làm khổ mình với lòng ghen tỵ thật không có ý nghĩa gì cả.

Chúng ta không phải bao giờ cũng là người tốt nhất hay có được những thứ tốt nhất. Một đứa trẻ khóc lóc, tranh cãi và cố phá hỏng niềm vui của bạn, khi bạn nó có được cái mà nó không có. Chúng ta là những người lớn có trách nhiệm làm gương cho trẻ con, là những công dân có trách nhiệm tạo sự hòa hợp trong xã hội, nên sẽ rất hữu ích nếu ta để lòng mình hạnh phúc và vui theo với những điều tốt đẹp của người khác. Như thế, cả ta và người khác đều có được hạnh phúc.

Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp được thăng tiến và ta nghĩ rằng mình xứng đáng hơn. Nếu ta chỉ nhìn sự việc với quan điểm của riêng mình, ta sẽ đau khổ và ghen tỵ. Sự ghen tỵ không làm cho ta hay người kia được hạnh phúc. Nó cũng không giúp ta đạt được điều gì cả, vì sự ghen tỵ không thể cướp lấy sự thăng tiến của người kia để mang về cho ta. Nếu ta nhớ rằng, người kia đang hạnh phúc với sự thăng tiến và mong muốn mọi người cùng chia vui, ta sẽ vui theo với vận may của người ấy. Và như vậy, cả ta với người ấy đều được vui vẻ.

Việc điều chỉnh thái độ ghen tỵ không đúng thực của ta sẽ dễ dàng hơn khi chỉ liên quan đến một sự việc nhỏ nhặt, chẳng hạn như có người được nhận quà nhưng ta lại không có. Nhưng việc vui theo với niềm vui của người khác sẽ khó khăn hơn nhiều khi nó đồng nghĩa với sự mất mát của chính ta.

Lấy một ví dụ, người bạn tình của ta đã không chung thủy trong quan hệ lứa đôi. Nếu ta phản ứng với sự ghen tuông rồi quát tháo, nguyền rủa, thậm chí là đánh đập người ấy, ta cũng không làm giảm nhẹ được nỗi đau khổ vì ghen tuông, càng không thuyết phục được người kia rằng việc duy trì quan hệ với ta là điều tốt đẹp. Khi để cho ngọn lửa ghen tuông tiếp tục thiêu đốt, ta sẽ luôn bất an, khổ đau và thù hận. Thêm vào đó, ta rất có thể sẽ nói năng hoặc hành xử theo cách khiến cho người kia căm ghét ta, và như vậy sẽ ngăn cản sự tái lập quan hệ.

Cho dù ta không tha thứ cho cách hành xử sai trái của người kia, nhưng nếu giữ được sự bình tĩnh, ta sẽ không phải chịu quá nhiều đau khổ. Thêm nữa, ta sẽ có thể duy trì được mối quan hệ cởi mở giữa đôi bên. Và như vậy, cả ta và người ấy đều sẽ được thoải mái khi về sau khi gặp gỡ hay chuyện trò. Điều này cũng sẽ mở ra khả năng nhận lỗi cho người kia, nếu họ muốn.

Tóm lại, dứt bỏ lòng ghen tỵ sẽ giúp ta tránh được sự giằn vặt nội tâm. Trong khi đó, việc vui theo với những điều tốt đẹp và thành công của người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

Người đồng tính vẫn tu học tốt

Người đồng tính vẫn tu học tốt

Đăng lúc: 07:37 - 23/06/2015

Người Phật tử thuộc mọi giới tính, giữ trọn năm giới, có tri thức, biết hiếu thảo, siêng làm phước thiện thì đó là người tốt.

HỎI: Tôi là sinh viên y khoa, hiện đang sống và học tập tại TP.HCM. Tôi được giáo dục một cách rất khoa học những vấn đề liên quan đến cộng đồng người đồng tính nữ (les), đồng tính nam (gay), song tính (bisexual) và chuyển giới (transgender), gọi chung là cộng đồng LGBT. Bản thân tôi là một người đồng tính nam, có được sự hiểu biết, tư vấn về giáo dục sức khỏe, giới tính và sự động viên từ những người bạn, thầy cô trong trường, tôi cảm thấy có niềm tin vào cuộc sống, tự hào về bản thân mình.
Tôi đồng thời cũng là một Phật tử và có duyên với Phật pháp từ khi còn là một đoàn sinh của Gia đình Phật tử, ba mẹ và người thân của tôi đều là những Phật tử thuần thành. Nhưng khi nghĩ về điều này, tâm tôi tự dưng sinh ra nỗi mặc cảm, xấu hổ, tự ti về bản thân, và tôi luôn mang tâm trạng buồn khi đến chùa hoặc sinh hoạt trong những khóa tu. Tôi đã khóc thầm khi niệm danh Bồ-tát Quán Thế Âm và tự độc thoại những lời chân thành trong tâm thổ lộ với Ngài.
Tôi nhận ra rằng chúng sanh đều mang nghiệp khác nhau, và trường hợp của tôi, nghiệp là một người đồng tính. Tôi không buồn vì bản thân mình, nhưng tôi buồn vì xã hội này chưa thể chấp nhận tôi. Khi ba mẹ phát hiện tình yêu của tôi, ba mẹ đã kịch liệt phản đối và tôi thấy mẹ khóc trong lúc đánh tôi khiến tim tôi như thắt nghẹn. Bản thân tôi luôn là người có ý thức, chăm lo học hành và luôn đem lại niềm vui cho ba mẹ, không để cha mẹ phiền lòng về mình. Nhưng ngay lúc đó tôi đã biết mình mang tội đại bất hiếu, mặc dù tôi không hề muốn như vậy. Khi đó tôi chỉ biết niệm danh Đức Bồ-tát Quán Thế Âm và cầu cứu Ngài mà thôi, cầu cho mẹ đừng khóc nữa. Kể từ đó tôi thấy ba mẹ đều buồn và sức khỏe sa sút, trong khi bản thân tôi bất lực không thể làm gì khác được.
Hiện tôi cảm thấy hạnh phúc khi có được một tình yêu chân thành, hai đứa chúng tôi luôn hỗ trợ nhau trong học tập, cuộc sống, và đều có những dự định về tương lai, trở thành những vị thầy thuốc có y đức. Nhưng trong những mối quan hệ xã hội, tôi cảm thấy mất phương hướng, nhiều lúc cảm thấy mình làm như thế này có đúng hay không, có gì sai với lời dạy của Phật hay không, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà các bạn Phật tử đồng tính như tôi cũng như vậy.
Tôi chân thành xin hỏi, một người đồng tính hay những bạn Phật tử trẻ khác thuộc cộng đồng LGBT nên sống như thế nào để không làm trái với lời dạy của Đức Phật, để trở thành một công dân thiện lương và có ích cho xã hội. Và trong mối quan hệ gia đình, làm sao để ba mẹ thấu hiểu và chấp nhận người như tôi cùng tình yêu của tôi theo tinh thần của đạo Phật, giữ vững được giá trị yêu thương, tình cảm của gia đình mà không đi ngược lại với hiếu đạo.
(PHÁP HẠNH, xukikuki@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Pháp Hạnh thân mến!
Đúng như bạn đã nhận thức, theo Phật giáo, giới tính nam, nữ hay LGBT là do nghiệp của mình. Và dĩ nhiên, dù mang giới tính nào đi nữa, nếu biết tu học (biết sửa mình) thì đều có thể trở thành người tốt, người Phật tử thuần thành, có ích cho đạo và đời.
Đức Phật đã khẳng định, “sự cao thượng hay thấp hèn của một người không phải ở giai cấp mà ở nơi suy nghĩ, lời nói và hành động cao thượng hay thấp hèn”. Liên hệ đến giới tính cũng vậy, không phải nơi giới tính mà ngay nơi ba nghiệp thân, miệng, ý có thiện lành hay xấu ác để xác định nhân cách tốt xấu của con người ấy.
Bạn là một Phật tử - sinh viên trẻ, có tri thức, có đạo đức, có lương tâm và trách nhiệm, dĩ nhiên bạn là người tốt. Bạn cần biết rằng, giáo lý đạo Phật luôn đề cao sự bình đẳng, không hề có sự kỳ thị người đồng tính hay cộng đồng LGBT nói chung. Việc ba mẹ quá đau buồn về giới tính của bạn, một phần vì chưa hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc, mặt khác vì ảnh hưởng định kiến xã hội nặng nề.
Hiện tại bạn đang là người tốt, hiếu hạnh của bạn vẫn tròn đầy, bạn không có lỗi gì với ba mẹ cả, vậy bạn nên nhanh chóng loại ra khỏi đầu óc mặc cảm mang “tội đại bất hiếu”. Dù một số người hiện vẫn cho rằng, những nhà vô phúc mới sinh ra con cái thuộc LGBT. Đây là định kiến sai lạc mà xã hội văn minh đang loại bỏ, người Phật tử lại càng nhanh chóng loại bỏ, vì đó không phải là chánh kiến.
Bạn cần vận dụng tri thức xã hội và kiến thức về Phật pháp để sẻ chia với ba mẹ. Rằng, giới tính do nghiệp quá khứ sinh ra, nghiệp cũ này đã chín muồi (đã định dạng như người da trắng, da vàng hay da đen) nên không thay đổi được. Mặt khác, bạn cũng cần nói rõ cho gia đình biết giới tính của bạn vốn dĩ như vậy, không phải do lây lan hay đua đòi hoặc tự nhận lầm về giới tính. Tiếp đến là biết chấp nhận bản thân đồng thời nỗ lực tạo ra các nghiệp mới khác theo hướng thiện lành.
Người Phật tử thuộc mọi giới tính, sau khi quy y Tam bảo, sống đạo đức với việc giữ trọn năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), có tri thức, có nghề nghiệp ổn định, biết hiếu thảo, siêng làm phước thiện thì chắc chắn đó là một người tốt.
Và dĩ nhiên, những người Phật tử thuộc cộng đồng LGBT hoàn toàn có quyền yêu thương, thiết lập hạnh phúc hôn nhân theo quan điểm của riêng mình (cần thủy chung, giữ giới không tà hạnh như các Phật tử khác) mà không có gì trái với lời Phật dạy.
Như vậy, trong quan điểm của xã hội văn minh, trong quan điểm bình đẳng và minh triết của đạo Phật, bạn là một người hoàn toàn bình thường. Nên bạn cần gạt bỏ tất cả những mặc cảm bạn là người “bất thường” ra khỏi suy nghĩ để tu dưỡng đạo đức và thành tựu sự nghiệp.
Nhân loại tiến bộ đang từng bước thừa nhận sự đa giới tính của con người, không chỉ có nam và nữ. Hiện thực ở nước ta, dù đã hội nhập và phát triển nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, và dĩ nhiên, định kiến với cộng đồng LGBT còn khá nặng nề. Vì thế, tự thân bạn cần khẳng định chính mình thông qua học tập, tu dưỡng đạo đức, hiếu đạo, thành tựu sự nghiệp và khả năng phụng hiến cho cuộc đời.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN

Cờ ngũ sắc Phật giáo lần đầu tiên treo ở trong White House của Hoa Ky‏

Cờ ngũ sắc Phật giáo lần đầu tiên treo ở trong White House của Hoa Ky‏

Đăng lúc: 15:35 - 21/06/2015

Lá cờ Phật giáo Thế giới được giương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.



Buổi chiều ngày 14/05/2015 tại Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo Phật giáo bao gồm Chư tôn đức Tăng già, các nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học, các nhà hoạt động Phật giáo thuộc đa dạng các truyền thống, từ Phật giáo châu Á đến châu Mỹ.
Hàng trăm nhà lãnh đạo từ các cộng đồng Phật giáo tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tại Đại học George, Washington Hoa Kỳ (14/05/2015).

Tại đây, lần đầu tiên cờ ngũ sắc Phật giáo được treo trong Nhà Trắng, Hoa Kỳ. Lá cờ Phật Giáo là biểu tượng của Phật giáo qua sự hiện hữu của Đạo Phật trong cuộc đời này. Cờ Phật giáo do Đại tá Henry Steel Olcott (1832 – 1907), người Hoa Kỳ, theo học Phật pháp cùng với Thượng tọa H. Sumangala, người Tích Lan, đã phỏng theo sáu màu hào quang của Đức Phật : xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu vừa kể để phác họa vào năm 1889.

Ngoài ý nghĩa tinh thần ra, màu cờ Phật Giáo còn tiêu biểu cho màu da, chủng tộc của các sắc dân, không phân biệt da vàng, da đen, da trắng, da đỏ v.v... Mà tất cả con người trên thế giới đều là anh em với nhau cùng tôn thờ lý tưởng Phật Giáo để cùng nhau bắt tay xây dựng và phát triển ngôi nhà chánh pháp của Đức Như Lai.





Lá cờ Phật giáo Thế giới được giương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.

Lá cờ ngũ sắc được treo trong Nhà Trắng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Phật giáo trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Với sự tụ hội của các lãnh đạo Phật giáo thế giới, cùng chia sẻ các mối quan ngại xã hội đã cho thấy người theo Phật giáo không phải “động thổ” những vùng đất mới mà là tiếp tục và duy trì sự quay về với đức Phật - Người đã du hóa vùng đông bắc Ấn Độ nhằm thiết lập và xây dựng đời sống con người từ sự dẫn bước soi đường của Chính pháp, trong ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ, từ giới vương tôn quý tộc cho đến người dân bình thường. Phật giáo không hướng đến việc áp đặt niềm tin tôn giáo lên giới chức lãnh đạo nhưng đi vào hướng tiếp cận rằng các chính sách lãnh đạo phải được xây dựng và thực hiện trên nền tảng của tình thương, lòng từ bi, công bằng xã hội, hòa bình và có trách nhiệm với môi sinh - vốn là giá trị cốt lõi nhất của Phật giáo và các giá trị tôn giáo chân chính trên thế giới.





Đưa các giá trị của Phật giáo vào đời sống là sự chung tay cùng các tổ chức có cùng chí hướng, sẽ giúp chia sẻ và hợp tác để hướng đến công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sống, giảm sức mạnh chưa chính nghĩa của quân đội và cao nhất là xây dựng một thế giới hòa bình.



Phap Bao va Pv Anh Thy

Con đường Bồ-tát

Con đường Bồ-tát

Đăng lúc: 15:31 - 21/06/2015

Con đường Bồ-tát, con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, không phải là pháp tu để thành thánh mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong đạt được.

Con đường Bồ-tát - con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa - không phải là pháp tu để thành thánh, thành tiên, mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong thành tựu được. Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche giải thích rằng, ai phát nguyện tu hạnh Bồ-tát thì chỉ có một lời nguyện đơn giản là: lo cho chúng sinh trước hết và không giữ lại gì cho chính mình.
Tu hạnh Bồ-tát là phát nguyện lo cho chúng sanh trước bản thân. Đó là một lời tuyên bố tự nguyện hy sinh bản thân mình, ngay như cả hy sinh sự giác ngộ của mình vì tất cả mọi loài. Và một vị Bồ-tát là một người chỉ sống vì hạnh nguyện đó, hoàn thành công hạnh qua việc thực hành sáu ba-la-mật (lục độ) - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - nỗ lực để giải thoát cho tất cả hữu tình.


Phát nguyện tu hạnh Bồ-tát bao hàm ý rằng mình mở rộng lòng đón mời thế giới mình đang sống và không cầm giữ, hay bảo vệ bất cứ cái gì cho bản thân. Nghĩa là, mình tự nguyện chấp nhận một trách nhiệm rộng lớn, bao la. Đúng ra, nó có nghĩa là tạo một duyên lớn. Nhưng việc tạo ra một nhân duyên rộng lớn như vậy không phải để làm một anh hùng rơm hay phục vụ cho cá tính lập dị của mình. Mà nhân duyên này từng được hàng triệu Bồ-tát, như các bậc đã giác ngộ và các vị đại sư, đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, một truyền thống chịu trách nhiệm này đã được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và giờ đây, chúng ta cũng đang tham gia vào cái truyền thống sáng chói và danh giá này.
Có một dòng truyền thừa con đường Bồ-tát không gián đoạn, bắt nguồn từ đại Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Vajrapani), và Văn Thù (Manjushri). Nó không gián đoạn vì không Bồ-tát nào trong dòng truyền thừa này, qua nhiều thế hệ và thế kỷ, sống tham đắm bảo vệ cho mình. Thay vì vậy, các Bồ-tát này liên tục nỗ lực tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Di sản này đã được truyền lại không gián đoạn, cho đến ngày hôm nay, không phải là một huyền thoại, mà là một bằng chứng sống.
Sự trong sạch của truyền thống này rất có uy lực. Việc chúng ta phát nguyện tu theo hạnh Bồ-tát là một điều rất cao quý và vinh dự. Với một truyền thống gom hết tâm ý cho tinh thần Bồ-tát như vậy nên ai mà chưa gia nhập vào sẽ cảm thấy mình còn tệ lắm. Họ có thể ganh tức với một truyền thống phong phú như vậy. Nhưng gia nhập vào cũng sẽ khiến mình cảm thấy có một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mình sẽ không còn có ý định tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân; mình phải làm việc với những thứ khác. Nghĩa là làm việc với những thứ liên quan đến bên trong bản thân, như là tính toán tương lai cho mình, tình cảm cá nhân, mong muốn làm cho đời mình thoải mái hơn…; và làm việc với những thứ liên quan với thế giới bên ngoài, như là thế giới đang hiện hữu ngoài kia, nào là con cái la khóc, dĩa chén dơ bẩn, rối loạn đường tu, và đủ loại chúng sanh…
Vậy, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là một cam kết thật sự vì nhận thấy những khổ đau và vô minh của chính bản thân và của các hữu tình khác. Cách duy nhất, để có thể phá vỡ màn vô minh và khổ đau, và tu tập để thành tựu đạo giác ngộ, là phải tự nhận chịu trách nhiệm. Nếu mình không làm gì với tình trạng vô minh này, và nếu mình không tự giải quyết vấn đề này, thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Mình không thể lệ thuộc vào người khác làm việc này cho mình. Đây là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta có một sức mạnh kinh thiên để làm thay đổi nghiệp lực của thế gian này. Vậy, phát nguyện đi con đường Bồ-tát, chúng ta đang công nhận rằng chúng ta sẽ không tiếp tục làm kẻ đồng lõa với những hỗn loạn và khổ đau trong thế gian này. Ngược lại, chúng ta là những người giải phóng, những Bồ-tát, mong muốn tự cứu độ mình, cũng như cứu độ những người khác.
Quyết định cứu độ người khác cần có sự cảm hứng rộng lớn. Mình không còn nỗ lực để biến mình thành một kẻ vĩ đại. Mình chỉ đơn giản muốn làm một con người với thực tâm muốn cứu giúp người khác; nghĩa là, chúng ta phát huy vượt bậc cá tính vị tha, một đặc tính luôn thiếu thốn trên thế gian này. Noi gương Phật Thích Ca, người đã từ bỏ ngai vàng để cống hiến đời mình cho chúng sinh, chúng ta, cuối cùng rồi, cũng trở thành người giúp ích cho xã hội, nhân quần.
Mỗi người chúng ta có thể đã khám phá ra một ít sự thật, như là sự thật về thơ văn, phim ảnh, hay vi sinh vật, mà có thể dùng để giúp ích cho người khác. Nhưng chúng ta hay có khuynh hướng dùng những sự thật như vậy để xây đắp uy tín, tiếng tăm riêng cho mình. Chỉ lo phát huy những sự thật đó cho mình là một hướng hành động ích kỷ, thấp hèn. Ngược lại, công hạnh của một vị Bồ-tát là không cần uy tín, tiếng tăm. Chúng ta có thể bị đánh đập, hành hạ, hay bạc đãi, nhưng chúng ta vẫn tử tế và tự nguyện giúp ích người khác. Đây là một công việc hoàn toàn không được công trạng, nhưng lại rất chân thật và uy dũng.
Phát nguyện con đường Đại thừa bao la nghĩa là từ bỏ cá nhân và phát huy tâm tánh rộng lớn hơn. Thay vì tập trung vào kế hoạch nhỏ nhoi của mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình để ôm trọn cả thế gian, thiên hà, và vũ trụ.
Muốn thực hiện tâm bao la như vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu tình hình thật rõ ràng và toàn diện. Chúng ta cần phải phát triển tâm từ bi để loại trừ bản ngã vì bản ngã sẽ khiến giới hạn tầm nhìn và làm sai lạc hành động của mình. Theo truyền thống, mình phải bắt đầu bằng việc khai mở lòng từ bi với chính mình, rồi hướng tâm này đến những người gần gũi mình nhất, và sau hết, là tất cả mọi loài chúng sinh, kể cả kẻ thù của mình. Tột cùng, chúng ta xem tất cả mọi loài chúng sinh như là những người mẹ ruột thịt của mình. Chúng ta có thể chưa theo đúng con đường truyền thống ở thời điểm này, nhưng mình có thể phát huy thêm tâm tính rộng lượng và hòa nhã. Điểm chính là mình phải bắt đầu bằng cách bắt tay vào việc trước.
Thông thường chúng ta hay bị mắc kẹt với cách cư xử ở đời: “Anh ta sẽ nói lời xin lỗi trước hay là tôi phải nói xin lỗi trước?”. Nhưng khi trở thành một vị tu theo hạnh Bồ-tát, chúng ta phá cái rào cản đó: mình không đợi người kia làm, mà mình đã quyết định tự làm trước. Con người có quá nhiều vấn đề và chính vậy, mà họ khổ vì đó. Và chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ, những khổ đau đang xảy ra trong đất nước mình, chưa nói là cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới đang hứng chịu khổ đau vì thiếu từ bi, giới luật, kham nhẫn, tinh tiến, thiền định, và tuệ giác. Điểm chính của sự khởi đầu phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là không tìm cách cải đạo người khác; cần quan niệm rằng là chúng ta nên đóng góp cái gì đó cho thế giới, chỉ bằng sự tương trợ và hòa hợp theo tính cách riêng của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, mình công nhận rằng mình có thể thực hiện được công hạnh đó trong thế giới này. Từ quan điểm của một Bồ-tát, không có gì khó khăn và không chữa trị được trong cuộc đời này. Noi theo đời sống điển hình của Phật cùng chư đại Bồ-tát, và trong những lời dạy đầy cảm hứng của Phật pháp, không gì không làm được trong thế gian này. Chúng ta có thể tham gia vào công cuộc vận động của chư Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh một cách đúng đắn, đầy đủ, và triệt để mà không bị chấp thủ, vô minh, và sân hận quấy phá. Một công cuộc như vậy là sự phát triển một cách tự nhiên của việc thực tập thiền quán vì thiền quán mang đến việc cảm nhận được tính vô ngã.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta mở lòng đón nhận những yêu cầu của chúng sinh. Nếu ai cần đến chúng ta, mình không nên từ chối; nếu chúng ta được mời làm bậc phụ huynh, mình sẽ không từ nan. Nói một cách khác, mình phải có sự thích thú trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khác, và sự biết ơn đối với thế giới quanh mình và các chúng sinh sống trong đó. Đây không phải là một vấn đề dễ làm! Việc này đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn phụng sự không mỏi mệt và kham nhẫn với tất cả những sự điên rồ, ích kỷ, đáng kinh tởm của người mình phụng sự; hơn vậy, chúng ta luôn biết ơn và dọn sạch những thứ đó cho họ. Chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng cho phép những tình cảnh như vậy xảy ra dù phải chịu một chút bất tiện; chúng ta chấp nhận những khó khăn và choáng ngộp do những tình huống trên gây ra cho mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát nghĩa là chúng ta phát tâm sống đời sống hàng ngày của mình theo lời Phật dạy. Hành trì như vậy giúp chúng ta đủ trưởng thành để không giữ gì lại cho mình. Tài năng thế tục của chúng ta không bị chối bỏ, mà còn được tận dụng làm một phần của quá trình học và tu. Một vị Bồ-tát có thể dạy Phật pháp trong hình thức hiểu biết về mặt kiến thức, nghệ thuật, và ngay như cả thương mại. Như vậy, dấn thân vào con đường Bồ-tát, chúng ta tiếp tục tận dụng những tài năng của mình theo hướng giác ngộ, mà không bị chúng đe dọa hay làm xáo trộn. Lúc đầu những tài năng thế tục của chúng ta tưởng đã bị “tước bỏ,” vì một phần hiểu lầm, nhưng giờ đây chúng ta đang làm chúng sống lại. Chúng có thể được nẩy mầm thêm nhờ có Pháp bảo, Tăng bảo, và sự kham nhẫn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo mọi tình huống trong đời sống. Tất nhiên, vẫn còn một ít hiểu lầm sẽ xảy ra! Nhưng đồng thời cũng thấy có một tia sáng của sự khai thông và một tiềm năng vô hạn.
Vào thời điểm này, mình cần phải tin tưởng chính mình mà nhảy vào cuộc. Chúng ta, thực ra, có thể điều chỉnh bất cứ những ý tưởng kích động, hay thiếu lòng từ bi nào xảy ra, mà có tính cách chống phá Bồ-tát hạnh; mình có thể nhận ra sự điên đảo của mình và chuyển hóa nó, thay vì là cố tình che giấu hay loại bỏ nó. Theo cách này, những hình thức suy tư điên đảo sẽ được hóa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp ‘làm việc’ với sự điên đảo của mình thì nó liền trở thành một hành động từ bi. Bản năng thông thường của con người là tính lợi cho mình trước và chỉ làm bạn với ai nếu họ có thể đem lợi lạc về cho mình. Đây có thể gọi là “bản năng của loài khỉ” (ape instinct).
Nhưng trong trường hợp của hạnh nguyện Bồ-tát, chúng ta đang nói về một loại bản năng siêu phàm, thâm sâu và đầy đủ hơn hết. Được gợi hứng từ bản năng này, chúng ta tự nguyện chấp nhận cái cảm giác trống vắng, kiệt sức, và xáo trộn. Nhưng chính nhờ sự tự nguyện khiến mình cảm nhận được như vậy, và cùng lúc, mình cũng có thể ra tay cứu giúp người. Như vậy, chúng ta vẫn còn chỗ dành cho sự lẫn lộn, rối tung, và ngã ái của mình vì chúng là những viên gạch nền tảng. Ngay như những phiền não xảy ra trong lúc tu theo con đường Bồ-tát đều là một cách để xác định sự quyết tâm của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta thực sự biến mình thành tài sản chung cho mọi loài chúng sanh: tùy theo hoàn cảnh, mình tự nguyện làm một đại lộ, một con thuyền, một cái sàn nhà, hay là một căn nhà… Chúng ta cho phép tất cả hữu tình sử dụng chúng ta bằng mọi cách họ chọn. Cũng như trái đất duy trì không khí, và không gian dung chứa các vì sao, thiên hà, và tất cả những thứ khác, chúng ta tự nguyện mang gánh nặng của cả thế gian. Chúng ta lấy cảm hứng từ thí dụ vật thể của vũ trụ. Chúng ta cống hiến chính mình như là gió, là lửa, là không khí, là đất, và là nước - tất cả ngũ đại.
Nhưng điều cần thiết và rất quan trọng là phải tránh khởi tâm từ một cách thiếu tuệ giác. Nếu mình sử dụng lửa không đúng cách, mình sẽ bị bỏng; nếu cưỡi ngựa không đúng kiểu, mình sẽ bị nó hất rơi xuống đất. Mình phải có một cảm nhận thực tế trong thế giới này. Làm việc trong thế gian đòi hỏi phải có một tri thức thực tế. Chúng ta không thể là một Bồ-tát “yêu thương và nhẹ nhàng” nếu chúng ta không biết cách giúp đỡ chúng sanh một cách thông minh, sự cứu giúp của mình có thể hoàn toàn khiến họ lệ thuộc, chứ không phải là vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh sẽ trở nên lệ thuộc vào sự cứu giúp của mình cũng giống như người bị nghiện thuốc ngủ vậy. Họ càng ngày càng trở nên yếu ớt vì cứ muốn được cứu giúp hoài! Do vậy, vì lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần mở rộng lòng với một thái độ vô úy, không sợ. Vì bản tính cố hữu của con người hay thích lệ thuộc, nhờ cậy, đôi khi điều tốt nhất là mình phải nói thẳng và làm thẳng. Phương pháp tế độ của một Bồ-tát là giúp người để họ tự cứu chính họ. Tương tự như bốn đại đất, nước, gió, lửa sẽ không hợp tác với chúng ta nếu mình không sử dụng chúng một cách thích đáng, nhưng đồng thời, chúng rộng lượng cống hiến và hòa hợp nếu được sử dụng đúng đắn.
Một trở ngại lớn đối với việc thực hiện giới Bồ-tát là sự thiếu vắng của tính hài hước; chúng ta có thể đã xem vấn đề giữ giới quá nghiêm túc. Thực hiện lòng nhân từ của một Bồ-tát theo kiểu quân cách sẽ không thành tựu được gì. Người mới bắt đầu tu thường quá khắt khe với việc hành trì và tiến bộ của họ, tu Đại thừa theo phong cách của Tiểu thừa. Nhưng quân cách khắt khe thì hoàn toàn khác với tâm từ ái và vui vẻ của con đường Bồ-tát. Khi mới bắt đầu, bạn có thể chưa thực sự rộng lượng và vui vẻ. Nhưng ít nhất bạn nên cố gắng rộng lượng, tươi vui, và luôn cả can đảm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục tu tập một cách uyển chuyển vì muốn tu theo con đường Bồ-tát bạn phải luôn luôn biết linh động.
Cái cảm giác sung sướng và hân hoan vì cuối cùng chúng ta có thể gia nhập vào gia đình của chư Phật. Rốt cuộc, mình đã quyết định tuyên bố quyền thừa kế về sự giác ngộ của chính mình. Từ khía cạnh còn hồ nghi, bất cứ đặc tính giác ngộ nào còn lại trong chúng ta dường như là rất nhỏ nhoi. Nhưng từ khía cạnh thực tế, một hữu tình đã giác ngộ trọn vẹn đang tồn tại bên trong chúng ta rồi! Vì vậy, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc mình đang đi trên con đường đạo hay không. Rõ ràng chúng ta đã phát nguyện và rằng mình sẽ phát triển lộ trình rộng lớn này để thành Phật.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát là một biểu thị của việc an cư và sống tự tại trong thế gian này. Mình không lo sợ ai đó tấn công hay giết chóc mình. Mình luôn hy sinh thân mình vì lợi ích của chúng sanh. Thậm chí, mình còn từ bỏ việc tìm kiếm con đường giác ngộ cho riêng mình vì muốn cứu khổ người khác. Tuy nhiên, dù không nỗ lực gì chúng ta vẫn đạt được sự giác ngộ. Chư Phật và chư Bồ-tát đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đơn giản là do chúng ta có chấp nhận sự sung túc này hay là bác bỏ nó và chấp nhận sống trong một trạng thái tâm linh nghèo nàn.
Chogyam Trungpa Rinpoche
Thiện Ý chuyển ngữ
(Trích từ “Tác phẩm chọn lọc của Chogyam Trungpa”, tập 3, Nhà xuất bản Shambhala phát hành năm 2003).
Theo Giác Ngộ

Thiền định có thể làm chậm lão hóa não, phòng chống bệnh mất trí nhớ

Thiền định có thể làm chậm lão hóa não, phòng chống bệnh mất trí nhớ

Đăng lúc: 06:22 - 18/06/2015

Mọi người đều biết, ngồi thiền có thể làm giảm đau nhức, cải thiện sự tập trung và chức năng miễn dịch, hạ huyết áp, ức chế lo nghĩ và mất ngủ. Ngoài ra, Nghiên cứu khoa học phát hiện việc ngồi thiền có thể đề cao trí lực, giảm bớt lão hóa, giúp phòng ngừa sự lão hóa của não và bệnh mất trí nhớ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 356 triệu người trên thế giới mắc bệnh mất trí nhớ, và mỗi năm gia tăng thêm 7.7 triệu người. Trong đó bệnh Alzheimer chiếm 60-70% tổng số người có vấn trên.

Báo cáo của Viện Y tế quốc gia và Viện lão khoa quốc gia (Mỹ) cho thấy, Alzheimer là một loại rối loạn chức năng thần kinh kéo dài, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất trong bệnh mất trí nhớ. Tuy hiện nay vẫn chưa có giải pháp trị liệu hoặc thuốc có thể phòng tránh hoặc trì hoãn Alzheimer, nhưng trong cuộc sống thường ngày lại có một số phương pháp giúp ích cho sức khỏe, đồng thời cũng có thể giảm nguy cơ bệnh phát sinh.

thien-dinh-phap-bao

Thiền định có thể đạt hiệu quả phòng ngừa lão hóa não

Theo trang tin tức sức khỏe Counsel & Heal, nghiên cứu mới nhất của Đại học Califorina (Los Angeles) phát hiện, ngồi thiền có thể phòng ngừa sự lão hóa của não, hoặc có thể giúp phòng tránh bệnh mất trí.

Nhìn chung, não lão hóa nhanh hơn những bộ phận khác trên cơ thể, khi đến tuổi 20 là đã quá trình này bắt đầu tăng tốc.
Trước đây ngồi thiền được chứng minh là có thể làm giảm teo tiểu não có liên quan đến tuổi tác. Trong nghiên cứu mới này, nhà nghiên cứu phát hiện, ngồi thiền rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa tổn thất chất xám của não. Phó giáo sư thần kinh học Eileen Luders chủ trì nghiên cứu này cho biết, lúc đầu họ cho rằng hiệu quả của ngồi thiền có thể không cao và tập trung vào một sỗ chỗ nào đó. Tuy nhiên, họ đã quan sát thấy toàn bộ não đều chịu ảnh hưởng rất lớn của thiền.

Những phát hiện này có thể giúp ích cho việc phòng ngừa các bệnh tâm lý và thoái hóa thần kinh, là những loại bệnh gia tăng theo tuổi thọ con người. TS. Luders nói, trước đây có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào sàng lọc nguyên nhân có thể gia tăng các bệnh tâm lý và chứng thoái hóa thần kinh, nhưng không quan tâm nhiều đến phương pháp có thể tăng cường sức khỏe của não bộ.

Luders chỉ ra, kết quả của họ rất có ý nghĩa. Tích lũy chứng cứ khoa học có liên quan đến việc ngồi thiền làm thay đổi trạng thái của não, cuối cùng đã có thể chuyển từ nghiên cứu thành ứng dụng thực tế. Nghiên cứu mới này được công bố trong kỳ báo mới nhất của tạp chí “ Thông tin tâm lý học.”

Thiền định giúp vùng não kiểm soát cảm xúc tích cực trở nên hoạt động hơn

Trong nghiên cứu từ trước đến nay, với công nghệ quét não, các nhà khoa học phát hiện người ngồi thiền trường kỳ có những vùng chịu trách nhiệm các cảm giác nhạy cảm trong cơ thể con người dày lên rõ rệt. Giáo sư Richard Davidson (Đại học Wisconsin, Mỹ) cho biết, dù là người mới ngồi thiền, vùng não kiểm soát cảm xúc tích cực trở nên hoạt động hơn, điều này tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh cảm cúm.

Giáo sư Davidson còn nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngồi thiền đối với khả năng chú ý và độ nhạy cảm các giác quan của con người. Trong khi quan sát sự vật, con người thường bỏ lỡ chi tiết nào đó. Giống như khi hai hình ảnh hiển thị trên màn hình cách nhau nửa giây, người ta thường không nhìn thấy hình ảnh thứ hai. Những người trải qua tập luyện thiền định lại có thể nhìn thấy thứ mà người khác bỏ sót.

thien-dinh-suc-khoe

Thiền giúp tư duy nhanh nhẹn, kiểm soát cảm xúc

Tháng 8/2010, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ từng công bố một nghiên cứu, cho thấy thiền trong văn hóa phương Đông có thể thay đổi đường đi của thần kinh não bộ. Đề tài này do Đại học Oregon và Đại học Công nghệ Đại Liên hợp tác nghiên cứu, cho thấy thực hành thiền định có thể trợ giúp não bộ kiểm soát cảm xúc, giúp con người càng thêm thoải mái, giảm bớt lo nghĩ.

Nghiên cứu trước đây của Đại học Califorina cũng phát hiện, vùng phụ trách sự tập trung và điều tiết cảm xúc trong não của người ngồi thiền có dung tích lớn hơn, vả lại chất xám của não nhiều hơn, do đó cải thiện được trí lực hơn.

Bảo vệ não là điều kiện quan trọng để sống lâu

Trong cuốn sách “101 cách sống đến 100 tuổi không bị mất trí nhớ” của mình, Giáo sư Shirasawa Takuji (Đại học Juntendo, Nhật bản), một chuyên gia nghiên cứu chống lão hóa nổi tiếng, cho rằng thói quen sinh hoạt lành mạnh là một trong những nhân tố chủ yếu giữ cho não trẻ, cũng là điều kiện quan trọng của sống thọ.

Shirasawa Takuji căn cứ vào kết quả nghiên cứu nhiều năm, phỏng vấn kỹ lưỡng nhiều người sống thọ của Nhật. Thông qua kiểm tra trạng thái sức khỏe, khả năng vận động, và các vấn đề hoóc-môn liên quan đến sống thọ trên cơ thể họ, ông đã phát hiện, những người không dễ mắc chứng bệnh mất trí sống lâu hơn.

Nếu như trong cuộc sống hàng ngày, ai có thể thực hành thói quen chống mất trí, chắc chắn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.
Người sống lâu nhất nước Pháp Jeanne Calment, thọ 122 năm lẻ 5 tháng 14 ngày, đã phá kỷ lục guiness của Shigechiyo Izumi người Nhật Bản sống thọ 120 tuổi 37 ngày. Lúc Calment còn sống đã luôn nói, phải không ngừng sử dụng bộ não, muốn sống trường thọ cũng phải có đầu óc tỉnh táo.

Theo Đại Kỷ Nguyên Đài Loan

Này em, chúng ta hãy học cách yêu thương và tha thứ cho nhau!

Này em, chúng ta hãy học cách yêu thương và tha thứ cho nhau!

Đăng lúc: 06:46 - 14/06/2015

Này em hãy nhớ lấy điều này, khi chúng ta ghét bỏ một ai đó chính là em đang làm nghẹt thở và bóp nát trái tim mình, làm cho em cảm thấy chán nản và vô cùng tuyệt vọng! Vậy tại sao em cứ phải ghét bỏ một ai đó, làm chi vậy?
Em đã kể với tôi về câu chuyện tình yêu của mình, về những ấm ức và nỗi uất hận mà em phải gánh chịu. Rồi em nói: “Em biết mình quá ngu ngốc, quá dại khờ vì đã tin tưởng một con người chỉ có tình yêu trên chót lưỡi đầu môi, em bây giờ chẳng còn biết gì nữa ngoài những nỗi đau. Giờ thì em mới nhận ra là em đã bị lừa, bị người ta lợi dụng. Em buồn lắm, em hận lắm, em vô cùng đau khổ!
Tôi biết em rất đau, em rất buồn vì mình đã trót lỡ trao tình cảm cho một kẻ không xứng đáng để đón nhận tình yêu của em. Em nói với tôi, “em muốn quên đi hết tất cả những nỗi đau, nhưng mà sao nỗi đau ấy cứ dằn dặc em?

Để được sống trọn vẹn với tình yêu không hề đơn giản chút nào, có người đang sống bên nhau nhưng không có tình yêu thật sự. Nhưng chia tay trong tình yêu chưa hẳn là đã mất hết tất cả, mà trên đường mình đang đi còn rất dài các em ạ.
Ai cũng có thể cho rằng mình là người đau khổ nhất, nhưng trong tình yêu làm gì có khuôn mẫu nhất định, bởi nó cần sự hòa hợp của hai trái tim. Nhiều người cho rằng ai chủ động nói lời chia tay, tất nhiên sẽ không đau khổ bằng người bị bỏ rơi. Người nào chỉ biết cho riêng mình nhiều hơn thì người đó sẽ không chung thủy trong tình yêu, người đó sẽ làm đau lòng nhiều người khác.
Tôi rất hiểu và thông cảm nỗi đau của em, tôi không thể bảo em tha thứ cho người ấy được.Tôi biết em, vẫn muốn kẻ ấy phải chịu nhiều đau khổ như chính nỗi đau em đang phải chịu hoặc nhiều hơn thế ấy nữa kìa.Nhưng mà em à, em làm cho người ấy đau, thì em cũng đâu có thể thanh thản được?Này em, em hãy nên nhớ rằng bên em còn bao nhiêu người thân yêu đang mong chờ em, đang mong muốn em được tràn đầy hạnh phúc.
Này các em, tôi đã từng lầm lỡ, tôi đã từng tiếc nuối, tôi đã từng sống trong đau khổ, vì tôi có quá nhiều sai lầm, để tôi sẽ hướng dẫn cho các em học cách yêu thương và tha thứ cho nhau!
Khi đã yêu rồi chúng ta đừng bao giờ nói câu “hối tiếc”. Các em đã khôn lớn trưởng thành, các em hãy can đảm chịu trách nhiệm về những việc mà các em đã quyết định.
Khi em đã dành tình yêu cho ai đó, em sẽ nghĩ đến mình sẽ hạnh phúc bên người ấy, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ “hối tiếc”?Tiếc nuối hay bám víu vào dĩ dãng, vào quá khứ, em sẽ làm cho mình đau thêm và tăng trưởng nỗi đau.Người như vậy là người yếu đuối em ạ, sẽ mãi sống trong đau khổ lầm mê, mà cố gắng vùng vẫy trong cay đắng ngậm ngùi.
Em à, hãy mạnh mẽ và vững vàng hơn.Em hãy học cách chấp nhận sai lầm và tha thứ để đứng lên từ đau thương ấy.Đó mới là người biết sống và đón nhận hạnh phúc chân thật.
Tôi bây giờ chỉ biết động viên và an ủi em! Để cho em tạm thời quên đi những nỗi đau ấy?Bởi trong tôi nếu rơi vào hoàn cảnh của em, tôi cũng có thể sẽ lại đau khổ như em? Này em, hãy tha thứ và hỷ xả để cho tâm hồn em được thanh thản nhé…! Này em, tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho chính bản thân mình.
Này em, hối tiếc về chuyện đã qua chính là em đang gậm nhắm những những niềm đau nỗi buồn. Em luôn tiếc nuối thì em sẽ đánh mất mình trong hiện tại và em đang xóa mờ con đường đi đến tương lai đang chờ đón em?
Tổn thương nào cũng đau đớn dù ít hay nhiều, tôi chỉ khuyên nhủ em hãy tha thứ và chấp nhận những gì đang có trong hiện tại, để rồi em sẽ quên nỗi đau ấy. Thay vì em ôm ấp nỗi đau đó, chính em đã biến nó thành một vết thương lòng khó buông xả được!
Này em, hãy sẵn sàng thứ tha cho chính bản thân mình, em hãy đón nhận một ngày mới bắt đầu thật là vui tươi và hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ!
Em à, chúng ta hãy học cách tha thứ cho nhau, tha thứ cho những lỗi lầm đã qua mà không hối tiếc. Tha thứ cho người mà em đang thấy căm hận vô cùng, vì họ đã làm cho trái tim em tan nát. Tha thứ và chấp nhận những gì đang có trong hiện tại, là con đường nhanh nhất để em có thể đứng dậy và bước tiếp trong vững vàng.
Em ơi: “tha thứ cho một ai đó chính là em đã biết tha thứ cho chính mình ”. Hãy tha thứ cho họ, để em có thể trở về với một thực tại nhiệm mầu mà em đang có được, bởi em không còn vướng bận nữa, sống được như vậy không sướng hay sao, sướng hết cả người em ạ.
Đến một lúc nào đó, khi em đã tìm được hạnh phúc chân thật, không còn bị những thứ khác ràng buộc nữa, thì em sẽ cảm ơn người đó, vì họ đã giúp cho em sống hạnh phúc trọn vẹn với chính mình! Tức là em đã giải thoát được sự mê lầm mà bao người khác vẫn còn đang đắm chìm trong đó, vậy là em đang hưởng trọn niềman vui hạnh phúc?
Chút lòng thành xin dâng trọn đến em, mong rằng em sẽ đón nhận hạnh phúc một cách chân tình trong từng phút giây! Tôi luôn có trong em…để em có đủ niềm tin mà vững vàng đi hết cuộc đời, trong thương yêu và hiểu biết.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Một số người quan niệm sai lầm

Một số người quan niệm sai lầm

Đăng lúc: 06:20 - 09/05/2015

Một số người quan niệm sai lầm đợi đến khi già mới tu, chứ còn trẻ phải vui chơi hưởng thụ tu chi cho khổ? Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả hoặc cho những người lỡ vận, lỡ thời, sa cơ thất thế. Họ cho rằng tu hành là để an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ tu làm gì, để ở ngoài đời hưởng thụ không sướng sao? Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu hết, trẻ mà biết tu thì sống có nhân cách đạo đức, nhờ vậy làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

grab1430884988Dalia Lama 3 2013 675x400 550x326

18 nguyên tắc sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đăng lúc: 08:14 - 07/05/2015

“Hãy làm theo 3 chữ “T” này: Tôn trọng bản thân – Tôn trọng những người khác – Trách nhiệm với tất cả mọi hành động của mình” là một trong những nguyên tắc sống rất ý nghĩa từ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Xin giới thiệu thêm để các bạn cùng suy nghiệm & thực hành theo Ngài.

Những thói quen hay

Những thói quen hay

Đăng lúc: 11:52 - 01/05/2015

Chủ động không chỉ có nghĩa là đi bước đầu tiên. Đó là nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình (trong quá khứ, hiện tại và tương lai) và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc và giá trị, hơn là cảm xúc và hoàn cảnh nhất thời. Người chủ động đại diện cho sự thay đổi, họ lựa chọn không trở thành nạn nhân, hoặc ở vào thế thụ động hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ làm điều đó bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người, đó là: nhận thức bản thân, lương tâm, trí tưởng tượng và ý chí độc lập, theo cách tiếp cận từ trong ra ngoài để tạo sự thay đổi. Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình, đó là quyết định quan trọng nhất mà một người có thể đưa ra

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,391
  • Tháng hiện tại 60,776
  • Tổng lượt truy cập 23,467,025