Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Bố thí ba-la-mật trong thời hiện đại

Bố thí ba-la-mật trong thời hiện đại

Đăng lúc: 18:27 - 01/12/2016

Xin các bạn nhớ cho rằng: Chúng ta đều là người du hành đến thế giới này. Đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều phải ra đi! Cái chúng ta để lại cho đời như lòng từ bi, bố thí mà không cần đền trả là một di sản quý giá, một bài học giá trị cho đời.





Phật dạy bố thí mà còn ý nghĩ có người cho, người nhận, và vật thí là chưa rốt ráo vì bố thí mà còn tính toán là bố thí có ý mong cầu.

Thường khi mình bố thí là do có đối tượng (nhu cầu), nên mình mới cho (cung cấp); và vật thí càng có giá trị cao và nhiều chừng nào thì bố thí sẽ có nhiều công đức lớn. Tất nhiên, hễ có bố thí là mình đã có phước báo rồi! Ở đây, chúng ta muốn học hạnh bố thí không chỉ có phước mà luôn cả huệ nữa! Cái khó ở đây là bố thí mà không thấy có cầu và có cung thì bố thí cái gì, và bố thí cho ai?

Để chuyên chở đầy đủ tinh thần ba-la-mật, bố thí phải mang ý nghĩa của ‘tam luân không tịch’ có nghĩa là 3 không (không thấy người cho, không thấy người nhận, và không thấy vật thí) và được luân chuyển liên tục, không dứt. Phần nhiều, chúng ta quan niệm là phải bố thí cho đúng người và đúng cách. Nhưng theo tinh thần Bát-nhã là bố thí mà không thấy có cho, có nhận, và có vật thí. Khi mình phát tâm muốn cho là mình cứ cho. Bất kể người kia là ai, và vật thí là gì, tài thí hay pháp thí, v.v… không quan trọng.

Để đạt được tinh thần "tam luân không tịch" chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và thái độ của mình. Thay vì nghĩ về mình, chúng ta nghĩ nhiều về người và tự đặt câu hỏi mình có thể làm được gì cho người khác. Các bậc hiền nhân trên thế giới đều làm vậy. Họ luôn đặt tinh thần phụng sự người khác lên trên hết; thậm chí họ không cần biết người mà họ phụng sự là ai. Họ chỉ cần biết là việc đó đang cần giúp đỡ. Thế là họ ra tay ngay! Sỡ dĩ họ cho mà không cần đền trả và cũng không cần biết người nhận là ai chỉ vì họ tìm thấy niềm vui, và hạnh phúc thật sự trong khi cho.

Việc bố thí ba-la-mật, không cần biết người nhận, cũng như người cho đã được thực hiện tại nhiều nơi. Chẳng hạn, có một nhóm người thiện nguyện đã thành lập một quán ăn, gọi là Karma Kitchen, tạm dịch là Bếp ăn Nghiệp quả tại thành phố Berkeley, ở miền Bắc California, Hoa Kỳ. Họ phục vụ khách hàng như tất cả mọi quán ăn khác, nhưng mỗi khi khách hàng chuẩn bị trả tiền thì họ được cho biết là đã có người trả trước cho họ rồi!

Nếu muốn noi theo cử chỉ của vị khách ăn trước họ thì họ có thể trả tiền cho người ăn sau. Cứ vậy mà luân lưu. Người khách ăn không cần biết là đã ăn bao nhiêu và sẽ phải trả bao nhiêu cho xứng. Nếu họ không muốn trả thì cũng không sao cả! Nói chung, phần ăn của họ đã được người ăn trước trả xong cả rồi. Cũng tại Hoa Kỳ, ở thành phố Bluffton, South Carolina, từng có một người khách hàng của quán cà-phê trả 100 đô-la cho phần cà-phê của mình và xin bao trả hết trên số tiền đó, cho những ai đến mua sau ông.

Dụng ý của những hành động trên là muốn mọi người thực tập hạnh bố thí, cho mà không cần phải có một mục đích rõ rệt! Chỉ cần chúng ta học cách cho. Còn cho ai và cho như thế nào, cũng như cho cái gì thì không quan trọng. Nếu mỗi người đều thực tập theo phương cách này thì rõ ràng ‘sự cho’ sẽ không đứt đoạn (tam luân không tịch). Và mọi người đều xem đây là một cử chỉ bình thường trong cuộc sống.

Giống như chuyện một nhà thám hiểm đến một xứ ở châu Phi để làm nghiên cứu. Vì đường sá của quốc gia này rất giới hạn, nên họ chọn đường sông để di chuyển khắp nơi. Một hôm tàu của họ bị chết máy và mắc cạn. Họ dùng đủ mọi cách để đưa con tàu ra khỏi vùng cạn, đều không hiệu quả. Bỗng dưng từ đâu có một chiếc tàu đánh cá chạy đến kéo tàu họ ra khỏi chỗ cạn và còn cho thêm xăng dầu cũng như giúp sửa máy để tàu họ đi tiếp.

Sau khi làm xong, chiếc tàu đánh cá nọ rồ máy chạy thẳng trước sự kinh ngạc của các nhà thám hiểm vì họ dự định sẽ nói lời chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của chiếc tàu nọ, hoặc trả một ít tiền chi phí. Khi hỏi một nhân viên người bản xứ, các nhà thám hiểm mới hiểu rằng: Ở xứ sở này, khi ai thấy người khác gặp nạn thì phải giúp đỡ ngay, không cần nhờ vả hay nói lời cảm ơn. Thật là một phong tục đáng quý!

Chúng ta thường quan niệm rằng chỉ các bậc Bồ-tát thượng nhân mới có thể làm những việc bố thí ba-la-mật vô thượng như vậy! Nhưng những ví dụ trên cho ta thấy tất cả mọi người nếu muốn phát tâm tu hạnh bố thí ba-la-mật đều có thể làm được.

Một số người lại lo rằng nếu mình bố thí không đúng chỗ sẽ không những làm tổn thương người nhận mà còn làm xót xa lẫn người cho. Chính vì những nguyên nhân lo lắng này mà hạnh bố thí ba-la-mật trở nên khó thực hiện. Như chúng ta đã thấy ở trên, tại sao một người vào tiệm cà-phê tặng 100 đô-la cho những người mình không quen biết, và có thể, là họ không cần số tiền bố thí này? Như vậy dụng ý của người cho tiền này là gì? Hay là vì ông ta có quá nhiều tiền nên đem cho chơi để làm vui?

Theo một nghiên cứu ở Đại học Harvard, Hoa kỳ năm 2009 cho thấy: người càng hạnh phúc bố thí nhiều hơn và càng bố thí khiến họ vui hơn. Các nhà nghiên cứu đưa đến kết luận rằng: Hạnh phúc và bố thí có một sự hỗ tương tích cực cho nhau. Nghĩa là, càng cho thì càng hạnh phúc, và càng hạnh phúc thì cho nhiều hơn!

Chính vì là mật hạnh của một Bồ-tát nên bố thí ba-la-mật không phải là một hình thức bố thí tầm thường. Ngoại trừ, chúng ta đừng để tâm âu lo về người nhận và vật thí làm trở ngại bồ-đề tâm của mình; bằng không mình sẽ khó thực hiện được hạnh này. Như chúng ta thường nghe về hạnh từ bi thực sự. Nó có nghĩa là thương yêu người và tất cả mọi loài mà không cần phải có điều kiện, không có một lý do, và tất nhiên là không cần phải có lợi về phần mình. Thế mới biết để tu hạnh bố thí "tam luân không tịch", chúng ta phải học hiểu và thử qua.

Sau khi làm xong, nếu thấy vẫn còn vướng mắc, phiền não thì rõ ràng là tâm mình vẫn còn lệ thuộc vào một điều kiện nào đó mới có thể thực hiện được. Điều kiện ở đây có nghĩa là người kia phải nghèo khổ, phải cần thứ mình cho, phải đúng đối tượng mà mình muốn cho, v.v... và v.v… Nếu còn nói đến điều kiện thì hạnh bố thí ba-la-mật sẽ không thể thực hiện được!

Để hạnh bố thí theo tinh thần "tam luân không tịch" được thực hiện và trải rộng khắp nơi, chúng ta phải có niềm tin nơi con người. Nó có nghĩa là chúng ta không cần biết vật thí của mình được dùng vào việc gì. Chúng ta tin rằng người nhận sẽ học được tinh thần bố thí và tìm cách làm như vậy khi họ thấy người khác cũng cần sự giúp đỡ của họ. Ngoài ra, mình cũng tin rằng việc lành, việc tốt sẽ dễ khiến người khác bắt chước làm theo vì, như Phật dạy, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nghĩa là đều có những đức tính tốt. Chỉ cần đức tính tốt đó được thực hiện và phơi bày cho họ thấy thì họ sẽ làm theo.

Một bà cụ nọ nhân ngày sinh nhật 85 tuổi đã nghĩ ra một ý hay là tặng 85 đô-la, mỗi lần 5 đô-la cho người đi đường nào bà cụ gặp và tùy ý người đó muốn dùng số tiền vào việc gì thì cứ tùy nghi. Có người hỏi tại sao bà làm vậy thì bà trả lời rằng bà cụ muốn trải rộng lòng tốt bụng (kindness) đến cho mọi người. Nếu có ai đó học được gì từ hành động của bà thì điều đó đã làm mãn nguyện hy vọng của bà. Bà muốn mọi người luôn biết thương yêu quý mến nhau vì thế giới đã đầy khổ đau này cần có thêm những tấm lòng tốt.

Đừng nhìn thế gian này bằng cặp mắt bi quan rồi chán chường, mệt mỏi. Chung quanh ta đang có biết bao nhiêu người đang tìm cách thực hiện hạnh bố thí ba-la-mật với ý định muốn mọi người thấy rằng thế gian mình đang sống vẫn còn có rất nhiều người tốt, muốn làm những việc gì đó để cống hiến cho đời, làm cuộc đời đẹp thêm và đáng sống. Như Phật dạy: "Đừng xem thường những việc thiện nhỏ vì việc thiện nhỏ có khi lại mang đến kết quả lành lớn. Cũng vậy, đừng xem thường những hành động xấu ác nhỏ vì hành động ác nhỏ có thể mang đến khổ đau to lớn."

Những ví dụ ở trên của bài viết này đều phát xuất từ những hành động nhỏ nhưng những tiếng vang nhỏ này đang lan tỏa đến khắp nơi và mọi người đang dần dần thấy rõ kết quả của chúng. Thế giới chúng ta sống đang thu hẹp nhỏ dần lại vì những phương tiện truyền thông hiện đại. Một việc làm nhỏ, dù là từ một ngõ ngách xa xôi nào, có thể tác động đến thế giới khi nó được ghi lại và phát tán trên các kênh thông tin điện tử như "youtube" hay "facebook"...

Xin các bạn nhớ cho rằng: Chúng ta đều là người du hành đến thế giới này. Đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều phải ra đi! Cái chúng ta để lại cho đời như lòng từ bi, bố thí mà không cần đền trả là một di sản quý giá, một bài học giá trị cho đời.

Thiện Ý

Đối trị khủng hoảng, tìm lại bình an

Đối trị khủng hoảng, tìm lại bình an

Đăng lúc: 20:11 - 28/11/2016

Khủng hoảng tâm lý ở giới trẻ không phải là một câu chuyện mới mẻ nhưng đây cũng là thực trạng phổ biến hiện nay.
Rất nhiều cuộc điều tra trong thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy sự khủng hoảng trong cuộc sống đang đẩy các bạn trẻ đến với bờ vực của sự tiêu cực. Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng mà cả xã hội phải cùng chung tay hướng dẫn giới trẻ thoát khỏi khủng hoàng và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

anh PGTT 873.jpg
Sống chậm lại, điềm tĩnh hơn, cũng là một trong những cách giúp chúng ta tìm được
sự an nhiên trong tâm hồn. Trong ảnh, Phật tử CLB Nhân Sinh tập thiền - Ảnh: Nhân Sinh

Nhận diện khó khăn

Không ai trong cuộc sống chưa từng gặp phải khó khăn dẫn đến bị khủng hoảng tâm lý. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người mỗi cảnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bàn về vấn đề này, Phật tử Thiện Nghiêm (ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết - người cha yêu quý của anh mất đột ngột cộng thêm sau đó là những câu chuyện hiểu lầm, vu oan từ những dòng trạng thái trên trang mạng xã hội của anh đã khiến anh bị sốc và rơi vào trạng thái hoang mang, khủng hoảng tâm lý trong khoảng 6 năm.

Khác với Thiện Nghiêm, nữ Phật tử Diệu Tâm (thành viên nhóm Bước Chân Sen, chùa Long Phước, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại có một cách nghĩ khác. Chị nghĩ trong cuộc sống, có thuận lợi hẳn sẽ có khó khăn, nhưng sẽ không có khó khăn đến mức chưa thể vượt qua. Bởi khi thấu suốt được chân lý Nhân-Quả, chúng ta sẽ thấy khó khăn của ngày hôm nay hay của ngày mai đều có nguyên nhân của nó. Cho nên, khi khó khăn vừa khẽ chạm vào cuộc sống thì chúng ta sẽ có cách hoặc cố gắng tìm cách hay lắng nghe ý kiến từ người thân giúp tháo gỡ nhẹ nhàng, bình tĩnh, từ từ, để hạn chế ở mức thấp nhất có thể sự tổn thương.

Thật vậy, không có một khó khăn nào mà không thể vượt qua, không một khủng hoảng nào không có hồi kết. Vạn vật đều tuân theo kịch bản của thành, trụ, hoại, không và khủng hoảng tâm lý cũng vậy. Cho nên khi khủng hoảng đến, ta cứ bình tĩnh chấp nhận nó. Hạn chế tối đa việc để khủng hoảng chiếm trọn tâm trí dẫn tới những việc làm dại dột gây hại cho bản thân và những người xung quanh. Nhận diện khủng hoảng là một việc làm cần thiết, phải thấy cho được “bộ mặt” của nó để tìm nguyên nhân phát sinh khủng hoảng từ đâu mới có thể tháo gỡ từng nút thắt một.

TS.Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM nhận định nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng trong giới trẻ: “Các hệ thống phép tắc hà khắc của Khổng giáo đã bóp nghẹt sự phát triển của nhiều thế hệ Việt Nam, tạo ra sự khống chế thái quá xâm phạm trực tiếp vào quyền được tự do, tự quyết của trẻ em, tước đoạt khả năng ra quyết định của trẻ em, tạo ra thế hệ người lớn nhu nhược - dễ bị bắt nạt, nhiều thế hệ người quá nhút nhát, thiếu tính sáng tạo. Các hệ thống văn hóa Khổng giáo được hợp thức hóa trong công sở và lại gây ra tình trạng bắt nạt nơi công sở, vào gia đình gây ra bạo hành... Chương trình giáo dục quá cao so với khả năng phát triển tâm lý của người trẻ. Tình trạng giáo dục ép buộc trẻ em cũng bị chi phối bởi các cá nhân xây dựng chương trình bị chi phối nặng bởi văn hóa Khổng giáo”.

Xử lý khủng hoảng

Khoảng thời gian 6 năm bị khủng hoảng tâm lý, Thiện Nghiêm tưởng chừng như cuộc sống đi vào ngõ cụt. Nhưng sau đó, anh đã tìm đến đạo Phật, ánh sáng Phật pháp như cứu cánh, đã giúp Thiện Nghiêm thoát khỏi bóng tối khủng hoảng để tìm lại một cuộc sống an bình về cả thể xác lẫn tinh thần. Anh chia sẻ: “Tôi luôn tự an ủi mình phải mạnh mẽ, tự tin hơn bằng cách đọc những lời Phật dạy, nghe giảng pháp trên băng đĩa và trì chú niệm Phật vì tin rằng điều này có thể chuyển nghiệp xấu của mình”.

Sau một thời gian đặt niềm tin vào Phật pháp, anh đã thấu hiểu và ứng dụng được lời Phật dạy để có cách đối trị với những người đã gieo tiếng xấu cho anh, đồng thời chế ngự khủng hoảng tâm lý, đưa tinh thần trở về trạng thái an nhiên. Anh nói bài học lớn nhất mà thời gian đó cho anh là tin sâu vào luật nhân quả. Có thể anh từng gieo nhân ác với những người đó trong quá khứ nên bây giờ nhân ấy đủ duyên và bắt đầu trổ quả. Không phải chúng ta ngồi chờ cái quả trút lên mình mà khi thấy cái quả đã hiện rõ thì hãy chấp nhận nó nhưng đồng thời cũng có những hành động nhằm chuyển hóa tâm hành xấu khi quả không lành ấy biểu hiện, làm cho nó biến mất hoặc chí ít là ngăn chặn nó phát triển lớn hơn.

Đối với chị Diệu Tâm, khi gặp khó khăn chúng ta “không nên vượt qua nó” mà hãy “tìm cách thỏa hiệp, sống hòa bình, vui vẻ với nó”. Bởi mọi thứ đều sẽ theo quy luật sinh rồi diệt, không cần phải trốn chạy, cũng không cần tiêu diệt chúng. Khi chúng ta tin vào quy luật Nhân-Quả, Sinh-Diệt của thế giới tự nhiên thì lúc ấy chúng ta không còn phải loay hoay với câu hỏi “Làm sao để thoát khỏi khủng hoảng?”.

Việc cần làm là đừng cố vùng vẫy để thoát khỏi mà là đối đầu một cách hòa bình với nó, dĩ nhiên sẽ không dễ dàng, sẽ có những khó chịu nhất định. Tự lượng sức mình, cân nhắc xem khó khăn đó, liệu mình có đương đầu nổi không, nếu được thì mình nhẹ nhàng đi xuyên qua nó, còn nếu thấy cái khó này nặng quá sức mình thì mình chọn cách buông bỏ. Thách thức bản thân như ông bà mình dạy “trong cái khó, ló cái khôn”.

Tìm lại an nhiên

Vượt qua khoảng thời gian sóng gió, giờ đây anh Thiện Nghiêm đã lấy lại cân bằng trong cuộc sống và tìm được sự an tĩnh trong tâm hồn. “Bây giờ trong tâm tôi rất an. Tu là cách xử lý khổ đau, vì tôi cho rằng tu để chuyển nghiệp. Tôi tìm đến chùa để học Phật, tụng niệm kinh Phật và suy xét lời Phật dạy để tìm lại bình an cho chính mình. Không oán giận, thù hằn nữa”, Phật tử Thiện Nghiêm chia sẻ.

Tìm lại sự an nhiên cho thân tâm không phải ngày một ngày hai mà đó là một lộ trình, một sự thực tập có chủ đích, có cứu cánh rõ ràng. Chị Diệu Tâm cho hay: “Tôi tìm đến sự an tĩnh bằng sự tập luyện tâm thoát khỏi tham, sân, si, mình không muốn khi mình qua đời, mình lại nằm ôm của cải vốn không thuộc của mình, mà không dám bước tới bờ giải thoát với sự an tĩnh tuyệt đối trong tâm hồn. Sau những thất bại, những khó khăn mà mình đã chạm phải, mình xem tất cả như một người thầy, và ngôi trường giáo dục mình học tập suốt thời gian sống là trường đời”.

Sống chậm lại, điềm tĩnh hơn, cũng là một trong những cách giúp chúng ta tìm được sự an nhiên trong tâm hồn. Khi chúng ta lắng lòng mình xuống, lắng nghe hơi thở của mình, nhìn thấu nội tâm mình, chúng ta sẽ thấy cơ thể mình cũng là một trường học, và bản thân mình vừa là người thầy, vừa là học trò, chúng ta sẽ tìm được cách học phù hợp với cơ địa của mình, tùy theo định hướng, cứu cánh mình đề ra. Ví như mình, cứu cánh là sự giải thoát, an lạc thật sự tự bên trong. Và an tĩnh trong tâm hồn hiển nhiên trở thành một trong những điều quan trọng mình hướng đến để có sự cân bằng của tâm thức khi ứng xử với chính mình và thế giới bên ngoài, xung quanh mình.

Tấn Khang

Nguyên nhân & cách giải quyết khủng hoảng

Khủng hoảng tâm lý là hiện tượng tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Khủng hoảng xảy ra khi cá nhân rơi vào tình trạng sốc tâm lý liên quan đến hoàn cảnh bên ngoài: chiến tranh, động đất, thiên tai, tai nạn thảm khốc, mất người thân... Cũng có thể liên quan đến cách giáo dục của gia đình gia trưởng, ép buộc, cấm đoán, lạm dụng, khống chế hành vi thái quá và lặp đi lặp lại nhiều năm hay suốt đời; tệ nạn bắt nạt học đường, bắt nạt công sở; bắt cóc, đói nghèo, buôn người, khủng bố, thất bại làm ăn, bạo hành, thất tình... Các cá nhân rơi vào hoàn cảnh trên có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
Ở Việt Nam hiện nay giới trẻ và trẻ con rơi vào khủng hoảng tâm lý khá nhiều do cách giáo dục quá gia trưởng của cha mẹ, bị ép học (trẻ con học quá nhiều và kiến thức chương trình phổ thông quá cao so với khả năng phát triển của trẻ), bắt nạt học đường, bắt nạt nơi công sở, cậy quyền thế khống chế người khác, bạo hành thể xác và tinh thần...

Làm gì khi người thân bị khủng hoảng tâm lý?

- Cần nghiêm túc tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ giới trẻ phát triển.

- Chương trình giáo dục cần được nghiêm túc xem xét lại và được đề xuất khi đã qua các nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

- Cần giúp họ đương đầu đối mặt để khắc phục.

- Cần được thăm khám tâm lý để được hỗ trợ.

- Những liệu pháp tâm linh như thiền, đi chùa tụng kinh... sẽ mang lại một số hiệu quá nhất định, nhưng phải thông qua chuyên gia trị liệu hướng dẫn.

TS.Ngô Xuân Điệp
(Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
T.K ghi

Kế thừa và phát huy rực rỡ mạch sống của Đạo Pháp

Kế thừa và phát huy rực rỡ mạch sống của Đạo Pháp

Đăng lúc: 20:07 - 28/11/2016

Phật giáo đã du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ thứ I, trong lúc người dân Việt đang khổ đau dưới sự cai trị tàn khốc của nhà Hán. Hành đạo trong một nước có bối cảnh lịch sử như vậy, các nhà truyền giáo mang tinh thần từ bi vô ngã vị tha của đạo Phật đã dễ dàng nhập thân hành động, đóng góp trí tuệ và công sức cho sự sống còn của dân tộc.

Sử liệu cho thấy sự gắn bó mật thiết của Phật giáo với vận mệnh dân tộc, khổ nhục cùng cam, vinh quang cùng hưởng trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm. Mối tương quan sâu đậm này đã hình thành một Phật giáo Việt Nam đầy sức sống với những nét đặc sắc chưa từng thấy.
Trong quá trình phát triển, khởi thủy từ miền Bắc Việt Nam, Phật giáo đã lần truyền xuống miền Trung và miền Nam. Đến miền Nam, thì lại gặp Phật giáo Nam tông (do Phật giáo Khmer truyền đến) đang sinh hoạt mạnh.

pgvn.jpg
Phật giáo đã du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ thứ I
và đồng cam cộng khổ cùng dân tộc... - Ảnh minh họa từ internet

Chúng ta đều biết hai hệ phái Phật giáo Bắc tông và Nam tông có sự khác biệt về tư tưởng và hình thức tu học. Vì vậy, khi Phật giáo Bắc tông phát triển sinh hoạt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời gặp gỡ hoạt động có sẵn của Phật giáo Nam tông, điều này đã gợi cho Tăng Ni, Phật tử ý nghĩ cũng là đệ tử Phật mà tại sao không hợp nhất lại, để có sự cách biệt như vậy. Ý niệm thống nhất Phật giáo nảy mầm từ thời điểm giao thoa sơ khởi giữa hai hệ Phật giáo như vậy.

Tuy nhiên, trong khi Phật giáo chưa thống nhất được hai hệ phái Bắc tông và Nam tông thì đất nước ta bị Pháp xâm chiếm, vì nhà Nguyễn đã cắt sáu tỉnh Nam Kỳ đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đạo Phật bị chèn ép tối đa. Hầu hết các ngôi chùa lớn ở thành phố Sài Gòn như chùa Khải Tường ở gần nhà thờ Đức Bà, chùa Từ Ân, hay những chùa được sắc tứ ở thời Nguyễn đều bị thực dân Pháp phá hủy toàn bộ.

Dù giới Phật giáo mang niềm khao khát thống nhất mãnh liệt đến đâu chăng nữa, nhưng đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, cũng đành bó tay. Và từ đó dẫn đến tình trạng Phật giáo bị tan rã, từng chùa phải sinh hoạt riêng lẻ, không thể có lãnh đạo chung cho hoạt động Phật giáo. Có thể nói Phật giáo gần như im lìm, chẳng còn chút sức sống.

Tình trạng Phật giáo suy đồi kéo dài mãi đến thế kỷ XX mới có những vị danh tăng xuất hiện như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Từ Phong… Và Phật giáo bắt đầu hoạt động trở lại với sự sáng lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Sau đó, các hội đoàn khác lần lượt ra đời như Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng-già Nam Việt, Hội Lục hòa Tăng, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Riêng tại thành phố Sài Gòn lúc ấy, Phật giáo bừng sống với trên 20 hội hoạt động.

Nhưng phải đợi đến ngày đất nước được giải phóng mới mở ra cơ hội thuận tiện để giới Phật giáo thực hiện nguyện vọng thống nhất. Thật vậy, khi đất nước độc lập, các tổ chức quần chúng cũng đều thống nhất. Phật giáo Việt Nam được coi là một tôn giáo gắn liền với dân tộc; vì thế không thể tồn tại tình trạng phân chia Nam Bắc, phân hóa cục bộ nhiều tập đoàn, hệ phái. Đó là quan điểm chung của Tăng Ni, Phật tử cả nước và đã trở thành hiện thực với sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 7-11-1981, có đầy đủ đại biểu của 9 tập đoàn Phật giáo đại diện cho toàn thể Tăng tín đồ Việt Nam (9 tập đoàn gồm: Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN, GHPGVN Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN, Thiên Thai Giáo Quán tông, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Hội Thống nhất Phật giáo VN, Hội Phật học Nam Việt, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM).

Thành thật mà nói, việc điều hòa sinh hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn thập niên đầu mới thành lập có phần khó khăn, vì Tăng Ni, Phật tử vẫn còn quen với nếp sinh hoạt theo từng hệ phái riêng lẻ, thường được gọi là biệt truyền. Các hình thức Phật giáo biệt truyền khi hội nhập vào tổ chức thống nhất, sống chung với nhau, đương nhiên cảm thấy bỡ ngỡ, bị ràng buộc, khó thích hợp trong giai đoạn đầu.

Nhưng với thời gian, mọi người con Phật đều ý thức rằng họ cùng tôn thờ một đấng Thế Tôn, cùng sống chung trong một đất nước, nên cần có một mẫu số chung cho sinh hoạt đạo pháp. Ý niệm đúng đắn ấy đã là kim chỉ nam hoạt động của Giáo hội, thể hiện qua phương châm: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, nhưng vẫn tôn trọng sự tu hành của biệt truyền đúng Chánh pháp.

Thấm nhuần sâu sắc tinh thần thống nhất tổ chức mà Giáo hội đề ra, Tăng Ni, Phật tử tham gia hoạt động không còn ý nghĩ mình thuộc Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, hoặc thuộc Phật giáo cổ truyền. Tất cả đều hòa hợp cùng sinh hoạt chung trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức Phật giáo duy nhất hợp pháp tồn tại trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặt dưới quyền giám sát của Giáo hội, tất cả tu sĩ đều lãnh thẻ Tăng tịch do Giáo hội cấp phát. Tất cả văn kiện, thủ tục liên quan đến hoạt động đạo pháp đều phải thông qua Giáo hội duyệt xét. Không thể có một hoạt động nào của Phật giáo nằm ngoài Giáo hội.

Về ý nghĩa thống nhất lãnh đạo, chúng ta nhận thấy Hội đồng Trị sự gồm đủ chư tôn đức thuộc mọi hệ phái. Tuy nhiên, vì sinh hoạt theo nghị quyết, tức giải pháp do tập thể lãnh đạo quyết định, nên khi một vấn đề nào được tập thể duyệt xét, chấp thuận, thì tất cả đều phải chấp hành.

Nhờ thống nhất lãnh đạo như vậy, ý thức độc tôn không thể tồn tại. Từ đó, muốn ý kiến đề xuất của mình được chấp nhận, thành viên ấy phải tranh thủ được sự đồng tình của đại chúng thì mới thành quyết định chung của tập thể, mới có giá trị.

Về sự lợi ích của việc tôn trọng hình thái biệt truyền, chúng ta cần hiểu rõ thế nào là biệt truyền. Ngoài sự thống nhất tư tưởng về giáo pháp, chúng ta còn thấy kinh nghiệm tu hành, sở đắc của từng vị cao tăng khác nhau được truyền thừa qua các đệ tử. Phần biệt truyền này của các sơn môn hệ phái vẫn được Giáo hội tôn trọng. Nhờ vậy, giáo lý Phật chỉ có một, mà sinh hoạt biệt truyền, hay phần tu chứng, đắc pháp thì muôn màu muôn vẻ tạo thành sự hiện hữu nhiều vị danh tăng trong Giáo hội. Chính những kiến thức đa dạng của các bậc danh tăng đã đáp ứng được yêu cầu tri thức của xã hội hiện đại.

Hoạt động của Giáo hội trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo, đồng thời vẫn tôn trọng giáo pháp biệt truyền. Nền tảng thống nhất một cách đúng đắn và vững chắc như vậy, đã đóng góp không ít cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Thật vậy, với sự nỗ lực hoàn thiện, trau dồi đạo hạnh và phát triển Phật sự, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể, ghi đậm dấu mốc lịch sử của quá trình thành lập và phát triển của Giáo hội trải qua 7 nhiệm kỳ, điển hình là Giáo hội đã thành lập 63 Ban Trị sự ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng thời các Đại giới đàn trang nghiêm trao truyền giới pháp đã được tổ chức ở nhiều tỉnh thành của cả ba miền Nam, Trung, Bắc góp phần xương minh Phật pháp.

Các hoạt động Phật sự tại vùng miền núi Tây Bắc, đại ngàn Tây Nguyên, vùng sông nước miền Tây Nam Bộ cũng được phát triển rõ nét, nói lên hoạt động nhập thế tích cực của Giáo hội trong thời hiện đại.

Đặc biệt là các hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài như Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Hungary, Ukraine, Ba Lan, Nhật Bản đã được Giáo hội tổ chức và đang hoạt động tốt đẹp.

Về đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…

Ngoài ra, còn nhiều thành quả đáng trân trọng thuộc các lãnh vực như hoằng pháp, đào tạo giảng sư, văn hóa, các khóa tu tổ chức cho Phật tử trên mọi miền đất nước...

Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo đã được thành lập ngày 4-6-1982, do HT.Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban. Đến năm 1998, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM có nhiều thắng duyên cho Phật giáo thành phố tự đứng lên bằng đôi chân của mình, nghĩa là không nhận sự công trợ của Nhà nước nữa.
Thật vậy, mỗi năm, hoạt động của Phật giáo TP thuộc nhiều lãnh vực đều tự phát triển mạnh mẽ. Ban Trị sự Phật giáo TP đã phối hợp khéo léo với Ban Trị sự Phật giáo 24 quận huyện TP.HCM hoàn thành tốt đẹp công tác thống kê tự viện, lập danh bộ Tăng Ni và cấp Giấy chứng nhận Tăng sĩ chính thức của Giáo hội.

Sự thành công trong việc quản lý cơ sở và thành viên đã tạo cho Phật giáo TP.HCM sức mạnh về tổ chức, về con người và nhiều lãnh vực hoạt động quan trọng.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, hoặc xây dựng mới. Đáng kể nhất là ba ngôi chùa tiêu biểu cho ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ đã được xây dựng với quy mô rộng lớn, trang nghiêm.

Đó là chùa Huê Nghiêm, quận 2, trong khuôn viên rộng hơn 30.000 mét vuông, được bao bọc bởi quần thể vườn cây xanh rộng lớn, tạo nên không khí trong lành cho cư dân và Phật tử về tu tập tại khu đô thị mới phát triển.

Ngôi chùa thứ hai là Pháp viện Minh Đăng Quang có quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng của Hệ phái Khất sĩ miền Nam. Chùa tọa lạc tại quận 2 trong khu diện tích rộng hơn 37.000 mét vuông, với những tầng tháp cao vút và những tòa nhà dành cho nhiều sinh hoạt của chùa.

Ngôi chùa thứ ba là tổ đình Bửu Long trong khuôn viên rộng hơn 11.000 mét vuông, tọa lạc trên ngọn đồi phía Tây, sông Đồng Nai, thuộc quận 9, TP.HCM, với cảnh quan thoáng mát, thanh tịnh.

Và phải kể đến ngôi Việt Nam Quốc Tự mang dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Chùa sắp hoàn thành việc xây dựng để đưa vào hoạt động của Phật giáo thành phố trong năm tới.

Về hệ thống giáo dục, Phật giáo TP.HCM cũng quan tâm nhiều đến việc đào tạo Tăng tài. Từ lớp sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng Phật học đã có hàng ngàn Tăng Ni đang theo học, hoặc đã tốt nghiệp.

Và trên hết, Học viện Phật giáo TP.HCM đã phát triển vượt trội. Cố HT.Minh Châu làm Viện trưởng trong 5 khóa từ 1994-2005. Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân của 5 khóa này là 1.057 vị.

Năm 2005-2011: 1.477 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân chính quy.

Năm 2009-2015: 938 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân chính quy và 261 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân hệ đào tạo từ xa.

Năm 2013-2019: 931 Tăng Ni đang học cử nhân chính quy và 450 Tăng Ni đang học cử nhân hệ đào tạo từ xa.

Chương trình cao học, năm 2011-2015: 8 Tăng Ni tốt nghiệp thạc sĩ. 42 Tăng Ni đang làm luận văn thạc sĩ.

Học viện Phật giáo TP.HCM cũng liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khóa Sư phạm Giáo dục Mầm non khóa I (2015-2019) tại Học viện. Khóa học có 97 Ni sinh.

Từ năm 2005, chương trình cử nhân hệ 4 năm được đổi thành chương trình hệ Tín chỉ. Điều đặc biệt chưa từng có, Học viện TP.HCM đã mở khóa đào tạo thạc sĩ và từng khóa, số lượng Tăng Ni theo học tăng mạnh. Ngoài ra, vấn đề bức bách của Giáo hội, nhất là tại TP.HCM, Tăng Ni theo học các trường Phật học đã phải ở nhà dân, vì các tự viện không thể đáp ứng việc lưu trú. Điều này đã gây ra nhiều bất tiện và không tốt cho việc tu học của Tăng Ni.

Học viện Phật giáo TP.HCM đã giải quyết được tình trạng khó khăn trên cho Tăng Ni. Học viện TP đã sớm hoàn thành các tòa nhà tiện nghi cho Tăng Ni sinh nội trú, chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và việc học hành một cách tốt nhất có thể. Đó là điều ước mơ của Tăng Ni, Phật tử từ lâu và đến ngày nay, Phật giáo thành phố đã biến niềm mong ước đó trở thành hiện thực.

Trong các trường lớp nói trên có đủ màu áo của những tu sĩ thuộc tất cả hệ phái, sơn môn, đều cùng học tập chung, tạo thành sự cảm thông, hiểu biết nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Có thể nói đó là biểu tượng tốt đẹp nhất chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một thành quả do sự thống nhất mang đến.

Nhìn thành quả tốt đẹp về giáo dục ngày nay gợi chúng ta nhớ lại tình trạng giáo dục vào trước năm 1945. Ở thời đó, phải nói là khó kiếm được một tu sĩ Phật giáo có trình độ sơ cấp, đừng nói chi đến trình độ cao hơn.

Ngày nay, Giáo hội đã đào tạo được số lượng tu sĩ đáng kể có kiến thức, tốt nghiệp từ phổ thông đến đại học, trên đại học, cũng như các Tăng Ni tốt nghiệp ở nước ngoài về. Điều này khẳng định một tương lai tươi sáng của Phật giáo Việt Nam trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến thành quả ấn tượng về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP.HCM. Thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi vô ngã vị tha của Phật dạy, trong 35 năm qua, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP được thực hiện từ sự đóng góp của các mạnh thường quân và các Ban Từ thiện cơ hữu như: Từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ, Từ thiện xã hội Ban Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội Gia đình Phật tử, Từ thiện xã hội Ban Phật giáo Quốc tế, Từ thiện xã hội Ban Trị sự 24 quận/huyện. Tất cả đều thực hiện việc từ thiện dưới mọi hình thức như: Tuệ Tĩnh đường, các trường nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị chất độc da cam, các lớp học tình thương, các nhà dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện và nuôi người bị nhiễm HIV, ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài nước.

Ngoài những công tác từ thiện trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như: xây cầu bê-tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa…

Những việc làm nói trên cho thấy Phật giáo TP đã hoàn thành rất tốt hoạt động từ thiện xã hội, chẳng những giảm bớt gánh nặng cho công quỹ Nhà nước mà còn góp phần tích cực cho an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ban Trị sự PG TP.HCM vào năm 1982-1987, số tiền đóng góp cho từ thiện xã hội được gần 3 tỷ đồng. Và từ năm 1997 cho đến nay, hoạt động từ thiện xã hội luôn tăng vượt bậc. Cụ thể là: 1997-2012: hơn 1.182 tỷ đồng. Từ 2013 - 6 tháng đầu 2016: hơn 1.204 tỷ đồng và nhiều ngoại tệ, cùng hơn 100 ca hiến máu nhân đạo.

Tổng cộng thành quả từ thiện hơn 2.500 tỷ đồng, tức tăng gấp 833 lần so với thời kỳ đầu mới thành lập, Phật giáo TP.HCM đã đóng vai trò hậu thuẫn mạnh mẽ cho hoạt động từ thiện của Trung ương Giáo hội trong suốt 35 năm qua và cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển khối Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam thêm bền vững.

Những thành quả mà Phật giáo đã đạt được khẳng định rằng chủ trương và đường hướng hoạt động của Giáo hội thực sự đúng đắn. Vì vậy, những hoạt động Đạo pháp cũng đã góp phần xây dựng xã hội, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đáng quý.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của những thành quả lợi ích thiết thực quan trọng, đã tạo lập được trong suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm.

Kỷ niệm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua chặng đường dài 35 năm, đã đánh dấu một bước trưởng thành đáng trân trọng về nhận thức và hành động của Tăng Ni, Phật tử; đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu sắc tinh thần thống nhất và đoàn kết, cùng nhau thực hiện truyền thống tốt đạo đẹp đời do Giáo hội đề ra.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai với bối cảnh nhiều thuận lợi cho hoạt động của Giáo hội, cũng như dựa trên nền tảng tốt đẹp đã tạo dựng được, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ phục vụ hữu hiệu hơn nữa cho Đạo pháp và Dân tộc, nâng cao vị trí của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và trong cộng đồng quốc tế.
HT.Thích Trí Quảng
(Phó Pháp chủ GHPGVN)

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đăng lúc: 21:40 - 26/11/2016

Tưởng niệm lần thứ 708 Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết 11/11 năm Mậu Ngọ (1258) - 11/11 năm Bính Thân (09/12/2016)


Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ. Đức vua Trần Nhân Tông - Đức Phật hoàng Việt Nam – Tổ tiên tộc Việt!
-Ngài là nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài đức kiêm toàn, trực tiếp lãnh đạo cùng toàn dân, hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông hung hãn cuồng vọng nhất bấy giờ,(Năm 1285 - 1288), mà vó câu xâm lược đã chiếm gần ¾ thế giới, cả Châu Á lẫn Châu Âu, từ bờ Hắc hải đến Thái bình dương
Đế chế Nguyên Mông chinh phục toàn bộ các nước Á Châu như: Kim, Liêu, Tây hạ, Thổ phồn, Cao ly, Tây tạng, Afganistan, Hồi.
Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Chinh phục toàn bộ các nước vùng Trung Đông, các nước Âu Châu như Đức, Hung, Balan, Tiệp khắc, Liên xô. Trận đánh lần thứ nhì(1285 và lần thứ ba(1288) là lúc họ chiếm trọn Trung Quốc.

Có thể nói, bấy giờ quân Nguyên Mông đông hơn gấp nghìn lần quân Việt. Nhưng lại bị đại bại thảm hại, dưới sự lãnh đạo của Đức Vua Trần Nhân Tông cùng quân dân đại Việt! giữ gìn toàn vẹn quê hương đất nước.
- Ngài là Nhà văn hoá tư tưởng xuất chúng, sớm lấy ý dân, đặt nền dân chủ(Bi-Trí-Dũng) đầu tiên cho nhân loại, qua Hội nghi Diên Hồng-Bình Than, đoàn kết nhân tâm, tổng lực chiến đấu và chiến thắng thần kỳ.
-Ngài là một vị Vua anh minh uy dũng, chỉ duy nhất đã có công thành tựu ba việc lớn cho dân tộc, đó là: “ Dựng Nước - Giữ Nước - Mở Nước” (Các vị khác chỉ thành tựu được một hoặc hai), đem lại thái bình thịnh trị cho dân tộc, toả sáng chân lý an vui hạnh phúc cho nhân loại. Ngài đã để lại cho cháu con tộc Việt.
Xã tắc vạn xuân bền sắc ngọc
Non sông muôn thuở vững âu vàng
Nhật nguyệt sáng soi trang sử Việt
Giang sơn toả chiếu ánh đạo thiêng

- Ngài đã cứu cả nhân loại và quê hương Việt Nam, thoát vòng hận thù chiến tranh đau khổ.
Thời đó Đức vua Trần Nhân Tông và toàn dân tộc Việt, nếu không chiến thắng được giặc dữ đế chế Nguyên Mông, thì chắc chắn rằng:” Chẳng có thế giới sử và lịch sử Việt Nam” như bây giờ! Và thế giới giờ đây sẽ ra sao? Khi bị thống trị bởi những kẻ ác nhân vô minh cường bạo nhất thời đó?
(Về chính sử cách nay trên 700 năm, dưới sự lãnh đạo “Thiên tài” của đức vua Trần Nhân Tông và tổ tiên Phật Việt, nếu không chiến đấu và chiến thắng ác giặc Nguyên Mông, đã chiếm trọn ¾ thế giới, cả Trung đông, cả Châu âu-nước lớn là Liên xô và cả Châu á- nước lớn là Trung quốc, đại quân Nguyên Mông khi tiến vào Bắc kinh, lúc đó Tả thừa tướng Lục Tú Phu phải cõng vua Tống mới 10 tuổi chạy trốn…Cuối cùng, theo khí tiết Nho gia “Quân tử tầu”, vua tôi trầm mình dưới biển mà chết!
Nhưng khi vào Việt Nam, đại quân Mông Cổ đã bị đại bại thảm hại liên tục ba lần, dưới hào khí bất khuất, trí dũng vô song của tổ tiên tộc Việt!
Như trên, nhìn lại mình. Cháu con tộc Việt rất tự hào với tinh thần Bi Trí Dũng của tổ tiên, mà cha ông chúng ta, Đức vua Trần Nhân Tông đã làm được cho nhân loại và dân tộc Việt.

Và nhìn về quê hương Việt Nam, nhớ về cội nguồn, chúng ta vô cùng biết ơn nhớ ơn tiên tổ, và tự hỏi lòng:”Lịch sử thời trần, chiến thắng Nguyên Mông”. Nếu ngược lại, giặc Nguyên thắng, dân Việt thua, thì chắc chắn rằng chẳng có cháu con tộc Việt thời Hồ, thời Lê…cho đến bây giờ!)
- Thời niên thiếu thái tử Trần Khâm- Đức Vua Trần Nhân Tông, phẩm chất như vàng, làu thông kinh điển, thông minh xuất chúng, mười sáu tuổi ăn chay thiền tịnh, đã ba lần từ chối ngôi vương và xin vua cha Trần Thánh Tông để lại ngai vàng cho anh là Đức Việp.
Khi đã lên ngôi cao tột đỉnh, danh lợi tột cùng, Ngài nhẹ cởi áo long bào, để lại ngai vàng cho cháu con tộc Việt, khoác áo nâu sòng, thẳng bước đi lên núi cao rừng rậm Trúc Lâm Yên Tử, sương lam chướng khí. thú dữ độc trùng, đầy hiểm nguy gian khó! Ngài ngồi gần hổ dữ, trên rắn dưới rít, sống chết phút giây! Ngài ăn rau măng, uống nước suối, ngủ giường tre. Sáng tinh sương vào rừng hái thuốc. Chiều xuống núi phân phát thuốc chữa bệnh cho dân, Tối về, ngồi một mình trong Am Dược, chịu lạnh lẽo buốt xương, bên ánh lửa khuya, Ngài tỉ mỉ chọn lựa phân chia: lá, cành, hoa, trái, rễ, củ… gói thành từng thang thuốc. Và Ngài hướng dẫn quân dân thọ trì Bồ tát hạnh, hành trì Thập thiện, Tứ trọng ân… sống yêu thương tương trợ hoà hiếu an vui (Cho nên xã hội thời đó rất an bình hạnh phúc, ít tham dục sân si, cổ sử có ghi “Đêm đến nhà nhà không đóng cửa”. Sáng về ngân vọng tiếng chuông Chùa. Ngát hương từ đất trời dịu mát. Mắt cười tâm toả ánh sen tươi ).
- Ngài xây dựng tinh thần “Lục hoà” và hoá giải đấu thắng với hai nước Chiêm thành và Chân Lạp (Lục Chân Lạp-Thuỷ Chân Lạp). Ngài truyền trao tuệ giác và dạy vua con Trần Anh Tông cách sống và lãnh đạo của một đấng minh quân, dạy vua Chiêm Thành là Chế Mân tấm lòng đại từ bi, bố thí cúng dường trong tinh thần Phật đạo. “Tôi yêu gia tộc hơn bản thân, yêu Tổ quốc hơn gia tộc, và yêu nhân loại trên Tổ quốc”.
-Trước lúc nhập diệt Ngài còn nói pháp độ chúng sanh (đệ tử Bảo Sái). Lúc Ngài hoá thân nhập Niết bàn. Núi rừng Trúc Lâm Yên Tử, hào quang năm sắc rạng ngời, toả ngát hương thơm giới đức, không gian tĩnh lặng, đất trời mây sương thành giải trắng bay lượn lưng chừng tiếc thương!
Lễ Trà Tỳ. Ngài đã để lại trên 500 viên Xá lợi, còn nhỏ như hạt mè hạt gạo thì nhiều vô số. Phật đạo Việt Nam và Thế giới năm châu, một trang chính sử uy linh kỳ tích, hy hữu đến lạ thường!

Cháu con tộc Việt mở dòng chính sử, hướng về nguồn cội, đất Tổ quê hương. Kính đảnh lễ tổ tiên Phật Việt – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài viên dung vô ngại, vẹn toàn đức hạnh: “Từ bi Hỷ xả - Thường, Lạc, Ngã, Tịnh – Vô ngã vị tha ”.
Với những công đức Ngài làm được cho nhân loại và dân tộc Việt, đại chúng qui kính tôn xưng Ngài danh hiệu: " Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông". Bồ đề tâm vô uý, chỉ duy bậc nhất thừa. Việc làm của Ngài đối với nhân loại thật là vô lượng vô biên! với dân tộc Việt thật là vô cùng vô tận!
Thật là : “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” . Và thật là “Thiền Trúc Lâm Yên Tử” - Đạo Phật Việt Nam rạng rỡ muôn phương vang lừng thế giới.
Như Thái tử Tất Đạt Đa, đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, cuộc sống “Chuyển Luân thánh vương” để đi tìm chân lý đạo vàng, đem an vui hạnh phúc cho số đông. Ngài nhiều đời kiếp kiếp tu trì hạnh nguyện Bồ tát,(Bồ tát Thường Bất Khinh…) luôn luôn sống vì tha lực đại Bi-Trí-Dũng. Nói nghĩ và làm tất cả vì lợi ích cho chúng sanh, nên khi chứng thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác - Đấng Thiên Nhân Sư - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài tuyên bố rằng:
“ Như Lai thị hiện vào đời với mục đích duy nhất là: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" –(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.)
Chúng con kính chào quí thiện hữu thập phương ta bà thế giới. Chúng con xin kính lễ quí Chư tôn Thiền Đức Tăng Ni. Kính chào quí Phật tử thiện tri thức…

Kính xin có vài lời chia sẻ hầu chuyện cùng quí Ngài, qua sáng tác Ca khúc “ Phật hoàng Trần Nhân Tông” và những dấu ấn rực rỡ trong hành trạng của bậc xuất trần đại sĩ - Đức Phật hoàng Việt Nam - Đức Vua Trần Nhân Tông.
Kính chúc quí Ngài, những vị “Phật sẽ thành”. Sức khoẻ Bi Trí Dũng, hành trì Bồ tát đạo, phát Bồ đề tâm, hoằng pháp lợi sanh an vui pháp giới.
NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

Tạ Văn Sơn

TP.HCM: Bế mạc khóa trụ trì, tưởng niệm Đức Phật hoàng

TP.HCM: Bế mạc khóa trụ trì, tưởng niệm Đức Phật hoàng

Đăng lúc: 21:38 - 26/11/2016

Sáng nay, 26-11, chư tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã tổ chức bế giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 và Tưởng niệm lần thứ 708 Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo TP.HCM - chùa Phổ Quang, quận Tân Bình.

ANH BB (4).JPG
Chư tôn giáo phẩm chứng minh
Quang lâm chứng minh, tham dự có sự hiện diện của chư tôn đức giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Trưởng BTC khóa Bồi dưỡng trụ trì; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường, thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS PG TP; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; cùng chư tôn đức Tăng Ni thuộc ban, viện T.Ư, BTS PG TP, 24 BTS PG quận, huyện cùng hơn 600 Tăng Ni khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016.

Đại diện các Sở, ban, ngành TP có ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP; Lê Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP…

ANH BB (7).JPG
Chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS

ANH BB (5).JPG
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS, ban, viện T.Ư

Tại buổi lễ, thay mặt Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016, ĐĐ.Thích Thiện Quý, Chánh Thư ký BTS PG TP báo cáo khóa học của Tăng Ni. Theo đó, khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 là khóa học nâng cao của Tăng Ni đã có chứng chỉ khóa I-2015.

Khóa học nhằm triển khai giáo điển của Đức Phật quy định trong Tỳ-ni luật tạng hoặc chư Tổ đã chế tác trong các bản thanh quy, thiền môn quy củ, thiền lâm Bảo Huấn… bồi dưỡng kiến thức về hoằng pháp, nghi lễ thiền môn, các pháp yết-ma, hành chánh Giáo hội, soạn thảo văn bản, chính sách, tín ngưỡng tôn giáo… cho chư tôn đức Tăng Ni. Khóa học có hơn 600 Tăng Ni tham dự gồm Tăng Ni đang trụ trì các tự viện và Tăng Ni đại chúng.

Khóa học diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-11-2016 do chư tôn đức giáo phẩm HĐTS, BTS PG TP.HCM, chư tôn đức có kinh nghiệm trong việc quản lý tự viện, hành chánh Giáo hội phụ trách giảng dạy: HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Minh Chơn, HT.Thích Minh Thông, TT.Thích Lệ Trang, TT.Thích Thiện Thống…

ANH BB (10).JPG
HT.Thích Đức Nghiệp ban đạo từ

ANH BB (9).JPG
ĐĐ.Thích Thiện Quý báo cáo công tác giảng dạy

ANH BB (8).JPG
Hơn 600 học viên tham dự

Chương trình khóa học gồm các chuyên đề: Ý nghĩa trụ trì (HT.Thích Trí Quảng), Hoằng pháp truyền thống và hiện đại (HT.Thích Minh Chơn), Các pháp Yết-ma (HT.Thích Minh Thông), Nghi lễ thiền môn (TT.Thích Lệ Trang), Hành chánh Giáo hội (TT.Thích Thiện Thống), Pháp lệnh, tín ngưỡng tôn giáo (ông Lê Hoàng Vân). Sau các buổi học, Tăng Ni học viên đặt câu hỏi và được giảng sư trả lời, thảo luận tại giảng đường.

Khóa học được đánh giá khá nghiêm túc, mỗi buổi học đều có điểm danh. Sau mỗi môn học, học viên làm bài kiểm tra với tinh thần nghiêm túc, cầu học. Bài kiểm tra nộp về đạt 95% so với số lượng Tăng Ni đăng ký tham dự.

Căn cứ vào chất lượng các bài kiểm tra, và học viên tham dự đủ số buổi học theo quy định của Ban Tổ chức, Tăng Ni sẽ được cấp chứng chỉ II.

Ban đạo từ tại buổi lễ, HT.Thích Đức Nghiệp thay mặt chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN tán thán công đức đối với BTS PG TP.HCM đã tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 cho Tăng Ni.

Hòa thượng cũng phát biểu nêu lại hành trạng cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân Đại lễ tưởng niệm lần thứ 708 ngày Ngài nhập Niết-bàn.

ANH BB (2).JPG
Trang nghiêm lễ đài tôn trí tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

ANH BB (12).JPG
Chư tôn giáo phẩm niêm hương tưởng niệm

ANH BB (13).JPG

ANH BB (14).JPG
Thực hiện khóa lễ tụng niệm

Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS PG TP, 24 BTS PG quận huyện, quý quan khách và Tăng Ni hướng về lễ đài niêm hương cúng dường Tam bảo, thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cống hiến cuộc đời cho Dân tộc và Đạo pháp.

TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ TP.HCM đã xướng lễ cúng dường, và thực hiện các nghi thức tưởng niệm. Toàn thể đại chúng nhất tâm đồng thanh tụng niệm cúng dường, tưởng nhớ công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

ANH BB (15).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni, quý khách thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng

Tiểu sử Đức Phật hoàng đã khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông (1-11-1308 – 1-11-2016) là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc.

Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp, nhân dân và Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

ANH BB (1).JPG
HT.Thích Thiện Tánh phát biểu cảm tạ

ANH BB (11).JPG
Quang cảnh lễ bế giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì

Buổi lễ khép lại sau phần phát biểu của HT.Thích Thiện Tánh thay mặt Ban Tổ chức cảm tạ.

* Đọc thêm: 3 điều kiện cần thiết đối với vị trú trì ||

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Phụng tống kim quan HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp

Phụng tống kim quan HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp

Đăng lúc: 11:13 - 26/11/2016

Sáng 24-11 (25-10-Bính Thân), Ban Tổ chức tang lễ Đức Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN - cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm tại chùa Sắc tứ Long Sơn (TP.Nha Trang, Khánh Hòa).
Chứng minh và tham dự buổi lễ có chư tôn đức Giáo phẩm HĐCM, HĐTS TƯGH, các ban ngành, viện, các BTS GHPGVN tỉnh thành.

RJ7A0642.jpg
Trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình

Thay mặt Ban Tổ chức tang lễ, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đã cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình.

RJ7A0659.jpg
HT.Thích Thanh Nhiễu cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng

Theo đó, Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Tuấn, sinh ngày 22 tháng 2 năm Quý Dậu (1933) trong một gia đình thâm tín Tam bảo, ở làng Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Nhờ sẵn túc duyên, ngài được HT.Thích Thiện Minh - Hội trưởng Hội Phật học Khánh Hòa đương thời hướng dẫn ra Huế xuất gia với Đức Trưởng lão HT.Thích Giác Nhiên - Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, và được ban pháp danh Tâm Địa, pháp tự Thiện Bình, pháp hiệu Chánh Tâm. Sau đó, Hòa thượng Bổn sư cho theo học tại Phật học đường Báo Quốc - một cơ sở đào tạo Tăng tài nổi tiếng thời bấy giờ, do Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ làm Giám đốc, được sự trực tiếp giảng dạy của quý Ngài như HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Mật Thể, HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Trí Quang, HT.Thích Mật Hiển, HT.Thích Mật Nguyện, HT.Thích Thiện Minh, HT.Thích Minh Châu,…

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Báo Quốc, ngài được Hoà thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại giới đàn chùa Linh Quang - Thừa Thiên.

Năm 20 tuổi (1952), ngài được Bổn sư cho thọ giới Cụ-túc tại Giới đàn Báo Quốc, do Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm 22 tuổi, ngài được Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử làm giảng sư, dấn thân hành đạo nhằm củng cố và xây dựng cơ sở Phật giáo tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Đức - Đà Lạt, Kon Tum…

RJ7A0650.jpg
Quang cảnh lễ tưởng niệm

Năm 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, ngài được suy cử vào Hội đồng Chứng minh, kiêm Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN. Sau đó, năm 2007, ngài được suy tôn đảm nhiệm Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; năm 2012, ngài được suy tôn làm Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình là thế hệ Tăng tài được đào tạo một cách quy củ trong giai đoạn Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, đặc biệt sống trong môi trường Phật học viện nghiêm khắc tại miền Trung, nên Ngài đã được thừa kế một tinh thần phụng sự không biết mệt mỏi vì lý tưởng Bồ-tát đạo, vì sự hưng thịnh của Đạo pháp và Dân tộc.

Mặc dù khi đã tuổi cao sức yếu, nhưng với ý hướng tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài vẫn vững chãi trong cương vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, cũng như các Phật sự của Trung ương Giáo hội, gắn bó với Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

RJ7A0692.jpg
Kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ trước giờ tổ chức lễ phụng tống nhập tháp

Với những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều bằng khen cao quý khác (xem đầy đủ tiểu sử Đức Phó Pháp chủ Thích Thiện Bình).

RJ7A0678.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của TƯGH

RJ7A0652.jpg

Tiếp đó, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS thay mặt HĐTS tuyên đọc lời tưởng niệm của TƯGH. Tưởng niệm có đoạn: “… Bằng hạnh nguyện Đại thừa, Hòa thượng đã đi vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí dấn thân phụng sự cõi trần. Nơi nào Hòa thượng đến đều làm cho đạo vàng sáng tỏ, đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới.

Hòa thượng đã tùy duyên hóa độ chúng sinh, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý giải thoát ngàn đời một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Với tinh thần vô ngã vị tha, đạo tâm trác thế, nêu cao truyền thống hòa hợp đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đạo pháp và góp phần thống nhất PGVN, Hòa thượng đã cùng Tăng Ni, Phật tử và Môn phái Tổ đình tiếp nối dòng sinh mệnh hơn 2.000 năm lịch sử của PGVN…”.

RJ7A0685.jpg
HT.Thích Ngộ Tánh đọc lời cảm tạ của BTC

HT.Thích Ngộ Tánh, Phó BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, thay mặt BTC tang lễ, BTS và môn đồ pháp phái đọc lời cảm tạ chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử, lãnh đạo chính quyền các cấp đã phúng viếng tưởng niệm và dự lễ phụng tống kim quan cố trưởng lão.

Sau lễ tưởng niệm của TƯGH, lễ phất trần đã được thực hiện theo nghi thức tang lễ thiền môn và phụng tống kim quan Đức Phó pháp chủ Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp tại khu tháp Tổ trong khuôn viên chùa Sắc tứ Long Sơn.

RJ7A0695.jpg
Môn đồ đảnh lễ Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng lần cuối

RJ7A0697.jpg
Giây phút bùi ngùi tưởng nhớ "ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng"

RJ7A0707.jpg

RJ7A0713.jpg
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN tưởng niệm

RJ7A0715.jpg
Thực hiện nghi thức phất trần kim quan

RJ7A0726.jpg
Phụng thỉnh di ảnh, long vị cố Trưởng lão Hòa thượng rời Giác linh đường

RJ7A0734.jpg
Nghi thức di quan

RJ7A0760.jpg

RJ7A0795.jpg

RJ7A0800.jpg

RJ7A0843.jpg
Thỉnh kim quan Đức Phó Pháp chủ nhập tháp trong khuôn viên chùa Long Sơn

RJ7A0849.jpg

RJ7A0866.jpg
Kim tĩnh tại khuôn viên chùa

RJ7A0870.jpg

RJ7A0884.jpg
Kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng nhập bảo tháp trong sáng nay, 24-11

RJ7A0894.jpg

RJ7A0900.jpg

RJ7A0904.jpg
Rải hoa tiễn biệt một bậc thầy cả đời dấn thân vì đạo cả

Pháp Đăng - Ảnh: Nguyên Sơn

Tinh thần giáo dục Phật giáo

Tinh thần giáo dục Phật giáo

Đăng lúc: 21:44 - 20/11/2016

Khi bàn về giáo dục theo tinh thần Phật giáo, trong Phật học khái luận, HT.Thích Chơn Thiện đã đề cập Đức Phật như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
Theo đó, với niềm tin giáo dục, Đức Phật đã nói đến khả năng giác ngộ mà mọi người đều có thể vận dụng qua nỗ lực của tự thân. “Do nhận thức là vô ngã, và các pháp là vô ngã nên mới có thể thực hiện sự chuyển hóa nhận thức và chuyển hóa các pháp, và mới có các công trình sáng tạo”.

Phương tiện lễ nhạc

Phương tiện lễ nhạc

Đăng lúc: 09:39 - 11/11/2016

HỎI: Tôi tụng Lương hoàng sám pháp, có đoạn nguyện“tai không nghe tiếng chuông, linh, ốc, trống, cầm, sắc, không hầu, lâm, lang, ngọc bội làm mê hoặc chúng sanh”. Vậy tại sao trong các nghi lễ thuộc Phật giáo Bắc tông tôi lại thấy có dùng chuông, linh, ốc, trống, kèn, đàn, tán tụng…? Như vậy có làm mê hoặc chúng sanh? Mong quý Báo giải thích cho tôi rõ hơn về vấn đề này.

(ĐỨC TRUNG, trungphanc@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Đức Trung thân mến!

Ai cũng biết rõ về những tác dụng đa chiều của âm nhạc đối với đời sống con người. Âm nhạc chân chính sẽ khiến thăng hoa tinh thần, thư giãn, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, giúp người nghe phấn chấn, tin tưởng, yêu đời và vui sống hơn. Ngược lại, một số loại hình âm nhạc có tính kích động làm cho cuồng loạn, hoặc khiến người nghe sầu thảm, u mê, muốn tự sát. Trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, âm nhạc có vai trò kết nối con người với thần linh, giúp con người hòa nhập làm một với các đấng thiêng liêng.

Đạo Phật tuy không phủ định các giá trị tích cực của âm nhạc nhưng có giới luật Không ca hát và cố ý xem nghe. Bởi âm nhạc luôn “mê hoặc chúng sanh”, chìm đắm hoặc vướng mắc vào thanh trần đều trở ngại cho chánh niệm. Người đệ tử Phật nguyện “tai không nghe tiếng chuông, linh, ốc, trống, cầm, sắc, không hầu, lâm, lang, ngọc bội…” nhằm giữ tâm chánh niệm, không để cho tham ái thanh trần xâm chiếm, chế ngự tâm mình.

Ngoài việc bảo lưu giới luật Không ca hát và cố ý xem nghe, Phật giáo Bắc tông có quan niệm dùng âm nhạc để cúng dường Tam bảo, lấy âm nhạc làm phương tiện để hướng chúng sinh vào đạo. Chúng sinh vốn mê âm nhạc, nên lễ nhạc Phật giáo Bắc tông mượn phương tiện này để thức tỉnh và trao truyền đạo lý cho người sơ cơ gọi là “dĩ huyễn độ chơn”. Tuy nhiên, sử dụng phương tiện thì linh động “tùy duyên” mà luôn “bất biến”, phải làm chủ phương tiện vì nó là con dao hai lưỡi. Nếu không hiểu rõ phương tiện, sử dụng lâu ngày rồi nhầm là cứu cánh khiến mình và người đều bị mê hoặc thì thật không nên.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Hà Nội: Trọng thể kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN

Hà Nội: Trọng thể kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN

Đăng lúc: 22:10 - 07/11/2016

Sáng nay 7-11, Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN đã trọng thể và trang nghiêm diễn ra tại hội trường Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội).

H1.jpg
Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ quang lâm - ảnh: Bảo Thiên

Đại lễ cung đón Đức Pháp chủ - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ cùng chư tôn giáo phẩm Phó pháp chủ HĐCM quang lâm chứng minh.

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; chư tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo 63 tỉnh, thành; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các vị lãnh đạo nhà nước, nguyên lãnh đạo nhà nước CHXHCN Việt Nam; đại diện các bộ ngành trung ương và TP.Hà Nội đến dự và chúc mừng.

H2.jpg
Cung nghinh chư tôn đức và đại biểu - ảnh: Bảo Thiên

H4.jpg
TT.Thích Huệ Thông dẫn chương trình - ảnh: Lương Hòa

H3.jpg
Nghi thức chào cờ - ảnh: Lương Hòa

Đại lễ bắt đầu bằng nghi thức cung nghinh trang trọng giữa tiếng nhạc hùng hồn, tiếng trống kèn rộn ràng với đoàn rước lễ đầy sắc màu do chư Tăng Ni sinh và các em Phật tử thủ đô phụ trách. Ngay sau đó là phần chào quốc kỳ, đạo kỳ, tưởng niệm các vị tiền bố hữu công, anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp, dân tộc.

Thay mặt cho Đức Pháp chủ, Hòa thượng Phó Pháp chủ Thích Trí Quảng đã tuyên đọc thông điệp gởi chư tôn túc Tăng Ni, quý Phật tử trong và ngoài nước nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội.

Bức thông điệp nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết, hòa hợp của các thành viên trong ngôi chung Giáo hội suốt 35 năm qua - đã tạo nên những thành tựu Phật sự quan trọng trên các mặt công tác, phục vụ nhân sinh, phát triển đất nước, góp phần kiến tạo hòa bình, an lạc cho nhân loại.

Qua đó, Đức Pháp chủ cũng khẳng định, Giáo hội đã thực sự lớn mạnh, đủ sức tiến hành các Phật sự trọng đại, hòa mình vào dòng chảy và sự phát triển chung của Phật giáo thế giới khi tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo tầm quốc tế. Dịp này, Đức Pháp chủ gởi lời tri ân đến các cơ quan nhà nước, bạn bè quốc tế và đồng bào các giới trong nước đã đồng hành, giúp sức Giáo hội để hoàn thành Phật sự từ ngày thành lập đến nay.

H7.jpg
HT.Thích Trí Quảng tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp chủ - ảnh: Lương Hòa

H5.jpg
Chư tôn giáo phẩm các ban ngành T.Ư dự lễ - ảnh: Lương Hòa

H6.jpg
Lãnh đạo các cấp chính quyền dự lễ - ảnh: Lương Hòa

Tuyên đọc diễn văn Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS Thích Thiện Nhơn khái quát lại quá trình hình thành, kiện toàn và điều hành Phật sự của Giáo hội suốt 35 năm qua; đồng thời khẳng định những tinh thần đoàn kết, hòa hợp, đồng hành và phụng sự là những giá trị cao quý của các cấp Giáo hội.

“Những thành tựu của Giáo hội trong 35 năm qua là liên tục, ổn định, rõ nét và qua đó khẳng định với kinh nghiệm sẵn có, tự thân mỗi thành viên của Giáo hội sẽ khắc phục khó khăn, tham gia sâu rộng những việc làm lợi đạo ích đời, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự xương minh đạo pháp, hưng thịnh đất nước” - Hòa thượng Chủ tịch HĐTS nhấn mạnh.

H9.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn đọc diễn văn đại lễ - ảnh: Lương Hòa

Trong bài diễn văn cũng khẳng định, lịch sử đã cho thấy kể từ thời Đức Phật tại thế cho đến nay, hễ Nhà nước ủng hộ Phật giáo thì Phật giáo hưng thịnh và đất nước cũng hưng thịnh phú cường. Văn hóa dân tộc có sự đóng góp lớn lao của Phật giáo về văn học, triết học, giáo dục, mỹ học, kiến trúc, nghệ thuật…, nhất là duy trì và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam có tiếp thu, chọn lọc một số nguồn văn hóa khác.

Trong phút giây trang trọng hướng về mốc lịch sử cách nay 35 năm, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đề nghị toàn thể đại biểu thành kính tưởng nhớ và niệm ân đến chư tôn đức tiền bối lãnh đạo Giáo hội qua các nhiệm kỳ - đã có công lao lớn trong việc xây dựng, củng cố và phát triển Giáo hội từ nhiệm kỳ đầu tiên của Giáo hội và chư vị cố Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, quý vị cư sĩ trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự từ trung ương đến địa phương của Giáo hội qua các nhiệm kỳ.

H10.jpg
TT.Thích Đức Thiện báo cáo kết quả Phật sự 35 năm của Giáo hội - ảnh: Lương Hòa

Thay mặt Ban Thư ký, TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS đã báo cáo kết quả công tác Phật sự của Phật giáo cả nước từ ngày thành lập đến nay.

Theo đó, khi mới thành lập (tháng 11-1981), nhiệm kỳ đầu là thời kỳ xây dựng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 2 hội đồng: Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, có 6 ban ngành trung ương và 28 Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo hoạt động.

Từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ IV là thời kỳ ổn định và xây dựng, nhiệm kỳ V và nhiệm kỳ VI là thời kỳ củng cố và phát triển.

Trải qua 35 năm, nhiệm kỳ VII là nhiệm kỳ kế thừa, ổn định và phát triển bền vững, kiện toàn và đổi mới tổ chức.

H13.jpg
Hình ảnh chư tôn đức và đại biểu nhìn từ trên cao - ảnh: Lương Hòa

“Hiện nay tổ chức GHPGVN có 89 thành viên HĐCM, 199 Ủy viên Hội đồng Trị sự và 66 Ủy viên dự khuyết. Hệ thống tổ chức Giáo hội gồm 13 ban, viện trung ương hoạt động chuyên ngành; thống nhất từ trung ương đến các địa phương khi đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh; quản lý 8 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến chương GHPGVN”, TT.Thích Đức Thiện thông tin.

Báo cáo cũng điểm qua những thành tựu nổi bật của 13 ban ngành hoạt động của Giáo hội gồm: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hoá, Kinh tế - Tài chính, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Pháp chế, Kiểm soát, Thông tin - Truyền thông, Viện Nghiên cứu Phật học.

Hiện tại, cả nước có 49.493 Tăng Ni tu học tại 17.376 cơ sở tự viện và hàng chục triệu tín đồ Phật tử cùng với hơn 50 triệu những người yêu mến đạo Phật; 4 học viện, 8 lớp cao đẳng và 31 trường trung cấp Phật học; gởi 476 Tăng Ni du học nước ngoài; 890 Tăng Ni giảng sinh tốt nghiệp khóa đào tạo giảng sư; 1.003 đơn vị GĐPT với 8.560 huynh trưởng và 65.650 đoàn sinh; 1.150 đạo tràng tu học dành cho Phật tử tại gia; nhiều ấn phẩm văn hóa và báo chí, thông tin điện tử; 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa, thực hiện công tác từ thiện khoảng 7.000 tỷ đồng; Giáo hội là thành viên của nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế.

Trong phương hướng thời gian đến, TT.Thích Đức Thiện đã trình bày 11 điểm cần tập trung thực hiện để đưa Giáo hội phát triển trong giai đoạn mới và hội nhập quốc tế.

H11.jpg
Ông Vũ Đức Đam phát biểu - ảnh: Lương Hòa

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ - khẳng định - trong quá khứ nhiều nhân vật ghi danh tên tuổi với lịch sử dựng nước và giữ nước xuất thân từ Phật giáo. Nói về sự kiện thành lập và những giá trị đóng góp của Giáo hội sau 35 năm, Phó Thủ tướng cho rằng đó là những đóng góp quan trọng, tạo sự ổn định trong đời sống và làm giàu các nét đẹp văn hóa.

Cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng đề nghị, Giáo hội, chư Tăng Ni, Phật tử cần tăng trưởng Phật chất để tiếp tạo sự trang nghiêm, phát huy các tiềm lực, làm chỗ dự tâm linh vững chắc cho dân tộc.

Dịp này, Giáo hội đã trang trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

Nhiều lẵng hoa, phần quà do lãnh đạo cấp cao của nhà nước, nguyên lãnh đạo nhà nước, các cơ quan trung ương, TP.Hà Nội, tổ chức, cá nhân gởi đến chúc mừng.

Giáo hội trao tặng 500 triệu đến Quỹ khuyến học Việt Nam do bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước làm chủ tịch.

H12.jpg
Ông Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất đến Giáo hội - ảnh: Lương Hòa

H15.jpg
Lãnh đạo UBTƯ MTTQVN tặng hoa chúc mừng - ảnh: Lương Hòa

H16.jpg
Giáo hội tặng 500 triệu đến Quỹ khuyến học Việt Nam - ảnh: Lương Hòa

Buổi lễ khép lại sau phần cảm tạ của Ban Tổ chức do HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đọc. Chư tôn đức lãnh đạo và quý đại biểu hoan hỷ chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội.

H17.jpg
HT.Thích Thanh Nhiễu cảm tạ - ảnh: Lương Hòa

H14.jpg
Hình ảnh chư tôn đức và đại biểu nhìn từ trên cao - ảnh: Lương Hòa

H8.jpg
Toàn cảnh đại lễ - ảnh: Lương Hòa

Bảo Thiên

VG (8)

TP.HCM: Trọng thể lễ mit-tinh kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN

Đăng lúc: 22:13 - 05/11/2016

Đông đảo quý khách, Tăng Ni, Phật tử đến Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM tham dự lễ mit-tinh kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (7-11-1981 – 7-11-2016) diễn ra trọng thể do Trung ương Giáo hội kết hợp Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức vào sáng nay, 5-11.

aaa (3).JPG
Chư tôn đức niêm hương tạ Tam bảo

aaa (4).JPG
Tại chánh điện mới của Công trình Việt Nam Quốc Tự
Dự lễ mit-tinh có sự hiện diện chư tôn giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự PG TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ tại TP.HCM và chư tôn đức HĐCM; HT.Yoshimizu Daichi, nguyên Hội trưởng Hội Tịnh độ tông - Nhật Bản; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, Văn phòng II TƯGH; ban, viện T.Ư; BTS PG TP.HCM, BTS PG các tỉnh, thành; BTS PG quận, huyện, Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại TP.HCM, Trường TCPH TP, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các tự viện TP.HCM tham dự.

Đại diện các cơ quan ban, ngành có sự hiện diện của ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN; Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Thanh Hải, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Văn Phớn, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam - Ủy ban T.ƯMTTQVN; Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP; ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch UBMTTQVN TP; Phạm Quang Đồng, Trưởng ban Tôn giáo TP; Đặng Quốc Toàn, Bí thư Quận ủy Q.10, đại diện các tôn giáo bạn, cùng đại diện các ban, ngành đoàn thể TP, Q.10.

Tri ân Tam bảo, chư tôn đức tiền bối hữu công, trước khi chính thức khai mạc lễ mit-tinh, chư tôn đức giáo phẩm đã niêm hương trước tôn tượng Đức Bổn sư Thích Ca tại chánh điện mới của Việt Nam Quốc Tự.

aaa (5).JPG
Nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ

aaa (6).JPG
Không khí thiêng liêng của Đại lễ

Le ky niem 35 nam (9).JPG
HT.Thích Trí Quảng tuyên đọc Thông điệp Đại lễ của Đức Pháp chủ GHPGVN

Sau nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, HT.Thích Trí Quảng tuyên đọc Thông điệp Đại lễ của Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão HT.Thích Phổ Tuệ gửi Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong nước và ở nước ngoài, lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại đoàn kết hòa hợp, đại thành tựu trong sứ mệnh phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của GHPGVN nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.

Thông điệp gửi gắm, Giáo hội cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Nhân Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPGVN, tôi tha thiết mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở Trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Hơn lúc nào hết, Tăng Ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỷ-kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ-tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của đạo Phật trong thời đại ngày nay”, thông điệp nhấn mạnh.

aaa (7).JPG
Đại lễ mit-tinh diễn ra trang trọng

aaa (8).JPG
Nhiều đại diện cơ quan, ban, ngành T.Ư, TP.HCM tham dự

aaa (16).JPG
HT.Thích Thiện Nhơn đọc diễn văn Đại lễ 35 năm thành lập GHPGVN

Tiếp đó, HT.Thích Thiện Nhơn đọc diễn văn Đại lễ 35 năm thành lập GHPGVN, Hòa thượng nêu quá trình hình thành và phát triển GHPGVN trong 35 năm qua, đồng thời thành kính tri ân đến chư tôn đức tiền bối lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ đã cống hiến công đức to lớn xây dựng Giáo hội.

Qua đó, cho thấy 35 năm qua, GHPGVN luôn đoàn kết, hòa hợp các Hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung GHPGVN và vui mừng với những thành tựu Phật sự 35 năm qua của Tăng Ni, Phật tử cả nước với 13 ban, viện, 63 Ban Trị sự PG tại 63 tỉnh, thành. Hòa thượng tin tưởng với đường hướng đồng hành cùng dân tộc, GHPGVN tiếp tục làm lợi tích cho Đạo pháp và Dân tộc, chúng sinh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

aaa (14).JPG
Chư tôn đức tham dự

aaa (12).JPG
Đại diện các ban, ngành TP

aaa (19).JPG
ĐĐ.Thích Quang Thạnh báo cáo đôi nét thành tựu của Phật giáo TP.HCM

ĐĐ.Thích Quang Thạnh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM báo cáo đôi nét thành tựu của Phật giáo TP.HCM. Báo cáo cho biết, thời kỳ đầu mới thành lập GHPGVN trên nền tảng 28 Ban Trị sự PG tỉnh, thành, THPG TP.HCM giữ vai trò tiên phong và quan trọng nhất cho sự nghiệp hình thành, phát triển mọi công tác Phật sự tại địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung.

Tại TP.HCM, sau nhiệm kỳ I kết thúc, kể từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ V, THPG TP do HT.Thích Thiện Hào làm Trưởng ban Trị sự, đến tháng 9-1997, HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm Quyền Trưởng ban, tháng 2-2000, HT.Thích Trí Quảng chính thức đảm nhiệm Trưởng BTS PG TP, từ đó đến nay với chủ trương “trẻ hóa năng lực”, hoạt động Phật sự BTS PG TP phát triển ổn định toàn diện với 12 ban, ngành trực thuộc. Hiện nay, TP có 1.325 cơ sở Giáo hội, 8.700 Tăng Ni và trên 15.000 Phật tử. Công tác từ thiện xã hội trong 35 năm qua đạt hơn 2.600 tỷ đồng.

aaa (13).JPG
Chư tôn đức Ni

aaa (18).JPG
Đại diện các cơ quan, ban, ngành T.Ư, TP.HCM tham dự

Do những thành tích đáng trân trọng của Phật giáo TP, HĐTS GHPGVN, UBND TP, UBMTTQVN TP đã tặng Bằng Tuyên dương công đức, Bằng khen đến tập thể BTS PG TP, các cá nhân.

Đại diện giới Tăng Ni, Phật tử trẻ, tại lễ mit-tinh, ĐĐ.Thích Thiện Quý, Chánh Thư ký BTS PG TP đã phát biểu tri ân chư tôn thiền đức tiền bối hữu công đã đặt nền móng vững chắc cho GHPGVN. Tăng Ni, Phật tử trẻ kế thừa hôm nay, nguyện cống hiến đức, tài, tri thức của mình để tiếp tục xây dựng, phát triển GHPGVN trong thời đại hội nhập, đáp đền công ơn to lớn của chư tôn thiền đức tiền bối.

aaa (33).JPG
ĐĐ.Thích Thiện Quý đại diện Tăng Ni trẻ phát biểu tri ân

aaa (34).JPG
Ông Nguyễn Hoàng Năng, đại diện các cấp chính quyền phát biểu

Tại lễ mit-tinh, ông Nguyễn Hoàng Năng, đại diện các cấp chính quyền phát biểu, ghi nhận và trân trọng thành quả của GHPGVN đạt được trong 35 năm qua. “Phật giáo Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thời kỳ nào Phật giáo cũng lấy đức từ bi, hỷ, xả, lấy chân -thiện-mỹ để giáo hóa chúng sanh, lấy trí tuệ và phụng sự đất nước làm sự nghiệp và phương châm hành đạo; giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo nhân dân, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị của con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam ghi nhận Phật giáo Việt Nam có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ, và xây dựng đất nước…

Trong xu thế hội nhập của đất nước, MTTQVN tin tưởng Giáo hội cần phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc , chăm lo đời sống, tâm linh cho cộng đồng Phật tử và người mộ đạo. Mong rằng, Tăng Ni, Phật tử cần trau dồi giới đức và phẩm hạnh gìn giữ giá trị nhân văn bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật Việt Nam”, ông Năng nhấn mạnh.

aaa (28).JPG
HT.Thích Trí Quảng nhận Bằng Tuyên dương công đức của TƯGH

aaa (31).JPG
Ông Huỳnh Cách Mạng trao Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP

aaa (29).JPG
HT.Thích Trí Quảng nhận Bằng khen

Đại lễ mit-tinh Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, Ban Tổ chức đón nhận nhiều lẵng hoa chúc mừng của HĐTS GHPGVN, TƯ MTTQVN, Ban Dân vận T.Ư, Ban Tôn giáo Chính phủ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, gia đình nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, Thượng tướng Phạm Dũng, gia đình Thiếu tướng Trần Quốc Liêm, các tổng lãnh sự quán các nước tại TP.HCM, các ban, viện T.Ư, BTS PG các tỉnh, thành…

Tại lễ mit-tinh, Ban Tổ chức trao 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" của Ủy ban MTTQVN TP.HCM.

Đại lễ mit-tinh Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN kết thúc sau phần phát biểu cảm tạ của HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức.

Dịp này, Ban Tổ chức triển lãm hình ảnh thành tựu nổi bật của các ban, ngành T.Ư và TP.HCM, một số ảnh các ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ đổi mới của Nhiếp ảnh Võ Văn Tường và ảnh nghệ thuật Phật giáo gắn với môi trường của các họa sĩ TP.HCM (phóng viên Giác Ngộ Online sẽ cập nhật thông tin đến bạn đọc)

Kính mời bạn đọc xem thêm chùm ảnh Đại lễ:

aaa (21).JPG
HT.Thích Thiện Pháp trao lẵng hoa chúc mừng của HĐTS GHPGVN

aaa (22).JPG
Ông Võ Văn Thiện trao tặng hoa của TƯMTTQVN

aaa (24).JPG
Ông Trần Tấn Hùng trao tặng lẵng hoa của Ban Tôn giáo Chính phủ

aaa (25).JPG
Bà Võ Thị Dung đại diện Thành ủy TP.HCM tặng hoa chúc mừng

aaa (26).JPG
Ông Đặng Quốc Toàn tặng hoa của Quận ủy Quận 10

aaa (12).JPG

aaa (9).JPG
Quý khách tham dự Đại lễ

aaa (8).JPG
Quý khách và đông đảo Tăng Ni, Phật tử

aaa (20).JPG
HT.Daichi từ Nhật Bản

aaa (32).JPG
Chư tôn đức nhận Bằng khen của UBND TP

aaa (15).JPG
Đại diện các tôn giáo bạn

aaa (27).JPG
TT.Thích Thiện Thống đọc quyết định Tuyên dương công đức cho BTS PG TP

aaa (2).JPG
BTS PG TP trao bảng ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" TP

aaa (35).JPG
HT.Thích Thiện Tánh phát biểu cảm tạ

aaa (10).JPG
Hội trường Việt Nam Quốc Tự không đủ không gian cho Đại lễ

VG (10).JPG

VG (4).JPG
Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni tham dự Đại lễ

VG (5).JPG

VG (6).JPG

VG (9).JPG
Đại lễ diễn ra trang nghiêm, trọng thể

VG (8).JPG
Quang cảnh Đại lễ Mit-tinh sáng nay

_MG_3418.JPG
Do sáng sớm nay trời mưa, Ban Tổ chức phải tổ chức trong hội trường
thay vì ngoài trời như dự kiến

VG (11).JPG
Phật tử phải ngồi ngoài sân

VG (12).JPG
Sân trước Việt Nam Quốc Tự sáng nay

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn, V.Giang

ImageView

6 giờ sáng mai, 5-11, Mít-tinh tại Việt Nam Quốc Tự

Đăng lúc: 20:49 - 04/11/2016

Theo đó, lễ mit-tinh chính thức chào mừng Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ, ngày 5-11-2016 tại Việt Nam Quốc Tự - ngôi chùa mang dấu ấn lịch sử của GHPGVN do TƯGH kết hợp với BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức.

Chuan bi cho dai le (1).jpg
Lễ đài tại Việt Nam Quốc Tự
Theo khảo sát của phóng viên Giác Ngộ online, chiều nay, lễ trường Việt Nam Quốc Tự đã được thiết trí trang nghiêm, khu vực sân trước Việt Nam Quốc Tự đã được dọn thông thoáng sẵn sàng cho Đại lễ ngày mai.

Bên ngoài Việt Nam Quốc Tự cũng đã thiết trí cổng chào trang nghiêm, pa-no, cờ Phật giáo được trang hoàng bên ngoài khu vực Việt Nam Quốc Tự.

Trước đó, Ban Tổ chức cũng họp, phân công cụ thể công tác trật tự, bố trí người hướng dẫn chỗ đậu xe ô-tô, xe máy… cho người đến tham gia Đại lễ.

Cong tac chuan bi (1).jpg
Cổng chào mừng 35 năm thành lập GHPGVN tại Việt Nam Quốc Tự

Theo dự kiến của Ban Tổ chức, Đại lễ sẽ có 5.000 Tăng Ni, Phật tử tham dự trong sự kiện trọng đại này. Ngay sau lễ mit-tinh chính thức, Ban Hoằng pháp T.Ư kết hợp Ban HDPT T.Ư tổ chức hội thảo “Phát triển Đạo pháp bằng tinh thần Đoàn kết - Trách nhiệm - Kỷ cương”.

Thêm những hình ảnh chuẩn bị cho Đại lễ tại Việt Nam Quốc Từ do PV Giác Ngộ ghi nhận trong chiều nay, 4-11-2016:

Chuan bi cho dai le (2).jpg

Chuan bi cho dai le (3).jpg
Lễ đài chính tại Việt Nam Quốc Tự

Chuan bi cho dai le (4).jpg
Trang trí triển lãm hoạt động Phật sự của BTS PG TP.HCM

Chuan bi cho dai le (5).jpg
Trang trí triển lãm hoạt động Phật sự của Ban Hoằng pháp PG TP.HCM

Chuan bi cho dai le (6).jpg
Cắm hoa trang trí cho bục phát biểu

Chuan bi cho dai le (7).jpg
Không gian hội thảo Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử tại hội trường tầng trệt

Chuan bi cho dai le (8).jpg
Hàng ghế chủ tọa đã được huẩn bị hoàn tất

Chuan bi cho dai le (9).jpg
Trang trí hoa nơi tôn tượng Đức Phật Thích Ca

Chuan bi cho dai le (10).jpg
Hòa thượng Trưởng BTC khảo sát hội trường diễn ra hội thảo

Chuan bi cho dai le (11).jpg
Không gian triển lãm Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư

Chuan bi cho dai le (12).jpg

Chuan bi cho dai le (13).jpg
Hòa thượng Daichi (Nhật Bản) tham quan cùng Hòa thượng Trưởng ban Phật giáo Quốc tế

Chuan bi cho dai le (14).jpg

Chuan bi cho dai le (15).jpg

Chuan bi cho dai le (16).jpg

Chuan bi cho dai le (17).jpg
Hòa thượng Trưởng BTC tham quan, khảo sát và chỉ đạo các khâu chuẩn bị

Chuan bi cho dai le (18).jpg
Khảo sát phòng họp

Chuan bi cho dai le (19).jpg
Hệ thống âm thanh nơi diễn ra mít-tinh đã sẵn sàng

Chuan bi cho dai le (20).jpg
Những đầu việc cuối cùng cho buổi lễ ngày mai sẽ hoàn thành trong hôm nay, 4-11

>> Xem thêm: Lễ trường Việt Nam Quốc Tự trước ngày diễn ra Đại lễ ||

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”

Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”

Đăng lúc: 21:35 - 02/11/2016

Sáng nay, 2-11, tại Học viện PGVN tại TP.HCM (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chính thức khai mạc Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, đây là một trong các sự kiện hướng đến Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.

ANHB (10).JPG
HT.Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện chứng minh, tham dự của chư tôn đức giáo phẩm: HT.TS Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học VN, Trưởng BTC Hội thảo; cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Viện nghiên cứu PHVN, Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM, đại diện ban, viện T.Ư...

Hội thảo có sự hiện diện của ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Nguyễn Ngọc Phong, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; Phó GS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TP, đồng Trưởng BTC Hội thảo, cùng các học giả, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Trí Quảng nhấn mạnh: “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với chủ trương Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc, các Giáo hội Phật giáo của Việt Nam trước đây đã nỗ lực thống nhất Phật giáo 5 lần. Mỗi lần thống nhất Phật giáo, dù ở phạm vi vùng miền hay ở phạm vi quốc gia, đều có chung mục đích hướng đến là thiết lập con đường xây dựng Phật giáo toàn quốc vững mạnh. GHPGVN phát triển toàn diện như ngày hôm nay chính là thành quả tất yếu của tiến trình lịch sử đó”.

Hòa thượng khẳng định, Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” thu hút nhiều học giả của Việt Nam gồm các Tăng sĩ Phật giáo và nhân sĩ trí thức, mở ra một triển vọng mới trong việc hợp tác nghiên cứu liên ngành và đa ngành về những vấn đề Phật giáo cũng như mối quan hệ giữa Phật giáo với xã hội ngày nay. Đồng thời tin tưởng, dưới góc độ nghiên cứu liên ngành và các góc tiếp cận khác nhau cùng với sự nhiệt huyết và hiểu biết sâu sắc của các học giả, các vấn đề nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của GHPGVN được sáng tỏ hơn, các giá trị đóng góp tích cực và vô cùng to lớn của GHPGVN sẽ được khẳng định nhiều hơn. Những kết quả nghiên cứu và ý tưởng đạt được qua Hội thảo này sẽ tạo nguồn cảm hứng và tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo đồng hành với dân tộc, Phật giáo nhập thế, Phật giáo và trách nhiệm xã hội và nhiều chủ đề mang tính thời sự khác.

ANHB (12).JPG
PGS.TS Võ Văn Sen phát biểu chào mừng

ANHB (14).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni tham dự hội thảo
Sau phát biểu chào mừng của PGs.TS Võ Văn Sen, TT.TS Thích Nhật Từ, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu PHVN trình bày đề dẫn hội thảo. Theo đó, Ban Tổ chức hội thảo thu hút 120 bài tham luận của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu gởi đến, Ban Tổ chức đã chọn ra 80 bài có nội dung phù hợp với 4 nhóm chủ đề.

Các diễn giả, nhà nghiên cứu tập trung trình bày tham luận, thảo luận tại 4 nhóm diễn đàn: Các phong trào thống nhất Phật giáo và sự hình thành GHPGVN, Các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu của GHPGVN, GHPGVN đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh, GHPGVN từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với nhiều phương pháp nghiên cứu: so sánh, phân tích, chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni, các học giả, nhà nghiên cứu khẳng định sự thống nhất các Hệ phái, tổ chức Phật giáo Việt Nam hình thành một tổ chức duy nhất GHPGVN - là một quy luật tất yếu. Mục đích của hội thảo để các học giả, nhà nghiên cứu đánh giá khách quan, độc lập về những đóng góp của GHPGVN trong sứ mệnh tiếp nối truyền thống của Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “Hộ quốc an dân” và phụng sự nhân sinh.

ANHB (5).JPG
Chư tôn đức chủ tọa đoàn và quý khách

ANHB (13).JPG
Quý khách, học giả, nhà nghiên cứu

Phiên khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN đã trình bày tham luận với đề tài: “Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Các phiên thảo luận của hội thảo, chư tôn đức, các diễn giả, học giả, nhà nghiên cứu: HT.TS.Thích Gia Quang, HT.TS.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Tánh, HT.TS.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thường Quang, TT.TS.Thích Hạnh Bình, TT.TS.Thích Quang Thạnh, TT.TS.Thích Giác Duyên, GS.TS.Ngô Văn Lệ, SC.Ths.TN Đồng Hòa, NS.TN Như Thảo, TS.Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Trần Hồng Liên, GS.TS Nguyễn Hồng Dương, TS.Nguyễn Nghị Thanh, PGS.TS Lê Cung, HT.Thích Minh Thiện, TT.Thích Huệ Thông, PGS.TS Nguyễn Công Lý, ĐĐ.TS Nguyên Hạnh, PGS.TS Phan Thị Hồng, PGS.TS Đặng Văn Thắng, PGS.TS Đỗ Thu Hà, NT.Thích nữ Huệ Từ, NS.TS Thích nữ Như Nguyệt, Ths.Đinh Thị Phương… trình bày tham luận, thảo luận tại 4 diễn đàn với các nhóm chủ đề trên.

ANHB (15).JPG
TT.Thích Nhật Từ trình bày đề dẫn hội thảo

ANHB (9).JPG
Toàn cảnh hội thảo khoa học "GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển"

ANHB (16).JPG
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn nêu đôi nét về tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, sự đóng góp của các hệ phái Phật giáo Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo dẫn đến thành lập GHPGVN. Trong suốt quá trình hình thành, phát triển của mình, GHPGVN luôn gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Hòa thượng tin tưởng với nhiều phương pháp nghiên cứu, sáng tạo, góc nhìn đa diện, các học giả đánh giá khách quan sự đóng góp to lớn của GHPGVN trong lòng dân tộc.

ANHB (19).JPG
HT.Thích Thanh Nhiễu trình bày tham luận tại phiên khai mạc

ANHB (21).JPG
Chủ tọa diễn đàn "Các phong trào thống nhất PG và sự hình thành GHPGVN"

ANHB (23).JPG
Tại diễn đàn "GHPGVN: Các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu"

ANHB (25).JPG
TT.Thích Hạnh Bình tại diễn đàn "Đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh"

ANHB (22).JPG
Thảo luận tại diễn đàn "Các phong trào thống nhất PG và sự hình thành GHPGVN"

ANHB (1).JPG
Diễn đàn "GHPGVN: Từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới"

Các phiên trình bày tham luận, thảo luận, Hội thảo làm sáng rõ các phong trào thống nhất Phật giáo và tiến trình lịch sử dẫn đến sự hình thành GHPGVN, đó là 4 dấu mốc thống nhất Phật giáo quan trọng tại Việt Nam trong thời cận đại: Sự ra đời của “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” vào năm 1951, năm 1958, các sơn môn pháp phái ở miền Bắc thành lập “Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam”. Biến cố Phật giáo năm 1963 đã thúc đẩy lãnh đạo Phật giáo ở miền Trung và miền Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) với 13 tổ chức Phật giáo tại miền Trung và miền Nam vào đầu tháng 4 năm 1964.

Đất nước hoàn toàn thống nhất vào 30-4-1975, điều kiện khách quan thuận lợi, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam sau vài năm vận động đã thống nhất Phật giáo thành hiện thực. Sự ra đời của GHPGVN vào ngày 7-11-1981 từ 9 hệ phái, tổ chức Phật giáo là sự ra đời tất yếu.

ANH AA (5).JPG
HT.Thích Minh Thiện trình bày tham luận

ANH AA (4).JPG
ĐĐ.TS Thích Nguyên Hạnh với "Dấu ấn Đại tạng kinh Việt Nam"

ANH AA (3).JPG
Ths.Dương Hoàng Lộc trình bày tham luận

Khẳng định mạnh mẽ sự đóng góp của các Hệ phái PG trong ngôi nhà GHPGVN, sự đóng góp này không chỉ với tư cách thành viên sáng lập, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu và phát triển nhất định của Phật giáo Việt Nam. Cùng với GHPGVN, tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất tại Việt Nam, các hệ phái Phật giáo trực thuộc Giáo hội đã hội nhập toàn diện. Các hệ phái trong ngôi nhà GHPGVN đã chứng minh sự phát triển bền vững của mình trong lòng Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức hội thảo và các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh các đóng góp của GHPGVN về các lĩnh vực: văn hóa, ngoại giao quốc tế và từ thiện xã hội… của 13 Ban, Viện.

Khẳng định truyền thống hộ quốc an dân có từ nghìn đời, chủ trương nhập thế của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, theo khuynh hướng đồng hành cùng dân tộc. Đó là sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam trong khối đoàn kết dân tộc, đã có những đóng góp to lớn về văn hóa và xã hội của đất nước.

ANH AA (6).JPG
NNC.Trần Đình Sơn đóng góp thảo luận

ANH AA (7).JPG
PGS.TS Lê Cung thảo luận

Hội thảo cũng đề cập đến những thuận lợi và thách thức của tiến trình hội nhập thế giới mà GHPGVN đã, đang và tiếp tục thực hiện từ nền tảng của tinh thần dân tộc.Tính ưu việt của GHPGVN trong việc đề cao tinh thần dân tộc, phục vụ dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã dựa vào “bản sắc dân tộc” để hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu, nhằm tạo nên hình ảnh đất nước con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, vượt qua dị biệt, hài hòa hợp tác vì lợi ích chung của các dân tộc.

ANH AA (10).JPG
HT.Thích Giác Toàn chia sẻ kỷ niệm về thời kỳ thành lập GHPGVN cùng chư tôn đức

ANH AA (13).JPG
HT.Thích Thiện Tâm chia sẻ kỷ niệm

Tại phiên bế mạc, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN với tư cách là chứng nhân lịch sử đã chia sẻ những kỷ niệm với chư tôn giáo phẩm trong các hệ phái Phật giáo Việt Nam và Hội nghị thống nhất Phật giáo thành lập GHPGVN (4 đến 7-11-1981).

PGS.TS Võ Văn Sen nhận xét, hội thảo không những khẳng định thành tựu, đóng góp to lớn của GHPGVN xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mà còn khẳng định lớn lao hơn, đó là GHPGVN là hạt nhân, nền tảng trong nền văn minh mới, văn minh thời đại hội nhập.

ANH AA (15).JPG
TS.Nguyễn Quốc Tuấn nhận xét hội thảo

ANH AA (9).JPG
Phiên bế mạc

TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo VN nhận định, hội thảo thu được kết quả tốt đẹp - đề cập toàn diện sự phát triển 35 năm của GHPGVN. Hội thảo không chỉ khẳng định được thành tựu của GHPGVN mà còn nghiêm túc đặt ra nhiều vấn đề, làm thế nào để GHPGVN là một thực thể, thiết chế hùng mạnh, hóa giải nhiều thách thức, xây dựng, kiện toàn hệ thống Giáo hội phát triển mạnh mẽ, uyển chuyển, đáp ứng trước đòi hỏi mới của xã hội hội nhập.

ANH AA (16).JPG
HT.Thích Trí Quảng phát biểu đúc kết hội thảo

Trong lời phát biểu đúc kết hội thảo, HT.Thích Trí Quảng đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu, thiện tri thức, đặc biệt Trường ĐH KHXH & NV TP góp phần cho thành công của hội thảo.

Hòa thượng nêu lại những bài học kinh nghiệm thăng trầm trong việc thống nhất Phật giáo trong nước và quốc tế, khát vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam từ 5 lần thống nhất. GHPGVN có thế đứng trong lòng dân tộc với sự đóng góp cho xã hội… đó là sự hy sinh, cống hiến công đức to lớn của chư tôn tiền bối cho đạo pháp và dân tộc.

ANH AA (14).JPG
PGS.TS Võ Văn Sen

ANH AA (12).JPG

ANH AA (11).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni tham gia phiên bế mạc hội thảo

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Phái đoàn TV. Tường Vân thăm tặng quà cho đồng bào lũ lụt tại Nghệ An.

Phái đoàn TV. Tường Vân thăm tặng quà cho đồng bào lũ lụt tại Nghệ An.

Đăng lúc: 21:29 - 02/11/2016

Hôm ngày 31/10/2016 đoàn từ thiện, cứu trợ đồng bào lũ lụt tỉnh miền Trung, Từ tu viện Tường Vân đã đến thăm hỏi và tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua, đoàn đã đi từ Quảng Bình và từ thiện tại tỉnh Hà Tĩnh. Hôm nay đã có mặt tại chùa Phúc Thành, Chùa Long Hoa huyện Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An và Chùa Chí Linh - Quỳnh Lưu , Nghệ An. Hòa Thượng Thích Phước Tiến - trưởng đoàn từ thiện và các nhà hảo tâm cùng các Phật tử tại Chùa Tường Vân. Với tinh thần chia sẻ, và động viên bà con vượt qua những khó khăn để ổn định cuộc sống hằng ngày .


Tiếp đoàn có Đại Đức Thích Định Tuệ : trụ trì Chùa Phúc Thành, Chùa Đức Hậu đã thay mặt các Phật Tử và bà con vùng lũ lụt cảm ơn sâu sắc tới Hòa Thượng Thích Phước Tiến và phái đoàn đã đến thăm và tặng quà cho các Phật Tử và bà con bị lũ lụt tại Nghệ An. Và kính chúc Hòa Thượng cùng phái đoàn lời chúc sức khỏe, và lời cám ơn sâu sắc nhất.
Phái đoàn đã tặng cho xã Hưng Châu tại Chùa phúc Thành 500 suất quà,Chùa Long Hoa 200 suất quà, Chùa Chí Linh 400 suất quà, , mỗi suất trị giá 600.000đ.









Tại Chùa Long Hoa , các Phật Tử và người dân nơi đây được gặp lại Hòa Thượng Thích Phước Tiến. Tu Viện Tường Vân đã chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn về chén cơm manh áo của đồng bào trong lúc bị lũ lụt vừa qua và ban bố một thời Pháp nhằm khơi dậy lòng từ bi, nhân ái, nhân văn của người dân Việt Nam với câu ca dao: " Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng " . Hòa Thượng đã nhấn mạnh về tinh thần yêu thương, đùm bọc, gắn bó ,chia sẻ trên toàn thể đồng bào cả nước.
Lãnh đạo chính quyền huyện Hưng Châu, đã thay mặt người dân tỉnh Nghệ An, cảm ơn Hòa Thượng và Phái đoàn đã chia se những lúc khó khăn, dộng viên kịp thời về tinh thàn lẫn vật chất , nhằm ổn định cuộc sống của người dân sau lũ lụt .

Sau đây là một số hình ảnh;
































Tác giả bài viết: Hồng NGa

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ "Hướng về Miền Trung, ủng hộ đồng bào lũ lụt"

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ "Hướng về Miền Trung, ủng hộ đồng bào lũ lụt"

Đăng lúc: 21:28 - 02/11/2016

Sáng ngày 29/10/2016, hơn 500 người dân tập trung về chùa Vĩnh Phúc (Chùa Phúc Tự) thôn Phúc Tự xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình nhận quà từ thiện của phái đoàn Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ. Với gần 550 suất quà , mỗi suất trị giá 600.000đ gửi gắm tới những người dân bị lũ lụt nơi đây.

Buổi trao tặng quà đến người dân có sự hiện diện của Đại đức Thích Định Tuệ ,trụ trì Chùa Đức Hậu , Chùa Phúc Thành ,thành phố Vinh .Nghệ An kiêm trưởng đoàn từ thiện Hương Sen Xứ Nghệ; với sự tham gia của Đại đức Thích Minh Lâm; Đại đức Thích Quảng Văn; Đại đức Thích Quảng Xuân; Đại đức Thích Quảng Phước trụ trì chùa Vĩnh Phúc; đi cùng phái đoàn có Ông Nguyễn Văn Long, phó ban tôn giáo tỉnh Nghệ An; ông Lương Thanh Tấn-bí thư xã Văn Hóa; ông Đinh Xuân Phước-chủ tịch mặt trận xã Văn Hóa cùng các Phật Tử trong Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ



Đại Đức Thích Định Tuệ chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với đồng bào nới đây: Chúng tôi nghe được tin bão đó rất xót xa khi nhìn những hình ảnh trên tivi, trên các mặt báo, thì chúng tôi rất xúc động . Bằng những tình cảm sâu sắc nhất của mình hướng về miền Trung và đặc biệt là về xã Văn Hóa này thì toàn Quý Thầy và các Phật Tử tỉnh Nghệ An , có một ít quà gửi tặng đến tất cả đồng bào . Được sự giới thiệu của xã Văn Hóa ,các vị có mặt sáng hôm nay, chúng tôi xin được, chia sẻ những thiệt hại mà cơn bão lũ vừa qua đã gây cho các vị, và mong rằng các vị sớm khắc phục được những thiệt hại đó, trở lại cuộc sống bình thường và xã của chúng ta ngày càng phát triển giàu đẹp hơn và trong dịp này, thay mặt các Quý Thầy, thay mặt các Quý phật Tử trong đoàn xin có lời cám ơn sâu sắc đến Đại Đức trụ trì đã tạo mọi điều kiện đồng thuận cho đoàn chúng tôi thực hiện được tâm nguyện của mình.
Thầy chúc bà con thật nhiều sức khỏe, sớm khắc phục được những thiệt hại do thiên tai bão lũ vừa qua đã gây ra cho đồng bào , và chúc đồng bào thật nhiều sức khỏe.



Người dân vui mừng nhận quà, cũng có người rưng rưng nước mắt chia sẻ: "Người dân nơi đây biết ơn những phái đoàn về đây cứu trợ, nhiều nhất là các phái đoàn của Phật giáo luôn quan tâm hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất".



Tại xã Văn Hóa nơi được xem vùng rốn lũ trong đợt lũ vừa qua, nước lũ đã rút hết, còn lại nơi đây những con đường lấm đầy bùn đất, song đó những bụi tre làng được phủ đầy những lớp váng cặn rác trôi về. những vật dụng điện tử như tủ lạnh, tivi, quạt điện đều bị hư hỏng.
Được biết khi lũ tràn về, cả thôn xóm chìm ngập trong biển nước, người dân không kịp trở tay, thu dọn đồ đạc trong nhà. Nơi đây ngôi chùa Vĩnh Phúc (chùa Phúc Tự) ngập cổng tam quan, may mắn chùa nằm ở địa thế đồi cao, nên nước chỉ vào ở dưới bậc thềm chánh điện. Sau gần 2 ngày nước rút, người dân mới ổn định trở lại đời sống sinh hoạt thôn xóm .


Đoàn lại đến xã Thạch Hóa, và Đức Hóa , nơi đông là một vùng bị ngập sâu nhất và nghèo nhất. Gặp lại như người dân ở nơi này sau bão lụt chúng tôi thật khó cầm được nước mắt. Với tâm nguyện của Đại Đức Thích Định Tuệ mong muốn cho người dân nơi đây sau cơn lũ lụt được ổn định cuộc sống.Xoa dịu nỗi đau thiên tai " Một miếng khi đói, bằng một gói khi no" . Thầy cám ơn các Quý Phật Tử gần xa đã đóng góp cho chương trình Từ Thiện thành công tốt đẹp, mang lại ý nghĩa lợi lạc lớn cho đông đảo bà con vùng lũ tỉnh Quảng Bình. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp và để lại niềm hân hoan của các nơi mà đoàn đã đến.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận :























































Tác giả bài viết: Hồng Nga

Hơn 300 triệu đồng Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ

Hơn 300 triệu đồng Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ

Đăng lúc: 05:56 - 30/10/2016

Từ sáng sớm ngày 29/10/2016, hơn 500 người dân tập trung về chùa Vĩnh Phúc (Chùa Phúc Tự) thôn Phúc Tự xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình nhận quà từ thiện của phái đoàn Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ.




Video clip phái đoàn Hương Sen Xứ Nghệ tặng 550 phần quà tại Xã Văn Hóa.
Buổi trao tặng quà đến người dân có sự hiện diện của Đại đức Thích Định Tuệ trưởng đoàn Hương Sen Xứ Nghệ; Đại đức Thích Minh Lâm; Đại đức Thích Quảng Văn; Đại đức Thích Quảng Xuân; Đại đức Thích Quảng Phước trụ trì chùa Vĩnh Phúc; Ông Nguyễn Văn Long, phó ban tôn giáo tỉnh Nghệ An; ông Lương Thanh Tấn-bí thư xã Văn Hóa; ông Đinh Xuân Phước-chủ tịch mặt trận xã Văn Hóa cùng quý anh chị thành viên Hương sen xứ Nghệ.
Hơn 300 triệu đồng Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ
Đoàn đã trao 550 suất quà, mỗi phần quà trị giá 600 ngàn đồng, gồm gạo, 1 chăn ấm, và bao thư. Ảnh: Lan Anh
Người dân vui mừng nhận quà, cũng có người rưng rưng nước mắt chia sẻ: "Người dân nơi đây biết ơn những phái đoàn về đây cứu trợ, nhiều nhất là các phái đoàn của Phật giáo luôn quan tâm hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất".
Tại xã Văn Hóa nơi được xem vùng rốn lũ trong đợt lũ vừa qua, nước lũ đã rút hết, còn lại nơi đây những con đường lấm đầy bùn đất, song đó những bụi tre làng được phủ đầy những lớp váng cặn rác trôi về. những vật dụng điện tử như tủ lạnh, tivi, quạt điện đều bị hư hỏng.

"Nhà tôi bị nước ngập gần 3m, cả gia đình phải leo lên tra (gác lúa) để trú ngụ, chúng tôi không biết nói gì ngoài những lời cảm ơn, nhận quà chúng tôi cảm kích những tấm lòng từ bi của quý nhà chùa, quý mạnh thường quân đã thương tưởng đến bà con sau cơn lũ đi qua". Chị Nguyễn Đào Sen (thôn Hà Thâu) nói.
Hơn 300 triệu đồng Hương Sen Xứ Nghệ ủng hộ vùng lũ
Toàn bộ số tiền 330 triệu đồng, phái đoàn Hương Sen Xứ Nghệ trao tận tay đến bà con vùng lũ miền Trung. Ảnh: Lan Anh
Được biết khi lũ tràn về, cả thôn xóm chìm ngập trong biển nước, người dân không kịp trở tay, thu dọn đồ đạc trong nhà. Nơi đây ngôi chùa Vĩnh Phúc (chùa Phúc Tự) ngập cổng tam quan, may mắn chùa nằm ở địa thế đồi cao, nên nước chỉ vào ở dưới bậc thềm chánh điện. Sau gần 2 ngày nước rút, người dân mới ổn định trở lại đời sống sinh hoạt thôn xóm .

Võ Tùng Am

ANHBT (16)

TP.HCM: Trên 11,3 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ

Đăng lúc: 21:32 - 25/10/2016

Đó là trị giá tổng số tiền, quà được chư tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức hội thu, phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An… vào sáng nay, 24-10, tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM.

ANHBT (2).JPG
Chư tôn đức chứng minh, tham dự lễ phát động cứu trợ đồng bào Bắc Trung Bộ
Chứng minh, tham dự buổi lễ phát động cứu trợ có HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS PG TP; ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP, đại diện các ban, ngành TP, Q.10…

Tại buổi hội thu, HT.Thích Trí Quảng kêu gọi sự ủng hộ của chư tôn đức Tăng Ni TP.HCM, thể hiện tinh thần từ bi của Đức Phật, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo TP.HCM cùng hướng về đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ với sự chia sẻ thiết thực. Công tác ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt cần thiết trong giai đoạn này (theo tinh thần Thông bạch vận động của GHPGVN, cũng như Thư kêu gọi cứu trợ của UBMTTQVN TP.HCM).

ANHBT (16).JPG
HT.Thích Trí Quảng ủng hộ tại lễ phát động

ANHBT (17).JPG
Chư tôn đức ủng hộ cứu trợ đồng bào vùng lũ Bắc Trung Bộ

Tại lễ phát động cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt Bắc Trung bộ với sự ủng hộ tại chỗ của chư tôn đức Ban Thường trực BTS PG TP.HCM, ban, ngành trực thuộc, 24 BTS PG quận, huyện; Tăng Ni, Phật tử các tự viện TP.HCM. Tổng số thực phẩm, tiền mặt trị giá trên 11,3 tỷ đồng.

Số quà, tiền mặt phát động lần này sẽ được chư tôn đức Tăng Ni tổ chức các chuyến cứu trợ trao tặng trực tiếp đến các hộ gia đình ảnh hưởng bởi lũ lụt các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ trong thời gian sớm nhất.

ANHBT (9).JPG
HT.Thích Giác Toàn đại diện các tịnh xá ủng hộ

ANHBT (8).JPG
TT.Thích Thanh Phong ủng hộ 2.600 phần quà

ANHBT (10).JPG
BTS PG quận 4

ANHBT (15).JPG
Chùa Hải Quang, quận Tân Bình

ANHBT (7).JPG
Quỹ Đạo Phật Ngày Nay ủng hộ 2.600 phần quà

ANHBT (12).JPG
Chùa Huê Nghiêm, quận 2

ANHBT (13).JPG
Phân ban Ni giới PG TP.HCM

ANHBT (14).JPG
NT.Thích nữ Từ Nhẫn ủng hộ 700 phần quà

ANHBT (11).JPG
Ban TTXH Báo Giác Ngộ

ANHBT (25).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni TP.HCM tham gia ủng hộ cứu trợ đồng bào thiên tai

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Hướng đến ánh sáng

Hướng đến ánh sáng

Đăng lúc: 21:21 - 23/10/2016

Ở đời, mỗi người có một quan niệm về sống chết khác nhau. Có người nghĩ rằng, mình sống làm người, sau khi chết cũng sẽ làm người ở một cõi nào đó, và nếu là đàn ông sẽ tiếp tục làm đàn ông, phụ nữ tiếp tục làm phụ nữ v.v... Nhưng cũng có trường hợp không tin là chết sẽ có đời sau, họ tin chết là hết.
anhsang.jpg
Hướng về Đức Thế Tôn để làm sáng lòng và đi về phía an lạc, giải thoát - Ảnh minh họa

Vua Ba-tư-nặc từng nghĩ rằng: “Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn chết rồi có sinh trở lại dòng Bà-la-môn hay sinh vào nhà Sát-lị, Tỳ-xá, Thủ-đà-la?”. Đức Phật nói với vua Ba-tư-nặc: “Đại vương, sao được như vậy! Đại vương, nên biết, có bốn loại người. Những gì là bốn? Có một loại người từ tối vào tối, có một loại người từ tối vào sáng, có một loại người từ sáng vào tối, và có một loại người từ sáng vào sáng” (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1146).

Hạng người từ tối vào tối

Đó là người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, không được học hành, rồi lại tiếp tục sống bằng những nghề không lương thiện. Người này đã không biết đến Tam bảo, thấy người khác đi chùa lại sinh tâm phỉ báng. Sinh ra trong gia đình vốn không đạo đức, lại tiếp tục sống theo hạnh ác, tạo không biết bao nhiêu nghiệp xấu.

Đã nghèo khổ, bần tiện lại càng ích kỷ hẹp hòi; sinh ra có một thân thể không được đẹp đẽ xinh xắn lại còn hay ganh ghét, sân hận; có một thân thể bệnh tật, ốm đau lại thường giết hại chúng sinh; sinh ra vốn không có trí tuệ, thất học lại còn coi thường kinh sách của thánh hiền, lời dạy của thánh nhân v.v… Đó là từ tối đi vào tối, đã tối lại càng tối hơn. Tối đời này và cả đời sau, trầm luân trong đêm dài sinh tử. Hạng người này đáng thương nhất trong cuộc đời.

Hạng người từ tối vào sáng

Đó là những người sinh ra trong gia đình không hề biết kính tin Tam bảo, nhưng rồi họ đã gặp được Phật pháp, từ đó nỗ lực tu học, chuyển hóa thành một người Phật tử chân chính, biết hướng đến đạo đức, thương người, tạo phước, buông bỏ hận thù..., về sau họ từng bước thành công trong cuộc sống.

Hoặc có người sinh ở vùng thôn quê nghèo khổ, thiếu cơm áo, thiếu cả đời sống văn hóa, tinh thần. Nhờ còn chút phước duyên gặp được thầy hay và bạn tốt, người này quyết tâm học tập, vượt khó, và đã thay đổi số phận, trở nên thành đạt, hữu ích cho đời. Đó là sinh ra trong bóng tối nhưng lại đang đi vào nẻo sáng.

Hạng người từ sáng vào tối

Sinh ra được làm người, trong một gia đình có đạo đức, có một thân thể khỏe mạnh và xinh đẹp, nhưng không ý thức được phước báo của mình, lại phản bội truyền thống của tổ tiên, gia đình, trở nên hư hỏng, không vâng lời cha mẹ; sinh ra trong ánh sáng là biết đến Tam bảo, nhưng mà sau một thời gian đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, vì một lý do nào đó, người ấy đã bỏ chùa, bỏ thầy, bỏ bạn, không còn đi chùa nữa hay lấy chồng hay vợ theo ngoại đạo…, đó là hạng người bỏ sáng vào tối.

Khi mình sinh ra ở trong một gia đình giàu có, khá giả và làm ăn thành đạt là do thừa hưởng phước báo mà mình gieo trồng ở trong quá khứ. Nhưng khi mình giàu có rồi, lại không coi ai ra gì, khinh thường những người nghèo khó, cũng chẳng biết cho đi, giúp đỡ người, và cũng không biết bố thí cúng dường. Đó là hạng người sinh ra trong ánh sáng nhưng mà đang đi vào bóng tối, tối đời này và cả đời sau.

Hoặc sinh ra đời được quy y Tam bảo và lãnh thọ giới pháp, đó là sinh ra trong ánh sáng. Nhưng mình không biết trân trọng và giữ gìn giới pháp mà mình đã thọ, hủy hoại giới pháp làm cho phước đức suy giảm, đi vào con đường lầm lạc, đi vào bóng tối. Đó là hạng người đáng tiếc nhất, sinh ra trong ánh sáng mà lại tìm nẻo tối mà đi.

Hạng từ sáng vào sáng

Những người sinh ra ở trong gia đình giàu có, đạo đức, lương thiện, có một thân thể đẹp đẽ, khỏe mạnh là sinh ra trong ánh sáng. Sinh ra trong một gia đình biết kính tin Tam bảo, biết tu nhơn, tích đức, biết làm lành tránh dữ là sinh ra trong ánh sáng.

Người đó tiếp tục đi vào ánh sáng tức là biết tu tập, biết hướng thiện, biết làm lành tránh dữ. Mình sinh ra trong một gia đình đạo đức rồi, lại tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức của gia đình. Mình sinh ra trong gia đình có cha mẹ kính tin Tam bảo rồi, mình lại trở thành người Phật tử tiếp tục đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, như cha mẹ, ông bà của mình đã làm. Mình sinh ra vốn có một thân thể khỏe mạnh, xinh đẹp, lại tiếp tục giúp đỡ người khác, không ganh ghét, tị hiềm, không sát sinh - tức là tiếp tục gieo trồng cái nhân cho cái quả thân thể khỏe mạnh, xinh đẹp. Những người có thân thể khỏe mạnh không đau ốm, bệnh tật là nhờ không giết hại chúng sinh, bây giờ mình tiếp tục không giết hại chúng sinh ngược lại còn tích cực phóng sinh. Đó là người sinh ra trong ánh sáng lại tiếp tục đi vào ánh sáng, sáng trong đời này và cả đời sau.

Chúng ta đang thuộc hạng người nào?

Trong bốn hạng người trên đây, chúng ta đang thuộc hạng người nào? Chúng ta đang ở trong ánh sáng đi vào ánh sáng hay là trong ánh sáng đi vào bóng tối? Chúng ta vốn sinh ra trong bóng tối đang đi đến nẻo sáng hay sinh ra trong bóng tối lại tiếp tục đi vào bóng tối?

Đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải nhìn lại, nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại cách giáo dục con cái của mình. Nếu như chúng ta biết quy hướng Tam bảo, biết rõ mình sinh ra trong ánh sáng và đi vào ánh sáng, nhưng chúng ta có đang hướng dẫn cho con em của mình đi vào ánh sáng như mình hay không? Mỗi chúng ta cần phải quán chiếu, cần phải nhìn lại đời sống của chính bản thân và coi lại cách giáo dục mà chúng ta đang dạy con cháu của mình để biết được rằng trong bốn hạng người đó, mình đang thuộc hạng người nào?

Trong bốn hạng người đó, Đức Phật nói, có hạng người tối thượng và có hạng người tối hạ, tức là có hạng người cao nhất và có hạng người thấp nhất. Hạng người cao nhất là hạng người sinh ra trong bóng tối mà biết tìm nẻo sáng mà đi. Trong giáo lý đạo Phật, không có giai cấp, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, không kính trọng người giàu, ghét bỏ người nghèo, không đề cao người trí thức mà chê cười người không trí thức. Theo lời Phật dạy, mọi người sinh ra đều bình đẳng, điều quan trọng là người đó có hướng thượng hay không? Chính vì vậy, hạng người được Đức Phật đề cao và coi trọng là hạng người biết hướng thượng, biết tìm nẻo sáng mà đi, biết tìm đến con đường thành tựu giác ngộ, giải thoát.

Khi sinh ra ở đời, chúng ta không có quyền lựa chọn hoàn cảnh, quê hương, gia tộc, và cũng không có quyền lựa chọn ngay cả chính cha mẹ của mình. Mỗi người phải theo nghiệp mà thọ sinh. Do nghiệp thiện hay ác mà chúng ta đã gieo trồng trong quá khứ để hiện nay có một đời sống tương ưng, có một người cha, một người mẹ tương ưng với nghiệp lực của mình, có một hoàn cảnh đất nước tương ưng với nghiệp lực của mình. Chúng ta không có quyền lựa chọn khi ra đời nhưng chúng ta có quyền lựa chọn lối đi cho chính bản thân mình, mỗi người đều có toàn quyền lựa chọn đi vào ánh sáng hay đi vào nẻo tối.

Do đó, khi sinh ra trong hoàn cảnh tối tăm, khó khăn, nghèo khổ nhưng chúng ta biết phấn đấu, nỗ lực học hành và hướng thiện, siêng năng tu tập để thay đổi cuộc đời của mình, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn. Đó là hạng người tối thượng.

Ngược lại là hạng người tối hạ, tức là hạng người thấp nhất, đáng thương nhất. Đó là hạng người sinh ra trong ánh sáng nhưng lại tìm bóng tối mà đi. Không ít người vốn sinh ra được làm người, ngoại hình dễ coi, thân thể khỏe mạnh, gia đình khá giả, được học hành, như vậy là đã sáng rồi. Vậy mà những người ấy không biết trân trọng những gì mà mình đang có, lại đua đòi gây tạo những nghiệp bất thiện: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, say nghiện. Đó là những người đáng thương nhất, thấp kém nhất, sinh ra trong ánh sáng mà lại tìm nẻo tối mà đi, tối đời này và cả những đời sau.
Thích Nguyên HùngỞ đời, mỗi người có một quan niệm về sống chết khác nhau. Có người nghĩ rằng, mình sống làm người, sau khi chết cũng sẽ làm người ở một cõi nào đó, và nếu là đàn ông sẽ tiếp tục làm đàn ông, phụ nữ tiếp tục làm phụ nữ v.v... Nhưng cũng có trường hợp không tin là chết sẽ có đời sau, họ tin chết là hết.
anhsang.jpg
Hướng về Đức Thế Tôn để làm sáng lòng và đi về phía an lạc, giải thoát - Ảnh minh họa

Vua Ba-tư-nặc từng nghĩ rằng: “Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn chết rồi có sinh trở lại dòng Bà-la-môn hay sinh vào nhà Sát-lị, Tỳ-xá, Thủ-đà-la?”. Đức Phật nói với vua Ba-tư-nặc: “Đại vương, sao được như vậy! Đại vương, nên biết, có bốn loại người. Những gì là bốn? Có một loại người từ tối vào tối, có một loại người từ tối vào sáng, có một loại người từ sáng vào tối, và có một loại người từ sáng vào sáng” (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1146).

Hạng người từ tối vào tối

Đó là người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, không được học hành, rồi lại tiếp tục sống bằng những nghề không lương thiện. Người này đã không biết đến Tam bảo, thấy người khác đi chùa lại sinh tâm phỉ báng. Sinh ra trong gia đình vốn không đạo đức, lại tiếp tục sống theo hạnh ác, tạo không biết bao nhiêu nghiệp xấu.

Đã nghèo khổ, bần tiện lại càng ích kỷ hẹp hòi; sinh ra có một thân thể không được đẹp đẽ xinh xắn lại còn hay ganh ghét, sân hận; có một thân thể bệnh tật, ốm đau lại thường giết hại chúng sinh; sinh ra vốn không có trí tuệ, thất học lại còn coi thường kinh sách của thánh hiền, lời dạy của thánh nhân v.v… Đó là từ tối đi vào tối, đã tối lại càng tối hơn. Tối đời này và cả đời sau, trầm luân trong đêm dài sinh tử. Hạng người này đáng thương nhất trong cuộc đời.

Hạng người từ tối vào sáng

Đó là những người sinh ra trong gia đình không hề biết kính tin Tam bảo, nhưng rồi họ đã gặp được Phật pháp, từ đó nỗ lực tu học, chuyển hóa thành một người Phật tử chân chính, biết hướng đến đạo đức, thương người, tạo phước, buông bỏ hận thù..., về sau họ từng bước thành công trong cuộc sống.

Hoặc có người sinh ở vùng thôn quê nghèo khổ, thiếu cơm áo, thiếu cả đời sống văn hóa, tinh thần. Nhờ còn chút phước duyên gặp được thầy hay và bạn tốt, người này quyết tâm học tập, vượt khó, và đã thay đổi số phận, trở nên thành đạt, hữu ích cho đời. Đó là sinh ra trong bóng tối nhưng lại đang đi vào nẻo sáng.

Hạng người từ sáng vào tối

Sinh ra được làm người, trong một gia đình có đạo đức, có một thân thể khỏe mạnh và xinh đẹp, nhưng không ý thức được phước báo của mình, lại phản bội truyền thống của tổ tiên, gia đình, trở nên hư hỏng, không vâng lời cha mẹ; sinh ra trong ánh sáng là biết đến Tam bảo, nhưng mà sau một thời gian đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, vì một lý do nào đó, người ấy đã bỏ chùa, bỏ thầy, bỏ bạn, không còn đi chùa nữa hay lấy chồng hay vợ theo ngoại đạo…, đó là hạng người bỏ sáng vào tối.

Khi mình sinh ra ở trong một gia đình giàu có, khá giả và làm ăn thành đạt là do thừa hưởng phước báo mà mình gieo trồng ở trong quá khứ. Nhưng khi mình giàu có rồi, lại không coi ai ra gì, khinh thường những người nghèo khó, cũng chẳng biết cho đi, giúp đỡ người, và cũng không biết bố thí cúng dường. Đó là hạng người sinh ra trong ánh sáng nhưng mà đang đi vào bóng tối, tối đời này và cả đời sau.

Hoặc sinh ra đời được quy y Tam bảo và lãnh thọ giới pháp, đó là sinh ra trong ánh sáng. Nhưng mình không biết trân trọng và giữ gìn giới pháp mà mình đã thọ, hủy hoại giới pháp làm cho phước đức suy giảm, đi vào con đường lầm lạc, đi vào bóng tối. Đó là hạng người đáng tiếc nhất, sinh ra trong ánh sáng mà lại tìm nẻo tối mà đi.

Hạng từ sáng vào sáng

Những người sinh ra ở trong gia đình giàu có, đạo đức, lương thiện, có một thân thể đẹp đẽ, khỏe mạnh là sinh ra trong ánh sáng. Sinh ra trong một gia đình biết kính tin Tam bảo, biết tu nhơn, tích đức, biết làm lành tránh dữ là sinh ra trong ánh sáng.

Người đó tiếp tục đi vào ánh sáng tức là biết tu tập, biết hướng thiện, biết làm lành tránh dữ. Mình sinh ra trong một gia đình đạo đức rồi, lại tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức của gia đình. Mình sinh ra trong gia đình có cha mẹ kính tin Tam bảo rồi, mình lại trở thành người Phật tử tiếp tục đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, như cha mẹ, ông bà của mình đã làm. Mình sinh ra vốn có một thân thể khỏe mạnh, xinh đẹp, lại tiếp tục giúp đỡ người khác, không ganh ghét, tị hiềm, không sát sinh - tức là tiếp tục gieo trồng cái nhân cho cái quả thân thể khỏe mạnh, xinh đẹp. Những người có thân thể khỏe mạnh không đau ốm, bệnh tật là nhờ không giết hại chúng sinh, bây giờ mình tiếp tục không giết hại chúng sinh ngược lại còn tích cực phóng sinh. Đó là người sinh ra trong ánh sáng lại tiếp tục đi vào ánh sáng, sáng trong đời này và cả đời sau.

Chúng ta đang thuộc hạng người nào?

Trong bốn hạng người trên đây, chúng ta đang thuộc hạng người nào? Chúng ta đang ở trong ánh sáng đi vào ánh sáng hay là trong ánh sáng đi vào bóng tối? Chúng ta vốn sinh ra trong bóng tối đang đi đến nẻo sáng hay sinh ra trong bóng tối lại tiếp tục đi vào bóng tối?

Đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải nhìn lại, nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại cách giáo dục con cái của mình. Nếu như chúng ta biết quy hướng Tam bảo, biết rõ mình sinh ra trong ánh sáng và đi vào ánh sáng, nhưng chúng ta có đang hướng dẫn cho con em của mình đi vào ánh sáng như mình hay không? Mỗi chúng ta cần phải quán chiếu, cần phải nhìn lại đời sống của chính bản thân và coi lại cách giáo dục mà chúng ta đang dạy con cháu của mình để biết được rằng trong bốn hạng người đó, mình đang thuộc hạng người nào?

Trong bốn hạng người đó, Đức Phật nói, có hạng người tối thượng và có hạng người tối hạ, tức là có hạng người cao nhất và có hạng người thấp nhất. Hạng người cao nhất là hạng người sinh ra trong bóng tối mà biết tìm nẻo sáng mà đi. Trong giáo lý đạo Phật, không có giai cấp, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, không kính trọng người giàu, ghét bỏ người nghèo, không đề cao người trí thức mà chê cười người không trí thức. Theo lời Phật dạy, mọi người sinh ra đều bình đẳng, điều quan trọng là người đó có hướng thượng hay không? Chính vì vậy, hạng người được Đức Phật đề cao và coi trọng là hạng người biết hướng thượng, biết tìm nẻo sáng mà đi, biết tìm đến con đường thành tựu giác ngộ, giải thoát.

Khi sinh ra ở đời, chúng ta không có quyền lựa chọn hoàn cảnh, quê hương, gia tộc, và cũng không có quyền lựa chọn ngay cả chính cha mẹ của mình. Mỗi người phải theo nghiệp mà thọ sinh. Do nghiệp thiện hay ác mà chúng ta đã gieo trồng trong quá khứ để hiện nay có một đời sống tương ưng, có một người cha, một người mẹ tương ưng với nghiệp lực của mình, có một hoàn cảnh đất nước tương ưng với nghiệp lực của mình. Chúng ta không có quyền lựa chọn khi ra đời nhưng chúng ta có quyền lựa chọn lối đi cho chính bản thân mình, mỗi người đều có toàn quyền lựa chọn đi vào ánh sáng hay đi vào nẻo tối.

Do đó, khi sinh ra trong hoàn cảnh tối tăm, khó khăn, nghèo khổ nhưng chúng ta biết phấn đấu, nỗ lực học hành và hướng thiện, siêng năng tu tập để thay đổi cuộc đời của mình, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn. Đó là hạng người tối thượng.

Ngược lại là hạng người tối hạ, tức là hạng người thấp nhất, đáng thương nhất. Đó là hạng người sinh ra trong ánh sáng nhưng lại tìm bóng tối mà đi. Không ít người vốn sinh ra được làm người, ngoại hình dễ coi, thân thể khỏe mạnh, gia đình khá giả, được học hành, như vậy là đã sáng rồi. Vậy mà những người ấy không biết trân trọng những gì mà mình đang có, lại đua đòi gây tạo những nghiệp bất thiện: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, say nghiện. Đó là những người đáng thương nhất, thấp kém nhất, sinh ra trong ánh sáng mà lại tìm nẻo tối mà đi, tối đời này và cả những đời sau.
Thích Nguyên Hùng

Hiện tại và tương lai

Hiện tại và tương lai

Đăng lúc: 18:55 - 08/10/2016

Ở đây, Đức Phật Ngài đã dạy một câu kệ mới nghe dường như chỉ là một câu trả lời về cảnh giới thọ sanh. Nhưng trong câu trả lời đó cho chúng ta thấy chúng sanh đến đi trong cuộc đời này theo hạnh nghiệp của mình và hạnh nghiệp đó dựa trên một chủ tâm tạo tác và chủ tâm tạo tác là cái quyết định hoàn toàn.


Hiện tại và tương lai
Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn.
Chánh văn kệ ngôn pháp cú do Thượng Tọa Giác Đẳng dịch từ Pali

Gabbhameke uppajjanti, nirayaṃ pāpakammino;
Saggaṃ sugatino yanti, parinibbanti anāsavā.

DUYÊN SỰ

Trưởng lão Tissa đến nhà người thợ kim hoàn thọ trai. Trong lúc chủ nhà bận việc phía sau, một con ngỗng nuôi trong nhà nuốt vào bụng viên ngọc của nhà vua đã đưa để mài. Mặc dù là người rất tín tâm nhưng vì hốt hoảng đã làm mất viên ngọc của vua nên, người thợ kim hoàn đã vặn hỏi thậm chí tra tấn Trưởng lão Tissa đến nỗi bị thương đổ máu ngất xỉu bất chấp sự can gián hết lời của người vợ. Con ngỗng ngửi thấy máu tới gần cũng bị đập một cây chết ngay lập tức. Khi tỉnh dậy Trưỏng lão Tissa cho biết chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc nhưng không thể nói vì sẽ làm con ngỗng bị giết. Người thợ hoàn vô cùng ăn năn xin được tha thứ. Không lâu sau đó Trưởng lão viên tịch Niết Bàn vì thương tích. Sau nầy khi các tỳ khưu bạch hỏi Phật về cảnh giới thọ sanh của con ngỗng, người thợ kim hoàn và người vợ, cũng như trưởng lão Tissa, Đức Phật đã dạy kệ ngôn.

Hôm nay chúng ta được nghe câu chuyện cổ tích chắc chắn quen thuộc bởi vì có trong nhiều bản dịch cũng như nhiều tác phẩm cổ tích Phật Giáo liên quan đến câu chuyện này.
Tỳ kheo Tissa đến nhà một người thợ bạc để thọ trai và con ngỗng trong nhà đã nuốt viên ngọc của nhà vua mang đến cho người thợ này mài dũa và kết quả đã tạo thành bi kịch. Câu chuyện này cho một cái nhìn khác về điều gọi là tội ác và hệ lụy ở trong kiếp người. Nhìn vào câu chuyện thì tất cả những người liên hệ kể cả người đã tạo lên những hành động hết sức dã man ở tại đây là người thợ kim hoàn. Nhìn ở góc cạnh nào đó chúng ta thấy người này cũng là một người đáng tội nghiệp. Cái tội nghiệp ở tại đây như trong sớ giải cho biết người thợ kim hoàn này suốt 12 năm trời ngày nào cũng thỉnh Tôn Giả Tissa đến nhà để cúng dường trai phạn, Tôn Giả đã đến nhà người kim hoàn này xem anh như một đàn tín một người đệ tử. Và chúng ta cũng được biết Tôn Giả Tissa đã nhận lời như một sự ban bố một cơ hội cho anh thợ kim hoàn và những người trong gia đình tạo phúc. Mười hai năm dài như vậy chắc chắn đã xây dựng được rất nhiều trên phương diện tín tâm đạo tình cũng như quan hệ mật thiết.
1. – Điểm thứ nhất.
Như bây giờ chúng ta thường nghe những câu chuyện đôi lúc vận không may nào đó xảy ra cho chúng ta, chúng ta lại có mặt ở một nơi không đúng thời, không đúng chỗ, không đúng người, và không đúng việc, ba bốn yếu tố không đúng đó nhập lại với nhau và tạo lên những bi kịch của đời sống. Câu chuyện chúng ta nghe Trưởng Lão Tissa gặp nạn vẫn thường xảy ra rất nhiều ở trong thời đại ngày hôm nay. Có câu chuyện xảy ra tại công viên Centre Park ở New York, một nhóm 5 em thanh niên nhỏ đi chơi tại công viên này và cả 5 người như vậy mà vào giờ đó không may hôm đó xảy ra một chuyện hãm hiếp ở Centre Park và qua lời khai cũng như qua thái độ thiếu khôn ngoan một lúc nào không tỉnh táo của 5 thanh niên này mà 5 người này đã bị rơi vào vòng lao lý một thời gian dài cho đến khi người ta tìm ra hung thủ và hung thủ cũng tự thú thì mới biết 5 người này cũng là nạn nhân trong một bi kịch của kiếp người của kiếp trầm luân.
Có thể nói rằng sự khôn ngoan của đời sống, đạo đức của đời sống và ngay cả vận may của chính mình đôi lúc không đủ khả năng để bạo vệ mình. Những cái dông rủi tai bay họa gửi và đồng thời bao nhiêu ách nạn vốn dĩ là một phần rất tự nhiên của kiếp người, một phần tự nhiên của cuộc sống trầm luân này.
Chúng ta nhìn vào câu chuyện một chút sẽ thấy tất cả những người liên hệ trong câu chuyện đều rất đáng tội nghiệp, cho dù đó là con ngỗng, con ngỗng nhìn thấy viên ngọc theo trong sớ giải lúc đó anh thợ kim hoàn đang nấu thức ăn và khi người lính của nhà vua mang viên ngọc đến anh đã cầm viên ngọc đó lên xem xét và một ít thức ăn dính vào viên ngọc, con ngỗng đánh hơi mùi thức ăn đã nuốt viên ngọc vào trong bụng. Con ngỗng nuốt viên ngọc vào trong bụng cũng là một hành động rất bản năng, con ngỗng không có ý đánh cắp viên ngọc đó và dĩ nhiên đối với con ngỗng viên ngọc đó không có giá trị hơn một miếng ăn nào, nó chỉ là một thứ miếng ăn không hơn không kém và có thể đó là một miếng ăn khó nuốt.
Chúng ta lại nghe câu chuyện của bà vợ là người rất có tín tâm cùng với chồng đã bao nhiêu năm lo lắng cho Tôn Giả Tissa đối với Tôn Giả Tissa như một người thân, như một vị Thầy, như một chỗ nương tựa tinh thần, bây giờ nhìn thấy chồng mình đánh đập tra khảo Tôn Giả Tissa thì thật sự không có lời nói không có can trường nào đủ làm cho người vợ của người thợ kim hoàn cảm thấy có thể cầm lòng được.
Tội nghiệp nhất hai người đó là Trưởng Lão Tissa và anh thợ kim hoàn. Trưởng Lão Tissa có lý do hoàn toàn chính đáng để im lặng, Ngài là vị Tỳ Kheo là một vị Thánh, nếu lời nói đó có liên hệ đến mạng của một chúng sanh khác thì không thể là lời nói nhẹ được mà là lời nói phải cân nhắc rất nhiều. Đôi lúc trong những trường hợp người ta không thể nói thì chỉ biết chọn lấy im lặng và cái giá của sự im lặng đó không phải là một cái giá nhỏ, ở tại đây một sự im lặng lại tạo ra một bi kịch lớn, nhưng mà nói gì đây, mình biết chắc chắn rằng chỉ một lời nói của Ngài là con ngỗng đã nuốt viên ngọc vào bụng thì con ngỗng lập tức bị đem ra cắt cổ mổ bụng để lấy viên ngọc ra, Ngài là một bậc Thánh một vị Tỳ kheo Ngài không thể nói như vậy,
Nhưng mà rồi anh thợ kim hoàn lại là một người mặc dù đã tạo ra thảm kịch này nhưng anh cũng là một nạn nhân, anh là nạn nhân của kiếp luân hồi và nạn nhân của chính mình. Nạn nhân của kiếp luân hồi là đã sống thì phải mưu sinh, đã sống thì phải liệu toan, đã sống thì phải nhận lấy trách nhiệm, và đã sống thì phải trả cái giá cho sự mưu sinh của mình. Là một người được nhà vua thưởng thức tài nghệ mài dũa những viên ngọc của cung đình và anh là một người làm ra rất nhiều tiền nhờ đó anh có cuộc sống thoải mái nhưng bây giờ khi viên ngọc nhà vua đem đến không cánh mà bay và ở trong căn phòng đó ngoài Trưởng Lão Tissa không có người nào khác, cái mạng của mình treo như chỉ mành treo chuông. Và có thể nói rằng trong lúc túng quẩn anh không biết phải làm thứ gì. Đây là một điều chúng ta được biết có rất nhiều trường hợp Đức Phật Ngài khuyên các vị Tỳ kheo các đệ tử của Ngài nên tránh đi những nơi không thích hợp, những chỗ không thích đáng, những chỗ phi thời, tại vì những tai bay họa gửi đến đôi lúc mình không tránh né được.
Ngay cả trong một xã hội nền pháp luật được hổ trợ bằng nhiều kỹ thuật tinh vi thì hàng năm có rất nhiều người bị oan uổng một cách hết sức là oan uổng. Quí vị cũng nghe được tại Hoa Kỳ ở trong 10 người lên ghế điện có 4 người vào giờ chót người ta khám phá ra không phải như vậy, bởi vì một lúc nào đó vì sự sai lầm của công tố viên người ta chỉ lượng định được tội trạng dựa trên một thứ kỹ thuật và kỹ thuật vô tri đó đôi lúc lại không thể xác định hoàn toàn một cách chính xác, và có thể nói người ta có thể vương vào những tội đại hình rất dễ dàng chỉ vì một chút lầm lẫn của công tố viên. Chuyện đó chúng ta thường thấy nhan nhãn ở trên báo chí.
Trong câu chuyện này đúng là tình ngay lý gian và quả thật rất khó để người thợ kim hoàn có thể kiên nhẫn được, anh không thể kiên nhẫn được tại vì viên ngọc đó không nằm trong khả năng anh có thể bồi thường được, anh không thể kiên nhẫn được bởi vì anh có thể mất đầu, bị nhà vua đem chém đầu vì đã làm mất viên ngọc quí của nhà vua và anh không có một cách lựa chọn nào khác, ở trong lúc đó con người bị dồn đến một sự thử thách tuyệt đối hoặc giả có thể chấp nhận thân phận để bảo vệ đạo nghĩa của mình, hoặc giả trong lúc cuống quít mất bình tỉnh có thể làm bất cứ cái gì có thể làm được để truy tìm cho bằng được một vật đã mất. Anh thợ kim hoàn đã lựa chọn thái độ thứ hai đem một vị Thầy một vị Tỳ Kheo một người mình quen biết rất lâu để vặn hỏi, vặn hỏi không được thậm chí dùng đến bạo lực dùng đến tra tấn và Tôn Giả Tissa đã ngất sỉu trước những cú đánh rất hung hiểm của anh thợ kim hoàn.
Bi kịch chúng ta được nghe như vậy là một câu chuyện như Tôn Giả Tissa đã nói sau đó:
– “Đó là nỗi của kiếp trầm luân“.
Sống trong cuộc đời này chúng ta không những là nạn nhân của hoàn cảnh mà còn là nạn nhân của nghiệp quá khứ. Chúng ta là nạn nhân của những tâm bất thiện mình đã có ở trong một kiếp xa xưa nào đó.
– Bây giờ sống trong một kiếp người có ai dám nói mình có một quá khứ nhiều đời nhiều kiếp hoàn toàn tích tập những nghiệp thiện?
– Chắc chắn ở trong di sản mình thừa tự từ quá khứ nó bao gồm cả hai thứ thiện lẫn bất thiện, ác nghiệp lẫn thiện nghiệp.
Phải nói rằng trong nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp luân hồi mà chúng ta đã trải qua từ trong nhiều đời quá khứ thì chắc chắn là ác nghiệp tạo nhiều hơn thiện nghiệp.
Có hiểu được ý nghĩa này, tại sao trầm luân sanh tử không phải một điều đáng cho chúng ta dính mắc đáng cho chúng ta bám víu. Đúng ra khi nói đến tội của trầm luân khi nói đến lỗi của kiếp luân hồi chúng ta nghe như là một câu nói triết lý như một câu nói đạo đức nhưng nếu nghiệm lại tất cả cái không may, tất cả những cái đưa đẩy sơ xảy có thể xảy ra, tất cả cái phiền lụy của kiếp luân hồi thì bậc thiện trí không có gì để hoan hỉ ở trong cuộc sống luân hồi này.
Chúng tôi có lần thăm thành phố lớn ở Ấn Độ thành phố Calcutta một thành phố nổi tiếng ở các quốc gia Tây phương tại đó có dì phước Têrêsa. Nhưng thành phố từ số người đông đảo chật chội cho đến muôn ngàn cái dơ bẩn, phiền phức của trời nắng của bão lụt từ vịnh Bengal thổi vào và xe cộ chạy mất trật tự v.v… khiến cho thành phố này không có lấy gì hoan hỉ đối với bản thân chúng tôi khi ở đó 3 ngày. Chúng tôi có đến thăm các ngôi chùa có đi thăm một số các di tích cũ nhưng Calcutta không bao giờ là một thành phố chúng tôi thật sự ưa thích đến ở đó. Phải nói rằng một buổi sáng trong 3,4 tiếng đồ hồ chỉ đi bộ ngang tòa Thị Chính, ngoại trừ khu thương mại chính Calcutta còn những nơi khác có trăm ngàn thứ phiền lụy. Những lúc đi lang thang trong thành phố này chúng tôi lại tự nghĩ đến một việc một thành phố đã được loài người xây dựng với chừng đó công trình xem ra còn ít có phiền lụy hơn là kiếp luân hồi, một sự dong rủi đưa đẩy chúng ta thật sự không biết cái gì sẽ xảy ra cho đời sống của mình.
Đôi lúc nghe một bi kịch xảy ra cho người khác chúng ta khen, chê hay đánh giá hay phê bình, chúng ta nói rằng người đó tài người đó giỏi. Cụ Nguyễn Du có nói “Chữ tài cùng với chữ tai một vần, chữ tâm kia mới bằng ba tài“. Cụ có nói cách gì đi nữa thì sự so sánh đó không có đáng không đủ để nói hết tất cả. Những gì thuộc về khả năng của chúng ta hết sức là nhỏ bé so với cái phiền lụy, so với cái bất trắc, so với những điều chúng ta không biết được không có tiên liệu được của kiếp người. Có thể trong một vai trò nào đó ở trong một cương vị nào đó chúng ta thấy khả năng của mình có thể di sơn đảo hải có thể an bày rất nhiều thứ của cuộc sống, nhưng chúng ta hãy nhìn lại kiếp người những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời những khúc quanh của chúng ta những thứ đó đã đến từ sự sắp đặt liệu toan từ tài năng trí tuệ của mình hay là chỉ là sự đưa đẩy. Một trong những danh nhân được biết nhiều ở xã hội Tây Phương, ông Albert Einstein đã nói : “Nếu chúng ta làm 10 chuyện mà thành công 1 chuyện thất bại 9 chuyện kể là một chuyện đáng hoan hỉ lắm rồi”. Xác xuất về luân hồi, cái gì nằm trong khả năng, nằm trong tài trí của mình thì ít mà cái gì nằm ở trong cái bất định nằm ở trong sự đưa đẩy dong rủi thì nhiều.
HT ở chùa Ngài thường nói một câu chúng tôi rất thấm thía: “Cái gì mình có được không phải tại mình khéo giữ mà tại vì người khác chưa muốn lấy. Cái gì mình bị mất không phải vì mình bất tài mà tại vì người khác khéo lấy mà thôi.“
Thật ra, chúng ta có nhiều cách nghĩ cho dù nghĩ cách nào đi nữa chúng ta hãy nghe Tôn Giả Tissa nói, Ngài nhìn lại toàn bộ những bi kịch xảy ra trên tấm thân của Ngài, xảy ra trên giòng nghiệp lực hết sức nghiệt ngã của anh thợ kim hoàn, và xảy ra đối với toàn diện câu chuyện này thì không có ai để trách dầu là anh thợ kim hoàn, dầu là Tôn Giả Tissa, dầu là con ngỗng dầu là một đấng thiêng liêng nào đó, bi kịch thì nó bi kịch và khi bi kịch diễn ra thì chỉ có một điều nói tại cuộc sống không hoàn hảo, cuộc sống không có như ý và Ngài đã nói “Đó là lỗi của kiếp trầm luân”
Đức Phật tuy vậy trong một nhân sinh quan trong một cái nhìn Ngài nhìn từ con mắt của vị Giác Ngộ Ngài nói kệ ngôn:
Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn
2. – Điểm thứ hai:
Trong đoạn đầu chúng ta nói đến sự bấp bênh vô định của đời sống, nói đến một cái gì hầu như chúng ta chỉ lấy mắt nhìn trong đôi tay nhỏ bé của mình không thể làm gì được. Nhưng ở đây Đức Phật Ngài có nói:
Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn
Khi Đức Phật nói điều này Ngài nói lên một vị trí rất đặc biệt đó là vị trí của từng trình độ tâm linh, vị trí của những sở hành sai biệt, vị trí của người có tu và không có tu, vị trí của sự lựa chọn mà từ ở trong sự khác biệt nhìn thoáng qua thì rất nhỏ bé này nhưng lại đưa đẩy chúng ta đến nhiều vùng trời hoàn toàn khác biệt.
Thành phố St. Louis xây một cổng hình cầu vồng rất lớn, những vị kỹ sư cho biết khi họ cất một cổng hình cầu vồng như vậy từ bên này họ bắt đầu xây và bên kia họ cũng bắt đầu xây ở dưới đất chỉ chênh lệch nhau vài milimét thôi thì hai đoạn bên trái và bên phải không bao giờ gặp nhau được. Cái chênh lệch một vài milimét đó tương tự như ở trong một giây phút nào đó tâm tư của con người, người thợ kim hoàn có lý do để lo lắng, có lý do để hốt hoảng, có lý do để mất bình tỉnh, và có lý do để trở thành một con người hết sức tàn nhẫn. Bên cạnh đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh của người vợ của người thợ kim hoàn nếu chồng mình bị rơi đầu cũng có thể mình bị rơi đầu, nếu viên ngọc bị mất thì gia đình nhà tan cửa nát, không phải chỉ có người thợ kim hoàn mới nhà tan mà người vợ người thợ kim hoàn cũng nhà tan của nát. Nhưng ở đây trong cái nóng nảy trong cái cuồng nộ trong cái lo sợ anh thợ kim hoàn đã làm một quyết định đáng tiếc cho anh và đáng tiếc cho Ngài Tissa và nó đã tạo lên một bi kịch. Người vợ mặc dầu không thay đổi được tình thế nhưng người vợ đã chạy theo năn nỉ khóc lóc khuyên ngăn hết lời, cũng sợ hãi, cũng đối diện với điều đó nhưng người vợ đã có lựa chọn khác, có lẽ là bà đã lựa chọn trong trực giác của người phụ nữ, bà đã lựa chọn trong một thái độ nặng về lòng tin hơn là lo sợ những tai họa sắp đến, bà đã có một sự lựa chọn hoàn toàn dựa trên thiện tâm của mình, cái nhỏ nhoi đó đã tạo một sự khác biệt và đã đưa hai người về hai cảnh giới khác nhau.
Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn
Khi Đức Phật nói điều đó Ngài không nói bằng cái nhìn phán quyết, Ngài không phê bình kẻ này hay kẻ kia dở, Ngài chỉ nói là có một sự thật tương ứng giữa một tâm tư và cảnh giới đi tái sanh, Ngài chỉ nói đó là một điều tự nhiên của hành trạng của mỗi cá nhân, hành trạng của mỗi chúng sanh trong cuộc đời này, kiếp người là vậy và sự lựa chọn đó đã khiến cho đạo Phật hoàn toàn khác biệt với thuyết về định mệnh.
Người ta thường cho rằng Đạo Phật nhìn cuộc đời là khổ và người Phật tử thường nói đến nghiệp quá khứ là cái gì an bày cho tất cả. Nhưng trong câu kệ này chúng ta hãy đọc lại từng giòng và đem câu kệ này so với bi kịch đó chúng ta nhìn thấy Đức Phật cho chúng ta biết ở trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nhìn thấy tâm thiện và tâm bất thiện khác biệt. Nếu gọi là đối diện với sợ hãi thì ai cũng đối diện với sợ hãi, nếu đối diện với hiểm nguy thì ai cũng đối diện với hiểm nguy, phải nói trong những trường hợp đó mới biết người có tu hay không có tu.
Người không tu khi gặp chuyện rủi ro để bảo vệ chính mình để có thể tìm ra một giải pháp, người đó có thể trở thành bất cứ một người nào khác và họ có thể quay lưng lại với tất cả. Trong trường hợp này anh thợ kim hoàn vì quá lo sợ chết, vì quá lo sợ hậu quả của việc mất viên ngọc đã quay lưng lại với một vị Thầy, với một người bạn khả kính, với một người mình đã trao gửi niềm tin trong suốt 12 năm trời.
Điều này không phải là một điều để trách. Nhưng nói sự lựa chọn lúc đó giống như chúng ta đang đi thi. Chúng ta phải đối diện với chính mình, thử xem đạo tâm, thiện tâm, sự hiểu biết, sự bình tỉnh, và một thái độ chấp nhận hậu quả có đủ làm cho chúng ta đứng vững trên đôi chân của mình hay chúng ta sẽ cuồng loạn lên. Và ở đó không có gì để phê phán là đúng, là sai, là hay, là dở, nhưng sự lựa chọn đó sẽ đưa chúng ta đi về một hướng mà hướng đó hoàn toàn khác biệt.
3. – Điểm thứ ba:
Bây giờ chúng ta đề cập đến câu chuyện này chúng ta lại nói đến một khía cạnh quan trọng khác của đạo Phật, khía cạnh đó là thái độ thưởng phạt không có chỗ đứng trong giáo lý của Đức Phật.
Có 2 tác phẩm đã ảnh hưởng lớn đến cái nhìn của người Phật tử VN và Phật tử Trung Hoa về phương diện nhân sinh quan đó là tác phẩm Hồi Dương Nhân Quả và Ngọc Lịch Minh Kính, hai tác phẩm này đã nói rất nhiều về sự việc một người chết đi người đó sanh vào địa ngục. Theo quan niệm của tác phẩm này thì tất cả mỗi người sau khi rời khỏi trần gian này đều phải đi vào cảnh giới địa ngục để nghe sự phán xét công tội của các vị phán quan của thập điện Diêm Vương. Phải nói rằng cho đến ngày hôm nay hầu hết các tôn giáo trừ Phật Giáo ra đều xem ngày phán xét cuối cùng, ngày phán xét tận thế, ngày mở Hội Long Hoa như chúng ta nghe nhiều trong bản sấm ký của miền Nam “khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm“. Người ta nói đến ngày tận thế và ngày đó Thượng Đế sẽ luận công luận tội của mỗi cá nhân, sự luận công luận tội đôi khi không có chỗ đứng trong Đạo Phật.
Trong câu chuyện này chúng ta sẽ trách ai đây? Chúng ta có thể đem Ngài Tissa ra trách tại sao Ngài không lên tiếng, nếu Ngài lên tiếng thì con ngỗng chỉ bị giết thôi anh thợ kim hoàn sẽ không phạm ác nghiệp to lớn đó là xúc phạm đến Ngài. Chúng ta có thể trách anh thợ kim hoàn tại sao không bình tỉnh một chút đi tìm một ánh sáng nào khả dĩ mà lại quyết định vội vàng như vậy. Chúng ta có thể trách con ngỗng là đã tạo lên bi kịch đã tạo lên bao nhiêu hiểu lầm bao nhiêu cái phiền lụy cho chính thân của con ngỗng và cho Ngài Tissa kể cả cho người thợ kim hoàn.
Nhưng nếu xét đi xét lại tất cả đều do hoàn cảnh dung rủi và hoàn cảnh dung rủi đó được Ngài Tissa nói một cách cô đọng “Đó là lỗi của kiếp trầm luân“. Ở trong kiếp trầm luân thì không có chuyện gì để phán xét công và tội, để lấy cây thước đo để nói rằng như thế này như thế khác.
Chúng tôi đã đọc rất nhiều bài viết về những bi kịch xảy ra tại quốc gia nghèo, lấy ví dụ là tại các vùng sơn cước những vùng rất nghèo miền thượng du đông bắc Thái Lan cha mẹ quá nghèo con thì đông không biết phải làm gì để cải thiện đời sống gia đình, họ bán những đứa con gái của mình vào những ổ mại dâm tại thành phố Bangkok. Người ta gặp những cô gái này, những cô gái này có thể có những hành động không lương hảo, người ta có thể khinh miệt những cô gái này, nhưng một số người nào đó đã cảm thấy những cô gái này chỉ là nạn nhân, họ trách gia đình tại sao cha mẹ lại nỡ vì đồng tiền mà đi bán con của mình, rồi người ta cũng trách chính quyền đã để việc đó xảy ra, rồi người ta cũng trách xã hội là xã hội đã dung túng đã để cho những người con gái vô tội đó phải hi sinh cả cuộc đời của mình để chỉ vì một ít đồng tiền, xã hội đã không làm một việc gì khả dĩ có thể thay đổi tình thế.
Nếu gọi là trách móc thì chúng ta có nhiều chuyện để trách móc nhưng khi nhìn vào toàn diện câu chuyện dù câu chuyện xảy ra bất cứ nơi nào chúng ta thấy đôi lúc chuyện phê phán là đúng, là sai, là hay, là dở, không phải là vấn đề, nó hoàn toàn không phải là vấn đề. Đức Phật trong một cái nhìn minh triết của bậc Giác Ngộ, trong cái nhìn của vị Toàn Giác Ngài đã không nói ai hay ai dở, Ngài chỉ nói có những cảnh giới tương xứng với hạnh nghiệp. Và lời nói như vậy đã quá đủ cho bất cứ chúng ta những ai lựa chọn thái độ của đời sống.
Chúng ta trôi dạt về đâu, đến nơi nào sống, trong hoàn cảnh nào đôi lúc không phải là vấn đề phê phán. Chúng ta phải hiểu do đâu chúng ta có mặt tại đó, và có mặt tại đó thì những quyết định của chúng ta lại đưa đẩy chúng ta đến một phương trời vô định khác. Điều quan trọng nhất, chúng ta hãy nhìn vào từng quyết định của mình hơn ngồi đó để thị phi, hơn ngồi đó để nói chuyện hơn thiệt. Những hơn thiệt những thị phi của đời sống đôi lúc hoàn toàn vô nghĩa kể cả một sự phán xét ở tại đây dù sự phán xét đó là phán xét của Thượng Đế hay sự phán xét của các vị phán quan ở trong địa ngục thì những sự phán xét đó cũng không nhằm gì hết. Phán xét điều gì khi chúng ta biết một cái gì xảy ra, như người Tây Phương từng nói hễ có một cái gì trục trặc thì toàn bộ máy trục trặc và toàn thể bộ máy trục trặc thì chỉ có việc cải thiện bộ máy chứ không có cách gì để người ta ngồi đó than thở vò đầu bức tóc chửi bới trỉ trích, nói như Ngài Tissa thì đó là “Lỗi của kiếp luân hồi“.
Có nhiều ý nghĩa để học từ bài học này, một trong những ý nghĩa lớn là chúng ta có thể tìm thấy ngay cả một bậc đã giải thoát. Không lâu sau đó Tôn Giả Tissa Niết-bàn. Mặc dù người thợ kim hoàn rất hối hận khi tìm ra viên ngọc ở trong bụng con ngỗng đã khẩn khoảng thỉnh Ngài Tissa tiếp tục ở lại nhà để thọ trai, Ngài Tissa đã nhã nhặn từ tốn từ chối không phải vì Ngài giận, không có một chút bất mãn hờn giận nào trong lòng của một vị đã đoạn tận lậu hoặc, Ngài chỉ thấy một chuyện đó là đến những nơi không thích hợp có thể có những phiền lụy không cần thiết. Và Ngài đã lựa chọn một con đường ra đi thong dong như ngàn xưa Đức Phật đã dạy, ngàn xưa Chư Phật đã làm đó là mỗi buổi sáng đi chầm chậm từng nhà khất thực nếu có gì người ta cúng dường vào trong bình bát thì cảm ơn bằng sự im lặng tiếp tục ra đi, cả người cúng dường lẫn người thọ thí không có ai rảng buột ai, không có ai bị vương hệ lụy với ai và điều đó không làm cho ai phải buồn lòng. Thái độ lựa chọn của Ngài là một thái độ lựa chọn rất tự nhiên không phải vì buồn không phải vì phiền. Ít lâu sau đó Ngài đã viên tịch vì vết thương chí mạng vì bệnh hậu không thể tránh khỏi sau một cuộc tra tấn cực kỳ dã man.
Rất đau xót rất tội nghiệp cho câu chuyện này nhưng chúng tôi tin rằng nếu chúng ta xét kỹ thì tìm thấy ở trong đó cả 4 chúng sinh có liên hệ đó là Ngài Tissa, người thợ kim hoàn, người vợ của người thợ kim hoàn và con ngỗng cả 4 người đều chỉ là một sự dong rủi của kiếp trầm luân và ở trong đó nếu có điều gì được nói lên và nói một cách thích đáng một cách đẹp nhất thì câu nói đó phải là câu nói từ bậc Giác Ngộ.
Một số đi đầu thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện sinh cõi phúc
Bậc vô lậu niết bàn
4. – Kết Luận
Trước một bi kịch như vậy điều duy nhất chúng ta được nghe Đức Phật dạy tại đây chúng sinh đến đi trong cuộc đời này là sự đi đến những cảnh giới thích hợp với những hạnh nghiệp mình đã tạo và những hạnh nghiệp đó là một thể hiện của một tâm và tâm đó có khéo tu hay không khéo tu, tâm đó có đủ khả năng để giúp cho mình đối diện với những nghịch cảnh, tâm tư đó có đủ khả năng để giúp cho mình không bị nao lòng, không bị nản trí, không bị thay đổi bản chất tốt đẹp của mình hay không thì đó là một điều mình phải tự trả lời cho mình không ai có thể trả lời cho mình được điều này.
Phải có rất nhiều thì giờ để chiêm nghiệm mới hiểu được nhân sinh quan của Đạo Phật. Đạo Phật dạy cho con người sống gần với tự nhiên và ở trong một mức độ tự nhiên nào đó của nghiệp lực của duyên nghiệp thì ở đó không còn là một sự vui buồn, không còn là sự phán quyết của thương của ghét, của vui của buồn nữa. Ở đó chúng ta chỉ nhìn thấy một điều ai sống hợp với lẽ đạo, ai sống hợp với tự nhiên người đó được sự an lạc. Nếu bất cứ ai nghĩ nghiệp báo bằng quan niệm riêng tư của mình, bằng cái nhìn vui buồn của mình người đó chưa thể nào nhận được lý nghiệp báo.
Giống như trong khu vườn của mình chúng ta không thể giận cỏ dại được, chúng ta không thể giận những cây tại sao mình chăm sóc nhiều nó không chịu lớn, cỏ dại mình không chăm sóc thì lại lớn mạnh. Hễ ở đâu có điều kiện tốt cho cỏ dại thì cỏ dại tăng trưởng, ở đâu có điều kiện tốt cho cây thì cây tăng trưởng. Thay vì giận những cây hoang cỏ dại, thay vì trách móc những cây mình trồng thì mình lên làm đúng, nếu mình đúng mình có thể đạt được những gì mình muốn.
Ngày nay người ta càng chú trọng đến khoa học tự nhiên người ta càng khám phá ra nhiều lãnh vực quan trọng. Ngày xưa có những người họ đã muốn cất cánh bay xa những người khác mỉa mai nói nếu Thượng Đế quả thật muốn con người bay được đã tạo cho con người cặp cánh. Câu nói đó hoàn toàn dựa trên triết lý dựa trên niềm tin và dựa trên cảm xúc của mình. Nhưng mà rồi, con người đã biết khai thác nền khoa học tự nhiên, nếu nền khoa học này tạo thành một điểm y cứ và trên đó người ta đã thành tựu được nhiều bước tiến quan trọng trong ngành khoa học kỹ thuật và đã thay đổi toàn bộ khuôn mặt của loài người trong trái đất này thì chúng ta thấy khoa học tự nhiên đó chỉ giới thiệu cho chúng ta một phần liên quan đến vật chất.
Nhưng điều Đạo Phật gọi là tự nhiên thì tự nhiên này bao gồm cả tâm lý, vật lý, cả danh pháp, sắc pháp, cả cái mình thấy được và cái mình không thấy được. Và cái tự nhiên đó có thể ở một phương diện nào đó giống như chữ
“Đạo” trong triết lý của Lão Trang, chữ “Đạo” trong triết lý, trong những tác phẩm của kinh Vệ Đà. Chúng ta cũng nghe nói đến cái tự nhiên nó là bất cứ một phương diện gì liên quan đến cái không dự phần của vui của buồn, của cái không dự phần vào tâm muốn thống trị, tâm muốn chi phối, tâm muốn làm chủ của con người.
Nhưng mà, mỉa mai thay cho chúng ta khi chúng ta muốn làm một điều gì đó thì ý muốn là một yếu tố, và tánh chất tự nhiên của hoàn cảnh, tự nhiên của cuộc sống nó lại là một yếu tố khác.
Chỉ cho đến khi nào ý muốn đó thuận hợp với lẽ tự nhiên thì cái đó mới dẫn chúng ta đến được mục tiêu chúng ta mong muốn.
Ở đây, Đức Phật Ngài đã dạy một câu kệ mới nghe dường như chỉ là một câu trả lời về cảnh giới thọ sanh. Nhưng trong câu trả lời đó cho chúng ta thấy chúng sanh đến đi trong cuộc đời này theo hạnh nghiệp của mình và hạnh nghiệp đó dựa trên một chủ tâm tạo tác và chủ tâm tạo tác là cái quyết định hoàn toàn. Chúng ta có quyền lựa chọn mặc dù trong một hoàn cảnh hầu như không có quyền lựa chọn anh thợ kim hoàn và người vợ của anh hai người đều đối diện với một hoàn cảnh, hoàn cảnh của lo sợ hoặc hoàn cảnh của bối rối nhưng hai người đã có 2 sự lựa chọn hoàn toàn khác nhau. Vì vậy đã đưa họ về 2 phương trời hoàn toàn khác biệt./.

Thích Giác Đẳng | Nguồn: Kinh Pháp Cú Giảng Giải 2003

Tác hại của niềm tin mê lầm

Tác hại của niềm tin mê lầm

Đăng lúc: 16:08 - 05/10/2016

Khi nói đến niềm tin là nói tin về điều gì, chẳng hạn như tin theo học thuyết, triết thuyết, tin theo tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc một hệ thống tư tưởng, chủ nghĩa nào đó, tin nơi ai hoặc tin nơi chính bản thân mình (lòng tự tin, tự tín).

Tin điều gì có nghĩa là mình cho điều đó là đúng, là có thật, đặt hoàn toàn hy vọng vào điều đó, nương tựa nơi điều đó, hướng suy nghĩ và hành động theo. Niềm tin rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người, tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều tác hại nếu như đó là niềm tin sai lầm, niềm tin được xây dựng trên cơ sở nhận thức mù quáng, không sáng suốt, thiếu trí tuệ.

Một người bệnh có thể tin rằng mình sẽ khỏi bệnh nếu như gặp thầy hay thuốc giỏi và bản thân mình có mong muốn được bình phục, biết quan tâm làm theo những gì vị lương y, bác sĩ hướng dẫn. Sự lạc quan tin tưởng, niềm tin đặt đúng chỗ (đúng thầy, đúng thuốc) sẽ giúp cho người bệnh có thêm sức mạnh ý chí làm tăng sức sống, sức đề kháng bệnh tật và sự quyết tâm điều trị đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng trong trường hợp đó, nếu người bệnh không có lòng tin nơi thầy hay thuốc giỏi, không có lòng tin mình có thể vượt qua bệnh tật, và từ đó không nỗ lực điều trị bệnh theo hướng dẫn của vị lương y, bác sĩ, như thế thì người bệnh khó có thể đẩy lùi được bệnh tật.

Hoặc tệ hại hơn là người đó có niềm tin sai lầm (không thấy nguyên nhân của bệnh, không đi đúng hướng điều trị), đặt lòng tin không đúng chỗ (không đúng thầy, không đúng thuốc). Ví dụ như ngày xưa, khi y học chưa phát triển, gặp bất cứ bệnh gì người ta cũng rước thầy pháp về cúng, làm phép để trừ tà, kết quả là nhiều con bệnh đã mất mạng. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người mắc bệnh tâm thần nhưng người thân không biết cứ ngỡ bị vong nhập, bị trúng tà (vì biểu hiện của một số dạng bệnh tâm thần có phần giống như hiện tượng trúng tà), lại quá mê tín nên cứ mời thầy bùa thầy pháp về làm phép đuổi tà, trấn yểm, cúng vái, cuối cùng thì tiền mất tật mang.

Niềm tin mù quáng, mê lầm có tác hại rất lớn, nó là kết quả của nhận thức cảm tính thiếu lý trí, thiếu trí tuệ sáng suốt. Ngày xưa ở một số nước có chiến tranh, nhiều tướng soái, nhiều nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã lợi dụng sự mê tín của người đời, giả thần giả thánh, tự xưng mình là con trời (thiên tử), tự cho việc họ làm là ý trời để thiên hạ nghe theo và không dám chống lại họ; họ ngụy tạo những bằng chứng huyền hoặc để khiến cho mọi người tin theo. Có nhiều đội quân được vẽ bùa, phù chú lên mình, được gieo vào lòng niềm tin bất bại, đao thương, súng đạn không thể làm hại, nhưng khi ra chiến trường mới biết mình tin mê lầm, họ chết gục trên chiến trận.

Có trường hợp người thủ lĩnh lợi dụng niềm tin mê tín để làm tăng thêm ý chí, sức mạnh chiến đấu của quân đội mình, nhưng cũng có trường hợp họ cũng có ảo tưởng rằng mình có phép màu bảo hộ. Tuy niềm tin đó có làm cho tinh thần chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tăng cao, nhưng hậu quả của nó là làm cho họ chủ quan, khinh suất, không nhận thấy rõ thực lực của mình và của quân địch, từ đó dẫn đến thất bại.

Niềm tin trong tôn giáo, tín ngưỡng cũng vậy. Có những niềm tin giúp con người hướng đến điều lành điều thiện, mạnh dạn làm các việc có ích cho cá nhân, cộng đồng xã hội, nhân loại, chúng sinh. Nhưng có những niềm tin gây mê lầm, tội lỗi, gieo tai họa cho chính những người mang niềm tin đó mà họ không hay không biết, hoặc gieo tai họa lên nhiều người. Nó khiến con người tàn hại lẫn nhau, mất hết lý trí, khiến con người đánh mất chính mình, lệ thuộc vào những điều huyền hoặc, không tưởng, lệ thuộc vào những thế lực siêu hình do con người tưởng tượng ra, không còn ý chí, không còn tự chủ; khiến con người nô lệ cho vô minh, dục vọng, làm những chuyện tàn ác, điên rồ mà cho là làm theo chân lý, làm đúng với lẽ phải, đúng với quy luật vũ trụ.

Những niềm tin u mê này đến mức cực đoan sẽ gây ra chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, gây ra thù hằn, oán ghét lẫn nhau. Bởi thế cho nên, đối với vấn đề niềm tin cần phải hết sức thận trọng.

Khi con người chưa hiểu biết nhiều về thế giới, người ta không có khả năng lý giải các hiện tượng đời sống, các hiện tượng tự nhiên, cho nên tin rằng có đấng tạo hóa, có các thần linh sáng tạo ra thế giới, điều hành thế giới, tưởng tượng ra thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mây, thần mưa, thần gió, thần núi, thần sông, thiên lôi, hà bá v.v…

Bất cứ điều gì cũng cho là ý trời sắp đặt, họa phước, thành bại, được mất, cơm ăn áo mặc, hạnh phúc, khổ đau… đều do ông trời và các thần linh ban cho, nhưng kỳ thực thì con người phải làm mới có ăn, phải lao động sáng tạo từ đời này sang đời khác mới có được thế giới như ngày nay, chứ không phải thượng đế và các thần linh ban cho hay tự dưng mà có. Sự thật sờ sờ trước mắt, nếu ông trời và các thần linh ban cho thì con người khỏi phải làm gì cả cũng có cuộc sống tốt, và những ai tin tưởng tuyệt đối vào ông trời và thần linh hẳn đã được bình an, sung sướng, hạnh phúc hơn những ai không tin.

Tuy nhiên không ít người vẫn chấp nhận nô lệ cho niềm tin mù quáng để rồi đánh mất ý chí, đánh mất niềm tin nơi chính mình, lệ thuộc thần quyền trong khi thần quyền là không có thật.

Không phải những ai thờ cúng, tín ngưỡng ông trời và các thần linh, vật linh cũng đều giàu sang, an vui, hạnh phúc, và không phải những ai không có niềm tin đó cũng nghèo khó, khốn khổ, bất hạnh. Sự thật là thế, quá rõ ràng nhưng vẫn có người không thấy.

Sự mê tín của con người vẫn không giảm mặc dù xã hội đã tiến bộ nhiều, thậm chí còn có chiều hướng tăng cao. Những thành phần bất hảo lợi dụng sự mê tín mà ra sức trục lợi. Mê tín dị đoan, tà thuyết ngoại đạo nổi lên khắp nơi khiến cho tâm trí con người điên đảo.

Ngay cả ở châu Âu, châu Mỹ, các nước được xem là văn minh tân tiến vẫn đầy dẫy tệ nạn mê tín dị đoan, các giáo phái cuồng tín lợi dụng sự tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà hoành hành. Còn các nước có truyền thống văn hóa phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam v.v… thì đi đến đâu cũng thấy có hiện tượng xin bùa xin phép, bói toán, coi tuổi tác, ngày tháng tốt xấu, ngồi đồng nhập cốt, đi đến đâu cũng thấy cúng bái sì sụp, cúng ông trời - thần linh, cúng nhà cửa - đất đai, cúng xe cộ - thuyền bè, cúng trên bờ - dưới sông, cúng người chết, cúng vật linh, cúng âm binh - cô hồn, có khi cúng ai cũng không biết, cứ bày nhang đèn, vàng mã, vái lạy bốn phương tám hướng mà cầu sự bình an, hưng thịnh.

Nếu chỉ đặt niềm tin vào sự cầu cúng, trông cậy vào thần thánh, ma quỷ, không siêng năng cần cù lao động, học tập, trau giồi kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn thì việc làm ăn, kinh doanh buôn bán không thể nào phát triển được. Nếu không có nhân phẩm đạo đức tốt, không có quan niệm, lối sống tích cực thì cuộc sống sẽ bất an, đau khổ. Không có ông trời, thần linh hay ma quỷ nào che chở, bảo hộ hoặc ban phước giáng họa cho được.

Ở Việt Nam, từ khi hiện tượng ngoại cảm được giới khoa học công nhận thì các nhà ngoại cảm rầm rộ nổi lên, thật có, giả có, ảo tưởng mình là nhà ngoại cảm cũng có. Còn người dân thì tin người cõi âm có thể liên hệ với người còn sống, có thể tác động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, từ đó ra sức cúng bái, cầu khẩn sự gia hộ, giúp đỡ. Nghĩ tưởng đến những người quá cố, người thân người thương, người có ân nghĩa, công đức thì tốt, nhưng hướng về người quá cố vì sợ họ làm hại mình hoặc vì cầu sự chở che, gia hộ thì quả là việc làm mê tín.

Trong một số trường hợp vong linh người chết có thể liên hệ với người còn sống (trong điều kiện nhân duyên như thế nào đó mà có sự tương thích), nhưng những trường hợp này rất ít, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các vong linh có thể tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mà họ yêu thương hoặc oán ghét.

Nếu các vong linh ở cõi âm có thể tác động, ảnh hưởng đến người sống thì thế giới này từ lâu đã không an ổn, đã loạn lên rồi. Bởi vì trong lịch sử đã có biết bao cuộc chiến tranh diễn ra, thù hận chất chồng, nếu các vong linh người chết có thể làm hại kẻ thù của họ thì những người còn sống đã sống không yên. Giữa con người với con người, ân oán tình thù đầy dẫy, nếu sau khi chết rồi mà các vong linh có thể can thiệp vào thế giới người còn sống thì chắc chắn thế giới loài người từ lâu đã rối loạn, đã xuất hiện nhiều điều kinh khủng, quái dị lắm.

Người nào cũng có tổ tiên, ông bà, người thân quá cố, nhưng nếu chết rồi mà vong linh những người quá cố còn tồn tại mãi ở cõi âm nào đó và có thể tiếp xúc, can thiệp vào cuộc sống của người thân, nếu họ có thể giúp cho những người đó được bình an, được sang giàu, được may mắn, hạnh phúc thì trên thế gian không ai gặp rủi ro, bất hạnh, khổ đau cả, bởi vì ai cũng có người thân quá cố chở che, phù hộ. Nhưng sự thật thì không phải thế, sống trên đời ai cũng gặp khó khăn cả, không gặp khó khăn này cũng gặp khó khăn khác, không gặp nỗi khổ này cũng gặp nỗi khổ khác, không ai khỏe mạnh mãi mà không ốm đau, không ai luôn may mắn mà chưa từng gặp rủi ro bất trắc, không ai thành công mà chưa một lần thất bại v.v… Vậy rõ là người chết không thể can dự vào cuộc sống của chúng ta.

Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là Chánh tín, được xây dựng trên cơ sở Chánh kiến, sự thấy biết chơn chánh, nhận thức đúng đắn, có chiều hướng tích cực, phù hợp với chân lý và quy luật cuộc sống. Nếu niềm tin gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho con người thì tuyệt nhiên đó không phải là niềm tin chơn chánh, cần loại bỏ.

Phan Minh Đức

Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất

Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất

Đăng lúc: 21:03 - 22/09/2016

Người tu học theo Phật, dường như ai cũng biết ảnh dụ nổi tiếng về dây đàn và tiếng đàn. Dây quá căng hay quá chùng, tiếng đàn đều không hay. Dây căng vừa mức thì tiếng đàn mới hay. Tu học cũng vậy, tinh tấn quá hay giải đãi quá cũng đều không tốt. Người biết áp dụng tinh thần trung đạo trong tu học mới mong chứng đạt đạo quả.


Trung đạo là hạnh tu thù thắng nhất
“Một thời Phật ở nước Chiêm-bà bên bờ hồ Lôi Âm.

Bấy giờ Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona; Sô-na) ở trong chỗ vắng, tự tu pháp bổn, chẳng bỏ hai mươi pháp hạnh đầu-đà, ngày đêm kinh hành chẳng lìa lời dạy về Ba mươi bảy đạo phẩm, hoặc ngồi, hoặc đi thường tu Chánh pháp. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm hằng tự gắng gỏi, chẳng bỏ trong chốc lát, nhưng lại không thể ở pháp dục lậu, tâm được giải thoát.

Tôn giả Sô-na đi kinh hành bị đứt chân chảy máu đầy khắp lề đường, giống như chỗ mổ trâu, quạ diều hâu đến hút máu, mà lại chẳng thể đối với dục lậu mà tâm được giải thoát. Tôn giả Sô-na liền nghĩ: ‘Trong đệ tử tinah tấn khổ hạnh của Phật Thích Ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay, ta tâm lậu chẳng được giải thoát. Lại nữa, gia nghiệp của ta nhiều tiền lắm của, đáng nên xả bỏ pháp phục trở về làm cư sĩ, đem tài vật rộng bố thí. Nay làm Sa-môn rất khó, chẳng phải dễ dàng’.

Bấy giờ Thế Tôn từ xa biết tâm niệm của Sô-na, liền bay lên hư không, đến chỗ ông ta kinh hành, trải tòa mà ngồi. Khi ấy Tôn giả Sô-na đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi Sô-na rằng:

- Vừa rồi cớ sao thầy lại nghĩ: ‘Trong số đệ tử tinh tấn khổ hạnh của Phật Thích Ca Văn, ta là đệ nhất. Nhưng hôm nay ta lậu tâm chẳng được giải thoát. Lại gia nghiệp ta lắm tiền nhiều báu, nên xả bỏ pháp phục, trở về làm cư sĩ, lấy tài vật rộng bố thí, nay làm Sa-môn thật khó, chẳng phải dễ dàng?’.

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:

- Nay Ta lại hỏi thầy, thầy tùy đó mà đáp lời Ta. Thế nào Sô-na? Xưa lúc thầy ở nhà, đánh đàn có giỏi không?

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, Thế Tôn! Xưa lúc ở nhà, con đánh đàn rành.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na! Nếu dây đàn quá căng thì tiếng chẳng đều. Lúc đó tiếng đàn nghe có hay không?

Sô-na đáp:

- Bạch Thế Tôn, không!

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn lại chùng, thì tiếng đàn nghe có hay chăng?

Sô-na đáp:

- Bạch Thế Tôn, không.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào Sô-na? Nếu dây đàn không căng, không chùng thì bấy giờ tiếng đàn nghe có hay không?

Sô-na đáp:

- Đúng vậy, Thế Tôn! Nếu dây đàn không chùng cũng không căng, bấy giờ tiếng đàn có thể nghe hay.

Thế Tôn bảo:

- Đây cũng như thế. Người quá tinh tấn giống như điều hý (trạo cử). Nếu người giải đãi, người này sẽ đọa vào tà kiến. Nếu người có thể ở giữa hai điều này thì đây là thượng hạnh, như thế chẳng bao lâu sẽ thành bậc Vô lậu.

Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Sô-na xong, trở về bên bờ hồ Lôi Âm.

Khi ấy, Tôn giả Sô-na tư duy lời dạy của Thế Tôn, ở chỗ vắng vẻ tu hành pháp này không hở một giây. Sở dĩ người dòng dõi vọng tộc, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Tôn giả Sô-na liền thành A-la-hán.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử tinh cần, khổ hạnh đệ nhất là Tỳ-kheo Sô-na.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 23, Địa chủ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.420)

Theo Thế Tôn, trung dung giữa tinh tấn và giải đãi, không quá siêng mà cũng không quá nhác là thượng hạnh; hạnh tu thù thắng, cao tột nhất. Nhờ đó mà hành giả từng bước tiến tu, “chẳng bao lâu sẽ thành bậc Vô lậu”. Trung đạo là kinh nghiệm tu tập của chính Thế Tôn, quân bình giữa hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh, nhờ đó mà Ngài đắc đạo.

Tinh thần trung đạo tràn ngập tuệ giác, không chấp thủ, thể hiện “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Đây chính là nhân tố góp phần quan trọng giúp Thế Tôn thành đạo đồng thời cũng là bí quyết để tiến tu của tất cả chúng ta, những người đệ tử Phật.

Quảng Tánh

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 81
  • Hôm nay 2,679
  • Tháng hiện tại 60,064
  • Tổng lượt truy cập 23,466,313