Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đức Pháp chủ gửi thư chúc Tết Đinh Dậu 2017

Đức Pháp chủ gửi thư chúc Tết Đinh Dậu 2017

Đăng lúc: 09:54 - 28/01/2017

THƯ CHÚC TẾT ĐINH DẬU
CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
GỬI TĂNG NI, PHẬT TỬ VIỆT NAM Ở TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI

ducphapchu.jpg
Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ

Nam-mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính gửi: Các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.

Chào đón xuân mới Tết cổ truyền Đinh Dậu - 2017, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi có lời chúc mừng năm mới, lời thăm hỏi ân cần tới tất cả các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Kính chúc quý vị một năm mới tràn ngập niềm hoan hỷ vô biên và thành tựu mọi Phật sự trên bước đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc!

Xuân mới nở muôn sắc hoa thơm ngát là nhờ công bồi đắp của thời gian đã qua. Những nỗ lực của Tăng Ni, Phật tử và các cấp Giáo hội trong năm Bính Thân đã tạo ra tiền đề vững chắc cho thành công Phật sự của năm mới sắp tới. Sự trưởng thành của các cấp Giáo hội, những đóng góp to lớn của Tăng Ni, Phật tử xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết tại Đại lễ Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa qua là bài học minh chứng cho hướng đi đúng đắn hợp với thời đại của Phật giáo Việt Nam với phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội.

Xuân này hơn hẳn xuân qua, tôi rất vui mừng khi nhận thấy kết quả thực hiện cải cách hành chính Giáo hội, hầu hết các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trong cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2016-2021. Đó chính là cơ sở vững chắc để chúng ta thực hiện thành công Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2017-2022 trong năm 2017 tiến tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII, 2017-2022 sẽ được tổ chức vào tháng 11-2017 tại thủ đô Hà Nội. Và đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới Đinh Dậu - 2017 mà Tăng Ni, Phật tử và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện thành công rực rỡ. Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII sẽ là đại hội tập trung trí tuệ tập thể của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài để phát huy và làm tỏa sáng tinh hoa hàng ngàn năm Phật giáo Việt Nam nhập thế phục vụ chúng sinh, đồng hành cùng dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.

Nhân dịp năm mới xuân Đinh Dậu, thay mặt chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, tôi bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi cũng gửi lời kính chúc năm mới sức khỏe, an khang thịnh vượng tới các quý vị lãnh đạo và gia đình, cùng toàn thể đồng bào nhân dân đón xuân Đinh Dậu tiếp tục đổi mới sâu rộng trong đời sống xã hội và đại thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh!

Nam-mô Hoan hỷ tạng Bồ-tát Ma-ha-tát!

ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(Đã ấn ký)

Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”

Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”

Đăng lúc: 21:35 - 02/11/2016

Sáng nay, 2-11, tại Học viện PGVN tại TP.HCM (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chính thức khai mạc Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, đây là một trong các sự kiện hướng đến Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.

ANHB (10).JPG
HT.Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện chứng minh, tham dự của chư tôn đức giáo phẩm: HT.TS Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học VN, Trưởng BTC Hội thảo; cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Viện nghiên cứu PHVN, Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM, đại diện ban, viện T.Ư...

Hội thảo có sự hiện diện của ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Nguyễn Ngọc Phong, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; Phó GS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TP, đồng Trưởng BTC Hội thảo, cùng các học giả, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Trí Quảng nhấn mạnh: “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với chủ trương Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc, các Giáo hội Phật giáo của Việt Nam trước đây đã nỗ lực thống nhất Phật giáo 5 lần. Mỗi lần thống nhất Phật giáo, dù ở phạm vi vùng miền hay ở phạm vi quốc gia, đều có chung mục đích hướng đến là thiết lập con đường xây dựng Phật giáo toàn quốc vững mạnh. GHPGVN phát triển toàn diện như ngày hôm nay chính là thành quả tất yếu của tiến trình lịch sử đó”.

Hòa thượng khẳng định, Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” thu hút nhiều học giả của Việt Nam gồm các Tăng sĩ Phật giáo và nhân sĩ trí thức, mở ra một triển vọng mới trong việc hợp tác nghiên cứu liên ngành và đa ngành về những vấn đề Phật giáo cũng như mối quan hệ giữa Phật giáo với xã hội ngày nay. Đồng thời tin tưởng, dưới góc độ nghiên cứu liên ngành và các góc tiếp cận khác nhau cùng với sự nhiệt huyết và hiểu biết sâu sắc của các học giả, các vấn đề nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của GHPGVN được sáng tỏ hơn, các giá trị đóng góp tích cực và vô cùng to lớn của GHPGVN sẽ được khẳng định nhiều hơn. Những kết quả nghiên cứu và ý tưởng đạt được qua Hội thảo này sẽ tạo nguồn cảm hứng và tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo đồng hành với dân tộc, Phật giáo nhập thế, Phật giáo và trách nhiệm xã hội và nhiều chủ đề mang tính thời sự khác.

ANHB (12).JPG
PGS.TS Võ Văn Sen phát biểu chào mừng

ANHB (14).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni tham dự hội thảo
Sau phát biểu chào mừng của PGs.TS Võ Văn Sen, TT.TS Thích Nhật Từ, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu PHVN trình bày đề dẫn hội thảo. Theo đó, Ban Tổ chức hội thảo thu hút 120 bài tham luận của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu gởi đến, Ban Tổ chức đã chọn ra 80 bài có nội dung phù hợp với 4 nhóm chủ đề.

Các diễn giả, nhà nghiên cứu tập trung trình bày tham luận, thảo luận tại 4 nhóm diễn đàn: Các phong trào thống nhất Phật giáo và sự hình thành GHPGVN, Các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu của GHPGVN, GHPGVN đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh, GHPGVN từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với nhiều phương pháp nghiên cứu: so sánh, phân tích, chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni, các học giả, nhà nghiên cứu khẳng định sự thống nhất các Hệ phái, tổ chức Phật giáo Việt Nam hình thành một tổ chức duy nhất GHPGVN - là một quy luật tất yếu. Mục đích của hội thảo để các học giả, nhà nghiên cứu đánh giá khách quan, độc lập về những đóng góp của GHPGVN trong sứ mệnh tiếp nối truyền thống của Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “Hộ quốc an dân” và phụng sự nhân sinh.

ANHB (5).JPG
Chư tôn đức chủ tọa đoàn và quý khách

ANHB (13).JPG
Quý khách, học giả, nhà nghiên cứu

Phiên khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN đã trình bày tham luận với đề tài: “Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Các phiên thảo luận của hội thảo, chư tôn đức, các diễn giả, học giả, nhà nghiên cứu: HT.TS.Thích Gia Quang, HT.TS.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Tánh, HT.TS.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thường Quang, TT.TS.Thích Hạnh Bình, TT.TS.Thích Quang Thạnh, TT.TS.Thích Giác Duyên, GS.TS.Ngô Văn Lệ, SC.Ths.TN Đồng Hòa, NS.TN Như Thảo, TS.Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Trần Hồng Liên, GS.TS Nguyễn Hồng Dương, TS.Nguyễn Nghị Thanh, PGS.TS Lê Cung, HT.Thích Minh Thiện, TT.Thích Huệ Thông, PGS.TS Nguyễn Công Lý, ĐĐ.TS Nguyên Hạnh, PGS.TS Phan Thị Hồng, PGS.TS Đặng Văn Thắng, PGS.TS Đỗ Thu Hà, NT.Thích nữ Huệ Từ, NS.TS Thích nữ Như Nguyệt, Ths.Đinh Thị Phương… trình bày tham luận, thảo luận tại 4 diễn đàn với các nhóm chủ đề trên.

ANHB (15).JPG
TT.Thích Nhật Từ trình bày đề dẫn hội thảo

ANHB (9).JPG
Toàn cảnh hội thảo khoa học "GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển"

ANHB (16).JPG
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn nêu đôi nét về tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, sự đóng góp của các hệ phái Phật giáo Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo dẫn đến thành lập GHPGVN. Trong suốt quá trình hình thành, phát triển của mình, GHPGVN luôn gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Hòa thượng tin tưởng với nhiều phương pháp nghiên cứu, sáng tạo, góc nhìn đa diện, các học giả đánh giá khách quan sự đóng góp to lớn của GHPGVN trong lòng dân tộc.

ANHB (19).JPG
HT.Thích Thanh Nhiễu trình bày tham luận tại phiên khai mạc

ANHB (21).JPG
Chủ tọa diễn đàn "Các phong trào thống nhất PG và sự hình thành GHPGVN"

ANHB (23).JPG
Tại diễn đàn "GHPGVN: Các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu"

ANHB (25).JPG
TT.Thích Hạnh Bình tại diễn đàn "Đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh"

ANHB (22).JPG
Thảo luận tại diễn đàn "Các phong trào thống nhất PG và sự hình thành GHPGVN"

ANHB (1).JPG
Diễn đàn "GHPGVN: Từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới"

Các phiên trình bày tham luận, thảo luận, Hội thảo làm sáng rõ các phong trào thống nhất Phật giáo và tiến trình lịch sử dẫn đến sự hình thành GHPGVN, đó là 4 dấu mốc thống nhất Phật giáo quan trọng tại Việt Nam trong thời cận đại: Sự ra đời của “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” vào năm 1951, năm 1958, các sơn môn pháp phái ở miền Bắc thành lập “Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam”. Biến cố Phật giáo năm 1963 đã thúc đẩy lãnh đạo Phật giáo ở miền Trung và miền Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) với 13 tổ chức Phật giáo tại miền Trung và miền Nam vào đầu tháng 4 năm 1964.

Đất nước hoàn toàn thống nhất vào 30-4-1975, điều kiện khách quan thuận lợi, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam sau vài năm vận động đã thống nhất Phật giáo thành hiện thực. Sự ra đời của GHPGVN vào ngày 7-11-1981 từ 9 hệ phái, tổ chức Phật giáo là sự ra đời tất yếu.

ANH AA (5).JPG
HT.Thích Minh Thiện trình bày tham luận

ANH AA (4).JPG
ĐĐ.TS Thích Nguyên Hạnh với "Dấu ấn Đại tạng kinh Việt Nam"

ANH AA (3).JPG
Ths.Dương Hoàng Lộc trình bày tham luận

Khẳng định mạnh mẽ sự đóng góp của các Hệ phái PG trong ngôi nhà GHPGVN, sự đóng góp này không chỉ với tư cách thành viên sáng lập, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu và phát triển nhất định của Phật giáo Việt Nam. Cùng với GHPGVN, tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất tại Việt Nam, các hệ phái Phật giáo trực thuộc Giáo hội đã hội nhập toàn diện. Các hệ phái trong ngôi nhà GHPGVN đã chứng minh sự phát triển bền vững của mình trong lòng Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức hội thảo và các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh các đóng góp của GHPGVN về các lĩnh vực: văn hóa, ngoại giao quốc tế và từ thiện xã hội… của 13 Ban, Viện.

Khẳng định truyền thống hộ quốc an dân có từ nghìn đời, chủ trương nhập thế của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, theo khuynh hướng đồng hành cùng dân tộc. Đó là sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam trong khối đoàn kết dân tộc, đã có những đóng góp to lớn về văn hóa và xã hội của đất nước.

ANH AA (6).JPG
NNC.Trần Đình Sơn đóng góp thảo luận

ANH AA (7).JPG
PGS.TS Lê Cung thảo luận

Hội thảo cũng đề cập đến những thuận lợi và thách thức của tiến trình hội nhập thế giới mà GHPGVN đã, đang và tiếp tục thực hiện từ nền tảng của tinh thần dân tộc.Tính ưu việt của GHPGVN trong việc đề cao tinh thần dân tộc, phục vụ dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã dựa vào “bản sắc dân tộc” để hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu, nhằm tạo nên hình ảnh đất nước con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, vượt qua dị biệt, hài hòa hợp tác vì lợi ích chung của các dân tộc.

ANH AA (10).JPG
HT.Thích Giác Toàn chia sẻ kỷ niệm về thời kỳ thành lập GHPGVN cùng chư tôn đức

ANH AA (13).JPG
HT.Thích Thiện Tâm chia sẻ kỷ niệm

Tại phiên bế mạc, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN với tư cách là chứng nhân lịch sử đã chia sẻ những kỷ niệm với chư tôn giáo phẩm trong các hệ phái Phật giáo Việt Nam và Hội nghị thống nhất Phật giáo thành lập GHPGVN (4 đến 7-11-1981).

PGS.TS Võ Văn Sen nhận xét, hội thảo không những khẳng định thành tựu, đóng góp to lớn của GHPGVN xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mà còn khẳng định lớn lao hơn, đó là GHPGVN là hạt nhân, nền tảng trong nền văn minh mới, văn minh thời đại hội nhập.

ANH AA (15).JPG
TS.Nguyễn Quốc Tuấn nhận xét hội thảo

ANH AA (9).JPG
Phiên bế mạc

TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo VN nhận định, hội thảo thu được kết quả tốt đẹp - đề cập toàn diện sự phát triển 35 năm của GHPGVN. Hội thảo không chỉ khẳng định được thành tựu của GHPGVN mà còn nghiêm túc đặt ra nhiều vấn đề, làm thế nào để GHPGVN là một thực thể, thiết chế hùng mạnh, hóa giải nhiều thách thức, xây dựng, kiện toàn hệ thống Giáo hội phát triển mạnh mẽ, uyển chuyển, đáp ứng trước đòi hỏi mới của xã hội hội nhập.

ANH AA (16).JPG
HT.Thích Trí Quảng phát biểu đúc kết hội thảo

Trong lời phát biểu đúc kết hội thảo, HT.Thích Trí Quảng đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu, thiện tri thức, đặc biệt Trường ĐH KHXH & NV TP góp phần cho thành công của hội thảo.

Hòa thượng nêu lại những bài học kinh nghiệm thăng trầm trong việc thống nhất Phật giáo trong nước và quốc tế, khát vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam từ 5 lần thống nhất. GHPGVN có thế đứng trong lòng dân tộc với sự đóng góp cho xã hội… đó là sự hy sinh, cống hiến công đức to lớn của chư tôn tiền bối cho đạo pháp và dân tộc.

ANH AA (14).JPG
PGS.TS Võ Văn Sen

ANH AA (12).JPG

ANH AA (11).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni tham gia phiên bế mạc hội thảo

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Thế Tôn “chẳng nói tới người này”

Thế Tôn “chẳng nói tới người này”

Đăng lúc: 09:19 - 11/07/2016

Xả ly tham ái là một trong những nội dung tu học quan trọng trong giáo pháp của Thế Tôn. Để có sức khỏe và phương tiện tu học, người tu cũng rất cần một số vật dụng tối thiểu như thực phẩm, y phục, sàng tọa (giường tòa) và thuốc men. Vấn đề là tuy có thọ dụng mà phải giác tỉnh để không dính mắc, chẳng khởi tham ái, và đây cũng là điều khó làm.

Tham ái là bản chất của chúng sinh, có nhiều cấp độ, sâu cạn thô tế khác nhau. Chưa nói đến tham ái tinh vi, riêng những thứ vốn bình thường như ăn, mặc, ở, thuốc men mà nhiều dính mắc thì khó tiến bộ trên đường tu. Lập trường của Thế Tôn về vấn đề thọ dụng vốn rất rõ ràng. Ai còn nhiều tham ái, dính mắc vào bốn vật dụng thì “Ta chẳng nói tới người này”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn pháp khiến ái khởi lên. Những gì là bốn? Tỳ-kheo do y phục mà khởi ái. Do khất thực mà khởi ái. Do sàng tọa mà khởi ái. Do thuốc men mà khởi ái.

Đó là, Tỳ-kheo! Có bốn pháp khiến ái khởi lên, có chỗ dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về y phục, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được y, liền khởi sân giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thức ăn, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa khất thực được, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về giường tòa, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được giường tòa, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thuốc men, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người này lúc chưa được thuốc men, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Tỳ-kheo nên biết! Nay Ta sẽ nói hai việc, nên thân cận và không nên thân cận. Thế nào là nên thân cận? Thế nào là không nên thân cận?

Nếu được y phục, hết sức ưa thích y, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lại được y phục, khởi pháp lành, tâm không ái trước, thì đây nên thân cận.

Nếu lúc khất thực, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp lành thì đây nên thân cận.

Nếu lúc được giường tòa, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc được giường tòa khởi pháp lành thì cũng nên thân cận.

Thuốc men cũng thế. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy gần gũi pháp lành, trừ bỏ pháp ác! Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: muốn khiến đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Y phục dùng bố thí/Uống ăn, giường, ngọa cụ/Trong ấy chớ khởi yêu/Chẳng sinh các thế giới.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 29.Khổ lạc,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.100)

Thật rõ ràng, những ai còn dính mắc nhiều vào thực phẩm, y phục, sàng tọa, thuốc men thì ít có hy vọng thành công trong tu học, nên Thế Tôn “chẳng nói tới người này”. Khi tham ái không được thỏa mãn thì liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc. Dòng vận hành tâm lý thuận theo nghiệp lực là tham ái sẽ sinh ưu não. Người tu cần đảo ngược sự vận hành này, bắt đầu từ bớt tham để giảm giận phiền và dần đến xả ly hoàn toàn tham ái.

Kinh nghiệm của Thế Tôn, trong đại chúng, những ai có được bốn vật dụng mà không khởi tham ái, ưa thích cũng như không khởi lên các pháp bất thiện thì nên thân cận để nương tựa và học hỏi. Bởi đây là những người thực tu, thấy rõ chẳng có gì là của mình, xem các pháp là phương tiện để tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Được như thế thì “đàn việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ”. Ngược lại những người dính mắc, xem đó là của mình, thậm chí tự hào về những gì mình đang có (mà thực chất không có gì cả, do tín thí cúng dường) thì không nên thân cận.

Quan trọng là, không tham ái, dính mắc bốn vật dụng là tiền đề để thành tựu giải thoát, “chẳng sinh các thế giới”. Ái thủ đã không thì hữu cũng không, chấm dứt sinh tử và khổ bi ưu não.

Quảng Tánh

Bát Chánh đạo: quản trị khủng hoảng, tạo nền bình an

Bát Chánh đạo: quản trị khủng hoảng, tạo nền bình an

Đăng lúc: 21:12 - 01/07/2016

Dù là cá nhân, tổ chức hay quốc gia, mọi khủng hoảng đều xuất phát từ vô số cái nhân không đúng đắn. Có hai việc mà người đời thường nhìn nhận thiếu chính xác về việc này. Một là người ta cho rằng khủng hoảng đến từ bên ngoài, “từ trên trời rơi xuống”, hai là chỉ thấy hậu quả, rồi ra sức đi dẹp hậu quả.

Thế nhưng, cội nguồn của khủng hoảng đa phần xuất phát ngay từ bên trong, và hậu quả chỉ là phần ngọn. Khi bên trong gieo hạt giống không tốt, thì lấy gì có đời sống bình yên?
fgg.jpg
Giữ thân khẩu ý theo Bát Chánh đạo là xây dựng nền tảng an ổn từ bên trong

Với cá nhân, khủng hoảng là do chuỗi nguyên nhân trong quá trình từng cá thể sống và ứng xử với cuộc sống. Với tổ chức thì đó là cả hệ thống vận hành của bộ máy có tương tác và ảnh hưởng đến con người, môi trường và cộng đồng. Vì là tác động hai chiều, nên khủng hoảng luôn có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Nhiều tập đoàn truyền thông lớn “bán chạy” các bộ quy tắc ứng xử khi có khủng hoảng. Trên các trang mạng xã hội cũng truyền nhau các quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông. Thế nhưng, cho dù các bộ quy tắc ấy có ưu việt đến đâu, thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn - hỗ trợ dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy.

Vấn đề là, làm sao để hạn chế tối đa việc xảy ra khủng hoảng và trong nguy cơ vẫn có thể xây dựng hình ảnh đẹp cho cá nhân, tổ chức? Thực tế cho thấy, cá nhân hay tổ chức có được sự an ổn ngay từ bên trong thì mới tránh được khủng hoảng ở mức thấp nhất. Nếu có xảy ra mâu thuẫn thì cũng sẽ biết xử lý đẹp dựa trên các giá trị và uy tín sẵn có.

Chìa khóa nào tạo ra bình an ngay từ bên trong? Đó là Bát Chánh đạo, một trong những thuyết thoát khổ vi diệu từ nhà Phật, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định. Cấu trúc của quản trị khủng hoảng có 4 phần cơ bản: một là kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ; hai là ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống; ba là giải quyết khi khủng hoảng đã diễn ra; cuối cùng là hành động hậu khủng hoảng. Vậy, làm thế nào để áp dụng Bát Chánh đạo và 4 phần cơ bản này một cách nhuần nhuyễn?

Phần một - kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ, là phần tạo tiền đề đầu tiên cho một nội tại vững chãi, an ổn. Phần này như cái móng của một ngôi nhà. Móng chắc thì nhà vững. Bát Chánh đạo cần được áp dụng đầy đủ trong phần này. Tuy nhiên, có thể tập trung vào 3 điểm chính.

Thứ nhất là chánh nghiệp. Đó là hành động đúng, theo lẽ phải. Cá nhân thì sống không hại đến người khác, hành động có lương tâm trong địa vị của mình. Đối với tổ chức thì phải có hệ thống quản trị khoa học, minh bạch, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ tốt cho cộng đồng và môi trường sống, biết xây dựng và giữ gìn thương hiệu công ty, bộ mặt tổ chức. Một công ty bán thực phẩm mà dùng quá nhiều hóa chất, bán hàng hết hạn sử dụng ra thị trường là không chánh nghiệp.

Thứ hai là chánh mạng. Với cá nhân, đó là sống đúng đời sống của mình, bằng năng lực của mình. Với tổ chức thì làm ăn, vận hành ngay thẳng, bán đúng sản phẩm dịch vụ đã đăng ký với pháp luật, làm tròn trách nhiệm với nhân viên, với cộng đồng xã hội, không trốn thuế… Biết giữ chữ tín là điều luôn cần thiết đối với cá nhân hay tổ chức. Làm sao mà khi nhắc đến cái tên của mình, tổ chức của mình, người ta thấy có sự nể trọng, đó là đã chánh mạng.

Thứ ba là chánh tinh tấn. Thường xuyên thực hành và duy trì điều đúng đắn. Với cá nhân thì chuyên làm việc tốt, trau dồi trí tuệ. Với tổ chức thì phải thường xuyên xem lại hệ thống quản trị của mình, từ quản trị con người, tài chính, vật chất, sản phẩm hay dịch vụ… Để luôn bảo đảm rằng tổ chức mình đang phục vụ tốt cho cộng đồng và sẽ mãi luôn như thế.

Ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống là phần trung gian và thường xuyên xảy ra nhất. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng sẽ rất nhiều lần trong đời gặp nghịch cảnh, điều bất như ý. Ai nắm được phương pháp thì sẽ giải quyết ngay tại đây để khủng hoảng không có nguy cơ xảy ra. Có 3 con đường lớn phù hợp cho giai đoạn này.

Đầu tiên là chánh định. Đó chính là tập trung để nhìn thấy sự việc đúng sai một cách sáng suốt. Lúc xảy ra nghịch cảnh, tâm càng định thì càng dễ dàng nhìn thấu sự việc. Lúc này, chánh định chính là biết nhìn cho ta, cho người, tâm sáng không phiến diện để giúp phân tích sự việc một cách khách quan nhất có thể.

Tiếp theo, chánh kiến sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho chánh định. Càng có kiến thức, hiểu biết sâu rộng, trí tuệ sáng thì càng giúp cá nhân hay tổ chức nhìn rõ vấn đề đang diễn ra, nguy cơ nào sẽ xảy đến.

Cuối cùng là chánh tư duy, là suy nghĩ chín chắn để đưa ra những quyết định hợp lý, vừa tốt cho mình, tốt cho người vừa có thể giải quyết trong hòa bình điều bất như ý đang xảy ra.

Tóm lại, khi đối diện với nghịch cảnh có nguy cơ thành hoạ, nếu ta biết tĩnh tâm suy nghĩ, là người có kiến thức sâu rộng, có nền tảng tốt và suy nghĩ chín chắn, có tâm từ bi nhìn cho người, cho cộng đồng, cho chính mình, thì cá nhân hay tổ chức có thể “chuyển rác thành hoa”. Thông thường, nếu giai đoạn này xử lý không tốt thì sẽ đưa đến khủng hoảng truyền thông.

Khi khủng hoảng xảy ra rồi, làm thế nào đây? Đó là phải đi theo hai con đường chánh ngữ và chánh nghiệp. Lời nói đúng, hay, đẹp xuất phát từ tâm từ bi sẽ dễ dàng đi vào lòng người, dễ được người khác cảm thông. Trong mọi cuộc khủng hoảng, cảm xúc của con người là quan trọng nhất. Không có đúng sai tuyệt đối. Cũng không phải vì đúng mà nói lời trịch thượng, hoặc sai mà làm liều. Đừng trú vào ngôn ngữ thô lậu để sân hận. Nhưng nói không thì không đủ, kèm theo đó là hành động đúng đắn để sửa chữa sai lầm. Hành động đi đôi với việc làm đẹp thì khủng hoảng sẽ được xoa dịu ở mức thấp nhất, có thể biến cuộc chiến thành hòa bình.

Cuối cùng, khi khủng hoảng qua đi, hãy chánh niệm! Nghĩ về những hậu quả trong quá khứ để hành động đúng trong tương lai. Biết hổ thẹn với những gì mình làm sai để tiến tới việc làm đúng về sau.

Thực tập Bát Chánh đạo là tu tập thân - khẩu - ý, vốn là những nơi tạo nghiệp, tạo các cơn sóng dữ gây nên những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ. Giữ cho thân khẩu ý theo Bát Chánh đạo, cá nhân và tổ chức không chỉ tránh những khủng hoảng, mâu thuẫn, xung đột mà trên hết là xây dựng được nền tảng vững vàng, an ổn từ bên trong. Cuối cùng, mọi sự từ tâm mà ra. Tâm của cá nhân, tâm của tổ chức, tâm của quốc gia, tâm của vũ trụ.

Tâm yên, vạn vật yên.

Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo

Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo

Đăng lúc: 22:40 - 26/05/2016

Văn hóa chắp tay: Có đôi lúc những việc làm rất đơn giản trong việc xã giao, nhưng có người lại không để ý đến nó, từng cái chắp tay hay bắt tay, việc ăn mặc khi đến một nơi tôn nghiêm, và thể hiện sự tôn kính đúng chỗ. Chắp tay là nét đẹp truyền thống văn hóa của Phật giáo bật lên tính nhân văn và đặc thù.

Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam chắp tay phát biểu tại buổi khánh tuế Đức pháp chủ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tròn 100 tuổi.
Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo
Hình ảnh nhân văn đặc thù trong Phật giáo.
Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chắp tay cúi đầu chúc mừng Đức Pháp chủ nhân mùa Phật đản.

Tổng thống Obama chắp tay chào vị thầy xuất gia trong chuyến thăm tại chùa Phước Hải chiều ngày 24/05 vừa qua. Đây là một nét đẹp truyền thống của Phật giáo khi vị lãnh đạo một nước cường quốc đã thể hiện nét đẹp văn hóa này.
Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo
Người dân Sài Gòn đỗ xô ra đường đón chào vị tổng thống Mỹ. Vì lòng ngưỡng mộ và kính trọng đã cho chúng ta thấy ở hình ảnh hiếm có này.
Những nét đẹp văn hóa của người lãnh đạo
Búp sen nở, nụ cười tươi, niềm vui trọn vẹn, cảm niệm tấm lòng của người dân Việt Nam.

Sau buổi gặp gỡ là buổi tiệc nhỏ và chia tay trong niềm vui của những người thân và bạn bè.Hy vọng sau cuộc gặp gỡ này sẽ là tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ đôi bên thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị và "Tình Con Người" trên Thế giới này lại với nhau hơn, đồng cảm và chia sẽ , lắng nghe giúp
đở nhau hơn . Cuộc gặp gỡ kết thúc tốt đẹp để lại trong vòng tay yêu thương và trí tuệ trong mỗi con Người với nhiều điều tốt đẹp và mang tính Nhân văn.

Người đàn ông quyền lực nhất thế giới Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp gỡ hai người Phụ nữ quyền lực nhất trong Gia đình. Một người quyền lực nhất trong Quán Bún Chả và người còn lại quyền lực nhất trong Quán Nước Mía ven đường, để có cuộc hội thảo về Chủ đề tính Nhân bản và mang đầy ý niệm giữa tình con người với nhau. Đây là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi trong không khí hân hoan ,bình dị, gần gủi mộc mạc và thân thiện.


Cúi xuống để vĩ đại
..."Người ta vĩ đại không phải vì người ta lúc nào cũng đứng thẳng, đăm chiêu, mà người ta vĩ đại vì đã biết cúi mình xuống và mỉm cười đúng lúc...."
ST


Doanh Doanh

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh

Đăng lúc: 20:29 - 19/04/2016

Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định 1742 ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư các hạng mục công trình văn hóa tại Danh thắng Yên Tử, khu di tích nhà Trần Đông Triều, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, bằng nguồn vốn xã hội hóa lên đến hàng trăm tỷ đồng, đến nay các công trình sau khi được trùng tu, tôn tạo đã phát huy giá trị văn hóa, trở thành điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, tạo nguồn thu ngân sách.

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh Danh thắng Yên Tử sẽ được GHPGVN tỉnh Quảng Ninh triển khai các công trình văn hóa tâm linh
Các công trình mà UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư gồm: Chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Một Mái, chùa Hoa Yên, các công trình am tháp, mắt Rồng... với tổng số vốn các hạng mục công trình lên đến hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, chùa Ngọa Vân vừa khánh thành giai đoạn 1 với số vốn trên 90 tỷ đồng; chùa Một Mái trung tu tôn tạo trên 25 tỷ đồng; chùa Hoa Yên trên 80 tỷ đồng; khởi công xây dựng mới chùa Quỳnh trị giá hàng trăm tỷ đồng...

Sau khi hoàn thành các công trình đã thu hút lượng khách du lịch lên đến vài triệu lượt/năm, trong đó phải kể đến khu Danh thắng Yên Tử, chùa Ngọa Vân tại Đông Triều với các điểm nhấn là Chùa Đồng, tượng Phật hoàng và khu am tháp.


Khu mắt Rồng, am tháp tại Yên Tử - điểm dừng chân chiêm bái của nhiều du khách

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, nhờ biết phát huy được nguồn vốn xã hội hóa mà Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử đã làm nhiều công trình có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Kinh nghiệm của Yên Tử trong việc huy động xã hội hóa, là công khai, minh bạch và sử dụng đồng tiền của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp đúng mục đích, xây dựng các công trình đảm bảo về chất lượng và cảnh quan. Điều đáng nói, đối với các công trình mang tính tâm linh, thì Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư mới phát huy được nguồn lực xã hội hóa có hiệu quả.


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa
Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) cả cuộc đời gắn bó với Danh thắng Yên Tử nói: Trước đây, dân chúng tôi chỉ biết đi rừng, đào của mài, cả sắn để có bữa cơm đạm bạc. Từ năm 2006 đến nay, các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí cùng với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, huy động nguồn lưc xã hội hóa để làm các công trình tại Yên Tử như: Chùa Đông, tượng Phật hoàng, chùa Hoa Yên, Một Mái, am tháp... Vì vậy, Yên Tử đã thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, lễ bái. Từ đó, người dân chúng tôi phát triển được kinh tế gia đình bằng kinh doanh các mặt hàng phục vụ du khách nên cuộc sống nơi đây đã thay da, đổi thịt.

Cùng với các hạng mục đã được triển khai, trước lễ Phật đản năm nay, tại Danh thắng Yên Tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tiếp tục thực hiện chủ đầu tư các công trình hạng mục tâm linh, điển hình là Trung tâm khai hội, cung Trúc Lâm, vườn thiền với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bước đầu số tiền đã được các tổ chức doanh nghiệp cá nhân ủng hộ trên 100 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công tình sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi hành hương về Yên Tử - Kinh đô Phật giáo của cả nước. GHPGVN tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ hoàn thành công trình vào kỷ niệm 710 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

“Chúng tôi thấy Quyết định 1742 mà tỉnh giao các công trình văn hóa tâm linh tại 3 khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh cho Giáo hội làm chủ đầu tư là rất hợp lòng dân. Tới đây, khi chúng tôi triển khai các hạng mục tại Yên Tử, ngoài việc tuân thủ các văn bản quy phạm của Nhà nước về quy hoạch, quản lý di sản, chúng tôi tiếp tục huy động tốt nguồn vốn xã hội hóa để đưa công trình sử dụng đúng mục đích, hiệu quả”, Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nói.

Chỉ trong vài năm nữa, sẽ có thêm nhiều công trình văn hóa đậm tính thuần Việt, điểm dừng chân của du khách khi hành hương về Yên Tử. Nơi đây, sẽ tái hiện cuộc đời hành trạng của Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, giới thiệu về những tác phẩm bất hủ của Ngài, tái hiện cuộc sống tu hành của các chư vị Tổ sư thế kỷ thứ 13. Đây là tiền đề để khu Danh thắng Yên Tử trình UNESSCO công nhận di sản văn hóa.

T.Uyên

Hội Phật giáo Hàn Quốc thăm MTTQ Việt Nam

Hội Phật giáo Hàn Quốc thăm MTTQ Việt Nam

Đăng lúc: 18:44 - 28/10/2015

Ngày 28- 10, ông Wuam Jinwon đã dẫn đầu đoàn đại biểu tôn giáo, đại diện cho Hội Phật giáo Hàn Quốc đến thăm UBTW MTTQ Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim đã thân mật đón tiếp.

Gửi

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim tại buổi tiếp
ông Wuam Jinwon, dẫn đầu đoàn đại biểu tôn giáo, đại diện cho Hội Phật giáo Hàn Quốc

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim đánh giá cao chuyến thăm của đoàn tại Mặt trận- ngôi nhà Đại đoàn kết – nơi gắn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, đối với các tôn giáo, Mặt trận luôn là một địa chỉ tin cậy phản ánh các ý kiến, kiến nghị của đồng bào Tôn giáo đến với cơ quan Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Với hơn 23 triệu tín đồ tôn giáo trên cả nước, ông Vũ Trọng Kim khẳng định, hoạt động tôn giáo tại Việt Nam ngày càng được Nhà nước tạo điều kiện, cơ sở thờ tự được sửa chữa, xây mới khang trang, đặc biệt với việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo càng khẳng định rõ hơn việc Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do, tín ngưỡng của đồng bào tôn giáo.

Trong những năm qua, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà nước Việt Nam và Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực chính là tiền đề để thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo. Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, MTTQ Việt Nam sẽ là cầu nối giao lưu giữa phật giáo Việt Nam và Hàn Quốc từ đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo hai nước, góp phần phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Thay mặt đoàn, ông Wuam Jinwon bày tỏ lời cảm ơn Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim đã dành thời gian tiếp đoàn và mong muốn trong thời gian tới, UBTWMTTQ Việt Nam sẽ là địa chỉ tin cậy để kết nối giao lưu văn hóa, tôn giáo giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt trong những dịp lễ Phật đản, những ngày lễ lớn của quốc gia.

Hương Diệp

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 230
  • Tháng hiện tại 61,984
  • Tổng lượt truy cập 23,468,233