Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Pháp môn niệm Phật - Từ triết lý đến tín ngưỡng

Pháp môn niệm Phật - Từ triết lý đến tín ngưỡng

Đăng lúc: 07:48 - 11/07/2015

Niệm Phật là hàng phục phiền não, chuyển thức thành trí, hiển lộ tự tánh Di Đà.
Khái lược về triết lý kinh điển của pháp môn Niệm Phật
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đều thuyết minh tổng quát về pháp môn Niệm Phật. Việc hình thành pháp môn Tịnh độ chủ yếu từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như kinh Bát chu tam muội (Ban châu tam muội), kinh A Di Đà, kinh Quán vô lượng thọ, kinhVô lượng thọ, kinh Hoa nghiêm, kinh Thủ lăng nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng 18 thế kỷ qua (tính từ khi kinh Bát chu tam muội được dịch tại Trung Quốc năm 179), và pháp môn Niệm Phật được hình thành và phát triển thời Sơ tổ Tịnh tông Huệ Viễn (334-416) cho đến ngày nay.
Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn Niệm Phật đã đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan pháp môn Niệm Phật, trên căn bản thì Thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời Tổ sư Liên Trì (1532-1612) về sau, phổ biến phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
phat hoc.jpg
Nam-mô A Di Đà Phật
Đối chiếu với các kinh điển Nguyên thủy thì thấy có những điểm khác nhau giữa pháp niệm Phật trong Phật giáo Nguyên thủy và Tịnh Độ tông. Đó là sự thực. Lý do là Phật giáo Nguyên thủy lấy thiền Tứ niệm xứ làm pháp môn chủ đạo cho sự chứng đắc và giác ngộ. Niệm Phật theo Kinh tạng Nikaya là pháp quán niệm chứ không phải là xưng niệm danh hiệu như thời kỳ về sau của Tịnh Độ tông. Vấn đề chú ý là Tịnh Độ tông lấy pháp niệm Phật làm pháp môn chủ đạo cho mục đích vãng sanh và chứng đắc Niết-bàn. Nói niệm Phật vãng sanh là y cứ từ kinh luận Đại thừa. Nhưng niệm Phật chứng ngộ Niết-bàn được đề cập trong kinh điển Nguyên thủy thì Đại thừa chưa phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Từ hiện thực đó, niệm Phật vốn là một phương thức điều phục tâm, pháp tuyệt diệu đi vào thiền định và chứng đắc tuệ giác bị chôn vùi đằng sau lớp rào cản tín ngưỡng làm phát sinh nhiều quan niệm sai biệt về pháp tu này. Tín ngưỡng đây là từ ngữ tạm dùng vì chưa thể hiện trọn vẹn ý nghĩa niệm Phật từ phương diện triết lý. Tín ngưỡng niệm Phật là mặt nổi với niềm tin Phật A Di Đà ở cõi Cực lạc được phổ biến trong nhân gian, nhưng trong đó tiềm ẩn tư tưởng Phật-đà quan của Phật giáo Đại thừa. Niềm tin và triết lý của pháp Niệm Phật đã từng hòa quyện vào nhau trở thành pháp tu với hai phương diện niệm Phật vãng sanh và niệm Phật chứng ngộ Niết-bàn là vấn đề mà bài viết này đề cập.
A Di Đà, phiên âm từ chữ Phạn Amita, có nghĩa là Vô lượng; A Di Đà là Vô lượng thọ (Amitāyus) và Vô lượng quang (Amitābha). Tại sao từ A Di Đà chuyển đến ý nghĩa Vô lượng thọ và Vô lượng quang? Các nhà dịch thuật đều căn cứ vào ý nghĩa và nội dung kinh văn để nhận thức phẩm đức của Phật A Di Đà. Theo Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam giải nghĩa: “A Di Đà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc qua bộ kinh Ban châu tam muội do Chi-lâu-ca-sấm dịch năm 179, kinh Đại A Di Đà do Chi Khiêm dịch vào đầu thế kỷ thứ III và kinh A Di Đà do La Thập dịch vào đầu thế kỷ thứ V”1. Điều chúng ta thấy rõ là có nhiều kinh luận Đại thừa xuất hiện giới thiệu Phật A Di Đà. Theo tinh thần các kinh Đại thừa nói chung thì A Di Đà có nghĩa rút gọn tên Vô lượng thọ và Vô lượng quang. Đặc biệt trong kinh điển Mật giáo, A Di Đà còn có tên là Cam lồ đại minh vương hay Kim cương cam lồ thân2.
Một vài học giả đối chiếu tư tưởng các tôn giáo khác có sự suy luận sai biệt, như có người cho rằng: “A Di Đà là sự phát triển của thần thoại mặt trời trong tư tưởng tôn giáo Iran, hay có thể xuất phát từ tín ngưỡng Vishnu trong thời Veda của Ấn Độ”3. Nhưng chúng ta phải hiểu là đó sự suy luận theo tinh thần khảo cứu của các học giả. Còn đối với các nhà Phật học thì căn cứ nội dung các kinh điển Đại thừa và Nguyên thủy để phát huy tác dụng giáo lý Tịnh độ trong quá trình tu tập và hoằng pháp.
Ai đã từng đọc kinh văn Nguyên thủy, đều biết niệm Phật là phương pháp quán tưởng, quán niệm về mười phẩm hạnh của Đức Phật trong pháp Lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Niệm Phật ở đây là tư duy, nhớ nghĩ về phẩm đức Phật chứ không phải là xưng danh hiệu Phật. Khi thuyết pháp cho các đệ tử cư sĩ, Đức Phật dạy như sau: “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác… Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ"4. Kinh Trung A-hàm, Đức Phật dạy về tác dụng pháp quán niệm mười phẩm đức của Phật: “Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt”5. Niệm Phật trong thiền môn của Tổ sư Thiền tông Hoằng Nhẫn có chủ trương: “Niệm Phật tịnh tâm”6 (Niệm Phật để tịnh tâm). Niệm Phật ở đây là phương tiện nhiếp tâm và quán tâm. Cho nên Thiền sư Thần Tú định nghĩa: Niệm Phật tức là tu chánh niệm (Phù niệm Phật giả, đương tu chánh niệm)7, chánh niệm để quán nguồn tâm, “quán sát tâm nguyên”. Tịnh độ tại tâm là cứu cánh của pháp môn Niệm Phật. Tư tưởng này cũng là quan niệm về Tịnh độ của Phật giáo Việt Nam thời Trần. Thiền sư Trần Nhân Tông có bài kệ khai thị như sau: “Tịnh độ là lòng trong sạch/Chớ còn hỏi đến Tây phương/Di Đà là tính sáng soi/ Mựa phải nhọc tìm Cực lạc”8.
Một khi đạt đến cấp độ niệm Phật đoạn trừ phiền não, dứt sạch tham ái thì Niết-bàn xuất hiện và Cực lạc Tây phương hiện tiền, đâu còn tìm cầu. Chứng ngộ Niết-bàn là thể nhập được tánh giác thanh tịnh, đầy đủ vô lượng công đức, ý nghĩa ấy được gọi “Duy tâm Tịnh độ” hay “Tự tánh Di Đà”, đó là cụ thể hóa ý nghĩa “Thực tướng niệm Phật” trong giáo nghĩa Tịnh độ. Đây là điểm then chốt mà các tông phái thường quan niệm về tính hợp nhất của Thiền và Tịnh.
Đức Phật Thích Ca rõ ràng là vị Phật lịch sử. Có vài học giả cho rằng Phật A Di Đà là vị Phật tôn giáo. Đây là quan điểm thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta cần hiểu rằng: Mục đích Phật nói kinh, không phải xây dựng hình ảnh Phật theo ý nghĩa tôn giáo. Phật tôn giáo là khái niệm các học giả thiết lập để tìm hiểu về Phật giáo. Kinh văn Đại thừa nhắc đến Phật A Di Đà là vị Phật quá khứ. Đứng về phương diện Phật-đà quan mà luận, nếu Phật giáo Nguyên thủy chấp niệm quan điểm bảy vị Phật theo kinhTrường bộ9, thì đương nhiên chấp nhận có quá khứ Phật, hiện tại Phật và vị lai Phật. Phật A Di Đà hay mười phương chư Phật đều là Phật quá khứ. Phật dạy mọi chúng sanh có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Từ triết lý nhân quả mà luận thì tu theo hạnh Phật sẽ thành Phật, tu theo hạnh Bồ-tát sẽ thành Bồ-tát. Phật Thích Ca hay Phật A Di Đà và vô số Phật trên phương diện Pháp thân, trí tánh giác ngộ đều bình đẳng, tu là để khôi phục tánh giác ngộ ấy.
Các pháp môn căn bản đều thiết lập trên ba môn Giới-Định-Tuệ để loại bỏ Tham-Sân-Si. Pháp niệm Phật cần được hiểu như thế. Chúng sanh khổ đau do tâm tạo, do tâm hằng tư niệm ác pháp điều động thân miệng ý khởi hạnh ác, nay trở về niệm Phật, giúp tâm thanh tịnh. Tất cả các phương pháp Phật dạy đều là phương tiện, không nên dùng kiến giải chủ quan làm chìa khóa phân tích và so sánh pháp từ góc độ chân đế. Nếu lập luận như thế dễ lầm chiếc bè và bờ sông là một, thật đáng tiếc trong phương pháp luận!
Vấn đề Tịnh độ quan, chúng ta suy nghiệm từ Kinh tạng Nikaya, qua kinh Đại Thiện Kiến vương10, Đức Phật thuật lại cho ngài A Nan nghe quốc gia hưng thịnh của vua Thiện Kiến làm Chuyển luân Thánh vương trong thời quá khứ, ngôn từ diễn tả môi trường của cảnh giới ấy căn bản có nhiều điểm giống như thế giới Tây phương Cực lạc trong kinh A Di Đà. Hơn nữa từ thực tế, Đức Thích Ca trước khi thành Phật ở cõi Ta-bà là Bồ-tát Hộ Minh trú tại cõi trời Đâu suất, Phật Di Lặc tương lai thành Phật cũng đang trú tại cõi trời Đâu suất. Cảnh giới đó chúng ta có thể gọi là thiên quốc tịnh độ. Đứng về phạm trù tâm mà luận, Phật hay Bồ-tát luôn có tịnh độ hiện hữu, vì có cái tâm trong sạch thì có cảnh giới trong sạch là tịnh độ. Nếu Phật và Bồ-tát có tâm giải thoát khi thị hiện trong nhân gian này, thì thế giới chúng ta có thể gọi là Phàm thánh đồng cư độ.
Do vậy, người tu niệm Phật xem Đức Phật là đấng Giác ngộ vẹn toàn, bậc Giác ngộ giải thoát có năng lực từ bi và trí tuệ siêu việt, tin cõi Tịnh độ trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Đức Phật xuất hiện, thế gian không ai bằng Phật được nhấn mạnh trong kinh Nguyên thủy như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời. Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời”11. Kinh điển Nguyên thủy ghi lại Đức Thích Ca cũng xuất hiện trong đời với nhiều năng lực siêu phàm, công đức thù thắng siêu việt thế gian, người phàm phu không có được. Trong giáo lý Tịnh độ, các kinh điển Đại thừa đều đề cập Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ chúng sanh phát nguyện vãng sanh là điều sự thực chứ không phải yếu tố thần thoại của người đời sau. Kinh Nguyên thủy cũng có xác nhận về sự kiện Đức Phật hiện hào quang như sau: “Anan nên biết, Ta có hai nhân duyên mà phóng hào quang lớn: Một là khi ở bên gốc cây bồ-đề sắp thành đạo, liền phóng hào quang. Hai là khi sắp vào Niết-bàn cũng phóng hào quang lớn”12.
Như thế, từ quan điểm tu niệm Phật của Phật giáo Nguyên thủy, Tịnh Độ tông phát huy yếu tố niệm Phật với tín ngưỡng tích cực, kinh luận Đại thừa cho là chánh tín trong pháp môn tu. Niệm Phật nhập vào cảnh giới Tam muội (Chánh định), phát huy sự quán chiếu và chứng ngộ Niết-bàn được nhấn mạnh trong kinh Bát chu tam muội, kinh Lăng nghiêm, hay kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã hoàn toàn phù hợp với quan điểm niệm Phật chứng đắc Niết-bàn trong kinh Nguyên thủy. Đức Phật đã dạy như sau: “Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”13. Ý nghĩa niệm Phật như vậy thì Nguyên thủy và Đại thừa đều chấp nhận.
Bước chuyển từ triết lý niệm Phật đến tín ngưỡng niệm Phật
Theo lịch sử Phật giáo thì từ thời Tổ Huệ Viễn đến thời Tổ Thiện Đạo có ba tư tưởng chính thực hành pháp môn Tịnh độ gọi là “Tịnh độ tam lưu”. Trong tác phẩm Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập14 của ngài Pháp Nhiên, một Tăng sĩ Nhật Bản chép rằng, có bốn nhân vật quan trọng trong sự phát triển tư tưởng niệm Phật. Phái thứ nhất là ngài Huệ Viễn (334-416) chủ trương quán tưởng niệm Phật, lấy kinh Bát chu tam muội làm y cứ tu học. Thực hành quán tưởng niệm Phật, chuyên chú niệm Phật để đạt Tam muội (Chánh định), thấy Phật vãng sanh. Phái thứ hai có ngài Đạo Xước và Thiện Đạo, nhưng chỉ gọi là phái Thiện Đạo (613-681), tiếp nối tư tưởng của Đàm Loan chủ trương nương vào tha lực bổn nguyện của Phật, niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh độ. Phái thứ ba có ngài Từ Mẫn (680-748), còn gọi là Pháp sư Huệ Nhật, chủ trương: Giáo -Thiền-Mật-Tịnh kiêm tu, thực hành tất cả pháp lành, chuyên tâm niệm Phật nguyện sanh Tịnh độ.
Kinh văn Đại thừa có quan niệm về yếu tố tha lực trong giáo nghĩa niệm Phật. Tha lực có phải là năng lực và bổn nguyện của Phật hay là kỳ vọng được thiết lập từ tính chủ quan của đệ tử Phật? Trong giáo lý Nguyên thủy hàm chứa yếu tố tha lực như là công đức phát sanh từ lòng kính trọng Đức Phật, kính trọng Tam bảo, hay là từ công đức bố thí. Kinh Lâu đài của nàng Chiên-đà-la (Candàlì -Vimàna)15 kể câu chuyện một phụ nữ nghèo, hạnh nghiệp xấu nhưng một lần lễ Phật với lòng thành kính, sau đó bị tại nạn lâm chung mà được sanh lên cõi trời. Hay câu chuyện Lâu đài do cúng mè16, kể về một người phụ nữ nghèo khổ, từ lâu sống với nghiệp xấu đáng đọa địa ngục, nhưng nhờ một lần cúng dường mè cho Đức Phật mà được phước sanh thiên. Trong giáo lý Tịnh độ tin tưởng rằng người thường niệm, lễ Phật và tu các thiện pháp sẽ được Phật tiếp độ vãng sanh. Đây là yếu tố quan trọng phát huy quan niệm tha lực và tự lực hợp nhất trong giáo lý Tịnh độ.
Nguyên thủy Phật giáo, bậc thánh từ A-na-hàm trở lên mới thực sự không còn bị tái sanh vào thế giới Ta-bà, sẽ sanh vào cõi trời và sau cùng đắc quả A-la-hán tại đó. “Sau khi viên tịch ở đây, Ngài tái sanh vào cảnh giới Vô phiền thiên (Suddhavasa, cảnh giới hoàn toàn tinh khiết), một cảnh giới thích hợp với các vị A-na-hàm. Ngài sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán và sống hết tuổi thọ trong cảnh giới này”17. Chúng ta có thể nói rằng từ bậc A-na-hàm mới được an trú trong cảnh Thiên quốc Tịnh độ.
Theo giáo lý Tịnh độ, Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng chiếu soi thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật-đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ tác động rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tự tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
Có thể nói niệm Phật theo Kinh tạng Nikaya là quán tưởng công đức Phật. Tịnh Độ tông phát huy yếu tố tha lực và tín ngưỡng một cách toàn triệt để truyền bá rộng rãi trong quần chúng. Nhưng phải ghi nhận rằng, yếu tố triết lý trong giáo nghĩa Tịnh độ vẫn nhấn mạnh vai trò pháp niệm Phật hướng đến chứng ngộ Niết-bàn như giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Điều này thể hiện rõ trong các kinh Bát chu tam muội, kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã, kinh Lăng nghiêm và nhiều kinh khác.
Phái của ngài Huệ Viễn thể hiện pháp niệm Phật tam muội, thiên về phép quán tưởng niệm Phật, ít phổ biến rộng rãi, nhưng bậc trí tu hành pháp này rất đắc dụng. Phái của ngài Thiện Đạo khuyên niệm Phật y cứ vào kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ và kinh Quán Vô lượng thọ, với tín ngưỡng là người niệm Phật được tất cả chư Phật hộ niệm, “Nhất thiết chư Phật hộ niệm”. Phái của ngài Từ Mẫn thì mang tính chất quân bình trong đời sống niệm Phật, vận dụng giáo nghĩa Phật dạy các tông phái Giáo-Thiền-Mật-Tịnh. Về sau, Thiền sư Vĩnh Minh (904-975) có công khởi xướng tư tưởng Thiền-Tịnh song tu, điều hòa tư tưởng Thiền và Tịnh thông qua triển khai rộng phương diện triết lý của pháp môn Niệm Phật, thể hiện rõ trong tác phẩm Vạn thiện đồng quy tập. Các nhà hoằng pháp xưa nay, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh đúc kết tinh hoa pháp môn Tịnh độ để tu học, nhất quán với lập trường giáo lý Đại thừa.
Vãng sanh và chứng ngộ là tinh hoa của pháp môn Niệm Phật
Vãng sanh có nhiều chánh nhân, nhưng căn bản kinh Quán Vô lượng thọ dạy rằng: “Này Vi Ðề Hi! Người muốn sang nước Cực lạc ấy nên tu ba phước. Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ-đề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng kinh điển Ðại thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành. Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp”18. Đó là hạnh tu thiết thực trong đời sống mang ý nghĩa đạo đức, luân lý, giới luật và trí tuệ. Vãng sanh theo kinh A Di Đà dạy là phải đạt “nhất tâm bất loạn”, một khi đạt nhất tâm tức là thành tựu về thiền định và trí tuệ. Thành tựu tuệ giác thì mới có đầy đủ công đức giải thoát. Vãng sanh theo kinh Hoa nghiêm được đúc kết trong quá trình thực hành mười nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, đây là lộ trình tu học tích cực, có chí nguyện lớn trong tinh thần tự lợi và lợi tha, sau cùng đem hết thảy công đức nguyện sanh về cõi Tây phương Tịnh độ. “Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi/Phước lớn vô biên đều hồi hướng/Khắp nguyện chúng sanh đang chìm đắm/Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang”19. Theo kinh Lăng nghiêm, muốn sanh Tịnh độ cần niệm Phật đắc Vô sanh pháp nhẫn, tức thuộc bậc Bồ-tát mới thông đạt pháp vô sanh hay bất thối địa. Đây là hạnh tu của Bồ-tát Đại Thế Chí, dùng câu niệm Phật để thâu nhiếp sáu căn, tịnh tâm để nhập vào chánh định, khi có chánh định thì có tuệ giác ngộ và thành tựu vãng sanh. “Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi Ta-bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam-ma-địa, đó là thù thắng nhất”20.
Kinh Bát chu tam muội dạy pháp quán tưởng niệm Phật. Đây là một phương pháp tưởng nhớ và quán sát hình ảnh Phật A Di Đà đến chuyên chú và nhập thiền định. Do sức tưởng niệm mà thấy Phật A Di Đà, thấy Phật là đồng nghĩa được vãng sanh. Nhưng muốn thấy Phật A Di Đà phải vào tam muội, tức nhập vào chánh định. Kinh chép: “Như Ta vừa nghe danh hiệu Đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác hiện nay Ngài ngự ở thế giới chư Phật. Thế giới của Ngài tên là Cực lạc, Ngài thường ngự vào pháp hội của các Bồ-tát để nói pháp và giáo hóa. Rồi người nghe y theo chỗ nghe được chuyên tin tưởng nhớ quán sát không ngừng nghỉ cho đến khi hình ảnh trên hiện rõ ràng trong trí sau cùng được thấy Đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác”21. Và kinh này giải thích rõ phương pháp khởi tâm quán sát, biện tâm để đắc trí tuệ giải thoát Niết-bàn như sau: “Tâm có tưởng niệm tức thành sanh tử, tâm không tưởng niệm tức là Niết-bàn. Các pháp không chơn thật chỉ do tư tưởng duyên khởi, đối tượng bị nghĩ liền diệt, chủ thể năng tưởng cũng không. Hiền Hộ! Ông nên biết các Bồ-tát nhơn tam muội này chứng được trí giác vĩ đại”22.
Niệm Phật như thế nào để phù hợp với tông chỉ của giáo lý Phật dạy? A Di Đà chính là bản tánh của chúng ta, niệm Phật là hàng phục phiền não để hiển lộ tánh giác A Di Đà. Niệm Phật để chuyển thức thành trí, hiển lộ tự tánh Di Đà. Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn, không còn tướng người niệm và đối tượng niệm; siêu việt đối đãi năng sở. Niệm Phật quán tưởng Cực lạc tại tâm, cho nên không còn khái niệm đây là Ta-bà và kia là Tịnh độ; siêu việt không gian. Niệm Phật an trú ngay trong mỗi niệm, không mong cầu tương lai, không truy tìm quá khứ; siêu việt thời gian. Niệm Phật như thế, không lạc vào có và không, không chấp trước, tâm tánh rỗng lặng; khế hợp trung đạo thật tướng. Công phu như vậy thì Thiền, Tịnh và Mật hay các phương pháp tu học khác cùng điểm chung là hướng về Niết-bàn giải thoát, như nước trăm sông đều đổ vào biển cả mênh mông.
Lời kết
Trên phương diện tu học, thực tập bất cứ một pháp môn nào cũng có những phương tiện nhất định để điều phục và chuyển hóa tâm. Tịnh độ đã từng phát triển mạnh mẽ trong quần chúng qua nhiều thế kỷ tại các nước Phật giáo Đại thừa. Liên quan vấn đề tín ngưỡng và triết lý trong pháp niệm Phật chúng ta có thể đi đến một vài nhận xét sau:
Thứ nhất: Tín ngưỡng và triết lý trong pháp niệm Phật là điều kiện căn bản của vãng sanh và thành tựu tuệ giác. Bồ-tát Long Thọ xem pháp môn Niệm Phật dễ thành tựu đạo quả Vô thượng một cách mau chóng, gọi là “dị hành đạo”(dễ tu hành). “Phật pháp có vô lượng môn, như những con đường ở thế gian có khó có dễ, đi bộ thì khó ngồi thuyền bè thì dễ. Muốn dễ đi, mau đến phải nên niệm Phật, phải nên xưng danh hiệu Phật A Di Đà thì mau được đạo giác ngộ Chân chánh Vô thượng”23.
Thứ hai: Niệm Phật là phương pháp rất thù thắng để điều phục phiền não và thể nhập chánh định, đó là tiềm năng của sự quán tâm để chứng ngộ Niết-bàn. Vấn đề đặt ra là phương pháp niệm và quán tưởng theo đúng kinh điển Nguyên thủy và kinh điển Đại thừa hướng dẫn.
Thứ ba: Trên phương diện triết lý thì Thực tướng niệm Phật là nội dung căn bản của pháp môn Niệm Phật, vạn pháp không ngoài tâm, mười pháp giới không ngoài tâm, vũ trụ không ngoài tâm, Tây phương Tịnh độ không ngoài tâm và Niết-bàn cũng không ngoài tâm. Tâm ấy là bản thể vạn pháp, chính là “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”. Dù tu bất cứ pháp môn nào, sau cùng cũng chứng ngộ tâm tánh ấy. Đó là tinh hoa của pháp môn Niệm Phật. Cho nên các vị Tổ sư xem pháp niệm Phật là phương tiện thiết thực trong sự tu học và truyền bá Phật pháp.
Thích Đức Trí

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 6
  • Hôm nay 1,560
  • Tháng hiện tại 63,314
  • Tổng lượt truy cập 23,469,563