Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

Đăng lúc: 13:40 - 04/07/2016

Dưới đây là 6 điều đừng bao giờ hiểu lầm về đạo Phật tránh mất hết phúc báo

Đức Phật không có thật

Trong tâm thức tâm linh của nhiều người Việt, Đức Phật giống như các vị thần thánh khác, là đấng siêu nhiên không tồn tại hữu hình. Nhưng nếu tìm hiểu Phật giáo, là một tín đồ của Phật giáo, thì chắc hẳn không thể không biết, Đức Phật vốn xuất thân là một người trần mắt thịt.

Trải qua quá trình tu luyện, Người trở thành Phật và đi truyền đạo khắp nơi, cứu khổ chúng sinh. Đời sau để tưởng nhớ công đức và tôn vinh những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà Ngài mang lại nên thờ cúng.

Cầu Phật xin thứ nọ, thứ kia

Vẫn tồn tại trong một cộng đồng người quan điểm Phật là đấng tối cao ban phước lành cho nhân loại. Những người không đi chùa có những suy nghĩ này là có thể chấp nhận được, tuy nhiên với những người đi chùa thường xuyên vẫn tồn tại quan điểm này thì thực sự rất khó hiểu. Họ đi chùa và cầu xin đủ thứ . Họ cầu sức khỏe, cầu giàu sang, cầu gia đình ấm êm hạnh phúc, cầu con cái công thành danh toại. Họ cúng vài trái cam, đôi nải chuối, vài trăm nghìn…và tự cho rằng mình đã đủ thành tâm để trời Phật phù hộ cho nhiều điều.

Cũng rất nhiều người khác, muốn có đời sống bình an, năng đi chùa lễ Phật, lập bàn thờ Phật tại nhà và nghĩ rằng như thế sẽ được thần Phật phù hộ suốt đời, đến khi thác đi chắc chắn sẽ về cõi cực lạc. Họ bỏ qua những trần trụi của cuộc đời, bỏ qua những giáo lý nhân quả của Phật để rồi kiến tạo nên một kiểu sống lệch lạc sai lầm, tự cho mình cái quyền sống ung dung tự tại với tất cả, coi thường tất cả vì đã có Phật “chống đỡ” đằng sau. Tuy nhiên, nên nhớ rằng Phật dạy muốn có quả ngọt lành thì gieo nhân hạt thơm tho. Đừng mong gieo hạt ớt mà gặt trái chanh. Cuộc sống vô thường nhưng nhân quả báo ứng liên hồi, tiền kiếp hậu kiếp xấu tốt nhục vinh cơ bản cũng bởi cách sống mỗi người mà ra.

Điều này có nghĩa là, phước lành của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không phải do Phật ban phước mà chính từ những nhân mà chúng ta gieo ở đời, họa hay phước sẽ từ đó mà ra vậy.

Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật

Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Đi tu là phải ăn chay

Đây là một trong nhiều ám ảnh của những người bước đầu tìm hiểu về Phật giáo. Họ không cưỡng lại được ham muốn ăn mặn của mình và cảm thấy ăn chay khi đi tu thật sự là một điều kinh khủng. Tuy nhiên, Phật giáo không bắt buộc con người ta ăn chay. Ăn được là tốt, nhưng nếu không ăn chay được thì nên hạn chế sát sinh.

Còn nhớ, ngày xưa khi chưa có điều kiện ăn chay, Phật đi khất thực và ăn những gì được cho, đôi khi vẫn ăn mặn vì dân chúng cho đồ mặn và đó không phải là điều tội lỗi. Ăn chay nhưng không hành thiện, ăn chay nhưng vẫn giữ những sân hận trong lòng, đối đãi với người trên bằng sự bất kính, đối đãi với người dưới bằng sự thị uy khinh miệt, thì đó cũng không bằng ăn mặn mà nhân từ hiền hậu, sống thiện tâm hiền lành.

Phật có toàn quyền quyết định số phận con người

Quan niệm này lý giải cho những việc hành mê tín dị đoan trong cộng đồng người Việt hiện nay. Họ cho rằng số phận của mình được quyết định bởi những đấng thần linh tối cao như Chúa, Thượng đế, Phật…chính vì vậy họ luôn sống trong một niềm nghi ngờ về tất cả những biến cố đến với mình, coi như đó là sự an bài và có thế nào cũng không thoát được số kiếp đó. Từ đó, một đại bộ phận người đã lợi dụng tâm lý này để hành nghề mê tín dị đoan, khiến cho đạo Phật có những hình thức biến thể không giống như giáo lý chính thống.

Đạo Phật chỉ dành cho người già

Tâm linh thì không có tuổi, tôn giáo thì không phân biệt người. Phật giáo là chỗ dựa về tinh thần cho tất cả những ai đang muốn đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Dù đang còn trẻ hay tuổi đã xế chiều thì Phật giáo cũng đều mang đến cho bạn những kiến thức, những bài học, những kinh nghiệm và triết lý sống đơn giản nhưng ý nghĩa.

Chuyển hóa uế độ thành tịnh độ

Chuyển hóa uế độ thành tịnh độ

Đăng lúc: 22:08 - 31/05/2016

Cuối ngày, viết blog giữa hương thơm hoa lài từ chánh điện bay lên cùng ánh nến lung linh trong phòng, cộng thêm vài cơn gió mát dịu giữa trời khuya. Tự nhiên thấy yên tĩnh và dễ chịu đến lạ thường nên mới ghi vài dòng kỷ niệm.

a 3.jpg
Mỗi bước chân đi vào tịnh độ - Tranh: langmai.org

Những mệt mỏi trong mấy ngày chuẩn bị lễ cũng qua rồi. Những chuyện không tốt cũng qua rồi. Những buổi trưa nóng hổi cũng qua luôn. Những suy nghĩ vẩn vơ cũng đi mất. Niềm vui nỗi buồn nhớ nhung, ám ảnh cũng đi luôn. Thời điểm... ú nần bụng bự cũng hết luôn. Đôi lúc tự nghĩ những thứ đó qua hồi nào mà mình không hay.

Có người hỏi tu tập là phải như thế nào? Theo mình đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống góp nhặt niềm vui nỗi buồn, thuận duyên hay nghịch duyên, ngoan hiền lẫn nổi loạn, tinh tấn và giải đãi, đáng khen và đáng trách... Khi trải qua những giai đoạn đó chính mình sẽ tự điều chỉnh, tiết chế, chọn lọc cho phù hợp với bản thân. Đó là khoảng thời gian dài để bạn trải nghiệm chứ không phải là đọc vài quyển sách hoặc nghe người khác nói mà bạn làm theo được.

Đừng sợ bạn đã làm điều gì đó không tốt, đến một lúc nào đó bạn sẽ chán chường nó và thay đổi một cách tích cực hơn. Lỗi lầm ai cũng có, đừng cố xua đuổi và tìm cách xóa hết dấu vết của nó mà hãy lấy đó làm bài học cho mình.

Trưa nay nhận ra một điều khá hay mà bấy lâu vẫn làm: khi bạn buồn giận hay cảm thấy lỗi lầm hãy cố gắng làm sạch... nhà vệ sinh bằng khả năng có thể. Đảm bảo cảm giác trước và sau khi vào chà rửa sẽ khác nhau. Đầu óc dường như nhẹ nhàng và thư giãn hơn sau khi bước ra.

Bạn tu Tịnh độ - nhất định bạn ở đâu nơi đó đều sạch sẽ và gọn đẹp, ai nấy đều hoan hỷ. Đó là có khả năng chuyển hóa uế độ thành tịnh độ. Còn như cứ giữ nếp sinh hoạt bừa bộn không ngăn nắp thì vĩnh viễn dù có niệm Phật trầy da tróc vảy cũng không gặp được Đức Di Đà. Bởi thế, đó giờ ai hỏi mình tu ra sao, chỉ nói ngắn gọn: làm cho chỗ mình đang có mặt sạch sẽ và ngăn nắp. Đỉnh cao của công phu là... nhà vệ sinh luôn thơm tho đẹp đẽ.

Nói vậy chắc nhiều người hổng hiểu mà thôi quý bạn làm đi rồi sẽ hiểu...
Thiện Năng

Lập hạnh không nói dối

Lập hạnh không nói dối

Đăng lúc: 19:13 - 17/11/2015

Người Phật tử khi bước vào đạo, thọ trì ba pháp quy y và năm điều giới cấm, trong đó có việc lập hạnh không nói dối. Cứ ngỡ rằng đây là chuẩn mực đạo đức căn bản của hàng Phật tử vâng giữ và phụng trì, nhưng đến khi phát tâm xuất gia, làm Tỳ-kheo, Đức Phật vẫn nghiêm khắc răn dạy “Các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ”.
Mới hay, chúng sinh nghiệp lực sâu dày, khi chưa chứng Thánh thì bất cứ ai, ở đâu và lúc nào, nghiệp vọng ngữ đều có khả năng biểu hiện. Ngoại trừ việc nói thật, nói đúng thì bất lợi cho cả đôi bề nên người ta cố nói tránh đi, tạm gọi việc này là phương tiện. Còn lại thì nói dối, nói vọng ngữ đều mất phước. Mất đi phước báo mà đáng ra sẽ được hưởng trong loài người, loài trời, ngay cả việc chứng đắc Niết-bàn.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Đó là không nói dối. Các Tỳ-kheo, người không vọng ngữ hơi miệng thơm tho, tiếng tăm vang xa. Thế nên các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Ngũ giới,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.188)
Vọng ngữ là nói dối, nói lời thô ác, nói lời ly gián, nói thêu dệt để xiêu lòng người mà lợi mình. Vọng ngữ để mình được lợi mà hại người thì mang tội, điều này ai cũng biết. Thế nhưng, hiện thực đời sống còn có những biểu hiện vọng ngữ (nói dối) như là một thói quen, trơn tru đến thuần thục. Vọng ngữ (nói thô tục) chỉ để cho vui, để hù dọa người, để thể hiện mình. Vọng ngữ (nói ly gián) như một cố tật, cứ đến nơi này liền nói xấu nơi kia. Vọng ngữ (nói thêu dệt) để tự huyễn mình là thông minh, tài trí, có thể thuyết phục được mọi người làm theo ý mình.

Nhưng đó là chuyện của người phàm tục. Còn hàng xuất gia đạo cao đức trọng mà Thế Tôn vẫn khuyến cáo “nên hành không vọng ngữ” là sao? Lẽ nào người xuất gia lại nói dối, nói thô ác, nói kiểu đòn xóc, nói cho người nghe xiêu lòng? Chắc chắn là có! Nếu không thì Phật chẳng dạy răn.

Nếu ai chưa chứng Thánh quả mà tuyên bố đã chứng thì phạm tội vọng ngữ nghiêm trọng. Có người nhiều khi chỉ đắc định, được đôi chút thần thông (điều này chẳng liên quan đến giác ngộ, giải thoát), liền thể hiện khả năng siêu phàm, hoan hỷ trong sự cúc cung, bái phục. Có vị đôi lúc tâm chợt lóe sáng, cũng sờ được một phần con voi (nhưng thực chất chỉ là người mù sờ voi - Lời Phật) liền mạnh miệng phủ định các phần khác của con voi mà mình chưa sờ tới.

Nhiều người mở lời ra liền nói ra pháp phương tiện. Dĩ nhiên phương tiện thì không sai, nhưng vấn đề là sử dụng phương tiện thế nào? Một số nơi lâu dần phương tiện trở thành cứu cánh lúc nào không hay. Đạo Phật chủ trương “duy tuệ thị nghiệp”, không duy tín ngưỡng và thần quyền. Nhìn bức tranh Phật giáo lung linh sắc màu tín ngưỡng và thần quyền hiện nay, người có đạo tâm dù lạc quan đến mấy cũng trầm tư về tính hai mặt của phương tiện. Nói theo pháp phương tiện một cách quá đà, không khéo cũng rơi vào vọng ngữ.

Thì ra vọng ngữ luôn ẩn hiện quanh ta. Ở đâu, lúc nào, với ai cũng đều tiềm ẩn nguy cơ rơi vào vọng ngữ. Thật nan giải vì nói hay nín đều cũng không xong. Nên chăng lập hạnh nói theo lời Phật, “nên hành không vọng ngữ”, không nói theo ý mình để từng bước thực hành khẩu nghiệp thanh tịnh.
Quảng Tánh

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,662
  • Tháng hiện tại 61,047
  • Tổng lượt truy cập 23,467,296