Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Linh ứng - chuyện có thật của tôi

Linh ứng - chuyện có thật của tôi

Đăng lúc: 22:34 - 19/10/2016

Tưởng niệm ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi xin kể câu chuyện linh ứng có thật của bản thân mình. Thật kỳ diệu, rất linh ứng, nhiệm mầu trong thế giới tâm linh vốn không thể nghĩ bàn.
Từ lâu tôi được biết đến Bồ-tát Quán Thế Âm với 12 lời nguyện cứu độ chúng sanh. Bồ-tát luôn ở bên cạnh khi chúng ta tâm niệm, nguyện cầu đến Ngài. Nhất là khi thành tâm thành ý, một lòng tin tưởng, tuyệt đối hy vọng thì Ngài sẽ xuất hiện trong mọi hình thức để cứu giúp chúng ta.

anh botat.jpg
Bồ-tát Quan Thế Âm - Ảnh: L.Đ.L

Cuối năm 2012 (tôi không còn nhớ chính xác ngày tháng), cả ba mẹ tôi đều phải nhập viện vì bị mắc một chứng bệnh như nhau là viêm phế quản cấp tính, ho ra máu. Ba tôi thì viêm phế quản cấp cộng viêm phổi nặng, mẹ thì viêm phế quản cấp cùng với khớp sưng đau nhức vô cùng. Khí hậu miền Trung (Quảng Trị) vào mùa đông có những lúc rất lạnh, khiến cho người bệnh càng đau đớn thêm.

Khi ấy tôi đang ở trong Nam (TP.HCM). Em gái tôi gọi điện báo tin. Tôi rất lo lắng nhưng do điều kiện công tác không thể về bên ba mẹ để chăm sóc. Dù ở cách xa ngàn dặm nhưng lòng hiếu thảo đối với ba mẹ luôn luôn hiện hữu trong tim, tôi chỉ hướng đến ba mẹ bằng cách mà tôi luôn tin tưởng nhất, đó là tin vào sự gia hộ của Bồ-tát.

Ngày ấy tôi thường đến chùa Vạn Đức (quận Thủ Đức) lễ Phật, đọc kinh sách vì rất thích không gian yên tĩnh ở chùa. Nhiều lúc tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ trong yên lặng và có cảm giác chùa như là nhà của mình vậy.

Nghe tin báo xong tôi lập tức đến chùa, vào chánh điện lạy Phật. Sau đó tôi ra sân lạy Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu xin Ngài gia hộ cho ba mẹ tôi tai qua nạn khỏi, sớm khỏe lại để được đoàn tụ với con cháu trong dịp Tết cổ truyền. Tôi đã cầu nguyện khẩn thiết, thành tâm thành ý với Bồ-tát nhiều lần như vậy.

Khoảng 10 ngày sau, tôi mơ một giấc mơ lạ. Trong mơ, tôi thấy mình đến bệnh viện thăm ba mẹ. Khi vừa đến cổng thì gặp người chị (con dì) có vẻ rất lo lắng từ trong bệnh viện chạy ra, gặp tôi chị kéo lại và thì thầm: “Em ơi! Dì và dượng nguy rồi, bệnh nặng lắm, chị vừa gặp bác sĩ chuyên khoa vào khám cho dì và dượng. Bác sĩ nói riêng với chị cả hai người bệnh nặng quá, có lẽ không sống nổi qua ngày mai. Chỉ có một cách để cứu sống họ là con cái phải hiến tuổi thọ của mình cho ba mẹ ít nhất là 5 năm thì họ mới sống được. Chị lo quá nên đang chạy ra cổng bệnh viện để gọi điện về nhà thông báo, không ngờ gặp em. Bây giờ em tính sao?”.

Tôi hơi băn khoăn. Ủa, sao bệnh viện không dùng thuốc hoặc phẫu thuật để cứu người mà lại bảo phải dùng tuổi thọ của con cái để đổi lấy sự sống cho ba mẹ? Tuy băn khoăn nhưng do người chị đứng bên thúc giục quá: “Không còn thời gian đâu em ơi!”. Chị ấy vừa nói lại vừa khóc nên tôi cũng không cần suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: “Dạ, hiến 5 năm hay kể cả 10 năm em cũng hiến, miễn sao ba mẹ em được cứu sống”. Tôi vừa nói xong thì người chị mỉm cười hiền từ, và rất lạ lùng là tôi chưa bao giờ nhìn thấy nụ cười như thế ở chị ấy. Rồi chị biến mất trước mắt tôi một cách nhẹ nhàng. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, đứng ngó quanh thì có một người đi qua đụng phải, thế là tôi giật mình tỉnh giấc.

Khi ấy tôi nhìn đồng hồ, đúng 3 giờ sáng. Tôi nằm suy nghĩ, sao giấc mơ lạ lùng vậy nhỉ? Mà sao tôi cảm thấy bình an, không một chút lo lắng gì cho ba mẹ cả. Tôi liên tưởng ngay đến người chị ấy là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm và tràn đầy tin tưởng ba mẹ tôi sẽ được Ngài cứu giúp.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện về cho mẹ. Mẹ vui mừng thông báo bác sĩ vừa khám cho ba mẹ xong. Bác sĩ bảo bệnh cũng đỡ nhiều rồi, vài ngày nữa cho ra viện để về chuẩn bị đón Tết. Trong khi trước đó hai ngày tôi gọi điện về, mẹ cho biết bệnh tình của ba mẹ có lẽ phải chuyển lên tuyến trên, tức Bệnh viện Trung ương Huế. Thế mà giờ được ra viện trước dự kiến.

Sự việc diễn biến đến không ngờ, không biết mọi người nghĩ thế nào, riêng tôi thì tin chắc Bồ-tát đã linh ứng và cứu giúp ba mẹ tôi tai qua nạn khỏi.
Nhuận Chân

Chuyện con cá

Chuyện con cá

Đăng lúc: 08:33 - 03/08/2016

Hóa ra trong những góc chợ nhỏ nhoi, dơ bẩn, đều có những số phận và tấm lòng.
Tôi rất thích phóng sanh. Nhưng tôi thường ra chợ bất cứ lúc nào thuận tiện thời gian, và mua những con cá, con ếch nằm trong những cái thau, rổ mà tôi biết chắc một lát nữa thôi chúng nó sẽ bị người ta mua về cho vô nồi, vô chảo. Có khi tôi vừa mua thì một bà xách giỏ trờ tới. Chị bán cá trả lời: “Cô này mua hết rồi, thím Ba ơi!”. Tôi thở phào nhìn lũ cá trườn trườn trong thau: “Hú vía nghen con. Hí hí chậm 5 phút thôi là tụi bây vô giỏ của bả rồi!”.

Tôi mua cá xong chạy xe thật nhanh lên dốc cầu gần đó, vừa chạy vừa niệm Phật và thì thầm với lũ cá: “Tụi con nghe má Hai niệm Phật nè, rồi nhớ kiếp sau nếu được đầu thai làm người thì tìm về với Tam bảo nghe hôn. Vô chùa quy y, tụng kinh, lạy Phật, làm công quả, làm từ thiện, sống tử tế nghe hôn! Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô A Di Đà Phật…”. Tới dốc cầu, tôi dừng xe, mở miệng túi ni-lông trút cá xuống dòng sông nước đầy ăm ắp, miệng vẫn niệm Phật và mắt vui sướng nhìn lũ cá tung tăng trong dòng chảy mát rượi. Nhiều con ngoi đầu lên thở, loanh quanh rất lâu mới chịu đi. Tôi tưởng tượng chúng đang chào tôi. Tôi vẫy tay: “Bơi lẹ đi con. Bye bye. A Di Đà Phật!”. Tiếng Tây tiếng ta gì cũng nói tùm lum vì lòng vui quá.

Nhưng còn một niềm vui và ngạc nhiên nữa. Mấy chị trong chợ khi biết tôi mua cá phóng sanh liền bán với giá cực kỳ rẻ. Có lần tôi thấy hai con cá lóc nằm chơ vơ trong thau, tội quá nên hỏi mua luôn, thì chị nói: “Bảy chục ngàn”. Nhưng khi biết mục đích của tôi, thì chị hạ xuống ngay 35.000đ, khỏi cần tôi trả giá. Chị còn cười tươi: “Em không lời một cắc. Sau này cô có lên cực lạc thiên đường thì cho em đu theo cô nghen. Em biết làm nghề này tội lắm cô ơi! Nhưng hình như là cái nghiệp, bỏ không được. Mà điều, ai mua phóng sanh là em mừng lắm, cho em bớt tội”.

Một chị khác bán rau củ (đồ la-ghim) trong chợ, một bữa vui miệng tâm sự: “Cô biết hồi trước em bán cái gì không? Bán cá đó. Bên quận 1. Bán đắt dữ lắm, nhưng không biết tại sao bao nhiêu tiền cứ bị người ta gạt mất, mỗi lần mấy chục triệu chứ đâu có ít. Em nghĩ chắc là tại bán cá gây nghiệp? Em quyết định chuyển nghề, về Nhà Bè bán đồ la-ghim nè. Hồi mới chưa có khách, bán ế lắm, có lúc em thối chí muốn trở lại bán cá. Nhưng ráng, ráng chút nữa… và cầu xin Trời Phật phù hộ cho con… Giờ khỏe rồi. Em mừng mình thoát khỏi cái nghiệp sát sanh”. Tôi thật bất ngờ. Và cảm thương một con người quyết tâm chuyển nghiệp. Chẳng những vậy, nghe tôi nói nấu cơm từ thiện là chị bán thiệt rẻ, và còn thức khuya gọt củ, lặt rau giùm tôi, rồi mới đem giao hàng tận nhà. Nhờ thế, tôi không mất nhiều thời gian và sức khỏe trong chế biến. Tôi cảm động lắm. Và quyết định mua hàng của chị thường xuyên hơn nữa để giúp chị yên tâm chuyển nghiệp.

Hóa ra trong những góc chợ nhỏ nhoi, dơ bẩn, đều có những số phận và tấm lòng. Họ sống bình dị, ít ăn học, đôi khi lăn lóc như chính những con cá mà họ bán, họ giết hàng ngày. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tuệ giác, vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức. Biết. Và sợ nữa. Nhưng chuyển nghiệp được hay không thì tùy điều kiện và nghị lực mỗi người. Tuy nhiên, cứ BIẾT cái đã. Cái BIẾT ấy sớm muộn cũng sẽ kéo họ ra khỏi vũng lầy. Chỉ sợ không biết thôi, chứ đã biết rồi thì có hy vọng.
Diệu Kim

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 44
  • Hôm nay 3,006
  • Tháng hiện tại 60,391
  • Tổng lượt truy cập 23,466,640