Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Hoa Kỳ: Sẽ tái hiện những ngôi chùa hang Đôn Hoàng

Hoa Kỳ: Sẽ tái hiện những ngôi chùa hang Đôn Hoàng

Đăng lúc: 21:43 - 19/07/2015

Mùa hè tới, du khách đến khu phức hợp trên đỉnh đồi thuộc Trung tâm Getty ở Los Angeles sẽ có thể chiêm ngưỡng được những bản sao của các hang động Trung Quốc với những hình tượng Phật giáo đầy màu sắc như một phần của một cuộc triển lãm “Chùa hang Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc”.
vch 1.jpg
Một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc
Chương trình sẽ làm nổi bật công tác bảo tồn 3 thập kỷ tại các ngôi chùa Đôn Hoàng của Getty.
Đối với một triển lãm ngoài trời tạm thời, các nghệ sĩ Trung Quốc sẽ tái tạo 3 trong số 500 hang của Đôn Hoàng với đầy đủ các tranh tượng. Các tác phẩm nghệ thuật mới sẽ được hoàn thành trên những vết tích của sự tàn phai, sứt mẻ và bong tróc.
Getty cũng đang có kế hoạch mượn các bức vẽ, đồ dệt tay và các hiện vật khác mà người châu Âu đã mua hoặc đã được tặng tại các hang động, trong đó có một bản in kinh Kim Cang thế kỷ thứ 9, một bản kinh thiêng liêng cổ xưa. Nhà thám hiểm người Anh-Hungary Aurel Stein đã tìm thấy cuốn sách vào năm 1907 và hiện nay nó thuộc về Thư viện Anh.
Văn Công Hưng (Theo ArtsBeat)

Hệ thống ẩn trong tượng Phật đá lớn nhất thế giới

Hệ thống ẩn trong tượng Phật đá lớn nhất thế giới

Đăng lúc: 22:24 - 15/07/2015

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét ở Trung Quốc được xem là tượng đá lớn nhất thế giới, với hệ thống thoát nước ẩn trong người giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ.

Tượng đá Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: Wikipedia
Nằm cách thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc 160 km về phía nam, bức tượng Lạc Sơn Đại Phật hơn 1.300 tuổi được tạc vào núi Lăng Vân là tượng Phật làm bằng đá lớn nhất nhất thế giới.

Bức tượng đối diện núi Nga Mi ở phía đông thành phố Lạc Sơn. Đây là nơi giao nhau của ba con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Bức tượng tạc một tu sĩ đang mỉm cười, dáng ngồi bình thản, hai tay để trên đầu gối, mắt nhìn chăm chú qua sông.

Đây được cho là tượng Phật Di Lặc, đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Nin (người sáng lập của Phật giáo), tượng trưng cho sự sáng suốt và hạnh phúc. Việc tôn thờ Phật Di Lặc đặc biệt phổ biến giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 7. Hiện nay, hình ảnh của Phật Di Lặc vẫn còn xuất hiện trong những ngôi chùa khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Sự hấp dẫn của tượng Phật không chỉ nằm ở kích thước mà còn thể hiện qua kiến trúc khéo léo. Toàn bộ bức tượng được làm từ đá, ngoại trừ phần tai làm từ gỗ phủ đất sét. Tóc của Phật là 1.021 vòng xoắn đá gắn vào đầu.

Mái tóc tượng Phật có 1.021 vòng xoắn. Ảnh: Chi King/Flickr
Chiều cao bức tượng bằng tòa nhà mười tầng (71 mét), phần đầu cao 15 mét, vai rộng 28 mét, lông mày dài 5,5 mét, mũi cao 6 mét, tai dài 7 mét có khả năng giữ hai người bên trong, mỗi bàn chân trần dài 11m, rộng 8,5m, đủ lớn cho hơn 100 người ngồi. Trong tư thế đứng thẳng, tượng Phật sẽ ngang bằng với tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Phật ngồi ở tư thế đối xứng, tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.

Hệ thống thoát nước khéo léo

Dù có nhiều phần nhỏ bị hư hại nhưng đáng ngạc nhiên là bức tượng vẫn còn nguyên vẹn, nhờ vào hệ thống thoát nước ngầm, giúp các phần bên trong luôn khô ráo. Một số đoạn thoát nước ẩn trong tóc, cổ, và nhiều rãnh phía sau tai, ngực. Hệ thống này giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ. Lúc đầu bức tượng được bảo vệ bởi 13 tầng gác làm bằng gỗ lớn, nhưng chúng đã bị phá hủy vào cuối triều đại nhà Minh, khiến bức tượng không còn được che chắn nữa.

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được khởi công xây dựng vào năm 713 thời nhà Đường, do nhà sư Hải Thông người Trung Quốc chỉ huy. Ông hy vọng rằng tượng Phật có thể giúp làm cho nước sông chảy êm đềm, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông.

Theo truyền thuyết, một số quan chức chính quyền địa phương muốn lấy số tiền quyên góp xây tượng Phật từ Hải Thông, nhưng nhà sư này tuyên bố thà mù mắt chứ không chịu mất tiền.

Khi ngân khố dành cho công trình không còn, nhà sư đã tự khoét mắt để thể hiện sự chân thành và tận tâm vào công việc. Cuối cùng ông cũng gom đủ số tiền sau 20 năm đi quyên góp và tiết kiệm. Khi ông qua đời, hai đệ tử của ông tiếp tục cho xây dựng công trình và hoàn thành năm 803.

Kể từ khi xây xong tượng Phật, dòng nước sông hung dữ trở nên hiền hòa. Theo giải thích của các nhà khoa học, trong quá trình xây dựng, đá từ vách núi rơi xuống đáy sông, thay đổi dòng chảy, khiến con sông an toàn hơn. Nhờ đó tàu bè có thể yên tâm qua lại.

Nhà sư Hải Tông, người có công xây dựng tượng Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: David Schroeter/Flickr

Ngoài tượng Lạc Sơn Đại Phật, hàng nghìn tượng Phật nhỏ được người dân chạm khắc xung quanh bức tượng khổng lồ này, tạo thành một bảo tàng điêu khắc trên núi của Phật giáo.

Khu vực Nga My bao gồm bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996. Hiện nay, bức tượng Phật luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Trung Quốc.

Lê Hùng (vnexpress.net)

Pháp môn niệm Phật - Từ triết lý đến tín ngưỡng

Pháp môn niệm Phật - Từ triết lý đến tín ngưỡng

Đăng lúc: 20:48 - 10/07/2015

Niệm Phật là hàng phục phiền não, chuyển thức thành trí, hiển lộ tự tánh Di Đà.
Khái lược về triết lý kinh điển của pháp môn Niệm Phật
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đều thuyết minh tổng quát về pháp môn Niệm Phật. Việc hình thành pháp môn Tịnh độ chủ yếu từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như kinh Bát chu tam muội (Ban châu tam muội), kinh A Di Đà, kinh Quán vô lượng thọ, kinhVô lượng thọ, kinh Hoa nghiêm, kinh Thủ lăng nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng 18 thế kỷ qua (tính từ khi kinh Bát chu tam muội được dịch tại Trung Quốc năm 179), và pháp môn Niệm Phật được hình thành và phát triển thời Sơ tổ Tịnh tông Huệ Viễn (334-416) cho đến ngày nay.
Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn Niệm Phật đã đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan pháp môn Niệm Phật, trên căn bản thì Thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời Tổ sư Liên Trì (1532-1612) về sau, phổ biến phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
phat hoc.jpg
Nam-mô A Di Đà Phật
Đối chiếu với các kinh điển Nguyên thủy thì thấy có những điểm khác nhau giữa pháp niệm Phật trong Phật giáo Nguyên thủy và Tịnh Độ tông. Đó là sự thực. Lý do là Phật giáo Nguyên thủy lấy thiền Tứ niệm xứ làm pháp môn chủ đạo cho sự chứng đắc và giác ngộ. Niệm Phật theo Kinh tạng Nikaya là pháp quán niệm chứ không phải là xưng niệm danh hiệu như thời kỳ về sau của Tịnh Độ tông. Vấn đề chú ý là Tịnh Độ tông lấy pháp niệm Phật làm pháp môn chủ đạo cho mục đích vãng sanh và chứng đắc Niết-bàn. Nói niệm Phật vãng sanh là y cứ từ kinh luận Đại thừa. Nhưng niệm Phật chứng ngộ Niết-bàn được đề cập trong kinh điển Nguyên thủy thì Đại thừa chưa phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Từ hiện thực đó, niệm Phật vốn là một phương thức điều phục tâm, pháp tuyệt diệu đi vào thiền định và chứng đắc tuệ giác bị chôn vùi đằng sau lớp rào cản tín ngưỡng làm phát sinh nhiều quan niệm sai biệt về pháp tu này. Tín ngưỡng đây là từ ngữ tạm dùng vì chưa thể hiện trọn vẹn ý nghĩa niệm Phật từ phương diện triết lý. Tín ngưỡng niệm Phật là mặt nổi với niềm tin Phật A Di Đà ở cõi Cực lạc được phổ biến trong nhân gian, nhưng trong đó tiềm ẩn tư tưởng Phật-đà quan của Phật giáo Đại thừa. Niềm tin và triết lý của pháp Niệm Phật đã từng hòa quyện vào nhau trở thành pháp tu với hai phương diện niệm Phật vãng sanh và niệm Phật chứng ngộ Niết-bàn là vấn đề mà bài viết này đề cập.
A Di Đà, phiên âm từ chữ Phạn Amita, có nghĩa là Vô lượng; A Di Đà là Vô lượng thọ (Amitāyus) và Vô lượng quang (Amitābha). Tại sao từ A Di Đà chuyển đến ý nghĩa Vô lượng thọ và Vô lượng quang? Các nhà dịch thuật đều căn cứ vào ý nghĩa và nội dung kinh văn để nhận thức phẩm đức của Phật A Di Đà. Theo Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam giải nghĩa: “A Di Đà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc qua bộ kinh Ban châu tam muội do Chi-lâu-ca-sấm dịch năm 179, kinh Đại A Di Đà do Chi Khiêm dịch vào đầu thế kỷ thứ III và kinh A Di Đà do La Thập dịch vào đầu thế kỷ thứ V”1. Điều chúng ta thấy rõ là có nhiều kinh luận Đại thừa xuất hiện giới thiệu Phật A Di Đà. Theo tinh thần các kinh Đại thừa nói chung thì A Di Đà có nghĩa rút gọn tên Vô lượng thọ và Vô lượng quang. Đặc biệt trong kinh điển Mật giáo, A Di Đà còn có tên là Cam lồ đại minh vương hay Kim cương cam lồ thân2.
Một vài học giả đối chiếu tư tưởng các tôn giáo khác có sự suy luận sai biệt, như có người cho rằng: “A Di Đà là sự phát triển của thần thoại mặt trời trong tư tưởng tôn giáo Iran, hay có thể xuất phát từ tín ngưỡng Vishnu trong thời Veda của Ấn Độ”3. Nhưng chúng ta phải hiểu là đó sự suy luận theo tinh thần khảo cứu của các học giả. Còn đối với các nhà Phật học thì căn cứ nội dung các kinh điển Đại thừa và Nguyên thủy để phát huy tác dụng giáo lý Tịnh độ trong quá trình tu tập và hoằng pháp.
Ai đã từng đọc kinh văn Nguyên thủy, đều biết niệm Phật là phương pháp quán tưởng, quán niệm về mười phẩm hạnh của Đức Phật trong pháp Lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Niệm Phật ở đây là tư duy, nhớ nghĩ về phẩm đức Phật chứ không phải là xưng danh hiệu Phật. Khi thuyết pháp cho các đệ tử cư sĩ, Đức Phật dạy như sau: “Các ông sắp vào nơi hoang mạc, sẽ gặp nhiều khủng bố, tâm kinh hoàng dựng đứng cả lông, lúc ấy nên niệm Như Lai: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác… Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy thì mọi khủng bố đều tiêu trừ"4. Kinh Trung A-hàm, Đức Phật dạy về tác dụng pháp quán niệm mười phẩm đức của Phật: “Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt”5. Niệm Phật trong thiền môn của Tổ sư Thiền tông Hoằng Nhẫn có chủ trương: “Niệm Phật tịnh tâm”6 (Niệm Phật để tịnh tâm). Niệm Phật ở đây là phương tiện nhiếp tâm và quán tâm. Cho nên Thiền sư Thần Tú định nghĩa: Niệm Phật tức là tu chánh niệm (Phù niệm Phật giả, đương tu chánh niệm)7, chánh niệm để quán nguồn tâm, “quán sát tâm nguyên”. Tịnh độ tại tâm là cứu cánh của pháp môn Niệm Phật. Tư tưởng này cũng là quan niệm về Tịnh độ của Phật giáo Việt Nam thời Trần. Thiền sư Trần Nhân Tông có bài kệ khai thị như sau: “Tịnh độ là lòng trong sạch/Chớ còn hỏi đến Tây phương/Di Đà là tính sáng soi/ Mựa phải nhọc tìm Cực lạc”8.
Một khi đạt đến cấp độ niệm Phật đoạn trừ phiền não, dứt sạch tham ái thì Niết-bàn xuất hiện và Cực lạc Tây phương hiện tiền, đâu còn tìm cầu. Chứng ngộ Niết-bàn là thể nhập được tánh giác thanh tịnh, đầy đủ vô lượng công đức, ý nghĩa ấy được gọi “Duy tâm Tịnh độ” hay “Tự tánh Di Đà”, đó là cụ thể hóa ý nghĩa “Thực tướng niệm Phật” trong giáo nghĩa Tịnh độ. Đây là điểm then chốt mà các tông phái thường quan niệm về tính hợp nhất của Thiền và Tịnh.
Đức Phật Thích Ca rõ ràng là vị Phật lịch sử. Có vài học giả cho rằng Phật A Di Đà là vị Phật tôn giáo. Đây là quan điểm thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta cần hiểu rằng: Mục đích Phật nói kinh, không phải xây dựng hình ảnh Phật theo ý nghĩa tôn giáo. Phật tôn giáo là khái niệm các học giả thiết lập để tìm hiểu về Phật giáo. Kinh văn Đại thừa nhắc đến Phật A Di Đà là vị Phật quá khứ. Đứng về phương diện Phật-đà quan mà luận, nếu Phật giáo Nguyên thủy chấp niệm quan điểm bảy vị Phật theo kinhTrường bộ9, thì đương nhiên chấp nhận có quá khứ Phật, hiện tại Phật và vị lai Phật. Phật A Di Đà hay mười phương chư Phật đều là Phật quá khứ. Phật dạy mọi chúng sanh có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Từ triết lý nhân quả mà luận thì tu theo hạnh Phật sẽ thành Phật, tu theo hạnh Bồ-tát sẽ thành Bồ-tát. Phật Thích Ca hay Phật A Di Đà và vô số Phật trên phương diện Pháp thân, trí tánh giác ngộ đều bình đẳng, tu là để khôi phục tánh giác ngộ ấy.
Các pháp môn căn bản đều thiết lập trên ba môn Giới-Định-Tuệ để loại bỏ Tham-Sân-Si. Pháp niệm Phật cần được hiểu như thế. Chúng sanh khổ đau do tâm tạo, do tâm hằng tư niệm ác pháp điều động thân miệng ý khởi hạnh ác, nay trở về niệm Phật, giúp tâm thanh tịnh. Tất cả các phương pháp Phật dạy đều là phương tiện, không nên dùng kiến giải chủ quan làm chìa khóa phân tích và so sánh pháp từ góc độ chân đế. Nếu lập luận như thế dễ lầm chiếc bè và bờ sông là một, thật đáng tiếc trong phương pháp luận!
Vấn đề Tịnh độ quan, chúng ta suy nghiệm từ Kinh tạng Nikaya, qua kinh Đại Thiện Kiến vương10, Đức Phật thuật lại cho ngài A Nan nghe quốc gia hưng thịnh của vua Thiện Kiến làm Chuyển luân Thánh vương trong thời quá khứ, ngôn từ diễn tả môi trường của cảnh giới ấy căn bản có nhiều điểm giống như thế giới Tây phương Cực lạc trong kinh A Di Đà. Hơn nữa từ thực tế, Đức Thích Ca trước khi thành Phật ở cõi Ta-bà là Bồ-tát Hộ Minh trú tại cõi trời Đâu suất, Phật Di Lặc tương lai thành Phật cũng đang trú tại cõi trời Đâu suất. Cảnh giới đó chúng ta có thể gọi là thiên quốc tịnh độ. Đứng về phạm trù tâm mà luận, Phật hay Bồ-tát luôn có tịnh độ hiện hữu, vì có cái tâm trong sạch thì có cảnh giới trong sạch là tịnh độ. Nếu Phật và Bồ-tát có tâm giải thoát khi thị hiện trong nhân gian này, thì thế giới chúng ta có thể gọi là Phàm thánh đồng cư độ.
Do vậy, người tu niệm Phật xem Đức Phật là đấng Giác ngộ vẹn toàn, bậc Giác ngộ giải thoát có năng lực từ bi và trí tuệ siêu việt, tin cõi Tịnh độ trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Đức Phật xuất hiện, thế gian không ai bằng Phật được nhấn mạnh trong kinh Nguyên thủy như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời. Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời”11. Kinh điển Nguyên thủy ghi lại Đức Thích Ca cũng xuất hiện trong đời với nhiều năng lực siêu phàm, công đức thù thắng siêu việt thế gian, người phàm phu không có được. Trong giáo lý Tịnh độ, các kinh điển Đại thừa đều đề cập Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ chúng sanh phát nguyện vãng sanh là điều sự thực chứ không phải yếu tố thần thoại của người đời sau. Kinh Nguyên thủy cũng có xác nhận về sự kiện Đức Phật hiện hào quang như sau: “Anan nên biết, Ta có hai nhân duyên mà phóng hào quang lớn: Một là khi ở bên gốc cây bồ-đề sắp thành đạo, liền phóng hào quang. Hai là khi sắp vào Niết-bàn cũng phóng hào quang lớn”12.
Như thế, từ quan điểm tu niệm Phật của Phật giáo Nguyên thủy, Tịnh Độ tông phát huy yếu tố niệm Phật với tín ngưỡng tích cực, kinh luận Đại thừa cho là chánh tín trong pháp môn tu. Niệm Phật nhập vào cảnh giới Tam muội (Chánh định), phát huy sự quán chiếu và chứng ngộ Niết-bàn được nhấn mạnh trong kinh Bát chu tam muội, kinh Lăng nghiêm, hay kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã hoàn toàn phù hợp với quan điểm niệm Phật chứng đắc Niết-bàn trong kinh Nguyên thủy. Đức Phật đã dạy như sau: “Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”13. Ý nghĩa niệm Phật như vậy thì Nguyên thủy và Đại thừa đều chấp nhận.
Bước chuyển từ triết lý niệm Phật đến tín ngưỡng niệm Phật
Theo lịch sử Phật giáo thì từ thời Tổ Huệ Viễn đến thời Tổ Thiện Đạo có ba tư tưởng chính thực hành pháp môn Tịnh độ gọi là “Tịnh độ tam lưu”. Trong tác phẩm Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập14 của ngài Pháp Nhiên, một Tăng sĩ Nhật Bản chép rằng, có bốn nhân vật quan trọng trong sự phát triển tư tưởng niệm Phật. Phái thứ nhất là ngài Huệ Viễn (334-416) chủ trương quán tưởng niệm Phật, lấy kinh Bát chu tam muội làm y cứ tu học. Thực hành quán tưởng niệm Phật, chuyên chú niệm Phật để đạt Tam muội (Chánh định), thấy Phật vãng sanh. Phái thứ hai có ngài Đạo Xước và Thiện Đạo, nhưng chỉ gọi là phái Thiện Đạo (613-681), tiếp nối tư tưởng của Đàm Loan chủ trương nương vào tha lực bổn nguyện của Phật, niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh độ. Phái thứ ba có ngài Từ Mẫn (680-748), còn gọi là Pháp sư Huệ Nhật, chủ trương: Giáo -Thiền-Mật-Tịnh kiêm tu, thực hành tất cả pháp lành, chuyên tâm niệm Phật nguyện sanh Tịnh độ.
Kinh văn Đại thừa có quan niệm về yếu tố tha lực trong giáo nghĩa niệm Phật. Tha lực có phải là năng lực và bổn nguyện của Phật hay là kỳ vọng được thiết lập từ tính chủ quan của đệ tử Phật? Trong giáo lý Nguyên thủy hàm chứa yếu tố tha lực như là công đức phát sanh từ lòng kính trọng Đức Phật, kính trọng Tam bảo, hay là từ công đức bố thí. Kinh Lâu đài của nàng Chiên-đà-la (Candàlì -Vimàna)15 kể câu chuyện một phụ nữ nghèo, hạnh nghiệp xấu nhưng một lần lễ Phật với lòng thành kính, sau đó bị tại nạn lâm chung mà được sanh lên cõi trời. Hay câu chuyện Lâu đài do cúng mè16, kể về một người phụ nữ nghèo khổ, từ lâu sống với nghiệp xấu đáng đọa địa ngục, nhưng nhờ một lần cúng dường mè cho Đức Phật mà được phước sanh thiên. Trong giáo lý Tịnh độ tin tưởng rằng người thường niệm, lễ Phật và tu các thiện pháp sẽ được Phật tiếp độ vãng sanh. Đây là yếu tố quan trọng phát huy quan niệm tha lực và tự lực hợp nhất trong giáo lý Tịnh độ.
Nguyên thủy Phật giáo, bậc thánh từ A-na-hàm trở lên mới thực sự không còn bị tái sanh vào thế giới Ta-bà, sẽ sanh vào cõi trời và sau cùng đắc quả A-la-hán tại đó. “Sau khi viên tịch ở đây, Ngài tái sanh vào cảnh giới Vô phiền thiên (Suddhavasa, cảnh giới hoàn toàn tinh khiết), một cảnh giới thích hợp với các vị A-na-hàm. Ngài sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán và sống hết tuổi thọ trong cảnh giới này”17. Chúng ta có thể nói rằng từ bậc A-na-hàm mới được an trú trong cảnh Thiên quốc Tịnh độ.
Theo giáo lý Tịnh độ, Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng chiếu soi thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật-đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ tác động rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tự tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
Có thể nói niệm Phật theo Kinh tạng Nikaya là quán tưởng công đức Phật. Tịnh Độ tông phát huy yếu tố tha lực và tín ngưỡng một cách toàn triệt để truyền bá rộng rãi trong quần chúng. Nhưng phải ghi nhận rằng, yếu tố triết lý trong giáo nghĩa Tịnh độ vẫn nhấn mạnh vai trò pháp niệm Phật hướng đến chứng ngộ Niết-bàn như giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Điều này thể hiện rõ trong các kinh Bát chu tam muội, kinh Văn Thù thuyết Bát-nhã, kinh Lăng nghiêm và nhiều kinh khác.
Phái của ngài Huệ Viễn thể hiện pháp niệm Phật tam muội, thiên về phép quán tưởng niệm Phật, ít phổ biến rộng rãi, nhưng bậc trí tu hành pháp này rất đắc dụng. Phái của ngài Thiện Đạo khuyên niệm Phật y cứ vào kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ và kinh Quán Vô lượng thọ, với tín ngưỡng là người niệm Phật được tất cả chư Phật hộ niệm, “Nhất thiết chư Phật hộ niệm”. Phái của ngài Từ Mẫn thì mang tính chất quân bình trong đời sống niệm Phật, vận dụng giáo nghĩa Phật dạy các tông phái Giáo-Thiền-Mật-Tịnh. Về sau, Thiền sư Vĩnh Minh (904-975) có công khởi xướng tư tưởng Thiền-Tịnh song tu, điều hòa tư tưởng Thiền và Tịnh thông qua triển khai rộng phương diện triết lý của pháp môn Niệm Phật, thể hiện rõ trong tác phẩm Vạn thiện đồng quy tập. Các nhà hoằng pháp xưa nay, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh đúc kết tinh hoa pháp môn Tịnh độ để tu học, nhất quán với lập trường giáo lý Đại thừa.
Vãng sanh và chứng ngộ là tinh hoa của pháp môn Niệm Phật
Vãng sanh có nhiều chánh nhân, nhưng căn bản kinh Quán Vô lượng thọ dạy rằng: “Này Vi Ðề Hi! Người muốn sang nước Cực lạc ấy nên tu ba phước. Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ-đề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng kinh điển Ðại thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành. Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp”18. Đó là hạnh tu thiết thực trong đời sống mang ý nghĩa đạo đức, luân lý, giới luật và trí tuệ. Vãng sanh theo kinh A Di Đà dạy là phải đạt “nhất tâm bất loạn”, một khi đạt nhất tâm tức là thành tựu về thiền định và trí tuệ. Thành tựu tuệ giác thì mới có đầy đủ công đức giải thoát. Vãng sanh theo kinh Hoa nghiêm được đúc kết trong quá trình thực hành mười nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, đây là lộ trình tu học tích cực, có chí nguyện lớn trong tinh thần tự lợi và lợi tha, sau cùng đem hết thảy công đức nguyện sanh về cõi Tây phương Tịnh độ. “Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi/Phước lớn vô biên đều hồi hướng/Khắp nguyện chúng sanh đang chìm đắm/Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang”19. Theo kinh Lăng nghiêm, muốn sanh Tịnh độ cần niệm Phật đắc Vô sanh pháp nhẫn, tức thuộc bậc Bồ-tát mới thông đạt pháp vô sanh hay bất thối địa. Đây là hạnh tu của Bồ-tát Đại Thế Chí, dùng câu niệm Phật để thâu nhiếp sáu căn, tịnh tâm để nhập vào chánh định, khi có chánh định thì có tuệ giác ngộ và thành tựu vãng sanh. “Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi Ta-bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam-ma-địa, đó là thù thắng nhất”20.
Kinh Bát chu tam muội dạy pháp quán tưởng niệm Phật. Đây là một phương pháp tưởng nhớ và quán sát hình ảnh Phật A Di Đà đến chuyên chú và nhập thiền định. Do sức tưởng niệm mà thấy Phật A Di Đà, thấy Phật là đồng nghĩa được vãng sanh. Nhưng muốn thấy Phật A Di Đà phải vào tam muội, tức nhập vào chánh định. Kinh chép: “Như Ta vừa nghe danh hiệu Đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác hiện nay Ngài ngự ở thế giới chư Phật. Thế giới của Ngài tên là Cực lạc, Ngài thường ngự vào pháp hội của các Bồ-tát để nói pháp và giáo hóa. Rồi người nghe y theo chỗ nghe được chuyên tin tưởng nhớ quán sát không ngừng nghỉ cho đến khi hình ảnh trên hiện rõ ràng trong trí sau cùng được thấy Đức A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác”21. Và kinh này giải thích rõ phương pháp khởi tâm quán sát, biện tâm để đắc trí tuệ giải thoát Niết-bàn như sau: “Tâm có tưởng niệm tức thành sanh tử, tâm không tưởng niệm tức là Niết-bàn. Các pháp không chơn thật chỉ do tư tưởng duyên khởi, đối tượng bị nghĩ liền diệt, chủ thể năng tưởng cũng không. Hiền Hộ! Ông nên biết các Bồ-tát nhơn tam muội này chứng được trí giác vĩ đại”22.
Niệm Phật như thế nào để phù hợp với tông chỉ của giáo lý Phật dạy? A Di Đà chính là bản tánh của chúng ta, niệm Phật là hàng phục phiền não để hiển lộ tánh giác A Di Đà. Niệm Phật để chuyển thức thành trí, hiển lộ tự tánh Di Đà. Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn, không còn tướng người niệm và đối tượng niệm; siêu việt đối đãi năng sở. Niệm Phật quán tưởng Cực lạc tại tâm, cho nên không còn khái niệm đây là Ta-bà và kia là Tịnh độ; siêu việt không gian. Niệm Phật an trú ngay trong mỗi niệm, không mong cầu tương lai, không truy tìm quá khứ; siêu việt thời gian. Niệm Phật như thế, không lạc vào có và không, không chấp trước, tâm tánh rỗng lặng; khế hợp trung đạo thật tướng. Công phu như vậy thì Thiền, Tịnh và Mật hay các phương pháp tu học khác cùng điểm chung là hướng về Niết-bàn giải thoát, như nước trăm sông đều đổ vào biển cả mênh mông.
Lời kết
Trên phương diện tu học, thực tập bất cứ một pháp môn nào cũng có những phương tiện nhất định để điều phục và chuyển hóa tâm. Tịnh độ đã từng phát triển mạnh mẽ trong quần chúng qua nhiều thế kỷ tại các nước Phật giáo Đại thừa. Liên quan vấn đề tín ngưỡng và triết lý trong pháp niệm Phật chúng ta có thể đi đến một vài nhận xét sau:
Thứ nhất: Tín ngưỡng và triết lý trong pháp niệm Phật là điều kiện căn bản của vãng sanh và thành tựu tuệ giác. Bồ-tát Long Thọ xem pháp môn Niệm Phật dễ thành tựu đạo quả Vô thượng một cách mau chóng, gọi là “dị hành đạo”(dễ tu hành). “Phật pháp có vô lượng môn, như những con đường ở thế gian có khó có dễ, đi bộ thì khó ngồi thuyền bè thì dễ. Muốn dễ đi, mau đến phải nên niệm Phật, phải nên xưng danh hiệu Phật A Di Đà thì mau được đạo giác ngộ Chân chánh Vô thượng”23.
Thứ hai: Niệm Phật là phương pháp rất thù thắng để điều phục phiền não và thể nhập chánh định, đó là tiềm năng của sự quán tâm để chứng ngộ Niết-bàn. Vấn đề đặt ra là phương pháp niệm và quán tưởng theo đúng kinh điển Nguyên thủy và kinh điển Đại thừa hướng dẫn.
Thứ ba: Trên phương diện triết lý thì Thực tướng niệm Phật là nội dung căn bản của pháp môn Niệm Phật, vạn pháp không ngoài tâm, mười pháp giới không ngoài tâm, vũ trụ không ngoài tâm, Tây phương Tịnh độ không ngoài tâm và Niết-bàn cũng không ngoài tâm. Tâm ấy là bản thể vạn pháp, chính là “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”. Dù tu bất cứ pháp môn nào, sau cùng cũng chứng ngộ tâm tánh ấy. Đó là tinh hoa của pháp môn Niệm Phật. Cho nên các vị Tổ sư xem pháp niệm Phật là phương tiện thiết thực trong sự tu học và truyền bá Phật pháp.
Thích Đức Trí

Đức Dalai Lama lần đầu tiên nói chuyện tại Glastonbury

Đức Dalai Lama lần đầu tiên nói chuyện tại Glastonbury

Đăng lúc: 20:40 - 29/06/2015

Đức Dalai Lama xuất hiện lần đầu tiên tại Glastonbury, Vương quốc Anh, hôm qua, 28-6, ngài đã dành một giờ đồng hồ để nói chuyện với những người tham dự lễ hội tại đây về việc thế giới có thể là một nơi hạnh phúc hơn như thế nào.
Đức Dalai Lama kêu gọi một nền "giáo dục toàn diện" hơn từ mẫu giáo đến đại học, trong đó "nên mang lại một cảm giác chăm sóc" và giúp "thúc đẩy tình yêu thương con người".
"Mọi người đều có quyền sống hạnh phúc", ngài nói với hàng trăm người tập trung tại Greenfield.
dalai_lama_reuters_650.jpg
Đức Dalai Lama nói chuyện tại Glastonbury, Vương quốc Anh - Ảnh: Reuters
Nhân dịp này đại chúng cũng đã chúc mừng khánh tuế lần thứ 80 của ngài, và ngài đã bày tỏ mong muốn mọi người phải "suy nghĩ nghiêm túc về làm thế nào để tạo ra một thế giới hạnh phúc, một thế kỷ 21 hạnh phúc, đó là món quà hay nhất đối với tôi".
Đức Dalai Lama bày tỏ sự lo lắng với bạo lực đang diễn ra tại Syria, Iraq, Nigeria và các nơi khác, và nói rằng đó là "sự sáng tạo của riêng chúng ta" và cảnh báo: "Con người giết hại con người là điều tồi tệ".
Khi đến sân bay Heathrow của London vào ngày thứ Bảy, ngài đã nói rất quan ngại với các cuộc tấn công ngày hôm trước đó tại Tunisia, Kuwait và Pháp.
"Tôi nghĩ rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều thực sự có nguồn gốc từ sự thực hành tình yêu thương, sự tha thứ, và bao dung. Yếu tố cơ bản đó hiện đang trở thành nguồn gốc của bạo lực, điều đó là không thể tưởng tượng được", ngài nói.
Văn Công Hưng (Theo NDTV)

Những nẻo đường nhận thức

Những nẻo đường nhận thức

Đăng lúc: 20:10 - 28/06/2015

Bạn bè thân thiết, kể cả một số quý thầy, thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi: Đi qua đi về mấy mươi năm, đi ngang đi dọc nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn, đi xuôi đi ngược nhiều con đường trên thế giới…, liệu có cái gì đúc kết, tổng hợp được không?
Nhiều năm qua đã nhiều lần tôi muốn “đúc kết”, nói “ngắn gọn” thử xem. Nhưng thực là khó. Hình như biết càng nhiều thì kiến thức càng bung ra, càng phân kỳ. Thế nhưng, cũng có cái lạ là càng phân kỳ, càng biết nhiều, ta lại càng khám phá nhiều tương đồng hội tụ. Vật chất trong khoa học đối với sắc thể trong Phật học; tâm lý học của phương Tây đối với Duy thức trong Phật giáo…, các kiến giải có khác nhau bao nhiêu những cái đồng quy của những lĩnh vực đó càng tàm ta kinh ngạc, kính sợ vể một thế giới mà ta đang sống.

Tâm hồn bé nhỏ của tôi cũng chỉ là một trái banh bị những kiến giải vô tận và khác biệt x đó đá tung đi khắp các hướng. Thường thì con người sẽ bị lạc hướng. Nhưng tôi còn chút may mắn. Trước những tri kiến và thông tin vô cùng khác biệt đó, tôi nhớ những lời của Phật, vốn nghe được từ hồi nhỏ. Thí dụ nghe những khoảng cách của không gian và thời gian cực bé của Max Planck, tôi nhớ đến “sát-na” của kinh Phật. Các hạt được mệnh danh là “hạt giả” trong thế giới hạ nguyên tử làm tôi nhớ đến thuyết “Vô ngã”. Thậm chí, nhìn trái banh bi-da chạm nhau chạy trên bàn tôi cũng liên tưởng đến nguyên lý duyên khởi, cái này có thì cái kia có.
Nhờ “cố thủ” trong các nguyên lý của Phật pháp, tôi bớt đi được chút hoang mang và hỗn loạn trong tâm. Nhờ đó tôi tự giải thích đôi chút tri kiến trong các ngành khoa học hiện đại, các pháp môn xa lạ, thậm chí hiểu được giáo lý của các tôn giáo khác. Thế nhưng, để “đúc kết tổng hợp” được một điều gì sâu xa và do chính mình thực chứng thì thực là đáng phân vân.
Thế nhưng, cũng có ngày ta phải về lại cố quốc, trải lòng tâm sự với bạn bè chứ, tôi tự nhủ. Tôi bỗng nhớ hình ảnh của Ôn Châu Lâm nửa thế kỷ trước trong căn phòng mờ tối trên chùa, của Ôn Thiện Siêu mà mình có dịp được dùng cơm riêng, một điều mà về sau tôi mới biết là vô cùng hiếm có. Mình phải về và trình pháp với quý Ôn, quý thầy, đã viên tịch hay còn hiện tiền những gì mình học hỏi, sau 45 năm đi qua đi về.
Thế nên hôm nay tôi liều chọn một đề tài khá bao quát, đầu đề của nó là “Những nẻo đường nhận thức”. Đầu đề nghe quá to tát, nhưng thực ra tôi chỉ nó về những kinh nghiệm và nhận thức của riêng mình. Nó sẽ có tính chất chủ quan và có thể khác lạ, hoặc hơi kỳ cục so với thông thường. Tôi không có một chút ý định nào thuyết phục người nghe vì phần lớn là các trải nghiệm trong tâm. Tôi cũng thấy thật là khó khăn khi diễn bày những cảm nhận trong tâm bằng ngôn ngữ.
Nhận thức là hoạt động suốt cả cuộc đời chúng ta, tôi thấy có nhiều chiều kích, hay nhiều nẻo nhận thức.
1. Nhận thức bằng cách nghe.
Nghe là cách học vấn và nhận thức cổ điển nhất của loài người. Trong thời kỳ mà chữ viết chưa hình thành, người ta chỉ học bằng cách nghe. Khoảng hai ba ngàn năm trước, tại phương Đông, kinh Vệ Đà hay các bài giảng của Phật Thích- ca tại Ấn Độ đều là những bài thuyết giảng cho người đến nghe. Tại Hy Lạp phương Tây thì những nhà hiền triết như Platon, Aristotl đều thuyết giảng cho người tìm đến nghe chuyện.
Thế nên, “nghe” là cách nhận thức cổ điển và xem ra hiệu quả nhất của con người. ở đây ta hiểu “nghe” là trực tiếp nghe lời nói của vị thầy, thông qua ngôn ngữ mà lĩnh hội những điều vị ấy nói. Không cần dài lời, cách học hiệu quả nhất là trực tiếp đến với thầy, nghe giảng vả thảo luận với vị đó.




Nghe là nghe âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài. Qua tai, âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài vào tâm ta rồi ý thức dựa trên đó mà nhận thức vật ở bên ngoài. Đó là quá trình thông thường của nghe. Nhưng cũng có khi ta nghe bên trong, nghe ‘vận động bên trong tâm”.
“Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
Người đi ở cuối chân trời
Có nghe tình mộng nửa đời dằng dai…”
(Bùi Giáng)

Nghe của Bùi Giáng là tâm nghe tâm. Thế nên, “nghe” không chỉ là lỗ tai nghe âm thanh. Tâm nghe tâm là tâm tự lắng nghe chính mình, hay chính xác hơn là nghe những diễn biến trong mình. Nói vậy chứ không phải đơn giản, vì “diễn biến trong tâm” thường kéo dẫn chúng ta đi theo mà ta không hề biết. “Diễn biến trong tâm” chính là tâm chúng ta. Hình ảnh trong gương chính là tấm gương. Tâm nghe tâm là tự tách mình đứng bên dòng chảy của tâm và lắng nghe nó. Thế nên Bùi Giáng không hề điên mà rất tỉnh, vì tỉnh táo mới nghe được diễn biến trong tâm mình.
Thế nhưng, còn một dạng khác nữa của nghe. Đó là một dạng thụ động của nghe. Nghe một cách thụ động, không dụng công nghiêng tai nghe cái này hay cái khác, bên trong hay bên ngoài. Không dụng công nhưng chú ý, chú ý nhưng không dụng công. Chú ý trống rỗng. “Trống rỗng ở đây tức là thụ động, chú ý nhưng không có đối tượng chú ý. Thụ động để cho cái gì đến thì cứ đến, không phân biệt trong ngoài, không phán đoán đúng sai thiện ác, không để lôi kéo dẫn dắt, chỉ giữ chú í thuần túy. Nghe nhưng không trụ vào đối tượng nghe, chỉ thuần túy ghi nhận.
Thực sự có dạng đó của nghe. Khi đó thì hầu như cũng không có người nghe, chỉ có một cái nghe đang vận hành. Khi đó thì tính nghe đồng nghĩa với tính biết. Khi đó thì những cái được nghe, hay chính xác hơn là những cái được biết dường như “bóc tách” khỏi tâm ra và lơ lửng trong không gian trống rỗng.
2. Nhận thức bằng cái thấy
Các bạn hãy thử xém, cáo mà chúng ta thấy là cái gì của sự vật?
Hãy quan sát một cái quạt máy. Quạt máy khi đứng yên chỉ có 3 cánh quạt, ở giữa các cánh quạt là không gian trống rỗng. Khi quạt quay nhanh thì không còn ba cái cánh nữa mà chúng biến thành một cái đĩa tròn dày đặc liên tục. Do quạt quay quá nhanh nên đĩa tròn xuất hiện. Không những đĩa tròn xuất hiện mà nó còn có tác dụng như một cái đĩa thật, tức là không thể đút ngón tay xuyên qua nó. Ném trái bóng bàn vào quạt, bóng sẽ dội ra thật.
Nguyên tử của vật chất cũng vậy. Nguyên tử thì trống rỗng hơn trăm vạn lần cât quạt ba cánh của chúng ta. Nguyên tử có nhân và âm điện tử quay quanh. Kích thước nguyên tử gấp 100.000 lần so với hạt nhân, ở giữa trống rỗng. Nó trống rỗng đến nỗi nếu hạt nhân lớn gần bằng trái bóng đá thì nguyên tử lớn hơn cả sân vận động. Khi đó thì hạt nhân là trái bóng nằm ở giữa sân, còn âm điện tử chỉ như vài chục khán giả loe ngoe ngồi trên khán đài xa lắc trong một trận cầu tẻ nhạt. Nguyên tử trống rỗng và buồn tẻ như vậy nhưng nó xây dựng nên toàn thế giới vật chất.
Nguyên tử trống rỗng như thế sao ta không đi xuyên qua được cánh cửa? Sao chiếc ghế ta ngồi chật cứng? Sao khắp nơi đều hiện lên vật thể chắc nịch? Lý do là âm điện tử, một trong các hạt cơ bản không chịu đứng yên, chúng quay và quay rất nhanh làm ba cánh biến thành cái đĩa tròn, có tác dụng như chiếc đĩa tròn. Còn do các hạt của nguyên tử quay nhanh mà hiện thành thế giới thiên hình vạn trang, cứng chắc, dày đặc. Do đó chúng ta mới ngồi đây mà không lọt tõm xuống tầng dưới.
Nghĩ thế nên thú thật tôi không bỏ được ý tưởng cho rằng thế giới này là ảo. Về chiếc quạt máy, hỏi có đĩa tròn thật không, tôi sẽ nói có nhưng không thực có. Không có nhưng “coi như” có. Cúp điện thì đĩa biến mất. Lại nữa, đĩa chỉ có với tôi nhưng không có đối với một cái máy chụp ảnh vận tốc nhanh. Cái camera sẽ nói đâu có đĩa tròn, chỉ có ba cánh. Cũng như thế, những gì mà ta thấy trong thiên nhiên chỉ là sự vật hiện tướng lên thế thôi. Chưa hết, chúng không chỉ hiện tướng lên một cách mờ ảo, mà chúng tác dụng cũng rất mạnh mẽ. Đó là cái “dụng” của sự vật. Quạt không chỉ hiện tướng đĩa tròn, nó còn ngăn vật lọt qua, cho gió mát.
“Dụng” của đất nước gió lửa mạnh mẽ thế nào ai cũng biết. Toàn thể tiến bộ khoa học kỹ thuật là sử dụng cái “dụng” của sự vật. Nước dâng được thuyền lên qua đó người ta chế tạo ra tàu bè. Nước cũng có sức nặng đáng lể làm đắm tàu bè nên nhờ đó người ta chế tạo tàu ngầm. Nhưng “dụng” của nước không bất biến, khi nước sôi lên thành hơi thì nước vô dụng trong chuyện tàu bè, nhưng người ta lại dùng nó làm tuốc – bin sản xuất điện.
Nếu hỏi thế thì cài “thể” đích thực của đĩa tròn là gì, tôi trả lời nhanh là ba cánh. Nhưng hỏi cái “thể tính” đích thực của thiên nhiên đất nước gió lửa là gì thì hầu như không ai trả lời được. Ta không thể biết được thể tính sự vật.
Vật chất chỉ hiện tướng thế thôi. Nhưng điều này còn có một cái lắt léo nữa: nó hiện tướng không phải cho ai cũng như nhau, nó không hề khách quan mà nó hiện tướng tùy theo “trình độ” của người nhìn nó. Đối với người điếc thì thế giới toàn màu sắc và sự lặng yên; đối với người mù thì thế giới đầy âm thanh và màu đen; đối với người mù màu thì thế giới chỉ có hai màu đen trắng; đối với loài có khứu giác nhạy bén thì thế giới nhấp nhô toàn cả mùi; đối với chiếc camera thì đĩa tròn là ba cnahs quạt. Thậm chí khi ta di chuyển nhanh thì không gian thời gian đã khác, ta bay thật nhanh thì thế giới hiện ra méo xẹo, cô hoa hậu sẽ không còn là hoa hậu nữa.
Thế thì thế giới hiện lên với ta tùy theo khả năng mức độ của ta. Heisenberg, nhà vật lý lượng tử cũng nói đại ý “thiên nhiên là câu trả lời trước sự vấn hỏi của con người”. Ta thắc mắc thế nào thì thiên nhiên đáp lại theo cách hỏi của ta. Thế nên cái thấy của ta có hai điều đáng nhớ, một là điều ta thấy chỉ là tướng trạng của sự vật, không phải thể tính thực của nó; hai là nó mang tính chất, mang chữ ký của người ngắm nhìn nó.
Chúng ta ít khi nhớ đến hai tính chất đó, tin rằng thế giới bên ngoài là khách quan và là thực như thế. Hầu như tất cả chúng ta là nhà “duy thực”.
Nếu có ai ngồi xuống lặng yên, chú ý quan sát sự vật với tâm rỗng rang không dụng ý, không ép uổng hoàn toàn thụ động trong sự chú ý trống rỗng, không trụ vào đối tượng như đã nói trên trong phần nghe, người đó sẽ tiến đến một trạng thái lạ. Đó là một tình trạng không có người thấy mà một cái thấy chiếu hiện, cái thấy đó bao gồm cả người thấy lẫn vật bị thấy. Người đó vẫn thấy sự vật như trướ, nhưng trong tâm sinh ra một cảm nhận. Đó là cái thấy hiện lên như một sự tương tác của vật bên ngoài và tâm bên trong. Sự tương tác này sinh ra một cái thấy, cái thấy đó chiếu lên thành cảnh, bao gồm cả người thấy và vật bị thấy. Như một giấc chiêm bao chiếu lên thành cảnh, gồm cả người và vật như trên sân khấu của tâm.
3. Nhận thức bằng cách quan sát (thân và tâm)
Nhận thức bằng cách nghe, nhận thức bằng cách thấy chính là “mở” hai giác quan tai và mắt, cho hai cái nghe và cái thấy vận hành. Quan “nghe” và “thấy” hầu như toàn thể thế giới hiện ra quanh ta.
Bên trên, tôi có nói thế giới hiện lên theo mức độ của người thấy. Thế thì bây giờ hãy thử quan sát chính mình, quan sát chính thân tâm mình.
Thân tâm chúng ta là gì? Là một tập hợp to lớn vận hành một cách tự động, không cần chúng ta lưu tâm đến. Thân chúng ta trung bình trong 30 giây thực hiện những thao tác sau đây: tim đập 36 lần, thở ra vào 8 lần, sản xuất 72 triệu hồng huyết câu, máu chảy một đoạn đường 7km, sản xuất 100w năng lượng. Thân của chúng ta quả đang vận hành và đang vận hành với một công xuất kinh khủng. Chúng ta tưởng mình là chủ nhân nhưng thật ra rất hạn chế. Đúng ra là, các bộ phận của thân tự mình thao tác, trong một chương trình nhất định.
Còn tâm chúng ta vận hành như thế nào? Muốn biết cũng không đơn giản. Cái “nghe” của Bùi Giáng là tâm nghe tâm, không phải việc dễ làm.
Thế nhưng hãy ngồi xuống, thật lòng xem điều gì xảy ra trong tâm, không chờ đợi mong cầu bất cứ điều gì, nhất là đừng mong một phép lạ, hình ảnh hay quyền năng gì sẽ xảy ra. Đừng ép uổng tâm mình phải yên lặng, rỗng rang, vô niệm hay bất cứ điều gì. Đừng nghĩ đến thành công hay thất bại. Cứ tỉnh táo quan sát xem sao.
Đầu tiên hầu như ai cũng rơi vào một sự lộn xộn, hỗ loạn trong tâm. Thường là hình ảnh của quá khứ gần, của tối hôm qua, sáng hôm kia trở về lộn xộn. Chúng lôi kéo ta đi cả phút, cả chục phút. Ta giật mình thấy ra mình chỉ ngồi suy nghĩ mông lung. Lát sau nữa thì lưng bắt đầu đau, chân bắt đầu nhức và ta sẽ sớm chấm dứt các bài quan sát tâm.
Thế nhưng, nếu kiên trì, tỉnh táo và chú ý, thường thì phải sau vài tháng hay vài năm, ta sẽ nhận ra một điều đơn giản trong tâm. Đó là một dòng hoạt động tâm lý cứ trôi chảy liên tục trong ta. Ban đầu có lẫn vui buồn thương nhớ, về sau cảm xúc ít đi nhưng tâm luôn luôn có hình ảnh, có âm thanh. Đặc biệt, trong âm ta luôn luôn có lời, khi thì đối qua, đáp lại. Luôn luôn có lời nói thầm trong tâm, tôi tạm gọi là “Tâm ngôn”.
Nếu một người luôn luôn nói lảm nhảm, ta gọi hắn là điên. Nhưng thực tế chúng ta cũng luôn nói lảm nhận, chỉ khác với người điên là không nói ra thành tiếng. Các hình ảnh, âm thanh đó trôi chảy như một dòng không bao giờ dứt. Đặc biệt nó không nằm dưới sự điều khiển của ta, nó “tự động” vận hành, như tim phổi chúng ta tự vận hành không cần ta lưu tâm đến. Ai không tin tâm tự vận hành thì hãy nhớ những đêm mất ngủ, ta chỉ mong tâm đừng nói nữa những nó vẫn cứ nói. Và nếu may ta rơi vào giấc ngủ, tâm vẫn tiếp tục nói, sinh ra những giấc mơ.
Thế là tâm nói 24/24. Đừng nghĩ tâm chỉ nói những điều tào lao. Nó cũng rất hây nói những điều cao đẹp, thánh thiện. Tâm ngôn là một tên gọi khác của tư tưởng.. Dù là tư tưởng cao đẹp hay tiếng đối đáp liên tục thường tình của nội tâm, ta nhận ra một điều giản đơn, đó là “cái tôi” không điều khiển được tâm mình, kể cả khi ngồi thiền. Tâm dặn tâm những điều cao đẹp cũng là tâm ngôn. Khi ngồi xuống tự nhủ “hãy lặng yên” thì lời đó cũng chính là tâm ngôn.
Nếu tỉnh táo, kiên trì quan sát thêm vài năm nữa, lúc này thì 10 người đã bỏ cuộc hết 8, 9, ta thấy một điều lạ. Đó là phát hiện ra rằng những điều trong tâm, vui buồn thương nhớ, hình ảnh âm thanh, chúng đến và đi không để lại dấu vết nào cả. Ví như đốt một cây diêm. Một ngọn lửa phát ra. Chục giây sau ngọn lửa tàn. Trước khi ngọn lửa phát ra thì không có lửa, sau đó khi tàn cũng không còn lửa. Không thể nói lửa từ đâu đến và đi về đâu. Lửa chỉ là một hiện tượng nhất thời, đủ điều kiện thì hiện ta. Cũng như thế, đám nây trên bầu trời cũng là một hiện tượng nhất thời. Toàn thể các hình ảnh và âm thanh trong tâm cũng là những hình ảnh nhất thờ. Chúng không đến từ đâu và đi về đâu. Có vị thiền sư nào đó đã nói: “chim hạc bay qua, bầu trời lại yên tĩnh không có dấu vết”. Câu nói nghe thô sơ vậy mà mô tả tuyệt diệu trạng thái của tâm. Trước đó là không, sau đó là không. Đây chính là yếu tính của Tính Không.
Thêm vài năm nữa, lúc này đã gần chục năm trôi qua, lúc tâm đã quen tỉnh giác, ta có thể bắt gặp từng khoảnh khắc của cái tức thời thì có cái lạ nữa sinh ta. Khi đó có tâm nữa, không có tâm ngôn, không có tư tưởng, không có độc thoại hay đối qua đáp lại mà kinh sách gọi là “Không tầm không tứ”, thù chỉ còn ánh sáng, âm thanh và hình ảnh. Cảm nhận của thân cũng biến mấ, như người vô hình. Cái trống rỗng trong tâm tâm như khoảng trống giữa hai đồ vật kê trong phòng. NHư một gian phòng vốn trống rỗng nhưng ta quá nhiều đồ đạc kê chật trong phòng, cái này sát cái kia. Nhưng khi lất đồ đi thì khoảng trống xuất hiện. Khi vắng bặt tâm ngôn thì tâm rỗng rang xuất hiện.
Chắc các bạn hiểu tôi nói gì rồi. Đó là tâm nguyên thủy của ta trống rỗng. Âm thanh, hình ảnh, tâm ngôn trong tâm ví như mây kéo đầy trời, che bầu trời xanh. Mây kéo suốt đời ta. Mây tạo hình thành cái vui cái buồn, cái thiện cái ác, ta chạy theo chúng. Mây còn tạo ra một cái đặc biệt, cái tôi. Cái tôi này cũng như mây được tạo tác ra thôi, nhưng nó tự hào đứng lên và nói ta là chủ các đám mây, cho rằng tất cả các đám mây thuộc cả về hắn.
Thực hành thêm vài năm nữa, và nếu may mắn, trong tâm xuất hiện một tình trạng lạ. Đó là tâm tự biết mình xưa nay vẫn có , nhưng mình hoàn toàn không có tính chất gì cả. Vừa có vừa không có. Có những trống rỗng. Trống rỗng nhưng sẵn sàng hiện tướng. Còn những thứ âm thanh, hình ảnh, tư tưởng, ký ức, cảm xúc… trong tâm đều là những thứ tạm thời xuất hiện. Chúng xem ra có vẻ ghê gớm, chắc nịch, có tác động to lớn khủng khiếp, nhưng khi hết hơi thì chúng không để lại dấu vết gì cả. Chúng chỉ hiện tướng và phát tác dụng, như quạt quay nhanh thì sinh chiếc đĩa tròn và cho gió mát. Lửa sinh ra thì phát sáng và sinh nhiệt, nhưng cúp điện thì đĩa tròn biến mất, hết củi thì ngọn lửa tàn. Sau đó là không có gì.
Tình trạng rỗng rang này của tầm đòi hỏi hành giả chú ý vào cái tích tắc tức thời, quan sát ngay tại đó. Nhưng hành động quan sát này là một hành động vô cùng thụ động. Chú ý nhưng thụ động, thụ động nhưng chú ý. Ta gọi là chú ý trống rỗng, chú ý nhưng không có đối tượng. Ngay từ “chú ý” cũng làm ta sinh lòng chủ động, nên gọi “ghi nhận” một cách thụ động thì đúng hơn. Nếu ta chủ động, dụng công ta sẽ vỡ cái đang là. Cũng sánh như trong vật lý lượng tử, khi ta chủ động đo lường, ta đã phá vỡ dạng sóng của thực tại để hạt sinh ra.
Thế nên vừa giữ thụ động, vừa chú ý, nói gọn là chú ý trống rỗng, là bí quyết của sự quan sát. Ta không lạ khi Phật giáo Tây Tạng hay nêu rõ Trí tuệ là thụ động, là nữ tính. Trong lúc đó phương tiện là chủ động, là nam tính. “Phương tiện” hay “phương tiện thiện xảo là chủ động, là dụng công can thiệp vào cái đang là, trong một tình trạng giác ngộ của tâm hoàn toàn tỉnh giác, sáng tỏ. Trong tình trạng giác ngộ của tâm thì tâm hoàn toàn thụ động nhưng lại hoàn toàn sẵn sàng sử dụng phương tiện. Khi đó Trí tuệ và phương tiện thống nhất với nhau làm một.
4. Nhận thức bằng suy luận tư duy
Tới bây giờ, tổng kết lại thì ta thất thế giới bên ngoài “chỉ” là trướng trạng khi vật chất đang vận động. Còn bên trong, thân cũng như tâm là một tập hợp to lớn hầu như không ai làm chủ. Nhất là tâm lại càng biến đổi nhanh chóng, liên tục, chớp nhoáng, khi có khi không. Cho nên khi ta ngắm nhìn thiên nhiên thì đó là một cái đang vận động nhìn một cái đang vận động khác.
Tư suy suy luận cũng là một hoạt động của tâm. Có hành giả coi nhẹ hoạt động của tâm. Có hành giả co nhẹ hoạt động của tư duy, nhưng thực ra tư tưởng, suy luận vô cùng quan trọng. Ý thức luôn luôn lập công đầu, “công vi thủ”. Thế thì, ta hãy xem tri kiến khoa học và đạo học nói gì về thế giới và liệu ta có chứng thực được không.
Những phát hiện của ngành vật lý hạt nhân cho thấy trong mức độ nhỏ nhất của vật chất, trong mức độ hạ nguyên tử, các hạt cơ bản tồn tại rất ngắn ngủi, khi có khi không, xem như hoán chuyển được với cái mà ta gọi là năng lượng. Thực tại vật lý có thể xem là trống rỗng, nhưng không phải là không có gì mà lại là một trường năng lượng rất lớn, khi đủ điều kiện thì sẵn sáng chuyển hóa trở thành hạt cơ bản. Hiện tại khoa học vật lý còn phát triển mạnh nhưng ta có thể tạm thời kết luận như thế.
Thế thì các vị thánh hiền phương Đông quan niệm thế nào? Trước hết có một điều vô cùng đáng ngạc nhiên, đó là các vị thánh nhân Phật giáo khái quát mọi hiện tượng cả tâm lẫn vật trong một khái niệm mệnh danh là “Pháp hữu vi”. Họ tóm chung hiện tượng tâm vật, xác định tính chất chung nhất của chúng là những “hiện tượng được tạo thành” (hữu vi – composed things). Tất cả những gì được tạo thành, dù là do nhiều phần tử khác hợp lại, hay do các điều kiện khác sinh ra, được gọi là pháp hữu vi. Như thế thì từ mỗi hạt nhân nguyên tử đến cả các thiên hà vĩ đại, đều là pháp hữu vi cả. Thân chúng ta và các cơ quan trong thân từ hơi thở cho đến các bộ phận cũng đều là pháp hữu vi. Chưa hết, cả mọi hiện tượng tâm lý cũng pháp hữu vi, vì tất cả đều sinh ra từ các điều kiện khác. Về triết học, đây là sự khái quát hóa cao nhất. Thế là mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều là pháp hữu vi.
Như trên có nói, chúng ta đa số là nhà duy thực, ta xem các hiện tượng thế gian, nhất là cật chất và thiên nhiên đều có thực, chúng thực là như ta thấy chúng. CÒn các vị đó nói sao về “pháp hữu vi”, về tất cả hiện tượng thế gian? Họ nói như sau:
Tất cả các pháo hữu vi
Như cơn mộng, như ảo ảnh, như bọt nước, như bóng
Như sương mai, như ánh chớp
Nên quán chúng như thế
(Kinh Kim Cương, dịch bản chữ Hán của Cưu Ma La Thập)
Trong đoạn kinh trên, các vị nêu 6 ẩn dụ để mô tả thực tại tâm vật: cơn mộng, ảo ảnh, bọt nước, bóng, sương mai, ánh chớp.
Ta không rõ vì lý do gì mà dịch giả Cưu Ma La Thập không dịch hết các ẩn dụ trong bản Phạn ngữ. Trong bản Phạn ngữ có đến 9 ẩn dụ nư sau: “Như sao đêm, như mắt loạn, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như sương mai, như bọt nước, như cơn mộng, như ánh chớp, như đám mây – những gì hữu vin nên được quán chiếu như vậy”.
Hãy bó qua con số 6 hay con số 9 của các dụ. Dù 6 hay 9, số lượng của các ẩn dụ này cho thấy một điều quan trọng. Đó là không có ẩn dụ, mô hình nào đúng hẳn cả, vì nếu có mô hình nào là thực tại thực sự thì hẳn các vị đã nói lên một cái duy nhất rồi. Ta có thể suy đoán là các vị thánh nhân thấy thực tại không thể dùng ngôn từ để diễn bày nen đành dùng lấy ẩn dụ, mô hình cho ta dễ hiểu. Cũng thế, trong vật lý lượng tử, ngôn ngữ thông thường hầu như không diễn tả được thực tại đầy “nghịch lý” của nó.
Thế thì ta có thể suy luận gì từ 9 mô hình, 9 ẩn dụ nói trên? Tính chất của các hiện tượng đó, thông qua các mô hình ẩn dụ, là ngắn ngủi, là tạm thời, biến đổi liên tục, có nhưng không thực có, trống rỗng, chỉ là mặt ngoài, thấy vậy nhưng không phải vậy.
Các tri kiến đó đối với ta đều là cái biết gián tiếp. Nhưng những ai đã từng ngồi xuống, lặng lẽ, thụ động, thực hành chú ý trống rỗng, nhắm nhìn quan sát và ghi nhận tâm mình và vật thể xung quanh đều có thể trải nghiệm lại một số các mô hình mà các vị thánh hiền đã nêu lên, đồng thời tự thấy thêm những hình ảnh khác. Thậm chí trong thế giới ngày nay ta có thể tự nêu lên những ẩn dụ mới mẻ, không cần dựa vào ẩn dụ kiểu cũ. Chiếc quạt máy theo tôi là một ẩn dụ dễ áp dụng.
Suy luận từ các ẩn dụ mô hình là vô cùng quan trọng vì là bảng chỉ đường trực tiếp nhất. Nhưng vì là bảng chỉ đường nên ta nhìn xong là đi tiếp, không dừng lại. Nếu dừng lại lập tức nó trở thành trướng ngại.
5. Nhận thức bằng cách buông bỏ
Đi tiếp nhưng đi đâu? Thật ra chẳng có đường sá gì cả. Cuối cùng “đi tiếp” là buông bỏ cho các pháp hữu vi tự vận hành. Thế nào là buông bỏ, buông bỏ cái gì?
Tới nay ta thường nghĩ, nhạn thức là một quá trình làm giàu thêm cho tâm. Nhận thức là thêm, thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm, thêm phán đoán. Nhận thức chỉ có một chiều “thêm”.
Thế nhưng nếu khéo quan sát, ta sẽ thấy kiến thức và kinh nghiệm là một con dao hai lưỡi. Kiến thức giúp ta hiểu thấu sự vật nhưng đến mức nào đó nó hình thành chướng ngại. Cái thấy sinh cái biết, đến phiên nó cái biết lại ngăn cản cái thấy.
Đóa hoa vừa xuất hiện trước mắt. Ta chưa kịp thưởng thức nó thì khái niệm về hoa và kinh nghiệm trong ta liền lên tiếng: “Đây là loại hoa hồng gai mềm hay trồng tại Đà Lạt. Có nhiều màu đẹp hơn nhiều”. Ta không thấy thực tại mà chỉ nghe lời nói của chính ta. Cacis biết cũ xưa về hoa đã ngăn ta thấy đóa hoa tinh khôi.
Nếu so sánh kiến thức như những viên gạch nằm trong kho chứa khổng lồ của tâm thì kiến thức và kinh nghiệm thường rất hay có khuynh hướng tự mình xây nên một lâu đài và giam giữ ta trong đó. Có ai nói: “Có thể xây địa ngục bằng những viên đá của thiện chí” thì ở đây ta có thể nói nhại rằng: “Có thể xây lâu đài trú ẩn bằng những viên đá của kiên thức và kinh nghiệm”.
Có lẽ chúng ta từng thấy rất nhiều người, phần lớn là lớn tuổi và nhiều kiến thức tự xây cho mình một lâu đài của thành kiến, kinh nghiệm, khái niệm, thang giá trị thiện các, đúng sai… và ẩn trú trong đó. Họ bít cả các cửa sổ lớn, bản thân họ không ra ngoài và cũng không cho những gì mới mẻ lọt vào. Ánh sáng mặt trời cũng không vào, họ tự đốt đèn bằng chất dầu mang tên “từng biết – well known” và vui sống trong đó.
Có thể chúng ta cũng đang ở trong góc sâu kín nhất của lâu đài. Thế nhưng nhìn quanh lờ mờ có vài bảng chỉ đường của thánh hiền. Nếu theo bảng chỉ đường đó đi vào ba bước ta thấy một chút ánh snags lạ. Nếu tâm mở rộng và thử đi theo ánh sáng đó thì xa xa là những cửa sổ, cửa lớn lấp lánh ánh sáng. Mạnh dạn mở toang những cánh cửa đo, tức là hai cửa của Nghe và Nhìn. “Mở toang” là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng. Ta sẽ thấy ánh sáng mặt trời luôn luôn có ở đó.
Nói “ra ngoài” là nói ẩn dụ. Tâm không có trong ngoài. Tóa lây đài nọ xây dựng bằng những viên gạch của tâm. Buông bỏ nó, phá hủy nó cũng là hoạt động của tâm. Chỉ cần thấy xuyên suốt tự tính của nó là đã phá hủy nó rồi, rất dễ. Nhưng cũng vô cùng khó, vì như Arbert Einstein nói, phá bỏ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử. Rất dễ nên nhà Thiền mới buông dao quay đầu là thành Phật. Rất khó nên không mấy ai thành tựu, trước khi thành tựu, Phật cũng phải tu vô lượng kiếp. Về phần tôi, tôi cũng thấy rất khó vì phải bơi ngược dòng tất cả mọi thói quen.
“Bên ngoài” ra sao? Bên ngoài những lâu đài kín cửa là một không gian vô cùng thanh tịnh. Huệ Năng đã từng thốt lên: “Ai dè tự tánh vốn sắc thanh tịnh”. Lục tổ mà thốt lên “ai dè” thì chúng ta khó mà ngờ đến. Phía trên ta nói “giữ tâm rỗng rang” là nói cho người trong nhà đi lần ra cửa lâu đài, chứ ở bên ngoài rồi chỉ cần để tự nhiên, tâm vốn rỗng rang, tâm vẫn luôn luôn chú ý, tâm vốn luôn luôn tỉnh thức. Cho nên ra ngoài thì cũng bỏ luôn sự chú ý vì lúc đó chính ta là sự chú ý.
Có thể các bạn hỏ tôi chứng nghiệm được cái gì. Lòng tôi vẫn còn đầy ngập các đám mây. Nhưng mây thỉnh thoảng vén ra cho thấy chút trời xanh. Tôi chỉ ghi nhận được rất ngắn là: Thực tại chính là toàn thể pháp hữu vi đang vận hành chớp nhoáng, vô chủ, cái này sinh ra cái kia, làm điều kiện lẫn nhau để sinh ra và diệt đi. Sinh diệt vô tận.
Không ai điều hành sự vận hành các pháp, chúng tự vận hành. Không có Thượng đế, không có quan tà thưởng phạt.
Còn chúng ta là ai? Mỗi cá nhân chúng ta là một tiêu điểm của sự ghi nhận. Tiêu điểm để các pháp hiện lên chứ tiêu điểm không phải là chủ nhân các pháp. Bạn ngồi đó và ghi nhận các pháp như tim đập, hơi thở ra vào, hơi nóng trong thân, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, ánh sáng, hình ảnh… Tất cả chúng là pháp và chúng vận hành vô chủ. Vô chủ nhưng vận hành hoàn hảo. Thỉnh thoảng có tư tưởng, ý niệm, ký ức hiện ra , nhưng các pháp đó lại biến mất. Tiêu điểm chỉ ghi nhận, không chạy theo chúng, không nạp cho chúng thêm năng lượng nên chúng diệt mất, như hết củi lửa tan. Để có khái niệm về “tiêu điểm” này, các bạn hãy nhớ đến khái niệm ảnh toàn ký (Holographie), trong đó một điểm trong ảnh chứa toàn bộ chi tiết của cái tất cả.
Các pháp vận hành nhanh chóng, chớp nhoáng, nhanh hơn cả máy vi tính. Trong sự vận hành đó hiện ra thế giới và con người.
Nhưng cũng không phải ta ngồi đó hoàn toàn bất lực trước các pháp xảy ra. Có khi có một pháp hiện lên, muốn “can thiệp” vào thực tại thì pháp đó thông qua tiêu điểm đó để can thiệp vào thực tại. Trong tình trạng giác ngộ thì sự can thiệp đó gọi là “phương tiện thiện xảo”. Còn chúng ta cũng luôn can thiệp vào thực tại nhưng trong tâm vô minh cái đó là hành động thông thường.
“Can thiệp vào thực tại” nghe có vẻ to tát nhưng thật ra rất bình thường. Thí dụ thông thường: Đang ngồi thiền, cảm giác ngứa nổi lên, ví dụ tịa mũi. Bạn chủ động đưa tay gãi mũi. Lúc đó bạn đã can thiệp vào thực tại. Và hành động gãi rất hoàn hảo. Pháp trong dạng tự nhiên hoạt động luôn luôn hoàn hảo.
Tất cả các pháp hiện lên tại tiêu điểm cá thể, tất cả các pháp tác động vào thực tại cũng thông qua tiêu điểm cá thể. Mỗi chúng ta là một điểm của bức ảnh toàn ký vĩ đại mà ta gọi là Tâm. Tất cả hiện ra trong một Từ một (tiêu điểm) tác dụng lên tất cả. Chắc có ai trong bạn đang nhớ đến tư tưởng kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả trong một, một trong tất cả”. “Tất cả trong một” là nội dung Trí tuệ, “Một trong tất cả” là nội dung của phương tiện thiện xảo.
Lặp lại tư tưởng Hoa Nghiêm, tôi cảm nhận run sợ vì cừa chạm đến những điều mình không biết, mình không trải nghiệm. Tôi chỉ là kẻ sơ cơ, còn trú trong lâu đài nọ, mới mò đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy chút trời xanh. Nhưng vừa thấy trời xanh thì tâm tôi quen thói đưa khái niệm vào giải thích, lập tức bị ném ngược trở lại. làm sao tôi biết được tri kiến của những ai đã an trú trong trời xanh được?
Hẳn có bạn tò mò hỏi: “Thế thì làm sao ra bên ngoài, làm sao bỏ lại đằng sau tòa lâu đài?” . Tôi chỉ lặp lại lời kinh làm Huệ Năng bừng tỉnh: “Đừng nên dựa vào đâu cả”, ưng cô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Vô sở trụ: you must be Nonlocal; Sinh kỳ tâm: for the appearing of this mind).
Tức là không dựa vào đâu, buông bỏ tất cả, buông cả lời kinh, bỏ luôn sự buông bỏ. Tất cả kinh sách đều là bảng chỉ đường và năm tron lâu đài. Kinh sách là ngón tay chỉ mặt trăng. Phải quên tay mới thấy trăng.
“Nói ra nghe thử”. Nếu quý bạn muốn nghe một lời thổ lộ chân thành thì vừa rồi là một sự chân thành. Tôi không loại bỏ mình sau lầm, phiến diện, hời hợt, không đầy đủ. Tôi không có chút tham vọng thuyết phục ai về luận giải, triết lý gì cả. Tôi cũng không dám khuyên ai bơi ngược dòng, ngồi xuống bồ đoàn, thực hành chú ý trống rỗng, thụ động ghi nhận. Tất cả chỉ là lời tâm sự.

TS.Nguyễn Tường Bách
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 03/2015

Ấn Độ: Chùm ảnh Hiệp hội Dhomey, Pháp tổ chức Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tu viện Main

Ấn Độ: Chùm ảnh Hiệp hội Dhomey, Pháp tổ chức Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tu viện Main

Đăng lúc: 21:01 - 23/06/2015

Văn phòng Chính phủ Tây Tạng lưu vong, Dharamsala đưa tin – 22/06/2015 đã diễn ra buổi lễ mừng Sinh nhật Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma, do Hiệp hội Dhomey, Pháp tổ chức tại Tu viện Main, Dharamsla, Ấn Độ.
Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ cho biết: “Tôi tham dự Lễ mừng Sinh nhật Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma với tất cả lòng chí thành cung kính ngưỡng mộ lòng Từ bi, đức Đại hùng lực của vị lãnh đạo tinh thần dân tộc Tây Tạng, Ngài không chỉ dẫn dắt nhân dân Tây Tạng trên hành trình xây dựng xã hội an lạc hạnh phúc mà cho cả nhân loại thế giới nói chung.
Đức Đạt Lai Lạt Ma không những được sự ngưỡng mộ của các lãnh đạo Chính phủ Tây Tạng lưu vong, mà còn là một kiến trúc sư của nền hòa bình, sự tĩnh lặng bình yên, tình hữu nghị thiện chí giữa các quốc gia, trong đó Ngài được công nhận bởi cộng đồng nhân loại thế giới.
Chúng tôi vô cùng hạnh phúc được sự hiện diện của đức Đạt Lai Lạt Ma, Chính phủ Tây Tạng lưu vong, cộng đồng Tây Tạng cùng hòa mình chung sống hài hòa tại Dharamshala, bang Himachal Pradesh chúng tôi đang lãnh đạo”.
Ông Edward John, một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng Canada, hồi tưởng lại chuyến công du hoằng pháp tại Australia của đức Đạt Lai Lạt Ma, nơi Ngài gặp gỡ với một nhóm người bản địa, và chia sẻ về Văn hóa ngôn ngữ của họ, tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy chung cho gia đình nhân loại.
“Trong thâm tâm tôi vô cùng ngưỡng mộ và tri ân Ngài, cho con cháu và hơn 370 triệu người dân bản địa trên toàn thế giới, làm thế nào cùng nhắn gửi Thông điệp cho nhau”.
Ông cung kính dâng lên món quà Sinh nhật, một tấm khăn choàng màu sắc cổ truyền Canada, như một dấu hiệu của lòng biết ơn sâu sắc đến đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong bài phát biểu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về hoàn cảnh của người dân bản địa ở các nước khác nhau. Ngài nói rằng những thổ dân phải được giáo dục, để họ có thể học hỏi, hòa mình với nếp sống văn minh hiện đại.
Nói về việc bảo tồn truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, Ngài nhấn mạnh rằng: “Ngôn ngữ văn tự là điều kiện tiên quyết để bảo tồn truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Khi nói đến cộng đồng Tây Tạng, tôi vô cùng tri ân và tự hào về tổ tiên của mình để có một kịch bản Tây Tạng rất phong phú”.
Ngài nhớ lại buổi chia sẻ với những người bản xứ da đen với tinh thần cảm xúc. Ngài bày tỏ nỗi buồn của mình khi người đàn ônglại tin rằng bộ não của người đàn ông da đen hạn chế hơn bộ não của người đàn ông da trắng. Đề cập đến vấn đề mặc cảm tự ty của thổ dân, Ngài nói rằng Trung Quốc đã đối xử với người Tây Tạng rất thiếu văn minh. Có phải người Tây Tạng không biết kềm chế bởi cơ hội hạn chế, họ sẽ có được ngang bằng với người dân Trung Quốc. Thế kỷ 21 là thế kỷ của sự bình đẳng, dân chủ, văn minh.
Ngài tiếp tục chia sẻ về ý nghĩa của sự đoàn kết và phụ thuộc lẫn nhau. Ngài nói rằng: “Mình là Trung tâm” là nguyên nhân, cội gốc của tất cả những rắc rối trên thế giới. Do thái độ ích kỷ, thế giới không bao giờ hết tạo ra vấn đề. Chúng ta sống trong một cộng đồng mà chúng ta không không thể hòa nhập thì tự chúng ta bị cô lập, do đó chúng ta phải phụ thuộc vào người khác. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào sự tích cực lành mạnh của nhân loại thế giới”.
Chia sẻ cảm nghĩ của mình về hạnh phúc, Ngài nói rằng bản chất thực sự của nhân loại đang bị thương hại từ người sáng tạo ra thế giới, mình là hiện thân của tình yêu và lòng từ bi. Tình yêu và lòng từ bi là bẩm sinh trong mỗi con người, vì được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của người mẹ.
Nếu thiếu tình yêu thương và lòng từ bi, đối với hệ thống giáo dục hiện nay nếu chỉ tập trung vào nhu cầu vật chất, Ngài nhấn mạnh sự cần thiết để mang lại sự tập trung bằng giá trị bên trong của tiềm năng tri thức và đạo đức của con người.
Chùm ảnh Hiệp hội Dhomey, Pháp tổ Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tu viện Main Dharamsla, Ấn Độ. Trân trọng kính mời quý bạn đọc cùng chia sẻ:

Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ dâng lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma, theo nghi lễ truyền thống Tây Tạng


Một nhóm Sinh viên Mỹ tham dự Lễ mừng Sinh nhật Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ xem triển lãm Văn hóa PG Tây Tạng, dịp Lễ mừng Sinh nhật Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị khách đặc biệt tham quan phòng sách báo, Văn hóa phẩm PG Tây Tạng, dịp Lễ mừng Sinh nhật Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma trao tặng Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ, một bức tranh Tôn giả Shantarakshita (Tịch Hộ), Tiến sĩ Lobsang Sangay (洛桑森格- Lạc Tang Sâm Cách), Thủ tướng Chính phủ Tây Tạng lưu vong (Sikyong), cầm bức tranh Tôn giả chiêm ngưỡng, và quan khách đặc biệt, dịp lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Quan cảnh tiệc mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Một trong hàng nghìn người tham dự lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh,Ấn Độ cắt bánh Sinh nhật khánh tuế chúc thọ bát tuần cho Ngài, lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Ông Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ cung kính dâng bánh Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Quan cảnh Lễ Mừng Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma thật trang nghiêm long trọng, lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Một Thanh niên mặc trang phục truyền thống dân tộc Tây Tạng quỳ gối, ngâm những vần Thơ kính mừng Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Một số thành viên đứng che ô trong cơn mưa, cùng tham dự lễ mừng Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma, lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Đội Văn hóa Nghệ thuật Tây Tạng biểu diễn một vũ khúc truyền thống dân tộc, kính mừng Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma choàng khăn truyền thống Canada, món quà Sinh nhật 80 tuổi, lễ mừng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma


Thế hệ trẻ Sinh viên Phật giáo Tây Tạng cung kính chắp tay mừng Sinh nhật, Khánh tuế chúc thọ bát tuần đức Đạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma tay cầm đĩa DVD, và Cư sĩ Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ, giới thiệu nội dung phim tài liệu về cuộc sống của các trẻ em Trường TCV Làng thượng Trẻ em Tây Tạng, Dharamsla, Ấn Độ, đây là quà tặng Sinh nhật đức Đạt Lai Lạt Ma 80 tuổi. 22/06/2015





Đức Đạt Lai Lạt Ma và Cư sĩ Virbhadra Singh, Bộ trưởng Bộ Himachal Pradesh, Ấn Độ, cùng quan chức cao cấp Ấn Độ, Tây Tạng lưu vong xem phim tài liệu về cuộc sống của các trẻ em Trường TCV Làng thượng Trẻ em Tây Tạng, Dharamsla, Ấn Độ. 22/06/2015

Thích Vân Phong (Tin từ VP Chính phủ Tây Tạng lưu vong - Ảnh: Tenzin Cheojor)

Hoa Kỳ: Phật tử Campuchia vui mừng đón nhận ngôi chùa mới tại Utah

Hoa Kỳ: Phật tử Campuchia vui mừng đón nhận ngôi chùa mới tại Utah

Đăng lúc: 20:34 - 22/06/2015

Cuối tuần qua, khoảng 60 nhà sư từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại bang Utah để chúc mọi điều an lành cho ngôi chùa Phật giáo Campuchia mới nhất và duy nhất tại tiểu bang này. Đó là một nghi lễ mà hầu hết các Phật tử hiếm khi được chứng kiến, vì những ngôi chùa mới đặc biệt tại Mỹ, hiếm khi được xây dựng và trụ vững đến hơn một thế kỷ.

Hoa-ky-phap-bao

Bên ngoài ngôi chùa Wat Buddhikaram

bai 113-2

Hơn 60 nhà sư từ khắp nơi trên thế giới đã về dự lễ khánh thành chùa Wat Buddhikaram

pb

Các Phật tử cầu nguyện trong buổi lễ

“Đây là một dịp đặc biệt đối với người dân địa phương”, trưởng ban trị sự chùa Wat Buddhikaram cho biết. Hơn 30 năm qua, giáo đoàn địa phương bao gồm khoảng 300 gia đình đã sử dụng một nhà để xe cũ để làm nơi thờ phượng và sinh hoạt tâm linh. Tuy nhiên, cộng đồng Phật tử Campuchia tại địa phương lại mong muốn có một ngôi chùa thật khang trang. Họ đã thực hiện các chiến dịch quyên góp, vận động các mối quan hệ, thời gian và công sức của mình để xây dựng được một ngôi chùa mới rộng hơn 1000 mét vuông dành cho các thế hệ Phật tử sau này tại Utah.

Một nhà sư Campuchia đến từ California cho biết: “Một ngôi chùa Campuchia tại Hoa Kỳ là rất cần thiết cho việc bảo tồn Phật giáo và các nền văn hóa tại đây”. Sau ba ngày của các nghi lễ tôn giáo, vào ngày thứ sáu, ngôi chùa sẽ chính thức đón nhận các nhà sư địa phương đến tu tập. Các nhà sư sống trong những ngôi nhà nhỏ giờ đây đã có thể yên tâm trì kinh và cầu nguyện trong một ngôi chùa khang trang.

Một thành viên trong cộng đồng Phật tử địa phương rất vui mừng và hy vọng ngôi chùa mới này sẽ nơi cho thanh niên tìm hiểu chi tiết hơn về Phật giáo cũng như tạo điều kiện để họ tỏ lòng tôn kính với các nhà sư. Ông cũng cho biết thêm “Tôi cảm thấy cộng đồng chúng tôi ở bên nhau ngay bây giờ, giữa chúng tôi có một sự liên kết rất mạnh mẽ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ khánh thành một ngôi chùa trong vòng 55 năm qua”. Một linh mục tại địa phương tham dự lễ khánh thành, cũng bày tỏ lòng tôn kính của mình với Phật giáo, vì theo ông Phật giáo đem đến cho mọi người cái nhìn trung thực và thực tế về cuộc sống, cái chết.

Một vài sợi vải được quấn quanh ngôi chùa và trên trần của điện thờ chính. Đây được xem như một nghi thức tâm linh để “lưu giữ” lại những lời chúc của các vị sư dành cho ngôi chùa.



Theo Pháp Bảo

Con đường Bồ-tát

Con đường Bồ-tát

Đăng lúc: 04:31 - 21/06/2015

Con đường Bồ-tát, con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, không phải là pháp tu để thành thánh mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong đạt được.

Con đường Bồ-tát - con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa - không phải là pháp tu để thành thánh, thành tiên, mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong thành tựu được. Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche giải thích rằng, ai phát nguyện tu hạnh Bồ-tát thì chỉ có một lời nguyện đơn giản là: lo cho chúng sinh trước hết và không giữ lại gì cho chính mình.
Tu hạnh Bồ-tát là phát nguyện lo cho chúng sanh trước bản thân. Đó là một lời tuyên bố tự nguyện hy sinh bản thân mình, ngay như cả hy sinh sự giác ngộ của mình vì tất cả mọi loài. Và một vị Bồ-tát là một người chỉ sống vì hạnh nguyện đó, hoàn thành công hạnh qua việc thực hành sáu ba-la-mật (lục độ) - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - nỗ lực để giải thoát cho tất cả hữu tình.


Phát nguyện tu hạnh Bồ-tát bao hàm ý rằng mình mở rộng lòng đón mời thế giới mình đang sống và không cầm giữ, hay bảo vệ bất cứ cái gì cho bản thân. Nghĩa là, mình tự nguyện chấp nhận một trách nhiệm rộng lớn, bao la. Đúng ra, nó có nghĩa là tạo một duyên lớn. Nhưng việc tạo ra một nhân duyên rộng lớn như vậy không phải để làm một anh hùng rơm hay phục vụ cho cá tính lập dị của mình. Mà nhân duyên này từng được hàng triệu Bồ-tát, như các bậc đã giác ngộ và các vị đại sư, đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, một truyền thống chịu trách nhiệm này đã được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và giờ đây, chúng ta cũng đang tham gia vào cái truyền thống sáng chói và danh giá này.
Có một dòng truyền thừa con đường Bồ-tát không gián đoạn, bắt nguồn từ đại Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Vajrapani), và Văn Thù (Manjushri). Nó không gián đoạn vì không Bồ-tát nào trong dòng truyền thừa này, qua nhiều thế hệ và thế kỷ, sống tham đắm bảo vệ cho mình. Thay vì vậy, các Bồ-tát này liên tục nỗ lực tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Di sản này đã được truyền lại không gián đoạn, cho đến ngày hôm nay, không phải là một huyền thoại, mà là một bằng chứng sống.
Sự trong sạch của truyền thống này rất có uy lực. Việc chúng ta phát nguyện tu theo hạnh Bồ-tát là một điều rất cao quý và vinh dự. Với một truyền thống gom hết tâm ý cho tinh thần Bồ-tát như vậy nên ai mà chưa gia nhập vào sẽ cảm thấy mình còn tệ lắm. Họ có thể ganh tức với một truyền thống phong phú như vậy. Nhưng gia nhập vào cũng sẽ khiến mình cảm thấy có một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mình sẽ không còn có ý định tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân; mình phải làm việc với những thứ khác. Nghĩa là làm việc với những thứ liên quan đến bên trong bản thân, như là tính toán tương lai cho mình, tình cảm cá nhân, mong muốn làm cho đời mình thoải mái hơn…; và làm việc với những thứ liên quan với thế giới bên ngoài, như là thế giới đang hiện hữu ngoài kia, nào là con cái la khóc, dĩa chén dơ bẩn, rối loạn đường tu, và đủ loại chúng sanh…
Vậy, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là một cam kết thật sự vì nhận thấy những khổ đau và vô minh của chính bản thân và của các hữu tình khác. Cách duy nhất, để có thể phá vỡ màn vô minh và khổ đau, và tu tập để thành tựu đạo giác ngộ, là phải tự nhận chịu trách nhiệm. Nếu mình không làm gì với tình trạng vô minh này, và nếu mình không tự giải quyết vấn đề này, thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Mình không thể lệ thuộc vào người khác làm việc này cho mình. Đây là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta có một sức mạnh kinh thiên để làm thay đổi nghiệp lực của thế gian này. Vậy, phát nguyện đi con đường Bồ-tát, chúng ta đang công nhận rằng chúng ta sẽ không tiếp tục làm kẻ đồng lõa với những hỗn loạn và khổ đau trong thế gian này. Ngược lại, chúng ta là những người giải phóng, những Bồ-tát, mong muốn tự cứu độ mình, cũng như cứu độ những người khác.
Quyết định cứu độ người khác cần có sự cảm hứng rộng lớn. Mình không còn nỗ lực để biến mình thành một kẻ vĩ đại. Mình chỉ đơn giản muốn làm một con người với thực tâm muốn cứu giúp người khác; nghĩa là, chúng ta phát huy vượt bậc cá tính vị tha, một đặc tính luôn thiếu thốn trên thế gian này. Noi gương Phật Thích Ca, người đã từ bỏ ngai vàng để cống hiến đời mình cho chúng sinh, chúng ta, cuối cùng rồi, cũng trở thành người giúp ích cho xã hội, nhân quần.
Mỗi người chúng ta có thể đã khám phá ra một ít sự thật, như là sự thật về thơ văn, phim ảnh, hay vi sinh vật, mà có thể dùng để giúp ích cho người khác. Nhưng chúng ta hay có khuynh hướng dùng những sự thật như vậy để xây đắp uy tín, tiếng tăm riêng cho mình. Chỉ lo phát huy những sự thật đó cho mình là một hướng hành động ích kỷ, thấp hèn. Ngược lại, công hạnh của một vị Bồ-tát là không cần uy tín, tiếng tăm. Chúng ta có thể bị đánh đập, hành hạ, hay bạc đãi, nhưng chúng ta vẫn tử tế và tự nguyện giúp ích người khác. Đây là một công việc hoàn toàn không được công trạng, nhưng lại rất chân thật và uy dũng.
Phát nguyện con đường Đại thừa bao la nghĩa là từ bỏ cá nhân và phát huy tâm tánh rộng lớn hơn. Thay vì tập trung vào kế hoạch nhỏ nhoi của mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình để ôm trọn cả thế gian, thiên hà, và vũ trụ.
Muốn thực hiện tâm bao la như vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu tình hình thật rõ ràng và toàn diện. Chúng ta cần phải phát triển tâm từ bi để loại trừ bản ngã vì bản ngã sẽ khiến giới hạn tầm nhìn và làm sai lạc hành động của mình. Theo truyền thống, mình phải bắt đầu bằng việc khai mở lòng từ bi với chính mình, rồi hướng tâm này đến những người gần gũi mình nhất, và sau hết, là tất cả mọi loài chúng sinh, kể cả kẻ thù của mình. Tột cùng, chúng ta xem tất cả mọi loài chúng sinh như là những người mẹ ruột thịt của mình. Chúng ta có thể chưa theo đúng con đường truyền thống ở thời điểm này, nhưng mình có thể phát huy thêm tâm tính rộng lượng và hòa nhã. Điểm chính là mình phải bắt đầu bằng cách bắt tay vào việc trước.
Thông thường chúng ta hay bị mắc kẹt với cách cư xử ở đời: “Anh ta sẽ nói lời xin lỗi trước hay là tôi phải nói xin lỗi trước?”. Nhưng khi trở thành một vị tu theo hạnh Bồ-tát, chúng ta phá cái rào cản đó: mình không đợi người kia làm, mà mình đã quyết định tự làm trước. Con người có quá nhiều vấn đề và chính vậy, mà họ khổ vì đó. Và chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ, những khổ đau đang xảy ra trong đất nước mình, chưa nói là cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới đang hứng chịu khổ đau vì thiếu từ bi, giới luật, kham nhẫn, tinh tiến, thiền định, và tuệ giác. Điểm chính của sự khởi đầu phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là không tìm cách cải đạo người khác; cần quan niệm rằng là chúng ta nên đóng góp cái gì đó cho thế giới, chỉ bằng sự tương trợ và hòa hợp theo tính cách riêng của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, mình công nhận rằng mình có thể thực hiện được công hạnh đó trong thế giới này. Từ quan điểm của một Bồ-tát, không có gì khó khăn và không chữa trị được trong cuộc đời này. Noi theo đời sống điển hình của Phật cùng chư đại Bồ-tát, và trong những lời dạy đầy cảm hứng của Phật pháp, không gì không làm được trong thế gian này. Chúng ta có thể tham gia vào công cuộc vận động của chư Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh một cách đúng đắn, đầy đủ, và triệt để mà không bị chấp thủ, vô minh, và sân hận quấy phá. Một công cuộc như vậy là sự phát triển một cách tự nhiên của việc thực tập thiền quán vì thiền quán mang đến việc cảm nhận được tính vô ngã.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta mở lòng đón nhận những yêu cầu của chúng sinh. Nếu ai cần đến chúng ta, mình không nên từ chối; nếu chúng ta được mời làm bậc phụ huynh, mình sẽ không từ nan. Nói một cách khác, mình phải có sự thích thú trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khác, và sự biết ơn đối với thế giới quanh mình và các chúng sinh sống trong đó. Đây không phải là một vấn đề dễ làm! Việc này đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn phụng sự không mỏi mệt và kham nhẫn với tất cả những sự điên rồ, ích kỷ, đáng kinh tởm của người mình phụng sự; hơn vậy, chúng ta luôn biết ơn và dọn sạch những thứ đó cho họ. Chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng cho phép những tình cảnh như vậy xảy ra dù phải chịu một chút bất tiện; chúng ta chấp nhận những khó khăn và choáng ngộp do những tình huống trên gây ra cho mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát nghĩa là chúng ta phát tâm sống đời sống hàng ngày của mình theo lời Phật dạy. Hành trì như vậy giúp chúng ta đủ trưởng thành để không giữ gì lại cho mình. Tài năng thế tục của chúng ta không bị chối bỏ, mà còn được tận dụng làm một phần của quá trình học và tu. Một vị Bồ-tát có thể dạy Phật pháp trong hình thức hiểu biết về mặt kiến thức, nghệ thuật, và ngay như cả thương mại. Như vậy, dấn thân vào con đường Bồ-tát, chúng ta tiếp tục tận dụng những tài năng của mình theo hướng giác ngộ, mà không bị chúng đe dọa hay làm xáo trộn. Lúc đầu những tài năng thế tục của chúng ta tưởng đã bị “tước bỏ,” vì một phần hiểu lầm, nhưng giờ đây chúng ta đang làm chúng sống lại. Chúng có thể được nẩy mầm thêm nhờ có Pháp bảo, Tăng bảo, và sự kham nhẫn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo mọi tình huống trong đời sống. Tất nhiên, vẫn còn một ít hiểu lầm sẽ xảy ra! Nhưng đồng thời cũng thấy có một tia sáng của sự khai thông và một tiềm năng vô hạn.
Vào thời điểm này, mình cần phải tin tưởng chính mình mà nhảy vào cuộc. Chúng ta, thực ra, có thể điều chỉnh bất cứ những ý tưởng kích động, hay thiếu lòng từ bi nào xảy ra, mà có tính cách chống phá Bồ-tát hạnh; mình có thể nhận ra sự điên đảo của mình và chuyển hóa nó, thay vì là cố tình che giấu hay loại bỏ nó. Theo cách này, những hình thức suy tư điên đảo sẽ được hóa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp ‘làm việc’ với sự điên đảo của mình thì nó liền trở thành một hành động từ bi. Bản năng thông thường của con người là tính lợi cho mình trước và chỉ làm bạn với ai nếu họ có thể đem lợi lạc về cho mình. Đây có thể gọi là “bản năng của loài khỉ” (ape instinct).
Nhưng trong trường hợp của hạnh nguyện Bồ-tát, chúng ta đang nói về một loại bản năng siêu phàm, thâm sâu và đầy đủ hơn hết. Được gợi hứng từ bản năng này, chúng ta tự nguyện chấp nhận cái cảm giác trống vắng, kiệt sức, và xáo trộn. Nhưng chính nhờ sự tự nguyện khiến mình cảm nhận được như vậy, và cùng lúc, mình cũng có thể ra tay cứu giúp người. Như vậy, chúng ta vẫn còn chỗ dành cho sự lẫn lộn, rối tung, và ngã ái của mình vì chúng là những viên gạch nền tảng. Ngay như những phiền não xảy ra trong lúc tu theo con đường Bồ-tát đều là một cách để xác định sự quyết tâm của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta thực sự biến mình thành tài sản chung cho mọi loài chúng sanh: tùy theo hoàn cảnh, mình tự nguyện làm một đại lộ, một con thuyền, một cái sàn nhà, hay là một căn nhà… Chúng ta cho phép tất cả hữu tình sử dụng chúng ta bằng mọi cách họ chọn. Cũng như trái đất duy trì không khí, và không gian dung chứa các vì sao, thiên hà, và tất cả những thứ khác, chúng ta tự nguyện mang gánh nặng của cả thế gian. Chúng ta lấy cảm hứng từ thí dụ vật thể của vũ trụ. Chúng ta cống hiến chính mình như là gió, là lửa, là không khí, là đất, và là nước - tất cả ngũ đại.
Nhưng điều cần thiết và rất quan trọng là phải tránh khởi tâm từ một cách thiếu tuệ giác. Nếu mình sử dụng lửa không đúng cách, mình sẽ bị bỏng; nếu cưỡi ngựa không đúng kiểu, mình sẽ bị nó hất rơi xuống đất. Mình phải có một cảm nhận thực tế trong thế giới này. Làm việc trong thế gian đòi hỏi phải có một tri thức thực tế. Chúng ta không thể là một Bồ-tát “yêu thương và nhẹ nhàng” nếu chúng ta không biết cách giúp đỡ chúng sanh một cách thông minh, sự cứu giúp của mình có thể hoàn toàn khiến họ lệ thuộc, chứ không phải là vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh sẽ trở nên lệ thuộc vào sự cứu giúp của mình cũng giống như người bị nghiện thuốc ngủ vậy. Họ càng ngày càng trở nên yếu ớt vì cứ muốn được cứu giúp hoài! Do vậy, vì lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần mở rộng lòng với một thái độ vô úy, không sợ. Vì bản tính cố hữu của con người hay thích lệ thuộc, nhờ cậy, đôi khi điều tốt nhất là mình phải nói thẳng và làm thẳng. Phương pháp tế độ của một Bồ-tát là giúp người để họ tự cứu chính họ. Tương tự như bốn đại đất, nước, gió, lửa sẽ không hợp tác với chúng ta nếu mình không sử dụng chúng một cách thích đáng, nhưng đồng thời, chúng rộng lượng cống hiến và hòa hợp nếu được sử dụng đúng đắn.
Một trở ngại lớn đối với việc thực hiện giới Bồ-tát là sự thiếu vắng của tính hài hước; chúng ta có thể đã xem vấn đề giữ giới quá nghiêm túc. Thực hiện lòng nhân từ của một Bồ-tát theo kiểu quân cách sẽ không thành tựu được gì. Người mới bắt đầu tu thường quá khắt khe với việc hành trì và tiến bộ của họ, tu Đại thừa theo phong cách của Tiểu thừa. Nhưng quân cách khắt khe thì hoàn toàn khác với tâm từ ái và vui vẻ của con đường Bồ-tát. Khi mới bắt đầu, bạn có thể chưa thực sự rộng lượng và vui vẻ. Nhưng ít nhất bạn nên cố gắng rộng lượng, tươi vui, và luôn cả can đảm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục tu tập một cách uyển chuyển vì muốn tu theo con đường Bồ-tát bạn phải luôn luôn biết linh động.
Cái cảm giác sung sướng và hân hoan vì cuối cùng chúng ta có thể gia nhập vào gia đình của chư Phật. Rốt cuộc, mình đã quyết định tuyên bố quyền thừa kế về sự giác ngộ của chính mình. Từ khía cạnh còn hồ nghi, bất cứ đặc tính giác ngộ nào còn lại trong chúng ta dường như là rất nhỏ nhoi. Nhưng từ khía cạnh thực tế, một hữu tình đã giác ngộ trọn vẹn đang tồn tại bên trong chúng ta rồi! Vì vậy, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc mình đang đi trên con đường đạo hay không. Rõ ràng chúng ta đã phát nguyện và rằng mình sẽ phát triển lộ trình rộng lớn này để thành Phật.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát là một biểu thị của việc an cư và sống tự tại trong thế gian này. Mình không lo sợ ai đó tấn công hay giết chóc mình. Mình luôn hy sinh thân mình vì lợi ích của chúng sanh. Thậm chí, mình còn từ bỏ việc tìm kiếm con đường giác ngộ cho riêng mình vì muốn cứu khổ người khác. Tuy nhiên, dù không nỗ lực gì chúng ta vẫn đạt được sự giác ngộ. Chư Phật và chư Bồ-tát đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đơn giản là do chúng ta có chấp nhận sự sung túc này hay là bác bỏ nó và chấp nhận sống trong một trạng thái tâm linh nghèo nàn.
Chogyam Trungpa Rinpoche
Thiện Ý chuyển ngữ
(Trích từ “Tác phẩm chọn lọc của Chogyam Trungpa”, tập 3, Nhà xuất bản Shambhala phát hành năm 2003).
Theo Giác Ngộ

grab14345062184 Copy 298568082

Nepal: đang khắc phục Chùa Tháp Swayambhunath sau trận động đất

Đăng lúc: 19:21 - 17/06/2015

Một trong những ngôi Cổ tự và Bảo tháp được tôn kính và linh thiêng nhất ở Nepal đã bị thiệt hại trong trận động đất kinh hoàng vừa qua. Những nhà Bảo tồn hy vọng sẽ khắc phục Bảo Tháp trước mùa mưa.
Chùa Tháp Swayambhunath còn được gọi là chùa Khỉ (bởi nơi đây có nhiều khỉ cư trú, đặc biệt là ban đêm), ngôi Cổ tự tọa lạc trên một ngọn đồi được bao phủ bởi rặng cây xanh ở phía Tây thung lũng Kathmandu, nơi thu hút du khách thập phương hành hương trãi qua 1.400 năm qua. Đỉnh Bảo Tháp cao vút với sắc huỳnh kim lấp lánh và mái vòm màu trắng vươn lên trên ngọn đồi, hòa lẫn bầu trời mây bay bãng lãng, từ xa xa đã dễ dàng nhìn thấy.

Chùa Tháp Swayambhunath được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979.

Ông Christian Manhart, giám đốc UNESCO tại Kathmandu, chia sẻ rằng: “Bảo Tháp Swayambhunath đã bị ảnh hưởng trong trận động đất kinh hoàng vừa qua. Chúng ta phải khẩn trương khắc phục những vết của Bảo Tháp trước mùa mưa”.

Dân Nepal và người nước ngoài cùng làm công việc dọn dẹp các mảnh vỡ của Thánh tích này sau trọng động đất vào ngày 25/04/2015 đã cướp đi hơn 8.500 người, bị thương 23.000 người và hàng trăm nghìn người vô gia cư, đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Các trận động đất kinh hoàng đã tàn phá các di sản cổ xưa của Nepal, đây là trung tâm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân địa phương, bởi Thánh tích này là một hấp dẫn lớn đối với khách du lịch, một nơi thu ngoại tệ, góp ngân sách cho địa phương.

Theo tài liệu của UNESCO, hơn 30 di tích trong thung lũng Kathmandu đã bị thiệt hại trong trận động đất, và đã phát hiện thêm 120 di tích khác bị một phần thiệt hại.

Ông Christian Manhart, Giám đốc UNESCO tại Kathmandu và đồng nghiệp ước tính sẽ mất ít nhất $ 160,000,000 để sửa chữa và khôi phục 1.000 di tích bị hư hỏng, và bị phá hủy bao gồm Tu viện, Đền miếu công trình văn hóa lịch sử trên khắp cả nước. Đối với quốc gia đa Tôn giáo sắc tộc này, việc phục dựng lại là một ưu tiên đặc biệt.

Ông David Andolfatto, Nhà khảo cổ học và sử học nghệ thuật, một chuyên gia tư vấn của UNESCO, cho biết: “Chúng tôi đang kiểm kê các di tích di sản làm từ đá, đất nung và cất giữ tạm trong ngôi Cổ Tự. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay là ngăn chặn để chúng không bị cướp đi.

Bình nhật mỗi buổi sáng cư dân địa phương và du khách hành hương đi nhiễu quanh Đại bảo tháp Swayambhu, nhưng bây giờ họ không thể đến Thánh tích này được bởi không an toàn”.

Sau trận động đất, Ông David Andolfatto vội vã ra đường, nhảy vọt lên xe đạp của mình để đi kiểm tra Bảo tháp Swayambhu, nằm ở phía tây của thành phố Kathmandu. Ông đã dành thời gian quý báu của mình cho việc bảo vệ Thánh tích này cho đến hôm nay.

Cùng với việc khắc phục sửa chữa các vết nứt của Bảo Tháp, Ông là người nỗ lực giám sát những bích họa có nguy cơ mất dạng tại một ngôi Cổ tự nhỏ có tên là Shantipur. Điều này đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận với chư tôn đức Phật giáo địa phương, và chỉ có các vị Giáo phẩm Phật giáo mới hiểu rõ được những chi tiết nơi tôn nghiêm bên trong ngôi Cổ tự nhỏ này.

Ông Christian Manhart, giám đốc UNESCO tại Kathmandu nói: “Trong trận động đất kinh hoàng vừa qua, tại Trung tâm Thủ đô, Bảo tàng Hanuman Dhoka Palace cũng chịu chung số phận trong tình trạng thảm khốc. Các bức tường và mái nhà bị rã tan.

Quân đội và các công nhân đang bảo vệ các địa điểm di tích, họ đang củng cố các bức tường và việc tìm kiếm các bộ phận khác của để bảo vệ trước khi cơn mưa đến.

Theo UNESCO đánh giá thiệt hại của trận động đất được tập trung ở thung lũng Kathmandu, một vị trí đặc biệt trong lịch sử Nam Á. Trong khi Phật giáo Ấn Độ phần lớn bị biến mất vào khoảng thế kỷ 12, nhưng Phật giáo tại Kathmandu vẫn phát triển mạnh (Năm 1178, quân đội Hồi giáo của Muhammad Ghuri đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt Ấn Độ. Hầu hết các công trình Phật giáo đã dần dà bị tiêu hủy. Vào năm 1197, trung tâm Phật giáo Nālandā bị hủy diệt hoàn toàn, kể cả các tăng sĩ. Vikramaśīla cũng bị chiếm năm 1203, chấm dứt hoàn toàn một thời đại lịch sử của Phật giáo tại Ấn Độ). Chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử Phật giáo và Ấn Độ giáo tuyệt vời.

Ví dụ, một số Tự viện Phật giáo có khả năng phát triển ở đó và lan rộng khắp châu Á, những truyền thống này vẫn sôi động cho đến khi trận động đất rung chuyển đã lật đổ hàng chục công trình.

Hằng ngày mọi người đến các Tự viện Phật giáo để chiêm bái, sinh hoạt Tín ngưỡng Chánh tín, thưởng thức nghệ thuật kiến trúc, một tách Trà đạo, màu xanh biếc của những ngọn đồi núi xum xuê hùng vĩ. . .

UNESCO và Bộ Văn hóa Nepal đang tập trung vào việc củng cố di tích bị hư hỏng và có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa sắp tới, mưa kéo dài suốt mùa hè. Sau đó, họ sẽ chuyển sang phục hồi cấu trúc sụp đổ, kể cả nhà lịch sử.

Có những bản vẽ kiến trúc rộng lớn, cung cấp một cơ sở vững chắc để xây dựng lại. May mắn thay, hiện số tài chính quyên góp lên đến 400.000 USD và tổng cộng $ 2.000.000 từ các quốc gia Sri Lanka, Đức, Áo, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác”.

Theo chuyên gia Andolfatto tự tin rằng: “Người Nepal sẽ vượt qua những bi kịch và phục hồi di tích lịch sử văn hóa Tôn giáo một cách nhanh chóng bởi nhu cầu tối cần thiết bởi yếu tố tâm linh và về tinh thần dân tộc của họ”.















Thích Vân Phong(Theo Geographic. Ảnh: Niranjan Shrestha)

3241195580 02bfb6a0be b 342991935 (Copy)

Người học Phật và những mối nghi khi đọc Kinh điển

Đăng lúc: 11:04 - 15/06/2015

Lời ngỏ: Tôi vừa được anh Tâm Diệu (BBT Thư viện Hoa Sen) gửi cho một đường link để xem bài viết của đạo hữu Tâm Tịnh tại đây. Bài viết nêu nghi vấn về một câu kinh Việt dịch trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng mà tôi là một trong những người tham gia Việt dịch và là người duy nhất còn sống. Tôi đã dự tính viết một bài trình bày ý kiến của riêng tôi về vấn đề này, nhưng xét vì hiện có một số nghi vấn từ nhiều Phật tử khác nên tôi quyết định kết hợp trình bày tổng quát trong bài viết sau đây.
Nền tảng của đạo Phật là những lời Phật dạy được ghi chép trong Kinh điển. Người Phật tử tự nguyện đặt niềm tin vào Kinh điển với sự suy xét sáng suốt và trải nghiệm của chính bản thân mình, hoàn toàn không do bất kỳ áp lực nào từ người khác. Thế nhưng, tiến trình xác lập niềm tin vào Kinh điển thật không đơn giản và dễ dàng. Thứ nhất, làm sao để chúng ta có thể tự mình xác định được những bản văn thực sự là Kinh điển mà không sợ mắc phải sai lầm? Thứ hai, khi học hỏi và nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập, chắc chắn sẽ có những điểm mà chúng ta không đủ sức nhận hiểu tức thời hoặc thậm chí qua nhiều năm tu tập. Những điều không hiểu được đó tất yếu sẽ là nguyên nhân làm khởi sinh những mối nghi trong lòng ta. Vậy phải giải quyết những mối nghi này theo cách như thế nào?

Bài viết này sẽ được lần lượt đề cập đến hai vấn đề vừa nêu trên. Đây là những nhận thức, ý kiến của riêng người viết nên chỉ xin được chia sẻ như những kinh nghiệm cá nhân, mong có thể giúp ích được ít nhiều cho những ai quan tâm.



Phần 1. Mối nghi về nguồn gốc Kinh điển

Tam tạng Kinh điển hay Giáo pháp giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong đạo Phật. Trong Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) Tăng-già vẫn phải đặt sau Giáo pháp, bởi lý do có mặt của Tăng-già chính là để thực hành Giáo pháp và dẫn dắt Phật tử thực hành theo đó. Nếu không có Giáo pháp thì cũng sẽ không có lý do để Tăng-già tồn tại.

Đối với người học Phật, việc đọc hiểu, nghiên cứu Kinh điển để áp dụng vào sự tu tập là điều thiết yếu, bất kể chúng ta có đang tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy hay không. Cho dù một bậc thầy chân chánh có thể dẫn dắt, giúp chúng ta tu tập nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều lần, nhưng điều tiên quyết vẫn là vị thầy ấy phải theo đúng với Kinh điển. Bất kỳ vị thầy nào, nếu đưa ra những chỉ dẫn lệch lạc, trái ngược với Kinh điển, chúng ta đều phải có sự thận trọng xem xét lại việc nương theo vị thầy ấy. Sở dĩ như vậy là vì Kinh điển do chính đức Phật nói ra hoặc ấn chứng, và do đó có độ tin cậy cao hơn hẳn so với bất kỳ phát minh, sáng kiến nào của một người chưa hoàn toàn giác ngộ.

Thế nhưng, việc xác định một văn bản nào đó có đúng thật là Kinh điển hay không lại không phải chuyện dễ dàng chút nào, nhất là trong thời đại chúng ta, cách xa Đức Phật đã hơn 25 thế kỷ. Trong thực tế, đã có không ít những tranh biện xoay quanh vấn đề này, thậm chí có người đã không ngần ngại dùng đến từ "ngụy tạo" để chỉ đến toàn bộ Kinh điển Đại thừa. Đây là một thái độ cực đoan rất nguy hiểm cho các thế hệ tương lai, bởi nó có nguy cơ "vơ đũa cả nắm" và hủy hoại tất cả những tinh túy Phật học đã được tích lũy và trao truyền từ nhiều thế kỷ qua.

Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng như hết sức khó khăn này thật ra lại đã sẵn có giải pháp được đức Phật chỉ bày trong Kinh điển. Có 4 yếu tố cốt lõi trong Kinh điển được tất cả các truyền thống Phật giáo cùng thừa nhận, đã được đề cập đến trong cả kinh điển Nguyên thủy cũng như Đại thừa, thường được biết với tên gọi Tứ pháp ấn (四 法 印), với ý nghĩa là bốn dấu ấn để xác thực Chánh pháp, hoặc một tên gọi ít người biết đến hơn làTứ pháp bản mạt (四 法 本 末), với ý nghĩa là bốn cội gốc căn bản và bao quát nhất. Nói một cách dễ hiểu hơn thì đây là bốn tính chất mà người tu tập phải nhận biết. Đức Phật là bậc giác ngộ viên mãn nên đã thấy biết được trọn vẹn và thuyết dạy về bốn tính chất này.

Những gì là bốn tính chất được đề cập ở đây? Theo kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm 26, kinh số 8 thì đó là tính chất vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các hành (hay hết thảy mọi hiện tượng), cùng với tính chất tịch tĩnh của Niết-bàn. Theo lời Phật dạy thì bất kỳ bản văn nào, dù được gọi là Kinh điển, nhưng nếu trình bày những điều đi ngược bốn pháp ấn này thì người Phật tử có thể biết được rằng đó không phải là Kinh điển do Phật thuyết dạy.

Nhưng giải pháp này cũng có sự giới hạn, vì nó giúp chúng ta loại bỏ những gì trái ngược với Kinh điển, không đúng lời Phật dạy, nhưng nếu có – và sự thật là đã có rất nhiều - những bản văn tuy không trái ngược lời Phật dạy, nhưng không thể chắc chắn thực sự là do đức Phật trực tiếp nói ra, mà có khả năng là do những người đời sau căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra thì thế nào? Vì căn cứ vào lời Phật dạy để viết ra, nên điều tất nhiên là sẽ hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy, và do đó không thể dùng Tứ pháp ấn để phân biệt được nữa. Nhưng vì có khả năng là không phải do chính đức Phật trực tiếp nói ra, nên cũng cần có sự tiếp cận khác hơn là so với những bản văn có độ xác thực cao hơn. Trong trường hợp này, vấn đề đã trở nên tinh tế, khó nhận biết hơn rất nhiều. Tuy vậy, cũng không hẳn là không có giải pháp.

Một số người bi quan vẫn thường cho rằng hiện nay là thời kỳ Mạt pháp, nhưng bản thân tôi luôn tin rằng chúng ta vẫn còn rất may mắn và hạnh phúc biết bao khi được sinh ra vào một thời kỳ tuy không có Phật ra đời nhưng vẫn được tiếp cận với Kinh điển, Giáo pháp của đức Phật với một sự phong phú, đa dạng và khá toàn vẹn. Mặc dù có những hạn chế nhất định về mặt sử liệu, nhưng nhìn chung thì với những dữ kiện đã được biết và được hầu hết mọi người công nhận, toàn bộ kinh tạng Nikāya qua 4 lần kết tập, đến nay hiện vẫn còn nguyên vẹn để người Phật tử có thể dựa vào đó mà học hỏi, hành trì. Về cơ bản, tôi chưa từng thấy có người Phật tử nào hoài nghi về tính xác thực của Tam tạng Kinh điển Nikāya, cho dù là người ấy tu tập theo bất kỳ truyền thống nào trong Phật giáo. Sự đồng thuận này có thể xem là điểm chung vững chắc giữa tất cả Phật tử hiện nay để có thể cùng nhau đi đến một cách nhìn nhận phù hợp với Chánh kiến về vấn đề tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu Kinh điển.

Qua trình bày đại lược như trên, đi vào chi tiết chúng ta sẽ gặp phải những trường hợp sau đây khi tiếp cận với Kinh điển:

a. Trường hợp văn bản có tính xác thực cao

Đây là trường hợp của những Kinh điển mà chúng ta may mắn giữ được toàn vẹn qua các lần kết tập, như 34 kinh trong Kinh Trường bộ (Dīgha Nikāya), 152 kinh trong Kinh Trung bộ, cho đến tất cả các Kinh trong Tam tạng Nikāya hiện còn...

Đối với tất cả những Kinh điển thuộc loại này, chúng ta nên tiếp cận và xác lập niềm tin theo đúng tinh thần lời dạy của đức Phật trong kinh Kalama, nghĩa là thông qua sự suy xét sáng suốt và thể nghiệm của chính bản thân mình, không phải vì dựa vào sự tin tưởng đối với người khác hay chỉ vì điều đó được ghi chép trong Kinh điển.

Vì sao như thế? Vì cho dù về mặt văn bản, ngôn từ, chúng ta đã tin chắc đó là lời Phật dạy, nhưng nếu chúng ta chưa có sự suy xét, thể nghiệm của chính bản thân, ta sẽ không có khả năng nhận hiểu đúng thật và đầy đủ về những lời dạy ấy. Khoảng cách giữa tri thức và thực chứng luôn cần có sự thể nghiệm, hành trì mới có thể xóa bỏ. Nếu chúng ta chỉ tiếp cận Kinh điển thông qua ngôn từ, lý luận, ta sẽ dễ dàng rơi vào chỗ nhận hiểu và thực hành không đúng như lời Phật dạy, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn nữa là diễn giải Kinh điển sai lệch theo những tri thức mà ta đang có.

Vì vậy, cần thấy rõ là ngay cả đối với những lời Phật dạy thì cũng cần phải có sự suy xét, nhận hiểu và thực hành một cách sáng suốt mới có thể mang lại lợi lạc cho bản thân và người khác. Những người thuộc lòng Kinh điển hoặc thậm chí có khả năng thuyết giảng Kinh điển nhưng không có sự áp dụng thực sự vào đời sống, chắc chắn sẽ không tự mình thể nghiệm được những lời Phật dạy, và do đó mà việc đi sai đường là chuyện rất dễ xảy ra.

b. Trường hợp văn bản không có tính xác thực cao

Đây là trường hợp của những Kinh điển Đại thừa mà chúng ta không thể biết được một cách chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ. Trong nhiều thế kỷ qua, tuyệt đại đa số Phật tử đều tin chắc rằng đây là những Kinh điển do chính đức Phật thuyết dạy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ngành khoa học phương Tây như văn bản học, khảo cổ học, sử học v.v... đã dựa vào những kết quả nghiên cứu để cho rằng văn bản của các Kinh điển Đại thừa xuất hiện khá muộn so với kinh điển Nguyên thủy. Điều này đã làm cho một số người bắt đầu đặt nghi vấn về nguồn gốc của những Kinh điển Đại thừa. Nhưng có điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa sự xuất hiện của các văn bản Kinh điển Đại thừa với bản thân những Kinh điển này. Hay nói khác đi, chúng ta không thể loại trừ khả năng là Kinh điển Đại thừa trước khi được xuất hiện dưới dạng văn bản đã được lưu hành ở dạng truyền khẩu trong nhiều thế kỷ trước đó.

Khi có sự phân vân về nguồn gốc Kinh điển như thế, sự tiếp cận tất nhiên cần có những yêu cầu khác hơn, nhưng yêu cầu trước hết là chúng ta phải chấp nhận sự không biết chắc của mình. Sự chấp nhận này là rất quan trọng, vì nếu không ta sẽ rơi vào sai lầm là kiên quyết bác bỏ tất cả khi cho rằng đó là những kinh "ngụy tạo", hoàn toàn không phải do đức Phật thuyết giảng. Trong trường hợp này, ta mắc phải sai lầm trước tiên là đã đưa ra phán quyết về một điều ta hoàn toàn không biết chắc. Và như vậy, nếu có khả năng đó thực sự là lời dạy của đức Phật thì ta đã tự mình đóng lại cánh cửa tiếp cận với Giáo pháp.

Cách ứng xử sai lầm như thế là cực đoan, không đúng với tinh thần "Trung đạo" theo những lời dạy sáng suốt của đức Phật.

Tốt hơn, chúng ta nên chấp nhận sự "không biết chắc" của mình, để có thể tiếp cận với những Kinh điển thuộc loại này trên tinh thần của Tứ pháp ấn, sẵn sàng loại bỏ những gì không phù hợp với lời Phật dạy. Và muốn sử dụng được Tứ pháp ấn, điều tất nhiên là trước hết chúng ta cần phải tự mình có sự tu tập quán chiếu các yếu tố vô thường, khổ và vô ngã cũng như tìm hiểu lời Phật dạy về Niết-bàn tịch tĩnh. Những điều này được chỉ dạy trong rất nhiều Kinh điển, nên việc thực hành tu tập có thể nói là điều khả thi đối với bất cứ ai. Điều cần lưu ý ở đây là mức độ nhận hiểu về các yếu tố vô thường, khổ và vô ngã sẽ luôn tỷ lệ thuận với công phu tu tập hành trì của mỗi người, hoàn toàn không chỉ giới hạn trong lớp vỏ ngôn ngữ.

Sau khi áp dụng Tứ pháp ấn, ít nhất chúng ta đã có thể xác định được những gì là phù hợp với lời Phật dạy. Vấn đề tiếp theo là nên nhận thức như thế nào về tính xác thực của những Kinh điển này khi ta không thể biết chắc là có phải do đức Phật trực tiếp nói ra hay không. Hiện nay, có thể quan sát thấy một số khuynh hướng nổi bật như sau:

Khuynh hướng thứ nhất là của một số người rơi vào cực đoan khi không chỉ ra được bất kỳ điều gì trái với lời Phật dạy trong những bộ kinh mình tìm hiểu (hoặc thậm chí là không tìm hiểu) nhưng vẫn nhất quyết bác bỏ cho đó là do người đời sau ngụy tạo, lại còn tìm mọi cách để bài bác, công kích, xem đó như những tà thuyết gây hại cho mọi người. Sự phát triển quá trớn của khuynh hướng này hiện nay còn đi đến chỗ muốn phủ nhận toàn bộ những gì liên quan đến Đại thừa, chẳng hạn như truyền thống tu tập từ nhiều ngàn năm qua. Người Phật tử nên thận trọng để tránh rơi vào khuynh hướng sai lầm này.

Khuynh hướng thứ hai có phần ôn hòa hơn là không tin vào Kinh điển Đại thừa nhưng không bài bác, công kích vì thực sự không thấy có gì trái với lời Phật dạy. Như đã nói, Kinh tạng Nikāya với sự nguyên vẹn và xác tín vẫn là một gia tài Pháp bảo vô giá luôn sẵn có cho mọi người Phật tử học hỏi và tu tập. Chúng ta có thể từ chối những kinh điển không thuộc Kinh tạng Nikāya, nhưng không thể bác bỏ vì sự thật là ta không biết chắc được về nguồn gốc của các Kinh điển đó. Những người theo khuynh hướng này do việc "không biết chắc được" về nguồn gốc của Kinh điển Đại thừa nên từ chối không học hỏi và chỉ thừa nhận Kinh tạng Nikāya mà thôi.

Khuynh hướng thứ ba rộng mở hơn, chấp nhận việc tham khảo vào nội dung các bộ kinh Đại thừa để tìm kiếm những giá trị tích cực có thể áp dụng trong sự tu tập. Trải qua một truyền thống nối dài nhiều ngàn năm, những Kinh điển, luận giải được thu thập trong Kinh tạng là một khối lượng đồ sộ, hàm chứa nhiều tư tưởng, giáo lý phong phú, đa dạng và thâm sâu. Khi chọn những bộ kinh thích hợp với pháp môn tu tập mà mình đang áp dụng để học hỏi, người Phật tử sẽ có nhiều khả năng mở rộng và đào sâu hơn nhận thức, hiểu biết về phương pháp tu tập của mình. Điều đó chỉ có lợi mà không có hại. Hơn thế nữa, nó giúp chúng ta thể nghiệm được những lời Phật dạy ở một góc độ bao quát, rộng mở hơn. Những người theo khuynh hướng này tuy có thể không tin chắc rằng những Kinh điển ấy là do đức Phật trực tiếp nói ra, nhưng thừa nhận việc những Kinh điển ấy trình bày giáo lý do Phật thuyết dạy và thậm chí là trình bày với những phương pháp vô cùng uyên áo, sâu sắc.

Khuynh hướng thứ tư là tự mình xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa theo đúng tinh thần những gì đức Phật đã dạy. Những người theo khuynh hướng này tin chắc rằng những Kinh điển Đại thừa đúng thật với tinh thần Tứ pháp ấn là do chính đức Phật thuyết dạy, chẳng hạn như các kinh Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, A-di-đà v.v... và rất nhiều Kinh điển khác. Người Phật tử theo khuynh hướng này được lợi ích lớn là có thể tiếp cận với toàn bộ Giáo pháp của đức Bổn Sư, bao gồm cả Kinh tạng Nikāya và Kinh điển Đại thừa. Khi kết hợp việc học hỏi Kinh điển và tu tập theo tinh thần "bất bộ phái", người Phật tử thoát ra khỏi nhiều sự trói buộc của những quan điểm hẹp hòi thông thường và có thể chuyên tâm hành trì pháp môn mình đã chọn.

Như vậy, dựa vào đâu để người Phật tử có thể tự xác tín về nguồn gốc Kinh điển Đại thừa? Câu trả lời không đơn giản, nhưng có thể lược kể ra một vài luận cứ như sau:

Thứ nhất, người Phật tử đặt niềm tin vào lời Phật dạy sau khi đã có sự hành trì thể nghiệm thì niềm tin ấy vững chắc và mạnh mẽ hơn so với niềm tin vào các nhà khoa học, mà cụ thể ở đây là văn bản học, khảo cổ học, sử học... Các nhà khoa học này nói rằng "các văn bản Kinh điển Đại thừa chỉ xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên", nhưng họ không thể trả lời được câu hỏi "Kinh điển Đại thừa xuất hiện từ lúc nào?". Và ngay cả nếu như họ có thể đưa ra câu trả lời, thì giá trị của tri thức khoa học cũng chỉ là tương đối khi so với giá trị chân lý trong lời Phật dạy. Một thời gian dài, vật lý học Newton đã thống trị hoàn toàn trong khoa học vật lý, nhưng sau những khám phá của Albert Einstein thì mọi sự bắt đầu thay đổi. Thuyết tiến hóa của Darwin cũng được nhận thức khác đi khi có những kết quả nghiên cứu mới của khoa học hiện đại. Và rõ rệt nhất là thuyết địa tâm (xem trái đất là trung tâm vũ trụ) đã được xem như tuyệt đối chính xác cho đến thế kỷ 16. Nhưng từ thế kỷ 17, khoa học đã chứng minh là nó sai lầm hoàn toàn và đã bị thay thế bằng thuyết nhật tâm... Trong khi đó, những gì đức Phật thuyết dạy dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn luôn chứng tỏ được tính chính xác, hợp lý và mang lại lợi ích an vui cho muôn người.

Ngay cả đối với sự ra đời của đức Phật, từ thế kỷ 18 trở về trước, người Phật tử chỉ có thể đặt niềm tin thông qua những ghi chép trong Kinh điển mà không hề có bất kỳ một chứng cứ khoa học nào. Chỉ đến đầu thế kỷ 19, các nhà khảo cổ mới lần lượt phát hiện các di chỉ quan trọng tại Thánh tích Lumbini như trụ đá do vua A-dục dựng lên để ghi dấu nơi đản sinh đức Phật và nhiều công trình kiến trúc cổ tại đây... và dựa vào đó, các nhà khoa học mới bắt đầu xác tín về việc đức Phật đã từng sống và thuyết giảng trên hành tinh này.

Những phát hiện của khoa học là không thể dự đoán trước. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một ngày nào đó người ta sẽ khai quật được một tu viện cổ xưa chẳng hạn, với những chỉ dấu cho thấy sự xuất hiện của Kinh điển Đại thừa từ trước đó...

Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện của các nhà khoa học. Người Phật tử đến với đạo Phật như những con người đi tìm lối thoát cho những vấn nạn của chính thân phận con người, không phải vì những kiến thức khoa học. Thử hình dung một ngày nào đó, một nhà khoa học nổi tiếng tìm đến và nói với chúng ta: "Năm giới mà các ông đang giữ theo đó hoàn toàn không phải do đức Phật chế định. Tôi đã có đầy đủ bằng chứng về điều đó." Chúng ta sẽ phản ứng thế nào với điều đó? Riêng tôi, chắc chắn tôi sẽ đáp lại:"Vâng, xin ông hãy đăng tải điều đó lên các sách khoa học của ông. Còn tôi, tôi đã tự mình thể nghiệm được vô vàn lợi ích từ Năm giới, nên dù ông có chứng minh rằng nó do ai đó nói ra chứ không phải đức Phật, thì đối với tôi cũng sẽ không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn sẽ tiếp tục giữ theo Năm giới này."

Rõ ràng, là người Phật tử chúng ta có thẩm quyền xác tín về Kinh điển của đức Phật cao hơn các nhà khoa học. Đối với họ, yếu tố quyết định "sự thật" chỉ là những văn bản, những di chỉ khảo cổ vô hồn, nhưng đối với chúng ta thì những giá trị tâm linh, những ý nghĩa nhiệm mầu trong các nền tảng giáo lý Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... là những giá trị rất sống động, rất thật và có thể giúp ta giải quyết được những vấn nạn khổ đau trong đời sống. Những ai đến với Bát-nhã, Pháp Hoa... như những văn bản không hồn, chắc chắn họ sẽ còn tiếp tục truy tìm nguồn gốc của chúng qua chứng cứ khoa học. Nhưng những ai đã thực sự vượt qua nhiều giai đoạn bế tắc trong đời sống nhờ vào tư tưởng Bát-nhã, Pháp Hoa... thì hoàn toàn không cần đến điều đó. Bằng sự thể nghiệm tự thân, chúng ta có thể xác tín được đó chính là những lời được thuyết dạy bởi một đấng Giác ngộ viên mãn, bởi nó thực sự mang lại lợi lạc vô biên cho người tu tập.

Thứ hai, lịch sử phát triển của Phật giáo qua 25 thế kỷ với một không gian đang mở rộng đến khắp thế giới đã chứng minh vai trò tích cực của Kinh điển Đại thừa. Những giá trị tích cực đó cũng được chứng minh ngay tại Việt Nam chúng ta, qua hai triều đại Lý - Trần mà sự cai trị đất nước chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Phật giáo Đại thừa, với Kinh điển được học hỏi trực tiếp từ Hán tạng vì chưa có bản dịch. Đất nước trong thời kỳ này đã phát triển hết sức ổn định và tốt đẹp, ngay cả giặc ngoại xâm phương Bắc cũng liên tục bị đẩy lùi nhiều lần. Phật giáo Đại thừa đã đào tạo cho dân tộc ta nhiều vị vua anh minh trong cả hai triều Lý, Trần... Nhiều người trong số họ sẵn sàng từ bỏ cả vương quyền để sống đời thoát tục. Khi nhìn lại lịch sử như thế, chúng ta càng thấy rõ không có lý do gì để phải hoài nghi hoặc bác bỏ Kinh điển Đại thừa. Trong hiện tại, nếu có những dấu hiệu không tích cực nào đó của những cá nhân tự nhận là tu theo Đại thừa, chúng ta cần nhận rõ sự lệch lạc của mỗi cá nhân đó, không thể vì thế mà quy lỗi cho Kinh điển Đại thừa. Hơn ai hết, người Phật tử phải tiếp nhận Kinh điển theo đúng tinh thần những lời Phật dạy, nghĩa là phải lấy sự thể nghiệm của tự thân làm yếu tố xác quyết quan trọng nhất.

Thứ ba, sự soi chiếu dưới ánh sáng của Tứ pháp ấn đã chứng tỏ rằng các Kinh điển Đại thừa hiện đang được lưu hành không có gì đi ngược với lời dạy của đức Phật. Điều này cho thấy có 2 khả năng: hoặc là những kinh ấy do chính đức Phật thuyết dạy, hoặc là đã được những vị uyên thâm về Phật pháp viết ra dựa theo lời Phật dạy. Tuy nhiên, khả năng thứ hai sẽ bị loại trừ bởi tất cả Kinh điển Đại thừa đều được xác tín bằng câu "Như thị ngã văn" (Tôi nghe như thế này). Đây là một lời tuyên thệ nói lên sự thật trước khi ghi chép, thuật lại Kinh văn. Vì thế, chỉ có thể tin chắc đây là lời dạy của Phật, nếu không thì các vị chép kinh đều phạm tội nói dối (vọng ngữ), và họ không có động cơ để làm như vậy, dù là tham danh hay tham lợi, vì cả hai điều ấy đều không có.

Khi người lãnh đạo đất nước bắt đầu nhậm chức, họ tuyên thệ trước toàn dân. Khi một nhân chứng chuẩn bị làm chứng trước tòa, họ tuyên thệ nói lên sự thật. Rõ ràng, chúng ta có đặt ít nhiều niềm tin vào những lời tuyên thệ ấy, vì đó là lý do để những nghi thức như vậy tồn tại. Thế thì tại sao chúng ta lại không thể đặt niềm tin vào những vị uyên thâm Phật pháp đã ghi chép Kinh điển, khi tư cách đạo đức và tâm linh của họ cao hơn hẳn so với những người phàm tục? Họ không thể am hiểu và hành trì Phật pháp để rồi ngay từ lúc mở đầu kinh văn đã ghi vào một câu nói dối. Vì thế, tôi tin chắc rằng họ chỉ có thể ghi chép lại những điều mà chính họ đã tin chắc là do đức Phật thuyết dạy.

Khả năng Kinh điển Đại thừa đã được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, đợi đến lúc thích hợp mới xuất hiện dưới dạng văn bản là điều hoàn toàn có thể. Trong thực tế, dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ 12 và vẫn duy trì truyền thống khẩu truyền cho đến ngày nay, tuy họ có đủ điều kiện để ghi chép Giáo pháp. Như vậy, việc Kinh điển Đại thừa được truyền khẩu cho đến thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên vẫn có khả năng là đúng thật.

Một thực tế khác nữa là chính Kinh tạng Nikāya cũng đã trải qua một giai đoạn truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi được ghi chép thành văn bản vào lần kết tập thứ tư. Trong sách "The Buddha and His Teachings" (Buddhist Publication Society, Sri Lanka - 1980) ngài Venerable Narada Mahathera đã viết về lần kết tập Kinh điển này như sau:

"About 83 B.C., during the reign of the pious Simhala King Vatta Gāmani Abhaya, a Council of Arahants was held, and the Tipitaka was, for the first time in the history of Buddhism, committed to writing at Aluvihāra in Ceylon."(Xem tại đây.)

(Vào khoảng năm 83 trước Công nguyên, vào thời đại của vị vua Simhala (Tích Lan) sùng tín là Vatta Gāmani Abhaya, một Hội đồng gồm các vị A-la-hán đã họp lại, và lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam tạng Kinh điển được ghi chép thành văn bản tại Aluvihāra thuộc Ceylon (Tích Lan).)

Nhiều nguồn cứ liệu đáng tin cậy khác cũng đề cập tương tự. Hơn thế nữa, theo các nhà nghiên cứu thì ngôn ngữ mà đức Phật thực sự đã sử dụng để thuyết giảng Kinh điển không phải tiếng Pali. Các bản Kinh văn Pali thực sự chỉ là những văn bản được chuyển dịch từ một ngôn ngữ ban đầu nào đó mà hiện vẫn chưa thể xác định rõ. Như vậy, danh từ "Nguyên thủy" mà chúng ta đang dùng cũng có những giới hạn nhất định về độ xác tín. Trong sách A Short History of Buddhism (Lược sử Phật giáo), học giả người Đức Edward Conze viết về thời kỳ 500 năm trước Công nguyên của Phật giáo như sau:

"Suốt trong thời kỳ đầu này, kinh điển chỉ được truyền miệng, và phải cho đến khoảng gần cuối thời kỳ mới bắt đầu có sự ghi chép. Những gì đức Phật đã thật sự nói ra, hầu như không có gì được ghi chép lại ngay. Có thể là vào lúc ấy đức Phật đã giảng dạy bằng ngôn ngữ Ardhamagadhi, nhưng không có Phật ngôn nào được ghi lại bằng ngôn ngữ này. Về những kinh điển được ghi chép sớm nhất, ngay cả ngôn ngữ được sử dụng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Những gì chúng ta có chỉ là bản dịch của những kinh điển đầu tiên ấy sang các thứ tiếng Ấn Độ khác, chủ yếu là tiếng Pali, và một hình thức đặc biệt của tiếng Sanskrit dùng riêng cho Phật giáo."(Bản Việt dịch của Nguyễn Minh Tiến, xem tại đây.)

Như vậy, nếu người Phật tử chúng ta không có khả năng tự mình xác tín vấn đề nguồn gốc Kinh điển thông qua chính sự thể nghiệm hành trì mà luôn phụ thuộc quá nhiều vào những nguồn thông tin khác, thì đến một lúc nào đó, sẽ không tránh khỏi việc có người nghi ngờ ngay cả tính xác thực của Kinh tạng Nikāya. Và những lý do hôm nay được đưa ra để bài xích, bác bỏ Kinh điển Đại thừa thì đến một ngày nào đó sẽ được lặp lại để bác bỏ Kinh tạng Nikāya. Khi ấy, Phật giáo sẽ có nguy cơ trắng tay sau nhiều thế kỷ đã tồn tại và phát triển.

Tóm lại, trong bốn khuynh hướng kể trên khi tiếp cận với Kinh điển Đại thừa, người Phật tử có thể tùy theo sự nhận thức riêng của mỗi người để lựa chọn, nhưng hoàn toàn không nên rơi vào khuynh hướng thứ nhất, bởi đây chính là sự sai lầm cực đoan nguy hại nhất cho Chánh pháp. Tiêu biểu cho sự lan truyền của khuynh hướng này quý vị có thể xem tại đây và tự đưa ra nhận định của riêng mình.

Phần 2. Những mối nghi về nội dung Kinh điển

Phần lớn chúng ta khi lần đầu tiên tìm đến đạo Phật đều thường là với một tách trà đầy ắp và một dạ dày rỗng tuếch. "Tách trà đầy ắp" là vô số những tri thức, kiến giải, khái niệm và định kiến mà ta đã tích lũy qua nhiều năm trong cuộc sống thế tục. Và cái "dạ dày rỗng tuếch" là để chỉ cho sự đói thiếu chân lý vì chưa từng được tiếp cận với những lời Phật dạy.

Vì thế, nếu may mắn được tiếp cận với kho tàng Kinh điển, giáo lý, chúng ta sẽ như người đói khát đứng trước một bàn tiệc đầy ắp những món ngon vật lạ. Mỗi một món ăn đều có thể giúp ta qua cơn đói, nhưng đồng thời mỗi món ăn trên bàn tiệc linh đình ấy cũng đều có những màu sắc, hương vị riêng, và trong số đó có không ít những món xa lạ mà ta chưa từng biết. Điều tất nhiên là sau khi thỏa mãn cơn đói bằng những món quen thuộc, ta sẽ bắt đầu muốn thử qua cho hết những món lạ hơn, ngon hơn.

Cũng vậy, giáo lý của đạo Phật hết sức phong phú, đa dạng và có đủ mọi tầng bậc. Với người mới bước vào đạo Phật, chỉ cần nghiêm cẩn giữ theo Năm giới là chúng ta đã bắt đầu thấy ngay vô vàn lợi ích trong cuộc sống gia đình cũng như trong quan hệ xã hội. Tiếp theo, chúng ta có nhiều pháp môn để chọn lựa cho việc hành trì nhằm an định tâm thức, dừng lắng những tư tưởng lăng xăng cũng như bắt đầu đối trị với những tâm hành phiền não như tham lam, sân hận, si mê...

Phác đồ chung của bước đầu tu tập thì chỉ đơn giản thế, nhưng đi vào thực tế thì muôn người muôn vẻ, nên kinh nghiệm tu tập của mỗi người trải qua cũng đều khác biệt. Và ngay khi có được chút thành quả trong tu tập, chẳng hạn như được an ổn hơn, nhận thức sáng suốt hơn so với trước đây, thì cơn đói chân lý sẽ lắng xuống và "tách trà đầy ắp" phát huy tác dụng. Ta sẽ bắt đầu phân tích những gì gặp được trong Kinh điển và so sánh với khối tri thức "đồ sộ" mà ta đã từng tích lũy. Trong giai đoạn này, cũng sẽ có không ít người chạy theo con đường truy tầm kiến thức, rơi vào việc nghiên tầm thiên kinh vạn quyển mà quên đi tầm quan trọng của thực tế hành trì.

Những ai có thể xác lập được niềm tin hoàn toàn vào Kinh điển thông qua thực tế hành trì, người ấy có nhiều cơ may "làm trống"tách trà tri thức để tiếp thu và trực nhận dễ dàng hơn những lời dạy từ Kinh điển. Ngược lại, người học Phật thường phải trải qua một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một bên là những tri thức, định kiến thế tục và một bên là những chân lý hướng đến giải thoát.

Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng, sự dung hợp hài hòa là điều khả thi và thậm chí còn là hệ quả tất nhiên khi ta nắm hiểu được yếu chỉ trong Kinh điển. Nhưng đối với người mới bước đầu học Phật thì những bước loanh quanh để giải quyết vấn nạn "xung khắc" này thường phải kéo dài qua một thời gian nhất định. Nếu may mắn có được một bậc minh sư hoặc thiện tri thức dẫn dắt, ta có thể rút ngắn được quãng đường này. Bằng không, ta vẫn phải tự mình nỗ lực để vượt qua. Người học Phật nếu hiểu được điều này thì dù trong những giai đoạn có hoang mang, nghi ngại cũng không đánh mất niềm tin vào Tam bảo.

Mặt khác, dù tham muốn háo hức đến đâu trước một bàn tiệc linh đình, ta cũng không thể thưởng thức hết tất cả các món ngon. Và vì thế ta cần biết khôn ngoan khi chọn lựa. Được ăn ngon, ăn no là đủ để thỏa mãn nhu cầu, nhưng nếu muốn ăn cho thật nhiều, chẳng những vẫn không sao ăn hết mà còn có nguy cơ khổ vì bội thực.

Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn trong Kinh điển, thậm chí càng học ta càng nhận ra con số đó nhiều hơn nữa. Tôi đã từng thấy có những người tỏ ra uyên bác khi ngồi đếm ngón tay kể ra tất cả các pháp môn trong Phật giáo Đại thừa và tưởng rằng như vậy là đã hiểu hết được những gì ghi chép trong Kinh điển, nhưng không biết rằng chính điều đó cho thấy họ chỉ là kẻ đứng xa nhìn, chưa có chút thể nghiệm thực sự nào.

Đức Phật không hề muốn làm khổ chúng ta khi truyền dạy "quá nhiều" pháp môn như thế, mà sự thật là vì cần phải có như thế mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của tất cả chúng sinh. Trong Kinh điển Ngài từng dạy rằng: "Vì chúng sinh có vô số phiền não nên cần có vô số pháp môn để đối trị." Các pháp môn trong đạo Phật giống như dược liệu chứa trong một kho thuốc lớn, tuy rất nhiều nhưng chỉ phân phối đến mỗi người bệnh một số liều cần thiết mà thôi.

Mỗi chúng ta đều là người đang mang bệnh phiền não. Hãy đến với Kinh điển trên tinh thần "tùy bệnh chọn thuốc", đừng tham muốn quá nhiều như những món ăn trên bàn tiệc kia, bởi ta sẽ không tiêu hóa được mà còn có thể chết vì bội thực. Một bậc minh sư cũng sẽ không làm gì khác hơn là "tùy bệnh cho thuốc", bởi khi đã có thuốc rồi thì việc uống thuốc sẽ là việc riêng của mỗi người. Chính đức Phật cũng từng nói rằng: "Ta như lương y tùy bệnh cho thuốc, nếu người bệnh không chịu uống thuốc, không phải lỗi nơi ta."

Những gì nêu trên là nhận thức thức tối thiểu có thể giúp chúng ta giảm nhẹ được rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với Kinh điển.Thứ nhất, khi hiểu được như thế, chúng ta sẽ có sự chú tâm "làm trống tách trà tri thức" khi đến với Kinh điển, và điều đó giúp ta có được một sự trực nhận khách quan hơn đối với những ý nghĩa sâu xa, mới mẻ. Thứ hai, khi đến với Kinh điển trên tinh thần "tùy bệnh chọn thuốc" , ta sẽ không mất thời gian "lang thang" giữa khu rừng Kinh điển mênh mông để rồi phải cảm thấy hoang mang lạc lõng. Thay vì vậy, ta sẽ sớm biết chú tâm tìm kiếm cho mình một nội dung thích hợp để chuyên tâm nghiền ngẫm và tu tập hành trì, thay vì chú trọng vào quá nhiều điều không thực sự ích lợi cho sự tu tập của chính mình. Ta biết rõ bệnh mình đang cần thực sự uống thuốc chứ không phải chỉ lo việc "sưu tập thuốc".

Việc học hỏi Kinh điển để áp dụng vào đời sống tu tập chắc chắn không thể là một tiến trình dễ dàng. Và trong tiến trình ấy, chúng ta không tránh khỏi có những lúc sanh khởi tâm nghi vì chưa hiểu rõ được một điều nào đó ghi chép trong Kinh điển. Chúng ta không nên tự trách mình khi có những lúc khởi nghi như thế. Trái lại, việc khởi tâm nghi còn có thể là dấu hiệu cho thấy một nhận thức tích cực, bởi nếu chỉ biết lặp lại những điều ghi chép trong Kinh điển mà không tự nhận thức được thấu đáo, ta sẽ không có khả năng áp dụng một cách đúng đắn lời dạy của đức Phật vào cuộc sống. Mặc dù vậy, nếu ta không nhận hiểu đúng thì trong rất nhiều trường hợp, những mối nghi này sẽ gây chướng ngại cho sự tu tập.

Những vấn đề làm ta khởi nghi tuy rất đa dạng, nhưng có thể lược phân ra hai loại thường gặp nhất. Thứ nhất là nghi về những từ ngữ khó hiểu, và thứ hai là nghi về những ý nghĩa quá sâu xa, uyên áo.

a. Khởi nghi vì những từ ngữ khó hiểu

Có nhiều nguyên nhân khiến cho từ ngữ trong Kinh điển khó hiểu đối với chúng ta. Nếu chúng ta lần đầu tiên tìm hiểu về một phần giáo lý nào đó thì sự chưa quen thuộc với lãnh vực này sẽ là một nguyên do. Vì thế, việc kết hợp đọc Kinh điển với tra cứu các thuật ngữ Phật học gần như là điều bắt buộc. Phần đông chúng ta đọc Kinh điển qua các bản dịch, và nếu dịch giả có sự quan tâm đến khó khăn này của người đọc, vị ấy sẽ đưa vào bản dịch nhiều chú giải cho các thuật ngữ, nhờ đó người đọc sẽ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù sao thì khó khăn loại này vẫn là một thách thức tất yếu mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua, bởi khi diễn đạt những phạm trù giáo lý, người dịch có rất nhiều khi buộc phải sử dụng các thuật ngữ mà không có lựa chọn nào khác.

Một nguyên nhân khác có thể là do định kiến. Khi lần đầu tiên tiếp xúc với một khái niệm nào đó trong giáo lý, nếu chúng ta có sự nhận hiểu không đúng hoặc phiến diện từ trước, thì khi gặp lại cùng những khái niệm ấy trong Kinh điển, ta có khuynh hướng áp đặt cách giải thích sẵn có của mình, và do đó làm cho cách hiểu câu kinh trở nên sai lệch khiến ta sinh nghi. Vì thế, sự thận trọng trong tra cứu cũng như tham học với các bậc thầy, các vị thiện tri thức là điều cần thiết để giảm thiểu những mối nghi loại này.

Nguyên nhân thứ ba là do những sai sót trong ghi chép, in ấn. Kinh điển được truyền lại qua nhiều thế kỷ, khả năng xảy ra sai sót là điều không thể tránh. Vì thế, đôi khi chúng ta có thể nhận ra một từ ngữ nào đó quá khó hiểu hoặc không thích hợp với ý nghĩa câu kinh. Việc tra cứu hoặc tham học để giải quyết mối nghi này phức tạp hơn nhiều, vì nhất thiết phải dựa vào những nguồn cứ liệu chắc chắn cũng như có một khả năng chuyên môn trong thẩm định. Nếu không đủ sức làm việc này, chúng ta có thể nêu vấn đề lên và tạm gác lại để chờ những người có đủ khả năng sẽ thực hiện việc khảo đính, tuyệt đối không nên chủ quan dựa vào sự nhận hiểu của riêng mình mà tự ý chỉnh sửa Kinh điển.

Về sự sai sót trong in ấn, có thể xem qua một ví dụ ở đây. Quý vị sẽ tìm thấy câu này:

"Lại giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như thợ gốm làm đồ rồi lại bị bể. Giải thoát chẳng như vậy." (Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 5, Hòa thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch.)

Câu kinh hết sức khó hiểu. Có mối tương quan nào giữa "thợ gốm làm đồ rồi lại bị bể" với sự giải thoát để Kinh văn đưa ra ví dụ này, và vì sao "làm đồ rồi lại bị bể" ?

Truy tìm trong nguyên bản Hán văn, ta thấy câu kinh này được dịch từ câu: "又解脫者即無為法。譬如陶師作已還破。解脫不爾。" (Hựu giải thoát giả tức vô vi pháp. Thí như đào sư tác dĩ hoàn phá. Giải thoát bất nhĩ.)

Bản Việt dịch đã đi khá sát với nguyên văn, không có gì sai lệch. Tuy nhiên, sự khó hiểu của câu kinh khiến ta khởi sinh nghi ngại vì không thể hiểu theo bất kỳ ý nghĩa nào cho thích hợp. Chúng tôi đã ôm mối nghi này cho đến khi tìm được câu kinh tương đương trong kinh Đại Bát Nê-hoàn do ngài Pháp Hiển Hán dịch từ cùng một Phạn bản với kinh Đại Bát Niết-bàn. Ở vị trí của câu kinh vừa dẫn, ngài Pháp Hiển đã dịch sang Hán ngữ là: "譬如陶家埏埴作器有作有壞。 (Thí như đào gia duyên thực tác khí, hữu tác hữu hoại. – Ví như thợ lò gốm dùng đất sét làm ra các món đồ dùng, có làm ra ắt có hư hoại. )

Như vậy là rõ ràng bản kinh Đại Bát Niết-bàn của ngài Đàm-vô-sấm khi khắc lại đã thiếu đi ít nhất là 4 chữ, khiến cho câu văn trở nên tối nghĩa. Sau khi điều chỉnh được sai sót này, quý vị sẽ thấy chúng tôi dịch câu kinh này ở đây như sau:

"Lại nữa, giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như người thợ lò gốm làm ra các món đồ, [về sau ắt] phải vỡ nát, hư hoại. Giải thoát không phải như thế."

Ở đây câu kinh muốn nhấn mạnh đến tính chất vô thường, "hữu tác hữu hoại" của sự vật. Nhưng quý vị có thể thấy, chúng tôi hoàn toàn không sửa lại Kinh văn khi dịch từ bản Hán ngữ của ngài Đàm-vô-sấm, mà chỉ căn cứ vào sự nhận hiểu đúng hơn sau khi tham khảo bản Hán ngữ của ngài Pháp Hiển để thêm vào mấy chữ cho rõ nghĩa, nhưng vẫn đặt những chữ thêm vào ấy trong ngoặc vuông để phân biệt rõ đó là phần được chúng tôi thêm vào. Cách làm này vừa giúp người đọc hiểu được ý kinh, vừa trung thành với nguyên tác. Trong trường hợp sự nhận hiểu của chúng tôi có sai lệch, thì người đời sau khi xem lại vẫn có thể căn cứ nguyên tác để điều chỉnh cho đúng. Nếu chúng tôi chủ quan cho rằng sự tra khảo như trên là chắc chắn đúng và sửa lại Kinh văn, thì về sau sẽ không còn ai có khả năng phát hiện để điều chỉnh nếu cách hiểu của chúng tôi có sai lầm, vì văn bản đã bị cố định trong hình thức mới. Khi có nghi ngại đối với Kinh văn, chúng tôi tin rằng cần phải hết sức thận trọng như thế.

Nguyên nhân thứ tư có thể làm khởi sinh nghi ngại là do người dịch kinh không hiểu đúng ý kinh. Chẳng hạn, khi đọc bản dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn tại đây, quý vị sẽ tìm thấy câu kinh này:

"Chúng con chưa thoát khỏi năm mươi bảy phiền não trói buộc mà sao đức Như Lai liền muốn buông bỏ, vào với Niết Bàn?" (Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 2, Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch, Hòa thượng Thích Đỗng Minh chứng nghĩa)

Câu kinh này khiến chúng tôi nghi ngại ở điểm là chưa từng nghe bất cứ kinh điển, luận giải nào khác nói đến 57 phiền não! Với mối nghi này, chúng tôi đã đối chiếu nguyên bản Hán văn và cả thảy 5 bản dịch khác nhau, bao gồm 3 bản Việt dịch và 2 bản dịch từ Hán ngữ sang Anh ngữ. Bản Hán văn ghi như sau:

"我未如是脫五十七煩惱繫縛。云何如來便欲放捨入於涅槃。" (Ngã vị như thị thoát ngũ thập thất phiền não hệ phược, vân hà Như Lai tiện dục phóng xả nhập ư Niết-bàn?)

Như vậy, "ngũ thập thất" dịch là 57 thì dường như không sai. Trong số các bản dịch thì Hòa thượng Thích Trí Tịnh bỏ hẳn câu này không dịch, còn lại 4 vị kia đều dịch như nhau - hai bản Anh ngữ đều ghi là "fifty-seven illusions". Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không thể giải tỏa mối nghi này, vì nếu không kể ra được đủ 57 loại phiền não thì câu kinh này có thể xem như hoàn toàn vô nghĩa.

Kiên trì tiếp tục tiến trình tra cứu, tìm kiếm thông tin, cuối cùng chúng tôi đọc thấy trong một bản sớ giải cách giải thích như sau: "五十七煩惱者, 三種煩惱也。 (Ngũ thập thất phiền não giả, tam chủng phiền não dã. – Năm mươi bảy phiền não, đó là chỉ cho 3 loại phiền não.) Và một bản khác nói rõ hơn: "五五蓋也。十十 纏也。七七漏也。" (Ngũ, ngũ cái dã; thập, thập triền dã; thất, thất lậu dã.)

Như vậy, rõ ràng ở đây không thể hiểu là 57 phiền não, mà là 3 nhóm phiền não bao gồm ngũ cái, thập triền và thất lậu. Nhưng kinh văn ngày xưa không sử dụng các dấu ngắt câu, nên thay vì "ngũ, thập, thất phiền não", các dịch giả tiền bối đều đã nhận hiểu nhầm là "ngũ thập thất phiền não".

Những trường hợp tinh tế như vậy, chúng ta cũng khó trách người dịch kinh, nên tốt nhất vẫn là nên đọc Kinh văn với một sự thẩm xét sáng suốt để có thể nhận ra ngay những chỗ chưa hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, những ví dụ trên cũng cho thấy quá trình nhận hiểu, giải tỏa những mối nghi khi đọc Kinh điển không hề đơn giản. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một vài nguồn cứ liệu hoặc ý nghĩa được ghi trong các từ điển để xác định và điều chỉnh ý nghĩa Kinh văn. Quá trình này chẳng những cần được mở rộng tối đa đến các bản văn liên quan, mà còn phải hết sức khách quan, thận trọng, chắt lọc các nguồn thông tin tìm được trước khi đi đến quyết định điều chỉnh một cách hiểu từ ngữ nào đó trong Kinh điển. Nếu tự thấy những nỗ lực của mình chưa thể giải quyết rốt ráo được vấn đề, chúng ta nên tham vấn các vị tôn túc, thiện tri thức và chờ đợi một ai đó có đủ khả năng làm rõ, thay vì nóng vội và tự mình chỉnh sửa theo những hiểu biết, suy diễn chủ quan.

Thông tin trong các từ điển chỉ nên được xem như nguồn tham khảo, ngay cả các từ điển Phật học cũng thế, tuyệt đối không được xem đó là căn cứ để điều chỉnh Kinh văn. Những người biên soạn từ điển cũng có giới hạn nhất định và sai sót là chuyện không thể tránh khỏi, ngay cả với những từ điển có uy tín lớn như Từ điển Phật Quang, huống chi là các từ điển Hán Việt thông thường. Chúng tôi đã từng phát hiện một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong Từ điển Phật Quang, bản Hán ngữ, tại mục từ Nam Bản Niết-bàn kinh, trang 3738, nội dung như sau:

南本涅槃經: 又作大般涅槃經。收於大正藏第十二冊。北涼曇無讖所譯之涅槃經四十卷,因其文粗樸,品目過略,後由南朝劉宋沙門慧嚴、慧觀與謝靈運等,依法顯之六卷泥洹經將之加以刪訂修治,文辭精練,共成二十五品,三十六卷。... ...〔梁高僧傳卷七慧嚴傳〕(Nam bản Niết-bàn kinh: Hựu tác Đại Bát Niết-bàn kinh, thu ư Đại chính tạng đệ thập nhị sách. Bắc Lương Đàm-vô-sấm sở dịch chi Niết-bàn kinh tứ thập quyển, nhân kì văn thô phác, phẩm mục quá lược, hậu do Nam triều Lưu Tống Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán dữ Tạ Linh Vận đẳng, y Pháp Hiển chi lục quyển Nê-hoàn kinh tương chi gia dĩ san đính tu trị, văn từ tinh luyện, cộng thành nhị thập ngũ phẩm, tam thập lục quyển... ... (Lương Cao tăng truyện, quyển thất, Tuệ Nghiêm truyện)

Dịch nghĩa:

Nam bản Niết-bàn kinh: Cũng gọi là Đại bát Niết-bàn kinh, được đưa vào Đại chánh tạng, tập 12. Bản dịch kinh Niết-bàn 40 quyển vào đời Bắc Lương của ngài Đàm-vô-sấm, vì văn chương thô thiển mộc mạc, phẩm mục quá sơ sài, [nên] về sau đến đời Lưu Tống Nam triều mới được nhóm các sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, [cư sĩ] Tạ Linh Vận... cùng dựa theo [bản dịch] kinh Nê-hoàn 6 quyển của Pháp Hiển để thêm vào, san định sửa chữa, văn chương câu cú thành tinh luyện, cả thảy là 25 phẩm, 36 quyển... ... [Dẫn theo] Lương Cao tăng truyện, quyển 7, truyện Tuệ Nghiêm.)

Tuy nhiên, trong quá trình Việt dịch Kinh Đại Bát Niết-bàn từ bản Hán dịch của ngài Đàm-vô-sấm, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy hoàn toàn không có lý do gì để Từ điển Phật Quang cho rằng bản dịch này "văn chương thô thiển mộc mạc, phẩm mục quá sơ sài" , cũng như khi so sánh đối chiếu từng trang giữa Nam bản và Bắc bản, chúng tôi xác định rõ là nhóm của ngài Tuệ Nghiêm không hề làm những việc "san định sửa chữa, văn chương câu cú thành tinh luyện" như nội dung từ điển đã ghi. Công việc chủ yếu được thực hiện trong lần khắc in lại đời Nam Tống là căn cứ bản dịch kinh Đại Bát Nê-hoàn của ngài Pháp Hiển (mà chúng tôi vừa dẫn ở đoạn trên) để phân chia lại các phẩm mục. Do đó mà từ 40 quyển trong lần in đầu, khi khắc in lại chỉ còn 36 quyển. Còn việc chỉnh sửa từ ngữ hầu như rất ít, không đáng kể.

Để làm rõ mối nghi này, chúng tôi đã theo dẫn chú của Từ điển Phật Quang để tìm đọc trong quyển 7 sách Lương Cao tăng truyện, phần truyện ngài Tuệ Nghiêm. Trong sách này, chúng tôi tìm thấy nội dung liên quan như sau:

"嚴迺共慧觀謝靈運等。依泥洹本加之品目。文有過質頗亦治改。" (Nghiêm nãi cộng Tuệ Quán, Tạ Linh Vận đẳng, y Nê-hoàn bản gia chi phẩm mục, văn hữu quá chất phả diệc trị cải.)

Dịch nghĩa:

[Tuệ] Nghiêm mới cùng với các vị Tuệ Quán, Tạ Linh Vận... y theo bản kinh Nê-hoàn mà thêm vào các phẩm mục, văn chương có chỗ nào lệch lạc cũng chỉnh sửa lại.

Như vậy, quả nhiên theo sách này thì công việc của nhóm ngài Tuệ Nghiêm chủ yếu là "thêm vào các phẩm mục" như chúng tôi đã nhận biết, còn việc chỉnh sửa chỉ xuất hiện ở một vài nơi không đáng kể, hoàn toàn không giống như mô tả của Từ điển Phật Quang. Có lẽ thay vì hiểu đúng như trong sách ghi là "y Nê-hoàn kinh gia chi phẩm mục" thì những người biên soạn từ điển chỉ đọc câu này là "y Nê-hoàn kinh gia chi". Điều kỳ lạ là cách đọc hiểu sai lầm này lại thấy xuất hiện ở đầu các bản kinh thuộc Nam bản trong Đại Chánh tạng với dòng chữ này: 宋代 沙門慧嚴等依泥洹經加 之 - Tống đại Sa-môn Tuệ Nghiêm đẳng y Nê-hoàn kinh gia chi.

Đó là một ví dụ để cho thấy việc không thể đặt niềm tin hoàn toàn vào các từ điển, cho dù là những từ điển rất có uy tín.

b. Khởi nghi vì những ý nghĩa sâu xa, uyên áo

Những nghi vấn loại này thường liên quan nhiều đến "tách trà tri thức" luôn đầy ắp của chúng ta. Thường thì ta rất ít khi ý thức được việc cần phải "làm trống" nó trước khi tiếp nhận những tư tưởng mới từ Kinh điển. Những tri thức thế tục qua một thời gian dài đã chiếm chỗ trong tâm trí ta và khẳng định giá trị nhất định của chúng. Nếu tiếp tục chấp nhận những giá trị ấy thì ta không cần thiết phải thay đổi gì cả. Nhưng vấn đề ở đây là, khi cảm thấy cần thiết phải tìm đến với đạo Phật thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta đã nhận ra những bế tắc hay bất ổn nào đó trong cuộc sống. Nói cách khác, nếu không bắt đầu nhận dạng được khổ đau trong đời sống thì chúng ta sẽ chưa cảm thấy cần đến giáo lý của đạo Phật.

Vì thế, khi đến với đạo Phật, đến với Kinh điển, chúng ta cũng đồng thời có nhu cầu chuyển hướng tâm thức để tìm một giải pháp cho những khổ đau trong đời sống. Nếu ta vẫn loay hoay theo đường hướng cũ, thì việc đọc Kinh điển chẳng qua cũng chỉ tích lũy thêm cho ta một khía cạnh tri thức lý luận mới, nhưng đó lại không phải là mục đích của Kinh điển. Những người đọc Kinh điển để suy diễn, lý luận, tranh cãi về phương diện này hay phương diện khác, hầu hết đều rơi vào cách tiếp cận sai lầm này.

Khi xác định mục đích học hỏi Kinh điển là để có được những giải pháp tu tập áp dụng vào đời sống nhằm chuyển hóa khổ đau, mang lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân, chúng ta nhất thiết phải "làm trống" đi tách trà tri thức đầy ắp của mình. Có như vậy, ta mới có thể dễ dàng trực nhận được những giá trị lợi lạc vô song từ Kinh điển.

Cũng trên tinh thần đó, người học Kinh điển sẽ tránh được tình trạng sa đà vào sự nghiên tầm lý luận quá nhiều mà không chú trọng đúng mức vào công phu hành trì, tu tập. Chính trong ý nghĩa này mà kinh Duy-ma-cật có dạy rằng: "Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm. Tùy kỳ thâm tâm tắc ý điều phục. Tùy kỳ điều phục tắc như thuyết hành." (隨其發行則得深心。隨其深心。則意調伏。隨其調伏則如說行。)

Từ chỗ khởi làm ắt được lòng tin sâu vững. Từ lòng tin sâu vững ắt tâm ý được điều phục. Do tâm ý được điều phục ắt có thể làm đúng theo như lời được thuyết dạy.

Nếu nhận hiểu trình tự tu tập như trong câu kinh này, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc khởi sự tu tập thay vì chỉ loanh quanh trong vòng lý luận.

Dù vậy, việc khởi tâm nghi khi gặp những câu kinh mang ý nghĩa thâm áo cũng là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp đó, chúng ta cần biết phân biệt giữa sự "nghi" vì chưa hiểu được huyền nghĩa là khác với sự "ngờ vực" vì cho rằng những điều trong kinh có khả năng sai lầm hoặc không hợp lý, không thể đặt niềm tin. Tâm nghi đúng đắn như thế sẽ mở ra cho chúng ta một khả năng tiến xa hơn khi giải được mối nghi, trong khi sự ngờ vực lại là một trong những nguyên nhân che chướng, làm trở ngại con đường tu tập của chúng ta.

Để hiểu thêm về trường hợp khởi nghi vì những ý nghĩa sâu xa, uyên áo trong Kinh điển, chúng tôi xin nêu trường hợp của đạo hữu Tâm Tịnh được trình bày chi tiết tại đây. Mời quý vị đọc qua trước khi xem tiếp phần bên dưới để có thể dễ dàng theo dõi những trích dẫn của chúng tôi.

Câu văn khiến cho đạo hữu Tâm Tịnh khởi nghi là một câu do Lục tổ Huệ Năng cảm thán nói ra ngay sau khi đạt ngộ nhờ được nghe giảng kinh Kim Cang. Câu ấy như sau:

"何期自性能生萬法。" (Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.)

Trước hết, cần cải chính một vài thông tin trong bài viết của đạo hữu Tâm Tịnh. Trong link đầu bài dẫn đến bản dịch ở trang www.doko.vn có một sai lệch là người đăng sách đã trích câu mở đầu trong bản dịch của thầy Mãn Giác để lên đầu trang, trong khi bên dưới lại là bản dịch của Cố học giả Đoàn Trung Còn và tôi. Do đó đạo hữu Tâm Tịnh có sự hiểu lầm rằng chúng tôi đã dịch"từ bản chữ Hán được tìm thấy ở động Đôn Hoàng". Thật ra, bản dịch của chúng tôi là dịch từ bản Hán văn trong Càn Long tạng và Đại Chánh tạng, nội dung có nhiều chỗ khác biệt so với Đôn Hoàng tả bản (bản chép tay tìm được ở Đôn Hoàng) mà thầy Thích Mãn Giác chọn dịch.

Thứ hai, bản dịch của thầy Mãn Giác là dịch từ bản Hán văn tìm được ở Đôn Hoàng, không phải dịch từ bản tiếng Anh của Yampolsky. Đạo hữu Tâm Tịnh đã biết việc này và có đính chính trong thư gửi cho tôi, nhưng tôi thấy vẫn cần nêu ra ở đây để tránh sự hiểu lầm cho quý độc giả. Ngoài ra còn một điều quan trọng hơn nữa là, do bản tiếng Anh của Yampolsky và bản Việt dịch của thầy Mãn Giác đều dịch từ bản Đôn Hoàng nên không có những đoạn kệ được trích dẫn, chứ không phải các vị cố ý "không dịch đoạn mà có những câu này". Hiện tôi đang có trong tay ảnh chụp của bản chép tay tìm được tại Đôn Hoàng nên có thể xác quyết điều đó. Nội dung này cần nói rõ để tránh sự ngộ nhận rằng do nhận thấy những câu kệ trên có gì đó không đúng Chánh pháp nên các vị đã lược bỏ không dịch.

Rộng mở Tâm HồnTrang kinh chép tay trong tả bản Đôn Hoàng, cho thấy không có bài kệ được chúng ta bàn đến ở đây.

Dòng kinh thứ 3 đọc ngược từ bên phải qua, 4 chữ dưới cùng là "thuyết Kim Cang Kinh".
Dòng kinh thứ 4, từ trên đọc xuống là: "Huệ Năng nhất văn ngôn hạ tiện ngộ, kỳ dạ thọ pháp, nhân tận bất tri, tiện truyền Đốn pháp..."


Đây là vị trí xuất hiện những câu cảm thán của Lục Tổ Huệ Năng, nhưng trong bản kinh chép tay này hoàn toàn không có. Thầy Mãn Giác đã dịch theo bản này.


Về câu kệ làm khởi sinh tâm nghi của đạo hữu Tâm Tịnh, nội dung nghi tình gồm có 2 ý chính. Thứ nhất, liệu những người Việt dịch có dịch đúng ý kinh hay không? Trong trường hợp dịch sai, thì việc đương nhiên là phải nhận sai để chỉnh sửa lại cho đúng, và vấn đề sẽ không còn gì để bàn tiếp. Nhưng nếu sự chuyển dịch không có gì sai thì do đó sẽ nảy sinh ý thứ hai là, liệu hàm ý của câu kệ này có đúng với Chánh pháp hay không? Có mâu thuẫn với những câu kệ trước nó hay không?

Có một thực tế là hiện nay trong số những người dịch kinh Pháp Bảo Đàn, ngoài tôi ra thì tất cả các vị khác đều đã qua đời. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là tôi có thẩm quyền lên tiếng thay cho các dịch giả khác, mà tất cả đều là những bậc tiền bối. Để tránh sự ngộ nhận này nên trước hết xin nêu rõ rằng những gì trình bày ở đây chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi.

Trước khi trình bày ý kiến của mình về những gì đạo hữu Tâm Tịnh đã nêu, tôi xin quay lại một chú

grab1432625332Phat 9 743697288

Đặc điểm nổi bật của Phật giáo và ngày Lễ Phật đản tại Hàn Quốc

Đăng lúc: 23:18 - 26/05/2015

Phật giáo truyền đến bán đảo Triều Tiên qua Trung Quốc muộn hơn nhiều so với Việt Nam. Theo lịch sử ghi chép, Phật giáo có mặt tại bản quốc này vào thế kỷ thứ IV Tây lịch.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 5
  • Hôm nay 3,877
  • Tháng hiện tại 61,262
  • Tổng lượt truy cập 23,467,511