Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đạo Phật là đạo hiếu

Đạo Phật là đạo hiếu

Đăng lúc: 19:23 - 15/08/2016

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên khởi nguyên của lịch sử cội nguồn dân tộc ta lại bắt nguồn từ huyền sử cha già Lạc Long Quân cùng với mẹ Âu Cơ kết duyên sinh ra 100 người con từ trong bọc trứng, để rồi dẫn đến khái niệm “đồng bào”. Từ đó 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, lớn lên trưởng thành và chung sống với nhau bằng triết lý “Thương người như thể thương thân”.

daohieu.jpg
Đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về

Khi đạo Phật du nhập vào thì dân ta lại “Rủ nhau xuống bể mò cua/ Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”. Nhờ vậy, dân ta mới thấm hiểu triết lý sống của đạo Phật, thấm thía lời Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử”. Và như thế, từ cơ sở triết lý của nền văn hóa Việt Nam và kết hợp của nền giáo lý Phật-đà, đã được người dân Việt trải nghiệm trong cuộc hành trình hướng tâm giải thoát, chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo hiếu mà Mâu Tử đã khẳng định trong tác phẩm của ông qua diễn đàn văn học thời kỳ Phật giáo thời du nhập.

1. Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha

Bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi vào dòng đời cũng bắt đầu từ vòng tay ôm ấp, nuôi dưỡng và chỉ giáo của mẹ cha. Bằng cả tấm lòng bao la như trời biển, mẹ đã truyền trao cho con những dòng sữa ngọt ngào, ru cho con ngủ bằng cả niềm tin và hy vọng, rồi dìu con đi từng bước, trao cho con cái gia tài đầu tiên là tình người như là hành trang vào đời qua từng năm tháng. Cha thì nghiêm từ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, khích lệ, dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng, dạy con nên người. Chính vì ân sâu nghĩa nặng của người làm cha, làm mẹ như thế, nên nhân dân ta đã khắc ghi qua những vần thơ ca dao:“Công cha nghĩa mẹ cao vời/ Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta/ Nên người ta phải xót xa/ Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”.

Rõ ràng công cha nghĩa mẹ là vô cùng lớn lao, không có bút mực nào mô tả hết được. Chính trong kinh Tăng chi đã diễn tả cha mẹ là người không bao giờ trả hết ơn được, cho dù người con nỗ lực cung phụng cha mẹ suốt đời: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được: mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ…cũng chưa làm đủ để đền ơn mẹ và cha”2. Thế nên, Mâu Tử đã dẫn lời Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăng trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận. Thế nên người con tiếp nhận tình cha nghĩa mẹ bằng sự hiếu thảo của mình: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Rõ ràng chữ “hiếu” được xác lập bằng “đạo con”, tức là đạo làm con, bằng sự thể hiện của tâm hiếu rất cụ thể mà cha ông ta khái quát “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Trong cuộc hành trình thể nhập với đời, người con báo hiếu cho cha mẹ khởi đầu bằng sự hoàn thiện bản thân, tức là phải biết tự sửa mình qua sự tôn kính, sự thực thi những lời giáo huấn nghiêm từ của mẹ cha. Điều đó cũng được cụ thể hóa qua những việc làm cụ thể của người con đối với cha mẹ mà Phật đã dạy trong kinh Đảnh lễ sáu phương: 1. Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần. 2. Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc. 3. Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình. 4. Giữ gìn tài sản của cha mẹ. 5. Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. 6. Lo tang lễ mẹ cha đúng phong tục khi cha mẹ qua đời. 7. Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, Chánh kiến đến cho cha mẹ.

Đó là nếp sống hiếu hạnh của người con Phật trong gia đình. Suy cho cùng, cha mẹ là người sinh thành và giới thiệu con cái vào đời và làm cho đời sáng tươi. Cho nên, bổn phận người con báo hiếu cha mẹ qua các điều nói trên là phù hợp với đạo lý người Việt Nam, Phật giáo chỉ giới thiệu thêm điều thứ 7 là nhằm mục đích hướng tâm cho cha mẹ giải thoát thì sự báo hiếu mới trọn vẹn.

Bản kinh Tăng chi nói rất rõ: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin với Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích cha mẹ vào Chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và đền đáp ơn cho mẹ và cha”3. Và như thế, chỉ có Chánh kiến, Chánh pháp là cánh cửa mở ra thế giới hạnh phúc cho mẹ cha đời này và đời sau mà bổn phận người con ở trong nhà thì phải hiếu thảo với mẹ cha là vậy.

2. Ra ngoài xã hội thì phải giúp nước hộ dân

Một người mà hiếu thảo với mẹ cha là cơ sở thực thi đạo hiếu khi bước ra ngoài xã hội. Trong cuộc hành trình đi tìm lẽ sống, sự hiếu thảo trong gia đình sẽ lan tỏa bởi từ sự giáo dưỡng của cha mẹ và bà con quyến thuộc. Thế nên khái niệm hiếu thảo với mẹ cha trong gia đình đồng nghĩa “giúp nước hộ dân” ở ngoài xã hội. Huống chi, triết lý sống của người Việt đều nhìn nhận nhau trong khái niệm cùng huyết thống đại gia đình, sinh ra cùng trong ý niệm đồng bào như đã nói. Phật lại dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Và như thế, hạnh hiếu không chỉ là cơ sở cội nguồn của văn hóa tình người mà còn là cơ sở thiết lập nền văn hóa vô ngã khi mà con người luôn giáp mặt khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ đau. Chính vì lẽ sống lý tưởng này mà tâm hiếu chảy đến đâu thì tình người hóa hiện cụ thể đến đó. Khi tâm hiếu chảy vào cha mẹ thì gọi là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vào bạn đời trăm năm thì gọi là tình nghĩa vợ chồng, vào với những người xung quanh thì gọi là tình làng nghĩa xóm, rộng hơn nữa là chảy vào cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc thì là trung với nước hiếu với dân.

Cho nên thể hiện đạo hiếu của người Việt được cha ông ta dạy rất cụ thể: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào, đồng chí, đồng lòng thiết lập để mọi người tự thân có cách ứng xử hiếu thuận, hiếu hòa trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Hơn nữa, triết lý Duyên khởi của nhà Phật lại cho người Phật tử Việt Nam không ai sống một mình, con người có vô số mối liên hệ trong đời sống thực tiễn. Giá trị hạnh phúc của con người, suy cho cùng thực chất là sự kết nối yêu thương, chung sống với nhau hòa hợp. Vì thế lời hát ru năm nào của mẹ lại vang lên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thực thi như thế, rõ ràng tự thân đã thực thi tâm hiếu hạnh ra bên ngoài xã hội.

Thực tế, lịch sử dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong cuộc hành trình này tự thân mỗi người Việt đã sống theo đạo hiếu mà cha ông ta trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất cứ ai hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân thương này đều thấm thía lời ru của mẹ cha từ thuở nằm nôi, dạy cho con học cách ứng xử tùy duyên hiếu thuận với mọi người, mọi hoàn cảnh, miễn sao đạt đến mục đích cũng như lèo lái con thuyền cập bến bờ an toàn, để có sự an lạc trong tâm hồn: “Ru hời ru hỡi là ru/ Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”. Tinh thần này luôn luôn được tuôn chảy vào trong đời sống thực tiễn của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thiền sư Pháp Thuận từng khắc họa thông điệp thái độ sống hiếu thảo giúp nước hộ dân này bằng bài Quốc tộ: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam tức thái bình/ Vô vi như điện các/ Xứ xứ dứt đao binh”. Để rồi sau đó Trần Nhân Tông đã hóa hiện lời dạy của cha ông năm nào bằng bài kệ Cư trần lạc đạo phú: “Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có của thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”. Nhờ vậy, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhân dân được ấm no, đạo pháp trường tồn cho đến ngày hôm nay.

3. Ngồi một mình thì phải tu thân

Có thể nói đây cũng là triết lý sống của người Việt, khởi nguyên từ những lời ru của mẹ cha ngay từ thuở nằm nôi đã được dặn dò. Cuộc đời là trường học không bao giờ có sự kết thúc. Trong cuộc sống vô thường đầy biến động này, để được sống, được tồn tại, được phát huy con người cần nỗ lực tự hoàn thiện lấy mình. Sự hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện nhân cách là điều kiện tất yếu để được yêu thương, được kết nối với cộng đồng xã hội: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Xem ra đạo hiếu dạy cho con người khi ngồi một mình phải chiêm nghiệm cái triết lý “đi tìm người thương” để sống, để được sẻ chia.

Thực ra khát vọng lớn nhất của con người là khát vọng hạnh phúc. Và như thế yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời. Chính vì đó, mẹ cha lại dạy con thực thi nếp sống đạo đức, hoàn thiện phẩm hạnh, tu nhân tích đức qua lời ví von: “Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau”. Có cây đức là có tất cả, bởi lẽ đó là cả quá trình điều chỉnh thân tâm, tự tu, tự sửa sai lầm: “Ở hiền gặp lành, gieo gió thì gặt bão”; “Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Mục đích cuối cùng là tự thân gặt hái những thành tựu hương thơm quả ngọt mà cuộc sống trao tặng: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”. Thật kỳ diệu vô cùng.

Thế nên, sự tu thân khi ngồi một mình được diễn dịch nói trên thực chất là một cuộc hành trình tu tập của mỗi cá nhân mà Phật từng dạy cho chúng ta “Hãy tự mình quay về nương tựa chính mình và nương tựa Pháp, không nương tựa nơi nào khác”. Con người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân chính mình. Con người sở dĩ không hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng nghĩa không thực thi tâm hiếu từ trong nhà cho đến bên ngoài xã hội.

Con đường Đức Phật giới thiệu cho mọi người thực thi sự tu thân khi ngồi một mình là phải biết chiêm nghiệm hành trì về giới định tuệ. Mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si, mục đích là giữ cho “thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh”. Từ trong giá trị đích thực này, mỗi người có thể an trú trong niềm hạnh phúc khi biết sống cho hạnh phúc người khác, đồng nghĩa biết sống hạnh phúc cho chính mình. Bạn có thể thực thi 6 pháp ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để tâm hiếu thảo của bạn lan tỏa vào cộng đồng, vào thế giới hạnh phúc giữa cõi đời này.

4. Thay cho lời kết

Đến đây, chúng ta có thể nói rằng triết lý sống của người Việt là triết lý thực thi đạo hiếu. Đạo hiếu đó được diễn dịch bằng thông điệp hết sức giản dị và mộc mạc, trên hết được cụ thể hóa là: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” từ điểm nhìn của người con Phật thuần thành. Thông điệp này không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó thể nhập thành thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau.

Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng nhằm mục đích kết nối truyền thông sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Và như vậy một lần nữa, có thể nói đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về.

Thích Phước Đạt

Tích lũy phước báo thăm bệnh

Tích lũy phước báo thăm bệnh

Đăng lúc: 23:02 - 24/06/2016

Bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn của chúng sinh. Dĩ nhiên trong đời sống chẳng ai thoát khỏi bệnh tật, không đau này thì ốm nọ. Nhưng đau bệnh mà có người chăm sóc là còn phước. Có một số người, đã đau bệnh lại còn bạc phước không người săn sóc nên đau chồng thêm khổ.

Người đời lập gia đình, có con cháu một phần là để tựa nương lúc ốm đau. Người xuất gia sống không gia đình, khi đau ốm chủ yếu nhờ vào sự đùm bọc của Tăng thân, đạo hữu. Nhưng vì nhiều nhân duyên, một số vị xuất gia khi bệnh tật phải tự xoay xở, chịu đựng một mình. Bấy giờ thân bệnh, tâm khổ là điều khó tránh. Theo Thế Tôn, sở dĩ người bệnh không được người khác chăm sóc vì nhân duyên lúc mạnh khỏe không tích lũy phước báo thăm bệnh người khác.

“Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Tỳ-kheo đau nặng đến nguy kịch, nằm một chỗ, đại tiểu tiện, không thể tự ngồi dậy, cũng chẳng có Tỳ-kheo nào đến thăm hỏi chăm sóc. Ngày đêm thầy xưng danh hiệu Phật: Sao Thế Tôn chẳng thương xót ta?

Khi ấy, Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe Tỳ-kheo ấy kêu than, hướng về Như Lai. Thế Tôn bèn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta với các thầy đi thăm các phòng liêu, xem xét chỗ ở.

Các Tỳ-kheo thưa:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy, Thế Tôn bèn cùng các Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đi thăm qua các liêu phòng. Tỳ-kheo bệnh xa thấy Thế Tôn đến, liều muốn ngồi dậy mà không cử động nổi. Thế Tôn đến bên chỗ Tỳ-kheo ấy, bảo rằng:

- Thôi, thôi! Này Tỳ-kheo, đừng tự cử động. Ta tự có chỗ ngồi sẵn.

Khi ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương biết ý nghĩ của Như Lai, từ thế giới Dạ-ma ẩn, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đứng qua một bên.

Thích-đề-hoàn-nhân biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, từ cõi Phạm thiên ẩn, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui qua một bên.

Trời Tứ thiên vương biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, bèn đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui đứng một bên.

Khi ấy, Phật hỏi Tỳ-kheo bệnh:

- Hôm nay bệnh khổ của thầy có thuyên giảm chăng?

Tỳ-kheo thưa:

- Bệnh khổ của đệ tử tăng chứ không giảm, rất ít được nhờ cậy.

Phật hỏi các Tỳ-kheo:

- Người khám bệnh hiện ở đâu? Người nào đến thăm bệnh?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Nay mắc phải bệnh này, không có ai trông nom.

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Trước kia, khi thầy chưa bệnh, có đến thăm hỏi người bệnh chăng?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Không đến hỏi han các người bệnh.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nay thầy không có lợi lành ở trong Chánh pháp. Vì sao? Vì không đến hỏi thăm bệnh. Nay Tỳ-kheo chớ lo sợ, Ta sẽ đích thân cung dưỡng cho thầy, không để thiếu”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 44.
Chín nơi cư trú của chúng sanh [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.213)

Nhân quả thật rõ ràng, cụ thể. Vì lúc khỏe mạnh ta không thăm hỏi, quan tâm đến người bệnh nên khi mình bị bệnh chẳng ai đoái hoài đến mình. Lời nhắc nhở khéo léo và nhẹ nhàng “Nay thầy không có lợi lành ở trong Chánh pháp. Vì sao? Vì không đến hỏi thăm bệnh” của Thế Tôn khiến ta giật mình. Chính sự bận rộn hay hờ hững vô tâm mà ta đã đánh mất cơ hội quý giá quan tâm đến mọi người đang bệnh khổ xung quanh nhằm tạo phước cho chính mình.

Thế Tôn đã nhiều lần khuyến dạy về phước báo to lớn của việc chăm sóc người bệnh, nhất là với những bạn đồng tu. Thực tế, có một số vị xuất gia sau khi trải qua cơn bạo bệnh chợt thấm thía ra nhiều giá trị về tình đời, nghĩa đạo. Đành rằng, trước tự trách mình sau mới trách người. Qua pháp thoại này, chúng ta cần quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhất là những lúc hoạn nạn. Giúp người mà kỳ thực là để giúp mình.
Quảng Tánh

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi

Đăng lúc: 08:08 - 01/07/2015

Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.

Thanh niên Khmer ở tuổi từ 15 tuổi trở lên ai cũng phải tu báo hiếu. “Ai không tu sẽ bị xem là thiếu đức độ, không tôn trọng truyền thống và bị cộng đồng cho là một người mất nết” – anh Chau Vích Thi- cán bộ một cơ quan cấp tỉnh cho biết.

Tap tuc tu bao hieu hoc lam nguoi vung Bay Nui
Người dân đưa con em đến nhập tu báo hiếu tại các chùa ở huyện Tịnh Biên (An Giang). (Ảnh: Trọng Bình)
Còn theo hòa thượng Chau Sơn Hy - Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo An Giang, hoạt động tu báo hiếu một phần theo thói quen, tập tục truyền thống, một phần do bà con phật tử trong mùa hè có thời gian rảnh nhiều hơn. Nhưng quan trọng nhất là ai cũng muốn con em mình nhập tu trong mùa an cư kiết hạ, cũng là mùa vu lan báo hiếu.

Tu báo hiếu không những có ý nghĩa bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn có tác động đến nhân cách đạo đức con người trong xã hội hiện đại. Ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn thông tin: “Mặc dù tập tục tu báo hiếu đã có từ xưa nhưng nó không làm ảnh hưởng đến việc làm của thanh niên Khmer ở đây, kể cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước của huyện hầu hết ai cũng có thời gian đi tu. Tôi thấy rõ những cán bộ, viên chức trải qua khóa tu thì họ đĩnh đạc, chững chạc hơn; thái độ cũng như tác phong làm việc rất chuẩn mực. Đó là kết quả của những ngày học đạo ở nhà chùa. Tùy điều kiện, có người tu 1 tháng, 1 tuần, thậm chí 3 ngày, sau đó xuất tu, hoàn tục tham gia các hoạt động xã hội bình thường”.

Người dân Khmer cho rằng, nhờ tu báo hiếu, thanh niên sẽ có được những bài học đạo đức căn bản trước khi bước ra đời sống xã hội, thấm thía giá trị quý báu của những bài học làm người từ các nhà sư trong chùa. “Tu báo hiếu của thanh niên Khmer ngày nay đúng với phương châm sống tốt đạo đẹp đời. Tu báo hiếu vừa phát huy nét văn hóa truyền thống, vừa thức thời với cuộc sống văn minh hiện đại” - ông Châu Kim Sêng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang nhận định.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 3,494
  • Tháng hiện tại 60,879
  • Tổng lượt truy cập 23,467,128