Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Bậc chân tu đạo cao đức trọng quỷ thần kính sợ

Bậc chân tu đạo cao đức trọng quỷ thần kính sợ

Đăng lúc: 22:03 - 05/09/2016

Người xưa tu hành có đạo đức cao thượng tôn quý, khiến thiên long quỷ thần cảm động, tự nhiên đến ủng hộ. Vì thế, đạo đức là tôn quý nhất ở thế gian, nên có câu: "Đạo cao long hổ phục. Đức trọng quỷ thần khâm".
Quỷ thần cùng con người, mỗi loài đều có pháp giới tôn quý ty tiện khác nhau. Tại sao chư thiên, quỷ thần lại tôn trọng, cung kính pháp giới loài người? Diệu tánh linh minh vốn chẳng phân biệt mình người, đều đồng quy về nhất thể. Chỉ vì vô minh bất giác, mê muội nguồn chân, mới phân mười pháp giới, tức sáu phàm bốn thánh. Nếu muốn xả mê về ngộ, phải xoay về cội nguồn. Song, trình độ giác ngộ của mỗi pháp giới không đồng. Trong pháp giới của con người, có kẻ giác và bất giác, cũng có kẻ chánh tri kiến và tà tri kiến. Pháp giới chư thiên và quỷ thần cũng như thế. Tuy nằm trong sáu loài phàm phu, nhưng pháp giới con người lại vượt trội năm pháp giới khác.

Chư thiên cõi trời Lục Dục vẫn còn đam mê tham ái nữ sắc, quên mất việc tu hành. Trời Tứ Thiền Thiên thì lại tham đắm thiền vị, quên mất con đường minh ngộ chân tâm. Trời Tứ Không Thiên thì lại lạc vào thiên chấp biến không, quên mất chánh tri kiến. A Tu La còn nhiều sân hận. Chúng sanh trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thọ bao khổ nhọc, khiến chẳng có chánh niệm, thì làm sao tu hành? Cõi người khổ nhọc vui sướng không đồng, nhưng so với các cõi khác thì dễ dàng giác ngộ hơn, nên có thể minh tâm kiến tánh, siêu phàm nhập thánh. Chư thiên quỷ thần tuy có thần thông phước báo nhiều ít không đồng, nhưng đều tôn trọng người có đạo đức và cùng ngưỡng mộ chánh pháp.

Thiền sư Nguyên Khê, kết am tại Nhạc Bàng Ô, đã từng truyền giới cho thần núi. Trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, viết: "Ngày nọ, có một dị nhân, đầu đội mão rộng, thân mặc cân đai, dẫn rất nhiều người, thư thả đi vào am, bảo rằng muốn yết kiến Đại Sư. Thấy hình mạo kỳ lạ phi thường, Đại Sư hỏi:

- Lành thay! Nhân giả vì cớ gì mà đến đây?


Thần đáp:

- Đại Sư nhận ra con không?

- Ta chỉ dùng mắt bình đẳng mà quán chư Phật cùng tất cả chúng sanh, sao lại có phân biệt!

- Con vốn là thần trụ núi này, và cầm nắm sanh tử con người trong vùng. Đại Sư có nhận biết không?

- Ta vốn vô sanh, ông làm sao giết được? Thân Ta đồng với hư không, cùng đồng với thân ông. Ông có thể phá hoại hư không cùng thân của mình không? Chẳng thể được! Thân Ta bất sanh bất diệt. Ông chưa có thể làm được như thế, sao cầm nắm sanh tử của ta?

Thần cung kính cúi đầu thưa:

- Con là vị thần rất mực thông minh chánh trực, há lại không biết Đại Sư có trí huệ quảng đại sao? Nay mong cầu Đại Sư hãy truyền chánh giới, con xin lãnh thọ.

- Ông khất cầu giới, tức đã đắc giới. Tại sao? Ngoài tâm không có giới, sao cần cầu giới?

- Nghe lý này, con thật mê muội, chỉ cầu Đại Sư truyền giới để con trở thành đệ tử của Ngài.

Đại Sư lên tòa, ngồi ngay thẳng, tay cầm bình hương trầm, bảo:

- Hôm nay truyền năm giới cấm, nếu ông phụng trì được, thì đáp rằng con giữ được. Ngược lại, hãy đáp rằng không giữ được.

Thần thưa:

- Con kính cẩn thọ giáo.

- Ông có thể giữ giới cấm dâm dục được không?

- Con vẫn còn có vợ.

- Chẳng phải thế! Ta bảo là không nên tà dâm.

- Con giữ được.

- Ông có thể giữ giới cấm ăn cắp được không?

- Con đâu có thiếu gì, sao lại đi ăn cắp?

- Không phải vậy! Hưởng thụ mà không tham lam quá độ. Không được cúng, chớ nên gieo họa cho người hiền.

- Con giữ được.

- Ông có thể giữ giới cấm giết hại được không?

- Con đang nhậm chức phán sát, sao không thể giết hại được?

- Không phải thế! Chẳng nên lạm dụng quyền thế, giết hại người hiền.

- Con giữ được.

- Ông có thể giữ giới cấm nói láo được không?

- Tâm con chất trực, sao lại đi nói láo?

- Không phải thế! Không nói láo tức lời nói trước sau đều hợp với tâm của trời đất.

- Con giữ được.

- Ông có thể giữ giới cấm uống rượu được không?

- Con giữ được.

- Trên đây là những giới cấm do Phật chế. Có tâm phụng trì mà vô tâm chấp vật. Có tâm vì vật, mà vô tâm nghĩ tưởng thân. Nếu được như thế, thì lúc trời đất vừa thành lập, chẳng tinh khiết. Lúc trời đất tan hoại thì chẳng già. Biến hóa ngày đêm mà không động. Cứu cánh tịch mặc mà chẳng ngừng nghỉ. Ngộ được như thế, tuy có vợ mà chẳng phải thê thiếp. Tuy hưởng thụ, mà chẳng chấp thủ. Tuy có oai quyền mà chẳng lạm dụng uy thế. Tuy làm mà chẳng tạo. Tuy say rượu mà chẳng hôn mê. Nếu vô tâm nơi muôn vật, tuy nhiều dục mà chẳng dâm; tham lam quá độ mà không phạm tội ăn cắp; lạm quyền giết lầm người mà không phạm tội sát. Trước sau ngược với trời đất mà không vọng dối. Hôn vọng điên đảo mà chẳng say. Đó gọi là vô tâm. Vô tâm thì vô giới. Vô giới tức là vô tâm, vô Phật, vô chúng sanh, vô nhân, vô ngã, vậy thì ai là người trì giới?

- Thần thông của con thật không thể sánh bằng Phật.

- Trong mười phần thần thông, ông không thể làm được năm phần, còn Phật thì không thể làm ba phần.

Nghe thế Thần bèn quỳ xuống thưa:

- Cầu xin Đại Sư kể rõ cho con nghe.

Đại Sư hỏi:

- Ông có thể khiến mặt trời mọc ở hướng tây, lặn ở hướng đông không?

- Không thể.

- Ông có thể lấy đất năm đỉnh núi mà kết thành bốn biển không?

- Không thể.

- Phật có thể chuyển tất cả tướng không thành muôn pháp trí, mà không thể diệt định nghiệp. Phật có thể biết sự việc của chúng sanh cùng tận ức kiếp, mà không thể giáo hóa những kẻ vô duyên. Phật có thể độ vô lượng loài hữu tình mà không thể diệt tận pháp giới chúng sanh. Đó là ba việc mà Phật không thể làm được. Định nghiệp cũng không lâu. Kẻ vô duyên cũng có kỳ. Pháp giới chúng sanh vốn không tăng không giảm. Không ai có thể làm chủ tất cả pháp. Có pháp mà vô chủ, nên gọi là vô pháp. Vô pháp vô chủ, cũng gọi là vô tâm. Nay giải thích về Phật, Ta cũng chẳng có thần thông, chỉ dùng vô tâm mà thông đạt hết muôn pháp.

- Con thật rất ngu muội, chưa từng được nghe nghĩa không. Đại Sư truyền giới, con vâng giữ phụng hành. Ngày nay, con nguyện muốn báo đáp ân đức từ bi của Đại Sư, nên sẽ hiển hiện chút ít thần thông.

- Ta quán thân vô vật, quán pháp vô thường, sao cần cầu chi nữa?

- Nếu Đại Sư cho phép, con sẽ triển chuyển chút ít thần thông, để khiến người đã phát tâm, vừa phát tâm, chưa phát tâm, chẳng có tín tâm, đã có tín tâm, biết được có Phật, có thần có năng lực thần thông, không có năng lực thần thông, có tự nhiên, không có tự nhiên.

- Không được! Không được!

- Phật cũng sử dụng thần thông để truyền pháp, sao Đại Sư chẳng làm theo? Xin Đại Sư rũ lòng dạy bảo.

Đại Sư bất đắc dĩ bảo:

- Chùa Đông Nham có chướng ngại là cỏ dại rậm rạp mà chẳng có cây cối to lớn; đằng sau lưng chùa lại không có chỗ tựa. Ngọn núi phía bắc có rất nhiều cây cối. Ông có thể di chuyển cây cối bên hướng bắc qua đỉnh núi phía đông không?

Thần thưa:

- Xin vâng mạng! Giữa khuya, con sẽ thổi chúng đi, mong Đại Sư chớ sợ!

Nói xong, Thần liền đảnh lễ tạ từ lui ra. Tăng chúng trong chùa, vừa đưa Thần ra cửa, thì thấy có rất nhiều người, đứng hai hàng dài, đi theo hầu. Tướng Thần oai vệ uy nghi như vua chúa, xung quanh thân sương khói xông lên mù mịt, mây ngũ sắc quấn chằng chịt, trên đầu có tràng phan ngọc bội. Thần bay lên hư không rồi biến mất. Tối đến, quả nhiên mây kéo đến ùn ùn, mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên, mái nóc đều lung lay rung động, khiến chim chóc cầm thú la hoảng. Đại Sư bảo đại chúng:

- Chớ sợ! Chớ sợ! Thần làm theo ý ta.

Sáng hôm sau, trời trong mưa tạnh; tất cả cây cối bên phía bắc đều được dời hết qua đỉnh núi phía đông, mọc tủa xum xuê khắp nơi. Đại Sư thấy thế, bảo đệ tử:

- Sau khi Ta mất, chớ kể chuyện này cho người ngoài nghe. Nếu họ biết được, sẽ cho Ta là yêu quái.

Quý vị hãy xem, thần tuy có thần thông, nhưng không bằng người có đạo đức. Thế nên bảo rằng "đức trọng quỷ thần khâm". Người không có đạo đức, bị quỷ thần quản chế, thọ bao hiểm họa. Người có đạo đức, lại muốn minh tâm kiến tánh, thì tự nhiên sẽ cảm động quỷ thần. Chư thiền sư đại đức xưa nay, tu hành kinh thiên động địa, khiến hươu nai dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Thiên ma ngoại đạo, chư tiên quỷ thần, đều đến quy y, như Chân tổ sư quy y Quán Âm, Tài Thần quy y Phổ Hiền, Động Tân tiên sư quy y Hoàng Long, Vương Linh Quang quy y Địa Tạng, vua Văn Xương quy y Phật Thích Ca, v.v... Do đó, hoàng đế Nhân Tông triều Tống viết bài kệ phú tán thán chư tăng đại đức: "Những bậc tôn quý nhất trên thế gian, không ai bằng những vị xả tục xuất gia.

Nếu được làm tăng sĩ, thì mới thọ sự cúng dường của trời người. Làm đệ tử của đấng Thế Tôn, tức là quyến thuộc của tiên thánh, vào nơi cửa vàng, đến cung điện bảo tạng. Hươu trắng dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Xuân nghe chim hót líu lo, vang tiếng diệu nhạc cơ trời. Hạ nghe ve kêu trên cây cao, liền biết mùa nóng đã đến. Thu ngắm trời xanh, gió trong trăng sao chiếu sáng. Đông xem tuyết phủ đảnh núi sông ngòi. Ngồi thiền trên bồ đoàn, thân ấm áp. Dẫu sóng ba đào nổi dậy, vẫn cỡi tích trượng thăng hư không. Mười đại quân ma khi nghe danh, vẫn phải hàng phục, quy y chánh đạo. Vang tiếng gõ bản, bèn lên vân đường lễ cúng. Nghe tiếng chuông, bèn lên chánh điện tụng kinh. Mọi việc đều như ý, muôn loại hiện thành. Lúc sống làm thầy trời người. Lúc chết quyết định quy y thánh quả. Kệ viết:

"Không Vương đệ tử Phật
Quyến thuộc chư Như Lai
Thân mặc y trăm mảnh
Miệng ăn ngàn bát cơm
Tối ngủ giường vô úy
Sáng thấy Phật A Di Đà".

Nếu Trẫm được như vậy, thì rất là mãn nguyện".

Trên đây là lời văn tán tụng chư tăng đại đức của hoàng đế Nhân Tông. Chúng ta tự hãy xem xét mình có tương ưng điểm nào với bài văn phú tán thán này không? Nếu hạnh mình đều tương hợp với lời văn trên, thì mới có thể thọ sự tôn kính của quỷ thần. Nếu "sóng ba đào khởi", như khi vô minh dấy lên, mà không thể "mở tích trượng, phóng lên hư không", khiến làm náo loạn cả trời đất, thì thật xấu hổ cùng cực. Ngược lại, nếu "mười đại ma quân" làm phiền hà, khiến chẳng được như ý, và bao việc chẳng thành tựu, mà có thể hàng phục chúng, thì trời rồng tám bộ quỷ thần đều tôn trọng cung kính.

Thiền sư Hư Vân

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 29
  • Hôm nay 1,411
  • Tháng hiện tại 63,165
  • Tổng lượt truy cập 23,469,414