Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cứu người mà không sát vong

Cứu người mà không sát vong

Đăng lúc: 22:06 - 26/09/2017

Khóa tu chỉ có bảy người, trong đó có hai tu sĩ (đã xuất gia từ thuở nhỏ), còn lại là nam cư sĩ. Cả đoàn lặng lẽ lên núi, trú nhờ nơi gian nhà tổ của một ngôi chùa. Chùa xa và nghèo, nên chùa vắng; thuận tiện cho khóa tập; duy chỉ không có người “phục vụ” nên đoàn phải mang theo lương thực-thực phẩm đủ dùng cho hơn một tháng. Mỗi ngày, công việc chính của đoàn là bốn thời thiền tọa, mỗi thời khoảng hai giờ. Thời gian còn lại dành cho việc chẻ củi, lặt rau, bếp núc… Nghĩa là không có thời giờ trống…

aminhhoa.jpg
Ảnh minh họa
Khoảng giữa khóa thiền, một hôm có đôi vợ chồng đến gặp thầy, dắt theo người con gái để nhờ thầy trị bệnh. (Không biết do đâu mà dẫn đến việc nhờ trị bệnh này, vì khóa thiền diễn ra rất âm thầm!). Người con gái khoảng hơn hai mươi tuổi, sắc mặt hồng hào, không có vẻ gì là người có bệnh. Bệnh, theo lời đôi vợ chồng nói, là không hiểu sao, ngày nào người con gái cũng múa hát cười cợt lung tung…

Nhìn chăm chú người con gái giây lát, thầy hỏi: Có phải cháu thích ăn kẹo bánh và cứ chiều chiều, là cháu mới lên cơn, phải không? Đôi vợ chồng thưa: Quả thế thật. Cháu còn thích mặc áo quần đẹp nữa. Gia đình đã đi tìm thầy chữa hơn ba năm rồi mà thầy nào cũng… lắc đầu. Nhờ thầy làm ơn làm phước…

Thầy bảo hai vợ chồng đưa cháu về, vài hôm sau sẽ gặp lại.

Đêm ấy, thầy khó ngủ, cứ đi đi lại lại trước sân chùa…

Trong buổi uống trà sáng hôm sau, mấy huynh đệ được thầy cho biết, người con gái ấy bị một vong trẻ con đeo bám lâu ngày nên mới có những biểu hiện như thích ăn bánh kẹo, thích mặc áo quần mới… Thầy đang phân vân, chưa chọn được cách giải quyết chu toàn.

***

Mấy ngày sau, cả nhà người con gái ấy trở lên núi. Thầy cho bệnh nhân ngồi chính giữa bộ phản gỗ lớn đặt bên phải gian nhà Tổ, hai bên và phía sau bệnh nhân, thầy bảo ba huynh đệ cùng đặt tay lên lưng và hai vai người bệnh; thầy ngồi đối diện với người bệnh. Thầy bắt ấn, lâm râm trì chú rồi nói lớn: Đi, đi ra khỏi đây ngay, đi mà tìm nơi tu tập, nếu không ta sát! Vừa dứt lời, thầy đánh mạnh vào bệnh nhân…

***

Khi khóa thiền sắp kết thúc, gia đình bệnh nhân lại lên núi để báo tin, rằng sinh hoạt của con gái họ đang dần dần trở lại bình thường. Các huynh đệ đều chúc mừng, mong họ thêm vững lòng tin vào Phật pháp. Thầy cũng chân thành bày tỏ, rằng cái vong đeo bám cô gái là một vong hiền, nên thầy mới có thể “gọi” nó rời bỏ khỏi thân thể cô ấy. Và điều khiến thầy phải đắn đo khi trị bệnh, là làm sao vừa giúp được bệnh nhân mà vẫn không làm thương tổn đến cái vong ấy. Bởi vì nó cũng không có ác ý làm hại người bệnh, nó cũng chỉ là nạn nhân của chính những nghiệp quả đã gieo, đang trôi lăn trong dòng luân hồi u u minh minh bất tận. Thầy lưu ý cho tất cả huynh đệ hiểu-nhận sâu sắc rằng, mỗi một ấn quyết và thần chú đều có công năng riêng nhưng điều chủ yếu là phải dùng tâm từ để điều khiển khi sử dụng ấn chú vào những mục đích tốt đẹp nhằm cứu giúp người khác. Nếu đi lệch khỏi động cơ và mục đích ấy, mọi việc làm đều trở nên vô nghĩa, vô ích và có hại cho bản thân, vì nó chỉ làm tăng thêm cái “ngã” mà thôi. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi người trong việc nhận thức về những thế giới tồn tại bên cạnh đời sống hàng ngày của con người, là sự tôn trọng đối với họ…

Buổi sớm mai, tiết trời se se. Còn lại mãi trong sâu xa của tất cả huynh đệ ngày ấy, là hình ảnh thầy vừa nâng tách trà nóng, vừa từ tốn: Đức Khổng phu tử đã từng dặn rằng: Kính quỷ thần nhi viễn chi! (Đối với quỷ thần thì kính trọng nhưng nên tránh xa). Ngài còn nói: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã (Luận ngữ), có nghĩa là những kẻ vừa mới nghe giảng Đạo rồi đi thuật lại liền sau đó, thì xem như bỏ mất cái đức nơi mình, cũng có nghĩa là, người học Đạo cần phải có sự trải nghiệm chứ không chỉ nghe suông nói suông...
Nguyễn Đông Nhật

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Đăng lúc: 19:27 - 08/03/2017

Có thể khẳng định, vấn nạn giả sư đã cướp đi cơ hội - phương tiện để mang hình ảnh đẹp của những nhà sư lặng lẽ xếp thành hàng trì bình vào những buổi sáng: bước vào cuộc đời, vào từng ngõ ngách xóm làng để tạo duyên cho người gieo duyên với Tam bảo ngay trên chính trên quê hương Việt Nam mình.
tribinh.jpg
Nét đẹp trì bình và gieo duyên với Tam bảo của người dân nước Phật giáo - Ảnh: Pixabay

Tôi đã trì bình khất thực ở Thái Lan...

Tôi đã từng yêu quý chiếc y và hình ảnh của một nhà sư ôm bát trì bình ngang qua nhà mình khi còn rất nhỏ, đó như là hình ảnh đánh thức hạt giống lành trong tiềm thức rồi sau đó phát tâm xuất gia để được trở thành hình ảnh đó. Thực sự không còn niềm hạnh phúc nào bằng khi tự mình đắp y mang bát đi khất thực trì bình vào những buổi sớm mai một cách tự do và không sợ bị dòm ngó thật-giả, đúng-sai như một sự thực tập đức hạnh khiêm cung cần có và tự nhắc mình là Khất sĩ - xin ăn tu học, lấy phẩm thực để nuôi thân, pháp hành để nuôi trí.

Với cơ duyên du học tại Thái Lan, ngoài những ngày học chính thức tại trường, vào những ngày cuối tuần hoặc ngày Phật nhật (4 ngày trong tháng - như ngày rằm tại VN) thì tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và thực tập truyền thống tốt đẹp này ngay tại thủ đô Bangkok - một thành phố hiện đại bậc nhất của Thái Lan.

Khi trời vừa hừng sáng, đúng 5 giờ sáng là tôi thức dậy vệ sinh cá nhân, lấy y, ôm bát - bát ở đây được làm bằng bạc hoặc nhôm và được bao bọc bên ngoài bởi chiếc thẩu mây và có dây đeo ngang bên vai phải để đỡ mỏi tay khi ôm bát đi đường dài quanh khu vực chùa nơi mình cư trú hoặc xa hơn.

Vừa bước ra khỏi cổng là đã thấy người dân trải những chiếc chiếu nhỏ, quỳ bên lề đường, đặt một mâm thức ăn trước mặt để đợi Tăng đoàn đi ngang qua mà dâng cúng. Điều đặc biệt là họ phải thức dậy thật sớm, sớm hơn các nhà sư để chuẩn bị thức ăn cúng dường, thường là cơm, xôi, trái cây và vài cái bánh để thể hiện tấm lòng tôn kính cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho phẩm thực cúng dường của mình. Đôi khi những Phật tử này phải thức cả đêm để gói bánh và ngồi canh nồi cơm chín.

Khi thấy các sư đi ngang qua, lần lượt người dân không ai bảo ai, tự lấy thức ăn bỏ vào trong bát dâng lên cúng dường và nhờ các sư chú nguyện.

Khi ấy, mọi người vừa thấy tôi bước đến thì nở nụ cười như ra hiệu muốn cúng dường, và thế là tôi nhẹ nhàng đứng lại để họ quỳ xuống chắp tay trang nghiêm theo nghi thức truyền thống cúng dường của người Thái. Sau khi bỏ thức ăn vào bát cho chư Tăng và mỗi tín chủ sẽ thọ nhận lại lời kinh cầu nguyện sớm mai từ sự gia tâm chú nguyện của Tăng đoàn (riêng tôi thì những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên chưa thể tụng kinh bằng tiếng Pali, khi ấy tôi nhẹ nhàng tụng phẩm hồi hướng công đức bằng tiếng Việt để gửi trao năng lượng bình an đến họ - NV), cứ thế tôi lại thấy họ cười và hoan hỷ vô cùng như để bắt đầu một ngày mới ngập tràn niềm tin.

Sau khi nhận đủ thức ăn, tôi quay người trở lại con đường cũ để trở về chùa thọ dụng phần thực phẩm mà mình đã nhận được và phần nào còn dư lại tôi để dùng chung với thức ăn độ ngọ được nấu vào buổi trưa. Riêng, vào những ngày lễ lớn, thức ăn cúng dường hơi nhiều thì các vị cư sĩ hay còn gọi là hộ bát xách giỏ đi theo bên cạnh nhà sư trong lúc trì bình để hỗ trợ chư Tăng xách đồ, sau khi được chú nguyện xong thì họ mang chuỗi thức ăn dư về lại cho những người nghèo khó trong xóm hoặc gửi đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi - phúc lợi xã hội gần chùa như một sự cho - nhận tiếp nối, đầy nhân văn.

Xong buổi sáng khất thực vào ngày cuối tuần tại đất nước Thái Lan, tôi lại lên đường tiếp tục đi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo trong vùng. Lớp học được bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng cuối tuần, hôm nào các em cũng tập trung lại từ rất sớm tại phòng học trong khu ký túc xá mà mình đang ở. Thấy tôi đến, các em vội đứng lên chắp tay chào và quỳ xuống làm lễ (lạy) theo truyền thống. Theo đó, sẽ có hai em đại diện dùng thau nước sạch và khăn để lau chân cho nhà sư mà cũng vừa là thầy giáo của mình để thể hiện niềm tôn kính.

Sở dĩ có truyền thống đó vì tại Thái Lan, Tăng sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, tạo nên một mối liên hệ mật thiết lâu đời giữa các Tăng sĩ và quần chúng nơi mình đang ở. Các ngôi chùa sẽ là những trung tâm văn hóa, học thuật và giáo dục, trong đó các nhà sư luôn được coi là thầy giáo về mặt tâm linh lẫn học thức ở đời - để hướng dẫn, dìu dắt, nuôi dưỡng những thế hệ tiếp nối, phụng sự đất nước mình trên tinh thần đạo đức nhà Phật. Ngoài ra, Tăng sĩ còn được xem như “thẩm phán” để khuyên nhủ, giải quyết và giúp đỡ những mối quan hệ bất hòa trong gia đình và xã hội khi chưa thật sự cần đến sự can thiệp của pháp luật.

Mong ước đơn sơ của một Khất sĩ

Phải chăng, trăm vạn ngôn từ có khi không bằng một hình ảnh thảnh thơi bình dị thật sự chín muồi của một Tăng sĩ nhẹ nhàng, tươi mát, thật tu, thật học, đắp y - mang bát bước đi trên những cung đường đầy tấp nập của chợ-đời để trao truyền, tiếp nối và thức tỉnh cái duyên của đạo cho những ai đã gieo trồng từ vô thủy vô chung?

Thực ra, sự bình dị, khiêm cung từ lời nói đến hành động là bản chất vốn có của người xuất gia học Phật, khi luôn thấy mình nhỏ bé, cầu học và biết dừng lại đúng lúc - đó là những yếu tố trọng yếu cần có ở những người tu trẻ như tôi, thấy rằng phép khất thực là cách tự dạy, tự học, tự nhắc mình hữu hiệu nhất bằng thân giáo để yểm trợ và dưỡng nuôi chính mình từ bài học không lời mà mình phải ôn, phải luyện mỗi ngày từ các bậc tiền nhân đi trước. Khi ấy các ngài cũng đã từng mang đạo vào đời bằng chính đôi chân, bằng mảnh y, bằng chiếc bát của Phật để vân du trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.

Mơ rằng, một ngày nào đó tôi và những huynh đệ có thể lại được tiếp tục thực hiện phép khất thực ngay trên chính quê hương mình chứ không phải thực hiện ở một nơi nào khác hay tại một đất nước nào đó như đã kể trên. Biết rằng vẫn còn nhiều những bất cập, những khó khăn nhưng đừng vì sự lợi dụng của những người giả sư để rồi “thỏa hiệp”, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, bài học đạo-đời giá trị mà đã ít nhiều làm bừng tỉnh biết bao con tim khi có duyên lành được hội ngộ, được nhìn thấy và đem lòng kính phục, tiếp nối - trở thành những “thạch trụ tòng lâm” mai sau.

Và rằng đừng để phép khất thực được xem là điều tế nhị nữa, khi đấy là món ăn thực dưỡng tâm linh hết sức quan trọng và rất cần thiết cho những người xuất gia trẻ, chuyên chở bài học khiêm cung, bình dị và tập nhận diện chính mình giữa một xã hội ngày càng thêm trăm điều cám dỗ...

Chữ hiếu xưa và nay

Chữ hiếu xưa và nay

Đăng lúc: 20:51 - 12/06/2016

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường.

Hiếu thảo là một truyền thống đạo đức quý báu của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung.

Chữ hiếu trong dân gian Việt Nam

Người Việt Nam khi nói đến chữ hiếu, liền nghĩ ngay đến việc “thờ cha, kính mẹ”, như bài ca dao vỡ lòng mà ai ai cũng thuộc: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hoặc trong Quốc văn giáo khoa thư ngày trước: “Cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao lấy lượng nào đong. Thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”. Nhưng thờ kính cha mẹ như thế nào? Đó là: Mến yêu, cung kính, đỡ đần cho cha mẹ, vui vẻ vâng lời (Làm con phải biết phận con/ Mến yêu cung kính mới tròn thảo ngay/ Việc làm nặng nhẹ đỡ tay/ Khi sai khi bảo mặt mày hân hoan/ Lời thưa tiếng nói dịu dàng/ Cứng đầu cứng cổ dọc ngang thì đừng - Ca dao), chăm sóc phụng dưỡng (Dây bầu dây mướp cùng leo/ Sớm hôm nuôi mẹ, giàu nghèo sá chi - Ca dao), sớm thăm tối viếng (Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con - Ca dao), quạt nồng ấp lạnh (Thức khuya dậy sớm cho cần/ Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con - Ca dao), v.v... Đó là quan niệm dân gian về chữ hiếu.

Chữ hiếu trong Nho giáo

Nho giáo có hẳn một pho sách riêng dạy về đạo hiếu gọi là Hiếu kinh. Ở đây chỉ nêu một số lời dạy của các bậc hiền triết Nho gia về đạo hiếu. Thầy Tăng Tử, học trò của Đức Khổng Tử, nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên” (Hiếu là nết đứng đầu trăm nết). Thầy Mạnh Tử dạy về hạnh hiếu: “Hiếu tử chi sự thân: Cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực)… Kinh Thi cũng dạy: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực” (Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như vói lên trời cao chẳng đặng).

Chữ hiếu trong Phật giáo

Đức Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại tập), “Quả đất người đời cho là nặng, mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều. Núi Tu Di người đời cho là cao, cha hiền ơn cao quá hơn nhiều” (Kinh Tâm địa quán), “Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ: Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, nuôi nấng, dạy dỗ, tùy thời săn sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp” (Kinh Tăng nhất A-hàm)…

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường. Hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện lành, xa lánh điều xấu ác, và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng. Đức Phật dạy muốn đáp đền công ơn cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn: “Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy, giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ buổi sớm mai thọ trì Tam quy Ngũ giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng của cha mẹ cũng gọi là tạm đền” (Kinh Hiếu tử), “Những ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Những ai có cha mẹ theo ác giới, khuyến khích cha mẹ an trú vào thiện giới. Những ai có cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào bố thí. Những ai có cha mẹ theo ác trí tuệ thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào trí tuệ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, thì các người con đó đã làm đủ và đã trả ơn đủ cho cha mẹ” (Kinh Tăng chi bộ). Đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu.

Theo Phật giáo, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sống vị lai, do đó người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Người Phật tử hiếu đạo luôn ưu tư: Sau khi chết, cha mẹ sẽ đi về đâu? Làm sao để giúp cha mẹ có được niềm an lạc hạnh phúc trong đời sống hiện tại và đời sống sau khi chết? Việc hướng cha mẹ theo con đường chơn chánh, giúp cha mẹ gieo trồng những nhân duyên lành cho đời này và đời sau, chăm lo vun bồi công đức phước báo chính là việc làm thiết thực để đáp đền công ơn cha mẹ.

Chữ hiếu thời nay

Ngày nay chữ hiếu cũng không khác mấy so với ngày xưa, vì cũng xuất phát từ tấm lòng tri ân và báo ân cha mẹ. Tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay không giống như ngày xưa, cho nên cách thể hiện lòng hiếu thảo của người con thời nay có khác. Ngày nay, vì hoàn cảnh sống, làm việc mà con cháu thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bổn phận với ông bà cha mẹ, chẳng hạn như không có nhiều thời gian gần gũi chăm nom săn sóc, không trực tiếp nuôi dưỡng phụng sự (có trường hợp phải thuê người chăm sóc vì sống cách xa cha mẹ, con cháu không có thời gian để thường xuyên tự tay chăm sóc, có trường hợp gởi ông bà cha mẹ vào viện dưỡng lão).

Tuy nhiên, mỗi người nên cố gắng dành thời gian gần gũi để ông bà cha mẹ không cảm thấy cô đơn buồn tủi. Cần để ông bà cha mẹ tham gia vào việc dạy dỗ con cháu, làm cho ông bà cha mẹ cảm thấy mình còn là người hữu ích, và cũng để thêm niềm vui khi gần gũi con cháu. Khi ở xa ông bà cha mẹ phải về thăm, gọi điện thoại quan tâm sức khỏe và đời sống của ông bà cha mẹ. Lúc về già có người thích sống với con cháu, có người thích sống ở viện dưỡng lão với những người già khác để sớm hôm bầu bạn, hoặc sống ở một cảnh chùa thanh tĩnh nào đó, vì thế nên tùy tâm nguyện của ông bà cha mẹ mà con cháu làm theo để ông bà cha mẹ vui lòng. Điều quan trọng là ở tấm lòng, ý thức đạo đức về lòng biết ơn, sự tôn kính ông bà cha mẹ. Không nên chỉ chu cấp cho ông bà cha mẹ về vật chất mà quên đi tình cảm, sự quan tâm.

Đó là hiếu khi cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu “kính như tại”, có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với xã hội ngày nay, có người cho rằng những việc làm này không thiết thực nhưng thật sự nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Hiếu là đạo làm người

Tóm lại, hiếu là bổn phận làm con mà cũng là đạo làm người. Hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà nuôi dưỡng, chăm lo săn sóc cho cha mẹ: cơm nước, áo quần, thuốc men… Về phương diện tinh thần, luôn tỏ lòng kính yêu cha mẹ, sống tốt, biết lo cho bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng, không làm cho cha mẹ tủi hổ vì những việc sai trái, tội lỗi. Người con chí hiếu thực hành hiếu đạo theo lời Phật dạy, ngoài những việc làm trên còn cần phải biết hướng cha mẹ tu thân, hành thiện, quy hướng Tam bảo để xây dựng hạnh phúc cho đời này và đời sau.

Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo, đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Đức Phật còn dạy rằng, lòng hiếu thảo cũng chính là nhân lành, là hạnh của bậc Thánh: “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, do công đức như vậy nên lên các tầng trời thì làm vị thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền ngu).
Phan Minh Đức

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 47
  • Tháng hiện tại 61,801
  • Tổng lượt truy cập 23,468,050