Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Đăng lúc: 17:14 - 13/04/2016

Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

HỎI: Tôi chỉ mới bắt đầu đi chùa đọc kinh nhưng không hiểu vì sao, thời gian gần đây, trong tâm thức tôi lại hay khởi lên ý nghĩ bất kính khi lễ Phật, khi đọc kinh sách Phật. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không còn suy nghĩ đó nhưng không được. Tôi cảm thấy rất phiền não về những ý nghĩ như vậy. Tôi muốn hỏi làm thế nào để vượt qua được những ý nghĩ ấy? Khi tâm bất kính xuất hiện thì có phải tôi đã tạo nghiệp ác không? Mong quý Báo giúp tôi, để tôi có thể vượt qua chướng ngại này.

(XUÂN LÀNH, ngsinhcompany@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Xuân Lành thân mến!

Thiết nghĩ, có ba trường hợp chính để hình thành tâm bất kính trong bạn hiện nay. Thứ nhất, bạn mới bắt đầu học đạo, khi hiểu biết về giáo pháp chưa sâu rộng, khi niềm tin Tam bảo chưa được vững chắc, thì có thể bạn nghe những đối luận không thiện cảm với Phật giáo, hay biết được những hạn chế của hàng đệ tử Phật (đơn cử như có vị xuất gia hoặc cư sĩ khiếm khuyết đạo đức chẳng hạn), những điều ấy sẽ dễ khiến bạn hoài nghi, mất thiện cảm dẫn đến sinh tâm bất kính Tam bảo.

Thứ hai, nếu bạn đủ hiểu biết để nhìn thấu hai mặt của vấn đề, và đủ bao dung khi nhìn mọi sự trong tính tương đối nhưng vẫn dấy khởi ý nghĩ bất kính Tam bảo, có thể đó là hiệu ứng của những xung đột quan điểm trong chính bản thân bạn. Thứ ba là những hạt giống ngã mạn ở quá khứ còn vương lại trong tâm thức bạn nay đủ duyên bộc phát.

Với trường hợp thứ nhất, bạn cần tìm hiểu Phật pháp nhiều hơn nữa, đặc biệt là cần tham vấn những vị có kinh nghiệm tu học để tháo gỡ những vướng mắc cho bạn. Đạo Phật chủ trương “đến để thấy”, thấy rõ rồi mới tin. Với niềm tin được trí tuệ soi sáng, bạn sẽ luôn vững vàng trước những đối luận không thiện cảm về Phật giáo. Kế đến, nhân cách tốt hay xấu của những người bạn đạo vẫn ảnh hưởng đến niềm tin của mình nhưng đó là bên ngoài, thứ yếu. Bạn cần phát huy tuệ giác để thấy rằng, cốt tủy của người học Phật vẫn là “Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”. Không có tổ chức hay cá nhân nào tuyệt đối hoàn hảo cả. Người xưa nói “nhơn hư, đạo bất hư” nhằm nhắc nhở mình, mọi chuyện với cá nhân đều có thể xảy ra nhưng với đạo thì luôn tốt đẹp. Tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ góp phần chuyển hóa tâm bất kính của bạn.

Với trường hợp thứ hai, khi tiếp cận với cái mới thì xung đột nội tại là vấn đề thường xảy ra. Bạn đang tìm hiểu và từng bước xác lập niềm tin vào đạo Phật, dĩ nhiên có nhiều điều mới mẻ trong Phật giáo khác với tín ngưỡng truyền thống hay các tư tưởng, triết học mà bạn đã tiếp nhận từ trước. Sự phân biệt, so sánh, phân vân, hoài nghi, chấp nhận và phủ nhận giữa cái cũ và mới sẽ hình thành trong giai đoạn này, từ đó góp phần làm dấy khởi tâm bất kính. Nếu cần thì bạn hãy dành cho mình một khoảng lặng để chiêm nghiệm trước khi quyết định.

Ở đây, bạn nên học theo tinh thần tự do tín ngưỡng của Đức Phật: “Khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”. Rõ ràng theo tinh thần này, bạn sẽ đến với đạo Phật bằng sự tự do, chủ động với trí tuệ mà không hề chịu bất cứ áp lực nào cả.

Với trường hợp thứ ba, bạn nên biết rằng, tâm thức chúng ta lưu giữ tất cả những chủng tử nghiệp thiện ác, khi chưa đủ duyên thì tiềm ẩn, khi đủ duyên thì chúng trỗi dậy. Nếu tâm bất kính Tam bảo dấy khởi mà không có nguyên nhân rõ ràng như đã phân tích ở trên, thì chắc chắn đây là biểu hiện cụ thể của nghiệp ngã mạn trong quá khứ. Để chuyển hóa tâm bất kính này, bạn cần thành tâm lễ Phật sám hối những nghiệp xấu ngã mạn.

Người bình thường không thể kiểm soát được những ý tưởng bất chợt của mình. Nên khi những ý nghĩ bất kính xuất hiện, ngay thời điểm đầu tiên nó chưa phải là tội lỗi. Nhưng nếu không phản tỉnh để dừng lại mà cứ duyên theo nó thì sẽ tạo nên ý nghiệp xấu ác. Do vậy, muốn vượt qua chướng ngại này, bạn cần nương theo pháp lễ Phật sám hối để hóa giải nghiệp ngã mạn trong quá khứ và phát huy tuệ giác để hiểu đúng Chánh pháp. Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Thất hứa với Phật thì phải làm sao?

Thất hứa với Phật thì phải làm sao?

Đăng lúc: 06:51 - 25/07/2015

Bạn nên đối trước chư Phật thành tâm sám hối về sự chậm trễ của mình.
Nên đối trước chư Phật thành tâm sám hối về sự chậm trễ này
Nên đối trước chư Phật thành tâm sám hối về sự chậm trễ này
HỎI: Cách đây vài tuần tôi có khấn nguyện hứa trước Đức Phật làm một việc thiện, nhưng hiện thời tôi chưa làm được. Tôi chắc chắn sẽ làm điều ấy nhưng không đúng thời gian như đã hứa. Do vậy, hiện tôi cảm thấy áy náy, cảm giác có tội vô cùng. Tôi phải làm sao? (MỘNG TUYỀN, lethimongtuyen1988@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Mộng Tuyền thân mến!
Bạn đã khấn nguyện hứa trước chư Phật làm một việc thiện nhưng do hoàn cảnh khách quan không như ý tác động nên bạn chưa thực hiện được đúng như thời gian đã hứa. Đây là một chướng duyên trong việc gieo trồng công đức nhưng vì bạn chắc chắn sẽ làm điều thiện ấy trong thời gian sắp tới nên cũng đừng băn khoăn và lo lắng quá.
Bạn nên đối trước chư Phật thành tâm sám hối về sự chậm trễ của mình, sau đó nguyện với Phật rằng bạn sẽ làm việc ấy trong nay mai và giữ y lời. Việc có một số trở ngại xảy ra bất thường làm cho chúng ta không đúng hẹn cũng là lẽ thường, không có gì là tội lỗi cả. Tuy vậy, bạn cũng không nên dễ duôi mà cần vận dụng mọi phương tiện có thể để thực hiện lời hứa của mình, càng sớm càng tốt.
Chúc bạn tinh tấn!

Nên tụng kinh trước chánh điện

Nên tụng kinh trước chánh điện

Đăng lúc: 07:55 - 11/07/2015

Đến chùa tụng kinh, tốt nhất nên ở trước chánh điện. Nếu tới trễ, có thể ngồi phía bên ngoài...
tung kinh.jpg
Phật tử về chùa Phước Viên (Đồng Nai) tụng kinh Dược Sư - Ảnh minh họa
HỎI: Tôi là Phật tử thường đi tụng kinh mỗi tối tại chùa. Vì bận công việc thường đến muộn nên tôi không có chỗ ngồi trong chánh điện mà phải ngồi sau nhà Tổ (hai bên là bàn thờ linh, thờ ảnh người chết rất nhiều). Như vậy có nên không? Tôi có bị ảnh hưởng âm khí hay bị những vong linh ở đó quấy nhiễu không? Nếu vào các ngày sám hối 14-30 và cầu an 1-15 (âm lịch) hàng tháng, không có thời gian đi chùa mà chỉ tụng niệm và lễ bái ở nhà thì phước báo có như đi tụng niệm ở chùa không?
(PHAN ĐỨC TRUNG,
trungphanc@yahoo.com.vn)
ĐÁP: Bạn Phan Đức Trung thân mến!
Đến chùa tụng kinh, tốt nhất nên ở trước chánh điện. Nếu tới trễ, có thể ngồi phía bên ngoài hoặc hai bên hành lang phía trước. Chỉ khi nào các nơi phía trước đều hết chỗ thì mới ngồi tụng kinh trong hậu tổ và linh đường.
Ngồi tụng kinh nơi hậu tổ và linh đường thì cũng không có gì ảnh hưởng lắm nếu ba nghiệp thanh tịnh; và cũng không bị ảnh hưởng của âm khí hay bị các vong linh quấy nhiễu. Nhưng vì không ngồi cùng đại chúng, trước mặt lại không có Phật nên việc tụng niệm khó nhiếp tâm hơn.
Vào những ngày lễ sám hối nếu không đến chùa được, bạn tụng niệm và lễ bái tại nhà vẫn được phước đức vô lượng. Tuy nhiên, nếu bạn đến chùa vào các dịp lễ ấy thì vẫn hay hơn, vì ngoài công phu bái sám bạn còn có cơ hội lễ thầy và thăm bạn để kết nối đạo tình. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, nên đạo tình rất quan trọng trong việc tu học.
Chúc các bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Sám hối làm mới lại chính mình

Sám hối làm mới lại chính mình

Đăng lúc: 19:34 - 24/05/2015

Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời, hoặc chối bỏ sự thật của tội lỗi, mà tìm cách sám hối để làm mới lại chính mình. Sám hối là sám lỗi trước nguyện không cho tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh kể từ ngày hôm nay.

Khi không ăn chay trì chú, niệm Phật được không?

Khi không ăn chay trì chú, niệm Phật được không?

Đăng lúc: 05:24 - 15/05/2015

Tôi nghe một người thân nói không nên trì chú hay niệm Phật sau khi ăn thịt cá, điều ấy đúng không?
HỎI: Tôi ở nước ngoài, hiện đang đi học nên cũng chưa thuận duyên để ăn chay trường. Tôi có thói quen đọc chú Đại bi mọi lúc, mọi nơi, ngay cả đi xe bus cũng đọc. Hôm qua tôi nghe một người thân nói không nên trì chú hay niệm Phật sau khi ăn thịt cá. Vậy điều ấy đúng không? Tôi nhớ hồi còn bé đi chùa có nghe nói về một câu thần chú “tịnh khẩu nghiệp”, đọc ba lần sau khi ăn thịt cá thì có thể trì chú hay niệm Phật bình thường. Có thể cho tôi câu thần chú ấy được không?

(QUẢNG DƯƠNG, hakangyulnt@gmail.com)

ĐÁP:
Bạn Quảng Dương thân mến!
Người Phật tử được khuyến nghị mỗi tháng nên ăn chay ít nhất hai ngày, trung bình là bốn ngày, nếu nhiều hơn thì càng tốt. Trong hai hoặc bốn ngày ăn chay (14, 15 và 30, mùng 1 âm lịch) thì cần đến chùa dự các khóa lễ sám hối tội chướng, cầu nguyện an lành.
Tuy nhiên, không phải đợi đến ngày ăn chay và đi chùa mới tu, ngoài những ngày kể trên, người Phật tử cần miên mật tu niệm mọi lúc, mọi nơi. Do đó, vào những ngày không ăn chay, bạn vẫn trì chú, tụng kinh, niệm Phật bình thường, không có gì phải kiêng kỵ hay trở ngại cả. Ai đó nói rằng “không nên trì chú hay niệm Phật sau khi ăn thịt cá” là không đúng với quan điểm tu học của đạo Phật.
Vì lẽ đó bạn cũng không cần tìm đọc câu thần chú giúp “tịnh khẩu nghiệp” mà vẫn tu tập trì chú, niệm Phật mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN

Lịch Tu học của Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ

Lịch Tu học của Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ

Đăng lúc: 04:04 - 03/05/2015

1. Tụng kinh Pháp Hoa hằng ngày vào lúc 14 giờ, theo từng chúng phát tâm
2. Sám hối hằng tháng vào lúc 19 giờ, ngày 14 và 30 âm lịch
3. Khóa lễ kỳ an hằng tháng vào lúc 8.30 sáng ngày mùng 01 và 15 âm lịch
4. Lạy Ngũ Bách Danh Quán Âm vào lúc 5 giờ sáng ngày 19 âm lịch hằng tháng
5. Lớp học giáo lý Căn Bản: vào lúc 14 giờ 30 các chiều thứ 7 hằng tuần
6. Tu một ngày An Lạc : từ 8 giờ sáng đến 16 giờ, chủ nhật tuần thứ 1 trong tháng tính theo âm lịch
7. Lớp học Gia Đình Vườn Tuệ: từ 8 giờ đến 16 giờ, Chủ nhật tuần thứ 2 trong tháng tính theo âm lịch
8. Phóng sanh nuôi dưỡng Tâm Từ: vào lúc 8 giờ 30, Chủ nhật tuần thứ 3 trong tháng tính theo âm lịch
9. Thiền trà: vào lúc 19 giờ 30, Chủ nhật tuần thứ 4 trong tháng tính theo âm lịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 1,480
  • Tháng hiện tại 63,234
  • Tổng lượt truy cập 23,469,483