Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đăng lúc: 08:10 - 31/01/2017

Lễ chùa đầu Xuân để cầu tài cầu lộc, cầu may mắn bình yên, dường như là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của mỗi người dân Việt. Vì vậy, hằng năm mỗi độ xuân về Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã có truyền thống dâng hương cầu nguyện tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh vào ngày mùng 3 Tết.

Quả báo kinh hãi mang đến cho tội tà dâm

Quả báo kinh hãi mang đến cho tội tà dâm

Đăng lúc: 11:30 - 08/12/2016

Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Đối với những người phạm tội tà dâm, một số thì bị mất mạng, một số thì bị mất chức vị, một số hủy hoại gia đình và một số thì bị tuyệt tự. Một người có thể có mệnh phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời.





Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân chính là tội tà dâm. Hành vi này trời đất không dung, quỷ thần phẫn nộ. Ngay khi một ý niệm dâm dục khởi phát, thậm chí trước khi hành vi nào đó xảy ra, đã là phạm tội lỗi lớn (tạo nghiệp to lớn). Nếu phạm lỗi, không chỉ người đó đã gây ra tai họa lớn cho chính mình, mà còn mang tới bất hạnh cho con cái họ.

pham_toi_ta_dam.jpg

Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Đối với những người phạm tội tà dâm, một số thì bị mất mạng, một số thì bị mất chức vị, một số hủy hoại gia đình và một số thì bị tuyệt tự. Một người có thể có mệnh phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người có thể có mệnh được hưởng phúc và thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể bị tật nguyền hay chết yểu. Một người có thể có vợ hiền thục và tiết hạnh, nhưng nếu phạm tội tà dâm, bạn đời của anh ta có thể trở nên lẳng lơ và phóng đãng.

Trong quá khứ, một số người có công năng có thể nhìn thấy rằng quả báo với tội tà dâm là nghiêm trọng nhất.

Lấy ví dụ, thông dâm với vợ người khác, hay làm ô uế con gái nhà người ta sẽ bị đày đọa dưới địa ngục trong 500 năm. Sau đó, anh ta có thể phải mang thân trâu ngựa trong 500 năm nữa, trước khi được chuyển sinh thành người. Thậm chí khi thành người, anh ta có thể phải làm nghề kỹ nữ. Nếu ai đó bày mưu thông dâm với một góa phụ hay ni cô, làm bại hoại nhân luân, người đó sẽ phải chịu khổ dưới địa ngục trong 800 năm. Sau đó, anh ta có thể đầu thai thành lợn hoặc dê để bị mổ lấy thịt trong 800 năm tiếp theo. Đến khi lại được mang thân người, anh ta có thể bị đau khổ vì tàn tật. Quyến rũ người có địa vị cao hay trẻ nhỏ, làm bại hoại cương thường, sẽ khiến người đó chịu khổ dưới địa ngục trong 1.500 năm. Đến khi lại được mang thân người, người đó có thể bị chết trong bụng mẹ hay chết non, tức là có một đời sống cực ngắn.nguoiphattu.com

Tất nhiên, những quả báo này không phải là toàn bộ, mà có thể khác nhau tùy theo trường hợp. Tuy nhiên, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tội tà dâm.

Mặc dù quả báo với tội tà dâm là cực kỳ nghiêm trọng, nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn với những người xúi giục người khác. Sự đau khổ trong địa ngục là ngoài sức mô tả. Một khi vào ngục vô gián, thì sẽ không còn đường ra nữa. Sự hưởng lạc và phóng túng nơi nhân gian chỉ là rất ngắn ngủi, vì thế chúng ta không nên làm ngơ với những gì sẽ chờ đợi chúng ta sau khi chết. Một người khôn ngoan nên hiểu rõ điều này.

Theo: http://chanhkien.org/

Sự tà dâm là sự hành dâm, sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Sự tà dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện trí chê trách; tà dâm là ác nghiệp, do đó gọi là ác nghiệp tà dâm. Nếu người đàn ông và người đàn bà là vợ chồng của nhau, đúng theo phong tục tập quán, được hai bên cha mẹ, bà con dòng họ công nhận, được chính quyền chấp thuận đúng theo luật, được mọi người đều công nhận… thì sự hành dâm, sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng của nhau không gọi là tà dâm, bởi vì đó là việc bình thường của những người tại gia, cũng không bị mọi người chê trách.

Người nào tạo ác nghiệp tà dâm với vợ, chồng, con người khác; nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.nguoiphattu.com

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; và trường hợp, nếu người nào tạo ác nghiệp tà dâm có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ như sau:

1- Là người có nhiều người oan trái.

2- Là người có nhiều người thù ghét.

3- Là người nghèo khổ, thiếu thốn.

4- Là người ngủ không được an lạc.

5- Là người thức không được an lạc.

6- Là người không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).

8- Là người có tính hay nóng giận.

9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.

10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.

11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.

12- Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.

13- Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng.

14- Là người khuyết tật: Đui mù, câm điếc,...

15- Sinh làm người đàn bà (tiền kiếp là người đàn ông).

16- Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.

17- Là người không biết đủ, sống khổ cực.

18- Là người sống nơi nào cũng không được an lạc.

19- Là người gặp nhiều tai hại, oan trái với mọi người.

20- Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.

Đó là 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.


(Tỳ Khưu Hộ Pháp)

Bố thí ba-la-mật trong thời hiện đại

Bố thí ba-la-mật trong thời hiện đại

Đăng lúc: 18:27 - 01/12/2016

Xin các bạn nhớ cho rằng: Chúng ta đều là người du hành đến thế giới này. Đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều phải ra đi! Cái chúng ta để lại cho đời như lòng từ bi, bố thí mà không cần đền trả là một di sản quý giá, một bài học giá trị cho đời.





Phật dạy bố thí mà còn ý nghĩ có người cho, người nhận, và vật thí là chưa rốt ráo vì bố thí mà còn tính toán là bố thí có ý mong cầu.

Thường khi mình bố thí là do có đối tượng (nhu cầu), nên mình mới cho (cung cấp); và vật thí càng có giá trị cao và nhiều chừng nào thì bố thí sẽ có nhiều công đức lớn. Tất nhiên, hễ có bố thí là mình đã có phước báo rồi! Ở đây, chúng ta muốn học hạnh bố thí không chỉ có phước mà luôn cả huệ nữa! Cái khó ở đây là bố thí mà không thấy có cầu và có cung thì bố thí cái gì, và bố thí cho ai?

Để chuyên chở đầy đủ tinh thần ba-la-mật, bố thí phải mang ý nghĩa của ‘tam luân không tịch’ có nghĩa là 3 không (không thấy người cho, không thấy người nhận, và không thấy vật thí) và được luân chuyển liên tục, không dứt. Phần nhiều, chúng ta quan niệm là phải bố thí cho đúng người và đúng cách. Nhưng theo tinh thần Bát-nhã là bố thí mà không thấy có cho, có nhận, và có vật thí. Khi mình phát tâm muốn cho là mình cứ cho. Bất kể người kia là ai, và vật thí là gì, tài thí hay pháp thí, v.v… không quan trọng.

Để đạt được tinh thần "tam luân không tịch" chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và thái độ của mình. Thay vì nghĩ về mình, chúng ta nghĩ nhiều về người và tự đặt câu hỏi mình có thể làm được gì cho người khác. Các bậc hiền nhân trên thế giới đều làm vậy. Họ luôn đặt tinh thần phụng sự người khác lên trên hết; thậm chí họ không cần biết người mà họ phụng sự là ai. Họ chỉ cần biết là việc đó đang cần giúp đỡ. Thế là họ ra tay ngay! Sỡ dĩ họ cho mà không cần đền trả và cũng không cần biết người nhận là ai chỉ vì họ tìm thấy niềm vui, và hạnh phúc thật sự trong khi cho.

Việc bố thí ba-la-mật, không cần biết người nhận, cũng như người cho đã được thực hiện tại nhiều nơi. Chẳng hạn, có một nhóm người thiện nguyện đã thành lập một quán ăn, gọi là Karma Kitchen, tạm dịch là Bếp ăn Nghiệp quả tại thành phố Berkeley, ở miền Bắc California, Hoa Kỳ. Họ phục vụ khách hàng như tất cả mọi quán ăn khác, nhưng mỗi khi khách hàng chuẩn bị trả tiền thì họ được cho biết là đã có người trả trước cho họ rồi!

Nếu muốn noi theo cử chỉ của vị khách ăn trước họ thì họ có thể trả tiền cho người ăn sau. Cứ vậy mà luân lưu. Người khách ăn không cần biết là đã ăn bao nhiêu và sẽ phải trả bao nhiêu cho xứng. Nếu họ không muốn trả thì cũng không sao cả! Nói chung, phần ăn của họ đã được người ăn trước trả xong cả rồi. Cũng tại Hoa Kỳ, ở thành phố Bluffton, South Carolina, từng có một người khách hàng của quán cà-phê trả 100 đô-la cho phần cà-phê của mình và xin bao trả hết trên số tiền đó, cho những ai đến mua sau ông.

Dụng ý của những hành động trên là muốn mọi người thực tập hạnh bố thí, cho mà không cần phải có một mục đích rõ rệt! Chỉ cần chúng ta học cách cho. Còn cho ai và cho như thế nào, cũng như cho cái gì thì không quan trọng. Nếu mỗi người đều thực tập theo phương cách này thì rõ ràng ‘sự cho’ sẽ không đứt đoạn (tam luân không tịch). Và mọi người đều xem đây là một cử chỉ bình thường trong cuộc sống.

Giống như chuyện một nhà thám hiểm đến một xứ ở châu Phi để làm nghiên cứu. Vì đường sá của quốc gia này rất giới hạn, nên họ chọn đường sông để di chuyển khắp nơi. Một hôm tàu của họ bị chết máy và mắc cạn. Họ dùng đủ mọi cách để đưa con tàu ra khỏi vùng cạn, đều không hiệu quả. Bỗng dưng từ đâu có một chiếc tàu đánh cá chạy đến kéo tàu họ ra khỏi chỗ cạn và còn cho thêm xăng dầu cũng như giúp sửa máy để tàu họ đi tiếp.

Sau khi làm xong, chiếc tàu đánh cá nọ rồ máy chạy thẳng trước sự kinh ngạc của các nhà thám hiểm vì họ dự định sẽ nói lời chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của chiếc tàu nọ, hoặc trả một ít tiền chi phí. Khi hỏi một nhân viên người bản xứ, các nhà thám hiểm mới hiểu rằng: Ở xứ sở này, khi ai thấy người khác gặp nạn thì phải giúp đỡ ngay, không cần nhờ vả hay nói lời cảm ơn. Thật là một phong tục đáng quý!

Chúng ta thường quan niệm rằng chỉ các bậc Bồ-tát thượng nhân mới có thể làm những việc bố thí ba-la-mật vô thượng như vậy! Nhưng những ví dụ trên cho ta thấy tất cả mọi người nếu muốn phát tâm tu hạnh bố thí ba-la-mật đều có thể làm được.

Một số người lại lo rằng nếu mình bố thí không đúng chỗ sẽ không những làm tổn thương người nhận mà còn làm xót xa lẫn người cho. Chính vì những nguyên nhân lo lắng này mà hạnh bố thí ba-la-mật trở nên khó thực hiện. Như chúng ta đã thấy ở trên, tại sao một người vào tiệm cà-phê tặng 100 đô-la cho những người mình không quen biết, và có thể, là họ không cần số tiền bố thí này? Như vậy dụng ý của người cho tiền này là gì? Hay là vì ông ta có quá nhiều tiền nên đem cho chơi để làm vui?

Theo một nghiên cứu ở Đại học Harvard, Hoa kỳ năm 2009 cho thấy: người càng hạnh phúc bố thí nhiều hơn và càng bố thí khiến họ vui hơn. Các nhà nghiên cứu đưa đến kết luận rằng: Hạnh phúc và bố thí có một sự hỗ tương tích cực cho nhau. Nghĩa là, càng cho thì càng hạnh phúc, và càng hạnh phúc thì cho nhiều hơn!

Chính vì là mật hạnh của một Bồ-tát nên bố thí ba-la-mật không phải là một hình thức bố thí tầm thường. Ngoại trừ, chúng ta đừng để tâm âu lo về người nhận và vật thí làm trở ngại bồ-đề tâm của mình; bằng không mình sẽ khó thực hiện được hạnh này. Như chúng ta thường nghe về hạnh từ bi thực sự. Nó có nghĩa là thương yêu người và tất cả mọi loài mà không cần phải có điều kiện, không có một lý do, và tất nhiên là không cần phải có lợi về phần mình. Thế mới biết để tu hạnh bố thí "tam luân không tịch", chúng ta phải học hiểu và thử qua.

Sau khi làm xong, nếu thấy vẫn còn vướng mắc, phiền não thì rõ ràng là tâm mình vẫn còn lệ thuộc vào một điều kiện nào đó mới có thể thực hiện được. Điều kiện ở đây có nghĩa là người kia phải nghèo khổ, phải cần thứ mình cho, phải đúng đối tượng mà mình muốn cho, v.v... và v.v… Nếu còn nói đến điều kiện thì hạnh bố thí ba-la-mật sẽ không thể thực hiện được!

Để hạnh bố thí theo tinh thần "tam luân không tịch" được thực hiện và trải rộng khắp nơi, chúng ta phải có niềm tin nơi con người. Nó có nghĩa là chúng ta không cần biết vật thí của mình được dùng vào việc gì. Chúng ta tin rằng người nhận sẽ học được tinh thần bố thí và tìm cách làm như vậy khi họ thấy người khác cũng cần sự giúp đỡ của họ. Ngoài ra, mình cũng tin rằng việc lành, việc tốt sẽ dễ khiến người khác bắt chước làm theo vì, như Phật dạy, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nghĩa là đều có những đức tính tốt. Chỉ cần đức tính tốt đó được thực hiện và phơi bày cho họ thấy thì họ sẽ làm theo.

Một bà cụ nọ nhân ngày sinh nhật 85 tuổi đã nghĩ ra một ý hay là tặng 85 đô-la, mỗi lần 5 đô-la cho người đi đường nào bà cụ gặp và tùy ý người đó muốn dùng số tiền vào việc gì thì cứ tùy nghi. Có người hỏi tại sao bà làm vậy thì bà trả lời rằng bà cụ muốn trải rộng lòng tốt bụng (kindness) đến cho mọi người. Nếu có ai đó học được gì từ hành động của bà thì điều đó đã làm mãn nguyện hy vọng của bà. Bà muốn mọi người luôn biết thương yêu quý mến nhau vì thế giới đã đầy khổ đau này cần có thêm những tấm lòng tốt.

Đừng nhìn thế gian này bằng cặp mắt bi quan rồi chán chường, mệt mỏi. Chung quanh ta đang có biết bao nhiêu người đang tìm cách thực hiện hạnh bố thí ba-la-mật với ý định muốn mọi người thấy rằng thế gian mình đang sống vẫn còn có rất nhiều người tốt, muốn làm những việc gì đó để cống hiến cho đời, làm cuộc đời đẹp thêm và đáng sống. Như Phật dạy: "Đừng xem thường những việc thiện nhỏ vì việc thiện nhỏ có khi lại mang đến kết quả lành lớn. Cũng vậy, đừng xem thường những hành động xấu ác nhỏ vì hành động ác nhỏ có thể mang đến khổ đau to lớn."

Những ví dụ ở trên của bài viết này đều phát xuất từ những hành động nhỏ nhưng những tiếng vang nhỏ này đang lan tỏa đến khắp nơi và mọi người đang dần dần thấy rõ kết quả của chúng. Thế giới chúng ta sống đang thu hẹp nhỏ dần lại vì những phương tiện truyền thông hiện đại. Một việc làm nhỏ, dù là từ một ngõ ngách xa xôi nào, có thể tác động đến thế giới khi nó được ghi lại và phát tán trên các kênh thông tin điện tử như "youtube" hay "facebook"...

Xin các bạn nhớ cho rằng: Chúng ta đều là người du hành đến thế giới này. Đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều phải ra đi! Cái chúng ta để lại cho đời như lòng từ bi, bố thí mà không cần đền trả là một di sản quý giá, một bài học giá trị cho đời.

Thiện Ý

Bát nước của Ngài Anan

Bát nước của Ngài Anan

Đăng lúc: 20:38 - 20/09/2016

Tôi chưa bao giờ nghe nói đẳng cấp có thể tạo ra khác biệt giữa người này với người kia. Tôi không chấp nhận ý nghĩ ấy. Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương Tây đối với người cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?
Ananda là đại đệ tử của Phật. Là em chú bác của Phật, ngài từ bỏ đời sống vương giả, xuất gia theo Phật, hầu cận bên cạnh Phật suốt đời. Ananda là đệ tử thông minh nhất, đa văn nhất của Phật.

Tên ngài thơm trong kinh. Chuyện về ngài làm đẹp sử Phật. Ngài lại là người có dung mạo đẹp đẽ không ai bằng. Vì vậy mà có chuyện sau đây.


Một ngày kia, tôn giả Ananda trở về tịnh xá sau khi đi khất thực. Ăn xong, ngài cầm bát đi tìm nước uống. Bên đường, một cô thiếu nữ đang thả gàu trong giếng. Ngài bước đến gần, tay bưng bát không.

Prakirti (cô thiếu nữ): Thưa tôn giả, ngài cần gì ạ?

Ananda: Tôi xin cô bát nước.

Prakirti: Con là dân hạ tiện.

Ananda: Tôi chỉ cần nước uống thôi.

Prakirti: Con là dân hạ tiện. Không ai uống nước của con.

Ananda: Tôi chỉ xin nước uống cho hết khát thôi. Nước làm cho bất cứ ai đều hết khát cả, đâu có phân biệt đẳng cấp.

Prakirti: Con là con gái hạ tiện. Nước giếng thì trong, nhưng đối với người ở đẳng cấp trên, nước của con không sạch. Chẳng có ai ngoài đẳng cấp của con uống nước giếng này cả.

Ananda: Tôi có hề hỏi cô thuộc đẳng cấp nào đâu? Tôi chỉ xin nước uống.

Prakirti: Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này có hai đẳng cấp, cấp trên và cấp dưới. Con là người cấp dưới.

Ananda: Tôi đâu cần biết đẳng cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống.

Prakirti: Làm sao con dâng nước cho ngài được? Con là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài đàng kia kìa, những người ấy là thuộc cấp trên. Còn những người như con, chúng con không có được cả quyền nhìn họ. Họ không dẫm chân lên bóng của chúng con. Khi chúng con đến gần, họ tránh. Nếu họ thấy chúng con, họ phải rửa mặt với nước hương hoa, vừa rửa vừa nói: “Ta vừa thấy dân hạ tiện”. Vậy thì làm sao con dâng nước cho ngài được? Làm sao con đến gần ngài để dâng nước? Nếu bóng con trải trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện.

Ananda: Tôi không quan tâm gì đến đẳng cấp. Tôi chỉ biết rằng cô cũng là người như tôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói đẳng cấp có thể tạo ra khác biệt giữa người này với người kia. Tôi không chấp nhận ý nghĩ ấy. Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương Tây đối với người cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?

Prakirti: Bề ngoài không có gì khác lắm. Nhưng những người ở cấp trên nhờ được xứng đáng mà sinh vào cấp trên. Chúng con thì phạm tội: vì vậy chúng con sinh vào cấp dưới. Họ sinh ra từ miệng Brahma. Còn chúng con sinh ra từ bàn chân Brahma. Chúng con không có quyền học kinh Vệ Đà. Bởi vậy chúng con thấp kém mọi bề. Chúng con là dân hạ tiện.

Ananda: Thầy của tôi không dạy như thế. Cô nghe tôi đọc câu này : “No jaccà vasalo hoti – Na jaccà hoti bràhmano. Kammanà vasalo hoti – Kammanà hoti Bràhmano” (Không ai sinh ra đã thành hạ tiện. Không ai sinh ra đã thành Bà la môn).

Sợ hãi và thẹn thùng, cô thiếu nữ ngó quanh. Tay run run, cô cúi xuống đưa gàu nước kề miệng bát rót bát nước đầy. Tôn giả Ananda cám ơn cô rồi mang bát nước đi. Cô thiếu nữ nhìn theo cho đến khi Ananda khuất dạng đàng xa.

Nhìn theo bóng tôn giả, cô gái như còn nghe văng vẳng bên tai: “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”. Lời nói ngọt ngào làm sao! Lời nói dịu dàng làm sao! Người đâu mà đẹp thế! Chẳng lẽ không có giếng nước nào khác ở trong vùng này? Chẳng lẽ chỉ có nước ở giếng này thôi? Tại sao người ấy lại đến ngay mình xin nước? Chẳng lẽ mình là người con gái duy nhất trong vùng này? Mà có thật người ấy chỉ xin nước thôi, không cần quan tâm rằng mình là con gái hạ tiện? Người ấy phải biết chứ! Trẻ con cũng biết mình là dân hạ tiện, nhìn áo quần mình bận là biết ngay. Người đẹp đẽ kia là ai vậy? Từ đâu đến? Cám ơn trời đưa người ấy đến lại giếng này. Nhờ người, tôi học được rằng tôi là người, là người thiếu nữ.

Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ tôi là thú vật, là thiếu nữ - thú vật. Ôi, gương mặt quyến rũ! Ôi, đôi mắt tràn ngập nhân từ! Ôi, dáng người thanh nhã, trẻ trung, sáng chói! Làm sao gặp lại người lần nữa bây giờ? Làm sao nghe lại giọng nói ngọt ngào lần nữa? Sống làm gì nếu không thấy lại người? Ôi, giá như ngày nào cũng được dâng nước cho người! Ngày nào cũng được nói với người vài lời! Nếu người lại đến, nhất quyết tôi không để cho người đi. Tôi sẽ mang người về nhà và giữ người lại. Nếu tôi được ngắm người, tôi không cần ăn uống. “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”, ôi, lời nói khắc sâu vào tận đáy lòng.

Mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Prakirti ! Prakirti ! Mẹ gọi con nãy giờ sao không thấy? Con gái tôi đi đâu rồi? Có chuyện gì xảy đến với con vậy? Bộ con mọc rễ bên bờ giếng rồi hay sao vậy? Lần nào đi lấy nước cũng thế! Cứ trò chuyện sa đà với bạn bè thôi! Prakirti! Prakirti!

Prakirti: Mẹ ơi, con đây!

Người mẹ: Con ở đâu?

Prakirti: Con đây! Bên giếng!

Người mẹ: Đã trưa rồi. Đất đã nóng phỏng chân. Con gái nhà người ta đi múc nước đã về cả rồi, con còn la cà ở đấy một mình làm gì vậy?

Prakirti: Mẹ ơi, giọng nói ngọt ngào quá, mẹ ơi. “Xin cô bát nước!”

Người mẹ: Xin cô bát nước? Ai xin con nước?

Prakirti: Một người đàn ông trẻ đẹp vô ngần! Đầu cạo, mình khoác áo vàng, tay bưng bát nước. Một chàng thanh niên dáng dấp thư thái.

Người mẹ: Cạo đầu? Làm sao một người đàn ông trẻ cạo đầu mà đẹp được? Bộ con không biết họ cạo đầu để đuổi cái đẹp đi ?

Prakirti: Con không biết. Nhưng người đàn ông ấy đẹp vô ngần. Toàn thân người ấy sáng rực ánh vàng. Cặp mắt dịu dàng. Phong thái bình dị. Người ấy là hiện thân của nhân từ và bình dị.

Người mẹ: Người ấy có cùng đẳng cấp với mình không?

Prakirti: Có. Người ấy nói cùng với con một đẳng cấp.

Người mẹ: Đẳng cấp gì?

Prakirti: Đẳng cấp người.

Người mẹ: Chắc con giấu đẳng cấp của con khi nói chuyện chứ gì? Bao nhiêu người hạ tiện ở vùng này không muốn lộ đẳng cấp của mình. Thái độ ấy thật là nhục nhã. Nếu ai cũng hãnh diện về đẳng cấp của mình, làm gì còn đẳng cấp thấp nữa! Con không nói cho người ấy biết con là con gái hạ tiện, phải không?

Prakirti: Con nói con là hạ tiện. Nhưng người ấy không chịu nhận như vậy. Người ấy chỉ nhắc đi nhắc lại xin nước uống thôi. Người ấy nói: một người trở thành Bà la môn hay hạ tiện không phải do sinh ra mà do hành động.

Người mẹ: Người ấy nói gì nữa ?

Prakirti: Người ấy nói: đừng làm trái lại tự do mà ta vốn có như là người. Chối bỏ bản chất người của mình bằng cách nghĩ rằng mình có một bản chất riêng, bản chất riêng ấy là thấp, đáng khinh miệt và không thay đổi được, là tai hại còn hơn là giết bản chất thật của mình. Thiếu tự trọng là một hành động thấp hèn hơn cả hủy diệt bản chất. Người ấy nói như vậy. Mọi người sinh ra trên trái đất này đều là những con người tự do.

Người ấy nói: sau khi sinh ra như vậy, tự do bị thu hẹp lại vì những chướng ngại như chủng tộc, đẳng cấp, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, cha mẹ, thầy giáo, giáo sĩ, tục lệ. Trong đầu con, con cứ nghĩ về con như là một người thấp hèn bị ràng buộc bởi tập tục xã hội. Con cứ nghĩ về con như là con chó hoang sục sạo tìm thức ăn thừa ngoài đường. Người ấy mang đến cho con ánh sáng. Con tưởng như sống một đời mới. Chỉ đến ngày hôm nay con mới học được rằng con là thành viên mới của xã hội loài người. Người ấy là ánh sáng. Người ấy là ánh sáng của con.”Xin cô bát nước!”, “Xin cô bát nước!”. Lời nói ngọt ngào làm sao!

Người mẹ: Người ấy không biết gì về đẳng cấp hạ tiện, nhưng con ơi, mẹ biết. Người ta sinh ra thế này hay thế kia là do nghiệp.

Prakirti: Vậy những người ở đẳng cấp cao đã làm gì mà được sinh ra như vậy?

Người mẹ: Họ cũng vậy, đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti: Dù thế nào chăng nữa, người ấy nói với con rằng người ta không trở thành cấp cao hay cấp thấp vì sinh ra như thế. Người ấy nói: dù là vua, dù là Bà la môn, dù là tăng sĩ, nếu sát sinh, nếu trộm cắp, nếu tà dâm, nếu nói điều ác độc, nếu rượu chè say sưa thì đều là dân hạ tiện.

Người mẹ: Đó là điều mẹ vừa nói với con: đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti: Mẹ ơi, không phải bất cứ điều gì cũng xảy ra vì nghiệp. Mình là dân hạ tiện không phải vì nghiệp mà là vì xã hội. Con không muốn chấp nhận những chuyện vô nghĩa lý ấy. Người đàn ông trẻ xin con nước tên gì vậy? Đó là điều con muốn biết. Người ấy làm gì? Con chỉ muốn biết chuyện ấy thôi.

Người mẹ: Mẹ đã hỏi rồi. Người ấy tên là Ananda. Người ấy là đệ tử của Phật. Người ấy thuộc dòng dõi Thích Ca.

Prakirti: Người ấy làm gì?

Người mẹ: Người ấy là một vị tăng đã từ bỏ đời sống trần tục.

Prakirti: Mẹ ơi, người ấy tốt vô cùng. Con chẳng cần biết người ấy là ai. Con chỉ muốn được nhìn người ấy mãi hoài. Con không thể sống không có người ấy. Con cần có Ananda. Nếu con không có được người ấy, con sẽ nhịn đói đến chết. Mẹ ơi, mẹ làm phù phép đi, mẹ dùng hết phù phép mà mẹ biết để mang Ananda đến lại với con. Nếu không, mẹ sẽ không bao giờ thấy lại con gái độc nhất của mẹ. Con sẽ nhịn đói cho đến khi mẹ mang Ananda đến cho con.

Người mẹ: Vua Kosala của chúng ta là người rất mộ Phật. Vua đến hầu Phật mỗi ngày. Nếu vua biết con yêu Ananda, vua sẽ đốt nhà con. Vua sẽ cấm dân hạ tiện chúng ta sống trong xứ này. Con làm hại mọi người trong đẳng cấp chúng ta.

Prakirti: Nếu vậy thì mẹ đọc thần chú đi. Mẹ đọc thần chú thì Ananda đến liền. Con mà không có Ananda thì con không thể sống được.

Người mẹ: Phật là người không còn dục vọng. Mà Ananda thì biết thần chú của Phật. Phật chú diệt hết mọi thần chú. Thôi được, mẹ thương con, mẹ đọc thần chú cho con.

Người mẹ đốt phân bò khô, cỏ khô, thêm củi vào cho lửa rực cháy. Bà ném hoa vào lửa, từng cánh, từng cánh, miệng đọc thần chú : “Amale, vimale, kunkume sumane, yena baddhasi vidyut icchaya devo varsati, vidyotati garjati, vismayan, Maharajasya, samabhi vardhayitum, devebhyo manushyebhyo gandharvebhyah shikigraha deva, visikhigraha grahadeva, Anandasyagamanaya, Samgamanaya, kramanaya, grahanaya juho svaha.”

Trong khi người mẹ hạ tiện đọc thần chú như vậy, tôn giả Ananda trong tịnh xá cảm thấy đầu óc bị rối loạn. Ngài rời tịnh xá và đi thẳng đến nhà mẹ con cô thiếu nữ hạ tiện. Thấy tôn giả từ xa đi đến, người mẹ bảo con gái sửa soạn giường gối. Ananda bước vào nhà, đứng lại, lặng yên. Ngài để ý thấy cô thiếu nữ Prakirti trang điểm đỏm đáng và hiểu thâm ý của người mẹ. Tôn giả biết mình đang gặp nạn. Ngài bèn nghĩ đến đức Phật, và bằng ý nghĩ, ngài cầu Phật hộ trì. Bằng tuệ nhãn, Đức Phật thấy Ananda đang gặp nạn, bèn đọc một câu chú : “Sthi racyutith sunitih svastih sarva pranibhyah sarah prasannam nirdosham prashantam sarvatobhayam itayo yatra shamyanti sarva siddhasca yoninani etena satya vakyena svastyanandaya bhiksave.”

Thần chú của người mẹ tan biến. Tôn giả Ananda lấy lại được sáng suốt và trở về lại tịnh xá. Cô thiếu nữ Prakirti bảo mẹ làm cho Ananda quay lại, nhưng người mẹ trả lời rằng Phật chú dẹp tan mọi thần chú trên đời này. Bà nói với con gái: chắc Ananda đã đọc chú của Phật.

Tôn giả Ananda thoát được phù phép của người mẹ, trở về tịnh xá, đảnh lễ Phật và cung kính đứng hầu bên cạnh. Phật nói với tôn giả: “Này, Ananda, con phải nghe và nhớ kinh Sadaksara Vidyà này. Đây là bài kinh sẽ hộ trì cho tăng, ni, thiện nam, tín nữ. Này Ananda, con phải nhớ, phải suy ngẫm. Đức Phật đọc: “Andare pandare karande keyurerci haste svara grive Bandhumati, viramati, dhara vidha cilimile, vilodaya, visani loke visa cala golamati gandavile cili mile satimimena yatha samvibhaketa golamati ganda vilayai svaha.”

“Ananda, người nào đọc kinh này, người ấy sẽ được tự do nếu bị hành hạ. Người ấy sẽ được giải phóng khỏi trừng phạt nếu có ai ra lệnh trừng phạt. Nếu người ấy khiếp sợ, người ấy sẽ được giải phóng khỏi khiếp sợ. Này Ananda, người nào được kinh này che chở sẽ không bao giờ bị một hành động gì vùi dập ngoài kết quả của nghiệp kiếp trước”.

Tôn giả Ananda thoát khỏi phù phép của mẹ cô gái. Nhưng Prakirti, cô thiếu nữ hạ tiện, vẫn cứ yêu thầm ngài. Một ngày kia, tôn giả đi khất thực, Prakirti đi theo. Ananda không đi khất thực nữa, quay về lại tịnh xá, bạch Phật. Cô thiếu nữ theo gót tôn giả đến tịnh xá, đứng tần ngần trước cổng. Đức Phật cho gọi cô vào.

Đức Phật: Có thật là con cứ theo đuổi Ananda?

Prakirti: Bạch Thế Tôn, dạ đúng, con có theo đuổi.

Đức Phật: Tại sao ?

Prakirti: Bạch Thế Tôn, để Ananda làm chồng của con.

Đức Phật: Song thân của con có bằng lòng như vậy không?

Prakirti: Dạ thưa, cha mẹ con chấp thuận.

Đức Phật: Vậy con mời song thân của con đến đây.

Prakirti đi về nhà, nói với cha mẹ rằng đức Phật muốn gặp hai người. Rồi cô đi cùng cha mẹ đến tịnh xá.

Đức Phật: Con gái của hai vị nói muốn có Ananda làm chồng. Hai vị có đồng ý không?

Cha mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Bạch Thế Tôn, chúng con đồng ý. Con gái chúng con nói rằng nó không sống được nếu không có tôn giả Ananda. Nó nói nó sẽ tự tử nếu không có được tôn giả.

Đức Phật: Được rồi. Hai vị có thể đi về nhà, để Prakirti ở lại đây.

Cha mẹ cô thiếu nữ đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Đức Phật: Trong thành Savatthi này con muốn bao nhiêu thanh niên cũng có. Tại sao con chỉ thương yêu Ananda?

Prakirti: Con thích chàng. Con yêu chàng. Lòng con sáng lên vì chàng. Con học được cách suy nghĩ tự do nhờ chàng. Nhờ chàng mà con hiểu rằng con là một người, thành viên của nhân loại. Chính chàng đã làm cho con biết con cũng có mọi ưu tiên, mọi quyền, mọi tự do mà bất cứ người nào cũng phải có. Trong lúc con bị xã hội ruồng rẫy, gạt bỏ xuống tận cùng hố rác, hành hạ với đòn roi của đẳng cấp, y như một con chó hoang, chàng là người duy nhất dạy cho con rằng con cũng là thành viên của chủng tộc loài người. Bởi vậy, chàng là ánh sáng của con. Chàng là cuộc đời mới của con. Con không thể sống được nếu không có chàng. Chỉ thấy chàng là mắt con gặp ân huệ. Giọng chàng ấm bên tai con. Chàng nhìn con dịu dàng, lời nói nhân từ của chàng khắc sâu vào tim con. Con phải có chàng.

Đức Phật: Được rồi. Ta sẽ cho con Ananda. Nhưng con phải làm theo lời Ta nói.

Prakirti: Con làm bất cứ điều gì cũng được, nếu Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Nếu con muốn Ananda, con cũng phải mặc áo như Ananda mặc. Ananda cạo đầu, con cũng phải cạo đầu. Ananda đắp y vàng, con cũng phải đắp y vàng. Nếu con làm những việc đó, con có thể có Ananda.

Prakirti: Bạch Thế Tôn, con sẽ chạy về nhà và sẽ trở lại đây sau khi làm những điều Thế Tôn bảo.

Prakirti chạy về nhà, kể lại sự việc cho mẹ nghe. Người mẹ mắng cô. Prakirti khóc. Cô nhịn đói.

Người mẹ: Con ơi, con điên rồi sao? Con tuyệt thực đến khi chết sao con?

Prakirti: Mẹ ơi, xin mẹ cạo đầu cho con. Mẹ không làm, con sẽ chết thôi.

Người mẹ: Con điên rồi, con ơi, người phụ nữ đẹp nhất là ở nơi đầu tóc. Cạo đầu rồi thì nhan sắc đâu nữa! Con đui mù rồi sao? Có gì làm người phụ nữ xấu xí hơn? Nếu tóc con bị cắt, nếu đầu con bị gọt, con xấu xí như thế nào! Trong thành Savitthi này có cô thiếu nữ nào đẹp bằng con đâu? Mẹ sẽ tìm cho con một chàng trai xứng đáng. Đừng vội con ạ. Kiên nhẫn thêm chút nữa. Còn nhan sắc gì nữa nơi người con gái bị gọt tóc! Đừng điên con ơi!

Prakirti: Con không muốn bất cứ ai khác. Con chỉ muốn Ananda. Đối với con, chàng là tuyệt đẹp. Mặt chàng sáng rực như vàng. Con thích quá cách chàng nhìn, giọng ngọt chàng nói, dáng uy nghi chàng đi. Trên trái đất này, con không muốn bất kỳ ai khác, ngoài chàng.

Người mẹ: Thôi được rồi, con ăn đi.

Prakirti: Con nhịn đói cho đến khi nào mẹ gọt tóc cho con.

Prakirti tuyệt thực cả mấy ngày sau đó. Mẹ cô quá sợ cô chết, phải cắt tóc cho con.

Người mẹ: Rồi đó, bây giờ con giống như ni cô. Chắc chắn ai cũng sẽ thất vọng về con. Đây là mưu chước của Thầy của Ananda. Chẳng có ai trở về nhà sau khi bị Ngài ấy lừa. Ngài ấy có phép thôi miên.

Prakirti: Điều đó chẳng quan hệ gì. Con bất cần tất cả nếu có được Ananda. Con bất cần nếu phải đi xin ngoài đường với chàng. Mẹ ơi, con chạy đến tịnh xá Jetavana đây.

Người mẹ: Con đi đi. Rồi xem việc gì xảy ra.

Cô thiếu nữ Prakirti đầu trọc đi đến tịnh xá Jetavana, mình đắp y vàng. Cô đảnh lễ Phật rồi chắp tay đứng hầu bên cạnh. Hàng trăm vị tăng, trong đó có Ananda, ngồi quanh Phật.

Prakirti: Kính lễ Đức Thế Tôn ! Con đã làm y như lời Thế Tôn đã dặn. Xin Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Tốt lắm, con bây giờ xứng đáng để nhận Ananda. Trước khi Ta trao Ananda cho con, con hãy trả lời Ta vài câu.

Prakirti: Xin Thế Tôn cứ hỏi.

Đức Phật: Cái gì nơi Ananda làm con yêu thích? Dáng dấp? Mặt mày? Cặp mắt? Cách nói? Dáng đi? Cái gì?

Prakirti: Đối với con, mặt Ananda tươi tốt. Mũi đẹp. Mắt dễ thương. Tai mời gọi. Giọng nói ngọt ngào. Ý nghĩ đúng đắn. Toàn thể dáng dấp đều quyến rũ. Như vậy đó, con yêu tất cả vẻ người của chàng.

Đức Phật: Con xem thân hình Ananda là đẹp. Nhưng nếu da Ananda bị thương, da đó chảy máu. Nếu không chữa lành da đó sưng lên. Nó đau. Mủ chảy ra. Cái mà con tả là đẹp, chỉ là bề ngoài mà con thấy, hạn chế nơi da bọc ngoài. Như vậy, vẻ đẹp hay vẻ quyến rũ chỉ là do cái nhìn về bề ngoài da thịt. Nếu da của một người bị lột ra, chẳng ai thèm nhìn người đó nữa. Nếu cái gì ở bên trong thân thể bị lật ra bên ngoài, chó quạ sẽ đến tấn công, phải cầm gậy gộc đuổi đánh. Thân thể đó không phải làm bằng vàng bạc, ngọc ngà. Cũng không phải bằng đá quý, san hô. Thân thể đó làm bằng xương, da, gân, thịt, máu, nước bọt, phân…

Thân thể đó không đáng giá gì cả khi con nhìn nó. Nếu con nhìn vào thực chất của nó, nó đáng ghê tởm. Người không có trí tuởng rằng nó đẹp. Thực chất nó vô thường như bọt nước, như bong bóng, tan biến như tia chớp, huyễn ảo như ảo thuật, như giấc mộng. Thân thể là phù du, bất trắc, giả dối. Nó giống như một chiếc bao chứa đầy đồ phế thải. Khi nó bệnh hoạn, ta trở thành kẻ thù của chính ta. Nếu ta nhịn ăn một ngày, nếu ta không tắm một ngày, nếu ta không súc miệng một ngày, ta sẽ thấy chính ta là đáng tởm. Tất cả những gì ghê tởm ứa ra ngoài thân. Thân thể là nơi nương tựa của bệnh hoạn, của buồn bã, của sợ hãi, của nguy khốn. Không ai biết mình sẽ chết hôm nay hay ngày mai.

Đồ phế thải của thân thể làm chính ta ghê tởm. Thân thể là nhà chứa của ghê tởm. Ta không thể đem thân này đi theo được. Ta không cho ai thân này được. Bộ xương này gồm 300 đốt, không kể răng. Các đốt xương nối kết với nhau nơi 180 khớp, 900 gân cột thịt lại. 900 mãnh thịt bám chặt vào gân. Toàn thể bộ xương được da bao quanh, cho nên ta không thấy gì bên trong. Da được đánh bóng nhờ lớp sợi tơ đan kết. Thân này có hàng triệu lỗ chân lông. Đồ phế thải ứa ra ngoài thân như mỡ đọng quanh chão. Đó là nơi trú ẩn của hàng triệu con trùng. Đó là nơi than khóc chọn làm chỗ ở. Đó là bị da chứa đồ phế thải với 9 lỗ thoát hơi.

Khi hơi thở lìa khỏi thân này, ai cũng sợ hãi, không dám sờ lên. Hai ngày sau, nó bốc mùi thối với đồ phế thải rỉ ra. Thương cái xác chết này hay thương cái xác chết kia, nào có gì khác nhau? Tình yêu là do ham muốn mà có. Ở đâu không còn ham muốn, ở đấy không còn đắm đuối. Ở đâu có tình yêu, ở đấy cũng có buồn khổ. Từ ngày con bắt đầu yêu Ananda, con đã thực chứng bao nhiêu buồn khổ, khóc lóc, thở than, mất ăn, mất ngủ, suy nhược, hôn mê. Tất cả những điều đó đâu có phải là hạnh phúc? Bây giờ, con hãy suy nghĩ cho kỹ với trí tuệ của con, xem thử thân thể của Ananda có phải là cái gì đáng yêu không?

Prakirti: Ôi, bạch Đấng Giác Ngộ, con đã thấm sự thật qua lời giảng của Ngài rồi. Con đã thấy thực chất nơi thân thể mà Ngài tả. Lòng còn nhẹ bơn khi nghe Thế Tôn nói. Con thông suốt mọi lời Thế Tôn dạy.

Đức Phật: Nếu thật như vậy, Ta sẽ thực hiện lời hứa trao Ananda cho con. Bây giờ con có thể đi về nhà với Ananda.

Prakirti: Ô, bạch Đấng Giác Ngộ, con không cần tôn giả Ananda nữa. Lời Thế Tôn đã chữa lành tâm bệnh của con, chữa lành điên cuồng của con. Con không phải là người thiếu nữ có thể hạ mình xuống để điên cuồng như vậy nữa. Tất cả cơn đam mê đã lìa khỏi tâm con rồi. Xin Thế Tôn rủ lòng thương xót thâu nhận con vào ni đoàn của Ngài.

Đức Phật: Đoàn thể tăng ni của Ta rộng như biển. Bao nhiêu sông đều chảy vào biển, trộn chung nước với nhau, chẳng còn phân biệt nước của sông này với nước của sông kia, tất cả chỉ còn một tên là biển. Cũng vậy, Ta không phân biệt người thấp hay cao, chủng tộc, đẳng cấp, xứ sở, ai cũng vào đoàn thể tăng ni của Ta được cả. Khi vào, tất cả những gì khác biệt trước đây đều tan biến, mọi người cùng sống với nhau như con chung một cha, mang tên chung là Phật tử. Bởi vậy, không có gì cản trở con gia nhập ni đoàn.

Prakirti gia nhập Ni Đoàn và trở thành A La Hán.

Tin đồn về đức Phật thâu nhận một cô gái hạ tiện vào ni đoàn lan rộng ra khắp thành Savitthi. Giới tướng tá, Bà la môn, quý tộc, phú gia rúng động. Họ tự hỏi làm sao một phụ nữ hạ tiện, khi trở thành ni cô, có thể đi vào nhà một người sinh ở cấp trên? Làm sao một người sinh ở cấp trên có thể đến gần phụ nữ ấy? Làm sao phụ nữ ấy có thể nhận thức ăn khất thực từ người sinh ở cấp cao. Họ đến thưa chuyện với vua Kosala. Vua cùng với một đoàn tùy tùng gồm những người trong đẳng cấp thượng lưu, thân hành đến hỏi Phật. Đức Phật gọi ni cô Prakirti, tôn giả Ananda và tất cả tăng ni đến quanh Ngài, rồi Ngài hỏi vua và mọi người có muốn nghe kể chuyện kiếp trước của Prakirti không. Ai cũng muốn nghe. Đức Phật bèn kể:

Thuở trước, bên bờ sông Hằng, có một vị tộc trưởng thuộc đẳng cấp hạ tiện tên là Trishanka. Vị ấy có một người con trai dung mạo thanh tú, thông minh, học hết kinh sách Vệ Đà. Khi thanh niên ấy đến tuổi lập gia đình, người cha đến cầu hôn con gái của một người Bà la môn. Người con gái ấy tên là Prakirti. Người Bà la môn tức giận, cho rằng việc cầu hôn ấy là sỉ nhục. Người tộc trưởng hạ tiện đem hết lý lẽ ra để giải thích rằng phân biệt đẳng cấp như vậy là không đúng, bởi vì ai cũng là người cả. May sao, người cha Bà la môn ấy học rộng, hiểu nhiều, nên nghe giải thích như vậy thì chấp nhận, bằng lòng gả con gái.

Cô thiếu nữ Prakirti xinh đẹp của người Bà la môn thượng cấp kia chính là kiếp trước của ni cô Prakirti đang có mặt ở đây. Con trai của vị tộc trưởng hạ tiện là Ananda. Ta là người tộc trưởng hạ tiện Trishanka của kiếp trước.

Mọi người thích thú nghe chuyện. Vua Kosala và tùy tùng đảnh lễ Phật rồi ra về.

Người dịch: Cao Huy Thuần
Theo: Buddha's Constant Companion, Ven. Ananda

HT.Thích Trí Quảng dự lễ trà-tỳ Đức Tăng thống Thái Lan

HT.Thích Trí Quảng dự lễ trà-tỳ Đức Tăng thống Thái Lan

Đăng lúc: 22:09 - 17/12/2015

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan – Tướng Prayut Chan-o-cha, ngày 15-12 vừa qua HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN đã đến Thái Lan dự lễ trà-tỳ nhục thân Đức Tăng thống Vương quốc Thái Lan Somdet Phra Nyanasamvara.



Ban Tổ chức đón HT.Thích Trí Quảng trọng thị tại sân bay

Tháp tùng có TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS và ĐĐ.Thích Quang Thạnh, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN.
Nghi lễ trà-tỳ Đức Tăng thống được cử hành trang nghiêm trọng thể vào ngày 16-12, với sự chủ trì của Thái tử Maha Vajiralongkorn, các thành viên Hoàng gia, Hội đồng Tăng-gia tối cao Thái Lan, Chính phủ, cùng sự tham dự của lãnh đạo Phật giáo các nước, đông đảo chư Tăng và dân chúng kính ngưỡng ngài.


Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara

Được biết, Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara đã viên tịch vào ngày 24-10-2013, thọ tròn 100 tuổi. Ngài là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo và là biểu tượng cho giá trị đạo đức, tâm linh của người Thái. Theo phong tục Thái Lan đối với các bậc Tăng thống, sau khi viên tịch, nhục thân của ngài được lưu giữ trong hai năm. Sau đó, nghi thức trà-tỳ mới được cử hành một cách trọng thể theo nghi thức của Hoàng gia.


Thái tử Vương quốc Thái Lan cử hành nghi lễ


Đoàn cung nghinh xá-lợi Đức Tăng thống trên đường phố thủ đô Bangkok





















Cũng trong dịp sang dự lễ trà-tỳ Đức cố Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara, HT.Thích Trí Quảng và các vị tháp tùng đã đến vấn an sức khỏe Trưởng lão HT.Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn, Quyền Tăng thống Hội đồng Tăng-già tối cao Thái Lan, vị sẽ được suy tôn Tăng thống kế nhiệm ngài Somdet Phra Nyanasamvara.


Vấn an sức khỏe Trưởng lão HT.Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn

21(17)

Anh hùng Lý Thường Kiệt với tinh thần hộ quốc an dân

Đăng lúc: 07:57 - 28/07/2015

Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội). Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Do có công lao to lớn dẹp Tống bình Chiêm nên được vua triều Lý kết nghĩa huynh đệ đổi tên là Lý Thường Kiệt.
Ông sinh năm 1019, mất tháng 6 năm Ất Dậu (1105) hưởng thọ 86 tuổi. Ông từng làm quan lớn dưới ba triều đại: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và trực tiếp làm Tổng Trấn Thanh Hoá gần 20 năm (1082-1101).
Ông có công rất lớn trong việc xây dựng và gìn giữ đất nước cũng như việc dẹp Tống, bình Chiêm, chặn đứng các cuộc xâm lược của ngoại bang, đem lại bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho mọi người, nên các vua thời Lý tin tưởng, giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng và được nhân dân yêu mến kính phục tôn thờ như vị Thánh sống.
Sau hơn bốn chục năm phụ giúp triều đình nhà Lý phá tan ngoại bang xâm lược nhà Tống và bình Chiêm. Ông đã điều hành chính sự cho đất nước được yên ổn về mọi mặt. Năm 1082, Thái uy Lý Thường Kiệt được phân công về làm Tổng Trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất quan trọng ở phía Nam của đất nước.
Ông làm Tổng Trấn Thanh Hóa gần 20 năm (từ 1082 đến 1101), giúp cho tất cả nhân dân được cơm no áo ấm, muôn nhà sống yên vui, hạnh phúc nhờ biết đưa Phật pháp vào trong đời sống gia đình, xã hội và phá bỏ các hủ tục có hại.

Chính ông là người đã thành lập ngôi chùa Linh Xứng tại núi Ngưỡng Sơn, (tức núi người con gái đẹp) ngày nay thuộc xã Hà Ngọc, Huyện Hà Trung Tỉnh Thanh Hóa. Thiền sư Hải Chiếu đã hết lời ngợi ca trong bia Chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn như sau:
Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn”.
Ngoài việc làm cho vùng đất tiếp giáp phía Nam của đất nước được yên ổn, vững mạnh, ông còn có công rất lớn trong việc phát triển chùa chiền và trùng tu lại rất nhiều chùa, làm cho đạo Phật ở Thanh Hóa lúc bấy giờ được phát triển hưng thịnh.
Sau khi làm tròn nhiệm vụ ở xứ Thanh và rời khỏi đây chỉ 4 năm, đến năm 1105, vị anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi. Đây là duyên khởi Chùa Linh Xứng. Thế cho nên:
“Anh hùng Lý Thường Kiệt khơi nguồn tâm linh, mở trang sử mới cho người dân nước Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa đạo vào đời, phá trừ mê tín làm rạng rỡ tổ tiên”.
Thái úy Lý Thường Kiệt là một vị danh tướng thời Lý. Chiến công của ông đã làm cho quân thù khiếp sợ trên sông Như Nguyệt(nay là sông Cầu thuộc làng Như Nguyệt, Bắc Ninh).
Thái úy Lý Thường Kiệt vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba với tên tuổi gắn liền với bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc nước Đại Việt.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Bản dịch

Bài thơ trên có lẽ là một bản tuyên ngôn của dân tộc Đại Việt được ghi lại lần đầu tiên thành văn. Chúng ta dù trải qua thời gian dài để nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, vẫn chưa biết đích xác tác giả bài Tuyên ngôn độc lập, song đến nay nhiều người vẫn công nhận ông là người đã dùng bài thơ trên để làm vũ khí tuyên truyền chống ngoại xâm thành công.
Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, dẹp Tống bình Chiêm thắng lợi. Ông được lịch sử ghi nhận là vị anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời giữ nước. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm cho mọi kẻ thù đều phải khiếp phục và sợ hãi.
Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà Nam đế cư là bản mở đầu( tức là Sông núi nước Nam vua Nam ở).Sông núi nước Nam là của người Nam chứ không phải là của người phương Bắc, (tức Trung Quốc ngày nay).
Một lần nữa câu đầu của bài thơ khẳng định chủ quyền của đất nước Đại Việt Sông núi nước Nam vua nam ở. Khẳng định nước Đại Việt là của người Nam, là quyền bất khả xâm phạm về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Sông núi nước Nam là của người Nam, là của con người đất nước Đại Việt. Đó là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được bởi giang sơn bờ cõi này là do dân tộc ta đã gầy dựng trong bốn ngàn năm văn hiến.
Ngày xưa thời phong kiến, ai cũng công nhận Thần linh thượng đế là đấng tối cao hay còn gọi là “Trời”, thế cho nên làm vua gọi là Thiên tử tức con trời, thay trời để trị vì thiên hạ. Chính vì vậy, ai cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong sách trời:
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. “Rành rành định phận tại sách trời”.
Câu thứ hai của bài thơ nhấn mạnh tính chất chủ quyền độc lập của đất nước Đại Việt được viết lại trong sách trời.
Đã làm người ai cũng khát khao quyền độc lập tự chủ của một đất nước, thế cho nên dân tộc ta kiên quyết gìn giữ đất nước chống ngoại bang xâm lược phương Bắc, bảo vệ chủ quyền dân tộc Đại Việt. Ý chí ấy được khẳng định qua hai câu kết của bài thơ:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Lời tuyên bố thật hùng hồn và đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm chủ quyền của nước Đại Việt. Nếu chúng bay dám coi thường cả một dân tộc Đại Việt, dám xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại nặng nề.
Đúng với ý nghĩa, Sông núi nước Nam là của người dân Đại Việt là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta thời bấy giờ, tuy chỉ có vỏn vẹn bốn câu nhưng được xác định chủ quyền của một đất nước.
Bản tuyên ngôn ấy được kết tinh đầy đủ bởi ý chí kiên cường và tình đoàn kết dân tộc nước Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nướcđược toả sáng cho đến ngày hôm nay.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt – Việt Nam, sau khi thoát khỏi thời kỳ một ngàn năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên sau thời kỳ đó, đất nước ta vẫn còn hứng chịu nhiều cuộc ngoại bang xâm lăng cả phương Bắc lẫn phương Tây, nhưng bất cứ thời đại nào cũng có nhiều anh hùng hào kiệt đứng lên cùng với nhân dân chiến đấu không ngừng, để giành lại nền độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc.
Trong 10 thế kỷ vừa qua, lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010), các nhà nghiên cứu về lịch sử đất nước đã tính ra có ít nhất ba bản tuyên ngôn độc lập xuất hiện bằng thơ ca, văn học để công bố cho thế giới biết chủ quyền độc lập dân tộc nước Đại Việt-Việt Nam.
Sau khi đất nước an ổn không còn giặc ngoại bang xâm lược nữa, Tổng trấn Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh vác trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước nhằm đem lại lợi ích cơm no áo ấm cho toàn dân.

Ông cho tu bổ đê điều, đường sá và rất nhiềucác công trình công cộng khác để phục vụ cho đời sống kinh tế phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoa màu và ruộng lúa, ngoài ra ông cònphát triển thêm nghề đục đá. Và đồng thời cải cách bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tế đất nước trong hoàn cảnh không còn chiến tranh.

Với tài năng và những chiến công đã cống hiến cho đất nước, Lý Thường Kiệt xứng đáng là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Đại Việt - Việt Nam. Trong những công trạng và sự hy sinh của bản thân ông, ta có thể thấy được sự phi thường của một vị anh hùng lịch sử có một không hai.

Ngoài việc đánh tan quân ngoại xâm, ông giúp cho dân chúng cơm no áo ấm, xây chùa và trùng tu rất nhiều chùa để cho mọi người dân biết tin sâu nhân quả, tin lời Phật dạy mà sống đời đạo đức và dứt ác làm lành.

Tóm lại, anh hùng Lý Thường Kiệt đáng được con cháu của đất nước Việt Nam ngày hôm nay học hỏi và bắt chước noi theo với ba mục đích chính:

1-Tinh thần thứ nhất là vị anh hùng kiệt xuất dẹp Tống bình Chiêm.
2-Cải cách hành chính và xây dựng lại các công trình công cộng, tu bổ đê điều, thúc đẩy chăn nuôi trồng trọt hoa màu, mở mang ruộng đất để phục vụ cho người dân.
3-Xây chùa và sửa sang chùa, để cho mọi người tu học theo lời Phật dạy sống đời đạo đức, tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành bằng trái tim yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.
Ông mất tháng sáu năm Ất Dậu (tức trong khoảng từ 13/7 đến 11/8/1105), thọ 86 tuổi. Nhiều nơi đã lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài văn bia chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá:
Lý công nước Việt/ Noi dấu tiền nhân/ Cầm quân tất thắng / Trị nước yên dân/Danh lừng Trung Hạ/Tiếng nức xa gần/Vun trồng phúc đức/Quy sùng đạo Phật.


Viết tại Chùa Linh Xứng ngày15 tháng 02 năm 2015

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Ý nghĩa chắp tay

Ý nghĩa chắp tay

Đăng lúc: 06:35 - 10/06/2015

Trong thiền môn, chắp tay là vấn đề phổ thông để tỏ lòng tôn kính Tam Bảo, cũng như xá chào nhau trong chốn Già Lam.



Ở một số nước Á Đông, phong tục chắp tay chào nhau ở mọi nơi là một nếp văn hóa ứng xử khá độc đáo. Còn trong nhà Phật chắp tay mang nhiều ý nghĩa.

Sau đây là 16 ý nghĩa của chắp tay:

1. Hai bàn tay khép lại biểu thị cho hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, không tranh đấu và không làm tổn thương người khác.

2. Khoảng trống giữa hai lòng bàn tay biểu thị lý chân không, ý nghĩa là chúng ta phải ngộ nhập tính Không của vạn pháp.

3. Hai lòng bàn tay khép lại với nhau biểu thị hai tay chấm dứt vọng động, không còn phan duyên, không còn tạo nghiệp vì tham, sân, si.

4. Mu bàn tay hướng ra ngoài biểu thị ngoại cảnh lục trần, lòng bàn tay hướng vào trong biểu thị giác tâm bồ đề, vì vậy chắp tay còn có ý nghĩa là đi ngược cảnh trần, tìm về giác tâm.

5. Tay phải, tay trái là do vọng tưởng, chấp trước mà có. Kỳ thực phải hay trái đều là giả danh, đều là hư vọng. Chắp hai tay làm một, không còn có phải trái, rời tướng phân biệt, bình đẳng nhất như.

6. Mười ngón tay khép lại với nhau biểu thị mười pháp giới quy về nhất tâm, tất cả đều do tâm tạo, tất cả đều từ tâm mà biến hiện ra.

7. Mười ngón tay biểu thị mười phương, chắp lại trước ngực, có nghĩa là chúng sanh trong mười phương đều bình đẳng, cũng có nghĩa là nhiếp thủ chúng sanh trong mười phương quy hướng Phật đạo. Mười ngón tay còn biểu thị cõi Phật trong mười phương, chắp lại trước ngực, có nghĩa là cúng dường chư Phật, Bồ-tát trong mười phương bằng tâm cung kính, cũng có nghĩa là nhiếp thủ công đức của cõi Phật trong mười phương để trang nghiêm tự tâm, thành tựu căn lành.

8. Phật tử gặp nhau chắp tay niệm “A Di Đà Phật” chính là quy hướng biển nguyện nhất thừa của đức Di Đà, bất thoái thành Phật. Cũng biểu thị cõi Phật mười phương cùng xưng tán A Di Đà Phật, cùng tuyên dương pháp môn Tịnh Độ.

9. Mười ngón tay chắp lại trước ngực biểu thị chúng ta phải tu mười ba-la-mật mới có thể thành Phật. Ngoài ra, mười huyền môn Hoa Nghiêm hay mười nguyện vương Phổ Hiền đều biểu thị sự viên mãn; cho nên, mười ngón tay chắp lại chính là biểu thị khả năng viên thành Phật quả.

10. Tay trái thường tĩnh, biểu thị “thông hiểu”; tay phải thường động, biểu thị “thực hành”; hai tay chắp lại biểu thị hiểu và hành hợp nhất, có như vậy mới thành tựu được vô thượng bồ đề.

11. Tay trái thường tĩnh, biểu thị “tự giác” (tự mình giác ngộ); tay phải thường động, biểu thị “giác tha” (giúp cho người khác giác ngộ); hai tay chắp lại biểu thị kết hợp tự giác với giác tha, có như vậy mới là hành giả Bồ-tát, có như vậy mới được giác hạnh viên mãn.

12. Tay trái biểu thị nguyện, tay phải biểu thị hạnh, hai tay chắp lại biểu thị nguyện và hạnh hợp nhất, lấy nguyện để khởi hạnh, lấy hạnh để chứng nguyện, có như vậy đại nguyện mới viên thành.

13. Hai tay chắp lại biểu thị các pháp bình đẳng, không phân cao thấp. Thiền tịnh không hai, tịnh mật chẳng khác, tuy phương pháp bất đồng, nhưng bản chất giống nhau, cùng chung một mục đích.

14. Hai tay trái phải hợp thành một thể biểu thị lý “không hai”. Phiền não và bồ đề không hai, tự hành và hóa tha không hai, tự Phật và tha Phật không hai, tánh và tướng không hai…

15. Chắp tay chính giữa ngực biểu thị lý trung đạo, không chấp vào hai bên như: thường hay đoạn, không hay có.

16. Hai tay chắp lại giống như nụ hoa chưa nở, biểu thị nhân địa tu hành. Khi hoa nở cũng là lúc thành tựu bồ đề.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 262
  • Tháng hiện tại 62,016
  • Tổng lượt truy cập 23,468,265