Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
9 câu nói hóa giải những khó khăn trong cuộc đời

9 câu nói hóa giải những khó khăn trong cuộc đời

Đăng lúc: 21:20 - 24/12/2016

Đời người có rất nhiều điều khó khăn cần chúng ta lựa chọn và đưa ra quyết định. Đứng trước mỗi lựa chọn và khó khăn ấy, làm sao để chúng ta có quyết định đúng đắn? Hãy tham khảo 9 câu nói của bên Phật gia dưới đây:


1. Khi bạn mất đi một thứ gì đó, có nhất định phải theo đuổi để giành lại không?

Kỳ thực, khi bạn mất đi một thứ gì đó là bởi vì thứ ấy chưa bao giờ thực sự thuộc về bạn, cho nên đừng quá nuối tiếc và theo đuổi nữa.

2. Khi bạn cảm thấy sống quá mệt mỏi, làm sao để sống được thoải mái hơn?

Kỳ thực, cuộc sống quá mệt mỏi là bởi vì phần nhỏ là do cuộc sống và phần lớn là do dục vọng (lòng tham) và sự phàn nàn của chúng ta tạo ra.


3. Quá khứ và hiện tại, chúng ta nên nắm giữ như thế nào?

Đừng để ngày hôm qua chiếm cứ quá nhiều ngày hôm nay của chúng ta.

4.Chúng ta nên đối xử với chính bản thân và đối xử với người khác như thế nào?

Khi đối đãi với bản thân, chúng ta nhất định phải trân quý và đối xử thật tốt, bởi vì đời người không dài và thân người là khó được nhất.

Khi đối đãi với người khác, chúng ta càng cần phải trân quý và đối xử tốt hơn nữa, bởi vì nhân duyên kiếp này, kiếp sau khó gặp lại.

5. Như thế nào là giải thích một cách lễ phép?

Khi giải thích một điều gì thì luôn nhớ rằng, “xin lỗi” là một loại chân thành, không có liên quan đến phong độ hay thể diện của một người. Nếu chúng ta cho đi sự chân thành thì cuối cùng sẽ nhận lại được sự chân thành.

6. Làm sao để cân bằng giữ vui vẻ và bi thương?

Mỗi người chỉ có một trái tim nhưng lại được chia thành bên trái và bên phải. Một bên là nơi cư trú của niềm vui, niềm hạnh phúc. Một bên lại là nơi cư trú của bi thương và đau khổ. Cho nên, đừng vui vẻ quá mức, cười quá lớn mà đánh thức bên bi thương.

7. Đừng xem nhẹ và cũng đừng tự mãn về bản thân

Chỉ cần chân của chúng ta còn ở trên mặt đất thì đừng quá khinh xuất, tùy tiện mà xem nhẹ mình. Chỉ cần chúng ta còn sống trong địa cầu này thì cũng đừng coi bản thân mình quá to lớn.

8. Có phải tình yêu thương sẽ bị hòa tan bởi thời gian?

Tình yêu thương có thể khiến con người quên đi thời gian nhưng thời gian cũng có thể khiến con người quên mất tình yêu thương.

9. Trân quý mỗi lần gặp gỡ

Hai người yêu thương nhau nhưng không thể ở gần nhau thì sẽ không thể đi cùng nhau. Đời người tưởng dài nhưng kỳ thực lại quá ngắn ngủi! Hãy quý trọng mỗi lần gặp mặt.

Suy rộng ra một chút, đối với người thân, bạn bè hãy trân quý mỗi lần gặp gỡ, bởi vì đời của một người không phải là sẽ kéo dài mãi mãi…


Mai Trà biên dịch - Theo Secretchina

Chay & mặn

Chay & mặn

Đăng lúc: 17:18 - 13/04/2016

Vợ tôi nói: Hôm nay mùng một, em nấu vài món chay thật ngon, anh có thể mời bạn về dùng bữa cho vui. Tôi cười khi nghĩ rằng hôm nay vợ tôi thật “biết điều”.

Bữa cơm dọn ra, người bạn chặc lưỡi khen ngon. Vợ tôi bẽn lẽn đỏ bừng mặt, món gà rán đó anh!

Mô Phật! Gà rán cũng… chay! Thật ra nguyên liệu cũng chỉ là măng tre trộn đậu hủ rán pha chút muối đường rồi bỏ vào dầu sôi mà lật qua lật lại đến chín vàng!

Thế là cuộc tranh luận không đặt ra lại tuôn ào đến ngay trong bữa cơm đúng ngày mùng một!

anh chayman.jpg

“Mùng một ăn chay”, từ câu dặn dò nay đã trở thành thói quen hiện thực của người Phật tử. Một thói quen của người Phật tử mà ngay tôi lại là một đoàn sinh “lão làng” của Gia đình Phật tử (GĐPT) thì càng tuân thủ hơn. Ở đây, xin miễn bàn về vấn đề trì niệm hay giới niệm hoặc Tam bảo - ngũ giới. Phật đã dạy y cứ tâm mà tu, hà cớ gì phải y cứ cái thân mà tu?

Bạn tôi, “cái ngữ” ấy na ná tôi là Phật tử chân chính, tháng ăn chay tới bốn ngày mà ngày nào cũng vậy, giỏi lắm là rau muống luộc chấm chút tương chao. Thật ra chẳng muốn tranh luận làm gì. Phật giáo Đại thừa ở Nhật Bổn, Tây Tạng một số phái cũng ăn uống bình thường, Phật giáo hệ phái Theravada cũng không ăn chay, thậm chí ngay ở đây cũng có người bảo ăn trứng gà công nghiệp “không trống” cũng là… ăn chay!

Miễn là, đừng mượn dao giết người. Có người muốn ăn thịt mà không dám cắt cổ gà đành đem chiêu ác khẩu xui khiến người khác “mần” giùm! Cái tội này gánh gấp trăm ngàn lần kẻ khác, y như đã là đoàn sinh GĐPT lại sắm cần đi câu cá về nhà làm bữa. Hỏi tại sao thì bảo “cho vui”! Cái “cho vui” sao cay đắng ác nghiệt thế kia! Cái mắt cứ thèm nhìn, cái khẩu cứ thèm ăn và tâm cứ thế tham lam bám víu.

Thế mà lại nay, ăn món chay mà bụng cứ nghĩ tới thịt cá, tới gà rán. Tôi có cứng nhắc không? Biết vậy thôi, tôi chỉ cần nói nhỏ với vợ rằng: Em cứ chiên xào hủ tiếu với đậu hủ rồi rắc lên bột “Aji ngon Moto” như trên ti-vi quảng cáo là nghe mùi vị ngọt thịt ngay cần gì gọi là gà rán! Không khéo, ăn không giống rồi nghe phàn nàn mà thấy giống quá thì… ăn gà rán thật có tốt hơn không? Cớ sao lại thích để con mắt đánh lừa mình rồi dắt dẫn mình vào con đường vi phạm ngũ giới, trong khi ăn chay chỉ cho lòng nhẹ nhàng không còn ý nghĩ sát sanh.

HT.Thích Thiện Hoa đã định nghĩa: “Ăn chay, hay ăn lạt, nghĩa là ăn những loài thảo mộc: hoa quả, rau cải, không ăn những món ăn thuộc loài động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò, ốc những vật hữu tình, biết tham sống sợ chết như người” theo những gì đã biết trong giờ tu học Phật pháp của GĐPT.

“Cái ngữ” quay sang tôi một tràng thao thao bất tuyệt: Thì cứ bí luộc, xì dầu, gạo thơm dẻo vẫn ngon như thường nhất là khi bụng đói queo, cớ chi thịnh soạn bày biện bên ngoài cho đẹp vừa con mắt, bắt cái thọ đè cái tâm, bắt cái xúc đè cái ý... khiến cái khẩu lung tung nịnh hót đãi bôi! Mi mặc áo Lam trên người mà bụng cứ nghĩ mưu cầu lợi riêng, cứ chạy theo danh vọng, hò hét với đàn em, khúm núm với kẻ trên như gà mất đầu chạy loanh quanh. Mi như ngựa thả trên thảo nguyên, tưởng đồng cỏ mênh mông tha hồ phóng đại hay gặm cỏ tùy thích, té ra, mi chẳng có cỏ mà gặm, nhìn thảo nguyên kia bị rào che tự lúc nào! Sao không nói thật rằng mời bạn qua dùng bữa cơm rau thân mật hoặc “rửa cái bụng trần gian tục lụy” bấy lâu nay nghe còn sướng tai hơn!

Ngày xưa đi trại, chỉ rau muống lá me, cơm sống gạo vàng vẫn giành nhau mà chén, nước đun sôi để nguội còn hăng mùi khói củi… có đứa nào ôm bụng kêu rên, bụng vẫn no đầy tiếp tục trò chơi lớn kia mà! Ngay hôm qua đây thôi, có người tu Bát quan trai, khi bước vào quá đường lại dè bĩu, món ăn như thế này làm sao mà tu? Mi thấy sao?

Tôi đỏ mặt, cái ngã to đùng tự dưng trỗi dậy phừng phừng. “Cái ngữ” ấy coi thường tôi quá. Ít ra, tôi cũng đã “có mặt tham gia” từ những sự kiện thời nhà Ngô đàn áp Phật giáo cho đến năm 1997 với sự tái hiện tổ chức GĐPT trên toàn cõi đất nước. Trước đây,“cái ngữ” ấy từng vỗ vai khen tôi khéo léo quen biết huynh trưởng GĐPT từ cấp Trung ương cho đến thị thành, biết lăng xăng nghe trên răn dưới, biết chạy vạy từ nơi này đến nơi nọ để nhằm mục đích phụng sự đạo pháp. Thế mà giờ đây “cái ngữ” ấy bảo tôi là “kẻ vô tổ chức, phi chính phủ” vì không thấy ai mà chỉ thấy mình với cái ngã to bự, cái sự lý ái thủ bám víu, ngồi đó đợi người khác cung phụng nể nang rồi khi nhắm mắt hy vọng màu cờ phủ lên áo quan kèm theo hai hàng đoàn sinh thắp nến, cầm hoa đứng hai bên đường với gương mặt eo xèo nhớ tiếc mình!

Đã vậy, “cái ngữ” ấy còn xỏ xiên rằng tôi là cư sĩ nỗi gì. Chẳng qua tôi đang tu Tiên, chẳng phải tu Thiền, tu Mật hay tu Tịnh độ. Tôi đang luyện linh đơn để “trường sinh bất lão” bằng nguyên liệu là danh vọng, tiền bạc, mê đắm tham sân được chưng nấu trên ngọn lửa bản ngã bỉ thử to đùng, chẳng chịu hiểu câu “Hồi đầu thị ngạn”, là còn “dục ái trụ địa phiền não” nên tâm ý giờ mới còn mãi với “vô minh trụ địa phiền não” nên nhìn qua thì thấy tôi “bảnh chọe” thật nhưng xét kỹ thì tôi “chẳng giống ai” rồi cả đời khổ cứ khổ mới chết chứ!

“Cái ngữ” ấy “ăn được, nói được”, nói chung là “không chơi được” hà cớ gì mình mời về nhà ăn chung bữa cơm chay! Có lẽ, kể từ hôm nay, thấy mặt là ghét! Nhưng xét nghĩ, không có “cái ngữ” ấy không được. Lời nói ấy thế mà đúng, nghe ra nóng bừng cả tai, tái mét cả mặt, sự thật mất lòng, vì bấy lâu nay có ai dám nói thẳng trước mặt mình đâu! Đúng là đường vinh quang nào chẳng chông gai bầm giập.

Nhạc sĩ Phạm Duy có câu hát rằng “Đố ai nằm ngủ không mơ?”. Tôi đã từng mơ, mơ thấy mình ăn chay thật là ngon chỉ với tương chao ngô bí mà lòng thấy nhẹ nhàng, không ngụy mị, không dối trá với chính mình, không lầm lẫn giữa cái tâm và cái thân ngũ uẩn tứ đại. Dẫu biết, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ (Phật học phổ thông - HT.Thích Thiện Hoa).

Đêm mằm mộng, thấy như thật. Tôi là ai? Tôi loạng choạng nơi cõi vô vi trống rỗng tịch diệt, không nhà không cửa, không tiền không danh, không con không vợ, không đến không đi, không buồn không vui, không tức cảnh sinh tình… nhưng thế mà sướng, chẳng lôi thôi giữa vòng u minh sinh tử! Ừ thì tỉnh dậy mau để làm người trong cõi Ta-bà này, chấp nhận đối diện với hiện trường thực tế, cố gắng phủi tay quên bớt sự đời để Chủ nhật tới chở vợ con thong dong phố phường nhìn cười thiên hạ cứ bon chen và để tỉ tê ly cà-phê “chánh mạng” cùng các bạn hiền bên hiên nhà mơ màng nhìn làn mưa chiều lâm thâm khoái trá.
Thục Độ

Học cách im lặng…

Học cách im lặng…

Đăng lúc: 18:26 - 04/11/2015

Một lần nữa, chúng ta lại cùng ngồi với nhau để nhắc lại cái kết câu chuyện hai người tranh cãi 4 x 4 = 16 hay 17. Chỉ một câu chuyện đó thôi cũng đã đủ là một bài học lớn cho mỗi người, học cho mình cách sống, cách im lặng và cách lắng nghe.
imlang.jpg
Đến lúc học im lặng và học cách lắng nghe thôi - Ảnh minh họa

Ngày ta chập chững lò dò tập đi, ta được học nói. Gọi mẹ, gọi cha, đòi ăn, đòi chơi,…ta đặt câu hỏi, ta giãi bày lòng mình, ta chia sẻ học thức. Nhưng rồi, cái miệng cũng bắt đầu biết buông lời nói dối, lời cay đắng, lời nóng giận để biến mỗi lời thành lưỡi dao nhọn sắc.

Nhà văn tác giả tiểu thuyết Nhà giả kim nói: Những thứ vào miệng không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc. Tại sao lại như thế? Chúng ta ăn cơm lành, canh ngọt, ăn quả chín, rau xanh, tại sao những lời chúng ta nói lại có thể như thuốc độc?

Chúng ta đã học nói, phải chăng đến lúc chúng ta cũng phải học cách lặng im. Chúng ta lặng im để không làm tổn thương người khác, không gây nghi kỵ lẫn nhau; để không phàn nàn, không phán xét, không chì chiết; để không nói ra những lời giả dối, sáo rỗng; để không khiến người ta nổi giận; để không mang những tiếng xấu gieo rắc trong đời. Cuộc đời đã là bể khổ với đủ rối ren rồi, chúng ta học im lặng, đừng bới móc rác rưới nữa để học cách ngắm hoa nở xinh tươi.

Chúng ta không cần phải cố công cố sức nói với một người rằng 4 x 4=16 nếu như người ta tin vào kết quả khác của riêng họ mà không muốn nghe. Chúng ta thắng cũng chẳng ích gì?

Trong mọi mối quan hệ, chiến thắng một cuộc tranh cãi cũng là chúng ta đã thua, thua vì có thể dẫn đến sự bất hòa đến giữa hai người. Đúng sai ra sao, rồi cuộc đời sẽ dạy cho họ, không sớm thì muộn họ sẽ nhận ra được bài học của mình. Đừng cố công bảo: tôi đã nói bao nhiêu lần rồi mà anh không chịu nghe. Bởi vì nếu như muốn nghe, tự khắc tai họ sẽ kiếm tìm, tâm họ sẽ rộng mở.

Cuộc đời nhỏ hẹp lắm, cũng chỉ là cái vòng lẩn quẩn của nhân và quả thôi. Mà cuộc đời cũng lại dài rộng lắm, ta chưa sống hết cuộc đời, làm sao chắc chắn tuyệt đối rằng không có kết quả khác cho 4 x 4.

Tạo hóa rất công minh khi sinh ra hai mắt để nhìn cho thấu, hai tai để nghe cho nhiều, hai chân để đi cho xa, hai tay để năng làm việc giúp đời nhưng lại chỉ cho ta một cái miệng, chính là để ta nói ít đi. Chúng ta chỉ nói cho người biết lắng nghe mà thôi.

Tai con người rất lạ, nó chỉ thích vểnh lên nghe tiếng trên cao mà lờ đi âm thanh dưới thấp. Người đặt bản ngã mình cao hơn người khác sẽ chẳng thể nghe được gì, chẳng học được gì mà cứ lẩn quẩn trong u minh mãi.

Tai con người cũng rất kỳ, nó hướng ra nghe bên ngoài mà quên nghe tâm mình, quên tiếng nói của lương tâm đang gào thét. Nó chỉ thích nghe lời hay, những bóng bẩy sáo rỗng ngọt ngào mà không biết nghe lời ngay thẳng, dù đó là sự thật đắng hơn thuốc. Nó thích nghe lời khen mà bỏ qua lời chê chân thành góp ý. Phải chăng, học im lặng rồi, ta vẫn cần phải học lắng nghe.

Học lắng nghe để đừng rơi vào ảo tưởng của hoa mỹ giả dối, để đừng giận ghét người có tâm, để cúi đầu học hỏi được điều hay, để tránh được cạm bẫy như viên đạn bọc đường, để lưỡi không liếm lên lưỡi dao sắc nhọn quết đầy mật ngọt ngào. Học lắng nghe để nghe thấy tâm mình đang sôi sục, lương tâm đang day dứt, lý trí đang vẫy mình. Học lắng nghe để nói ít hơn, để thấu hiểu, để cảm thông.

Ta đã học nói xong từ năm ba tuổi rồi, đến lúc học im lặng và học cách lắng nghe thôi, kẻo muộn mất rồi.

Áp dụng lời Phật dạy vào môi trường công sở

Áp dụng lời Phật dạy vào môi trường công sở

Đăng lúc: 07:14 - 06/07/2015

Việc liên tục soi mói, phán xét đồng nghiệp chỉ làm cho tình cảm hai bên rạn nứt, không thể có sự bao dung, thông cảm cho nhau, càng không thể đề bạt nhau được. Thông cảm cho nhau cần xuất phát từ ba phương diện, đó là từ thân, từ miệng và tâm.
Áp dụng lời Phật dạy vào môi trường công sở

Hẳn bạn từng nghe câu nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Câu này ý nói chỉ cần chúng ta tôn trọng, ca ngợi, khẳng định người khác thì họ sẽ tôn trọng, ca ngợi và khẳng định lại bạn.

Ngược lại, nếu bạn có thái độ ngạo mạn, xem thường người khác thì thông thường họ sẽ có hành vi tương tự với bạn. Khi đó, môi trường xung quanh sẽ bị chính bạn làm “ô nhiễm”.

Bạn giống như một người mắc bệnh truyền nhiễm, lan truyền virus cho một nhóm người, rồi một bộ phận, một tập thể,...

Nhưng nếu môi trường đó ô nhiễm mà bạn đã tiêm thuốc dự phòng và biết cách khuyên những người khác nên điều trị như thế nào cho dứt bệnh thì đó mới là điều đáng nói.



Áp dụng lời Phật dạy như thế nào vào môi trường công sở?​

Con người với sức ỳ quá lớn cộng với tính ích kỷ, luôn mong muốn người khác đem lại lợi ích cho mình và không tình nguyện đầu tư công sức cống hiến phục vụ.

Nhiều người khác, tuy thực tâm mong muốn cống hiến thật nhiều cho xã hội nhưng lại thiếu đi tính thực tiễn. Thực chất họ là người từ bi, khoan dung, độ lượng, nhưng vì sao họ không biến mong cầu thành sự thật?

Đơn giản là những người thuộc nhóm đối tượng này khi gặp khó khăn thường không giải quyết đến gốc rễ, bèn tự an ủi mình cứ làm dần dần rồi tốt lên.

Những người này luôn tìm cho mình một lối thoát, họ che giấu khiếm khuyết của bản thân, nhưng không ngừng yêu cầu cao đối với người khác. Trường hợp này vô cùng phổ biến tại các doanh nghiệp.

Nhiều người làm không được việc nhưng lại thường dò xét cách làm của đồng nghiệp, thậm chí cách ứng xử và ra quyết định của sếp mình.

Khi đồng nghiệp hay lãnh đạo mắc lỗi, họ lập tức phàn nàn nhưng rút cục cũng không nỗ lực nghĩ ra giải pháp giải quyết khó khăn chung.

Việc liên tục soi mói, phán xét người khác chỉ làm cho tình cảm hai bên rạn nứt, không thể có sự bao dung, thông cảm cho nhau, càng không thể đề bạt nhau được.

Thông cảm cho nhau trong môi trường công sở

Thông cảm cho nhau cần xuất phát từ ba phương diện: từ thân, từ miệng và tâm.​

Thông cảm cho nhau cần xuất phát từ ba phương diện, đó là từ thân, từ miệng và tâm.


“Thân” tức là những quy củ, phép tắc trong cuộc sống thường nhật, gồm sự uy nghi về cách ăn uống, đi lại.

“Miệng”, tức chỉ nói những lời hay, ý đẹp nhằm khuyên răn người khác. Việc tu thân và tu khẩu cần dựa vào tâm làm gốc rễ.

“Tâm” ở đây chỉ những việc làm để giữ cho mình được bình tĩnh, vui vẻ, dù gặp vô vàn khó khăn vẫn lạc quan, chấp nhận.

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm có nói: “Có lý do tất nhiên là có lý do. Không có lý do cũng chính là có lý do”.

Ý nói nếu ai đó, có thể là đồng nghiệp, cấp trên có thái độ không tốt thì ta cũng không nên sinh lòng căm ghét họ, vì họ làm thế chắc chắn có lý do riêng.

Bạn hãy lựa thời gian phù hợp, khi tâm trạng của đối phương tốt lên để hỏi han. Như vậy, vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa.

Khi đối thoại, bạn có thể biết được nguyên nhân gây ra sự tức giận hoặc cách ứng xử không phù hợp của đối phương có thể do hiểu lầm, do họ nghe ai nói không tốt về bạn, thậm chí bạn đã làm gì khiến họ khó chịu.

Đây sẽ là cơ hội để bạn sửa sai nếu bạn làm việc chưa tốt. Nếu đối đầu thay vì đối thoại, thì đó là cách bạn rước họa vào thân, tự mua phiền toái cho mình.

“Chúng ta cần thường xuyên thức tỉnh bản thân rằng: khi người khác gặp rắc rối, nhất định là có nguyên nhân, nên tuyệt đối không phiền lòng vì những cử chỉ bề ngoài của họ.”

“Khi đó tự ta sẽ có cách đối xử hòa nhã mà không gượng ép. Mọi người trong doanh nghiệp sẽ cảm thấy gắn kết bởi những mối lương duyên như vậy”, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm cho hay.

Nếu có thể duy trì thái độ này về lâu dài, thì dù ở công ty hiện tại hay dời sang môi trường làm việc khác, dù làm nhân viên hay sếp, nhất định bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười.

HT Thích Chân Thiện

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 128
  • Tháng hiện tại 61,882
  • Tổng lượt truy cập 23,468,131