Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tối nào mẹ cũng niệm Phật...

Tối nào mẹ cũng niệm Phật...

Đăng lúc: 16:37 - 24/08/2017

HSXN - Mẹ không sinh ra tôi nhưng mẹ luôn sống trong tôi, từng sát-na...

Đó là vào mùa bóng đá France 98 diễn ra tại Pháp, tôi đến miền quê yên tĩnh của mẹ - khi đi theo thầy là một ông họa sĩ già. Tôi học vẽ, sơn bảng quảng cáo, chạm khắc bia mộ trên đá đen và… nấu cơm, đi chợ, chăm sóc ông thầy. Dòng sông lững lờ trôi trước xưởng vẽ, lục bình nở hoa tím biếc trên sông.

Thầy tôi rất trầm lặng, có khi suốt ngày thầy trò không nói với nhau tiếng nào. Thầy có cuộc sống nội tâm rất chi lôi cuốn.

Thầy tôi học mỹ thuật vào thời Pháp thuộc, sau đó học Anh ngữ và làm thông dịch viên. Tôi nâng niu những kỷ niệm ông giữ gìn đã úa màu theo thời gian: bức hình chụp ông nơi công sở khi còn rất trẻ, hình đứa bé gái mà ông nuôi là cháu ruột có bút tích ông ghi ở sau “mẹ nghèo đói, cậu nuôi” và cả những kỷ vật riêng…

Tôi chẳng học được gì nhiều, cái được lớn nhất là khám phá miền quê yên tĩnh, hít thở không khí trong lành.
Tôi thường đi sâu vào trong, qua xóm đạo, qua nhà thờ, đến bến đò có ông lão đưa đò hiền lành. Bên kia sông là xóm của những người dân không theo đạo Công giáo. Mẹ tôi ở đó.

Xóm của mẹ tôi trĩu nặng những cành cam, rất nhiều cam. Nhà mẹ đơn sơ tranh tre, có khoảnh sân nhỏ để phơi lúa, có cái liếp bằng lá dừa để che mưa ngang mặt nhà.

Mẹ lúc đó đã rất yếu, nhưng vui vẻ, hóm hỉnh, lạc quan. Biết mẹ thương, tôi thường đi bộ hàng cây số để giúp mẹ làm cỏ, chăm sóc mấy công đất và mảnh vườn nhỏ trồng cam. Làm theo kiểu của tôi, cũng không được nhiều nhưng mẹ lại luôn khen: “Thằng này giỏi, dân chợ mà biết làm ruộng”. Khi tôi về xưởng vẽ, mẹ lại dúi cho tiền, gạo, rau bù ngót, chuối vườn. Tình mẹ con ấm áp làm sao!

Mẹ có người con trai bị bệnh tâm thần nặng, suốt ngày gào rú, phải nhốt cách ly, rất khổ, tôi đã tự nguyện làm vệ sinh chăm sóc cậu ấy, tôi rất thương mẹ.

Từ ngày biết mẹ tôi coi việc làm ruộng là việc chính, học vẽ là việc phụ! Tôi mê mải tưới những cây cam xanh tươi trĩu quả, phơi lúa, nhổ cỏ… bỏ mặc ông thầy lập dị với đủ mọi bức họa, hình chạm thuộc mọi trường phái, đủ mọi khuynh hướng đến hỗn loạn của ông. Nhưng có món gì ngon tôi lại lội bộ đem ra cho ông ăn, “tiếp tế” cho thầy.

Mẹ tôi rất thành tâm thờ và lạy Phật. Trong gian nhà lá của mẹ, bức ảnh Phật Thích Ca lớn lộng trong khung kính được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Tối nào mẹ cũng dành thời gian quỳ niệm Phật, bất luận khung cảnh chung quanh có như thế nào. Mẹ nói nhiều với tôi về luân hồi, về nhân quả, luân lý, đạo làm người…

Có những buổi đi làm đồng về, dầm trong mưa lạnh cóng, đã thấy ở nhà sau là xô nước ấm mẹ nấu sẵn cho tắm! Cảm động làm sao. Mẹ thường nói: “Tao không lường công mày đâu!”, Mà tôi nào có nghĩ chi về tiền bạc, công cán, cái tôi cần là tình thương, sự yên tĩnh và cuộc sống trong lành.

Đến một hôm mẹ kêu tôi ra sau và cho tôi một xấp tiền gói trong khăn tay. Mẹ nói: “Con ra chợ mua một chiếc nhẫn nào mà con thích, đây là tiền của con!”. Đối với tôi, đấy là số tiền rất lớn. Tôi đã nhận tiền của mẹ cho và đạp xe ra chợ. Lần đầu tiên trong đời đi mua vàng, lần đầu tiên có một số tiền “to” như vậy! Đường đến chợ chim hót líu lo, cây cỏ như hân hoan chia vui với tôi (tiền ghê vậy đó!).
Đến tiệm vàng, tôi run run hỏi giá và chọn mua một chiếc nhẫn, đường về cũng hân hoan không kém.

Tôi đã không đeo chiếc nhẫn ấy và cất rất kỹ. Ở vùng quê còn nhiều nghèo khó này, một chiếc nhẫn như thế là tài sản lớn. Chút chút tôi lại lấy ra ngắm. Ôi! Nó đẹp làm sao, lóng lánh! Mẹ bắt gặp, móm mém cười. Tôi nói sẽ giữ nhẫn suốt đời. Mẹ nói: “Cuộc sống vô thường, thân ta còn không giữ được. Đời mẹ bao nhiêu là vàng vòng, kỷ vật nay chẳng còn gì, tấm thân xinh đẹp ngày xưa giờ đã già nua bệnh hoạn”.

Đó là thuyết pháp đấy, sống động và sâu sắc lắm.

Bằng lời nói, việc làm của mình, bằng thân giáo - khẩu giáo - ý giáo, mẹ đã đưa tôi đến một chỗ có thể nhìn thấy cửa nhà Phật, nơi mà mẹ là đệ tử ở đó.

Mẹ chăm sóc tôi, dạy dỗ tôi theo cách mẹ gọi là giáo huấn, như một người mẹ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mẹ nói: “Khi mẹ mất rồi, con nhớ đến mẹ thì đến bất cứ chùa nào thắp hương, cúng một ít tiền cầu nguyện cho mẹ được vãng sanh”.

Nay mẹ đã qua đời. Phật đã thị hiện qua hình ảnh mẹ để dẫn tôi đến con đường đi đến chỗ nhìn thấy cuộc sống là vô thường, là bể khổ, thân là bất tịnh, pháp là vô ngã… để tìm thấy hạnh phúc cho chính đời này, kiếp này.
Một nén nhang kính dâng cho người.

Nguyễn Thành Công

Người tu hành không lầm nhân quả

Người tu hành không lầm nhân quả

Đăng lúc: 21:37 - 14/11/2015

Hỏi: Các vị Cao Tăng Đại đức là những bậc đại tu hành còn có rơi vào vòng chi phối của nhân quả hay không?



Đáp: Nhân quả là quy luật của vũ trụ vạn vật, không có một ai có thể đi ra ngoài quy luật ấy. Người tu hành đạt đạo và chứng quả thì không còn mê lầm đối với nhân quả, chứ chẳng phải là không còn nằm trong nhân quả. Việc này có liên hệ đến một công án của nhà Thiền. Một hôm, Hòa thượng Bá Trượng lên tòa giảng pháp cho đại chúng. Sau khi kết thúc buổi giảng, mọi người đều ra về hết, duy chỉ có một cụ già còn ở lại, đi đến đảnh lễ và trình với Hòa thượng:

- Bạch Hòa thượng! Con không phải là người.

Hòa thượng hỏi:

- Ông không phải là người, vậy ông là gì?

Ông lão đáp:

- Bạch Hòa thượng! Năm trăm đời về trước, con vốn là một người xuất gia tu hành ở ngọn núi này. Ngày nọ, có một người đến hỏi con: ‘Bậc tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả hay không?’. Khi ấy, con đã trả lời: ‘Không còn rơi vào nhân quả’. Chỉ vì một câu nói đó, mà con phải bị đọa năm trăm kiếp làm chồn sống ở ngọn núi này. Nay xin Hòa thượng từ bi nói cho con một lời để chuyển hóa thoát khỏi kiếp chồn.

Lúc đó, ngài Bá Trượng nghiêm trang nói với ông lão:

- Vậy ông hãy hỏi lại ta câu hỏi đó.

Ông lão hỏi:

- Bạch Hòa thượng! Người tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả không?

Ngài Bá Trượng đáp rằng:

- Không lầm nhân quả!

Khi nghe câu nói đó rồi, ông lão đảnh lễ Hòa thượng và cầu xin:

- Xin Hòa thượng buổi chiều nay hãy làm lễ an táng cho con giống như một vị Tăng.

Nói xong, ông lão đảnh lễ Hòa thượng ra đi. Buổi chiều, ngài Bá Trượng đánh kiền chùy tập hợp đại chúng lại và nói: ‘Hôm nay có một vị Tăng vừa qua đời, đại chúng nên đi làm lễ’. Mọi người đều ngạc nhiên vì nhìn thấy số Tăng chúng sống trong chùa đều còn đầy đủ, không có ai viên tịch. Sau đó, ngài đã dẫn đại chúng đi tới một cái hang phía sau núi để xem thì thấy có một con chồn đang nằm chết trong đó. Ngài và đại chúng cùng nhau làm lễ nghi thức an táng cho con chồn giống như một vị Tăng xuất gia. Như vậy, ngay cả người đã xuất gia, nhưng chưa tu hành tới chỗ rốt ráo, vẫn có thể phạm sai lầm trong vấn đề nhân quả và làm cho người khác lầm lạc, thấy không đúng dẫn đến việc tu sai, do đó phải chịu tội báo đọa làm chồn năm trăm kiếp. Đối với vấn đề nhân quả, tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng, không thể mở miệng nói càn. Chỉ là không có sai lầm đối với nhân quả, bởi vì đã thấu suốt rõ ràng nhân quả, chứ chẳng phải không còn rơi vào nhân quả.

Quy luật nhân quả bao trùm khắp vũ trụ vạn vật, không chỗ nào không có từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, không có thay đổi. Ví dụ, chúng ta gieo trồng hột cam xuống đất và chăm sóc vun bón cho nó thì mấy năm sau nó sẽ mọc thành cây và những trái cam ngọt. Ngược lại, gieo hạt ớt hay hạt chanh xuống đất thì chỗ ấy sẽ mọc lên cây cho quả ớt cay hoặc quả chanh chua. Từ xưa đến giờ không hề có việc trồng hạt chanh mà có trái cam, bởi vì nhân nào thì quả nấy, không thể có sự sai lệch. Không chỉ nhân quả ở trong loài thực vật, mà các loại động vật hay sự tu hành, thậm chí cho đến những ý niệm vi tế cũng không ra thể vượt ngoài quy luật nhân quả. Ví dụ, khi chúng ta mắng nhiếc người khác một câu, thì họ cũng tìm cách để trả đũa lại mình. Hoặc chúng ta luôn nghĩ những điều xấu ác về một người nào đó, thì lâu ngày điều ấy sẽ trở thành ý nghiệp và chiêu cảm quả báo là họ cũng sẽ nghĩ xấu về mình. Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng, dù trải qua ngàn đời cũng không có mất. Người tu khi đã hiểu rõ về đạo lý nhân quả rồi, thì từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động hay việc làm đều nên chọn lựa cái nhân thiện lành để gieo trồng ngay trong hiện tại và đừng nên gieo xuống những cái nhân xấu ác để đưa chúng ta đi đến cái quả khổ đau về sau.

Thích Minh Thành

Câu chuyện ai cũng nên đọc một lần: Ổ bánh mì và lão già kì quặc

Câu chuyện ai cũng nên đọc một lần: Ổ bánh mì và lão già kì quặc

Đăng lúc: 17:40 - 19/10/2015

Câu chuyện đầy suy ngẫm này chắc chắn sẽ để lại cho bạn rất nhiều bài học đáng giá.

Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư bên ngoài thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi, một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi.

Thay vì nói lời cảm ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú:



“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu :

“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”

Ngày qua ngày, người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ:

“Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhải mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”.

Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ:

“Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”.

Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng:

“Ta làm gì thế này?”

Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm:

“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến giận dữ dội.

Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm xa, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa…

Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:

Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói:

“Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết!

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão…

Trong cuộc sống, luôn tồn tại luật nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai bởi vậy hãy luôn sống tốt và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình bạn nhé!

Theo Sưu tầm / Trí Thức Trẻ

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 18
  • Hôm nay 3,215
  • Tháng hiện tại 60,600
  • Tổng lượt truy cập 23,466,849