Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Muốn có vận mệnh tốt, phải thay đổi 10 điều này từ trong tâm

Muốn có vận mệnh tốt, phải thay đổi 10 điều này từ trong tâm

Đăng lúc: 20:37 - 29/05/2016

Mọi đau khổ hay sung sướng của con người suy cho cùng đều tại tâm. Vì thế, muốn hạnh phúc và có vận mệnh tốt đẹp, nên thay đổi ngay những điều này.

Bởi thay đổi bản thân chính là cách tốt nhất để cải biến vận mệnh của mình.
Dục vọng không cần quá cao
Dục vọng không nên quá cao, bởi một khi nó không được sự thỏa mãn thì sẽ gây ra những bức bối, tâm thái sẽ mất đi sự cân bằng.
Suy tính ganh đua không thể quá nặng
Nếu một người cứ mải mê suy tính ganh đua với người này người kia thì sẽ “triệt tiêu” sự khoái hoạt của cuộc đời. Ganh đua không chỉ đánh mất đi sự vui vẻ mà còn làm mất đi vận may của một đời người.
Phải học được cách quên
Đừng canh cánh trong lòng những chuyện quá khứ không đáng nhớ. Những chuyện quá khứ là những chuyện đã xảy ra, không thể thay đổi được, hãy để nó qua đi, như vậy mới có thể giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não, trong lòng mới có thể nhẹ nhàng, thoải mái.
Tha thứ để hạnh phúc đến gần ta hơn
Con người từ khi sinh ra đến khi về già và ngay cả là lúc cận kề sinh tử, chúng ta phải đối diện biết bao nhiêu là thị phi, oan ức, những khúc mắc giữa các mối quan hệ vợ chồng, con cái, bạn bè, người thân và cả những người xa lạ. Có nhiều người vì hận người chồng mình vì ông ta lỡ sai lầm một lần mà ôm hận cả đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay, có người vì bị người khác gièm pha, nói xấu hay tranh quyền đoạt lợi mà nỗi oán ghét kẻ đó cứ chất chứa trong lòng. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp vì kẻ khác có lỗi với ta nên ta mới sanh tâm phiền trách nhưng nếu có thể, chúng ta hãy tập tha thứ.
Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Hạnh phúc không có nghĩa là giẫm đạp lên người khác
Hạnh phúc không phải là vơ vào cho mình thật nhiều mà ngược lại, bạn nên ban tặng, san sẻ những gì mình có cho người khác. Đó mới là hạnh phúc. Bản thân hạnh phúc tất vận mệnh sẽ tươi đẹp.
Đừng so sánh bản thân với người khác
Trong cuộc sống, đừng so sánh bản thân với người khác, cũng đừng có ước ao được như họ. Ai cũng có ưu điểm riêng của bản thân mình, ai cũng có nỗi khổ riêng mà người khác không biết.
Một khi so sánh, người ta thường hay lấy điểm yếu của bản thân để so sánh với điểm mạnh của đối phương, từ đó sinh ra chán ghét, điều đó chỉ làm tổn hại chính tâm thái của bản thân mình mà thôi!
Yêu thương, trân quý bản thân nhiều hơn
Chỉ có yêu thương, trân quý bản thân mình mới có năng lượng để yêu thương trân quý người khác. Nếu có đủ năng lực, hãy thường xuyên giúp đỡ người khác, như vậy bạn sẽ nhận được niềm vui, có nhiều niềm vui là cách giảm sức ép của cuộc sống.
Biết thế nào là đủ
Chúng ta hay cho rằng mình khổ đau và kém may mắn vì chúng ta luôn tham lam và không biết thế nào là đủ cả. Người có lòng tham cầu càng nhiều thì nỗi khổ càng lớn. Con người cứ nhìn cuộc sống này bằng ánh mắt bi quan, tiêu cực mà không nhìn lại những gì mà chúng ta đang có. Việc ham mê và cầu toàn quá chỉ khiến bản thân thêm bất hạnh mà thôi.
Đừng nói lời tổn thương người khác
Đừng tạo khẩu nghiệp, nói những lời tổn thương người khác ắt có ngày nhận quả bảo cho mình.
Dụng tâm đối mặt
Chỉ có dùng thật tâm, dùng tình yêu thương, dùng nhân cách để đối mặt với cuộc sống thì cuộc sống của bạn mới trở nên đặc sắc hơn!
Mỗi ngày cần bảo trì một tâm thái vui vẻ, lạc quan! Nếu như gặp những sự tình phiền lòng, hãy học cách vỗ về chính mình, tấm lòng rộng mở sẽ khiến bạn mạnh mẽ tự tin hơn để vượt qua.
Muốn có một tâm thái tốt, hãy dùng “lòng biết ơn” để nhìn thế giới, dùng “trái tim” để nhìn thế giới, không tính toán được mất, cảm động trước hết thảy việc làm của người khác. Khi ấy vận mệnh của bạn nhất định cũng trở nên tốt hơn!

Tuần lễ tu tập kỷ niệm vía đức Phật A Di Đà tại chùa Đức Hậu - Nghi Đức - thành phố Vinh

Tuần lễ tu tập kỷ niệm vía đức Phật A Di Đà tại chùa Đức Hậu - Nghi Đức - thành phố Vinh

Đăng lúc: 11:05 - 27/12/2015

Tối ngày 10/11AL ( tức ngày 20/12 năm 2015) tại chùa Đức Hậu - Nghi Đức, thành phố Vinh, đã khai mạc khóa tu niệm Đức Phật A Di Đà trong thời gian một tuần lễ ( Từ 10/11 đến ngày 17/11 AL năm 2015) dưới sự tổ chức và hướng dẫn của Đại Đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu, chùa Phúc Thành, Tp VInh, Nghệ An. Hôm nay ngày 16/11(tức ngày 26/12 năm 2015) vào lúc 7h30, các Phật Tử thiện nam, tín nữ khắp nơi đã hoan hỉ , vân tập về chùa. Tham dự và chứng minh có Đại Đức Thích Minh Lâm, Đại Đức Thích Minh Duy - trụ trì Tịnh Xá Ngọc Thịnh- Tp Hồ Chí Minh, Đại Đức Thích Quảng An, Sư Cô Thích Nữ Minh Hoa, cùng với các em trong gia đình vườn Tuệ và Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ.

phat 2(1)

Tu để chuyển hóa phiền muộn khổ đau

Đăng lúc: 06:38 - 10/06/2015

Như chúng ta đã biết, đã làm người ai cũng đều có những tâm niệm xấu ác cho nên chúng ta cần phải tu, cần phải sửa, cần phải chừa bỏ như tham lam, sân hận, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, hơn thua, cố chấp, che giấu, bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, dối trá gạt gẫm, lười biếng ăn không ngồi rồi. Chúng ta cần phải chuyển hóa từ bỏ những tâm niệm trên, như vậy mới gọi là người tu hành chân chính?

Thường những chướng duyên nghịch cảnh là điều lợi ích trên con đường tu đối với các vị đang hành Bồ-tát đạo, vì đó là cơ hội để Bồ-tát biết cách an nhẫn, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Ngược lại, những người chưa đủ niềm tin về nhân quả, sẽ cho đó là chướng duyên, nên đa phần đều oán trời trách đất và không kham nhẫn để vượt qua mà phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau.
Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.

Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.

Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn tu hành. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.

Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?

Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.

Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được mình sẽ an lạc, hạnh phúc!

Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.

Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị. Tại sao lại như vậy, tại vì mình không biết nhường nhịn và sẻ chia, không biết cảm thông và tha thứ cho nhau.

Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át? Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình chúng ta ví mình như gỗ đá và trốn tránh cuộc đời?

Tu là sửa, là chuyển hóa, là thay đổi, là từ bỏ, chuyển khổ đau thành an vui hạnh phúc, chuyển tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu giúp đỡ mọi người thì đó chưa phải là người tu hành chân chính.

Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì? Chắc chắn ai cũng nói rằng để lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gầy dựng sự nghiệp tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc sướng nên ta mặc tình gieo tạo tội lỗi!

Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu trong hiểu biết và biết cách hòa hợp của hai trái tim, khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.

Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm", nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật. Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, để đem niềm vui làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh, bằng tình người trong cuộc sống.

Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy. Chúng ta đã gieo nhân trước kia thì giờ đây gặt quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, kết quả tốt hay xấu khi hội đủ nhân duyên quả báo liền đến.

Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc nên suốt đời cứ mãi tìm kiếm để vượt qua hai điều thiếu thốn: Thứ nhất là thiếu thốn về vật chất và thứ hai là thiếu thốn về tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có khi không nhà cửa hoặc có thì với túp lều lụp sụp, thân phải khổ sở nhọc nhằn làm thuê làm mướn, đầu tắt mặt tối mà nợ nần vẫn chồng chất.

Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, ích kỷ, gian xảo, dối trá, ganh ghét tật đố, lường gạt, đầu trộm đuôi cướp gây ra nhiều tội lỗi làm tổn hại đến gia đình người thân và xã hội. Thế gian con người chỉ lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo lắng đến tinh thần!
Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội biết tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê.
Một người biết làm lành, tránh xa những điều xấu ác thì người ấy trở nên hiền từ và đức độ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì mọi người đều được bình yên, hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì tất cả mọi người đều sống trong an lạc, thái bình. Hết thảy mọi người đều tránh dữ làm lành, thì chúng ta sẽ sống trong thế giới đại đồng, hưởng trọn vẹn niềm vui cực lạc.
Tâm là "cái hiểu biết phân biệt tốt xấu, đúng sai", hay gọi là phần tinh thần. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nâu. Chúng ta không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn sờ mó rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên biết có tâm.
Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào bóng đèn thì thấy đèn sáng, cho điện vào quạt thì thấy quạt xoay, cho điện vào bàn ủi thì thấy nóng, cho điện vào tủ lạnh thì thể lỏng đông đặc lại v.v…. Chính vì vậy mà người ta biết là có điện. Tâm Phật chúng ta cũng lại như thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe hay biết mà không dấy niệm phân biệt tốt xấu, đúng sai v.v… nên chúng ta biết có tâm.
Nhưng tâm chia ra làm hai phần: Tâm chơn còn gọi là tâm thường biết rõ ràng, tâm vọng còn gọi là tâm phân biệt hư dối. Tâm chơn thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay ý thức suy nghĩ mà được, chỉ thấy nghe hay biết mà không vọng động, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Tâm vọng hư dối là hay suy nghĩ phân biệt tốt xấu, đúng sai, ta người…..
Chúng ta làm chủ bản thân qua suy nghĩ, lời nói rồi dẫn đến hành động chân chính bằng sự tỉnh giác trong từng phút giây, nên ta có thể cảm nhận được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Người Phật tử chân chính sẽ nhìn thấy tất cả mọi sự việc xãy ra, đều có thể giúp cho chúng ta đạt được bình yên, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại bằng cách buông xả mọi tâm niệm xấu ác.Nếu ai cũng sống và thấy như vậy, thì việc tu hành của mình sẽ mau chóng thành tựu, vì chúng ta thấy ai cũng là người ơn của mình, không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với ta mà thôi.
Khi chúng ta đã biết thế nào là tu tâm rồi, việc kế tiếp là phải cố gắng sửa đổi tâm tính của chúng ta, phải quyết chí chừa bỏ những thói hư, tật xấu, phải chiến thắng những tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, phải từ bỏ những lời nói ác độc, ganh tị, đố kỵ, phải vứt đi những hành động xấu xa tội lỗi, và sát sinh hại vật.
Chúng ta vì không chịu tham cứu kinh điển, học hỏi suy xét, quán chiếu lời Phật dạy, nên ta mới mắc phải những sai lầm đáng trách như vậy, vì chúng ta không có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả.

Phật dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Chúng ta muốn tu tâm dưỡng tánh trước tiên phải tin sâu nhân quả, hãy tự mình quán chiếu, soi sáng lại chính mình để nhìn thấy rõ những tâm niệm sai lầm mà tìm cách chuyển hóa thay đổi theo thời gian, bởi vì, ”giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Kế đến chúng ta từng bước dẹp bỏ tâm xấu xa độc ác, phát triển tâm từ bi trí tuệ. Tu là điều kiện tất yếu không chỉ dành riêng cho Phật tử mà tất cả mọi người muốn hết khổ được vui đều phải tu, không ai có thể ban phước giáng họa cho ta.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 22
  • Hôm nay 2,762
  • Tháng hiện tại 60,147
  • Tổng lượt truy cập 23,466,396