Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Đăng lúc: 08:02 - 24/06/2015

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.


Buông bỏ khổ đau

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.

Sự ghen tỵ có thể hủy hoại các mối quan hệ từ bên trong. Ta ghen tỵ với người khác bởi vì họ có quan hệ với người ta yêu thương. Ta ghen tỵ trong môi trường làm việc khi có người khác nhận được công việc ta mong muốn. Khi một người khác chơi bóng đá giỏi hơn ta, chơi đàn guitar giỏi hơn ta, có nhiều y phục hợp thời trang hơn ta, hoặc được nhận vào một trường học tốt hơn... ta đều ghen tỵ. Sự ghen tỵ còn liên quan đến cả những cuộc tranh chấp biên giới giữa các quốc gia và trong sự bất hòa giữa các đảng chính trị trong cùng một nước.

Đôi khi, ta quá ghen tỵ đến nỗi mất ngủ hay không thể tập trung vào công việc. Tâm ghen tỵ thúc đẩy ta có những lời nói hay việc làm hủy hoại sự an vui và hạnh phúc của người khác. Nó biến ta thành kẻ gian giảo, không trung thực.

Sự ghen tỵ xuất phát từ nhận thức sai lầm của chúng ta về một tình huống. Với tâm chấp ngã cao độ, sự ghen tỵ đưa đến ý tưởng: “Hạnh phúc của tôi quan trọng hơn của bất kỳ ai khác. Tôi không thể chịu được khi người khác có được hạnh phúc mà tôi mong muốn.”

Phương thức đối trị là hãy nhận thức tình huống với một tâm hồn rộng mở hơn, không chỉ xem xét đến những hạnh phúc, lợi ích hay tổn hại của riêng ta, mà còn của những người khác nữa. Hãy nhớ rằng, những người khác cũng đều mong muốn hạnh phúc, cũng vui mừng khi nhận được những lợi ích vật chất và cơ hội tốt đẹp, cũng thích thú khi được giao hảo với những người tốt bụng, và cũng trân trọng những lời khen ngợi. Khi suy nghĩ như vậy, điều đó sẽ tác động sâu xa đến tâm thức ta.

Khi một người khác có được điều gì đó tốt đẹp, tại sao ta không thấy vui theo? Chúng ta thường nói, thật tuyệt vời khi người khác có được hạnh phúc. Giờ đây, có người được hạnh phúc và ta thậm chí đã không phải làm bất cứ điều gì để giúp mang lại niềm hạnh phúc ấy! Việc tự làm khổ mình với lòng ghen tỵ thật không có ý nghĩa gì cả.

Chúng ta không phải bao giờ cũng là người tốt nhất hay có được những thứ tốt nhất. Một đứa trẻ khóc lóc, tranh cãi và cố phá hỏng niềm vui của bạn, khi bạn nó có được cái mà nó không có. Chúng ta là những người lớn có trách nhiệm làm gương cho trẻ con, là những công dân có trách nhiệm tạo sự hòa hợp trong xã hội, nên sẽ rất hữu ích nếu ta để lòng mình hạnh phúc và vui theo với những điều tốt đẹp của người khác. Như thế, cả ta và người khác đều có được hạnh phúc.

Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp được thăng tiến và ta nghĩ rằng mình xứng đáng hơn. Nếu ta chỉ nhìn sự việc với quan điểm của riêng mình, ta sẽ đau khổ và ghen tỵ. Sự ghen tỵ không làm cho ta hay người kia được hạnh phúc. Nó cũng không giúp ta đạt được điều gì cả, vì sự ghen tỵ không thể cướp lấy sự thăng tiến của người kia để mang về cho ta. Nếu ta nhớ rằng, người kia đang hạnh phúc với sự thăng tiến và mong muốn mọi người cùng chia vui, ta sẽ vui theo với vận may của người ấy. Và như vậy, cả ta với người ấy đều được vui vẻ.

Việc điều chỉnh thái độ ghen tỵ không đúng thực của ta sẽ dễ dàng hơn khi chỉ liên quan đến một sự việc nhỏ nhặt, chẳng hạn như có người được nhận quà nhưng ta lại không có. Nhưng việc vui theo với niềm vui của người khác sẽ khó khăn hơn nhiều khi nó đồng nghĩa với sự mất mát của chính ta.

Lấy một ví dụ, người bạn tình của ta đã không chung thủy trong quan hệ lứa đôi. Nếu ta phản ứng với sự ghen tuông rồi quát tháo, nguyền rủa, thậm chí là đánh đập người ấy, ta cũng không làm giảm nhẹ được nỗi đau khổ vì ghen tuông, càng không thuyết phục được người kia rằng việc duy trì quan hệ với ta là điều tốt đẹp. Khi để cho ngọn lửa ghen tuông tiếp tục thiêu đốt, ta sẽ luôn bất an, khổ đau và thù hận. Thêm vào đó, ta rất có thể sẽ nói năng hoặc hành xử theo cách khiến cho người kia căm ghét ta, và như vậy sẽ ngăn cản sự tái lập quan hệ.

Cho dù ta không tha thứ cho cách hành xử sai trái của người kia, nhưng nếu giữ được sự bình tĩnh, ta sẽ không phải chịu quá nhiều đau khổ. Thêm nữa, ta sẽ có thể duy trì được mối quan hệ cởi mở giữa đôi bên. Và như vậy, cả ta và người ấy đều sẽ được thoải mái khi về sau khi gặp gỡ hay chuyện trò. Điều này cũng sẽ mở ra khả năng nhận lỗi cho người kia, nếu họ muốn.

Tóm lại, dứt bỏ lòng ghen tỵ sẽ giúp ta tránh được sự giằn vặt nội tâm. Trong khi đó, việc vui theo với những điều tốt đẹp và thành công của người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 3,465
  • Tháng hiện tại 60,850
  • Tổng lượt truy cập 23,467,099