Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Đăng lúc: 18:13 - 02/12/2016

HỎI: Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”, trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên. Tuy nhiên, tôi không rõ nếu như những vị anh hùng tướng lĩnh vì đất nước sẵn sàng tuẫn tiết để giữ chữ trung, các cô gái sẵn sàng tự sát để giữ gìn chữ trinh, các Thánh tử đạo thì có chịu quả báo thống khổ này không?
(QUẾ KHANH, nguyenthiquekhanh@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Quế Khanh thân mến!

Thánh tử đạo là những bậc nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ đạo pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh. Tuẫn tiết cũng là tự sát nhưng để giữ tròn khí tiết, xả bỏ thân mạng vì nghĩa lớn hoàn toàn khác với tự tử vì những lý do hay hoàn cảnh tiêu cực của cá nhân. Phật giáo có quan điểm khác nhau về các phương diện tự hủy thân mạng.

Trước hết, Phật giáo phê phán hành vi tự tử (dù bất cứ lý do gì) vì 3 tội lỗi như đã nêu, đó là bất hiếu, giết người (bản thân mình), sân si. Vì phạm lỗi và tạo ác nghiệp nghiêm trọng nên người tự tử bị quả báo thống khổ lâu dài (thường là địa ngục).

Kế đến là các tướng sĩ tuẫn tiết để giữ chữ trung. Trung quân ái quốc là một phẩm chất cao quý của tướng sĩ cũng như mọi người dân. Phật giáo tán thán phẩm chất trung quân ái quốc của con người nói chung nhưng vì luôn đề cao trí tuệ nên không chấp nhận “ngu trung”. Thân mạng rất quý giá nên chết vì ngu trung thì thật oan uổng. Nho giáo luận về sự tuẫn tiết là “sinh vi tướng, tử vi thần”, nghĩa là lúc sống làm tướng, vì trung nghĩa mà chết sẽ làm thần. Phật giáo luận về tái sinh của những vị này vi tế hơn, tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nữa, tựu trung nghiêng về các cảnh giới a-tu-la (thiện) và quỷ thần (thường là trung-thượng đẳng thần).

Riêng vấn đề các cô gái chịu chết để giữ chữ trinh, đây là quan niệm của Nho gia, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Phật giáo có quy định về giữ gìn tiết hạnh (giới Không tà dâm), chung thủy với người bạn đời nhưng không cực đoan về chữ trinh như Nho gia. Do đó, tự sát để giữ chữ trinh, xét về nhiều phương diện (liên hệ đến các tập tục, truyền thống, văn hóa, văn minh trên toàn thế giới), vẫn là cái chết thiếu trí tuệ, sau khi chết đọa vào đường ác (thường làm quỷ thần).

Các bậc Thánh tử đạo thì hoàn toàn khác. Những bậc này đã quán thông vô thường và vô ngã, không còn chấp thủ thân này, phát tâm nguyện Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi mà xả bỏ thân mạng vì lợi ích chúng sinh, nên cảnh giới của chư vị là không thể nghĩ bàn.

TỔ TƯ VẤN

Nguồn cơn của sự giận dữ và mối lo ngại chữ “nhẫn” chỉ còn để trang trí

Nguồn cơn của sự giận dữ và mối lo ngại chữ “nhẫn” chỉ còn để trang trí

Đăng lúc: 20:57 - 04/11/2016

Có vẻ chữ "nhẫn" ngày nay đã trở nên một vật trang trí đơn thuần như ảnh diễn viên. Nhìn quanh ở ngoài đường, chúng ta cảm thấy rõ: Căng thẳng, cáu bẳn, bực bội là cảm xúc chủ đạo. Báo chí cảnh báo về bạo lực học đường gia tăng, các nhà văn hoá lo ngại người Việt trở nên “ưa giao lưu bằng nắm đấm”.

Bạo lực thanh thiếu niên bắt nguồn từ... gia đình
Bạo lực học đường và trách nhiệm của người thầy
Bạo lực học đường, một vấn nạn phải được giải quyết từ căn cơ
Hệ thống giá trị truyền thống của người Việt vốn coi trọng trạng thái tâm lý và cảm xúc cân bằng. “Đại học” - một trong những cuốn sách kinh điển của Nho giáo, viết: "Tâm yên tĩnh rồi, lòng mới ổn định. Lòng ổn định rồi, suy nghĩ sự việc mới có thể chu toàn. Suy nghĩ sự việc chu toàn rồi, mới có thể xử lý, giải quyết công việc được thỏa đáng”. Thái độ và phong cách “trung dung”, được định nghĩa là sự ôn hòa, cân bằng, không thái quá, cũng được coi là kim chỉ nam của người quân tử. Ngược lại, “kẻ tiểu nhân thì không hề lo sợ, nể nang hay e dè ai hết, nên cách nói năng và hành động của kẻ tiểu nhân không thái quá thì cũng bất cập”.
Có được cái tâm an lành cũng là một đích lớn trong tu tập Phật giáo. Mọi người tự căn dặn “chín bỏ làm mười”. Mỗi dịp Tết, người ta vẫn nô nức kéo nhau đi xin ông đồ chữ Nhẫn để treo trang trọng trong nhà.
Nhưng có vẻ những chữ Nhẫn này đã trở nên một vật trang trí đơn thuần như ảnh diễn viên. Nhìn quanh ở ngoài đường, chúng ta cảm thấy rõ: Căng thẳng, cáu bẳn, bực bội là cảm xúc chủ đạo. Báo chí cảnh báo về bạo lực học đường gia tăng, các nhà văn hoá lo ngại người Việt trở nên “ưa giao lưu bằng nắm đấm” và dự báo về “cái chết của sự hiền lành”. Trong dịp Tết Nguyên Đán 2016, hơn 5.000 người nhập viện vì đánh nhau, tăng 25% so với 4 năm trước. Đặc biệt, khi ở trên mạng, nhiều người nhanh chóng biến thành những đứa trẻ 3 tuổi không kiểm soát được mình.

Nguồn cơn của sự giận dữ và mối lo ngại chữ “nhẫn” chỉ còn để trang trí ảnh 1
Người dân hiếu kỳ tụ tập xem 2 nữ sinh đánh nhau tại quận 6, TPHCM gây ùn tắc giao thông.
Là một trong những cảm xúc bẩm sinh, bên cạnh buồn, sợ, vui, bất ngờ và kinh tởm, giận dữ thuộc về con người. Nó có thể trỗi dậy từ nỗi thất vọng, cảm giác bị tổn thương hay mất mát. Giận dữ báo cho chúng ta biết là có điều gì đó không ổn, rằng nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng. Một cậu thanh niên không được phép đi chơi. Một đứa trẻ bị khước từ đồ chơi mới. Một nhân viên bị từ chối yêu cầu tăng lương.
Người giận dữ là người đang bị đau, họ muốn hét lên rằng “tôi quan trọng”, bởi họ cho rằng người khác không hiểu hay không muốn hiểu điều đó. Cơn tức giận đầu tiên của con người xảy ra khi đứa trẻ sơ sinh giận tím tái người vì không được bú. Người giận dữ khao khát tấn công lại và loại bỏ kẻ đã làm đau anh ta, và nếu không được (ví dụ khi nguyên nhân là một trận kẹt xe lúc tan tầm), anh ta sẽ giận cá chém thớt và trút cơn giận lên một người thứ ba.
Nguồn cơn của giận dữ
Tình trạng giận dữ có thể được nuôi dưỡng và nung nấu bởi một cảm giác bất lực, bế tắc trước cuộc sống. Người giận dữ chất chứa trong lòng những tổn thương và xúc phạm mà anh ta đã trải qua: Một hôn nhân thất bại, một tai nạn vô nghĩa. Anh ta thấy mình là một nạn nhân trong một thế giới không công bằng. Chắc chắn phải có một ai đó khiến cuộc sống của anh ta trở nên thảm hoạ như thế, không là đứa con cứng cổ thì cũng là các thể chế nhà nước. Nhiều người còn oán giận cả tạo hoá, sự hữu hạn và vô vị của cuộc đời. "Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống,” Nguyễn Huy Thiệp nhận xét, “và điều đó làm lòng ta run lên vì căm giận”.
Người giận dữ kiểu này hay diễn trong đầu mình những đoạn phim tưởng tượng nhằm trả thù những kẻ đã làm mình bị tổn thương, từ tay hàng xóm tới công an phường tới thằng bạn trở mặt. Với thời gian, sự cay đắng không những giảm đi mà còn lớn lên, sự giận dữ dần đông cứng lại. Người giận dữ khước từ chấp nhận thực tại và bị ám ảnh bởi những đòi hỏi phi thực tế với người khác hoặc những hiện tượng trong xã hội.
Giận dữ cũng có thể xuất phát từ những lý do liên quan tới đạo đức. Người ta phẫn nộ khi cho rằng những giá trị của mình, niềm tin của mình bị tấn công, căn tính của mình bị đe doạ. Khi đó, giận dữ đi kèm với kinh tởm và căm ghét. Người bị tấn công nhanh chóng coi người kia là kẻ thù, quái vật hay rác rưởi, và sau khi phi nhân hoá họ, coi họ xứng đáng để bị trừng trị. Sự tức giận khi bị người mình yêu quý (bạn thân, người yêu, thần tượng) phản bội hay rơi vào thể loại này.
Những người này hay cho rằng sự giận dữ của mình là hợp lý và chính nghĩa, phục vụ cho một mục đích cao cả hơn chính họ. Ở kịch bản tích cực, các cá nhân giận dữ về đạo đức có thể trở thành những người vận động cho những thay đổi trong xã hội (nếu như họ chuyển hoá được sự giận dữ của mình). Ở kịch bản tiêu cực, họ khoác lên mình tấm áo chính nghĩa và coi bất cứ xung đột nhỏ nhất nào cũng như một cuộc thánh chiến.
“Tôi kinh tởm những kẻ vi phạm chuẩn”, những người này có xu hướng nói vậy. “Tôi dễ nổi cơn tam bành với những người có quan điểm khác tôi”. “Tôi cảm thấy bị tấn công khi người khác có hành vi đi ngược với các giá trị của mình”. “Tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ niềm tin của mình”. Đây là những dấu hiệu của sự cứng nhắc tới cực đoan, thiếu khoan dung và khước từ sự khác biệt.
Lại có loại thịnh nộ vì nhục; người ta nổi xung vì cho rằng mình bị “mất mặt”, danh dự của mình bị sứt mẻ. Loại thịnh nộ này hay xảy ra hơn ở những văn hoá coi trọng thể diện như ở các nước Châu Á, và nó khiến người nổi giận quay ra tấn công và làm nhục người làm nhục mình.
Thể diện ở đây không phải chỉ là của cá nhân, mà còn có thể là của gia đình, quê quán và cả của “Việt Nam" nói chung, nghĩa là bất cứ một tập thể nào mà người ta cho rằng mình thuộc về nó. Một đại gia cư xử không đẹp với tình nhân có thể bị coi là “làm xấu mặt đàn ông Việt Nam". Một người Việt bị phát hiện ăn cắp ở nước ngoài thì làm “nhục quốc thể”, một nghệ sĩ hát quốc ca trước mặt thượng khách quốc tế theo “kiểu lạ” cũng vậy.
Trong những trường hợp này, người ta tức giận vì họ sợ bị coi là vô giá trị, xấu xí, không xứng đáng trong con mắt của người khác. Quan trọng ở đây là sự lăng nhục nằm ở cảm nhận của người nổi giận chứ không nằm trong ý định của người hứng chịu cơn giận (đại gia quịt tiền, người ăn cắp hay nghệ sĩ hát quốc ca).
Những người giận dữ dạng này sẽ dễ đồng tình với những câu nói này: “Tôi hay thịnh nộ khi người khác không tôn trọng tôi”, “Tôi sẽ bảo vệ danh tiếng và thể diện của mình tới cùng”, “Tôi rất lo mình bị coi là ngớ ngẩn hay ngu ngốc”, “Tôi dễ nổi đoá khi bị nói là mình sai”, và “Tôi không thể quên được sự coi thường của người khác”.
Cả ba dạng giận dữ trên đều có thể trở thành trạng thái kinh niên. Ai trong chúng ta cũng có một người họ hàng hoặc một người bạn như vậy: Thường xuyên bực bội và cáu kỉnh. Không cái gì có thể làm anh ta (phần lớn, nhưng không phải tất cả những người này là nam giới) hài lòng. Kể cả trong những lúc mọi người xung quanh vui vẻ nhất thì anh ta cũng tìm ra được một lý do gì đó để phàn nàn. Đây là những người bị cầm tù bởi giận dữ. Giận dữ trở thành trạng thái chủ đạo của họ. Trong vườn cây tâm hồn của mình, họ chỉ tưới tắm cho giận dữ mà để những cảm xúc khác héo mòn. Tức giận trở nên phản ứng hiển nhiên, phản xạ đầu tiên của họ, được kích hoạt bởi bất cứ một lý do nhỏ bé nào. Khi gặp vấn đề, họ quay lại với sự giận dữ như quay về một người quen cũ, xấu xí nhưng trung thành. Giận dữ là nhà họ, họ không biết đi đâu nữa.
Giận dữ che chở cho người tức giận, nó là vỏ bọc ngăn anh ta cảm nhận sự tổn thương và đau đớn của mình. Tất cả những gì anh ta có thể nghĩ đến trong khoảnh khắc đó là đánh trả để bảo vệ lòng kiêu hãnh, trút giận để cảm thấy mình quan trọng và có sức mạnh. Sự cay đắng và thù địch là làn sương mù để anh không phải nhìn vào nỗi đau của mình. Lúc đó, sự nhẫn tâm với người khác, dù là người gây ra nỗi đau hay một kẻ thứ ba, có tác dụng như thuốc gây mê.
Và như thế, dần dần ký ức của người giận dữ kinh niên đầy ắp những sự khó chịu, khiến họ có xu hướng chỉ chú ý tới những khía cạnh tiêu cực của mọi thứ đang diễn ra. Quan điểm của họ rằng thế giới này xấu xí được khẳng định, vòng luẩn quẩn khép kín.

Nguồn cơn của sự giận dữ và mối lo ngại chữ “nhẫn” chỉ còn để trang trí ảnh 2
Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ tại bệnh viện Thanh Nhàn.
Sức mạnh của sự điềm tĩnh
Giận dữ có thể là một người đưa tin tốt về một nhu cầu không được đáp ứng của ta, nhưng như các tác giả Adrian Faupel, Elizabeth Herick và Peter Sharp viết trong “Quản lý giận dữ - Một cuốn hướng dẫn thực hành”, nó là một người giải quyết vấn đề tồi. Câu “giận quá mất khôn” của người Việt được từ điển Oxford Dictionary trình bày lại hoa mĩ hơn, ở đây giận dữ được định nghĩa là một cảm giác khó chịu cực đại, và “đối ngược với lý trí”.
Hãy tự quan sát lần tới, khi ai đó lên án bạn là “Trơ trẽn!" chẳng hạn. Huyết áp của bạn bắt đầu tăng, hơi thở gấp, mắt bạn nheo lại, trường nhìn thu hẹp lại, bạn mất khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác. Bạn đáp trả. Bên kia tấn công lại. Bạn gặp khó khăn để kiểm soát mình, bạn bị biến dạng, không nhận ra bản thân nữa. Lúc này, bạn như một cái điện thoại bị treo, không tiếp nhận được những gì từ bên ngoài mà mâu thuẫn hay đi ngược với cảm xúc tức giận mà bạn đang có.
Khi cơn thịnh nộ qua đi, bạn thấy bã người ra, và có thể hối hận về điều bạn đã nói hay làm. “Giận dữ vô dụng,” Seneca - triết gia lừng danh thời La Mã cổ đại - viết vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, “ngay cả trong chiến tranh.”
Nhưng trái ngược với giận dữ là cái gì?
Không tức giận không có nghĩa là thờ ơ, mặc kệ, không có chính kiến. Không nổi giận không có nghĩa là nhút nhát, yếu đuối. Trái ngược với giận dữ là sự điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh nằm ở giữa của giải tần mà một cực là sự lãnh đạm hay bạc nhược, và cực kia là sự hung hăng, căm giận ngùn ngụt.
Khác với nhu nhược, điềm tĩnh là nền tảng cho một thái độ cương quyết, đanh thép, sự minh mẫn, sắc bén và sức thuyết phục. Điềm tĩnh cũng khác với hung hăng ở chỗ nó không thô bạo và phá huỷ. Trong điềm tĩnh ẩn chứa sức mạnh. Nó là vũ khí sắc bén nhất để bạn không những bảo vệ mình mà còn những người liên quan trước chính họ.
Điềm tĩnh cũng không phải là kìm nén giận dữ, một dạng chạy trốn xung đột, bên ngoài "vẫn bình thường", không tỏ ra phản đối hay bất đồng, trong khi bên trong sôi sục như một nồi áp suất đóng chặt vung. Người cương quyết không lẩn tránh xung đột, mà bày tỏ nhu cầu của mình, bảo vệ niềm tin của mình, trong khi vẫn tôn trọng cảm xúc, nhân phẩm và lưu ý tới nhu cầu của người kia. Anh ta không có mong muốn hạ nhục hay đè bẹp người khác, không cưỡng ép hay đe doạ. Người điềm tĩnh mà cương quyết có thiện chí đi tìm giải pháp trong tinh thần hợp tác. Anh vững vàng ở giữa biển giận dữ của người khác.
Khả năng quản lý giận dữ là một thành tố cơ bản của trí tuệ xúc cảm và có vai trò quan trọng trong việc tạo cho ta một đời sống cảm xúc khoẻ mạnh và những quan hệ xã hội lành mạnh.
Trí tuệ xúc cảm có hai mặt. Một mặt, nó là khả năng nhận biết được cảm xúc của bản thân, có một vốn từ vựng lớn để gọi tên những gì đang xảy ra bên trong mình. Nó cũng là kỹ năng thể hiện những cảm xúc đó ra bên ngoài một cách có mức độ, điều hoà tâm trạng, không mất kiểm soát, không quát, gào, dùng nắm đấm, nức nở, suy sụp hay bỏ đi, và không để sự bấn loạn nhấn chìm khả năng tư duy.
Mặt khác, trí tuệ cảm xúc là năng lực "đọc" người khác, nắm bắt tình cảm của họ, hiểu được nguồn cơn hành động của họ, và phản hồi lại một cách tinh tế. Thấu hiểu không có nghĩa là chấp thuận quan điểm hay hành vi của người kia.
Theo Daniel Goleman - cha đẻ của các nghiên cứu về trí tuệ xúc cảm, xã hội hiện đại đã quá chú trọng tới thông minh được đo qua IQ và tầm quan trọng của lý trí. Nhưng IQ sẽ không dẫn tới đâu nếu ta để cảm xúc cuốn mình trôi đi như một cơn lũ. Với Goleman, những người không nhận thức được xúc cảm của mình thì cũng không đọc được tâm trạng của người khác; họ vừa thiếu khả năng tự chế ngự vừa thiếu sự thấu cảm, hai yếu tố nền tảng cho một cuộc sống đạo đức. Người i tờ về cảm xúc trở thành kẻ phá hoại cuộc sống của chính mình và của những người liên quan.
Chuyển hoá giận dữ
Làm thế nào để thoát khỏi nhà tù của giận dữ? Làm thế nào để vươn tới được sự vững vàng của điềm tĩnh và cương quyết?
Bước đầu tiên là tự thú nhận là bạn đang ở trong tù, và điều này không phải là hiển nhiên hay dễ dàng với tất cả mọi người. Không muốn hạ xuống lớp giáp bảo vệ và nhìn vào những nỗi đau bên trong, người giận dữ hay tìm cách biện hộ cho thái độ của mình. “Tính khí tôi là như vậy”. Phổ biến hơn: “Chúng nó như thế thì không giận sao được.”
Khi đã hạ quyết tâm đến với tự do, bước thứ hai, theo nhà tâm lý học Potter-Efron, là học cách thể hiện sự bất bình của mình mà không mất kiểm soát, không để mình bị cơn giận đập cho tơi tả như tàu lá chuối trong cơn giông. Nhà tâm lý học Paul Ekman so sánh cơn giận với một núi lửa. Ở người nóng tính, núi lửa cao và có miệng rộng, thành núi dốc, cơn giận của người này phát sinh nhanh, kéo dài, và dữ dội. Ở người bình tĩnh hơn, núi lửa nhỏ và thấp, cơn giận tới chậm hơn, đi qua nhanh hơn, và ít phá huỷ hơn. Khả năng phục hồi nhanh khỏi một tâm trạng tiêu cực là dấu hiệu của một trạng thái tâm lý khoẻ mạnh và dẻo dai.

Nguồn cơn của sự giận dữ và mối lo ngại chữ “nhẫn” chỉ còn để trang trí ảnh 3
Sơ đồ núi lửa giận dữ của người dễ nóng giận (bên trái) và của người bình tĩnh (Nguồn: “Emotional Awareness”, Paul Ekman / Dalai Lama)
Mục tiêu của quá trình chuyển hoá giận dữ là dần dần khiến những núi lửa giận dữ nhỏ lại, mức độ cuồng nộ của mỗi cơn giận thấp hơn và gây ra ít thiệt hại hơn. Để làm được việc đó, bạn cần tìm cách kéo dài khoảng thời gian từ khi cảm xúc trỗi dậy tới hành động. Giữa dự định đánh trả, được khơi dậy bởi giận dữ, và bản thân hành vi trả thù, là những tích tắc ngắn ngủi. Nếu trong lúc đó bạn ý thức được về ý định trả thù của mình, bạn có thể ngăn chặn nó. Bản chất của trẻ con và những người lớn không tự kiểm soát được hành động luôn đi liền với cảm xúc: Có kẹo trước mặt là phải ăn ngay lập tức, bị tổn thương là nổi xung tấn công trả lại liền.
Khi bắt đầu nổi giận, hãy đếm tới 10 và thở sâu trước khi bạn nói hay làm gì đó. Nếu bạn rất giận dữ, hãy đếm tới 100. Khoảng thời gian này là cơ hội để nhận thức của bạn vào cuộc và lý trí của bạn lên tiếng, đẩy lùi những phản ứng tức thời và nhường chỗ cho những hành vi có suy nghĩ hơn, sau khi đã nhìn sâu vào bên trong mình và gọi tên sự tổn thương, nỗi đau hay sự thất vọng. Khi gọi được tên, cơn bão giận dữ đánh mất năng lượng của nó. Nhận thức làm bạn hiểu được vì sao người khác phẫn nộ, và giúp bạn giải toả tình huống như xì hơi một quả bóng.
Chìa khoá ở đây là ý thức về bản thân, nhận biết được ý nghĩ của ta, trạng thái của ta. Ngược với tình trạng này là khi ta suy nghĩ miên man mà không biết, hoặc khi ta bị cảm xúc lôi cuốn đi. Ý thức về bản thân là bước ra ngoài để quan sát chính mình, nhìn thấy sự giận dữ của mình, ý muốn gây hại của mình, như cái tôi thứ hai đang quan sát cái tôi thứ nhất một cách quan tâm nhưng không bị cuốn theo người anh em đang vật vã trong sự kích động của nó. Khả năng nhận biết nhạy bén về những gì xảy ra bên trong mình này giúp ta neo bản thân lại trong những con sóng cảm xúc.
Dalai Lama ví việc tu tập để quản lý giận dữ như một quá trình đi học. Ở bậc nhà trẻ, sau khi cơn giận qua đi, khi núi lửa đã phun trào và đã nguội, người ta mới nhận ra được tác hại của nó và rút kinh nghiệm cho phản ứng của mình trong tương lai. Tới bậc trung học, người ta có thể ý thức được về cơn giận của mình khi nó vẫn đang xảy ra, và qua đó điều chỉnh hành vi và lời nói của mình. Họ đã có khả năng giảm nhiệt cái núi lửa đang hoạt động. Ở mức Ph.D., người ta nhận ra sự trỗi dậy của giận dữ trước khi bất cứ một hành vi hay lời nói nào được buông ra, và qua đó không bị cảm xúc bắt cóc nữa. Có thể không cưỡng lại được sự trỗi dậy của tức giận, nhưng người có bằng Ph.D. nhận ra những tín hiệu của nó từ rất sớm, nhận ra nguy cơ núi lửa ngay từ khi mới có vài ngọn khói, và có thể trì hoãn hành động của mình cho tới khi cơn giận qua đi.
Tác giả Richard Meyer dùng một hình ảnh khác. Ông so sánh cảm xúc căm giận ở người không luyện tập như vết khắc vào đá, khó mà phai mờ. Với ý thức và tập luyện, dần dần sự giận dữ chỉ còn như được viết lên cát. Cuối cùng, nó chỉ thoáng qua như khi ta lấy que vẽ lên mặt nước.
Nhưng tất cả những kỹ thuật đều hạn chế nếu bạn không thay đổi được thái độ sống. Cuộc sống của bạn sẽ đầy ắp cáu kỉnh và bực bội nếu từ sáng tới tối bạn đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi này: Lại có vấn đề hay tin xấu gì nữa đây? và Tôi có thể đổ lỗi cho ai?
Liều thuốc chữa là phát triển một cảm giác sống dựa trên niềm tin vào người khác, nhìn nhận cuộc sống một cách lạc quan, ít hoài nghi hơn, vun đắp cảm giác yêu thương và được yêu thương. Bạn hãy thử lưu tâm tới khen ngợi chứ không chỉ trích người khác, nhìn ra những niềm vui trong cuộc sống bên cạnh những vấn đề mà bạn muốn thay đổi. Các nhà tâm lý học gọi đây là phương pháp thay thế: Khen ngợi thay cho chỉ trích, lạc quan thay cho bi quan, và tha thứ thay cho căm ghét.
Chúng ta cũng cần chấp nhận chúng ta không kiểm soát được cả thế giới. Plato có lý: Với những thứ thay đổi được, ta thay đổi chúng mà không cần phải nổi giận. Với những thứ không thay đổi được, lại càng không có lý do ta để bực bội. Tất nhiên, trong cuộc đời nhiều khi chúng ta không biết cái gì thuộc về nhóm đầu và cái gì thuộc về nhóm sau, nhưng lúc đó, sự tức giận lại càng không giúp bạn có được trí tuệ mà bạn cần.
Thêm nữa, chúng ta nên cam kết thay đổi, bất kể người xung quanh có thay đổi bản thân họ không. Nhiều khi chúng ta tự nhủ mình chỉ buông bỏ giận dữ khi chồng, vợ, bố mẹ, hoặc những cư dân mạng khác cũng vậy. Nhưng như thế thì không khác gì chúng ta không muốn thoát khỏi nhà tù của thịnh nộ chỉ vì người khác vẫn muốn ở trong đó. Ngược lại, khi chúng ta đã tự do, ta có thể giúp họ thoát ra khỏi nhà tù của chính họ.
Giận dữ và thay đổi xã hội
Cuối cùng, giận dữ đóng vai trò gì trong việc tạo ra thay đổi xã hội? Liệu người hoạt động xã hội có cần sự giận dữ cho công việc của mình? Qua những phần trên, câu trả lời có lẽ đã rõ.
Cảm xúc giận dữ ban đầu, nếu có, phải được chuyển hoá thành năng lượng tích cực. Người hoạt động xã hội cần đi qua tầng tầng lớp lớp những hiện tượng bề mặt để nhận biết những cơ chế bất công ở đằng sau, để suy nghĩ về chiến lược tạo thay đổi và vai trò của mình trong đó. Anh ta chỉ có thể làm vậy với một sự tỉnh táo, điềm tĩnh và bền bỉ. Giận dữ triền miên không những không có ích, nó còn cản trở việc nhận ra được tương quan của sự việc, mình có thể làm gì và không làm gì, và làm như thế nào. Người hoạt động xã hội hiệu quả thường hay được ví với một võ sĩ: Luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo, cương nghị, và giầu kinh nghiệm.
Ngược lại, người phẫn nộ và chua chát triền miên trước thực trạng xã hội là người đã đầu hàng. Anh ta đã mất hy vọng; với anh, xã hội đã trở thành một đống bùng nhùng không gì gỡ ra được.
Cái chúng ta cần là nuôi dưỡng không phải là sự tức giận hay thù ghét, mà là khao khát muốn thay đổi, là đòi hỏi công lý không ngừng nghỉ. Căm giận khiến chúng ta muốn loại bỏ người làm ta giận. Khao khát thay đổi khiến chúng ta muốn chuyển hoá họ. Một trong những thành tựu và bí quyết thành công lớn nhất của Nelson Mandela là ông luôn luôn giữ được đối thoại với những kẻ đàn áp ông. Với ông, “kẻ đàn áp cũng cần được giải phóng, giống như kẻ bị đàn áp vậy.” Giải thích về việc mình đồng ý nhận giải Nobel Hoà bình cùng với tổng thống Nam Phi - de Klerk, ông nói: “Để tạo ra hoà bình với kẻ thù, bạn phải làm việc với kẻ thù đó, và kẻ thù đó trở thành người đồng hành của bạn”. Hiển nhiên, bạn không thể chuyển hoá kẻ thù thành bạn đồng hành bằng căm giận.

Đạo Phật là đạo hiếu

Đạo Phật là đạo hiếu

Đăng lúc: 19:23 - 15/08/2016

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên khởi nguyên của lịch sử cội nguồn dân tộc ta lại bắt nguồn từ huyền sử cha già Lạc Long Quân cùng với mẹ Âu Cơ kết duyên sinh ra 100 người con từ trong bọc trứng, để rồi dẫn đến khái niệm “đồng bào”. Từ đó 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, lớn lên trưởng thành và chung sống với nhau bằng triết lý “Thương người như thể thương thân”.

daohieu.jpg
Đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về

Khi đạo Phật du nhập vào thì dân ta lại “Rủ nhau xuống bể mò cua/ Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”. Nhờ vậy, dân ta mới thấm hiểu triết lý sống của đạo Phật, thấm thía lời Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử”. Và như thế, từ cơ sở triết lý của nền văn hóa Việt Nam và kết hợp của nền giáo lý Phật-đà, đã được người dân Việt trải nghiệm trong cuộc hành trình hướng tâm giải thoát, chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo hiếu mà Mâu Tử đã khẳng định trong tác phẩm của ông qua diễn đàn văn học thời kỳ Phật giáo thời du nhập.

1. Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha

Bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi vào dòng đời cũng bắt đầu từ vòng tay ôm ấp, nuôi dưỡng và chỉ giáo của mẹ cha. Bằng cả tấm lòng bao la như trời biển, mẹ đã truyền trao cho con những dòng sữa ngọt ngào, ru cho con ngủ bằng cả niềm tin và hy vọng, rồi dìu con đi từng bước, trao cho con cái gia tài đầu tiên là tình người như là hành trang vào đời qua từng năm tháng. Cha thì nghiêm từ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, khích lệ, dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng, dạy con nên người. Chính vì ân sâu nghĩa nặng của người làm cha, làm mẹ như thế, nên nhân dân ta đã khắc ghi qua những vần thơ ca dao:“Công cha nghĩa mẹ cao vời/ Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta/ Nên người ta phải xót xa/ Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”.

Rõ ràng công cha nghĩa mẹ là vô cùng lớn lao, không có bút mực nào mô tả hết được. Chính trong kinh Tăng chi đã diễn tả cha mẹ là người không bao giờ trả hết ơn được, cho dù người con nỗ lực cung phụng cha mẹ suốt đời: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được: mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ…cũng chưa làm đủ để đền ơn mẹ và cha”2. Thế nên, Mâu Tử đã dẫn lời Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăng trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận. Thế nên người con tiếp nhận tình cha nghĩa mẹ bằng sự hiếu thảo của mình: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Rõ ràng chữ “hiếu” được xác lập bằng “đạo con”, tức là đạo làm con, bằng sự thể hiện của tâm hiếu rất cụ thể mà cha ông ta khái quát “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Trong cuộc hành trình thể nhập với đời, người con báo hiếu cho cha mẹ khởi đầu bằng sự hoàn thiện bản thân, tức là phải biết tự sửa mình qua sự tôn kính, sự thực thi những lời giáo huấn nghiêm từ của mẹ cha. Điều đó cũng được cụ thể hóa qua những việc làm cụ thể của người con đối với cha mẹ mà Phật đã dạy trong kinh Đảnh lễ sáu phương: 1. Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần. 2. Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc. 3. Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình. 4. Giữ gìn tài sản của cha mẹ. 5. Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. 6. Lo tang lễ mẹ cha đúng phong tục khi cha mẹ qua đời. 7. Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, Chánh kiến đến cho cha mẹ.

Đó là nếp sống hiếu hạnh của người con Phật trong gia đình. Suy cho cùng, cha mẹ là người sinh thành và giới thiệu con cái vào đời và làm cho đời sáng tươi. Cho nên, bổn phận người con báo hiếu cha mẹ qua các điều nói trên là phù hợp với đạo lý người Việt Nam, Phật giáo chỉ giới thiệu thêm điều thứ 7 là nhằm mục đích hướng tâm cho cha mẹ giải thoát thì sự báo hiếu mới trọn vẹn.

Bản kinh Tăng chi nói rất rõ: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin với Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích cha mẹ vào Chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và đền đáp ơn cho mẹ và cha”3. Và như thế, chỉ có Chánh kiến, Chánh pháp là cánh cửa mở ra thế giới hạnh phúc cho mẹ cha đời này và đời sau mà bổn phận người con ở trong nhà thì phải hiếu thảo với mẹ cha là vậy.

2. Ra ngoài xã hội thì phải giúp nước hộ dân

Một người mà hiếu thảo với mẹ cha là cơ sở thực thi đạo hiếu khi bước ra ngoài xã hội. Trong cuộc hành trình đi tìm lẽ sống, sự hiếu thảo trong gia đình sẽ lan tỏa bởi từ sự giáo dưỡng của cha mẹ và bà con quyến thuộc. Thế nên khái niệm hiếu thảo với mẹ cha trong gia đình đồng nghĩa “giúp nước hộ dân” ở ngoài xã hội. Huống chi, triết lý sống của người Việt đều nhìn nhận nhau trong khái niệm cùng huyết thống đại gia đình, sinh ra cùng trong ý niệm đồng bào như đã nói. Phật lại dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Và như thế, hạnh hiếu không chỉ là cơ sở cội nguồn của văn hóa tình người mà còn là cơ sở thiết lập nền văn hóa vô ngã khi mà con người luôn giáp mặt khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ đau. Chính vì lẽ sống lý tưởng này mà tâm hiếu chảy đến đâu thì tình người hóa hiện cụ thể đến đó. Khi tâm hiếu chảy vào cha mẹ thì gọi là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vào bạn đời trăm năm thì gọi là tình nghĩa vợ chồng, vào với những người xung quanh thì gọi là tình làng nghĩa xóm, rộng hơn nữa là chảy vào cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc thì là trung với nước hiếu với dân.

Cho nên thể hiện đạo hiếu của người Việt được cha ông ta dạy rất cụ thể: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào, đồng chí, đồng lòng thiết lập để mọi người tự thân có cách ứng xử hiếu thuận, hiếu hòa trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Hơn nữa, triết lý Duyên khởi của nhà Phật lại cho người Phật tử Việt Nam không ai sống một mình, con người có vô số mối liên hệ trong đời sống thực tiễn. Giá trị hạnh phúc của con người, suy cho cùng thực chất là sự kết nối yêu thương, chung sống với nhau hòa hợp. Vì thế lời hát ru năm nào của mẹ lại vang lên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thực thi như thế, rõ ràng tự thân đã thực thi tâm hiếu hạnh ra bên ngoài xã hội.

Thực tế, lịch sử dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong cuộc hành trình này tự thân mỗi người Việt đã sống theo đạo hiếu mà cha ông ta trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất cứ ai hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân thương này đều thấm thía lời ru của mẹ cha từ thuở nằm nôi, dạy cho con học cách ứng xử tùy duyên hiếu thuận với mọi người, mọi hoàn cảnh, miễn sao đạt đến mục đích cũng như lèo lái con thuyền cập bến bờ an toàn, để có sự an lạc trong tâm hồn: “Ru hời ru hỡi là ru/ Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”. Tinh thần này luôn luôn được tuôn chảy vào trong đời sống thực tiễn của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thiền sư Pháp Thuận từng khắc họa thông điệp thái độ sống hiếu thảo giúp nước hộ dân này bằng bài Quốc tộ: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam tức thái bình/ Vô vi như điện các/ Xứ xứ dứt đao binh”. Để rồi sau đó Trần Nhân Tông đã hóa hiện lời dạy của cha ông năm nào bằng bài kệ Cư trần lạc đạo phú: “Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có của thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”. Nhờ vậy, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhân dân được ấm no, đạo pháp trường tồn cho đến ngày hôm nay.

3. Ngồi một mình thì phải tu thân

Có thể nói đây cũng là triết lý sống của người Việt, khởi nguyên từ những lời ru của mẹ cha ngay từ thuở nằm nôi đã được dặn dò. Cuộc đời là trường học không bao giờ có sự kết thúc. Trong cuộc sống vô thường đầy biến động này, để được sống, được tồn tại, được phát huy con người cần nỗ lực tự hoàn thiện lấy mình. Sự hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện nhân cách là điều kiện tất yếu để được yêu thương, được kết nối với cộng đồng xã hội: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Xem ra đạo hiếu dạy cho con người khi ngồi một mình phải chiêm nghiệm cái triết lý “đi tìm người thương” để sống, để được sẻ chia.

Thực ra khát vọng lớn nhất của con người là khát vọng hạnh phúc. Và như thế yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời. Chính vì đó, mẹ cha lại dạy con thực thi nếp sống đạo đức, hoàn thiện phẩm hạnh, tu nhân tích đức qua lời ví von: “Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau”. Có cây đức là có tất cả, bởi lẽ đó là cả quá trình điều chỉnh thân tâm, tự tu, tự sửa sai lầm: “Ở hiền gặp lành, gieo gió thì gặt bão”; “Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Mục đích cuối cùng là tự thân gặt hái những thành tựu hương thơm quả ngọt mà cuộc sống trao tặng: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”. Thật kỳ diệu vô cùng.

Thế nên, sự tu thân khi ngồi một mình được diễn dịch nói trên thực chất là một cuộc hành trình tu tập của mỗi cá nhân mà Phật từng dạy cho chúng ta “Hãy tự mình quay về nương tựa chính mình và nương tựa Pháp, không nương tựa nơi nào khác”. Con người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân chính mình. Con người sở dĩ không hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng nghĩa không thực thi tâm hiếu từ trong nhà cho đến bên ngoài xã hội.

Con đường Đức Phật giới thiệu cho mọi người thực thi sự tu thân khi ngồi một mình là phải biết chiêm nghiệm hành trì về giới định tuệ. Mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si, mục đích là giữ cho “thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh”. Từ trong giá trị đích thực này, mỗi người có thể an trú trong niềm hạnh phúc khi biết sống cho hạnh phúc người khác, đồng nghĩa biết sống hạnh phúc cho chính mình. Bạn có thể thực thi 6 pháp ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để tâm hiếu thảo của bạn lan tỏa vào cộng đồng, vào thế giới hạnh phúc giữa cõi đời này.

4. Thay cho lời kết

Đến đây, chúng ta có thể nói rằng triết lý sống của người Việt là triết lý thực thi đạo hiếu. Đạo hiếu đó được diễn dịch bằng thông điệp hết sức giản dị và mộc mạc, trên hết được cụ thể hóa là: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” từ điểm nhìn của người con Phật thuần thành. Thông điệp này không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó thể nhập thành thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau.

Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng nhằm mục đích kết nối truyền thông sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Và như vậy một lần nữa, có thể nói đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về.

Thích Phước Đạt

Phật giáo dạy người cách buông xả để an vui

Phật giáo dạy người cách buông xả để an vui

Đăng lúc: 19:06 - 06/07/2016

Cố chấp là nắm chặt, khác với nắm chặt là... buông bỏ, là “Xả”. Vậy đạo Phật coi chữ “Xả” như thế nào? Mỗi chúng ta phải “xả” những gì và “xả” như thế nào?.
Phật giáo dạy người cách buông xả để an vui
Biết buông xả sẽ có hạnh phúc, an lạc thực sự
Xét cho kỹ, mỗi Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi chứ không có gì khác. Muốn hết buồn, hết khổ thì phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ. Chỉ cần quý Phật tử thực hiện được thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.
Chấp phải là khổ
Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả? Trước hết là chúng ta cố chấp những điều phải, trái (quấy). Thường thường ở thế gian ai cũng nghĩ điều mình nói, mình làm là phải nhưng người khác nói ngược lại, làm ngược lại thì cho là người khác quấy. Mình phải họ quấy mà họ không chịu nghe, không chịu làm theo mình, nên mình giận.
Thường thấy nhất là trong gia đình, cha mẹ thấy điều đó phải mà bảo con cháu không chịu làm theo thì nhất định là giận, mà giận là buồn, buồn rồi khổ. Có một Phật tử nói với tôi thế này: “Con cháu của con bây giờ khó dạy quá!
Tôi hỏi: Sao đạo hữu nói khó dạy? -Thưa thầy, mình là cha nó mình hớt tóc ngắn. Mình thấy hớt tóc ngắn dễ chịu, mát mẻ. Bây giờ nó để tóc tới cổ mà rầy nó không chịu nghe. Nó còn nói: “Bây giờ thanh niên ai cũng để tóc dài mà ba biểu hớt ngắn, giống ông già quá, sao con làm được”.
Chúng nó còn nhỏ mười chín, hai mươi tuổi mà đeo kính trắng, mình rầy nó: “Bộ mày mù sao mà đeo kính?” Nó nói: “Ba không thấy sao, người trí thức họ đeo kính trắng. Con lớp mười hai rồi, con trí thức rồi, con đeo kính trắng có sao đâu”.
Đó, quý vị thấy thế nào? Bởi vì thường lúc nào chúng ta cũng có cái nhìn theo quan niệm của mình, quan niệm của mình như vậy là phải, con cháu không chịu nghe theo thì mình giận, cho nó là quấy, là con ngỗ nghịch, con bất hiếu…
Khi đã như vậy rồi thì gia đình còn đầm ấm không, còn vui không?. Tôi giải thích cho Phật tử đó nghe: “- Đạo hữu nhớ như ở lứa tuổi của tôi, ông thân tôi hồi xưa để tóc bới có một củ tỏi phía sau. Tới chừng lớp của tôi lớn lên thì hớt tóc, ông tôi không vui.
Ông nói bọn nhỏ văn minh quá, không có theo ông bà và dẫn sách Nho nói: “Thân thể phát phu thọ ư phụ mẫu, bất thương cảm hiếu chi thỉ giả”. Nghĩa là râu tóc da thịt này là nhận nơi cha mẹ, gìn giữ nó đừng cho thương tổn là cái hiếu đầu. Bây giờ mình cạo nó là bất hiếu rồi. Như vậy ông già nhìn lại mình hớt tóc thì ông già buồn, còn mình nhìn lại ông già thì thấy ông già lạc hậu phải không?
Thế thì ai đúng? Để tóc bới đúng hay hớt ngắn đúng? Nếu hai bên cứ cố chấp, ông già nghĩ ông già đúng, người con nghĩ người con đúng thì gia đình có bình an không ? Chắc là bất an”.
Buông nghĩa là xả
Chúng ta phải hiểu thời xưa học theo Nho giáo thì để râu để tóc là phải. Nhưng thời sau này khác hơn vì nước mình lệ thuộc Pháp, người Pháp đi làm việc hớt tóc ngắn cho sạch sẽ mà mình cứ bảo như ông già để tóc, vậy thì lạc hậu mất rồi. Ở lứa tuổi của mình ai chấp nhận như thế?
Cho nên người cha phải thông cảm hoàn cảnh của con, người con phải hiểu hoàn cảnh của cha, hai bên thông cảm nhau đừng cố chấp thì bớt khổ. Nếu cố chấp là nhất định khổ. Cha bất bình con, con bất mãn cha, cứ như vậy sinh ra chuyện rối rắm trong gia đình.

Cố chấp là khổ, là chưa biết tu
Rồi đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận? Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao?
Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng, bắt nó giống mình sao được?
Quý Phật tử xin hãy nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được. Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì muốn cho hết khổ mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả.
Quan niệm của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ; phần ai nấy giữ, người này đừng áp đặt người kia, như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng, còn nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý.
Nó thích mang kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi chứ mình không thích mà bắt nó theo mình sao được? Đó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng, còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.
Xả bỏ, được... an vui
Vậy mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Đó là tại cố chấp. Quý Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không? Còn cố chấp như câu chuyện tôi vừa kể khổ không, lúc nào cũng buồn bực.
Vì vậy cha mẹ nên thông cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều xả, xả cái phải của mình thì thông cảm; ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên là khổ.
Đó là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì sao, có khổ không? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu, hũ ớt v.v… những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng.
Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng tiêu xài lớn một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt thì gia đình có vui không? Không bên nào bằng lòng bên nào hết vì ai cũng nghĩ mình đúng.
Nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn mãi. Nếu hai bên chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v… thành ra tiêu xài lớn cô không đồng ý cũng phải.
Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp hòi quá thì bạn bè khi dễ, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp.
Hai bên thông cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Đó là nói những việc nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quý vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.
Tóm lại xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Đã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là phải buồn phải khổ.
Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với những người thân thì tự nhiên gia đình an vui, hạnh phúc. Đó là bước thứ nhất xả chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình.../.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 61, ngày 11/7/2016)
Bình luận 0 Thích Thanh Từ

Phật giáo Trúc Lâm - hội tụ và lan tỏa

Phật giáo Trúc Lâm - hội tụ và lan tỏa

Đăng lúc: 18:39 - 10/12/2015

Là tên hội thảo khoa học vừa được khai mạc sáng nay 10-12, tại chùa Trình (TP.Uông Bí, tỉnh Quang Ninh) do Ban Hoằng pháp T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; chư tôn giáo phẩm HĐTS, Ban Hoằng pháp T.Ư cùng các tỉnh, thành; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và đông đảo các nhà khoa học đến tham dự hội thảo.


Toàn cảnh khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quang Ninh cho biết, hội thảo sẽ tập trung vào 2 phần. Phần thứ nhất đề cập đến vai trò, vị trí của thời Trần, Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Trúc Lâm thời Trần cũng như thân thế, sự nghiệp, hành trạng của những nhân vật, danh Tăng, di tích thời đại này.

Theo Thượng tọa, những nội dung này đã được nói đến trong nhiều hội thảo trước đây và trong các công trình khoa học nhưng vẫn còn tản mạn và chưa thấu đáo, thuyết phục như việc tìm hiểu những vận động nội tại, khách quan của Phật giáo trong mối quan hệ với tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo và thể chế chính trị.

Liên quan đến phần thứ hai, Thượng tọa thể hiện mong muốn nhận được câu trả lời của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về đặc điểm, nội dung, phương pháp hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm. Đâu là cội nguồn tạo nên sự hấp dẫn và sức sống mãnh liệt vượt không gian, thời gian của Phật giáo Trúc Lâm? Và những gì của quá khứ có thể áp dụng cho công cuộc hoằng pháp ngày nay?

Qua đó, Thượng tọa tin tưởng rằng, bằng trí tuệ tập thể, hội thảo sẽ đi đến đích cuối cùng nhằm giải quyết những yêu cầu, mong đợi khi tiến hành tổ chức.


TT.Thích Thanh Quyết phát biểu đề dẫn hội thảo

Được biết, hội thảo là một trong các nội dung thuộc lễ hội hoằng pháp toàn quốc 2015 diễn ra tại khu danh thắng Yên Tử nhân kỷ niệm 707 ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn. Có hơn 40 bài tham luận của chư tôn đức Tăng Ni và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã gởi đến hội thảo và hoạt động này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối ngày hôm nay.






Chư tôn đức và các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo

Bảo Thiên

Rằm tháng 7 là ngày gì?

Rằm tháng 7 là ngày gì?

Đăng lúc: 19:08 - 22/08/2015

Rằm tháng 7 ( 15-7 âm lịch ) là ngày rằm lớn nhất trong năm, tập trung vào 2 dịp là ngày Lễ Vu Lan và ngày Tết Trung Nguyên (xá tội vong nhân ). Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu chắc nhiều bạn đã biết, còn Tết Trung là ngày xá tội vong nhân , ngày này người xưa quan niệm cửa địa ngục sẽ được mở ra và vong linh sẽ được tự do về thăm nhà được hưởng đồ cúng, còn gọi là ngày cúng cô hồn.

Cúng rằm tháng bảy hay còn gọi cúng Tết Trung Nguyên, cúng Vu Lan báo hiếu tại nhà thường có 4 lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, và cúng thí thực cô hồn.

Sự tích ngày rằm tháng 7
Người miền Bắc vẫn quen gọi ngày rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” cúng các chúng sinh không nhà không cửa. Các chùa lớn vào ngày này thường mở khoá lễ phá ngục cho chúng sinh và tổ chức đại lễ Vu Lan.

Ở miền Nam, rằm tháng 7 thường gọi là tết Vu Lan, ngày để con cái báo hiếu cha mẹ. Sự tích của ngày cúng rằm tháng 7 cũng bắt nguồn từ Phật giáo. Theo đó, Mục Liên không phải tên thật mà chỉ là hiệu. Tên thật của Mục Liên là La Bộc.

Dân gian quan niệm rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân

Dân gian quan niệm rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân
Chuyện xưa kể rằng La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi đã giàu có, La Bộc nhớ tới mẹ già liền cho người về quê biếu tiền mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn số tiền đó rồi, lại sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lại chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi. Chẳng bao lâu bà mẹ chết.

Chịu tang mẹ 3 năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, La Bộc xin ở lại tu luyện. Phật thương tình ưng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên (Mục Liên) và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Muốn đến rừng Quýt Sơn phải đi qua ngôi chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận ra người cha là Phổ Tướng còn mẹ là Thanh Đề thì không. Mục Liên ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đầy xuống ngục A Tỳ rồi. Mục Liên nghe vậy liền lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ.

Nơi đây bà mẹ Mục Liên phải chịu trăm ngàn cực hình, thấy con tới bà khóc lóc nhờ con tìm cách cứu. Mục Liên thấy mẹ bị như vậy liền lấy bình bát, đem cơm dâng mẹ. Mẹ ngài được cơm nhưng chưa vào miệng cơm đã hoà ra than lửa đỏ hồng. Tôn giả Mục Liên thấy mẹ như thế gào khóc bi thảm, về bạch Đức Phật. Phật dạy phải nhờ tới uy lực mười phương Chúng Tăng, cách cứu độ để những bà mẹ hiện đang đau khổ đều được giải thoát.

Ngày rằm tháng 7 là ngày tự thứ của mười phương Tăng, tất thảy đều tư bi, ứng thọ. Ai được cúng đường Thánh Tăng thì tất cả đều vượt ác đạo, ứng niệm giải thoát. Cũng thế chiếc chậu Vu Lan đựng những tu lực chứng tâm hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành của con người. Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhân mẹ ông được giải thoát. Mục Liên theo mẹ bay lên trời cầu xin Đức Phật xoá tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.

Cũng xuất phát từ tư tưởng “nhân- hiếu- trung- tín” của Nho giáo và Đạo giáo bên Trung Quốc, ngày rằm tháng 7 còn gọi là tết Trung Nguyên có tục tế lễ tổ tiên. Đạo giáo còn cho rằng Trung Nguyên một trong ba “nhật kỳ” của tam cung thần cai quản họa phúc của con người chính là ngày Địa cung xá tội. Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày này ở âm phủ khảo chiếu sổ sách để đại xá cho các linh hồn ma quỷ cô đơn ngoài đồng nội.

Vì vậy ngày này cùng với cúng tổ tiên nhân dân còn nấu cháo hoa, bỏng ngô, tiền giấy cúng chúng sinh mong họ siêu thoát cũng để tích công đức cho bản thân.

Dựa vào tích ấy, vào ngày rằm tháng 7, các chùa đều làm lễ chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân. Nhà nhà cũng theo đó thành kính làm lễ vì tin rằng ngày đó dưới âm vong nhân xá tội cho những người quá cố. Noi gương hiếu thuận của Mục Liên, ngày rằm tháng 7 trở thành ngày tết Vu Lan, con cái báo ân cha mẹ.

Minh Trang (tổng hợp)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 5
  • Hôm nay 1,548
  • Tháng hiện tại 63,302
  • Tổng lượt truy cập 23,469,551