Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đạo Phật hướng con người sống với trí tuệ

Đạo Phật hướng con người sống với trí tuệ

Đăng lúc: 19:55 - 19/02/2017

Con người ai cũng có tâm mong cầu và lòng sợ hãi. Mong cầu được sung sướng hạnh phúc, được lợi lộc giàu sang, được thăng quan tiến chức… Sợ hãi trước mọi thiên tai dịch họa, bệnh tật hiểm nghèo, tai ương rình rập...

Sự sợ hãi và lòng mong cầu đó như đám mây mù có thể che lấp bản tính sáng suốt, kích động lòng tham dục trỗi dậy, chạy theo nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân. Và chính điều đó lại dễ khiến cho người ta sa vào những cái bẫy mê tín dị đoan đang giăng sẵn nhằm trục lợi mà không phải ai cũng biết.

Ngày nay, ở bất cứ địa phương nào cũng có chùa để phục vụ nhu cầu tâm linh của mọi người. Có chùa là có chư Tăng. Chư Tăng đúng nghĩa là người hiểu biết giáo lý, thông suốt tư tưởng thâm diệu của Đức Phật để hướng chúng sinh đi trên con đường đúng đắn, thoát khỏi những sai lầm không đáng có nhằm xây dựng cuộc sống hạnh phúc an vui, xã hội văn minh phồn thịnh. Nhưng từ Đức Phật và Thánh chúng đến chư Tăng ngày nay có một khoảng cách quá xa.

Thực tế hiện nay, ngoài các vị chân tu thực học, hoằng truyền đúng Chính pháp, có một số vị Tăng Ni (trụ trì hoặc không) có những tư tưởng lệch lạc, thần bí hóa lời Đức Phật dạy để huyễn hoặc chúng sinh. Các nhà sư này gieo quẻ xin xăm tại chùa, gọi hồn vớt vong người chết, bày vẽ ma chay cúng bái quá rình rang, cúng sao giải hạn cầu xin thần thánh đủ kiểu… Điều quan ngại là những việc này được núp dưới bóng cà-sa của Đức Phật, và người sơ cơ chưa hiểu đạo nhầm tưởng đó là đạo Phật, khiến cho họ ngày càng xa rời chính kiến, rơi vào tà kiến, ảnh hưởng không ít đến bình an gia đình và sự phát triển của xã hội.

Chúng ta đều biết rằng, từ khi Thái tử Tất-đạt-đa rũ bỏ hết mọi vinh hoa phú quý để xuất gia tìm thầy học đạo cho đến lúc giác ngộ thành Phật, Ngài phải trải qua rất nhiều giai đoạn tu tập và quán chiếu tự thân để thấy rõ mọi nguồn gốc của khổ đau mà diệt trừ. Vì vậy nhà Phật luôn luôn đề cao ánh sáng của trí tuệ, bởi chỉ có trí tuệ sáng suốt mới chuyển hóa được dục vọng, mà chuyển hóa được dục vọng thì mới không sa vào lỗi lầm, không sa vào lỗi lầm thì mới có hạnh phúc đích thực.

Toàn bộ giáo lý của Đức Phật rất khoa học, thực nghiệm và hết sức rõ ràng, chứ không thần bí. Vì tư tưởng, lời nói và hành động này là của ta, nghiệp là của ta thì ta phải tự thân giải quyết nó chứ cầu xin hay nhờ cậy ở thần linh nào? Cũng như ta ăn thì no, người khác không thể ăn giúp để cho ta no được… Vì vậy kẻ mê tín hay người hành nghề mê tín đều không phải chính đạo, không thể đi đến an vui mà chỉ tổn mình hại người.

Bất cứ một con người nào đều có ý thức và bản năng. Bản năng là cái trôi xuôi theo chiều ham muốn bất tận. Chính vì nhận rõ điều này nên muốn chỉnh đốn nó, làm cho nó thánh thiện hơn, tốt đẹp hơn thì không có con đường nào khác là phải đi ngược lại dòng chảy tham dục và si mê. Đó là chiều hướng thượng để con người đi lên, để thấy và biết. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở thấy và biết thông thường thôi thì chưa đủ mà phải thấy và biết bằng cái tâm trong sáng (từ bi và trí tuệ). Vì tâm trong sáng sẽ làm thay đổi hoàn toàn quan điểm, định kiến, cố chấp của con người.

Như đã nói, sở dĩ vì tham dục và sợ hãi nên người ta mới rơi vào dị đoan mê tín để mong cầu bớt khổ. Vậy cái gốc khổ đó do đâu? Do cái “không trọn vẹn, bất toàn” mà ra. Cuộc sống bị ám ảnh bởi cái chết, già cả bệnh hoạn, muốn mà không được, yêu mà phải xa, giận mà phải gần… tất cả đều gây cho ta đau khổ. Nguyên nhân của những khổ đau này chính là do những ham muốn và ghét bỏ của chúng ta mà ra. Vì vậy muốn loại trừ nó là phải loại trừ tham ái và si mê chính trong tâm của mình. Nếu cái tâm còn u mê, bị ràng buộc bởi thần thánh ma quỷ dị đoan kia thì làm sao đủ sáng suốt, bình tĩnh để chuyển hóa phiền não nhằm giải trừ đau khổ!

Giải thoát - không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà có nghĩa là làm lợi ích cho mình và cho người cùng mọi loài chúng sinh. Đó là con đường hướng thượng dựa trên cách ứng xử có đạo đức (Giới) với tâm định (Định) và trí tuệ sáng suốt (Tuệ) theo hướng nghịch chiều với thế gian, sinh tử. Trong trái tim của mỗi người đều có những khoảng trống mà chúng ta bao giờ cũng muốn lấp đầy nhưng không bao giờ đầy được, bởi chúng ta không nhìn ra bản chất của nó. Chỉ có cái nhìn đúng đắn của tuệ giác mới giúp ta nhận thức được vấn đề mà có cách tu sửa cho phù hợp. Ta sẵn sàng chịu trách nhiệm về tất cả những cái mà ta đã gây ra, không đổ thừa cho hoàn cảnh, không đổ lỗi cho bất cứ ai ở ngoài ta. Ta có quyết tâm thay đổi nó cũng là thay đổi chính thân tâm của ta. Đó không chỉ là ý tưởng hay lý thuyết suông mà là vấn đề của thực hành. Thực hành trên cơ sở trí tuệ chứ không phải trốn tránh.

Nói cách khác, đau khổ cũng là một người thầy dạy ta biết nhìn nhận lại chính mình. Đau khổ luôn bám lấy ta chỉ khi nào ta học được cái gì từ nó thì nó mới thực sự buông tha. Cái nhìn đúng sẽ giúp ta tự tin, tin sau khi đã hiểu và biết nó đúng đắn để có hướng giải quyết cho chính mình. Từ nhìn đúng sẽ có cách suy nghĩ đúng. Nếu ta có cái nhìn sai lệch thì tất sẽ suy nghĩ sai lệch theo, vì vậy ta phải luôn cẩn thận với những suy nghĩ của mình để tránh rơi vào quan điểm “tôi thấy” của cá nhân...

Một khi ta có suy nghĩ đúng đắn sẽ tự buông bỏ mọi tham muốn thấp hèn, sẽ từ bi giao cảm với vạn vật xung quanh và tư tưởng không bị ô nhiễm bởi những thứ tà vạy hay gian ác nữa. Ta sẽ có cách ứng xử khéo léo hơn, cẩn trọng hơn để không phương hại đến mình đến người, tránh được những sự tùy tiện bồng bột…

Nếu nhìn đúng thì sẽ hiểu đúng, mà đã hiểu đúng thì tất không nói bậy. Ta tự biết kiềm chế lời nói của chính mình. Vì lời nói rất quan trọng, bạn hay thù cũng từ lời nói mà ra. Lời nói đúng đắn phải xuất phát từ lòng thương người chứ không phải vì mục đích trá ngụy mà ta muốn đạt được. Ta phải luôn hiểu và thực hành vấn đề của lời nói. Nếu biết chuyện ấy có hại hay có ích nhưng là chuyện không đúng thì không nên nói ra. Nếu biết chuyện có ích và đúng thì cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói. Lời nói đúng đắn là lời nói đúng thời, không cực đoan hay điêu ngoa dữ ác. Lời thật sẽ làm cho người khác tin cậy và ta cũng không cần che giấu điều gì nơi ta, thì tự cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Có thể nói từ cái nhìn đến lời nói là một chặng đường dài. Trên chặng đường ấy sẽ nảy sinh ra bao nhiêu cái nghiệp. Nếu nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng thì sẽ làm đúng. Làm đúng chính là việc làm không tùy tiện, đó là hành động biết tôn trọng muôn loài muôn vật, hành động không gây ảnh hưởng đến tài sản danh dự của tất cả mọi người. Hành động đúng còn mang ý nghĩa lợi ích cho quốc gia dân tộc phát triển bền vững…

Nếu xét ở những hành động có ích cho ta cho người thì phải công nhận đó là công việc có mục đích chính đáng và từ đó sẽ thấu hiểu mọi người hơn. Mà một khi đã thấu hiểu nhau thì ta sẽ có cách sống đúng nghĩa nhất. Cách sống ấy không làm tổn hại đến ai như không lạm sát, dối trá, tà dâm, trộm cắp, rượu chè… Ta sẽ không bị vướng vào những thói quen tội lỗi. Cuộc sống sẽ an vui. Mà khi thân tâm an vui thì sản sinh ra năng lượng tinh thần càng tinh tấn hơn. Lúc ấy tự bản thân sẽ siêng năng, chuyên cần để làm những chuyện có ích hơn cho mọi người trong xã hội.

Một khi cái tâm thoải mái thì ký ức sẽ tràn về, những chuyện đã qua có cái sai cái đúng, cái hay cái dở… ta đủ năng lực trí tuệ để nhìn lại chúng, để chuẩn bị cho bước đi ở tương lai tốt đẹp hơn và không phạm phải những sai lầm xưa cũ. Từ đó cái tâm ta sẽ định, không còn bị dao động trước những cái mù mờ nữa. Nó thực sự sáng suốt thì còn chỗ nào để cho những mê tín dị đoan trú ngụ, còn chỗ nào để cho sự sợ hãi hay mong cầu thái quá ẩn nấp!

Một đất nước muốn cường thịnh thì mỗi con người phải mạnh mẽ tinh tấn và sáng suốt. Không thể mang mãi cái tâm u ám, mê mờ, bệnh hoạn mà tiến lên được. Con người phải “chính” trên mọi phương diện thì mới có lòng tin lẫn nhau, mới tạo ra khối đại đoàn kết vững mạnh. Mỗi con người phải thông suốt để thấy được đâu là nguyên nhân của sai lầm, làm cách nào để khắc phục chính nó. Cách sống, cách ứng xử có đạo đức là sự mong cầu chính đáng của muôn đời. Cuộc sống con người xoay xuôi theo si mê dục vọng, muốn sửa cho nó thánh thiện tốt đẹp hơn thì phải đi ngược lại.

Dị đoan mê tín là con đường chui xuống địa ngục ngay ở cõi trần gian. Chỉ có ánh sáng trí tuệ mới là cứu cánh của nhân loại muôn đời.
Đào Thái Sơn

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 14
  • Hôm nay 1,266
  • Tháng hiện tại 63,020
  • Tổng lượt truy cập 23,469,269