Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Biết ơn - nền tảng của hướng thiện

Biết ơn - nền tảng của hướng thiện

Đăng lúc: 09:38 - 03/12/2016

Biết ơn, tiếng Pāli là kataññutā và thường đi đôi với từ katavedi. Kataññutā nghĩa là khởi tâm biết ơn khi mình có được lợi ích từ việc thọ nhận vật gì hay sự tử tế nào đó từ người khác, còn katavedi nghĩa là thể hiện sự biết ơn đó qua lời nói hay hành động. Kataññutā khi đứng một mình bao hàm cả nghĩa của từ katavedi.

Biết ơn, tiếng Anh là gratitude, xuất phát từ gốc La-tinh là gratia, nghĩa là ơn huệ, biết ơn. Theo Pruyser (1976), tất cả những từ xuất phát từ gốc gratia đều có nghĩa là “Phải làm tất cả mọi điều với lòng tốt, tâm lượng rộng rãi, như là một món quà, cao đẹp trong việc cho và nhận một cái gì đó một cách không vụ lợi” (tr.69).

Emmons và Shelton (2002) định nghĩa biết ơn là “cảm giác kỳ diệu, cảm giác mang ơn và ghi nhận giá trị cuộc sống” (tr.460). Trên phương diện đạo đức, biết ơn là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng các tâm niệm lành, các hành động thiện và những suy nghĩ tích cực trên con đường hướng thiện được cụ thể hóa qua các nội dung sau:
Biết ơn giúp chúng ta đối xử tốt với mọi người

Trong Phật giáo, biết ơn là khái niệm dùng để chỉ cảm giác mang ơn và có ý muốn đền ơn khi chúng ta thọ nhận một hành vi tốt từ một người nào đó. Tachibana giải thích rằng, hình thức đền ơn căn bản và quan trọng nhất liên hệ đến việc chu toàn bổn phận của người con đối với cha mẹ; trái lại, bất hiếu với cha mẹ là một trong những tội ác lớn nhất của con người (tr.235). Do đó, người biết ơn là người thực hiện hành vi đền ơn với tất cả như một người con làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, hay ít ra là xem tất cả như người thân của mình. Cách đền ơn toàn tâm toàn ý như vậy đáng được thực hành và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Mỗi người đều nên khởi tâm biết ơn người khác như một bổn phận báo đền công ơn thọ nhận trong cuộc sống. Do đó, trong các mối quan hệ xã hội, quá trình cho-nhận được thiết lập và thường xuyên diễn ra thì sự thương yêu, tôn trọng và sẵn lòng làm tất cả những gì tốt đẹp cho người khác là việc làm tất nhiên của những con người biết suy nghĩ và quán chiếu.

nsgn.jpg

Cuộc sống là một mạng lưới mà mỗi người là một mắt xích. Do vậy, chúng ta thọ ơn không chỉ với những người thân hay những người mình trực tiếp có được lợi ích về vật chất hay phi vật chất. Trong hàng ngàn các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp, trực tiếp cũng như gián tiếp, chúng ta thọ ơn ngay cả những người xa xôi mà chúng ta chưa hề quen biết. Chúng ta không chỉ thọ ơn những người cùng thời đại với mình mà còn chịu ơn những người của bao thế hệ trước nữa. Theo tinh thần Phật giáo, “Khoảng cách về không gian và thời gian không làm ngăn ngại các mối quan hệ. Giáo lý luân hồi của các tôn giáo Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo, dạy chúng ta hiểu rằng, trên thực tế, chúng ta không chỉ có quan hệ với con người mà còn với tất cả chúng sanh” (Tachibana, tr.228).

Một sự thật rằng, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nói lời cảm ơn ai đó, hoặc đón nhận lời cảm ơn từ người khác. Chúng ta sẽ phấn chấn khi có ai đó nói rằng, chính mình làm cho họ thay đổi theo hướng tích cực và họ biết ơn về điều này. Chúng ta cũng xúc động không kém khi mình đang gặp việc rắc rối, có người tự nguyện tạm gác lại việc của họ để lăn xả vào cuộc giúp mình mà không tính toán so đo. Cảm giác phấn chấn ấy có mặt vì chúng ta thấy việc mình làm đem lại lợi ích thiết thực cho người khác. Cảm giác xúc động ấy là biểu hiện lòng biết ơn của chúng ta dành cho người trải lòng chia sẻ trong lúc mình cần nhất. Trong cả hai trường hợp, biết ơn và được biết ơn đều đem đến cho chúng ta niềm vui, tâm lý an ổn và có cảm xúc cân bằng hơn. Khi chúng ta nhận được lợi ích từ công sức và thiện chí của người khác dành cho mình, tâm niệm biết ơn có mặt, và khi ấy, chúng ta trở nên tử tế hơn, vì hiểu rằng, không lúc này thì lúc khác, không cách này thì cách khác, chúng ta đã, đang hoặc sẽ mang ơn mọi người. Ý niệm này giúp chúng ta sống tử tế hơn với tất cả mọi người.

Biết ơn giúp chúng ta tận tụy hơn trong công việc

Tấm gương sinh động nhất về sự tận tụy trong công việc là Đức Phật. Sau khi thành đạo, việc đầu tiên của Đức Phật là thể hiện lòng biết ơn đối với cây bồ-đề đã che mưa chắn nắng cho Ngài trong suốt thời gian Ngài tu tập cho đến khi chứng nghiệm đạo quả giác ngộ. Nhiều sử liệu kể lại rằng, sau khi hưởng pháp lạc giải thoát, Ngài dành một tuần để đứng trước cây bồ-đề, nhìn về gốc cây với ánh mắt tri ân. Ngài thể hiện lòng biết ơn giáo pháp Ngài vừa tìm được một cách thiết thực nhất là tìm phương pháp để chuyển tải pháp giải thoát đến số đông dân chúng vốn nhiều tầng lớp với đủ các trình độ khác nhau. Khi đã tận tâm tận lực tìm được phương pháp truyền đạt hiệu quả, Ngài bắt đầu cuộc hành trình hoằng truyền giáo pháp, một hành trình đền ơn không có điểm dừng!

Đối tượng đầu tiên Ngài nghĩ đến để trao gởi thông điệp giải thoát là hai vị thầy tâm linh đầu tiên Ngài đã theo học trên con đường tìm cầu chân lý, đó là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Mặc dù Ngài không chứng đạt giác ngộ khi theo học giáo lý từ hai vị này, nhưng họ là những vị ân nhân trợ duyên không nhỏ trên lộ trình tâm linh của Ngài. Sau khi quán chiếu và biết cả hai vị đều đã mất, Ngài liền nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đó. Đây cũng là những người Ngài từng chịu ơn bởi lẽ nhờ họ mà Ngài biết đến các hình thức khổ hạnh để Ngài tự chiêm nghiệm trong lúc hành trì. Cho dù đây chưa phải là con đường rốt ráo đưa đến giác ngộ giải thoát, nhưng những trải nghiệm này là động cơ giúp Ngài toàn tâm toàn trí để tìm ra lối đi riêng cho mình.

Một thời gian sau, Ngài bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp trong tinh thần biết ơn đến những đối tượng khác. Đó là Ngài trở về hoàng cung hóa độ người thân của mình cũng trong tinh thần biết ơn. Ngài độ các vị vua đương thời cũng trong tinh thần báo đáp. Suốt một cuộc đời tận tâm tận lực không mệt mỏi, Ngài thực hiện cuộc hành trình độ sinh trong tinh thần tri ân vô hạn. Thế nhưng, chúng ta quen nhìn Đức Phật là một bậc Đại giác ngộ, Đại từ bi, Đại công đức mà mấy ai thấy Ngài là bậc Đại tri ân đáng cho chúng ta học hỏi trọn đời. Không chỉ thể hiện hành vi giáo dục người khác qua hành động của chính mình, Đức Phật còn thể hiện tinh thần tri ân trong nhiều bài kinh. Trong kinh Điềm lành tối thượng (Mangala sutta - kinh số 4, phẩm Nhỏ, kinh Tập), Đức Phật dạy, biết ơn là một trong các điềm lành tối thượng để tiến bộ trên lộ trình tâm linh.

Lòng biết ơn lại được thể hiện rõ nét qua tấm gương của Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất), một trong các vị đệ tử lớn của của Đức Phật. Sau khi gặp Tôn giả Assaji (Ác Bệ), Tôn giả Sāriputta hiểu được lý nhân duyên và tỏ ngộ chân lý. Từ đó, Tôn giả Sāriputta cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp để đền đáp ơn lành được gặp Chánh pháp. Tôn giả có trí tuệ siêu tuyệt và phương pháp giảng dạy giáo pháp của Tôn giả thật là đặc biệt. Tôn giả là một trong số ít các đệ tử của Đức Phật có thể thay Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng, giảng giải chi tiết, phân tích cụ thể các vấn đề giáo pháp sau khi được Đức Thế Tôn tuyên thuyết một cách vắn tắt và các bài pháp thoại ấy đều được ghi lại trong một số kinh Nikāya (điển hình như Trung bộ kinh số 5: kinh Không uế nhiễm; Trung bộ kinh số 144: kinh Giáo giới Chanda; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương X, kinh Sāriputta-Kotthika; Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm IV, kinh số 5: Đất; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm III, kinh số 21: Chứng thực với thân; chương III, phẩm XIII, kinh số 128: Anuruddha; chương III, phẩm XVI, kinh số 158: Thối đọa; chương IV, phẩm XVIII, kinh số 173: Phân tích). Tôn giả là cánh tay đắc lực của Đức Phật trong quá trình truyền bá Chánh pháp. Tấm gương tri ân và báo ân của Ngài thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ và noi theo.

Như vậy, biết ơn và dốc lòng tận tụy sống một cuộc đời đem lại lợi ích cho mọi người để đền ơn là đặc tính tự nhiên của bậc trí, tựa như chúng ta hít thở khí trời. Người trí thực hành lòng biết ơn và đền ơn trong tinh thần phục vụ như một bản năng, một bổn phận. Với trí tuệ siêu phàm và tâm từ rộng lớn, người trí rõ biết và cảm nhận được những lợi ích có được từ con người và cuộc sống xung quanh. Nếu không cảm nhận được điều này từ bản chất, việc phát khởi tâm biết ơn là một điều không phải dễ dàng, và càng khó hơn là thể hiện tâm biết ơn đó bằng sự tận tụy và hết lòng trong công việc.

Biết ơn giúp chúng ta thực hành pháp bố thí tốt hơn

Chính vì muốn nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn các thành phần xã hội trong cộng đồng để tiến bộ và từng bước hoàn thiện nhân cách của mình, Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài cần phải bố thí như là biểu hiện của lòng biết ơn. Mình biết nhận từ người khác và có được lợi ích từ sự thọ lãnh này thì cần phải khởi tâm ban tặng như một quy luật của cuộc sống. Ngài dạy “Có hai loại bố thí, đó là bố thí tài vật và bố thí pháp. Trong hai loại bố thí này, pháp thí tối thắng hơn” (Pháp cú, câu 354; Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm XIII: Bố thí). Người đệ tử xuất gia của Ngài chuyên tâm học pháp và hành pháp, thì sẽ có pháp làm món quà tối thượng để chia sẻ với mọi người. Do đó, cả cuộc đời của người xuất gia là tận tụy, chuyên tâm tu học để thể hiện lòng biết ơn và đền ơn đối với mọi người, mọi loài trong vòng duyên sinh kết nối rộng lớn này qua cách thức cho đi và nhận lại.

Theo truyền thống, Đức Phật dạy, người xuất gia không trực tiếp làm một nghề nào như người cư sĩ để nuôi sống bản thân (kinh Di giáo) mà sống tùy vào sự phát tâm cúng dường của hàng cư sĩ tại gia để nuôi dưỡng tâm niệm tri ân thông qua việc chuyên tâm bố thí món quà tâm linh đến hàng cư sĩ ngoại hộ. Trong khi đó, người cư sĩ còn phải làm nhiều bổn phận ở đời, phải làm các nghề để kiếm kế sinh nhai, nên chưa thể toàn tâm dành hết thời gian trong ngày để học pháp và hành pháp. Họ mong được hiểu giáo pháp Đức Phật được truyền đạt từ người xuất gia và đáp lại, họ có điều kiện để cúng dường tài vật đến các bậc thầy tâm linh. Những lời Đức Phật dạy được ghi lại trong nhiều kinh rằng, người xuất gia là ruộng phước tối thượng để người cư sĩ gieo trồng công đức (Tăng chi bộ kinh, tập 1, chương III, phẩm 7, mục 70: Các lễ Uposatha; mục 75: Cần phải khích lệ; phẩm 10: phẩm Hạt muối; mục 94: Con ngựa thuần thục; phẩm 14: Kẻ chiến sĩ, mục 131: Kẻ chiến sĩ).

Do đó, người xuất gia bố thí pháp, người cư sĩ tại gia cúng dường tài vật là việc làm nhằm tạo cho đôi bên ý thức được cuộc sống do duyên nhau mà tồn tại trong quan hệ cho-nhận trực tiếp giữa người xuất gia và tại gia, qua đó thể hiện và nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn. Mỗi người nương vào pháp bố thí này như một bài thực hành căn bản để khởi niệm biết ơn dễ dàng hơn đến với những người không tham gia vào vòng cho-nhận trực tiếp. Từ ý niệm biết ơn trong quan hệ cho-nhận, chúng ta tự nhắc nhở mình - phải biết cho đi để xứng đáng với những gì mình đang nhận lại từ cuộc đời này. Với tâm niệm biết ơn như vậy, mỗi người nên có trách nhiệm với nhau hơn, mở rộng khối óc và đôi tay, sẵn sàng thực hành bố thí trong tinh thần “món vay món trả phải đồng”.

Biết ơn giúp chúng ta hài lòng với cuộc sống thực tại

Khi thấy mình là kẻ thọ ơn, chúng ta dễ dàng có cảm giác hoan hỷ chấp nhận và có tâm lý hài lòng, bằng lòng với những gì mình đang có hay vị trí mình đang là. Cảm giác này hoàn toàn chủ quan và mang tính tương đối. Cùng trong một điều kiện sống, người hài lòng thì cảm nhận được hạnh phúc, an lạc, nhưng người không hài lòng thì cảm nhận sự đau khổ, bất an. Cùng trong một môi trường, không gian sống, khi này chúng ta hài lòng, lúc khác chúng ta lại không vừa ý. Với vật chất thế gian, con người chỉ có được trạng thái hài lòng tạm thời mà thôi. Tâm chao đảo, mất cân bằng do tham đắm và bám víu vào những gì chúng ta ưa thích, từ chối và đẩy ra những gì chúng ta không ưa thích khiến chúng ta khó có được sự hài lòng lâu bền. Chỉ khi nào biết trân quý những gì chúng ta đang có, đang sử dụng với ý niệm biết ơn, biết đủ, chúng ta mới dừng tâm đòi hỏi và tìm cầu để sống một cuộc đời trọn vẹn với thực tại.

Thường xuyên thực hành hạnh biết ơn sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và an lành. Người không hài lòng với những gì mình đang có thì không thể ý thức được rằng mình đang thọ ơn người khác. Do vậy, thay vì khởi niệm biết ơn, họ chỉ có thể khởi tâm phàn nàn. Biết ơn, đơn giản là có cảm giác mình là người thọ lãnh và ghi nhận giá trị của những gì mình nhận được từ con người và cuộc sống. Ý niệm biết ơn là mạch máu làm tươi nhuận con tim, nuôi dưỡng khối óc và tưới tẩm tâm hồn chúng ta. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể khởi tâm cảm ơn người khác. Với cảm nhận đầy đủ về những gì mình đang có và những gì mình đang trải qua đủ để chúng ta khởi niệm biết ơn. Thân thể, vóc hình, trí tuệ, sắc đẹp, sức khỏe, tài sản, tình cảm chúng ta sở hữu trong kiếp sống này đủ để nhắc chúng ta khởi niệm cảm ơn những gì cuộc đời ban tặng. Từ trong ý niệm biết ơn, chúng ta biết cách sử dụng những gì chúng ta đang có để đem lại lợi ích cho mình, cho người, sống một cuộc đời đáng sống. Đây là cách thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn một cách thiết thực nhất.

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú và giàu có với tâm niệm biết ơn. Bằng cách ghi nhận thân và tâm này vốn đã được vay mượn từ cha mẹ thuở mới sinh ra, ghi nhận những gì chúng ta đã, đang và tiếp tục thọ nhận từ người khác trong cuộc sống hàng ngày, ghi nhận giá trị ấy để luôn nhắc nhở mình sống trong tinh thần biết ơn. Chúng ta có trọn quyền và có đủ khả năng điều khiển ý tưởng của mình để đạt được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống trên nền tảng của tâm niệm biết ơn. An lạc hay đau khổ, thật ra phần lớn đều do mình chọn lựa hơn là do hoàn cảnh hay từ những thứ bên ngoài đem lại, và tinh thần tri ân và báo ân sẽ giúp ta trong việc này.

Khởi niệm biết ơn không có nghĩa chúng ta phủ nhận - những buồn đau, thất vọng xảy ra với mình như một phần trong cuộc sống. Biết ơn là nhận ra mình còn được nhiều thứ từ cuộc đời này và hãy lấy những cái có được ấy làm toa thuốc trị bệnh đau buồn. Một khi chúng ta phàn nàn, nghĩa là chúng ta cảm thấy thiếu thốn hay không hài lòng với cuộc sống hiện tại thì chúng ta có thể khởi lên ý niệm biết ơn chăng? Cứ quay lại nhìn mình, nhìn lại những gì mình đang có, đủ để chúng ta khởi niệm cảm ơn, để tâm hồn bình an và cảm thấy hài lòng với cuộc sống còn nhiều điều bất toàn này. Vấn đề là khi biết khởi tâm biết ơn, chúng ta có đủ khả năng vượt trên những đau buồn như một cơ hội để trưởng thành. Người khôn ngoan biết lấy nghịch cảnh làm cơ hội để học hỏi và tự thân biết cách vươn lên từ trong bĩ cực nhằm hóa giải và thăng hoa nỗi đau thành niềm vui. Rác rưởi có thể sử dụng thành dưỡng chất cho cây lá tươi xanh đâm chồi nảy lộc, cho hoa trái khoe hương tỏa sắc giữa đất trời.

Khi chúng ta chú ý đến điều gì, cái đó trở nên quan trọng và chiếm vị trí trung tâm trong tất cả suy nghĩ, ý tưởng của mình. Hơn thế nữa, bao nhiêu ý tưởng liên quan đến từ khóa ấy cũng lần lượt xuất hiện. Ví như khi chúng ta gõ một từ khóa nào đó vào hệ thống tìm kiếm trên mạng, như Google chẳng hạn, thì lần lượt từng trang một, bao nội dung liên quan đến từ khóa ấy đều xuất hiện, chúng ta dễ dàng tìm tiếp và tìm tiếp nữa. Cũng như vậy, khi có một ‘từ khóa’ nào đó xuất hiện trong ý tưởng, ví dụ đó là một điều chúng ta ước muốn. Thế là biết bao ý tưởng đều từ đó phát sinh. Tương tự chim bay theo đàn, ý tưởng cuộn theo từng mảng chứ không tồn tại riêng lẻ bao giờ. Một sự thật rằng, chúng ta không nhận được những gì mình mong muốn, nên chúng ta không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nếu mỗi ngày chúng ta dành 5 phút để ước muốn thì thời gian 1.435 phút còn lại (24 tiếng đồng hồ là 1.440 phút) trong ngày chỉ để lo lắng, suy nghĩ. Vậy liệu những mong muốn của mình có thành tựu hay không? Ham muốn chỉ đến với người không hài lòng thực tại và không biết cách khởi niệm biết ơn.

Do đó, người không biết ơn thì tâm luôn lăng xăng bận rộn mà không thể hướng thượng và hướng thiện. Nếu chúng ta bình tâm quan sát bản thân mình với tất cả năng lực mình đang có, những gì mình đang sở hữu thì chúng ta sẽ đi đúng hướng trong việc dự đoán, chứ không phải mong cầu cho thỏa mãn lòng tham. Làm được thế này, tâm chúng ta sẽ trú trong “ngưỡng an toàn” và không quá bận rộn vô ích với những điều xa rời thực tế với tâm lý mệt mỏi, nhọc nhằn vì mong cầu mà không đạt được. Thay vì lao tâm khổ trí vì những ý tưởng tiêu cực do lo lắng, sợ hãi tạo ra, ý niệm biết ơn sẽ giúp chúng ta trở nên an ổn và thanh thản hơn trong cuộc sống.

Biết ơn giúp chúng ta bớt đi ý tưởng chấp ngã, mở rộng tâm hồn

Một lợi ích nữa là khi chúng ta biết khởi niệm biết ơn thì ý niệm chấp ngã của chúng ta vơi dần. Bằng cách thực hành biết ơn, chúng ta ý thức rõ ràng rằng, chúng ta đơn giản chỉ là một phần không thể tách rời của một bộ phận lớn hơn. Càng ý thức rõ ràng về mối quan hệ duyên sinh giữa mình và thế giới lớn hơn bên ngoài, chúng ta càng trở nên khiêm tốn hơn, thấy mình bé nhỏ lại và phụ thuộc nhiều vào thế giới chúng ta đang sống. Bớt đi ý niệm chấp ngã không có nghĩa là chúng ta đánh mất mình mà là biểu hiện về sự trưởng thành của nhận thức, là sự trưởng thành về khả năng giữ tâm thăng bằng và an lạc nhờ vào tâm niệm biết ơn.

Sống trên đời này, chúng ta không thể tồn tại, đó là chưa nói đến thành công, nếu không có cha mẹ, thầy, bạn và nhiều người thân hay không thân khác nữa. Hẳn là ít nhất chúng ta không thể không mang ơn những người này. Ý tưởng “những gì tôi có được ngày hôm nay là do bản thân tôi, không ai giúp cả” chỉ phản ánh cái nhìn thiển cận của người vô ơn và chấp ngã mà thôi. Chính tâm niệm biết ơn giúp chúng ta hạnh phúc trong vòng tay của người thân như cha mẹ, thầy tổ, bạn bè. Đây là động cơ để mở lòng sống tốt với mọi người và là cách hướng đến con đường thánh thiện trong mọi tình huống. Khi bắt đầu cảm nhận được lợi ích và ý nghĩa với những gì mình trải nghiệm, chúng ta dễ dàng thấy điều hay, lẽ đẹp nơi người khác. Biết ơn giúp cho chúng ta có niềm tin nhiều hơn trong các mối quan hệ. Biết ơn giúp chúng ta cảm nhận được những gì mình thọ nhận từ người khác để dễ dàng khởi niệm đền ơn. Lưu tâm đến cái tốt, cái đẹp thì những tâm niệm và hành động tốt đẹp dễ dàng phát sinh và chúng ta có thể nhân rộng những điều thiện lành trong cuộc sống và rộng dần ra từ nơi chúng ta sinh sống.

Với tâm rộng mở trong tinh thần biết ơn, chúng ta dễ tha thứ hơn, nhờ đó các vết đau tâm lý dễ chữa lành hơn. Tha thứ là chìa khóa để chữa lành vết thương tâm lý và cảm xúc, đồng thời, tha thứ chỉ có thể làm được khi khởi lên ý niệm biết ơn. Trong đau buồn mà vẫn thấy mình “được” chứ không mất, chúng ta mới có thể khởi niệm biết ơn và dễ dàng tha thứ. Tha thứ có thể thuần túy diễn ra từ trong ý niệm thông qua trị liệu, thiền định, thực hành tâm từ bi và sẵn lòng cảm thông đối với tất cả mọi người. Tha thứ cho chính mình hay người nào đó là chất liệu nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành hơn và chữa lành vết thương lòng nhanh hơn.

Biết ơn giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống

Trong những tình huống khó khăn nhất, tâm chúng ta chùn xuống và các tâm lý tiêu cực đua nhau xuất hiện trên bề mặt ý thức. Điều này làm cho nỗi đau trương phồng thêm lên một cách không cần thiết. Trong những tình huống như vậy, nếu chúng ta bình tâm nhìn lại để kịp nhận ra rằng, những gì chúng ta đang có, kể cả nỗi khổ niềm đau vừa lưu dấu trong tâm, là món quà vô giá để chúng ta khởi tâm cảm ơn tất cả. Sự mất mát để lại niềm đau, nhưng đáng giá hơn là bài học vô thường sinh động mà cuộc đời ban tặng. Chúng ta hãy biết ơn điều này và với tâm lý biết ơn như vậy, đau thương mất mát được chữa lành nhanh chóng.

Biểu hiện lòng biết ơn đối với người khác có nghĩa là chúng ta đang dành cho người ấy một sự ghi nhận và hỗ trợ tinh thần với ngụ ý rằng việc người ấy làm cho chúng ta là có ý nghĩa. Điều này tạo cho người ấy tăng thêm niềm tin việc mình làm là đúng, từ đó khởi tâm hoan hỷ, tinh thần phấn chấn hơn và sống bình an hơn.

Nếu thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi mới mẻ trong ta và trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được sự đóng góp của người khác vào sự thành công của bản thân mình một cách dễ dàng. Mỗi bước tiến trên lộ trình tâm linh là mỗi cơ hội để chúng ta thể hiện tâm biết ơn của mình. Biết ơn chính là động cơ, là nền tảng cho mỗi bước tiến trên con đường hướng thiện của bản thân mỗi người. Với sự biến đổi không ngừng của môi trường và cuộc sống, chúng ta phải luôn xem lại mình để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Mỗi lần thích nghi với môi trường hay hoàn cảnh mới, chúng ta có cơ hội cảm ơn tất cả để chúng ta có thể vươn lên một nấc thang cao hơn, một trạng thái hài lòng được thiết lập trong quá trình tu tập.

Ngay cả trong hoàn cảnh không như ý, chúng ta cũng nên khởi tâm biết ơn vì nhờ có khó khăn, thất bại chúng ta mới có dịp hiểu rõ khả năng thực tế và kỹ năng xoay xở tình huống của bản thân, cũng như có dịp quan sát những tâm lý khởi lên và dâng trào đến mức độ nào trong bối cảnh bất như ý đó. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta định hướng, hạ quyết tâm để đứng vững và bước chắc trên con đường hướng thượng nhằm hoàn thiện nhân cách của mình.

Biết ơn đem lại nhiều lợi ích từ cơ thể khỏe mạnh đến tâm lý ổn định, tinh thần sảng khoái và làm tươi mát cuộc sống nội tâm cũng như trong các quan hệ giao tiếp với người xung quanh. Nếu thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ có cái nhìn thực tế, rõ ràng và chính xác hơn qua lăng kính duyên sinh về khả năng thực tế của bản thân, về sự góp phần của con người, môi trường và những sắc màu mình trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Qua lăng kính của biết ơn, mọi vật trở nên trong sáng hơn, con người ngày càng trưởng thành hơn và cuộc sống mỗi ngày càng thêm tươi đẹp hơn.

Liên Trí

________________

Tài liệu tham khảo

Emmons, R A. & Shelton, C. M. (2002). Gratitude and the science of positive psychology. In: Handbook of positive psychology. Snyder, C. R.; Lopez, Shane J.; New York, NY, US: Oxford University Press. 459-471.

Pruyser, P.W. (1976). The minister as diagnostician: Personal problems in pastoral perspective. Philadelphia, PA: Westminster Press.

Tachibana (1992/1975). The ethics of Buddhism. London: Curzon Press.

Thích Minh Châu (dịch) (1996). Tăng chi bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Thích Minh Châu (dịch) (1997). Trung bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Thích Minh Châu (dịch) (1997). Tương ưng bộ kinh. TP.Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Bát Chánh đạo: quản trị khủng hoảng, tạo nền bình an

Bát Chánh đạo: quản trị khủng hoảng, tạo nền bình an

Đăng lúc: 10:12 - 01/07/2016

Dù là cá nhân, tổ chức hay quốc gia, mọi khủng hoảng đều xuất phát từ vô số cái nhân không đúng đắn. Có hai việc mà người đời thường nhìn nhận thiếu chính xác về việc này. Một là người ta cho rằng khủng hoảng đến từ bên ngoài, “từ trên trời rơi xuống”, hai là chỉ thấy hậu quả, rồi ra sức đi dẹp hậu quả.

Thế nhưng, cội nguồn của khủng hoảng đa phần xuất phát ngay từ bên trong, và hậu quả chỉ là phần ngọn. Khi bên trong gieo hạt giống không tốt, thì lấy gì có đời sống bình yên?
fgg.jpg
Giữ thân khẩu ý theo Bát Chánh đạo là xây dựng nền tảng an ổn từ bên trong

Với cá nhân, khủng hoảng là do chuỗi nguyên nhân trong quá trình từng cá thể sống và ứng xử với cuộc sống. Với tổ chức thì đó là cả hệ thống vận hành của bộ máy có tương tác và ảnh hưởng đến con người, môi trường và cộng đồng. Vì là tác động hai chiều, nên khủng hoảng luôn có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Nhiều tập đoàn truyền thông lớn “bán chạy” các bộ quy tắc ứng xử khi có khủng hoảng. Trên các trang mạng xã hội cũng truyền nhau các quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông. Thế nhưng, cho dù các bộ quy tắc ấy có ưu việt đến đâu, thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn - hỗ trợ dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy.

Vấn đề là, làm sao để hạn chế tối đa việc xảy ra khủng hoảng và trong nguy cơ vẫn có thể xây dựng hình ảnh đẹp cho cá nhân, tổ chức? Thực tế cho thấy, cá nhân hay tổ chức có được sự an ổn ngay từ bên trong thì mới tránh được khủng hoảng ở mức thấp nhất. Nếu có xảy ra mâu thuẫn thì cũng sẽ biết xử lý đẹp dựa trên các giá trị và uy tín sẵn có.

Chìa khóa nào tạo ra bình an ngay từ bên trong? Đó là Bát Chánh đạo, một trong những thuyết thoát khổ vi diệu từ nhà Phật, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định. Cấu trúc của quản trị khủng hoảng có 4 phần cơ bản: một là kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ; hai là ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống; ba là giải quyết khi khủng hoảng đã diễn ra; cuối cùng là hành động hậu khủng hoảng. Vậy, làm thế nào để áp dụng Bát Chánh đạo và 4 phần cơ bản này một cách nhuần nhuyễn?

Phần một - kiểm soát hành vi và thông tin nội bộ, là phần tạo tiền đề đầu tiên cho một nội tại vững chãi, an ổn. Phần này như cái móng của một ngôi nhà. Móng chắc thì nhà vững. Bát Chánh đạo cần được áp dụng đầy đủ trong phần này. Tuy nhiên, có thể tập trung vào 3 điểm chính.

Thứ nhất là chánh nghiệp. Đó là hành động đúng, theo lẽ phải. Cá nhân thì sống không hại đến người khác, hành động có lương tâm trong địa vị của mình. Đối với tổ chức thì phải có hệ thống quản trị khoa học, minh bạch, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ tốt cho cộng đồng và môi trường sống, biết xây dựng và giữ gìn thương hiệu công ty, bộ mặt tổ chức. Một công ty bán thực phẩm mà dùng quá nhiều hóa chất, bán hàng hết hạn sử dụng ra thị trường là không chánh nghiệp.

Thứ hai là chánh mạng. Với cá nhân, đó là sống đúng đời sống của mình, bằng năng lực của mình. Với tổ chức thì làm ăn, vận hành ngay thẳng, bán đúng sản phẩm dịch vụ đã đăng ký với pháp luật, làm tròn trách nhiệm với nhân viên, với cộng đồng xã hội, không trốn thuế… Biết giữ chữ tín là điều luôn cần thiết đối với cá nhân hay tổ chức. Làm sao mà khi nhắc đến cái tên của mình, tổ chức của mình, người ta thấy có sự nể trọng, đó là đã chánh mạng.

Thứ ba là chánh tinh tấn. Thường xuyên thực hành và duy trì điều đúng đắn. Với cá nhân thì chuyên làm việc tốt, trau dồi trí tuệ. Với tổ chức thì phải thường xuyên xem lại hệ thống quản trị của mình, từ quản trị con người, tài chính, vật chất, sản phẩm hay dịch vụ… Để luôn bảo đảm rằng tổ chức mình đang phục vụ tốt cho cộng đồng và sẽ mãi luôn như thế.

Ngăn chặn ngay khi nhìn thấy mầm mống là phần trung gian và thường xuyên xảy ra nhất. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng sẽ rất nhiều lần trong đời gặp nghịch cảnh, điều bất như ý. Ai nắm được phương pháp thì sẽ giải quyết ngay tại đây để khủng hoảng không có nguy cơ xảy ra. Có 3 con đường lớn phù hợp cho giai đoạn này.

Đầu tiên là chánh định. Đó chính là tập trung để nhìn thấy sự việc đúng sai một cách sáng suốt. Lúc xảy ra nghịch cảnh, tâm càng định thì càng dễ dàng nhìn thấu sự việc. Lúc này, chánh định chính là biết nhìn cho ta, cho người, tâm sáng không phiến diện để giúp phân tích sự việc một cách khách quan nhất có thể.

Tiếp theo, chánh kiến sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho chánh định. Càng có kiến thức, hiểu biết sâu rộng, trí tuệ sáng thì càng giúp cá nhân hay tổ chức nhìn rõ vấn đề đang diễn ra, nguy cơ nào sẽ xảy đến.

Cuối cùng là chánh tư duy, là suy nghĩ chín chắn để đưa ra những quyết định hợp lý, vừa tốt cho mình, tốt cho người vừa có thể giải quyết trong hòa bình điều bất như ý đang xảy ra.

Tóm lại, khi đối diện với nghịch cảnh có nguy cơ thành hoạ, nếu ta biết tĩnh tâm suy nghĩ, là người có kiến thức sâu rộng, có nền tảng tốt và suy nghĩ chín chắn, có tâm từ bi nhìn cho người, cho cộng đồng, cho chính mình, thì cá nhân hay tổ chức có thể “chuyển rác thành hoa”. Thông thường, nếu giai đoạn này xử lý không tốt thì sẽ đưa đến khủng hoảng truyền thông.

Khi khủng hoảng xảy ra rồi, làm thế nào đây? Đó là phải đi theo hai con đường chánh ngữ và chánh nghiệp. Lời nói đúng, hay, đẹp xuất phát từ tâm từ bi sẽ dễ dàng đi vào lòng người, dễ được người khác cảm thông. Trong mọi cuộc khủng hoảng, cảm xúc của con người là quan trọng nhất. Không có đúng sai tuyệt đối. Cũng không phải vì đúng mà nói lời trịch thượng, hoặc sai mà làm liều. Đừng trú vào ngôn ngữ thô lậu để sân hận. Nhưng nói không thì không đủ, kèm theo đó là hành động đúng đắn để sửa chữa sai lầm. Hành động đi đôi với việc làm đẹp thì khủng hoảng sẽ được xoa dịu ở mức thấp nhất, có thể biến cuộc chiến thành hòa bình.

Cuối cùng, khi khủng hoảng qua đi, hãy chánh niệm! Nghĩ về những hậu quả trong quá khứ để hành động đúng trong tương lai. Biết hổ thẹn với những gì mình làm sai để tiến tới việc làm đúng về sau.

Thực tập Bát Chánh đạo là tu tập thân - khẩu - ý, vốn là những nơi tạo nghiệp, tạo các cơn sóng dữ gây nên những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ. Giữ cho thân khẩu ý theo Bát Chánh đạo, cá nhân và tổ chức không chỉ tránh những khủng hoảng, mâu thuẫn, xung đột mà trên hết là xây dựng được nền tảng vững vàng, an ổn từ bên trong. Cuối cùng, mọi sự từ tâm mà ra. Tâm của cá nhân, tâm của tổ chức, tâm của quốc gia, tâm của vũ trụ.

Tâm yên, vạn vật yên.

Sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm gia trưởng

Sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm gia trưởng

Đăng lúc: 07:05 - 11/11/2015

Hỡi các em, các người trẻ, các em khi lớn khôn chuẩn bị bước vào đời hãy lắng nghe và suy ngẫm lại nhận thức của chính mình cho chín chắn. Thật ra người nữ có 5 cái khổ mà người đàn ông không thể nào giúp được. Cái khổ thứ nhất là lớn lên lấy chồng phải một mình về xứ lạ quê người làm dâu không người thân thuộc.


Cái khổ thứ hai khi có kinh nguyệt phải chịu nhọc nhằn, mệt mỏi trong ngày ấy. Cái khổ thứ ba phải chịu ốm nghén, nặng nề khi mang thai đứa con trong bụng. Cái khổ thứ tư là “vượt cạn” một mình trong đớn đau “banh da xẻ thịt”. Cái khổ thứ năm là hầu hạ đàn ông. Đó là 5 nỗi khổ thầm kín mà tất cả người nữ phải gánh chịu, những nỗi khổ này cánh đàn ông không thể nào thay thế được. Các em trai thanh niên trước khi lập gia đình cần phải quán chiếu sâu sắc về 5 nỗi khổ của phái đẹp để dễ bề thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn bằng trái tim hiểu biết.

Chuyện xưa kể có hai vợ chồng trẻ mới lấy nhau sống rất hạnh phúc thì đất nước bị chiến tranh, chàng trai phải lên đường nhập ngũ để lại người vợ với nỗi nhớ niềm thương cùng đứa con trong bụng. Chiến tranh đã làm ly tán đôi vợ chồng, kẻ ở người đi trong ngậm ngùi thương tiếc. Nàng giờ cô đơn lạc loài phải một mình làm lụng nuôi con trong âm thầm, lặng lẽ. Xưa nay ta thường nghe nói “gà trống nuôi con”, tức hàm ý khen ngợi đàn ông nuôi con một mình. Nhưng thật sự, người nữ có con và nuôi con một mình trong bối cảnh người chồng đi lính quả thật rất khó khăn. Việc nuôi con trong thời buổi chiến tranh loạn lạc không đơn giản và dễ dàng, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn làm tròn sứ mệnh vừa làm mẹ, vừa làm cha.

Chiến tranh chấm dứt, 4 năm sau chàng được giải ngũ trở về, lòng tự nhủ thầm không biết con mình là trai hay gái, nếu nó là trai thì phải giống chàng như đúc, nếu là gái chắc giống nàng không sai. Về đến quê nhà chàng gặp lại vợ cùng đứa con trai kháu khỉnh lòng vô cùng sung sướng trong niềm hạnh phúc vô biên, chàng mừng thầm vì đã có con nối dõi tông đường. Hai người gặp lại trong xúc động nghẹn ngào đến nỗi vừa mừng vừa khóc. Người vợ sau đó đi chợ mua thức ăn để nấu cúng tổ tiên mừng gia đình đoàn tụ. Người chồng ở nhà gọi con lại bảo, “con của ba, con lại đây để ba hôn con nè!” Đứa con nghe vậy ngạc nhiên nói, “chú không phải là ba của con, ba của con ban đêm mới về, đêm nào ba cũng nói chuyện với mẹ rất lâu. Mẹ khóc ba cũng khóc theo, mẹ ngồi thì ba ngồi, mẹ nằm thì ba nằm, đêm nào ba và mẹ cũng vậy. Chú không phải là ba của con”.

Người cha trẻ nghe xong choáng váng cả mặt mày, sự thật quá phũ phàng, nàng đành thay lòng đổi dạ đến thế ư! Tim chàng bỗng nhiên chai cứng lại, lời trẻ thơ như gáo nước lạnh tạt vào mặt, bao nhiêu ước mơ được gặp lại vợ và con giờ tan thành mây khói. Chàng trai đau khổ tột cùng khi nghĩ vợ đã nằm trong vòng tay kẻ khác, đã ngoại tình và phản bội chàng. Chàng không thèm nhìn vợ, không thèm hỏi han, không thèm nói chuyện vì nghĩ vợ là người đàn bà mất nết. Khi dâng cơm cúng tổ tiên chàng vô cùng buồn bã mà quỳ lạy một mình, không cho vợ lạy chung. Người vợ đau khổ và xấu hổ vô cùng, nàng hỏi nguyên do nhưng chàng không nói, cúng xong chàng cũng không dùng cơm mà bỏ ra quán ngồi nhậu đến hai ba giờ sáng mới về.

Cứ như thế ngày nào cũng vậy, chàng bỏ mặc vợ và con côi cút, bơ vơ, thầm thương trộm nhớ. Chàng chỉ về nhà khi đã say mèm, chẳng thèm ăn cơm, chẳng chịu nói chuyện với vợ hay vui đùa cùng con. Ba ngày sau người vợ chịu không nổi cảnh tượng dửng dưng, khinh khỉnh, thầm lặng của chồng nên đâm đầu xuống sông tự tử. Đây là câu chuyện tình thuở xưa ông cha ta viết lại để khuyên người trẻ đừng vì thấy nghe sai lầm mà vội vàng ôm mối nghi ngờ, đành lòng kết án oan cho người bạn đời, để cuối cùng mình là nạn nhân của bao điều lầm lỗi, chưa vui sum họp đã sầu chia ly.

Hỡi các em, các người trẻ, các em khi lớn khôn chuẩn bị bước vào đời hãy lắng nghe và suy ngẫm lại nhận thức của chính mình cho chín chắn. Thật ra người nữ có 5 cái khổ mà người đàn ông không thể nào giúp được. Cái khổ thứ nhất là lớn lên lấy chồng phải một mình về xứ lạ quê người làm dâu không người thân thuộc. Cái khổ thứ hai khi có kinh nguyệt phải chịu nhọc nhằn, mệt mỏi trong ngày ấy. Cái khổ thứ ba phải chịu ốm nghén, nặng nề khi mang thai đứa con trong bụng. Cái khổ thứ tư là “vượt cạn” một mình trong đớn đau “banh da xẻ thịt”. Cái khổ thứ năm là hầu hạ đàn ông. Đó là 5 nỗi khổ thầm kín mà tất cả người nữ phải gánh chịu, những nỗi khổ này cánh đàn ông không thể nào thay thế được. Các em trai thanh niên trước khi lập gia đình cần phải quán chiếu sâu sắc về 5 nỗi khổ của phái đẹp để dễ bề thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn bằng trái tim hiểu biết.

Ngày xưa với quan niệm chồng chúa vợ tôi, vai trò người nữ bị khép kín trong phạm vi gia đình với bao điều phiền muộn, khổ đau. Họ phải chịu nhiều cay đắng, một mình đơn độc về làm dâu xứ lạ không người thân thích. Theo quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng”, người nữ thời ấy chỉ một mực thờ chồng, thậm chí nhiều người phải đi cưới vợ bé cho chồng, nên có câu “thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Chế độ chồng chúa vợ tôi nên người đàn ông được quyền lấy nhiều vợ và người phụ nữ nếu dan díu cùng người khác sẽ bị xử tội rất nặng. Đó là luật pháp thời xưa khiến người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi mà không có quyền bào chữa. Họ phải chấp nhận thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu là vì vậy.

Nhưng thói đời đục thường nhiều hơn trong, chỉ một vấn đề làm dâu hầu hạ cha mẹ chồng đã là một nỗi khổ lớn và phải lệ thuộc anh chị em nhà chồng. Người xưa quan niệm “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, đàn bà là loại cỏ dại chỉ có nhiệm vụ hầu chồng, thờ chồng, phụng sự gia đình chồng, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường nhà chồng. Họ phải chấp nhận luật Tam tòng, khi chưa xuất giá phải thờ cha, khi có chồng phải thờ chồng, đến khi chồng chết chỉ biết thờ con, không được quyền tái giá. Đó chính là những bất công buộc người nữ phải chịu nhiều hệ lụy khổ đau mà không nói được. Các em ngày nay chuẩn bị bước vào đời để được sống yêu thương và hiểu biết, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ cần phải biết những nỗi khổ thầm kín ấy.

Trở lại câu chuyện chàng trai đi chiến trận trở về gặp lại người vợ và đứa con thơ dại. Đúng ra người cha khi nghe con nói vậy phải tìm hiểu kỹ càng, xác đáng sự việc. Chàng cứ nghĩ trẻ thơ đâu bao giờ nói sai sự thật nên cứ một mực tin càn, chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân. Thật ra, khi chàng đi lính, đứa bé ở nhà một hôm hỏi mẹ “ai trong xóm này cũng có cha, sao con lại không có?” Người mẹ khi ấy chỉ vào cái bóng trên vách nói “cha con đó”. Đứa bé nghe mẹ nói vậy tưởng thật nên tin đó là cha mình. Một buổi tối trời đang mưa tầm tã, người vợ trẻ bồng đứa con trên tay dưới ánh đèn leo lét chợt nhớ người chồng bao năm xa cách mà cất tiếng khóc nghẹn ngào. Đứa bé thấy vậy mới hỏi, “bộ cha đánh mẹ hả?”, trẻ thơ thật thà nào có biết gì đâu.

Người vợ trẻ trong thời loạn lạc tình yêu thương chưa trọn vẹn mà phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề. Một mình ôm đứa con trong bụng và phải tự mình nuôi dưỡng. Đây là nỗi khổ, niềm đau lớn lao của người vợ trẻ một mình vượt cạn, vừa làm mẹ, vừa làm cha. Một người vợ cùng chồng nuôi con vất vả một thì người vợ đơn phương nhọc nhằn hơn chục lần như thế. Vậy mà sử sách ít bao giờ tán dương phụ nữ mà chỉ tán dương đàn ông bằng câu nói “gà trống nuôi con”. Người vợ trẻ một mình nuôi con đêm ngày mong ngóng, mỏi mòn chờ chồng, thậm chí rất nhiều người phải khóc hận nuôi con vì chiến tranh loạn lạc đến hai ba chục năm mới gặp lại. Ấy thế mà chưa vui sum họp đã sầu chia ly, chàng trai ấy chưa cảm thông nỗi khổ niềm đau thầm kín của vợ trong 4 năm qua.

Đứa con tuy không có cha trực tiếp chăm sóc từ khi mở mắt chào đời, nhưng nhờ sự yêu thương, bảo bọc của mẹ đứa bé vẫn được sống an vui, hạnh phúc. Ngày chồng trở về tưởng được thêm phần hạnh phúc, thêm ấm nồng tình vợ chồng cùng đứa con thơ, thật không ngờ giông bão lại kéo đến. Người vợ quyên sinh vì sầu thương, buồn tủi, người chồng ở lại liệu có thể “gà trống nuôi con”? Người vợ trẻ ấy đã rất bơ vơ, lạc loài ôm bào thai trong bụng khi người chồng đi chinh chiến phương xa. Xưa có chồng ở nhà thì chẳng lo cơm áo gạo tiền, chỉ lo chu toàn mọi việc trong nhà, giờ một mình gánh thêm gánh nặng, phải bảo bọc, che chở đứa con, lần bước vào đời tìm chén cơm manh áo.

Chàng trai trẻ không có cơ hội quán chiếu sâu sắc về sự khó khăn và khốn khổ của vợ khi mình đi chinh chiến, nàng ở nhà nhận lãnh vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha và phải sống cô đơn, hiu quạnh một mình. Đến ngày khai hoa nở nhụy cũng chỉ mình nàng phải vượt cạn một mình, chỗ này đàn ông không thể nào thay thế, nên mới có câu “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Không có chồng ở nhà để động viên, khuyên nhủ, chăm sóc khi cần thiết, vậy mà nàng vẫn cố gắng chịu đựng để vượt qua mà vươn lên nuôi dạy con khôn lớn. Bao nhiêu năm nhọc nhằn, cực khổ nuôi con, mỗi lúc nhớ chồng nàng khóc một mình trong cô đơn, buồn tủi. Lúc nào nàng cũng ngóng trông, mong đợi và thầm cầu nguyện chiến tranh mau chấm dứt để có ngày được cùng chàng đoàn tụ.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, người vợ trẻ mừng đến rơi nước mắt, bao nhiêu ước mơ bây giờ đã thành sự thật. Trong lòng nàng cứ nghĩ chắc chắn chàng sẽ bù đắp hạnh phúc cho nàng sau bao năm xa cách, vừa đi chợ, vừa tưởng tượng chắc chàng sẽ yêu thương mình nhiều hơn. Không ngờ mọi việc thật tréo ngoe, vừa đi chợ về nàng đã thấy chàng mặt lạnh như tiền, nàng hỏi gì chàng cũng không trả lời, chẳng thèm nói năng, ngó ngàng đến nàng. Sự thật là chàng đã hiểu lầm nàng, đứa bé vì muốn có cha nên nàng đã chỉ cái bóng trên vách mà nói “đó là cha con”. Cứ như thế đêm nào cũng vậy, nàng nhớ chồng da diết và phải chỉ bóng mình mà nói “cha của con về đó”. Bây giờ thì nàng đã vĩnh viễn ra đi, đã ôm mối hận thiên thu không thể nào trở lại, thần thức nàng có lẽ vẫn còn lẩn quẩn bên mái nhà xưa để được nhìn con thơ bé bỏng và mong chồng sẽ hiểu được lòng mình hơn. Đứa con thơ dại sau bao năm sống thiếu tình cha, giờ cha đã có nhưng mẹ lại không còn. Chàng trai ấy giờ đã biết mình sai, đã nhận ra điều lầm lẫn lớn lao nhưng vợ đâu còn nữa, giờ thật sự có ăn năn hối tiếc thì cũng quá muộn màng.

Các em hiện giờ có đầy đủ phúc duyên còn có cha, có mẹ, các em đang được sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Vậy các em ngay tại đây và bây giờ phải biết trân quý, phải biết gìn giữ khi được sống trong vòng tay âu yếm của mẹ cha. Các em biết không, tôi nhờ vậy mà được làm người trở lại, nhờ sự chịu đựng hy sinh và hết lòng thương yêu của mẹ mà tôi bây giờ mới có cơ hội tâm tình, trao đổi với các em bằng tất cả tấm lòng chân thành tha thiết. Khi con người đã có những hiểu biết sai lầm thì nghi ngờ, giận dỗi, tự ái phát sinh làm cho ta không làm chủ bản thân mà phán xét mọi việc sai sự thật. Chàng trai ấy không có sự cảm thông nỗi khổ, niềm đau của người vợ trẻ phải ở nhà một mình vượt cạn, nuôi con; do đó cứ nghĩ trẻ thơ không bao giờ nói dối mà đem lòng oán trách vợ không một lời tìm hiểu, hỏi han để rồi chính tri giác sai lầm mà làm chết đi người vợ thủy chung oan uổng. Này các em, các người trẻ, các em nên đọc kỹ câu chuyện trên để có thời gian suy ngẫm, tìm hiểu trước khi muốn phán xét hay kết luận một điều gì. Các em nên tìm hiểu cho chín chắn, kỹ càng, nếu không như vậy sẽ vô tình làm khổ cho mình và tha nhân khi bước vào đời với bao phiền muộn, khổ đau.

Tri giác sai lầm thường làm con người mất hết lý trí sáng suốt, do đó nhận định và quyết đoán mọi điều không đúng với sự thật mà dẫn đến nhiều tai hại. Là người thanh niên hay người đàn ông trước khi bước vào đời các em phải định hướng, phải tìm hiểu chân lý sống cho rõ ràng. Thường cái gì cứng thì dễ gãy, cái gì mềm dẻo lại dễ tồn tại. Cụ thể nhất là răng cứng nên dễ gãy, lưỡi mềm nên dễ uốn. Các em vào đời cũng phải như vậy! Bao nhiêu cuộc tình đã đổ vỡ vì hiểu biết sai lầm, vì cố chấp, vì không biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Vì vậy các em phải cần tìm hiểu cho chín chắn những gì mắt thấy tai nghe trước khi kết luận hay tin tưởng bất cứ việc gì.

Chàng trai ấy lẽ ra phải hỏi vợ mình sự thật ra sao, nếu chàng hỏi rõ thì đâu có chuyện làm đau lòng nhân thế. Nếu giả sử vợ chàng có như thế, cô ấy thật sự đã phản bội chàng thì chàng cũng nên nghĩ lại mà tha thứ, cũng nên cảm thông, độ lượng mà bao dung cho nàng. Suốt thời gian chinh chiến ai nuôi dạy con chàng, ai bảo bọc vợ chàng để còn sống mà chờ chàng đoàn tụ. Nếu có chàng cũng nên can đảm mà mạnh dạn cám ơn người ấy, vì người ấy đã cho con và vợ chàng một sự sống ấm no, trọn vẹn, nhờ vậy có ngày hôm nay chàng có cơ hội gặp lại vợ và con. Ấy vậy mà, vợ chàng xứng đáng là một người vợ ngoan hiền, mẫu mực, đạo đức, thủy chung, dù chịu cô đơn một mình ngậm đắng nuốt cay nàng cũng chấp nhận đi biển một mình để “mẹ tròn con vuông”. Chàng đâu hề biết trong suốt 4 năm ròng chinh chiến phương xa, vợ của chàng phải chịu nhiều đắng cay, khổ sở khi chấp nhận làm thuê làm mướn, cực khổ nhọc nhằn miễn có tiền nuôi con, bất chấp tiếng đời dèm pha, chê trách. Chàng chưa phải là một người đàn ông đích thực, chàng chưa phải là một người đàn ông bản lĩnh, chưa phải là một người chồng lý tưởng vì chỉ biết nghĩ đến mình quá nhiều.

Thật ra chàng sống quá ích kỷ, quá nhỏ nhoi, quá hèn mọn, quá tự ti, quá cố chấp, chàng không xứng đáng là một đấng nam nhi đại trượng phu. Vợ chàng đã mang đứa con trong bụng là giọt máu của chàng, nàng phải một mình mang nặng đẻ đau, tần tảo sớm hôm nuôi con thơ dại, một mình gặm nhấm cô đơn, nhớ chồng da diết, lặng lẽ ngóng trông mòn mỏi, khát khao chờ đợi ngày chàng trở về. Đúng ra vợ chồng xa cách đã 4 năm, khi gặp lại chàng phải thầm cám ơn vợ sao quá đỗi tuyệt vời, một thân một mình thức khuya, dậy sớm tần tảo nuôi con không quản ngại gian lao, khó nhọc; để ngày hôm nay chàng được gặp con, được có con mà nối dỗi tông đường. Chàng thật sự quá ư diễm phúc khi có được một người vợ như vậy, tại sao chàng không biết trân quý, tìm cách bù đắp lại cho cô ấy?

Tôi ngày xưa còn tệ bạc hơn nhiều, tôi bỏ vợ khi mới sinh con chỉ vừa đầy tháng cùng đứa con trai mới tròn 3 tuổi. Vậy mà cô ấy không hề uất hận, vẫn lặng lẽ một mình nuôi con lao nhọc trăm bề. Nhưng vợ chàng phải một mình mang nặng đẻ đau, một mình nuôi con trong thời chiến tranh loạn lạc cùng tiếng đời thị phị còn khó khổ trăm bề hơn thế, vậy mà chàng nỡ dửng dưng, lạnh lùng, không thương tiếc. Nếu chàng biết cởi mở, bao dung, mở rộng tấm lòng một chút thì làm sao có chuyện phải tiếc hận ngàn thu. Chàng có dám bảo đảm sẽ ở vậy nuôi con để được người đời tán dương, khen ngợi? Hiện giờ con chàng còn quá nhỏ, nó đâu biết vì sao mẹ chết, khi lớn khôn rồi phải giải thích ra sao?

Nó sẽ nghĩ gì khi biết sự thật về cách cư xử thiếu hiểu biết của cha nó, sẽ chấp nhận mọi chuyện thế nào đây? Tôi ngày xưa vì đam mê hưởng thụ quá đáng nên sai lầm do quá ngu si, mê muội; còn chàng sai lầm do quá cố chấp vào tri giác của mình. Tôi và chàng cả hai đều sai, trong cuộc đời này vẫn có những cái sai tương tự như thế tràn ngập khắp thế gian. Vì thế ngày nay tình trạng bạo hành học đường, bạo hành gia đình hầu như tràn lan khắp mọi miền đất nước. Con người do đam mê hưởng thụ, do cố chấp và bảo vệ thành trì bản ngã của mình; cái gì của mình thì cho là đúng nên chấp chặt, ai làm khác đi thì không được, từ đó phát sinh tự ái, giận hờn, phá bỏ, gây khổ đau cho nhau.

Trong cuộc sống khó ai không mắc sai lầm, nhưng có những sai lầm chúng ta có thể tháo gỡ và sửa chữa, cũng có những sai lầm sau khi biết được đã trở thành vết sẹo khổng lồ khó mà phai mờ trong tâm trí. Chàng trai trẻ giờ biết ra thì đã quá muộn màng, chồng vô tình giết chết vợ mình khiến con thơ phải lạc loài, mất mẹ. Liệu chàng có thể đứng vững mà “gà trống nuôi con”, hay sẽ rơi vào khủng hoảng, mất tự chủ để rồi dìm chết cuộc đời bằng những ly rượu đắng, sáng xỉn, chiều say, tối lai rai. Một thời trai trẻ tôi đã từng dìm mình dưới ao nước giữa ban đêm đến năm mười tiếng đồng hồ cũng vì chút hờn ghen bóng gió, tức quá nói không được nên đúng là khùng chẳng ra khùng, điên chẳng ra điên. Trong men say tình ái vì tri giác sai lầm mà không biết bao cuộc tình tan vỡ, tôi khi đó như con cú quạ lúc ban ngày. Giờ ngồi ngẫm lại cả một thời son trẻ không biết bao là lỗi lầm đáng tiếc.

Còn làm người, còn có sự sống là còn có sai lầm, khó có ai được hoàn hảo, ngoại trừ các bậc Thánh nhân, các bậc Bồ tát. Tôi ngày hôm nay có cơ hội làm lại cuộc đời nhờ gặp Phật pháp nên chỉ có đôi lời khuyên nhủ cùng các em, các em hãy nên chín chắn suy nghĩ kỹ càng khi bước vào dòng đời nghiệt ngã với muôn ngàn đắng cay. Các em đừng để tri giác sai lầm của mình làm chủ, sai sử như câu chuyện tôi đang kể cho các em nghe. Các em hãy tự hỏi mình từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu? Các em hãy tự hỏi như vậy chứ không chỉ biết nam nữ lớn lên thì phải có vợ, có chồng rồi sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Nếu các em chỉ hiểu biết bấy nhiêu thôi thì chưa đủ, các em cần phải tiến xa thêm một bước nữa. Các em muốn duy trì giống nòi làm người để phục vụ nhân loại, đóng góp cho tha nhân là một điều tốt, nhưng các em cần phải biết làm thế nào để trở thành người tốt luôn sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

21(17)

Anh hùng Lý Thường Kiệt với tinh thần hộ quốc an dân

Đăng lúc: 20:57 - 27/07/2015

Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội). Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Do có công lao to lớn dẹp Tống bình Chiêm nên được vua triều Lý kết nghĩa huynh đệ đổi tên là Lý Thường Kiệt.
Ông sinh năm 1019, mất tháng 6 năm Ất Dậu (1105) hưởng thọ 86 tuổi. Ông từng làm quan lớn dưới ba triều đại: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và trực tiếp làm Tổng Trấn Thanh Hoá gần 20 năm (1082-1101).
Ông có công rất lớn trong việc xây dựng và gìn giữ đất nước cũng như việc dẹp Tống, bình Chiêm, chặn đứng các cuộc xâm lược của ngoại bang, đem lại bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho mọi người, nên các vua thời Lý tin tưởng, giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng và được nhân dân yêu mến kính phục tôn thờ như vị Thánh sống.
Sau hơn bốn chục năm phụ giúp triều đình nhà Lý phá tan ngoại bang xâm lược nhà Tống và bình Chiêm. Ông đã điều hành chính sự cho đất nước được yên ổn về mọi mặt. Năm 1082, Thái uy Lý Thường Kiệt được phân công về làm Tổng Trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất quan trọng ở phía Nam của đất nước.
Ông làm Tổng Trấn Thanh Hóa gần 20 năm (từ 1082 đến 1101), giúp cho tất cả nhân dân được cơm no áo ấm, muôn nhà sống yên vui, hạnh phúc nhờ biết đưa Phật pháp vào trong đời sống gia đình, xã hội và phá bỏ các hủ tục có hại.

Chính ông là người đã thành lập ngôi chùa Linh Xứng tại núi Ngưỡng Sơn, (tức núi người con gái đẹp) ngày nay thuộc xã Hà Ngọc, Huyện Hà Trung Tỉnh Thanh Hóa. Thiền sư Hải Chiếu đã hết lời ngợi ca trong bia Chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn như sau:
Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn”.
Ngoài việc làm cho vùng đất tiếp giáp phía Nam của đất nước được yên ổn, vững mạnh, ông còn có công rất lớn trong việc phát triển chùa chiền và trùng tu lại rất nhiều chùa, làm cho đạo Phật ở Thanh Hóa lúc bấy giờ được phát triển hưng thịnh.
Sau khi làm tròn nhiệm vụ ở xứ Thanh và rời khỏi đây chỉ 4 năm, đến năm 1105, vị anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi. Đây là duyên khởi Chùa Linh Xứng. Thế cho nên:
“Anh hùng Lý Thường Kiệt khơi nguồn tâm linh, mở trang sử mới cho người dân nước Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa đạo vào đời, phá trừ mê tín làm rạng rỡ tổ tiên”.
Thái úy Lý Thường Kiệt là một vị danh tướng thời Lý. Chiến công của ông đã làm cho quân thù khiếp sợ trên sông Như Nguyệt(nay là sông Cầu thuộc làng Như Nguyệt, Bắc Ninh).
Thái úy Lý Thường Kiệt vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba với tên tuổi gắn liền với bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc nước Đại Việt.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Bản dịch

Bài thơ trên có lẽ là một bản tuyên ngôn của dân tộc Đại Việt được ghi lại lần đầu tiên thành văn. Chúng ta dù trải qua thời gian dài để nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, vẫn chưa biết đích xác tác giả bài Tuyên ngôn độc lập, song đến nay nhiều người vẫn công nhận ông là người đã dùng bài thơ trên để làm vũ khí tuyên truyền chống ngoại xâm thành công.
Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, dẹp Tống bình Chiêm thắng lợi. Ông được lịch sử ghi nhận là vị anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời giữ nước. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm cho mọi kẻ thù đều phải khiếp phục và sợ hãi.
Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà Nam đế cư là bản mở đầu( tức là Sông núi nước Nam vua Nam ở).Sông núi nước Nam là của người Nam chứ không phải là của người phương Bắc, (tức Trung Quốc ngày nay).
Một lần nữa câu đầu của bài thơ khẳng định chủ quyền của đất nước Đại Việt Sông núi nước Nam vua nam ở. Khẳng định nước Đại Việt là của người Nam, là quyền bất khả xâm phạm về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Sông núi nước Nam là của người Nam, là của con người đất nước Đại Việt. Đó là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được bởi giang sơn bờ cõi này là do dân tộc ta đã gầy dựng trong bốn ngàn năm văn hiến.
Ngày xưa thời phong kiến, ai cũng công nhận Thần linh thượng đế là đấng tối cao hay còn gọi là “Trời”, thế cho nên làm vua gọi là Thiên tử tức con trời, thay trời để trị vì thiên hạ. Chính vì vậy, ai cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong sách trời:
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. “Rành rành định phận tại sách trời”.
Câu thứ hai của bài thơ nhấn mạnh tính chất chủ quyền độc lập của đất nước Đại Việt được viết lại trong sách trời.
Đã làm người ai cũng khát khao quyền độc lập tự chủ của một đất nước, thế cho nên dân tộc ta kiên quyết gìn giữ đất nước chống ngoại bang xâm lược phương Bắc, bảo vệ chủ quyền dân tộc Đại Việt. Ý chí ấy được khẳng định qua hai câu kết của bài thơ:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Lời tuyên bố thật hùng hồn và đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm chủ quyền của nước Đại Việt. Nếu chúng bay dám coi thường cả một dân tộc Đại Việt, dám xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại nặng nề.
Đúng với ý nghĩa, Sông núi nước Nam là của người dân Đại Việt là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta thời bấy giờ, tuy chỉ có vỏn vẹn bốn câu nhưng được xác định chủ quyền của một đất nước.
Bản tuyên ngôn ấy được kết tinh đầy đủ bởi ý chí kiên cường và tình đoàn kết dân tộc nước Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nướcđược toả sáng cho đến ngày hôm nay.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt – Việt Nam, sau khi thoát khỏi thời kỳ một ngàn năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên sau thời kỳ đó, đất nước ta vẫn còn hứng chịu nhiều cuộc ngoại bang xâm lăng cả phương Bắc lẫn phương Tây, nhưng bất cứ thời đại nào cũng có nhiều anh hùng hào kiệt đứng lên cùng với nhân dân chiến đấu không ngừng, để giành lại nền độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc.
Trong 10 thế kỷ vừa qua, lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010), các nhà nghiên cứu về lịch sử đất nước đã tính ra có ít nhất ba bản tuyên ngôn độc lập xuất hiện bằng thơ ca, văn học để công bố cho thế giới biết chủ quyền độc lập dân tộc nước Đại Việt-Việt Nam.
Sau khi đất nước an ổn không còn giặc ngoại bang xâm lược nữa, Tổng trấn Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh vác trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước nhằm đem lại lợi ích cơm no áo ấm cho toàn dân.

Ông cho tu bổ đê điều, đường sá và rất nhiềucác công trình công cộng khác để phục vụ cho đời sống kinh tế phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoa màu và ruộng lúa, ngoài ra ông cònphát triển thêm nghề đục đá. Và đồng thời cải cách bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tế đất nước trong hoàn cảnh không còn chiến tranh.

Với tài năng và những chiến công đã cống hiến cho đất nước, Lý Thường Kiệt xứng đáng là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Đại Việt - Việt Nam. Trong những công trạng và sự hy sinh của bản thân ông, ta có thể thấy được sự phi thường của một vị anh hùng lịch sử có một không hai.

Ngoài việc đánh tan quân ngoại xâm, ông giúp cho dân chúng cơm no áo ấm, xây chùa và trùng tu rất nhiều chùa để cho mọi người dân biết tin sâu nhân quả, tin lời Phật dạy mà sống đời đạo đức và dứt ác làm lành.

Tóm lại, anh hùng Lý Thường Kiệt đáng được con cháu của đất nước Việt Nam ngày hôm nay học hỏi và bắt chước noi theo với ba mục đích chính:

1-Tinh thần thứ nhất là vị anh hùng kiệt xuất dẹp Tống bình Chiêm.
2-Cải cách hành chính và xây dựng lại các công trình công cộng, tu bổ đê điều, thúc đẩy chăn nuôi trồng trọt hoa màu, mở mang ruộng đất để phục vụ cho người dân.
3-Xây chùa và sửa sang chùa, để cho mọi người tu học theo lời Phật dạy sống đời đạo đức, tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành bằng trái tim yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.
Ông mất tháng sáu năm Ất Dậu (tức trong khoảng từ 13/7 đến 11/8/1105), thọ 86 tuổi. Nhiều nơi đã lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài văn bia chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá:
Lý công nước Việt/ Noi dấu tiền nhân/ Cầm quân tất thắng / Trị nước yên dân/Danh lừng Trung Hạ/Tiếng nức xa gần/Vun trồng phúc đức/Quy sùng đạo Phật.


Viết tại Chùa Linh Xứng ngày15 tháng 02 năm 2015

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Học để hoàn thiện chính mình

Học để hoàn thiện chính mình

Đăng lúc: 20:29 - 20/07/2015

Học để hoàn thiện chính mình là việc học suốt cả cuộc đời, chẳng thể nào được tốt nghiệp trọn vẹn, nếu ta không có đủ ý chí và nghị lực.


Thứ nhất: “Học để biết cách hiếu thảo với ông bà cha mẹ”. Cây có cội, nước có nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Biết ơn và đền ơn là quy tắc đạo thờ ông bà tổ tiên dân tộc Việt Nam và người tu theo đạo Phật.

Thứ hai: Học để biết ơn thầy tổ. Thầy ở đây bao gồm thầy dạy chữ và dạy nghề nghiệp. Ngoài ra ta còn biết ơn thầy dạy về đạo đức luân lý sống trong xã hội. Trước tiên là học lễ phép, sau đó mới học chữ và học nghề chân chính.

Thứ ba: Học để biết ơn đất nước, ơn các vị lãnh đạo có công giúp cho mọi người ổn định về đời sống an sinh xã hội và biết ơn các anh hùng nghĩa tử.

Thứ tư: Học để biết ơn tất cả mọi người và muôn loài vật. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có gạo ăn và cứ như thế có rất nhiều nhu cầu khác để giúp cho ta bảo tồn sự sống, chính vì vậy mà ta cần phải biết ơn muôn loài vật.

Thứ năm: Học để biết cách sinh tồn. Để được sinh tồn và cuộc sống có ý nghĩa, ta phải biết điều hòa sức khỏe, không lãng phí thời gian, luôn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích xã hội.

Thứ sáu: Học để biết cách lắng nghe và nhận ra sai lầm về bản thân mình. Con người thường hay che dấu lỗi lầm của mình mà hay đổ lỗi cho người khác. Biết nhận lỗi và hứa sửa sai là người tốt trong hiện tại và mai sau.

Thứ bảy: Học sống chân thành bằng tình thương yêu chân thật. Thầy người khác làm việc tốt ta nên hoan hỷ vui theo, người giàu có thì bố thí vật chất, kẻ nghèo khó thì bố thì bằng lời nói an ủi, động viên giúp đỡ và hành động giúp người khi gặp hoạn nạn.

Thứ tám: Học để biết cách sống hòa hợp với mọi người. Làm người khó ai được hoàn hảo, chính vì vậy ta phải chấp nhận quan điểm của người này, người kia một chút thì cuộc sống sẽ được bình an hạnh phúc.

Thứ chín: Học để thấu hiểu mọi lẽ thật giả trong cuộc đời. Thiếu hiểu biết con người sẽ sinh ra tranh chấp, hơn thua, phải quấy, đúng sai mà dẫn đến oán giận thù hằn và tìm cách giết hai lẫn nhau.

Thứ mười: Học để biết cách buông xả mọi phiền não khổ đau. Cuộc đời giống như thay quần mặc áo. Khi cần dùng thì ta chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng đến khi chúng không còn giá trị nữa thì ta phải vứt bỏ đi. Thời gian sớm qua mau, mạng người sống trong hơi thở, ta phải biết tôn trọng bao dung và tha thứ để an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Một số người quan niệm sai lầm

Một số người quan niệm sai lầm

Đăng lúc: 19:20 - 08/05/2015

Một số người quan niệm sai lầm đợi đến khi già mới tu, chứ còn trẻ phải vui chơi hưởng thụ tu chi cho khổ? Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả hoặc cho những người lỡ vận, lỡ thời, sa cơ thất thế. Họ cho rằng tu hành là để an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ tu làm gì, để ở ngoài đời hưởng thụ không sướng sao? Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu hết, trẻ mà biết tu thì sống có nhân cách đạo đức, nhờ vậy làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 4,369
  • Tháng hiện tại 61,981
  • Tổng lượt truy cập 23,468,230