Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Chuyển hóa uế độ thành tịnh độ

Chuyển hóa uế độ thành tịnh độ

Đăng lúc: 22:08 - 31/05/2016

Cuối ngày, viết blog giữa hương thơm hoa lài từ chánh điện bay lên cùng ánh nến lung linh trong phòng, cộng thêm vài cơn gió mát dịu giữa trời khuya. Tự nhiên thấy yên tĩnh và dễ chịu đến lạ thường nên mới ghi vài dòng kỷ niệm.

a 3.jpg
Mỗi bước chân đi vào tịnh độ - Tranh: langmai.org

Những mệt mỏi trong mấy ngày chuẩn bị lễ cũng qua rồi. Những chuyện không tốt cũng qua rồi. Những buổi trưa nóng hổi cũng qua luôn. Những suy nghĩ vẩn vơ cũng đi mất. Niềm vui nỗi buồn nhớ nhung, ám ảnh cũng đi luôn. Thời điểm... ú nần bụng bự cũng hết luôn. Đôi lúc tự nghĩ những thứ đó qua hồi nào mà mình không hay.

Có người hỏi tu tập là phải như thế nào? Theo mình đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống góp nhặt niềm vui nỗi buồn, thuận duyên hay nghịch duyên, ngoan hiền lẫn nổi loạn, tinh tấn và giải đãi, đáng khen và đáng trách... Khi trải qua những giai đoạn đó chính mình sẽ tự điều chỉnh, tiết chế, chọn lọc cho phù hợp với bản thân. Đó là khoảng thời gian dài để bạn trải nghiệm chứ không phải là đọc vài quyển sách hoặc nghe người khác nói mà bạn làm theo được.

Đừng sợ bạn đã làm điều gì đó không tốt, đến một lúc nào đó bạn sẽ chán chường nó và thay đổi một cách tích cực hơn. Lỗi lầm ai cũng có, đừng cố xua đuổi và tìm cách xóa hết dấu vết của nó mà hãy lấy đó làm bài học cho mình.

Trưa nay nhận ra một điều khá hay mà bấy lâu vẫn làm: khi bạn buồn giận hay cảm thấy lỗi lầm hãy cố gắng làm sạch... nhà vệ sinh bằng khả năng có thể. Đảm bảo cảm giác trước và sau khi vào chà rửa sẽ khác nhau. Đầu óc dường như nhẹ nhàng và thư giãn hơn sau khi bước ra.

Bạn tu Tịnh độ - nhất định bạn ở đâu nơi đó đều sạch sẽ và gọn đẹp, ai nấy đều hoan hỷ. Đó là có khả năng chuyển hóa uế độ thành tịnh độ. Còn như cứ giữ nếp sinh hoạt bừa bộn không ngăn nắp thì vĩnh viễn dù có niệm Phật trầy da tróc vảy cũng không gặp được Đức Di Đà. Bởi thế, đó giờ ai hỏi mình tu ra sao, chỉ nói ngắn gọn: làm cho chỗ mình đang có mặt sạch sẽ và ngăn nắp. Đỉnh cao của công phu là... nhà vệ sinh luôn thơm tho đẹp đẽ.

Nói vậy chắc nhiều người hổng hiểu mà thôi quý bạn làm đi rồi sẽ hiểu...
Thiện Năng

Khi có Phật trong đời…

Khi có Phật trong đời…

Đăng lúc: 19:09 - 27/05/2016

Đến một lúc nào đó, khi hội đủ nhân duyên - có khi là thuận duyên như gặp thầy hiền và bạn tốt, nhưng cũng có khi là nghịch duyên như khổ đau chồng chất, ta được gặp Phật - gặp lời dạy của Ngài thông qua hình ảnh một ngôi chùa, một nhà sư, một người khoác áo lam hiền lành..., làm cho ta ngộ ra, thấy một con đường khác, sáng hơn. Từ đó, ta thầm cám ơn, ta niệm niệm: Phật pháp cứu đời tôi!

cophat.jpg
Bước chân tỉnh thức - bước chân đi vào đời vững chãi, thảnh thơi...
Gặp Phật & thấy Phật

Người học Phật ai cũng nằm lòng câu “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhắc hoài câu này để nhớ rằng, phải trân quý con đường tu học - sửa chữa ba nghiệp (ý, ngữ, thân) mỗi ngày, đừng xao lãng. Vì như nội hàm của câu ấy: được thân người không dễ, mà lại còn nghe được Phật pháp (theo nghĩa hiểu, tin và đang hành) thì phải tinh tấn, đừng tu theo kiểu phong trào, được chăng hay chớ.

Thực tế, trong cuộc sống có những người không biết quý thân mình nên đã nghĩ, nói và làm những việc tạo ra sự cay đắng cho tự thân và người khác. Theo đó, đã gây khổ cho bản thân, làm hại người khác, loài khác một cách bất chấp. Sở dĩ họ có hành động ấy vì họ không tin nhân quả, nghĩa là họ không nghe lọt tai lời phải, lời Phật dạy, không thấy mọi thứ đều có nhân-duyên - từ đó đưa tới những biểu hiện trong hiện tại và tương lai (quả).

Không nghe được Phật pháp thì sẽ không quý thân người theo nghĩa sống buông thả, buông lung tâm ý, lời nói, hành động. Sống ngoài luật nhân quả thì sẽ sống theo kiểu... luật rừng, trong đầu lúc nào cũng bị dắt dẫn bởi suy nghĩ “mạnh được yếu thua” và càn quấy với mọi thứ xung quanh, mưu mẹo và lươn lẹo để “được” - thỏa mãn những mong muốn ngoài quy luật nhân-duyên-quả bằng sự tham lam, sân hận và si mê một cách vô độ. Cái thấy như vậy thực ra là “mất” chứ không phải “được”, bởi đã vay thì phải trả, đã gieo gió tránh làm sao được việc gặt bão.

Thực ra, gặp Phật là gặp một lời khuyên đúng đắn, gặp ai đó hé mở cho mình một cái nhìn để “hồi đầu hướng thiện”. Khi đó, người xuôi theo lối sống buông lung, phóng túng... bỗng giật mình vì thấy: là người ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Và thấy, nỗi khổ ấy do mình tác tạo từ những điệp trùng nhân-duyên trong quá khứ và hiện tại, ngay phút giây đang sống này. Cái giật mình ấy như một sự bừng tỉnh bởi tiếng chuông đại hồng - là lời nhắc đầy năng lượng bi và trí của một người nào đó đã có duyên lành với mình trên bước đường sinh tử này. Lâu nay mình quên mất sự thật về khổ và nguồn cơn của khổ vốn do mình tạo ác nghiệp - do vậy mình đã sống một cách mê muội, càng tham lam, càng sân si thì càng khổ nhiều hơn.

Gặp Phật và thấy con đường sáng, có nghĩa là đã thấy bên trong có Phật tánh, có sự vững chãi và thảnh thơi, chỉ cần mình dừng lại và nhìn sâu vào chính mình. Cái mình của trước khi gặp Phật và thấy Phật chính là cái tôi cần được vỗ về, cưng chìu tới mức hư đốn. Cái mình của sau khi gặp Phật và thấy Phật chính là hạ bản thân xuống, luôn biết sám hối vì “con nay đã tạo bao ác nghiệp”, để từ đó nâng dần sự chịu đựng và tình thương lên, khiến tâm an định, trí sáng suốt hơn.

Vượt thoát khổ đau trong hiện tại

Là con Phật, chắc ai cũng biết “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”? Khi đã thấy Phật, gặp Phật thì mình sống theo con đường Bồ-tát, tu học Phật và dấn thân vào đời để trải nghiệm lời Phật dạy bằng thực tế cuộc sống. Khi đó, trong mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động - ta đều nhớ rằng sẽ gieo vào đất tâm mình hạt giống (xấu hoặc tốt). Nếu thực sống trong ý thức bảo hộ tự thân cũng chính là bảo hộ muôn loài như một vị Bồ-tát thì ta sẽ biết sợ gieo-trồng nhân xấu, bởi ta thấy trong sự gieo-trồng ấy có ngày gặt hái những quả đắng cay tất yếu.

Khi mê thì ta muốn tranh giành, bất chấp, ta tham lam vô độ và... ta sợ gặp rủi ro, sợ những điều bất như ý. Đó là tâm lý của chúng sinh, sợ quả xấu nhưng quên mất quả xấu tốt là do nhân-duyên đã và đang tác tạo, thành ra cứ sợ hãi miết, khổ đau hoài.

Khi ngộ, ta thấy nỗi đau nếu có thì là do ta đã gây tạo nhân xấu trước đó, do ta sửa ý-ngữ-thân chưa có giỏi nên vẫn còn thọ cảm sự bất như ý bằng một tâm thế yếu đuối, chứa đựng nỗi sợ hãi, vì thế mình còn khổ. Biết điều này thì ta sẽ lùi lại, dừng lại và đừng thèm loay hoay nữa, mà sẽ bắt đầu ngồi yên, lễ Phật - sám hối, tác ý thiện, định tĩnh thân tâm cho tới khi bên trong không còn những lao xao sợ hãi nữa.

Có một sự thật mà những ai có thực tập Phật pháp đều thấy được đó là, ngay khi ta chấp nhận được tất cả các biểu hiện ở hiện tại bằng sự quán chiếu nhân-duyên-quả thì ta sẽ đoạn được ác và nỗi sợ hãi. Nhìn cho rõ cái đang là bằng tình thương và sự hiểu biết thì con ma chạy trốn nỗi khổ niềm đau trong ta sẽ tự biến mất và mình trở nên vững chãi (mạnh mẽ, không sợ hãi).

Sự vững chãi sẽ đưa tới thảnh thơi trong tâm hồn, nghĩa là sẽ bình an. Thấy việc gì đến-đi đều có lý của nó, lúc đó mình liền thong dong, như đang đi dạo trong cõi Ta-bà, đi trong nỗi khổ cũng giống như đi trong hạnh phúc, không bị tác động nhiều. Để có được sự vững chãi thì trước đó ta cần thực tập thảnh thơi (dừng lại, ngồi yên, ngắm nhìn những biểu hiện cùng những tâm hành tương ưng trong ta). Khi có sự vững chãi thì ta càng thảnh thơi, làm gì hay có điều gì tới cũng không làm ta nôn nóng, không làm ta phải rượt đuổi theo nó hay bị nó rượt đuổi. Đó chính là sự nương nhau biểu hiện theo lý duyên sinh: cái này có (sự thảnh thơi) thì cái kia có (sự vững chãi) và ngược lại.

Do vậy, để vượt thoát khổ đau thì bắt buộc mỗi người phải thực tập bỏ bớt, buông dần để có thời gian chăm sóc thân tâm bằng cách dừng lại và nhìn sâu vào lòng những biểu hiện ngay trong hiện tại. Nói cách khác, đó là sự thực tập chánh niệm để nhận diện sự thật, thấy nguồn cơn và vượt qua nó bằng năng lượng thương yêu, hiểu biết.

Thông thường, chúng ta lười làm mà thích hưởng thụ. Đó là tánh tham, là không sống trong luật nhân quả. Tánh này vẫn còn trong khi học và tu Phật, do vậy nhiều người... thích cầu nguyện và mong được ban phước thay vì dấn thân làm phước, hành thiền để có được kết quả tốt đẹp. Người thực sự thấy Phật, thương mình thì không nên làm vậy, ngược lại sẽ gia tâm thực hành sửa ý-ngữ-thân một cách tinh tấn mỗi ngày, phát nguyện tinh tấn không chỉ đời này mà trong vô lượng vô thỉ kiếp nữa, cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, như Phật đã từng tuyên dương: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Thiết nghĩ, là con Phật, nhớ điều đó, tin điều đó thì sẽ từng bước cởi bỏ những ràng buộc nơi thân và nơi tâm, sẽ từ từ làm cho mình trở nên tự do hơn, giải thoát hơn ngay trong từng phút giây hiện tại chứ không phải sống theo cách đợi tới khi xả báo thân này mới chứng đắc quả vị gì đó cao siêu!
Lưu Đình Long

Phật dạy 10 nghiệp lành giúp con người gặp may mắn, hạnh phúc cả đời

Phật dạy 10 nghiệp lành giúp con người gặp may mắn, hạnh phúc cả đời

Đăng lúc: 20:30 - 19/04/2016

Theo giáo lý Nhân Quả của Đạo Phật, nếu muốn mình được khỏe mạnh, giàu sang, thông minh, sáng suốt, may mắn, hạnh phúc… thì con người phải gieo những nhân thiện lành, tránh điều xấu ác.



Phật dạy 10 nghiệp lành giúp con người gặp may mắn, hạnh phúc cả đời.

Dưới đây là 10 nghiệp lành Đức Phật đã chỉ ra cho hàng Phật tử tại gia giúp thọ nhận quả báo an vui, hạnh phúc:

1, Không sát sinh

Là không giết người và các con vật lớn như trâu, bò, ngựa, chó... Phật dạy không sát sinh bởi nhiều lý do – Tôn trọng sự công bằng – Tôn trọng Phật tánh bình đẳng – Nuôi dưỡng lòng Từ Bi – Tránh nhân quả báo ứng, oán thù.

Người hay sát sinh phải thọ nhận những quả báo xấu như thọ mạng ngắn, hay gặp tai nạn, bệnh tật, gặp những điều xui xẻo không may mắn thậm chí còn đọa địa ngục.

2, Không trộm cắp

Là không lấy vật không thuộc sở hữu của mình, mà không có sự ưng thuận hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng thế lực hay quyền hành của mình. Người không trộm cắp được quả báo giàu sang, an ổn.

3, Không tà dâm

Không tà dâm nghĩa là không chung sống với người không phải là vợ hay là chồng của mình. Những việc quan hệ nam, nữ không được pháp luật và xã hội thừa nhận đều được xem là tà dâm.

Lạc thú của việc tà dâm là nhất thời nhưng quả báo của nó lại rất khủng khiếp.

Một người có thể có mệnh phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người có mệnh được hưởng phúc và thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm, có thể bị tật nguyền hay chết yểu...

4, Không nói dối

Những lời nói dối đưa đến chém giết, hận thù, làm cho người tán gia, bại sản, phá vỡ bình yên, hạnh phúc của người khác, hay đưa đến ganh ghét, đố kỵ… đều chịu những quả báo rất cay đắng.



Nếu như người Phật tử tại gia Quy Y Tam Bảo giữ 5 giới thì người xuất gia (tu sĩ) phải thọ 250 giới đối với các vị tăng và 348 giới với vị ni.

Người Phật tử Quy Y Tam Bảo (Quy Y: quay về nương tựa, Tam Bảo: 3 ngôi báu Phật, Pháp, Tăng) nghĩa là thực hiện 5 giới cấm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Nhiều người không dám Quy Y vì sợ không giữ được giới và sợ bị trừng phạt. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Đức Phật là người thày, không phải thần thánh có thể ban phúc, giáng họa.

Giống như người mẹ nghiêm khắc, cấm con nhỏ không sử dụng dao sắc nhọn hoặc không chơi với ổ điện, đồ điện... Đức Phật chế ra 5 giới cấm không phải để ràng buộc, trừng phạt mà đó là tấm lá chắn bảo vệ đệ tử.

Nếu như người Phật tử tại gia Quy Y Tam Bảo giữ 5 giới thì người xuất gia (tu sĩ) phải thọ 250 giới đối với các vị tăng và 348 giới với vị ni.

Chúng ta giữ 5 giới đã thấy khó khăn, vất vả, trong khi các vị xuất gia tu hành chân chính, giữ giới, sống đời phạm hạnh. Hiểu điều này, chúng ta phải có thái độ kính trọng, chuẩn mực với người tu. Như vậy, chúng ta mới có phước báu.

5, Không vu oan, vu cáo

Lời nói dối, ban đầu, có thể do tham sân nhưng lên đến cấp độ vu oan, vu cáo thì tham sân đã mãnh hơn nhiều. Việc này khiến chúng ta trở nên mù quáng, đánh mất nhân tính, rời xa đạo đức, luân lý và lẽ phải ở đời.

6, Không thâm thọc

Người không nói điều thâm thọc mà hòa nhã giúp mọi người yêu thường, đoàn kết với nhau sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng.

7, Không nói thô ác

Lời cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc... là biểu hiện của người thiếu văn hoá, thiếu giáo dục, thiếu lễ giáo nề nếp. Những lời nói ấy làm đau lòng người khác, đưa đến sự xô xát, đánh nhau.

Người có học thức, hiểu biết, có tu tập sẽ không nói những lời này. Người Phật tử phải dịu dàng, từ ái, khiêm tốn dễ nghe.



Người thực hiện được 10 nghiệp lành trên thì cửa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ vĩnh viễn đóng lại.

8, Không gian tham

Lòng tham được thể hiện qua những thái độ sau:

- Không bằng lòng, không vừa ý, không thỏa mãn với những gì mình đang có

- Luôn cảm thấy thiếu thốn, muốn có thêm vật này, vật kia...

- Luôn luôn dòm ngó của cải, tài sản của kẻ khác.

- Luôn muốn vơ vét, chiếm đoạt, cướp giật của cải tài sản của người.

Lòng tham khiến con người luôn cảm thấy bất an, đau khổ thậm chí là bất chấp làm mọi điều để thỏa mãn chính mình. Có thể nói lòng tham là nguyên nhân của mọi tỗi lội.

Muốn chấm dứt các khổ đau, phiền não thì phải biết vĩnh viễn từ bỏ lòng tham này.

9, Không sân hận

Sân hận có nhiều trạng thái, mức độ và biểu hiện khác nhau, ví dụ như: bực tức, giận hờn, nổi nóng, oán hận, căm thù… có khi biểu hiện qua nét mặt (nhíu mày, nhăn mặt, trợn mắt, nghiến răng…), thái độ, lời nói (la lối, quát tháo, gào thét, dọa nạt…), cử chỉ, hành động (quăng ném đồ đạc, hành hạ, giết chóc…), nhưng cũng có khi lại không biểu hiện ra mà được giữ kín trong lòng.

Đức Phật xem sân hận là một loại độc tố có khả năng tàn phá tâm hồn và thể xác con người không chỉ trong đời này mà cả những đời sau.

Trong kinh, Đức Phật thường gọi sân cùng với tham, si là ba độc. Đức Phật còn ví sân như lửa dữ, như giặc cướp, như rắn độc: “Sân hận còn hơn lửa dữ, thường phải đề phòng không cho nó xâm nhập. Giặc cướp công đức không gì hơn giận dữ…

10, Không si mê

Người không si mê là người biết phán đoán, nhận định một cách rõ ràng, đúng đắn, không biện minh che đậy sự mê mờ, dốt nát của mình và cũng không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình.

Người không si mê là người có trí tuệ thông minh thấu suốt nhân quả, luân hồi nên không bao giờ tạo tội ác, và luôn luôn có những hành vi rất thiện, thường tu Thập Thiện và sẵn sàng mang lòng từ bi đến mọi người.

Người thực hiện được 10 nghiệp lành trên thì cửa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ vĩnh viễn đóng lại. Đời đời kiếp kiếp được sống hạnh phúc, vui vẻ, được sinh Thiên, đi đâu cũng gặp Phật pháp, thiện trí thức bằng hữu hoặc những duyên lành, phước lành.

Xuân Thu

Trụ pháp Phật, thân tâm tự tại, thấy đúng, làm đúng

Trụ pháp Phật, thân tâm tự tại, thấy đúng, làm đúng

Đăng lúc: 21:27 - 12/01/2016

Tôi có nhân duyên với chùa Linh Thứu. Từ khi còn là học tăng, tôi đã nghe nói về ngôi chùa này. Nhưng mãi đến khi tôi được giao trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, chùa này là nơi đầu tiên tôi đến thuyết giảng.

Sau đó, tôi đi giảng dạy ở nhiều nơi, nhất là sau khi Hòa thượng Thiện Hào viên tịch, ngài đã dạy rằng tôi phải quan tâm đến sinh hoạt của Phật giáo phía Bắc. Vì phía Nam đã thành lập Ban Trị sự các tỉnh thành, trong khi phía Bắc, ngoài Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, còn rất nhiều tỉnh thành chưa có Ban Trị sự Phật giáo.

Vì vậy, tôi quan tâm và dành thì giờ ra miền Bắc nhiều hơn. Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc theo đó đã phát triển nhanh chóng. Thật vậy, nhờ có căn lành sâu dày với Phật pháp, đã có trên một vạn Phật tử có thể hỗ trợ cho sinh hoạt Phật giáo phía Bắc.

truphapphat.jpg
Trụ pháp Phật, thân tâm tự tại, thấy đúng, làm đúng... - Ảnh minh họa

Sau thành quả tốt đẹp về hoằng pháp, tôi lại được giao trách nhiệm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, phụ trách vấn đề liên hệ với tổ chức Phật giáo các nước, thay cho Hòa thượng Minh Châu và chuẩn bị Lễ Vesak 2008. Từ đó, công việc hoằng pháp được giao cho Hòa thượng Bảo Nghiêm.

Phụ trách công việc đối ngoại, tôi nghĩ mỗi nước có truyền thống và pháp môn tu khác nhau. Vì vậy, cần phải hài hòa các hệ phái Phật giáo. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm cho Phật giáo Bắc truyền công nhận Phật giáo Nam truyền và ngược lại, Phật giáo Nam truyền cũng hòa hợp với Phật giáo Bắc truyền. Có được mối quan hệ hỗ tương sâu sắc giữa Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo mới giúp Phật giáo Việt Nam vững mạnh. Còn cứ chê nhau là ngoại đạo, chắc chắn đưa Phật giáo đến chỗ diệt vong.

Ngoài ra, trong Phật giáo Bắc truyền còn kẹt tông môn, hệ phái. Người tu Thiền, người tu Tịnh độ, hay tu Mật tông, tu theo tông phái nào thỉ chỉ biết tông phái mình, coi tông phái khác đối nghịch, sẵn sàng tìm kẽ hở nói xấu nhau. Thử nghĩ như vậy, có đúng không, có lợi lạc gì cho Phật giáo hay không.

Và riêng trong Thiền lại phân chia, người theo Lâm Tế, người theo Tào Động. Ít nhất trong Thiền đã chia thành năm nhóm khác nhau và hành trì khác nhau. Thiết nghĩ càng xé nhỏ, sinh hoạt Phật giáo càng suy yếu.

Tôi may mắn nghiên cứu kinh Pháp hoa, nhận thấy kinh Pháp hoa là Viên giáo dung nhiếp tất cả pháp môn. Trên chân thật môn chỉ một, nhưng phương tiện có đến tám mươi bốn ngàn pháp tu để ứng vào căn cơ, trình độ của chúng sanh ở những quốc độ và những thời kỳ khác nhau.

Vì vậy, Phật dạy lấy trí tuệ làm nền tảng. Đối với người chấp giới luật, lấy giới luật làm thầy. Nhưng người không coi giới luật là chính thì nói rằng trong mười hai năm đầu Phật giáo hóa độ sanh, Ngài không nói giới, nhưng người theo Phật tu vẫn đắc quả La-hán. Sau đó mới có luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni…, luật của cư sĩ. Có giới luật nhiều như vậy, nhưng có ai đắc quả không.

Từ lý giải này, tư tưởng Đại thừa lấy giáo pháp làm thầy, nương vào giáo pháp tu hành để phát sinh trí tuệ. Phật khác với chúng sanh ở điểm Ngài có trí tuệ chỉ đạo. Nếu có trí tuệ chỉ đạo cho suy nghĩ, lời nói và hành động, chúng ta là Phật, là pháp, không phải chấp pháp.

Nếu chấp pháp, sẽ bị pháp ràng buộc, không giải thoát, nên huệ không sanh. Đó là tinh thần của Phật giáo phát triển theo kinh Duy ma, lấy giáo pháp làm thầy, áp dụng giáo pháp vào cuộc sống để phát triển trí tuệ. Vì vậy, người tu chọn Văn Thù Sư Lợi là thầy. Ngài là thầy của ba đời chư Phật, dùng ngũ trí nghiêm thân. Tu theo Đại thừa, hành giả lấy trí tuệ làm thân, làm sinh mạng, chỉ đạo tất cả việc làm của mình.

Trí của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai cộng với trí của thế gian gọi là ngũ trí. Nếu chúng ta theo xuất thế, không hiểu biết thế gian là chúng ta đi trên mây, nhưng Phật dạy Phật pháp nằm trong con người, trong suy nghĩ của con người. Nếu con người còn suy nghĩ về Phật, suy nghĩ Phật pháp thì đạo Phật còn tồn tại. Nếu suy nghĩ của con người về Phật pháp không còn, Phật giáo phải suy yếu.

Và khi Phật giáo suy yếu, chư Tăng không có trí tuệ để chỉ đạo quần chúng, nên không được kính ngưỡng. Như vậy, theo tinh thần Pháp hoa, Phật giáo mất trong lòng quần chúng, trong xã hội là Phật giáo hoại diệt.

Trở lại việc tôi cố tìm điểm chung giữa Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Đại thừa, nhờ đó tôi tạo được mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam theo Đại thừa và Phật giáo Thái Lan theo Nam truyền. Thiết nghĩ hai mối quan hệ này phải tốt đẹp, vì chúng ta và họ là láng giềng, mà chống đối nhau sẽ làm cho Phật giáo suy yếu.

Chúng ta có trí tuệ, phải hợp tác, không nên chia cắt, đúng theo tinh thần của Giáo hội đề ra là thống nhất tất cả hệ phái thành một Giáo hội. Các nước nghĩ rằng tại sao Việt Nam thống nhất Phật giáo được. Vì chia ra thì dễ, nhưng thống nhất thì khó, hai chùa tách ra là việc đơn giản, nhưng hợp lại hai chùa thật khó.

Nghiên cứu kinh Pháp hoa, tôi thấy có câu chuyện thú vị là “Hiện Bảo tháp”. Khi Phật thuyết kinh Pháp hoa đến phẩm Hiện Bảo tháp thứ 11, bấy giờ, tháp Đa Bảo từ dưới đất tự nhiên vọt lên trụ giữa hư không. Đó là ý quan trọng mà tụng kinh phải nhận ra, không phải tụng kinh thuộc lòng văn tự.

Tại sao tháp trụ giữa hư không. Điều này phát xuất từ phẩm thứ 10 dạy rằng người tu phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Đó là cốt lõi của kinh Pháp hoa mà người tu không lên tòa Như Lai được, tức không tiếp nhận nghĩa lý sâu xa của Phật, thì phải nâng mình lên hư không, nghĩa là chúng ta không còn kẹt đói, khát, nóng, lạnh. Nói cách khác, mặc dù có thân tứ đại, nhưng không bị tứ đại chi phối. Vào định, hành giả quên đói, khát, nóng, lạnh, tức là vào hư không.

Thể nghiệm pháp này, trời nóng, tôi đắp y, ngồi thiền, vẫn cảm thấy bình thường. Vào thiền, thấy nóng là chưa có Phật, chưa lên hư không, chưa thấy Bồ-tát. Người tu không thể nghiệm được pháp này coi như chưa bước chân vào đạo.

Xưa kia, Pháp sư Ấn Tông giảng kinh Pháp hoa nhiều năm, nhưng không ngộ, vì còn kẹt pháp, phải đợi ngài Huệ Năng đến khai ngộ, mới nhận được yếu chỉ của kinh. Phải nâng mình lên hư không, nhưng chưa lên được, mà vẫn thấy tháp là Tổ Thiên Thai dạy chúng ta tu làm sao thấy Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật, thấy Bảo tháp xuất hiện.

Và bước thứ hai, đại chúng thấy tháp cao, nhưng không lên được. Phải nhờ thần lực của Phật nâng chúng ta lên hư không. Thực tế cho thấy nhiều người tu thiền, thường nghĩ tự lực là chính. Riêng tôi, kết hợp tự lực và tha lực để nhấc tôi lên hư không. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ Phật không hộ niệm, mình không làm được.

Phải nỗ lực tu hành và cũng nhờ tha lực nâng mình lên hư không, chúng ta thấy được tháp Đa Bảo, đó là cái thấy toàn diện của Phật giáo. Trước chúng ta chỉ thấy phiến diện, tu Thiền thì thấy Thiền, tu Tịnh độ thấy Tịnh độ… ví như người mù rờ voi.

Tôi nhắc quý vị đừng làm người mù rờ voi, phải sáng mắt, thấy được kho tàng quý giá của Phật để lại là tháp Đa Bảo. Làm sao mở tháp. Phật nói điều đó đơn giản, vì thệ nguyện của Phật rằng Phật nào muốn chỉ Pháp thân của Phật cho đại chúng, phải tập trung các phân thân thuyết pháp trong mười phương, mới mở tháp được. Điều này gợi ý gì.

Theo Phật giáo Nam truyền, chỉ có một Đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở Ta-bà. Nhưng theo tinh thần Đại thừa Viên giáo, “Phật Thích Ca thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp, giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu. Nếu thấy chúng sanh ưa pháp Tiểu thừa, đức mỏng, tội nặng, không thể thấy xa. Ta phải thị hiện thân hình giống nó, bỏ tục, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, rồi nhập Niết-bàn…”. Đó là cốt lõi kinh Pháp hoa.

Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ là một trong những thị hiện thân của Phật Thích Ca trên cuộc đời và sau khi độ những người đáng độ, làm những việc đáng làm, Ngài nhập Niết-bàn. Và hơn thế nữa, Đức Phật không phải chỉ thị hiện một chỗ, mà Ngài còn hiện thân ở nhiều chỗ khác.

Vì vậy, nhận thức sâu sắc yếu nghĩa này, tôi nói Phật Di Đà, Phật Dược Sư và mười phương Phật cũng là hiện thân của Phật Thích Ca và muốn mở tháp Đa Bảo, Phật Thích Ca phải tập trung phân thân.

Phật nói rằng khi thị hiện ở chỗ này, Ngài có tên này, thị hiện chỗ khác, Ngài có tên khác. Vì dân tộc Thái Lan thích hợp với việc khất thực, nên đối với họ, tu hạnh khất thực là chính. Nhưng ở Trung Quốc, phải làm mới được ăn, nên Tổ Bách Trượng hiện hữu với chủ trương nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực. Ở Nhật Bản, người dân cần người có sức mạnh phi thường và trí tuệ siêu việt, nên xuất hiện Kubo Daishi, ngài vừa sáng tác chữ viết của người Nhật, vừa mở trường dạy các ngành nghề và tất nhiên, ngài cũng thể hiện năng lực huyền bí.

Trên bước đường tu theo Phật, hành giả hiện thân theo đúng yêu cầu của người dân, chắc chắn việc làm đạt hiệu quả cao, làm sáng danh Phật giáo. Ở mỗi chỗ đều có việc làm khác nhau phù hợp và nâng cao đời sống của dân chúng.

Trong mùa an cư, các Ni sư suy nghĩ xem tại đây nên hành đạo thế nào được quần chúng kính ngưỡng, để đạo Phật còn trong lòng quần chúng. Trong thời kỳ đầu, nhờ cứu được vua Gia Long, Phật giáo tỉnh Mỹ Tho được phục hồi, nhưng sau đó, Phật giáo suy yếu, cho đến phong trào chấn hưng Phật giáo, các Ni sư đã mở trường đào tạo Ni chúng, sinh hoạt Phật giáo tỉnh nhà mới phát triển. Đến thời đại chúng ta là thời hội nhập, phải đổi mới hơn nữa, Phật giáo mới thích nghi và tồn tại, phát triển.

Cầu mong đại chúng nỗ lực tu, phước sanh và phát huy trí tuệ, thấy đúng chân lý, áp dụng đúng pháp trong việc truyền bá Chánh pháp Như Lai còn mãi trên thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
HT.Thích Trí Quảng

Thiếu gia nhà giàu số 2 Malaysia xuống tóc đi tu

Thiếu gia nhà giàu số 2 Malaysia xuống tóc đi tu

Đăng lúc: 21:19 - 12/01/2016

Vntinnhanh.vn – Ajahn Siripanno được biết đến là một nhà tu hành uyên bác của Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên Thủy) ở Thái Lan – ông từng được đào tạo tại Anh và thông thạo 8 ngôn ngữ. Nhưng điều đặc biệt khiến ông được mệnh danh là Thích Ca Mâu Ni thời hiện đại là bởi ông chính là con trai độc nhất của vị tỷ phú giàu thứ 2 Malaysia T. Ananda Krishnan.
Sư Ajahn Siripanno. (Ảnh: Hub Pages)
Sư Ajahn Siripanno. (Ảnh: Hub Pages)
Tỷ phú Krishnan là một doanh nhân thành đạt trong rất nhiều lĩnh vực như truyền thông, dầu khí, viễn thông, giải trí và bất động sản... Ông đứng thứ 89 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2012 của tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 9,6 tỷ USD.
Được biết mẹ của Siripanno là người Thái Lan và ông còn có 2 người chị nữa. Năm 1989, khi mới 18 tuổi, Siripanno đã tham dự một khóa lễ tại Thái Lan và tạm thời tu hành trong rừng để bày tỏ lòng tôn kính đối với gia đình của mẹ mình.
Do lớn lên ở Anh nên tư tưởng của ông khá cởi mở khi tiếp nhận sự khác biệt văn hóa và cảm thấy trở thành một nhà sư tạm thời là một điều gì đó khá “vui”. Đây cũng là lần đầu tiên Siripanno tiếp xúc với Phật giáo – một tín ngưỡng hoàn toàn mới mẻ với ông.
Trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara ở Malaysia vài năm trước, nhà sư cho biết ý định ban đầu của ông chỉ là ở lại trong rừng và tu trong khoảng 2 tuần. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà sư trong rừng. Và điều đã làm thay đổi cả cuộc đời ông chính là được đến thăm và học tập những gì Thiền sư Ajahn Chah đã làm cho cộng đồng phật tử lúc đó.
Ajahn Chah là một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada. Ông có rất nhiều đệ tử đến từ phương Tây và nhiều người trong số đó đã trở thành những nhà tu hành nổi tiếng như Ajahn Sumedho, Ajahn Amaro, Ajahn Khemadhammo, Ajahn Brahm và Jack Kornfield (tác giả kiêm giảng viên thiền định nổi tiếng).
Sư Siripanno và cha của mình, tỷ phú Krishnan. (Ảnh: Hub Pages)

Thái Lan: Nhà sư ngồi thiền trong vạc dầu sôi
Thái Lan: Nhà sư ngồi thiền trong vạc dầu sôi
Hình ảnh nhà sư điềm tĩnh cầu nguyện, ngồi thiền trong một chảo dầu sôi được đăng tải trên Youtube thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.

Sư Siripanno và cha của mình, tỷ phú Krishnan. (Ảnh: Hub Pages)
Tuy nhiên mong ước được Ajahn Chah trực tiếp chỉ dạy của Siripanno không thành vì cao tăng đã bị ốm nặng. Ngài không thể nói và phải di chuyển trên xe lăn. Nhà sư trẻ tuổi chỉ được gặp vị cao tăng 1 lần duy nhất nhưng như thế cũng đã đủ để ông bị tác động mạnh và quyết tâm thay đổi sự nghiệp cuộc đời.
Và sau đó kế hoạch tu hành 2 tuần trong rừng ban đầu đã trở thành một lịch trình dài hạn. Siripanno chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình và sau hơn 2 thập kỷ, hiện ông đã trở thành trụ trì Tu viện Dhao Dham đặt tại Khu bảo tồn rừng quốc gia gần biên giới Thái Lan và Myanmar.
Nhà sư này vẫn thường xuyên liên lạc với cha của mình và tỷ phú Krishnan cũng hay đến tu viện thăm con trai. Có một dạo, người ta thường truyền nhau câu chuyện về một nhà tu hành trông rất giản dị nhưng lại có máy bay riêng và xuất hiện tại khách sạn hạng sang ở Italy – đó chính là Siripirano. Ông đã gây sự chú ý trong suốt thời gian lưu trú tại kinh đô thời trang khi nhận lời ở cùng cha mình nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của vị tỷ phú Malaysia.
Thật khó để hình dung làm cách nào mà một người đàn ông trẻ tuổi lại có thể dễ dàng từ bỏ tất cả mọi thứ (hàng tỷ USD) để dấn thân vào một cuộc sống giản đơn là trở thành một nhà sư trong rừng. Đặc biệt là đối với những nhà sư theo Phật giáo Theravada truyền thống - chỉ ăn duy nhất 1 bữa trong ngày và sau 12 giờ trưa họ bị cấm ăn bất kỳ thực phẩm nào khác. Và Siripanno chính là một trong những ví dụ điển hình về một Thích Ca Mâu Ni của thời hiện đại.
Kim Chi (theo Hub Pages)

Bất mãn nhưng phải tuỳ duyên

Bất mãn nhưng phải tuỳ duyên

Đăng lúc: 11:04 - 15/12/2015

Phật Giáo Việt Nam - Xưa và nay, xã hội là một trường đời hỗn hợp luôn dung chứa những gì có được trong cuộc sống, cái ác lúc nào cũng nhiều hơn cái thiện nên dẫn đến nhiều bất công vô lý.

Người tin theo thần quyền thì oán trách đấng tối cao sao quá thiên vị với một thiểu số con người. Người tin theo truyền thống cõi này là tạm bợ và có cõi khác là vĩnh hằng nên trước khi chết phải giết hết người thân và chôn theo tài sản để hưởng phúc lạc ở cõi đó. Người tà kiến không tin nhân quả công bằng nên mặc tình gây tạo tội lỗi, để rồi khi mất thân người phải đọa vào ác thú. Người chấp có linh hồn bất tử, nên khi có địa vị, quyền thế thì mặc tình bóc lột kẻ dưới để phục vụ cho riêng mình. Những kiến chấp như kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, lớn hiếp nhỏ chỉ vì mục đích phục vụ cho “cái tôi” này. Nên xưa nay, người sống vì lợi ích chung rất hiếm, nhưng không phải là không có. Một người lãnh đạo đất nước nếu biết dùng tài năng đúng chỗ, biết sắp xếp mọi việc hợp lý theo khả năng của từng ban ngành, đoàn thể thì mọi người sẽ sống an vui, hạnh phúc. Cuộc sống này mỗi người đều có vị trí và chức năng khác nhau, phải nương vào nhau để bảo tồn cho nhau nên chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
Cuộc sống với biết bao thăng trầm được mất, nên hư, thành bại, người ý thức được nguyên lý nhân-duyên-quả là điều hiếm có. Cho nên, biết bao người phải chết trong cuồng si, mê muội vì không thấu rõ sự thật cuộc đời. Trong lịch sử nhân loại của Trung Quốc, có một vị tướng tài ba, lỗi lạc tên là Khuất Nguyên, ngài có nhiều dự án tiến bộ để cải cách nền văn hóa, giáo dục, pháp luật và các vấn đề chính trị. Ngài có tâm huyết muốn làm cho nước nhà được mở mang và phát triển một cách tốt đẹp, nhưng không được nhà vua chấp nhận bởi một số người dua dối, nịnh bợ ngăn cản. Khuất Nguyên vì nghĩ rằng việc làm của mình là chân chánh nhưng không được chấp nhận nên đâm ra phiền muộn, khổ đau, dẫn đến bực tức, bất mãn với triều đình; cuối cùng chịu không nổi, ngài từ bỏ quan quyền, không làm việc. Cuộc sống xã hội luôn tồn tại và phát triển theo lý nhân duyên-nhân quả, con người không thể muốn mọi vấn đề, sự việc diễn ra theo sự sắp xếp của mình. Ai suy nghĩ rằng mình là người tốt và có thể thay đổi được mọi sự việc theo sự hiểu biết của mình thì đó là một lầm lẫn rất lớn. Khuất Nguyên vì suy nghĩ rằng những kế sách của mình là đúng, là tốt, có thể giúp ích cho nhiều người, tại sao nhà vua không chấp nhận. Việc trái ý, nghịch lòng và thường xuyên xảy ra những điều bất như ý là chuyện thường xảy ra trong đời sống con người, ai khéo biết thì cuộc sống có phần an nhàn, tự tại. Khuất Nguyên là một kẻ sĩ nhưng không biết kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, lại chấp trước quá nặng nề nên không làm chủ bản thân, dẫn đến ngông cuồng, thất tha, thất thiểu trong sự uất ức tột cùng. Ông ta rày đây mai đó như kẻ mất hồn trong trạng thái buồn chán, khổ đau. Trong lúc vật vờ, nửa tỉnh nửa say, ông gặp một lão chăn bò cũng là một triết gia ẩn dật lâu năm. Lão chăn bò hỏi ông, “có phải là ngài Tam Phu đại nhân không?” Ông ta gật đầu. “Vì cớ sao ngài tiều tụy thế này, vóc dáng y như người bệnh lâu, có phải ngài bất mãn một điều gì đó?” “Phải! Đời đục cả, chỉ một mình ta trong - Đời say cả, chỉ một mình ta tỉnh.” “Đời say sao ông không say với người, đời đục thì ông đục theo, cớ gì phải tỉnh khi người ta say?” Nói xong, lão chăn bò bồi thêm cho một bài triết lý về sự đời:
Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta lội xuống rửa lèo mũ ta.
Sông Tương nước chảy đục ngầu,
Thì ta lội xuống rửa chân của mình.
Cuộc đời là vậy đó! Nước đục thì ta rửa chân, nước trong thì nấu cơm, giặt mũ. Sự vật ở mức độ nào thì ta tiếp ứng theo mức độ đó sẽ luôn thấy hài hòa, vui vẻ. Hoàn cảnh xã hội có nhiều người ý thức được trách nhiệm chung thì ta sẵn sàng dấn thân phục vụ để cùng nhau tiến bộ. Ngược lại, sự sống nếu không thuận buồm xuôi gió thì ta an nhẫn chờ thời, chớ một mình chống chọi dễ mang họa vào thân. Sau khi khuyên nhủ Khuất Nguyên xong, lão chăn bò bỏ đi nơi khác. Người có chí lớn khi được ai đó khuyên lơn liền thức tỉnh, thay đổi cách sống, nhưng Khuất Nguyên vì không còn thấy ai là người tốt cả, có sống cũng vô tích sự, nên ông đã trầm mình xuống sông mà chết. Hoàn cảnh môi trường nơi ta đang sống thường đem đến cho ta những điều không được hài lòng, như ý. Ta nên can đảm nhìn vào sự thật và chấp nhận nó như một thực tại. Ta chấp nhận nó không phải để đầu hàng, chịu thua mà bởi vì cuộc sống này ta phải khéo tùy duyên, tùy thời để có điều kiện đóng góp lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội. Cuộc sống thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên tốt và xấu, nếu ta không biết lạc quan nhìn đời với cặp mắt sáng suốt thì ta sẽ bị chôn vùi theo năm tháng. Nếu chúng ta biết nhận thức đúng đắn, suy xét mọi việc tường tận, sâu sắc và kiên nhẫn chờ đợi thì mọi việc tốt đẹp sẽ đến với ta trong nay mai.
Những điều trái ý, nghịch lòng, bất như ý luôn xảy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nó dễ làm cho con người buồn chán, bất mãn, tuyệt vọng. Nếu ta không khéo tu để chuyển hóa chúng thì ta sẽ rơi vào vòng si mê, điên dại. Bất mãn là thái độ không hài lòng, vừa ý trong hoàn cảnh hiện tại, do các tư tưởng và hành động xấu ác chiếm nhiều hơn. Người không có chiều sâu về tu tập hoặc quá cố chấp cái thấy, cái hiểu của mình nên muốn đưa ra ứng dụng mà không được mọi người chấp nhận sẽ dễ dẫn đến cuồng điên, dại dột. Khuất nguyên vì quá vội vã muốn đưa sáng kiến của mình để phục vụ nhân loại nhưng không được vua chấp nhận; thay vì an nhẫn chờ thời và cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, ông bất mãn không đúng chỗ nên thất vọng, khổ đau đến cùng cực. Quá vội vã sẽ đưa ta tới sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm thì không an ổn, thất vọng thì không còn niềm tin để sống và khổ đau làm cho ta tiều tụy, héo mòn, bệnh hoạn và kết cục ta bị hủy diệt nhanh chóng. Chúng ta nên có tư duy sáng suốt, không vội vã, bất mãn mà cố gắng tìm cách thuyết phục bằng hành động thực tế. Buồn khổ, phiền muộn, bực tức hay ghét ai trong vội vã thì ta dễ bức xúc vì thấy ai cũng là người xấu, nên ôm hận thiên thu mà chịu chết một cách oan uổng và đáng tiếc.
Tại sao ta hay vội vã trong mọi công việc? Đi cũng vội vã, ngồi cũng lăng xăng, nằm cũng lật đật, ăn uống cũng vội vã cho qua mau để tranh thủ việc khác. Mạng sống của chúng ta dài hay ngắn, an hay không an đều tùy thuộc vào sự định tĩnh của ta. Mỗi ngày ta có 24 giờ, 8 giờ cho ngủ nghỉ, 8 giờ cho làm việc, 8 giờ còn lại cho ăn uống và hưởng thụ. Ta chỉ dành một giờ cho quán chiếu, chiêm nghiệm cuộc sống, hết lòng tận tụy trong mọi công việc thì ta sẽ biết được cái gì nên làm và cái gì không nên. Nhờ có quán chiếu hằng ngày như thế nên tâm ta có định tĩnh, có tĩnh lặng sâu, nên các dấy niệm bất mãn, hận thù không có cơ hội phát sinh và ta không bị áp lực của sân hận, do đó biết sống tùy duyên, tùy thời mà thân tâm ta không bệnh hoạn nên mạng sống lâu dài. Ngài Khuất Nguyên vì không biết sống tùy duyên, tùy thời mà cố chấp quá mức, nên thân tâm bị bốc lửa sân hận rồi đâm đầu xuống sông mà chết. Chết như vậy chẳng giúp ích gì được cho ai mà lại còn hại mình vì tâm niệm sân hận quá lớn, nên chắc chắn kiếp tái sinh tới sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu nhiều đau khổ, cùng cực vì cái thấy sai lầm.
Chúng ta có quyền bất mãn nhưng không bi quan, yếm thế mà cần phải bền chí, kiên trì làm một việc gì đó thật sự có lợi lạc cho nhiều người. Thế gian là một trường đời ngang trái, thuận theo cũng chết, đi ngược lại cũng chết, chỉ có biết mới có thể tồn tại lâu dài. Do đó, ta phải biết chuyển hóa tâm niệm xấu bằng cách buông xả chúng, không nên để chúng âm ỉ sôi sục bên trong mà tạo ra nội kết chán chường, thất vọng. Cuộc đời không hoàn toàn buồn chán, khổ đau như nhiều người thường lầm tưởng. Chúng ta có thể nghe tiếng gió thổi, thông reo, tiếng chim kêu ríu rít như một bản nhạc lòng hòa cùng niềm vui của nhân loại, không nên quy kết cuộc đời là hoàn toàn đau khổ, vô tình dẫn ta đến chán nản, phiền muộn, khổ đau mà nguyền rủa cuộc đời sao quá bất công. Cuộc đời vẫn đẹp và trong sáng như những vì sao, chỉ có tâm ta vẩn đục làm lu mờ lý trí. Ai còn đang vướng mắc trong cái vòng lẩn quẩn ấy hãy nên sáng suốt vượt qua. Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao dù đạn bom vẫn gầm thét trong trời đất bao la này. Có hiểu biết chân chánh, có niềm tin vững chắc, ta vẫn vui với dòng đời ngang trái mà không làm tổn hại cho ai.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút

Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút

Đăng lúc: 11:02 - 15/12/2015

Phật Giáo Việt Nam - Khi bạn thử hỏi một người, hoặc một gia đình bình thường nào đó, xem điều gì có thể làm cho họ căng thẳng nhất, rất hiếm khi mà câu trả lời lại không bao hàm trong đó một thực tế là: họ luôn luôn phải hối hả chạy đua theo sau mọi việc. Cho dù là bạn đang định đi xem một trận bóng đá, đến sở làm, ra phi trường, dự một buổi tiệc của người hàng xóm, thậm chí đến trường hay đi lễ nhà thờ... Dường như hầu hết chúng ta đều có những lý do để khởi sự vào giây phút nào trễ nhất có thể được

Biến đổi khí hậu - hiện tượng không xa vời

Biến đổi khí hậu - hiện tượng không xa vời

Đăng lúc: 18:15 - 19/11/2015

Vừa qua, Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cùng với các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới đã ký vào Thông điệp của Phật giáo về hiện tượng biến đổi khí hậu, gửi đến Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21), sẽ diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp vào cuối tháng 11-2015.
Thông điệp nhận định rằng: “Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người chúng ta cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta”. Hơn bao giờ hết, để cứu vãn sự sống trên hành tinh này, các nhà lãnh đạo Phật giáo kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ hãy cùng nhau đưa ra một lộ trình cho giải pháp toàn diện và lâu dài nhằm chấm dứt các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu.

Với giáo lý đạo Phật, vạn vật hiện hữu trong tương quan mật thiết với nhau. Do lòng tham lam, con người đã khai thác cùng kiệt tài nguyên môi trường tự nhiên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những phương thức tiêu thụ không bền vững, vì lợi nhuận trước mắt. Chính điều đó đã làm cho môi trường sinh thái mất sự cân bằng, ngày càng xấu đi. Những đợt thiên tai kinh hoàng, nguồn nước, không khí và thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng hiện nay chính là hậu quả của việc làm đó. Bao nhiêu sự đau thương mất mát, bệnh tật mới phát sinh… ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của con người, trở thành nỗi ám ảnh, mối lo lắng sợ hãi cho con người và mọi loài ở nhiều nơi…

Mọi giải pháp tích cực đều được bắt đầu bằng sự thấu hiểu, quan niệm đạo đức và trách nhiệm cộng đồng. Chỉ có cái nhìn duyên sinh, tình thương thực sự mới gắn kết tất cả chúng ta có ý chí trong việc tìm ra giải pháp tích cực nhằm giảm tốc độ và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Trong đời sống mưu sinh khó khăn, nhất là đối với con người ở các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam chúng ta, chúng ta thường thờ ơ, thậm chí không quan tâm tới các tác nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, xem đó là chuyện đâu đâu xa vời, không liên hệ tới đời sống của mọi người. Đó là nhận thức sai lầm. Các nhà khoa học chứng minh rằng và cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất trực tiếp tới sự sống của mọi loài trên hành tinh, trong đó có những yếu tố quan trọng như không khí, nguồn nước, thực phẩm… mà con người phải trao đổi, tiêu thụ hàng ngày.

Ở tầm vĩ mô, đại diện cho giới lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ - 197 thành viên sẽ ngồi lại với nhau dưới ngôi nhà chung Liên Hiệp Quốc cùng tìm giải pháp cụ thể để giữ nhiệt độ của trái đất không tăng thêm trong hội nghị COP-21 sắp tới.

Chư tôn đức, các vị lãnh đạo đại diện các truyền thống Phật giáo trên thế giới đã cùng ký thông điệp với đề nghị cụ thể gửi đến hội nghị trên.

Đối với cá nhân, chư vị lãnh đạo Phật giáo cũng đã kêu gọi mọi người hãy chung tay chung lòng nhằm tích cực sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ rừng, chuyển sang ăn chay, giảm tiêu thụ, chuyển hóa rác, sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo, sử dụng phương tiện công cộng... Đó là những việc làm thiết thực mà người Phật tử cần nên ý thức tiên phong góp phần cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Thích Pháp Hỷ

Nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia

Nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia

Đăng lúc: 17:00 - 16/11/2015

Khi tâm nguyện xuất gia chưa đủ lớn thì bạn hãy nuôi dưỡng và vun bồi thêm chứ không gượng ép.

HỎI: Tôi năm nay 18 tuổi, cảm nhận được những cay đắng của cuộc đời nên muốn xuất gia. Tôi tìm học Phật pháp, hiểu được cái hay của đạo Phật nên tôi thường trì tụng kinh điển và ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống. Nhiều lần tôi đến chùa, có ý định xuất gia nhưng rồi như có gì đó ngăn lại, sau đó tôi lại ra về.

Tôi muốn hỏi là tại sao tôi không xuất gia được, phải chăng tôi không có duyên với con đường này?

(HUỲNH NAM,
huynhbanam9999@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Huỳnh Nam thân mến!

“Cảm nhận được những cay đắng của cuộc đời” là điều trợ giúp cho bạn trưởng thành. Bởi bản chất của cuộc đời là như vậy, cay đắng nhiều hơn ngọt ngào. Nên sống trong cuộc đời cần biết chuyển hóa cay đắng, chế tác ngọt ngào để làm cho đời sống an vui hơn.

Bạn đã đi đúng hướng khi biết “tìm học Phật pháp, hiểu được cái hay của đạo Phật nên tôi thường trì tụng kinh điển và ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống”. Chỉ cần hiểu rõ và thực hành lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày đã là rất quý hóa, không nhất thiết phải xuất gia.

Một người Phật tử sống tốt đời, đẹp đạo, phát tâm ủng hộ Phật pháp trong khả năng của mình là đầy đủ ý nghĩa. Khi tâm nguyện xuất gia chưa đủ lớn thì bạn hãy nuôi dưỡng và vun bồi thêm chứ không gượng ép. Đến khi bạn đã xác định được xuất gia là lẽ sống đích thực của đời mình thì tự khắc bạn sẽ được như nguyện.

TỔ TƯ VẤN

Người tu hành không lầm nhân quả

Người tu hành không lầm nhân quả

Đăng lúc: 21:37 - 14/11/2015

Hỏi: Các vị Cao Tăng Đại đức là những bậc đại tu hành còn có rơi vào vòng chi phối của nhân quả hay không?



Đáp: Nhân quả là quy luật của vũ trụ vạn vật, không có một ai có thể đi ra ngoài quy luật ấy. Người tu hành đạt đạo và chứng quả thì không còn mê lầm đối với nhân quả, chứ chẳng phải là không còn nằm trong nhân quả. Việc này có liên hệ đến một công án của nhà Thiền. Một hôm, Hòa thượng Bá Trượng lên tòa giảng pháp cho đại chúng. Sau khi kết thúc buổi giảng, mọi người đều ra về hết, duy chỉ có một cụ già còn ở lại, đi đến đảnh lễ và trình với Hòa thượng:

- Bạch Hòa thượng! Con không phải là người.

Hòa thượng hỏi:

- Ông không phải là người, vậy ông là gì?

Ông lão đáp:

- Bạch Hòa thượng! Năm trăm đời về trước, con vốn là một người xuất gia tu hành ở ngọn núi này. Ngày nọ, có một người đến hỏi con: ‘Bậc tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả hay không?’. Khi ấy, con đã trả lời: ‘Không còn rơi vào nhân quả’. Chỉ vì một câu nói đó, mà con phải bị đọa năm trăm kiếp làm chồn sống ở ngọn núi này. Nay xin Hòa thượng từ bi nói cho con một lời để chuyển hóa thoát khỏi kiếp chồn.

Lúc đó, ngài Bá Trượng nghiêm trang nói với ông lão:

- Vậy ông hãy hỏi lại ta câu hỏi đó.

Ông lão hỏi:

- Bạch Hòa thượng! Người tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả không?

Ngài Bá Trượng đáp rằng:

- Không lầm nhân quả!

Khi nghe câu nói đó rồi, ông lão đảnh lễ Hòa thượng và cầu xin:

- Xin Hòa thượng buổi chiều nay hãy làm lễ an táng cho con giống như một vị Tăng.

Nói xong, ông lão đảnh lễ Hòa thượng ra đi. Buổi chiều, ngài Bá Trượng đánh kiền chùy tập hợp đại chúng lại và nói: ‘Hôm nay có một vị Tăng vừa qua đời, đại chúng nên đi làm lễ’. Mọi người đều ngạc nhiên vì nhìn thấy số Tăng chúng sống trong chùa đều còn đầy đủ, không có ai viên tịch. Sau đó, ngài đã dẫn đại chúng đi tới một cái hang phía sau núi để xem thì thấy có một con chồn đang nằm chết trong đó. Ngài và đại chúng cùng nhau làm lễ nghi thức an táng cho con chồn giống như một vị Tăng xuất gia. Như vậy, ngay cả người đã xuất gia, nhưng chưa tu hành tới chỗ rốt ráo, vẫn có thể phạm sai lầm trong vấn đề nhân quả và làm cho người khác lầm lạc, thấy không đúng dẫn đến việc tu sai, do đó phải chịu tội báo đọa làm chồn năm trăm kiếp. Đối với vấn đề nhân quả, tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng, không thể mở miệng nói càn. Chỉ là không có sai lầm đối với nhân quả, bởi vì đã thấu suốt rõ ràng nhân quả, chứ chẳng phải không còn rơi vào nhân quả.

Quy luật nhân quả bao trùm khắp vũ trụ vạn vật, không chỗ nào không có từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, không có thay đổi. Ví dụ, chúng ta gieo trồng hột cam xuống đất và chăm sóc vun bón cho nó thì mấy năm sau nó sẽ mọc thành cây và những trái cam ngọt. Ngược lại, gieo hạt ớt hay hạt chanh xuống đất thì chỗ ấy sẽ mọc lên cây cho quả ớt cay hoặc quả chanh chua. Từ xưa đến giờ không hề có việc trồng hạt chanh mà có trái cam, bởi vì nhân nào thì quả nấy, không thể có sự sai lệch. Không chỉ nhân quả ở trong loài thực vật, mà các loại động vật hay sự tu hành, thậm chí cho đến những ý niệm vi tế cũng không ra thể vượt ngoài quy luật nhân quả. Ví dụ, khi chúng ta mắng nhiếc người khác một câu, thì họ cũng tìm cách để trả đũa lại mình. Hoặc chúng ta luôn nghĩ những điều xấu ác về một người nào đó, thì lâu ngày điều ấy sẽ trở thành ý nghiệp và chiêu cảm quả báo là họ cũng sẽ nghĩ xấu về mình. Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng, dù trải qua ngàn đời cũng không có mất. Người tu khi đã hiểu rõ về đạo lý nhân quả rồi, thì từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động hay việc làm đều nên chọn lựa cái nhân thiện lành để gieo trồng ngay trong hiện tại và đừng nên gieo xuống những cái nhân xấu ác để đưa chúng ta đi đến cái quả khổ đau về sau.

Thích Minh Thành

tải xuống

Người tu không sợ "đói"

Đăng lúc: 18:54 - 29/10/2015

Bước tiếp những bước chân của sứ giả Như Lai về với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên ải, phiên dậu của non sông vì nơi đó thật sự cần chúng ta, bao trái tim chân chất đang đợi chờ, mời gọi sự dấn thân của tu sĩ trẻ.

Về với các em thiếu nhi bản Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang trong mùa Trung Thu vừa qua đã lưu lại trong tôi một cảm nhận sâu sắc về tấm lòng của người dân vùng cao và càng làm cho tôi cảm nhận sâu hơn lời dạy của Hòa Thượng Thiền Tâm trong thời kỳ khó khăn trước đổi mới rằng “Người tu không sợ đói”.

Trong thời gian đó sinh hoạt ở các chùa gặp nhiều khó khăn, các thầy phải tăng gia sản xuất để duy trì đời sống, phật tử đến chùa cũng rất ít, công việc phật sự gặp nhiều trở ngại làm cho không ít người hoang mang dao động kể cả các vị xuất gia…

Trong một lần nói chuyện với các tu sĩ tịnh xứ Hương Nghiêm Hòa thượng đã sách tấn…”Người tu không sợ đói”. Ngài kể lại câu chuyện rằng: "Vào một ngày Hòa thượng ngồi thiền tọa trên một ngọn đồi cho đến buổi trưa có hai em nhỏ chăn bò ở đồi cỏ bên cạnh đã đem một phần lon cơm trộn khoai mà các em đem theo để ăn đến cúng dường cho ngài”. Nơi vùng đồi núi cô quạnh chỉ có cỏ cây, đàn bò và hai đứa trẻ chăn bò nhưng hai em vẫn phát tâm dâng cơm cúng cho Hòa thượng rồi mới dùng… Điều Hòa thượng chia sẻ và sách tấn ấy đã làm cho rất nhiều tu sĩ trẻ chúng con lúc đó giữ vững niềm tin, vững bước trên bước đường tu tập của mình và chúng con nhớ mãi cho đến tận hôm nay.

Đem ánh trăng niềm tin hy vọng về với trẻ em vùng cao là chương trình mà Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức thực hiện suốt trong bảy năm qua. Năm nay chương trình về với trẻ em bản làng vùng cao nơi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, lần đầu tiên trẻ em trong toàn xã ai cũng được khám nha, ai cũng được phát quà dự liên hoa văn nghệ, đốt lửa trại, phá cỗ mừng đón Trung Thu trong niềm tin yêu hy vọng. Buổi chiều đến với núi rừng vùng cao sao thanh thoát đến vậy… trong thời gian đợi các bạn Thiện Nguyện Viên Trẻ chuẩn bị cho khâu tổ chức văn nghệ và phát quà vào buổi tối, tôi đã đi dạo ra ngoài cổng ủy Ban xã để ngắm nhìn phong cảnh núi đồi trùng điệp ở nơi đây.

Ngồi nơi triền dốc trước cổng ủy Ban để ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên và cho lòng ngực mở toang hít thở trọn vẹn bầu không khí trong lành không ô nhiễm. Các em học sinh lại đến quây quần bên tôi, hỏi thăm :“Thầy có mệt không ?” “mấy hôm nay thấy Thầy vất vả vì chúng con quá !”

“Mấy hôm nay chúng cháu vui lắm, mong đợi đoàn về tổ chức trung thu mà chẳng nhắm mắt ngủ được”…thế mới biết các cháu rất vui và mong đợi chương trình như vậy, nên công lặn lội vượt chặng đường xa của đoàn đến với các em là điều nên làm.

Thầy trò chuyện vãng vui tươi, các em lại nêu đề nghị “Thầy ơi thầy ở lại đây, ngày mai đừng về thầy nhá !” “Nhà chúng con sắp ăn cơm mới rồi thầy ở lại ăn cơm với chúng con đi” “Thầy ở lại đây luôn với chúng con thầy nhá, chúng con chẳng muốn thầy về đâu”. Thế rồi các em lại khóc, những giọt nước mắt chân thành lăn tròn trên đôi má của các em làm cho tôi xao xuyến, bùi ngùi… Tôi hỏi “ Thầy là thầy tu, sức khỏe thầy lại không tốt, không làm ra tiền, thầy ở lại đây lấy gì mà sống?” Các em ríu rít trả lời trong tiếng nấc và tiếp tục mời gọi “Thầy ở lại đi, chúng con sẽ nuôi thầy” “thầy ở lại đi, chúng con sẽ hái rau nuôi thầy, không cho thầy đói đâu” “Ở đây với chúng con có cái ăn mà thầy”… những lời nói chân thành chất phát được thốt ra tự đáy lòng của các em làm chúng tôi không cầm được nước mắt. Những con người ở đây họ thật lòng như vậy, không khách sáo màu mè, bụng nghĩ sao thì nói vậy, thực sự mong muốn thầy ở lại, và thực sự không để thầy phải đói.

Trong tâm khảm chúng tôi lại nhớ đến lời sách tấn của Hòa thượng năm xưa… “Người tu thật sự không bao giờ sợ đói”. Sợ là sợ chúng ta không thật tu mà thôi. Người cư sĩ hộ pháp không bao giờ để điều đó xảy ra… Đạo pháp màu nhiệm là thế đấy. Bao nhiêu tấm lòng của những người tu sĩ muốn dấn thân vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở nơi đó những người Phật tử khát khao ánh đạo đang chờ đón và mời gọi chúng ta. Ở nơi đó có những khó khăn thật sự nhưng người cư sĩ và Hộ Pháp không bao giờ để “Người tu phải đói”. Hãy đến và hãy đi để trải nghiệm điều màu nhiệm cao cả này.

Bước tiếp những bước chân của sứ giả Như Lai về với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên ải, phiên dậu của non sông vì nơi đó thật sự cần chúng ta, bao trái tim chân chất đó vẫn đợi chờ, mời gọi sự dấn thân của tu sĩ trẻ chúng ta.

Chia sẻ để cùng nhau vững tin và vững bước hơn trên hành trình hoằng hóa chúng sanh. Hãy tin, hãy bước và hãy đến với bao người !

Thích Giải Hiền

Di tích Yên Tử liên tục bị xâm hại, trách nhiệm thuộc về ai?

Di tích Yên Tử liên tục bị xâm hại, trách nhiệm thuộc về ai?

Đăng lúc: 18:59 - 28/10/2015

Tại vùng lõi của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt- Kinh đô Phật giáo của cả nước mà chưa đầy 2 năm đã có nhiều hạng mục xây dựng mới không phép. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Cục di sản chưa biết di tích Yên Tử đang bị xâm hại
Khu Danh thắng Yên Tử bị xâm hại nghiêm trọng
"Bọn anh chỉ biết xây dựng thôi"?!

Khi những lình xình về dự án trùng tu các hạng mục như: Mắt rồng, tháp Tổ, am Dược... tại Khu danh thắng Yên Tử còn đang nóng trên mặt báo thì mới đây dư luận lại bức xúc về việc công ty Tùng Lâm tự ý tháo dỡ điểm thờ tự tại chân ga cáp treo để xây mới nhà văn hóa của Cty ngay trong vùng 1 (vùng bảo vệ đặc biệt của Di tích).
Lý do được phía Cty Tùng Lâm đưa ra là để vào ngày đầu tháng hôm rằm có chỗ làm lễ vái Tam tổ Trúc Lâm. Trước diện tích chỉ đủ cho khoảng mấy chục người, công ty lại hơn trăm người, mỗi một lần làm lễ vẫn phải ngồi hết ra ngoài”.

VietNamNet, Yên Tử, Tùng Lâm
Lực lượng liên ngành kiểm tra, lập biên bản tại hiện trường vào chiều 23/10.
Có ý kiến cho rằng, Cty Tùng Lâm cũng chỉ có mong muốn sửa sang lại cho khu vực sân ga cáp treo đẹp đẽ và hiện đại hơn chứ không có mục đích gì. Với mục đích kinh doanh, việc thu hút khách du lịch là yếu tố sống còn của Cty này. Có thể, họ không hiểu đó là vùng cần được bảo vệ như ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Cty Tùng Lâm trả lời phóng viên VietNamNet: "Bọn anh chỉ biết xây dựng thôi".

Để làm cho kịp, Cty Tùng Lâm đã phớt lờ các quy định của pháp luật, các phê duyệt, sự đồng ý của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, của UBND tỉnh Quảng Ninh về di sản. Dù trước đó Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí đã có Công văn số 2082/UBND-QLĐT yêu cầu Cty Tùng Lâm báo cáo xin phép UBND tỉnh Quảng Ninh theo quy định hiện hành và phải nghiêm túc thực hiện.

Phá dỡ trước, làm công văn sau

Điều đáng nói là, ngày 12/9 Cty Tùng Lâm phá dỡ điểm thờ tự cũ tại chân ga cáp treo mà đến ngày 5/10 Cty mới có Văn bản số 212CV-TL xin UBND TP Uông Bí sửa chữa Nhà Văn hóa Cty. Nghĩa là, xây dựng công trình trước cả tháng rồi mới làm thủ tục?

VietNamNet, Yên Tử, Tùng Lâm

VietNamNet, Yên Tử, Tùng Lâm
Công trình tại vùng lõi di sản nhưng lại đang vừa xây dựng vừa xin phép.
Được biết, Ban Quản lý Rừng và Danh thắng Yên Tử cùng chính quyền phường Thượng Yên Công, UBND TP Uông Bí và các phòng, ban chức năng: Phòng Văn hóa, Tài nguyên-Môi trường, Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng là những đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn. Câu hỏi đặt ra là Hàng tuần, hàng quý đều tổ chức các cuộc họp giao ban giữa Cty Tùng Lâm và chính quyền địa phương nhưng một công trình đồ sộ được xây dựng không phép ngay tại vùng lõi của Danh thắng Yên Tử lại dễ dàng bị bỏ qua?

Ông Vũ Đức Yêm, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phân trần rằng đơn vị quản lý Nhà nước, Ban quản lý Rừng Yên Tử chỉ có nhiệm vụ là hướng dẫn Cty chứ không có trách nhiệm làm hộ

Là đơn vị trực tiếp quản lý trên địa bàn, người đứng đầu Ban quản lý Rừng Yên Tử thừa nhận không biết kiến trúc mới mà Cty Tùng Lâm xin phép sửa chữa là kiến trúc gì; diện tích bao nhiêu... Thậm chí, trong văn bản xin giấy phép, Cty chỉ đề xuất được sửa chữa nhà chờ ga cáp treo 1. Nhưng khi triển khai, họ đập hết để xây dựng một công trình mới hoành tráng, hiện đại, mang dáng dấp hoàn toàn xa lạ với công trình cũ. Sự việc như vậy nhưng Ban Quản lý cũng như chính quyền các cấp không hề nhắc nhở hoặc có động thái gì để công trình được xây dựng một cách ồ ạt, gấp rút.

Liên tục xây dựng không phép

Cách đây hơn 6 năm, theo thống kê của Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, Cty Tùng Lâm đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm thi công ở Yên Tử không phép. Suối Giải Oan cũng bị dựng cầu, kè đá không phép. Thậm chí, vào thời điểm đó, cơ quan chức năng cho biết còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Tùng Lâm báo cáo.

Công ty giải thích việc dựng ki ốt, cầu, kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp hơn, phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn. Trong khi công ty cho biết đã xin phép địa phương thì Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí khi đó khẳng định chỉ cho phép công ty dựng tay vịn tại các khúc cua nguy hiểm. UBND cũng đã có yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nhưng hiện cầu đá này vẫn còn.

Vì sao một công trình xây dựng sai phép ngay trong lòng Di tích quốc gia đặc biệt, dù đã có quyết định phá bỏ nhưng vẫn tồn tại đến bây giờ?

Sự yếu kém trong quản lý được đặt trong bối cảnh hiện địa phương đang dần dần hiện thực hóa việc làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho Yên Tử. Ngày 23/9/2014, website của Trung tâm di sản thế giới UNESCO đã đưa hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Anh Thư

Tình thương của người học Phật

Tình thương của người học Phật

Đăng lúc: 20:46 - 27/10/2015

1. Là Phật tử, ai cũng gọi Bồ-tát Quán Thế Âm là “mẹ Quan Âm”, nghĩa là nhận mình là con của Ngài. Tuy nhiên, là con mà mình có học và hành để giống mẹ mình không?
Giống mẹ thì mới nhận là mẹ được. Giống gì? Giống từ tâm, bi tâm, giống hạnh lắng nghe sâu sắc, đem niềm an vui trao cho người khác, loài khác...
hoc Phat.jpg
Lắng nghe sâu sắc - Ảnh minh họa
Trong cuộc sống, nhiều lúc ta thật vô tâm, vô cảm, thật ích kỷ... Đó là những biểu hiện không giống mẹ Quan Âm. Nếu nghe được vậy, thấy được vậy và sửa đổi một cách sâu sắc trong ý niệm, lời nói, việc làm hàng ngày thì ta đang làm cho mình giống Bồ-tát hơn, dần xứng đáng là con và không ngượng ngùng khi gọi “mẹ Quan Âm” - cũng như không thấy xấu hổ khi ai đó hỏi, mình có giống mẹ mình không?
2. Thương và kính một người là sợi dây vô hình có thể níu giữ tâm hồn mình lại, để mình không buông thả, mà sẽ buông bỏ những tập khí không tốt, cố gắng hoàn thiện bản thân. Không cần phải nói thương ai nhiều cả, chỉ cần làm như họ mong (niềm mong đúng, tốt, đẹp) và làm cho họ thấy an lòng là mình đã biểu hiện tình thương một cách tích cực.
Thương mẹ Quan Âm thì ta cũng sẽ biết sống theo hạnh của Ngài, để trở thành “sứ giả” của Đức Quan Âm, để người ta nhìn vào thấy mình giống Quan Âm: bình an, nhẹ nhàng...
3. Trong tình yêu cũng vậy. Bạn thương một người thì bạn phải biểu hiện tình thương ấy đúng đắn. Biết cái sai của họ mà ngăn, không ủng hộ việc bậy của người mình thương cũng là một cách.
Bạn là fan của ai đó mà họ làm sai, mình đừng dại dột cổ vũ, đó là “cổ vũ cho nó chết”; là bạn của ai đó, biết họ chưa hay thì bạn đừng khen vì như vậy là hại bạn, là “khen cho nó chết”. Thực ra, nếu không đủ trí và bi trong những ứng xử đại loại như vậy, thì khi đó “lòng bạn cũng chết” theo, sẽ cứ lầm lũi theo hướng tối hoài.
Tình thương thực thụ phải làm cho nhau tốt lên, làm cho nhau an vui, hạnh phúc, tôi luôn nghĩ như vậy. Và, nhân đây, tôi gửi lại bạn tặng phẩm mà tôi nhặt được cách đây vài bữa trên Zalo, đó là một châm ngôn sống của ai đó, thiệt hay rằng:
“Cho tình yêu không bao giờ đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận lại được tình yêu. Đừng mong đợi tình yêu được đáp trả, hãy chờ đợi tình yêu đó lớn dần trong trái tim họ; và nếu điều đó không xảy ra thì cũng hãy vui vì có một tình yêu trong trái tim bạn”.

An Lạc

Câu chuyện ai cũng nên đọc một lần: Ổ bánh mì và lão già kì quặc

Câu chuyện ai cũng nên đọc một lần: Ổ bánh mì và lão già kì quặc

Đăng lúc: 17:40 - 19/10/2015

Câu chuyện đầy suy ngẫm này chắc chắn sẽ để lại cho bạn rất nhiều bài học đáng giá.

Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư bên ngoài thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi, một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi.

Thay vì nói lời cảm ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú:



“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu :

“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”

Ngày qua ngày, người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ:

“Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhải mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”.

Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ:

“Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”.

Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng:

“Ta làm gì thế này?”

Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm:

“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến giận dữ dội.

Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm xa, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa…

Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:

Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói:

“Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết!

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão…

Trong cuộc sống, luôn tồn tại luật nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai bởi vậy hãy luôn sống tốt và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình bạn nhé!

Theo Sưu tầm / Trí Thức Trẻ

Sắc màu chốn thiền môn

Sắc màu chốn thiền môn

Đăng lúc: 17:38 - 19/10/2015

Chính tại nơi này, một vùng ngoại ô thành phố, tôi đã tìm được cho mình một chốn bình yên. Chốn bình yên với những gam màu vẽ nên cuộc sống, những sắc màu bình dị, đơn sơ và thanh khiết như chính tâm hồn của những người thầy đáng kính. Rồi mai đây giữa dòng đời xuôi ngược, dẫu đắng lòng trước thay đổi thịnh suy, tôi sẽ không bao giờ quên những gì đang hiện hữu.



Khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ mơ màng, khi đàn gà con còn chưa muốn bước ra khỏi cửa chuồng để kiếm ăn, khi ông mặt trời còn chưa trở mình vươn vai thức dậy phía hừng đông thì hồi chuông báo thức đã vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng đại hồng chung ngân vang phá tan màn đêm tĩnh mịch. Trong màu vàng y rực rỡ, quý thầy đã tập trung về chánh điện để tụng thời kinh khuya. Màu vàng y thanh tịnh trang nghiêm, màu vàng sẫm của đất đỏ bazan, đó cũng chính là màu của sự nhẫn chịu. Nhẫn như đất, dẫu có ai thải vào đất hay vứt lên đất bất cứ thứ gì, đất cũng không nhàm chán hay giận dữ, đất âm thầm chuyển hóa.

Sau thời kinh khuya, mọi người cùng nhau quét dọn sân chùa. Khi âm thanh xào xạc của nhát chổi vừa ngưng thì vạn vật đã chuyển mình thức dậy. Tiếng chim đã bắt đầu réo rắt đầu cành, ánh nắng vàng xua tan giọt sương đầu ngọn cỏ. Trong bầu không khí trong lành ấy, chư Tăng và Phật tử xếp hàng lần lượt vào trai đường để dùng cơm. Dùng cơm sáng xong, tất cả cùng bắt tay vào công việc trong chùa, mỗi người một việc, không ai giống ai, có giống nhau chăng là nụ cười luôn nở trên môi của mỗi người khi chấp tác, hoặc giống nhau là sự nhiệt tình, năng nổ và hết mình trong công việc của mọi người.

Ấn tượng làm sao những buổi trưa hè của những ngày lễ, chủ nhật hay khóa tu, trong một sự hỗn độn màu sắc và âm thanh của thập phương bá tánh, những chiếc áo nâu và áo lam đang âm thầm làm việc, đẫm mồ hôi dưới trời nắng gắt. Vài vị thầy đang hướng dẫn cho các bạn nhóm Hộ pháp viên phát cơm cho Phật tử về chùa. Để có những phần cơm này, quý thầy và Phật tử trong chùa phải chuẩn bị từ đêm hôm trước. Nếu màu áo lam và áo nâu xen kẽ nhau trong khu vực nhà bếp với niềm vui phụng sự thì đâu đó vài tà áo lam và nâu đang lom khom nhặt những hộp cơm đã sử dụng xong với ước mong sân chùa được khang trang, sạch sẽ. Có lẽ từ quý thầy cho đến Phật tử trong chùa, ai cũng ý thức được những điều mình đang làm đem lại lợi ích gì và có ý nghĩa như thế nào.

Thế rồi dòng người đông đúc cũng đổ về muôn ngả, ánh nắng chiều soi rọi khắp lối đi, tiếng kinh chiều đồng vọng vang lên, khiến người lữ khách dừng chân nơi chốn thiền môn thanh tịnh, tìm lại sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn. Có ai đó đang ngồi nơi góc sân chùa, lắng nghe từng lời kinh tiếng kệ. Màu hoàng hôn buông phủ muôn nơi, nhưng không buồn bã thê lương mà an bình tĩnh lặng. Tiếng mõ vang đều được điểm xuyết thêm tiếng chuông ngân, càng làm cho không gian thêm trầm lắng. Có ai đó muốn dừng lại cuộc rong chơi, để ngồi đây lắng nghe niềm an lạc đang lan tỏa trong từng hơi thở. Thời kinh rồi cũng qua đi, mọi người cùng ngồi im, lắng nghe tâm mình hướng về Đức Phật. Phút tĩnh lặng tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để mọi người lấy lại năng lượng sau một ngày dài mệt nhọc và nhìn lại chính bản thân mình.

Sau thời kinh tối, ánh đèn khu Tăng xá lại sáng rực lên, soi rọi cho những hành giả xuất gia tìm về với lời dạy của Thế Tôn trong từng trang kinh sách. Trong màu nâu sòng giản dị, các thầy học hỏi và nghiên cứu giáo lý của đức Phật để sau này tiếp bước dấu chân xưa, gánh vác trọng trách thiêng liêng mà đức Thế Tôn và các bậc Tổ sư khi xưa truyền lại. Đâu đó trong ánh đèn phố thị ngoài kia, có người đang chén tạc chén thù bên mâm cỗ, có người đang say đắm ái ân. Nhưng tại đây cũng có những người còn rất trẻ mà lòng tràn đầy nhiệt huyết, đang âm thầm nuôi dưỡng thiện tâm, đang gầy dựng những hoài bão, ước mơ tốt đời đẹp đạo. Ngày cũng dần tàn mà ánh đèn đêm vẫn còn rực sáng, thế nhưng có người vẫn dành một ít thời gian còn lại của ngày để tĩnh lặng tâm tư, nhìn lại chính mình và sau đó chìm vào giấc ngủ bình yên.

Dẫu biết rằng, dòng đời còn quá nhiều ngang trái, có lắm người mượn đạo tạo đời, làm nhiều điều không đúng với chánh pháp, làm mất đi hình ảnh thiêng liêng và cao cả của chư Tăng. Thỉnh thoảng những hình ảnh, tin tức không hay được đăng tải trên các ph ương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng chắc chắn rằng đâu đó vẫn còn rất nhiều những người thầy vững tin vào con đường giải thoát, đang giữ mình khỏi những cám dỗ xa hoa và tìm về với ánh đạo thiêng của Phật Đà. Có những người thầy tuy tuổi đời còn rất trẻ và tuổi đạo không cao, nhưng luôn ấp ủ những hoài bảo cao vời muốn giúp đời vơi đi khổ não. Và ở một nơi xa xôi nào đó, có những người con Phật vì chúng sanh vì Phật pháp hành đạo độ đời. Nguyện cầu những hình ảnh này vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian, sẽ không bao giờ phai nhạt. Nhân loại luôn được an vui hạnh phúc trong ánh sáng từ bi.

Kính Đức.

Chỉ nên giải hận, không nên ôm hận

Chỉ nên giải hận, không nên ôm hận

Đăng lúc: 21:28 - 17/10/2015

Hai chữ “Oán trách” có mặt trong khắp mọi ngõ ngách xã hội, từ quan hệ gia đình bè bạn đến hầu hết các mối quan hệ xã hội.



Có thể nói đây là hiện tượng phổ biến. Dù thân thiết như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng khó tránh được hai chữ “trách cứ” nhau. Ví dụ khi mẹ thấy con cái không vâng lời, có thể nói với con trước mặt chồng: “Con cái gì mà chẳng biết nghe lời gì cả, tính tình xấu xa dạy thế nào vẫn chứng nào tật nấy, bố mày chịu khó mà kèm nó cho tốt”. Đấy quả thực là những câu nói khiến người nghe khó chịu.

Người ta thường trách cứ nhau sau khi nổi giận, vì thế những lời “phát tiết” thường rất khó nghe, không những người nghe cảm thấy khó chịu mà bản thân người nói cũng chẳng vui vẻ gì. Khi bạn bất mãn điều gì với người hoặc sự việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy ấm ức, tức giận oán hờn trách móc, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, người sống trong đời mười việc hết tám chín việc không như ý, nếu bạn chỉ biết oán hờn trách móc chỉ làm cho sự việc thêm rối lên mà cũng chẳng giải quyết công việc êm đẹp.

Khi nghe lời oán trách, mọi người thường nghĩ “tôi đối xử tốt với nó thế mà chẳng hiểu sao nó thường không hài lòng về tôi. Vì tốt cho nó tôi mới làm thế, không những không được lời cám ơn ngược lại còn bị chê trách, thật là làm ơn mắc oán”. Cách nghĩ vấn đề như vậy chỉ làm bạn thêm bực tức! Nếu bạn xem oán hờn trách móc là hiện tượng phổ biến, bình thường thì người bị oán sẽ không thấy đau khổ, nếu không hễ cứ bị trách móc bạn liền nghĩ mình bị trách oan, đau khổ sẽ như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn.

Nếu bạn biết tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, bạn hãy nghĩ “không phải hiền thánh, mấy ai tránh khỏi lỗi lầm”, bạn thấy người khác chỉ trích hợp lí, bạn nên rút kinh nghiệm, bạn phải cám ơn họ đã cho bạn cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân.

Người bình thường mấy ai không phiền não, có phiền não nhất định sẽ có oán hờn, trách móc. Có thể bạn không phải là nguyên nhân làm cho người khác phiền não nhưng vẫn bị trách móc, bạn hãy nghĩ mình đang làm điều tốt, đang giúp họ trút giận, giúp họ xả bớt phiền muộn, căng thẳng. Khi cảm thấy bất mãn, có thể do người khác cũng có thể do mình tự gây ra, bạn nên nghĩ rằng do một người nào đó tung tin nhảm chứ không phải lỗi của mọi người. Khi gặp trường hợp này hãy đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, cố gắng thực hiện: không oán trách người khác, chấp nhận người khác trách móc, và lắng nghe chỉ trích của người khác. Khổng Tử nói “bậc quân tử nghe lỗi lầm thì vui mừng”, không những không nên phiền não mà ngược lại nên vui vẻ đón nhận vì khi người khác còn biết trách nghĩa là bạn còn giá trị trong họ.

Có trường hợp khi nghe người khác oán trách liền nghĩ “người thanh cao sẽ tự thanh cao, người nhơ bẩn tự làm nhơ bẩn” thế là đóng cửa tuyệt giao, không thèm để ý đến người khác, như thế chỉ làm cho đối phương thêm giận, họ sẽ cho rằng bạn muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với họ. Nếu đến mức này sẽ rất khó hòa giải. Khi nghe người khác trách mình bạn nên tìm biện pháp giải quyết hợp tình hợp lí, không nên đổ thêm dầu vào lửa. Nếu là lời trách bình thường, bạn chỉ nên gật đầu tỏ ý cho đối phương rằng mình đã biết, vì có thể đối phương chỉ nhắc nhở chứ không có ý gì khác.

Nếu bạn bị người khác oán trách, chỉ trích thậm tệ bạn nên phản ứng lại. Trường hợp đối phương hiểu lầm, bạn nhất định phải tìm cách giải thích cho họ biết. Nếu đối phương trách vì bạn không làm như họ mong đợi thì hãy nói với họ rằng bạn sẽ cố gắng sửa sai trong lần sau. Nếu đối phương vẫn thấy không hài lòng, bạn cứ nói thật là mình đã cố hết sức để đối phương thông cảm.

Nếu ai cũng biết dùng thái độ bình thản để đón nhận những lời chỉ trích và tìm cách giải quyết thỏa đáng thì sẽ trưởng thành hơn sau những lời chỉ trích đó.

HT. Thánh Nghiêm

w620h405f1c1 files articles 2014 1085265 1(1)

Thành công thất bại trong kinh doanh và chữ tín trong cuộc sống hàng ngày

Đăng lúc: 06:50 - 29/07/2015

Có một bài pháp Phật nói trong kinh do ngài Xá lợi phất thưa hỏi, “nguyên nhân nào dẫn đến một người mua bán thành công và thất bại?
” Phật dạy, “này Xá lợi phất, ông nên biết có người cư sĩ đi đến chỗ các thầy Tỳ kheo và hứa hẹn như sau: Dạ thưa các thầy, các thầy còn thiếu nhu cầu gì con sẽ đóng góp, ủng hộ cho. Sau khi hứa hẹn người này không làm như lời đã hứa. Do nhân duyên đó người ấy về sau có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ như đã hứa, sau này nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công như ý muốn. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ nhiều hơn những gì đã hứa, nếu mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng.” Khi ai đó được hứa hẹn giúp đỡ một điều gì, họ sẽ hy vọng, trông chờ ân nhân của mình như một vị cứu tinh. Bao nhiêu niềm tin họ mong đợi, khắc khoải, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, họ mong mỏi mừng thầm và cảm thấy rất hạnh phúc; nhưng người hứa lại nuốt lời khiến họ phải chờ đợi rồi thất vọng, buồn bã, khổ đau. Con người ở đời sống có nghĩa tình với nhau thường không bao giờ thất hứa với ai dù chỉ là việc nhỏ. Sự hứa hẹn là điều tự nguyện không ai bắt buộc, vì thế mỗi người hãy nên tập thói quen giữ đúng lời hứa. Không ai bắt buộc chúng ta hứa hẹn hay giúp đỡ ai vấn đề nào đó, nếu đã hứa thì phải cố gắng làm cho vuông tròn; bởi người được hứa họ đang hy vọng, mong mỏi, trông chờ và sẽ trở nên tuyệt vọng khi bị người hứa hẹn không thực hiện đúng.

Trong cuộc sống đôi khi có những chuyện rất vô lý, nhiều người làm chơi mà ăn thiệt, họ không phải nhọc nhằn ra công tốn sức mà hiệu quả thu về rất cao. Nhiều người cứ nghĩ có sự bất công trong xã hội, thực tế mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có chuyện ngẫu nhiên hoặc một đấng quyền năng nào sắp đặt. Tất cả đều do luật nhân quả tác động và âm thầm chi phối bởi hành vi giúp đỡ người khác trong quá khứ quá nhiều. Hiện tại chúng ta không biết bố thí, cúng dường, làm những điều thiện ích để giúp đỡ nhân loại tuỳ theo khả năng thì bất hạnh, khổ đau sẽ luôn có mặt trong hiện tại và mai sau. Những ai tin sâu nhân quả sẽ sống đạo đức hơn, mở rộng tấm lòng từ bi hơn, họ sống đơn giản hơn, giảm bớt các nhu cầu không cần thiết để có đủ điều kiện san sẻ nhiều hơn. Một người hàng xóm vừa bị tai nạn cháy nhà đang sống cảnh màn trời chiếu đất, vì động lòng thương xót nên ta đã hứa sẽ đem số tiền tích lũy bấy lâu để giúp người ấy có mái nhà che mưa che nắng. Cả gia đình họ sẽ trông chờ, hy vọng vào ta như con trẻ chờ mẹ đi chợ về cho quà ăn, bao nhiêu niềm tin họ trông vào đấy, nếu mình thất hứa sẽ làm họ đau khổ nhiều hơn. Cho nên, trước khi hứa hẹn với ai điều gì, chúng ta hãy nên xem xét kỹ lưỡng coi mình có đủ khả năng thực hiện lời hứa ấy hay không? Đừng hứa giựt le trước mặt mọi người làm như vẻ ta đây giàu có mà làm người được hứa thất vọng. Chính lời hứa suông đó sẽ làm họ mất niềm tin, đau khổ, tuyệt vọng, do đó trong hiện tại và mai sau chúng ta mua bán, làm ăn gì cũng đều bị thất bại.
Ngược lại, hứa giúp người khác như đã hứa hoặc giúp nhiều hơn như đã hứa sẽ làm người được hứa vui mừng, hạnh phúc; nhờ vậy sau này họ sẽ biết ơn và đền ơn người hứa bằng cách sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn. Do việc làm tốt đẹp đó nên hiện đời làm ăn, mua bán gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng hay làm chơi mà ăn thiệt. Nếu chúng ta hiện tại hay bố thí, cúng dường hoặc thường xuyên giúp đỡ tài vật cho người bất hạnh để họ có cái ăn cái mặc, san sẻ những hiểu biết về chân lý cuộc đời giúp họ tin sâu nhân quả; trong tương lai người này thường xuyên gặp nhiều may mắn một cách kỳ lạ mà không phải hao hơi tốn sức nhiều như trúng số, kinh doanh làm ăn gì cũng đều thuận lợi cả và có thể kế thừa gia tài của người khác. Vô số trường hợp đặc biệt không làm mà vẫn hưởng các chế độ ưu đãi là nhờ quả báo của việc biết gieo trồng phước đức, giúp đỡ nhiều cho nhân loại trong quá khứ. Số đông mọi người đều phải làm việc nhọc nhằn, lao nhọc mới có cái ăn cái mặc, nhưng chưa hẳn đã được cơm no áo ấm. Người thời nay sở dĩ thành công ngoài khả năng và dự tính không phải bỗng dưng khi không mà có, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa, làm phước được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, nhân quả tốt xấu khi đã gieo chỉ đến sớm hay muộn mà thôi khi hội đủ nhân duyên. Cúng dường hay giúp đỡ, chia sẻ là một việc làm thánh thiện, chỉ có những ai có tấm lòng từ bi cao cả mới dám làm những việc lợi ích như thế.
Tóm lại, bài kinh này Phật nhắc nhở và khuyên nhủ mọi người “chữ tín” rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Con người vì tham đắm, mê muội nên mới tìm cách gian dối, lường gạt để đem về lợi dưỡng cho mình, đó là tâm niệm của đa số chúng sinh. Chúng ta là người Phật tử chân chính, khi đã hứa hẹn giúp đỡ ai điều gì thì phải phát xuất từ lòng từ bi, đâu có ai bắt buộc mình phải làm vậy nên khi đã hứa thì phải giữ lời, đừng để người hy vọng, mong mỏi rồi thất vọng, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Như gia đình anh Hai vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi hết căn nhà, mọi người đều đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta vì lòng thương xót muốn giúp đỡ nên đã hứa cho anh mượn tiền để xây lại căn nhà rồi thất lời, không giúp như đã hứa. Vì ta hứa suông chỉ để giựt le mà làm cho gia đình anh thất vọng, buồn phiền, khổ đau. Đó là nhân dẫn đến mai sau nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Ngược lại, nếu chúng ta giúp như đã hứa hay giúp nhiều hơn lời hứa làm mọi người được an vui, hạnh phúc thì sau này chúng ta làm chơi mà ăn thiệt. Nhân quả rất công bằng là một sự thật, làm phước thì được phước, hưởng lộc thì hết lộc. Người khôn ngoan phải biết gieo trồng, tích lũy phước đức mãi mãi, giống như người có tiền gửi ngân hàng, khi cần thì rút ra xài lúc nào cũng được.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

21(17)

Anh hùng Lý Thường Kiệt với tinh thần hộ quốc an dân

Đăng lúc: 07:57 - 28/07/2015

Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội). Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Do có công lao to lớn dẹp Tống bình Chiêm nên được vua triều Lý kết nghĩa huynh đệ đổi tên là Lý Thường Kiệt.
Ông sinh năm 1019, mất tháng 6 năm Ất Dậu (1105) hưởng thọ 86 tuổi. Ông từng làm quan lớn dưới ba triều đại: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và trực tiếp làm Tổng Trấn Thanh Hoá gần 20 năm (1082-1101).
Ông có công rất lớn trong việc xây dựng và gìn giữ đất nước cũng như việc dẹp Tống, bình Chiêm, chặn đứng các cuộc xâm lược của ngoại bang, đem lại bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho mọi người, nên các vua thời Lý tin tưởng, giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng và được nhân dân yêu mến kính phục tôn thờ như vị Thánh sống.
Sau hơn bốn chục năm phụ giúp triều đình nhà Lý phá tan ngoại bang xâm lược nhà Tống và bình Chiêm. Ông đã điều hành chính sự cho đất nước được yên ổn về mọi mặt. Năm 1082, Thái uy Lý Thường Kiệt được phân công về làm Tổng Trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất quan trọng ở phía Nam của đất nước.
Ông làm Tổng Trấn Thanh Hóa gần 20 năm (từ 1082 đến 1101), giúp cho tất cả nhân dân được cơm no áo ấm, muôn nhà sống yên vui, hạnh phúc nhờ biết đưa Phật pháp vào trong đời sống gia đình, xã hội và phá bỏ các hủ tục có hại.

Chính ông là người đã thành lập ngôi chùa Linh Xứng tại núi Ngưỡng Sơn, (tức núi người con gái đẹp) ngày nay thuộc xã Hà Ngọc, Huyện Hà Trung Tỉnh Thanh Hóa. Thiền sư Hải Chiếu đã hết lời ngợi ca trong bia Chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn như sau:
Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn”.
Ngoài việc làm cho vùng đất tiếp giáp phía Nam của đất nước được yên ổn, vững mạnh, ông còn có công rất lớn trong việc phát triển chùa chiền và trùng tu lại rất nhiều chùa, làm cho đạo Phật ở Thanh Hóa lúc bấy giờ được phát triển hưng thịnh.
Sau khi làm tròn nhiệm vụ ở xứ Thanh và rời khỏi đây chỉ 4 năm, đến năm 1105, vị anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi. Đây là duyên khởi Chùa Linh Xứng. Thế cho nên:
“Anh hùng Lý Thường Kiệt khơi nguồn tâm linh, mở trang sử mới cho người dân nước Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa đạo vào đời, phá trừ mê tín làm rạng rỡ tổ tiên”.
Thái úy Lý Thường Kiệt là một vị danh tướng thời Lý. Chiến công của ông đã làm cho quân thù khiếp sợ trên sông Như Nguyệt(nay là sông Cầu thuộc làng Như Nguyệt, Bắc Ninh).
Thái úy Lý Thường Kiệt vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba với tên tuổi gắn liền với bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc nước Đại Việt.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Bản dịch

Bài thơ trên có lẽ là một bản tuyên ngôn của dân tộc Đại Việt được ghi lại lần đầu tiên thành văn. Chúng ta dù trải qua thời gian dài để nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, vẫn chưa biết đích xác tác giả bài Tuyên ngôn độc lập, song đến nay nhiều người vẫn công nhận ông là người đã dùng bài thơ trên để làm vũ khí tuyên truyền chống ngoại xâm thành công.
Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, dẹp Tống bình Chiêm thắng lợi. Ông được lịch sử ghi nhận là vị anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời giữ nước. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm cho mọi kẻ thù đều phải khiếp phục và sợ hãi.
Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà Nam đế cư là bản mở đầu( tức là Sông núi nước Nam vua Nam ở).Sông núi nước Nam là của người Nam chứ không phải là của người phương Bắc, (tức Trung Quốc ngày nay).
Một lần nữa câu đầu của bài thơ khẳng định chủ quyền của đất nước Đại Việt Sông núi nước Nam vua nam ở. Khẳng định nước Đại Việt là của người Nam, là quyền bất khả xâm phạm về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Sông núi nước Nam là của người Nam, là của con người đất nước Đại Việt. Đó là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được bởi giang sơn bờ cõi này là do dân tộc ta đã gầy dựng trong bốn ngàn năm văn hiến.
Ngày xưa thời phong kiến, ai cũng công nhận Thần linh thượng đế là đấng tối cao hay còn gọi là “Trời”, thế cho nên làm vua gọi là Thiên tử tức con trời, thay trời để trị vì thiên hạ. Chính vì vậy, ai cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong sách trời:
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. “Rành rành định phận tại sách trời”.
Câu thứ hai của bài thơ nhấn mạnh tính chất chủ quyền độc lập của đất nước Đại Việt được viết lại trong sách trời.
Đã làm người ai cũng khát khao quyền độc lập tự chủ của một đất nước, thế cho nên dân tộc ta kiên quyết gìn giữ đất nước chống ngoại bang xâm lược phương Bắc, bảo vệ chủ quyền dân tộc Đại Việt. Ý chí ấy được khẳng định qua hai câu kết của bài thơ:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Lời tuyên bố thật hùng hồn và đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm chủ quyền của nước Đại Việt. Nếu chúng bay dám coi thường cả một dân tộc Đại Việt, dám xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại nặng nề.
Đúng với ý nghĩa, Sông núi nước Nam là của người dân Đại Việt là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta thời bấy giờ, tuy chỉ có vỏn vẹn bốn câu nhưng được xác định chủ quyền của một đất nước.
Bản tuyên ngôn ấy được kết tinh đầy đủ bởi ý chí kiên cường và tình đoàn kết dân tộc nước Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nướcđược toả sáng cho đến ngày hôm nay.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt – Việt Nam, sau khi thoát khỏi thời kỳ một ngàn năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên sau thời kỳ đó, đất nước ta vẫn còn hứng chịu nhiều cuộc ngoại bang xâm lăng cả phương Bắc lẫn phương Tây, nhưng bất cứ thời đại nào cũng có nhiều anh hùng hào kiệt đứng lên cùng với nhân dân chiến đấu không ngừng, để giành lại nền độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc.
Trong 10 thế kỷ vừa qua, lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010), các nhà nghiên cứu về lịch sử đất nước đã tính ra có ít nhất ba bản tuyên ngôn độc lập xuất hiện bằng thơ ca, văn học để công bố cho thế giới biết chủ quyền độc lập dân tộc nước Đại Việt-Việt Nam.
Sau khi đất nước an ổn không còn giặc ngoại bang xâm lược nữa, Tổng trấn Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh vác trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước nhằm đem lại lợi ích cơm no áo ấm cho toàn dân.

Ông cho tu bổ đê điều, đường sá và rất nhiềucác công trình công cộng khác để phục vụ cho đời sống kinh tế phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoa màu và ruộng lúa, ngoài ra ông cònphát triển thêm nghề đục đá. Và đồng thời cải cách bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tế đất nước trong hoàn cảnh không còn chiến tranh.

Với tài năng và những chiến công đã cống hiến cho đất nước, Lý Thường Kiệt xứng đáng là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Đại Việt - Việt Nam. Trong những công trạng và sự hy sinh của bản thân ông, ta có thể thấy được sự phi thường của một vị anh hùng lịch sử có một không hai.

Ngoài việc đánh tan quân ngoại xâm, ông giúp cho dân chúng cơm no áo ấm, xây chùa và trùng tu rất nhiều chùa để cho mọi người dân biết tin sâu nhân quả, tin lời Phật dạy mà sống đời đạo đức và dứt ác làm lành.

Tóm lại, anh hùng Lý Thường Kiệt đáng được con cháu của đất nước Việt Nam ngày hôm nay học hỏi và bắt chước noi theo với ba mục đích chính:

1-Tinh thần thứ nhất là vị anh hùng kiệt xuất dẹp Tống bình Chiêm.
2-Cải cách hành chính và xây dựng lại các công trình công cộng, tu bổ đê điều, thúc đẩy chăn nuôi trồng trọt hoa màu, mở mang ruộng đất để phục vụ cho người dân.
3-Xây chùa và sửa sang chùa, để cho mọi người tu học theo lời Phật dạy sống đời đạo đức, tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành bằng trái tim yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.
Ông mất tháng sáu năm Ất Dậu (tức trong khoảng từ 13/7 đến 11/8/1105), thọ 86 tuổi. Nhiều nơi đã lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài văn bia chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá:
Lý công nước Việt/ Noi dấu tiền nhân/ Cầm quân tất thắng / Trị nước yên dân/Danh lừng Trung Hạ/Tiếng nức xa gần/Vun trồng phúc đức/Quy sùng đạo Phật.


Viết tại Chùa Linh Xứng ngày15 tháng 02 năm 2015

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Hàn Quốc: Chùm ảnh Đàn truyền giới cho 300 giới tử sinh viên tại Phụng Ân Tự

Hàn Quốc: Chùm ảnh Đàn truyền giới cho 300 giới tử sinh viên tại Phụng Ân Tự

Đăng lúc: 06:48 - 27/07/2015

Buổi chiều 14:00 ngày 19/07/2015, tại Tổ đình chư tôn Thiền đức Tăng già Chùa Phụng Ân, tọa lạc tại 73 Samseong-dong, quận Gangnam-gu, Tp.Seoul, Korea đã tổ chức giới đàn Truyền thụ Tam Quy Ngũ giới lần thứ 45 cho 300 sinh viên Phật tử.
Hòa thượng Wonhak, Trụ trì Tổ đình Bongeunsa (Phụng Ân Tự) Khai thị rằng:
- Này các Thiện nam, Tín nữ hãy lắng nghe: “Đời là bể khổ mênh mông không bến bờ. Nếu không có đức Thế Tôn (Phật) viên mãn công đức, Từ bi, Trí tuệ thì chúng ta chẳng biết nương vào đâu để cầu được an lạc hạnh phúc. Vậy các Thiện nam, Tín nữ muốn được an lạc hạnh phúc phải quy kính Tam bảo; muốn thoát khỏi luân hồi khổ ải thì nên thọ trì giới pháp.
Phật Pháp Tăng (Tam Bảo) là thuyền từ vượt qua bể khổ trầm luân, là ánh sáng soi đường dẫn bước trong bóng đêm mê tối, là bước chân an lạc đi đến Thiên Nhân, là bước đầu tiên của đạo quả.
Trong kinh Phật dạy rằng: “Nếu chúng sinh nào muốn cầu thoát khổ, hưởng quả an lạc hạnh phúc trọn vẹn, thì nên quy y Tam bảo; nếu ai đem tâm thanh tịnh quy kính trong giây phút thì đời đời thế nào cũng được Niết bàn an lạc.”
Quy y là gì ? Là tôn thờ, vâng theo hay quay về. Tôn thờ ngôi Tam bảo, vâng theo lời chỉ giáo và quay về với tâm thanh tịnh của chúng ta. Thầy khuyên các người trước phải nhận lãnh Tam quy, sau nên thọ trì Ngũ giới.
Tam quy là quy y với Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng đã giác ngộ hoàn toàn. Chúng sinh mê lầm trong bể sinh tử, không biết tự giác; đức Phật giác ngộ tất cả đều vô thường, chứng được đạo niết bàn nên gọi là Giác giả. Đức Phật trong hiện tại là đức Thích ca Mâu ni đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là đạo sư cả ba cõi, cha lành của muôn loài, trí huệ vô lượng, phước đức cao cả!
Pháp là đạo pháp chơn chính. Nghĩa là những phương pháp Phật đã dạy, nếu ai tin tưởng tu hành sẽ được trừ hết phiền não, chứng quả yên vui thanh tịnh như Phật.
Tăng là chúng hòa hợp thanh tịnh, xuất gia đệ tử Phật, hiến đời mình cho đạo, tuân theo kinh luật mà tu trì, làm ruộng phước cho nhân thiên, làm gương lành cho muôn loài.
Tam bảo có đủ công đức như thế. Cho nên, Phật Pháp Tăng là ba ngôi quý báu nhất của thế gian và xuất thế gian. Nếu người nào phát tâm quy y thì không đọa vào ba đường dữ, luôn gặp Phật, mau chứng quả Bồ đề.
Phật tử, các ngươi đã quy y Phật rồi, từ nay phải tôn Phật làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với trời, thần, quỷ, vật vì những kẻ ấy là phàm phu còn quanh quẩn trong ba cõi, không đầy đủ trí huệ như Phật là đấng đã giải thoát vòng sinh tử của thế gian.
Quy y Pháp rồi, từ nay về sau phải tôn Pháp làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với ngoại đạo tà giáo vì những đạo pháp ấy không phải là những phương pháp xuất thế, có thể làm cho chúng ta thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi được.
Quy y Tăng rồi, từ nay về sau phải tôn Tăng làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với bè đảng xấu ác vì những người ấy không thể so với hàng đệ tử Phật đã tu chứng Tam thừa, Tứ quả.
Giờ đây các người đã chân thành quy y, sẽ được Tam bảo luôn luôn cứu hộ, hiện tại chắc chắn yên vui, tương lai sẽ được sinh về Cực lạc. Tam bảo đã có công năng như thế, các ngươi nên đêm ngày tưởng nhớ thì quyết chứng được quả bồ đề vô thượng. Vậy các ngươi hãy đọc theo thầy những lời thề nguyện:
Đệ tử đã quy y Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y trời, thần, quỷ, vật.
Đệ tử đã quy y Pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo.
Đệ tử đã quy y Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y bè đảng xấu ác.
bây giờ thầy sẽ trao cho năm giới pháp. Giới pháp này rất khó gặp, nếu Phật không ra đời thì không có. Giới pháp này đủ sức trừ sạch phiền não sanh tử và đưa chúng ta đến đạo quả Bồ đề giải thoát. Bởi lẽ ấy, giờ đây các người muốn thoát sinh tử, cầu chứng Niết bàn, nên gắng lãnh thọ giới pháp.
Lãnh giới pháp này, đàn ông thì gọi là Ưu bà tắc, đàn bà thì gọi là Ưu bà di, nghĩa là những người đã bỏ dữ làm lành, gần gũi phụng sự Tam bảo. Trong năm giới này các ngươi có thể tùy năng lực và hoàn cảnh của mình mà lãnh thọ một giới, gọi là nhất phần Ưu bà tắc (hay Ưu bà di); lãnh thọ hai giới gọi là thiểu phần; lãnh thọ ba giới gọi là bán phần; lãnh thọ bốn giới gọi là đa phần; và lãnh thọ cả Năm giới gọi là mãn phần.
Vậy, bây giờ các ngươi muốn lãnh thọ phần nào, giới nào, tùy theo hoàn cảnh và năng lực mình mà thọ lãnh. Nhưng phải nhớ: khi đã thọ lãnh giới nào thì dù gặp hoàn cảnh có thể mất tính mạng, thề quyết không hủy phạm. Vì sao thế? Vì giới pháp là thuyền bè đưa chúng ta ra khỏi bể khổ sinh tử luân hồi, thật là khó gặp mà thân mạng thì dễ mất, dầu có giữ gìn cho lắm rồi nó cũng sẽ mất; nếu không giữ giới thì thuyền bè bể rạc tất nhiên phải chìm đắm, khổ đau nhiều đời!
Bây giờ Thầy sẽ truyền trao giới pháp, giới tướng để lãnh thụ mà tu trì:
Giới Thứ Nhất:
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện sẽ không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Giới Thứ Hai:
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn.
Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
Giới Thứ Ba:
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con.
Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.
Giới Thứ Tư:
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải.
Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Giới Thứ Năm:
Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con.
Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.
Phật tử! Các ngươi được thọ giới rồi, từ nay phải khéo giữ gìn, dù gặp nhân duyên trắc trở cũng không nên hủy phạm. Nếu ai phạm những giới trên đây, hiện tại mất hết nhân cách và nền móng tốt đẹp; tương lai phải chịu nhiều kiếp đọa đày trong cảnh giới đau khổ. Các ngươi hãy cố gắng lên!”.
Giới tử thọ Tam quy, Ngũ giới xong, mỗi người đốt liều (vết sẹo) trên cánh tay để phát nguyện trọn đời gìn giữ giới pháp đã thọ, và sau đó chụp hình lưu niệm, nhận giấy Chứng nhận Quy y Tam bảo.
Một số hình ảnh Truyền thụ giới pháp, kính trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cùng chia sẻ với Phật giáo nước bạn :

















Thích Vân Phong

Tìm bình an cho hiện tại

Tìm bình an cho hiện tại

Đăng lúc: 06:53 - 25/07/2015

Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không sống hôm nay, thì bạn không cảm nhận được giá trị của cuộc đời.
Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở thành mối nghi ngờ, và tương lai trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông.
Từ chốn cung điện nhìn xuống đám dân nghèo, ông cảm thấy như thèm muốn được như họ, vì ở họ toát lên nỗi đơn sơ, chất phác và không một chút lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an như vậy.
Ngày kia, vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời. Vị vua giả dạng hỏi: “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”. Người nghèo đáp: “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay”. Vị vua giả dạng hỏi tiếp: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?”. “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”, người thợ đáp.
happy-486294-1368273159_600x0.jpg
Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin của người thợ giày. Vua ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết bộ luật mới ban, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối.
Trời tối, vị vua dưới dạng người ăn mày lại tới thăm người nghèo. Người thợ sửa giày vẫn giữ thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua cho ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày của mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, đức vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, mà phải hết tháng ông mới nhận được thù lao. Mặc dù vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc.
Vị vua giả dạng tới thăm ông và hỏi, “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?”. “Tôi được làm lính cho vua”, người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng: “Làm lính nhưng nhận lương vào cuối tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm thật và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ.” Nhà vua giả dạng hỏi tiếp, “Nhưng nếu ông phải sử dụng tới gươm vào ngày mai thì sao?”. Người thợ sửa giày đợt trước vần thản nhiên: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
chuongio1-221617-1368273159_600x0.jpg
Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người đàn ông này sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Và như vậy để xem niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp được hay không?
Tên tử tội quỳ xuống chân anh lính và van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Người đàn ông nhà nghèo trong trang phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn: “Lạy Đấng tối cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Còn nếu anh ta vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ”. Ngay tức khắc, ông rút lưỡi gươm ra và quả thực thanh gươm bằng sắt đã biến thành gươm gỗ. Đám đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ”. Vị vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng: “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm. Ngươi hãy dạy cho ta cách sống lạc quan và bình an”.
Bạn thân mến, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Thế đó, cuộc sống chỉ thực sự tồn tại trong hiện tại, chứ không ở trong quá khứ hay trong tương lai. Cái triết lý của người đàn ông nghèo thực sự có giá hơn cả vàng bạc, địa vị, nhan sắc hay quyền lực.
Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu bạn không sống hôm nay, thì bạn không cảm nhận được giá trị của cuộc đời. Nếu bạn không sống cho giây phút hiện tại, thì cuộc đời của bạn vẫn như là những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “an toàn, hạnh phúc” một cách vô vọng. Thật hữu ý và hợp tình khi danh từ tiếng Anh “present” mang nghĩa “quà tặng” và cũng có nghĩa “hiện tại.” Như vậy, hiện tại là quà tặng. Ai không sống trong hiện tại là tự mình khước từ quà tặng của cuộc sống. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc sự bình an và tự chủ trong mọi giây phút của cuộc đời mỗi người.

S.T

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 37
  • Hôm nay 3,072
  • Tháng hiện tại 60,457
  • Tổng lượt truy cập 23,466,706