Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
RẰM THÁNG 7 CẦU SIÊU CHO NGƯỜI THÂN HỌ CÓ SIÊU THOÁT KHÔNG?

RẰM THÁNG 7 CẦU SIÊU CHO NGƯỜI THÂN HỌ CÓ SIÊU THOÁT KHÔNG?

Đăng lúc: 09:06 - 13/08/2018

Lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy là dịp để tỏ lòng hiếu thảo, thắp lên ngọn lửa tinh thần hiếu đạo vốn dĩ trong lòng những người tôi Phật....

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu

Đăng lúc: 08:08 - 23/08/2017

Nói đến Lễ Vu Lan, thì mỗi người trong chúng ta, ai cũng biết và cũng đã từng đến chùa tham dự đại lễ này. Lễ Vu Lan là một lễ lớn đối với tăng ni. Hầu hết các chùa hay tự viện đều tổ chức Lễ Vu Lan hằng năm.


Trong thời pháp đón mừng đại Lễ Vu Lan, chúng tôi xin chia sẻ cùng quý vị đề tài: "Ý Nghĩa Ngày Lễ Vu Lan". Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm. Năm nay lễ rơi vào ngày thứ Ba 05/9/2017 đúng vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Các chùa khắp nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, tạo cơ hội cho các Phật tử về chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được khoẻ mạnh bình yên và cha mẹ bảy đời quá khứ được thoát khổ địa ngục, sanh về cõi Trời an vui. Cho nên hễ nói đến Lễ Vu Lan là người ta nghĩ ngay đó là ngày Lễ Báo Hiếu Cha Mẹ.



2) Lễ Vu Lan-Báo Hiếu

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu
Bồ tát Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật
Không phải tự dưng cứ đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, Phật giáo long trọng tổ chức "đại lễ Vu Lan-Báo Hiếu" thật trang nghiêm, từ hình thức cho đến nội dung nhằm mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh và văn hoá của con người. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

- Vu Lan: Danh từ gọi tắt của "Vu Lan Bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Ullam: dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu Lan Bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội treo ngược.

- Báo hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Theo trong kinh thì Lễ Vu Lan của Phật giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, Ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn.



3) Bồ Tát MỤC KIỀN LIÊN cứu Mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu
Bồ tát Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ là bà Thanh Đề khỏi địa ngục

Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

- Nhưng Bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?

Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."

Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.

Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.



4) Ý Nghĩa bông hồng cài trên ngực áo

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu
Kẻ mất cha hoa hồng trắng, người còn Mẹ hoa hồng đỏ
Một nét đẹp trong ngày Vu Lan sau này là trong buổi lễ, có kèm theo chương trình "bông hồng cài áo". Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng, ai mất cha mẹ được cài lên ngực đoá hồng trắng. Ý nghĩa thì hay, nhưng nếu nhận xét một cách sâu sắc thì chúng ta thấy có chỗ lấn cấn. Nếu trường hợp người tham dự buổi lễ còn cha mà mất mẹ, hay còn mẹ mà mất cha, thì ban tổ chức gắn hoa màu gì cho những vị này? Chúng tôi đề nghị ban tổ chức nên gắn lên ngực mỗi người hai đoá hoa nhỏ. Ai còn đủ cha mẹ thì cài lên ngực hai đoá hoa hồng. Nếu mất cha còn mẹ, hay mất mẹ còn cha, thì gắn một hoa hồng và một hoa trắng, để người được gắn hoa được an ủi phần nào.

5) Tại sao làm con phải có hiếu?

Mỗi người chúng ta có mặt trên cõi đời này là nhờ vào tinh cha huyết mẹ. Mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, nặng nhọc như đội núi, ngày đêm như bệnh nặng. Khi sanh nở thì gan ruột như bị xé rách đau đớn mê man, nên ơn sanh thành của cha mẹ kể sao cho xiết.

Người ta thường nói trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Điều này khi ai đã trải qua mới thấy thấm thía. Không có mẹ bên cạnh ai lo bú mớm tắm rửa ẳm bồng chăm sóc chúng ta? Không có cha bên cạnh ai lo tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi nấng dạy dỗ chúng ta? Lúc còn nhỏ chúng ta cần cha mẹ mỗi phút mỗi giây ngay lúc khoẻ mạnh cũng như lúc trái gió trở trời đau ốm. Khi lớn lên, ra đời, chúng ta chạy đua theo đời, mê say sự nghiệp, bận lo lắng tô bồi cho hạnh phúc lứa đôi, hay bận lo chăm sóc cho con cái của riêng mình quên bẳng đi cha mẹ. Vì bận rộn nên chúng ta không cảm nhận rõ sự cần thiết cha mẹ bên cạnh chúng ta. Chỉ khi nào gặp cảnh ngộ không may, làm ăn thất bại, vợ bỏ, chồng bỏ, con hư, khi tám ngọn gió đời quật chúng ta nghiêng ngã, vùi dập chúng ta đến nỗi chúng ta không còn niềm tin đối với người xung quanh. Lúc đó chúng ta mới chợt tỉnh ra rằng, chúng ta còn cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng vẫn là chiếc nôi ấm áp cho chúng ta quay về nương tựa. Cha mẹ đón nhận chúng ta vô điều kiện dù chúng ta thành công hay thất bại, dù chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm cho đi bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của chúng ta?

Cho nên việc phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ thật rất khó mà đáp đền. Trong kinh Tăng Chi I, Đức Phật dạy: "Có 2 hạng người, này các Tỷ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến khi các người 100 tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa, và dẫu tại đấy họ có đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha!"

Hiếu đạo theo Phật giáo, không phải chỉ cung kính cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất là đủ, mà chúng ta còn cần phải khuyến hoá cha mẹ trở về Chánh pháp để giúp cha mẹ thoát khỏi cảnh bị đọa lạc sau khi lìa đời. Đó mới là cách báo hiếu trọn vẹn, bởi vì trong Kinh Hiếu Tử có nói: "Cúng dường tiền bạc vật chất cho cha mẹ không bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hoá cha mẹ phụng trì Tam Bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo... người con phải hết sức ngăn cản mới gọi là con có hiếu"

Con cái sống hiếu đạo với cha mẹ tạo phước đức vô lượng chừng nào thì tội bất hiếu là tội lớn chừng đó. Đức Phật xác định: "Điều ác nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục).

Tóm lại, Vu Lan Bồn là ngày Lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ tinh thần báo hiếu đáng quý, đang trân trọng. Riêng chúng ta là người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật dạy, đối với cha mẹ ngày nào cũng là ngày Vu Lan, vì cuộc đời vô thường, ai biết được một ngày nào đó chúng ta mồ côi cha mẹ, hay chính chúng ta lại là người ra đi trước cha mẹ. Cho nên báo hiếu mẹ cha chúng ta báo hiếu hằng ngày chứ không chờ đến ngày Lễ Vu Lan. Tuy nhiên hôm nay mùa Vu Lan lại về, thời gian này ghi đậm trong tâm chúng ta là mùa báo hiếu vì thế chúng ta cùng nhau nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu, để báo đáp thâm ân của cha mẹ vậy./.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

Linh ứng - chuyện có thật của tôi

Linh ứng - chuyện có thật của tôi

Đăng lúc: 22:34 - 19/10/2016

Tưởng niệm ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi xin kể câu chuyện linh ứng có thật của bản thân mình. Thật kỳ diệu, rất linh ứng, nhiệm mầu trong thế giới tâm linh vốn không thể nghĩ bàn.
Từ lâu tôi được biết đến Bồ-tát Quán Thế Âm với 12 lời nguyện cứu độ chúng sanh. Bồ-tát luôn ở bên cạnh khi chúng ta tâm niệm, nguyện cầu đến Ngài. Nhất là khi thành tâm thành ý, một lòng tin tưởng, tuyệt đối hy vọng thì Ngài sẽ xuất hiện trong mọi hình thức để cứu giúp chúng ta.

anh botat.jpg
Bồ-tát Quan Thế Âm - Ảnh: L.Đ.L

Cuối năm 2012 (tôi không còn nhớ chính xác ngày tháng), cả ba mẹ tôi đều phải nhập viện vì bị mắc một chứng bệnh như nhau là viêm phế quản cấp tính, ho ra máu. Ba tôi thì viêm phế quản cấp cộng viêm phổi nặng, mẹ thì viêm phế quản cấp cùng với khớp sưng đau nhức vô cùng. Khí hậu miền Trung (Quảng Trị) vào mùa đông có những lúc rất lạnh, khiến cho người bệnh càng đau đớn thêm.

Khi ấy tôi đang ở trong Nam (TP.HCM). Em gái tôi gọi điện báo tin. Tôi rất lo lắng nhưng do điều kiện công tác không thể về bên ba mẹ để chăm sóc. Dù ở cách xa ngàn dặm nhưng lòng hiếu thảo đối với ba mẹ luôn luôn hiện hữu trong tim, tôi chỉ hướng đến ba mẹ bằng cách mà tôi luôn tin tưởng nhất, đó là tin vào sự gia hộ của Bồ-tát.

Ngày ấy tôi thường đến chùa Vạn Đức (quận Thủ Đức) lễ Phật, đọc kinh sách vì rất thích không gian yên tĩnh ở chùa. Nhiều lúc tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ trong yên lặng và có cảm giác chùa như là nhà của mình vậy.

Nghe tin báo xong tôi lập tức đến chùa, vào chánh điện lạy Phật. Sau đó tôi ra sân lạy Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu xin Ngài gia hộ cho ba mẹ tôi tai qua nạn khỏi, sớm khỏe lại để được đoàn tụ với con cháu trong dịp Tết cổ truyền. Tôi đã cầu nguyện khẩn thiết, thành tâm thành ý với Bồ-tát nhiều lần như vậy.

Khoảng 10 ngày sau, tôi mơ một giấc mơ lạ. Trong mơ, tôi thấy mình đến bệnh viện thăm ba mẹ. Khi vừa đến cổng thì gặp người chị (con dì) có vẻ rất lo lắng từ trong bệnh viện chạy ra, gặp tôi chị kéo lại và thì thầm: “Em ơi! Dì và dượng nguy rồi, bệnh nặng lắm, chị vừa gặp bác sĩ chuyên khoa vào khám cho dì và dượng. Bác sĩ nói riêng với chị cả hai người bệnh nặng quá, có lẽ không sống nổi qua ngày mai. Chỉ có một cách để cứu sống họ là con cái phải hiến tuổi thọ của mình cho ba mẹ ít nhất là 5 năm thì họ mới sống được. Chị lo quá nên đang chạy ra cổng bệnh viện để gọi điện về nhà thông báo, không ngờ gặp em. Bây giờ em tính sao?”.

Tôi hơi băn khoăn. Ủa, sao bệnh viện không dùng thuốc hoặc phẫu thuật để cứu người mà lại bảo phải dùng tuổi thọ của con cái để đổi lấy sự sống cho ba mẹ? Tuy băn khoăn nhưng do người chị đứng bên thúc giục quá: “Không còn thời gian đâu em ơi!”. Chị ấy vừa nói lại vừa khóc nên tôi cũng không cần suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: “Dạ, hiến 5 năm hay kể cả 10 năm em cũng hiến, miễn sao ba mẹ em được cứu sống”. Tôi vừa nói xong thì người chị mỉm cười hiền từ, và rất lạ lùng là tôi chưa bao giờ nhìn thấy nụ cười như thế ở chị ấy. Rồi chị biến mất trước mắt tôi một cách nhẹ nhàng. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, đứng ngó quanh thì có một người đi qua đụng phải, thế là tôi giật mình tỉnh giấc.

Khi ấy tôi nhìn đồng hồ, đúng 3 giờ sáng. Tôi nằm suy nghĩ, sao giấc mơ lạ lùng vậy nhỉ? Mà sao tôi cảm thấy bình an, không một chút lo lắng gì cho ba mẹ cả. Tôi liên tưởng ngay đến người chị ấy là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm và tràn đầy tin tưởng ba mẹ tôi sẽ được Ngài cứu giúp.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện về cho mẹ. Mẹ vui mừng thông báo bác sĩ vừa khám cho ba mẹ xong. Bác sĩ bảo bệnh cũng đỡ nhiều rồi, vài ngày nữa cho ra viện để về chuẩn bị đón Tết. Trong khi trước đó hai ngày tôi gọi điện về, mẹ cho biết bệnh tình của ba mẹ có lẽ phải chuyển lên tuyến trên, tức Bệnh viện Trung ương Huế. Thế mà giờ được ra viện trước dự kiến.

Sự việc diễn biến đến không ngờ, không biết mọi người nghĩ thế nào, riêng tôi thì tin chắc Bồ-tát đã linh ứng và cứu giúp ba mẹ tôi tai qua nạn khỏi.
Nhuận Chân

Phật giáo Nghệ An long trọng tổ chức Lễ Mãn Hạ và Vu lan báo hiếu

Phật giáo Nghệ An long trọng tổ chức Lễ Mãn Hạ và Vu lan báo hiếu

Đăng lúc: 21:42 - 29/08/2016

Sáng 29/8, tại Chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ Mãn hạ kết thúc 3 tháng An cư Kiết hạ và đại lễ Vu lan báo hiếu. Năm nay khóa an cư kiết hạ dành cho Chư Tăng được đưa lên non thiêng Chùa Đại Tuệ đánh dấu một mốc quan trọng, cũng là nơi để Chư Tăng có một thời gian tĩnh tu một cách tốt đẹp nhất . Trải qua 90 ngày được thực hiện nhiệm vụ của hàng xuất gia đầu Phật đến nay đã kết thúc khóa an cư kiết hạ, Chư Tăng được cộng thêm 1 tuổi Đạo đánh dấu sự tu hành vững chắc trên con đường " Hoằng Pháp Lợi Sanh " .
Về tham dự và chứng minh có : Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TWGHPGVN kiêm trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, UVTTHĐTS phó trưởng ban TTBVHTW, phó trưởng ban TTBTS GHPGVN tỉnh Nghệ An. Cùng các Chư Tôn Đức trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh , Chư Tôn Đức Tăng Ni hai hạ trường Chùa Đại Tuệ, Chùa Cần Linh
Về phía chính quyền có : Ông Võ Văn Tiến , phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh , phó Giám đốc Sở thể thao và du lịch tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Long , phó ban tôn giáo sở Nội vụ tỉnh Nghệ An.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, UBMTTQVN tỉnh, công an tỉnh, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo chính quyền huyện Nam Đàn và địa phương cùng đông đảo bà con phật tử gần xa.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TWGHPGVN kiêm trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An chủ trì buổi lễ .



Lễ Mãn hạ nhằm đánh giá công tác tu tập của Tăng, Ni trong 3 tháng An cư Kiết hạ (tháng tư đến tháng 7 âm lịch) theo truyền thống của Phật giáo. Mùa An cư Kiết hạ năm nay tại Nghệ An có 31 hành giả (30 Tỷ khiêu, 1 Sa di) tại trường hạ chùa Đại Tuệ và 12 vị Chư Ni tại trường hạ chùa Cần Linh. Ban TSGHPGVN Tỉnh đã tạo điều kiện cho các Tăng, Ni tu tập và đã cấp giấy chứng nhận cho Tăng, Ni tham gia tu tập trong lễ Mãn hạ này. Ý nghĩa của truyền thống tu tập trong 3 tháng an cư kiết hạ của người xuất gia, trong đó nhấn mạnh Giới luật là trọng tâm của lời Phật dạy cần phải giữ gìn. Sau khi hoàn thành khóa hạ, chư hành giả được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về Kinh, Luật, Luận và cũng được nghiên cứu về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tôn giáo - từ đó phát huy hiệu quả cao hơn vai trò của Phật giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong khuôn khổ của chương trình, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, với thời khóa tụng kinh Vu Lan và nghi thức cài hoa hồng. Đây là một nghi lễ bày tỏ lòng hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ. Lễ vu lan ngày càng được biết đến như một dịp đền đáp công đức sinh thành . Nhân dịp này Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu ban đạo từ về ý nghĩa Vu Lan báo hiếu công ơn Cha Mẹ .
Vu Lan thắng Hội năm nay với nhiều chương trình phong phú nhằm dâng lên Hai Đấng sinh thành và báo đền ân nghĩa Tổ Tiên Từ ngàn xưa ,truyền thống hiếu thảo đối với Cha Mẹ đã trỡ thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc VN ,Sau lễ Vu Lan hàng Phật tử tại gia đã dâng cúng tịnh tài, tịnh vật lên Chư Tôn Đức Tăng, Ni trong ý nghĩa hộ trì Tam bảo trên bước đường truyền trì mạng mạch, thắp sáng đèn thiền, truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, giúp cho giới cư sĩ tu tập ngày càng tinh tấn.
Sau đây là một số hình ảnh :





































































Thượng Tọa Thích Thọ Lạc đọc diễn văn khai mạc buổi Lễ

Đại Đức Thích Minh Hải đọc báo cáo tổng kết 3 tháng An Cư Kiết Hạ



Đại diện hàng Phật Tử đọc lời cảm niệm về Cha Mẹ



lễ cài hoa hồng lên Chư Tôn Đức Tăng Ni































Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu bao Đạo Từ




































Chụo ảnh lưu niệm.







Chụp ảnh lưu niệm




Tác giả bài viết: Hữu Tình- Hồng Nga

Chùa Đức Hậu - Thành phố Vinh (Nghệ An): Xúc động Lễ Vu Lan báo hiếu 2016

Chùa Đức Hậu - Thành phố Vinh (Nghệ An): Xúc động Lễ Vu Lan báo hiếu 2016

Đăng lúc: 14:55 - 20/08/2016

Nhân dịp mùa Vu Lan báo hiếu năm 2016 - PL.2560, đêm ngày 18/08/2016 (tức ngày 16/07 Bính Thân), tại chùa Đức Hậu - Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã long trọng tổ Lễ Vu Lan báo hiếu, cài Bông Hồng, với chủ đề “Cha mẹ là mãi mãi” để bày tỏ tấm lòng hiếu kính của những người con đối với cha mẹ.

Với truyền thống tri ân và báo ân trong mùa Vu Lan báo hiếu, truyền thống ấy đã in sâu và tồn tại từ bao đời trong tâm khảm của nhân dân. Trên tinh thần cao cả ấy, Chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức - TP Vinh) do Đại đức Thích Định Tuệ trụ trì (cũng là Trưởng Ban Tổ chức cùng Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ) đã long trọng tổ chức Lễ Vu lan Bông Hồng Cài áo với chủ đề “Cha Mẹ là mãi mãi”. Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có chư Tôn đức tăng, ni trong và ngoài tỉnh, các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An và sự góp mặt của hơn 3.000 nhân dân, phật tử về tham dự.
Suốt chiều dài lịch sử Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, hơn hai nghìn năm Phật giáo hiện diện ở Việt Nam đã trở thành một tôn giáo dân tộc, chưa bao giờ rời xa đời sống xã hội. Đạo hiếu là bài học đầu tiên của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội, đối với người con Phật, đức Phật đã dạy các hàng đệ tử phải luôn ghi nhớ và báo đáp bốn ơn là: Ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn Tổ quốc và ơn chúng sinh. Đó là bốn ơn đức cao quý mà ai ai cũng đều phải trải qua để nuôi dưỡng nhân tâm của lòng hiếu đạo. Làm người ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Người Phật tử Việt Nam hướng về Lễ hội Vu Lan vào ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm là thực hiện một phương thức báo hiếu vốn có từ lâu đời và xem đó như là một tín ngưỡng truyền thống. Đây là nét đẹp của đạo hiếu xuyên suốt chiều dài lịch sử vốn có trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta.
Chúng ta đều hiểu rằng, bất luận nền luân lý nào, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây cũng đều lấy chữ hiếu làm đầu. Người xưa đã đặt ra tiêu chuẩn: Thiên kinh vạn quyển - Hiếu kính vi tiên. Nghĩa là muôn ngàn kinh sách đều lấy hiếu hạnh làm đầu, người con có hiếu thảo với cha mẹ thì mọi việc đều thành tựu tốt đẹp, ngược lại bất hiếu với cha mẹ thì sẽ mất tất cả. Điều tuyệt với nhất không gì bằng có hiếu và hôm nay đây mùa Vu Lan báo hiếu, mùa tri ân và báo ân lại về trong niềm hân hoan của người con đức Phật, chắc hẳn trong lòng mỗi người chúng ta lại cảm thấy một nỗi niềm đau đáu tất dạ và xao động tâm hồn như nhớ nhung một miền viễn tưởng xa xôi nào đó, viễn tưởng ấy dần dần hiện rõ trong tâm trí để rồi đánh dấu bởi một Đại lễ với trọn tình thiêng liêng nhất cao quý nhất của những người con mang nặng nghĩa, ân, đối với hai đấng sinh thành.

Trong một lễ hội mang nặng nghĩa tình và yêu thương của các bậc cha mẹ và con cái trong mùa Vu Lan báo hiếu ngày hôm nay, không ai bảo ai thì tất cả chúng ta đều biết rằng, mùa lễ hội Vu Lan báo hiếu tại chùa Đức Hậu diễn ra hàng năm đã mang lại hơi ấm cho song thân và giúp cho giới trẻ quy y Phật trong tỉnh Nghệ An xây dựng nếp sống đạo đức dựa trên nền tảng hiếu thảo. Đã có những giọt nước mắt chảy trong tâm hồn của biết bao nhiêu người con cảm thấy mình vô tâm trong suốt những mùa Vu Lan qua tại ngôi chùa thân thương này như là một lời hối cải muộn màng khi nhận ra mình quá vô tâm với mẹ cha. Một đóa hồng tươi thắm, với diễm phúc cài lên áo trong mùa Vu Lan báo hiếu là một hạnh phúc không gì bằng, là một niềm vui lớn trong đời khi chúng ta còn được chiêm ngưỡng chân dung mẹ cha, là điểm tựa, là bước tường thành cho cuộc đời chúng ta lớn khôn thành người. Xin trao tặng tất cả những bà mẹ, mỗi người một đoá hồng và xin tất cả chúng ta, những đứa con đều biết lưu giữ đoá hồng tươi thắm ấy trong trái tim của chính mình.

Những ngọn đèn tâm hiếu vào mùa Vu Lan báo hiếu là dịp chúng ta nhìn lại nhân cách của chính mình, và cũng là góp phần nhắc nhở mọi người về ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, của những bậc ân nhân thiện hữu tri thức, của các vị tiền bối tổ sư, chư thánh tử đạo, liệt vị chiến sĩ anh linh. Và hôm nay một lần nữa dưới mái chùa Đức Hậu những cung bậc thương yêu được khơi dậy cho những ai vô tình với mẹ cha, hòa chung trong không gian lắng đọng tình người này. Trong không khí ngập tràn niềm tri ân và báo ân vô hạn, buổi lễ Vu lan Bông Hồng Cài áo với chủ đề “Cha Mẹ là mãi mãi” đã để lại những hoài niệm khó phai trong lòng của mỗi người xứ Nghệ.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Tác giả bài viết: Tuệ Đại

Đạo Phật là đạo hiếu

Đạo Phật là đạo hiếu

Đăng lúc: 19:23 - 15/08/2016

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên khởi nguyên của lịch sử cội nguồn dân tộc ta lại bắt nguồn từ huyền sử cha già Lạc Long Quân cùng với mẹ Âu Cơ kết duyên sinh ra 100 người con từ trong bọc trứng, để rồi dẫn đến khái niệm “đồng bào”. Từ đó 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, lớn lên trưởng thành và chung sống với nhau bằng triết lý “Thương người như thể thương thân”.

daohieu.jpg
Đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về

Khi đạo Phật du nhập vào thì dân ta lại “Rủ nhau xuống bể mò cua/ Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”. Nhờ vậy, dân ta mới thấm hiểu triết lý sống của đạo Phật, thấm thía lời Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử”. Và như thế, từ cơ sở triết lý của nền văn hóa Việt Nam và kết hợp của nền giáo lý Phật-đà, đã được người dân Việt trải nghiệm trong cuộc hành trình hướng tâm giải thoát, chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo hiếu mà Mâu Tử đã khẳng định trong tác phẩm của ông qua diễn đàn văn học thời kỳ Phật giáo thời du nhập.

1. Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha

Bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi vào dòng đời cũng bắt đầu từ vòng tay ôm ấp, nuôi dưỡng và chỉ giáo của mẹ cha. Bằng cả tấm lòng bao la như trời biển, mẹ đã truyền trao cho con những dòng sữa ngọt ngào, ru cho con ngủ bằng cả niềm tin và hy vọng, rồi dìu con đi từng bước, trao cho con cái gia tài đầu tiên là tình người như là hành trang vào đời qua từng năm tháng. Cha thì nghiêm từ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, khích lệ, dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng, dạy con nên người. Chính vì ân sâu nghĩa nặng của người làm cha, làm mẹ như thế, nên nhân dân ta đã khắc ghi qua những vần thơ ca dao:“Công cha nghĩa mẹ cao vời/ Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta/ Nên người ta phải xót xa/ Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”.

Rõ ràng công cha nghĩa mẹ là vô cùng lớn lao, không có bút mực nào mô tả hết được. Chính trong kinh Tăng chi đã diễn tả cha mẹ là người không bao giờ trả hết ơn được, cho dù người con nỗ lực cung phụng cha mẹ suốt đời: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được: mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ…cũng chưa làm đủ để đền ơn mẹ và cha”2. Thế nên, Mâu Tử đã dẫn lời Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăng trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận. Thế nên người con tiếp nhận tình cha nghĩa mẹ bằng sự hiếu thảo của mình: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Rõ ràng chữ “hiếu” được xác lập bằng “đạo con”, tức là đạo làm con, bằng sự thể hiện của tâm hiếu rất cụ thể mà cha ông ta khái quát “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Trong cuộc hành trình thể nhập với đời, người con báo hiếu cho cha mẹ khởi đầu bằng sự hoàn thiện bản thân, tức là phải biết tự sửa mình qua sự tôn kính, sự thực thi những lời giáo huấn nghiêm từ của mẹ cha. Điều đó cũng được cụ thể hóa qua những việc làm cụ thể của người con đối với cha mẹ mà Phật đã dạy trong kinh Đảnh lễ sáu phương: 1. Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần. 2. Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc. 3. Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình. 4. Giữ gìn tài sản của cha mẹ. 5. Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. 6. Lo tang lễ mẹ cha đúng phong tục khi cha mẹ qua đời. 7. Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, Chánh kiến đến cho cha mẹ.

Đó là nếp sống hiếu hạnh của người con Phật trong gia đình. Suy cho cùng, cha mẹ là người sinh thành và giới thiệu con cái vào đời và làm cho đời sáng tươi. Cho nên, bổn phận người con báo hiếu cha mẹ qua các điều nói trên là phù hợp với đạo lý người Việt Nam, Phật giáo chỉ giới thiệu thêm điều thứ 7 là nhằm mục đích hướng tâm cho cha mẹ giải thoát thì sự báo hiếu mới trọn vẹn.

Bản kinh Tăng chi nói rất rõ: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin với Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích cha mẹ vào Chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và đền đáp ơn cho mẹ và cha”3. Và như thế, chỉ có Chánh kiến, Chánh pháp là cánh cửa mở ra thế giới hạnh phúc cho mẹ cha đời này và đời sau mà bổn phận người con ở trong nhà thì phải hiếu thảo với mẹ cha là vậy.

2. Ra ngoài xã hội thì phải giúp nước hộ dân

Một người mà hiếu thảo với mẹ cha là cơ sở thực thi đạo hiếu khi bước ra ngoài xã hội. Trong cuộc hành trình đi tìm lẽ sống, sự hiếu thảo trong gia đình sẽ lan tỏa bởi từ sự giáo dưỡng của cha mẹ và bà con quyến thuộc. Thế nên khái niệm hiếu thảo với mẹ cha trong gia đình đồng nghĩa “giúp nước hộ dân” ở ngoài xã hội. Huống chi, triết lý sống của người Việt đều nhìn nhận nhau trong khái niệm cùng huyết thống đại gia đình, sinh ra cùng trong ý niệm đồng bào như đã nói. Phật lại dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Và như thế, hạnh hiếu không chỉ là cơ sở cội nguồn của văn hóa tình người mà còn là cơ sở thiết lập nền văn hóa vô ngã khi mà con người luôn giáp mặt khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ đau. Chính vì lẽ sống lý tưởng này mà tâm hiếu chảy đến đâu thì tình người hóa hiện cụ thể đến đó. Khi tâm hiếu chảy vào cha mẹ thì gọi là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vào bạn đời trăm năm thì gọi là tình nghĩa vợ chồng, vào với những người xung quanh thì gọi là tình làng nghĩa xóm, rộng hơn nữa là chảy vào cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc thì là trung với nước hiếu với dân.

Cho nên thể hiện đạo hiếu của người Việt được cha ông ta dạy rất cụ thể: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào, đồng chí, đồng lòng thiết lập để mọi người tự thân có cách ứng xử hiếu thuận, hiếu hòa trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Hơn nữa, triết lý Duyên khởi của nhà Phật lại cho người Phật tử Việt Nam không ai sống một mình, con người có vô số mối liên hệ trong đời sống thực tiễn. Giá trị hạnh phúc của con người, suy cho cùng thực chất là sự kết nối yêu thương, chung sống với nhau hòa hợp. Vì thế lời hát ru năm nào của mẹ lại vang lên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thực thi như thế, rõ ràng tự thân đã thực thi tâm hiếu hạnh ra bên ngoài xã hội.

Thực tế, lịch sử dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong cuộc hành trình này tự thân mỗi người Việt đã sống theo đạo hiếu mà cha ông ta trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất cứ ai hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân thương này đều thấm thía lời ru của mẹ cha từ thuở nằm nôi, dạy cho con học cách ứng xử tùy duyên hiếu thuận với mọi người, mọi hoàn cảnh, miễn sao đạt đến mục đích cũng như lèo lái con thuyền cập bến bờ an toàn, để có sự an lạc trong tâm hồn: “Ru hời ru hỡi là ru/ Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”. Tinh thần này luôn luôn được tuôn chảy vào trong đời sống thực tiễn của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thiền sư Pháp Thuận từng khắc họa thông điệp thái độ sống hiếu thảo giúp nước hộ dân này bằng bài Quốc tộ: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam tức thái bình/ Vô vi như điện các/ Xứ xứ dứt đao binh”. Để rồi sau đó Trần Nhân Tông đã hóa hiện lời dạy của cha ông năm nào bằng bài kệ Cư trần lạc đạo phú: “Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có của thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”. Nhờ vậy, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhân dân được ấm no, đạo pháp trường tồn cho đến ngày hôm nay.

3. Ngồi một mình thì phải tu thân

Có thể nói đây cũng là triết lý sống của người Việt, khởi nguyên từ những lời ru của mẹ cha ngay từ thuở nằm nôi đã được dặn dò. Cuộc đời là trường học không bao giờ có sự kết thúc. Trong cuộc sống vô thường đầy biến động này, để được sống, được tồn tại, được phát huy con người cần nỗ lực tự hoàn thiện lấy mình. Sự hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện nhân cách là điều kiện tất yếu để được yêu thương, được kết nối với cộng đồng xã hội: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Xem ra đạo hiếu dạy cho con người khi ngồi một mình phải chiêm nghiệm cái triết lý “đi tìm người thương” để sống, để được sẻ chia.

Thực ra khát vọng lớn nhất của con người là khát vọng hạnh phúc. Và như thế yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời. Chính vì đó, mẹ cha lại dạy con thực thi nếp sống đạo đức, hoàn thiện phẩm hạnh, tu nhân tích đức qua lời ví von: “Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau”. Có cây đức là có tất cả, bởi lẽ đó là cả quá trình điều chỉnh thân tâm, tự tu, tự sửa sai lầm: “Ở hiền gặp lành, gieo gió thì gặt bão”; “Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Mục đích cuối cùng là tự thân gặt hái những thành tựu hương thơm quả ngọt mà cuộc sống trao tặng: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”. Thật kỳ diệu vô cùng.

Thế nên, sự tu thân khi ngồi một mình được diễn dịch nói trên thực chất là một cuộc hành trình tu tập của mỗi cá nhân mà Phật từng dạy cho chúng ta “Hãy tự mình quay về nương tựa chính mình và nương tựa Pháp, không nương tựa nơi nào khác”. Con người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân chính mình. Con người sở dĩ không hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng nghĩa không thực thi tâm hiếu từ trong nhà cho đến bên ngoài xã hội.

Con đường Đức Phật giới thiệu cho mọi người thực thi sự tu thân khi ngồi một mình là phải biết chiêm nghiệm hành trì về giới định tuệ. Mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si, mục đích là giữ cho “thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh”. Từ trong giá trị đích thực này, mỗi người có thể an trú trong niềm hạnh phúc khi biết sống cho hạnh phúc người khác, đồng nghĩa biết sống hạnh phúc cho chính mình. Bạn có thể thực thi 6 pháp ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để tâm hiếu thảo của bạn lan tỏa vào cộng đồng, vào thế giới hạnh phúc giữa cõi đời này.

4. Thay cho lời kết

Đến đây, chúng ta có thể nói rằng triết lý sống của người Việt là triết lý thực thi đạo hiếu. Đạo hiếu đó được diễn dịch bằng thông điệp hết sức giản dị và mộc mạc, trên hết được cụ thể hóa là: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” từ điểm nhìn của người con Phật thuần thành. Thông điệp này không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó thể nhập thành thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau.

Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng nhằm mục đích kết nối truyền thông sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Và như vậy một lần nữa, có thể nói đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về.

Thích Phước Đạt

Thiền sư Tông Diễn & hành trình tìm lại người mẹ ly biệt

Thiền sư Tông Diễn & hành trình tìm lại người mẹ ly biệt

Đăng lúc: 18:16 - 12/08/2016

“Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Với tinh thần đó, đọc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhất là qua gương sống của chư vị thiền sư, các bậc xuất gia, ngoài công hạnh tu tập, hành đạo, chúng ta còn gặp nhiều câu chuyện hiếu đạo hết sức đặc biệt. Trong số đó, phải kể đến Thiền sư Tông Diễn.

minhhoa.jpg
Minh họa - Nhuận Thường

Chuyện ghi lại rằng, Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung (1640-1711), người thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Sư là Tổ thứ 2 của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam. Ngoài đạo nghiệp, cuộc đời của Thiền sư Tông Diễn còn có một sự tích rất cảm động lòng người. Đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo của ngài với người mẹ của mình.

Sư mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tảo tần chạy chợ buôn bán để nuôi sư. Năm sư 12 tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cáy (cua) để sẵn ở ao, trưa nay con giã cáy nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng”. Bà gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, sư ra ao xách giỏ cáy lên định đem giã nấu canh như lời mẹ dặn, song nhìn thấy những con cáy tuôn những hạt bọt ra, dường như khóc rơi từng giọt nước mắt. Xót thương quá, sư không đành đem giã, lại đem đến ao giở nắp giỏ thả hết.

Đến trưa bà mẹ đi bán về, vừa nhọc nhằn vừa đói bụng, hai mẹ con lên mâm cơm ngồi ăn, bà không thấy món canh cáy liền hỏi lý do. Sư thưa: “Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết”. Bà mẹ nổi giận, bỏ bữa cơm, chạy lấy roi đánh sư một trận như lôi đình. Sợ quá, sư chạy một mạch không dám ngó lại. Từ đó sư và mẹ ruột ly biệt.

Sau khi chạy khỏi nhà, sư mệt quá ngất đi và được một sư cụ đưa về chùa cưu mang. Từ đó sư ở chùa và rồi xuất gia. Sau khi đã tu hành sáng đạo, một bữa sư tọa thiền, lòng bỗng nhớ đến người mẹ xưa. Ngài nghĩ mẹ giờ chắc đã già yếu không có ai chăm sóc. Người tu hành từ bỏ đời sống gia đình nhưng ơn sinh thành dưỡng dục thì phải đền đáp. Nghĩ vậy ngài liền về quê cũ tìm mẹ nhưng tìm không ra. Bởi vì sau buổi lỡ giận đánh con đó, mẹ ngài cũng hối hận đi lang thang khắp nơi tìm con.

Đến hơn ba mươi năm sau, người mẹ thì cũng già yếu nên trở về quê cũ và mở một quán nước để làm kế sinh nhai và tiện việc hỏi han tin tức con mình. Suốt mấy chục năm bà chỉ mong tìm được đứa con trai duy nhất để nói một câu xin lỗi, có thế thì mới yên lòng nhắm mắt và gặp lại chồng dưới chín suối.

Về phần mình, sư vẫn dò la tin tức về người mẹ đã ly biệt. Một dịp, sư lại về làng cũ và vào quán trà của bà lão uống nước. Thấy bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách, đợi đến lúc bà lão rảnh, sư mới hỏi thăm lai lịch. Bà thở dài than:

- Bạch sư cụ, chồng tôi mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không ai, tôi phải lập quán bán nước trà, kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.

Sư hỏi:

- Cụ có muốn vào chùa không, nếu cụ đồng ý thì chúng tôi xin thỉnh cụ về chùa để nương bóng từ bi trong những tháng ngày còn lại.

- Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.

Sư nói:

- Cụ đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, còn thì giờ tụng kinh niệm Phật là tốt.

Bà lão thấy sư có lòng tốt bèn nói:

- Nếu sư cụ thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.

Sư hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Về chùa, sư họp Tăng chúng nơi sư đang trụ trì hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều đồng thuận mời bà lão về chùa. Sư cho cất một am tranh trong khuôn viên chùa, cho người đi rước bà lão về ở đây. Mỗi hôm, sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở bà tu hành và mỗi sáng đều qua am thăm hỏi bà lão.

Được một thời gian, bà lão lâm bệnh, sư tự thân nấu cháo săn sóc bà lão khiến các đệ tử đều thấy lạ. Biết bà lão không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng năm bảy hôm nên trước khi đi, sư dặn dò mọi người: Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng cứ làm đủ lễ nghi nhưng khi liệm thì đừng vội đậy nắp áo quan, đợi sư về sẽ đậy sau.

Đúng như lời sư đoán, bốn năm hôm sau bà tắt thở, Tăng chúng làm đúng như lời sư dặn, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Hai hôm sau sư về, nghe bà lão mất còn để trong áo quan. Sư về nhìn mặt lần chót, đi quanh quan tài 3 lần rồi đậy nắp quan lại. Sau đó sư nói to:

- Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật.

Nói xong sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Lúc ấy mọi người mới biết bà lão là mẹ của sư.

Hòa thượng vừa dứt tiếng, chiếc quan tài bỗng như có một lực đẩy, từ từ nâng lên cao, sát mái am tranh, lơ lửng. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng mặt nhìn lên trong một niềm kính ngưỡng tột cùng. Mắt Hòa thượng sáng ngời, an trú trong giây phút hiện tại tuyệt vời, một giây mà đằng đẵng thiên thu.

Tâm hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung như đóa sen tỏa hương tinh khiết, tuy vô hình mà bất diệt, tuy vô thanh mà tràn ngập âm hưởng diệu kỳ, tuy vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.

Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ - bây giờ đã rõ là thân mẫu của sư trụ trì - tươi nhuận rạng rỡ. Mùi hương lạ lại tỏa ra phảng phất quanh nhà. Mọi người đứng bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc ngàn năm chưa dễ có.

Nơi quán nước ngày xưa của mẹ, sư bèn lập một ngôi chùa đặt tên là Mại Trà Lai tự. Am tranh mẹ từng ở có tên là Dưỡng Mẫu đường, sớm chiều khói hương nghi ngút.

Đó là một trong nhiều câu chuyện trong hành trạng của vị thiền sư Việt Nam đạo phong, liên quan tới hiếu đạo của người xuất gia. Ngài cũng là người sống gần dân, được người dân yêu quý gọi bằng tên mộc mạc là Hòa thượng Cua.

Cách báo đáp thâm ân cha mẹ của Thiền sư Tông Diễn đã lưu mãi trong lòng người, vượt cả thời gian. Hình tượng và hạnh hiếu đó không chỉ lưu truyền trong dân gian mà đã được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật, được chuyển thể qua các loại hình sân khấu, làm rung động lòng người nhiều thế hệ.

D.N sưu tầm

Ý nghĩa nghi lễ "bông hồng cài áo" trong ngày Vu Lan

Ý nghĩa nghi lễ "bông hồng cài áo" trong ngày Vu Lan

Đăng lúc: 18:10 - 12/08/2016

Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan biểu trưng cho chữ Hiếu, bày tỏ sự biết ơn, lòng hiếu thảo con cái muốn gửi đến cha mẹ.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến những người làm cha, làm mẹ.

y-nghia-nghi-le-quotbong-hong-cai-aoquot-trong-ngay-vu-lan-giadinhvietnam.com 1

"Bông hồng cài áo" trong ngày Vu Lan biểu trưng cho chữ Hiếu, bày tỏ sự biết ơn, lòng hiếu thảo con cái muốn gửi đến cha mẹ. (Ảnh: Internet)
Màu sắc hoa hồng trắng hay đỏ chỉ là sự quy ước. Trong ngày lễ Vu Lan, dù cài hoa màu gì thì cũng là hướng về cha mẹ, mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ còn trên cõi trần, thì chúng ta phụng dưỡng, vấn an, lo cho từng miếng cơm, chén thuốc , chia sẻ buồn vui. Khi bố mẹ lìa trần, chúng ta vẫn giữ lòng biết ơn, hiếu thảo ấy bằng cách hồi hướng những công đức mình đã tích góp đến cha mẹ.

Riêng bậc tu hành thì các chư tăng, ni sẽ cài hoa màu vàng, vì dù họ không có điều kiện chăm sóc cha mẹ mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ nhưng với trí tuệ của mình sẽ hướng dẫn cha mẹ đi đúng đường mà sớm về cõi an vui vĩnh hằng. Nhưng dù là ai, có tu thành chính quả hay nghiệp chướng vẫn còn nặng nề, thì trong ngày lễ Vu Lan cũng là ngày để chúng ta cùng nghĩ về những công đức, khó nhọc mà cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu, đã vì ta mà tạo nghiệp – từ đó, khơi dậy lòng hiếu thảo, nhắc nhở ta, làm những điều tốt đẹp cho cha mẹ, cho muôn chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ mình dù còn sống hay đã khuất.

y-nghia-nghi-le-quotbong-hong-cai-aoquot-trong-ngay-vu-lan-giadinhvietnam.com 2

(Ảnh: Zing)

→ Cách cúng rằm tháng 7: Hướng dẫn làm đèn hoa sen cho lễ Vu Lan

Cài hoa màu gì không quan trọng mà chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, bông hoa chúng ta sẽ cài vào tâm khảm sâu xa của trái tim hiếu thảo là những “bông hồng tâm linh”. Một khi cài vào cái tâm hiếu thảo sâu sắc hướng đến cha mẹ thì màu sắc của bông hồng tâm linh sẽ cực kỳ rực rỡ, nhiệm màu, nghi thức lễ Vu Lan không nên tiếp cận theo góc độ chỉ là thuần túy tín ngưỡng tôn giáo, mà cần thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu Lan, là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người là con đại hiếu, bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kì tôn giáo nào. Nó thuộc về điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người chúng ta.

Nghi thức “Bông hồng cài áo” xuất phát từ ý tưởng của GS. TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc TT Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Ý tưởng này được lấy từ áng văn về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết vào năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư thấy lạ khi người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của hành động này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.

Cũng từ đó, nghi thức “Bông hồng cài áo” trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, hữu hiệu trong việc giáo dục mỗi con người về lòng hiếu thảo và tình người.

→ Sự thật về việc phơi quần áo qua đêm bị ám âm khí trong tháng cô hồn

Chi Mai (tổng hợp)

thu moi

Nguồn gốc và ý nghĩa giáo dục của lễ Vu Lan

Đăng lúc: 17:52 - 04/08/2016

Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam lễ Vu Lan (nhằm ngày 15/7 âm lịch) từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng. Chính vì vậy, trong bài viết này người viết xin được lần lượt đi vào giải quyết hai vấn đề đó là: Nguồn gốc và nghĩa giáo dục của lễ Vu Lan.
Nguồn gốc và ý nghĩa giáo dục của lễ Vu Lan
1. Nguồn gốc của lễ Vu Lan.

Vu Lan hay Vu Lan bồn có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang tiếng Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược–theo nghĩa tiếng Việt. Mà hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật. Ngài có quyền pháp vô biên, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng” Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đoạ đầy. Ðức Phật nói: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng Dàng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát. Noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ.

2. Ý nghĩa giáo dục

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...

Không riêng gì với mỗi Phật tử chúng ta, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp háo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau. Ðiều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng phạm vi báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân, độ thế”, “xá tội vong nhân” nhờ vậy mà được hình thành. Mà như tác giả Vi Phương Anh đã nhận định thì: “... người Việt cử hành lễ Vu Lan nhằm giải tội cho người chết, cầu phúc cho người sống. Ðiều đặc biệt đáng chú ý là ngoài việc cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cầu siêu cho các cô hồn, u hồn của người khi tại thế đã thất cơ lỡ vận, phiêu bạt bơ vơ, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội... bằng việc đọc bài văn tế cô hồn trong khi hành lễ. Vậy là tục cúng các cô hồn của người Việt đã giao hoà với tinh thần cứu khổ cứu nạn, cứu nhân, độ thế của nhà Phật làm cho lễ Vu Lan thêm phần phong phú và sống động”. Thật đúng là:

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi
Muốn nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu độ, hồn về Tây phương.


Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi
Ðàn chẩn tế đây lời Phật giáo
Của có chi bát cháo nén hương
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.
Báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh dạo đức của mỗi con người chúng ta. Trong xã hội, luôn luôn tồn tại hai hoạt động mang ý nghĩa dường như trái ngược nhau song lại gắn bó chạt chẽ với nhau đó là làm ơn (ân) và trả (báo) ơn (ân). Người xưa đã đạy: “Có hai điều dứt khoát phải làm, một là phải quên đi khi mình giúp đỡ người khác, hai là phải ghi nhớ, phải trả ơn khi người khác giúp mình”. Hành động làm ơn và trả ơn là không thể thiếu được trong bất cứ xã hội nào bởi trong cuộc sống con người đâu có tồn tại một cách độc lập, mà họ luôn tồn tại trong mối tương quan, trong sự gắn kết giữa các cá nhân với các chủ thể khác. Mác từng nói: “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, do đó, con người nếu đã hiếu nghĩa với cha mẹ, họ hàng thì không thể không yêu quý quốc gia; thầy cô, bè bạn; và mở rộng ra là với toàn thể chúng sinh, đồng bào. Cùng với báo ân cha mẹ, ba điều này hợp thành khái niệm: “Tứ ân” trong Phật giáo. Ðó chính là:

–Ơn cha mẹ: là ơn sinh thành dưỡng dục.
–Ơn thầy cô: là ơn dạy dỗ những kiến thức, những điều hay, lẽ phải.
–Ơn quốc gia xã hội: là ơn đảm bảo, giữ gìn môi trường sống hoà bình, ổn định.
–Ơn chúng sinh, đồng bào: là ơn những người đã sản xuất ra của cải vật chất để cho chúng ta tồn tại, phát triển.
Không ai có thể nói rằng trong bốn ân này, anh ta chỉ chịu ân này còn ân khác thì không. Như trên đã trình bày, con người luôn tồn tại trong mối tương quan với các cá nhân khác, là tổng hoà của nhiều mối quan hệ nên nhất thiết phải chịu cả bốn ân này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không cho phép có thể đi vào phân tích cả bốn ân này, nên, người viết chỉ tập trung vào chữ hiếu trong trường hợp đầu tức là hiếu với cha mẹ, ba trường hợp còn lại sẽ đề cập tới khi có điều kiện.

Ðạo Phật là đạo hiếu, lấy tình thương yêu con người (và cả muôn loài) làm đầu. Tình thương này bắt nguồn từ tình thương cha mẹ, sau đó mới mở rộng ra thành tình người, tình nhân loại. Chính vì vậy, trong các kinh điển của mình Ðức Phật dạy về đạo hiếu nhiều không kể xiết. Nào đời nay đã có hiếu. Nào kiếp trước cũng đã có hiếu. Nào hiếu về cung dưỡng cha mẹ. Nào hiếu về độ siêu cho cha mẹ.... Do đó, muốn tu theo Phật giáo phải lấy chữ hiếu làm đầu bởi vì kinh Phật đã dạy: “Phụng thờ cha mẹ là phụng thờ Ðức Phật”. Cụ thể hơn, Ðức Di Lặc đã có bài kệ rằng:

Trên nhà có hai pho tượng Phật
Thương cho người đời không biết mà.
Tượng ấy chẳng dùng vàng son phủ
Cũng chẳng phải gỗ mít tạc ra.
Tượng ấy chính là cha với mẹ
Chính là Di Lặc và Thích Ca
Nếu cúng dàng được hai tượng ấy
Còn phải cầu công đức đâu xa.
Và vì cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ chúng ta từ thuở ấu thơ cho đến khi về già. Công lao đó của cha mẹ thật bao la, tựa non, tựa bể. Chính vì vậy, để phần nào đền đáp lại cái ơn nghĩa đó, chúng ta “Một lòng thờ mẹ, kính cha; Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Ở đây sở dĩ nói phần nào bởi vì theo kinh Phật: “Trên thế gian này, công ơn cha mẹ là điều to lớn nhất”. Chính Đức Phật đã từng nhiều lần dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai người mà ta không thể trả ơn đó là chính là cha và mẹ”. Với ơn nghĩa sinh thành ấy, chúng ta dù có “trăm nghìn muôn kiếp tán xương róc thịt ra để phụng dưỡng cha mẹ cũng vẫn chưa đền đáp được”.

Sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ không chỉ được thể hiện trong sự cung phụng về vật chất mà còn trong lĩnh vực tinh thần. Cha mẹ cần tình cảm và sự chăm sóc của con cái: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Vì thế, bên cạnh việc lo chu đáo “miếng cơm, manh áo” cho cha mẹ, chúng ta cần phải “sớm viếng, tối thăm”, trò chuyện, vấn an cha mẹ để cha mẹ thật sự vui vẻ an hưởng tuổi già. Nhất là khi cha mẹ đau yếu, phải “rước thầy, đổi thuốc: hết lòng chăm sóc từ miếng ăn, nước uống, trên sắc mặt lúc nào cũng vui tươi, cầu cho bệnh chóng khỏi. Bổn phận làm con, làm được như thế, gọi là báo hiếu trong muôn một”. Cùng một quan điểm như vậy, từ hơn 2500 năm truớc Ðức Khổng Tử cũng đã từng dạy: “Ðời nay thấy ai nuôi dưỡng được cha mẹ thì khen là có hiếu. Nhưng chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng. Vì thế nếu nuôi cha mẹ mà không kính trọng thì khác gì nuôi thú vật”. Hoặc như kinh Lễ cũng có đoạn viết: “Khi cha mẹ còn sống mà chỉ chăm chú vào việc làm giàu, không phụng dưỡng cha mẹ là không tròn đạo hiếu”. Ðức Khổng Tử còn dạy tiếp: “Có việc thì mình giúp, có rượu, thức ăn ngon mời cha mẹ là hiếu chăng? Giữ được sắc mặt vui vẻ khi ở chung với cha mẹ mới thật khó”.

Tuy nhiên, cũng đừng vì đặt quá chữ hiếu lên đầu mà chúng ta làm những điều “bất nhân, thất đức” hay hùa theo cha mẹ làm những điều ác, điều xấu để làm hại người khác. Hiếu như thế là “ngu hiếu”. Mà phải “Phát tâm học Phật, tu Phật rồi khuyên cha mẹ biết ăn chay niệm Phật, làm các phúc thiện thì mới có thể báo đền cân xứng với công sinh nuôi của cha mẹ như lời Phật đã dạy”. Bên cạnh đó, cũng phải sáng suốt để vừa hiếu thuận với cha mẹ lại vừa “lợi lạc, quần sinh”, vừa kế thừa và phát huy được những đức tính tốt của cha mẹ lại vừa biết khuyên can cha mẹ rời xa những điều không tốt, ấy mới là “chân hiếu”, là “trí hiếu”, là hiếu đễ thực sự như mọi người hằng ngưỡng mộ...

Tiếc thay, trong xã hội chúng ta hiện nay do những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường ít nhiều đã xuất hiện lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường mà quên đi những giá trị truyền thống của bản sắc văn hoá dân tộc, quên đi những nghĩa vụ thiêng liêng của con cái đối với cha mẹ. Phải thừa nhận rằng, thực tế vẫn còn có không ít những quan niệm về đạo hiếu thật đơn giản và lệch lạc.

Do đó, khi vận dụng vào cuộc sống đã không mang đầy đủ ý nghĩa đích thực của nó, biến đạo hiếu trở thành một thứ hình thức, câu nệ tầm thường, dẫn đến việc thực hành đạo hiếu chỉ còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà không xuất phát lừ đáy lòng, từ trong tâm. Hoặc nếu không gượng ép thì cũng là thỉnh thoảng, không thường xuyên, mà nhiều khi còn mang tính thời điểm, cơ hội, sử dụng cha mẹ như những “công cụ” để mang lại lợi ích cho bản thân. Thật xót xa khi xã hội còn có những đứa con bất hiếu, những “nghịch tử” đang hàng ngày, hàng giờ ruồng rẫy cha mẹ, coi cha mẹ như gánh nặng bên mình.

Ấy vậy mà khi cha mẹ chết đi thì lại tổ chức ma chay linh đình những để người ngoài trông vào mà nghĩ đó là những đứa con “hiếu để”. Những “tấm gương” tày liếp đó, thiết nghĩ báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để lên án. Nhưng, dù có viết bao nhiêu đi chăng nữa cũng vẫn là chưa đủ nếu như chúng ta chưa hình thành đủ các chuẩn mực đạo đức cần thiết để có thể điều chỉnh được những hành vi “phi nhân tính” đó. Hay như bản thân mỗi con người không tự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, đạo đức để có thể có một cuộc sống lành mạnh, có ích, dời xa những cám dỗ của dục vọng...

Ðức Phật cũng chính là một tấm gương sáng về đạo hiếu. “Ðạo hiếu này tức như Ðức Thích Ca để phụ vương ở lại mà trốn vào rừng đi tu. Nhưng Ngài cố tu học cho đến thành Phật. Ðến nay người ta sùng bái Ngài mà sùng bái đến cả Tịnh Phạn vương. Ngôi vua nào tôn vinh, tràng viễn bằng”. Hay như khi Tịnh Phạn đại vương lâm chung. Ngài đã đứng ra lo liệu mọi việc, quỳ lạy trước vong linh cha rồi cung kính nghinh tiễn kim quan cha về nơi “an nghỉ cuối cùng” cho trọn đạo làm con. Như vậy, đã là tạo hiếu thì các đấng toàn năng, các bậc thánh hiền, hay người phàm trần cũng đều như nhau. Và dù có là Ðấng Giác Ngộ cao minh với quyền pháp vô biên hay một người dân bình thường nhất, thì với cha mẹ con cái bao giờ cũng vẫn là con cái, vì vậy, lo lắng hậu sự cho cha mẹ phải chăng là điều không cần phải bàn cãi gì thêm nhiều nữa.

Bấy nhiêu chưa đủ để nói lên tất cả những điều muốn nói của bản thân người viết cũng như của toàn xã hội, song, từ sự phân tích trên chúng ta cũng đã phần nào thấy được những ý nghĩa giáo dục cao cả của văn hoá Phật giáo trong tiến trình hình thành và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Nhân mùa báo hiếu chúng ta cũng nhận thức lại những ý nghĩa đúng đắn của ngày lễ Vu Lan để có những hành động thiết thực hơn, tích cực hơn cho gia đình và cho xã hội. Có làm được như vậy thì mới có thể tự giải thoát được cho mình để rồi giải thoát cho người khác.

Phát huy truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, chúng ta nguyện tu tập theo gương hiếu đễ của người xưa để góp phần xây dựng một xã hội tốt lành, thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”.

Xin được thay cho lời kết, bằng việc mượn lời của Ni sư Thích Ðàm Hà trong bài “Cảm nghĩ về chữ Hiếu trong đạo Phật”

Thân người gốc ở mẹ cha
Trải bao cay đắng cũng là vì con
Công ơn như biển, như non
Ðạo làm con phải lo tròn hiếu tâm
Báo đền trả nghĩa ân thâm
Những điều hiếu nghĩa trọng tâm nghĩ bàn
Người ta sống ở thế gian
Bao nhiêu hưởng thụ bấy nhiêu ơn nhờ
Ơn dân, ơn nước, ơn người,
Ơn thày, ơn bạn, ơn đời giúp ta.
Đỗ Công Định

Chữ hiếu xưa và nay

Chữ hiếu xưa và nay

Đăng lúc: 20:51 - 12/06/2016

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường.

Hiếu thảo là một truyền thống đạo đức quý báu của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung.

Chữ hiếu trong dân gian Việt Nam

Người Việt Nam khi nói đến chữ hiếu, liền nghĩ ngay đến việc “thờ cha, kính mẹ”, như bài ca dao vỡ lòng mà ai ai cũng thuộc: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hoặc trong Quốc văn giáo khoa thư ngày trước: “Cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao lấy lượng nào đong. Thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”. Nhưng thờ kính cha mẹ như thế nào? Đó là: Mến yêu, cung kính, đỡ đần cho cha mẹ, vui vẻ vâng lời (Làm con phải biết phận con/ Mến yêu cung kính mới tròn thảo ngay/ Việc làm nặng nhẹ đỡ tay/ Khi sai khi bảo mặt mày hân hoan/ Lời thưa tiếng nói dịu dàng/ Cứng đầu cứng cổ dọc ngang thì đừng - Ca dao), chăm sóc phụng dưỡng (Dây bầu dây mướp cùng leo/ Sớm hôm nuôi mẹ, giàu nghèo sá chi - Ca dao), sớm thăm tối viếng (Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con - Ca dao), quạt nồng ấp lạnh (Thức khuya dậy sớm cho cần/ Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con - Ca dao), v.v... Đó là quan niệm dân gian về chữ hiếu.

Chữ hiếu trong Nho giáo

Nho giáo có hẳn một pho sách riêng dạy về đạo hiếu gọi là Hiếu kinh. Ở đây chỉ nêu một số lời dạy của các bậc hiền triết Nho gia về đạo hiếu. Thầy Tăng Tử, học trò của Đức Khổng Tử, nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên” (Hiếu là nết đứng đầu trăm nết). Thầy Mạnh Tử dạy về hạnh hiếu: “Hiếu tử chi sự thân: Cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực)… Kinh Thi cũng dạy: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực” (Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như vói lên trời cao chẳng đặng).

Chữ hiếu trong Phật giáo

Đức Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại tập), “Quả đất người đời cho là nặng, mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều. Núi Tu Di người đời cho là cao, cha hiền ơn cao quá hơn nhiều” (Kinh Tâm địa quán), “Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ: Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, nuôi nấng, dạy dỗ, tùy thời săn sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp” (Kinh Tăng nhất A-hàm)…

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường. Hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện lành, xa lánh điều xấu ác, và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng. Đức Phật dạy muốn đáp đền công ơn cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn: “Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy, giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ buổi sớm mai thọ trì Tam quy Ngũ giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng của cha mẹ cũng gọi là tạm đền” (Kinh Hiếu tử), “Những ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Những ai có cha mẹ theo ác giới, khuyến khích cha mẹ an trú vào thiện giới. Những ai có cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào bố thí. Những ai có cha mẹ theo ác trí tuệ thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào trí tuệ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, thì các người con đó đã làm đủ và đã trả ơn đủ cho cha mẹ” (Kinh Tăng chi bộ). Đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu.

Theo Phật giáo, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sống vị lai, do đó người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Người Phật tử hiếu đạo luôn ưu tư: Sau khi chết, cha mẹ sẽ đi về đâu? Làm sao để giúp cha mẹ có được niềm an lạc hạnh phúc trong đời sống hiện tại và đời sống sau khi chết? Việc hướng cha mẹ theo con đường chơn chánh, giúp cha mẹ gieo trồng những nhân duyên lành cho đời này và đời sau, chăm lo vun bồi công đức phước báo chính là việc làm thiết thực để đáp đền công ơn cha mẹ.

Chữ hiếu thời nay

Ngày nay chữ hiếu cũng không khác mấy so với ngày xưa, vì cũng xuất phát từ tấm lòng tri ân và báo ân cha mẹ. Tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay không giống như ngày xưa, cho nên cách thể hiện lòng hiếu thảo của người con thời nay có khác. Ngày nay, vì hoàn cảnh sống, làm việc mà con cháu thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bổn phận với ông bà cha mẹ, chẳng hạn như không có nhiều thời gian gần gũi chăm nom săn sóc, không trực tiếp nuôi dưỡng phụng sự (có trường hợp phải thuê người chăm sóc vì sống cách xa cha mẹ, con cháu không có thời gian để thường xuyên tự tay chăm sóc, có trường hợp gởi ông bà cha mẹ vào viện dưỡng lão).

Tuy nhiên, mỗi người nên cố gắng dành thời gian gần gũi để ông bà cha mẹ không cảm thấy cô đơn buồn tủi. Cần để ông bà cha mẹ tham gia vào việc dạy dỗ con cháu, làm cho ông bà cha mẹ cảm thấy mình còn là người hữu ích, và cũng để thêm niềm vui khi gần gũi con cháu. Khi ở xa ông bà cha mẹ phải về thăm, gọi điện thoại quan tâm sức khỏe và đời sống của ông bà cha mẹ. Lúc về già có người thích sống với con cháu, có người thích sống ở viện dưỡng lão với những người già khác để sớm hôm bầu bạn, hoặc sống ở một cảnh chùa thanh tĩnh nào đó, vì thế nên tùy tâm nguyện của ông bà cha mẹ mà con cháu làm theo để ông bà cha mẹ vui lòng. Điều quan trọng là ở tấm lòng, ý thức đạo đức về lòng biết ơn, sự tôn kính ông bà cha mẹ. Không nên chỉ chu cấp cho ông bà cha mẹ về vật chất mà quên đi tình cảm, sự quan tâm.

Đó là hiếu khi cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu “kính như tại”, có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với xã hội ngày nay, có người cho rằng những việc làm này không thiết thực nhưng thật sự nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Hiếu là đạo làm người

Tóm lại, hiếu là bổn phận làm con mà cũng là đạo làm người. Hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà nuôi dưỡng, chăm lo săn sóc cho cha mẹ: cơm nước, áo quần, thuốc men… Về phương diện tinh thần, luôn tỏ lòng kính yêu cha mẹ, sống tốt, biết lo cho bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng, không làm cho cha mẹ tủi hổ vì những việc sai trái, tội lỗi. Người con chí hiếu thực hành hiếu đạo theo lời Phật dạy, ngoài những việc làm trên còn cần phải biết hướng cha mẹ tu thân, hành thiện, quy hướng Tam bảo để xây dựng hạnh phúc cho đời này và đời sau.

Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo, đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Đức Phật còn dạy rằng, lòng hiếu thảo cũng chính là nhân lành, là hạnh của bậc Thánh: “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, do công đức như vậy nên lên các tầng trời thì làm vị thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền ngu).
Phan Minh Đức

Thư mời tham dự lễ Vu Lan Báo Hiếu 2015 chùa Phúc Thành – chùa Đức Hậu

Thư mời tham dự lễ Vu Lan Báo Hiếu 2015 chùa Phúc Thành – chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 12:00 - 04/08/2015

Một mùa Vu Lan nữa lại về,tiếp nối tấm gương hiếu đạo Mục Kiền Liên và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa quý Phật tử gần xa!
Mỗi năm, khi tháng 7 về không chỉ kéo theo những cơn mưa ngâu dai dẳng, mà còn là mùa âm dương giao cảm. Truyền thống Phật giáo Việt nam vốn đã hòa nhập với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân báo ân mà đỉnh cao là Hiếu đạo. Kinh Tâm Địa Quán có chép: “ Vào thời không có Phật, thờ cha kính mẹ chính là hai vị Phật hiện tiền”. Cho nên Cổ đức dạy: “ Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật.
Trong dòng chảy hơn 2500 năm của Phật giáo Việt Nam, tháng 7 được xem là mùa “Xá Tội Vong Nhân”, mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh, mùa con người tạm xa lánh những bon chen nơi phố thị để tìm về suối nguồn yêu thương, tâm lành hướng nguyện về ba ngôi Tam bảo cầu siêu Phả độ gia tiên. Cùng hòa quyện trong nền đạo lý hiếu thảo ngàn xưa của dân tộc, vâng theo lời Phật dạy, noi gương hiếu thảo của Ngài Mục Kiền Liên, và để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tạo công đức lành cho quý Phật tử.
- Chùa Phúc Thành : Tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2015 vào lúc 09h00 Ngày 23/8/2015 tức ngày 10/7/Ất Mùi
* Địa điểm: xã Hưng Châu - huyện Hưng Nguyên - tỉnh Nghệ An.

- Chùa Đức Hậu: Tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2015 vào lúc 19h00 Ngày 30/8/2015 tức ngày 17/7/Ất Mùi.
* Địa điểm: xã Nghi Đức - thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An.


Chương trình cụ thể chi tiết được dán tại mỗi chùa.
Kính mời toàn thể quý vị Phật tử gần xa cùng tề tựu về CHÙA PHÚC THÀNH và CHÙA ĐỨC HẬU tham dự ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2015. Cùng nhất tâm cùng nhất tâm thành kính cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được bình an, mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc an vui, hồi hướng công đức lành cho cha mẹ quá vãng, cửu huyền thất tổ được siêu sanh Phật quốc.
Xin kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường.
Trụ trì
Đại đức Thích Định Tuệ

Học để hoàn thiện chính mình

Học để hoàn thiện chính mình

Đăng lúc: 07:29 - 21/07/2015

Học để hoàn thiện chính mình là việc học suốt cả cuộc đời, chẳng thể nào được tốt nghiệp trọn vẹn, nếu ta không có đủ ý chí và nghị lực.


Thứ nhất: “Học để biết cách hiếu thảo với ông bà cha mẹ”. Cây có cội, nước có nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Biết ơn và đền ơn là quy tắc đạo thờ ông bà tổ tiên dân tộc Việt Nam và người tu theo đạo Phật.

Thứ hai: Học để biết ơn thầy tổ. Thầy ở đây bao gồm thầy dạy chữ và dạy nghề nghiệp. Ngoài ra ta còn biết ơn thầy dạy về đạo đức luân lý sống trong xã hội. Trước tiên là học lễ phép, sau đó mới học chữ và học nghề chân chính.

Thứ ba: Học để biết ơn đất nước, ơn các vị lãnh đạo có công giúp cho mọi người ổn định về đời sống an sinh xã hội và biết ơn các anh hùng nghĩa tử.

Thứ tư: Học để biết ơn tất cả mọi người và muôn loài vật. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có gạo ăn và cứ như thế có rất nhiều nhu cầu khác để giúp cho ta bảo tồn sự sống, chính vì vậy mà ta cần phải biết ơn muôn loài vật.

Thứ năm: Học để biết cách sinh tồn. Để được sinh tồn và cuộc sống có ý nghĩa, ta phải biết điều hòa sức khỏe, không lãng phí thời gian, luôn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích xã hội.

Thứ sáu: Học để biết cách lắng nghe và nhận ra sai lầm về bản thân mình. Con người thường hay che dấu lỗi lầm của mình mà hay đổ lỗi cho người khác. Biết nhận lỗi và hứa sửa sai là người tốt trong hiện tại và mai sau.

Thứ bảy: Học sống chân thành bằng tình thương yêu chân thật. Thầy người khác làm việc tốt ta nên hoan hỷ vui theo, người giàu có thì bố thí vật chất, kẻ nghèo khó thì bố thì bằng lời nói an ủi, động viên giúp đỡ và hành động giúp người khi gặp hoạn nạn.

Thứ tám: Học để biết cách sống hòa hợp với mọi người. Làm người khó ai được hoàn hảo, chính vì vậy ta phải chấp nhận quan điểm của người này, người kia một chút thì cuộc sống sẽ được bình an hạnh phúc.

Thứ chín: Học để thấu hiểu mọi lẽ thật giả trong cuộc đời. Thiếu hiểu biết con người sẽ sinh ra tranh chấp, hơn thua, phải quấy, đúng sai mà dẫn đến oán giận thù hằn và tìm cách giết hai lẫn nhau.

Thứ mười: Học để biết cách buông xả mọi phiền não khổ đau. Cuộc đời giống như thay quần mặc áo. Khi cần dùng thì ta chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng đến khi chúng không còn giá trị nữa thì ta phải vứt bỏ đi. Thời gian sớm qua mau, mạng người sống trong hơi thở, ta phải biết tôn trọng bao dung và tha thứ để an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Học cách cho đi bằng tâm Từ bi rộng lớn

Học cách cho đi bằng tâm Từ bi rộng lớn

Đăng lúc: 06:57 - 19/07/2015

Bố thí là hạnh đầu tiên theo lời Phật dạy hay còn gọi đầy đủ là hạnh buông xả. Bố thí là cho, biết cho,là trao tặng, là giúp đỡ sẻ chia hay mở lòng rộng lượng để cúng dường. Mỗi khi làm việc bố thí là chúng ta đã thắng được lòng tham lam, ích kỷ của mình. Chúng ta có thể cho đi cái gì nhỏ nhất là chuyển được lòng tham đôi chút, cho đi cái lớn hơn là thắng được lòng tham ở mức độ lớn hơn.


Cho đi là hành động cao thượng của những người có tấm lòng vị tha, nhằm nhắc nhở chúng ta, giảm bớt tham lam do si mê chấp giữ. Bố thí là biểu hiện của tình người trong cuộc sống, là sự biết cho đi, là cách để buông xả bớt mọi phiền não khổ đau. Bố thí cần được thực hiện với tinh thần tự nguyện, không có điều kiện để trau đổi.
Cho đi là nhịp cầu kết nối yêu thương, là biết nghĩ tới người khác, biết quan tâm tới người khác. Người hay thường xuyên bố thí, thân tâm lúc nào cũng an lạc, thảnh thơi và làm cho người nhận cũng được hoan hỷ vui vẻ.
Với người nghèo, chúng ta san sẻ hay giúp đỡ một chút cho họ trong cơn hoạn nạn còn quý hơn bằng chín xe mười vàng. Bố thí cũng không chỉ giới hạn trong vật chất, người không có phương tiện vật chất gì cũng có thể thực hành bố thí, như bố thí lời nói để động viên an ủi người khác, bố thí bằng hành động cụ thể như giúp người đau yếu bệnh tật….
Có một người rất nghèo đến hỏi Đức Phật: “Tại sao con làm việc gì cũng không thành công, không gặt hái được kết quả tốt đẹp?”. Phật mới nói rằng: “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác”. Người kia thưa “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí”. Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn không có của cải gì cả, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 thứ sau đây cho người khác.

1- Nhan thí: Biết nở nụ cười hân hoan trên nét mặt khi tiếp xúc với mọi người, đó cũng là cách đem lại niềm vui cho người khác.
2- Ngôn thí: Biết dùng lời nói nhẹ nhàng, biết nói lời khích lệ, động viên an ủi, cổ vũ người khác.
3- Tâm thí: Biết mở lòng bao dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ cho người khác vì không thấy ai là kẻ thù của mình.
4- Nhãn thí: Biết dùng ánh mắt thân thiện, sống tình nghĩa mà nhìn mọi người với con mắt biết yêu thương bằng tình người trong cuộc sống.
5- Thân thí: Biết dùng hành động mà giúp đỡ, chăm sóc, chia sẻ cho người khác khi có việc cần thiết.
6- Tọa thí: Biết nhường chỗ ngồi cho người già yếu, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ mang thai.
7- Phòng thí: Biết nhường chỗ trong nhà mình hay chỗ nghỉ ngơi chung cho người lỡ đường hoặc có nhu cầu cần thiết hơn mình.
Thế cho nên không giới hạn là người giàu hay nghèo, ai cũng có khả năng bố thí nhưng của cho không bằng cách cho, là cho đúng lúc, đúng thời, đúng nơi, đúng chỗ.
Bố thí để tăng trưởng lòng từ bi
Vậy bố thí, cúng dường có ý nghĩa gì? “Bố thí” tiếng Phạn là Dana, có nghĩa là sự cho; còn theo từ ngữ Hán Việt “bố” là cùng khắp, “thí” là cho, nghĩa là cho cùng khắp không giới hạn. Thông thường, ta chỉ bố thí cho người thân, rộng hơn nữa là cho người nghèo khổ, ít ai bố thí cho người ta đang ghét bỏ hay hận thù. Chính vì không hiểu biết tới nơi tới chốn nên ta chỉ bố thí có giới hạn dẫn đến không được nhiều lợi ích, có khi còn tham lam, ích kỷ nữa là khác. Từ “cúng dường” là nói trại của hai chữ “cung dưỡng”, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để cho phù hợp với đối tượng thọ nhận; ta cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí; còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
Thí dụ, cha mẹ là hai đấng sanh thành mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gã chồng, tạo cho ta gia tài sự nghiệp, ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc bệnh hoạn, ốm đau… (nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ.) Cung cấp những nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng cha mẹ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn; ăn trái nhớ kẻ trồng cây” trong tập quán của người Việt nam. Làm người trong trời đất ai cũng từ cha mẹ sinh ra, cha mẹ làm nên thân người, vì vậy ta phải có trách nhiệm, bổn phận hiếu thảo với mẹ cha bằng cách chăm sóc về tình cảm, tinh thần và cung cấp, dưỡng nuôi lúc cần thiết. Trong kinh Phật dạy, gặp thời không có Phật thì cha mẹ là hai vị Phật (Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế). Làm người chúng ta cần nhớ lời dạy quan trọng này.
Một thời lúc Phật còn tại thế, gặp năm hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ, thiếu thốn, khó khăn, đức Phật cũng không ngoại lệ. Một vị Tỳ-kheo thấy Phật thiếu ăn liền đem chiếc y của mình đổi lấy bát cơm dâng lên cúng Phật. Phật hỏi rằng, “ông còn cha mẹ không?” “bạch Phật, cha con chết rồi, con chỉ còn mẹ già thôi ạ”. Phật hỏi tiếp, “mẹ ông dùng cơm chưa?” “Dạ chưa!” Phật nói, “người xứng đáng nhận bát cơm này là mẹ ông chứ không phải Ta”. Sau đó Phật dạy tiếp, “người xuất gia còn cha mẹ không ai nuôi dưỡng thì người đó có quyền khất thực đem về cúng dường cha mẹ”. Ngoài việc cúng dường cha mẹ, người Phật tử còn có trách nhiệm và bổn phận cúng dường người tu hành chân chánh có đạo đức, có nhân cách, suốt đời phục vụ vì Tam Bảo, vì lợi ích chúng sanh.
Tai sao ta phải cúng dường người tu hành chân chánh? Cha mẹ làm nên thân ta, thầy Tổ giúp ta biết được điều hay lẽ phải để vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không rơi vào hố sâu tội lỗi.
Chính vì vậy, từ cúng dường được dùng đối với các bậc trưởng thượng, tôn kính như cha, mẹ, thầy Tổ… là những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, chỉ dạy, giúp ta nên người. Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường còn có nhiều từ ngữ khác như kính tặng, kính biếu… để nói lên lòng tôn kính của người cho.
Từ ngữ “bố thí” được người Việt Nam sử dụng với nhiều ý nghĩa như cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ… Tất cả đều mang ý nghĩa tốt đẹp của hành động cho. Khi gặp người nghèo khổ ta thương tình giúp đỡ gọi là “cho” hay gọi là “bố thí” cũng được.
Người có tâm từ bi rộng lớn không những biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ cho người mà còn giúp các loài vật nữa. Đó là người biết gieo trồng phước đức đúng Pháp. Người tu hành theo đạo Phật rất cần thực tập để có được tâm từ bi rộng lớn này.
Con cháu đem vật phẩm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thì gọi là cúng dường phẩm vật; còn ông bà cha mẹ đem của cải vật chất lo cho con cháu thì gọi bằng từ cho, giúp đỡ hay chia sẻ; hoặc người dân bình thường muốn đem phẩm vật cho những người có địa vị trong xã hội thì gọi là kính biếu hay kính tặng.
Cùng một hành động bố thí nhưng tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh mà ta dùng từ ngữ sao cho phù hợp để không làm mất đi sự tôn kính và lòng thương cảm của ta.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Làm thế nào để khơi dậy lòng hiếu thảo?

Làm thế nào để khơi dậy lòng hiếu thảo?

Đăng lúc: 07:15 - 29/06/2015

Hỏi: Làm thế nào để con khơi dậy lòng hiếu thảo?


Đáp: Hiếu đứng đầu vạn hạnh, hiếu là điều kiện tiên quyết để thành tựu nhân cách đạo đức. Cha mẹ và con cái có mối liên hệ thiên bẩm, tâm hiếu thuận, báo ân cũng là thiên tính của con người. Nếu lòng hiếu thảo đối với cha mẹ không còn mảy may, thì đó có thể xem là điều bi ai nhất của đời người. Muốn khơi dậy lòng hiếu thảo, đầu tiên phải nghĩ đến việc không có cha mẹ thì không có mạng sống của chúng ta. Mẹ mang thai 10 tháng, chịu đủ khổ não, ấp ủ mầm sống của chúng ta. Sau khi sinh nở, mẹ cho bú mớm 3 năm, đút cơm bón canh, thương yêu hết mực, đem cả tâm huyết nuôi dưỡng chúng ta. Đêm ngủ chúng ta tiểu ra giường, mẹ liền dời chúng ta qua chỗ ráo, phần mình thì nằm chỗ ướt. Chúng ta đau bệnh, mẹ càng thêm lo lắng, hận rằng không thể bị bệnh thay con… Ân đức của cha mẹ cao rộng hơn cả đất trời! Cho nên, chúng ta phải hiếu thuận với cha mẹ. Động vật còn nhớ ơn nuôi dưỡng, huống là con người!

Tiếp đó, nên suy nghĩ rằng bản thân chúng ta rồi cũng sẽ trở nên già nua, hiện giờ chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ của mình, giúp họ có được sự an lành về cuộc sống tinh thần và vật chất, con cái chúng ta thấy được thái độ đối xử với cha mẹ của chúng ta, sau này cũng sẽ hiếu dưỡng chúng ta như vậy. Nếu giờ chúng ta bất hiếu với cha mẹ mình, tương lai con cái sẽ bất hiếu với chúng ta. Ví dụ, chúng ta ở trong căn phòng rộng rãi, sáng sủa, để cha mẹ ở trong căn phòng chật hẹp, tối tăm, thì con cái sau này sẽ cho chúng ta vào ở trong xó nhà, chẳng thèm đoái hoài đến.

Thứ nữa, hiếu đạo là đại phúc đức, có thể mở mang trí tuệ rộng lớn nhất, thúc đẩy sự nghiệp của chúng ta thành tựu. Cúng dường cha mẹ tương đương với cúng dường Phật, ruộng hiếu kính sẽ cho những vụ mùa bội thu. Từ xưa đến nay, tiêu chuẩn đầu tiên tuyển chọn trọng thần chính là hiếu thảo. Ai ở nhà hiếu thuận cha mẹ thì ở đơn vị sẽ là người trung thành, tận tụy. Nếu đem tâm niệm hiếu thảo đối với cha mẹ này mở rộng thành hiếu thảo đối với tất cả chúng sinh, thì liền có thể trở thành Thánh hiền. Giống như Bồ-tát Địa Tạng khi còn là Quang Mục và con gái Bà-la-môn, do mở rộng được tâm niệm hiếu thảo đối với cha mẹ hiện đời, mà thành tựu được bi nguyện phổ độ tất cả chúng sanh.

Ngoài ra, hiếu còn có thể chuẩn mực hóa hành vi của chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta khởi niệm muốn đi đánh bạc, nghĩ đến việc thân thể, tóc da của mình đều từ cha mẹ mà ra, nếu mình đánh bạc đến sạt nghiệp, cha mẹ sẽ rất đau khổ. Việc khiến cha mẹ mình cảm thấy đau khổ thì mình không thể đi làm. Chúng ta càng không thể tạo các ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, để khiến cho cha mẹ mình không còn mặt mũi nào nhìn người khác. Vì vậy, một niệm hiếu thảo còn có thể chuẩn mực hóa hành vi của chúng ta, giúp chúng ta làm một con người có đạo đức, có trí tuệ, có thể tạo dựng sự nghiệp lớn trong xã hội, cha mẹ sẽ cảm thấy rất tự hào, dòng họ cũng được vinh dự lây. Nếu chúng ta lỡ dại làm việc phạm pháp bị bắt bỏ tù thì đó thực sự là việc bất hiếu cùng cực.

Tất cả các phương pháp trên đây đều giúp khơi dậy được lòng hiếu thảo. Là người tu tịnh nghiệp, hiếu dưỡng cha mẹ là điều đầu tiên trong tịnh nghiệp tam phước, chúng ta phải nên y giáo phụng hành.

Người giảng: Thích Đại An

Người đồng tính vẫn tu học tốt

Người đồng tính vẫn tu học tốt

Đăng lúc: 07:37 - 23/06/2015

Người Phật tử thuộc mọi giới tính, giữ trọn năm giới, có tri thức, biết hiếu thảo, siêng làm phước thiện thì đó là người tốt.

HỎI: Tôi là sinh viên y khoa, hiện đang sống và học tập tại TP.HCM. Tôi được giáo dục một cách rất khoa học những vấn đề liên quan đến cộng đồng người đồng tính nữ (les), đồng tính nam (gay), song tính (bisexual) và chuyển giới (transgender), gọi chung là cộng đồng LGBT. Bản thân tôi là một người đồng tính nam, có được sự hiểu biết, tư vấn về giáo dục sức khỏe, giới tính và sự động viên từ những người bạn, thầy cô trong trường, tôi cảm thấy có niềm tin vào cuộc sống, tự hào về bản thân mình.
Tôi đồng thời cũng là một Phật tử và có duyên với Phật pháp từ khi còn là một đoàn sinh của Gia đình Phật tử, ba mẹ và người thân của tôi đều là những Phật tử thuần thành. Nhưng khi nghĩ về điều này, tâm tôi tự dưng sinh ra nỗi mặc cảm, xấu hổ, tự ti về bản thân, và tôi luôn mang tâm trạng buồn khi đến chùa hoặc sinh hoạt trong những khóa tu. Tôi đã khóc thầm khi niệm danh Bồ-tát Quán Thế Âm và tự độc thoại những lời chân thành trong tâm thổ lộ với Ngài.
Tôi nhận ra rằng chúng sanh đều mang nghiệp khác nhau, và trường hợp của tôi, nghiệp là một người đồng tính. Tôi không buồn vì bản thân mình, nhưng tôi buồn vì xã hội này chưa thể chấp nhận tôi. Khi ba mẹ phát hiện tình yêu của tôi, ba mẹ đã kịch liệt phản đối và tôi thấy mẹ khóc trong lúc đánh tôi khiến tim tôi như thắt nghẹn. Bản thân tôi luôn là người có ý thức, chăm lo học hành và luôn đem lại niềm vui cho ba mẹ, không để cha mẹ phiền lòng về mình. Nhưng ngay lúc đó tôi đã biết mình mang tội đại bất hiếu, mặc dù tôi không hề muốn như vậy. Khi đó tôi chỉ biết niệm danh Đức Bồ-tát Quán Thế Âm và cầu cứu Ngài mà thôi, cầu cho mẹ đừng khóc nữa. Kể từ đó tôi thấy ba mẹ đều buồn và sức khỏe sa sút, trong khi bản thân tôi bất lực không thể làm gì khác được.
Hiện tôi cảm thấy hạnh phúc khi có được một tình yêu chân thành, hai đứa chúng tôi luôn hỗ trợ nhau trong học tập, cuộc sống, và đều có những dự định về tương lai, trở thành những vị thầy thuốc có y đức. Nhưng trong những mối quan hệ xã hội, tôi cảm thấy mất phương hướng, nhiều lúc cảm thấy mình làm như thế này có đúng hay không, có gì sai với lời dạy của Phật hay không, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà các bạn Phật tử đồng tính như tôi cũng như vậy.
Tôi chân thành xin hỏi, một người đồng tính hay những bạn Phật tử trẻ khác thuộc cộng đồng LGBT nên sống như thế nào để không làm trái với lời dạy của Đức Phật, để trở thành một công dân thiện lương và có ích cho xã hội. Và trong mối quan hệ gia đình, làm sao để ba mẹ thấu hiểu và chấp nhận người như tôi cùng tình yêu của tôi theo tinh thần của đạo Phật, giữ vững được giá trị yêu thương, tình cảm của gia đình mà không đi ngược lại với hiếu đạo.
(PHÁP HẠNH, xukikuki@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Pháp Hạnh thân mến!
Đúng như bạn đã nhận thức, theo Phật giáo, giới tính nam, nữ hay LGBT là do nghiệp của mình. Và dĩ nhiên, dù mang giới tính nào đi nữa, nếu biết tu học (biết sửa mình) thì đều có thể trở thành người tốt, người Phật tử thuần thành, có ích cho đạo và đời.
Đức Phật đã khẳng định, “sự cao thượng hay thấp hèn của một người không phải ở giai cấp mà ở nơi suy nghĩ, lời nói và hành động cao thượng hay thấp hèn”. Liên hệ đến giới tính cũng vậy, không phải nơi giới tính mà ngay nơi ba nghiệp thân, miệng, ý có thiện lành hay xấu ác để xác định nhân cách tốt xấu của con người ấy.
Bạn là một Phật tử - sinh viên trẻ, có tri thức, có đạo đức, có lương tâm và trách nhiệm, dĩ nhiên bạn là người tốt. Bạn cần biết rằng, giáo lý đạo Phật luôn đề cao sự bình đẳng, không hề có sự kỳ thị người đồng tính hay cộng đồng LGBT nói chung. Việc ba mẹ quá đau buồn về giới tính của bạn, một phần vì chưa hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc, mặt khác vì ảnh hưởng định kiến xã hội nặng nề.
Hiện tại bạn đang là người tốt, hiếu hạnh của bạn vẫn tròn đầy, bạn không có lỗi gì với ba mẹ cả, vậy bạn nên nhanh chóng loại ra khỏi đầu óc mặc cảm mang “tội đại bất hiếu”. Dù một số người hiện vẫn cho rằng, những nhà vô phúc mới sinh ra con cái thuộc LGBT. Đây là định kiến sai lạc mà xã hội văn minh đang loại bỏ, người Phật tử lại càng nhanh chóng loại bỏ, vì đó không phải là chánh kiến.
Bạn cần vận dụng tri thức xã hội và kiến thức về Phật pháp để sẻ chia với ba mẹ. Rằng, giới tính do nghiệp quá khứ sinh ra, nghiệp cũ này đã chín muồi (đã định dạng như người da trắng, da vàng hay da đen) nên không thay đổi được. Mặt khác, bạn cũng cần nói rõ cho gia đình biết giới tính của bạn vốn dĩ như vậy, không phải do lây lan hay đua đòi hoặc tự nhận lầm về giới tính. Tiếp đến là biết chấp nhận bản thân đồng thời nỗ lực tạo ra các nghiệp mới khác theo hướng thiện lành.
Người Phật tử thuộc mọi giới tính, sau khi quy y Tam bảo, sống đạo đức với việc giữ trọn năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), có tri thức, có nghề nghiệp ổn định, biết hiếu thảo, siêng làm phước thiện thì chắc chắn đó là một người tốt.
Và dĩ nhiên, những người Phật tử thuộc cộng đồng LGBT hoàn toàn có quyền yêu thương, thiết lập hạnh phúc hôn nhân theo quan điểm của riêng mình (cần thủy chung, giữ giới không tà hạnh như các Phật tử khác) mà không có gì trái với lời Phật dạy.
Như vậy, trong quan điểm của xã hội văn minh, trong quan điểm bình đẳng và minh triết của đạo Phật, bạn là một người hoàn toàn bình thường. Nên bạn cần gạt bỏ tất cả những mặc cảm bạn là người “bất thường” ra khỏi suy nghĩ để tu dưỡng đạo đức và thành tựu sự nghiệp.
Nhân loại tiến bộ đang từng bước thừa nhận sự đa giới tính của con người, không chỉ có nam và nữ. Hiện thực ở nước ta, dù đã hội nhập và phát triển nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, và dĩ nhiên, định kiến với cộng đồng LGBT còn khá nặng nề. Vì thế, tự thân bạn cần khẳng định chính mình thông qua học tập, tu dưỡng đạo đức, hiếu đạo, thành tựu sự nghiệp và khả năng phụng hiến cho cuộc đời.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 250
  • Tháng hiện tại 62,004
  • Tổng lượt truy cập 23,468,253