Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Ý nghĩa của việc tu phước

Ý nghĩa của việc tu phước

Đăng lúc: 20:08 - 03/01/2017

Nếu mình muốn cầu nhiều phước thì phải tu phước, tu phước thì phải trồng phước, giống như nông dân làm ruộng, phải nỗ lực trồng trọt thì mới có thu hoạch, người tu phước cũng vậy, phải đem hạt giống phước đức gieo khắp ruộng phước ( phước điền ) thì mình sẽ thu hoạch được quả của phước báo.


Ý nghĩa của việc tu phước
I. Phước là gì?
Phước là chỉ cho sự giàu sang, sống thọ, con cháu đùm đề và thân thể khỏe mạnh của người thế gian. Hàn phi Tử nói : “ sống thọ, giàu sang được gọi là phước mà người đời ai cũng muốn có, ai cũng muốn năm phước vào nhà” ( ngũ phước lâm môn ). Vậy ngũ phước là gì?
1. Sống thọ
2. Giàu sang
3. Khỏe mạnh và yên ổn
4. Đức độ được con cháu hiếu thuận
5. Sống đến cuối đời và ra đi nhẹ nhàng
Nhưng đây chỉ là Tục phước của người đời, nó có giới hạn và vô thường, không bằng Hồng phước của cỏi trời, mà Hồng phước của cỏi trời lại không bằng Thanh phước vô ngã của hàng nhị thừa, Thanh phước của hàng nhị thừa thì lại không bằng phước Vô tướng của Bồ Tát, bởi vì Bồ Tát bố thí vô tướng, trong không thấy người bố thí, ngoài không thấy vật bố thí và cũng không thấy người nhận vật bố thí cho nên gọi là “tam luận thể không”. Vì vậy phước của vị đó đạt được là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn không bằng phước thật tướng của chư Phật. bởi vì chư Phật đã tu phước, tu huệ, trăm ngàn kiếp đã trồng các tướng hảo, đến khi đầy đủ phước đức trí tuệ, viên mãn bồ đề., đạt vô sở đắc, nên phước báo mà chư Phật đạt được là rất lớn, không thể nghĩ bàn.
Không luận là tục phước của thế gian, Hồng phước của cỏi trời, Thanh phước của hàng Thanh văn, phước vô tướng của Bồ tát, phước thật tướng của chư Phật đều phải dựa vào sự vun trồng của bản thân, mình làm mình nhận, chẳng phải người khác cho, cũng chẳng phải trời ban bố. Nếu như một người thật lòng bố thí thì chắc chắn sẽ được giàu sang, phú quý. Người từ tâm không sát hại sẽ được khỏe mạnh, trường thọ. Người không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành thì chắc chắn được cát tường như ý, tiêu trừ tai nạn. người nào có thể bố thí vô tướng, rộng tu phước tuệ thì nhất định sẽ thành Phật. Cho nên nói “ Họa phước không có cửa, chỉ do mình tạo, người không có phước cần phải vun trồng phước, phải tu phước thì mới có đời sống tốt đẹp” chúng ta cần phải tích phước, vun bồi phước và phải cầu nhiều phước.

II. Vì sao phải cầu nhiều phước
Nếu mình muốn cầu nhiều phước thì phải tu phước, tu phước thì phải trồng phước, giống như nông dân làm ruộng, phải nỗ lực trồng trọt thì mới có thu hoạch, người tu phước cũng vậy, phải đem hạt giống phước đức gieo khắp ruộng phước ( phước điền ) thì mình sẽ thu hoạch được quả của phước báo.
Phước điền là gì ? kinh Vô Lượng Thọ có ghi “ Phước thọ của thế gian giống như sinh vật trong ruộng. nên gọi là ruộng phước (phước điền)” phước điền thế gian lại có thể phân ra làm nhiều loại.
Một là Kính điền và Bi điền: đối với cha mẹ thầy tổ và tam bảo mà sinh tâm cung kính, cúng dường, phụng dưỡng gọi là Kính điền. đối với những người nghèo khổ, bần cùng tỏ lòng thương sót, bình đẳng cứu giúp, khiến họ thoát khổ gọi là Bi điền.
Hai là Báo ân phước điền: Đối với cha mẹ, sư trưởng cho đến những người có ơn đối với ta thì phài hiếu kính, phụng dưỡng, đem các vật chất để cúng dường , giúp tinh thần an ổn thì mình sẽ được tăng trưởng phước báo đó gọi là báo ân phước điền. Cung kính Tam Bảo, công đước thù thắng sẽ được phước lớn, đó gọi là công đức phước điền. đối với hạng người bần cùng của thế gian, thương sót giúp đỡ, cho họ những vật cần thiết, cứu giúp những lúc hoạn nạn, thì sẽ tích phước rất nhiều, đó gọi là bần cùng phước điền.
Ba là Thú điền, Khổ điền, Ân điền và Đức điền: Đối với tất cả sức sanh, yêu thương, giúp đỡ bình đẳng gọi là Thú điền. đối với những người đang bị buồn khổ, bình đẳng cứu giúp thì gọi là Khổ điền. đối với cha mẹ, sư trưởng thì hiếu thuận cung kính, cúng dường, hầu hạ thì gọi là Ân điền. đối với Tam bảo thì cung kính cúng dường thì gọi là Đức điền.
Bốn là trong kinh Phạm võng đã ghi lại: 1. Phật, 2. Thánh nhân, 3. Hòa thượng (thọ giới bổn sư), 4. sư trưởng, 5. Tăng nhân, 6. Cha, 7. Mẹ, 8. người bệnh. Đối với 8 hạng người ở trên mà sanh tâm cúng kính, bố thí cúng dường, yêu thương giup đỡ thì có thể sanh vô lượng phước đức cho nên gọi là phước điền. nhưng trong 8 loại phước điền đó thì chăm sóc người bệnh là phước điền lớn nhất. khi đức Phật còn tại thế, ngài đã từng chăm sóc và lo thuốc thang cho tỳ kheo bị bệnh, rồi ngài Ngộ Đạt quốc sư đời nhà Đường cũng do lòng từ bi mà chăm sóc cho một vị tăng bị bệnh ghẻ lở, giúp cho vị đó hết đau khổ và sự xa lánh của mọi người. cho nên người nào muốn tu phước thì phải chú ý đến phước điền chăm sóc người bệnh.
Người tu phước, ngoài việc gieo trồng thật nhiều phước điền, thích làm việc thiện và bố thí, còn phải có lòng từ bi đối với tất cả, bởi vì tất cả chúng sinh đều có ân với chúng ta. Cơm ăn, áo mặc hay việc đi lại của chúng ta điều phải dựa vào việc cung cấp của mọi người, nếu như người nông dân không làm ruộng, người công nhân không dệt vải, giao thông không thuận tiện thì người buôn bán không thể vận chuyển được hàng hóa, chúng ta sẽ không có cách giải quyết được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nếu như không có sự dạy dỗ, chỉ bảo của sư trưởng thì làm sao tăng trưởng tri thức. nếu như không có sự trừng phạt và ngăn chặn của pháp luật, dịch vụ y tế , giữ gìn trật tự cho đến việc thúc đẩy phát triển các tiện ích công cộng thì làm thế nào người dân sống và làm việc. Vì vậy mọi người không chỉ báo đáp ân của cha mẹ, sư trưởng mà còn phải báo đáp Ân của mọi người, vì vậy đức Phật dạy “ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân tam bảo, ân đất nước, ân chúng sanh đều phải báo đáp”. Giữa người và người nếu có tâm báo đáp, cung kính lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau thì đâu chỉ là trồng phước, vã lại mọi người đều có phước, rõ ràng là tạo phúc cho mọi người, phước lợi cho xã hội, phước báo đó thật là lớn và nhiều vô kể.
Hoặc có người nói “ nghèo khổ thì khó làm việc bố thí, tôi vốn rất thích tu phước, đáng tiếc là kinh tế khó khăn, xin dạy cho tôi trồng phước thế nào? Nên biết không chỉ có tiền mới làm phước được, bởi vì tiền bạc chỉ là một phần của tài thí, ngoài ra trong nhà vật chất dư thừa có thể bố thí, quần áo dư thừa có thể bố thí, người có tri thức có thể bố thí, người có sức khỏe cũng có thể bố thí.
Cung kính hầu hạ những người lớn tuổi ở trong nhà là tu phước, thương yêu giúp đỡ nhưng người nhỏ tuổi cũng là tu phước. Đến chùa lạy Phật là tu phước, giúp đỡ mọi người, quét dọn chùa tháp cũng là tu phước. Ở ngoài xã hội thì tuân giữ luật pháp là tu phước, giữa gìn bảo vệ đồ vật công cộng cũng là tu phước, thậm chí khuyên người làm thiện hoặc cứu giúp người lúc hoạn nạn đều là tu phước.
Người tu phước ngoài việc trồng nhiều phước điền lại còn phải biết tiếc phước, tích phước, chớ làm việc tổn phước. tục ngữ có câu “ có phước thì không thể hưởng hết”. nếu không thì vui quá sanh buồn, hết phước sẽ đọa, nếu người vô phước càng khổ hơn. Vì vậy, Phật giáo ngoài việc khuyên người gieo trồng phước, vun bồi phước, tích phước còn phải biết tiếc phước. tốt nhất là tu phước hữu lậu, tiến lên nữa là tu phước vô lậu. nhờ tu phước tiểu quả của nhân thiên rồi tiến lên tu phước rộng lớn của Phật đạo. Ngày xưa vua Lương Võ Đế hỏi tổ sư Đạt Ma rằng:
_ Từ khi tôi lên ngôi đến nay đã xây dựng rất nhiều chùa tháp, độ cho rất nhiều người xuất gia, vậy tôi được bao nhiêu phước đức?
Tổ Đạt Ma nói:
_Một tí công đức cũng không có.
Bởi vì tổ Đạt Ma cho rằng: “Nhân của hữu lậu thì chỉ đắc quả nhỏ của Nhân thiên, hết phước sẽ đọa trở lại. Đối với việc kiến tánh thành Phật chẳng bổ ích tí nào cả. cho nên tổ mới nói như vậy. Đáng tiếc là vua Lương Võ Đế chấp vào tướng bố thí nên không ngộ được ý chỉ của bậc thánh.
Đến như phước vô lậu là từ tâm vô lậu mà sanh, cho nên bảo tâm vô lậu là tâm vô ngã, dùng tâm vô lậu để làm việc bố thí chính là bố thí vô tướng. kinh Kim Cang có ghi: Bồ tát không trụ vào tướng bố thí cho nên phước đức lớn không thể nghĩ bàn. Lại nữa, đức Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề :
_Nếu có người đem hết thất bảo trong tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được bao nhiêu phước đức?
Tu bồ Đề trả lời:
_Dạ thưa, rất nhiều.
Đức Phật dạy: Nếu lại có người ở trong kinh này thọ trì cho đến 4 câu kệ rồi đem giảng nói cho người khác, phước đức của người nầy lớn hơn người kia. Vì sao?
_ Này Tu Bồ Đề ! tất cả chư Phật và pháp vô thượng chánh đẳng giác của chư Phật đều từ kinh này mà lưu xuất, cho nên phước của người đó rất lớn.
Tóm lại, nếu muốn trở thành người tốt, hay muốn thành Phật đi nữa thì điều trước tiên là phải Tu Phước.

Quảng Tráng

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Đăng lúc: 21:51 - 30/09/2016

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết.



Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigroda. Rồi Mahànàma đi đến, sau khi đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, rất phồn vinh, dân cư đông đúc, quần chúng chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy, con gặp con ngựa cuồng chạy, con gặp người cuồng chạy, con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy, con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật,Pháp và Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sinh thú của con là gì, sinh xứ đời sau là chỗ nào?

Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với những ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về thí xả, về trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè vì chìm xuống nước nhưng dầu thì nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, với ai đã lâu ngày tâm được tu tập trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày
trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA 343
(ÐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm Saranàri,
phần Mahànàma [1], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.539)

LỜI BÀN:
Cuộc sống của con người luôn đồng hành với vô vàn biến động, bất trắc. Thiên tai, địch họa, bệnh tật cùng với các tai nạn lao động, giao thông, hỏa hoạn… từng phút, từng giây đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Thân người thật mong manh, dễ vỡ, dù thận trọng đến mấy thì không ai dám xác quyết rằng ta sẽ an toàn trong những giây phút tiếp theo.

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết. Ðối với người ít tu tập thì chính điều này đã tạo ra cận tử nghiệp bất thiện, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sinh.

Tuy nhiên, theo tuệ giác của Thế Tôn, những ai đã tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì dẫu bị hoang mang, không giữ vững chánh niệm trước lúc chết do tai nạn quá bất ngờ nhưng với nền tảng tu tập vững chắc, trọn vẹn đối với các thiện pháp, nhờ thiện nghiệp sâu dày sẽ giúp họ đi đến chỗ thù thắng, tái sinh vào cõi lành, không hề bị đọa lạc.

Sinh thuận, tử an là một phước báo lớn của con người. Một khi chưa biết nghiệp duyên của mình sẽ chết bình an hay bất an thì hãy cố gắng tu tập các thiện pháp. Sự chuẩn bị này sẽ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cho đời sống hiện tại và cả những cái chết bất ngờ, nếu có, ở tương lai.

Quảng Tánh

Đạo Phật là đạo hiếu

Đạo Phật là đạo hiếu

Đăng lúc: 19:23 - 15/08/2016

Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên khởi nguyên của lịch sử cội nguồn dân tộc ta lại bắt nguồn từ huyền sử cha già Lạc Long Quân cùng với mẹ Âu Cơ kết duyên sinh ra 100 người con từ trong bọc trứng, để rồi dẫn đến khái niệm “đồng bào”. Từ đó 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, lớn lên trưởng thành và chung sống với nhau bằng triết lý “Thương người như thể thương thân”.

daohieu.jpg
Đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về

Khi đạo Phật du nhập vào thì dân ta lại “Rủ nhau xuống bể mò cua/ Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”. Nhờ vậy, dân ta mới thấm hiểu triết lý sống của đạo Phật, thấm thía lời Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử”. Và như thế, từ cơ sở triết lý của nền văn hóa Việt Nam và kết hợp của nền giáo lý Phật-đà, đã được người dân Việt trải nghiệm trong cuộc hành trình hướng tâm giải thoát, chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo hiếu mà Mâu Tử đã khẳng định trong tác phẩm của ông qua diễn đàn văn học thời kỳ Phật giáo thời du nhập.

1. Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha

Bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi vào dòng đời cũng bắt đầu từ vòng tay ôm ấp, nuôi dưỡng và chỉ giáo của mẹ cha. Bằng cả tấm lòng bao la như trời biển, mẹ đã truyền trao cho con những dòng sữa ngọt ngào, ru cho con ngủ bằng cả niềm tin và hy vọng, rồi dìu con đi từng bước, trao cho con cái gia tài đầu tiên là tình người như là hành trang vào đời qua từng năm tháng. Cha thì nghiêm từ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, khích lệ, dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng, dạy con nên người. Chính vì ân sâu nghĩa nặng của người làm cha, làm mẹ như thế, nên nhân dân ta đã khắc ghi qua những vần thơ ca dao:“Công cha nghĩa mẹ cao vời/ Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta/ Nên người ta phải xót xa/ Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”.

Rõ ràng công cha nghĩa mẹ là vô cùng lớn lao, không có bút mực nào mô tả hết được. Chính trong kinh Tăng chi đã diễn tả cha mẹ là người không bao giờ trả hết ơn được, cho dù người con nỗ lực cung phụng cha mẹ suốt đời: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được: mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ…cũng chưa làm đủ để đền ơn mẹ và cha”2. Thế nên, Mâu Tử đã dẫn lời Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăng trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận. Thế nên người con tiếp nhận tình cha nghĩa mẹ bằng sự hiếu thảo của mình: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Rõ ràng chữ “hiếu” được xác lập bằng “đạo con”, tức là đạo làm con, bằng sự thể hiện của tâm hiếu rất cụ thể mà cha ông ta khái quát “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Trong cuộc hành trình thể nhập với đời, người con báo hiếu cho cha mẹ khởi đầu bằng sự hoàn thiện bản thân, tức là phải biết tự sửa mình qua sự tôn kính, sự thực thi những lời giáo huấn nghiêm từ của mẹ cha. Điều đó cũng được cụ thể hóa qua những việc làm cụ thể của người con đối với cha mẹ mà Phật đã dạy trong kinh Đảnh lễ sáu phương: 1. Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần. 2. Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc. 3. Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình. 4. Giữ gìn tài sản của cha mẹ. 5. Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. 6. Lo tang lễ mẹ cha đúng phong tục khi cha mẹ qua đời. 7. Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, Chánh kiến đến cho cha mẹ.

Đó là nếp sống hiếu hạnh của người con Phật trong gia đình. Suy cho cùng, cha mẹ là người sinh thành và giới thiệu con cái vào đời và làm cho đời sáng tươi. Cho nên, bổn phận người con báo hiếu cha mẹ qua các điều nói trên là phù hợp với đạo lý người Việt Nam, Phật giáo chỉ giới thiệu thêm điều thứ 7 là nhằm mục đích hướng tâm cho cha mẹ giải thoát thì sự báo hiếu mới trọn vẹn.

Bản kinh Tăng chi nói rất rõ: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin với Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích cha mẹ vào Chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và đền đáp ơn cho mẹ và cha”3. Và như thế, chỉ có Chánh kiến, Chánh pháp là cánh cửa mở ra thế giới hạnh phúc cho mẹ cha đời này và đời sau mà bổn phận người con ở trong nhà thì phải hiếu thảo với mẹ cha là vậy.

2. Ra ngoài xã hội thì phải giúp nước hộ dân

Một người mà hiếu thảo với mẹ cha là cơ sở thực thi đạo hiếu khi bước ra ngoài xã hội. Trong cuộc hành trình đi tìm lẽ sống, sự hiếu thảo trong gia đình sẽ lan tỏa bởi từ sự giáo dưỡng của cha mẹ và bà con quyến thuộc. Thế nên khái niệm hiếu thảo với mẹ cha trong gia đình đồng nghĩa “giúp nước hộ dân” ở ngoài xã hội. Huống chi, triết lý sống của người Việt đều nhìn nhận nhau trong khái niệm cùng huyết thống đại gia đình, sinh ra cùng trong ý niệm đồng bào như đã nói. Phật lại dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Và như thế, hạnh hiếu không chỉ là cơ sở cội nguồn của văn hóa tình người mà còn là cơ sở thiết lập nền văn hóa vô ngã khi mà con người luôn giáp mặt khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ đau. Chính vì lẽ sống lý tưởng này mà tâm hiếu chảy đến đâu thì tình người hóa hiện cụ thể đến đó. Khi tâm hiếu chảy vào cha mẹ thì gọi là sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vào bạn đời trăm năm thì gọi là tình nghĩa vợ chồng, vào với những người xung quanh thì gọi là tình làng nghĩa xóm, rộng hơn nữa là chảy vào cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc thì là trung với nước hiếu với dân.

Cho nên thể hiện đạo hiếu của người Việt được cha ông ta dạy rất cụ thể: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào, đồng chí, đồng lòng thiết lập để mọi người tự thân có cách ứng xử hiếu thuận, hiếu hòa trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Hơn nữa, triết lý Duyên khởi của nhà Phật lại cho người Phật tử Việt Nam không ai sống một mình, con người có vô số mối liên hệ trong đời sống thực tiễn. Giá trị hạnh phúc của con người, suy cho cùng thực chất là sự kết nối yêu thương, chung sống với nhau hòa hợp. Vì thế lời hát ru năm nào của mẹ lại vang lên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thực thi như thế, rõ ràng tự thân đã thực thi tâm hiếu hạnh ra bên ngoài xã hội.

Thực tế, lịch sử dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong cuộc hành trình này tự thân mỗi người Việt đã sống theo đạo hiếu mà cha ông ta trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất cứ ai hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân thương này đều thấm thía lời ru của mẹ cha từ thuở nằm nôi, dạy cho con học cách ứng xử tùy duyên hiếu thuận với mọi người, mọi hoàn cảnh, miễn sao đạt đến mục đích cũng như lèo lái con thuyền cập bến bờ an toàn, để có sự an lạc trong tâm hồn: “Ru hời ru hỡi là ru/ Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”. Tinh thần này luôn luôn được tuôn chảy vào trong đời sống thực tiễn của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thiền sư Pháp Thuận từng khắc họa thông điệp thái độ sống hiếu thảo giúp nước hộ dân này bằng bài Quốc tộ: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam tức thái bình/ Vô vi như điện các/ Xứ xứ dứt đao binh”. Để rồi sau đó Trần Nhân Tông đã hóa hiện lời dạy của cha ông năm nào bằng bài kệ Cư trần lạc đạo phú: “Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có của thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”. Nhờ vậy, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhân dân được ấm no, đạo pháp trường tồn cho đến ngày hôm nay.

3. Ngồi một mình thì phải tu thân

Có thể nói đây cũng là triết lý sống của người Việt, khởi nguyên từ những lời ru của mẹ cha ngay từ thuở nằm nôi đã được dặn dò. Cuộc đời là trường học không bao giờ có sự kết thúc. Trong cuộc sống vô thường đầy biến động này, để được sống, được tồn tại, được phát huy con người cần nỗ lực tự hoàn thiện lấy mình. Sự hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện nhân cách là điều kiện tất yếu để được yêu thương, được kết nối với cộng đồng xã hội: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Xem ra đạo hiếu dạy cho con người khi ngồi một mình phải chiêm nghiệm cái triết lý “đi tìm người thương” để sống, để được sẻ chia.

Thực ra khát vọng lớn nhất của con người là khát vọng hạnh phúc. Và như thế yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời. Chính vì đó, mẹ cha lại dạy con thực thi nếp sống đạo đức, hoàn thiện phẩm hạnh, tu nhân tích đức qua lời ví von: “Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau”. Có cây đức là có tất cả, bởi lẽ đó là cả quá trình điều chỉnh thân tâm, tự tu, tự sửa sai lầm: “Ở hiền gặp lành, gieo gió thì gặt bão”; “Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Mục đích cuối cùng là tự thân gặt hái những thành tựu hương thơm quả ngọt mà cuộc sống trao tặng: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”. Thật kỳ diệu vô cùng.

Thế nên, sự tu thân khi ngồi một mình được diễn dịch nói trên thực chất là một cuộc hành trình tu tập của mỗi cá nhân mà Phật từng dạy cho chúng ta “Hãy tự mình quay về nương tựa chính mình và nương tựa Pháp, không nương tựa nơi nào khác”. Con người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân chính mình. Con người sở dĩ không hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng nghĩa không thực thi tâm hiếu từ trong nhà cho đến bên ngoài xã hội.

Con đường Đức Phật giới thiệu cho mọi người thực thi sự tu thân khi ngồi một mình là phải biết chiêm nghiệm hành trì về giới định tuệ. Mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si, mục đích là giữ cho “thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh”. Từ trong giá trị đích thực này, mỗi người có thể an trú trong niềm hạnh phúc khi biết sống cho hạnh phúc người khác, đồng nghĩa biết sống hạnh phúc cho chính mình. Bạn có thể thực thi 6 pháp ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để tâm hiếu thảo của bạn lan tỏa vào cộng đồng, vào thế giới hạnh phúc giữa cõi đời này.

4. Thay cho lời kết

Đến đây, chúng ta có thể nói rằng triết lý sống của người Việt là triết lý thực thi đạo hiếu. Đạo hiếu đó được diễn dịch bằng thông điệp hết sức giản dị và mộc mạc, trên hết được cụ thể hóa là: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” từ điểm nhìn của người con Phật thuần thành. Thông điệp này không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó thể nhập thành thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau.

Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng nhằm mục đích kết nối truyền thông sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Và như vậy một lần nữa, có thể nói đạo Phật là đạo hiếu là câu trả lời cho bất cứ ai hỏi khi mùa Vu lan Báo hiếu lại về.

Thích Phước Đạt

Sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm gia trưởng

Sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm gia trưởng

Đăng lúc: 19:05 - 11/11/2015

Hỡi các em, các người trẻ, các em khi lớn khôn chuẩn bị bước vào đời hãy lắng nghe và suy ngẫm lại nhận thức của chính mình cho chín chắn. Thật ra người nữ có 5 cái khổ mà người đàn ông không thể nào giúp được. Cái khổ thứ nhất là lớn lên lấy chồng phải một mình về xứ lạ quê người làm dâu không người thân thuộc.


Cái khổ thứ hai khi có kinh nguyệt phải chịu nhọc nhằn, mệt mỏi trong ngày ấy. Cái khổ thứ ba phải chịu ốm nghén, nặng nề khi mang thai đứa con trong bụng. Cái khổ thứ tư là “vượt cạn” một mình trong đớn đau “banh da xẻ thịt”. Cái khổ thứ năm là hầu hạ đàn ông. Đó là 5 nỗi khổ thầm kín mà tất cả người nữ phải gánh chịu, những nỗi khổ này cánh đàn ông không thể nào thay thế được. Các em trai thanh niên trước khi lập gia đình cần phải quán chiếu sâu sắc về 5 nỗi khổ của phái đẹp để dễ bề thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn bằng trái tim hiểu biết.

Chuyện xưa kể có hai vợ chồng trẻ mới lấy nhau sống rất hạnh phúc thì đất nước bị chiến tranh, chàng trai phải lên đường nhập ngũ để lại người vợ với nỗi nhớ niềm thương cùng đứa con trong bụng. Chiến tranh đã làm ly tán đôi vợ chồng, kẻ ở người đi trong ngậm ngùi thương tiếc. Nàng giờ cô đơn lạc loài phải một mình làm lụng nuôi con trong âm thầm, lặng lẽ. Xưa nay ta thường nghe nói “gà trống nuôi con”, tức hàm ý khen ngợi đàn ông nuôi con một mình. Nhưng thật sự, người nữ có con và nuôi con một mình trong bối cảnh người chồng đi lính quả thật rất khó khăn. Việc nuôi con trong thời buổi chiến tranh loạn lạc không đơn giản và dễ dàng, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn làm tròn sứ mệnh vừa làm mẹ, vừa làm cha.

Chiến tranh chấm dứt, 4 năm sau chàng được giải ngũ trở về, lòng tự nhủ thầm không biết con mình là trai hay gái, nếu nó là trai thì phải giống chàng như đúc, nếu là gái chắc giống nàng không sai. Về đến quê nhà chàng gặp lại vợ cùng đứa con trai kháu khỉnh lòng vô cùng sung sướng trong niềm hạnh phúc vô biên, chàng mừng thầm vì đã có con nối dõi tông đường. Hai người gặp lại trong xúc động nghẹn ngào đến nỗi vừa mừng vừa khóc. Người vợ sau đó đi chợ mua thức ăn để nấu cúng tổ tiên mừng gia đình đoàn tụ. Người chồng ở nhà gọi con lại bảo, “con của ba, con lại đây để ba hôn con nè!” Đứa con nghe vậy ngạc nhiên nói, “chú không phải là ba của con, ba của con ban đêm mới về, đêm nào ba cũng nói chuyện với mẹ rất lâu. Mẹ khóc ba cũng khóc theo, mẹ ngồi thì ba ngồi, mẹ nằm thì ba nằm, đêm nào ba và mẹ cũng vậy. Chú không phải là ba của con”.

Người cha trẻ nghe xong choáng váng cả mặt mày, sự thật quá phũ phàng, nàng đành thay lòng đổi dạ đến thế ư! Tim chàng bỗng nhiên chai cứng lại, lời trẻ thơ như gáo nước lạnh tạt vào mặt, bao nhiêu ước mơ được gặp lại vợ và con giờ tan thành mây khói. Chàng trai đau khổ tột cùng khi nghĩ vợ đã nằm trong vòng tay kẻ khác, đã ngoại tình và phản bội chàng. Chàng không thèm nhìn vợ, không thèm hỏi han, không thèm nói chuyện vì nghĩ vợ là người đàn bà mất nết. Khi dâng cơm cúng tổ tiên chàng vô cùng buồn bã mà quỳ lạy một mình, không cho vợ lạy chung. Người vợ đau khổ và xấu hổ vô cùng, nàng hỏi nguyên do nhưng chàng không nói, cúng xong chàng cũng không dùng cơm mà bỏ ra quán ngồi nhậu đến hai ba giờ sáng mới về.

Cứ như thế ngày nào cũng vậy, chàng bỏ mặc vợ và con côi cút, bơ vơ, thầm thương trộm nhớ. Chàng chỉ về nhà khi đã say mèm, chẳng thèm ăn cơm, chẳng chịu nói chuyện với vợ hay vui đùa cùng con. Ba ngày sau người vợ chịu không nổi cảnh tượng dửng dưng, khinh khỉnh, thầm lặng của chồng nên đâm đầu xuống sông tự tử. Đây là câu chuyện tình thuở xưa ông cha ta viết lại để khuyên người trẻ đừng vì thấy nghe sai lầm mà vội vàng ôm mối nghi ngờ, đành lòng kết án oan cho người bạn đời, để cuối cùng mình là nạn nhân của bao điều lầm lỗi, chưa vui sum họp đã sầu chia ly.

Hỡi các em, các người trẻ, các em khi lớn khôn chuẩn bị bước vào đời hãy lắng nghe và suy ngẫm lại nhận thức của chính mình cho chín chắn. Thật ra người nữ có 5 cái khổ mà người đàn ông không thể nào giúp được. Cái khổ thứ nhất là lớn lên lấy chồng phải một mình về xứ lạ quê người làm dâu không người thân thuộc. Cái khổ thứ hai khi có kinh nguyệt phải chịu nhọc nhằn, mệt mỏi trong ngày ấy. Cái khổ thứ ba phải chịu ốm nghén, nặng nề khi mang thai đứa con trong bụng. Cái khổ thứ tư là “vượt cạn” một mình trong đớn đau “banh da xẻ thịt”. Cái khổ thứ năm là hầu hạ đàn ông. Đó là 5 nỗi khổ thầm kín mà tất cả người nữ phải gánh chịu, những nỗi khổ này cánh đàn ông không thể nào thay thế được. Các em trai thanh niên trước khi lập gia đình cần phải quán chiếu sâu sắc về 5 nỗi khổ của phái đẹp để dễ bề thông cảm và yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn bằng trái tim hiểu biết.

Ngày xưa với quan niệm chồng chúa vợ tôi, vai trò người nữ bị khép kín trong phạm vi gia đình với bao điều phiền muộn, khổ đau. Họ phải chịu nhiều cay đắng, một mình đơn độc về làm dâu xứ lạ không người thân thích. Theo quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng”, người nữ thời ấy chỉ một mực thờ chồng, thậm chí nhiều người phải đi cưới vợ bé cho chồng, nên có câu “thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Chế độ chồng chúa vợ tôi nên người đàn ông được quyền lấy nhiều vợ và người phụ nữ nếu dan díu cùng người khác sẽ bị xử tội rất nặng. Đó là luật pháp thời xưa khiến người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi mà không có quyền bào chữa. Họ phải chấp nhận thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu là vì vậy.

Nhưng thói đời đục thường nhiều hơn trong, chỉ một vấn đề làm dâu hầu hạ cha mẹ chồng đã là một nỗi khổ lớn và phải lệ thuộc anh chị em nhà chồng. Người xưa quan niệm “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, đàn bà là loại cỏ dại chỉ có nhiệm vụ hầu chồng, thờ chồng, phụng sự gia đình chồng, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường nhà chồng. Họ phải chấp nhận luật Tam tòng, khi chưa xuất giá phải thờ cha, khi có chồng phải thờ chồng, đến khi chồng chết chỉ biết thờ con, không được quyền tái giá. Đó chính là những bất công buộc người nữ phải chịu nhiều hệ lụy khổ đau mà không nói được. Các em ngày nay chuẩn bị bước vào đời để được sống yêu thương và hiểu biết, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ cần phải biết những nỗi khổ thầm kín ấy.

Trở lại câu chuyện chàng trai đi chiến trận trở về gặp lại người vợ và đứa con thơ dại. Đúng ra người cha khi nghe con nói vậy phải tìm hiểu kỹ càng, xác đáng sự việc. Chàng cứ nghĩ trẻ thơ đâu bao giờ nói sai sự thật nên cứ một mực tin càn, chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân. Thật ra, khi chàng đi lính, đứa bé ở nhà một hôm hỏi mẹ “ai trong xóm này cũng có cha, sao con lại không có?” Người mẹ khi ấy chỉ vào cái bóng trên vách nói “cha con đó”. Đứa bé nghe mẹ nói vậy tưởng thật nên tin đó là cha mình. Một buổi tối trời đang mưa tầm tã, người vợ trẻ bồng đứa con trên tay dưới ánh đèn leo lét chợt nhớ người chồng bao năm xa cách mà cất tiếng khóc nghẹn ngào. Đứa bé thấy vậy mới hỏi, “bộ cha đánh mẹ hả?”, trẻ thơ thật thà nào có biết gì đâu.

Người vợ trẻ trong thời loạn lạc tình yêu thương chưa trọn vẹn mà phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề. Một mình ôm đứa con trong bụng và phải tự mình nuôi dưỡng. Đây là nỗi khổ, niềm đau lớn lao của người vợ trẻ một mình vượt cạn, vừa làm mẹ, vừa làm cha. Một người vợ cùng chồng nuôi con vất vả một thì người vợ đơn phương nhọc nhằn hơn chục lần như thế. Vậy mà sử sách ít bao giờ tán dương phụ nữ mà chỉ tán dương đàn ông bằng câu nói “gà trống nuôi con”. Người vợ trẻ một mình nuôi con đêm ngày mong ngóng, mỏi mòn chờ chồng, thậm chí rất nhiều người phải khóc hận nuôi con vì chiến tranh loạn lạc đến hai ba chục năm mới gặp lại. Ấy thế mà chưa vui sum họp đã sầu chia ly, chàng trai ấy chưa cảm thông nỗi khổ niềm đau thầm kín của vợ trong 4 năm qua.

Đứa con tuy không có cha trực tiếp chăm sóc từ khi mở mắt chào đời, nhưng nhờ sự yêu thương, bảo bọc của mẹ đứa bé vẫn được sống an vui, hạnh phúc. Ngày chồng trở về tưởng được thêm phần hạnh phúc, thêm ấm nồng tình vợ chồng cùng đứa con thơ, thật không ngờ giông bão lại kéo đến. Người vợ quyên sinh vì sầu thương, buồn tủi, người chồng ở lại liệu có thể “gà trống nuôi con”? Người vợ trẻ ấy đã rất bơ vơ, lạc loài ôm bào thai trong bụng khi người chồng đi chinh chiến phương xa. Xưa có chồng ở nhà thì chẳng lo cơm áo gạo tiền, chỉ lo chu toàn mọi việc trong nhà, giờ một mình gánh thêm gánh nặng, phải bảo bọc, che chở đứa con, lần bước vào đời tìm chén cơm manh áo.

Chàng trai trẻ không có cơ hội quán chiếu sâu sắc về sự khó khăn và khốn khổ của vợ khi mình đi chinh chiến, nàng ở nhà nhận lãnh vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha và phải sống cô đơn, hiu quạnh một mình. Đến ngày khai hoa nở nhụy cũng chỉ mình nàng phải vượt cạn một mình, chỗ này đàn ông không thể nào thay thế, nên mới có câu “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Không có chồng ở nhà để động viên, khuyên nhủ, chăm sóc khi cần thiết, vậy mà nàng vẫn cố gắng chịu đựng để vượt qua mà vươn lên nuôi dạy con khôn lớn. Bao nhiêu năm nhọc nhằn, cực khổ nuôi con, mỗi lúc nhớ chồng nàng khóc một mình trong cô đơn, buồn tủi. Lúc nào nàng cũng ngóng trông, mong đợi và thầm cầu nguyện chiến tranh mau chấm dứt để có ngày được cùng chàng đoàn tụ.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, người vợ trẻ mừng đến rơi nước mắt, bao nhiêu ước mơ bây giờ đã thành sự thật. Trong lòng nàng cứ nghĩ chắc chắn chàng sẽ bù đắp hạnh phúc cho nàng sau bao năm xa cách, vừa đi chợ, vừa tưởng tượng chắc chàng sẽ yêu thương mình nhiều hơn. Không ngờ mọi việc thật tréo ngoe, vừa đi chợ về nàng đã thấy chàng mặt lạnh như tiền, nàng hỏi gì chàng cũng không trả lời, chẳng thèm nói năng, ngó ngàng đến nàng. Sự thật là chàng đã hiểu lầm nàng, đứa bé vì muốn có cha nên nàng đã chỉ cái bóng trên vách mà nói “đó là cha con”. Cứ như thế đêm nào cũng vậy, nàng nhớ chồng da diết và phải chỉ bóng mình mà nói “cha của con về đó”. Bây giờ thì nàng đã vĩnh viễn ra đi, đã ôm mối hận thiên thu không thể nào trở lại, thần thức nàng có lẽ vẫn còn lẩn quẩn bên mái nhà xưa để được nhìn con thơ bé bỏng và mong chồng sẽ hiểu được lòng mình hơn. Đứa con thơ dại sau bao năm sống thiếu tình cha, giờ cha đã có nhưng mẹ lại không còn. Chàng trai ấy giờ đã biết mình sai, đã nhận ra điều lầm lẫn lớn lao nhưng vợ đâu còn nữa, giờ thật sự có ăn năn hối tiếc thì cũng quá muộn màng.

Các em hiện giờ có đầy đủ phúc duyên còn có cha, có mẹ, các em đang được sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Vậy các em ngay tại đây và bây giờ phải biết trân quý, phải biết gìn giữ khi được sống trong vòng tay âu yếm của mẹ cha. Các em biết không, tôi nhờ vậy mà được làm người trở lại, nhờ sự chịu đựng hy sinh và hết lòng thương yêu của mẹ mà tôi bây giờ mới có cơ hội tâm tình, trao đổi với các em bằng tất cả tấm lòng chân thành tha thiết. Khi con người đã có những hiểu biết sai lầm thì nghi ngờ, giận dỗi, tự ái phát sinh làm cho ta không làm chủ bản thân mà phán xét mọi việc sai sự thật. Chàng trai ấy không có sự cảm thông nỗi khổ, niềm đau của người vợ trẻ phải ở nhà một mình vượt cạn, nuôi con; do đó cứ nghĩ trẻ thơ không bao giờ nói dối mà đem lòng oán trách vợ không một lời tìm hiểu, hỏi han để rồi chính tri giác sai lầm mà làm chết đi người vợ thủy chung oan uổng. Này các em, các người trẻ, các em nên đọc kỹ câu chuyện trên để có thời gian suy ngẫm, tìm hiểu trước khi muốn phán xét hay kết luận một điều gì. Các em nên tìm hiểu cho chín chắn, kỹ càng, nếu không như vậy sẽ vô tình làm khổ cho mình và tha nhân khi bước vào đời với bao phiền muộn, khổ đau.

Tri giác sai lầm thường làm con người mất hết lý trí sáng suốt, do đó nhận định và quyết đoán mọi điều không đúng với sự thật mà dẫn đến nhiều tai hại. Là người thanh niên hay người đàn ông trước khi bước vào đời các em phải định hướng, phải tìm hiểu chân lý sống cho rõ ràng. Thường cái gì cứng thì dễ gãy, cái gì mềm dẻo lại dễ tồn tại. Cụ thể nhất là răng cứng nên dễ gãy, lưỡi mềm nên dễ uốn. Các em vào đời cũng phải như vậy! Bao nhiêu cuộc tình đã đổ vỡ vì hiểu biết sai lầm, vì cố chấp, vì không biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Vì vậy các em phải cần tìm hiểu cho chín chắn những gì mắt thấy tai nghe trước khi kết luận hay tin tưởng bất cứ việc gì.

Chàng trai ấy lẽ ra phải hỏi vợ mình sự thật ra sao, nếu chàng hỏi rõ thì đâu có chuyện làm đau lòng nhân thế. Nếu giả sử vợ chàng có như thế, cô ấy thật sự đã phản bội chàng thì chàng cũng nên nghĩ lại mà tha thứ, cũng nên cảm thông, độ lượng mà bao dung cho nàng. Suốt thời gian chinh chiến ai nuôi dạy con chàng, ai bảo bọc vợ chàng để còn sống mà chờ chàng đoàn tụ. Nếu có chàng cũng nên can đảm mà mạnh dạn cám ơn người ấy, vì người ấy đã cho con và vợ chàng một sự sống ấm no, trọn vẹn, nhờ vậy có ngày hôm nay chàng có cơ hội gặp lại vợ và con. Ấy vậy mà, vợ chàng xứng đáng là một người vợ ngoan hiền, mẫu mực, đạo đức, thủy chung, dù chịu cô đơn một mình ngậm đắng nuốt cay nàng cũng chấp nhận đi biển một mình để “mẹ tròn con vuông”. Chàng đâu hề biết trong suốt 4 năm ròng chinh chiến phương xa, vợ của chàng phải chịu nhiều đắng cay, khổ sở khi chấp nhận làm thuê làm mướn, cực khổ nhọc nhằn miễn có tiền nuôi con, bất chấp tiếng đời dèm pha, chê trách. Chàng chưa phải là một người đàn ông đích thực, chàng chưa phải là một người đàn ông bản lĩnh, chưa phải là một người chồng lý tưởng vì chỉ biết nghĩ đến mình quá nhiều.

Thật ra chàng sống quá ích kỷ, quá nhỏ nhoi, quá hèn mọn, quá tự ti, quá cố chấp, chàng không xứng đáng là một đấng nam nhi đại trượng phu. Vợ chàng đã mang đứa con trong bụng là giọt máu của chàng, nàng phải một mình mang nặng đẻ đau, tần tảo sớm hôm nuôi con thơ dại, một mình gặm nhấm cô đơn, nhớ chồng da diết, lặng lẽ ngóng trông mòn mỏi, khát khao chờ đợi ngày chàng trở về. Đúng ra vợ chồng xa cách đã 4 năm, khi gặp lại chàng phải thầm cám ơn vợ sao quá đỗi tuyệt vời, một thân một mình thức khuya, dậy sớm tần tảo nuôi con không quản ngại gian lao, khó nhọc; để ngày hôm nay chàng được gặp con, được có con mà nối dỗi tông đường. Chàng thật sự quá ư diễm phúc khi có được một người vợ như vậy, tại sao chàng không biết trân quý, tìm cách bù đắp lại cho cô ấy?

Tôi ngày xưa còn tệ bạc hơn nhiều, tôi bỏ vợ khi mới sinh con chỉ vừa đầy tháng cùng đứa con trai mới tròn 3 tuổi. Vậy mà cô ấy không hề uất hận, vẫn lặng lẽ một mình nuôi con lao nhọc trăm bề. Nhưng vợ chàng phải một mình mang nặng đẻ đau, một mình nuôi con trong thời chiến tranh loạn lạc cùng tiếng đời thị phị còn khó khổ trăm bề hơn thế, vậy mà chàng nỡ dửng dưng, lạnh lùng, không thương tiếc. Nếu chàng biết cởi mở, bao dung, mở rộng tấm lòng một chút thì làm sao có chuyện phải tiếc hận ngàn thu. Chàng có dám bảo đảm sẽ ở vậy nuôi con để được người đời tán dương, khen ngợi? Hiện giờ con chàng còn quá nhỏ, nó đâu biết vì sao mẹ chết, khi lớn khôn rồi phải giải thích ra sao?

Nó sẽ nghĩ gì khi biết sự thật về cách cư xử thiếu hiểu biết của cha nó, sẽ chấp nhận mọi chuyện thế nào đây? Tôi ngày xưa vì đam mê hưởng thụ quá đáng nên sai lầm do quá ngu si, mê muội; còn chàng sai lầm do quá cố chấp vào tri giác của mình. Tôi và chàng cả hai đều sai, trong cuộc đời này vẫn có những cái sai tương tự như thế tràn ngập khắp thế gian. Vì thế ngày nay tình trạng bạo hành học đường, bạo hành gia đình hầu như tràn lan khắp mọi miền đất nước. Con người do đam mê hưởng thụ, do cố chấp và bảo vệ thành trì bản ngã của mình; cái gì của mình thì cho là đúng nên chấp chặt, ai làm khác đi thì không được, từ đó phát sinh tự ái, giận hờn, phá bỏ, gây khổ đau cho nhau.

Trong cuộc sống khó ai không mắc sai lầm, nhưng có những sai lầm chúng ta có thể tháo gỡ và sửa chữa, cũng có những sai lầm sau khi biết được đã trở thành vết sẹo khổng lồ khó mà phai mờ trong tâm trí. Chàng trai trẻ giờ biết ra thì đã quá muộn màng, chồng vô tình giết chết vợ mình khiến con thơ phải lạc loài, mất mẹ. Liệu chàng có thể đứng vững mà “gà trống nuôi con”, hay sẽ rơi vào khủng hoảng, mất tự chủ để rồi dìm chết cuộc đời bằng những ly rượu đắng, sáng xỉn, chiều say, tối lai rai. Một thời trai trẻ tôi đã từng dìm mình dưới ao nước giữa ban đêm đến năm mười tiếng đồng hồ cũng vì chút hờn ghen bóng gió, tức quá nói không được nên đúng là khùng chẳng ra khùng, điên chẳng ra điên. Trong men say tình ái vì tri giác sai lầm mà không biết bao cuộc tình tan vỡ, tôi khi đó như con cú quạ lúc ban ngày. Giờ ngồi ngẫm lại cả một thời son trẻ không biết bao là lỗi lầm đáng tiếc.

Còn làm người, còn có sự sống là còn có sai lầm, khó có ai được hoàn hảo, ngoại trừ các bậc Thánh nhân, các bậc Bồ tát. Tôi ngày hôm nay có cơ hội làm lại cuộc đời nhờ gặp Phật pháp nên chỉ có đôi lời khuyên nhủ cùng các em, các em hãy nên chín chắn suy nghĩ kỹ càng khi bước vào dòng đời nghiệt ngã với muôn ngàn đắng cay. Các em đừng để tri giác sai lầm của mình làm chủ, sai sử như câu chuyện tôi đang kể cho các em nghe. Các em hãy tự hỏi mình từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu? Các em hãy tự hỏi như vậy chứ không chỉ biết nam nữ lớn lên thì phải có vợ, có chồng rồi sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Nếu các em chỉ hiểu biết bấy nhiêu thôi thì chưa đủ, các em cần phải tiến xa thêm một bước nữa. Các em muốn duy trì giống nòi làm người để phục vụ nhân loại, đóng góp cho tha nhân là một điều tốt, nhưng các em cần phải biết làm thế nào để trở thành người tốt luôn sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 13
  • Tháng hiện tại 61,767
  • Tổng lượt truy cập 23,468,016