Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Nguyên nhân làm cho đất nước suy vong

Nguyên nhân làm cho đất nước suy vong

Đăng lúc: 16:11 - 05/10/2016

Theo giáo lý Cộng nghiệp, người dân ở trong một nước có cộng nghiệp với nhau. Nếu mỗi người đều tạo nghiệp tốt thì nhà nhà hạnh phúc an vui, đất nước trở nên giàu mạnh. Ngược lại, mỗi người đều gây tạo nghiệp ác thì khó tránh khỏi họa nước mất, nhà tan. Thế nên, không phải kinh tế hay kỹ thuật mà chính là đạo đức cá nhân và xã hội mới là chuẩn mực căn bản quyết định sự tồn vong của đất nước.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:

- Thế nào Cù-đàm? Có nhân duyên gì? Có hạnh xưa nào khiến cho nhân dân này có tận, có diệt, có giảm bớt? Xưa là thành quách, ngày nay đã tan hoại; xưa có nhân dân, ngày nay hoang vắng?

Thế Tôn bảo:

- Phạm chí nên biết! Do nhân dân này hành phi pháp, nên khiến xưa có thành quách, ngày nay tiêu diệt, xưa có nhân dân ngày nay hoang vắng, đều do nhân dân xan tham, kiết phược, quen hành ái dục mà gây nên, khiến gió mưa không đúng thời, mưa đã không đúng thời, trồng trọt rễ không tăng trưởng. Trong đó, nhân dân chết đầy đường.

Phạm chí nên biết, do nhân duyên này, khiến nước bị hủy hoại, dân không đông đúc.

Lại nữa, Phạm chí, nhân dân hành phi pháp, khiến có sấm, chớp, sét giật tự nhiên ứng hiện; trời giáng mưa đá, hư hoại mầm sống. Bấy giờ nhân dân chết chóc không đếm nổi.

Lại nữa, Phạm chí, nhân dân hành phi pháp, cạnh tranh lẫn nhau, hoặc lấy tay đấm, thêm gạch đá ném nhau, mỗi người đều táng mạng.

Lại nữa, Phạm chí, nhân dân kia đã cạnh tranh nhau chẳng yên ở; quốc chủ không an, mỗi bên hưng binh công phạt lẫn nhau, đến nỗi đại chúng chết không kể, hoặc bị chết bởi do đao, hoặc chết bởi giáo, tên. Như thế, Phạm chí! Do nhân duyên này, khiến dân giảm thiểu, chẳng đông đúc nữa.

Lại nữa, nhân dân hành phi pháp, nên khiến thần kỳ không giúp đỡ cho được tiện lợi, hoặc gặp nguy khốn, tật bệnh, liệt giường, người lành bệnh ít, người bệnh dịch chết nhiều. Đó là, này Phạm chí! Do nhân duyên này khiến dân giảm thiểu, không được đông đúc.

Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:

- Cù-đàm! Ngài nói thật thích thay! Nói nghĩa giảm thiểu của người xưa. Thật như lời Như Lai dạy, xưa có thành quách, hôm nay tiêu diệt; xưa có nhân dân, hôm nay hoang vắng. Sở dĩ như thế, và có phi pháp, liền sanh keo kiệt, tật đố; đã sanh keo kiệt, tật đố, liền sanh nghiệp tà; đã sanh nghiệp tà nên khiến trời mưa không đúng thời, ngũ cốc chẳng chín, nhân dân chẳng mạnh, nên khiến phi pháp lưu hành, trời giáng tai biến làm hư hoại mầm mống. Đó là do nhân dân hành phi pháp, dính mắc tham lam, keo kiệt, tật đố. Khi đó, quốc vương chẳng yên, mỗi bên hưng binh, công phạt lẫn nhau, người chết rất nhiều, nên khiến quốc độ hoang sơ, nhân dân ly tán. Hôm nay, Thế Tôn nói rất lành, thích thay! Do phi pháp đưa đến tai họa này; cho đến bị người khác bắt, đoạn đứt mạng sống. Do phi pháp nên liền sanh tâm trộm, đã sanh tâm trộm, sau bị vua giết; đã sanh tà niệm thì phi nhân được tiện lợi. Do nhân duyên này liền bị mạng chung, nhân dân giảm bớt, nên khiến không có thành quách để ở…”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34. Đẳng kiến [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.353)

Lời Phật dạy thật rõ ràng. Những bất hạnh do thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh v.v… giáng xuống một dân tộc, quốc gia do chính những con người sống trong đất nước ấy gây ra. Nói rộng hơn, những thảm họa có tính toàn cầu cũng do nhân loại tự gây nên. Đức Phật xác định nguyên nhân khiến đất nước suy vong là “do nhân dân hành phi pháp”. Phi pháp, nói riêng là làm sai với pháp luật hiện hành, nói chung là sai với Chánh pháp.

Nhân quả thật đúng đắn, tự nhiên ứng nghiệm mà không cần ai thưởng phạt. Khi người dân của đất nước nào không hướng thiện, làm lành thì đất nước ấy tự suy vong. Điều cần ưu tư nhất là hiện nay chúng ta đang đang sống trong một xã hội mà cái ác biểu hiện quá nhiều, mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Nếu mỗi người không tự thức tỉnh, bỏ ác làm lành, tu nhân tích đức thì sẽ không kịp cứu lấy mình, nói chi đến cứu dân giúp nước.

Nên người Phật tử nguyện trau dồi đạo đức cá nhân bằng việc giữ gìn năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không dối trá, không say nghiện), chuyển hóa mười ác nghiệp, khuyến khích mọi người làm theo. Đây là cách thiết thực để thể hiện lòng yêu nước, góp phần dựng xây Tổ quốc hùng cường.
Quảng Tánh

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Đăng lúc: 21:51 - 30/09/2016

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết.



Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigroda. Rồi Mahànàma đi đến, sau khi đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, rất phồn vinh, dân cư đông đúc, quần chúng chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy, con gặp con ngựa cuồng chạy, con gặp người cuồng chạy, con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy, con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật,Pháp và Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sinh thú của con là gì, sinh xứ đời sau là chỗ nào?

Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với những ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về thí xả, về trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè vì chìm xuống nước nhưng dầu thì nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, với ai đã lâu ngày tâm được tu tập trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày
trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA 343
(ÐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm Saranàri,
phần Mahànàma [1], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.539)

LỜI BÀN:
Cuộc sống của con người luôn đồng hành với vô vàn biến động, bất trắc. Thiên tai, địch họa, bệnh tật cùng với các tai nạn lao động, giao thông, hỏa hoạn… từng phút, từng giây đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Thân người thật mong manh, dễ vỡ, dù thận trọng đến mấy thì không ai dám xác quyết rằng ta sẽ an toàn trong những giây phút tiếp theo.

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết. Ðối với người ít tu tập thì chính điều này đã tạo ra cận tử nghiệp bất thiện, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sinh.

Tuy nhiên, theo tuệ giác của Thế Tôn, những ai đã tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì dẫu bị hoang mang, không giữ vững chánh niệm trước lúc chết do tai nạn quá bất ngờ nhưng với nền tảng tu tập vững chắc, trọn vẹn đối với các thiện pháp, nhờ thiện nghiệp sâu dày sẽ giúp họ đi đến chỗ thù thắng, tái sinh vào cõi lành, không hề bị đọa lạc.

Sinh thuận, tử an là một phước báo lớn của con người. Một khi chưa biết nghiệp duyên của mình sẽ chết bình an hay bất an thì hãy cố gắng tu tập các thiện pháp. Sự chuẩn bị này sẽ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cho đời sống hiện tại và cả những cái chết bất ngờ, nếu có, ở tương lai.

Quảng Tánh

Sắc màu chốn thiền môn

Sắc màu chốn thiền môn

Đăng lúc: 17:38 - 19/10/2015

Chính tại nơi này, một vùng ngoại ô thành phố, tôi đã tìm được cho mình một chốn bình yên. Chốn bình yên với những gam màu vẽ nên cuộc sống, những sắc màu bình dị, đơn sơ và thanh khiết như chính tâm hồn của những người thầy đáng kính. Rồi mai đây giữa dòng đời xuôi ngược, dẫu đắng lòng trước thay đổi thịnh suy, tôi sẽ không bao giờ quên những gì đang hiện hữu.



Khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ mơ màng, khi đàn gà con còn chưa muốn bước ra khỏi cửa chuồng để kiếm ăn, khi ông mặt trời còn chưa trở mình vươn vai thức dậy phía hừng đông thì hồi chuông báo thức đã vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng đại hồng chung ngân vang phá tan màn đêm tĩnh mịch. Trong màu vàng y rực rỡ, quý thầy đã tập trung về chánh điện để tụng thời kinh khuya. Màu vàng y thanh tịnh trang nghiêm, màu vàng sẫm của đất đỏ bazan, đó cũng chính là màu của sự nhẫn chịu. Nhẫn như đất, dẫu có ai thải vào đất hay vứt lên đất bất cứ thứ gì, đất cũng không nhàm chán hay giận dữ, đất âm thầm chuyển hóa.

Sau thời kinh khuya, mọi người cùng nhau quét dọn sân chùa. Khi âm thanh xào xạc của nhát chổi vừa ngưng thì vạn vật đã chuyển mình thức dậy. Tiếng chim đã bắt đầu réo rắt đầu cành, ánh nắng vàng xua tan giọt sương đầu ngọn cỏ. Trong bầu không khí trong lành ấy, chư Tăng và Phật tử xếp hàng lần lượt vào trai đường để dùng cơm. Dùng cơm sáng xong, tất cả cùng bắt tay vào công việc trong chùa, mỗi người một việc, không ai giống ai, có giống nhau chăng là nụ cười luôn nở trên môi của mỗi người khi chấp tác, hoặc giống nhau là sự nhiệt tình, năng nổ và hết mình trong công việc của mọi người.

Ấn tượng làm sao những buổi trưa hè của những ngày lễ, chủ nhật hay khóa tu, trong một sự hỗn độn màu sắc và âm thanh của thập phương bá tánh, những chiếc áo nâu và áo lam đang âm thầm làm việc, đẫm mồ hôi dưới trời nắng gắt. Vài vị thầy đang hướng dẫn cho các bạn nhóm Hộ pháp viên phát cơm cho Phật tử về chùa. Để có những phần cơm này, quý thầy và Phật tử trong chùa phải chuẩn bị từ đêm hôm trước. Nếu màu áo lam và áo nâu xen kẽ nhau trong khu vực nhà bếp với niềm vui phụng sự thì đâu đó vài tà áo lam và nâu đang lom khom nhặt những hộp cơm đã sử dụng xong với ước mong sân chùa được khang trang, sạch sẽ. Có lẽ từ quý thầy cho đến Phật tử trong chùa, ai cũng ý thức được những điều mình đang làm đem lại lợi ích gì và có ý nghĩa như thế nào.

Thế rồi dòng người đông đúc cũng đổ về muôn ngả, ánh nắng chiều soi rọi khắp lối đi, tiếng kinh chiều đồng vọng vang lên, khiến người lữ khách dừng chân nơi chốn thiền môn thanh tịnh, tìm lại sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn. Có ai đó đang ngồi nơi góc sân chùa, lắng nghe từng lời kinh tiếng kệ. Màu hoàng hôn buông phủ muôn nơi, nhưng không buồn bã thê lương mà an bình tĩnh lặng. Tiếng mõ vang đều được điểm xuyết thêm tiếng chuông ngân, càng làm cho không gian thêm trầm lắng. Có ai đó muốn dừng lại cuộc rong chơi, để ngồi đây lắng nghe niềm an lạc đang lan tỏa trong từng hơi thở. Thời kinh rồi cũng qua đi, mọi người cùng ngồi im, lắng nghe tâm mình hướng về Đức Phật. Phút tĩnh lặng tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để mọi người lấy lại năng lượng sau một ngày dài mệt nhọc và nhìn lại chính bản thân mình.

Sau thời kinh tối, ánh đèn khu Tăng xá lại sáng rực lên, soi rọi cho những hành giả xuất gia tìm về với lời dạy của Thế Tôn trong từng trang kinh sách. Trong màu nâu sòng giản dị, các thầy học hỏi và nghiên cứu giáo lý của đức Phật để sau này tiếp bước dấu chân xưa, gánh vác trọng trách thiêng liêng mà đức Thế Tôn và các bậc Tổ sư khi xưa truyền lại. Đâu đó trong ánh đèn phố thị ngoài kia, có người đang chén tạc chén thù bên mâm cỗ, có người đang say đắm ái ân. Nhưng tại đây cũng có những người còn rất trẻ mà lòng tràn đầy nhiệt huyết, đang âm thầm nuôi dưỡng thiện tâm, đang gầy dựng những hoài bão, ước mơ tốt đời đẹp đạo. Ngày cũng dần tàn mà ánh đèn đêm vẫn còn rực sáng, thế nhưng có người vẫn dành một ít thời gian còn lại của ngày để tĩnh lặng tâm tư, nhìn lại chính mình và sau đó chìm vào giấc ngủ bình yên.

Dẫu biết rằng, dòng đời còn quá nhiều ngang trái, có lắm người mượn đạo tạo đời, làm nhiều điều không đúng với chánh pháp, làm mất đi hình ảnh thiêng liêng và cao cả của chư Tăng. Thỉnh thoảng những hình ảnh, tin tức không hay được đăng tải trên các ph ương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng chắc chắn rằng đâu đó vẫn còn rất nhiều những người thầy vững tin vào con đường giải thoát, đang giữ mình khỏi những cám dỗ xa hoa và tìm về với ánh đạo thiêng của Phật Đà. Có những người thầy tuy tuổi đời còn rất trẻ và tuổi đạo không cao, nhưng luôn ấp ủ những hoài bảo cao vời muốn giúp đời vơi đi khổ não. Và ở một nơi xa xôi nào đó, có những người con Phật vì chúng sanh vì Phật pháp hành đạo độ đời. Nguyện cầu những hình ảnh này vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian, sẽ không bao giờ phai nhạt. Nhân loại luôn được an vui hạnh phúc trong ánh sáng từ bi.

Kính Đức.

Loài Vật Cũng Có Cảm Xúc

Loài Vật Cũng Có Cảm Xúc

Đăng lúc: 07:57 - 22/06/2015

Khi một người gặp tai nạn, người khác vội vàng đến giúp đỡ. Vậy tại sao khi loài vật gần gũi nhất với con người gặp nạn, chẳng ai chạnh lòng đến cứu chúng? Ôi, từ bi tâm của chúng ta ở nơi đâu?
Tình bạn cảm động của hai chú chó
Trên con đường đông đúc xe cộ, một con chó không ngừng lay bạn của nó đang nằm bất động rồi chạy quanh cầu cứu mọi người giúp đỡ. Con chó bị xe đâm nằm bẹp giữa đường. Một con khác trông rất buồn thảm, dùng mõm và chân lay liên tục mong bạn nó hồi tỉnh. Sau đó, nó chạy quanh ngỏng cổ lên cầu khẩn người qua đường giúp đỡ.


Hình ảnh thương tâm này đã được đăng lên mạng internet, khiến cư dân mạng chạnh lòng.



Con chó cố gắng lay bạn tỉnh lại. Tuy nhiên, theo Tom, nhiều độc giả rất bức xúc vì trước tình cảnh đáng thương của đôi chó, không người đi đường nào dừng lại giúp đỡ chúng. Những chiếc ôtô tránh đường rồi đi mất. Nhiều người đi bộ chỉ đứng nhìn hoặc chạy lại chụp ảnh như một chuyện kỳ khôi.



Con chó không bỏ mặc người bạn đáng thương. Sau một hồi lay bạn, nó ngỏng cổ lên cầu cứu người đi đường giúp đỡ.



Nhưng không ai chạy lại cứu giúp.​

Tình nghĩa loài chim nhạn nhỏ bé

Ngay cả loài chim nhỏ bé cũng không nỡ bỏ rơi bạn mình, thế mà loài người chỉ vì lợi danh, tiền bạc có thể đánh đổi tất cả, ngay cả chính bản thân mình.


Một con chim nhạn bay lượn thấp là đà ngang qua đường phố bị một chiếc xe đụng phải. Nàng chim mái nầy bị thương nặng và đang chờ chết.


Chàng chim trống sà xuống mang theo thức ăn và tận tình lo lắng.


Chàng bay đi rồi trở lại mang thêm thức ăn cho nàng, nhưng nàng đã nằm bất động.


Chàng cố lung lay gọi nàng …. một hành động hiếm thấy từ loài chim nhạn


Khi nhận ra rằng nàng đã ra đi, vĩnh viễn không bao giờ trở lại, chàng khóc rống thảm thiết bi thương.


Tiếng khóc vang vang của loài chim nhỏ bé, nhưng nỗi bi ai xé lòng không kém một sinh vật nào. Đứng cạnh xác nàng, chàng buồn thảm và tan nát cả cõi lòng … biết đến bao giờ?​

Hàng triệu người khắp Mỹ, Âu, Á đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những bức ảnh nầy. Vậy mà có nhiều người nghĩ: động vật thì chả có đầu óc và cũng chẳng có cảm xúc nào?

(Sưu tầm)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 3,777
  • Tháng hiện tại 61,162
  • Tổng lượt truy cập 23,467,411