Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Nhân duyên khởi ra Chánh kiến

Nhân duyên khởi ra Chánh kiến

Đăng lúc: 21:54 - 17/09/2017

Người tu học Phật đều biết rằng, Bát Chánh đạo là nền tảng quan trọng của toàn bộ giáo pháp Thế Tôn. Trong đó, Chánh kiến tức nhận thức và quan điểm đúng Chánh pháp là chi phần quan yếu, có vị trí đứng đầu (Chánh kiến, …, Chánh định). Nhận thức và quan điểm đúng Chánh pháp sẽ quyết định sự nghiệp tu hành luôn đúng với lời Phật dạy, không bị thiên lệch, thẳng đến giải thoát Niết-bàn.
buddhism-2387822_960_720.jpg
Bát Chánh đạo là nền tảng quan trọng của toàn bộ giáo pháp Thế Tôn

Thời Thế Tôn còn tại thế, vẫn có một số ít Tỳ-kheo nhận thức sai Chánh pháp. May thay, các vị này được Thế Tôn nghiêm trách và chấn chỉnh kịp thời. Ngày nay, chúng ta tu học trong thời đại cách Phật lâu xa, Thánh tăng ngày càng ít, trong khi hầu hết là phàm và tạp tăng, cùng với sự nhận thức và diễn giải kinh pháp theo tư kiến chủ quan ngày càng gia tăng khiến cho người sơ học gần như lạc lối trong rừng giáo pháp, mỗi người nói một phách nên chẳng biết theo ai, khó phân định đúng sai, tà chánh. Hơn lúc nào hết, người tu Phật hiện nay cần bám sát những lời dạy của Thế Tôn được bảo tồn trong Kinh tạng để thiết lập và nêu cao Chánh kiến.

Chánh kiến tuy có nhiều tầng ý nghĩa, sâu cạn khác nhau nhưng căn bản vẫn là: Tin hiểu Nhân quả-Nghiệp báo; Tin sâu Bốn Thánh đế; Thấy rõ thực tính Duyên khởi-Vô thường-Vô ngã của vạn pháp; xác quyết Giới-Định-Tuệ là cốt tủy của mọi pháp hành nhân danh Đức Phật. Nên những nhận thức, quan điểm, phương pháp tu tập và hành đạo mà xa lìa những đặc điểm then chốt này sẽ lập tức rơi vào tà kiến, phi Chánh pháp. Vấn đề đặt ra là mỗi người nên thiết lập Chánh kiến cho mình bằng cách nào? Văn-Tư-Tu là con đường làm cho tâm thông trí sáng. Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ hay tức Giới, tức Định, tức Tuệ cũng khiến vô minh diệt, minh sanh. Từ thức tri, tiến lên thắng tri và thành tựu liễu tri. Trong pháp thoại dưới đây, Thế Tôn đề xuất hai pháp “nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán trong lòng” chính là “hai nhân, hai duyên khởi ra Chánh kiến”.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai nhân, hai duyên khởi ra Chánh kiến. Thế nào là hai? Nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán trong lòng. Như thế, Tỳ-kheo đối hai nhân, hai duyên khởi ra Chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 15.Hữu vô,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.198)

Theo Thế Tôn, muốn thành tựu Chánh kiến trước hết phải “nhận lời dạy dỗ” cho tứ chúng. Giảng dạy cho người đi sau, cho Phật tử và cho tất cả mọi người biết Chánh pháp. Thật là sai lầm khi không ít Tăng Ni chúng ta ngày nay có xu hướng phó thác việc giảng dạy này cho các vị giáo thọ, giảng sư. Mà đúng ra, mỗi vị Tăng Ni và Phật tử đều phải là giáo thọ, giảng sư. Chư Tăng Ni hiện nay tụng niệm nhiều nhưng ít khi thuyết pháp, giảng dạy trong các khóa lễ. Có thể chư vị biết mà không dạy nhưng cũng có thể không biết nhiều để dạy hay không nhận ra tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo pháp. Nên Thế Tôn thật thâm thúy khi đưa ra nhân duyên “nhận lời dạy dỗ” này. Muốn dạy người thì trước hết tự thân mình phải học tập, nghiên tầm giáo pháp. Một khi đã có hiểu biết giáo pháp sâu sắc thì thiết lập được Chánh kiến. Nên giảng kinh, thuyết pháp, dạy người mà thực chất chính là xây dựng Chánh kiến cho mình.

Kế đến, muốn thành tựu Chánh kiến phải “suy nghĩ về Chỉ, Quán”. Tu tập thiền Định và thiền Tuệ, cách gọi khác của Chỉ Quán chính là cơ sở hình thành Chánh kiến. Nói rõ hơn là phải tu tập, thực hành giáo pháp thì Chánh kiến mới phát sinh. Tâm có định thì trí mới sáng, trí sáng tỏ rồi thì liền hết tà kiến, lầm mê. Như vậy, theo lời dạy của Thế Tôn, mỗi người con Phật dù là xuất gia hay tại gia cần phải đầy đủ pháp Học và pháp Hành thì mới có thể thành tựu Chánh kiến. Phật giáo chúng ta tự hào có Tam tạng Kinh-Luật-Luận đồ sộ, minh triết bậc nhất, nhưng thực tế thì không phải ai tự nhận theo Phật cũng có Chánh kiến. Vấn đề là, liệu chúng ta có “nhận lời dạy dỗ và suy nghĩ về Chỉ, Quán” hay không?
Quảng Tánh

Tìm thấy tranh Bồ-tát Quán Thế Âm thuộc thế kỷ 16

Tìm thấy tranh Bồ-tát Quán Thế Âm thuộc thế kỷ 16

Đăng lúc: 22:51 - 30/11/2015

Đức Quán Thế Âm Bồ-tát đang ngồi bắt chéo chân trên một hoa sen với một ấn tượng đức hạnh và dịu dàng. Đôi mắt từ bi của Ngài đang hướng về Thiện Tài Đồng Tử đang cung kính chắp tay.

Trong lúc Bồ-tát đang thuyết pháp cho nhà sư trẻ, thần Karttikeya mạnh mẽ đang bảo vệ Ngài. Một đóa sen vàng nở từ mặt nước và một con chim trên bầu trời đang ngậm một bông hoa trong miệng làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh.

vch 1.jpg
Bức tranh này, gần đây đã được tìm thấy ở Nhật Bản, được cho là đã được vẽ tại Hàn Quốc vào giữa thế kỷ 16 trong triều đại Joseon (ảnh).

Có 4 bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát như thế này được vẽ trong triều đại trên đã được tìm thấy cho đến nay.

Bức tranh vừa mới tìm thấy này là duy nhất trong số 4 bức miêu tả Bồ-tát trong tư thế chân bắt chéo.

Bồ-tát Quán Thế Âm trong các bức tranh vẽ trong triều đại Goryeo thường uốn cong một chân lên và hạ chân kia xuống. Trong các bức tranh được vẽ trong triều đại Joseon, Ngài thường nâng một đầu gối về phía trước và đặt một tay lên đó.

"Gần đây, một bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát rất độc đáo đã được tìm thấy trong một ngôi chùa tại Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản", Jeong Woo-take, giám đốc Bảo tàng Đại học Dongguk, một chuyên gia về tranh Phật giáo, nói.

"Dựa trên các kỹ thuật được sử dụng để vẽ khuôn mặt bầu bĩnh, phác thảo rõ ràng, và phân cấp của hoa sen, tôi cho rằng bức tranh được vẽ vào giữa thế kỷ 16". Theo Jeong, có 6-7 bản in gỗ tương tự như bức tranh này, bao gồm cả những bức trong chùa Guin, nhưng một bức tranh như thế này chưa bao giờ được tìm thấy.

Bức tranh mới được tìm thấy này được vẽ trên vải gai có kích thước 119,2 cm x 70,9 cm. Bức tranh có đặc điểm điển hình của tranh Phật giáo; nền đỏ và một phác thảo vàng được vẽ một cách cẩn thận. Jeong đánh giá bức tranh khi cho rằng, "Bức tranh này là một ví dụ đại diện của Hàn Quốc diễn giải lại các bức tranh của Trung Quốc. Nó bổ sung vào sự đa dạng của bức tranh Phật giáo được vẽ trong giai đoạn đầu triều đại Joseon".

Văn Công Hưng

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 3,750
  • Tháng hiện tại 61,135
  • Tổng lượt truy cập 23,467,384