Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Vọng tưởng

Vọng tưởng

Đăng lúc: 22:35 - 30/03/2017

1- Cần thiết cho người tu thiền:

Người tu Tịnh độ để vãng sinh Cực lạc, thì việc hiểu vọng tưởng là gì có lẽ không cần thiết lắm. Bởi chỉ cần tín, hạnh, nguyện đầy đủ thì được vãng sinh. Hạnh thì một câu lục tự Di-đà niệm cho đến khi được nhất tâm bất loạn. Chỉ cần cho được nhất tâm bất loạn, không cần biết vọng tưởng là gì. Người tham thoại đầu, chắc cũng không cần biết rõ về vọng tưởng, chỉ cần đề khởi một câu thoại đầu cho đến khi tâm như thùng sơn lủng đáy. Với người tu thiền, lại là thiền “Biết vọng không theo” hay “Biết có chân tâm” thì việc biết rõ cái gì là vọng để không theo, có lẽ là khá cần thiết. Nó giúp ích cho việc tu học của hành giả không nhỏ. Đó là lý do thứ nhất triển khai bài viết này.

2- Thiền phái Trúc Lâm là phái thiền nhập thế

Là một thiền phái nhập thế thì việc tiếp duyên không thể tránh khỏi. Phật tử thuộc thiền phái Trúc Lâm thì gần như thời gian chính là dành cho công việc xã hội, giao tiếp nhiều. Cho nên, biết rõ về vọng tưởng là việc cần thiết. Để ngoài những lúc phải tiếp duyên, chúng ta hạn chế bớt các duyên. Biết vọng là gì cũng là phương cách để chúng ta nhận định rõ về những gì chúng ta đang hành xử, thông qua ba thứ thân, khẩu, ý của mình. Đó là lý do thứ hai khiến bài viết được triển khai.

anh nsgn.jpg

Vọng tưởng là gì?

Theo cái nhìn của người đời thì “vọng tưởng” được dùng để chỉ cho những lời nói hay suy nghĩ không đúng sự thật.

Với cái nhìn của Phật học, như Tự điển Phật học đã ghi, thì “Không có thật, gọi là vọng. Do phân biệt sai lầm mà có sự chấp giữ các tướng ở thế gian, gọi là tưởng”. Nghĩa này trùng với nghĩa của “Tưởng tâm sở” mà luận Thành duy thức đã nói: “Tưởng tâm sở, là tính chấp thủ tướng mạo của cảnh và có nghiệp dụng thiết đặt ra các danh ngôn”.

Như vậy nói tổng quát, vọng tưởng được chỉ cho những suy nghĩ, tư tưởng không có chất thật so với thực tế. Thực tế này, có thể được hiểu là hiện thực mà chúng ta đang sống đây. Vọng tưởng trong trường hợp này là những gì không có trong đời, như lông rùa, sừng thỏ. Cũng có thể hiểu thực tế là bờ mé chân thật tối cùng, chính là tâm chân như, cội gốc chân thật của tất cả pháp. Tâm này là sở y (tánh) của tất cả pháp. Không có pháp nào có cội gốc riêng. Như ngủ mê rồi mộng mà thấy tướng các cảnh giới, thực chất thì các cảnh giới ấy không có, chỉ là tâm, do vô minh bất giác mà khởi. Với nghĩa này, nói vọng là do đối với chân mà nói. Mọi hiện khởi hiện lên trong tâm, dù đúng dù sai đều gọi là “vọng”.

Do vô minh bất giác mà khởi, không phải chân nên nói “vọng”.

Do chấp thủ tướng cảnh giới mà nảy sinh suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc… nên nói “tưởng”.

Tưởng này do duyên mà thành, không có chất thật, nên nói “vọng tưởng”.

Phân loại vọng tưởng

Trong kinh Lăng-già, Phật phân vọng tưởng ra thành 12 loại.

1- Ngôn thuyết vọng tưởng

Ngôn thuyết vọng tưởng, là chỉ cho “các thứ âm thanh ca vịnh vui đẹp chấp trước”. Cũng chỉ luôn cho loại ngôn thuyết nói năng của người đời. Nói “ngôn thuyết vọng tưởng” vì do vọng tưởng mà khởi ra ngôn thuyết. Vọng tưởng là những gì đã được huân tập và lưu giữ trong tâm. Vọng tưởng vốn không thật. Các thứ âm thanh ngôn thuyết cũng không thật. Vì nó chỉ là pháp duyên hợp. Như Phật nói với Bồ-tát Đại Huệ “Do đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, nướu răng hòa hợp mà phát ra âm thanh”1. Các duyên nếu thiếu, ngôn thuyết không thể thành hình. Nên nói hư vọng.

Nhân của ngôn thuyết chính là dòng vọng tưởng tương tục khởi lên trong tâm. Cho nên, người không nói, chưa chắc vọng tưởng không có, nhưng người nói nhiều thì nhất định vọng tưởng phải nhiều, lực của dòng vọng tưởng phải mạnh. Giờ muốn không quả thì phải trừ nhân. Vì thế, muốn dừng được loại Ngôn thuyết vọng tưởng này thì hoặc là dòng vọng niệm phải dứt, hoặc là phải làm chủ được dòng vọng niệm của mình.

2- Sở thuyết sự vọng tưởng

Sở thuyết sự, là chỉ cho những gì được phát sinh từ Thánh trí, như lời kinh, tiếng kệ, pháp ngữ v.v… Kinh nói: “Nói ra là chỗ Thánh trí biết, y đó mà sinh ngôn thuyết vọng tưởng, nên gọi là Sở thuyết sự vọng tưởng”.

Lời kinh, tiếng kệ v.v… mà gọi là vọng tưởng, vì chúng chỉ là pháp dẫn đạo. Ứng duyên thì hiện. Hết duyên thì không. Như lớp học ồn, cần tiếng hét của giáo viên. Tiếng hét tuy làm dịu được tiếng ồn, nhưng cũng vẫn là tiếng ồn đối với khoảng không thinh lặng, chưa phải là chỗ thinh lặng thật sự. Đó chỉ mới là ngón tay chỉ mặt trăng, chưa phải chính mặt trăng. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Chỗ Thánh trí hiển bày phải ngộ nhập, nếu không thể nhân ngón tay mà thấy mặt trăng thì chỗ hiển bày biến thành cảnh giới giác tưởng”2. Cho nên, dù từ Thánh trí lưu xuất, nhưng nếu cho cái “Sở thuyết sự” ấy là chỗ chân thật, thì cái chân thật ấy liền biến thành cảnh giới giác tưởng, chẳng thể tỏ tường mọi thứ. Vì thế, Hương Nghiêm Trí Nhàn, thông suốt kinh luận, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, được mệnh danh là Thích Ca thứ hai, vẫn không thể nào trả lời được câu hỏi của ngài Quy Sơn: “Thử nói một câu, trước khi cha mẹ chưa sinh là thế nào?”. Bởi ngón tay không phải là mặt trăng. Nương ngón tay để thấy mặt trăng. Nếu không biết, lấy ngón tay làm mặt trăng thì không thể nào thấy được mặt trăng. Làm thế nào để trả lời khi hỏi về mặt trăng?

Đức Sơn, khi chưa gặp Sùng Tín, là một người rất tự hào về tài học của mình. Đã từng nói với kẻ đồng môn: “Một sợi lông nuốt cả bể cả, tánh bể không thiếu. Hạt cải nhỏ ném trên mũi nhọn, mũi nhọn chẳng động. Học cùng chẳng học chỉ có ta biết thôi”3. Thì biết không phải là hạng vừa trong Giáo tông.

Nghe phương Nam, Thiền tông thịnh hành. Sư bất bình nói: “Kẻ xuất gia, muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chưa thể thành Phật. Huống trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Nói rồi liền quảy bộ Thanh long sớ sao, hướng phương Nam mà tới, với tâm nguyện diệt trừ bọn ma phương Nam, đền ơn Phật Tổ.

Đi giữa đường gặp bà lão bán bánh, Đức Sơn dừng lại hỏi mua bánh.

Bà lão hỏi:

- Gói ấy là sách vở gì?

Trả lời:

- Thanh long sớ sao.

Bà lão hỏi:

- Thầy thường giảng kinh gì?

Đức Sơn trả lời:

- Kinh Kim cang.

Bà nói:

- Tôi có một câu hỏi. Nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Nếu không đáp được, mời thầy đi nơi khác.

Đức Sơn gật đầu ưng thuận.

- Kinh Kim cang nói “Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc”. Vậy xin hỏi, Thượng tọa dùng tâm nào để điểm?

Đức Sơn không trả lời được, bèn hỏi đường đi Long Đàm.

Đến pháp đường, gặp Sùng Tín, Sư hỏi:

- Lâu nay nghe danh Long Đàm, đi đến nơi chẳng thấy Đàm mà Long cũng chẳng hiện.

Sùng Tín trả lời:

- Người đã gần đến Long Đàm.

Đức Sơn không đáp được. Ở lại thờ Sùng Tín làm thầy.

Một đêm, Sư đứng hầu. Sùng Tín bảo:

- Đêm khuya sao chẳng xuống?

Sư chào, bước ra, nhưng lại bước trở vào nói:

- Bên ngoài tối đen.

Sùng Tín thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó, Sư đại ngộ.

Sau khi đại ngộ, mới nhận ra ngàn kinh muôn luận chỉ là ngón tay giúp người nhận mặt trăng, không phải chính mặt trăng. Sư mang bộ Sớ sao chất trước pháp đường mà đốt. Nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền, chỉ như sợi lông trong hư không. Thông sạch các trọng yếu ở đời, chỉ như một giọt nước gieo trong biển cả”.

Cho nên, là kẻ tu thiền, nếu nhầm những kiến giải khởi lên trong tâm, cho là chỗ tâm chứng tột cùng, thì như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, không tránh khỏi lửa táp vào mình. Vì chúng chỉ là một loại Sở thuyết sự vọng tưởng, do ứng duyên mà hiện. Nếu chấp thủ chúng, tức cho chúng là thật thì chúng là nhân dẫn dến phiền não và trở thành một loại sở tri làm chướng ngại Bồ-đề.

3- Tướng vọng tưởng

Tướng vọng tưởng là đối với tướng các pháp mà khởi vọng tưởng. Như thấy đất liền khởi tưởng cứng. Thấy lửa liền khởi tưởng nóng. Nghe nói me liền khởi tưởng chua. Với con người, con vật hay một sự kiện nào đó, khi nhìn thấy chúng mà tâm khởi lên các thứ tưởng có liên quan, thì những liên tưởng đó gọi là Tướng vọng tưởng. Do chấp thủ tướng mà sinh khởi vọng tưởng, nên gọi là Tướng vọng tưởng.

Chấp thủ tướng là, do từng biết đất có tính cứng, nước có tính ướt, lửa có tính nóng v.v… rồi lưu giữ những thấy biết đó trong tạng thức. Khi đối duyên, y tướng đang thấy mà những chấp thủ được lưu giữ trong tạng thức theo đó sinh khởi. Kinh Lăng nghiêm nói “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn” là đây. Là cái thấy biết hiện tại không do đối duyên trực biết, mà do y vào những thấy biết quá khứ để biết. Thấy biết như vậy là gốc của vô minh, cũng là lấy vô minh làm gốc.

Do y tựa vào những gì đã được lưu giữ mà biết, nên nó là pháp duyên khởi. Duyên khởi thì không có chất thật, nên nói “vọng”. Do chấp thủ tướng mà tâm sinh khởi, nên nói “Tướng vọng tưởng”.

Tướng các pháp đều do duyên tạo thành. Duyên thay đổi thì tướng pháp thay đổi. Cho nên các thứ tưởng liên quan đến tướng các pháp tại một thời điểm nào đó chưa hẳn còn chính xác vào thời điểm sau. Như thấy lửa liền liên tưởng đến tính nóng. Nhưng lửa không phải khi nào cũng nóng. Với một hỗn hợp hóa học gồm 60ml cacbondisulfua (CS2) và 40ml tetraclorua cac bon (ccl4), tướng lửa vẫn còn mà tính nóng đã mất. Các nhà hóa học gọi nó là lửa lạnh. Như con người trước khi tu hành và sau khi tu hành có khi thay đổi một trời một vực. Ngài Angulimala, đệ tử của Đức Phật, trước khi đến với Phật là một kẻ sát nhân, sau khi làm đệ tử Phật thì tu quán từ bi, một con vật nhỏ cũng không khởi tâm giết hại. Từ bi quán có lực đến nỗi đủ để Tôn giả hồi hướng cho một phụ nữ sinh nở được bình an4. Cho nên, tướng pháp luôn biến dịch, không phải khi nào cũng cố định để những lưu giữ trong tâm khi nào cũng có giá trị.

Lại, cùng một tướng như nhau mà nhân duyên hình thành nên tướng đó khác nhau thì giá trị các tướng đó cũng không như nhau. Nếu thấy cùng tướng mà cho là giá trị như nhau thì khó tránh được sai lầm.

Khổng Tử, một lần dẫn học trò du thuyết sang Tề, có Nhan Hồi và Tử Lộ đi theo. Cả hai đều là học trò giỏi của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, dân chúng lầm than đói khổ, thầy trò Khổng Tử cũng không thoát được cảnh đó. May thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử phân Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm, rồi cho cơm vào miệng. Chứng kiến cảnh ấy, Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò giỏi của ta mà lại đi ăn vụng…”. Sự liên hệ khởi tưởng từ tướng như thế, gọi là Tướng vọng tưởng.

Thật ra, Nhan Hồi không ăn vụng. Chỉ là vì khi giở nắp xem cơm, một cơn gió thổi qua, bụi trần rơi xuống làm bẩn lớp cơm trên. Ông quyết định ăn phần cơm bẩn đó để thầy và các bạn không phải mất thêm phần cơm cho mình.

Khổng Tử, do huân tập cái thấy bình thường của người đời, thấy tướng như thế và cho là đang như thế, nên kết luận Nhan Hồi ăn vụng, mà quên mất mặt nhân duyên của pháp. Là nhân duyên gì khiến tướng đó xuất hiện? Nếu xét nhân duyên thì hiểu Nhan Hồi vẫn xứng đáng là học trò giỏi của mình.

Cho nên, cái Tướng vọng tưởng này, tuy là vọng nhưng không phải dễ phá. Vì những sở tri đã huân tập sâu trong tiềm thức. Một bậc thánh như Khổng Tử, duyên là đệ tử giỏi nhất của mình, mà vẫn không thắng nổi phần sở tri đang mang, khiến khởi cái tưởng sai lầm, thì biết loại Tướng vọng tưởng này rất mạnh ở mỗi người.

Hầu hết chúng sinh đều mắc phải Tướng vọng tưởng này, dù đang là hành giả tu thiền. Sáu căn đối sáu trần, khởi phân biệt, rồi trên phân biệt lại sinh khởi vọng tưởng. Dù không có duyên bên ngoài, thì dòng tương tục bên trong cũng hiện hành liên tục. Niệm này làm duyên cho niệm kia sinh khởi, nối tiếp không ngừng.

Thiền, chính là sáu căn đối sáu trần mà tâm ở trạng thái hiện lượng. Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

4- Lợi vọng tưởng

Tâm ưa thích tham đắm các loại lợi dưỡng như châu báu, vàng bạc, tiền tài, đất đai… thì gọi là Lợi vọng tưởng. Vọng tưởng này do tài lợi mà xuất hiện, nên gọi là Lợi vọng tưởng. Vì tâm ưa thích tham đắm thuộc tâm, không thuộc cảnh, nên nói “tưởng”. Vì tâm ưa thích tham đắm có thể thay đổi, tức tâm ấy không có chất thật, nên gọi là “vọng”. Như khi chưa tu hành thì ưa thích vòng vàng, hột xoàn. Tu hành rồi thì thích nâu sồng và cháo rau qua ngày.

5- Tự tánh vọng tưởng

Tự tánh vọng tưởng là phân biệt tất cả pháp đều có thể tánh riêng, rồi chấp giữ không bỏ. Kinh nói: “Gìn giữ tự tánh này như thế chẳng đổi khác, gọi là Tự tánh vọng tưởng”. Loại vọng tưởng này xuất hiện do chấp các pháp có tự tánh không thay đổi, nên gọi là Tự tánh vọng tưởng. Các pháp duyên hợp, vốn không tánh cố định, giờ lại cho các pháp có tánh, nên nói “vọng”.

- Cho pháp có tính chất cố định, gọi là Tự tánh vọng tưởng. Như thấy lửa có tính nóng và lấy nóng làm tánh của lửa. Khi lấy nóng làm tánh của lửa cũng có nghĩa là nóng luôn đi kèm với lửa. Có lửa là có nóng. Thực tế thì không như vậy. Như loại lửa lạnh, tuy vẫn có lửa nhưng không còn tính nóng nữa. Cách chấp thủ lửa luôn nóng, được gọi là Tự tánh vọng tưởng.

- Thấy hành vi nhất thời ở một người, rồi lấy hành vi nhất thời đó cho tánh người đó là như vậy, cũng rơi vào loại Tự tánh vọng tưởng nói đây.

Anh là một người đàn ông rộng lượng, tiền bạc đi làm về đều giao hết cho vợ. Nhưng một thời gian sau, thứ mà mọi người thấy được ở anh là anh không giao tiền cho vợ nữa, và bắt đầu tính toán các chi tiêu trong gia đình. Một người không hiểu chuyện đã kết luận anh là người keo bẩn. Thực tế, có chuyện đó là vì người vợ chơi số đề. Tất cả tiền bạc được lấy ra phục vụ cho việc chơi đề. Trong cái duyên như vậy, anh bắt buộc phải nắm tiền bạc và phân bố chi tiêu trong gia đình để tránh tình trạng thất thoát do việc tham đề của vợ sinh ra. Nếu lấy một hiện tượng thấy được trong nhất thời quy kết thành tánh cố định của một người bất chấp nhân duyên, gọi là Tự tánh vọng tưởng.

Nếu có cái nhìn nhân duyên, là biết mọi hình tướng xuất hiện đều có nhân duyên thì chúng ta không vướng vào loại Tự tánh vọng tưởng này.

- Chúng sinh không có tánh cố định, nhưng gắn tánh cố định cho pháp thì gọi là Tự tánh vọng tưởng.

Chúng sinh là một hợp thể có rất nhiều loại chủng tử trong tạng thức. Xấu có, tốt có, không xấu không tốt cũng có. Dù khi còn ở dạng chủng tử trong tạng thức thì nó mang tính vô ký. Nhưng đủ duyên hiện hình thì tốt xấu phân minh.

Chủng tử nào đủ duyên sẽ hiện hành. Đủ duyên, là khi gặp trúng hoàn cảnh, trúng con người v.v… giúp cái chủng đó hiện khởi. Đây là lý do vì sao một người lương thiện vẫn có thể có những hành vi bất thiện. Một kẻ bất thiện có khi vẫn có các hành vi thiện, là do chủng tử ẩn trong tàng thức đủ duyên hiện hành hay chưa. Đó là quy luật hiện hành của tâm. Vấn đề xảy ra là do cái tưởng của mình. Mình hay quy nạp các hiện tướng đang có, rồi lấy các hiện tướng đó làm tánh của các pháp, pháp trở thành luôn là vậy, sai lầm mới xuất hiện.

Cho nên, người tốt với người này không hẳn đã tốt với người kia, người xấu vào lúc này không hẳn đã xấu vào lúc khác, người mình cho là tốt không hẳn đã là người hoàn toàn tốt v.v… Mọi thứ đều tùy duyên. Tùy duyên thì không tánh. Với cái nhìn duyên khởi như thế, chúng ta ít bỡ ngỡ đối với các việc ở thế gian, cũng ít sai lầm khi đánh giá một hiện tượng.

- Chấp thế gian này có thật, rồi đi tìm hạt cơ bản sinh ra thế giới này, tức cho vật chất có cội gốc riêng của nó, cũng thuộc loại Tự tánh vọng tưởng nói đây.

6- Nhân vọng tưởng

Nhân vọng tưởng, là những vọng tưởng có liên quan đến phần nhân duyên. Kinh nói: “Hoặc nhân hoặc duyên phân biệt có không, nên nhân tướng sinh, ấy gọi là nhân vọng tưởng”. Ngài Hàm Thị bàn rằng: “Đối với nhân duyên, khởi phân biệt có nhân tướng, không nhân tướng, nhân này thì duyên này, nhân kia thì duyên kia…”. Nghĩa là, do sự chấp thủ mà cảnh giới vọng tưởng trở thành như thật với chúng sinh. Trên cái như thật ấy lại khởi phân biệt tìm nhân, tìm duyên v.v… khiến vọng tưởng thêm tương tục, sự chấp thủ càng kiên cố.

Nhân duyên hay duyên khởi tuy là thực lý ở thế gian, tức không pháp nào không hình thành và hoại diệt theo duyên, nhưng nếu chấp vào đó cho là thật, thì không thể nào nhận lại được chân thể thanh tịnh. Như mu bàn tay với lòng bàn tay, nếu chỉ nhìn thấy mu bàn tay và cho đó là tất cả bàn tay, thì không còn cơ hội thấy được lòng bàn tay.

Hiện tượng chỉ là mặt biểu hiện của một chân thể thanh tịnh thông qua nhân duyên và nhân quả. Không chấp vào mặt hiện tượng thì mới có khả năng nhận ra mặt chân thể sẵn đủ trong mỗi người. Còn đã chấp vào mặt hiện tượng, tức cho những hiện tướng đó là thật, rồi y đó mà nảy sinh nhân này quả này, nhân kia quả kia v.v… thì rơi vào Nhân vọng tưởng nói đây.

Như hiện nay, nhân duyên nhân quả được ứng dụng khá tốt trong nhiều lãnh vực. Từ trồng trọt, chăn nuôi, pháp luật, giáo dục v.v… Do nắm được mặt nhân duyên này của pháp, nên nảy sinh việc nhân này sẽ cho ra quả này, nhân kia sẽ cho ra quả kia. Thế giới ngày càng phong phú về mặt vật chất thì cũng có nghĩa là vọng tưởng đang trên đà lừng lẫy. Kỹ thuật biến đổi gien trong công nghệ sinh học là một điển hình. Không chỉ dừng ở mặt biến đổi duyên mà phát triển luôn ở mặt biến đổi nhân. Đà phát triển đó chưa biết sẽ đưa nhân loại về đâu với những thứ như sinh sản vô tính v.v…5. Trung luận có phẩm Phá nhân duyên, là phá sự chấp thủ đối với nhân duyên để chúng ta ý thức chấm dứt loại Nhân vọng tưởng này, thể nhập chân thể rốt ráo.

7- Kiến vọng tưởng

Kiến vọng tưởng, chỉ cho những quan điểm rơi vào nhị biên phân biệt. Kinh luận thường đề cập đến Tứ cú “có, không, không có cũng không không, vừa có cũng vừa không” để nói về loại vọng tưởng này. Cho thế giới này là có, như nghiệp thức của chúng sinh. Cho thế giới này là không, như nghiệp thức của kẻ tu loại định vô tưởng... đều là những dạng của Kiến vọng tưởng.

Thô hơn chút là quan điểm sống của chúng ta. Nó được rút ra từ việc quy nạp các kinh nghiệm trong đời sống của mình.

Một người đến đâu, thấy cũng phải có tiền mới được việc ngay cả khi vào chùa, liền hình thành quan niệm “Tiền là tất cả. Chỉ cần có tiền là có tất cả”. Đó là một loại Kiến vọng tưởng, thuộc ác kiến. Sao gọi là ác kiến? Vì nó được hình thành do quy nạp các hiện tượng từ lòng tham của con người, không phát xuất từ lý thật. Một quan niệm như thế sẽ là tiền đề cho các ác nghiệp về sau, nên gọi là ác kiến.

Người có cái nhìn tương ưng với lý thật ở thế gian thì biết phước và trí mới là cái quyết định tất cả. Hình thành nên cái thấy như vậy cũng là một loại Kiến vọng tưởng, nhưng loại vọng tưởng này thuộc thiện kiến. Vì nó tương ưng với lý chân thật, và là tiền đề giúp người hành thiện trong hiện tại và tương lai.

Người nông dân, có cái nhìn của người nông dân. Người tri thức, có cái nhìn của người tri thức v.v... Tất cả đều bắt nguồn từ việc huân tập học hỏi và kinh nghiệm trong quá khứ.

Tất cả đều do huân tập chấp thủ mà có, không có chất thật, không huân tập nữa thì mất, nên nói vọng tưởng.

Hệ quả là…

1- Sản sinh ra nhiều cái thấy khác nhau. Do loại Kiến vọng tưởng này mà trên cùng một hiện tượng, lại có nhiều cái nhìn khác nhau. Người thấy thế này, kẻ thấy thế kia.

Các tự viện hay thiền thất ở Nhật Bản thường có lệ là thiền khách nào muốn qua đêm tại đó thì phải đủ trí thắng được thiền chủ. Trong một thiền thất kia có hai vị, sư huynh là người có trí tuệ, nhưng sư đệ thì căn tánh không được lanh lợi, lại bị chột một mắt. Vì vậy, ông ít khi ra ngoài tiếp khách, chỉ loanh quanh trong bếp trong vườn là chính.

Một lần, sư huynh vừa ra khỏi cửa thì có một thiền khách đến vấn thiền. Lão đệ dù muốn hay không cũng phải tiếp khách. Biết mình không có trí, nên chủ trương dùng tay nói chuyện là chính.

Thiền khách vừa ngồi xuống liền đưa một ngón tay lên.

Sư đệ thấy vậy, đưa lên hai ngón.

Thiền khách liền đưa lên ba ngón.

Sư đệ nắm tay lại đấm vào mặt thiền khách.

Thiền khách lập tức đứng dậy bỏ đi.

Ra đến cổng, thiền khách gặp vị sư huynh. Ông báo là mình đã thua cuộc và không ngớt lời khen vị sư đệ.

Sư huynh hỏi việc, thiền khách trả lời: “Tôi đưa một ngón tay lên, ý nói Đức Phật độc tôn. Sư đệ thầy thấy vậy liền đưa ra hai ngón tay, ý nói ngoài Phật còn có pháp. Tôi liền đưa ba ngón tay, muốn nói ngoài Phật và Pháp còn có hàng đệ tử Phật. Sư đệ thầy thấy vậy liền đấm vào mặt tôi, muốn nói rằng cả ba đều khởi từ nhất thể. Tôi thua nên đứng dậy đi”. Sư huynh nghe xong, bước vào thiền thất.

Vừa vào thiền thất đã thấy sư đệ chạy tới, bực bội: “Lúc nãy có một thầy dở hơi hết sức. Vừa ngồi xuống đã chế giễu việc chột mắt của đệ. Nhưng đệ nhịn, vẫn đưa ra hai ngón tay, ý muốn nói thầy có phước nên đủ hai mắt. Không ngờ thầy ta vẫn không buông tha đệ, đưa ra ba ngón tay muốn nhấn mạnh dù có thầy đi nữa thì cộng lại cũng chỉ mới ba. Đệ tức quá tính đấm vào mặt thầy thì thầy đã đứng dậy bỏ đi”6.

Đồng căn đồng khí thì thấy như nhau. Không đồng căn đồng khí thì thấy khác nhau. Thế gian này trở thành muôn màu muôn vẻ là vậy.

2- Nhìn sự vật không còn đúng như chính nó. Người đời thường nói: “Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy người trộm búa”. Chúng ta thường nhìn thế giới qua lăng kính của chính mình, ít nhìn thế giới đúng như chính nó. Kiến vọng tưởng chính là thứ trợ duyên đắc lực cho Tướng vọng tưởng.

Tô Đông Pha là bạn của Thiền sư Phật Ấn. Một lần Tô Đông Pha hỏi Thiền sư Phật Ấn:

- Thầy thấy tôi ngồi thiền thế nào.

Phật Ấn trả lời:

- Như Phật.

Phật Ấn hỏi ngược lại.

- Ông thấy tôi ngồi thiền thế nào?

Tô Đông Pha trả lời:

- Như đống phân bò.

Trả lời xong, hý hửng mang về khoe với em gái mình.

Tô tiểu muội là người am hiểu thiền pháp, lắc đầu trả lời:

- Tâm thầy như tâm Phật thành nhìn anh ngồi như Phật. Tâm anh như đống phân bò nên nhìn thầy ngồi như đống phân bò.

Câu chuyện cho thấy phần Kiến vọng tưởng trong mỗi người ảnh hưởng đến cảnh như thế nào.

3- Quyết định nghiệp mệnh của con người. Kiến vọng tưởng tuy chỉ là một loại vọng tưởng, nhưng nó lại là thứ có thể quyết định hạnh phúc hay đau khổ của một con người khi chưa đạt quả vị thánh. Triết gia Schopenhauer có một ví dụ khá lý thú cho loại Kiến vọng tưởng này. “Một con khỉ nhìn vào gương, không mong gì có một thiên thần nhìn ra”7. Nó nói lên tầm quan trọng của loại Kiến vọng tưởng đối với nghiệp mệnh của một con người.

Vì ý nghiệp là chủ của thân hành và khẩu hành nên khi ta có những tư kiến phù hợp với chân lý, cuộc sống của ta hạnh phúc. Nếu có những tư kiến đi ngược với chân lý, rơi vào tham-sân-si, cuộc sống của ta sẽ đau khổ. Thành ra, muốn chuyển đau khổ thành hạnh phúc thì phải chuyển cho được loại Kiến vọng tưởng này. Tư kiến chưa chuyển thì khó mà nghiệp mệnh chuyển được. Vì thế, trong Bát chánh đạo, chánh kiến đứng đầu. Đó là việc đầu tiên cần trang bị cho hành trình học đạo của một hành giả tu Phật.

Song dù là cái thấy nào, tương hợp hay không tương hợp với chân lý, thì đối với tự tâm thanh tịnh cũng đều là hư vọng, chỉ do chấp cảnh mà hình thành. Vì thế, muốn thể nhập chân tâm thường trụ thì phải dứt sạch tất cả các loại kiến. Trung đạo là con đường duy nhất thể nhập Đại đạo mà ai cũng phải qua. Chỉ khi ấy, chúng ta mới có khả năng nhìn thế giới này đúng như bản chất của nó.

8- Thành vọng tưởng

Kinh nói: “Tưởng ngã và sở tạo thành luận quyết định, ấy gọi là Thành vọng tưởng”. Là muốn nói đến những luận cứ hay học thuyết mang tính quyết định. Ngã là chỉ cho năng tạo. Sở tạo là chỉ cho các học thuyết mang tính quyết định ấy. Đã nói ngã thì luận thuyết ấy thường mang tính chủ quan. Từ cái chủ quan ấy mà tạo ra các học thuyết thì học thuyết ấy không tránh được sai lầm, nên nói “vọng tưởng”. Như Newton, từng cho rằng không gian là một thực thể độc lập, thời gian cũng là một thực thể độc lập. Nhưng hiện nay, với cái nhìn của Einstein, nó không như vậy nữa.

Kinh luận của Phật giáo không mang tính quyết định mà mang tính tùy duyên. Chỉ là ứng cơ mà hiện, như gặp bệnh cho thuốc. Bệnh hết thuốc cũng bỏ. Bệnh này thì thuốc này. Bệnh kia thì thuốc kia. Vì bệnh của chúng sinh vô biên nên kinh luận trở thành vô số. Đều do ứng cơ mà lập. Lập là tùy duyên, không mang tính quyết định. Cho nên trong kinh Lăng-già, Phật nói: “Tất cả pháp chẳng sinh. Bồ-tát chẳng nên lập tông ấy”. Tất cả pháp chẳng sinh là việc mà ba đời Như Lai đều nói đến, nhưng Phật không cho lập tông. Vì đó là lời nói ứng cho kẻ bất giác, không phải ứng cho kẻ giác. Chỉ vì muốn chúng sinh lìa các chấp trước nên nói tất cả pháp không sinh. Nếu lập tông chẳng sinh thì sẽ vọng thấy tướng sinh v.v…8.

Một học thuyết, dù có giá trị phục vụ nhân sinh trong hiện tại, cũng chỉ là pháp tùy duyên. Vì bản chất các pháp ở thế giới này là vậy. Tùy duyên, nên nó có thể mang lại lợi ích cho nhân sinh vào lúc này mà chưa hẳn đã mang lại lợi ích cho nhân sinh vào lúc khác. Hiểu được tính duyên khởi này của pháp thì chúng ta sẽ không có tư tưởng cố định trong việc dùng pháp. Nhưng dù là quyết định hay không quyết định thì bản chất của các luận thuyết đều là hư vọng. Phật pháp nếu chấp trước còn được gọi là Sở thuyết sự vọng tưởng, huống là các học thuyết ở đời mà đôi khi chỉ mang tính giả thuyết.

9- Sinh vọng tưởng

Đây là chỗ chấp của ngoại đạo. Cho là tất cả pháp, có hay không đều là duyên sinh, nhưng duyên có thì hiện, duyên không thì không, không có nhân quả. Cái chấp này là một loại vọng tưởng, vì nó trái với lý thật chi phối thế giới này. Do chấp vào tướng sinh của các pháp mà hình thành, nên nói Sinh vọng tưởng.

10- Bất sinh vọng tưởng

Hàng ngoại đạo này cho rằng “Tất cả tánh vốn không sinh, không có chủng tử nhân duyên, thể sinh là vô nhân”. Ngài Hàm Thị giải thích như vầy: “Tất cả pháp không có nhân sinh, không do duyên khởi, như cò nhất định trắng, quạ nhất định đen, bỗng nhiên mà hiện, không có tánh sinh”. Tức cho pháp nào có tánh nhất định của pháp đó, không có sự thay đổi, không do nhân duyên mà thành. Cái nhìn này, đối với thời đại bây giờ, không phải là cái nhìn chính xác. Bởi thời này, không giải quyết nào không đặt nền tảng trên nhân và duyên. Thứ gì cũng có khả năng thay đổi được. Ngành công nghệ sinh học hiện nay, không chỉ thay đổi duyên để quả được sai khác, mà còn có thể tác động trực tiếp vào nhân để thay đổi quả theo chiều hướng mong muốn của họ.

Luận sâu hơn, nếu không có chủng tử nhân duyên thì do đâu từ cái “vốn không sinh” đó lại có thể sinh ra vô vàn thế giới như hiện nay? Nếu không có nhân duyên thì dựa vào đâu để giải thích sự sai biệt ở loài người cho đến muôn vật trong thế giới này? Và nếu không có sự thay đổi thì phàm phu không thể thành thánh nhân, từ chỗ sinh khởi như hiện nay không thể một lần trở về chỗ “vốn không sinh” để rồi chấp trước vào đó, mà lập thành loại vọng tưởng bất sinh này. Cho nên, sinh hay không sinh là cái thấy tùy duyên, không thể lập tông. Thấy thì không lỗi mà lỗi ở chỗ lập tông. Lập tông thì tướng tùy duyên không thật liền thành chân thật. Nhưng chỗ chân thật thì không thuộc sinh cũng không thuộc bất sinh, lìa tứ cú, tuyệt bách phi.

11- Tương tục vọng tưởng

Kinh nói: “Tương tục vọng tưởng là kia đồng tương tục, như kim với chỉ, ấy gọi là tương tục vọng tưởng”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Tất cả pháp do hòa hợp mà thành. Như không và sắc, như bình và đất với nước. Bởi lệ thuộc bởi nhau mà thành tất cả pháp”. Là nói đến tính duyên khởi của pháp. Do duyên khởi mà có tương tục. Đây là cái nhìn không trái với chân lý. Nhưng nếu chấp vào đó cho là chân lý thì Phật gọi là Tương tục vọng tưởng, là loại vọng tưởng được hình thành do chấp vào mặt tương tục của pháp mà ra. Cái tương tục ấy, chỉ là mặt hiện tượng của một tánh thể không. Chính vì thể ấy không, mới cho phép các pháp theo duyên mà hiển tướng tương tục.

12- Buộc không buộc vọng tưởng

Kinh nói: “Chấp trước nhân duyên buộc cùng không buộc như sĩ phu dùng phương tiện hoặc buộc hoặc mở, ấy gọi là buộc không buộc vọng tưởng”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Có năng buộc thì có sở buộc. Buộc hay mở là do ta. Sức chấp phương tiện mà sinh phân biệt”. Phương tiện lập nên là tùy căn cơ chúng sinh. Có buộc thì mới có giải. Không buộc thì cũng không giải. Tức phương tiện không có chất thật, chỉ tùy duyên mà hiển, hết duyên liền không.

Trong việc tu hành, có hành giả cần đến phương tiện mà có hành giả không cần đến phương tiện. Không cần mà dùng thì liền thành trói buộc. Như Trúc Lâm Đại Đầu Đà hỏi Tuệ Trung thượng sĩ về việc nhẫn nhục và giữ giới. Tuệ Trung thượng sĩ trả lời: “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước…”. Không phải ai tu hành cũng đều phải nhẫn nhục và giữ giới. Với người tham sân còn nhiều thì cần phương tiện nhẫn nhục và giữ giới. Nhưng với người mà nhẫn nhục và giữ giới đã thuần, tham sân không cần đối trị nữa, mà cứ duy trì hai pháp đó thì như đi thuyền, muốn lên bờ mà vác thuyền theo, không thể nào lên bờ. Tâm chân thật vô trụ, còn trụ pháp nào thì còn tự buộc mình vào pháp ấy, không thể nhập chỗ vô trụ được. Cho nên đối với phương tiện mà chấp thì Phật gọi là Buộc không buộc vọng tưởng.

Kết luận

Trên đây là 12 loại vọng tưởng được nói trong kinh Lăng-già. Người vô trí không biết nên theo đó mà chấp trước. Kẻ có trí thì hiểu đó mà trừ đoạn. Kinh nói: “Người giác tự tâm hiện chẳng nên ở đó mà khởi tưởng có, không, khác, chẳng khác…”. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Mê duyên khởi thì thành Biến kế. Đạt Duyên khởi tức là Viên thành”. Cùng là Y tha khởi, chỉ do mê và ngộ mà thành khác đường. Mê thì thành Biến kế. Ngộ thì hay Viên thành.

Chân Hiền Tâm

_______________

(1) Kinh Lăng-già tâm ấn. Đại sư Hàm Thị trực giải. HT.Thanh Từ dịch và chú.

(2) Kinh Lăng-già tâm ấn. Đại sư Hàm Thị trực giải. HT.Thanh Từ dịch và chú.

(3) Hương Nghiêm Trí Nhàn. Thiền sư Trung Hoa tập II. HT.Thanh Từ soạn dịch.

(4) Kinh Angulimala - kinh Trung bộ tập II.

(5) Francis Fukuyama. Tương lai hậu nhân loại. Hà Hải Châu biên dịch.

(6) Tranh biện để được tạm trú - 101 câu chuyện thiền (Góp nhặt cát đá - Thiền sư Vô Trú). Trần Trúc Lâm Việt dịch.

(7) Schopenhauer. Câu chuyện triết học. Bửu Đích và Trí Hải biên dịch.

(8) Lời trực giải của Đại sư Hàm Thị trong Lăng-già tâm ấn. HT.Thanh Từ dịch và chú.

Đức vua Phật tử Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà

Đức vua Phật tử Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà

Đăng lúc: 21:43 - 14/10/2016

Theo thông báo của Hoàng gia Thái Lan chiều tối 13-10, Đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej (Rama IX) đã băng hà lúc 15 giờ 52 phút hôm nay 13-10 sau thời gian bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện Sirijai.

IMG_0361.JPG
Đức vua Thái Lan là một Phật tử thuần thành

"Quốc vương phải điều trị ở bệnh viện Siriraj kể từ ngày 3-10-2014 đến nay. Dù được các bác sĩ nỗ lực chăm sóc nhưng bệnh tình quốc vương trở nặng và ngài đã băng hà trong yên bình lúc 15 giờ 52 phút chiều 13-10, hưởng thọ 89 tuổi, trị vì 70 năm", báo chí dẫn thông tin từ Hoàng gia Thái Lan đưa tin.
Vị vua Bhumibol có thời gian ở ngôi lâu dài nhất trong lịch sử Thái Lan, hơn 70 năm, ngài là một Phật tử thuần thành, từng xuất gia trở thành tu sĩ có thời hạn theo truyền thống văn hóa Thái Lan, ngài được nhân dân kính ngưỡng, yêu quý bởi đời sống gần gũi, đạo đức, trí tuệ và công bằng.

2td.jpg
Ngài có thời gian xuất gia theo truyền thống văn hóa Thái Lan

Trong biến cố chính trị trước đây ở Thái Lan đưa đến việc dân chúng biểu tình đòi thủ tướng Thaksin Shinawatra từ chức, ông Thaksin Shinawatra đã tố cáo những người chống ông là "chỉ trích vua". Liền sau đó, Đức vua Bhumibol Adulyadej đã phản ứng, ngài xác quyết: "Nói rằng không được chỉ trích vua là nhục mạ nền quân chủ. Chính vua mong muốn nghe nhiều hơn nữa những lời chỉ trích." Câu nói nổi tiếng ấy được báo chí đưa tin khắp thế giới. (Francis Deron, Roi et citoyen, Le Monde 7-6-2006).

Đức vua Bhumibol Adulyadej có một vai trò rất lớn đối với đất nước Thái Lan, cũng chính bởi thái độ đó nên ngài luôn được nhân dân Thái yêu quý.

Đức vua Bhumibol Adulyadej sinh ngày 5-12-1927 tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) khi thân phụ ngài đang theo học ngành y tại Đại học Harvard. Sau đó, ngài trải qua tuổi thơ ấu và giai đoạn trưởng thành đầu tiên ở Thụy Sĩ, học tập và lấy bằng cử nhân Luật và Khoa học Chính trị của Đại học Lausanne.

s3.reutersmedia.net.jpg
Ngài là một vị vua được mọi tầng lớp nhân dân thái yêu kính

Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi ngày 9-6-1946, kế vị anh trai là vua Ananda Mahidol và tại vì từ đó đến nay.

Đức vua Bhumibol Adulyadej cùng Hoàng hậu Sirikit Kityakara hạ sinh được 4 người con, trong đó có một hoàng tử. Đối với người dân Thái Lan, Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua đáng kính, người đã cống hiến trọn đời mình cho nhân dân và dân tộc Thái. Trong suốt 70 năm tại vị, ngài đã đi khắp đất nước, đặc biệt quan tâm những vùng nghèo xa xôi nơi người dân sống trong đói khổ.

vua-4_ztaa_jpg_width_485_amp;encoder_wic_amp;subsampling_444.jpg
Suốt 70 ở ngôi, ngài luôn quan tâm tới đời sống của người dân nghèo
Ngài đồng thời chủ trương hơn 2.000 dự án về lương thực, dinh dưỡng đã làm thay đổi chất lượng sống của nông dân nghèo. Ở Thái Lan, đi đâu cũng thấy hình ảnh của ngài, nhà nào hầu như cũng treo hình ngài như một biểu tượng của đạo đức và lòng nhân ái, từ bi rộng lớn của một vị thánh.

Giác Ngộ online xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về Đức vua lúc ngài xuất gia trở thành tu sĩ theo truyền thống văn hóa Vương quốc Thái Lan.

thailandnews_201310269271970_ARNuvFQEfAOTfCuiUtZeVRYtWHHPUofiDSAsZiUc_jpeg.jpg

1308582679.jpg

IMG_2372.JPG

monk-king-bhumibol.jpg

Princess_Sri_Sangwal_and_Monk-King_Bhumibol_)1.JPG

Diệu Nghiêm tổng hợp

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Chết do tai nạn sẽ tái sinh về đâu?

Đăng lúc: 21:51 - 30/09/2016

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết.



Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigroda. Rồi Mahànàma đi đến, sau khi đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, rất phồn vinh, dân cư đông đúc, quần chúng chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy, con gặp con ngựa cuồng chạy, con gặp người cuồng chạy, con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy, con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật,Pháp và Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sinh thú của con là gì, sinh xứ đời sau là chỗ nào?

Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với những ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về thí xả, về trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè vì chìm xuống nước nhưng dầu thì nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, với ai đã lâu ngày tâm được tu tập trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày
trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA 343
(ÐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm Saranàri,
phần Mahànàma [1], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.539)

LỜI BÀN:
Cuộc sống của con người luôn đồng hành với vô vàn biến động, bất trắc. Thiên tai, địch họa, bệnh tật cùng với các tai nạn lao động, giao thông, hỏa hoạn… từng phút, từng giây đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Thân người thật mong manh, dễ vỡ, dù thận trọng đến mấy thì không ai dám xác quyết rằng ta sẽ an toàn trong những giây phút tiếp theo.

Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết. Ðối với người ít tu tập thì chính điều này đã tạo ra cận tử nghiệp bất thiện, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sinh.

Tuy nhiên, theo tuệ giác của Thế Tôn, những ai đã tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì dẫu bị hoang mang, không giữ vững chánh niệm trước lúc chết do tai nạn quá bất ngờ nhưng với nền tảng tu tập vững chắc, trọn vẹn đối với các thiện pháp, nhờ thiện nghiệp sâu dày sẽ giúp họ đi đến chỗ thù thắng, tái sinh vào cõi lành, không hề bị đọa lạc.

Sinh thuận, tử an là một phước báo lớn của con người. Một khi chưa biết nghiệp duyên của mình sẽ chết bình an hay bất an thì hãy cố gắng tu tập các thiện pháp. Sự chuẩn bị này sẽ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cho đời sống hiện tại và cả những cái chết bất ngờ, nếu có, ở tương lai.

Quảng Tánh

Có nên cho trẻ nhỏ quy y?

Có nên cho trẻ nhỏ quy y?

Đăng lúc: 16:33 - 20/07/2016

HỎI: Hiện tôi thấy nhiều bậc cha mẹ cho con cái quy y Tam bảo rất sớm, mới 1 hoặc 2 tuổi đã quy y. Tôi nghĩ, người quy y Tam bảo thì phải hiểu ý nghĩa quy y, phải hiểu về ngũ giới, mà trẻ em làm sao hiểu được điều đó? Và những bé quy y từ nhỏ, khi lớn lên hiểu biết về quy y Tam bảo cùng ngũ giới thì có cần quy y và phát nguyện giữ giới lại không?

(PHẠM LONG, long_p97@yahoo.com.vn)

- Quy y mà không thọ giới được không?
- Quy y một lần là đủ
- Mẫu phái quy y Tam-bảo
ĐÁP: Bạn Phạm Long thân mến!
Vấn đề quy y Tam bảo cho trẻ nhỏ, thậm chí khi còn trong thai đã có từ thời Đức Phật. Kinh Trung bộ II (kinh Vương tử Bồ-đề, số 85) đã ghi lại chi tiết vấn đề này.

Theo kinh văn, lúc Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bồ-đề (Bodhi) có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta đi đến chỗ Thế Tôn, mời Ngài ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo tại lâu đài Kokanada.

Thế Tôn nhận lời và ngày mai đi đến lâu đài của vương tử Bồ-đề thọ trai. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vương tử Bồ-đề đã nói: “Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay!” nhưng vương tử không nói thêm “Tôi quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng” như thông thường đối với những người khác.

Thanh niên Sanjikaputta đã nhắc lại điều này, nhân đó, vương tử Bồ-đề đã giải thích cho Sanjikaputta rõ: “Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng’.

Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, vương tử Bồ-đề nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng’. Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.

Như vậy, quy y cho trẻ lúc còn mang thai hay khi còn thơ ấu là điều cần làm. Tuy bấy giờ trẻ chưa nhận thức mấy về ý nghĩa quy y nhưng gia đình đã gieo trồng được hạt giống lành vào tâm thức con trẻ đồng thời đứa trẻ cũng nhận được năng lượng bi mẫn gia hộ của Tam bảo. Sự kết nối và giao cảm tâm linh sơ khai ấy đã được Đức Phật chấp nhận.

Cần thấy rõ rằng, lễ quy y Tam bảo và trao truyền năm giới tuy được thực hiện chung nhưng kỳ thực đó là hai vấn đề khác biệt nhau. Người quy y Tam bảo có thể chưa thọ giới hay thọ từ một đến hết cả năm giới. Nên trong trường hợp quy y cho trẻ nhỏ thì chỉ có quy y mà không thọ giới. Và dĩ nhiên, sau khi đứa trẻ đó lớn lên trong sự gia hộ của Tam bảo, nhận thức được sự cao quý của giáo pháp, cần đối trước Tam bảo phát tâm quy y và nguyện giữ năm giới. Cũng giống như vương tử Bồ-đề, lúc còn trong bào thai đã được mẹ cho quy y, rồi tuổi thơ được cho quy y thêm lần nữa, khi trưởng thành nhận thức được giáo pháp, chính vương tử đã phát tâm quy y Tam bảo.

Chúc bạn tinh tấn!

Nhiên Như - Quảng Tánh

6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

Đăng lúc: 13:40 - 04/07/2016

Dưới đây là 6 điều đừng bao giờ hiểu lầm về đạo Phật tránh mất hết phúc báo

Đức Phật không có thật

Trong tâm thức tâm linh của nhiều người Việt, Đức Phật giống như các vị thần thánh khác, là đấng siêu nhiên không tồn tại hữu hình. Nhưng nếu tìm hiểu Phật giáo, là một tín đồ của Phật giáo, thì chắc hẳn không thể không biết, Đức Phật vốn xuất thân là một người trần mắt thịt.

Trải qua quá trình tu luyện, Người trở thành Phật và đi truyền đạo khắp nơi, cứu khổ chúng sinh. Đời sau để tưởng nhớ công đức và tôn vinh những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà Ngài mang lại nên thờ cúng.

Cầu Phật xin thứ nọ, thứ kia

Vẫn tồn tại trong một cộng đồng người quan điểm Phật là đấng tối cao ban phước lành cho nhân loại. Những người không đi chùa có những suy nghĩ này là có thể chấp nhận được, tuy nhiên với những người đi chùa thường xuyên vẫn tồn tại quan điểm này thì thực sự rất khó hiểu. Họ đi chùa và cầu xin đủ thứ . Họ cầu sức khỏe, cầu giàu sang, cầu gia đình ấm êm hạnh phúc, cầu con cái công thành danh toại. Họ cúng vài trái cam, đôi nải chuối, vài trăm nghìn…và tự cho rằng mình đã đủ thành tâm để trời Phật phù hộ cho nhiều điều.

Cũng rất nhiều người khác, muốn có đời sống bình an, năng đi chùa lễ Phật, lập bàn thờ Phật tại nhà và nghĩ rằng như thế sẽ được thần Phật phù hộ suốt đời, đến khi thác đi chắc chắn sẽ về cõi cực lạc. Họ bỏ qua những trần trụi của cuộc đời, bỏ qua những giáo lý nhân quả của Phật để rồi kiến tạo nên một kiểu sống lệch lạc sai lầm, tự cho mình cái quyền sống ung dung tự tại với tất cả, coi thường tất cả vì đã có Phật “chống đỡ” đằng sau. Tuy nhiên, nên nhớ rằng Phật dạy muốn có quả ngọt lành thì gieo nhân hạt thơm tho. Đừng mong gieo hạt ớt mà gặt trái chanh. Cuộc sống vô thường nhưng nhân quả báo ứng liên hồi, tiền kiếp hậu kiếp xấu tốt nhục vinh cơ bản cũng bởi cách sống mỗi người mà ra.

Điều này có nghĩa là, phước lành của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không phải do Phật ban phước mà chính từ những nhân mà chúng ta gieo ở đời, họa hay phước sẽ từ đó mà ra vậy.

Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật

Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Đi tu là phải ăn chay

Đây là một trong nhiều ám ảnh của những người bước đầu tìm hiểu về Phật giáo. Họ không cưỡng lại được ham muốn ăn mặn của mình và cảm thấy ăn chay khi đi tu thật sự là một điều kinh khủng. Tuy nhiên, Phật giáo không bắt buộc con người ta ăn chay. Ăn được là tốt, nhưng nếu không ăn chay được thì nên hạn chế sát sinh.

Còn nhớ, ngày xưa khi chưa có điều kiện ăn chay, Phật đi khất thực và ăn những gì được cho, đôi khi vẫn ăn mặn vì dân chúng cho đồ mặn và đó không phải là điều tội lỗi. Ăn chay nhưng không hành thiện, ăn chay nhưng vẫn giữ những sân hận trong lòng, đối đãi với người trên bằng sự bất kính, đối đãi với người dưới bằng sự thị uy khinh miệt, thì đó cũng không bằng ăn mặn mà nhân từ hiền hậu, sống thiện tâm hiền lành.

Phật có toàn quyền quyết định số phận con người

Quan niệm này lý giải cho những việc hành mê tín dị đoan trong cộng đồng người Việt hiện nay. Họ cho rằng số phận của mình được quyết định bởi những đấng thần linh tối cao như Chúa, Thượng đế, Phật…chính vì vậy họ luôn sống trong một niềm nghi ngờ về tất cả những biến cố đến với mình, coi như đó là sự an bài và có thế nào cũng không thoát được số kiếp đó. Từ đó, một đại bộ phận người đã lợi dụng tâm lý này để hành nghề mê tín dị đoan, khiến cho đạo Phật có những hình thức biến thể không giống như giáo lý chính thống.

Đạo Phật chỉ dành cho người già

Tâm linh thì không có tuổi, tôn giáo thì không phân biệt người. Phật giáo là chỗ dựa về tinh thần cho tất cả những ai đang muốn đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Dù đang còn trẻ hay tuổi đã xế chiều thì Phật giáo cũng đều mang đến cho bạn những kiến thức, những bài học, những kinh nghiệm và triết lý sống đơn giản nhưng ý nghĩa.

Câu chuyện Phật giáo: Tại sao làm việc ác lại không bị ác báo?

Câu chuyện Phật giáo: Tại sao làm việc ác lại không bị ác báo?

Đăng lúc: 19:36 - 25/04/2016

Có nhiều người không hiểu rõ rằng tại sao làm việc ác lại không bị ác báo, thậm chí họ còn kiếm được rất nhiều tiền. Ví dụ, làm những nghề sát sinh như: đồ tể…

Đệ tử hỏi Phật

Phật Đà từng có lần đi tới một nơi mà ở đó chỉ toàn là bụi đất, không có một cây cối nào sinh sống. Ông kể với vị đệ tử đi theo mình rằng, nơi đây trước kia rất giàu có, nhưng quốc vương là một người vô đạo. Một hôm, ông ta đã giết một vị chứng đắc quả vị A La Hán. Sau khi ông ta giết vị A La Hán rồi, trên trời đã thả xuống rất nhiều vàng bạc châu báu liên tiếp trong bảy ngày liền. Tất cả dân chúng đất nước đều như điên cuồng. Nhưng sau 7 ngày thì trên trời liền thả xuống toàn là bùn đất khiến cho cả đất nước đều bị vùi lấp.

Nguyên lai lúc đầu trên trời cho thả xuống vàng bạc châu báu là bởi vì vị quốc vương này có phúc báo. Bởi vì ông ta có phúc báo che chở cho nên ác nghiệp kia không có cách nào hiện ra trước. Trời thả vàng bạc châu báu xuống là để cho ông ta hưởng hết phúc báo. Sau khi đã không còn phúc báo che chở nữa, ác nghiệp liền lập tức hiện ra chính là lúc trời thả bùn đất xuống.

Người làm việc ác chưa bị báo ứng là vì còn chưa hưởng hết phúc báo, một khi phúc báo đã hưởng hết thì nghiệp báo lập tức xuất hiện.



Có người kinh doanh ngành nghề sát sinh mà kiếm tiền, số tiền này kỳ thực là phúc báo ở trong mệnh của họ. Dù họ cũng có thể thông qua các cách khác để kiếm tiền, ví như gửi tiền ngân hàng để lấy lãi…, nhưng họ đã dùng sai phương pháp kiếm tiền. Số tiền đã kiếm được kia đợi hưởng thụ xong rồi thì ác báo của giết nghiệp kia sẽ tới.

Người xưa giảng “có phúc báo không thể hưởng thụ hết”, lúc có phúc báo càng phải làm việc thiện, làm việc có đức, dùng âm đức để đền bù cho những việc làm sai trái trong quá khứ, chứ không phải là chỉ biết hưởng thụ phúc báo. Nếu như phúc báo kia một khi hưởng hết rồi, bị rớt xuống rồi thì mong muốn bồi đắp phúc báo là việc không hề dễ dàng.

Trong “địa tạng kinh” có giảng, con người một khi đã rơi vào “tam ác đạo” (ba đường là địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ) rồi, thì sẽ ở trong tam ác đạo mà luân chuyển, vào địa ngục làm quỷ đói, sau khi làm quỷ đói rồi lại làm súc sinh, sau khi làm súc sinh mới được làm người. Vậy sau khi làm người rồi, không có phúc báo, nghèo khó thấp hèn, không có cách nào bồi dưỡng phúc báo, rồi lại rớt xuống, điều này rất đáng thương.

Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.

Ác hữu ác báo, chỉ là thời điểm chưa tới mà thôi! Những lời này bạn có tin không?

Theo Đại Kỷ Nguyên

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh

Đăng lúc: 20:29 - 19/04/2016

Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định 1742 ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư các hạng mục công trình văn hóa tại Danh thắng Yên Tử, khu di tích nhà Trần Đông Triều, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, bằng nguồn vốn xã hội hóa lên đến hàng trăm tỷ đồng, đến nay các công trình sau khi được trùng tu, tôn tạo đã phát huy giá trị văn hóa, trở thành điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, tạo nguồn thu ngân sách.

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa công trình văn hóa tâm linh Danh thắng Yên Tử sẽ được GHPGVN tỉnh Quảng Ninh triển khai các công trình văn hóa tâm linh
Các công trình mà UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư gồm: Chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Một Mái, chùa Hoa Yên, các công trình am tháp, mắt Rồng... với tổng số vốn các hạng mục công trình lên đến hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, chùa Ngọa Vân vừa khánh thành giai đoạn 1 với số vốn trên 90 tỷ đồng; chùa Một Mái trung tu tôn tạo trên 25 tỷ đồng; chùa Hoa Yên trên 80 tỷ đồng; khởi công xây dựng mới chùa Quỳnh trị giá hàng trăm tỷ đồng...

Sau khi hoàn thành các công trình đã thu hút lượng khách du lịch lên đến vài triệu lượt/năm, trong đó phải kể đến khu Danh thắng Yên Tử, chùa Ngọa Vân tại Đông Triều với các điểm nhấn là Chùa Đồng, tượng Phật hoàng và khu am tháp.


Khu mắt Rồng, am tháp tại Yên Tử - điểm dừng chân chiêm bái của nhiều du khách

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, nhờ biết phát huy được nguồn vốn xã hội hóa mà Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử đã làm nhiều công trình có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Kinh nghiệm của Yên Tử trong việc huy động xã hội hóa, là công khai, minh bạch và sử dụng đồng tiền của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp đúng mục đích, xây dựng các công trình đảm bảo về chất lượng và cảnh quan. Điều đáng nói, đối với các công trình mang tính tâm linh, thì Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư mới phát huy được nguồn lực xã hội hóa có hiệu quả.


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa
Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) cả cuộc đời gắn bó với Danh thắng Yên Tử nói: Trước đây, dân chúng tôi chỉ biết đi rừng, đào của mài, cả sắn để có bữa cơm đạm bạc. Từ năm 2006 đến nay, các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí cùng với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, huy động nguồn lưc xã hội hóa để làm các công trình tại Yên Tử như: Chùa Đông, tượng Phật hoàng, chùa Hoa Yên, Một Mái, am tháp... Vì vậy, Yên Tử đã thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, lễ bái. Từ đó, người dân chúng tôi phát triển được kinh tế gia đình bằng kinh doanh các mặt hàng phục vụ du khách nên cuộc sống nơi đây đã thay da, đổi thịt.

Cùng với các hạng mục đã được triển khai, trước lễ Phật đản năm nay, tại Danh thắng Yên Tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tiếp tục thực hiện chủ đầu tư các công trình hạng mục tâm linh, điển hình là Trung tâm khai hội, cung Trúc Lâm, vườn thiền với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bước đầu số tiền đã được các tổ chức doanh nghiệp cá nhân ủng hộ trên 100 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công tình sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi hành hương về Yên Tử - Kinh đô Phật giáo của cả nước. GHPGVN tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ hoàn thành công trình vào kỷ niệm 710 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

“Chúng tôi thấy Quyết định 1742 mà tỉnh giao các công trình văn hóa tâm linh tại 3 khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh cho Giáo hội làm chủ đầu tư là rất hợp lòng dân. Tới đây, khi chúng tôi triển khai các hạng mục tại Yên Tử, ngoài việc tuân thủ các văn bản quy phạm của Nhà nước về quy hoạch, quản lý di sản, chúng tôi tiếp tục huy động tốt nguồn vốn xã hội hóa để đưa công trình sử dụng đúng mục đích, hiệu quả”, Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nói.

Chỉ trong vài năm nữa, sẽ có thêm nhiều công trình văn hóa đậm tính thuần Việt, điểm dừng chân của du khách khi hành hương về Yên Tử. Nơi đây, sẽ tái hiện cuộc đời hành trạng của Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, giới thiệu về những tác phẩm bất hủ của Ngài, tái hiện cuộc sống tu hành của các chư vị Tổ sư thế kỷ thứ 13. Đây là tiền đề để khu Danh thắng Yên Tử trình UNESSCO công nhận di sản văn hóa.

T.Uyên

HT.Thích Trí Quảng dự lễ trà-tỳ Đức Tăng thống Thái Lan

HT.Thích Trí Quảng dự lễ trà-tỳ Đức Tăng thống Thái Lan

Đăng lúc: 22:09 - 17/12/2015

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan – Tướng Prayut Chan-o-cha, ngày 15-12 vừa qua HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN đã đến Thái Lan dự lễ trà-tỳ nhục thân Đức Tăng thống Vương quốc Thái Lan Somdet Phra Nyanasamvara.



Ban Tổ chức đón HT.Thích Trí Quảng trọng thị tại sân bay

Tháp tùng có TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS và ĐĐ.Thích Quang Thạnh, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN.
Nghi lễ trà-tỳ Đức Tăng thống được cử hành trang nghiêm trọng thể vào ngày 16-12, với sự chủ trì của Thái tử Maha Vajiralongkorn, các thành viên Hoàng gia, Hội đồng Tăng-gia tối cao Thái Lan, Chính phủ, cùng sự tham dự của lãnh đạo Phật giáo các nước, đông đảo chư Tăng và dân chúng kính ngưỡng ngài.


Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara

Được biết, Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara đã viên tịch vào ngày 24-10-2013, thọ tròn 100 tuổi. Ngài là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo và là biểu tượng cho giá trị đạo đức, tâm linh của người Thái. Theo phong tục Thái Lan đối với các bậc Tăng thống, sau khi viên tịch, nhục thân của ngài được lưu giữ trong hai năm. Sau đó, nghi thức trà-tỳ mới được cử hành một cách trọng thể theo nghi thức của Hoàng gia.


Thái tử Vương quốc Thái Lan cử hành nghi lễ


Đoàn cung nghinh xá-lợi Đức Tăng thống trên đường phố thủ đô Bangkok





















Cũng trong dịp sang dự lễ trà-tỳ Đức cố Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara, HT.Thích Trí Quảng và các vị tháp tùng đã đến vấn an sức khỏe Trưởng lão HT.Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn, Quyền Tăng thống Hội đồng Tăng-già tối cao Thái Lan, vị sẽ được suy tôn Tăng thống kế nhiệm ngài Somdet Phra Nyanasamvara.


Vấn an sức khỏe Trưởng lão HT.Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn

Tích tài vật không bằng tích phúc báo

Tích tài vật không bằng tích phúc báo

Đăng lúc: 11:07 - 15/12/2015

Phật Giáo Việt Nam - Không có phúc báo thì làm gì cũng không nên, đi xin ăn cũng không có ai cho. Còn nếu có phúc báo, dù đi tới đâu cũng đều có cái ăn, làm ngành nghề gì đều có thể kiếm được tiền.




Nếu con cháu phát đạt, không cần lưu tiền cũng phát đạt. Nếu con cháu không thể phát đạt, lưu tiền chỉ làm bại hoại. Chi bằng, lưu lại phúc đức cho con cháu.
Có một câu chuyện xảy ra tại vương quốc Ba Tư vào thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, kể rằng:

Quốc vương nước Ba Tư có một cô công chúa tên là Thiện Quang. Thiện Quang lớn lên xinh đẹp, đoan trang và rất được dân chúng yêu kính. Quốc vương Ba Tư rất hài lòng về công chúa và ngạo mạn nói: “Con được dân chúng yêu thích là nguyên nhân ở cha, có cha là quốc vương!”

Công chúa Thiện Quang nói: “Thưa cha, đó là nhân duyên phúc đức của con! Không phải có nguyên nhân là ở cha đâu ạ!”

Quốc vương Ba Tư hỏi con gái đến 3 lần liền, nhưng cả ba lần công chúa Thiện Quang đều trả lời như vậy.

Vị vua vô cùng tức giận và đem công chúa gả cho một chàng trai nông dân nghèo khó khổ sở trong vùng, rồi nói với công chúa: “Để ta xem vì con cố gắng hay là vì có cha mà con được như vậy!”

Sau khi công chúa được gả cho chàng trai nghèo, hai vợ chồng họ chăm chỉ, cố gắng làm việc. Chỉ mấy năm sau, họ trở nên giàu có, phú quý.

Bấy giờ vua Ba Tư vô cùng kinh ngạc và liền đến hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni và được trả lời: “Trong quá khứ, công chúa Thiện Quang rất vui vẻ và sẵn lòng đem lương thực đến để nuôi dưỡng những người tu hành. Chồng của Thiện Quang không muốn vợ làm như vậy nên thường ngăn cản nàng. Thiện Quang nói: ‘Thiếp đã phát tâm nguyện nuôi dưỡng người tu hành, chàng đừng ngăn cản thiếp’. Cuối cùng, người chồng cũng đồng ý để nàng làm việc này. Bởi vì, kiếp trước, Thiện Quang có tâm hành thiện như vậy nên kiếp này nàng rất giàu có. Còn chồng nàng bởi vì kiếp trước đã ngăn cản nên kiếp này nghèo khổ. Nhưng sau đó anh ta lại đồng ý nên khi gặp và làm chồng Thiện Quang, anh ta cũng trở nên giàu có”.

Vua Ba Tư nghe xong liền hiểu ra tất cả.

Quả thực người đã có phúc báo, tự nhiên sẽ có tác động đến sự giàu có của gia đình, cho dù được gả cho người nghèo thì cũng sẽ khiến người đó trở nên giàu có. Đây chính là tầm quan trọng của phúc báo.

Đương nhiên cha mẹ giàu có, để lại tài vật và phúc báo cho con cháu, con cháu sẽ được hưởng. Nhưng nếu con cháu không có phúc báo của mình thì tiền hay phúc báo đời trước lưu lại cũng mau chóng mà dùng hết. Cho nên, tự bản thân mỗi người phải tích phúc báo cho mình mới là điều quan trọng. Bởi một người đã có phúc báo thì làm việc gì đều cũng dễ dàng thành công. Trái lại, người không có phúc báo, dù làm việc nhỏ cũng khó khăn, không đủ cái ăn cái mặc, thậm chí đến xin ăn cũng không có ai cho.

Thành tựu của một người là dựa vào trí tuệ và phúc báo. Tuy nhiên, nếu chỉ có trí tuệ mà không có phúc báo thì việc làm ăn cũng khó mà thành công được. Người xưa nói, việc làm ăn buôn bán thì phúc báo là thứ nhất, trí tuệ là thứ hai. Thời cổ đại, Phạm Lãi – một vị tướng tài của Việt vương Câu Tiễn, mỗi lần đi buôn bán phát tài, ông đều đem tiền bố thí cho người nghèo. Bố thí hết tiền cho người nghèo, ông lại dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng rồi lại phát tài. Phạm Lãi trải qua 3 lần như vậy liền. Người Trung Quốc thờ cúng Phạm Lãi là thần tài, chính là vì vậy.

Người xưa có câu: “Nếu con cháu phát đạt, không cần lưu tiền cũng phát đạt. Nếu con cháu không thể phát đạt, lưu tiền chỉ làm bại hoại. Chi bằng, lưu lại phúc đức cho con cháu”. Đây chính là một kinh nghiệm, một đạo lý mà người xưa muốn truyền tải để khuyên bảo người đời sau.

Tại sao người làm việc ác không bị Báo Oán?

Tại sao người làm việc ác không bị Báo Oán?

Đăng lúc: 21:48 - 30/10/2015

Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.
Phật Đà từng có lần đi tới một nơi mà ở đó chỉ toàn là bụi đất, không có một cây cối nào sinh sống. Ông kể với vị đệ tử đi theo mình rằng, nơi đây trước kia rất giàu có, nhưng quốc vương là một người vô đạo. Một hôm, ông ta đã giết một vị chứng đắc quả vị A La Hán. Sau khi ông ta giết vị A La Hán rồi, trên trời đã thả xuống rất nhiều vàng bạc châu báu liên tiếp trong bảy ngày liền. Tất cả dân chúng đất nước đều như điên cuồng. Nhưng sau 7 ngày thì trên trời liền thả xuống toàn là bùn đất khiến cho cả đất nước đều bị vùi lấp.
Nguyên lai lúc đầu trên trời cho thả xuống vàng bạc châu báu là bởi vì vị quốc vương này có phúc báo. Bởi vì ông ta có phúc báo che chở cho nên ác nghiệp kia không có cách nào hiện ra trước. Trời thả vàng bạc châu báu xuống là để cho ông ta hưởng hết phúc báo. Sau khi đã không còn phúc báo che chở nữa, ác nghiệp liền lập tức hiện ra chính là lúc trời thả bùn đất xuống.



Người làm việc ác chưa bị báo ứng là vì còn chưa hưởng hết phúc báo, một khi phúc báo đã hưởng hết thì nghiệp báo lập tức xuất hiện. Có người kinh doanh ngành nghề sát sinh mà kiếm tiền, số tiền này kỳ thực là phúc báo ở trong mệnh của họ. Dù họ cũng có thể thông qua các cách khác để kiếm tiền, ví như gửi tiền ngân hàng để lấy lãi…, nhưng họ đã dùng sai phương pháp kiếm tiền. Sốtiền đã kiếm được kia đợi hưởng thụ xong rồi thì ác báo của giết nghiệp kia sẽ tới.
Người xưa giảng “có phúc báo không thể hưởng thụ hết”, lúc có phúc báo càng phải làm việc thiện, làm việc có đức, dùng âm đức để đền bù cho những việc làm sai trái trong quá khứ, chứ không phải là chỉ biết hưởng thụ phúc báo. Nếu như phúc báo kia một khi hưởng hết rồi, bị rớt xuống rồi thì mong muốn bồi đắp phúc báo là việc không hề dễ dàng.
Trong “địa tạng kinh” có giảng, con người một khi đã rơi vào “tam ác đạo” (ba đường là địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ) rồi, thì sẽ ở trong tam ác đạo mà luân chuyển, vào địa ngục làm quỷ đói, sau khi làm quỷ đói rồi lại làm súc sinh, sau khi làm súc sinh mới được làm người. Vậy sau khi làm người rồi, không có phúc báo, nghèo khó thấp hèn, không có cách nào bồi dưỡng phúc báo, rồi lại rớt xuống, điều này rất đáng thương.
Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.
Ác hữu ác báo, chỉ là thời điểm chưa tới mà thôi! Những lời này bạn có tin không


Theo Xuân Giao

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Đăng lúc: 07:48 - 02/08/2015

Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.


Năm 980 nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, năm 1009 nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Hai cuộc thay ngôi đổi chủ cách nhau 29 năm nhưng tương đối giống nhau. Hai vua kế vị tiền triều đều còn bé, sự việc diễn ra trong hòa bình và hai vua mới đều được hai bà Thái hậu triều trước trân trọng mời vào cung trao long bào và ngôi báu. Chỉ khác nhau ở chỗ người chủ xướng thay đổi triều Đinh là một đại tướng quân có binh quyền, còn người chủ xướng thay đổi triều Tiền Lê là nhà sư trong tay không tấc sắt không tên quân.
Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành băng hà, truyền ngôi cho Thái tử Lê Long Việt. Các hoàng tử khác tranh giành ngôi báu đem quân đánh nhau suốt 8 tháng trời mới yên, Thái tử đăng cơ chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết hại, cướp ngôi.
Trong bốn năm trị vì (1005-1009) xét công luận tội thì Long Đỉnh tội nhiều hơn công. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét ”Ngọa Triều (Long Đỉnh) không những thích giết người lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man để họ kêu gào, nhiều lần phạm đến tên húy của cha mà lấy làm thích” Còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì :”Khai Minh Vương(Long Đỉnh) là dứa con hư của Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của Trung Tông (Long Việt)…là kiếp sau của vua Kiệt vua Trụ, nhốt tù nhân dưới nước, đặt hình phạt ngọn cây, trác táng vì rượu gái, nhiều điều tối tăm hỗn loạn không thể nào hình dung”.
Khi Long Đỉnh chết, Ngô Thì Sĩ liên hệ đến triều Đinh và cho đó là quả báo nhãn tiền ”Long Đỉnh giết Long Việt thì cũng như Đinh Liễn giết Hạng Lang. Bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Đại Hành cũng như bọn Đào Cam Mộc phò Lý Thái Tổ lên ngôi. Quả báo của kẻ làm nhiều điều ác như xoay theo vòng tròn” Rồi ông tiết lộ một bí mật mà các sử gia khác không biết ”Lý Thái Tổ lại rất căm phẫn về tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép, nếu quả như vậy cũng là đạo trời hay báo ứng cho nên chép phụ vào đây để làm răn”. Thực hư ra sao không rõ, chỉ thấy Lý Công Uẩn lên ngôi hoàn toàn danh chánh ngôn thuận.
Trước khi Long Đỉnh qua đời, một hôm, ở làng Diên Uẩn có mưa to gió lớn, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ làm tét một mãng da lớn. Vài ngày sau dân làng phát hiện chỗ sét đánh có nhiều chữ chi chít và cho đó là sấm ký của thần nhân. Bài sấm như sau “Thụ căn diểu diểu. Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc. Thập bát tử thành. Đông A nhập địa. Mộc dị tái sinh. Chấn cung xuất nhật. Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian. Thiên hạ thái bình” (Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Hạt hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Đông A vào đất. Cây khác lại sanh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu mình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình)
Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.
Bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hanh nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, Sư nói với Lý Công Uẩn ”Gần đây cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai khoan từ nhân thứ rất được lòng người như Thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ Thân vệ thì còn ai đương nổi”.
Lúc bấy giờ Long Đỉnh còn tại vị, sợ sự việc tiết lộ mang họa sát thân, Công Uẩn không dám bàn đến việc đó mà còn đem Sư dấu ở Tiên Sơn. Sự cẩn thận của Công Uẩn không phải vô ích, Long Đỉnh cũng nghe biết bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hạnh, âm thầm sai thủ hạ thân tín tìm giết hết người họ Lý nhưng không hề đả động đến Công Uẩn thường xuyên kề cận bên mình. Có lẽ ông ta cho Công Uẩn không phải là người phản bội bởi khi ông ta giết Long Việt cướp ngôi, quần thần sợ hãi không ai dám phản ứng, chỉ có Công Uẩn ôm xác Long Việt khóc than thương tiếc được ông ta khen trung thành và thăng chức từ Đội trưởng cấm quân lên Tứ sương quân phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Long Đỉnh chết, con còn bé, Chi hậu Đào Cam Mộc nói với Công Uẩn ”Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái họa không thể che dấu nổi, chuyển họa thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo, Thân vệ còn ngờ gì nữa” Công Uẩn nói”Tôi biết rõ ý ông không khác ý Vạn Hạnh. Nếu đúng như lời ấy thì nên tính kế thế nào?” Biết Công Uẩn đồng ý, Cam Mộc bàn với quần thần, không ai có ý khác, bèn cùng nhau vào cung tâu với Thái hậu, bà đồng ý, vời Công Uẩn vào khuyên lên ngôi hoàng đế.
Thật ra thì bài sấm ký đó không phải của thần nhân ban cho mà tác giả chính là…Sư Vạn Hạnh. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết ”Ôi! trời có nói gì đâu! Một tiếng sét thành ra chữ, chỉ bốn mươi chữ mà việc hưng phế của dòng họ các đời trong khoảng vài trăm năm đều khái quát vào đấy cả. Có lẽ Sư Vạn Hạnh giỏi về suy đoán, nhân sét đánh cây gạo, giả thác bài chữ sét đánh để tỏ sự thần dị”.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn (không biết tên gì) sanh năm 938, người làng Cổ Pháp cùng quê với Công Uẩn. Năm 21 tuổi xuất gia tại chùa Lục Tổ, đệ tử sư Thiền Ông, thông minh, học nhiều biết rộng, tinh thông Tam giáo (Nho-Phật-Lão), từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành cả chánh trị lẫn quân sự, giúp vua chiến thắng quân Tống quân Chiêm xâm lược và quấy phá nước ta.
Nói Sư Vạn Hạnh giỏi suy đoán, tiên liệu việc như thần, nói đâu trúng đó cũng không ngoa, không cường điệu. Vì, Sư lăn lộn trong chính trường nhiều năm, giữ vị trí quan trong trong triều, thân cận bên vua nên không có việc gì không biết, không có biến cố nào không trải qua. Một người như thế chắc chắn tích lũy nhiều vốn sống, kinh nghiệm, nhìn vạn vật biển chuyển, thế sự thăng trầm, lòng người thay đổi là có thể đoán biết hồi kết như thế nào.
Lúc bấy giờ mọi người đều chán ghét sự hà khắc, bạo ngươc, tàn ác của Long Đỉnh, tiếng oán than, căm phẫn vang lên khắp nơi thì không chỉ có Sư mà bất cứ kẻ sĩ nào cũng biết nhà Lê đã suy vong nên thần dân ngoảnh mặt quay lưng không còn lưu luyến gì với triều đại xấu xa tàn ác đó. Thời cơ đã đến, nhân chuyện sét đánh cây gạo Sư bèn viết bài sấm ký để tác động tâm lý và kích thích lòng dân cùng khanh tướng, quan lại triều đình và cả Công Uẩn..
Công Uẩn lại được Sư nuôi dạy từ năm 7 tuổi đến trưởng thành theo sự phó thác của sư Khánh Văn. Sư nhận xét đứa học trò “Cậu bé nầy không phải là người thường, sau nầy lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Do vậy, tự thân không thể làm vua thì làm thầy vua, Sư quyết định đưa Công Uẩn lên ngôi cửu ngũ không phải bằng vũ lực mà bằng…văn chương! Việc làm của Sư xem ra khá mạo hiểm, liên quan đến an nguy sinh mạng của học trò vì Long Đỉnh có thể giết hại Công Uẩn bất cứ lúc nào để bảo vệ củng cố ngôi vị. Tuy nhiên, như đã nói trên, Sư đã từng trải nhiều năm trong triều đình, vốn sống phong phú, đầy đủ kinh nghiệm, biết người biết ta cho nên chuyện đó đã không xảy ra.
Sử thần Ngô Sĩ Liên khen Sư biết sự chuyển biến của thời vận, trí thức hơn người thường, còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét Sư có chí khí hơn đời, ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương, có kiến thức, biết tính toán nên biết trước sự việc xảy ra “cũng là tay lỗi lạc trong giới thiền”.
Năm 1025 Sư viên tịch, để lại cho các đệ tử bài thơ :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy.
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân người như ánh chớp có rồi không. Muôn cây mùa xuân tươi tốt mùa thu héo khô. Mặc cho thời vận thịnh suy không nên sợ hãi. Vận thịnh suy như hạt sương trên ngọn cỏ tan biến cấp kỳ).
Sau nầy, cảm kích công đức cao dày của Sư, vua Lý Nhân Tông có làm bài thơ khen tặng:
Vạn Hanh dung tam tế.
Chân phù cổ sấm ky.
Hương quan danh Cổ pháp.
Trụ tích trấn vương kỳ
(Vạn Hạnh thông ba kiếp. Phục hợp cổ sấm thi. Quê hương làng Cổ pháp. Cấm gậy trấn kinh kỳ). *./

Theo Đạo Phật ngày nay

Lợi ích của việc đọc sách

Lợi ích của việc đọc sách

Đăng lúc: 07:56 - 11/07/2015

Người đọc hiện nay có xu hướng chỉ thu hẹp phạm vi đọc gắn liền với chuyên môn của mình, điều đó giúp cho những hiểu biết chuyên môn sâu sắc hơn. Thế nhưng, sẽ rất tốt nếu việc đọc sách được mở rộng hơn đến các phạm vi liên đới, hoặc những phạm vi tưởng chừng không có gì liên quan đến chuyên môn nhưng thực ra nó có nhiều tác động đến công việc và cuộc sống sau này. Tôi có quen một số bạn mặc dù học Toán nhưng rất thích đọc những tác phẩm văn chương, hoặc những bạn sinh viên văn thích đọc sách lịch sử và âm nhạc.
Có người còn phân chia rạch ròi ra 2 loại sách để đọc: một loại chỉ đọc để biết, nhớ đại khái và không cần ghi chép; một loại khác có liên quan mật thiết đến chuyên môn hay vì một nhu cầu nào đó, người đọc cần viết lại những ý chính, ghi lại tóm tắt nội dung, dẫn chứng hoặc vẽ thành những sơ đồ cho dễ nắm. Như vậy, vô hình chung, loại sách đầu người ta có thể đọc ở mọi lúc mọi nơi: trên xe buýt, phòng chờ, trên tàu hỏa, tàu điện ngầm, thậm chí nhà vệ sinh…; loại sách thứ hai phải được đọc bên bàn sách, giấy bút, trong không gian yên tĩnh ít người tụ tập.
Trong thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện mọi mặt của con người. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Do đó, sẽ rất thiếu sót nếu bạn nói rằng ‘Tôi là SV Thể dục thì cần gì đọc sách Văn học’, hay ‘Tôi là sinh viên Kinh tế cần gì đọc sách lịch sử’ và cho rằng những loại sách đó không thiết thực đối với công việc của bạn… Những cái lợi của chuyện đọc sách đã quá rõ ràng, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện cho bạn những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra.


1.Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp:

Bạn có bao giờ thấy ngại ngùng khi đứng trước đám đông? Bạn có bao giờ run lẩy bẩy không biết diễn đạt ý mình như thế nào trước mọi người? Bạn có bao giờ nói vòng vo một vấn đề và cố gắng giải thích mà người khác vẫn không sao hiểu nổi?
Đọc sách thực chất là một quá trình giao tiếp, khi đó tác giả quyển sách và bạn là những nhân vật tham gia giao tiếp. Chỉ có điều quá trình giao tiếp này diễn ra 1 chiều, những vấn đề tác giả nói đến đi sâu vào trí não và hình thành tư duy ở bạn thế nhưng những suy nghĩ của bạn tác giả không hề biết được nếu bạn không viết thư hay gọi điện thoại phản hồi. Quá trình giao tiếp này giúp các bạn hiểu vấn đề, biết cách trình bày vấn đề theo chiều hướng triển khai hay khái quát hợp lý, cách lý luận hay dùng dẫn chứng chứng minh cho một luận điểm nào đó. Đọc sách một thời gian lâu, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc, suông sẻ, có đầu có đũa gọn gàng dễ hiểu. Không chỉ vậy, nhờ loại hình giao tiếp đặc biệt này, bạn sẽ tinh tế hơn khi cảm nhận, phán đoán những cảm xúc, thái độ của người khác. Hình thành những phản xạ và sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để xử lý vấn đề. Chẳng hạn, bạn biết nói bằng ngữ điệu
thế nào, khi nào nói khi nào ngưng, khi nào đặt câu hỏi khơi gợi, khi nào pha trò tạo cảm hứng mới ở người tham gia giao tiếp.
2. Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo:

Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa, và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Thí dụ nói đến ‘tĩnh vật’ chúng ta nghĩ đến một loạt các đồ dùng hay cây trái được đặt trong trạng thái yên tĩnh, nói đến ‘quỹ đạo’ chúng ta nghĩ đến tập hợp những điểm tạo nên một con đường khép kín dành cho sự chuyển động của một thực thể nào đó, hoặc nói đến ‘hoa mai’ chúng ta nghĩ đến loại hoa nhiều cánh, nở vào mùa xuân, đẹp và mọi người thích thưởng thức… Như vậy, quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.
Rồi cũng có khi sự liên tưởng nảy sinh khi bạn so sánh những vấn đề đã được đọc trong sách này và sách khác, trong quan điểm của người này người khác, cái giống và khác nhau, tại sao lại có giống và khác như vậy… Trí tưởng tượng phong phú, suy nghĩ cặn kẽ, kết hợp với những động lực khám phá tìm tòi sẽ giúp bạn hình thành năng lực sáng tạo, nghĩ ra cái mới, tìm ra cái mới và từ đó làm ra cái mới. Không có đọc sách, người ta khó có thể thực hiện được điều đó.
3. Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ:

Bạn thường viết sai chính tả và rất ngại viết vì sợ mọi người chọc. Bạn hay viết những câu không đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc những câu cụtttt, câu quèèèè không đủ các thành phần chính. Cũng có thể bạn sử dụng những từ ngữ không hợp với đối tượng bạn muốn đề cập. Hoặc bạn có vốn từ vựng quá ít, không đủ để huy động ra trình bày sáng tỏ một vấn đề. Thậm chí bạn không hiểu rất nhiều từ ngữ trong tiếng Việt có nghĩa là gì vì bạn chưa hề nghe qua…
Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót đó trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bạn đọc một cuốn sách văn chương thấy tác giả dùng những từ ngữ rất hay để miêu tả bầu trời trong những trạng thái khác nhau. Bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng chủ ngữ hay vị ngữ, bắt đầu bằng động từ hoặc tính từ mà vẫn đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Bạn biết cách dùng những từ ngữ chuyển tiếp ‘như vậy’, ‘đương nhiên’ một cách khéo léo uyển chuyển để diễn đạt vấn đề. Bạn cũng sẽ bắt gặp những hình thức viết đúng của những từ ngữ mà bạn phân vân lưỡng lự không biết viết thế nào…Và chính quá trình đọc sách lâu dài, sự tập trung và tinh ý sẽ giúp bạn hình thành những kĩ năng ngôn ngữ đó.

4. Đọc sách giúp sống tốt trong xã hội và làm người:

Đọc sách và sống tốt là hai việc xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng thực chất có sự tác động qua lại rất lớn. Ai cũng biết, người biết suy nghĩ phải trái, biết lý lẽ là những người không sống tùy tiện. Mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của họ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Cách sống đó là món trang sức quý giá nhất mà mỗi người tự trang bị cho mình thông qua học vấn, cụ thể là từ việc đọc sách.Đọc sách thể dục thể thao, chúng ta biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai bền bĩ hơn. Đọc sách triết học, chúng ta nhận ra những quy luật và những diễn biến ý thức hệ trong cuộc sống, từ đó hình thành cách nhìn và cách nghĩ của bản thân. Đọc sách vật lý chúng ta hiểu biết về quy luật vận động của thế giới tự nhiên hơn, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Đọc sách văn học để hình thành cảm xúc, thái độ hợp lý trước mọi cảnh ngộ, cuộc đời; xây dựng đời sống hài hòa, nhân văn, có chiều sâu… Tóm lại, sách đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp giữa bản thân với cộng đồng, môi trường xung quanh, xã hội và cả nhân loại.

Dĩ nhiên, những điều được trình bày phía trên không phải là tất cả những lợi ích mang lại của việc đọc sách. Chúng ta còn có thể thấy, người đọc nhiều sách có kiến thức sâu rộng, hội tụ nhiều năng lực, lời nói có cơ sở và có uy tín nên được mọi người lắng nghe, xem trọng… Nhưng ai cũng biết, đọc sách trước tiên là để giúp mình càng tốt hơn.

Tâm Thư

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,688
  • Tháng hiện tại 61,073
  • Tổng lượt truy cập 23,467,322