Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Trói mở do tâm

Trói mở do tâm

Đăng lúc: 19:36 - 28/03/2017

Giáo điển nhà Phật có câu “Nhất thiết duy tâm tạo”. Không nói đến nghĩa lý sâu xa của duy tâm, duy thức, chỉ hiểu một cách đơn giản là mọi việc đều lưu xuất từ tâm, trói hay mở cũng do tâm. Tâm khởi kiết sử tham lam, sân hận, si mê…; tâm vọng động thì lập tức liền bị ma trói buộc. Ngược lại, tâm không động, không dính mắc kiết sử phiền não thì ra ngoài cảnh giới ma; vượt thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não.

hoasen.jpg
Phiền não, khổ đau hay an vui, giải thoát do chính mình - Ảnh minh họa
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ngày xưa Thích-đề-hoàn-nhân bảo trời Ba mươi ba: Nếu lúc chư Hiền cùng A-tu-la chiến đấu, nếu A-tu-la chẳng bằng, chư Thiên thắng được, các ông hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói năm vòng mang đến đây!

Lúc đó A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại bảo các A-tu-la:

- Các khanh hôm nay cùng chư Thiên chiến đấu, nếu thắng được hãy trói Thích-đề-hoàn-nhân đưa đến đây!

Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ hai bên đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua, trời Ba mươi ba bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói lại đem đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đặt ngoài trung môn, tự quán sát trói đủ năm vòng. Bấy giờ vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền nghĩ rằng: ‘Chư Thiên này có pháp chính đáng, còn A-tu-la hành phi pháp. Nay ta chẳng ưa làm A-tu-la’. Ngay đó vua liền ở trong cung các vị Trời. Khi đó, A-tu-la vương sanh niệm này: ‘Pháp chư Thiên chánh đáng, A-tu-la phi pháp. Tôi muốn trụ nơi đây’.

Nghĩ như vậy rồi, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền biết thân mình chẳng còn bị trói, vui thú ngũ dục. Nếu vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la sanh niệm này: ‘Chư Thiên phi pháp, pháp A-tu-la chánh đáng. Ta không cần trời Ba mươi ba này, muốn trở về cung A-tu-la’, thì khi ấy thân vua A-tu-la liền bị trói năm vòng, ngũ dục vui thú tự nhiên tiêu diệt.

Tỳ-kheo nên biết, sự trói buộc mau chóng không gì hơn việc này. Bị ma trói buộc cũng mau hơn thế. Nếu khởi kiết sử, thì liền bị ma trói buộc; động thì ma trói buộc, không động thì không bị ma trói buộc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói. Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma. Nếu các Tỳ-kheo ở trong cảnh giới ma, thì trọn không thể giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết; chẳng thoát sầu, lo, khổ, não. Nay Ta nói về mé khổ này. Nếu lại có Tỳ-kheo tâm không di động, chẳng dính mắc các kiết sử, thì liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não. Nay Ta thuyết mé khổ này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 34.Đẳng kiến,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.350)

Lời Phật dạy thật rõ ràng. Vì tâm còn kiết sử phiền não, vọng động dấy khởi tham ái nên chúng ta bị ma trói buộc không thể giải thoát. Nếu tâm an trú chánh niệm không vọng động, tâm giác tỉnh chiếu soi phiền não quyết không dính mắc thì hành giả ra khỏi sanh tử.

Trói hay mở là do tâm. Tu tâm chính là giữ tâm không động (Định), không dính mắc phiền não (Tuệ). Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, người tu mà có Chỉ, có Quán hay có Định, có Tuệ thì thành tựu giải thoát, đây chính là điều mà các Tỳ-kheo cần phải học.

Thế Tôn luôn cảnh tỉnh “Các Tỳ-kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói. Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma” và khuyến tấn “Các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma”. Những lời dạy tha thiết ấy trải qua mấy ngàn năm vẫn luôn đồng vọng, nhắc chúng ta tu tập Giới-Định-Tuệ nhằm thoát khỏi trói buộc của ma, thành tựu giải thoát.
Quảng Tánh

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đăng lúc: 21:40 - 26/11/2016

Tưởng niệm lần thứ 708 Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết 11/11 năm Mậu Ngọ (1258) - 11/11 năm Bính Thân (09/12/2016)


Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ. Đức vua Trần Nhân Tông - Đức Phật hoàng Việt Nam – Tổ tiên tộc Việt!
-Ngài là nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài đức kiêm toàn, trực tiếp lãnh đạo cùng toàn dân, hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông hung hãn cuồng vọng nhất bấy giờ,(Năm 1285 - 1288), mà vó câu xâm lược đã chiếm gần ¾ thế giới, cả Châu Á lẫn Châu Âu, từ bờ Hắc hải đến Thái bình dương
Đế chế Nguyên Mông chinh phục toàn bộ các nước Á Châu như: Kim, Liêu, Tây hạ, Thổ phồn, Cao ly, Tây tạng, Afganistan, Hồi.
Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Chinh phục toàn bộ các nước vùng Trung Đông, các nước Âu Châu như Đức, Hung, Balan, Tiệp khắc, Liên xô. Trận đánh lần thứ nhì(1285 và lần thứ ba(1288) là lúc họ chiếm trọn Trung Quốc.

Có thể nói, bấy giờ quân Nguyên Mông đông hơn gấp nghìn lần quân Việt. Nhưng lại bị đại bại thảm hại, dưới sự lãnh đạo của Đức Vua Trần Nhân Tông cùng quân dân đại Việt! giữ gìn toàn vẹn quê hương đất nước.
- Ngài là Nhà văn hoá tư tưởng xuất chúng, sớm lấy ý dân, đặt nền dân chủ(Bi-Trí-Dũng) đầu tiên cho nhân loại, qua Hội nghi Diên Hồng-Bình Than, đoàn kết nhân tâm, tổng lực chiến đấu và chiến thắng thần kỳ.
-Ngài là một vị Vua anh minh uy dũng, chỉ duy nhất đã có công thành tựu ba việc lớn cho dân tộc, đó là: “ Dựng Nước - Giữ Nước - Mở Nước” (Các vị khác chỉ thành tựu được một hoặc hai), đem lại thái bình thịnh trị cho dân tộc, toả sáng chân lý an vui hạnh phúc cho nhân loại. Ngài đã để lại cho cháu con tộc Việt.
Xã tắc vạn xuân bền sắc ngọc
Non sông muôn thuở vững âu vàng
Nhật nguyệt sáng soi trang sử Việt
Giang sơn toả chiếu ánh đạo thiêng

- Ngài đã cứu cả nhân loại và quê hương Việt Nam, thoát vòng hận thù chiến tranh đau khổ.
Thời đó Đức vua Trần Nhân Tông và toàn dân tộc Việt, nếu không chiến thắng được giặc dữ đế chế Nguyên Mông, thì chắc chắn rằng:” Chẳng có thế giới sử và lịch sử Việt Nam” như bây giờ! Và thế giới giờ đây sẽ ra sao? Khi bị thống trị bởi những kẻ ác nhân vô minh cường bạo nhất thời đó?
(Về chính sử cách nay trên 700 năm, dưới sự lãnh đạo “Thiên tài” của đức vua Trần Nhân Tông và tổ tiên Phật Việt, nếu không chiến đấu và chiến thắng ác giặc Nguyên Mông, đã chiếm trọn ¾ thế giới, cả Trung đông, cả Châu âu-nước lớn là Liên xô và cả Châu á- nước lớn là Trung quốc, đại quân Nguyên Mông khi tiến vào Bắc kinh, lúc đó Tả thừa tướng Lục Tú Phu phải cõng vua Tống mới 10 tuổi chạy trốn…Cuối cùng, theo khí tiết Nho gia “Quân tử tầu”, vua tôi trầm mình dưới biển mà chết!
Nhưng khi vào Việt Nam, đại quân Mông Cổ đã bị đại bại thảm hại liên tục ba lần, dưới hào khí bất khuất, trí dũng vô song của tổ tiên tộc Việt!
Như trên, nhìn lại mình. Cháu con tộc Việt rất tự hào với tinh thần Bi Trí Dũng của tổ tiên, mà cha ông chúng ta, Đức vua Trần Nhân Tông đã làm được cho nhân loại và dân tộc Việt.

Và nhìn về quê hương Việt Nam, nhớ về cội nguồn, chúng ta vô cùng biết ơn nhớ ơn tiên tổ, và tự hỏi lòng:”Lịch sử thời trần, chiến thắng Nguyên Mông”. Nếu ngược lại, giặc Nguyên thắng, dân Việt thua, thì chắc chắn rằng chẳng có cháu con tộc Việt thời Hồ, thời Lê…cho đến bây giờ!)
- Thời niên thiếu thái tử Trần Khâm- Đức Vua Trần Nhân Tông, phẩm chất như vàng, làu thông kinh điển, thông minh xuất chúng, mười sáu tuổi ăn chay thiền tịnh, đã ba lần từ chối ngôi vương và xin vua cha Trần Thánh Tông để lại ngai vàng cho anh là Đức Việp.
Khi đã lên ngôi cao tột đỉnh, danh lợi tột cùng, Ngài nhẹ cởi áo long bào, để lại ngai vàng cho cháu con tộc Việt, khoác áo nâu sòng, thẳng bước đi lên núi cao rừng rậm Trúc Lâm Yên Tử, sương lam chướng khí. thú dữ độc trùng, đầy hiểm nguy gian khó! Ngài ngồi gần hổ dữ, trên rắn dưới rít, sống chết phút giây! Ngài ăn rau măng, uống nước suối, ngủ giường tre. Sáng tinh sương vào rừng hái thuốc. Chiều xuống núi phân phát thuốc chữa bệnh cho dân, Tối về, ngồi một mình trong Am Dược, chịu lạnh lẽo buốt xương, bên ánh lửa khuya, Ngài tỉ mỉ chọn lựa phân chia: lá, cành, hoa, trái, rễ, củ… gói thành từng thang thuốc. Và Ngài hướng dẫn quân dân thọ trì Bồ tát hạnh, hành trì Thập thiện, Tứ trọng ân… sống yêu thương tương trợ hoà hiếu an vui (Cho nên xã hội thời đó rất an bình hạnh phúc, ít tham dục sân si, cổ sử có ghi “Đêm đến nhà nhà không đóng cửa”. Sáng về ngân vọng tiếng chuông Chùa. Ngát hương từ đất trời dịu mát. Mắt cười tâm toả ánh sen tươi ).
- Ngài xây dựng tinh thần “Lục hoà” và hoá giải đấu thắng với hai nước Chiêm thành và Chân Lạp (Lục Chân Lạp-Thuỷ Chân Lạp). Ngài truyền trao tuệ giác và dạy vua con Trần Anh Tông cách sống và lãnh đạo của một đấng minh quân, dạy vua Chiêm Thành là Chế Mân tấm lòng đại từ bi, bố thí cúng dường trong tinh thần Phật đạo. “Tôi yêu gia tộc hơn bản thân, yêu Tổ quốc hơn gia tộc, và yêu nhân loại trên Tổ quốc”.
-Trước lúc nhập diệt Ngài còn nói pháp độ chúng sanh (đệ tử Bảo Sái). Lúc Ngài hoá thân nhập Niết bàn. Núi rừng Trúc Lâm Yên Tử, hào quang năm sắc rạng ngời, toả ngát hương thơm giới đức, không gian tĩnh lặng, đất trời mây sương thành giải trắng bay lượn lưng chừng tiếc thương!
Lễ Trà Tỳ. Ngài đã để lại trên 500 viên Xá lợi, còn nhỏ như hạt mè hạt gạo thì nhiều vô số. Phật đạo Việt Nam và Thế giới năm châu, một trang chính sử uy linh kỳ tích, hy hữu đến lạ thường!

Cháu con tộc Việt mở dòng chính sử, hướng về nguồn cội, đất Tổ quê hương. Kính đảnh lễ tổ tiên Phật Việt – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài viên dung vô ngại, vẹn toàn đức hạnh: “Từ bi Hỷ xả - Thường, Lạc, Ngã, Tịnh – Vô ngã vị tha ”.
Với những công đức Ngài làm được cho nhân loại và dân tộc Việt, đại chúng qui kính tôn xưng Ngài danh hiệu: " Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông". Bồ đề tâm vô uý, chỉ duy bậc nhất thừa. Việc làm của Ngài đối với nhân loại thật là vô lượng vô biên! với dân tộc Việt thật là vô cùng vô tận!
Thật là : “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” . Và thật là “Thiền Trúc Lâm Yên Tử” - Đạo Phật Việt Nam rạng rỡ muôn phương vang lừng thế giới.
Như Thái tử Tất Đạt Đa, đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, cuộc sống “Chuyển Luân thánh vương” để đi tìm chân lý đạo vàng, đem an vui hạnh phúc cho số đông. Ngài nhiều đời kiếp kiếp tu trì hạnh nguyện Bồ tát,(Bồ tát Thường Bất Khinh…) luôn luôn sống vì tha lực đại Bi-Trí-Dũng. Nói nghĩ và làm tất cả vì lợi ích cho chúng sanh, nên khi chứng thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác - Đấng Thiên Nhân Sư - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài tuyên bố rằng:
“ Như Lai thị hiện vào đời với mục đích duy nhất là: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" –(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.)
Chúng con kính chào quí thiện hữu thập phương ta bà thế giới. Chúng con xin kính lễ quí Chư tôn Thiền Đức Tăng Ni. Kính chào quí Phật tử thiện tri thức…

Kính xin có vài lời chia sẻ hầu chuyện cùng quí Ngài, qua sáng tác Ca khúc “ Phật hoàng Trần Nhân Tông” và những dấu ấn rực rỡ trong hành trạng của bậc xuất trần đại sĩ - Đức Phật hoàng Việt Nam - Đức Vua Trần Nhân Tông.
Kính chúc quí Ngài, những vị “Phật sẽ thành”. Sức khoẻ Bi Trí Dũng, hành trì Bồ tát đạo, phát Bồ đề tâm, hoằng pháp lợi sanh an vui pháp giới.
NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

Tạ Văn Sơn

Tác hại của niềm tin mê lầm

Tác hại của niềm tin mê lầm

Đăng lúc: 16:08 - 05/10/2016

Khi nói đến niềm tin là nói tin về điều gì, chẳng hạn như tin theo học thuyết, triết thuyết, tin theo tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc một hệ thống tư tưởng, chủ nghĩa nào đó, tin nơi ai hoặc tin nơi chính bản thân mình (lòng tự tin, tự tín).

Tin điều gì có nghĩa là mình cho điều đó là đúng, là có thật, đặt hoàn toàn hy vọng vào điều đó, nương tựa nơi điều đó, hướng suy nghĩ và hành động theo. Niềm tin rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người, tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều tác hại nếu như đó là niềm tin sai lầm, niềm tin được xây dựng trên cơ sở nhận thức mù quáng, không sáng suốt, thiếu trí tuệ.

Một người bệnh có thể tin rằng mình sẽ khỏi bệnh nếu như gặp thầy hay thuốc giỏi và bản thân mình có mong muốn được bình phục, biết quan tâm làm theo những gì vị lương y, bác sĩ hướng dẫn. Sự lạc quan tin tưởng, niềm tin đặt đúng chỗ (đúng thầy, đúng thuốc) sẽ giúp cho người bệnh có thêm sức mạnh ý chí làm tăng sức sống, sức đề kháng bệnh tật và sự quyết tâm điều trị đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng trong trường hợp đó, nếu người bệnh không có lòng tin nơi thầy hay thuốc giỏi, không có lòng tin mình có thể vượt qua bệnh tật, và từ đó không nỗ lực điều trị bệnh theo hướng dẫn của vị lương y, bác sĩ, như thế thì người bệnh khó có thể đẩy lùi được bệnh tật.

Hoặc tệ hại hơn là người đó có niềm tin sai lầm (không thấy nguyên nhân của bệnh, không đi đúng hướng điều trị), đặt lòng tin không đúng chỗ (không đúng thầy, không đúng thuốc). Ví dụ như ngày xưa, khi y học chưa phát triển, gặp bất cứ bệnh gì người ta cũng rước thầy pháp về cúng, làm phép để trừ tà, kết quả là nhiều con bệnh đã mất mạng. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người mắc bệnh tâm thần nhưng người thân không biết cứ ngỡ bị vong nhập, bị trúng tà (vì biểu hiện của một số dạng bệnh tâm thần có phần giống như hiện tượng trúng tà), lại quá mê tín nên cứ mời thầy bùa thầy pháp về làm phép đuổi tà, trấn yểm, cúng vái, cuối cùng thì tiền mất tật mang.

Niềm tin mù quáng, mê lầm có tác hại rất lớn, nó là kết quả của nhận thức cảm tính thiếu lý trí, thiếu trí tuệ sáng suốt. Ngày xưa ở một số nước có chiến tranh, nhiều tướng soái, nhiều nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã lợi dụng sự mê tín của người đời, giả thần giả thánh, tự xưng mình là con trời (thiên tử), tự cho việc họ làm là ý trời để thiên hạ nghe theo và không dám chống lại họ; họ ngụy tạo những bằng chứng huyền hoặc để khiến cho mọi người tin theo. Có nhiều đội quân được vẽ bùa, phù chú lên mình, được gieo vào lòng niềm tin bất bại, đao thương, súng đạn không thể làm hại, nhưng khi ra chiến trường mới biết mình tin mê lầm, họ chết gục trên chiến trận.

Có trường hợp người thủ lĩnh lợi dụng niềm tin mê tín để làm tăng thêm ý chí, sức mạnh chiến đấu của quân đội mình, nhưng cũng có trường hợp họ cũng có ảo tưởng rằng mình có phép màu bảo hộ. Tuy niềm tin đó có làm cho tinh thần chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tăng cao, nhưng hậu quả của nó là làm cho họ chủ quan, khinh suất, không nhận thấy rõ thực lực của mình và của quân địch, từ đó dẫn đến thất bại.

Niềm tin trong tôn giáo, tín ngưỡng cũng vậy. Có những niềm tin giúp con người hướng đến điều lành điều thiện, mạnh dạn làm các việc có ích cho cá nhân, cộng đồng xã hội, nhân loại, chúng sinh. Nhưng có những niềm tin gây mê lầm, tội lỗi, gieo tai họa cho chính những người mang niềm tin đó mà họ không hay không biết, hoặc gieo tai họa lên nhiều người. Nó khiến con người tàn hại lẫn nhau, mất hết lý trí, khiến con người đánh mất chính mình, lệ thuộc vào những điều huyền hoặc, không tưởng, lệ thuộc vào những thế lực siêu hình do con người tưởng tượng ra, không còn ý chí, không còn tự chủ; khiến con người nô lệ cho vô minh, dục vọng, làm những chuyện tàn ác, điên rồ mà cho là làm theo chân lý, làm đúng với lẽ phải, đúng với quy luật vũ trụ.

Những niềm tin u mê này đến mức cực đoan sẽ gây ra chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, gây ra thù hằn, oán ghét lẫn nhau. Bởi thế cho nên, đối với vấn đề niềm tin cần phải hết sức thận trọng.

Khi con người chưa hiểu biết nhiều về thế giới, người ta không có khả năng lý giải các hiện tượng đời sống, các hiện tượng tự nhiên, cho nên tin rằng có đấng tạo hóa, có các thần linh sáng tạo ra thế giới, điều hành thế giới, tưởng tượng ra thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mây, thần mưa, thần gió, thần núi, thần sông, thiên lôi, hà bá v.v…

Bất cứ điều gì cũng cho là ý trời sắp đặt, họa phước, thành bại, được mất, cơm ăn áo mặc, hạnh phúc, khổ đau… đều do ông trời và các thần linh ban cho, nhưng kỳ thực thì con người phải làm mới có ăn, phải lao động sáng tạo từ đời này sang đời khác mới có được thế giới như ngày nay, chứ không phải thượng đế và các thần linh ban cho hay tự dưng mà có. Sự thật sờ sờ trước mắt, nếu ông trời và các thần linh ban cho thì con người khỏi phải làm gì cả cũng có cuộc sống tốt, và những ai tin tưởng tuyệt đối vào ông trời và thần linh hẳn đã được bình an, sung sướng, hạnh phúc hơn những ai không tin.

Tuy nhiên không ít người vẫn chấp nhận nô lệ cho niềm tin mù quáng để rồi đánh mất ý chí, đánh mất niềm tin nơi chính mình, lệ thuộc thần quyền trong khi thần quyền là không có thật.

Không phải những ai thờ cúng, tín ngưỡng ông trời và các thần linh, vật linh cũng đều giàu sang, an vui, hạnh phúc, và không phải những ai không có niềm tin đó cũng nghèo khó, khốn khổ, bất hạnh. Sự thật là thế, quá rõ ràng nhưng vẫn có người không thấy.

Sự mê tín của con người vẫn không giảm mặc dù xã hội đã tiến bộ nhiều, thậm chí còn có chiều hướng tăng cao. Những thành phần bất hảo lợi dụng sự mê tín mà ra sức trục lợi. Mê tín dị đoan, tà thuyết ngoại đạo nổi lên khắp nơi khiến cho tâm trí con người điên đảo.

Ngay cả ở châu Âu, châu Mỹ, các nước được xem là văn minh tân tiến vẫn đầy dẫy tệ nạn mê tín dị đoan, các giáo phái cuồng tín lợi dụng sự tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà hoành hành. Còn các nước có truyền thống văn hóa phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam v.v… thì đi đến đâu cũng thấy có hiện tượng xin bùa xin phép, bói toán, coi tuổi tác, ngày tháng tốt xấu, ngồi đồng nhập cốt, đi đến đâu cũng thấy cúng bái sì sụp, cúng ông trời - thần linh, cúng nhà cửa - đất đai, cúng xe cộ - thuyền bè, cúng trên bờ - dưới sông, cúng người chết, cúng vật linh, cúng âm binh - cô hồn, có khi cúng ai cũng không biết, cứ bày nhang đèn, vàng mã, vái lạy bốn phương tám hướng mà cầu sự bình an, hưng thịnh.

Nếu chỉ đặt niềm tin vào sự cầu cúng, trông cậy vào thần thánh, ma quỷ, không siêng năng cần cù lao động, học tập, trau giồi kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn thì việc làm ăn, kinh doanh buôn bán không thể nào phát triển được. Nếu không có nhân phẩm đạo đức tốt, không có quan niệm, lối sống tích cực thì cuộc sống sẽ bất an, đau khổ. Không có ông trời, thần linh hay ma quỷ nào che chở, bảo hộ hoặc ban phước giáng họa cho được.

Ở Việt Nam, từ khi hiện tượng ngoại cảm được giới khoa học công nhận thì các nhà ngoại cảm rầm rộ nổi lên, thật có, giả có, ảo tưởng mình là nhà ngoại cảm cũng có. Còn người dân thì tin người cõi âm có thể liên hệ với người còn sống, có thể tác động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, từ đó ra sức cúng bái, cầu khẩn sự gia hộ, giúp đỡ. Nghĩ tưởng đến những người quá cố, người thân người thương, người có ân nghĩa, công đức thì tốt, nhưng hướng về người quá cố vì sợ họ làm hại mình hoặc vì cầu sự chở che, gia hộ thì quả là việc làm mê tín.

Trong một số trường hợp vong linh người chết có thể liên hệ với người còn sống (trong điều kiện nhân duyên như thế nào đó mà có sự tương thích), nhưng những trường hợp này rất ít, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các vong linh có thể tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mà họ yêu thương hoặc oán ghét.

Nếu các vong linh ở cõi âm có thể tác động, ảnh hưởng đến người sống thì thế giới này từ lâu đã không an ổn, đã loạn lên rồi. Bởi vì trong lịch sử đã có biết bao cuộc chiến tranh diễn ra, thù hận chất chồng, nếu các vong linh người chết có thể làm hại kẻ thù của họ thì những người còn sống đã sống không yên. Giữa con người với con người, ân oán tình thù đầy dẫy, nếu sau khi chết rồi mà các vong linh có thể can thiệp vào thế giới người còn sống thì chắc chắn thế giới loài người từ lâu đã rối loạn, đã xuất hiện nhiều điều kinh khủng, quái dị lắm.

Người nào cũng có tổ tiên, ông bà, người thân quá cố, nhưng nếu chết rồi mà vong linh những người quá cố còn tồn tại mãi ở cõi âm nào đó và có thể tiếp xúc, can thiệp vào cuộc sống của người thân, nếu họ có thể giúp cho những người đó được bình an, được sang giàu, được may mắn, hạnh phúc thì trên thế gian không ai gặp rủi ro, bất hạnh, khổ đau cả, bởi vì ai cũng có người thân quá cố chở che, phù hộ. Nhưng sự thật thì không phải thế, sống trên đời ai cũng gặp khó khăn cả, không gặp khó khăn này cũng gặp khó khăn khác, không gặp nỗi khổ này cũng gặp nỗi khổ khác, không ai khỏe mạnh mãi mà không ốm đau, không ai luôn may mắn mà chưa từng gặp rủi ro bất trắc, không ai thành công mà chưa một lần thất bại v.v… Vậy rõ là người chết không thể can dự vào cuộc sống của chúng ta.

Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là Chánh tín, được xây dựng trên cơ sở Chánh kiến, sự thấy biết chơn chánh, nhận thức đúng đắn, có chiều hướng tích cực, phù hợp với chân lý và quy luật cuộc sống. Nếu niềm tin gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho con người thì tuyệt nhiên đó không phải là niềm tin chơn chánh, cần loại bỏ.

Phan Minh Đức

Cảm nghĩ ngày Phật đản 2560 - 2016

Cảm nghĩ ngày Phật đản 2560 - 2016

Đăng lúc: 20:06 - 13/05/2016

Dòng đời cứ cuồn cuộn hay lặng lẽ mãi miết TRÔI, và mọi cảm nhận tiếp thụ của con người vẫn cứ lan CHẢY bất tận theo thời gian, tưởng chừng chẳng phút giây dừng nghỉ, và nếu có chăng thì chỉ trong một thoáng xa xôi mơ hồ đâu đó, rồi cũng lao vào vòng xoay của bao ý niệm trong cuộc sống đầy vật vã, tranh đấu, bon chen, toan tính.v.v... như bánh xe càng đi tới là càng quay tròn trở lại.
Mùa xuân, nay trông như vội vã đi qua “Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục...”, thời tiết đã chuyển sang tháng năm (5) đang hắt hiu, nghe ấm dần lên bởi khí trời man man ngọn gió trưa hè ngang qua thềm mây trắng. Trông cái cảnh con người vẫn tất bật lao vào cuộc sống như bao ngày tháng hôm nào, vẫn xôn xao nhập cuộc vào giữa hai chiều ngược xuôi, lên hay xuống, còn hay mất, thất bại hay thành công... như để lo toan, tìm kiếm, đong đo, trang trải những điều gì trong chốn cuộc phù sinh.

Đương lúc thế giới xã hội loài người ngày hôm nay, mỗi lúc càng phát sinh nhiều nỗi bất an, lo âu, và sợ hải trong dòng TRÔI, CHẢY của thời gian đương là nầy... Nào là những cuộc chiến tranh bùng nổ giữa các thế lực vùng Trung Đông, Bắc Phi, Syria, Iaraq, Lybia, Ai Cập, Yemen, Tunisia, Thổ Nhỉ Kỳ, đến khu vực Châu Âu, Ukraina.v.v...cả khu vực Châu Á, Đông Nam Châu Á, cũng không kém phần chú ý cả thế giới về tình hình Biển Đông hiện nay. Nói chung, gần như khắp cả trời Châu lục.

Đồng thời, song song với những sự việc trên, sự đe doạ về sức mạnh từ nơi con người tạo ra các loại võ khí nguyên tử của những nước có thế lực hàng đầu, các loại võ khí sát thương có sức công phá, tàn phá, và tầm xa tối tân hiện đại, các loại tàu chiến, tàu ngầm siêu tốc tung hoành hùng hậu giữa đại dương, các loại cơ giới, các loại phi cơ chiến đấu trang bị đầy đủ phương tiện chiến tranh, phô trương diễu hành lao vút vào không gian bao la vô tận.v.v...

Chưa kể đến nạn đói khát, nạn thất nghiệp, nạn mua bán người, trẻ em, các loại thức ăn, vật dụng tiêu dùng ướp tẫm những chất độc hại... cùng với những hình thức khủng bố, đàn áp, chiếm đoạt, cướp lấy bởi những ý niệm cuồng tín, cực đoan chủ nghĩa, tôn giáo, đảng phái, chủng tộc, đã và đang phát sinh từ sự cuồn nộ của sân tưởng, của hại tưởng, và của tham tưởng, bởi do một số người có quyền lực trong tay, cùng với sự xu hướng theo thế thời, có được chút ít địa vị, lợi danh mọn tạm bợ, để hưởng thụ, thỏa mãn các dục nơi cuộc sống thế gian, hoăc từ những trạng thái bệnh hoạn tâm lý trầm cảm, thất sủng.v.v...

Tất cả đều do tạo tác (nghiệp), và phải bị chi phối của dòng nghiệp lực ấy, một khi đã được nuôi dưỡng, đã được tích tụ nhiều thời gian khi ngang qua cuộc sống. Hay cụ thể hơn, chính là thiếu ý thức bình đẳng, tình thương, thiếu sự tiếp thu nhận và trao phương pháp giáo dục đạo đức, không thấu suốt những phương hại về sau, làm tổn giảm hay mất đi nhân tính, và thăng bằng tâm lý từ bản thân, gia đình, đến cộng đồng xã hội, mà hôm nay chúng ta đã và đang thấy biết những gì trên hành tinh khi con người và muôn vật đang có mặt nầy.

Cùng khi ấy, hiện nay không ít số người, nhóm người, phần nhiều chỉ biết dựa dẫm vào niềm tin cầu nguyện, van xin, nhờ vào sự cứu giúp của những phép lạ thần quyền, để thoả mãn lòng mong cầu cho sở thích lạc thú thường tình ở đời. Đôi khi, trong ấy còn có số người đã khoát lên pháp phục tôn giáo, đóng vai nhẹ tênh với hình thức đời sống phạm hạnh, không có năng lực tu tập, để chuyển hoá thân tâm, tự mình không an trú chánh pháp lạc, không giúp người an trú chánh pháp lạc, rồi vẽ vời những hình thức tín ngưỡng, cầu nguyện, cúng tế, phù phép để chiêu cảm lòng tin v.v... đánh lạc mất phương hướng đạo lộ chánh kiến, chánh pháp giải thoát của đạo Phật hay chư Phật tự ngàn xưa.

Thế nhưng, lại cũng ngay trong thời điểm này “MÙA XUÂN THÁNG VESAK”, thời điểm mà cách nay trên 2560 năm tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, thuộc Cộng Hoà Dân Chủ Liên Bang Nepal ngày nay. Và hiện nay, trên khắp hành tinh nhân loại, đối với hàng tứ chúng đệ tử đức Phật, những người có niềm kính tin chân chính đến với Giáo lý, Tam bảo, vì sự nghiệp truyền đăng giáo nghĩa của bậc đạo sư tối thượng, có học hiểu pháp học, có thực tập các pháp hành từ lời dạy đầu tiên, do đức Phật tuyên thuyết trong thế gian, như một thông điệp về Bốn Diệu Thánh Đế, “vì Đức Như Lai đến đây chỉ là bậc đạo sư”. Nên tự mình biết điều phục thân tâm, giúp người biết điều phục thân tâm, và như lời Phật đã dạy :

“Người trị thuỷ dẫn nước
Kẻ làm tên nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí nhiếp tự thân.” (trích kinh Pháp Cú - 80).


Như vậy, con người dù ít nhiều có khơi dậy mầm chủng tánh Từ bi, Bình đẳng, thường tìm lại chính mình, cũng sẽ đem lại bình an cho thế giới loài người, mà còn làm cho bầu dưỡng khí của hành tinh thêm trong sạch, tươi mát hơn, không bị ô nhiễm, không làm tổn giảm môi sinh, môi trường sinh thái, các dòng sông không bị chết, các vùng đất không bị chết, con người có những tư duy hiền thiện, trong xanh... không gây oan trái để phải thêm tội, thêm thù, không tạo tác các việc làm ác quấy, mê lầm theo các loại kiến hoặc, kiến kiết phược, kiến kiết sử, kiến trù lâm.v.v… để phải chịu quả báo trả vay khổ luỵ, tàn hại, nhiệt não, để rồi phải theo dòng TRÔI - CHẢY trong cuộc hành trình sinh tử.

Một điều khác nữa, bậc đạo sư cũng thường giúp cho chúng ta dễ phát hiện, dễ phản tỉnh, dễ cảm nhận nguồn tâm lý chính nơi tự thân, để từ đó chúng ta có sự quán chiếu, nhận ra những cảm giác về thân, về các thọ, và tâm của người khác hay cả chúng sinh, như:

“Mọi người sợ hình phạt
Mọi người sợ tử vong
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết” (trích kinh Pháp Cú - 129).

Vì thế, trước đây, hiện nay, và cho đến tận mai sau, với bao nguồn sinh lực dồi dào trong sáng, hướng thiện của hằng triệu triệu tâm hồn nhân loại luôn ngưỡng vọng, tôn kính đến ngày thị hiện vào đời của Đức Từ Phụ (Thích Ca Mâu Ni), vẫn thường trụ trong sáng, rực sáng với đại nguyện Bi - Trí - Dũng, như lời tán thán:

“...Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !... Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy được sắc...” Kinh Trung Bộ I, bài số 4.

Không nhằm ngoài mục đích hướng dẫn, tiếp độ chúng sinh, chư thiên và loài người trên 2500 năm trước đây, cho đến tận bây giờ và miên viễn mai sau. Vẫn luôn phát khởi nguồn năng lực Bồ đề, thành kính và tu tập, gieo và kết nối hạt Từ tâm, cùng tu tập Pháp của bậc Thánh, để cùng vượt thoát mọi khổ ách, đạt đến an lạc tối thượng, hầu chấm dứt dòng TRÔI - CHẢY trong vòng luân hồi theo sáu đường, ba cõi, hay ít nhiều cũng được tịnh trú lạc pháp của bậc Thánh nơi thế giới vô thường, sinh diệt này, bằng một ý niệm nghĩa cử trong mỗi chúng ta, rằng:

Sự xuất hiện của đức Phật như một thông điệp TÌNH THƯƠNG - BÌNH ĐẲNG - TRÍ TUỆ - HÒA BÌNH cho nhân sinh và vũ trụ.

Atlanta, Phật đản 2560 – 2016.
Mặc Phương Tử

Chiến đấu với phiền não

Chiến đấu với phiền não

Đăng lúc: 21:09 - 10/11/2015

Chiến đấu với phiền não là chiến đấu với lòng tham, sự căm ghét, mê lầm, v.v… đây là những kẻ thù. Trong tu tập theo con đường của Bụt, chúng ta chiến đấu với phiền não bằng sự kham nhẫn. Chúng ta chiến đấu bằng cách chịu đựng vô số tâm trạng của chúng ta.

Nơi nào có phiền não thì nơi đó có người chiến thắng phiền não. Đây được gọi là chiến đấu với giặc lòng (trong thâm tâm). Để chiến đấu với những kẻ thù bên ngoài thì cần bom đạn và súng ống; họ chiến thắng và chiến bại. Chiến thắng người khác là con đường của thế gian. Chúng ta không chiến đấu với những người khác mà là chiến thắng nội tâm của chúng ta bằng sự kiên trì kham nhẫn và chịu đựng tất cả.
Khi phiền não đến chúng ta không nuôi dưỡng sự oán hận và thù hằn, mà thay vào đó là sự buông bỏ tất cả những hình thái của ác tâm trong hành động và suy nghĩ của chúng ta, tự mình thoát khỏi lòng ghen tị, ác cảm, oán giận. Lòng căm thù chỉ có thể vượt qua bằng sự không nuôi dưỡng oán hận và chịu đựng hận thù.

Hành động tổn thương và trả thù là khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ. Một khi hành động thực hiện xong thì không cần đáp trả bằng báo thù. Đây được gọi là nghiệp (kamma). Trả thù nghĩa là tiếp tục hành động thêm nữa với suy nghĩ: “Anh đã làm điều đó với tôi, tôi sẽ cho anh biết thế nào là lễ độ”. Hận thù không kết thúc như vậy. Nó mang đến sự liên tục theo đuổi trả thù và vì thế hận thù không bao giờ được từ bỏ. Chừng nào mà chúng ta cư xử như vậy thì chuỗi hận thù này vẫn còn không bị phá vỡ. Cho dù chúng ta đi đâu hận thù vẫn tiếp tục.

Bụt (Buddha) đã dạy: Thế gian này, anh có lòng thương (karunā) đối với tất cả mọi người thế gian tuy nhiên người thế gian thì không như vậy với anh. Người khôn ngoan nên nhìn vào điều này và chọn những thứ có giá trị thực sự. Bụt đã được đào tạo trong các loại hình nghệ thuật của chiến tranh như một hoàng tử nhưng Ngài nhận thấy rằng chúng không thật sự hữu ích, chúng bị giới hạn trong chiếu đấu và xâm lược.

Cho nên, trong việc rèn luyện bản thân chúng ta với tư cách là những người từ bỏ thế tục, chúng ta phải học từ bỏ tất cả những điều ác, từ bỏ tất cả những nguyên nhân gây ra sự thù hằn. Chúng ta chiến thắng bản thân mình không chiến thắng những người khác. Chúng ta chiến đấu nhưng chỉ chiến đấu với phiền não; nếu có tham chúng ta chiến đấu với lòng tham; nếu có căm ghét chúng ta chiến đấu với sự căm ghét; nếu có mê lầm chúng ta nỗ lực từ bỏ nó.

Đây được gọi là “Chiến đấu với phiền não”. Chiến đấu với giặc lòng thật khó, thật sự nó khó nhất. Chúng ta trở thành những Tăng sĩ trong Tăng đoàn để quán chiếu điều này, để học nghệ thuật chiến đấu với lòng tham, ác cảm, và sự mê lầm. Đây là trách nhiệm chủ yếu của chúng ta.

Đây là cuộc chiến đấu bên trong, chiến đấu với những phiền não. Nhưng có rất ít người chiến đấu như vậy. Đa số con người chiến đấu với những điều khác, họ ít khi chiến đấu với phiền não. Thậm chí họ hiếm khi trông thấy chúng.

Bụt dạy chúng ta phải từ bỏ tất cả những điều ác và trau dồi đức hạnh. Đây là con đường chân chính. Dạy theo cách này là như Bụt mang chúng ta lên và đặt vào phần đầu của con đường. Đến con đường, có đi trên con đường đó hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Công việc của Bụt là kết thúc ngay đó. Ngài chỉ đường nào đúng, đường nào sai. Bấy nhiêu là đủ, phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta.

Bây giờ, đến con đường, chúng ta vẫn không biết bất cứ điều gì, chúng ta vẫn không thấy bất cứ thứ gì, cho nên chúng ta phải học. Để học, chúng ta phải vui lòng chịu đựng một chút khó khăn giống như sinh viên trên thế giới. Đủ khó để được hiểu biết và kỹ năng cần thiết để họ theo đuổi sự nghiệp. Họ phải chịu đựng. Khi họ nghĩ không đúng, cảm giác chống đối hay lười biếng, họ phải bắt buộc bản thân trước khi tốt nghiệp và có được một cái nghề. Sự tu tập đối với một Tăng sĩ cũng như vậy. Nếu chúng ta quyết tâm tu tập thiền quán, chắc chắn chúng ta sẽ thấy con đường.

Ngã kiến (ditthimana) là điều có hại. Ditthi nghĩa là sự nhìn hay quan điểm. Tất cả các hình thức của sự nhìn gọi là ditthi: thấy lành là dữ, thấy dữ là lành, v.v… bất cứ cách nào mà chúng ta nhìn thấy mọi thứ. Điều này không sao. Vấn đề nằm ở việc dính mắc vào những cái thấy đó, gọi là cái ta (mana); nắm giữ những cái thấy này như thể chúng là sự thật. Điều này dẫn chúng ta vào vòng sinh tử luân hồi không bao giờ dứt, chỉ vì sự dính mắc. Vì vậy, Bụt đã kêu gọi chúng ta rời bỏ những cái thấy ấy.

Nếu có nhiều người sống với nhau như chúng ta làm ở đây, họ vẫn có thể tu tập thoải mái nếu quan điểm của họ hài hòa. Nếu quan điểm của họ không tốt hay không hài hòa thì ngay cả hai hoặc ba Tăng sĩ thôi là sẽ gặp khó khăn. Khi chúng ta tự hạ mình và buông xả những cái thấy của chúng ta, ngay cả khi có rất nhiều người, chúng ta cùng nhau đến với Tam bảo.

Không đúng để nói rằng sẽ có bất hòa chỉ vì nhiều người. Hãy nhìn một sinh vật nhiều chân. Thoạt nhìn, bạn sẽ nghĩ nó di chuyển khó khăn nhưng thật sự thì không. Nó có thứ tự và sự nhịp nhàng của riêng nó. Trong sự tu tập cũng vậy, nếu chúng ta tu tập như một vị thánh tăng của Bụt đã tu tập thì nó trở nên dễ dàng. Đó là người tu tập tốt, người tu tập chính trực, người tu tập để vượt qua khổ đau, và người tu tập hết mình. Bốn phẩm chất này hình thành sẽ làm cho chúng ta trở thành một thành viên thật sự của đoàn thể xuất sĩ. Thậm chí chúng ta là thành viên trong đoàn thể hàng trăm hay hàng ngàn người, đông bao nhiêu cũng không là vấn đề, chúng ta đi trên cùng một con đường. Chúng ta đến từ những tầng lớp xã hội khác nhau nhưng giống nhau. Mặc dầu quan điểm chúng ta có thể khác, nếu chúng ta tu tập đúng sẽ không có sự bất đồng. Cũng giống như tất cả những con sông và suối đều đổ ra biển… một khi đi vào biển thì tất cả chúng có cùng màu sắc và hương vị. Con người cũng vậy, khi họ đi vào giáo pháp thì nó là một. Mặc dầu họ đến từ những nơi khác nhau nhưng họ đoàn kết và hòa hợp.

Ngã kiến là nguyên nhân của tất cả các tranh chấp và xung đột. Vì thế, Bụt dạy chúng ta buông bỏ ngã kiến, không cho phép cái ta bám víu vào những cái thấy sai lầm.

Bụt đã dạy giá trị của niệm (sati) kiên định. Cho dù chúng ta đang đứng, đi bộ, ngồi hay nằm, bất kỳ ở đâu, chúng ta cần phải có sức mạnh của niệm. Khi có niệm chúng ta thấy bản thân chúng ta, những tâm của riêng mình. Chúng ta thấy “thân trong thân”, “tâm trong tâm”. Nếu chúng ta không có niệm chúng ta không biết bất cứ điều gì, không nhận thức được điều gì đang xảy ra.

Vì vậy, niệm rất quan trọng. Với niệm kiên định, chúng ta sẽ nghe giáo pháp của Bụt mọi lúc. Bởi vì, mắt thấy các hình dáng, tai nghe những âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, cơ thể cảm giác những sự xúc chạm, khi những cảm giác sinh khởi trong tâm v.v… đều là giáo pháp. Vì thế một người có niệm kiên định luôn nghe giáo pháp. Giáo pháp luôn ở đó. Tại sao? Bởi vì niệm, vì chúng ta tỉnh thức.

Sati là niệm, sampajañña là sự tỉnh thức, sự tỉnh thức này là Bụt hiện tại. Khi có niệm tỉnh thức, sự hiểu biết sẽ đi theo. Chúng ta biết những gì đang xảy ra. Khi mắt thấy những hình dáng: hình dáng này phù hợp hay không phù hợp? Khi tai nghe âm thanh: âm thanh này thích hợp hay không thích hợp? Có hại không? Đúng hay sai? Và chúng ta xem xét tương tự như vậy đối với mọi thứ. Hiểu điều này, chúng ta nghe giáo pháp mọi lúc.

Chúng ta cần hiểu rằng ngay bây giờ chúng ta đang học giữa giáo pháp. Dù chúng ta đi tới hay lùi lại, chúng ta đều gặp giáo pháp - đó là tất cả giáo pháp nếu chúng ta có niệm. Ngay cả khi nhìn thấy những con vật chạy quanh trong khu rừng này, chúng ta có thể suy ngẫm và thấy rằng tất cả những con vật này giống như chúng ta. Chúng chạy trốn khổ đau và đuổi theo hạnh phúc giống như con người. Bất cứ thứ gì chúng không thích thì tránh; chúng sợ hãi cái chết, giống như con người. Nếu chúng ta suy ngẫm về điều này, sẽ thấy rằng tất cả chúng sinh trên thế giới này, con người cũng vậy đều giống nhau ở bản năng. Suy nghĩ như vậy được gọi là “tham thiền”, thấy theo sự thật rằng tất cả chúng sinh là bầu bạn với sinh già bệnh chết. Loài vật cũng giống như con người và con người cũng giống như loài vật. Nếu nhìn thấy mọi thứ theo cách như chúng đang là thì tâm của chúng ta sẽ từ bỏ sự quyến luyến vào chúng.

Vì vậy chúng ta phải có niệm. Nếu có niệm chúng ta sẽ thấy trạng thái tâm của mình. Bất cứ điều gì đang nghĩ hoặc cảm giác chúng ta phải biết nó. Sự hiểu biết này được gọi là Bụt, người hiểu biết, người hiểu biết hoàn toàn và trọn vẹn. Khi tâm hiểu biết hoàn toàn, chúng ta tìm ra được sự thực tập đúng đắn.

Cho nên con đường chân thật để thực hành là phải có chánh niệm. Nếu bạn không có chánh niệm trong vòng năm phút, bạn đang điên đảo trong năm phút. Hễ khi nào bạn thiếu chánh niệm là bạn điên đảo. Chánh niệm là cần thiết. Có chánh niệm là biết chính mình, biết những trạng thái tâm và cuộc sống của mình. Chánh niệm là sự hiểu biết và nhận thức rõ, lắng nghe giáo pháp mọi lúc. Sau khi rời khỏi buổi pháp thoại bạn vẫn còn nghe giáo pháp bởi vì giáo pháp hiện diện mọi nơi.

Vì vậy tất cả các bạn hãy thực tập mỗi ngày. Cho dù lười biếng hay siêng năng, thực hành chỉ cần như vậy. Thực hành giáo pháp là không được làm theo tâm trạng của bạn. Nếu bạn thực hành theo tâm trạng thì nó không phải giáo pháp. Bất kể ngày đêm, dù tâm bạn an tịnh hay không… chỉ cần thực hành.

Giống như đứa trẻ đang học viết. Thoạt đầu, nó viết không đẹp - chữ viết không thẳng hàng - chữ viết của đứa trẻ sẽ được cải thiện thông qua luyện tập. Thực hành giáo pháp cũng giống như vậy. Trước tiên bạn vụng về, thỉnh thoảng được yên tĩnh, đôi lúc lại không, bạn không thực sự biết cái gì là cái gì. Một vài người chán nản. Đừng đi chậm lại! Bạn phải kiên trì với thực hành. Sống với nỗ lực, giống như em học sinh: khi em lớn lên sẽ viết tốt hơn. Từ viết xấu em trưởng thành để viết đẹp hơn, tất cả nhờ sự luyện tập từ thời thơ ấu.

Sự thực hành của chúng ta giống như vậy. Cố gắng có chánh niệm mọi lúc: đứng, đi, ngồi hay nằm. Khi thực hiện các nhiệm vụ suôn sẻ và tốt đẹp, chúng ta cảm thấy yên tâm. Khi có sự yên tâm trong công việc chúng ta sẽ dễ có được thiền an tĩnh. Vì vậy, nỗ lực thực hành. Đây là rèn luyện.

Thích Huệ Phát chuyển ngữ
(Trích dịch từ Food for the Heart của Thiền sư Ajahn Chah)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 25
  • Hôm nay 3,164
  • Tháng hiện tại 60,549
  • Tổng lượt truy cập 23,466,798