Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
TP.HCM: Bế mạc khóa trụ trì, tưởng niệm Đức Phật hoàng

TP.HCM: Bế mạc khóa trụ trì, tưởng niệm Đức Phật hoàng

Đăng lúc: 21:38 - 26/11/2016

Sáng nay, 26-11, chư tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã tổ chức bế giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 và Tưởng niệm lần thứ 708 Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo TP.HCM - chùa Phổ Quang, quận Tân Bình.

ANH BB (4).JPG
Chư tôn giáo phẩm chứng minh
Quang lâm chứng minh, tham dự có sự hiện diện của chư tôn đức giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Trưởng BTC khóa Bồi dưỡng trụ trì; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường, thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS PG TP; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; cùng chư tôn đức Tăng Ni thuộc ban, viện T.Ư, BTS PG TP, 24 BTS PG quận, huyện cùng hơn 600 Tăng Ni khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016.

Đại diện các Sở, ban, ngành TP có ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP; Lê Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP…

ANH BB (7).JPG
Chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS

ANH BB (5).JPG
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS, ban, viện T.Ư

Tại buổi lễ, thay mặt Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016, ĐĐ.Thích Thiện Quý, Chánh Thư ký BTS PG TP báo cáo khóa học của Tăng Ni. Theo đó, khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 là khóa học nâng cao của Tăng Ni đã có chứng chỉ khóa I-2015.

Khóa học nhằm triển khai giáo điển của Đức Phật quy định trong Tỳ-ni luật tạng hoặc chư Tổ đã chế tác trong các bản thanh quy, thiền môn quy củ, thiền lâm Bảo Huấn… bồi dưỡng kiến thức về hoằng pháp, nghi lễ thiền môn, các pháp yết-ma, hành chánh Giáo hội, soạn thảo văn bản, chính sách, tín ngưỡng tôn giáo… cho chư tôn đức Tăng Ni. Khóa học có hơn 600 Tăng Ni tham dự gồm Tăng Ni đang trụ trì các tự viện và Tăng Ni đại chúng.

Khóa học diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-11-2016 do chư tôn đức giáo phẩm HĐTS, BTS PG TP.HCM, chư tôn đức có kinh nghiệm trong việc quản lý tự viện, hành chánh Giáo hội phụ trách giảng dạy: HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Minh Chơn, HT.Thích Minh Thông, TT.Thích Lệ Trang, TT.Thích Thiện Thống…

ANH BB (10).JPG
HT.Thích Đức Nghiệp ban đạo từ

ANH BB (9).JPG
ĐĐ.Thích Thiện Quý báo cáo công tác giảng dạy

ANH BB (8).JPG
Hơn 600 học viên tham dự

Chương trình khóa học gồm các chuyên đề: Ý nghĩa trụ trì (HT.Thích Trí Quảng), Hoằng pháp truyền thống và hiện đại (HT.Thích Minh Chơn), Các pháp Yết-ma (HT.Thích Minh Thông), Nghi lễ thiền môn (TT.Thích Lệ Trang), Hành chánh Giáo hội (TT.Thích Thiện Thống), Pháp lệnh, tín ngưỡng tôn giáo (ông Lê Hoàng Vân). Sau các buổi học, Tăng Ni học viên đặt câu hỏi và được giảng sư trả lời, thảo luận tại giảng đường.

Khóa học được đánh giá khá nghiêm túc, mỗi buổi học đều có điểm danh. Sau mỗi môn học, học viên làm bài kiểm tra với tinh thần nghiêm túc, cầu học. Bài kiểm tra nộp về đạt 95% so với số lượng Tăng Ni đăng ký tham dự.

Căn cứ vào chất lượng các bài kiểm tra, và học viên tham dự đủ số buổi học theo quy định của Ban Tổ chức, Tăng Ni sẽ được cấp chứng chỉ II.

Ban đạo từ tại buổi lễ, HT.Thích Đức Nghiệp thay mặt chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN tán thán công đức đối với BTS PG TP.HCM đã tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì 2016 cho Tăng Ni.

Hòa thượng cũng phát biểu nêu lại hành trạng cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân Đại lễ tưởng niệm lần thứ 708 ngày Ngài nhập Niết-bàn.

ANH BB (2).JPG
Trang nghiêm lễ đài tôn trí tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

ANH BB (12).JPG
Chư tôn giáo phẩm niêm hương tưởng niệm

ANH BB (13).JPG

ANH BB (14).JPG
Thực hiện khóa lễ tụng niệm

Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS PG TP, 24 BTS PG quận huyện, quý quan khách và Tăng Ni hướng về lễ đài niêm hương cúng dường Tam bảo, thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cống hiến cuộc đời cho Dân tộc và Đạo pháp.

TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ TP.HCM đã xướng lễ cúng dường, và thực hiện các nghi thức tưởng niệm. Toàn thể đại chúng nhất tâm đồng thanh tụng niệm cúng dường, tưởng nhớ công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

ANH BB (15).JPG
Chư tôn đức Tăng Ni, quý khách thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng

Tiểu sử Đức Phật hoàng đã khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông (1-11-1308 – 1-11-2016) là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc.

Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp, nhân dân và Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

ANH BB (1).JPG
HT.Thích Thiện Tánh phát biểu cảm tạ

ANH BB (11).JPG
Quang cảnh lễ bế giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì

Buổi lễ khép lại sau phần phát biểu của HT.Thích Thiện Tánh thay mặt Ban Tổ chức cảm tạ.

* Đọc thêm: 3 điều kiện cần thiết đối với vị trú trì ||

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Thấy nhân duyên là thấy Pháp, thấy Pháp là Như Lai

Thấy nhân duyên là thấy Pháp, thấy Pháp là Như Lai

Đăng lúc: 14:15 - 12/07/2016

Khóa bồi dưỡng trụ trì năm nay tại tổ đình Kim Cang vắng bóng Hòa thượng Đạt Đồng, Hòa thượng Tắc Ngộ và gần đây là Hòa thượng Thiện Thanh.
Tuy các ngài không hiện hữu trên cuộc đời, nhưng với tâm nguyện vì đạo, vị tha, vô ngã, tôi tin tưởng các ngài luôn gia hộ cho khóa học này được thành công. Sau đây, tôi có một số ý kiến xin chia sẻ với Tăng Ni.

Trước hết, nói về tông môn hệ phái, đó là việc tốt, nhưng nếu cố chấp vào đó cũng trở ngại lớn cho chúng ta. Kinh nghiệm của tôi thấy như vậy từ 50, 60 năm trước.

Thật vậy, đầu tiên tôi xuất gia ở Phật giáo Cổ truyền nằm trong sơn môn thuộc Lâm Tế gia phổ. Lúc đó, tôi gặp khó khăn, thầy này ở Lâm Tế gia phổ, thầy kia ở Lâm Tế Chúc Thánh, thầy nọ ở Lâm Tế chánh tông… Chỉ riêng dòng Lâm Tế đã tự phân chia như vậy, tạo thành bức tường ngăn cách giữa những người tu đạo Phật.

Lúc đó, Hòa thượng Thiện Hòa nói rằng chúng ta nên cắt bỏ tông môn hệ phái, vì tất cả chúng ta đều là đệ tử Phật. Ai xuất gia trước, người đó lớn. Người thọ giới sau thì nhỏ hơn. Dù thọ giới sau một đàn cũng là sau.

dhamma_wheel_fine.jpg

Nếu kẹt tông môn hệ phái, tôi thuộc đời Lâm Tế thứ 41, mang chữ Nhật. Hòa thượng Trí Tịnh cũng mang chữ Nhật. Như vậy, giữa tôi và Hòa thượng là huynh đệ, tức cùng trong một hệ phái đã như vậy.

Khi Phật học đường Nam Việt ra đời, tất cả chúng tôi thuộc hệ phái khác nhau, nhưng học chung một trường, có cùng một thầy thì trong học đường này, tất cả đồng là huynh đệ, ai thọ giới trước là lớn. Nhưng điều này cũng không giữ được lâu, cũng nảy sinh tư tưởng hệ phái.

Và hệ phái bấy giờ lại chia ra Phật giáo Cổ sơn môn, Phật giáo Tổng hội. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã chia ra mười mấy hệ phái chống phá nhau, tự tiêu diệt nhau. Như vậy, chúng ta đã lọt vào cái bẫy ngoại đạo.

Năm 1963, nhiều người nghĩ rằng Phật giáo bị xé thành nhiều mảnh vụn, nên dễ bị tiêu diệt. Nhưng lắng lòng coi lại ai tiêu diệt mình, phải chăng các sơn môn hệ phái tự tiêu diệt nhau. May mắn, các vị lãnh đạo thức tỉnh. Các Hòa thượng đã thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, dù thuộc hệ phái nào, nhưng tất cả chúng ta đều vì sự tồn vong của Phật giáo, chỉ có một điểm chung là Phật giáo, nên hãy quên đi hệ phái.

Vì vậy, có 11 hệ phái ký tên thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và năm 1964, trở thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi, lúc đó còn có hai hệ phái không ký tên vào, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng. Đó là một hệ phái ở trong vùng giải phóng, đứng đầu là cố Hòa thượng Thiện Hào. Tuy ngài không ra ký tên, nhưng ngài đã làm việc quan trọng là đi các nước xã hội chủ nghĩa tuyên bố cho mọi người biết rằng Phật giáo tồn tại ở đất nước chúng ta. Ngoài ra, các nước thuộc khối tư bản, hay khối không liên kết đều ủng hộ Ủy ban Liên phái. Như vậy, rõ ràng Phật giáo chúng ta đoàn kết rất có lợi.

Một hệ phái nữa là Hội Phật giáo Thống nhất ở miền Bắc không ký tên, nhưng chính Phật giáo miền Bắc cũng tổ chức biểu tình, ra kiến nghị kêu gọi ủng hộ Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng có tất cả 13 hệ phái trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, không phải chỉ có 11 hệ phái. Thể hiện ý nghĩa hợp nhất 13 hệ phái, khi xây Việt Nam Quốc Tự, Giáo hội thành phố chúng ta đã xây tháp cao 13 tầng tiêu biểu cho 13 hệ phái đoàn kết tạo thành sức mạnh của Phật giáo.

Vì sự quan trọng vô cùng của sự đoàn kết, hòa hợp, khi Phật Niết-bàn, Ngài nói rằng ngày nào chư Tăng còn hòa hợp trong Chánh pháp của Phật là khi đó Phật giáo tồn tại vững mạnh, không có ngoại đạo thiên ma nào có thể phá hại chúng ta được.

Thể hiện tinh thần Phật dạy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981, khẳng định lập trường rằng chúng ta thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí và thống nhất hành động, nhưng pháp tu biệt truyền vẫn được tôn trọng. Tất cả mọi người có pháp hành riêng, miễn là ở trong Chánh pháp Phật; nói theo ngày nay là đa năng, đa dạng.

Thật vậy, chúng ta nhìn kỹ thấy rõ mỗi người một việc, một người không thể làm tất cả việc. Tổ chức chúng ta có sự tôn trọng lẫn nhau và chính cốt lõi này giúp Phật giáo chúng ta tồn tại. Nhưng muốn như vậy, chúng ta phải thấy theo Chánh pháp và sống đúng Chánh pháp. Nếu tu lệch ra ngoài Chánh pháp, sẽ đưa đến nhiều bất đồng, tranh chấp, cho đến tan hoại.

Không lệch ra ngoài là gì. Khi chúng ta còn ở trong vòng an toàn giống như Tề Thiên vẽ cho Tam Tạng phải ở yên trong vòng tròn an toàn, nếu lọt ra ngoài vòng an toàn này là bị yêu tinh bắt liền. Chúng ta tu, đừng bước ra khỏi vòng này. Vòng này là gì.

Trước nhất, Phật quy định chúng ta phải an cư kiết hạ ba tháng. Chúng ta có tuân thủ hay không. Thầy nào không tuân thủ pháp hành này, không phải đệ tử Phật và đã ra ngoài vòng an toàn rồi, phải bị ma bắt thôi.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, từ năm 1961 đến 1962, 1963, trong mùa hạ ba năm liền, tôi không ra khỏi chùa Ấn Quang. Đó là quy định dành cho chư Tăng giúp chúng ta tìm được giải thoát trong vòng đai an toàn. Vì vậy, việc cấm túc an cư rất quan trọng đối với đời sống người tu.

Về sau, Hòa thượng Thiện Hòa mở rộng thêm, không đi ra ngoài trong ba tháng an cư, trừ khi có Phật sự do Tăng sai. Khi sống khép kín có lợi cho việc tu học, nhưng không lợi cho việc hoằng hóa. Như vậy, mở ra cho quý thầy đi giảng dạy, làm lợi cho đạo.

Tôi nhờ sống khép kín như vậy, nên dư thì giờ đọc sách, đọc kinh và lạy Hồng danh Phật. Lần lần đời sống tôi thâm nhập vào dòng thác trí tuệ Như Lai, gọi là Dự lưu. Không phải tôi bị bắt buộc, nhưng hạnh phúc được ở yên tu hành, không bị phiền não quấy rầy. Ở yên một chỗ, dư thì giờ tụng kinh, sám hối, tham thiền, dễ dàng dẫn chúng ta vào con đường giải thoát mà Phật vẽ ra cho mình.

Kinh nghiệm tu của tôi, phải giữ mình trong ba tháng an cư được Phật quy định. Thầy nào, chùa nào giữ đúng luật này, thì Phật nói có Thiên long giữ gìn. Tụng kinh Pháp hoa, thấy rõ điều này. Phật khẳng định rằng người nào tuân thủ pháp này, Ngài khiến Bát bộ Thiên long giữ gìn, người nào sống trong Thiền định, Ngài sai hóa nhân cúng dường đầy đủ và được thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp. Đó là lộ trình mà Phật đã vẽ ra cho chúng ta. Còn đi hay không là ở ta.

Trong một năm, suốt chín tháng chúng ta bận nhiều việc, thì ba tháng an cư, cần nỗ lực thể nghiệm pháp Phật để thấy hằng sa Phật.

Làm đạo, thầy có công đức dễ làm đạo hơn. Nhưng thiếu công đức, chắc chắn gặp khó khăn vô cùng. Tu theo Phật, tất yếu phải ép vào khuôn tu hành.

Sáng nay, tôi giảng ở trường hạ Học viện Phật giáo TP.HCM, đây là năm đầu tiên, tôi ép Tăng Ni sinh viên vào khuôn tu hành, có học thì phải có tu. Người không ở trong nội giới tu hành ba tháng an cư, dù học giỏi cũng không được ra trường, vì có học nhưng không có hạnh.

Vì vậy, quy định của Học viện, ít nhất có hai năm nội trú, tức có tu, thể hiện được hạnh tu, sau này mới có thể ra làm đạo. Mới “có thể” thôi, chứ cũng chưa chắc, vì ra làm đạo, thiên ma ngoại đạo có vô số bẫy. Cho nên, chúng ta thấy có nhiều người tu học, nhưng được việc không nhiều.

Cần nhớ rằng người tu không an cư không phải đệ tử Phật, không được Thiên long Bát bộ giữ gìn, không được Phật phóng quang gia hộ. Tu như vậy, một thời gian sẽ rớt vào ngoại đạo, làm nô lệ cho ngoại đạo.

Điều thứ hai, Phật dạy rằng hành Bồ-tát đạo đáng quý, nhưng phải đắc Thánh quả A-la-hán mới có đủ đạo lực để hành Bồ-tát đạo. Chưa đắc A-la-hán, thì chưa tin được tâm mình, cứ nghĩ mình tốt, nhưng chắc gì mình tốt.

Tôi quan sát có người hành Bồ-tát đạo để mau thành Phật, nhưng muốn mau thì lại càng lâu. Vì vậy, Phật quy định phải đắc Thánh quả, chưa đắc Thánh quả mà muốn độ người, rất nguy hiểm.

Thầy chưa đắc Thánh quả muốn độ người xuất gia, nên bỏ ý này. Chưa đắc Thánh quả, độ người là gánh nặng vô cùng, vì đi một mình không nổi, còn đeo mang thêm, làm sao đi. Thật vậy, chúng ta xuất gia, từ bỏ tất cả để ra khỏi sinh tử, bản thân không đi nổi, còn gồng gánh thêm bà con nữa chỉ có nước ngã quỵ.

Phải tạm gác việc hành Bồ-tát đạo sang một bên. Tu Pháp hoa gọi điều này là thệ nguyện an lạc. Nói như vậy là lấy ý của Phật. Khi Phật đi xuất gia, Ngài hẹn khi nào được giải thoát sẽ quay lại hoàng cung độ quyến thuộc. Chưa đắc đạo thì Ngài không trở về nhà.

Thực tế chúng ta thấy thầy xuất gia mà còn kẹt gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, khó đi xa, không giải thoát.

Phải một mạch đi tới để đạt giải thoát. Vì vậy, Phật quy định muốn đắc La-hán, phải theo lộ trình này, trừ trường hợp người có cha mẹ già không ai nuôi dưỡng, Ngài cho phép lo cho cha mẹ.

Tôi thấy có Tỳ-kheo tìm đất cất chùa, đất chưa tìm được đã chết, hay tìm được rồi, trả tiền chưa xong thì chết, hoặc ráng hơn, cất chùa xong cũng chết. Vì ráng quá sức, nên chết nhưng không biết về đâu.

Phải tìm đường giải thoát cho mình trước, hẹn người thân khi nào mình thành Vô thượng Chánh đẳng giác sẽ quay trở lại.

Có thầy bỏ được gánh nặng gia đình, nhưng nặng gánh chùa, nặng gánh bổn đạo, rồi than rằng làm trụ trì là làm dâu trăm họ.

Thiết nghĩ ta xuất gia không cần làm vừa lòng bất cứ ai. Người thật tu không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên. Còn lệ thuộc những thứ này, chắc chắn còn trong sinh tử. Còn lệ thuộc vui buồn, vinh nhục, còn tiếp tục gánh sinh tử, dù mặc áo tu.

Phải làm sao không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên, mình mới giải thoát. Thử hỏi các thầy cần bổn đạo, cần tiền bạc, cần chùa hay không.

Riêng tôi, sợ bổn đạo đông, sợ chùa lớn, sợ chùa nhiều, gánh không nổi. Sợ chức vụ mà Giáo hội giao phó, không gánh được, không phải đi tìm.

Tôi luôn suy nghĩ lúc nào mình phải buông. Vì Tăng sai, mình phải làm mọi việc với tất cả tấm lòng. Buông được phần nào, mình nhẹ phần đó.

Được Giáo hội giao phó, gọi là Tăng sai, chúng ta làm những chức danh Trưởng ban, Phó ban Ban này Ban kia. Tuy nhiên, lại có thầy ưa danh, lãnh chức nhưng không làm việc, như vậy xấu hổ hay không. Người hiểu đạo thì sợ danh, sợ đại chúng tin tưởng, giao phó mà không làm được. Nói như vậy không có nghĩa là thầy cô từ chối việc Tăng sai. Vì con mắt của Tăng thấy mình làm được mới giao việc, mình phải nỗ lực làm.

Trên bước đường tu, tôi nhờ Tăng sai, hết lòng làm, nên chư Tăng hộ niệm, hợp tác với mình. Còn chư Tăng không muốn mình làm, có làm cũng không thành công, nên phải từ chức, hay không được ai hợp tác phải từ chức. Thậm chí bị chống đối cũng phải từ chức.

Thí dụ Ban Trị sự thấy thầy có khả năng, nên bổ nhiệm trụ trì, thì phải dốc toàn lực phụng sự chùa, gọi đó là làm tôi cho Phật. Làm hết sức mình mà được Phật hộ niệm, chắc chắn việc thành tựu. Trái lại, nếu Phật bỏ, không hộ niệm, thì nên từ chức. Phật hộ niệm, việc khó mấy chúng ta cũng làm. Quyết tâm như vậy mới thành công.

Tôi có kinh nghiệm khi gặp khó, khổ, nhưng tôi không sợ, chắc chắn Phật thương mình, hộ niệm cho mình vượt qua khó, khổ. Phật hộ niệm, mình không thấy, nhưng quần chúng thương mình, hợp tác thì thấy. Đến nơi nào hành đạo, bà con hết lòng giúp đỡ, ta làm việc dễ dàng.

Xưa kia, các vị Tổ lập lều cỏ tu hành, không mua đất cất chùa, nhưng hành đạo, sức cảm hóa của các Ngài khiến quần chúng kính mến, nên họ hợp lực cùng nhau xây dựng chùa.

Chùa Kim Cang cũng vậy. Tổ đến đây không mua đất cất chùa, nhưng Ngài quán nhân duyên thấy dân chúng vùng này và Ngài có mối quan hệ vô hình, mới cất am tranh tu. Nghĩa là Tổ quán nhân duyên giữa Ngài và quần chúng xem Ngài làm được gì cho họ. Ngồi yên lặng, quán sát dân tình, thấy người bệnh nặng, thiền sư giỏi, biết đúng bệnh và làm thuốc cứu người. Kinh Dược Sư nói làm thuốc cứu người thì phước nhiều vô lượng, hiện đời được người kính trọng… sẽ thành Vô thượng Chánh giác. Người tu ngồi yên quán sát coi nhân dân cần gì, tìm cách giúp đỡ, nên được dân thương, kính quý và họ xây thêm nhà cho người đến tu học.

Ta chỉ lo tu giải thoát, người thương muốn làm theo ta để được thanh thản như ta thì họ tìm đến và ta dạy họ, họ tự tạo điều kiện sống. Ngày xưa, Tổ Huệ Đăng tu trong hang hổ, nhưng Ngài đắc đạo, các Hòa thượng ở khắp Nam Kỳ muốn học đạo, ra Bà Rịa ở với Tổ, rất đông, thì làm sao có chỗ cho các thầy ở. Các thầy phải lên núi che nhà ở, hái măng rừng ăn. Tổ chỉ tu. Nói rằng Ngài làm, nhưng thật ra là chư Tăng làm để sống, để tu. Vì vậy, chư Tăng đến đông, thì chùa lớn, mở rộng thêm.

Kinh nghiệm tôi thấy làm trụ trì phải quán sát nhân duyên giữa mình và dân chúng. Nếu ta thương họ, họ quý ta là chỗ đó ta hành đạo được. Như ngài Linh Hựu lên Quy Sơn dựng nghiệp, mở rộng tông môn, vì với huệ nhãn của người đắc đạo, vùng đất đó là nơi hành đạo của ngài. Nếu không thấy bằng mắt huệ, nhưng dùng tâm phàm tục hành đạo, là biến Phật đạo thành tà đạo, sớm muộn cũng thọ quả báo.

Tóm lại, giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chung quy gom lại một câu chính yếu rằng người thấy nhân duyên là thấy pháp. Người thấy pháp là thấy Như Lai. Các thầy suy nghĩ yếu lý của câu này trên đường hành đạo và áp dụng đúng đắn sẽ gặt hái được tiến bộ.

Cầu Phật gia hộ tất cả hành giả an cư luôn an lành trong Chánh pháp.

HT.Thích Trí Quảng

Lăn theo quả bóng

Lăn theo quả bóng

Đăng lúc: 09:22 - 11/07/2016

Trong căn phòng ọp ẹp, tối om om và ẩm ướt, mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, nằm la liệt sau một ngày rần cẳng rần chân. Là họ mới giao lượng số bán trong ngày và nhận lượt vé cho ngày mai, trong khi chờ cơm, ai nấy tranh thủ ngay lưng. Bữa cơm của họ được chủ đại lý dọn ra, cơm canh, một món xào và ít rau sống, tiền cơm được trừ vào huê hồng bán vé.

Mọi người nhanh chân ngồi lại lua húp, vừa ăn vừa liếc nhìn tập vé số dày cộp, tranh thủ ăn đến ăn đại rồi lo đi bán tiếp. Thường thì chiều nay nhận vé để ngày mai bán, nếu ai muốn làm thêm thì tranh thủ bán luôn suất tối. Thím Hai là người cầm tập vé đi đầu tiên. Ngày bác vào đại lý, lúc ấy đã 83 tuổi, mọi người xuýt xoa:
- Ở nhà dưỡng già chớ sống được mấy ngày nữa mà đi bán vé số?

- Sống tới từng này tuổi rồi thì sợ gì nghèo đói nữa, mà chưa chết được, phải kiếm tiền.

Hỏi là hỏi vì muốn chia sẻ, muốn an ủi bác thôi, chớ có ai trong đại lý này không muốn nghỉ bán. Cái nghề bán vé số vẫn bị coi là cái nghề mạt hạng mà. Vô phố bán vé số, lâu lâu về quê, dù có ngẩng cao đầu lên đi vẫn thấy xấu hổ.

xomveso.JPG
Góc trọ nghèo của những người bán vé số giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh: Zing

*

Tối đó, một cậu con trai, khuôn mặt sáng sủa, ăn mặc có phần chải chuốt vào phòng trọ. Vừa bước vào phòng, tháo đôi giày ra, cậu lấy chiếc áo móc ngay cửa bỏ xuống đất di di chân lên. Một người la ơi ới:

- Trời, áo của bà ngoại chứ không phải khăn lau đâu!

- Áo này vừa cũ vừa xấu, bỏ lau chân được rồi.

Đó là Nam Dương, cháu ngoại của bác Hai, đang học đại học năm cuối, cao ráo, phong độ - như một siêu mẫu. Theo lời bác Hai thì cậu học rất giỏi, lại đá bóng quá hay. Bằng chứng là năm Nam Dương học lớp 5, từng tham gia đội bóng thiếu nhi của tỉnh đi thi đấu toàn quốc, cậu được Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai để ý, có đề nghị gia đình để cậu cho họ bồi dưỡng nhưng bác Hai không đồng tình, bác sợ mất cháu với lại bác cũng không muốn để ai rèn cặp cháu thay bà. Nam Dương hồi đó còn nhỏ xíu, giấc mơ nhiều đứa bạn ao ước lại tuột tay, cậu ấm ức khiếp lắm, hậm hực với bà suốt…

Cũng thông cảm cho bác, đành lòng nào để cháu đi. Nhà chỉ có hai bà cháu lủi thủi, ba Nam Dương mắc bệnh tâm thần nhẹ, ba hồi say, ba hồi tỉnh. Mẹ Nam Dương béo múp, trắng nõn, người ta đồn thổi thím ấy hẹn hò với trai làng. Rồi không biết ai chỉ đường mách lối cho, hôm ấy ba Nam Dương cầm cục đá to ném mạnh vô bụi cây, và máu chảy ra thành vũng, người ta kéo ra hai xác chết. Vợ chết, ông cũng treo cổ luôn.

Rồi Nam Dương vào thành phố học. Bác Hai quay cuồng với tiền nong. “Nó khổ từ nhỏ vì ba bệnh, nhà nghèo, giờ lại mồ côi mồ cút”. Bác Hai cứ nói thế với những đồng nghiệp cùng bán vé số, cứ bao nhiêu đó nói mãi nên mọi người cũng no tai, vậy mà bác Hai vẫn cứ nói mỗi ngày.

Vừa vào phòng, Nam Dương tươi cười, lịch sự hỏi cô chủ đại lý đang ngồi ghi ghi chép chép:

- Thưa cô! Ngoại cháu đâu?

- Nằm trùm chăn kìa, nãy giờ than nhức cẳng nhức chân đó!

Bác Hai nghe tiếng liền vung chăn ngồi dậy. Nam Dương chưa kịp hỏi thăm ngoại một câu, vội đi lại bật ti-vi, màn hình hiện ra là tiếng ồn ào, la hét. Bình luận viên giới thiệu chuẩn bị sẽ tường thuật trực tiếp trận cầu nảy lửa mà những fan của môn thể thao vua đang chờ đợi. Nam Dương nói rất tự nhiên, làm như mọi người trong phòng cũng có cùng sở thích với mình:

- Đây là bảng tử thần, sẽ có một đội mạnh phải ra đi! - nói xong cậu còn thở dài nữa chứ. Những người bán vé số yêu bóng đá vì thấy nhờ nó mà tại các quán người ta tụ tập xem bóng đá nhiều, cá cược thắng thua nữa nên cũng muốn thử vận may, chứ như chú Bảy dù có mê bóng đá cũng không rảnh, mà cũng không còn sức mà xem.

Dán mắt vào ti-vi, Nam Dương quên luôn việc hỏi bà đau nhức thế nào. Bác Hai bị thoát vị đĩa đệm, tê thấp, loãng xương… người bách bịnh vậy mà cứ cần mẫn ôm tập vé đi, gặp mấy người trẻ khó tính thì bị hét hô, nạt nộ, vừa đi vừa đấm thùm thụp vào lưng nói, đi bộ bán vé số cũng như tập thể dục, thấy cũng đỡ đau nhức hơn hồi ở quê.

Xem xong đoạn phim giới thiệu không khí sôi động trong và ngoài sân cỏ, Nam Dương quay ra hỏi bà:

- Bà có tiền không?

- Cháu cần bao nhiêu là đủ?

- Dạ, 500 ngàn!

Bác Hai lật đật lại chỗ cô chủ đại lý, hỏi mượn trước 500 ngàn rồi quay về đưa cháu, hỏi:

- Cháu cần đóng khoản chi mà gấp vậy?

Nam Dương tỉnh bơ nói:

- Mấy thằng bạn cùng phòng rủ góp tiền mua cái ti-vi cũ về coi bóng đá. Đêm ngồi ở quán coi cực quá, muốn nằm nửa nằm nghiêng không được.

Cầm tờ tiền 500, rồi như sợ không kịp coi trận bóng đá sắp tường thuật trực tiếp, Nam Dương đứng dậy chào cả phòng rồi nhanh chân chuồn khỏi căn phòng tồi tàn. Cậu vừa ra khỏi phòng, bác Hai cũng vội vàng ngồi dậy, tay cầm tập vé dày cộp bước theo sau. Chú Bảy bức xúc nói:

- Bác đi cả ngày rồi. Hồi nãy mới than nhức cẳng nhức chân, sao không nghỉ ngơi giờ lại đi tiếp?

- Tranh thủ đêm các quán có nhiều người coi bóng đá, bán thêm, được đồng nào đỡ đồng ấy.

Chú Bảy bực bội:

- Thằng Nam Dương nó đâu có biết để bán được 500 tờ vé số thì bác phải đi gãy cả chân.

Bác Hai cười nhẹ, cầm tập vé số đi nhanh. Trên ti-vi, trọng tài đã thổi còi bắt đầu trận đấu. Quả bóng bắt đầu lăn…
Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Nhàn

Ánh sáng cuối đường hầm

Ánh sáng cuối đường hầm

Đăng lúc: 09:52 - 05/07/2016

Giây phút nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang em như người mê bừng tỉnh khỏi cõi mộng. Em có thể ngửi được hương hoa đại đang lan tỏa trong không khí, nghe thấy tiếng chim hót trên mái chùa. Cảnh vật xung quanh em bỗng bình yên đến lạ kì.
Những tháng ngày sống trong bóng tối

Tôi tình cờ gặp em trong một khóa tu mùa hè, tính đến nay đã được hai năm. Ngày ấy, tôi ấn tượng bởi nụ cười và sự nhiệt tình của chàng trai trẻ ấy. Tôi nhìn thấy được sức sống trong ánh mắt và trong từng hành động của em với các bạn đồng tu. Thoáng nhìn vẻ bề ngoài chắc không ai biết được em từng có một khoảng thời gian chìm đắm trong sắc dục, không tìm được lối thoát.

Đó là năm em tốt nghiệp đại học. Sau khi có kết quả thi chờ ngày nhập học em cũng như chúng bạn dành hết thời gian vào việc nghỉ ngơi, thư giãn. Vì mới được tiếp cận với internet nên điều gì với em cũng đều mới mẻ và lạ lẫm. Từ đó, bất kể ngày hay đêm, lúc nào em cũng dính chặt vào màn hình máy tính. Và rồi em rơi vào lưới mê của con ma sắc dục lúc nào không hay.

Với bản tính tò mò của một đứa trẻ mới lớn, em chìm đắm trong các trang web đen và bị nhiễm một thói quen vô cùng xấu, đó là thủ dâm. Từ khi nhiễm thói quen xấu này, trí óc và thể lực của em giảm sút cực độ. Thành tích học tập cũng theo đó sa sút nghiêm trọng. Khi ấy, lúc nào em cũng nhốt mình trong căn phòng tối mịt, lảng tránh ánh nhìn cũng như khước từ những lời hỏi han, quan tâm của cha mẹ. Bởi với em, lúc này chỉ có thủ dâm mới đem tới sự khoái lạc.

Thủ dâm thật sự là một căn bệnh nguy hiểm bởi một khi đã dính vào thì rất khó thoát ra được. Có khi nó còn đáng sợ hơn cả ma túy. Em tâm sự những tháng ngày đó với em như sống trong bóng đêm vậy. Cả ngày em cũng không nhìn thấy ánh sáng, cứ mải mê đắm chìm vào nó rồi mệt lả đi lúc nào không hay.

Lúc đó nếu không may mắn được cậu bạn thân giúp đỡ thì có lẽ bây giờ em đã chết yểu rồi. Sau khi phát hiện ra thấy em có nhiểu biều hiện khác thường, cậu bạn đã gặng hỏi. Và lúc biết chuyện, bạn kiên quyết bắt em bỏ thói quen đó ngay lập tức. Nhưng đã nghiện thì làm sao dễ dàng bỏ cho được. Cuối cùng vào mùa hè năm ấy, cậu bạn đó “lừa” em đến tham gia một khóa tu mùa hè. Nói rằng ai tham gia sẽ được bồi dưỡng tiền mà em cũng tin. Vì từ lúc dính vào con ma sắc dục kia có lúc nào đầu óc em minh mẫn hay tỉnh táo đâu? Nhưng không ngờ đây lại là cơ hội giúp em phá tan được bóng đêm đen tối đang bủa vây lấy mình.


Ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đã cứu rỗi một tâm hồn

Giây phút nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang em như người mê bừng tỉnh khỏi cõi mộng. Em có thể ngửi được hương hoa đại đang lan tỏa trong không khí, nghe thấy tiếng chim hót trên mái chùa. Cảnh vật xung quanh em bỗng bình yên đến lạ kì.

Những ngày được nghe các thầy giảng pháp và tham gia vào các hoạt động của khóa tu đã giúp em nhận ra được rất nhiều điều quý giá mà trước đây em không hề hay biết. Trong lòng em lúc này trào dâng niềm ân hận và nuối tiếc khi đã vùi lấp tuổi thanh xuân của mình cho thói quen xấu kia. Dẫu muộn màng nhưng quay đầu là bờ, em tự hứa với bản thân sẽ quyết chí làm lại cuộc đời của mình.

Trong cuốn sách “Đệ Tử Quy” có một lời dạy em rất tâm đắc: “Thân hữu thương di thân ưu, đức hữu hương di thân tu” (Dịch: Nếu thân thể của chúng ta bị thương thì cha mẹ sẽ lo âu. Nếu đức hạnh của chúng ta không tốt thì cha mẹ cũng cảm thấy tủi hổ”). Nói như vậy mới thấy thủ dâm không khác gì hành động bất hiếu đối với cha mẹ. Vì đó là hành động “tổn thân bại đức”, phương hại đến thân mạng và đức hạnh của chính mình. Thế mới hiểu vì sao người xưa vẫn luôn dạy: “Trăm cái ác, dâm đứng đầu. Vạn cái thiện, hiếu đứng đầu”.

Từ ngày tham gia khóa tu mùa hè ấy, em đã có những chuyển biến mãnh liệt trong nhận thức của mình. Em xóa sạch những trang web đen và chia sẻ kinh nghiệm của mình tới những người mắc phải “căn bệnh” giống như em. Em tâm sự với tôi lúc nào cũng háo hức tới mùa hè vì được tham gia các khóa tu cũng như đi từ thiện trên các vùng cao để giúp đỡ các mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ.

Em chỉ mong sao sẽ có thật nhiều bạn trẻ tham gia các khóa tu do các chùa tổ chức. Bởi em biết đây sẽ là cơ hội để các bạn có thêm mối quan hệ trong xã hội, hạn chế và ngăn ngừa được các căn bệnh dễ gặp ở giới trẻ hiện nay như vô cảm, nghiện internet, ích kỉ, thực dụng.

Nhìn nụ cười hạnh phúc của em khi làm các công việc phật sự và cùng các huynh đệ hướng dẫn các em mới đến tu tập tôi thấy hoan hỉ biết mấy. Thiết nghĩ đạo Phật nếu được dạy trong trường học sẽ trang bị cho em hành trang vững chắc để tiến bước vào đời. Các em sẽ biết cách san sẻ tình yêu thương với mọi người, đủ tỉnh táo để không bị cuốn vào những cám dỗ trần tục. Và trên tất cả, các em sẽ biết cách nuôi dưỡng hạt giống từ bi và mở rộng tri kiến cho mình.

Đức hạnh là hành trang mỗi người nên tích lũy và vun trồng

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã từng nói: “Tôi ngẫm thấy “Tre già thì măng mọc”, nói như vậy cũng chỉ là vu khoát, cần nói thêm rằng: tre già phải được dùng vào việc có ích và măng mọc cũng cần có hàng có lối, cần được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng, mới đẹp, mới có ích cho đạo cho đời.”

Theo góc nhìn của cá nhân, tôi thấy việc hướng dẫn thế hệ trẻ biết đến đạo pháp là một việc làm cần thiết và đúng đắn. Một trong những bước đi đầu tiên đó là tạo cơ hội cho các em tham gia vào các khóa tu mùa hè. Bởi mái chùa là môi trường thích hợp giúp các em học được những bài học đầu đời giản đơn nhưng vô cùng quan trọng. Đó là tứ trọng ân: hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, biết ơn tổ quốc và tôn trọng mọi người xung quanh.

Khi thấu hiểu những lời dạy ấy, các em sẽ không lao vào lối sống xa hoa buông xuôi theo thế tục hay lối sống gò bó bắt buộc phải khép mình trong giới luật. Giờ đây, các em sẽ biết xây dựng một cuộc sống an lạc xuất phát từ nội tâm.

Như vậy, các em dù không thành công nhưng cũng thành nhân. Lúc này, các em sẽ không còn bị phiền não khuấy động, tâm phẳng lạnh như mặt nước hồ thu, gương mặt sáng tựa như trăng rằm. Đại thi hào Nguyễn Du xưa kia đã từng viết:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Trụ trì không phải là chức vụ mà là trách nhiệm thiêng liêng

Trụ trì không phải là chức vụ mà là trách nhiệm thiêng liêng

Đăng lúc: 20:15 - 10/06/2016

Từ ngày 23 đến 30-5 vừa qua, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - thành viên sáng lập GHPGVN - đã tổ chức Khóa bồi dưỡng trụ trì đầu mùa An cư kiết hạ PL.2560 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM).

Câu chuyện Phật giáo: Tại sao làm việc ác lại không bị ác báo?

Câu chuyện Phật giáo: Tại sao làm việc ác lại không bị ác báo?

Đăng lúc: 19:36 - 25/04/2016

Có nhiều người không hiểu rõ rằng tại sao làm việc ác lại không bị ác báo, thậm chí họ còn kiếm được rất nhiều tiền. Ví dụ, làm những nghề sát sinh như: đồ tể…

Đệ tử hỏi Phật

Phật Đà từng có lần đi tới một nơi mà ở đó chỉ toàn là bụi đất, không có một cây cối nào sinh sống. Ông kể với vị đệ tử đi theo mình rằng, nơi đây trước kia rất giàu có, nhưng quốc vương là một người vô đạo. Một hôm, ông ta đã giết một vị chứng đắc quả vị A La Hán. Sau khi ông ta giết vị A La Hán rồi, trên trời đã thả xuống rất nhiều vàng bạc châu báu liên tiếp trong bảy ngày liền. Tất cả dân chúng đất nước đều như điên cuồng. Nhưng sau 7 ngày thì trên trời liền thả xuống toàn là bùn đất khiến cho cả đất nước đều bị vùi lấp.

Nguyên lai lúc đầu trên trời cho thả xuống vàng bạc châu báu là bởi vì vị quốc vương này có phúc báo. Bởi vì ông ta có phúc báo che chở cho nên ác nghiệp kia không có cách nào hiện ra trước. Trời thả vàng bạc châu báu xuống là để cho ông ta hưởng hết phúc báo. Sau khi đã không còn phúc báo che chở nữa, ác nghiệp liền lập tức hiện ra chính là lúc trời thả bùn đất xuống.

Người làm việc ác chưa bị báo ứng là vì còn chưa hưởng hết phúc báo, một khi phúc báo đã hưởng hết thì nghiệp báo lập tức xuất hiện.



Có người kinh doanh ngành nghề sát sinh mà kiếm tiền, số tiền này kỳ thực là phúc báo ở trong mệnh của họ. Dù họ cũng có thể thông qua các cách khác để kiếm tiền, ví như gửi tiền ngân hàng để lấy lãi…, nhưng họ đã dùng sai phương pháp kiếm tiền. Số tiền đã kiếm được kia đợi hưởng thụ xong rồi thì ác báo của giết nghiệp kia sẽ tới.

Người xưa giảng “có phúc báo không thể hưởng thụ hết”, lúc có phúc báo càng phải làm việc thiện, làm việc có đức, dùng âm đức để đền bù cho những việc làm sai trái trong quá khứ, chứ không phải là chỉ biết hưởng thụ phúc báo. Nếu như phúc báo kia một khi hưởng hết rồi, bị rớt xuống rồi thì mong muốn bồi đắp phúc báo là việc không hề dễ dàng.

Trong “địa tạng kinh” có giảng, con người một khi đã rơi vào “tam ác đạo” (ba đường là địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ) rồi, thì sẽ ở trong tam ác đạo mà luân chuyển, vào địa ngục làm quỷ đói, sau khi làm quỷ đói rồi lại làm súc sinh, sau khi làm súc sinh mới được làm người. Vậy sau khi làm người rồi, không có phúc báo, nghèo khó thấp hèn, không có cách nào bồi dưỡng phúc báo, rồi lại rớt xuống, điều này rất đáng thương.

Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.

Ác hữu ác báo, chỉ là thời điểm chưa tới mà thôi! Những lời này bạn có tin không?

Theo Đại Kỷ Nguyên

Tại sao người làm việc ác không bị Báo Oán?

Tại sao người làm việc ác không bị Báo Oán?

Đăng lúc: 21:48 - 30/10/2015

Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.
Phật Đà từng có lần đi tới một nơi mà ở đó chỉ toàn là bụi đất, không có một cây cối nào sinh sống. Ông kể với vị đệ tử đi theo mình rằng, nơi đây trước kia rất giàu có, nhưng quốc vương là một người vô đạo. Một hôm, ông ta đã giết một vị chứng đắc quả vị A La Hán. Sau khi ông ta giết vị A La Hán rồi, trên trời đã thả xuống rất nhiều vàng bạc châu báu liên tiếp trong bảy ngày liền. Tất cả dân chúng đất nước đều như điên cuồng. Nhưng sau 7 ngày thì trên trời liền thả xuống toàn là bùn đất khiến cho cả đất nước đều bị vùi lấp.
Nguyên lai lúc đầu trên trời cho thả xuống vàng bạc châu báu là bởi vì vị quốc vương này có phúc báo. Bởi vì ông ta có phúc báo che chở cho nên ác nghiệp kia không có cách nào hiện ra trước. Trời thả vàng bạc châu báu xuống là để cho ông ta hưởng hết phúc báo. Sau khi đã không còn phúc báo che chở nữa, ác nghiệp liền lập tức hiện ra chính là lúc trời thả bùn đất xuống.



Người làm việc ác chưa bị báo ứng là vì còn chưa hưởng hết phúc báo, một khi phúc báo đã hưởng hết thì nghiệp báo lập tức xuất hiện. Có người kinh doanh ngành nghề sát sinh mà kiếm tiền, số tiền này kỳ thực là phúc báo ở trong mệnh của họ. Dù họ cũng có thể thông qua các cách khác để kiếm tiền, ví như gửi tiền ngân hàng để lấy lãi…, nhưng họ đã dùng sai phương pháp kiếm tiền. Sốtiền đã kiếm được kia đợi hưởng thụ xong rồi thì ác báo của giết nghiệp kia sẽ tới.
Người xưa giảng “có phúc báo không thể hưởng thụ hết”, lúc có phúc báo càng phải làm việc thiện, làm việc có đức, dùng âm đức để đền bù cho những việc làm sai trái trong quá khứ, chứ không phải là chỉ biết hưởng thụ phúc báo. Nếu như phúc báo kia một khi hưởng hết rồi, bị rớt xuống rồi thì mong muốn bồi đắp phúc báo là việc không hề dễ dàng.
Trong “địa tạng kinh” có giảng, con người một khi đã rơi vào “tam ác đạo” (ba đường là địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ) rồi, thì sẽ ở trong tam ác đạo mà luân chuyển, vào địa ngục làm quỷ đói, sau khi làm quỷ đói rồi lại làm súc sinh, sau khi làm súc sinh mới được làm người. Vậy sau khi làm người rồi, không có phúc báo, nghèo khó thấp hèn, không có cách nào bồi dưỡng phúc báo, rồi lại rớt xuống, điều này rất đáng thương.
Chúng ta mong muốn bồi đắp thêm phúc báo thì ban đầu cũng cần phải là có phúc báo, có phúc báo làm nền tảng, mới có thể bồi đắp phúc báo được.
Ác hữu ác báo, chỉ là thời điểm chưa tới mà thôi! Những lời này bạn có tin không


Theo Xuân Giao

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 288
  • Tháng hiện tại 62,042
  • Tổng lượt truy cập 23,468,291