Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Phật giáo cứu rỗi Baggio, Balotelli thế nào?

Phật giáo cứu rỗi Baggio, Balotelli thế nào?

Đăng lúc: 08:08 - 23/04/2016

Phật giáo đang được người Thái Lan truyền bá tới lục địa già qua… “con đường” Leicester City. Trước đó trên sân cỏ châu Âu, có mấy người tin và theo nhà Phật?
Tồn tại âm mưu giúp Leicester vô địch Premier League?
Nhà sư Thái Lan "phán" gì về Leicester?
Kịch bản không tưởng khiến Leicester khóc hận?
Từ “bể khổ” của Roberto Baggio…
Roberto Baggio là một Phật tử. Nhưng tại sao cựu chân sút nổi tiếng với cái “đuôi ngựa thần thánh” lại trở thành đệ tử của nhà Phật? Có lẽ là do cái… “duyên”.
Huyền thoại bóng đá Italia vốn là người Công giáo. Thời còn nhỏ, cũng giống như 7 anh chị em của mình, Baggio vẫn đến nhà thờ đều đặn ở Caldogno, Italia.
Nhưng việc đến nhà thờ cùng với gia đình dường như là thói quen hình thành từ nhỏ của Baggio, hơn là đức tin. Để rồi theo thời gian, cựu tiền đạo lừng danh của Juventus, Inter và Milan sống như một kẻ vô thần.
Những lúc thuận lợi, mọi việc đều xuôi chèo mát mái thì chẳng nói làm gì. Nhưng khi lâm vào cảnh cùng quẫn, bế tắc thì những người không tôn giáo, vô thần, thiếu đức tin rất dễ lầm đường, rơi vào bi kịch.
Chẳng thế mà Karl Marx nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của loài người bị áp bức, trái tim của thế giới không trái tim, cũng giống như nó là linh hồn của những trật tự vô hồn".
“Đời là bể khổ”. Roberto Baggio từng nghe câu nói ấy của anh bạn thân Morrichio - một con nhang đệ tử của nhà Phật. Nhưng đến mùa giải 1987/88, Baggio mới thấy thứ triết lý mà anh từng mỉa mai ấy ngẫm cũng đúng.

Mùa giải ấy Baggio mới là chàng trai 20 tuổi của Fiorentina. Dù được đánh giá cao nhưng Baggio liên tiếp bị chấn thương hành hạ, khiến tinh thần suy sụp và anh từng nghĩ tới việc giải nghệ.
Thời còn ở đội trẻ Caldogno, Baggio từng biết nhiều đồng đội còn chơi bóng hay hơn anh. Nhưng rốt cuộc, phần lớn trong số họ đều không thể theo sự nghiệp sân cỏ, vì chấn thương nặng hoặc… vào tù vì đủ mọi tội danh. Baggio nghĩ tới họ và cũng liên hệ với bản thân mình.
Nhưng đúng vào thời điểm cùng quẫn và bế tắc nhất, huyền thoại Italia đã tìm đến với Phật giáo như một sự cứu rỗi, khiến cho anh bạn Morrichio cũng phải kinh ngạc.
Trong cuốn tự truyện của mình, cựu tiền đạo sinh năm 1967 thổ lộ: “Phật giáo dạy tôi cách nhìn khác về tương lai. Tôi từng chán nản vì gặp quá nhiều chấn thương. Nhưng đạo Phật dạy tôi phải biết dũng cảm để đương đầu với thử thách.
Nhưng trên tất thảy, Phật giáo đã thay đổi cách nghĩ của tôi, cho tôi sức mạnh và tránh xa những lầm lỗi. Không như những đồng đội cũ của tôi ở Caldogno. Họ đi chệch hướng”.
Từ ấy, ngày nào Baggio cũng đọc kinh Phật tối thiểu 1 giờ. Anh nghiệm ra thế nào là “khổ” và con đường chánh đạo để “diệt khổ” - chân lý cơ bản nhất của Phật học.
Nhờ vậy, từ một kẻ cùng quẫn, bất đắc chí, Baggio vượt qua mọi thử thách, tiếp tục sự nghiệp để rồi trở thành một huyền thoại.
Anh nói: “Tôi nghiệm ra rằng, người ta dễ lầm đường. Không có đạo Phật, có thể tôi đã trở thành tội phạm, nghiện ngập ma túy hay có thể giờ này tôi đang rèn sắt với bố tôi ở Caldogno”.

… tới thiền viện Nam Tông của Balotelli
Mehmet Scholl không năng tới chùa, chẳng hằng ngày gõ mõ tụng kinh như Roberto Baggio nhưng ngôi sao này tin vào Phật và bị ảnh hưởng từ những triết lý của đạo Phật về cuộc sống.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Sueddeutsche Zeitung tháng 05/2010, cựu ngôi sao lừng danh của Bayern Munich phủ nhận anh là một Phật tử, nhưng khẳng định:
“Tôi không phải Phật tử. Nếu bạn làm theo 10 điều răn của Phật, bạn là người tốt. Tôi nghiên cứu đạo Phật, những triết lý của tôn giáo này rất hữu ích cho cuộc sống và công việc hằng ngày”.
Tuy nhiên ngôi sao bị ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo lớn nhất (nhưng không phải Phật tử), thật bất ngờ, đó là Mario Balotelli.
Balotelli là một tài năng của bóng đá thế giới. Nhưng bên cạnh cái tài, Super Mario lại có quá nhiều tật. Anh bị xem là tên ngốc, tên điên khùng hay là kẻ luôn nổi loạn, vô kỷ luật.
Bê bối nổ ra với ngôi sao này như cơm bữa và scandal là một trong những nguyên nhân khiến Balotelli ngày càng sa sút.
Không thể “trị” Balotelli. Năm 2012, Roberto Mancini đã khuyên cậu học trò ngỗ ngược từng… tẩn cả ông trên sân tập Man City nên lấy vợ.
Vì theo lý giải của chiến lược gia Italia, có lẽ chỉ khi lấy vợ, sinh con đẻ cái thì “ngựa chứng” mới trưởng thành.
Nhưng trước khi tham dự VCK EURO 2012 - giải đấu mà Balotelli trở thành người hùng của đội quân Thiên thanh, Balotelli lại hành động điên rồ: đuổi cô bạn gái người mẫu Rafaella Fico ra khỏi căn biệt thự ở Cheshire và… rước tượng Phật về thờ.

Theo tờ Daily Star, ngoài thỉnh tượng Phật về nhà, Balotelli còn mua rất nhiều sách Phật giáo để nghiên cứu.
Trong đó có hai cuốn “Cuộc đời và lời dạy của đức Phật” (The Life and Teachings of Gautama Buddha) của Giáo sư Phys David hay cuốn “Ánh sáng châu Á” (The Light of Asia) của Edwin Arnold.
Đạo Phật, vì sao? Một người bạn của tiền đạo Italia lý giải: “Mario cho rằng, đạo Phật sẽ giúp được anh bỏ rượu, tính nóng nảy và quan trọng hơn là sự bình an trong cuộc sống. Với đạo Phật, Mario sẽ hạn chế được tà tính”.
Từ khi trở lại Italia đầu quân cho Milan, Balotelli thường xuyên tới thiền viện Nam Tông ở Frasso Sabino. Đây là thiền viện của các phật tử Nam Tông, tức Phật giáo Tiểu thừa mà người Italia gọi là Santacittarama.
Balotelli tới thiền viện Nam Tông Frasso Sabino để vãn cảnh thư giãn, thiền cũng như đàm đạo với các chư tăng về Phật - Pháp - Tăng.

Trên tạp chí Phật giáo Shambhala Sun, đại đức chủ trì thiền viện Frasso Sabino, Ajahn Chandapalo từng cho biết, ông tỏ ra kinh ngạc trước những kiến thức về cuộc sống cũng như Phật pháp của Balotelli.
Cánh cửa nhà Phật luôn mở ra cho bất cứ ai. Với đại đức Ajahn Chandapalo, từ khi Balotelli đặt chân đến thiền viện Frasso Sabino, tiền đạo này đã là một… Phật tử Nam tông.
Nhưng nói về Phật tử Nam tông và ảnh hưởng của Phật giáo đến bóng đá thì phải tới King Power của Leicester City.
Người ta tin rằng, nhờ Phật, thầy trò Ranieri sẽ trải qua mọi “kiếp nạn” Premier League để “thành chính quả” như thầy trò Đường Tăng huyền thoại…
Tình đầu của George Best xuống tóc đi tu
Huyền thoại Man United, George Best nổi tiếng là ngôi sao đào hoa. Mối tình đầu tiên của Best là bà Jackie Glass, năm nay 67 tuổi.
Thời điểm hẹn hò với cựu tiền đạo “Quỷ đỏ”, bà Jackie là một trang tuyệt sắc được nhiều chàng trai theo đuổi. Trên Mirror, bà Jackie tiết lộ mình là tình đầu của George Best và mối quan hệ của bà và huyền thoại này kéo dài hơn 1 năm.
Tới năm 1994, sau quá nhiều khổ đau vì tình ái và cuộc sống, bà Jackie quyết định cắt tóc quy y cửa Phật, lấy pháp danh là ni cô Ani Rinchen.
Năm 2005, ni cô Ani Rinchen nghe tin Best qua đời khi bà đang tu tại đảo Holy và bà đã đọc kinh cầu cho linh hồn người cũ siêu thoát.

Những lời dạy vượt thời gian

Những lời dạy vượt thời gian

Đăng lúc: 07:46 - 11/07/2015

Tất cả mọi người đều biết khổ – nhưng không thật sự hiểu khổ. Nếu thực sự hiểu khổ thì chúng ta đã có thể chấm dứt khổ.
ajahn chah
Người Tây phương thường vội vã, vì thế họ có những hạnh phúc và đau khổ cực kỳ lớn. Chính các phiền não này cũng có thể là nguồn trí tuệ sau này.
Để sống cuộc sống tại gia và thực hành Pháp, ta phải sống trong thế tục nhưng ở trên nó. Việc giử giới (sila), bắt đầu bằng năm giới căn bản. Đó là cội nguồn chính yếu đối với tất cả mọi việc thiện. Chúng loại bỏ tất cả những cái xấu khỏi tâm, loại bỏ những gì tạo ra sân hận và bực bội. Khi những điều căn bản này bị loại bỏ, thì tâm luôn ở trong trạng thái của định (samadhi).
Lúc đầu, điều cốt yếu là giử cho các giới thực sự vững vàng. Thực hành thiền miên mật khi có cơ hội. Đôi khi việc hành thiền của ta tốt, đôi khi không. Đừng quan tâm về điều đó, chỉ cần tiếp tục. Nếu nghi hoặc phát khởi, chỉ cần nhận thức rằng chúng, giống như mọi thứ khác trong tâm, là vô thường.
Từ căn bản đó, định sẽ xảy ra, nhưng trí tuệ thì chưa. Chúng ta phải quán sát tâm khi nó vận hành – nhận thấy cái nó thích và không thích phát khởi từ sự xúc chạm của các giác quan, và không bám víu vào chúng.
Đừng nôn nóng đạt được kết quả hay tiến bộ nhanh chóng. Trẻ nhỏ bắt đầu bằng việc bò, rồi tập đi, rồi chạy và khi nó hoàn toàn trưởng thành, nó có thể đi hơn nửa vòng trái đất để đến Thái Lan.
Dana, bố thí nếu được làm với chủ ý tốt, có thể đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho người. Nhưng nếu việc giử giới chưa được hoàn hảo, thì sự bố thí có thể không thanh tịnh, vì chúng ta có thể đánh cắp từ người này để cho người khác.
Tìm kiếm dục lạc là điều chẳng bao giờ chấm dứt, vì ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Cũng giống như một cái lọ bị thủng đáy, dầu chúng ta cố gắng chế đầy nước nhưng nước vẫn tiếp tục bị chảy ra. Sự thanh tịnh của một đời sống tâm linh đưa đến kết quả cụ thể, nó chặn đứng sự chạy đua kiếm tìm không dứt. Nó giống như bịt cái lỗ thủng trong lọ nước!
Sống trong thế tục mà hành thiền, người khác sẽ nhìn bạn giống như một cái chiêng không được đánh, không tạo ra bất cứ âm thanh nào. Họ sẽ coi bạn là vô tích sự, điên cuồng, bất đắc chí; nhưng thực sự ra đó chỉ là điều ngược lại.
Bản thân tôi chưa từng nghi ngờ các vị thầy nhiều, tôi luôn là người biết lắng nghe. Tôi lắng nghe những điều họ nói, dầu đúng hay sai không quan trọng; rồi tôi chỉ thực hành. Cũng giống như bạn đang thực hành ở đây. Bạn không nên có nhiều nghi vấn. Nếu ta luôn có chánh niệm, thì ta có thể quán sát các trạng thái tâm của chính mình – chúng ta không cần ai khác quán sát các trạng thái của chúng ta.
Có lần kia khi đang sống với một vị Sư mà tôi phải tự may y. Vào thời đó, chưa có máy may, người ta phải may bằng tay, và đó là một kinh nghiệm rất đắng cay. Vải thì dày mà kim thì lụt; tôi cứ đâm kim vào tay mình. Tay tôi rát buốt, máu thấm cả ra vải. Vì công việc này quá khó, tôi nóng lòng làm cho xong. Tôi trở nên đắm mình trong công việc đến nỗi tôi không để ý rằng tôi đang ngồi ngoài trời nắng, mồ hôi nhuễ nhoại.
Vị Sư đó đến bên tôi và hỏi tại sao tôi phải ngồi ngoài nắng mà không ngồi trong mát. Tôi trả lời rằng tôi rất nóng lòng làm cho xong việc, “Ông phải vội vã để đi đâu?” vị Sư hỏi. Tôi trả lời, “Tôi muốn làm xong việc này để tôi có thể ngồi thiền và đi kinh hành”. Vị Sư hỏi lại, “Công việc của chúng ta có khi nào xong không?” “Ồ!…” Câu nói đó đã đánh thức tôi. “Công việc của chúng ta trong thế gian chẳng bao giờ chấm dứt,” vị Sư giải thích. “Ông nên dùng những cơ hội như thế này để thực hành chánh niệm, và rồi khi đã làm đủ, ông nên dừng lại. Hãy để nó xuống và tiếp tục việc hành thiền hay đi kinh hành của mình”.
Giờ tôi bắt đầu hiểu lời giáo huấn của Sư. Trước đây khi may, tâm tôi cũng may và ngay cả khi tôi bỏ công việc may xuống, tâm tôi vẫn tiếp tục may. Khi tôi hiểu những lời dạy của vị Sư kia tôi có thể thực sự đặt việc may xuống. Khi may, tâm tôi may. Khi tôi đặt công việc may xuống, tâm tôi cũng đặt công việc may xuống. Khi tôi không may, tâm tôi cũng không may.
Phải biết được điều tốt và điều xấu trong việc du hóa hay sống ở một chỗ. Bạn có thể không tìm thấy an bình trong hang động hay đồi núi, bạn có thể du hành đến nơi Đức Phật giác ngộ, mà cũng không tiến gần đến giác ngộ thêm chút nào. Vấn đề quan trọng là hãy ý thức đến bản thân dầu bạn đang ở bất cứ nơi nào, bạn đang làm bất cứ điều gì. Viriya, sự nổ lực, không kể đến những gì bạn đang làm ở bên ngoài, mà chỉ là sự luôn ý thức và kiềm chế bên trong.
Điều quan trọng là không nên nhìn người khác và tìm lỗi với họ. Nếu họ hành xử không tốt, thì không cần bạn phải tự làm khổ mình. Nếu bạn chỉ cho họ điều gì đúng và họ không thực hành theo đó, thì hãy cứ để như thế. Khi Đức Phật tu học với các vị thầy, Ngài nhận thấy rằng phương cách của họ còn thiếu sót, nhưng Ngài không tranh cãi họ. Ngài đã học hỏi với sự nhún nhường và kính trọng đối với các vị thầy, Ngài đã thực hành rốt ráo và nhận ra cách thức của họ chưa hoàn thiện nhưng vì Ngài chưa đạt được giác ngộ nên Ngài không chỉ trích hay có ý muốn dạy họ. Sau khi đã giác ngộ, Ngài nghĩ đến những người Ngài đã cùng tu học và muốn chia sẻ những khám phá mới mẻ Ngài đã tìm thấy với họ.
Chúng ta thực hành để được giải thoát khỏi khổ, nhưng giải thoát khỏi khổ không có nghĩa là phải có mọi thứ như mình muốn, buộc mọi người phải hành động như mình muốn, hay chỉ nói những gì làm vừa lòng mình. Đừng tin vào những cách suy nghĩ đó của bạn. Thường thường sự thật là một việc còn suy tư của chúng ta lại là một việc khác. Chúng ta cần phải có nhiều trí tuệ hơn là sự suy tư, như thế thì không có vấn đề. Nhưng khi suy tư vượt quá trí tuệ, thì vấn đề sẽ nẩy sinh.
Tinh tấn (Tanha) trong việc thực hành có thể là bạn hay thù. Trước hết nó thúc đẩy chúng ta đến đây thực hành – ai cũng muốn được chuyển hóa, muốn chấm dứt khổ. Nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng muốn điều gì đó, nếu chúng ta muốn sự việc khác hơn với bản chất của chúng, thì điều đó chỉ tạo ra thêm nhiều đau khổ.
Đôi khi chúng ta muốn buộc tâm phải im lặng, nhưng nổ lực này chỉ khiến nó thêm phiền não. Nhưng nếu chúng ta dừng thúc đẩy thì định lại phát khởi; rồi trong trạng thái tĩnh lặng và bình an đó chúng ta lại bắt đầu suy nghĩ – Chuyện gì vậy? Ý nghĩa của nó là gì?… Và chúng ta lại trở nên bực tức!
Ngay trước cuộc tập kết tăng đoàn lần đầu tiên, một trong những vị đệ tử của Đức Phật đã đến để bảo với ngài Ananda rằng: “Ngày mai là ngày kết tập Tăng đoàn, chỉ có những vị A-la-hán mới có thể tham dự”. Lúc đó ngài Ananda vẫn chưa đạt được giác ngộ, vì thế ông hạ quyết tâm: “Đêm nay ta phải làm được điều đó.” Ông thực hành miên mật suốt đêm, tìm cách trở nên giác ngộ. Nhưng ông chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi, cuối cùng ông quyết định buông bỏ, nghỉ ngơi một chút vì ông thấy sự nỗ lực, tinh tấn của mình chẳng đi đến đâu. Nhưng ngay khi ông nằm xuống, đầu vừa chạm gối, ông trở nên giác ngộ.
Những điều kiện ở bên ngoài không khiến bạn khổ, khổ chỉ phát khởi từ tà kiến. Các cảm thọ: lạc hay khổ, thích hay không thích, phát khởi từ sự xúc chạm của các giác quan –bạn phải ý thức được chúng ngay khi chúng phát khởi, không chạy theo chúng, không để cho tham đắm trói buộc –ngược lại, điều đó sẽ đưa đến sinh và hữu. Nếu nghe người khác nói năng, bạn có thể bực bội vì bạn nghĩ là nó đã phá vỡ sự yên tĩnh, sự hành thiền của bạn, nhưng nếu bạn nghe tiếng chim kêu thì bạn không nghĩ gì, bạn chỉ để cho âm thanh đó qua đi, không gán cho nó bất cứ ý nghĩ hay giá trị gì.
Bạn không nên vội vã hay hối thúc sự thực hành của mình mà phải nghĩ đến con đường dài… Chúng ta có thể hành thiền trong mọi hoàn cảnh, dầu là đang tụng kinh, làm việc hay ngồi trong am thất. Chúng ta không cần phải đi tìm một nơi chốn đặc biệt nào để thực tập. Muốn tu ẩn cư một mình thì chỉ đúng phân nửa mà cũng sai phân nửa. Không phải là Sư không tán thành sự hành thiền chỉ miên mật (định) nhưng ta phải biết khi nào cần ra khỏi trạng thái đó. Bảy ngày, hai tuần, một tháng, hai tháng – rồi sau đó trở về với con người và hoàn cảnh thực tại. Đó mới là cách để trí tuệ được phát khởi; quá nhiều sự thực hành định không có lợi gì hơn là người ta có thể trở nên điên khùng. Nhiều vị tu sĩ, muốn được sống một mình đã bỏ chúng mà đi và rồi chết cũng có một mình!
Có người quan niệm rằng tu tập miên mật là hoàn hảo, là cách duy nhất để tu tập bất kể đến những hoàn cảnh trong cuộc sống bình thường, nhưng đó là họ đã bị thiền làm mê đắm.
Hành thiền là để phát khởi được trí tuệ trong tâm, điều này chúng ta có thể làm ở bất cư nơi nào, bất cứ lúc nào và trong bất cứ vị thế nào.

Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Timeless Teachings, trong tập THE COLLECTED TEACHINGS OF AJAHN CHAH, Vol. 2)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 9
  • Hôm nay 1,484
  • Tháng hiện tại 63,238
  • Tổng lượt truy cập 23,469,487