Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
IMG 5212

Một ngày tu Bát Quan Trai Giới tại chùa Phúc Thành

Đăng lúc: 09:23 - 13/11/2017

Thọ trì Bát quan trai là chiến thắng chính mình để làm chủ được bản thân trong cuộc sống thường nhật, khi đó ta sẽ được an lạc và hạnh phúc.

Thế nào là tự nhiên

Thế nào là tự nhiên

Đăng lúc: 22:23 - 09/10/2016

Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, cuộc sống bình thường và cách hành xử hằng ngày của mình là tự nhiên, còn tu học hay thiền tập là “mất tự nhiên” và ta sẽ không còn thích hợp với cuộc sống này nữa.


Thế nào là tự nhiên
Trong những buổi chia sẻ về thiền tập, tôi thấy người ta thường đặt câu hỏi là khi ta bước chân vào con đường tu học, khi ta bắt đầu tập thiền, chúng có làm cho cuộc sống của mình trở nên mất tự nhiên chăng? Có làm cho ta mất đi sự nhanh nhẹn không? Ta có còn biết xử lý những vấn đề trong cuộc sống cho được hiệu quả không? Hay nói cách khác, cuộc sống của ta có còn được “tự nhiên” như xưa chăng?

Thế nào là sự tự nhiên
Nhưng thế nào mới là tự nhiên? Ngài Ajahn Chah có một chia sẻ khá thú vị về vấn đề này.
“Một cái cây mọc trong rừng là tự nhiên. Nhưng khi ta đốn xuống đem về xây nhà, ta còn gọi cây đó là ‘tự nhiên’ không? Và khi ta dùng gổ ấy để xây nhà cho người ta ở, thì nó lại có nhiều giá trị cho chúng ta hơn. Như một con chó chạy đây đó tìm kiếm thức ăn, khi ta thảy cho nó một món gì, chúng nhào lại dành giựt với nhau. Điều đó ta cho là tự nhiên phải không! Nhưng ta có muốn tự nhiên như thế không?
Sự tự nhiên thật sự chỉ có thể hiểu được với một cái thấy sâu sắc. Sự tự nhiên này nằm ngoài những thói quen, điều kiện, và sự sợ hãi của ta. Nếu ta cứ buông thả, để cho mình sống theo sự ‘tự nhiên’ của ý muốn, sở thích của mình, mà trong đó tiềm tàng những tham đắm, si mê, ta sẽ bị đau khổ theo sự vận hành của luật nhân quả. Thiền tập, giúp cho sự hiểu biết và tình thương của ta phát triển, và nhờ vậy mà ta có thể thấy rõ được hình tướng chân thật của mọi vật, theo lẽ tự nhiên.”
*** Chỉ làm công việc của mình
Nhưng để cho sự vật được tự nhiên cũng không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác. Ngài Ajahn Chah nói,
“Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó. Và bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ làm như thế, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc của cây. Công chuyện của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của bạn. Đó là một cái nhìn, quan niệm sai lầm, dẫn ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ đau. Làm gì cũng vậy, nhất là trên đường tu tập, hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử.
Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, bạn lúc nào cũng sẽ được an vui.”
Tôi nghĩ ta có thể mang lời khuyên ấy vào ngay trong cuộc sống của mình. Một bài học kham nhẫn trước những phiền não và khó khăn trong cuộc đời, “hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp.” Và với sự kham nhẫn bằng tuệ giác ấy thì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta cũng sẽ có an vui…

Nguyễn Duy Nhiên

Tụng quyển 7, kinh Pháp Hoa

Tụng quyển 7, kinh Pháp Hoa

Đăng lúc: 18:56 - 10/09/2016

Phật dạy sanh làm người là điều khó, được gặp Phật pháp khó hơn và hiểu, ứng dụng Phật pháp vào đời sống tu hành cho đạt kết quả tốt đẹp càng khó hơn nữa.

Ngày nay trên thế giới có hơn sáu tỷ người, nhưng số người gặp được Phật pháp chưa tới 10%. Nhưng trong 10% số người gặp Phật pháp mà tin được thì không nhiều; vì gặp Phật pháp và tin Phật pháp do căn lành nhiều đời trước, nên sanh đời này, chúng ta mới gặp Phật pháp và tự nhiên tin Phật.
kinh-ph.png
Kinh Pháp hoa

Vào thời thơ ấu, lúc 6, 7 tuổi, tôi thấy bên cạnh nhà có người qua đời. Tôi nghĩ làm người sanh ra và chết thì uổng một kiếp người. Tôi biết suy nghĩ như vậy từ thuở nhỏ, thì may mắn tôi đọc báo Từ Bi Âm do thân phụ tôi mua. Phần lớn trong báo này nói về tiền thân của Đức Phật. Đó là tôi có duyên với Phật pháp, từ đó, tôi nghĩ về Phật, tin Phật và theo niềm tin đó, tôi đi tìm đạo.

Vào thời đó, người có căn lành tìm thầy dìu dắt tu hành đã khó, mà học đạo được càng khó hơn. Riêng tôi, nhờ căn lành đời trước, tự nhiên từ trong sâu kín tâm hồn, thường nghĩ đến Phật và tin Phật. Tuy nhiên, tin Phật và lạy Phật, ai cũng làm, nhưng đạt được kết quả không nhiều.

Người có căn lành và niềm tin ở Phật, siêng năng lạy Phật, tụng kinh, cũng tìm được sự an lành trong lòng, nhưng gặp thầy khai ngộ thì khó nữa. Vì vậy, học kinh, tụng kinh có phước, nhưng áp dụng được trong cuộc sống thì khó hơn.

Tôi may mắn có duyên với kinh Pháp hoa, vì từ 12 tuổi mà đã ra tới Tân An, gặp Hòa thượng Đạt Vương cho bộ kinh Pháp hoa bằng chữ Nho, tuy không đọc được, nhưng rất quý và phát tâm xuất gia, luôn ôm bộ kinh này theo. Vì không đọc được, không hiểu, nhưng nhờ căn lành làm tôi tin tưởng đây là vật quý giá.

Tới với Phật pháp, tin Phật và quan trọng là bước đầu tôi tìm đạo. Đầu tiên, tôi cũng tới tổ đình Giác Lâm, gặp Hòa thượng Viện chủ, sau đó qua Giác Viên gặp Hòa thượng Giáo thọ, đó là hai ngôi chùa duy nhất ở thành phố này vào thời đó có tụng kinh Pháp hoa chữ Hán.

Và thấy tôi ôm bộ kinh Pháp hoa, Hòa thượng nói chú có duyên với kinh này. Tôi nhắc Tăng Ni, Phật tử, ai có duyên với kinh Pháp hoa, tự nhiên quý trọng kinh và tin tưởng kinh, người đó sẽ được Phật hộ niệm, được Hộ pháp long thiên giữ gìn và Hộ pháp chỉ đường cho mình đi tầm sư học đạo.

Thật vậy, trong thời gian đó, tôi gặp một vị sư không biết tên, nhưng nói giọng miền Trung, nên được gọi là thầy Huế. Gặp tôi, ông nói chú đi ra chùa Phước Tường, gặp Hòa thượng Bửu Ngọc, có duyên học được. Chùa Phước Tường cũng thuộc tông môn của Giác Lâm chúng ta.

Và ở Phước Tường mấy tháng, ông thầy này trở lại chùa nói với tôi rằng chú có duyên với Hòa thượng Huê Nghiêm hơn. Trên bước đường tu có Bồ-tát chỉ đường là vậy.

Ở chùa Huê Nghiêm một năm, ông lại chỉ tôi muốn đi xa con đường đạo, nên vào Phật học đường Nam Việt. Và khi tôi tốt nghiệp xong, ông đến nói chú nên sang Nhật học.

Vì vậy, tôi có cảm giác Phật đã khiến vị thầy này đến chỉ đường cho tôi đi học đạo trong sự bình yên và thăng hoa. Nếu không có minh sư chỉ đường, lại gặp thầy tà, bạn ác thì thật khó tu.

Theo tôi, có niềm tin vững, được Phật hộ niệm, nên mình và Phật có sự gắn bó vô hình không nói được. Chính vì vậy, chúng ta thấy ai cũng tu, nhưng kết quả tốt thì không phải ai cũng được và kết quả của mỗi người cũng không giống nhau.

Và tôi gặp Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi kinh Pháp hoa. Ngài nói học kinh, nhưng phải hiểu nghĩa kinh. Tôi rất thích thú nghe ngài giảng kinh Pháp hoa và hiểu được nghĩa kinh là bước thứ hai, tôi có duyên với kinh Pháp hoa.

Phật tử tụng kinh Pháp hoa đòi hỏi chúng ta phải hiểu nghĩa lý trong kinh. Riêng tôi, hiểu được nghĩa kinh Pháp hoa và vào chùa Ấn Quang tu học, gặp cố Hòa thượng Trí Hữu là vị chân tu có niềm tin sâu sắc với kinh Pháp hoa. Mỗi ngày, Hòa thượng tụng một bộ kinh Pháp hoa xong, thì đốt một liều hương trên đầu để cúng dường Phật. Hết chỗ đốt trên đầu, Hòa thượng đốt hương lên hai cánh tay, hết chỗ đốt ở cánh tay, Ngài lại phát nguyện đốt bứt ngón tay. Ngài đã thể hiện niềm tin vững mạnh trong cuộc đời tu hành. Tôi hỏi ngài đốt như vậy có nóng không. Ngài nói nóng thì làm sao đốt được.

Có thể hiểu tu hành được Phật hộ niệm ở độ cao, mình bắt đầu vào định của kinh Pháp hoa, thì không bị sự chi phối của thân tứ đại, của xã hội và thiên nhiên. Thực tế cho thấy nhiều người tu, say mê tụng kinh, quên ăn, quên ngủ, không bị đói khát, nóng lạnh chi phối.

Người tu theo Nguyên thủy đạt đến sở đắc này, gọi là Dự lưu, tức vào dòng Thánh. Người tu Pháp hoa đến đây cũng vậy, sống ngoài khen chê, không ăn ngủ cũng không sao. Hòa thượng Thanh Kiểm nói lúc đói, không có gì ăn, thì uống nước quên đói. Ai có căn lành, có niềm tin cảm nhận được ý này. Riêng tôi, khi say mê nghiên cứu Phật pháp, thấy được điều lạ là suốt ngày không ăn, cũng không nghĩ đến ăn, nhưng không thấy đói.

Người tụng kinh không đói, vì thâm nhập pháp Phật, nên Pháp thân hiện ra, khiến cho người khác nhìn thấy pháp Phật ẩn bên trong con người bằng xương thịt của họ. Còn mình cũng tu và nghĩ rằng mình phải làm việc nào đó để cho người quý trọng, nhưng không được quý trọng thì buồn.

Thực tu, không cần ai nghĩ đến mình, không cần ai quý trọng mình. Nhưng một ngày mình sống với pháp là ngày đó, Pháp thân Phật đã hiện ra, thì kinh Pháp hoa, Đức Phật nói rằng người đó đã đến đạo tràng, trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật.

Điển hình cho ý này, đó là Phật Thích Ca, Ngài là thái tử, nhưng trong tâm thái tử đã có Phật, nên Ngài hiện tướng Phật. Vì Ngài là Phật thiệt, nên hiện tướng Phật suốt 49 năm giáo hóa độ sanh, không thay đổi. Còn chúng ta chỉ có một niệm tâm thanh tịnh, hay một ngày thanh tịnh mà thôi, thì niệm tâm đó có Phật, ngày đó có Phật. Và sau đó, nếu nghĩ đến ăn, Phật biến mất và mình trở thành ngạ quỷ.

Hòa thượng Thiện Tường khi còn sanh tiền, chuyên tụng kinh Pháp hoa. Ngài nói rằng không cần gì, chỉ muốn tu, nhưng người ta đem cúng tiền, gạch ngói, bắt buộc phải làm. Nhưng đến khi Hòa thượng dấn thân làm thì thiếu trước hụt sau.

Tôi phát hiện những gì mà mình khởi tâm vọng niệm, Phật liền biến mất, giữ tâm thanh tịnh, Phật xuất hiện. Vì vậy, giữ được Phật trong lòng, không có cảm giác đói, khát, nóng, lạnh. Người tụng kinh Pháp hoa có kết quả, thâm nhập ý kinh, tụng suốt ngày, không khát nước, nhưng có cảm giác có nước ngọt trong cổ và âm thanh còn tốt hơn. Còn người vừa tụng kinh vừa uống nước, hoặc tụng kinh thấy đói, vì chỉ tụng trên đầu môi chót lưỡi bộ kinh bằng giấy trắng mực đen thôi.

Và tụng kinh, dù trời nóng 40 độ, nhưng không thấy nóng, đó là đã vào cửa đạo. Bình thường, ngồi một chút thấy nóng và thấy nóng rồi lại thấy nóng hơn. Người tu ngồi yên trong chánh niệm, không cảm giác nóng lạnh. Tôi gặp nhà sư Ấn Độ ở Ý. Vào mùa đông, tôi phải mặc hai, ba lớp áo vẫn lạnh. Ông này chỉ mặc một áo. Tu hơn nhau ở điểm đó.

Người thâm nhập đạo, gọi là Nhập lưu, tức vào dòng thác trí tuệ, nên không kẹt vào xã hội, không bị thiên nhiên chi phối, là xuất thế. Thực tu sẽ đạt được kết quả này. Nếu không tới chỗ này, mà cứ nghĩ theo vọng tưởng những cách khác, cuộc đời tu cũng chẳng được gì. Cần nỗ lực thực tập pháp Phật miên mật, đúng đắn, chắc chắn gặt hái được sở đắc, sở chứng mà kinh thường ví như người uống nước mới biết nước nóng lạnh thế nào.

Hòa thượng Huê Nghiêm nói Tổ Huệ Đăng dạy không cần tụng hết bộ kinh Pháp hoa, chỉ tụng quyển thứ 7 của bộ kinh này. Thiết nghĩ người đi trước chứng ngộ, thấy được điều mà người phàm không thấy, nên họ dự vào hàng Thánh, tức họ cũng là người, nhưng được quý trọng như Thánh. Tu hành khác nhau ở điểm đó.

Tôi suy nghĩ tại sao Tổ dạy tụng quyển 7 kinh Pháp hoa và phát hiện những điều kỳ vĩ mà Phật đã dạy trong quyển 7. Ai có nhân duyên căn lành sẽ nhận ra.

Quyển 7 kinh Pháp hoa đầu tiên nói về tiền thân của Bồ-tát Dược Vương, gọi là Dược Vương Bồ-tát Bổn sự. Bổn sự là việc làm của Bồ-tát ở kiếp trước mà tạo nên thành quả trong kiếp này, vì tất cả việc của quá khứ đều hiện ra trong hiện tại. Thí dụ đọc kinh Bản sanh thấy rõ do nhiều đời hành Bồ-tát đạo mà Phật Thích Ca thành tựu quả vị Phật. Và Đức Phật đã dạy Bồ-tát pháp hành này, mở đầu là Bồ-tát Dược Vương.

Kiếp trước Ngài Dược Vương được tôn danh là Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến Bồ-tát, nghĩa là tất cả chúng sanh đều muốn thấy vị Bồ-tát này và thấy Ngài, họ vui mừng.

Trên thực tế, có người mà mình muốn thấy, có người mình không muốn thấy. Có người mình thấy thì được an lạc. Kinh Pháp hoa nói rõ lý này rằng ai thấy người này, tâm được an. Vì vậy, ai gặp mình mà khó chịu, phiền não thì mình chưa phải là hành giả Pháp hoa.

Tại sao mọi người muốn thấy Bồ-tát Dược Vương. Hiểu sâu là Ngài có ba nghiệp hoàn toàn thanh tịnh, không làm việc ác, không nghĩ điều ác, không nói lời ác.

Người mà thân nghiệp không thanh tịnh, phạm tội sát, đạo, dâm; khẩu nghiệp phạm tội nói không đúng sự thật, nói lời hung ác, nói lời gây chia rẽ, nói thêm bớt, bịa đặt. Chắc chắn chẳng ai muốn giao lưu với người như vậy. Và ý nghiệp thanh tịnh, không tham, sân, si.

Thể hiện cốt lõi này, Phật khuyên người tu Pháp hoa phải giữ ba nghiệp thanh tịnh. Nếu không giữ ba nghiệp thanh tịnh, dù có tụng kinh nhiều, chưa chắc đạt được kết quả tốt.

Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, quan trọng là ý chỉ đạo hành động. Tôi thấy điều này rõ, khi tâm mình thanh tịnh, thương người mới có lời nói dễ thương. Tâm mình không thích, nói gì cũng không tốt như viên thuốc đắng bọc đường.

Phát xuất từ tâm thanh tịnh, nên họ nói, hay rầy la, mình vẫn thấy tốt. Điển hình là Phật, không phải lúc nào Ngài cũng nói ngọt với Tỳ-kheo, nhưng lời giáo huấn của Phật toát ra tâm từ bi vô lượng chỉ muốn cứu độ mọi người, nên đại chúng cảm động, thành tâm tiếp nhận lời Phật dạy.

Tu Pháp hoa, đầu tiên phải giữ ba nghiệp thanh tịnh. Cốt lõi này được thể hiện qua hình thức pháp y trong ruột màu trắng tiêu biểu cho sự thanh tịnh và bên ngoài màu vàng là Phật pháp. Lấy Phật pháp, lấy kinh bọc tâm mình lại. Hễ tâm còn thanh tịnh, Phật còn hộ niệm. Nếu quên Phật pháp, muốn làm gì là việc của mình, Phật không hộ niệm.

Tâm đặt trong Phật pháp, trong kinh Pháp hoa là ngày đó tâm còn trong sạch nhờ lấy Phật pháp rửa tâm. Tôi tụng kinh là lấy pháp rửa sạch lòng trần thì sẽ hiện tướng giải thoát và lời nói trong sạch.

Tu hành, nghĩ đến Bồ-tát Dược Vương là nghĩ làm sao người thương và chấp nhận ta, đó chính là hành Bồ-tát đạo. Việc khởi tu của tôi, bước đầu cố gắng tối đa không làm mất lòng người, lời nói và hành động không mất lòng người. Còn Phật tử tu mà dụm lại nói chuyện, gây ra phiền não, thì Phật không hộ niệm. Phải nhớ lúc nào cũng lấy Phật pháp rửa lòng mình.

Trên Pháp y lần đầu có hoa sen 8 cánh tiêu biểu cho Bát Chánh đạo, vì trong Phật pháp căn bản là 37 Trợ đạo phẩm, kết thúc là Bát Chánh đạo chủ yếu gồm có lời nói đúng, thấy đúng, suy nghĩ đúng, việc làm đúng và việc làm lợi ích cho người.

Về sau, Pháp y có 7 hạt tiêu biểu cho Liên hoàn Thủ hộ. Số 7 là con số lý tưởng của Phật giáo. Hình thành vũ trụ và con người cũng từ con số 7 tiêu biểu cho Pháp giới. Khi kiết thất cũng 7 ngày và tụng kinh cầu siêu cho người qua đời cũng 7 ngày, 7 tuần.

7 hạt xếp thành hình vòng tròn cách đều nhau nói lên ý nghĩa tu hành trong đại chúng, tất cả mọi người là bạn đồng tu tương thân tương trợ, không chống phá nhau. Mình đứng giữa có 6 người xung quanh đứng cách đều nhau, ai cũng có khoảng cách trống, thì dễ tụng kinh và lễ lạy không đụng nhau. Cách sắp xếp vị trí hành lễ như vậy dễ làm mình thanh tịnh, vì hoàn cảnh thanh tịnh sẽ giúp tâm mình thanh tịnh. Ngày xưa, các chùa ở rừng núi, nên cảnh hoàn toàn thanh tịnh, tâm dễ dàng thanh tịnh theo. Cảnh động, con người dễ động tâm.

Vùng chùa Huê Nghiêm sình lầy, xây dựng chùa phải đóng cừ sâu tới 30m để chân móng được vững chắc và vùng này cũng không có đá. Tôi phải lên núi Thị Vải chở đá về. Nhìn đá gan lì, chịu được nắng mưa, tiêu biểu cho ý chí tu hành vững như đá. Tu mà không gan dạ để chịu đựng mọi chướng duyên, chắc chắn không thể ra khỏi sinh tử. Vì vậy, tôi chở đá về chùa Huê Nghiêm để nhìn đá mà lập chí tu hành.

Xung quanh chùa Giác Lâm có cây xanh tiêu biểu cho sức sống. Ở trong rừng cây mà tụng kinh, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Vì vậy, cần tìm chỗ thích hợp để tu thì đạt kết quả dễ hơn. Đương nhiên người đắc đạo ở đâu cũng được, nhưng lúc đầu phải có chỗ đặt tâm vô. Cho nên chúng ta thấy chư Tổ thường lên núi rừng sâu, tránh xa người, tâm dễ thanh tịnh.

Tôi có thời gian ẩn cư ở núi không có người, chỉ có một mình, khỏi phải đối đãi, tính toán làm cái này cái kia, khiến cho tâm mình dễ thanh tịnh. Ở chốn phồn hoa đô thị, ta phải tùy thuộc xã hội và tùy thuộc người, tâm dễ bị rối.

Phẩm Dược Vương Bồ-tát nói Bồ-tát này được như ngày nay, vì Ngài không làm mất lòng người, chỉ làm vừa lòng người và giúp đỡ người, nên Dược Vương thành tựu pháp Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến.

Vì vậy, pháp Bồ-tát, hay tu Pháp hoa, không làm mất lòng người, nhưng giúp đỡ người, nếu có điều kiện. Nếu không làm cũng được, nhưng kết quả không cao.

Tiến lên bước nữa, theo phẩm Diệu Âm Bồ-tát. Ngài không ở Ta-bà, nhưng khi Phật Thích Ca phóng hai hào quang từ vô kiến đảnh tướng và bạch hào tướng chiếu thẳng đến Diệu Âm, Ngài liền từ thế giới của Ngài qua Ta-bà. Kinh diễn tả là chúng hội không thấy Ngài, nhưng thấy hoa sen. Điều này thể hiện ý nghĩa Bồ-tát vào đời giáo hóa chúng sanh được ví như hoa sen tỏa hương thơm cho người. Cảm nhận hạnh cao quý của Bồ-tát khi đọc phẩm này, tôi cảm tác bốn câu thơ:

Bồ-tát đi vào đời

Sen nở khắp muôn nơi

Trang nghiêm cho cuộc sống

Ôi thật đẹp tuyệt vời.

Nghĩa là Bồ-tát xuất hiện bất cứ chỗ nào cũng trong sạch như hoa sen ở trong bùn. Nói cách khác, Phật pháp muốn hưng thạnh, dù cuộc đời có tệ hại, nhưng ta không tệ, giống như Diệu Âm đến Ta-bà hoàn toàn thanh tịnh.

Thể hiện ý này, Tổ Thiên Thai khuyên chúng ta không nên vào đời như bùn nhơ tội lỗi, nhưng tại sao chúng ta vào đời. Rõ ràng vì để thể hiện hạnh cứu khổ độ sanh theo Phật dạy mà chư Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời này.

Đức Phật muốn mời Diệu Âm đến Ta-bà, Ngài phóng hào quang từ vô kiến đảnh tướng, nghĩa là muốn mời khách quý, lòng chúng ta phải cung kính. Dù Phật lớn hơn Diệu Âm, nhưng Ngài cũng mời Bồ-tát này với tâm cung kính. Xem thường người, làm sao họ tới được.

Diệu Âm nói rằng ai mời không đi cũng được, nhưng Phật Thích Ca mời, nhất định phải đi, dù cực khổ. Điều này cho chúng Ta-bài học rằng trên bước đường hành đạo, phải có bạn sống chết với mình. Muốn như vậy, phải cung kính người, dù họ nhỏ hơn mình.

Phật Thích Ca có vô kiến đảnh tướng, vì trải qua vô lượng kiếp tu hành, Ngài không xem thường ai. Điển hình như trong một kiếp quá khứ, Ngài là Thường Bất Khinh Bồ-tát, dù người tệ ác thô lỗ với Ngài, nhưng Ngài cũng một lòng kính trọng họ, nghĩa là kính trọng ông Phật trong tâm họ. Nhờ tâm kính trọng mọi người như vậy trải qua nhiều đời mà Phật Thích Ca có được vô kiến đảnh tướng. Trong khi thực tế, chúng ta thường thấy người giỏi hay xem thường người khác, nên họ chẳng được tôn kính và không ai muốn hợp tác.

Ngoài ra, Đức Phật phải phóng hào quang thứ hai từ bạch hào tướng tiêu biểu cho trí tuệ. Thật vậy, dù mình kính trọng người, mời họ, nhưng họ nghĩ mình không hiểu biết thì họ cũng không đến.

Vì vậy, hành Bồ-tát đạo, phải phát huy hiểu biết và tâm quý trọng người, vì có đủ hai điều này, người mới hợp tác với ta.

Tụng kinh, hiểu nghĩa lý kinh và phải làm theo Bồ-tát là điều quan trọng.

Vị Bồ-tát thứ ba là Quan Âm rất dễ thương. Ở hoàn cảnh nào, Ngài cũng tùy thuận được. Học hạnh Quan Âm, ở đâu mình cũng chịu lép và sống hòa thuận thì ai cũng thương.

Tổ Huệ Đăng khuyên chúng ta tụng một quyển thứ 7 kinh Pháp hoa là làm theo các Bồ-tát Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, chúng ta mới được yên ổn trong cuộc sống.

Cao hơn nữa, ta theo Bồ-tát Phổ Hiền, nhưng chúng ta không thể giống Phổ Hiền, vì Ngài Phổ Hiền quá siêu việt. Quyến thuộc Bồ-đề của Ngài quá đông, quá tốt và làm được rất nhiều việc lớn.

Thật vậy, Phổ Hiền đến đâu, rải của báu đến đó. Kinh diễn tả rằng Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song, cùng chúng Bồ-tát, Bát bộ, Thiên long vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật…

Muốn được như Phổ Hiền, phải tu mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm là nhân và Phổ Hiền trong kinh Pháp hoa là quả.

Tóm lại, chúng ta tu, đọc kinh, xem Bồ-tát làm gì mà được gọi là Bồ-tát, để từng bước chúng ta làm theo và được giống như các Ngài. Các Ngài hỗ trợ ta, vì ta làm thay các Ngài. Các Ngài không có thân tứ đại, nên không làm được, nên Ngài hợp tác cho ta làm.

Theo kinh nghiệm của tôi, thành tựu được việc khó là nhờ Bồ-tát gia hộ. Mong quý vị phát tâm tu Pháp hoa, đọc kinh, suy nghĩ và áp dụng đúng pháp để nhận được kết quả tốt đẹp. Cầu Phật gia hộ cho mọi người được an lành trên bước đường tu.
HT.Thích Trí Quảng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Bạn là chính mình nhưng tốt đẹp hơn nhờ làm theo những hướng dẫn này"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Bạn là chính mình nhưng tốt đẹp hơn nhờ làm theo những hướng dẫn này"

Đăng lúc: 08:06 - 23/07/2016

"Năm Giới tân tu không giáo điều hay bắt buộc tu hành. Ai ai cũng có thể sử dụng nó như nền tảng đạo đức của bản thân mà không phải trở thành Phật tử hay tuân theo bất cứ tín ngưỡng nào. Bạn là chính mình nhưng tốt đẹp hơn nhờ làm theo những hướng dẫn này" - Thích Nhất Hạnh.
Vì sao Google tìm đến Thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh? (P2)
Vì sao Google tìm đến Thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh? (P1)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ với doanh nhân
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Bạn là chính mình nhưng tốt đẹp hơn nhờ làm theo những hướng dẫn này"
Năm Giới tân tu thể hiện quan niệm về năm Giới - cốt lõi của Phật giáo và cung cấp phương thức thực hành chánh niệm trong đời sống thường nhật. Năm Giới tân tu đại diện cho quan niệm Phật giáo về tinh thần, đạo đức toàn cầu. Chúng là biểu hiện cụ thể cho lời dạy của Đức Phật về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, con đường dẫn tới chân lý và tình yêu đích thực, hướng đến chữa lành và hạnh phúc cho chính chúng ta cũng như thế giới.

Thực hành Năm Giới tân tu là trau dồi tuệ giác tương tức để loại bỏ phân biệt đối xử, sự thiếu khoan dung, giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng. Có thể sống như Năm giới tân tu là chúng ta đã ở trên con đường của một vị Bồ tát. Biết mình đang ở đó, chúng ta sẽ không lạc lối trong những hoang mang về hiện tại hay tương lai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về Năm Giới tân tu:

1. Tôn kính sự sống

Ý thức được nỗi đau khổ gây ra bởi sát sinh, con cam nguyện nuôi dưỡng tuệ giác tương tức và lòng từ bi, học cách bảo vệ cuộc sống của con người, thú vật, cây cỏ, khoáng chất. Con nguyện không sát sinh hay để người khác sát sinh, cũng như không ủng hộ bất cứ hành động sát sinh nào trên thế giới, trong suy nghĩ hay trong cách sống của mình.

Chứng kiến những hành động bạo lực xuất phát từ giận dữ, sợ hãi, tham lam, không khoan dung hay chính là từ tư duy lưỡng nguyên và phân biệt đối xử, con nguyện cởi mở, không kỳ thị, không cố chấp theo quan điểm nào để chuyển hóa bạo lực, cuồng tín cũng như chủ nghĩa giáo điều của bản thân và chúng sinh.


2. Hạnh phúc chân thực

Ý thức được nỗi đau khổ gây ra do lừa gạt, bất công xã hội, trộm cắp, áp bức, con nguyện mở rộng lòng hảo tâm trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Con nguyện không ăn cắp hay sở hữu bất cứ thứ gì mà đáng lẽ nên thuộc về người khác; và con sẽ chia sẻ thời gian, năng lượng, tài vận của mình với những ai cần đến.

Con sẽ nhìn sâu hơn để biết, hạnh phúc hay đau khổ của người khác không tách biệt với hạnh phúc hay đau khổ của bản thân; rằng hạnh phúc chân thực không thể thiếu đi thấu hiểu, từ bi; và rằng chạy theo vật chất, danh vọng, quyền lực hay sắc dục có thể mang lại rất nhiều bất hạnh, tuyệt vọng.

Con biết, hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ tinh thần của mình chứ không phải điều kiện bên ngoài, và rằng con có thể dễ dàng sống hạnh phúc trong khoảng khắc hiện tại bằng cách nhớ, mình đã có nhiều hơn đủ để được hạnh phúc. Con nguyện thực hành theo Chánh mạng để giảm đi đau khổ của chúng sinh trên Trái Đất và đảo ngược quá trình nóng lên của toàn cầu.

3. Tình yêu đích thực

Ý thức được nỗi đau khổ gây ra bởi thói tà dâm, con nguyện nuôi dưỡng trách nhiệm và học hỏi cách bảo vệ sự an toàn, toàn vẹn của cá nhân, đôi lứa cũng như xã hội. Biết rằng ham muốn tình dục không phải tình yêu, và rằng hành vi tình dục bị thúc đẩy bởi thèm muốn luôn luôn làm hại bản thân cũng như người khác, con nguyện không ăn nằm với ai mà không có tình yêu đích thực sâu sắc cùng cam kết dài lâu được gia đình, bạn bè thừa nhận.

Con sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục và để ngăn chặn các cặp đôi, gia đình khỏi bị đổ vỡ bởi tà dâm. Thấy rằng cơ thể và tâm trí là một, con nguyện học hỏi những cách thích hợp để chăm sóc năng lượng tình dục bên trong; nuôi dưỡng lòng yêu thương, từ bi, niềm vui và tính toàn diện – bốn yếu tố cơ bản của tình yêu đích thực – phục vụ cho niềm hạnh phúc lớn lao của con và của người khác. Tình yêu đích thực giúp con trở nên đẹp đẽ hơn trong tương lai.

4. Ái ngữ và lắng nghe

Ý thức được nỗi đau khổ gây ra bởi lời nói thiếu suy nghĩ và việc không có khả năng lắng nghe, con nguyện nuôi dưỡng ái ngữ và lòng từ bi để giảm bớt đau khổ, thúc đẩy hòa giải cũng như bình an trong bản thân và trong những người khác, các nhóm dân tộc và tôn giáo cùng các quốc gia.

Biết rằng lời nói có thể tạo nên hạnh phúc và khổ đau, con nguyện nói sự thật thông qua những ngôn từ tự tin, vui vẻ, đầy hy vọng. Khi cơn tức giận bùng lên, con nguyện không mở lời. Con sẽ luyện tập hít thở và bước đi trong chánh niệm để nhận ra và nhìn sâu vào cơn giận.

Con biết rằng gốc rễ của giận dữ có thể được tìm thấy trong những nhận thức sai lầm, thiếu hiểu biết về nỗi đau của mình và của người khác. Con sẽ nói, nghe để giúp bản thân cũng như người khác biến đổi nỗi đau và tìm cách thoát khỏi tình huống khó khăn.

Con nguyện không tuyên truyền những thông tin mình chưa chắc chắn và không thốt ra những lời gây chia rẽ, bất hòa. Con sẽ thực hành Chánh tinh tấn để nuôi dưỡng khả năng thấu hiểu, yêu thương, vui vẻ và toàn diện để dần dần biến đổi sự tức giận, bạo lực, sợ hãi đang nằm sâu nơi tâm hồn.


5. Nuôi dưỡng và trị liệu

Ý thức được nỗi đau gây ra bởi sự hấp thụ thiếu chánh niệm, con nguyện giữ gìn sức khỏe tốt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần cho bản thân, gia đình, xã hội bằng cách ăn, uống, hấp thụ thận trọng. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thứ độc hại.

Con kiên quyết không cờ bạc hay sử dụng ma rượu, ma túy hoặc bất cứ sản phẩm nào chứa chất độc hại, cũng như một số trang web, trò chơi điện tử, chương trình tivi, phim ảnh, tạp chí, sách và các cuộc hội thoại.

Con nguyện trở về giây phút hiện tại để kết nối với những yếu tố tươi mát, chữa lành, nuôi dưỡng trong và xung quanh con, không để nuối tiếc và ưu sầu kéo con trở về quá khứ cũng như không để lo âu, sợ hãi, tham ái đẩy con ra khỏi thời khắc hiện tại.

Con nguyện không cố gắng che đậy sự cô đơn, lo âu hoặc bất cứ nỗi đau nào khác bằng việc hấp thụ vô độ. Con nguyện nhìn sâu vào giáo lý tương tức và hấp thụ vừa phải để giữ gìn hòa bình, niềm vui, hạnh phúc trong cơ thể, tâm trí bản thân cũng như gia đình, xã hội và Trái Đất.

Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây: Đức Phật là người hạnh phúc
Theo Nguyệt Minh

6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

6 điều đừng bao giờ hiểu sai về đạo Phật kẻo mất hết phúc báo

Đăng lúc: 13:40 - 04/07/2016

Dưới đây là 6 điều đừng bao giờ hiểu lầm về đạo Phật tránh mất hết phúc báo

Đức Phật không có thật

Trong tâm thức tâm linh của nhiều người Việt, Đức Phật giống như các vị thần thánh khác, là đấng siêu nhiên không tồn tại hữu hình. Nhưng nếu tìm hiểu Phật giáo, là một tín đồ của Phật giáo, thì chắc hẳn không thể không biết, Đức Phật vốn xuất thân là một người trần mắt thịt.

Trải qua quá trình tu luyện, Người trở thành Phật và đi truyền đạo khắp nơi, cứu khổ chúng sinh. Đời sau để tưởng nhớ công đức và tôn vinh những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà Ngài mang lại nên thờ cúng.

Cầu Phật xin thứ nọ, thứ kia

Vẫn tồn tại trong một cộng đồng người quan điểm Phật là đấng tối cao ban phước lành cho nhân loại. Những người không đi chùa có những suy nghĩ này là có thể chấp nhận được, tuy nhiên với những người đi chùa thường xuyên vẫn tồn tại quan điểm này thì thực sự rất khó hiểu. Họ đi chùa và cầu xin đủ thứ . Họ cầu sức khỏe, cầu giàu sang, cầu gia đình ấm êm hạnh phúc, cầu con cái công thành danh toại. Họ cúng vài trái cam, đôi nải chuối, vài trăm nghìn…và tự cho rằng mình đã đủ thành tâm để trời Phật phù hộ cho nhiều điều.

Cũng rất nhiều người khác, muốn có đời sống bình an, năng đi chùa lễ Phật, lập bàn thờ Phật tại nhà và nghĩ rằng như thế sẽ được thần Phật phù hộ suốt đời, đến khi thác đi chắc chắn sẽ về cõi cực lạc. Họ bỏ qua những trần trụi của cuộc đời, bỏ qua những giáo lý nhân quả của Phật để rồi kiến tạo nên một kiểu sống lệch lạc sai lầm, tự cho mình cái quyền sống ung dung tự tại với tất cả, coi thường tất cả vì đã có Phật “chống đỡ” đằng sau. Tuy nhiên, nên nhớ rằng Phật dạy muốn có quả ngọt lành thì gieo nhân hạt thơm tho. Đừng mong gieo hạt ớt mà gặt trái chanh. Cuộc sống vô thường nhưng nhân quả báo ứng liên hồi, tiền kiếp hậu kiếp xấu tốt nhục vinh cơ bản cũng bởi cách sống mỗi người mà ra.

Điều này có nghĩa là, phước lành của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không phải do Phật ban phước mà chính từ những nhân mà chúng ta gieo ở đời, họa hay phước sẽ từ đó mà ra vậy.

Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật

Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Đi tu là phải ăn chay

Đây là một trong nhiều ám ảnh của những người bước đầu tìm hiểu về Phật giáo. Họ không cưỡng lại được ham muốn ăn mặn của mình và cảm thấy ăn chay khi đi tu thật sự là một điều kinh khủng. Tuy nhiên, Phật giáo không bắt buộc con người ta ăn chay. Ăn được là tốt, nhưng nếu không ăn chay được thì nên hạn chế sát sinh.

Còn nhớ, ngày xưa khi chưa có điều kiện ăn chay, Phật đi khất thực và ăn những gì được cho, đôi khi vẫn ăn mặn vì dân chúng cho đồ mặn và đó không phải là điều tội lỗi. Ăn chay nhưng không hành thiện, ăn chay nhưng vẫn giữ những sân hận trong lòng, đối đãi với người trên bằng sự bất kính, đối đãi với người dưới bằng sự thị uy khinh miệt, thì đó cũng không bằng ăn mặn mà nhân từ hiền hậu, sống thiện tâm hiền lành.

Phật có toàn quyền quyết định số phận con người

Quan niệm này lý giải cho những việc hành mê tín dị đoan trong cộng đồng người Việt hiện nay. Họ cho rằng số phận của mình được quyết định bởi những đấng thần linh tối cao như Chúa, Thượng đế, Phật…chính vì vậy họ luôn sống trong một niềm nghi ngờ về tất cả những biến cố đến với mình, coi như đó là sự an bài và có thế nào cũng không thoát được số kiếp đó. Từ đó, một đại bộ phận người đã lợi dụng tâm lý này để hành nghề mê tín dị đoan, khiến cho đạo Phật có những hình thức biến thể không giống như giáo lý chính thống.

Đạo Phật chỉ dành cho người già

Tâm linh thì không có tuổi, tôn giáo thì không phân biệt người. Phật giáo là chỗ dựa về tinh thần cho tất cả những ai đang muốn đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Dù đang còn trẻ hay tuổi đã xế chiều thì Phật giáo cũng đều mang đến cho bạn những kiến thức, những bài học, những kinh nghiệm và triết lý sống đơn giản nhưng ý nghĩa.

Khi có Phật trong đời…

Khi có Phật trong đời…

Đăng lúc: 19:09 - 27/05/2016

Đến một lúc nào đó, khi hội đủ nhân duyên - có khi là thuận duyên như gặp thầy hiền và bạn tốt, nhưng cũng có khi là nghịch duyên như khổ đau chồng chất, ta được gặp Phật - gặp lời dạy của Ngài thông qua hình ảnh một ngôi chùa, một nhà sư, một người khoác áo lam hiền lành..., làm cho ta ngộ ra, thấy một con đường khác, sáng hơn. Từ đó, ta thầm cám ơn, ta niệm niệm: Phật pháp cứu đời tôi!

cophat.jpg
Bước chân tỉnh thức - bước chân đi vào đời vững chãi, thảnh thơi...
Gặp Phật & thấy Phật

Người học Phật ai cũng nằm lòng câu “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhắc hoài câu này để nhớ rằng, phải trân quý con đường tu học - sửa chữa ba nghiệp (ý, ngữ, thân) mỗi ngày, đừng xao lãng. Vì như nội hàm của câu ấy: được thân người không dễ, mà lại còn nghe được Phật pháp (theo nghĩa hiểu, tin và đang hành) thì phải tinh tấn, đừng tu theo kiểu phong trào, được chăng hay chớ.

Thực tế, trong cuộc sống có những người không biết quý thân mình nên đã nghĩ, nói và làm những việc tạo ra sự cay đắng cho tự thân và người khác. Theo đó, đã gây khổ cho bản thân, làm hại người khác, loài khác một cách bất chấp. Sở dĩ họ có hành động ấy vì họ không tin nhân quả, nghĩa là họ không nghe lọt tai lời phải, lời Phật dạy, không thấy mọi thứ đều có nhân-duyên - từ đó đưa tới những biểu hiện trong hiện tại và tương lai (quả).

Không nghe được Phật pháp thì sẽ không quý thân người theo nghĩa sống buông thả, buông lung tâm ý, lời nói, hành động. Sống ngoài luật nhân quả thì sẽ sống theo kiểu... luật rừng, trong đầu lúc nào cũng bị dắt dẫn bởi suy nghĩ “mạnh được yếu thua” và càn quấy với mọi thứ xung quanh, mưu mẹo và lươn lẹo để “được” - thỏa mãn những mong muốn ngoài quy luật nhân-duyên-quả bằng sự tham lam, sân hận và si mê một cách vô độ. Cái thấy như vậy thực ra là “mất” chứ không phải “được”, bởi đã vay thì phải trả, đã gieo gió tránh làm sao được việc gặt bão.

Thực ra, gặp Phật là gặp một lời khuyên đúng đắn, gặp ai đó hé mở cho mình một cái nhìn để “hồi đầu hướng thiện”. Khi đó, người xuôi theo lối sống buông lung, phóng túng... bỗng giật mình vì thấy: là người ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Và thấy, nỗi khổ ấy do mình tác tạo từ những điệp trùng nhân-duyên trong quá khứ và hiện tại, ngay phút giây đang sống này. Cái giật mình ấy như một sự bừng tỉnh bởi tiếng chuông đại hồng - là lời nhắc đầy năng lượng bi và trí của một người nào đó đã có duyên lành với mình trên bước đường sinh tử này. Lâu nay mình quên mất sự thật về khổ và nguồn cơn của khổ vốn do mình tạo ác nghiệp - do vậy mình đã sống một cách mê muội, càng tham lam, càng sân si thì càng khổ nhiều hơn.

Gặp Phật và thấy con đường sáng, có nghĩa là đã thấy bên trong có Phật tánh, có sự vững chãi và thảnh thơi, chỉ cần mình dừng lại và nhìn sâu vào chính mình. Cái mình của trước khi gặp Phật và thấy Phật chính là cái tôi cần được vỗ về, cưng chìu tới mức hư đốn. Cái mình của sau khi gặp Phật và thấy Phật chính là hạ bản thân xuống, luôn biết sám hối vì “con nay đã tạo bao ác nghiệp”, để từ đó nâng dần sự chịu đựng và tình thương lên, khiến tâm an định, trí sáng suốt hơn.

Vượt thoát khổ đau trong hiện tại

Là con Phật, chắc ai cũng biết “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”? Khi đã thấy Phật, gặp Phật thì mình sống theo con đường Bồ-tát, tu học Phật và dấn thân vào đời để trải nghiệm lời Phật dạy bằng thực tế cuộc sống. Khi đó, trong mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động - ta đều nhớ rằng sẽ gieo vào đất tâm mình hạt giống (xấu hoặc tốt). Nếu thực sống trong ý thức bảo hộ tự thân cũng chính là bảo hộ muôn loài như một vị Bồ-tát thì ta sẽ biết sợ gieo-trồng nhân xấu, bởi ta thấy trong sự gieo-trồng ấy có ngày gặt hái những quả đắng cay tất yếu.

Khi mê thì ta muốn tranh giành, bất chấp, ta tham lam vô độ và... ta sợ gặp rủi ro, sợ những điều bất như ý. Đó là tâm lý của chúng sinh, sợ quả xấu nhưng quên mất quả xấu tốt là do nhân-duyên đã và đang tác tạo, thành ra cứ sợ hãi miết, khổ đau hoài.

Khi ngộ, ta thấy nỗi đau nếu có thì là do ta đã gây tạo nhân xấu trước đó, do ta sửa ý-ngữ-thân chưa có giỏi nên vẫn còn thọ cảm sự bất như ý bằng một tâm thế yếu đuối, chứa đựng nỗi sợ hãi, vì thế mình còn khổ. Biết điều này thì ta sẽ lùi lại, dừng lại và đừng thèm loay hoay nữa, mà sẽ bắt đầu ngồi yên, lễ Phật - sám hối, tác ý thiện, định tĩnh thân tâm cho tới khi bên trong không còn những lao xao sợ hãi nữa.

Có một sự thật mà những ai có thực tập Phật pháp đều thấy được đó là, ngay khi ta chấp nhận được tất cả các biểu hiện ở hiện tại bằng sự quán chiếu nhân-duyên-quả thì ta sẽ đoạn được ác và nỗi sợ hãi. Nhìn cho rõ cái đang là bằng tình thương và sự hiểu biết thì con ma chạy trốn nỗi khổ niềm đau trong ta sẽ tự biến mất và mình trở nên vững chãi (mạnh mẽ, không sợ hãi).

Sự vững chãi sẽ đưa tới thảnh thơi trong tâm hồn, nghĩa là sẽ bình an. Thấy việc gì đến-đi đều có lý của nó, lúc đó mình liền thong dong, như đang đi dạo trong cõi Ta-bà, đi trong nỗi khổ cũng giống như đi trong hạnh phúc, không bị tác động nhiều. Để có được sự vững chãi thì trước đó ta cần thực tập thảnh thơi (dừng lại, ngồi yên, ngắm nhìn những biểu hiện cùng những tâm hành tương ưng trong ta). Khi có sự vững chãi thì ta càng thảnh thơi, làm gì hay có điều gì tới cũng không làm ta nôn nóng, không làm ta phải rượt đuổi theo nó hay bị nó rượt đuổi. Đó chính là sự nương nhau biểu hiện theo lý duyên sinh: cái này có (sự thảnh thơi) thì cái kia có (sự vững chãi) và ngược lại.

Do vậy, để vượt thoát khổ đau thì bắt buộc mỗi người phải thực tập bỏ bớt, buông dần để có thời gian chăm sóc thân tâm bằng cách dừng lại và nhìn sâu vào lòng những biểu hiện ngay trong hiện tại. Nói cách khác, đó là sự thực tập chánh niệm để nhận diện sự thật, thấy nguồn cơn và vượt qua nó bằng năng lượng thương yêu, hiểu biết.

Thông thường, chúng ta lười làm mà thích hưởng thụ. Đó là tánh tham, là không sống trong luật nhân quả. Tánh này vẫn còn trong khi học và tu Phật, do vậy nhiều người... thích cầu nguyện và mong được ban phước thay vì dấn thân làm phước, hành thiền để có được kết quả tốt đẹp. Người thực sự thấy Phật, thương mình thì không nên làm vậy, ngược lại sẽ gia tâm thực hành sửa ý-ngữ-thân một cách tinh tấn mỗi ngày, phát nguyện tinh tấn không chỉ đời này mà trong vô lượng vô thỉ kiếp nữa, cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, như Phật đã từng tuyên dương: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Thiết nghĩ, là con Phật, nhớ điều đó, tin điều đó thì sẽ từng bước cởi bỏ những ràng buộc nơi thân và nơi tâm, sẽ từ từ làm cho mình trở nên tự do hơn, giải thoát hơn ngay trong từng phút giây hiện tại chứ không phải sống theo cách đợi tới khi xả báo thân này mới chứng đắc quả vị gì đó cao siêu!
Lưu Đình Long

Có phải tất cả Phật tử đều phải ăn chay trường?

Có phải tất cả Phật tử đều phải ăn chay trường?

Đăng lúc: 18:35 - 25/05/2016

Chủ đề ăn chay trường với người theo đạo Phật luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và còn gây nhiều tranh cãi. Vntinnhanh xin được giới thiệu đến bạn đọc bài phân tích của ông John Kahila, một cư sĩ người Mỹ, người sáng lập diễn đàn Phật giáo "talk.religion.buddhism" trên mạng Internet.



Tất cả các Phật Tử đều "ăn chay trường" có phải không? Không phải thế. Giới luật đầu tiên chỉ khuyên chúng ta kềm chế đừng sát sanh, nhưng ăn thịt không xem là sát sanh, và kinh Phật không cấm chúng ta ăn thịt (Ở đây, chủ yếu là chúng ta đề cập đến kinh điển Pali. Một số kinh Bắc Tông, nhất là Kinh Lăng Già- Lankavatara Sutra, lại hết sức ủng hộ thực hành việc ăn chay. Xin xem phần ghi chú ở cuối bài.)

Theo như ghi chép trong kinh tạng Pali, Ðức Phật không cấm sử dụng thịt, kể cả các vị tăng ni nữa. Thực vậy, Ngài đã dứt khoát bác bỏ lời đề nghị của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bắt buộc chư tăng ni phải "ăn chay trường".

Nơi các xã hội thuộc hệ phái Phật Giáo Nam Tông hiện nay, một vị tỳ kheo nào bám víu lấy việc ăn chay để gây uy tín nơi người khác là mình có tinh thần siêu nhiên vượt trội hơn người khác thì xem như vi phạm giới luật tu sĩ.

Mặt khác, Ðức Phật đã nghiêm cấm thẳng thừng việc sử dụng các loại thịt của bất kỳ con vật nào đã được mắt thấy, tai nghe và không nghi ngờ gì con vật đó được giết mổ rõ ràng là để thiết đãi các vị tăng ni ( Kinh Jivaka, Trung Bộ 55).

Giới luật này chỉ áp dụng cho các vị tăng ni mà thôi, nhưng cũng được xem như là một hướng dẫn hợp lý cho các cư sĩ sùng đạo.

Lật lại căn nguyên từ thời Phật Thích Ca

Ðể hiểu rõ cách tiếp cận "lý Trung đạo" này về việc ăn thịt, chúng ta cần phải nhớ là vào thời Phật Thích Ca chưa có các "Phật tử". Lúc đó, chỉ có các khất sĩ chia thành nhiều loại khác nhau (kể các môn đệ của Ðức Phật), cộng với những người cư sĩ là những người bố thí cúng dường mà không quan tâm đến nhãn hiệu của các loại giáo lý.

Nếu người chủ nhà cố ý chọn thịt là thực phẩm để bố thí, thì các vị khất sĩ đó cũng phải nhận, không được phân biệt hay tỏ vẻ không hài lòng gì cả. Từ bỏ của bố thí như vậy có thể xúc phạm đến lòng mến khách và có thể làm mất đi cơ hội cho người chủ nhà được tạo phước -- và cũng không mang lại lợi ích gì cho con vật vì nó đã chết.



Ngay cả những người Kỳ-na giáo có lẽ cũng đã có cùng một quan điểm tương tự như vậy ở cùng một thời kỳ lịch sử, mặc dù giáo lý Vô hại (Ahimsa) rất nghiêm khắc. Ăn chay không phải là nguồn gốc những bất đồng nghiêm trọng trong Tăng đoàn (Sangha), cho đến khi có xuất hiện các cộng đồng tu sĩ trú ngụ tại những nơi cố định và họ không còn thực hiện việc đi khất thực trì bình.

Tại các cộng đồng đó, bất kỳ loại thịt nào do các Phật tử mang cúng cho Tăng Ni, rất có thể là từ thú vật bị giết đặc biệt cho mục đích đó. Ðó là một lý do của sự khác biệt trong quan điểm giữa hai phái Bắc Tông và Nam Tông về việc ăn thịt - sự phát triển của các cộng đồng tu sĩ thường trú tại một nơi cố định, chính yếu xảy ra trong Bắc Tông.

Vấn đề đạo đức xoay quanh việc ăn thịt

Vấn đề ăn thịt đưa đến các câu hỏi khó khăn về đạo đức. Có phải chăng thịt bày bán ở các siêu thị và các nhà hàng được giết mổ "nhằm" phục vụ chúng ta? Có phải chăng ăn thịt là gián tiếp giết hại? Rất ít người trong chúng ta có đủ tư cách để phán quyết những người ăn thịt hoặc bất kỳ người nào khác vì tội "ủy nhiệm sát sanh" (killing by proxy).

Bởi vì chúng ta đang dự phần trong nền kinh tế toàn cầu, và điều này đưa đến "ủy nhiệm sát sinh" trong mọi tác động tiêu thụ của chúng ta. Ðiện khí chúng ta dùng để chạy máy vi tính là bắt nguồn từ những phương tiện đang làm hủy hoại môi trường. Những cuốn sách về kinh điển Phật được in trên giấy do một công nghệ đang phá hủy môi trường sống của thú rừng. Sâu bọ, côn trùng, các loài gậm nhấm và nhiều động vật khác đã bị giết một cách đều đặn hàng loạt trong quá trình sản xuất những nguyên liệu cho các loại thực phẩm chay.

Xin chào đón vào cõi Ta-bà! Ðối với đa số trong chúng ta, thật không thể nào thoát ra ngoài khỏi mạng lưới này. Chúng ta chỉ có thể cố gắng có ý thức về những vướng mắc này mà thôi. Chỉ có một cách thực hiện điều này, đó là suy gẫm về sự đau khổ và chết chóc của các sinh vật đang phải cống hiến cho các tiện nghi của chúng ta.

Ðiều đó có thể giúp chúng ta bớt thiên về sự tiêu thụ lãng phí đơn thuần do lòng tham lam thúc đẩy. Ngoài tất cả những gì đã được nói ở trên, một điều không thể chối cãi được là cỗ máy kinh tế sản xuất ra thịt cũng đã gây ra biết bao nhiêu sợ hãi và đau khổ cho một số lớn các súc vật. Thật ích lợi biết bao nếu ta ghi nhớ điều đó ngay cả khi chúng ta sử dụng thịt, để chống lại sự phát triển của tánh lãnh đạm, chai lì trong tâm chúng ta.

Nhiều Phật Tử (đặc biệt những người theo phái Bắc tông) hành trì "ăn chay trường" như là một phương thế để vun bồi lòng bi mẫn. Kinh Jivaka có gợi ý chúng ta có thể thực hành "ăn chay" bắt đầu bằng một trong bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xã). Một điều đáng chú ý là lòng từ ái, không phải lòng bi mẫn, đã được đề cập đến trước tiên trong kinh Jivaka đó. Nếu bạn đang quan tâm thực tập "ăn chay" lần đầu tiên, chúng tôi đề nghị bạn hãy bàn thảo với một vài người đã có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Có nhiều vấn đề cần phải được xem xét, liên quan đến sự cân bằng trong dinh dưỡng, v.v...

Ghi chú: Kinh Lăng Già- Lankavatara Sutra, mặc dù đã ghi lại những lời dạy của Ðức Phật tại đảo Lanka (Sri Lanka), chủ yếu là một tác phẩm thuộc giai đoạn phát triển trường phái Bắc Tông sau này.

Theo giáo sư H. Nakamura ("Indian Buddhism", 1987), có nhiều phiên bản của bộ kinh này, và nội dung các phiên bản có phần khác nhau. Ða số các học giả đều kết luận rằng có lẽ kinh này được biên soạn vào những năm 350-400 Tây lịch.

Thêm vào đó, theo nhà thiền sư nổi tiếng của Thiền tông Nhật bản, ông D.T. Suzuki (trong cuốn "The Lankavatara Sutra - A Mahayana Text", 1931), chương đề cập đến "Ăn Thịt" trong bản kinh có lẽ mới được thêm vào về sau này trong các phiên bản kế tiếp. Ông cũng đồng ý rằng bộ kinh này không phải là những lời do chính Ðức Phật nói ra, nhưng được biên soạn về sau bởi các tác giả vô danh, dựa theo triết lý Bắc Tông.

Theo John Kahila/ Tỳ kheo Thiện Minh dịch

Chiến đấu với phiền não

Chiến đấu với phiền não

Đăng lúc: 21:09 - 10/11/2015

Chiến đấu với phiền não là chiến đấu với lòng tham, sự căm ghét, mê lầm, v.v… đây là những kẻ thù. Trong tu tập theo con đường của Bụt, chúng ta chiến đấu với phiền não bằng sự kham nhẫn. Chúng ta chiến đấu bằng cách chịu đựng vô số tâm trạng của chúng ta.

Nơi nào có phiền não thì nơi đó có người chiến thắng phiền não. Đây được gọi là chiến đấu với giặc lòng (trong thâm tâm). Để chiến đấu với những kẻ thù bên ngoài thì cần bom đạn và súng ống; họ chiến thắng và chiến bại. Chiến thắng người khác là con đường của thế gian. Chúng ta không chiến đấu với những người khác mà là chiến thắng nội tâm của chúng ta bằng sự kiên trì kham nhẫn và chịu đựng tất cả.
Khi phiền não đến chúng ta không nuôi dưỡng sự oán hận và thù hằn, mà thay vào đó là sự buông bỏ tất cả những hình thái của ác tâm trong hành động và suy nghĩ của chúng ta, tự mình thoát khỏi lòng ghen tị, ác cảm, oán giận. Lòng căm thù chỉ có thể vượt qua bằng sự không nuôi dưỡng oán hận và chịu đựng hận thù.

Hành động tổn thương và trả thù là khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ. Một khi hành động thực hiện xong thì không cần đáp trả bằng báo thù. Đây được gọi là nghiệp (kamma). Trả thù nghĩa là tiếp tục hành động thêm nữa với suy nghĩ: “Anh đã làm điều đó với tôi, tôi sẽ cho anh biết thế nào là lễ độ”. Hận thù không kết thúc như vậy. Nó mang đến sự liên tục theo đuổi trả thù và vì thế hận thù không bao giờ được từ bỏ. Chừng nào mà chúng ta cư xử như vậy thì chuỗi hận thù này vẫn còn không bị phá vỡ. Cho dù chúng ta đi đâu hận thù vẫn tiếp tục.

Bụt (Buddha) đã dạy: Thế gian này, anh có lòng thương (karunā) đối với tất cả mọi người thế gian tuy nhiên người thế gian thì không như vậy với anh. Người khôn ngoan nên nhìn vào điều này và chọn những thứ có giá trị thực sự. Bụt đã được đào tạo trong các loại hình nghệ thuật của chiến tranh như một hoàng tử nhưng Ngài nhận thấy rằng chúng không thật sự hữu ích, chúng bị giới hạn trong chiếu đấu và xâm lược.

Cho nên, trong việc rèn luyện bản thân chúng ta với tư cách là những người từ bỏ thế tục, chúng ta phải học từ bỏ tất cả những điều ác, từ bỏ tất cả những nguyên nhân gây ra sự thù hằn. Chúng ta chiến thắng bản thân mình không chiến thắng những người khác. Chúng ta chiến đấu nhưng chỉ chiến đấu với phiền não; nếu có tham chúng ta chiến đấu với lòng tham; nếu có căm ghét chúng ta chiến đấu với sự căm ghét; nếu có mê lầm chúng ta nỗ lực từ bỏ nó.

Đây được gọi là “Chiến đấu với phiền não”. Chiến đấu với giặc lòng thật khó, thật sự nó khó nhất. Chúng ta trở thành những Tăng sĩ trong Tăng đoàn để quán chiếu điều này, để học nghệ thuật chiến đấu với lòng tham, ác cảm, và sự mê lầm. Đây là trách nhiệm chủ yếu của chúng ta.

Đây là cuộc chiến đấu bên trong, chiến đấu với những phiền não. Nhưng có rất ít người chiến đấu như vậy. Đa số con người chiến đấu với những điều khác, họ ít khi chiến đấu với phiền não. Thậm chí họ hiếm khi trông thấy chúng.

Bụt dạy chúng ta phải từ bỏ tất cả những điều ác và trau dồi đức hạnh. Đây là con đường chân chính. Dạy theo cách này là như Bụt mang chúng ta lên và đặt vào phần đầu của con đường. Đến con đường, có đi trên con đường đó hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Công việc của Bụt là kết thúc ngay đó. Ngài chỉ đường nào đúng, đường nào sai. Bấy nhiêu là đủ, phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta.

Bây giờ, đến con đường, chúng ta vẫn không biết bất cứ điều gì, chúng ta vẫn không thấy bất cứ thứ gì, cho nên chúng ta phải học. Để học, chúng ta phải vui lòng chịu đựng một chút khó khăn giống như sinh viên trên thế giới. Đủ khó để được hiểu biết và kỹ năng cần thiết để họ theo đuổi sự nghiệp. Họ phải chịu đựng. Khi họ nghĩ không đúng, cảm giác chống đối hay lười biếng, họ phải bắt buộc bản thân trước khi tốt nghiệp và có được một cái nghề. Sự tu tập đối với một Tăng sĩ cũng như vậy. Nếu chúng ta quyết tâm tu tập thiền quán, chắc chắn chúng ta sẽ thấy con đường.

Ngã kiến (ditthimana) là điều có hại. Ditthi nghĩa là sự nhìn hay quan điểm. Tất cả các hình thức của sự nhìn gọi là ditthi: thấy lành là dữ, thấy dữ là lành, v.v… bất cứ cách nào mà chúng ta nhìn thấy mọi thứ. Điều này không sao. Vấn đề nằm ở việc dính mắc vào những cái thấy đó, gọi là cái ta (mana); nắm giữ những cái thấy này như thể chúng là sự thật. Điều này dẫn chúng ta vào vòng sinh tử luân hồi không bao giờ dứt, chỉ vì sự dính mắc. Vì vậy, Bụt đã kêu gọi chúng ta rời bỏ những cái thấy ấy.

Nếu có nhiều người sống với nhau như chúng ta làm ở đây, họ vẫn có thể tu tập thoải mái nếu quan điểm của họ hài hòa. Nếu quan điểm của họ không tốt hay không hài hòa thì ngay cả hai hoặc ba Tăng sĩ thôi là sẽ gặp khó khăn. Khi chúng ta tự hạ mình và buông xả những cái thấy của chúng ta, ngay cả khi có rất nhiều người, chúng ta cùng nhau đến với Tam bảo.

Không đúng để nói rằng sẽ có bất hòa chỉ vì nhiều người. Hãy nhìn một sinh vật nhiều chân. Thoạt nhìn, bạn sẽ nghĩ nó di chuyển khó khăn nhưng thật sự thì không. Nó có thứ tự và sự nhịp nhàng của riêng nó. Trong sự tu tập cũng vậy, nếu chúng ta tu tập như một vị thánh tăng của Bụt đã tu tập thì nó trở nên dễ dàng. Đó là người tu tập tốt, người tu tập chính trực, người tu tập để vượt qua khổ đau, và người tu tập hết mình. Bốn phẩm chất này hình thành sẽ làm cho chúng ta trở thành một thành viên thật sự của đoàn thể xuất sĩ. Thậm chí chúng ta là thành viên trong đoàn thể hàng trăm hay hàng ngàn người, đông bao nhiêu cũng không là vấn đề, chúng ta đi trên cùng một con đường. Chúng ta đến từ những tầng lớp xã hội khác nhau nhưng giống nhau. Mặc dầu quan điểm chúng ta có thể khác, nếu chúng ta tu tập đúng sẽ không có sự bất đồng. Cũng giống như tất cả những con sông và suối đều đổ ra biển… một khi đi vào biển thì tất cả chúng có cùng màu sắc và hương vị. Con người cũng vậy, khi họ đi vào giáo pháp thì nó là một. Mặc dầu họ đến từ những nơi khác nhau nhưng họ đoàn kết và hòa hợp.

Ngã kiến là nguyên nhân của tất cả các tranh chấp và xung đột. Vì thế, Bụt dạy chúng ta buông bỏ ngã kiến, không cho phép cái ta bám víu vào những cái thấy sai lầm.

Bụt đã dạy giá trị của niệm (sati) kiên định. Cho dù chúng ta đang đứng, đi bộ, ngồi hay nằm, bất kỳ ở đâu, chúng ta cần phải có sức mạnh của niệm. Khi có niệm chúng ta thấy bản thân chúng ta, những tâm của riêng mình. Chúng ta thấy “thân trong thân”, “tâm trong tâm”. Nếu chúng ta không có niệm chúng ta không biết bất cứ điều gì, không nhận thức được điều gì đang xảy ra.

Vì vậy, niệm rất quan trọng. Với niệm kiên định, chúng ta sẽ nghe giáo pháp của Bụt mọi lúc. Bởi vì, mắt thấy các hình dáng, tai nghe những âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, cơ thể cảm giác những sự xúc chạm, khi những cảm giác sinh khởi trong tâm v.v… đều là giáo pháp. Vì thế một người có niệm kiên định luôn nghe giáo pháp. Giáo pháp luôn ở đó. Tại sao? Bởi vì niệm, vì chúng ta tỉnh thức.

Sati là niệm, sampajañña là sự tỉnh thức, sự tỉnh thức này là Bụt hiện tại. Khi có niệm tỉnh thức, sự hiểu biết sẽ đi theo. Chúng ta biết những gì đang xảy ra. Khi mắt thấy những hình dáng: hình dáng này phù hợp hay không phù hợp? Khi tai nghe âm thanh: âm thanh này thích hợp hay không thích hợp? Có hại không? Đúng hay sai? Và chúng ta xem xét tương tự như vậy đối với mọi thứ. Hiểu điều này, chúng ta nghe giáo pháp mọi lúc.

Chúng ta cần hiểu rằng ngay bây giờ chúng ta đang học giữa giáo pháp. Dù chúng ta đi tới hay lùi lại, chúng ta đều gặp giáo pháp - đó là tất cả giáo pháp nếu chúng ta có niệm. Ngay cả khi nhìn thấy những con vật chạy quanh trong khu rừng này, chúng ta có thể suy ngẫm và thấy rằng tất cả những con vật này giống như chúng ta. Chúng chạy trốn khổ đau và đuổi theo hạnh phúc giống như con người. Bất cứ thứ gì chúng không thích thì tránh; chúng sợ hãi cái chết, giống như con người. Nếu chúng ta suy ngẫm về điều này, sẽ thấy rằng tất cả chúng sinh trên thế giới này, con người cũng vậy đều giống nhau ở bản năng. Suy nghĩ như vậy được gọi là “tham thiền”, thấy theo sự thật rằng tất cả chúng sinh là bầu bạn với sinh già bệnh chết. Loài vật cũng giống như con người và con người cũng giống như loài vật. Nếu nhìn thấy mọi thứ theo cách như chúng đang là thì tâm của chúng ta sẽ từ bỏ sự quyến luyến vào chúng.

Vì vậy chúng ta phải có niệm. Nếu có niệm chúng ta sẽ thấy trạng thái tâm của mình. Bất cứ điều gì đang nghĩ hoặc cảm giác chúng ta phải biết nó. Sự hiểu biết này được gọi là Bụt, người hiểu biết, người hiểu biết hoàn toàn và trọn vẹn. Khi tâm hiểu biết hoàn toàn, chúng ta tìm ra được sự thực tập đúng đắn.

Cho nên con đường chân thật để thực hành là phải có chánh niệm. Nếu bạn không có chánh niệm trong vòng năm phút, bạn đang điên đảo trong năm phút. Hễ khi nào bạn thiếu chánh niệm là bạn điên đảo. Chánh niệm là cần thiết. Có chánh niệm là biết chính mình, biết những trạng thái tâm và cuộc sống của mình. Chánh niệm là sự hiểu biết và nhận thức rõ, lắng nghe giáo pháp mọi lúc. Sau khi rời khỏi buổi pháp thoại bạn vẫn còn nghe giáo pháp bởi vì giáo pháp hiện diện mọi nơi.

Vì vậy tất cả các bạn hãy thực tập mỗi ngày. Cho dù lười biếng hay siêng năng, thực hành chỉ cần như vậy. Thực hành giáo pháp là không được làm theo tâm trạng của bạn. Nếu bạn thực hành theo tâm trạng thì nó không phải giáo pháp. Bất kể ngày đêm, dù tâm bạn an tịnh hay không… chỉ cần thực hành.

Giống như đứa trẻ đang học viết. Thoạt đầu, nó viết không đẹp - chữ viết không thẳng hàng - chữ viết của đứa trẻ sẽ được cải thiện thông qua luyện tập. Thực hành giáo pháp cũng giống như vậy. Trước tiên bạn vụng về, thỉnh thoảng được yên tĩnh, đôi lúc lại không, bạn không thực sự biết cái gì là cái gì. Một vài người chán nản. Đừng đi chậm lại! Bạn phải kiên trì với thực hành. Sống với nỗ lực, giống như em học sinh: khi em lớn lên sẽ viết tốt hơn. Từ viết xấu em trưởng thành để viết đẹp hơn, tất cả nhờ sự luyện tập từ thời thơ ấu.

Sự thực hành của chúng ta giống như vậy. Cố gắng có chánh niệm mọi lúc: đứng, đi, ngồi hay nằm. Khi thực hiện các nhiệm vụ suôn sẻ và tốt đẹp, chúng ta cảm thấy yên tâm. Khi có sự yên tâm trong công việc chúng ta sẽ dễ có được thiền an tĩnh. Vì vậy, nỗ lực thực hành. Đây là rèn luyện.

Thích Huệ Phát chuyển ngữ
(Trích dịch từ Food for the Heart của Thiền sư Ajahn Chah)

Diệt trừ phiền não

Diệt trừ phiền não

Đăng lúc: 19:06 - 28/10/2015

Hỏi: Làm cách nào để diệt trừ được phiền não và niệm Phật được nhất tâm?



Đáp: Diệt trừ hết phiền não để niệm Phật được nhất tâm luôn là mục tiêu và nguyện vọng tha thiết của hầu hết những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần phải biết được phiền não từ đâu có? Biết được cội gốc của nó nằm ở đâu, thì mới có thể diệt trừ. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ tát Mã Minh chia tâm làm hai môn là Chân Như và Sinh Diệt. Một cái là tâm thể sáng suốt thanh tịnh và hai là cái tâm lăng xăng mê muội.

1- Nguồn gốc của phiền não:

Nếu chịu khó ngồi yên để quán xét kỹ, thì chúng ta sẽ biết được hằng ngày mình thường sống với cái tâm nào nhiều nhất. Khi ngồi tĩnh tọa hoặc niệm Phật hay nghe pháp, chúng ta có thấy được cái tâm sáng suốt thanh tịnh của mình không? Nếu không có nó, chúng ta không thể nghe thấy hay nhận biết được các sự vật ở bên ngoài. Tuy nhiên, thông thường chúng ta dễ bỏ quên cái tâm sáng suốt quý báu của chính mình, mà chỉ lo hướng theo sự nắm giữ những sự việc ở bên ngoài, cho nên suốt đời bị lầm lạc khổ đau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rằng: “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tất cả các đức Phật, từ Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca và cho đến sau này là Phật Di Lặc ra đời cũng chỉ vì một lý do cực kỳ quan trọng là chỉ bày cho mọi người thấy được cái tâm thanh tịnh, sáng suốt chân thật sẵn có ở ngay nơi mình, mà không phải làm một việc gì khác hơn nữa.

Đức Phật không bắt buộc tất cả mọi người phải bỏ hết vợ con, tài sản để đi vào chùa để được giải thoát. Nếu sống trong chùa mà không hóa giải được phiền não, thì chạy đi đâu cũng không thể thoát khổ. Bởi vì phiền não không ở ngoài tâm này, cho nên nếu không biết tu tập thì dù có bay lên trời cũng vẫn bị đau khổ phiền muộn. Những vật chất có hình tướng thì có thể vứt bỏ, còn cái tâm không hình tướng này thì làm sao bỏ? Chỉ còn cách quay trở về tâm này xét sâu cội gốc, tìm ra nguyên nhân mà hóa giải nó, thì mới được yên ổn. Chính cái tâm này là cội gốc của khổ đau phiền muộn và cũng chính nó là nguồn gốc của an lạc giải thoát.

2- Diệt trừ phiền não:

Muốn phá trừ tâm bám chấp vào thân này, thì cần phải thấy rõ được cội gốc của sự thật. Sự thật ấy nằm ở ngay nơi sự vay mượn trong từng hơi thở, không có gì là bền chắc của cái thân này. Do chúng ta không biết tu, không hiểu đạo và không gặp được chánh pháp, cho nên cả một đời cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất và vất vả tranh đấu, ra sức bon chen với cuộc sống cũng chỉ vì lo cho cái thân này được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lúc nào cũng muốn cho nó được đầy đủ sung sướng. Tuy nhiên, dù mình yêu quý, giữ gìn và lo lắng hết mức như vậy, nó vẫn không chung thủy với mình. Rồi một ngày nào đó, nó cũng bỏ mình ra đi không một lời từ biệt. Một khi bác sĩ tuyên bố thân này đã bị ung thư vào giai đoạn cuối hoặc nhiễm siêu vi B, C.v.v… thì mình chỉ còn biết khóc than. Thân này không bảo đảm bền chắc, dù có tồn tại lâu dài thì cuối cùng nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt. Do không thấu rõ được lẽ thật của thân này, cho nên chúng ta luôn bám chấp vào nó và lấy nó làm sự sống, cho nên đức Phật gọi đó là sự si mê hoặc vô minh.

Hai chữ ‘thọ trì’ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự tu học của chúng ta. ‘Thọ’ là nhận và ‘Trì’ là giữ. Nắm giữ danh hiệu Phật tức là chúng ta luôn giữ cho tâm của mình lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Chỉ cần sơ ý phóng tâm, buông mất câu danh hiệu Phật thì liền thấy người và vật có tốt, xấu, phải, quấy, hơn, thua. Làm mất tâm thanh tịnh trong sáng để chạy theo những ý niệm chúng sinh và chuốc lấy phiền não. Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta cứ mãi chạy theo những tâm niệm phiền não, mê lầm thì sẽ còn tạo nghiệp và bị khổ đau hoài, không thể nào dừng lại. Niệm Phật chính là con đường ngắn nhất để quay trở về cái tâm thanh tịnh sáng suốt. Tâm thanh tịnh sáng suốt đó không có tạo nghiệp xấu ác, cho nên không có chiêu cảm quả báo khổ. Tu hành là cốt để trở về với cái tâm thanh tịnh, không còn sống với phiền não vô minh và nhận lấy khổ đau nữa. Mỗi khi gặp việc buồn giận hoặc vui thích thì đều phải nhanh chóng quay trở về niệm thầm danh hiệu Phật: “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật”, mạng này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì hơn thua hoặc yêu ghét làm chi cho thêm mệt, trở về với tâm an lạc sáng suốt cho nhẹ khỏe. Luôn sống đúng như vậy là giữ được tâm thanh tịnh ngay trong môi trường ô nhiễm loạn động và được giải thoát ở ngay trong sự ràng buộc. Đó chính là phiền não tức Bồ đề.

Ngay từ bây giờ, nhiếp tâm vào từng danh hiệu Phật trong mỗi hơi thở, mỗi khi ăn uống, ngủ nghỉ hoặc mỗi lúc mặc quần áo cần phải thấy rõ được lẽ thật vay mượn mong manh của thân này, buông xả muôn duyên huyễn hoặc. Thực hành quán xét như vậy thì định huệ đầy đủ chỉ trong một danh hiệu Phật và dần dần chúng ta có được sức mạnh của trí tuệ để phá vỡ bức màn vô minh mê lầm. Khi mọi phiền não tan hết và trí huệ tròn sáng đầy đủ, thì hoặc nghĩ, nói hay làm việc gì cũng ở trong cái tâm an lạc sáng suốt và đều phù hợp với chánh pháp. Làm tất cả phước đức, công đức đó để trang nghiêm cho pháp thân thanh tịnh của mình trong kiếp này và muôn kiếp về sau. Đời này, chúng ta tu học theo chánh pháp được an lạc tốt đẹp, trang nghiêm thì đời sau sinh ra sẽ được công đức, phước huệ tròn đầy. Hạt giống tu tập đó được nhân thêm nhiều hơn trong những kiếp sau nữa và cứ tiếp tục tu tiến mãi cho đến kiếp cuối cùng khi tròn đầy công đức như Phật. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta con đường tu tập an lạc, giải thoát duy nhất này, dù tìm khắp cả thế gian cũng không có con đường nào khác, do đó mọi người cứ vững lòng mà tiến bước. Tu hành đúng theo chánh pháp thì ngay trong đời sống này luôn được an vui và khi chết sẽ nhẹ nhàng vãng sinh về Cực Lạc.
Thích Minh Thành

water leaves fallen leaves HD Wallpapers

Cuộc Ðời Tương Ðối Mà

Đăng lúc: 08:08 - 02/08/2015

Hầu hết chúng ta đều mắc phải cái bệnh “đòi hỏi tuyệt đối”. Giàu thì mình muốn giàu hơn tất cả, sang cũng muốn mình sang hơn tất cả, cho đến đẹp, giỏi, khen, đều là hơn tất cả. Có cái gì thua kém hơn người là buồn, tủi, bực dọc không hài lòng. Do đó cộc sống không thấy có hạnh phúc, vì thấy mình còn thua người này kẻ nọ. Hoặc than trách người thân của mình sao không được như ý mình muốn. Những nỗi khổ đau buồn bực ấy đều do không hiểu “cuộc đời tương đối mà!”
Muôn Vật Tương Ðối
Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối. Người thì có nam nữ, loài vật thì có giống đực giống cái, điện thì có điện âm điện dương…, từ lý tương đối ấy mà sinh ra vạn vật. Chính lý tương đối là gốc sinh hóa vô cùng vô tận. Nếu chúng tách rời sự vật ra từng phần đơn độc thì sự sinh hóa phải dừng lại. Cuộc sống chúng ta là tương quan trong cái đối nghịch, sinh trưởng trong cái chống chọi. Như thế, làm sao chúng ta tìm ra sự bình an hoàn toàn, sự hạnh phúc miên viễn trong cuộc đời tương đối. Sáng suốt nhất là chúng ta nhìn sự tương đối là lý đương nhiên, không oán hờn, không trách cứ trước mọi sự việc trái ngược nhau. Ðồng thời chúng ta khéo lợi dụng lý tương đối tạo thành những công năng hữu ích cho con người. Thí dụ nước với lửa là đối nghịch nhau, song nếu chúng ta khéo dùng lửa đun sôi nước để nấu chín các thức ăn… Ðiện âm điện dương đối nghịch nhau, chạm nhau làm tóe sáng, con người khéo lợi dụng sự phát sáng đó tạo ra vô số công năng của điện… Chừng đó chúng ta mới thấy sự hữu dụng của nước với lửa, của điện âm điện dương phục vụ cho con người một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ sợ nước dập tắt lửa, tách rời xa chúng thì chúng ta có được lợi gì trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không sợ sự đối nghịch của vạn vật mà chỉ khéo léo sử dụng sự đối nghịch một cách hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.
Bản Thân Con Người Tương Ðối
Con người có hai phần vật chất và tinh thần, cả hai phần này đều là tương đối.
Phần vật chất: – Ðức Phật phân tích một cách đơn giản, trong cơ thể con người do bốn thứ cất tạo thành. Phần cứng rắn là đất, phần thấm ướt là nước, phần nóng ấm là lửa, phần chuyển động là gió. Bốn phần này chung họp làm thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần, thân này phải bại hoại. Bản thân bốn phần này lại đối nghịch nhau, nước chống với lửa, gió chọi với đất. Cho nên trong khi nước thạnh lửa suy thì sanh ra bệnh lạnh, hoặc phù thủng…, ngược lại khi lửa thạnh nước suy thì sinh ra bệnh nóng, nhức đầu…, khi gió thạnh đất suy thì sanh ra bệnh đau nhức khắp thân thể; khi đất thạnh gió suy thì sanh ra bệnh tê liệt, khó thở … Do đó mang thân này suốt đời chúng ta phải điều hòa tứ đại. Tứ đại được điều hòa thì thân mới mạnh khỏe an ổn, ngược lại thì đau ốm liên miên. Bốn thứ đối nghịch này, chúng ta có nên hủy hoại nó không, nếu chúng ta còn muốn sống? Hay mỗi ngày chúng ta cố gắng điều hòa chúng để cho thân này được an ổn. Bốn thứ thù nghịch nhau, song nhờ bốn thứ mà thân này mới tồn tại. Như thế chúng ta sợ ghét sự chống đối hay khéo điều hòa sự chống đối ? Muốn thân này còn sống được an ổn, không cách nào hơn chúng ta phải biết điều hòa chúng một cách thích hợp. Ðó là khôn ngoan, là biết sống.
Phần tinh thần- Nội tâm chúng ta đối nghịch nhau rất là phức tạp. Ở đây tạm chia tâm niệm thiện và tâm niệm ác đối nghịch nhau. Song khi niệm ác dấy lên thì niệm thiện ẩn đi, ngược lại khi niệm thiện dấy lên thì niệm ác trốn mất, hai thứ đối nghịch nhau mà không đồng thời. Vì thế nếu biết tu, chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng niệm thiện thì niệm ác lặn mất. Nếu người không biết tu, cả ngày dung chứa niệm ác thì niệm thiện không bao giờ xuất hiện. Nuôi dưỡng niệm thiện là bậc hiền thánh, dung chứa niệm ác là kẻ bạo tàn. Chúng ta trọn quyền tạo lập cho mình một chỗ đứng vào hàng thánh thiện, cũng chính chúng ta tự bước lùi vào hang quỉ, chỗ thú cầm. Không ai bắt buộc, không ai lôi kéo chúng ta đến nơi này hay nơi nọ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta tu quán từ bi để trừ tâm sân hận, quán tứ niệm xứ để diệt mê lầm, hoặc niệm danh Phật để át tạp niệm…Chúng ta có đủ khả năng làm hiền thánh, chúng ta cũng có đủ chủng tử ngạ quỉ súc sanh. Bởi vậy nói tu tâm là chúng ta khéo điều phục những tâm niệm xấu ác, nuôi dưỡng những tâm hiền thiện. Khi sắp lâm chung, những tâm niệm nào mạnh sẽ lôi chúng ta đến cảnh tương xứng. Vì tâm niệm là gốc của luân hồi sanh tử.
Thế thì bản thân chúng ta từ vật chất đến tinh thần đều là tương đối. Như vậy chúng ta không ưa tương đối, chạy trốn tương đối có được không? Quả là điều dại khờ. Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt tìm mọi cách điều hòa cho thân an ổn, chinh phục cho tâm hiền thiện. Ðây là việc làm của người biết sống và sống vươn lên.
Tương Quan Mình và Người
Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh“cầu toàn trách bị”. Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý sẽ làm chúng ta sinh bực bội chán chường. Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông Phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được quyền can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm theo ý mình muốn. Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi cuả mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa. Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta muốn từ từ xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ thông cảm tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.
Bệnh Thần Tượng
Chúng ta dễ mắc cái bệnh “thần tượng hóa” người mình quí kính. Người mình quí kính là thánh thiện một trăm phần trăm, nếu thân cận một thời gian, thấy vị ấy còn một vài điều phàm tục, “thần tượng” liền sụp đổ. Từ đây ta sanh tâm khinh nhờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Ðây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất lòng tin. Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi sinh bê tha hư đốn. Tại sao ta không sét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm hay sáu chục phần trăm thì đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. Bởi vì vị thầy chưa phải là thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ. Bồ tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quí kính là tương đối, thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không “thần tượng hóa”. Nếu vị thầy ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi qúa đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bực. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Ðâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy” “các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi”, lại “các ông phải làm cồn đảo cho mình”. Thế nên, không vì “thần tượng sụp đổ” mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quí kính vẫn là tương đối thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các ngài.
Lục Tổ Dậy 36 Pháp Ðối
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ dạy đệ tử sau này có ai hỏi đạo nên dùng 36 pháp đối để trả lời thì không sai tông chỉ nhà thiền. Nếu người hỏi “có” lấy “không” đáp, người hỏi “sáng” lấy “tối” đáp… Tại sao ? Vì nhơn “không” mà lập “có”. Bởi có cái “không” mới thành lập cái “có” không có cái “không” thì cái “có” cũng chẳng thành. Ngược lại, nhơn cái “có” mà lập cái “không”, nếu chẳng có cái “có” thì cái “không” cũng vô nghĩa. Ðến cái sáng cái tối cũng thế. Do tối mới lập sáng, nhơn sáng mới nói tối. Hai cái nương nhau mà thành, không có thật pháp. Tất cả sự vật ở thế gian đều là đối đãi nhau mà lập, không có một pháp nào là thật. Thế mà chúng ta chấp thật pháp, thật ngã, tăng trưởng si mê, chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử. Dưới con mắt của Phật của Tổ thấy rõ các pháp như huyễn như hoá, nên các ngài vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Thấy tất cả là tương đối hư giả là cái thấy của người giác ngộ.
Chỉ Tâm Chẳng Sanh Diệt Là Tuyệt Ðối
Tuy nhiên trong cuộc đời tương đối vẫn có cái tuyệt đối mà ít ai biết đến. Chúng ta cứ quen chạy theo hình sắc thanh âm là những thứ vô thường sanh diệt. Ngay cái sanh diệt lại đòi cho được tuyệt đối, quả là chúng ta bắt bóng mò trăng. Làm gì có, ngay cái đối đãi sanh diệt lại là tuyệt đối vô sanh. Khi chúng ta vươn theo hình thức sự vật mà mong được cái chẳng sanh chẳng diệt. Hãy nghe hai câu sau trong bài kệ trình kiến giải lên Ngũ Tổ của người cư sĩ họ Lư: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”(Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai). Có vật là vô thường sinh diệt, dù cứng như chất kim cương, cũng là vô thường sinh diệt. Chỉ có tâm thể không hình tướng, không dấy động mới là bất sanh bất diệt. Tâm thể vượt ngoài đối đãi hai bên, vĩnh hằng bất biến. Vừa thấy hai bên là mất tâm thể rồi. Cho nên Tổ Tang Xán kết thúc bài Tín Tâm Minh nói “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm” (Tin tâm không còn hai, không hai tin tâm). Có hai còn là đối đãi, không hai thì đối đãi với cái gì. Chính cái vượt ngoài đối đãi mới thực sự là tuyệt đối. Cái tuyệt đối có sẵn nơi mọi người chúng ta không phải tìm kiếm bên ngoài. Biết buông tâm niệm đối đãi, sống bằng thể không đối đãi là người giác. Trái lại, chạy theo tâm niệm đối đãi sinh diệt, quên mất tâm thể bất sanh bất diệt là ngưòi mê.
Kết Thúc
Con người chán nản ê chề khổ đau cùng cực, vì những thần tượng của mình dựng nên đều sụp đổ. Còn tin tưởng vào đâu khi lòng tin tuyệt đối dồn vào các thần tượng, mà nay tan vỡ hết rồi. Ðây là người mắc bệnh thiếu thực tế, lúc nào cũng lý tưởng hoá kẻ khác. Khi lý tưởng bị thất vọng, họ đâm ra thù ghét chán chường. Cộng thêm bệnh đòi hỏi quá đáng, khiến họ không bằng lòng một ngừơi nào trên thế gian này. Thế là, họ đang sống trong đông đảo quần chúng, mà cảm thấy như mình lang thang trong bãi sa mạc. Sự chán đời tuyệt vọng của những người này phát xuất từ sự gởi gấm tất cả lòng tin vào kẻ khác. Chúng ta phải khôn ngoan nhìn mọi người bằng con mắt tương đối, tin mọi người bằng lòng tin giới hạn. Chúng ta sẽ bằng lòng trong đời sống này, và sẽ cảm thông tha thứ những người thân với mình khi họ phạm phải sai lầm. Chúng ta còn chỗ nương dựa duy nhất là chính mình. Mình sẵn có hòn ngọc quí mà lâu nay đã quên lãng.Hôm nay khéo tay mở chéo áo lấy hòn ngọc đem ra dùng, đời ta sẽ hạnh phúc biết là bao!
HT. Thích Thanh Từ

w620h405f1c1 files articles 2014 1085265 1(1)

Thành công thất bại trong kinh doanh và chữ tín trong cuộc sống hàng ngày

Đăng lúc: 06:50 - 29/07/2015

Có một bài pháp Phật nói trong kinh do ngài Xá lợi phất thưa hỏi, “nguyên nhân nào dẫn đến một người mua bán thành công và thất bại?
” Phật dạy, “này Xá lợi phất, ông nên biết có người cư sĩ đi đến chỗ các thầy Tỳ kheo và hứa hẹn như sau: Dạ thưa các thầy, các thầy còn thiếu nhu cầu gì con sẽ đóng góp, ủng hộ cho. Sau khi hứa hẹn người này không làm như lời đã hứa. Do nhân duyên đó người ấy về sau có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ như đã hứa, sau này nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công như ý muốn. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ nhiều hơn những gì đã hứa, nếu mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng.” Khi ai đó được hứa hẹn giúp đỡ một điều gì, họ sẽ hy vọng, trông chờ ân nhân của mình như một vị cứu tinh. Bao nhiêu niềm tin họ mong đợi, khắc khoải, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, họ mong mỏi mừng thầm và cảm thấy rất hạnh phúc; nhưng người hứa lại nuốt lời khiến họ phải chờ đợi rồi thất vọng, buồn bã, khổ đau. Con người ở đời sống có nghĩa tình với nhau thường không bao giờ thất hứa với ai dù chỉ là việc nhỏ. Sự hứa hẹn là điều tự nguyện không ai bắt buộc, vì thế mỗi người hãy nên tập thói quen giữ đúng lời hứa. Không ai bắt buộc chúng ta hứa hẹn hay giúp đỡ ai vấn đề nào đó, nếu đã hứa thì phải cố gắng làm cho vuông tròn; bởi người được hứa họ đang hy vọng, mong mỏi, trông chờ và sẽ trở nên tuyệt vọng khi bị người hứa hẹn không thực hiện đúng.

Trong cuộc sống đôi khi có những chuyện rất vô lý, nhiều người làm chơi mà ăn thiệt, họ không phải nhọc nhằn ra công tốn sức mà hiệu quả thu về rất cao. Nhiều người cứ nghĩ có sự bất công trong xã hội, thực tế mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có chuyện ngẫu nhiên hoặc một đấng quyền năng nào sắp đặt. Tất cả đều do luật nhân quả tác động và âm thầm chi phối bởi hành vi giúp đỡ người khác trong quá khứ quá nhiều. Hiện tại chúng ta không biết bố thí, cúng dường, làm những điều thiện ích để giúp đỡ nhân loại tuỳ theo khả năng thì bất hạnh, khổ đau sẽ luôn có mặt trong hiện tại và mai sau. Những ai tin sâu nhân quả sẽ sống đạo đức hơn, mở rộng tấm lòng từ bi hơn, họ sống đơn giản hơn, giảm bớt các nhu cầu không cần thiết để có đủ điều kiện san sẻ nhiều hơn. Một người hàng xóm vừa bị tai nạn cháy nhà đang sống cảnh màn trời chiếu đất, vì động lòng thương xót nên ta đã hứa sẽ đem số tiền tích lũy bấy lâu để giúp người ấy có mái nhà che mưa che nắng. Cả gia đình họ sẽ trông chờ, hy vọng vào ta như con trẻ chờ mẹ đi chợ về cho quà ăn, bao nhiêu niềm tin họ trông vào đấy, nếu mình thất hứa sẽ làm họ đau khổ nhiều hơn. Cho nên, trước khi hứa hẹn với ai điều gì, chúng ta hãy nên xem xét kỹ lưỡng coi mình có đủ khả năng thực hiện lời hứa ấy hay không? Đừng hứa giựt le trước mặt mọi người làm như vẻ ta đây giàu có mà làm người được hứa thất vọng. Chính lời hứa suông đó sẽ làm họ mất niềm tin, đau khổ, tuyệt vọng, do đó trong hiện tại và mai sau chúng ta mua bán, làm ăn gì cũng đều bị thất bại.
Ngược lại, hứa giúp người khác như đã hứa hoặc giúp nhiều hơn như đã hứa sẽ làm người được hứa vui mừng, hạnh phúc; nhờ vậy sau này họ sẽ biết ơn và đền ơn người hứa bằng cách sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn. Do việc làm tốt đẹp đó nên hiện đời làm ăn, mua bán gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng hay làm chơi mà ăn thiệt. Nếu chúng ta hiện tại hay bố thí, cúng dường hoặc thường xuyên giúp đỡ tài vật cho người bất hạnh để họ có cái ăn cái mặc, san sẻ những hiểu biết về chân lý cuộc đời giúp họ tin sâu nhân quả; trong tương lai người này thường xuyên gặp nhiều may mắn một cách kỳ lạ mà không phải hao hơi tốn sức nhiều như trúng số, kinh doanh làm ăn gì cũng đều thuận lợi cả và có thể kế thừa gia tài của người khác. Vô số trường hợp đặc biệt không làm mà vẫn hưởng các chế độ ưu đãi là nhờ quả báo của việc biết gieo trồng phước đức, giúp đỡ nhiều cho nhân loại trong quá khứ. Số đông mọi người đều phải làm việc nhọc nhằn, lao nhọc mới có cái ăn cái mặc, nhưng chưa hẳn đã được cơm no áo ấm. Người thời nay sở dĩ thành công ngoài khả năng và dự tính không phải bỗng dưng khi không mà có, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa, làm phước được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, nhân quả tốt xấu khi đã gieo chỉ đến sớm hay muộn mà thôi khi hội đủ nhân duyên. Cúng dường hay giúp đỡ, chia sẻ là một việc làm thánh thiện, chỉ có những ai có tấm lòng từ bi cao cả mới dám làm những việc lợi ích như thế.
Tóm lại, bài kinh này Phật nhắc nhở và khuyên nhủ mọi người “chữ tín” rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Con người vì tham đắm, mê muội nên mới tìm cách gian dối, lường gạt để đem về lợi dưỡng cho mình, đó là tâm niệm của đa số chúng sinh. Chúng ta là người Phật tử chân chính, khi đã hứa hẹn giúp đỡ ai điều gì thì phải phát xuất từ lòng từ bi, đâu có ai bắt buộc mình phải làm vậy nên khi đã hứa thì phải giữ lời, đừng để người hy vọng, mong mỏi rồi thất vọng, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Như gia đình anh Hai vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi hết căn nhà, mọi người đều đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta vì lòng thương xót muốn giúp đỡ nên đã hứa cho anh mượn tiền để xây lại căn nhà rồi thất lời, không giúp như đã hứa. Vì ta hứa suông chỉ để giựt le mà làm cho gia đình anh thất vọng, buồn phiền, khổ đau. Đó là nhân dẫn đến mai sau nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Ngược lại, nếu chúng ta giúp như đã hứa hay giúp nhiều hơn lời hứa làm mọi người được an vui, hạnh phúc thì sau này chúng ta làm chơi mà ăn thiệt. Nhân quả rất công bằng là một sự thật, làm phước thì được phước, hưởng lộc thì hết lộc. Người khôn ngoan phải biết gieo trồng, tích lũy phước đức mãi mãi, giống như người có tiền gửi ngân hàng, khi cần thì rút ra xài lúc nào cũng được.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Nghị quyết Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015

Nghị quyết Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015

Đăng lúc: 17:51 - 03/07/2015

Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015 diễn ra từ ngày 26, 27-6-2015, được tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình dưới sự chứng minh của Trưởng lão HT.Thích Thanh Dũng, Phó Thư ký Ban Thường trực HĐCM T.Ư GHPGVN, cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM: HT.Thích Thanh Đàm, HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Thanh Dục và HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN.
Hội nghị đặt dưới sự chủ tọa của HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Tăng sự T.Ư, cùng quý Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS.
Tại phiên khai mạc, hội nghị được vinh dự đón tiếp PGS.TS Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; Thiếu tướng Hoàng Cao Tánh, Cục trưởng A88-Bộ Công an; ông Đinh Văn Điến, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đến dự, tặng hoa chúc mừng và phát biểu tại hội nghị.
hn tang su.JPG
Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2015 - phiên bế mạc, chiều 27-6
Sau 2 ngày làm việc, hội nghị được nghe báo cáo tổng hợp công tác Tăng sự hiện nay của Ban Thư ký, các báo cáo tham luận của Ban Tăng sự các tỉnh, thành phố và các đại biểu tham dự hội nghị. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí quyết nghị:
1. Hội nghị nhất trí với bản báo cáo tổng hợp công tác Tăng sự do Ban Thư ký trình bày, ghi nhận các đề xuất trong các báo cáo, tiếp thu các ý kiến phát biểu và ý kiến chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại hội nghị.
2. Nhất trí nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp điều hành giữa Ban Tăng sự T.Ư với Ban Tăng sự các địa phương, với Ban Pháp chế T.Ư, Ban Kiểm soát T.Ư, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, Ban Văn hóa T.Ư, các Ban chuyên môn của HĐTS và Sơn môn, Hệ phái trong lĩnh vực Tăng sự. Có thông tư hướng dẫn chi tiết để thể chế hóa việc thực hiện các quy định quản lý Tăng sự theo đúng Nội quy Ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VII (2012-2017).
3. Ban Tăng sự T.Ư thành lập Hội đồng biên soạn xây dựng một mẫu tiêu chuẩn thống nhất về tổ chức Giới đàn dựa trên cơ sở giới luật, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và phù hợp với truyền thống hệ phái, văn hóa Phật giáo của khu vực để làm tiêu chuẩn bắt buộc y cứ thực hiện.
4. Ban Tăng sự T.Ư thể chế hóa việc an cư, xuất gia, thọ giới, nghiệp sư, y chỉ sư, quản lý tự viện bằng một thông tư hướng dẫn chi tiết có cân nhắc yếu tố đặc thù của từng khu vực, hệ phái.
5. Ban Tăng sự các địa phương xây dựng bộ quy chuẩn đối với việc bổ nhiệm trụ trì dựa trên Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và tình hình thực tế địa phương, đệ trình Ban Tăng sự T.Ư xem xét trình Ban Thường trực HĐTS phê chuẩn và phổ biến thực hiện.
6. Thống nhất việc tấn phong Giáo phẩm căn cứ vào hạ lạp theo đúng quy định của Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Tăng sự T.Ư. Ban Tăng sự T.Ư sẽ xây dựng tiêu chuẩn được xét đặc cách tấn phong (đối tượng được đặc cách, thành tích đóng góp cho Giáo hội và đất nước; khung giới hạn hạ lạp được xét đặc cách tấn phong…).
7. Ban Tăng sự T.Ư xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện thiết lập phần mềm quản lý và cấp đổi Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, An cư kiết hạ mới (thiết lập phần mềm, mẫu Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, An cư kiết hạ, lộ trình thời gian thực hiện) và kế hoạch tổ chức tổng thống kê Tăng Ni, tự viện toàn quốc đệ trình Ban Thường trực HĐTS trong phiên họp gần nhất.
8. Ban Tăng sự T.Ư sẽ ban hành văn bản quy định để chấn chỉnh tệ nạn khất thực phi pháp, nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo.
9. Ban Tăng sự T.Ư sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tăng sự, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố để triển khai và thực hiện triệt để nghị quyết của Hội nghị Tăng sự này.
Hội nghị kết thúc vào hồi 16g30 ngày 27-6-2015 trong tinh thần hoan hỷ và quyết tâm cao.
CHỦ TỌA
(đã ký)
HT.THÍCH THIỆN PHÁP

Những cấm kỵ khi du lịch Thái Lan

Những cấm kỵ khi du lịch Thái Lan

Đăng lúc: 08:04 - 22/06/2015

Thái Lan là đất nước Phật giáo, rất chú trọng quy tắc lễ nghi. Du khách khi đến thăm mảnh đất này cần nắm được một số quy tắc giao tiếp của người dân nơi đây.
Đối với Hòa thượng Hơn 90% dân số Thái Lan đều theo đạo Phật, họ quy định, mỗi người đàn ông đều phải trải qua hai lần đi tu trong đời. Vì vậy, du khách tới Thái Lan sẽ thường xuyên nhìn thấy cảnh hòa thượng đi lại ngoài đường. Bạn cần lưu ý một số điều để thời gian ở đất nước chùa Vàng được vui trọn vẹn. Vào ngày trời nắng, nếu bạn phải đi qua trước mặt hòa thượng thì bắt buộc phải tránh giẫm phải cái bóng của họ. Bởi theo giáo lý của đạo Phật, cái bóng của Hòa thượng cũng chính là bản thân Hòa thượng đó, nếu bước qua bóng cũng chính là giẫm lên thân thể của họ. Đây là hành vi thể hiện sự bất kính, du khách nên tránh. Ảnh: Tengxun Foxue

Phóng to
Đối với hòa thượng: Hơn 90% dân số Thái Lan theo đạo Phật. Mỗi người đàn ông đều phải trải qua hai lần đi tu trong đời. Vì vậy, du khách tới Thái Lan sẽ thường xuyên nhìn thấy cảnh hòa thượng đi lại ngoài đường. Bạn cần lưu ý một số điều để thời gian ở đất nước chùa vàng được vui trọn vẹn.
Vào ngày trời nắng, nếu bạn phải đi qua trước mặt hòa thượng thì bắt buộc phải tránh giẫm phải bóng của họ. Theo giáo lý của đạo Phật, cái bóng của hòa thượng cũng chính là bản thân vị. Nếu bước qua bóng cũng chính là giẫm lên thân thể của họ. Đây là hành vi thể hiện sự bất kính, du khách nên tránh. Ảnh: Tengxun Foxu.
Bạn không được chạm vào cơ thể của hòa thượng. Đặc biệt, người Thái cấm kị phụ nữ đưa bất kì cái gì cho nhà sư một cách trực tiếp. Nếu muốn đưa một vật gì đó cho nhà sư, người phụ nữ đó phải đưa qua người đàn ông hoặc nhà sư dùng khăn để đỡ lấy đồ vật. Vì vậy, bạn nên tránh chạm vào cơ thể của các vị hòa thượng ở những chỗ đông người. Ảnh: CRI
Bạn không được chạm vào cơ thể của nhà sư. Đặc biệt, người Thái cấm kỵ phụ nữ đưa bất kìỳ cái gì cho nhà sư một cách trực tiếp. Nếu muốn đưa một vật gì cho nhà sư, phụ nữ phải đưa qua người đàn ông, hoặc nhà sư dùng khăn để đỡ lấy đồ vật. Vì vậy, bạn nên tránh chạm vào cơ thể của các vị hòa thượng ở những chỗ đông người. Ảnh: CRI.
Khi tham quan đền chùa Du khách cần chú ý ăn mặc, tuyệt đối không được mặc quần áo ngắn, váy ngắn khi vào chùa. Bạn nên mặc quần áo chỉnh tề, lịch sự và không đi dép lê. Ảnh: Sina
Khi tham quan đền chùa: Du khách cần chú ý ăn mặc, tuyệt đối không được mặc quần áo ngắn, váy ngắn khi vào chùa. Bạn nên mặc quần áo chỉnh tề, lịch sự và không đi dép lê. Ảnh: Sina.
Đối với tượng Phật Không được sờ vào tượng Phật, không leo trèo lên bệ ngồi của tượng Phật. Du khách cần thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với tượng Phật, dù đó là tượng nhỏ hay lớn, mới hay cũ. Nếu bạn mua tượng Phật, không được để tượng chung với túi đựng quần. Người Thái Lan cho rằng, hành vi đó là xúc phạm nghiêm trọng tới sự tôn nghiêm của Phật. Ảnh: Tooopen
Đối với tượng Phật: Không được sờ vào tượng Phật, không leo trèo lên bệ ngồi của tượng Phật. Du khách cần thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với tượng Phật, dù đó là tượng nhỏ hay lớn, mới hay cũ. Nếu bạn mua tượng Phật, không được để tượng chung với túi đựng quần. Người Thái Lan cho rằng, hành vi đó là xúc phạm nghiêm trọng tới sự tôn nghiêm của Phật. Ảnh: Tooopen.
Đối với Hoàng gia Người Thái Lan rất tôn trọng Hoàng Gia, do đó bạn nên cẩn thận khi thể hiện thái độ đối với Hoàng Gia. Du khách tuyệt đối không nên có hành động chế giễu hay đùa cợt với vua hay các thành viên trong hoàng tộc nếu không bạn sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng. Ảnh: Baike
Đối với hoàng gia: Người Thái Lan rất tôn trọng hoàng gia, do đó bạn nên cẩn thận khi thể hiện thái độ Du khách tuyệt đối không nên có hành động chế giễu hay đùa cợt với vua hay các thành viên trong hoàng tộc. Nếu không, bạn sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng. Ảnh: Baike.
Khi vào thăm nhà dân Nếu vào thăm nhà người dân Thái, bạn phải bỏ dép và không được giẫm lên ngưỡng cửa khi đi qua đó. Nếu chủ nhân ngồi dưới nền đất, khách cũng nên làm theo như vậy. Khi ngồi bạn không được vắt chéo chân chữ ngũ và làm lộ lòng bàn chân ra ngoài. Ảnh: Tengxun
Khi vào thăm nhà dân: Bạn phải bỏ dép và không được giẫm lên ngưỡng cửa. Nếu chủ nhân ngồi dưới nền đất, khách cũng nên làm theo như vậy. Khi ngồi, bạn không được vắt chéo chân chữ ngũ hay làm lộ lòng bàn chân ra ngoài. Ảnh: Tengxun.
Nếu muốn tặng quà cho người Thái, bạn không nên tặng thuốc lá vì nó làm hại cho sức khỏe con người. Món quá đó phải được gói bọc cẩn thận. Khi trao quà, bạn dùng tay phải để đưa quà cho họ, không được dùng tay trái. Nếu người Thái tặng cho bạn một món quà, bạn nên chắp tay hướng vào họ thể hiện lòng cảm ơn trước khi nhận. Nếu đối phương không chủ động yêu cầu bạn mở quà thì bạn cũng không nên mở quà trước mặt họ. Ảnh: Ton Jakkabhat
Nếu muốn tặng quà cho người Thái, bạn không nên tặng thuốc lá vì hại cho sức khỏe. Món quá phải được gói bọc cẩn thận. Khi trao quà, bạn dùng tay phải để đưa quà cho họ, không được dùng tay trái. Nếu người Thái tặng cho bạn quà, bạn nên chắp tay hướng vào họ thể hiện lòng cảm ơn trước khi nhận. Nếu đối phương không chủ động yêu cầu bạn mở quà, bạn cũng không nên mở trước mặt họ. Ảnh: Ton Jakkabhat.
Không chạm vào đầu người khác Người Thái cho ràng đầu là bộ phận quý giá nhất trên cơ thể người. Do đó bạn không nên sờ hoặc vuốt ve đầu trẻ em hoặc vỗ vai, vỗ lưng người khác đó được coi là những cử chỉ xúc phạm. Ảnh: Sina
Không chạm vào đầu người khác: Người Thái cho ràng đầu là bộ phận quý giá nhất trên cơ thể người. Do đó bạn không nên sờ hoặc vuốt ve đầu trẻ em. Vỗ vai, vỗ lưng người khác cũng là những cử chỉ xúc phạm.
Ngoài ra, có một điều bạn cũng cần lưu ý là người Thái Lan tuyệt đối không dùng bút đỏ để ký tên. Theo tập tục, bút đỏ dùng để ghi tên người đã mất trên nắp quan tài. Ảnh: Sina.

phat hoc(3)

Kẻ trí làm điều ác, tội báo nhỏ - Người ngu làm điều ác tội báo lớn

Đăng lúc: 06:26 - 18/06/2015

Đức vua Mi-lan-đà hỏi Đại đức Na-tiên:



- Thưa đại đức, nhân quả khó hiểu cho toàn diện, nhưng giả sử kẻ có trí và người ngu cùng làm điều ác thì ai bị tội báo nhiều hơn?

- Người ngu sẽ bị nặng, tâu đại vương!

- Nếu thế thì khác luật pháp của thế gian. Trong quốc độ của trẫm, người thừa hành pháp luật, kẻ có học, có trí thức, hiểu biết mà phạm pháp, trẫm sẽ có hình phạt rất nặng; trái lại, người quê mùa, thất học, dại dột mà phạm pháp thì trẫm sẽ chế định hình phạt rất nhẹ.

- Dĩ nhiên là Phật pháp khác thế gian pháp.

- Xin đại đức cho nghe ví dụ.

- Có một cục sắt nóng đặt giữa hai người, kẻ trí và người ngu. Nếu đức vua bắt buộc mỗi người phải nắm cục sắt ấy đưa lên, chuyện gì xảy ra? Người trí sẽ thò tay nắm thật nhanh, đưa lên rồi thả xuống thật nhanh. Như thế y sẽ bị phỏng nhưng phỏng nhẹ. Còn người ngu không biết, nắm chặt, thế là y bị phỏng nặng. Cũng thế, người ngu làm việc ác, không biết đấy là ác, lún sâu vào ác nên tội báo sẽ nặng. Còn người trí biết đấy là ác, cũng làm ác; nhưng tìm cách này cách kia để cho cái ác ấy nó nhẹ đi, do vậy tội báo sẽ ít hơn, tâu đại vương!

- Rõ ràng lắm rồi.

(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)

5 điều cần ghi nhớ khi cuộc sống trở nên tồi tệ

5 điều cần ghi nhớ khi cuộc sống trở nên tồi tệ

Đăng lúc: 08:36 - 06/06/2015

Có những lúc mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta dường như đều rơi xuống tận đáy của hố đen. Bạn sẽ làm gì?để thoát ra? Bạn biết không, sức mạnh tinh thần có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Chỉ cần nghĩ thoáng đi một chút thì trong bất cứ tình huống dù tồi tệ đến mấy, bạn cũng sẽ tìm ra được ánh sáng và sự giải thoát.
Thất bại là một phần của sự trưởng thành

Đôi khi cuộc sống đóng lại một cánh cửa để báo hiệu rằng đó là lúc bạn phải tiến thêm một bước nữa. Có thể xem là một điều may mắn bởi hầu như ai trong chúng ta cũng đều có tâm lý ù lì, không thích thay đổi khi mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc và an toàn, chỉ đến khi tình thế bắt buộc thì ta mới chịu vận động hay động não.

Khi mọi thứ không như ý bạn muốn, đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân rằng không có thất bại nào là vô nghĩa. Vực dậy từ chỗ mình đã ngã xuống và rút ra bài học nhớ đời. Bạn vật lộn đối đầu với vấn đề không có nghĩa là bạn thua cuộc. Hãy nhớ rằng mỗi chiến thắng vinh quang đều cần đến cả quá trình đấu tranh gian khổ. Do vậy, cứ kiên nhẫn và tích cực lên rồi bạn sẽ thấy mọi thứ cuối cùng sẽ đâu lại vào đấy cả thôi.

Cuộc sống luôn có hai dạng của thất bại: thất bại khiến ta đau khổ tột cùng và thất bại làm ta thay đổi. Khi đối diện với cuộc sống, thay vì cứ trốn tránh chúng, thì việc đương đầu, chấp nhận những thất bại đều khiến cho ta trưởng thành hơn.



Mọi thứ trong cuộc sống này đều là tạm thời

Mưa rồi lại tạnh. Vết thương hở cũng có ngày lại lành. Sau bóng tối sẽ luôn có chút ánh sáng – Đó là những suy nghĩ chúng ta luôn dặn dò bản thân mỗi ngày nhưng lại mau chóng quên đi để rồi lại chọn cách tin rằng những thứ không may hay những điều xấu xa sẽ mãi theo ta cho đến tận cuối đời.

68474

Chẳng có gì có thể tồn tại mãi mãi được bạn ơi. Cho nên nếu bạn đang vui vẻ, hãy cố gắng mà tận hưởng cho hết mình. Còn nếu bạn đang gặp chuyện không vui cũng đừng quá lo lắng vì nó cũng sẽ qua mau thôi. Mỗi giây mỗi phút trong đời ta đều là một sự bắt đầu mới hay một kết thúc mới. Đời cho ta rất nhiều cơ hội, chỉ là ta có biết nắm lấy chúng và tận dụng được chúng hay không mà thôi.

Lo lắng và than vãn chẳng giải quyết được vấn đề

Những người càng hay than vãn thì càng chẳng làm nên được chuyện gì cả. Thà cứ cố gắng nhưng thất bại để học được một bài học hay còn hơn chỉ ngồi đó than và chẳng làm gì để thay đổi tình hình. Làm sao bạn biết được kết quả sẽ ra sao nếu như bạn không dám thử? Và dù sao đi nữa thì hãy luôn nhớ rằng, hạnh phúc thật sự chỉ đến khi nào bạn ngừng than thở và bắt đầu biết trân trọng, biết ơn những điều mình đang có hiện tại.

Những vết sẹo là minh chứng của sức mạnh

Đừng xấu hổ bởi những vết sẹo mà cuộc đời mang lại cho bạn. Mỗi vết sẹo bạn có chứng tỏ rằng đau đớn không còn nữa và vết thương đã liền thịt, cũng có nghĩa là bạn đã vượt qua được những nỗi đau, rút ra những bài học, trở nên mạnh mẽ hơn để tiếp tục bước về phía trước. Đừng để thất bại trong quá khứ khiến cho bạn trở nên lo sợ với tất thảy những thử thách trong cuộc đời. Hãy nghĩ rằng vết sẹo – những thất bại, tổn thương bạn từng trải qua – là dấu hiệu của sức mạnh. Vâng, tôi đã làm được, tôi đã vượt qua, và những vết sẹo sẽ luôn nhắc nhở tôi cố gắng trở thành một con người tốt hơn.

Mỗi sự cố gắng dù nhỏ đều đẩy giúp ta vượt lên phía trước

Trong cuộc sống, sự kiên nhẫn không hẳn là chờ đợi, nó là khả năng để giữ một tinh thần vững chãi, một thái độ tích cực trong suốt quá trình cố gắng để thực hiện một việc gì đó. Vì thế, nếu như bạn đã quyết định cố gắng, hãy dành thời gian và cố gắng cho đến cùng. Bởi sau cùng những thứ bạn muốn, bạn sẽ làm cho bằng được dù có đối mặt với thất bại hay những chỉ trích, phản đối của người khác. Bạn biết rằng mỗi sự cố gắng đều không hề lãng phí. Khi bạn cố gắng hết mình, một là nó cho ta một bài học sâu sắc từ thất bại, hai là nó mang cho ta kết quả thành công ngoài mong đợi. Dù thế nào đi nữa, sự cố gắng cũng rất xứng đáng mà, phải không?

bizmac thumb 23434

Bao dung là tiền đề để hiểu nhau

Đăng lúc: 06:55 - 14/05/2015

Thông thường ai cũng cho rằng, giao tiếp là phải để đối phương chấp nhận mình mà quên việc mình phải thông cảm, tìm hiểu yêu cầu thực sự của người khác với mình. Ví dụ có người muốn tìm hiểu, giao tiếp với người khác nói: “Tôi đã đặt mình vào vị trí bạn để nghĩ cho bạn vì thế nhất định bạn phải chấp nhận yêu cầu của tôi”, rồi người đó hỏi “bạn có thấy khó chấp nhận không?” Nếu đối phương cảm thấy khó chấp nhận, người đó hỏi tiếp “đơn giản thôi, chỉ cần bạn nghe theo lời đề nghị của tôi, tất cả khó khăn đều sẽ giải quyết suôn sẻ”.Có thể xem đây là mẫu giao tiếp đến từ một phía, hoàn toàn không phải là hiểu nhau. Giao tiếp thực sự đòi hỏi bạn phải tìm hiểu đối phương có khó khản gì, cần giúp đỡ không, sau đó bạn cố gắng giúp trong khả năng có thể, không nên chỉ biết một mực yêu cầu người khác chấp nhận cách làm của mình.Trong thời gian du học ở Nhật, tôi phát hiện ra rằng đến bất cứ một cửa hiệu nào, nhân viên phục vụ đều hỏi câu “Xin hỏi, quý khách có cần giúp đỡ gì không ạ?”. Trong giao tiếp, chúng ta nên lấy việc hiểu biết nhau làm chuẩn mực. Khi giúp đỡ người khác, không nên làm theo cách mình định sẵn trước rồi áp đặt, bắt buộc đối phương phải nghe theo. Ví dụ, khi ta mở tiệc mời khách thường không hỏi đến khẩu vị khách mời mà cứ có khách ngồi vào bàn là liên tục gắp thức ăn cho họ khiến khách ăn không được, bỏ không xong, rất lúng túng khó chịu ở các nước phương Tây không như thế. Có lần có khách đến nhà tôi chơi, tôi gắp thức ăn cho họ, họ vô cùng vui mừng nói: “Thầy biết tôi thích ăn món này hả?”. Từ đó, trước khi gắp thức ăn cho ai, tôi đều hỏi khẩu vị người đó trước.Từ đó, chúng ta có thể đúc kết thành nguyên tắc trong giao tiếp: “Trước hết hãy để đối phương nêu cách nghĩ và nhu cầu của họ, sau đó cho họ biết mình có thể giúp được gì cho những nhu cầu của họ không, như thế mới là một giao tiếp thành công”.Giao tiếp là quá trình giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau từ cả hai phía, nếu chỉ đến từ một phía nhất định đấy không phải là giao tiếp thành công đích thực. Trong Phật pháp có nêu biện pháp tiếp cận mọi người gọi là “tứ nhiếp pháp”1 gồm: Đồng sự, bố thí, lợi hành và ái ngữ. Đây là bốn phương pháp rất quan trọng trong việc tiếp cận cảm hóa mọi người.Một người xuất gia muốn gần gũi, cảm hóa chúng sinh tuyệt đối không được ép người khác phải học và làm theo Phật pháp mà trước tiên hãy để họ thực sự hiểu và chấp nhận trước. Muốn hóa độ chúng sinh, điều trước tiên bạn phải chấp nhận chúng sinh.Theo Phật giáo, đệ tử Phật hoặc những người thực hành hạnh Bồ-tát không thể lìa xa chúng sinh để tu tập được. Vì lời nguyện đầu tiên của một người thực hành hạnh Bồ-tát là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” (chúng sinh vô lượng thề cứu hết). Lìa xa chúng sinh để cầu độ sinh là điều không tưởng; nhất định bạn phải phụng sự chúng sinh, mở rộng lòng mình để chấp nhận tất cả lỗi lầm của chúng sinh, giúp họ giải quyết vấn đề trước, sau đó mới mong họ mở rộng lòng mình chấp nhận tu học theo Phật pháp.Thật là sai lầm khi nói với mọi người “Phật pháp nhiệm mầu, mọi người phải tin theo, phải làm theo”, làm thế nghĩa là bạn đang chứng tỏ quyền uy chứ không phải cảm hóa người khác. Nên lấy Phật pháp để cảm hóa, để gõ cửa lương tâm, thức tỉnh tình thương trong con người chứ không nên dùng Phật pháp như công cụ dạy dỗ người khác.Bồ-tát luôn là người đến với chúng sinh bằng thân phận bình thường, hòa mình vào cuộc sống bình thường, thậm chí còn hạ mình thấp để chúng sinh được cao hơn cả chính mình, cho họ một cảm giác được tôn trọng mới mong họ có thiện cảm với Phật pháp. Cũng thế, khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 6
  • Hôm nay 3,828
  • Tháng hiện tại 61,213
  • Tổng lượt truy cập 23,467,462