Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Ý nghĩa của việc tu phước

Ý nghĩa của việc tu phước

Đăng lúc: 20:08 - 03/01/2017

Nếu mình muốn cầu nhiều phước thì phải tu phước, tu phước thì phải trồng phước, giống như nông dân làm ruộng, phải nỗ lực trồng trọt thì mới có thu hoạch, người tu phước cũng vậy, phải đem hạt giống phước đức gieo khắp ruộng phước ( phước điền ) thì mình sẽ thu hoạch được quả của phước báo.


Ý nghĩa của việc tu phước
I. Phước là gì?
Phước là chỉ cho sự giàu sang, sống thọ, con cháu đùm đề và thân thể khỏe mạnh của người thế gian. Hàn phi Tử nói : “ sống thọ, giàu sang được gọi là phước mà người đời ai cũng muốn có, ai cũng muốn năm phước vào nhà” ( ngũ phước lâm môn ). Vậy ngũ phước là gì?
1. Sống thọ
2. Giàu sang
3. Khỏe mạnh và yên ổn
4. Đức độ được con cháu hiếu thuận
5. Sống đến cuối đời và ra đi nhẹ nhàng
Nhưng đây chỉ là Tục phước của người đời, nó có giới hạn và vô thường, không bằng Hồng phước của cỏi trời, mà Hồng phước của cỏi trời lại không bằng Thanh phước vô ngã của hàng nhị thừa, Thanh phước của hàng nhị thừa thì lại không bằng phước Vô tướng của Bồ Tát, bởi vì Bồ Tát bố thí vô tướng, trong không thấy người bố thí, ngoài không thấy vật bố thí và cũng không thấy người nhận vật bố thí cho nên gọi là “tam luận thể không”. Vì vậy phước của vị đó đạt được là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn không bằng phước thật tướng của chư Phật. bởi vì chư Phật đã tu phước, tu huệ, trăm ngàn kiếp đã trồng các tướng hảo, đến khi đầy đủ phước đức trí tuệ, viên mãn bồ đề., đạt vô sở đắc, nên phước báo mà chư Phật đạt được là rất lớn, không thể nghĩ bàn.
Không luận là tục phước của thế gian, Hồng phước của cỏi trời, Thanh phước của hàng Thanh văn, phước vô tướng của Bồ tát, phước thật tướng của chư Phật đều phải dựa vào sự vun trồng của bản thân, mình làm mình nhận, chẳng phải người khác cho, cũng chẳng phải trời ban bố. Nếu như một người thật lòng bố thí thì chắc chắn sẽ được giàu sang, phú quý. Người từ tâm không sát hại sẽ được khỏe mạnh, trường thọ. Người không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành thì chắc chắn được cát tường như ý, tiêu trừ tai nạn. người nào có thể bố thí vô tướng, rộng tu phước tuệ thì nhất định sẽ thành Phật. Cho nên nói “ Họa phước không có cửa, chỉ do mình tạo, người không có phước cần phải vun trồng phước, phải tu phước thì mới có đời sống tốt đẹp” chúng ta cần phải tích phước, vun bồi phước và phải cầu nhiều phước.

II. Vì sao phải cầu nhiều phước
Nếu mình muốn cầu nhiều phước thì phải tu phước, tu phước thì phải trồng phước, giống như nông dân làm ruộng, phải nỗ lực trồng trọt thì mới có thu hoạch, người tu phước cũng vậy, phải đem hạt giống phước đức gieo khắp ruộng phước ( phước điền ) thì mình sẽ thu hoạch được quả của phước báo.
Phước điền là gì ? kinh Vô Lượng Thọ có ghi “ Phước thọ của thế gian giống như sinh vật trong ruộng. nên gọi là ruộng phước (phước điền)” phước điền thế gian lại có thể phân ra làm nhiều loại.
Một là Kính điền và Bi điền: đối với cha mẹ thầy tổ và tam bảo mà sinh tâm cung kính, cúng dường, phụng dưỡng gọi là Kính điền. đối với những người nghèo khổ, bần cùng tỏ lòng thương sót, bình đẳng cứu giúp, khiến họ thoát khổ gọi là Bi điền.
Hai là Báo ân phước điền: Đối với cha mẹ, sư trưởng cho đến những người có ơn đối với ta thì phài hiếu kính, phụng dưỡng, đem các vật chất để cúng dường , giúp tinh thần an ổn thì mình sẽ được tăng trưởng phước báo đó gọi là báo ân phước điền. Cung kính Tam Bảo, công đước thù thắng sẽ được phước lớn, đó gọi là công đức phước điền. đối với hạng người bần cùng của thế gian, thương sót giúp đỡ, cho họ những vật cần thiết, cứu giúp những lúc hoạn nạn, thì sẽ tích phước rất nhiều, đó gọi là bần cùng phước điền.
Ba là Thú điền, Khổ điền, Ân điền và Đức điền: Đối với tất cả sức sanh, yêu thương, giúp đỡ bình đẳng gọi là Thú điền. đối với những người đang bị buồn khổ, bình đẳng cứu giúp thì gọi là Khổ điền. đối với cha mẹ, sư trưởng thì hiếu thuận cung kính, cúng dường, hầu hạ thì gọi là Ân điền. đối với Tam bảo thì cung kính cúng dường thì gọi là Đức điền.
Bốn là trong kinh Phạm võng đã ghi lại: 1. Phật, 2. Thánh nhân, 3. Hòa thượng (thọ giới bổn sư), 4. sư trưởng, 5. Tăng nhân, 6. Cha, 7. Mẹ, 8. người bệnh. Đối với 8 hạng người ở trên mà sanh tâm cúng kính, bố thí cúng dường, yêu thương giup đỡ thì có thể sanh vô lượng phước đức cho nên gọi là phước điền. nhưng trong 8 loại phước điền đó thì chăm sóc người bệnh là phước điền lớn nhất. khi đức Phật còn tại thế, ngài đã từng chăm sóc và lo thuốc thang cho tỳ kheo bị bệnh, rồi ngài Ngộ Đạt quốc sư đời nhà Đường cũng do lòng từ bi mà chăm sóc cho một vị tăng bị bệnh ghẻ lở, giúp cho vị đó hết đau khổ và sự xa lánh của mọi người. cho nên người nào muốn tu phước thì phải chú ý đến phước điền chăm sóc người bệnh.
Người tu phước, ngoài việc gieo trồng thật nhiều phước điền, thích làm việc thiện và bố thí, còn phải có lòng từ bi đối với tất cả, bởi vì tất cả chúng sinh đều có ân với chúng ta. Cơm ăn, áo mặc hay việc đi lại của chúng ta điều phải dựa vào việc cung cấp của mọi người, nếu như người nông dân không làm ruộng, người công nhân không dệt vải, giao thông không thuận tiện thì người buôn bán không thể vận chuyển được hàng hóa, chúng ta sẽ không có cách giải quyết được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nếu như không có sự dạy dỗ, chỉ bảo của sư trưởng thì làm sao tăng trưởng tri thức. nếu như không có sự trừng phạt và ngăn chặn của pháp luật, dịch vụ y tế , giữ gìn trật tự cho đến việc thúc đẩy phát triển các tiện ích công cộng thì làm thế nào người dân sống và làm việc. Vì vậy mọi người không chỉ báo đáp ân của cha mẹ, sư trưởng mà còn phải báo đáp Ân của mọi người, vì vậy đức Phật dạy “ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân tam bảo, ân đất nước, ân chúng sanh đều phải báo đáp”. Giữa người và người nếu có tâm báo đáp, cung kính lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau thì đâu chỉ là trồng phước, vã lại mọi người đều có phước, rõ ràng là tạo phúc cho mọi người, phước lợi cho xã hội, phước báo đó thật là lớn và nhiều vô kể.
Hoặc có người nói “ nghèo khổ thì khó làm việc bố thí, tôi vốn rất thích tu phước, đáng tiếc là kinh tế khó khăn, xin dạy cho tôi trồng phước thế nào? Nên biết không chỉ có tiền mới làm phước được, bởi vì tiền bạc chỉ là một phần của tài thí, ngoài ra trong nhà vật chất dư thừa có thể bố thí, quần áo dư thừa có thể bố thí, người có tri thức có thể bố thí, người có sức khỏe cũng có thể bố thí.
Cung kính hầu hạ những người lớn tuổi ở trong nhà là tu phước, thương yêu giúp đỡ nhưng người nhỏ tuổi cũng là tu phước. Đến chùa lạy Phật là tu phước, giúp đỡ mọi người, quét dọn chùa tháp cũng là tu phước. Ở ngoài xã hội thì tuân giữ luật pháp là tu phước, giữa gìn bảo vệ đồ vật công cộng cũng là tu phước, thậm chí khuyên người làm thiện hoặc cứu giúp người lúc hoạn nạn đều là tu phước.
Người tu phước ngoài việc trồng nhiều phước điền lại còn phải biết tiếc phước, tích phước, chớ làm việc tổn phước. tục ngữ có câu “ có phước thì không thể hưởng hết”. nếu không thì vui quá sanh buồn, hết phước sẽ đọa, nếu người vô phước càng khổ hơn. Vì vậy, Phật giáo ngoài việc khuyên người gieo trồng phước, vun bồi phước, tích phước còn phải biết tiếc phước. tốt nhất là tu phước hữu lậu, tiến lên nữa là tu phước vô lậu. nhờ tu phước tiểu quả của nhân thiên rồi tiến lên tu phước rộng lớn của Phật đạo. Ngày xưa vua Lương Võ Đế hỏi tổ sư Đạt Ma rằng:
_ Từ khi tôi lên ngôi đến nay đã xây dựng rất nhiều chùa tháp, độ cho rất nhiều người xuất gia, vậy tôi được bao nhiêu phước đức?
Tổ Đạt Ma nói:
_Một tí công đức cũng không có.
Bởi vì tổ Đạt Ma cho rằng: “Nhân của hữu lậu thì chỉ đắc quả nhỏ của Nhân thiên, hết phước sẽ đọa trở lại. Đối với việc kiến tánh thành Phật chẳng bổ ích tí nào cả. cho nên tổ mới nói như vậy. Đáng tiếc là vua Lương Võ Đế chấp vào tướng bố thí nên không ngộ được ý chỉ của bậc thánh.
Đến như phước vô lậu là từ tâm vô lậu mà sanh, cho nên bảo tâm vô lậu là tâm vô ngã, dùng tâm vô lậu để làm việc bố thí chính là bố thí vô tướng. kinh Kim Cang có ghi: Bồ tát không trụ vào tướng bố thí cho nên phước đức lớn không thể nghĩ bàn. Lại nữa, đức Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề :
_Nếu có người đem hết thất bảo trong tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được bao nhiêu phước đức?
Tu bồ Đề trả lời:
_Dạ thưa, rất nhiều.
Đức Phật dạy: Nếu lại có người ở trong kinh này thọ trì cho đến 4 câu kệ rồi đem giảng nói cho người khác, phước đức của người nầy lớn hơn người kia. Vì sao?
_ Này Tu Bồ Đề ! tất cả chư Phật và pháp vô thượng chánh đẳng giác của chư Phật đều từ kinh này mà lưu xuất, cho nên phước của người đó rất lớn.
Tóm lại, nếu muốn trở thành người tốt, hay muốn thành Phật đi nữa thì điều trước tiên là phải Tu Phước.

Quảng Tráng

Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Đăng lúc: 18:25 - 03/09/2016

Không biết tự bao giờ, trong sanh hoạt dân gian, tháng Bảy được xem là tháng cô hồn. Rất nhiều chùa viện và rất đông những gia đình tổ chức cúng thí trong tiết trời tháng Bảy ảm đạm bởi những ngày mưa ngâu, làm cho không khí càng thêm u uẩn.

Chúng ta hẳn đã không ít lần tự hỏi, không biết người chết có hưởng thọ được gì hay không trong những lần ma chay, kỵ giỗ, trai đàn, cúng thí ấy, mà có khi là mâm cao cỗ đầy, có khi chỉ là vài chén cháo lá đa, một ít gạo muối?

Phạm chí Sanh Văn cũng có tâm trạng đó khi người thân của ông qua đời. Sanh Văn, 生 聞, tên tiếng Pāli là Jāṇussonī, được kể là một trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Đức Phật để thảo luận. Sanh Văn cũng chính là người lần đầu tiên nghe kể về Đức Phật đã từ trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ: “Nam-mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác” 1.

Một hôm, Sanh Văn có người thân qua đời. Ông tổ chức ma chay, mở đàn cúng thí, nhưng lòng tự hỏi không biết việc mình làm có lợi ích gì cho người thân hay không, liền đến chỗ Thế Tôn, bạch hỏi: “Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế Tôn, người ấy có nhận được không?” 2.

Câu hỏi ấy thật đúng với tâm trạng của không biết bao nhiêu người!

10173626_564213897030741_1954872959145839987_n.jpg
Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách
cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ

Những đối tượng không nhận được lễ phẩm cúng thí

Đức Phật cho biết: “Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sanh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí dù với tín tâm. Nếu nó sanh vào súc sanh, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của súc sanh, loài người, mà không nhận được đồ do ông bố thí” 3.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng hơn: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục, ăn món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào loại bàng sanh. Món ăn của chúng sanh ở bàng sanh ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh... có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên. Món ăn của chư Thiên như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy” 4.

Như vậy, nếu người chết đã tái sanh vào các cảnh giới địa ngục, súc sanh, người và trời thì không nhận đồ ăn thức uống, cho đến áo quần, nhà cửa, xe cộ, điện thoại… do người thân cúng tế.

Những đối tượng nhận được lễ phẩm cúng thí

Nhưng nếu người chết rơi vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ nhận được các thực phẩm cúng thí. Kinh ghi: “Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông”5.

Nhập xứ được giải thích là sanh vào thân trung ấm. Nếu thân trung ấm sanh vào đường ngạ quỷ thì gọi là ‘đắc nhập xứ’, tức báo xứ (của thân trung ấm) là ngạ quỷ. Cha mẹ cùng bà con quyến thuộc sanh vào đường ngạ quỷ (khi đang ở tình trạng thân trung ấm ngạ quỷ và khi đã sanh vào báo xứ ngạ quỷ) mới nhận được sự cúng thí 6.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy” 7.

Như vậy, Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ, tức là ma giới. Hẳn nhiên, lễ phẩm cúng thí phải là thứ ăn uống được, chứ không phải là hàng mã!

Phước báo của sự cúng thí

Trường hợp người cúng thí, gia chủ không có cha mẹ hay bà con quyến thuộc trong đường ngạ quỷ thì sự bố thí đó cũng có phước báo: “Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất”. Kinh phân tích:

“Giả sử có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân tâm, có tà kiến. Người ấy sau lại phát tâm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm. Người ấy do sát sanh, lấy của không cho…, sẽ đọa lạc vào trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí…, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.

“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sanh, không trộm cướp,... cho đến có chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sanh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời” 8.

Như vậy, một khi gia đình chúng ta có người thân qua đời, chúng ta phát tâm thanh tịnh cúng kính hay bố thí, cúng dường cho Tăng Ni hoặc cho người nghèo khổ, thì dù người thân đã mất của chúng ta không nhận được, bản thân của chúng ta cũng được phước báo trong mọi trường hợp.

Một sự thật là chúng ta không ai biết được người thân của mình sau khi chết đã sanh vào đường nào của lục đạo. Do đó, để tri ân người đã mất, nhất là cha mẹ, bà con thân thuộc của mình, cùng với những anh hùng liệt sĩ đã hy sanh cho tổ quốc, để họ khỏi đói lạnh, bơ vơ, để họ khỏi tủi thân vì chẳng còn ai thương nhớ… chúng ta nên làm lễ kỳ siêu cúng thí cho họ, hoặc mở hội bố thí rồi hồi hướng công đức cho họ. Vì rằng, trong bất cứ trường hợp nào, người thân của chúng ta đã tái sanh về đâu, việc làm ấy đều có phước báo cho chính bản thân mình!

Cúng thí là một trong những cách bố thí cho người đã chết. Vì vậy hãy bố thí những gì mà họ ăn uống được, đừng bố thí thức ăn giả và càng không nên đốt các loại vàng mã như nhà cửa, xe hơi, điện thoại, tiền vàng… để bố thí cho họ. Ngoài ra, với tâm thanh tịnh chúng ta cúng dường cho Tăng Ni, biếu tặng cho người nghèo khổ, hoặc làm các thiện sự như bắc cầu, đào giếng, đắp đường, trồng cây… đều là những việc làm bố thí đưa tới phước báo cho chính bản thân mình và cũng có thể hồi hướng công đức ấy cho người thân đã qua đời.

Thích Nguyên Hùng

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 254
  • Tháng hiện tại 62,008
  • Tổng lượt truy cập 23,468,257