Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cách khắc phục trạo cử & hôn trầm

Cách khắc phục trạo cử & hôn trầm

Đăng lúc: 07:31 - 30/06/2017

HỎI: Nhà tôi chưa có bàn thờ Phật, muốn trì chú Đại bi có được không? Khi tôi ngồi trì chú mà trong đầu ý nghĩ lăng xăng, hoặc người hay lắc lư rồi buồn ngủ, vậy làm thế nào để khắc phục?
(TRỊNH HẢI, hai1233457@gmail.com)

trichu.jpg
Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại
công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Trịnh Hải thân mến!

Nhà chưa có bàn thờ Phật, bạn vẫn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền… bình thường. Bạn cần chọn một nơi sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh nhất nhà để trì chú, tu niệm.

Trong lúc tu niệm, hiện tượng “trong đầu ý nghĩ lăng xăng” gọi là trạo cử, và “người hay lắc lư rồi buồn ngủ” gọi là hôn trầm, các biểu hiện này liên tục xảy ra. Tất cả mọi người, khi thực hành công phu đều trải qua các hiện tượng trạo cử và hôn trầm này.

Việc đầu tiên, bạn hãy xem trạo cử và hôn trầm là một trong những điều rất bình thường của tâm. Từ trước đến nay, tâm của mình đã rối rắm như vậy, không phải bây giờ mới có. Nhờ tu tập nên mình có cơ hội nhận diện rõ hơn tâm của mình nhiều trạo cử, hôn trầm mà thôi.

Với trạo cử, bạn chỉ cần chú tâm vào đề mục, rõ biết các ý nghĩ lăng xăng đang trình hiện mà không nắm bắt hay phản ứng, chỉ chuyên tâm vào đề mục. Ở đây, đề mục của bạn là trì chú, vậy hãy chú tâm vào câu chú. Thân ngồi (hoặc đi, đứng, nằm) thư giãn và thoải mái, chú tâm đọc hay niệm chú đầy đủ không thiếu sót, tai nghe tiếng rõ ràng, nếu đọc thầm thì tâm cũng nghe biết tỏ tường. Các ý tưởng lăng xăng vẫn liên tục xuất hiện nhưng vì bạn chuyên tâm vào thần chú, không phản ứng lại (không nắm bắt hoặc xua đuổi) nên nó không có chỗ nương gá, tự sinh rồi tự diệt, tự đến rồi tự đi.

Khi mất chánh niệm, sự chú tâm bị gián đoạn thì tâm bị các ý niệm lăng xăng chi phối. Cần thấy rõ tâm mình đang trạo cử, đưa tâm trở về trạng thái chánh niệm bằng cách trì chú trở lại như lúc đầu. Sự chuyên chú càng lớn mạnh thì trạo cử càng yếu suy. Kiên trì, bền bỉ và tinh tấn lâu ngày ta sẽ dễ dàng làm chủ tâm, vọng tưởng thưa dần, tâm được an trú, tịnh chỉ.

Về hôn trầm, thường là khi trạo cử tạm lắng dịu thì hôn trầm xuất hiện, trạng thái thân tâm dật dờ dã dượi, buồn ngủ và ngủ gục. Khi mất chánh niệm, thiếu sự chú tâm thì hôn trầm liền chi phối. Để đối trị hôn trầm, hành giả cần điều hòa thân tâm, phối hợp cả phòng và chống. Trước hết hành giả phải thiết lập đời sống quân bình, làm việc vừa sức, ngủ đủ giấc. Kế, không ăn quá no, không uống rượu bia trước giờ công phu, áo quần cần mềm xốp, không quá chật, nới lỏng thắt lưng, ngồi nơi thoáng mát, giàu dưỡng khí. Khi ngồi cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng, thả lỏng các cơ bắp, thân tâm thư giãn hoàn toàn. Quan trọng là luôn duy trì sự chú tâm vào thần chú, khi phát hiện bị hôn trầm, hãy khởi sự lại từ đầu.

Nếu hôn trầm kéo đến nhiều lần, hành giả có thể tạm dừng trì chú để đưa tay xoa mặt, vuốt mắt, nhéo tai, xoa bóp tay chân, xoay người qua lại cho máu huyết lưu thông. Sau đó tiếp tục trì niệm như ban đầu. Nếu hôn trầm chưa dứt, hành giả cần thay đổi oai nghi, đi rửa mặt và thiền hành (vừa đi vừa niệm chú) một lúc rồi quay về tiếp tục trì niệm. Sau nhiều nỗ lực mà vẫn hôn trầm, hành giả nên nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ một lát, sau đó tiếp tục công phu sẽ tốt hơn.

Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua. Trong thời gian đầu khi tâm chưa thuần, hành giả cần tinh tấn, nỗ lực và kham nhẫn, không nên thối tâm và bỏ cuộc sớm. Khi hành giả thiết lập được chánh niệm, chú tâm vững chắc vào đề mục, tâm có phần an định thì hai chướng ngại này sẽ giảm thiểu dần. Tiếp tục công phu đắc định thì chúng sẽ chấm dứt.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Một ngày an vui theo giáo lý nhà Phật

Một ngày an vui theo giáo lý nhà Phật

Đăng lúc: 20:52 - 27/06/2016

Với người biết tu thì tránh xa những thú vui làm khổ người, khổ mình, thay vào đó là vui với những thú vui của hạnh nghiệp lương thiện, phù hợp đạo lý, vui mà không làm phiền làm khổ ai cả.
Một ngày an vui theo giáo lý nhà Phật
Đạo Phật là đạo diệt khổ, đem vui đến cho chúng sinh.
Ví dụ như ăn chay, mỗi tháng người Phật tử ăn chay hai ngày, hoặc sáu ngày, hoặc mười ngày... Thoạt nhìn, thấy ăn chay là khổ, vì không được ăn uống tự do, phải hạn chế thức ăn, ăn không ngon miệng, mau đói...
Vui phàm, vui thánh
Song, đối với người biết tu, ăn chay được họ lấy làm vui, vì không giết hại sinh vật để bồi bổ cho xác thịt của mình. Một ngày không giết hại là một ngày không làm khổ chúng sinh. Một ngày không làm khổ chúng sinh là một ngày an vui. Cái vui của người ăn chay là cái vui tránh khổ cho loài vật, nhờ vậy mà lòng từ tăng trưởng.
Ăn chay là tránh sát sinh, không làm tổn hại sinh mạng loài vật là vui chứ không phải hôm nay là ngày chay, nhiều người kiêng ăn thịt cá nên cá thịt rẻ, ra chợ mua, nhất là mua cá đem về để mai mốt ăn cho đỡ tốn kém.
Ăn chay cốt không làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, tránh được tội lỗi, làm được điều tốt, tiết dục không ham muốn nhiều.
Người không biết tu thì vui trên cái khổ của kẻ khác hoặc của loài vật; còn người biết tu thì vui khi tránh được điều ác, không làm tổn hại người vật, làm được việc thiện lợi mình, lợi người. Thế nên nói người tu được cái vui thoát tục, tức là vượt khỏi cái vui tầm thường của người thế gian.
Ở thế gian có những người thanh niên trẻ tuổi, sống với cái vui thoát tục xa lìa ngũ dục, ăn chay lo tu tỉnh, thì bị những người thọ hưởng ngũ dục phê bình châm biếm cho là ngu dại, không biết thụ hưởng thú vui ở đời.
Cứ nghiệm xét lại người uống rượu, hút ma túy, cờ bạc...không thấy hậu quả việc làm của mình, cứ chạy theo thị hiếu, thỏa mãn lòng tham muốn, cuối cùng tự chuốc khổ họa vào thân thì không khôn, không phải là người trí. Người trí biết cờ bạc, rượu chè, hút sách... là cái nhân đưa đến nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau nên tránh, tự thân không bị khổ và không làm phiền lụy cho người khác.
Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: “Sắc, thinh, hương, vị, xúc, tất cả những pháp này khả lạc, khả hỷ, khả ý. Khi nào chúng ta hiện hữu, thế giới chư thiên xem chúng là khả lạc, khi chúng bị hoại diệt mới thấy chúng là khổ”.
Ở đây Phật dạy rằng, người đời khi được những món ngũ dục, sắc, thinh, hương, vị, xúc thì cảm thấy vừa ý cho là vui. Người trời thấy ngũ dục là vui nhưng khi chúng bị hoại diệt, tức là khi chúng mất đi thì chừng đó mới thấy khổ.
Còn bậc Thánh thấy vui, khi mình đoạn diệt được tham trước ngũ dục lạc, là cái mầm dẫn đi trong luân hồi sinh tử. Cái vui khi dứt mầm sinh tử mới là cái vui chân thật vĩnh viễn.
Cái vui của bậc thánh khác với cái vui của phàm phu; cái vui của phàm phu bậc thánh cho là khổ, cái vui của thánh nhân, phàm phu cho là khổ.
Thí dụ một tu sĩ ăn mặc đơn sơ thường tọa thiền dưới cội cây, người nhậu nhẹt ăn chơi cho rằng sống tiết chế kham khổ như thế là ngu không biết thụ hưởng thú vui của đời. Ngược lại, bậc thánh thấy người đời vui say ngũ dục ăn chơi trà đình tửu điếm, cho đó là mê mờ thiếu trí tuệ, đem lòng thương xót.
Thế nên, người đời phải khéo biết cái vui nào là cái vui chân thật trường cửu, để duy trì và gìn giữ; cái vui nào trá hình của khổ đau để tránh. Nhược bằng cứ chạy theo cái vui trá hình của khổ đau, thì vui trong chốc lát mà khổ lâu dài, sống như vậy là mê mờ thiếu trí tuệ.
Tỉnh mà vui, vui mà tỉnh
Thế những cái vui của người tỉnh là gì? Người biết tu tỉnh khi tâm hồn bình thản, thanh tịnh thì vui. Lúc ngồi dưới gốc cây, bên sườn núi, cảnh vắng vẻ, nhìn trời mây, nhìn cây cỏ hoa lá, tâm hồn thanh thản an định, cảm nhận một niềm vui tràn khắp thân tâm cảnh vật.
Người tỉnh tu khi tâm thanh tịnh, vui trên sự thanh bình của vạn vật, không làm tổn hại bất cứ loài vật nào, không tổn hại sức khỏe, cũng không hao tiền tốn của.
Lại nữa, người tỉnh tu vui khi phá được vô minh phiền não. Giả sử có người gièm pha chỉ trích, nói lời nhạo báng Phật pháp, người tu nghe qua khởi niệm bực bội, muốn nói lại cho đã giận nhưng liền khi đó tỉnh giác, biết giận là phiền não mê mờ, nói lời xúc phạm gây buồn đau cho người là tội lỗi.
Cơn giận sẽ từ từ lắng xuống, tâm được bình an, lòng vui sướng thấy mình chiến thắng được phiền não sân giận. Nếu không thắng được cơn giận thì phát ngôn bừa bãi, nói ra những lời đau đầu nhức óc, kẻ nói qua người trả lại; lúc đầu thì đấu khẩu, sau đó thì đấu tay chân... như vậy, chỉ là khổ, chẳng lợi ích gì!
Giờ đây tự phản tỉnh, thấy rõ từng tâm niệm của mình, niệm sân vừa khởi liền biết, không chạy theo nó, đó là tự thắng mình, thắng được phiền não sân giận. Thế là mình được an ổn và mối quan hệ giữa mình và người bình thường vui vẻ, không có chuyện buồn ghét xảy ra.
Thế nên nói người biết tu, vui khi thắng được phiền não, một cơn giận một niệm buồn khởi lên, liền biết dừng ngay. Cứ thế mà tu tỉnh hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì sự an vui cũng thường có trọn giờ, trọn ngày, trọn tháng, trọn năm... Ngược lại, hễ ai đụng tới là buồn giận, không phản tỉnh, không biết dừng thì buồn khổ mãi.
Lại nữa, người tỉnh tu vui khi làm lợi ích cho người. Ví dụ người làm việc từ thiện xã hội đem được gạo tiền, thuốc men, quần áo... đến tận vùng bão lụt, đưa tận tay cho người mắc nạn, giúp cho họ được no lòng, ấm thân... thì thấy lòng mình vui sướng, vì đã làm được điều lợi ích cho người. Người tỉnh giác càng làm lợi ích cho người, càng giúp cho người sáng ra là càng vui, niềm vui chân thật lâu dài.

Người đã phát tâm tu theo đạo Phật thì suốt đời phải tinh tấn tu hành
Gắng gỏi mà tu
Như vậy, bạn đọc nhận thấy tu là vui hay khổ? Nếu thấy tu là vui, thì hãy nỗ lực cố gắng tu, để trở về cái chân thật hằng hữu được cái vui bất tuyệt. Ở thế gian này có ai giàu có thọ hưởng ngũ dục một cách đầy đủ mà khỏi đau bệnh, già yếu, chết chóc không?
Từ ngàn xưa đến nay không ai tránh khỏi! Thế mà hưởng được cái vui giàu sang sung sướng chỉ được mấy mươi năm, chúng ta tưởng là lâu dài, rồi cứ mãi mê đuổi bắt nó. Khi nào chúng ta thoát ra khỏi cái khổ sinh tử thì mới được cái vui chân thật lâu dài.
Nếu còn ở trong sinh tử dầu có nhiều tiền lắm của rồi cũng tiêu hoại. Chỉ có người biết trở về cái chân thật, tâm hết vô minh phiền não mới thoát khỏi mọi khổ đau, được cái vui chân thật bất diệt.
Qua những dữ kiện vừa nêu, cho chúng ta thấy người đời không sáng suốt lấy cái khổ của người làm cái vui của mình; vui trên sự đau khổ của người và vật. Còn người chân chính tu hành hằng sáng suốt không bao giờ thừa nhận mình vui trên sự đau khổ của người vật, mà ngược lại lấy cái vui của mình, đem sự an vui đến cho người vật.
Tất cả chúng ta phát tâm tu là phát nguyện sống đời an vui bất tận, chẳng những trong đời này mà vĩnh viễn về sau. Muốn được như thế phải nỗ lực tu hành. Người tu hành thoạt nhìn thấy như thiệt thòi khổ sở vì không thọ hưởng những cái vui sướng của thế gian, lại khép mình trong giới điều nghiêm ngặt để tinh tiến tu hành.
Vậy, người đã phát tâm tu theo đạo Phật thì suốt đời phải tinh tấn tu hành, chứ không phải tu một thời gian rồi ngừng nghỉ không tu nữa. Nhất là người già phải nỗ lực tu nhiều hơn, vì già cái khổ tử vong gần kề, nếu không lo tu hành khi cái chết đến làm sao trở tay kịp?
Thế nên người phát tâm tu chẳng những khi còn trẻ lo tu hành mà lúc già lại phải tu nhiều hơn, như thế mới có được nguồn an vui chân thật, dứt mọi khổ đau.
Tóm lại, đạo Phật là đạo diệt khổ, đem vui đến cho chúng sinh, và chính đạo Phật là chỗ an bình, là chỗ nương tựa an vui chân thật, muôn đời của tất cả loài người…
Bình luận 0 Thích Thanh Từ

Khi có Phật trong đời…

Khi có Phật trong đời…

Đăng lúc: 19:09 - 27/05/2016

Đến một lúc nào đó, khi hội đủ nhân duyên - có khi là thuận duyên như gặp thầy hiền và bạn tốt, nhưng cũng có khi là nghịch duyên như khổ đau chồng chất, ta được gặp Phật - gặp lời dạy của Ngài thông qua hình ảnh một ngôi chùa, một nhà sư, một người khoác áo lam hiền lành..., làm cho ta ngộ ra, thấy một con đường khác, sáng hơn. Từ đó, ta thầm cám ơn, ta niệm niệm: Phật pháp cứu đời tôi!

cophat.jpg
Bước chân tỉnh thức - bước chân đi vào đời vững chãi, thảnh thơi...
Gặp Phật & thấy Phật

Người học Phật ai cũng nằm lòng câu “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhắc hoài câu này để nhớ rằng, phải trân quý con đường tu học - sửa chữa ba nghiệp (ý, ngữ, thân) mỗi ngày, đừng xao lãng. Vì như nội hàm của câu ấy: được thân người không dễ, mà lại còn nghe được Phật pháp (theo nghĩa hiểu, tin và đang hành) thì phải tinh tấn, đừng tu theo kiểu phong trào, được chăng hay chớ.

Thực tế, trong cuộc sống có những người không biết quý thân mình nên đã nghĩ, nói và làm những việc tạo ra sự cay đắng cho tự thân và người khác. Theo đó, đã gây khổ cho bản thân, làm hại người khác, loài khác một cách bất chấp. Sở dĩ họ có hành động ấy vì họ không tin nhân quả, nghĩa là họ không nghe lọt tai lời phải, lời Phật dạy, không thấy mọi thứ đều có nhân-duyên - từ đó đưa tới những biểu hiện trong hiện tại và tương lai (quả).

Không nghe được Phật pháp thì sẽ không quý thân người theo nghĩa sống buông thả, buông lung tâm ý, lời nói, hành động. Sống ngoài luật nhân quả thì sẽ sống theo kiểu... luật rừng, trong đầu lúc nào cũng bị dắt dẫn bởi suy nghĩ “mạnh được yếu thua” và càn quấy với mọi thứ xung quanh, mưu mẹo và lươn lẹo để “được” - thỏa mãn những mong muốn ngoài quy luật nhân-duyên-quả bằng sự tham lam, sân hận và si mê một cách vô độ. Cái thấy như vậy thực ra là “mất” chứ không phải “được”, bởi đã vay thì phải trả, đã gieo gió tránh làm sao được việc gặt bão.

Thực ra, gặp Phật là gặp một lời khuyên đúng đắn, gặp ai đó hé mở cho mình một cái nhìn để “hồi đầu hướng thiện”. Khi đó, người xuôi theo lối sống buông lung, phóng túng... bỗng giật mình vì thấy: là người ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Và thấy, nỗi khổ ấy do mình tác tạo từ những điệp trùng nhân-duyên trong quá khứ và hiện tại, ngay phút giây đang sống này. Cái giật mình ấy như một sự bừng tỉnh bởi tiếng chuông đại hồng - là lời nhắc đầy năng lượng bi và trí của một người nào đó đã có duyên lành với mình trên bước đường sinh tử này. Lâu nay mình quên mất sự thật về khổ và nguồn cơn của khổ vốn do mình tạo ác nghiệp - do vậy mình đã sống một cách mê muội, càng tham lam, càng sân si thì càng khổ nhiều hơn.

Gặp Phật và thấy con đường sáng, có nghĩa là đã thấy bên trong có Phật tánh, có sự vững chãi và thảnh thơi, chỉ cần mình dừng lại và nhìn sâu vào chính mình. Cái mình của trước khi gặp Phật và thấy Phật chính là cái tôi cần được vỗ về, cưng chìu tới mức hư đốn. Cái mình của sau khi gặp Phật và thấy Phật chính là hạ bản thân xuống, luôn biết sám hối vì “con nay đã tạo bao ác nghiệp”, để từ đó nâng dần sự chịu đựng và tình thương lên, khiến tâm an định, trí sáng suốt hơn.

Vượt thoát khổ đau trong hiện tại

Là con Phật, chắc ai cũng biết “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”? Khi đã thấy Phật, gặp Phật thì mình sống theo con đường Bồ-tát, tu học Phật và dấn thân vào đời để trải nghiệm lời Phật dạy bằng thực tế cuộc sống. Khi đó, trong mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động - ta đều nhớ rằng sẽ gieo vào đất tâm mình hạt giống (xấu hoặc tốt). Nếu thực sống trong ý thức bảo hộ tự thân cũng chính là bảo hộ muôn loài như một vị Bồ-tát thì ta sẽ biết sợ gieo-trồng nhân xấu, bởi ta thấy trong sự gieo-trồng ấy có ngày gặt hái những quả đắng cay tất yếu.

Khi mê thì ta muốn tranh giành, bất chấp, ta tham lam vô độ và... ta sợ gặp rủi ro, sợ những điều bất như ý. Đó là tâm lý của chúng sinh, sợ quả xấu nhưng quên mất quả xấu tốt là do nhân-duyên đã và đang tác tạo, thành ra cứ sợ hãi miết, khổ đau hoài.

Khi ngộ, ta thấy nỗi đau nếu có thì là do ta đã gây tạo nhân xấu trước đó, do ta sửa ý-ngữ-thân chưa có giỏi nên vẫn còn thọ cảm sự bất như ý bằng một tâm thế yếu đuối, chứa đựng nỗi sợ hãi, vì thế mình còn khổ. Biết điều này thì ta sẽ lùi lại, dừng lại và đừng thèm loay hoay nữa, mà sẽ bắt đầu ngồi yên, lễ Phật - sám hối, tác ý thiện, định tĩnh thân tâm cho tới khi bên trong không còn những lao xao sợ hãi nữa.

Có một sự thật mà những ai có thực tập Phật pháp đều thấy được đó là, ngay khi ta chấp nhận được tất cả các biểu hiện ở hiện tại bằng sự quán chiếu nhân-duyên-quả thì ta sẽ đoạn được ác và nỗi sợ hãi. Nhìn cho rõ cái đang là bằng tình thương và sự hiểu biết thì con ma chạy trốn nỗi khổ niềm đau trong ta sẽ tự biến mất và mình trở nên vững chãi (mạnh mẽ, không sợ hãi).

Sự vững chãi sẽ đưa tới thảnh thơi trong tâm hồn, nghĩa là sẽ bình an. Thấy việc gì đến-đi đều có lý của nó, lúc đó mình liền thong dong, như đang đi dạo trong cõi Ta-bà, đi trong nỗi khổ cũng giống như đi trong hạnh phúc, không bị tác động nhiều. Để có được sự vững chãi thì trước đó ta cần thực tập thảnh thơi (dừng lại, ngồi yên, ngắm nhìn những biểu hiện cùng những tâm hành tương ưng trong ta). Khi có sự vững chãi thì ta càng thảnh thơi, làm gì hay có điều gì tới cũng không làm ta nôn nóng, không làm ta phải rượt đuổi theo nó hay bị nó rượt đuổi. Đó chính là sự nương nhau biểu hiện theo lý duyên sinh: cái này có (sự thảnh thơi) thì cái kia có (sự vững chãi) và ngược lại.

Do vậy, để vượt thoát khổ đau thì bắt buộc mỗi người phải thực tập bỏ bớt, buông dần để có thời gian chăm sóc thân tâm bằng cách dừng lại và nhìn sâu vào lòng những biểu hiện ngay trong hiện tại. Nói cách khác, đó là sự thực tập chánh niệm để nhận diện sự thật, thấy nguồn cơn và vượt qua nó bằng năng lượng thương yêu, hiểu biết.

Thông thường, chúng ta lười làm mà thích hưởng thụ. Đó là tánh tham, là không sống trong luật nhân quả. Tánh này vẫn còn trong khi học và tu Phật, do vậy nhiều người... thích cầu nguyện và mong được ban phước thay vì dấn thân làm phước, hành thiền để có được kết quả tốt đẹp. Người thực sự thấy Phật, thương mình thì không nên làm vậy, ngược lại sẽ gia tâm thực hành sửa ý-ngữ-thân một cách tinh tấn mỗi ngày, phát nguyện tinh tấn không chỉ đời này mà trong vô lượng vô thỉ kiếp nữa, cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, như Phật đã từng tuyên dương: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Thiết nghĩ, là con Phật, nhớ điều đó, tin điều đó thì sẽ từng bước cởi bỏ những ràng buộc nơi thân và nơi tâm, sẽ từ từ làm cho mình trở nên tự do hơn, giải thoát hơn ngay trong từng phút giây hiện tại chứ không phải sống theo cách đợi tới khi xả báo thân này mới chứng đắc quả vị gì đó cao siêu!
Lưu Đình Long

Trí tuệ là sự nghiệp

Trí tuệ là sự nghiệp

Đăng lúc: 05:42 - 22/05/2015

“Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa theo tiếng Việt là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân thật của người tu. Trí tuệ không phải là trí thông minh thường tình ở thế gian, mà là trí sáng thấy đúng sự thật.
Điều trọng yếu của việc tu học Phật pháp là phải thấy được sự thật, mà không nằm ở chỗ đi chùa vì đông vui hay để trút bầu tâm sự. Khi đến chùa tu học, mọi người cần lắng lặng thân tâm, dồn hết sức lực vào việc nghe pháp và tu tập để có được một ngày an lạc, bởi vì đó là bước căn bản cần phải có của một người tu theo Phật. Muốn học đạo lý thâm sâu, thì trước cần phải học nói năng, im lặng, đi đứng đúng như chánh pháp. Giữ được thân, miệng yên lặng, thì tâm dần dần được an định và có thể chiếu soi nhìn thấy rõ sự thật.
Đức Phật đã dạy sự tu học cần phải theo thứ lớp điều căn bản nhất là phải nắm vững đạo lý nhân quả và đó chính là trí tuệ. Tuy thấy nhân quả đơn giản dễ nói, nhưng để thấu hiểu tường tận và ứng dụng vào trong cuộc sống đạt được hiệu quả an lạc diệu kỳ, mọi việc làm đều thành công trọn vẹn thì cần phải luyện tập hằng ngày và trong từng công việc, ý nghĩ, hành động. Người nông dân làm ruộng

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 13
  • Hôm nay 1,477
  • Tháng hiện tại 63,231
  • Tổng lượt truy cập 23,469,480