Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tâm linh thấy bằng trái tim

Tâm linh thấy bằng trái tim

Đăng lúc: 08:41 - 05/02/2017

Mạch ngầm tâm linh cứ thế mà chảy âm ỉ trong đời sống. Dòng năng lượng ấy chưa bao giờ ngưng lại, thậm chí đang ngày một mạnh mẽ hơn, khi mà con người đang tiến dần vào một thời đại của mâu thuẫn đỉnh cao giữa giá trị vật chất và tinh thần. Nhưng tâm linh không phải là điều gì đó huyền bí, mê tín dẫn dắt con người đi sâu vào bóng tối mê man, mà đó là những điều ta tin bằng trái tim. Những linh cảm đẹp đẽ đến từ tâm hồn, cuối cùng, sẽ có vị trí xứng đáng trong mọi hình thức của sự sống.

shutterstock_518429221.jpg
Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm
đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời

Khó có thể định nghĩa hoặc diễn tả đầy đủ về hai từ tâm linh, vốn là thế giới của mơ hồ vô hình dạng. Thế giới ấy có mà không, không mà có. Không thấy bằng con mắt vật lý nhưng có thể cảm nhận rất gần và mạnh mẽ bằng mọi giác quan và vượt ra khỏi con người vật chất. Như Saint Exupery viết trong Hoàng tử bé (Le Petit Prince): “On ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux”. Giữa nhiều bản dịch với lời lẽ hoa mỹ, thậm chí đi hơi xa so với bản gốc tiếng Pháp, tôi thích bản dịch đơn sơ và sát nghĩa của Bùi Giáng tiên sinh: “Người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt".
Linh cảm bằng trái tim

Trái tim ở đây không chỉ là con tim nằm hơi lệch qua phía ngực trái, có một sợi dây thần kinh dẫn trực tiếp kết nối đến ngón đeo nhẫn, mà nó còn là tâm hồn. Tâm và hồn. Đó cũng là lý do vì sao nam nữ khi kết nghĩa phu thê thì đeo nhẫn vào ngón áp út, bởi họ tin rằng sẽ có sự kết nối giữa hai tâm hồn và hơn thế nữa.

Tâm linh, đó là bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời sống mà bạn thấy mầu nhiệm, giúp bạn vượt qua những cái khổ tự nhiên mà Đức Phật đã chỉ ra. Là một ngày, khi năng lượng xuống thấp nhất sau nhiều biến cố, bạn thấy mình gần như kiệt quệ. Bạn mở màn hình máy tính, nhưng chữ nghĩa cứ nhảy múa trước mắt. Bạn không thể tập trung. Bạn ước ao có một điều gì đó đến bất ngờ và tươi mới để thay đổi năng lượng. Bỗng nhiên bạn nhận được một món quà từ phương xa của người bạn thân, là một chuỗi hạt chakras 7 màu tuyệt đẹp, đơn giản vì chỉ duy nhất người ấy biết bạn thích những chuỗi hạt. Khi bạn cầm chiếc vòng tăng năng lượng này trên tay, lập tức bạn thấy có một nguồn sống mới ập đến. Và rồi có một lực đẩy vô hình, bạn mở máy và làm việc một mạch với những ý tưởng tuôn trào.

Đó có thể là chuyện con gái bé bỏng bị bệnh kéo dài nhiều ngày rồi mà không khỏi. Bé không chịu ăn uống gì cả, người ốm tong teo hẳn đi làm người mẹ rất lo lắng và tuyệt vọng. Trong lúc bé đang hâm hấp sốt và ngủ thiếp đi, người mẹ bèn ra ban công, nhìn lên trời, thầm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ-tát. Người mẹ cầu nguyện rất lâu, để cho những giọt nước mắt của mình chảy trên má mà quên hết thời gian. Tâm của người mẹ giờ đây chỉ có Bồ-tát và con gái của mình. Bất chợt, cô bé trở mình, kêu mẹ ơi, con đói bụng. Bạn lật đật quay vào lấy cháo cho bé ăn. Sau khi ăn hết tô cháo nóng, điều mà trước đây bé không bao giờ làm được, người mẹ chợt nhận ra gương mặt của con tươi tỉnh hơn, sờ trán con thì thấy cơn sốt đã giảm đi.

Là một buổi sáng bình thường bạn thức dậy như bao ngày khác. Bạn đã từ bỏ công việc cũ hơn 6 tháng nay và hầu như không tìm được bất kỳ công việc nào như ý. Chuỗi ngày đó thật nhàm chán trôi qua với những tách cà-phê và những status trầm buồn trên Facebook. Nhưng sáng nay, bỗng bạn thấy một cảm giác rất khác lạ. Lòng dễ chịu, khoan khoái, tươi vui mà không vì một lý do nào. Điều đặc biệt là cảm xúc đó rất mạnh, mạnh đến nỗi bạn cảm nhận chúng lan tỏa khắp cơ thể mình, chảy khắp bộ não của mình. Và ngày hôm đó, bạn nhận được một lời mời cho công việc mới không thể tốt hơn.

Có muôn hình dáng về tâm linh. Không có đúng không có sai. Nó như như là thế. Dường như nó vượt lên con người. Nó là những mạch ngầm có vẻ dửng dưng không liên quan gì vào đời sống vật chất này, thế nhưng nó lại song hành và có khả năng can thiệp, hỗ trợ, chia sẻ cùng cuộc đời của những ai tin vào nó.

Là chuyện của lòng tin

Không có một lý giải, bình luận hay phản biện… nào tròn trịa khi nói về tâm linh. Đó chỉ là câu chuyện của lòng tin. Tin và không tin. Tin thì thấy, không tin thì không thấy. Tin thì cảm, không tin thì không cảm. “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Chúa Giê-su).

Phương Tây khi nhìn về phương Đông như là vùng đất của tâm linh với vô số điều huyền bí. Những hành trình về phương Đông của những bậc trí thức khoa học phương Tây đã minh chứng cho việc họ đã công nhận rằng, có những sự việc mà khoa học không thể giải thích và chỉ được hiểu theo cơ chế tâm linh. Nhiều học giả đã quá kinh ngạc vì sao các bậc hành giả du-già có thể sống thọ mà không cần ăn uống gì trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hàng vạn năm tuyết phủ. Dần dần, đời sống tâm linh giờ đây không còn phân biệt vùng đất hay lãnh thổ. Thật ra thì tâm linh đến từ vũ trụ siêu nhiên, nên nếu có sự phân biệt quốc gia này và vùng đất khác, thì đó chính là do tâm phân biệt của con người. Ngày nay, Âu Mỹ và những đất nước giàu hiện đại vốn chỉ tin vào khoa học, đã đón nhận đời sống tâm linh một cách cởi mở và trân trọng. Bằng chứng là Google mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nói chuyện về năng lực kỳ diệu của thiền cho nhân viên của họ. Đó là những cuộc diễn thuyết về lòng từ bi và đạo đức bên ngoài tôn giáo của Đức Dalai Lama thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự tại Mỹ và một số nước châu Âu. Tất cả những việc này là vì sao? Chỉ đơn giản là vì lòng tin của mọi người vào những lời dạy đến từ các bậc dẫn dắt tâm linh vốn được cho là hóa thân của Bồ-tát.

Có thể nhìn thấy rõ về vấn đề “lòng tin vào siêu nhiên” là khi đối diện với hàng loạt câu hỏi “tại sao” của trẻ con. Chúng hỏi: “Vì sao con được sinh ra?”. Cha mẹ hiện đại sẽ trả lời rất khoa học và rành mạch không úp úp mở mở như ngày xưa: “Vì tinh trùng của cha kết hợp với trứng của mẹ”. Nhưng, chúng sẽ hỏi tiếp: “Vì sao tinh trùng và trứng kết hợp thì lại thành em bé?”. Ngang đây là ta sẽ bắt đầu lớ ngớ một chút rồi, nhưng vẫn giải thích được, tùy trình độ của các bậc cha mẹ, đại khái có thể là: “Vì trứng và tinh trùng là hai thứ cốt lỏi của đàn ông và phụ nữ để giúp duy trì nòi giống”. Thế mà có xong đâu, bọn trẻ sẽ hỏi tiếp: “Vì sao đó là hai thứ cốt lõi mà không là hai thứ khác?”. Tôi đã từng “cạn lời” trước hàng loạt những câu hỏi vì sao dồn dập như thế với ánh mắt trong veo của con gái tôi, tôi trả lời kiểu gì nó cũng có thể hỏi thêm vì sao. Cuối cùng thì tôi chỉ có thể làm cho con tin mình mà không tiếp tục hỏi nữa, bằng câu trả lời như sau: “Con biết không, có những thứ không thể lý giải một cách cụ thể, bởi loài người được sinh ra một cách tự nhiên và được tự nhiên quy định như vậy. Chúng ta cứ thế mà tin vào và thế giới hình thành từ đó”.

Cảm nhận tự nhiên, chính là tâm linh. Sống theo tự nhiên, chính là sống đời sống tâm linh. Những thứ mà khoa học tưởng chừng như có thể giải thích được thì cũng không thể nào lý giải được toàn bộ vũ trụ siêu nhiên. Nhưng, bằng tâm linh thì con người có thể hiểu và hoan hỷ đón nhận, hoan hỷ vui sống. Chẳng hạn như, theo đạo Phật, em bé sinh ra không phải chỉ là vấn đề tinh cha huyết mẹ (khái niệm vật chất), mà còn là duyên khởi từ nhiều kiếp giữa em bé và cha mẹ. Nếu con cái và cha mẹ có duyên lành với nhau thì sẽ gặp được nhau trong hạnh phúc. Nếu là nghịch duyên thì cũng sẽ gặp nhau nhưng trong một điều kiện bất như ý. Khi nhìn vào việc hình thành sự sống dưới góc độ tâm linh, chúng ta dễ dàng sống lương thiện hơn, biết tu tâm dưỡng tánh hơn, biết tạo ra nhiều thiện nghiệp để từ đó có nhiều cơ may đón nhận duyên lành với các hậu duệ của mình.

Ví dụ trên chỉ là một giọt nước bé xíu trong dòng thiên hà. Rõ ràng, một ngày nào đó, bạn thử đặt những câu hỏi vì sao của trẻ con, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có câu trả lời, cho đến khi bạn đưa nó về với đời sống tâm linh của trời đất, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Chánh tín tâm linh

Trên trang chủ của langmai.org, có một câu nói dẫn vào như sau: “Nếu hôm nay chúng ta có một chiều hướng tâm linh trong đời sống cũng như công việc thì chớ nên lo lắng cho ngày mai. Ngày mai sẽ tự lo việc của ngày mai. Với sự nâng đỡ của một đoàn thể tâm linh, chúng ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.

Câu này đưa đến một thông điệp chính: “Bạn sẽ bình an khi có đời sống tâm linh”.

Trong con người luôn có hai mặt đấu tranh. Mặt đen mặt trắng này thường cãi nhau kịch liệt. Nếu ta tạm mặc định theo chủ nghĩa nhị nguyên rằng mặt đen là điều ác và mặt trắng là điều thiện một cách tự nhiên trong một con người, thì ta có thể hiểu rằng, những linh cảm đến từ mặt đen là mê tín và đến từ mặt trắng là chánh tín. Hai thể lòng tin này đều có thể được gọi là đời sống tâm linh. Trí huệ càng nhiều thì con người càng dễ dàng đi đến đồng thuận với tiếng nói của mặt trắng chánh tín. Ngược lại, khi bị u mê dẫn dắt, những việc làm trong đời sống tâm linh cũng dễ đưa ta đến ngõ tối, đó là lúc tiếng nói của mặt đen lên ngôi. Biết bao nhiêu người vì mê tín mà lầm đường lạc lối.

Điểm cốt lõi nào để phân biệt giữa mê tín và chánh tín trong đời sống tâm linh? Khi có chánh tín, ta thường ít mong cầu điều gì ngoài bình an và tự tại, rồi mọi thứ khác sẽ đến theo cách vận hành riêng của nó, tùy duyên và dựa trên cộng nghiệp. Vì tin vào điều đó nên ta thảnh thơi, tự do thoát khỏi mọi lăn tăn khổ sở. Còn nếu là mê tín, ta thường hay cầu nguyện được vật chất, tiền tài, được quyền danh, được đủ thứ trên đời, nói tắt chính là tham. Cái tham không có điểm dừng và sẽ dẫn ta đi đến nhiều hành động sai lầm mà nếu có một đoàn thể tâm linh hùng mạnh nào đó cũng không thể cứu nổi ta.

Tâm linh không hẳn là tôn giáo. Có rất nhiều người không theo bất kỳ một tôn giáo cụ thể, nhưng họ vẫn có một đời sống tâm linh vững chắc. Như Dalai Lama từng nói, tôn giáo của Ngài chính là lòng từ bi. Vì sao sống cần phải sống tử tế và giàu tình thương? Vì cho điều gì sẽ nhận lại điều đó. Tin vào luật nhân quả, đó chính là một trong những điểm cốt lõi của đời sống có tâm linh.

Vậy, có một định nghĩa đơn giản dễ hiểu nào cho một đời sống tâm linh lành mạnh, để ai cũng có thể thực hành? Thật khó để có câu trả lời xác đáng và đầy đủ cho câu hỏi này. Bởi tùy vào ta là ai, sống đời sống nào, cần điều kiện gì để sống tốt cuộc đời đó. Nhưng, có thể có một điều đơn sơ nhất: Tâm linh, đó là tin vào linh cảm đẹp của trái tim.

Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời. Ta biết rằng càng ít điều kiện, càng ít lý luận, càng ít đòi hỏi - vốn là những sản phẩm của lý trí chấp thủ, thì ta càng dễ dàng an vui, tâm hồn càng rộng mở. Bởi ta và cuộc đời đã nhìn thấy nhau không bằng mắt thường mà bằng trái tim và tâm hồn. Và, hãy “đến để thấy” (ehi-passika), như Đức Phật đã từng dạy.
Bùi Lan Xuân Phượng

Nghe lại chính mình

Nghe lại chính mình

Đăng lúc: 23:05 - 24/06/2016

"Duyên xuất gia thì xuất gia, duyên cư sĩ thì vui làm cư sĩ; đừng cố chấp, gồng mình làm theo mà dễ bỏ cuộc. Trên bước đường tu tập thì đừng vội thấy chùa to lớn mà nghĩ nơi ấy là trú xứ của Chánh pháp; đừng vội thấy thầy được đông chúng vây quanh mà nghĩ là minh sư.

Con hãy đi, hãy nhìn, nghe kỹ và ngẫm sâu để biết rằng: đến ngôi chùa dù to hay nhỏ, dù nghèo hay giàu nhưng tới nơi ấy thì được an nhiên, tự tại, chỉ muốn cúi đầu đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát, Hiền Thánh Tăng mười phương ba đời thì đó là Tam bảo hiện tiền. Còn nếu gặp vị thầy nào dù có vẻ ngoài sang trọng hay giản dị, con đừng bận tâm việc ấy, hãy xem từ nơi thầy có toát ra sự ấm áp, yêu thương, vỗ về, che chở; là vị thầy mà đáng để mình kính trọng thì đó thật là vị thầy để con đảnh lễ, vui nghe và học theo hạnh tu của người…”.

Ni sư đã nói với tôi những lời ấy khi những năm tôi còn đương trai trẻ, chỉ khoảng 24, 25 tuổi. Lứa tuổi của cống hiến, khả quyết và dễ chạy theo cảnh trần. Những lời nói ấy cứ âm ỉ chảy trong tôi. Và tôi đã đi và thấy đúng như vậy. Hiện Ni sư đã hơn 30 năm miệt mài tuổi đạo, 72 tuổi đời sống vì yêu thương hết thảy và chân chánh.

“Nghe kỹ và ngẫm sâu”, lời Ni sư dạy, chợt đồng hiện trong tôi từ những lời kinh Phật. Lúc nào Ngài cũng bắt đầu cụm từ “các ông hãy chú ý lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Tôi sẽ vì các ông mà nói…”. Như vậy sự chú ý lắng nghe kỹ sẽ đem lại hiệu quả. Bởi có tập trung, có để tâm đến vấn đề hiện tại đang giải nghi hoặc đang đàm luận hoặc đang trên bước đường tu hành thì sẽ thực hành đúng, có vậy mới gặt hái thành công. Nếu không nghe kỹ, không chú ý sẽ nghe nhầm và suy luận lệch lạc. Lúc đó thực hành sẽ sai đường. Vậy thì mê vẫn hoàn mê, chưa thể tri kiến khai ngộ.

Trong một ngày chúng ta nghe rất nhiều thứ âm thanh, mình chạy theo âm thanh ấy để phân biệt đúng sai, tốt xấu để rồi phiền não dấy lên như những cơn sóng biển luôn chồm lên vồ vập. Cái nghe ấy chỉ là nghe của thanh trần bên ngoài, của vọng tưởng, của phân biệt, thị phi cho nên mình buồn, khổ, than oán. Ít khi nghe kỹ, ngẫm sâu để thấy cái nghe thật sự trong tâm trong veo kia. Nghe lời xu nịnh, thêu dệt, nói đôi chiều, nói dối, lời đường mật… thì sẽ gây ra bao cảnh đổ vỡ. Bởi nghe một chiều, nghe không kiểm chứng, nghe không suy sâu xét kỹ thì nghe đó trôi lăn trong vô minh đau khổ. Người từng nhắc với tôi rằng đừng vội nghe cô nói mà con hãy đi xa, đi nhiều, rồi có dịp tiếp xúc và suy xét lại để thực hành cho đúng.

Sau bao năm nửa đời, nửa đạo tôi vẫn thấy sự tu và công phu tu phi thời của Ni sư luôn là hành trang quý báu để mình học theo hạnh nguyện ấy trên bước đường học và hành theo lời Phật dạy. Ni sư ngoài những thời khóa công phu chung thì vẫn luôn dành cho riêng mình thời khóa: kinh Lăng Nghiêm, kinh Vạn Phật, Lương Hoàng Bảo Sám.

Ni sư từng nói rằng: “Lạy Phật bằng niềm tin chân thật. Sám hối nghiệp chướng từ tâm chân thật. Tụng kinh cũng từ tâm chân thật. Trì chú cũng từ tâm chân thật. Ngồi thiền cũng từ tâm chân thật không vọng tưởng mong cầu… thì tất cả sẽ có cảm ứng vậy!”. Mái chùa quê, lời nói của vị Ni sư giản dị mà sâu xa thuần lắng biết bao.

Ni sư xuất thân trong một gia đình giàu có. Mẹ làm nghề kim hoàn, từ nhỏ ăn uống đã có người hầu kẻ hạ, thế nhưng vẫn một lòng quy hướng Phật. Mẹ người từng nói: “Tu khó lắm con ơi!”... Trải qua bao gian khó và bằng ý chí tha thiết mãnh liệt, cuối cùng người đã thực hiện được hạnh xuất gia, theo bước Như Lai giải thoát khổ đau của cảnh huyễn mộng thế gian này.

Chiều nay, tôi nương cái nghe theo tiếng mưa để trở về với âm thanh của tiếng chuông chùa quê mộc mạc, nơi mà tôi từng có lần đã cùng với những bậc hiền trì kinh Pháp hoa. Tôi ngồi im lặng và nghe lại chính mình, nghe lại bản tâm trong veo của mình cũng như những giọt nước ngoài thinh không kia trong trẻo đang tuôn chảy cho đời tươi mát, mặc kệ tiếng khen chê.

Tôi định vấn an Ni sư qua điện thoại, nhưng thôi… và tôi với người đang gọi nhau từ chốn không cùng của vô biên trú xứ để hòa cùng dòng nước mát này ra biển tâm rộng lớn. Tôi thầm nói: Con lạy thầy! Con đã trở về! Thế rồi âm thanh đại hồng chung đang rung trong không gian đặc sệt mưa. Tôi ngồi đó in như bất động mà mặc tưởng công hạnh chư Phật rồi thầm niệm danh hiệu Phật để an trú trong an lạc hiện tại, ngay phút giây này.
Tâm Anh

Chế ngự sân hận

Chế ngự sân hận

Đăng lúc: 08:03 - 24/06/2015

Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.
Chuyển hóa sợ hãi và căm ghét


Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.

Nói chung, khi ta tức giận hay bị tổn thương, ta cảm thấy như mình là nạn nhân của những hành động ác hại từ người khác. Ta thấy mình là người vô tội, đang phải hứng chịu một cách bất công những hành vi của người khác. Chúng ta nổi giận hay cảm thấy bị tổn thương vì ta nghĩ rằng những người kia là sai trái hay xấu ác,. Cả cơn giận và sự tổn thương đó đều [khiến cho ta] không chịu thừa nhận những gì đã xảy ra.

Nhiều người sống trong tâm trạng của những “nạn nhân”, thường xuyên cảm thấy vô vọng, thấy mình bị ngược đãi và luôn lo lắng sợ sệt. Tuy nhiên, càng thấu hiểu được hoạt động của tâm thức và sự vận hành của nhân quả trong dòng tâm thức tương tục của mình, ta sẽ càng nhận biết rõ hơn rằng cách nhận hiểu vấn đề của ta trong hiện tại, cũng như những hành động trong quá khứ, đóng vai trò quyết định trongsự tiến triển của những gì ta đang trải nghiệm. Bằng cách nào đó, chúng ta là người chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra với ta. Hiểu được điều này, chúng ta phải có trách nhiệm bắt tay vào việc cải thiện tình trạng của bản thân mình.

Để hiểu rõ được những trường hợp bất như ý và làm dịu đi lòng sân hận đối với những trường hợp đó, chúng ta có thể tự đặt ra một số câu hỏi mấu chốt. Để suy xét lại cách nhận hiểu của mình, ta có thể tự hỏi: “Liệu tôi nhận hiểu về tình trạng đó có chính xác không? Liệu sự nổi giận có phải là một phản ứng thích hợp?” Bằng cách suy xét sự vận hành của nhân quả, ta có thể đặt câu hỏi: “Tại sao điều này xảy đến với tôi? Liệu tôi có từng gặp phải những tình trạng tương tự như thế này nhiều lần trước đây? Và nếu như vậy thì tại sao?” Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về cả hai khía cạnh này.

Suy xét sự nhận hiểu vấn đề

Liệu ta có nhận hiểu được sự việc một cách chính xác? Cơn giận đã khởi sinh trong ta như thế nào? Khi có ai đó chỉ ra lỗi lầm của mình, ta liền cảm thấy như thể là sự tổn thương ta đang chịu đựng đó đã được chuyển từ người kia sang cho ta. Dường như trong lời lẽ của người kia tự nó đã hàm chứa tính chất gây thương tổn, và về phía mình thì ta chỉ đơn thuần tiếp nhận sự tổn thương sẵn có trong những lời lẽ đó mà thôi.

Nếu điều đó là đúng thì hẳn là chúng ta có thể xác định được sự thương tổn nằm ở đâu trong những lời lẽ đó. Cô ấy nói: “Bạn là đồ kém cỏi!” Vậy thì cảm giác khó chịu nằm ở đâu? Sự thương tổn nằm ở đâu? Có phải nó ở trong từ “bạn”, trong từ “là” hay trong cụm từ “đồ kém cỏi”? Câu nói “Bạn là đồ kém cỏi” mà cô ấy phát ra chỉ là những sóng âm. Cảm giác khó chịu nằm ở đâu trong những sóng âm rung động truyền qua không khí? Giả sử bạn đang ngủ say [không nghe thấy gì] khi cô ấy lên tiếng xúc phạm bạn, liệu bạn có thấy tức tối không? Hoặc giả cô ấy nói ra bằng tiếng Mông Cổ (và bạn không hiểu được thứ tiếng đó!), liệu bạn có cảm thấy bị tổn thương không?

Sự tổn thương đã khởi lên như thế nào từ những lời lẽ nặng nề kia? Đó không phải do tai ta nhận được những sóng âm của lời lẽ đó. Chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của những lời ấy, nhưng ý nghĩa đó tự nó không hàm chứa sự tổn thương, vì nếu nó nhằm vào một người nào đó mà mà ta không thích, thì những từ ngữ “bạn là đồ kém cỏi” hẳn không có gì là khó chịu khi lọt vào tai ta.

Sự tổn thương kia xuất phát từ chính suy nghĩ của chúng ta: “Cô ấy đang nói về tôi! Chính tôi! Sao cô ấy dám nói về tôi như thế?” Chúng ta càng nghĩ đến những gì đã xảy ra thì ý niệm về cái “tôi” càng trở nên lớn mạnh hơn. Chúng ta nhìn nhận sự việc chỉ từ một phía - phía của riêng ta - và rồi nghĩ rằng sự việc đã diễn ra đúng thực như thế. Chúng ta tin vào quan điểm phiến diện của mình và cho đó là hoàn toàn khách quan.

Bất kỳ tình huống nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau để xem xét. Khi ta nhìn một cái tách từ bên trên thì hình dạng của nó có vẻ như khác với khi ta nhìn theo chiều ngang. Thật khó để chứng minh rằng những quan điểm xuất phát từ tâm chấp ngã lại là những quan điểm duy nhất đúng đắn! Suy xét như thế sẽ làm lắng dịu cơn giận của ta.

Một cách khác để chế ngự cơn giận là hãy nhớ rằng, có thể có một chuyện gì khác đã xảy ra khiến cho người kia nặng lời. Có thể anh ta đang gặp khó khăn trong một phương diện khác của đời sống, và ta chỉ tình cờ trở thành đối tượng để anh ta trút giận. [Trong trường hợp đó,] chẳng có gì [thực sự] nhắm vào ta cả, nên chẳng có lý do gì để ta xem đó là xúc phạm rồi nổi giận.

Liệu việc nổi giận có phải là một phản ứng thích đáng? Người đã xúc phạm chúng ta cũng là một chúng sinh luôn mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau, cũng giống như chúng ta. Phương thức mà anh ta đang sử dụng có thể là sai lầm, nhưng mong muốn của anh ta cũng giống như ta: muốn được hạnh phúc. Bằng việc mở rộng nhiều khía cạnh nhận thức và quên đi chính mình trong chốc lát, ta sẽ nhìn thấy được một con người đang đau khổ, giận dữ và mất bình tĩnh. Chúng ta biết rõ cảm giác khổ đau là như thế nào. Chúng ta biết rõ là ngay lúc này người ấy đang cảm thấy khổ sở như thế nào. Sao lại nổi giận với một người đang đau khổ? Người đó lẽ ra phải được ta khởi lòng bi mẫn, thương xót.

Còn nếu chúng ta quả thật đã mắc sai lầm và có ai đó chỉ ra điều ấy thì sao lại nổi giận? Nếu có người bảo ta rằng trên khuôn mặt ta có cái mũi, ta sẽ không bực tức, vì đó là sự thật hiển nhiên. Cũng vậy, nếu ai đó nhận ra lỗi lầm của ta, những gì người ấy nói là sự thật. Ta thực sự có lỗi, ta nợ người ấy một lời cảm ơn. Người ấy đã chỉ cho ta phương cách để hoàn thiện bản thân mình. Trái lại, nếu người ấy đỗ lổi cho ta một cách không đúng, ta cũng không cần nổi giận. Nếu có người nói rằng trên đầu ta có sừng, ta không nổi giận vì biết rõ đó là chuyện không đúng thật.

Chúng ta thường giận dữ khi xảy ra một điều gì đó mà ta cho là không đúng như ý ta. Nhưng sự giận dữ đó liệu có ích gì? Nếu chúng ta có thể làm thay đổi tình thế thì hãy tiến hành ngay việc đó. Không cần gì phải giận dữ. Cách suy nghĩ như vậy rất hữu ích đối với các vấn đề xã hội và bất công. Đó là những vấn đề có thể làm thay đổi, nên thay vì nổi giận thì việc giữ bình tĩnh và nỗ lực cải thiện xã hội sẽ là khôn ngoan hơn.

Trái lại, nếu tình trạng đó là không thể thay đổi, thì sự giận giữ cũng là vô ích. Một khi chân ta bị gãy, ta không thể thay đổi điều đó! Tất cả những suy đồi trên toàn thế giới không thể giải quyết chỉ trong một năm. Việc giận dữ với những điều ta không thể thay đổi được sẽ khiến ta đau khổ. Lo lắng hay sợ sệt về những điều chưa xảy ra sẽ khiến ta trì trệ. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã dạy:

Việc có thể cứu vãn,
Thì giận dữ làm gì?
Bằng như không giải pháp,
Buồn giận cũng vô ích!

Suy xét về nhân quả

Sự vận hành của nhân quả là tư tưởng trọng tâm trong Phật giáo. Điều này sẽ được giải thích đầy đủ hơn ở một chương sau nữa; tuy nhiên, ý nghĩa cơ bản là hành động của ta sẽ mang lại nghiệp quả. Ta không thể biết ngay tất cả nghiệp quả của một hành động, vì cũng giống như việc phải mất một thời gian để hạt mầm đâm chồi rồi phát triển thành cây, những hành động của chúng ta cũng cần có thời gian để tạo thành nghiệp quả.

Khi hiểu được sự vận hành của nhân quả, chúng ta sẽ hiểu được rằng những hoàn cảnh mà ta gặp phải trong cuộc sống không phải là do sự ngẫu nhiên. Chúng là kết quả của những hành động ta đã làm trong quá khứ. Giống như những cái vòng bu-mơ-rang [của thổ dân Úc], khi ném ra bay theo vòng tròn rồi sẽ trở về đúng chỗ người ném. Cũng vậy, ta đối xử với người khác như thế nào thì ta sẽ nhận lãnh như thế ấy. Sự giải thích của đạo Phật về nhân quả cũng tương tự như ý tưởng của đạo Thiên Chúa: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.”

Nếu xem xét lối hành xử của mình với người khác, ta sẽ thấy được rằng thái độ và cách ứng xử của ta không phải lúc nào cũng mẫu mực. Chúng ta đã từng cắt đứt tình thân hữu, xúc phạm, lạm dụng hoặc nói xấu người khác hay trộm cắp tài sản của họ. Vậy thì có gì lạ khi chúng ta phải tự mình nhận lấy những điều tổn hại? Có thể gần đây ta không hề xử tệ với người hiện đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong quá khứ chúng ta đã từng làm tổn hại những người khác. Khi nghiệp quả từ những hành động của chính ta đã chín muồi, chẳng có ích gì trong việc than trách hay oán giận, vì suy cho cùng thì chính bản thân ta đã hành động để đặt ta vào tình trạng đó. Như bậc thánh vĩ đại của Ấn Độ, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói:

Xưa kia ta tạo nghiệp,
Nay phải chịu quả báo.
Mọi sự do ta cả,
Sạo lại oán hận người?

Điều này không có nghĩa là ta nên vui vẻ trong sự đau khổ hoặc quy lỗi cho bản thân mình. Đúng hơn, ta nhận biết vai trò [trách nhiệm] của mình và học được bài học từ đó. Nếu ta muốn tránh quả báo khổ đau mà hiện giờ mình đang thọ nhận, ta sẽ phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ là chấm dứt mọi hành động có thể đưa đến quả báo tương tự trong tương lai. Điều này sẽ khiến ta luôn ghi nhớ không gây hại cho người khác. Từ nay, bất kỳ lúc nào sắp mất đi sự bình tĩnh, ta sẽ biết dừng lại để suy xét kỹ. Rút ra bài học từ những tình cảnh bất như ý, ta sẽ phát tâm dõng mãnh tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Bằng cách đó, ta sẽ chuyển hóa nghịch cảnh khó khăn thành một tình huống có lợi.

Chúng ta có thường nhận ra chính mình trong những tình huống tương tự, liên tục phản ứng theo cách tương tự? Nếu có, thì tại sao? Chúng ta có thể xét mình để thấy, liệu ta có thói quen bất cẩn, buộc người khác phải sửa lỗi cho ta hay không. Nếu là như vậy, thì người ấy trong thực tế đã thật tốt bụng khi chỉ ra lỗi lầm cho ta, vì điều này giúp ta có cơ hội để hoàn thiện. Việc người ấy có thể đã to tiếng khi chỉ lỗi cho ta lại là một việc hoàn toàn khác. Điểm chính ở đây là, chúng ta cần tỉnh giác hơn về việc những hành vi của ta ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Và người này đang giúp ta phát triển một sự tỉnh giác như thế.

Chúng ta cũng có thể theo dõi xem liệu ta có thói quen cảm thấy bị tổn thương hoặc giận dữ khi bị chỉ trích hay không. Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm và dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm. Nếu ai đó hành động theo cách mà chúng ta đặc biệt không thích, ta cường điệu hóa tầm quan trọng của việc ấy, làm cho nó trở thành cụ thể và không sao quên được. Rồi chúng ta ôm giữ mối hiềm hận đó qua nhiều năm. Đây là nguồn gốc của rất nhiều sự oán hận trong gia đình.

Việc ta ôm giữ mối hiềm hận đó trong lòng không gây tổn thương gì đến người kia, vì họ có thể đã quên đi sự việc từ rất lâu. Nhưng mối hiềm hận ấy làm chúng ta đau khổ trong nhiều năm. Người kia chỉ nói ra những lời ấy có một lần, nhưng ta thì cứ nhắc lại chúng nhiều lần trong nhiều năm, và mỗi lần đều làm cho chính ta đau khổ. Vì sự lợi lạc của chính mình cũng như sự hòa hợp với người khác, tốt hơn là chúng ta bớt đi sự nhạy cảm và buông bỏ mọi việc.

Cứng rắn hay thụ động?

Phải chăng điều đó có nghĩa là ta để mặc cho người khác áp chế? Hoặc ta sẽ để cho ai đó làm hại chính bản thân họ hoặc người khác, chỉ vì việc ngăn cản người ấy cần phải to tiếng hay dùng đến vũ lực? Hoàn toàn không. Nhẫn nhục không có nghĩa là cầu an. Người nhẫn nhục luôn giữ tâm an định, nhưng hành vi phát khởi từ tâm nhẫn nhục có thể là mạnh mẽ hoặc ôn hòa.

Trước hết, chúng ta phải từ bỏ tâm sân hận. Khi biết mình đang nhận thức tình huống thông qua cái nhìn hẹp hòi của sự chấp ngã, chúng ta sẽ dừng lại và dành đôi chút thời gian để nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn. Chúng ta sẽ suy xét xem vấn đề được nhìn nhận như thế nào từ phía người kia, và điều gì là quan trọng đối với người ấy. Chúng ta sẽ tự xét lại xem những hành vi đã qua cũng như hiện nay đã lôi kéo ta vào tình huống này như thế nào.

Khi cơn giận đã lắng dịu, sẽ nhường chỗ cho từ bi và nhẫn nhục. Một tâm thức sáng suốt, không còn sự nóng giận hung hăng và thiển cận, sẽ có khả năng xem xét một cách thực tiễn những giải pháp khác nhau và chọn ra được giải pháp nào là tối ưu cho mọi người trong cuộc.

Đôi khi chúng ta cần phải nói năng mạnh mẽ để đạt hiệu quả trong giao tiếp. Nói năng cứng rắn với một thái độ bi mẫn khi tình huống đòi hỏi là một kỹ năng quan trọng. Điều này hoàn toàn khác biệt với sự quát tháo trong cơn giận không kiềm chế, khi mà việc giữ im lặng hay nhận lỗi, hoặc giải thích tình huống của mình với sự tôn trọng, sẽ là khôn ngoan hơn. Động cơ [của hành vi], vốn là trạng thái bên trong tâm thức chúng ta, không nên nhầm lẫn với những hành động và lời nói mà ta sử dụng để ứng xử với người khác.

Bất kỳ khi nào có thể được, ta nên tránh những hành vi bạo lực. Nếu như sử dụng vũ lực là cách duy nhất để ngăn cản không cho một người nào đó làm hại bản thân hoặc người khác, thì với lòng bi mẫn đối với cả người bị hại lẫn người gây hại, chúng ta sẽ thực hiện đúng mức những gì cần thiết để ngăn cản. Vì thế, điều quan trọng là phải giữ tâm an hòa trước khi hành động. Nếu ta hành động dưới ảnh hưởng của sân hận, ta rất có thể sẽ dùng đến những lời nói hay việc làm cứng rắn khi không cần thiết, hoặc khi cần thiết thì lại sử dụng quá đáng.

Vì mục đích giao tiếp, đôi khi chúng ta buộc phải nói năng cứng rắn - để nói lên hiểu biết của ta về những gì là đúng hoặc không đúng, có lợi hoặc không có lợi. Điều này có thể được làm với tâm không sân hận. Nếu người kia đã nói năng sai trái hay giận dữ, và chúng ta cũng làm như vậy thì ai đúng, ai sai? Sự giận dữ phá hỏng đi những gì ta nói và làm. Một tâm thức an định có thể giải quyết tình huống theo cách lợi lạc nhất.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 31
  • Hôm nay 2,738
  • Tháng hiện tại 60,123
  • Tổng lượt truy cập 23,466,372