Nepal đau đớn giã biệt di sản: Mất đi một di sản thế giới

Trận động đất kinh hoàng ngày 25.4 đã quét sạch và tàn phá nặng nề nhiều công trình di sản, lịch sử đặc trưng của đất nước Nepal.
Nepal đau đớn giã biệt di sản: Mất đi một di sản thế giới

Trận động đất kinh hoàng ngày 25.4 đã quét sạch và tàn phá nặng nề nhiều công trình di sản, lịch sử đặc trưng của đất nước Nepal.

Tháp Dharahara trước và sau động đất ngày 25.4 ẢNH: mirror.co.ukTháp Dharahara trước và sau động đất ngày 25.4 - Ảnh: mirror.co.uk
Trong đó đáng tiếc nhất phải kể tới công trình di sản từng được UNESCO công nhận: tháp cổ Dharahara với 183 năm lịch sử.
Khách du lịch tới Nepal thường háo hức muốn tới thăm tòa tháp cổ cao nhất Nepal này bởi vô số những điều kỳ diệu từng được kể về nó. Dharahara (còn gọi là Bhimsen) không chỉ là một danh thắng thu hút khách du lịch bậc nhất của thủ đô Kathmandu, mà hơn ai hết, những người dân Nepal còncoi nó như báu vật của đất nước mình.
Trái tim của Kathmandu
Dharahara nằm trên quảng trường Durbar, được coi là trái tim thành phố Kathmandu cổ kính nơi các vị hoàng đế Nepal xưa lần lượt lên ngai vàng và trị vì đất nước. Vào năm 1832, tháp được ông Bhimsen Thapa, người khi đó đang giữ chức Mukhtiyar - tương đương vị trí thủ tướng ngày nay, chỉ đạo xây dựng bằng gạch dày nửa mét và trở thành một phần kiến trúc của Kathmandu.
Nhiều du khách từng có dịp tới thăm tòa tháp cổ 9 tầng đều thừa nhận, tòa tháp tuyệt đẹp với độ cao 61,88 m phủ một màu trắng tuyền, đỉnh tháp ốp đồng, bên trong có một cầu thang xoắn ốc gồm 213 bậc. Những ai đã có dịp lên tầng thứ 8 thường lặng người trước toàn cảnh thung lũng Kathmandu tươi đẹp được phô bày ngay trước mắt. Cảnh trí tự nhiên tươi đẹp đó sẽ mãi đeo đuổi họ, trở thành những ký ức khó quên.
Ngoài ra, những kiến trúc tuyệt đẹp của tháp Dharahara mang phong cách trộn lẫn cả châu Âu lẫn Hồi giáo. Chính vì vậy, không ít người có cảm giác tòa tháp này cũng giống tháp Hồi giáo. Trên đỉnh tháp đặt tượng của thần Hindu Shiva.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Dharahara còn được xây dựng như một tháp canh cho mục đích quân sự. Khi có sự cố quốc gia xảy ra, đỉnh tháp sẽ cho thổi kèn báo hiệu cho các binh sĩ.
Lịch sử lặp lại
 
 
Đua nhau chụp hình “tự sướng” bên cạnh tháp đổ
 Trong lúc cả thế giới lo lắng, quan tâm và xót thương hộ cho Nepal thì cũng có không ít khách du lịch đã tranh nhau leo lên đống đổ nát của tháp Dharahara để đua nhau ghi lại những bức hình “độc”.
Hành động phản cảm này gây không ít bất bình đối với người dân Nepal đang chịu nhiều đau thương. Một nhân viên cứu hộ của Nepal đã phải phẫn nộ thốt lên: “Lẽ nào những con người này không hiểu thấu được nỗi đau của đồng loại trong thảm kịch khủng khiếp vừa qua?” .
 
Khi trận động đất ngày 25.4 diễn ra, đã có 200 khách du lịch mua vé và đang di chuyển bên trong tòa tháp cổ Dharahara với mục đích leo lên đỉnh tháp để ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà họ hằng ao ước.
Trận động đất định mệnh diễn ra đúng giờ ăn trưa đã khiến 180 người vùi xác dưới chân tháp còn tòa tháp cao nhất Nepal đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại chân đế.
Hiện vẫn chưa thể thống kê đủ còn bao nhiêu thi thể chưa được phát hiện trong đống đổ nát. Trong phút chốc, một danh thắng thế giới, một biểu tượng đầy tự hào của đất nước Nepal trở thành nấm mồ tập thể chôn vùi bao nhiêu trái tim khát khao khám phá.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tòa tháp này bị hư hại nghiêm trọng bởi động đất. “Người anh em” của nó, tòa tháp đầu tiên được xây dựng từ năm 1824, vốn được đặt cạnh tòa tháp Dharahara để trở thành biểu tượng tháp đôi, cũng từng bị hư hỏng nặng sau trận động đất vào năm 1834.
Tòa tháp đầu tiên gồm 11 tầng, cao hơn tháp Dharahara 2 tầng. Từng có truyền thuyết kể rằng tháp Dharahara vốn được xây dựng cho nữ hoàng Lalit Tripura Sundari, cháu gái của Bhimsen Thapa.
“Sống sót” được qua trận động đất năm 1834, cả hai tòa tháp sau khi được sửa chữa, gia cố lại cùng song song vươn mình bên nhau lộng lẫy giữa thiên nhiên trong suốt 100 năm nữa. Chỉ tới năm 1933, một trận động đất lịch sử cướp đi sinh mạng của 16.000 người, và khiến tòa tháp đầu tiên 11 tầng đổ sập hoàn toàn.
Chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ trận động đất năm 1933, tháp Dharahara lúc đó chỉ còn lại 4 tầng nguyên vẹn. Ông Juddha Shumsher, Thủ tướng Nepal thời đó, đã cho trùng tu phục dựng lại tòa tháp, để nó có được hình hài 9 tầng, cao hơn 61 m như ngày nay du khách vẫn thấy.
Sau khi tòa tháp Bhimsen đầu tiên bị phá hủy, tòa tháp thứ hai, tòa tháp của nữ hoàng Lalit Tripura Sundari, mới được biết tới với cái tên Bhimsen Stambha hoặc Bhimsen Tower.
Sống sót nhờ tình yêu
Trong số những du khách thiệt mạng tại tòa tháp cổ, đã có một đôi trai gái may mắn sống sót. Vào ngày 25.4, cô gái trẻ 17 tuổi Ramila Shrestha đã hẹn với bạn trai Sanjib lên tòa tháp cổ Dharahara ngắm cảnh. Tình yêu của đôi bạn trẻ vốn vẫn được giữ bí mật do sợ gia đình ngăn cấm. Để hẹn gặp bạn trai, Ramila Shrestha đã phải nói dối gia đình rằng có hẹn đi xem phim cùng bạn bè.
Khi lên được tới ban công của tầng 8 tòa tháp, đôi trai gái chợt phát hiện ra mặt đất rung lắc dữ dội. Chưa kịp định thần trong tiếng hét la của những người xung quanh, cả hai lập tức đều bị hất nhào xuống đất từ độ cao 60 m. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, họ phát hiện thấy mình nằm cách nhau vài giường cùng một số vết thương ở đầu, lưng không mấy nghiêm trọng.

Tác giả bài viết: Ngọc Bi