Trí tuệ là sự nghiệp

“Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa theo tiếng Việt là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân thật của người tu. Trí tuệ không phải là trí thông minh thường tình ở thế gian, mà là trí sáng thấy đúng sự thật.
Điều trọng yếu của việc tu học Phật pháp là phải thấy được sự thật, mà không nằm ở chỗ đi chùa vì đông vui hay để trút bầu tâm sự. Khi đến chùa tu học, mọi người cần lắng lặng thân tâm, dồn hết sức lực vào việc nghe pháp và tu tập để có được một ngày an lạc, bởi vì đó là bước căn bản cần phải có của một người tu theo Phật. Muốn học đạo lý thâm sâu, thì trước cần phải học nói năng, im lặng, đi đứng đúng như chánh pháp. Giữ được thân, miệng yên lặng, thì tâm dần dần được an định và có thể chiếu soi nhìn thấy rõ sự thật.
Đức Phật đã dạy sự tu học cần phải theo thứ lớp điều căn bản nhất là phải nắm vững đạo lý nhân quả và đó chính là trí tuệ. Tuy thấy nhân quả đơn giản dễ nói, nhưng để thấu hiểu tường tận và ứng dụng vào trong cuộc sống đạt được hiệu quả an lạc diệu kỳ, mọi việc làm đều thành công trọn vẹn thì cần phải luyện tập hằng ngày và trong từng công việc, ý nghĩ, hành động. Người nông dân làm ruộng
Trí tuệ là sự nghiệp
Hỏi: “Duy tuệ thị nghiệp” có nghĩa là gì?


Đáp: “Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa theo tiếng Việt là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân thật của người tu. Trí tuệ không phải là trí thông minh thường tình ở thế gian, mà là trí sáng thấy đúng sự thật.
Điều trọng yếu của việc tu học Phật pháp là phải thấy được sự thật, mà không nằm ở chỗ đi chùa vì đông vui hay để trút bầu tâm sự. Khi đến chùa tu học, mọi người cần lắng lặng thân tâm, dồn hết sức lực vào việc nghe pháp và tu tập để có được một ngày an lạc, bởi vì đó là bước căn bản cần phải có của một người tu theo Phật. Muốn học đạo lý thâm sâu, thì trước cần phải học nói năng, im lặng, đi đứng đúng như chánh pháp. Giữ được thân, miệng yên lặng, thì tâm dần dần được an định và có thể chiếu soi nhìn thấy rõ sự thật.
Đức Phật đã dạy sự tu học cần phải theo thứ lớp điều căn bản nhất là phải nắm vững đạo lý nhân quả và đó chính là trí tuệ. Tuy thấy nhân quả đơn giản dễ nói, nhưng để thấu hiểu tường tận và ứng dụng vào trong cuộc sống đạt được hiệu quả an lạc diệu kỳ, mọi việc làm đều thành công trọn vẹn thì cần phải luyện tập hằng ngày và trong từng công việc, ý nghĩ, hành động. Người nông dân làm ruộng muốn gieo trồng những hạt giống xuống mảnh đất, thì trước phải dọn sạch những sỏi đá, cỏ dại mọc chằng chịt che lấp, thì những hạt giống đó mới có thể nảy mầm và phát triển.
Cũng vậy, muốn sinh về cõi thanh tịnh an lạc, thì việc trước tiên là phải làm thanh tịnh thân miệng và ý của mình để giúp cho hạt giống niệm Phật dễ dàng tăng trưởng. Trong ba nghiệp thì nghiệp miệng khó tu nhất. Người tu giỏi hay không, chỉ cần nhìn cái miệng là có thể biết. Bởi vì lúc mở miệng nói thường rất dễ bị rơi vào chỗ ta người, hay dở, phải quấy, hơn thua, cao thấp. Nếu có thể thu nhiếp miệng yên lặng và giữ cho thân thanh tịnh, thì tâm tự nhiên được yên định.
Đức Phật dạy tất cả mọi việc đều có nguyên nhân để phát sinh ra sự việc đó. Khi biết được nguyên nhân, thì mới có thể chuyển hóa và chấm dứt được sự khổ đau ở ngay nơi đó. Mỗi khi bị bệnh, chúng ta thường đi tới chỗ bác sĩ để khám. Sau khi gạn hỏi và làm các xét nghiệm, họ sẽ rút ra kết luận về căn bệnh như nguồn gốc phát sinh, nằm ở chỗ nào, đặc tính và sau đó sẽ kê toa hốt thuốc để chữa trị. Đồng thời, nhờ chúng ta uống đúng thuốc mới mau khỏi bệnh. Nếu không đi khám bác sĩ để biết nguyên nhân, mà tự mình ở nhà uống thuốc càn bậy thì chẳng những bệnh không khỏi, mà còn khi sinh ra chứng bệnh khác.
Hoặc một chiếc xe không thể hoạt động do hết xăng, nhưng vì người chủ không biết điều đó, cho nên đã đem chiếc xe đi sửa máy, sửa thắng và sửa bánh xe,… dù sửa nhiều, nhưng không biết được nguyên nhân thì muôn đời xe cũng không hoạt động. Cũng vậy, mỗi khi có phiền não phát sinh, nếu chúng ta không chịu bình tĩnh xem xét nguyên nhân sâu xa của nó, trái lại có thói quen đổ thừa tại người này, việc nọ… thì chẳng những không đoạn trừ được phiền não, mà còn sinh ra nhiều đau khổ rắc rối ở phía sau. Như vậy, trong tất cả mọi vấn đề, nếu ngày nào vẫn không thể dùng trí tuệ xét rõ nguyên nhân và nguồn gốc, thì bản thân của mình sẽ còn bị nó làm phiền não và khổ đau mãi mãi.
Thực hành pháp “Hít thở niệm Phật” sẽ làm sáng tỏ thêm trí tuệ giúp chúng ta thấy rõ sự thật tạm bợ của tấm thân này, giải phóng được mọi “chất độc” trong nội tâm. Lúc đó, một câu niệm Phật là thanh tịnh, một hơi thở là giác ngộ, một lời kinh là giải thoát an vui, tất cả mọi việc làm đều đạt đến chỗ “Kim cang Bảo địa”. Cần phải thực hành đều đặn và từng bước.
Cũng không thể chỉ trong sớm chiều đã đạt kết quả, mà cần phải hít thở và soi xét qua nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm mới huân tập được trí huệ thấy đúng sự thật “thân này chỉ vay mượn mong manh trong từng hơi thở” và có được an vui trong từng giây phút.
Hiện tại có được an vui, thì đến lúc chúng ta lìa cõi đời này cũng sẽ được an vui trọn vẹn. Vừa niệm Phật liền đã thấy Cực Lạc hiện tiền. Từng giờ từng phút không có chánh niệm tỉnh giác, không thực hành niệm Phật mà đợi đến lúc chết được vãng sanh là một ý nghĩ viễn vông, không thực tế. Mỗi câu danh hiệu Phật phải thấy được sự an lạc, tỉnh giác giải thoát mới là công phu tu tập thật sự của mình. Đó cũng chính là “sự nghiệp trí huệ” của người tu học theo Phật.
Thích Minh Thành