Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
108 tiếng chuông chùa

108 tiếng chuông chùa

Vừa bước đến cổng chùa thì cơn mưa ập xuống. Hải gấp ô bước vào sân thì cũng là lúc tiếng đại hồng chung đã ngân lên. Từng tiếng chuông cách quãng đều nhau tạo ra những vòng khuyên âm thanh lan rộng đến cõi vô cùng. Đã nhiều lần Hải thử nhẩm đếm tiếng chuông. 108 tiếng, đúng 108 tiếng. Tiếng chuông chùa đã thấm vào tâm hồn Hải từ hồi lẩm chẩm biết đi và cứ như thế nó cứ âm vang suốt cuộc đời cậu. Nhà Hải ở sát mé sau vườn chùa Quang Đức.
chuong.jpg
Minh họa: Nhuận Thường

Thầy trú trì là một người rất giản dị. Cốc của thầy lợp tranh, tường thưng ván, xung quanh cốc đặt đầy các chậu địa lan. Quấn quýt bên chân thầy là con chó dị tật chỉ có 3 chân mà thầy xin của một Phật tử về nuôi. Mấy hôm nay thầy bị cảm cúm. Con Bin nhận ra người quen đã ứ ứ chực sẵn trên bậc thềm.

- Bạch thầy, con…

Hải chưa nói hết câu thì thầy đã nhỏ nhẹ: “Vào nhanh đi kẻo ướt”.

Hải ngồi xuống. Thầy Nguyên Dung đã rót trà mời khách. Chùa Quang Đức có lịch sử đã hơn trăm năm và thuộc dòng thiền Liễu Quán - dòng thiền lớn ở Huế và miền Trung do một vị sư người Việt sáng lập từ thế kỷ XVII. Pháp danh của thầy bắt đầu từ Nguyên (Nguyên Dung) theo thế thứ truyền thừa đã quy định trong Thiền hệ thi của Tổ Liễu Quán.

Hòa thượng Nguyên Dung là bậc chân tu, am tường giáo lý và lễ nghi Phật giáo. Từ hồi 16 tuổi, sau khi mẹ mất đã xin phép cha đi tu và cho đến nay con đường tu của Hòa thượng đã trên 60 hạ lạp.

Những hiểu biết ít ỏi về đạo Phật mà Hải có được không phải do quá trình huân tập như các vị tu sĩ mà do tích dần từ những câu chuyện với Hòa thượng trú trì Quang Đức.

Ngoài trời vẫn mưa, tiếng chuông chùa cứ thung dung điểm từng tiếng ngân xa xóa tan những vùng tăm tối.

- Này con…

Đang thả hồn theo tiếng chuông và hình dung những vòng khuyên âm thanh tỏa ra trong không trung, Hải giật mình nghe tiếng thầy.

- Chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày: Lần đầu hôm và lần vào 4 giờ sáng. 108 tiếng chuông là biểu tượng cho 108 phiền não của đời người. Gọi là chuông U minh vì theo Phật giáo, tiếng chuông vang lên đến đâu sẽ xóa tan u mê, tăm tối giúp con người nhận thấy lầm lạc để sửa mình mà sửa mình là gốc để sửa đời. Từ xưa đến giờ không biết bao nhiêu người nhờ nghe được tiếng chuông mà ngộ ra chân lý, bỏ ác làm thiện, lấy ân báo oán.

Dừng một lúc sau khi thưởng một tách trà, Hòa thượng tiếp tục mạch chuyện:

- Nỗi đau khổ, phiền não của con người không phải chỉ là 108 mà nó chỉ là con số tượng trưng cho biển khổ của chúng sinh. Những phiền não, đau khổ ấy do chính con người gây ra và con người phải có trách nhiệm hóa giải đau khổ ấy. Biện chứng luận của Phật giáo chỉ ra rằng muốn diệt bỏ đau khổ không có cách gì hơn là diệt bỏ nguồn gốc của đau khổ, đó là Tham - Sân - Si ở mỗi con người.

Con số 108 cứ ám ảnh Hải từ lâu. 108 bậc cấp lên chùa Bái Đính, 108 bậc cấp lên Trúc Lâm thiền viện Truồi, 108 hạt trong chuỗi tràng hạt… và làm sao để nhớ chính xác đã đánh 108 tiếng.

Hòa thượng đã đoán đúng ý cần biết của Hải và tiếp tục:

- Các chùa xưa, trước khi thỉnh chuông U minh phải đọc bài kệ gọi là kệ thỉnh chuông U minh. Mỗi tiếng chuông tương ứng với một cái thẻ. Cứ đánh xong một tiếng chuông là phải gạt một cái thẻ sang một bên. Khi nào gạt xong dãy thẻ 108 cái ấy là vừa đúng 108 tiếng. Gần đây nhiều chùa không còn giữ được thể thức này mà tối giản chỉ đánh 36 tiếng hay thậm chí đánh theo thời gian 30 phút.

Hòa thượng Nguyên Dung chừng như đã mệt nhưng tiếng thầy vẫn rành rẽ. Trong cốc của thầy không thấy tranh, tượng Phật mà chỉ có một ngọn đèn tỏa rạng ở vị trí mà người ta thường treo chân dung Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài trời dường như đã ngớt mưa. Mùi hương mặc lan quý phái thoảng vào phòng. Đã nhiều lần thăm thầy và được nghe thầy luận giải về bao điều, nhưng đêm nay Hải thấy mình như ngộ ra được điều hệ trọng.

Xin phép thầy ra về, đến cổng ngoảnh lại thấy thầy đã cầm trên tay cuốn sách. Tiếng chuông U minh cuối cùng vừa dứt.

Đã khuya rồi mà Hải không sao chợp mắt được. Cảnh tượng hàng ngàn người đến bệnh viện khám chữa bệnh và nhiều người trong họ mắc bệnh ung thư do bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn mà Hải chứng kiến qua những ca thực tập của sinh viên y khoa năm cuối cứ ám ảnh Hải. Tiếng chuông chùa cứ vang vọng mãi trong tâm hồn của một bác sĩ tương lai và con số 108 cũng chỉ là con số tượng trưng cho hàng ngàn hàng vạn loại thân bệnh, tâm bệnh mà con người đã gây ra và giờ đây họ phải gánh chịu. Con người đang đầu độc mình, con người đang hủy hoại môi trường sống của mình. Những người nông dân, những người chế biến và buôn bán thực phẩm và thậm chí từng con người chúng ta do thiếu hiểu biết và do lòng tham đã vô tình từng ngày từng giờ gây ra cái chết và nỗi đau thể xác và tâm hồn cho con người.

Làm sao để con người nhận ra sai lạc và trách nhiệm của mình để từng người tự khắc phục. Khi lòng tham và sự ích kỷ đã chế ngự ý nghĩ và hành động của con người thì truyền thông trở thành bất lực.

Mải suy nghĩ miên man, bất chợt tiếng chuông U minh buổi sáng đã ngân lên phía chùa Quang Đức. 108 tiếng chuông chùa lại rành rẽ vang vọng và trong cơn mơ muộn màng của một ngày mới Hải được hóa thân trong tiếng chuông chùa, mang thông điệp Phật pháp đến thức tỉnh mọi nhà, mọi người để ai cũng nhận ra lỗi lầm của mình trong công việc hàng ngày nhằm để giữ sạch môi trường sống, làm điều có ích cho xã hội để chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mang lại hạnh phúc, an lạc cho con người.
Truyện ngắn Nguyễn Hới Thọ

Đăng lúc: 04/12/2016 08:20:09 AM | Đã xem: 1046 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghe chuông
Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Từ nhỏ tôi đã được dạy trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Bác tôi là người xuất gia trụ trì một ngôi chùa, ông thường dạy tôi cũng như các Phật tử khác trì tụng chú Đại bi và danh hiệu của Bồ-tát.
Botat QAm.jpg
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi vốn ốm yếu và thường hay bệnh, thể chất lẫn tinh thần đều kém. Tôi luôn sống trong mặc cảm tự ti, không có lòng tin nơi bản thân mình, thường ngại tiếp xúc với người khác và ít khi tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng. Chính vì tâm lý yếu đuối mà tôi có nhu cầu một nơi nương tựa tinh thần và sự chở che, giúp đỡ từ một đấng thiêng liêng.

Bác tôi dạy rằng Bồ-tát Quán Thế Âm có tâm từ bi rộng lớn, thường cứu khổ ban vui cho chúng sinh, vì thế cần nên nhớ nghĩ công hạnh, thường trì niệm danh hiệu và học đức tính lợi tha của Ngài.

Tôi tin tưởng lời bác dạy và niệm danh hiệu Bồ-tát mỗi ngày, nhất là khi đi đâu xa và khi chuẩn bị làm việc gì đó hay thi cử. Hễ lên tàu, xe là tôi nhiếp tâm niệm danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ, vì tôi sợ tai nạn, rủi ro xảy ra. Những khi vào phòng thi cử cũng niệm mãi danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ cho tôi làm bài đạt kết quả tốt. Tôi không ỷ lại vào sự giúp đỡ của Bồ-tát, vẫn chăm chỉ học hành, nhưng vì không có lòng tin nơi bản thân, vì tâm lý không vững thường hay hoang mang lo lắng mà tôi cầu sự trợ giúp của Bồ-tát, cầu sự an tâm nơi Bồ-tát.

Cho đến sau này tôi mới hiểu hơn về ý nghĩa của việc trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Phần lớn những ai tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đều xem Ngài như một đấng thiêng liêng có quyền năng ban bố phước lành và bảo hộ sự sống, sự bình an, giải lâm nguy, cứu khổ nạn. Tuy nhiên nếu nghĩ như thế thì Bồ-tát Quán Thế Âm không khác gì các vị thần linh của các tôn giáo khác. Suy nghĩ và niềm tin của nhiều người đã thần linh hóa Bồ-tát Quán Thế Âm, biến Ngài thành một vị thần.

Sự thật thì Bồ-tát có thể làm trái luật Nhân quả, ban phước lành, tiêu trừ tai ách, bệnh tật, khổ não cho mọi người không? Nếu có thể thì từ lâu Bồ-tát đã cứu độ tất cả chúng sinh rồi, đâu cần đợi đến khi chúng sinh trì niệm danh hiệu và cầu nguyện sự cứu giúp của Ngài, vì Bồ-tát vốn dĩ từ bi mà. Không ai có thể làm trái luật Nhân quả, và Bồ-tát cũng thế.

Tại sao có người được sự gia hộ, cứu giúp của Bồ-tát, sự cầu nguyện của họ có cảm ứng? Tại sao có người cũng trì niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện sự bình an, tiêu tai tiêu nạn mà chẳng có kết quả gì? Tất cả chỉ là nhân duyên. Khi nhân duyên hội tụ đủ thì thành tựu, nhân duyên chưa đủ hoặc trái nghịch nhau, phá hoại nhau thì không thành tựu. Nếu trong quá khứ đời này hoặc những đời trước đã từng tạo các nhân duyên thiện lành, hiện tại lại tu tạo thêm công đức phước báo (thông qua các việc thiện như cúng dường, bố thí, phóng sinh, làm các việc có ích cho tha nhân, trì niệm danh hiệu Bồ-tát, trau giồi đạo đức...), khi nhân duyên lành hội tụ đủ thì thành tựu quả lành.

Trì niệm danh hiệu của Bồ-tát, nhớ nghĩ đến Bồ-tát và những công hạnh của Ngài chính là đang hướng tâm về điều lành, điều thiện, bởi vì Bồ-tát là hình ảnh đại diện cho những đức tính cao quý, cao thượng: từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Nếu nhân duyên lành trong quá khứ quá ít, hoặc quá khứ chưa từng tạo nhân duyên lành, hiện tại tạo nhân duyên tốt chưa đủ sức chuyển hóa những nhân duyên quá khứ, chưa đủ để thành tựu quả thiện lành, như thế thì không thể có được những điều mình mong muốn, nguyện cầu. Đó không phải là do Bồ-tát ban cho hay không ban cho, mà do nhân duyên mình tạo tác.

Từ khi hiểu như thế tôi niệm Bồ-tát không phải để cầu xin phước lành, cầu sự chở che, bảo hộ. Tôi niệm Bồ-tát để nhớ nghĩ về điều thiện, về các đức tính từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, phụng sự tha nhân, phụng sự chúng sinh không mệt mỏi. Khi trì niệm danh hiệu Bồ-tát, nhiếp tâm vào danh hiệu thì không khởi vọng tưởng, nhờ đó mà có sự bình an; không khởi phiền não thì tâm mát dịu như được uống nước cam lộ, một loại nước ngon ngọt (cam) và mát mẻ như sương mai (lộ).

Khi tâm định tĩnh, sáng suốt thì không còn hoang mang lo lắng, không còn sợ hãi và trí tuệ sẽ soi sáng hành động, việc làm, giúp mình có những giải pháp tốt trong cuộc sống, giúp mình vượt qua khó khăn, khổ nạn.

Tôi học được nhiều điều từ ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của Bồ-tát. Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục (nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi đối tượng tiếp xúc để tu học, để làm việc, để phụng sự tha nhân, có nhẫn nhục như thế mới thành tựu được trí tuệ và tâm đại bi).

Nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho tình thương từ bi mát dịu, ngọt ngon. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh vô nhiễm. Ngàn mắt của Bồ-tát (thiên nhãn) tượng trưng cho trí tuệ soi sáng cho hành động, việc làm. Ngàn tay (thiên thủ) tượng trưng cho biện tài, năng lực phụng sự, độ sinh v.v…

Trong kinh Pháp hoa (phẩm Phổ môn), Đức Phật dạy hạnh nguyện của Bồ-tát là quán sát lắng nghe âm thanh thế gian (quán thế âm) và ứng hiện ban thí vô úy (sự bình an, không sợ hãi), tùy theo sự mong cầu của thế gian mà đáp ứng, cứu giúp. Điều này dạy tôi về hạnh lắng nghe và yêu thương, chia sẻ. Biết lắng nghe để hiểu và thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong tình thương yêu và hiểu biết. Người khác có nhu cầu gì, cần sự giúp đỡ nào thì mình quan tâm chia sẻ, ở đâu cần thì mình đến, không ngại gian khổ, khó khăn, vì an lạc hạnh phúc cho tha nhân mà dấn thân phụng sự trên nhiều phương diện.

Hình ảnh của Bồ-tát với dương liễu tịnh bình hoặc ngàn mắt ngàn tay luôn nhắc nhở tôi về tâm đại từ đại bi và hạnh nguyện cứu khổ, ban vui, mang lại sự bình an vô úy và hạnh phúc cho cuộc đời, nhắc nhở tôi phải nỗ lực tinh tấn trong tu học Phật pháp, rèn luyện trau giồi đạo đức, trí tuệ, tài năng để có được tâm hạnh Bồ-tát và khả năng làm lợi ích cho cuộc đời.
Minh Hạnh Đức

Đăng lúc: 29/10/2015 07:49:37 AM | Đã xem: 1175 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghe chuông
Nghe chuông

Nghe chuông

Chúng ta nhấp một tiếng để thức chuông một cách nhẹ nhàng. Đó là một thông báo rất quan trọng cho chuông và cho mọi người. Chúng ta phải nhẹ nhàng với chuông để chuông không giật mình và chúng ta cũng báo hiệu cho mọi người biết là sẽ có một tiếng chuông tròn đầy được thỉnh lên sau đó, để mọi người chuẩn bị thân tâm nghe chuông với sự có mặt đích thật của họ. Ở các đạo tràng, tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt trong ta, gọi ta trở về. Khi thức chuông, mọi người sẽ dừng lại những suy nghĩ, nói năng, trở về với hơi thở để nghe chuông. Chúng ta phải cho mọi người có đủ thời gian chuẩn bị thân tâm để đón nhận tiếng chuông, vì vậy phải cho họ thời gian một hơi thở vào và một hơi thở ra để sẵn sàng. Có thể họ đang háo hức, nói chuyện, hoặc suy nghĩ về một điều gì đó. Nhưng khi nghe tiếng thức chuông, họ biết là họ phải ngừng lại, ngừng lại những suy nghĩ, nói năng và hành động để chuẩn bị thân tâm, sẵn sàng nghe chuông.

Đăng lúc: 01/05/2015 01:02:16 AM | Đã xem: 2186 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Trà Thất , Nghe chuông
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 15
  • Hôm nay 2,014
  • Tháng hiện tại 38,469
  • Tổng lượt truy cập 23,444,718