Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Giúp người nghèo cũng là giúp mình

Đăng lúc: Thứ năm - 30/04/2015 23:09 - Người đăng bài viết: admin
Với vai trò là một thành viên tích cực của UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong suốt 14 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn sát cánh, đồng hành cùng Mặt trận giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Về tham dự lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo”, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Từ thiện – xã hội Trung ương GHPG Việt Nam khẳng định: GHPG Việt Nam sẽ tích cực vận động các tín đồ Phật tử trong và ngoài nước hướng tới người nghèo để nhân lên những mầm thiện, để cái tốt được lan tỏa.
 
Hòa thượng Thích Quảng Tùng
 
 
PV: Thưa Hòa thượng, được biết thời gian qua Trung ương GHPG Việt Nam đã làm rất tốt công tác từ thiện xã hội, vì đâu công tác này lại có sức lan tỏa rộng lớn đến vậy?
 
Hòa thượng Thích Quảng Tùng: Trong 6 tháng đầu năm 2014, GHPG Việt Nam đã vận động được hơn 200 tỷ đồng để làm từ thiện. Đối với chương trình xóa đói giảm nghèo, Giáo hội cũng tham gia nhiều mặt như xây nhà Đại đoàn kết, xây trường học cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Ngay cả trên Điện Biên, một tỉnh được coi là xa xôi, hẻo lánh, đường đi còn khó khăn nhưng Giáo hội cũng đã có những đợt vận động, ủng hộ và trao tận tay những món quà tới bà con nghèo vùng dân tộc. Bên cạnh việc giúp đỡ bà con vùng sâu, xa, Giáo hội còn tích cực trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, xây dựng trung tâm nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, thành lập viện dưỡng lão, chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa, cứu trợ người dân vùng thiên tai…Chính việc làm cụ thể đó của Giáo hội đã kêu gọi, vận động được hàng trăm nghìn tấm lòng từ bi của mọi người cùng đoàn kết giúp đỡ những cuộc đời không may mắn. 
 
Quan niệm của nhà Phật khi giúp đỡ người khó khăn hơn mình là gì, thưa Hòa thượng?  
 
- Đối với nhà Phật, bố thí mà không trụ tướng, không chấp tướng thì mới được công đức còn bố thí mà cứ đi khen, cầu danh thì việc công đức đấy ít khi được viên mãn. Bố thí mà không thấy mình bố thí, không tiếc, không cảm thấy vật, đối tượng mình đem trợ giúp để mà xót xa. Mình phải quên  tất cả và người ta gọi đó là tam luân không tịch tức là 3 đối tượng là mình, người được bố thí và vật đều phải quên hết đi. Bố thí mà cứ cầu danh, cầu lợi thì tính chất từ thiện đã giảm đi nhiều. Chúng tôi có rất nhiều Phật tử cứ âm thầm giúp đỡ người nghèo như thế. Hành động này không phải ai cũng làm được nhưng có thể khẳng định đây mới là triết lý sâu xa của nhà Phật. 
 
Vậy làm thế nào để nhân lên được những tấm lòng như thế, thưa Hòa thượng?
 
- Việc hỗ trợ người nghèo là muôn thủa, người nghèo không bao giờ hết được. Hôm nay mình khỏe mai ốm một trận có khi là thành nghèo. Dân ta vẫn truyền nhau câu nói "ăn mày là ai”, ăn mày là chính ta. Với một người đang bình thường đấy nhưng chỉ cần thất cơ, lỡ vận, ốm đau, tai họa bất ngờ ập đến là thành ăn mày ngay. Hôm nay mình trợ giúp người khác một cách vô tư thì ngày mai, khi mình gặp hoạn nạn người khác lại vô tư trợ giúp mình. Vậy nên, với tấm lòng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật khi mình có bát ăn, bát để thì hãy nhớ đến người khác, chia sẻ với người không được bằng mình. Qua những việc làm từ thiện, triết lý Nhân – Quả của nhà Phật đã trở thành niềm tin để nhiều Phật tử hướng tới. Niềm tin ấy sẽ chi phối ý thức đạo đức của con người, không chỉ ảnh hưởng đối với Phật tử mà còn lan toả và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Niềm tin ấy sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để mọi người vượt lên cám dỗ vật chất, hướng họ vào một lý tưởng sống tốt đẹp, bác ái hơn.
 
Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 1,083
  • Tháng hiện tại 2,663
  • Tổng lượt truy cập 23,201,417