Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Mùa Phật Đản nghĩ về cách ứng xử của con người

Đăng lúc: Thứ tư - 24/04/2019 13:41 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh
Nhân ngày sinh của Đức Thích Ca, ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban tôn giáo tỉnh Nghệ An đã có những tâm sự sâu sắc về Phật giáo và cách ứng xử của con người.

Một mùa Phật Đản nữa lại đến với tín đồ Phật giáo và đông đảo những ai có đức tin với tôn giáo này. Vậy là có ít nhất 8 năm phật tử Nghệ An được đón nhận Phật Đản trên nhiều ngôi chùa khác nhau trong tỉnh. Năm nay chắc chắn mọi thứ sẽ tươi vui, háo hức, hoành tráng hơn vì Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Vesak tại Chùa Tam Chúc.


 1555849910 mot nghi le trong le phat dan
Một nghi lễ trong Lễ Phật Đản
 

Tôi là người có tình yêu và cảm tình với tôn giáo này (cũng như với nhiều tôn giáo hiền hòa khác). Nhưng với Phật giáo, tôi cảm nhận sự rất riêng, thậm chí là quá đặc biệt từ nó. Cái mà tôi nghĩ mỗi chúng ta nếu hiểu và thực hành sẽ làm cho xã hội có nhiều biến chuyển tích cực hơn rất nhiều.

Nhân kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Thích Ca, tôi xin được viết lên một vài cảm nhận của mình về con người đã đem lại cho nhân loại những điều tuyệt vời nhất. Đó là kho tàng kiến thức khổng lồ, là phương pháp hướng dẫn từng cá nhân vượt qua khổ đau trong cuộc sống, là cách nhìn thấu triệt cuộc đời...

Điều đầu tiên, tôi xin đề cập đến là cách nhìn nhận của Phật Thích Ca và các đệ tử về kho kiến thức đồ sộ họ dày công bồi đắp qua bao thế hệ. Vì quá hiểu sự lười biếng và lệ thuộc của chúng sinh nên chính Ngài đã khuyên bảo tất cả chúng ta: "Ta 49 năm thuyết pháp chưa hề nói một lời nào", "Ngài yêu cầu tất cả những ai tìm hiểu về Phật giáo hãy bắt đầu từ sự thận trọng, bắt đầu từ sự hoài nghi, hãy đừng vội tin mà phải thực hành, trải nghiệm để thông qua chính kết quả trải nghiệm chứng minh cho bản thân mình điều muốn tìm hiểu", "Ngài và các đệ tử của ngài luôn khẳng định, kiến thức nếu chỉ nằm trong kinh bổn, trên các trang sách, thậm chí trong đầu óc của mỗi chúng sinh mà không có sự thực hành, không trải nghiệm thì không có giá trị thực tế nào".

Nghĩa là Ngài và các đệ tử của Ngài luôn cảnh báo tất cả chúng sinh đừng vì choáng ngợp trước kho tàng tri thức khổng lồ của mình mà không chịu bắt đầu từ những điều thực tế của cuộc sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của một số phận cụ thể để tìm cho chính mình một con đường phù hợp nhất. Đây là điều kỳ lạ nhất, bởi theo cách hiểu thông thường, rất nhiều tôn giáo coi lời răn dạy của Giáo chủ là đức tin không bàn cãi, là chân lý vượt trên mọi chân lý, là quy tắc áp dụng cho mọi cá nhân tin vào đức tin đó. Tín đồ chỉ có nhiệm vụ là thực hành, thực hành vô điều kiện.

Là Giáo chủ của một tôn giáo nhưng tại sao Đức Thích Ca có một cái nhìn vượt lên mọi thời đại, chỉ cho chúng ta con đường đến với chân lý, đến với cách ứng xử thích hợp trong xã hội mà chúng ta mãi không nhận ra để cứ phải trả giá quá đắt trong cuộc sống vốn rất ngắn ngủi này.

Trước hết trong gia đình là bậc làm cha, làm mẹ chúng ta vẫn coi mình là chân lý, lời chỉ dẫn của chúng ta cho con cái mình là không bàn cãi, "trứng không thể khôn hơn vịt", "con cãi cha mẹ trăm đường con hư"... Chúng ta vẫn coi những kinh nghiệm mà mình đã trải qua là bất di, bất dịch và con cái chúng ta phải làm theo nó... Và chính điều này dẫn đến một thực tế là ta không quan tâm đến suy nghĩ của con mình, của lớp trẻ (vì chúng hãy còn non nớt và dại khờ). Để rồi có không biết bao cuộc nổi loạn, bao nhiêu sự cố đau lòng chúng ta không còn thời gian sửa chữa nó.

Nếu nói rộng hơn chút nữa là một nhóm, một tổ chức, một đơn vị, một cấp hành chính,... chúng ta nói nhiều về tính dân chủ, về sức mạnh tập thể, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách... nhưng có quá nhiều những sai sót phát hiện từ các tập thể này rất muộn, và khi đã phát hiện thì tình hình vô cùng phức tạp để giá phải trả là rất lớn. Qua bao lần rút kinh nghiệm, chúng ta thường khẳng định trong nội bộ chưa thực hiện đúng tinh thần dân chủ. Điều đó không hề sai. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân chính hay không? Hay còn nguyên nhân nào đó sâu hơn, bản chất hơn mà chúng ta chưa thể nhận diện đầy đủ.

Phải chăng chúng ta quá máy móc khi thực hiện mệnh lệnh mà chưa quan tâm đúng mức đến hoàn cảnh thực tiễn, con người cụ thể và môi trường cụ thể của tập thể và cộng đồng đó; có chăng chúng ta còn tình trạng giáo điều, duy ý chí; có chăng tư tưởng sùng bái cá nhân... Và nếu không muốn để tình trạng đó tiếp tục tái diễn, nhất thiết phải có lời giải sát hợp nhất.

 

Nếu như Đức Thích Ca từ hơn 2600 năm trước đã phản bác giáo điều, lo sợ sùng bái Ngài dẫn đến tư tưởng của Ngài để lại không triển khai và áp dụng thành công trong cuộc sống nên đã sớm cảnh báo cho chúng ta, vậy thì tại sao chúng ta không học hỏi từ tôn giáo này những điều tinh túy đó.

Thứ đến là cách nhìn nhận về niềm tin trong xã hội: Là tôn giáo nhưng Đức Thích Ca và các tăng, ni hiểu biết và chân chính luôn tôn trọng niềm tin, tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân trong xã hội. Công cuộc hoằng pháp của Thích Ca thời tại thế và các tăng, ni sau này luôn hiền hòa, lặng lẽ nên những tư tưởng Phật giáo đến với mọi người một cách tự nhiên, đến với những ai có tinh thần cởi mở, sẵn lòng đón nhận và lắng nghe. Mọi người có thể cứ tin những điều mình đã tin và nếu thấy tư tưởng Phật giáo là hợp lý, là có giá trị thực tiễn thì hãy đón nhận nó. Những niềm tin đó cứ hòa trộn vào nhau để cuộc sống và tôn giáo này ngày thêm phần giàu có, tươi đẹp hơn.

Đây cũng chính là cách nhìn nhận của xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện đại, trên cơ sở một hệ quy chuẩn nhất định nào đó, xã hội hiện đại luôn có khoảng tự do đủ lớn để từng cá nhân lựa chọn cho chính mình một niềm tin, một phương thức sống phù hợp với chính bản thân mình. Và chúng ta, kể từ trong một gia đình, một cộng đồng nhỏ hay lớn, và nói rộng hơn hãy phát huy tinh thần này của Đức Phật. Chúng ta hãy thật sự cởi mở, thật sự đón nhận các luồng tư tưởng một cách chọn lọc và tương thích với cá nhân mình, với cộng đồng mình. Trong quá khứ, dân tộc hiền hòa này đã làm rất tốt điều này.

Điều thứ 3 tôi muốn nói ở đây là giá trị đạo đức khác biệt và hết sức nhân văn của Phật giáo. Trước hết chúng ta nói về tầm bao quát giá trị đạo đức của Phật giáo. Có thể nói tất cả các tôn giáo đều chỉ quan tâm đến số phận của con người, nhưng đạo đức Phật giáo còn thức tỉnh con người hiện đại ở chỗ nới rộng lòng từ bi và ý thức liên đới ra khắp chung quanh, không những giữa người với người, mà còn giữa người với thú vật, với thiên nhiên.

Chúng ta đã từng một thời tự hào về khả năng chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cũng đã bị khai thác, bóc lột đến kiệt quệ, rừng trọc đầu nguồn, mưa hóa chất, nước nhiễm độc, chúng ta biết rõ hơn ai hết. Và rốt cục, con người lại phải ăn chính những chất độc do mình thải ra. Đạo đức đối với thiên nhiên trở thành trách nhiệm của chính con người. Và tại sao chúng ta không sớm ý thức điều này để không phải trả giá quá đắt cho ngày hôm nay. Và dù đã quá muộn, nhưng như người Phương Tây đã từng nói: Muộn còn hơn không bao giờ có.

Phật giáo đề cao ý thức tự giác của con người trong thực hành các giá trị đạo đức. Là người sáng lập tôn giáo nhưng Ngài chưa một lần sử dụng sức mạnh của quyền năng để can thiệp vào quy luật "Nhân-  Quả" tất yếu. Ngài không bao giờ đưa ra các mệnh lệnh, không đưa ra những ngăn cấm mà chỉ là những lời khuyên chí tình có sức thuyết phục lòng người. Ngài cũng không bao giờ đưa ra lời hứa hẹn làm điều này, điều kia, sẽ có thưởng, có phạt đối với những ai tôn quý mình.

Theo Ngài, tất cả phụ thuộc vào chính từng cá nhân, họ là chủ nhân của số phận (hiểu một cách rộng và toàn thể). Những điều cần làm, nên làm hãy cố gắng làm và tự nó sẽ dần đem đến niềm vui cho từng số phận. Hay nói đúng hơn, Ngài chính là người đầu tiên đưa ra lời tuyên bố về nhân quyền, nhưng thật đáng tiếc là điều này chúng ta chưa đủ kiên nhẫn và niềm tin để thực hành nên từng cá nhân, cộng đồng không tìm đến được với niềm vui cuối cùng.

Vì những mục đích ngắn hạn, chúng ta đã đưa ra những hệ quy chuẩn và phương pháp rất chắp vá để điều chỉnh hành vi liên đới giá trị đạo đức xã hội. Không những vậy, để mục đích sớm đạt được trong một khoảng thời gian ấn định nào đó, chúng ta quá lạm dụng các mệnh lệnh, đưa ra những ngăn cấm buộc các đối tượng phải thực hiện. Kết quả tất yếu là chúng ta liên tục điều chỉnh các quy chuẩn, phương pháp trong khi đời sống đạo đức không có chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tác giả bài viết: BTT Hương Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,983
  • Tháng hiện tại 19,510
  • Tổng lượt truy cập 23,218,264