Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

RẰM THÁNG 7 CẦU SIÊU CHO NGƯỜI THÂN HỌ CÓ SIÊU THOÁT KHÔNG?

Đăng lúc: Thứ hai - 13/08/2018 09:06 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh

HỎI:
Hàng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy, chúng tôi thấy mọi người nô nức dâng lễ cúng dường để cầu siêu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người quá vãng. Như vậy, những người được cầu siêu ấy có siêu thoát không? Nếu họ được siêu thoát thì từ nay về sau đâu cần cầu siêu nữa và nếu họ không được siêu thoát thì cầu siêu để làm gì? hay là phải cầu siêu nhiều lần mới được siêu? Mặt khác, chúng tôi thấy chiều hoặc tối ngày Rằm tháng bảy nơi đâu cũng làm lễ cúng cô hồn. Chúng tôi nghe nói vì ngày ấy là ngày mở cửa địa ngục nên cô hồn, ma quỷ tràn lên dương thế để quấy phá và xin ăn nên phải cúng có đúng không? Nếu tại tư gia thiết lễ cúng cô hồn có nhất thiết phải mời chư Tăng đến cúng hay chỉ thành tâm van vái, khấn nguyện là được. Chúng tôi nghe nói nếu cúng thí mà cô hồn không ăn được thì sẽ tức giận rồi phá phách nhưng nếu cô hồn được no đủ thì sẽ ủng hộ bình an gia đạo, làm ăn suôn sẽ. Xin hoan hỷ giải đáp cho chúng tôi được hiểu.
ĐÁP: 
Lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy là dịp để tỏ lòng hiếu thảo, thắp lên ngọn lửa tinh thần hiếu đạo vốn dĩ trong lòng những người tôi Phật. Do vậy, ngoài việc đền đáp thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ đang còn tại thế, người con Phật luôn hướng tâm về cội nguồn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cha mẹ bà con quá vãng, những vị anh hùng xả thân vì nước trong tinh thần tri ân và báo ân. Vì thế, cầu siêu trong mùa Vu Lan là một trong những biểu hiện cụ thể tinh thần hiếu đạo của hàng Phật tử.
Sở dĩ có sự nô nức thiết lễ cầu siêu trong ngày Rằm tháng Bảy là do truyền thống noi gương cứu mẹ của Bồ-tát Mục Kiền Liên, nương nhờ năng lực chú nguyện của chúng Tăng sau lễ Tự tứ, kết thúc mùa An cư kiết hạ để cầu nguyện siêu độ cho thân nhân quá vãng. Lễ cầu siêu nếu thực hiện như pháp thì tất nhiên những người được cầu sẽ siêu độ. Tuy nhiên, để giúp hương linh siêu thoát, được chuyển sanh vào cảnh giới an lành đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Bi nguyện độ sanh của Chư Phật, Chư đại Bồ tát, năng lực chú nguyện của chư Tăng, sự thành tâm của gia chủ và sự tỉnh thức của chính hương linh. Trong đó, sự tỉnh thức để tự chuyển hoá của hương linh đóng vai trò quan trọng quyết định sự siêu độ. Vì thế, khi tự thân hương linh chưa đạt được sự tỉnh thức để giác ngộ thì dĩ nhiên chưa thoát ra khỏi cảnh khổ. 
Khi thực thi pháp sự cầu siêu, chư Tăng và gia quyến chí thành nương nhờ Phật lực đồng thời nhiếp tâm hướng về hương linh nhằm trao truyền và tiếp thêm cho họ một nguồn năng lượng tỉnh thức. Việc hộ niệm của chư Tăng nhằm đánh thức khả năng giác ngộ của hương linh, giúp họ tự thăng hoa. Sự cứu độ xảy ra ở đây thực chất là tự độ. Vì thế, khi hương linh chưa đạt được giác ngộ để tự thoát khổ thì cần phải cầu siêu tiếp tục. Mặt khác, khi hương linh đã thoát khỏi cảnh giới khổ đau, sanh vào lạc cảnh thì sự cầu siêu, hồi hướng công đức cho họ vẫn không thừa. Bởi lẽ, họ sẽ tiếp nhận thêm phước đức mà gia quyến đã làm để tăng thượng phước báo của tự thân. Do đó, hàng năm người Phật tử thực hành pháp sự cúng dường cầu siêu nhân ngày húy kỵ hoặc Rằm tháng Bảy là điều cần làm.
Việc cúng cô hồn trong ngày Rằm tháng bảy có nguồn gốc từ lễ hội Vu Lan, với ý nghĩa bố thí đồng thời quy hướng “cô hồn” về nương tựa Tam bảo để được siêu độ. Tuy nhiên, ngày nay cúng cô hồn được dân gian hoá và trở thành tập tục của đa phần dân chúng kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo. Xuất phát từ ý nghĩa ngày Rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân, nghĩa là những chúng sanh trong ác đạo nhờ nguyện lực của chư Tăng chú nguyện nên được thoát khổ. Từ đó, trong dân gian diễn đạt sự kiện này một cách nôm na là ngày “mở cửa địa ngục”. Do vậy, theo Phật giáo, không có ngày mở cửa địa ngục và không hề có chuyện cô hồn, ma quỷ nhân mở cửa ngục rồi tràn lên dương thế quấy phá. Như đã nói, các Phật tử thiết lễ cúng cô hồn là một cách thể hiện lòng từ bi, bố thí cho các “chúng sanh khuất mặt” (ngạ quỷ) được no đủ. Mặt khác, các chúng sanh trong ác đạo được ân hưởng sức chú nguyện của chư Tăng thì được chuyển sanh vào các cảnh giới cao hơn tuỳ thuộc nghiệp lực và phước báo cùng với khả năng tỉnh thức của chính họ chứ không nhất thiết là “tràn lên dương thế”. 
Ở tư gia, thiết lễ cúng cô hồn nếu mời chư Tăng chú nguyện là điều tốt. Nhờ chư Tăng với nguyện lực gia trì chú nguyện thì các vật thực dâng cúng mới chuyển thành “thực phẩm” mà cô hồn có thể thọ dụng được. Tuy nhiên, nếu không có chư Tăng, người cúng cần thành tâm tụng đọc đầy đủ nghi thức Mông Sơn Thí Thực trong Kinh Nhật Tụng thì cô hồn vẫn được thọ dụng viên mãn. Nếu cúng cô hồn mà chỉ van vái và khấn nguyện với lòng thành thì chưa đủ, vì thiếu các pháp thức phương tiện như “khai yết hầu”, “biến thực biến thuỷ”… và do vậy có thể cô hồn không thọ dụng được các vật thực dâng cúng.
Vấn đề cúng cô hồn nếu họ không thọ nhận được sẽ tức giận rồi phá phách hoặc nếu được thọ nhận đầy đủ sẽ ủng hộ người cúng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, cô hồn là những chúng sanh có đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố… và phiền não cực kỳ sâu nặng hơn cả loài người. Tuy nhiên, người Phật tử cúng cô hồn không vì mong cầu được cô hồn giúp đỡ như may mắn, hanh thông, làm ăn suôn sẽ như những người khác thường quan niệm. Ngược lại, người Phật tử thiết lễ cúng cô hồn vào Rằm tháng bảy là một dịp để thể hiện lòng từ và là phương tiện để độ cô hồn siêu thoát khổ đau. Trong ý nghĩa đó, cúng cô hồn là một việc làm góp phần giúp cho “âm dương lưỡng lợi”, thể hiện công hạnh cao cả của những người con Phật.
QUẢNG TÁNH
Từ khóa:

tinh thần, hiếu thảo

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 4,353
  • Tháng hiện tại 61,738
  • Tổng lượt truy cập 23,467,987