Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Hinh duc phat dan sanh

Ý nghĩa Đại Lễ Tam Hợp

Đăng lúc: 13:08 - 19/05/2016

Theo Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo, ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 sự kiện trọng đại: Bồ tát Đản sanh, Bồ tát Thành đạo và đức Phật viên tịch Niết Bàn. Ba sự kiện trọng đại, tuy khoảng cách thời gian khác nhau, nhưng xảy ra đều trùng hợp vào đêm rằm tháng tư, đúng theo ý nguyện của Đức Phật Gotama. Cho nên, tất cả mọi người Phật tử từ những bậc xuất gia đến các hàng tại gia cư sĩ trên toàn thế giới, đều lấy đêm rằm tháng tư, làm ngày lễ cúng dường Đức Phật.

32 Tướng Tốt Của Bậc Đại Nhân

32 Tướng Tốt Của Bậc Đại Nhân

Đăng lúc: 12:51 - 17/05/2016

Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời. Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”.

“Người mù thắp đèn, phí dầu chăng?”

“Người mù thắp đèn, phí dầu chăng?”

Đăng lúc: 19:39 - 13/06/2015

Phật tính cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó, dù cho ta không nhìn thấy Phật, thì Phật cũng sẽ nhìn thấy ta.

thien3

Trong màn đêm tối đen như mực, có một vị tăng nhân tu khổ hạnh bôn ba nghìn dặm tìm Phật, đến một ngôi làng hoang vắng, trên đường xá tối đen như mực, người dân trong làng đang đi đi lại lại rất tấp nập.

Khổ hạnh tăng đi đến một con hẻm nhỏ, ông trông thấy một chiếc đèn lồng sáng choang, từ nơi sâu thẳm trong một con hẻm vắng lặng, từ từ chiếu rọi qua đây. Một người trong thôn la lên: “Thằng mù đến rồi kìa!”.

“Mù ư?“, khổ hạnh tăng sửng sốt, ông hỏi một thôn dân bên cạnh : “Người xách chiếc lồng đèn kia có thật là bị mù không?”.

Người đàn ông gật đầu khẳng định.

Vị tăng nhân khổ hạnh nghĩ mãi nhưng vẫn nghĩ không ra, một người đã bị mù cả hai mắt, anh ta vốn dĩ không có khái niệm ngày hay đêm, anh không nhìn thấy sông chảy từ núi cao, cũng không được xem phong cảnh hữu tình cùng vạn sự vạn vật trên thế gian, thậm chí anh còn không biết ánh đèn là như thế nào, vậy anh ta xách theo chiếc đèn lồng, không phải khiến người ta cười chê sao?

Chiếc đèn lồng đó càng lúc càng đến gần, ánh đèn sáng choang, từ từ trong con hẻm tiến đến, chiếu sáng lên đôi giày của vị tăng nhân. Vị tăng nhân nghĩ mãi nhưng vẫn nghĩ không ra, nên bèn hỏi: “Dám hỏi thí chủ, cậu có thật là một người mù không ?”.

Chàng trai mù xách theo ngọn đèn lồng trả lời: “Đúng vậy, từ khi đến thế gian này, hai mắt tôi đã không trông thấy gì nữa”.

Vị tăng nhân hỏi: “Nếu cậu đã không trông thấy gì cả, vậy tại sao lại xách theo chiếc đèn lồng?”.

Chàng trai mù đáp: “Bây giờ là buổi tối phải không? Tôi nghe nói, trong màn đêm mà không có ánh đèn chiếu sáng, vậy thì mọi người trên thế gian này cũng đều sẽ giống như tôi, không trông thấy gì cả, vậy nên tôi đã thắp một ngọn đèn”.

Vị tăng nhân dường như có phần hiểu ra, nói: “Thì ra cậu là vì muốn chiếu sáng cho những người khác?”.

Thế nhưng, chàng trai mù lại nói: “Không, tôi là vì chính mình”.

“Vì chính cậu ư?”, vị tăng nhân lại càng sửng sốt.

Chàng trai mù chậm rãi nói: “Ông có bao giờ đi trong đêm tối, mà bị những người đi đường khác đụng phải chưa?”.

Vị tăng nhân nói: “Đúng vậy, cũng như lúc nãy, tôi không có để ý nên đã bị hai người khác đụng phải“.

Chàng trai mù nghe xong, trầm lặng nói: “Nhưng tôi thì lại không bị, tuy tôi là kẻ mù, cái gì tôi cũng không trông thấy, nhưng tôi xách theo chiếc đèn lồng này, vừa để soi sáng đường cho những người khác, nhưng quan trọng hơn là để người khác trông thấy tôi. Như vậy, họ sẽ không vì không trông thấy mà đụng phải tôi”.

Khổ hạnh tăng nghe xong, lập tức ngộ ra. Ông ngửa mặt lên trời thở dài, nói: “Ta đã đi khắp chân trời góc biển, bôn ba nghìn dặm tìm Phật, thật không ngờ rằng Phật đang ở bên cạnh ta. Thì ra, Phật tính cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó, dù cho ta không nhìn thấy Phật, thì Phật cũng sẽ nhìn thấy ta thôi!”.

Thế nên, vì người khác, hãy thắp sáng ngọn đèn sinh mệnh của chính mình! Như vậy, trong bóng đêm của đời người, chúng ta mới có thể tìm thấy bình an và sự chói lọi của chính mình.



Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times

Điều lành nhỏ, phước quả lớn - điều ác lớn, tội báo nhỏ

Điều lành nhỏ, phước quả lớn - điều ác lớn, tội báo nhỏ

Đăng lúc: 20:11 - 10/06/2015

Đức vua Mi-lan-đà hỏi Đại đức Na-tiên: - Có trường hợp nào mà một người làm việc ác lớn, tội báo lại nhỏ; còn một người làm việc lành nhỏ, phước quả lại lớn không, đại đức?



- Có chứ, và chuyện ấy cũng thường thường xảy ra.

- Vậy là không đúng với luật nhân quả chăng? Luật nhân quả bảo rằng gieo hạt mè nhỏ thì được hạt mè nhỏ, gieo hạt bí to thì được quả bí to?

- Đúng là thế. Nhưng nếu hạt mè kia nhiều phân, có nước, nhổ cỏ dại, chăm cào xới, nhổ tỉa cây dày thì hạt sẽ lớn hơn một tí chứ?

- Đúng thế.

- Còn hạt bí to kia gieo nơi đất sỏi đá khô cằn, chẳng phân nước, chẳng chăm sóc thì quả bí chắc hẳn sẽ còn tí teo như quả cà?

- Đúng vậy.

- Cũng vậy là gieo nhân, nhưng còn trợ duyên, thuận duyên, nghịch duyên hay chướng duyên góp phần vào nhân ấy mới quyết định quả được. Một người làm việc dữ nhưng suốt ngày đêm ăn năn, hối hận, luôn luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt... nên nguyện từ rày về sau không dám làm việc ác nữa. Chính nhờ tâm người ấy ăn năn hối cải nên cái quả báo, tội báo sẽ nhẹ đi, nhỏ đi. Đấy là trường hợp nhân việc ác lớn mà quả tội báo lại nhỏ. Một người làm việc lành nhỏ nhưng tâm lại hoan hỉ, thỏa thích; suốt ngày, suốt tháng an vui, mát mẻ với chút ít việc lành ấy thì phước quả của nó chắc chắn là to lớn lắm, tâu đại vương!

- Đại đức kể cho nghe một trường hợp cụ thể.

- Vâng, thuở Phật còn tại thế, một hôm ngài gặp một tôi nhân bị chặt cụt cả tay cả chân, miệng ngậm một cành hoa sen với tác ý thành kính dâng cúng cho ngài. Sau khi thọ nhận, đức Phật quay lại bảo với các tỳ kheo rằng: nhờ phước đức này mà trong suốt chín mươi mốt kiếp sắp tới, người bị cụt tay chân kia khỏi bị đọa vào ba đường dữ, được sanh lên cõi trời hưởng hết phước báu mới sanh lại làm người. Bởi vậy cho nên chuyện nhân quả xảy ra trên thế gian này nó muôn mặt, muôn chiều, chứ không đơn giản như thường nhân hiểu đâu! Điều lành nhỏ phước quả lớn, điều ác lớn tội báo nhỏ - mà ngược lại như thế cũng thường có đấy, tâu đại vương!

- Trẫm đã hiểu.

- Đại vương đã hiểu nhưng chưa hiểu hết.

Đức vua mỉm cười:

- Có thể đúng như vậy thật.

(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)

Tương quan giữa cho và nhận

Tương quan giữa cho và nhận

Đăng lúc: 20:10 - 10/06/2015

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn.



Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng con.

Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí, vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được điều khả ý”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda,
phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.382)
LỜI BÀN:

Cho người thực ra đó là cho mình là một nhận thức quen thuộc của những người con Phật. Vì thế, ngoài tấm lòng từ bi bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử thực hành bố thí với mục đích nhằm vun bồi phước báo cho chính mình.

Thi ân, sẵn sàng cho đi mà không cầu đền đáp là một phạm trù vốn rất xa lạ và khó làm đối với những người vị kỷ, keo kiệt. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật khả ý, tức những vật mà mình yêu thích. Đa phần, những đồ vật đem cho thường là những vật thừa thãi, vô dụng nhưng “xả” được như vậy đối với họ cũng là quý hóa lắm rồi.

Người Phật tử thì không như vậy, cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử thiêng liêng. Vì thế, họ sẵn sàng ban tặng những gì mà chúng sanh cần, kể cả những vật khả ý thậm chí dâng hiến cả thân mạng vốn là một tài sản bất khả xâm phạm. Cho những gì mình thích, mình trân quý mới thực sự là cách cho trọn vẹn và khó làm nhất.

Để đạt được cách cho cao cả như vậy không phải người nào cũng làm được mà phải có trí tuệ, thấu hiểu bản chất của cuộc đời là vô thường và vô ngã. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng cho hành động bố thí thông thường tiến dần đến Bố thí Ba la mật, một sự ban tặng mà vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt.

Tuy vô cầu, vô điều kiện và vô phân biệt trong khi cho nhưng phước báo của người cho vẫn tròn đủ. Nhân quả trong bố thí rất bình đẳng và đạt đến đỉnh cao nếu người tu tập bố thí đạt đến trình độ Bố thí Ba la mật. Vì vậy, hãy cho tất cả để có được tất cả là lý tưởng, phương châm sống của người con Phật.

Quảng Tánh

Lời Phật dạy cách sống chung với người khó chịu?

Lời Phật dạy cách sống chung với người khó chịu?

Đăng lúc: 21:26 - 08/06/2015

Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng có thể đã từng gặp phải những chuyện đau thương khốn đốn dẫn đến sự bực bội, khó chịu, phiền muộn khổ đau. Những người khó chịu, họ muốn làm cho mọi chuyện trở nên căng thẳng để tạo ra sự hiểu lầm hoặc mối hiềm thù trực tiếp bằng nhiều hình thức khác nhau. Người khó chịu là người hay kiếm chuyện để gây gổ làm cho mọi người luôn bực tức và phiền não bức bách.

Ảnh minh họa

Như chúng ta ai cũng có thể biết sự đụng chạm giữa con cái đối với cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè và đồng nghiệp, ngay khi xảy ra sự việc đau buồn chúng ta do không biết cách kiềm chế bản thân, nên dễ dàng trút đổ những phiền muộn vào người khác. Khi trong ta trỗi dậy những cảm xúc khổ đau, ta dễ dàng bươi móc lỗi của người khác và công khai chỉ trích những sai phạm của họ, trước mặt mọi người.

Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có thể đóng vai trò của một người khó chịu, bởi vì đã làm người thì chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết sai lầm dễ dẫn đến làm người khác phiền muộn đau khổ. Bây giờ chúng ta có thể nói ra một vài loại người khó chịu.

Có một loại người rất khó chịu vì cuồng tín, họ tin vào đấng bề trên, họ làm việc say mê và thậm chí giết người vô tội vạ, họ cho rằng chết vì đạo sẽ được lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao. Phụ nữ đối với họ chỉ là vật phụ thuộc, có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và đáp ứng nhu cầu sung sướng cho họ.

Dạng người khó chịu này không chấp nhận ai, họ chỉ tôn thờ đấng bề trên của họ và muốn mọi người phải theo họ. Nếu họ nắm quyền hành trong tay, chúng ta sẽ không có chọn lựa khác, theo thì sống không theo thì chết, chỉ có vậy thôi!

Một loại nữa cho rằng chết là hết, không có nhân quả nghiệp báo nên khi sống họ mặc tình tạo tác gây ra nhiều nỗi khổ niềm đau cho người khác vì quan niệm mọi thứ sẽ trở về cát bụi. Chính vì vậy, dạng người khó chịu này nếu có ý thức một chút họ sẽ là những công thần dấn thân, hy sinh cho sự nghiệp chung mà sống trung thành với lý tưởng đó.

Người khó chịu theo dạng này nếu không có hiểu biết chân chính sẽ không chấp nhận học thuyết sống chết luân hồi tùy theo nghiệp báo tốt xấu đã gieo tạo. Họ cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại nên dẫn đến nhiều sai lầm đáng trách, làm tổn hại cho nhiều người.

Một loại người khó chịu khác, suốt đời họ mong muốn đòi hỏi ai cũng phải là một người hoàn hảo, không sai phạm, nên họ rất khó chịu khi thấy người khác phạm phải lỗi lầm. Người khó chịu theo dạng này, họ muốn mọi người cùng theo một khuôn mẫu với mình, ai khác đi thì không chịu, họ không hiểu quy luật duyên sinh nhân quả và sự huân tập của mọi người cũng khác nhau nên có sự sai biệt. Đó là sự chấp trước, chỉ thấy mình là người tốt còn mọi người khác đều xấu hết, nên cuối cùng rơi vào tuyệt vọng, họ không muốn chung sống với mọi người.

Có loại người khó chịu vì họ đang gặp hoàn cảnh bất hạnh, không tìm ra lối thoát như bệnh nan y, gia đình đổ vỡ tan nát, vợ hoặc chồng bỏ rơi, con cái chết chóc, sự nghiệp trắng tay…

Những người khó chịu là hạng người đang bị dính mắc bởi phiền não tham sân si, do họ chấp thân tâm này làm ngã nên muốn chiếm hữu mọi thứ, nhất là các ông vua thời phong kiến, đó là nói về người khó chịu thời xa xưa. Người khó chịu thời nay lại tinh vi hơn nữa, nhờ trình độ khoa học tiến bộ nên các lãnh tụ cường quốc chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước chậm tiến bộ, lạc hậu. Họ thường tự xưng mình là người khó chịu, vì không chịu khuất phục họ, theo họ hoặc là có thái độ không bằng lòng với họ, là họ tìm cách triệt buộc ngay lịch sử thế giới loài người đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Thế giới ngày hôm nay, sở dĩ chiến tranh binh đao tàn sát giết hại lẫn nhau là bởi do những người khó chịu này.

Với người không có hiểu biết chân chính, không tin tâm mình là Phật, là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, họ sống để tham lam, ích kỷ giành giựt chiếm đoạt, để có được nhiều hơn, bất kể mọi người khổ đau như thế nào họ không cần biết, họ chỉ biết rằng họ được ăn trên ngồi trước và nắm quyền sinh sát trong tay. Họ cho rằng đó là ân sủng thượng đế đã dành cho họ. Cuộc sống của họ luôn tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mọi người vì quan niệm sai lầm, bởi có một thần linh thượng đế ban phước giáng họa, sắp đặt mọi việc.

Nắm lấy, kéo về mình, cất giữ chất chứa là một thói quen xấu do ngu si chấp ngã thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Con người ngay từ nhỏ, khi mới chập chững biết bò, chúng ta cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt. Nếu nắm lấy được thì bỏ vào miệng không biết phân biệt dơ sạch. Lớn lên, chúng ta nắm bắt chấp giữ và càng khó chịu nhiều hơn khi cảm thấy mình bị thiệt thòi hơn người khác.

Do chấp ngã chúng ta cố nắm lấy bám giữ, tiếc nuối rồi cảm thấy bực bội, khó chịu và nỗi tam bành lục tặc để làm người khác đau khổ. Khi cái ta lớn mạnh mà không được hài lòng vừa ý thì sự thất vọng càng nhiều, và phiền muộn khổ đau không có ngày thôi dứt.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ, không nắm giữ không có nghĩa là không có gì hết, không có cả một cái chén để ăn cơm. Chúng ta vẫn cầm cái ly để uống nước, nhưng chúng ta không dính mắc vào nó, khi lỡ làm bể cái ly chúng ta vẫn không tiếc rẻ, bực tức hay nổi giận cáu gắt hoặc mắng chửi đánh đập người khác.

Chấp là nguồn gốc sinh ra mọi hệ lụy khổ đau cho con người, dù đó là chấp thiện. Chúng ta không thể muốn mọi người phải giống như mình, càng không thể dùng áp lực để buộc họ phải thay đổi. Cách duy nhất chúng ta có thể giúp họ là biết quay lại chính mình, tìm lại năng lực sẵn có của ta để có sự cảm thông, bao dung và tha thứ mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Chúng ta hãy cảm thông cho người khó chịu với mình, vì họ không làm chủ được bản thân, họ đang đau khổ tột cùng. Vào những lúc như thế họ sẽ trút đổ mọi bực tức, giận hờn cho người khác, thậm chí họ thượng chân hạ cẳng, tạo ra nỗi khổ niềm đau cho nhau.

Người khó chịu không biết cách kiềm chế mình, nên họ lại thêm dầu vào lửa khiến cho sự việc càng thêm oan trái, bởi họ đang trong cơn tuyệt vọng và muốn có sự giúp đỡ. Chúng ta thường cho rằng người này đang ‘giận cá chém thớt’. Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ thấy rằng họ đang bế tắc, họ đang trong cơn đau khổ tột cùng không có lối thoát, ta càng phải thương xót họ nhiều hơn. Trong lúc này, dù họ có cố gắng kiềm chế bằng nhiều cách đi nữa, nhưng lời nói của họ khi phát ra giống như dao bén cứa vào từng thớ thịt của người khác.

Khi chúng ta phải đối diện với người khó chịu thường xuyên, nếu không khuyên được họ, tốt hơn ta nên tìm cách tránh xa họ, tránh voi chẳng xấu mặt nào mà. Nhưng vì duyên sự, chúng ta không thể tránh được họ thì ta phải làm sao đây? Lúc này mình phải học cách, chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh không mấy hài lòng vừa ý này.

Chúng ta sẽ thấy mình đang rơi vào hoàn cảnh éo le, ta sẽ bị phê bình chỉ trích nặng lời bởi người khó chịu kia, ngay lúc này nếu ta không tỉnh giác thì mọi thứ sẽ đổ vỡ. Nhờ tỉnh giác trong từng phút giây, chúng ta biết mình đang đối diện với lửa sân hận của người khác, nên ta an nhiên bình tĩnh tìm ra lối thoát.

Chúng ta phải ý thức rằng và có sự cảm thông cho người kia, bởi họ đang trong cơn tuyệt vọng, chúng ta dùng tuệ giác của Thế tôn để soi sáng lại chính mình mà có sự cảm thông và tha thứ cho họ. Chúng ta hãy quán sát thân này nhân duyên hòa hợp giả có không thật thể, cái gì là ta, là của ta, ta không chấp thân tâm này làm ngã, thì chẳng có thứ gì làm cho ta lay động mà phiền muộn khổ đau.

Khi đối diện với người khó chịu mình phải biết cách lắng nghe, để tìm ra nguyên nhân, họ đang nói gì, họ đang muốn gì, họ đang tiếc nuối về quá khứ, họ đang mơ mộng đến tương lai mà đánh mất mình trong hiện tại, họ không biết mọi việc tốt xấu, nên hư, thành bại đều do mình tạo ra.

Vào những lúc căng thẳng như thế, chúng ta phải dùng trí tuệ thấy biết đúng như thật để lắng nghe tâm tư của họ, họ đang muốn giải tỏa hết mọi áp lực từ bên ngoài đưa đến, đang đè nặng tâm thức của họ. Chúng ta cần phải quay trở về với thực tại để có sự cảm thông, bao dung và độ lượng, đừng vì tình cảm sâu nặng mà tự đánh mất chính mình.

Chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực của họ khi gặp phải người khó chịu, đó cũng là một cơ hội tốt để cho mình thể hiện được sự tu tập từ bấy lâu nay bằng tuệ giác của Như lai. Vì khi nghĩ người tốt, ta sẽ bớt tâm ganh ghét tật đố mà không chỉ trích quá đáng sai lầm của người khác.

Ngày xưa có một câu chuyện như sau: Một vị tổ sư dùng phương tiện thiện xão để chỉ dạy cho người đệ tử của mình. Vị tổ sư ấy dẫn người học trò đến bên hồ chứa nước trong chùa. Sau đó, lấy một ly nhỏ chứa đầy muối rồi chế nước vào khuấy đều bảo người đệ tử uống. Người học trò vừa nhấp thử ngụm nước đã nhăn mặt nói nước mặn đắng, không thể uống được! Vị thầy bình thản lấy thêm một nắm muối khác cũng bằng với số muối trước, rồi bỏ vào hồ nước khuấy đều, bảo người học trò nếm thử. Lần này, người học trò uống thử ly nước mà không cảm thấy khó chịu của sự mặn đắng nữa.

Lúc này, vị thầy mới từ tốn nói tiếp: Sự đau khổ tột cùng giống như người uống đầy ly nước muối mặn. Tuy nhiên, nếu ta biết khôn ngoan sáng suốt hành trì theo lời Phật dạy, giữ giới, thiền định, từ bi thì ta sẽ dùng lượng muối đó pha vào thật nhiều nước, vị mặn của muối bị dòng nước hòa tan, nên ta vẫn uống bình thường mà không cảm thấy khó chịu bởi vị mặn đắng của nó.

Chính vì vậy, mỗi khi gặp điều không được hài lòng như ý, chúng ta hãy mở rộng lòng ra bằng tâm từ bi và trí tuệ để soi sáng lại chính mình thì mọi việc phải quấy, tốt xấu, đúng sai, được mất, hơn thua đều có thể tan hòa vào hư không.

Nói tóm lại, tất cả những người khó chịu dù bất cứ hình thức nào đều do sự chấp ngã thân tâm này là tôi, là ta, thấy thân này thiệt mình, thấy tâm suy tư nghĩ tưởng cũng là mình, nên từ đó ta đấu tranh giành giựt, chiếm đoạt dẫn đến tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc.

Có một phương pháp để chuyển hóa người khó chịu, trước nhất là chuyển hóa sự khó chịu của chính mình dựa theo lời Phật dạy. Vì sao chúng ta hay làm người khó chịu? Vì chúng ta không có lòng từ bi rộng lớn, từ là ban vui, bi là cứu khổ.

Muốn vậy ta phải quán tình thương và biết cảm thông, tha thứ. Khi thương yêu kính mến ai, ta sẽ không bao giờ khó chịu với người đó. Tình thương yêu chân thật thường đi đôi với tâm từ bi tức là ban vui và cứu khổ.

Khi có được một trái tim thương yêu có hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống, tâm sẽ dễ dàng trải lòng ra để giúp đỡ người khác và không buồn giận khi người đó vô ơn. Mỗi lần thấy một người khó chịu, ta tự cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó, để giúp người ấy có đủ năng lượng thiết lập lại bình yên, hạnh phúc.

Có một người nọ thấy con bọ cạp sắp chết đuối trong một vũng nước. Khi thấy vậy tự nhiên ông ta muốn cứu giúp nó, nên nhanh nhẹn đưa bàn tay ra vớt con bọ cạp khỏi vũng nước, đặt nó vào chỗ an toàn. Con bọ cạp liền chích ông ta một phát đau điếng.

Tuy nhiên vì muốn qua đường, nó lại đi tiếp và cuối cùng lọt vào vũng nước khác. Lần này thấy nó sắp chết đuối, ông ta lại vớt nó lên lần thứ hai và cũng bị nó chích cho một phát nữa. Tay ông lúc này sưng vù, đau điếng.

Một người khác chứng kiến cảnh tượng đó từ đầu đến cuối bèn nói: “Tại sao ông lại dại khờ đến thế? Nên mới bị con bọ cạp chích cho hai lần đau điếng. Ông thật là điên rồ khi phải cứu vớt một con bọ cạp chẳng biết ơn nghĩa là gì!

Người đàn ông vui vẻ trả lời: “Thưa ông, tôi không thể nhìn thấy cảnh con bọ cạp bị chết đuối. Ông biết đó, thói quen và bản tính của con bọ cạp là chích, khi có người khác đụng vào nó đó là phản ứng tự vệ của nó, nó chỉ sống theo tập khí, thói quen mà không có sự quán chiếu. Còn thói quen của tôi là sẵn sàng cứu giúp khi có nhân duyên. Tôi thà chịu đau một chút mà cứu được con bọ cạp.

Suy luận trong trường hợp này, nếu người đàn ông đó dùng trí tuệ lấy một cành cây để vớt con bọ cạp thì sẽ không bị chích. Nhưng ông ta nghĩ rằng cứu một con bọ cạp trong cơn hoạn nạn là điều cần thiết, còn hậu quả như thế nào sẽ tính sau.

Qua bài học của câu chuyện này, đã nói lên tâm từ bi rộng lớn của người đàn ông muốn cứu một sinh mạng khác, dù đó chỉ là một con vật thấp kém. Ở đây cho chúng ta thấy người có tấm lòng rộng mở khi giúp người vật trong cơn nguy khốn, sẽ không có sự tính toán vì ta, người, chúng sinh. Đức tính của ông ta là sự giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống với trái tim thương yêu và hiểu biết.

Do đó, khi có được tình thương yêu rộng lớn thúc đẩy, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, bất kể màu da, tôn giáo, chủng tộc. Nếu chúng ta, ai cũng biết nuôi dưỡng tình thương yêu chân thật bằng sự quán chiếu hằng ngày, ta sẽ thấy người và vật không có ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Nhờ vậy, khi sống chung với người khó chịu ta vẫn bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Thích Đạt Ma Phổ Giác

thien(1)

Tùy hỷ việc làm tốt của người khác để chuyển hóa tâm ganh ghét

Đăng lúc: 21:21 - 08/06/2015

Tùy hỷ công đức để chuyển hóa tâm ganh ghét tật đố: là hoan hỷ với những ai đã làm những việc thiện lành tốt đẹp bằng cách chia sẻ hay nâng đỡ người khác. Như thấy người làm việc giúp đỡ kẻ khác vượt qua cơn hoạn nạn.
Đa số chúng ta, ai cũng mang sẵn thói quen ganh ghét tật đố, cống cao ngã mạn, tham danh hám lợi... Bởi có những tính xấu ấy, nên khi thấy ai làm điều gì tốt đẹp, chúng ta liền có phản ứng ngay bằng cách chỉ trích phê phán đúng sai về người đó.



Vậy thế nào là tùy hỷ công đức? Tùy hỷ là vui theo, công đức là những điều lành, điều tốt, những điều đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người khác. Nghĩa là thấy ai làm việc gì tốt, có công đóng góp lớn cho xã hội thì ta đều hoan hỷ phát tâm vui mừng và còn tán thán người đó.Hoặc thấy họ làm điều phước thiện, chúng ta hoan hỷ vui vẻ với việc làm của người, mừng thế gian có thêm một người tốt và bớt đi một người xấu. Sự hoan hỷ vui vẻ giúp cho con người sống yêu thương gần gũi với nhau nhiều hơn, bằng trái tim hiểu biết.
Người phát tâm làm việc bố thí, chính họ đã khởi lòng từ bi thương xót giúp đỡ người khác. Thấy người bố thí, ta phát tâm tùy hỷ hoặc tìm cách trợ giúp theo, chính ta đã chuyển hóa được tâm ganh ghét tật đố ích kỷ của mình..
Phật ví dụ ngọn lửa của một cây đuốc dù đem trăm ngàn cây đuốc khác đến mồi, ngọn lửa ấy vẫn không bị hao mòn mà còn làm cho chung quanh đó sáng thêm. Tuy cùng làm một việc làm phước thiện, mà người phát tâm nhỏ hẹp thì công đức sẽ có giới hạn, người phát tâm rộng lớn thì công đức vô cùng tận. Trong kinh Phật dạy: “Người phát tâm rộng lớn để bố thí vật chất, của chỉ bằng hạt cải mà quả báo như núi Tu di. Ngược lại, người ôm lòng nhỏ hẹp bố thí, của bằng núi Tu di, công đức chỉ bằng hạt cải”.
Khi thấy người làm việc bố thí, chúng ta phát tâm tùy hỷ việc tốt của người khác, chắc chắn người đó sẽ cảm mến ta. Ta tùy hỷ việc làm tốt của người khác không tốn hao tài sản, hay hao mòn sức lực mà đem lại niềm an vui hạnh phúc cho mình và người.
Thấy người làm điều thiện, ta không phát tâm hoan hỷ, mà còn sanh tâm ganh ghét tật đố, khinh chê coi thường người ấy, làm họ thối Bồ đề tâm, ta và họ sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Chính tâm ích kỷ tật đố, cống cao ngã mạn, đã làm cho mọi người càng trở nên xa lánh không thích gần gũi.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Phật Thuyết Kinh Di lặc Đại Thành Phật

Phật Thuyết Kinh Di lặc Đại Thành Phật

Đăng lúc: 20:20 - 07/06/2015

Phim Phật Thuyết Kinh Di lặc Đại Thành Phật

nếu như mọi việc không làm được,thì hãy cầu ở chính mình

nếu như mọi việc không làm được,thì hãy cầu ở chính mình

Đăng lúc: 19:23 - 07/06/2015

Vô vi là chân tánh,hữu vi là chân ứng, chúng sanh có cảm,Phật Bồ Tát sẽ có ứng, ứng là thân gì? ứng thân,hóa thân,gọi là ứng hóa thân, ứng hóa thân thông mười pháp giới, nói cách khác, chúng sanh trong mười pháp giới lục đạo có tâm nhất niệm cầu Phật, Phật biết được, lập tức sẽ cảm ứng.

Loại cảm ứng này cũng giống như sự cảm ứng của cuộc thực nghiệm nước của giáo sư Giang Bổn ở Nhật Bản, lý lẽ cùng với việc này tương tự. chúng ta khởi tâm động niệm người khác không biết nước biết chúng ta đối với nước khởi một ý niệm,không nói ra, người đứng cạnh chúng ta đều không biết, nhưng nước lại biết. ta khởi một thiện niệm,sự kết tinh rất là đẹp, ta khởi một ác niệm,sự kết tinh rất là xấu. bạn phải hiểu rằng, nước không có khởi tâm động niệm,không có phân biệt chấp trước, sự phản ứng này của nó chính là cảm ứng,là tự nhiên. ý nghĩa của sự chứng minh này rất là sâu sắc, sự chứng minh này nói với chúng ta rằng kiếp này của chúng ta ở thế gian này chịu đựng những việc cát hung họa phúc,,giàu nghèo sang hèn đều là do từ ý niệm của bản thân sanh ra không có một chút liên can gì đến cảnh giới bên ngoài và những người bên ngoài cho nên Thánh Hiền ngày xưa nói với chúng ta rằng, “hành hữu bất đắc,phản cầu chư kỷ” (nếu như mọi việc không làm được,thì hãy cầu ở chính mình) bạn gặp vấn đề, vấn đề không ở bên ngoài, quay đầu lại mà phản tỉnh, nhất định là ở bản thân khởi tâm động niệm, trong lời nói hành vi tìm ra nguyên nhân, nếu như sửa đổi đi những cái bất thiện, tăng cường làm những việc thiện thì cuộc sống kiếp này của bạn sẽ thanh tịnh mỹ mãn, sự nghiệp của bạn sẽ thuận buồm xuôi gió, nếu như gặp được pháp môn Tịnh Độ, bạn kiếp sau nhất định sẽ thành Phật. sự kết tinh của nước cuộc thực nghiệm này nói với chúng ta cái sự thật chân tướng này, cái thông tin này cần phải nói cho quảng đại chúng quần biết, tại vì sao? năng lượng ý thức của tập thể rất là lớn mạnh, có thể thay đổi hoàn cảnh vật chất của chúng ta, đó mới là thật sự tiêu tai miễn nạn.

Tinh Không pháp sư

Nhìn sâu vào mỗi sự vật...

Nhìn sâu vào mỗi sự vật...

Đăng lúc: 19:21 - 07/06/2015

Trong cuộc sống quá bận rộn, đôi khi chúng ta làm rất nhiều việc hoàn toàn chỉ là theo quán tính mà không để tâm suy nghĩ, phân tích gì cả. Thậm chí có những bữa ăn cũng trôi qua thật vội vàng đến nỗi ta không cảm nhận được hết mùi vị của thức ăn.



Khi tôi còn nhỏ, tôi đã rất lấy làm buồn cười khi đọc truyện Tây du ký đến đoạn Trư Bát Giới ăn nhân sâm cùng với Tôn Ngộ Không. Anh chàng háu ăn này đã ăn nhanh đến nỗi vừa ăn xong mà không biết được mùi vị của quả nhân sâm như thế nào!

Ngày nay chúng ta có rất nhiều khi rơi vào trường hợp tương tự. Mặc dù chúng ta không tham ăn, nhưng chúng ta có quá nhiều việc để bận tâm suy nghĩ, có quá nhiều việc đang đợi chúng ta làm, và vì thế chúng ta luôn ăn vội ăn vàng cho qua bữa, không hề để tâm nhận biết nhiều về thức ăn.

Nhưng không chỉ là chuyện bữa ăn. Mỗi ngày chúng ta để cho rất nhiều chuyện khác nữa trôi qua trong sự lơ đễnh, vì đầu óc ta luôn có những chuyện khác để âu lo, suy tưởng.

Với cách sống như thế, chúng ta sống mà thật sự chưa hề cảm nhận được cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy và tiếp xúc với sự vật nhưng không thể hiểu được bản chất sâu xa hoặc cảm nhận được giá trị thực có của chúng.

Đôi khi tôi nhớ đến những củ khoai lùi thời thơ ấu, và lấy làm lạ là giờ đây nhiều lúc tôi không thưởng thức được những món ăn rất ngon lành theo cách như tôi đã từng ăn khoai lùi thuở nhỏ. Tôi còn nhớ mình đã phân biệt được mùi thơm của lớp vỏ khoai cháy sém bên ngoài như thế nào, mùi tro nóng bám vào vỏ khoai ra sao, ruột khoai thơm nóng như thế nào... Thậm chí tôi còn phân biệt được sự khác nhau giữa phần trên và phần dưới của cùng một củ khoai...

Thỉnh thoảng chúng ta nên có những bữa ăn theo cách của một em bé ăn khoai lùi... nghĩa là không để cho bất cứ một việc gì chi phối vào bữa ăn của ta.

Khi nhìn vào một món ăn, ta nên nhìn rõ xuất xứ của nó. Từ hạt gạo trắng thơm, cọng rau tươi xanh hay miếng đậu phụ... ta biết được chúng do đâu mà có. Ta nhìn thấy được người nông dân cần khổ lao động để làm ra hạt gạo, cọng rau... Ta nhìn thấy ánh nắng, cơn mưa đã giúp cây lớn lên từ đất... Ta cũng biết được rất nhiều người không có đầy đủ những món ăn như ta đang có. Mỗi ngày đều có những người chết vì đói trên thế giới này. Nhiều nơi, trẻ em không có đủ thức ăn và phải bị suy dinh dưỡng.

Từ những suy nghĩ quán sát như vậy, ta ý thức được đầy đủ giá trị của một bữa ăn. Vì thế, ta không thể nuốt vội nuốt vàng những thứ ấy một cách vô tâm cho qua bữa. Hơn thế nữa, ta biết rằng chỉ khi ta ăn với sự tỉnh thức thì thức ăn và ta mới cùng hiện hữu. Bằng không, xem như ta đã bỏ phí thời gian bữa ăn mà không thật sự sống một chút nào.

Ta nên ăn một cách chậm rãi. Cho dù ta vội vã đến đâu cũng vẫn còn rất nhiều việc khác chưa làm xong. Rút ngắn thời gian một bữa ăn không phải là cách giải quyết vấn đề. Ta chỉ thường làm thế là theo với thói quen từ lâu nay. Dù bận rộn đến đâu, việc dành thời gian thỏa đáng cho một bữa ăn không hề là điều phí phạm. Hơn nữa, mọi sự bận rộn của ta đều nhắm đến phục vụ đời sống. Vậy nếu ta từ bỏ những giây phút thật sự đang sống trong hiện tại thì tất cả những việc khác liệu còn có ý nghĩa gì?

Khi chúng ta ăn một bữa ăn trong sự tỉnh thức, đó không còn chỉ đơn thuần là một bữa ăn. Đó là biểu hiện cụ thể của đời sống, là phương cách ta tiếp xúc và cảm nhận sự vật. Vì thế, nó không những mang lại cho ta năng lượng vật chất, mà còn giúp ta hồi phục những giá trị tinh thần đã mất.

Nếu bạn thường xuyên thực tập điều này cùng với gia đình, đó là một cách giáo dục tốt nhất để hình thành nhân cách đạo đức cho con cái bạn. Bởi vì, trẻ con thường không học theo những gì ta nói, mà chúng học theo những gì chúng ta làm.

Ngoài bữa ăn ra, chúng ta cũng có thể thực tập tinh thần tỉnh thức trong mọi việc chúng ta làm thường ngày. Chúng ta nên tập nhìn sự vật với chiều sâu của nó. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm được với những khó khăn và nỗi khổ của người khác. Chúng ta cũng kiên nhẫn hơn khi gặp phải những chậm trễ, bế tắc trong công việc. Ta giải quyết mỗi vấn đề bằng vào sự phán đoán sáng suốt và tỉnh táo, không phải bằng sự vội vã, nôn nóng.

Chúng ta không phải là thực thể duy nhất tồn tại trong cuộc sống này. Ngược lại, ta gắn bó và đồng thời tồn tại, chịu sự chi phối của tất cả những sự vật khác. Không chỉ là những món ăn thức uống hàng ngày mới ảnh hưởng đến ta. Mưa, nắng, sương gió... hay bất cứ những gì chúng ta nhìn thấy hoặc cảm nhận được quanh ta đều có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống của ta. Một người hút thuốc nhả khói vào khoảng không, điều đó cũng có ảnh hưởng nhất định đến môi trường sống của chúng ta. Nói chung, mọi sự kiện trong đời sống đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, và chỉ khi nhìn sâu vào bản chất sự vật ta mới có thể hiểu được điều đó.

Nhìn sâu vào sự vật không chỉ giúp ta hiểu được bản chất sự vật mà còn giúp ta hiểu được chính mình. Ta cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống từ nhiều góc độ. Ta cảm thông nhiều hơn với đồng loại và sẵn lòng hơn trong việc chia sẻ những gì mình có. Chính nhờ đó ta có được niềm vui và hạnh phúc, vì nhận thức được rằng cuộc sống của ta thật sự có ý nghĩa biết bao!

Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)

5 điều cần ghi nhớ khi cuộc sống trở nên tồi tệ

5 điều cần ghi nhớ khi cuộc sống trở nên tồi tệ

Đăng lúc: 21:36 - 05/06/2015

Có những lúc mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta dường như đều rơi xuống tận đáy của hố đen. Bạn sẽ làm gì?để thoát ra? Bạn biết không, sức mạnh tinh thần có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Chỉ cần nghĩ thoáng đi một chút thì trong bất cứ tình huống dù tồi tệ đến mấy, bạn cũng sẽ tìm ra được ánh sáng và sự giải thoát.
Thất bại là một phần của sự trưởng thành

Đôi khi cuộc sống đóng lại một cánh cửa để báo hiệu rằng đó là lúc bạn phải tiến thêm một bước nữa. Có thể xem là một điều may mắn bởi hầu như ai trong chúng ta cũng đều có tâm lý ù lì, không thích thay đổi khi mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc và an toàn, chỉ đến khi tình thế bắt buộc thì ta mới chịu vận động hay động não.

Khi mọi thứ không như ý bạn muốn, đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân rằng không có thất bại nào là vô nghĩa. Vực dậy từ chỗ mình đã ngã xuống và rút ra bài học nhớ đời. Bạn vật lộn đối đầu với vấn đề không có nghĩa là bạn thua cuộc. Hãy nhớ rằng mỗi chiến thắng vinh quang đều cần đến cả quá trình đấu tranh gian khổ. Do vậy, cứ kiên nhẫn và tích cực lên rồi bạn sẽ thấy mọi thứ cuối cùng sẽ đâu lại vào đấy cả thôi.

Cuộc sống luôn có hai dạng của thất bại: thất bại khiến ta đau khổ tột cùng và thất bại làm ta thay đổi. Khi đối diện với cuộc sống, thay vì cứ trốn tránh chúng, thì việc đương đầu, chấp nhận những thất bại đều khiến cho ta trưởng thành hơn.



Mọi thứ trong cuộc sống này đều là tạm thời

Mưa rồi lại tạnh. Vết thương hở cũng có ngày lại lành. Sau bóng tối sẽ luôn có chút ánh sáng – Đó là những suy nghĩ chúng ta luôn dặn dò bản thân mỗi ngày nhưng lại mau chóng quên đi để rồi lại chọn cách tin rằng những thứ không may hay những điều xấu xa sẽ mãi theo ta cho đến tận cuối đời.

68474

Chẳng có gì có thể tồn tại mãi mãi được bạn ơi. Cho nên nếu bạn đang vui vẻ, hãy cố gắng mà tận hưởng cho hết mình. Còn nếu bạn đang gặp chuyện không vui cũng đừng quá lo lắng vì nó cũng sẽ qua mau thôi. Mỗi giây mỗi phút trong đời ta đều là một sự bắt đầu mới hay một kết thúc mới. Đời cho ta rất nhiều cơ hội, chỉ là ta có biết nắm lấy chúng và tận dụng được chúng hay không mà thôi.

Lo lắng và than vãn chẳng giải quyết được vấn đề

Những người càng hay than vãn thì càng chẳng làm nên được chuyện gì cả. Thà cứ cố gắng nhưng thất bại để học được một bài học hay còn hơn chỉ ngồi đó than và chẳng làm gì để thay đổi tình hình. Làm sao bạn biết được kết quả sẽ ra sao nếu như bạn không dám thử? Và dù sao đi nữa thì hãy luôn nhớ rằng, hạnh phúc thật sự chỉ đến khi nào bạn ngừng than thở và bắt đầu biết trân trọng, biết ơn những điều mình đang có hiện tại.

Những vết sẹo là minh chứng của sức mạnh

Đừng xấu hổ bởi những vết sẹo mà cuộc đời mang lại cho bạn. Mỗi vết sẹo bạn có chứng tỏ rằng đau đớn không còn nữa và vết thương đã liền thịt, cũng có nghĩa là bạn đã vượt qua được những nỗi đau, rút ra những bài học, trở nên mạnh mẽ hơn để tiếp tục bước về phía trước. Đừng để thất bại trong quá khứ khiến cho bạn trở nên lo sợ với tất thảy những thử thách trong cuộc đời. Hãy nghĩ rằng vết sẹo – những thất bại, tổn thương bạn từng trải qua – là dấu hiệu của sức mạnh. Vâng, tôi đã làm được, tôi đã vượt qua, và những vết sẹo sẽ luôn nhắc nhở tôi cố gắng trở thành một con người tốt hơn.

Mỗi sự cố gắng dù nhỏ đều đẩy giúp ta vượt lên phía trước

Trong cuộc sống, sự kiên nhẫn không hẳn là chờ đợi, nó là khả năng để giữ một tinh thần vững chãi, một thái độ tích cực trong suốt quá trình cố gắng để thực hiện một việc gì đó. Vì thế, nếu như bạn đã quyết định cố gắng, hãy dành thời gian và cố gắng cho đến cùng. Bởi sau cùng những thứ bạn muốn, bạn sẽ làm cho bằng được dù có đối mặt với thất bại hay những chỉ trích, phản đối của người khác. Bạn biết rằng mỗi sự cố gắng đều không hề lãng phí. Khi bạn cố gắng hết mình, một là nó cho ta một bài học sâu sắc từ thất bại, hai là nó mang cho ta kết quả thành công ngoài mong đợi. Dù thế nào đi nữa, sự cố gắng cũng rất xứng đáng mà, phải không?

phat hoc(3)

Bi kịch đến từ tâm sân hận

Đăng lúc: 21:30 - 05/06/2015

Tâm bình yên giống như một ly nước tinh khiết, ngon ngọt. Một phút giận dữ giống như bỏ đất vào ly. Giận dữ làm cho bạn khốn khổ và làm cho người xung quanh cũng trở nên khốn khổ.
Tâm sân hận là tâm muốn gây tổn hại và hủy diệt. Ngược lại, kham nhẫn là tâm biết kiềm chế, không gây tổn hại và hủy diệt. Rất khó đối trị lòng sân hận; rất khó phát triển lòng kham nhẫn. Kham nhẫn là đức tính duy nhất thắng được sân hận.

Có người nói giận dữ không phải là quá xấu xa, đôi khi cũng nên nổi giận để xả bớt cơn đau trong lồng ngực. Một số bác sĩ trị liệu đôi khi còn khuyên nên nổi giận. Tôi không tranh cãi về vấn đề này vì tôi không phải là chuyên gia trị liệu. Sân hận, đố kỵ, và tự hào có thể đưa con người đến chỗ thành đạt các mục tiêu của mình ở trường học, chỗ làm, và trong mọi lĩnh vực khác của đời sống.

Mặc dầu nó đem đến sự thỏa mãn một dục vọng nào đó, bất kỳ thành công nào đạt được bằng các phương tiện như thế sẽ phải trả giá đắt. Mục tiêu không thể nào biện minh cho phương tiện, đó là điều cần nhớ. Sự bùng nổ cơn giận sẽ không đem lại lợi ích nào dài lâu, có chăng chỉ là một chút thỏa mãn ngắn ngủi.

Giá của cơn giận rất đắt, cực kỳ đắt. Nó không chỉ là “viện phí” mà bạn trả cho bác sĩ trị liệu; về tâm linh nó rất tổn hại; và trong đời sống hằng ngày, nó làm mất đi cái tâm trong sáng, yên bình. Tâm bình yên giống như một ly nước tinh khiết, ngon ngọt. Một phút giận dữ giống như bỏ đất vào ly. Giận dữ làm cho bạn khốn khổ và làm cho người xung quanh cũng trở nên khốn khổ – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả xã hội cũng trở thành khốn khổ bởi cơn giận của bạn.

Hãy tưởng tượng đêm qua bạn có một giấc ngủ ngon. Bạn thức dậy, khỏe khoắn, thoải mái, phấn chấn. Bạn hy vọng một ngày tốt lành. Rồi bạn đi ra khỏi nhà và gặp phải một chuyện bực mình. Người nào đó đã đậu xe chắn ngang làm bạn không lấy xe mình ra được và bạn không tìm ra chủ xe để yêu cầu chuyển chỗ. Bạn tức tối. Bạn nghĩ, “Mình sẽ bị trễ việc mất. Mình sẽ thế này, thế nọ. Thật là bực cả mình”, hoặc nghĩ quẩn thế nào đó. Khi bực bội, hãy nhìn lại tâm trí mình. Tâm trạng phấn chấn không còn. Khuôn mặt bạn dài ra. Trong một lát, cơn giận có thể qua đi nhưng tâm trạng vui vẻ không còn. Bạn đâu có thường xuyên có được cảm giác tươi vui như thế. Lâu lâu nó mới đến một lần vậy mà bây giờ nó đã ra đi.



Cơn giận cướp đi của bạn sự thoải mái của cả thân và tâm. Và chừng nào mà bạn còn nuôi niềm sân hận, cơn giận sẽ bùng lên thiêu đốt và hành hạ bạn. Không có niềm vui mới nào sẽ sinh khởi và cả niềm vui đã có cũng tiêu tan. Bạn không thể nào cảm thấy được nghỉ ngơi bất cứ lúc nào trong ngày; thậm chí bạn không thể nào tập trung tư tưởng hay suy nghĩ. Bạn cảm thấy như có người đã bắn một mũi tên xuyên qua tim mình. Nếu trí óc bị xáo trộn thì có nghĩa rằng bạn còn phải trả giá bằng sức khỏe của mình.

Cơn giận ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống tương lai? Theo giáo pháp truyền thống, cơn giận được ví như lửa đốt cháy nhiều nhiên liệu – thứ nhiên liệu được tạo ra từ đức hạnh. Hãy tưởng tượng chỉ trong một phút giận dữ rất nhiều công đức tích luỹ từ bao lâu nay bị đốt cháy. Tạo ra nghiệp thiện thật là khó. Phải nỗ lực rất nhiều, suy nghĩ nhiều và hy sinh nhiều. Ấy thế mà một phút giận dữ có thể làm tiêu tan tất cả.

Giận dữ dễ trở thành thói quen

Cơn giận nổi lên thật dễ dàng giống như nướng bánh mì bằng lò nướng. Đó là một thói quen. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không muốn nổi giận, nhưng từ sâu trong lòng chúng ta ắt phải có một chút khoái trá nào đó khi làm như vậy. Cơn giận cho chúng ta một chút thoả mãn: “Mình đã trút hết nỗi bực bội. Mình đã cho người ta biết tay”.

Mặc dầu sau đó chúng ta có thể hối tiếc là đã la hét om sòm, sự hối tiếc này không đủ mạnh để kiềm giữ chúng ta. Chính sự thỏa mãn đang giữ chặt chúng ta. Điều này rất khó thấy. Hầu hết chúng ta đều phủ nhận nó. Nếu không có sự thỏa mãn đó thì chúng ta đâu có để mình mắc kẹt vào cơn giận và trở nên bất an. Chúng ta bị thúc đẩy phải lặp đi lặp lại hành vi đó. Nó trở thành một thứ mê hoặc.

Và khi bạn để mặc cơn giận tuôn trào nó sẽ trở lại thường xuyên hơn. Bạn trở nên cáu kỉnh, dễ nổi nóng và sự nóng giận trở thành một thói quen trước khi bạn ý thức về chuyện ấy. La hét, nổi trận lôi đình trở thành một thói quen. Bạn có thể có cảm giác mình chiếm thế thượng phong, đặc biệt là khi những người xung quanh không chống trả lại. Họ giữ im lặng có thể vì họ nghĩ chuyện không đáng phải đôi co, hay vì không thích lớn tiếng cãi vã, hoặc vì phép lịch sự hay ý thức về phẩm giá. Dù lý do nào đi nữa thì cũng không phải vì họ yếu và bạn mạnh. Nếu cơn giận cho bạn cảm giác về sức mạnh thì bạn đã bị cơn giận làm mê mờ tâm trí đi rồi.

Tôi không giận, nhưng mà…

Một người đàn ông đang lái xe trên đường cao tốc vừa mở radio. Thình lình có thông báo: “Trên đường cao tốc như thế như thế, có một người đang lái xe ngược chiều. Hãy cảnh giác tối đa”. Ông ta nhìn quanh rồi nói: “Chỉ một người lái xe ngược chiều thôi sao? Có đến hằng trăm người đang đi ngược chiều đấy chứ!”.

Làm sao chúng ta có thể tìm được tự do? Chúng ta phải nhận thức được các tình cảm bất thiện đang cầm tù chúng ta. Chúng ta có nhận diện cơn giận, có nhận ra lòng đố kỵ, chúng ta nhận ra chúng, nhưng chúng ta không thừa nhận – hãy chỉ tay vào mình – rằng đó là cơn giận của mình.

Chúng ta thường không thừa nhận mình đang nổi giận, không thừa nhận sự ngu dốt của mình. Chúng ta muốn phủ nhận chúng. Chúng ta muốn phủ nhận rằng mình đang giận, mình có lòng ganh ghét, mình ngu dốt. Nếu mình tiếp tục phủ nhận như thế thì làm sao mình nhận thức được nó?

Có người nghĩ, “Vâng, giận dữ là điều xấu; tôi không nên tỏ ra giận dữ”. Và thay vì để cho cơn giận bùng ra thì họ dồn nén nó. Thay vì loại bỏ nó thì người ta cất giữ nó. Bạn phải thừa nhận rằng nó vẫn còn đó. Một vài người, những người chân thật, sẽ nói cho bạn biết rằng, “Tôi đang giận”. Còn hầu hết mọi người thì nói, “Tôi không giận, nhưng…” Phải không? Và nhiều người sẽ sẽ nói, “Tôi không có vấn đề, nhưng… người khác thì có vấn đề”.

Bạn có vấn đề lớn bằng con voi ở bên trong, dù bạn có phủ nhận bao nhiêu đi nữa. Bằng cách phủ nhận bạn lại làm cơn giận tăng thêm một chút. Bạn có thể lôi kéo vài người nữa vào cuộc, tạo ra thêm một chút rắc rối, và thêm một chút nghiệp bất thiện. Đó là những gì chúng ta làm thay vì thừa nhận. Hãy thừa nhận. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang giận và dành hai ba phút để nhìn vào tâm trí mình thì bạn sẽ cảm thấy hơi xấu hổ, hơi mềm yếu, hơi ngượng ngùng. Và khi trải qua cảm giác ấy, cơn giận dịu đi rất nhiều.

Có thể sẽ mất một tuần hay một tháng để thừa nhận, thậm chí là một năm. Một số trong chúng ta giận mẹ của mình, và nuôi mối hờn đó mãi. Chúng ta ôm chặt nỗi giận suốt nhiều năm. Nhưng dù có giận bao lâu đi nữa, hãy thừa nhận. Rồi lần kế tiếp cơn giận sẽ không kéo dài lâu như thế. Cơn giận càng lúc càng yếu, và sẽ có lúc bạn có thể nhận ra nó vào lúc nó nổi lên. Rồi bạn có thể nhận ra nó đang manh nha trước cả khi bạn thật sự nổi giận, và về sau hoàn toàn tránh được nó.

Bực bội là một dạng nhẹ hơn của sự giận dữ hay sân hận. Đó cũng là một loại giận tuy rằng không phải là loại muốn gây tổn hại. Sự bực bội chỉ là luồng gió nóng thổi qua. Chúng ta cảm nhận nó nhưng một sự nóng lên trong cơ thể. Nó làm chúng ta mất đi một chút sáng suốt, vì thế cho nên cũng không tốt. Một sự bực bội có thể sinh ra từ lòng nhân từ: tình thương của bạn đối với con cái, với học trò, hoặc là đối với cha mẹ già và bạn có thể la lối những người ấy. Nhưng nếu bạn tỏ ra bực bội thường xuyên, nó có thể dễ dàng bùng lên thành cơn giận khủng khiếp. Vì thế đừng làm cho nó trở thành một thói quen. Bạn đang chơi đùa với lửa đấy.

Câu chuyện về cơn giận dữ

Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không được hài hòa.

Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm thành tật này. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.

Một hôm, một người đã nói với bà : “Chùa gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”

Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với thiền sư.

Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.

Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.

Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.

Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không ?”

Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.”

Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?” Nói xong thiền sư lại im lặng.

Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?”

Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”

“Tại sao hết giận !”

“Tôi giận thì có ích gì ? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao ?”

Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.

Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”

Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”

Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”

Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay.

Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.

Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn ? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối ?

Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận ?

Thật ra tức tối không những tự làm cho mình khổ đau, và những người xung quanh cũng theo đó mà buồn lòng. Lúc tức tối tức giận, không gì ngăn cản cái miệng, buông lời quái ác, một số lời lẽ trong đó có thể làm đau lòng người nghe, thậm chí có cả những người yêu thương quan tâm mình.

" Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai “, chỉ một niệm khởi sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sanh.

Cho nên đừng nên vì sự việc nhỏ nhặt mà gây ra chuyện hại người hại mình, tức tối la hét là hành vi của kẻ ngu muội.

Tuy chúng ta chưa thể là một người thông minh, nhưng tối thiểu chúng ta cũng đủ trí tuệ ngăn cản mình làm một con người ngu dại. Xem nhẹ hơn mọi sự việc không như ý, đồng thời tìm thấy ich lợi trong im lặng, giác ngộ ý thiền trong cuộc sống. Từ đó chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống không cần phải mệt mỏi như ta tưởng, cũng không phài khốn khó như ta đã gặp.

Những sự việc nhỏ nhặt cũng giống như những hạt cát trong đôi giày đã làm cho bạn khó chịu.

Thế thì bạn lựa chọn cách giũ bỏ hạt cát hay vứt bỏ đôi giày ? Chúng ta không thể không mang giày, vì còn con đường dài phía trước, thế thì tại sao chúng ta không chịu giũ bỏ hạt cát !



Theo Tịnh Độ

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Đăng lúc: 21:26 - 05/06/2015

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng: Phương pháp độ nhân, cần phải chú trọng “khéo léo đúng dịp”. Câu chuyện Đức Phật hóa độ Bạt Kiết Đế, người con gái đem lòng cảm mến tôn giả A Nan, chính là một minh chứng sống động về phương diện này.


Tôn giả A Nan trông vô cùng anh tuấn khôi ngô, Văn Thù Bồ Tát từng dùng “Tướng như thu mãn nguyệt, mục tựa tịnh liên hoa” để ca ngợi ngài.

Một hôm, tôn giả A Nan khát nước đến không chịu được, liền đến bên một thiếu nữ đang gánh nước xin chút nước uống. Thiếu nữ này tên là Bạt Kiết Đế, là tộc người Ma Đăng Già vốn bị mọi người xem là hạ tiện. Cũng giống như bao thiếu nữ quyền quý khác, cô cũng đã ngưỡng mộ A Nan từ lâu. Nhân thấy A Nan đến chỗ mình xin nước uống, lòng cô vui khôn tả xiết.

Tôn giả A Nan uống nước xong, cúi mình cảm tạ cô gái, trong lòng ngài không hiểu sao lại có cảm giác dường như đã quen biết cô từ rất lâu rồi.

Thiếu nữ nhìn theo hình bóng A Nan đi xa rồi khuất dần, bỗng sinh lòng mến mộ, từ đó cô chìm sâu vào nỗi nhớ tương tư của mối tình đầu, thần trí suốt ngày ngẩn ngơ như mất hồn mất vía.

Mẹ cô không ngừng gặn hỏi nguyên do, cuối cùng cô cũng nói ra sự thật. Người mẹ không nhẫn tâm nhìn thấy con gái ngày một gầy đi, liền nghĩ ra một mưu kế: Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú, có thể mê hoặc đàn ông, nếu như gạt A Nan đến chỗ này, mời người niệm chú, để cho họ gạo nấu thành cơm……

Một hôm, quốc vương Ba Tư Nặc mở hội đàn trai tăng cúng dường, Đức Phật cùng chúng đệ tử là những người được mời đến tham dự. Tôn giả A Nan vì đi ra ngoài chưa về, nên không thể đến dự tiệc hội trai tăng, đành phải tự mình cầm bát đi khất thực. Khi đi ngang qua trước cửa nhà của người thiếu nữ Ma Đăng Già, cô mỉm cười tiếp đón ngài, nói: “Tôn giả A Nan, ngài còn nhớ tôi không?”

Tôn giả A Nan thực tình vẫn chưa quên người thiếu nữ xinh đẹp này, liền cười cười gật đầu.

Thiếu nữ vô cùng xúc động nắm lấy tay A Nan, nói: “Hãy theo em vào nhà nào, vào nhà em nhận cúng dường”.

A Nan trong đầu mơ mơ màng màng đi theo sau cô gái, vào đến khuê phòng của cô, tôn giả cứ như khúc gỗ, mặc cho người ta sắp đặt, trong lòng rất muốn thoát ra, nhưng lại không làm gì được.

Lúc này, hội trai tăng cúng dường trong hoàng cung cũng vừa mới bắt đầu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ A Nan bị ma chú khống chế, không cách nào thoát ra được, liền căn dặn Văn Thù Bồ tát, dùng Lăng Nghiêm Chú mà giải cứu A Nan.

Văn Thù Bồ tát vội đến nhà thiếu nữ, dùng Lăng Nghiêm Chú hóa giải Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú. A Nan giật mình tỉnh ngộ, thoát khỏi sự khống chế của cô gái, lôi thôi lếch thếch trở về tịnh xá.

Thiếu nữ Ma Đăng Già không can tâm bỏ cuộc dễ dàng như vậy, ngày ngày cứ đứng chờ A Nan trước của tịnh xá, A Nan đi đến đâu, cô theo đến đó. Cuối cùng tôn giả A Nan hết cách, đành cầu xin Đức Phật giúp đỡ.

Đức Phật nói: “Ngày mai con hãy gọi cô gái đó đến đây, ta sẽ nói chuyện với cô ấy”.

Ngày hôm sau, cô gái theo A Nan đến gặp Đức Phật. Đức Phật không hề oán trách cô nửa lời, Ngài từ bi mà nói với cô rằng: “Tâm tình muốn được gả cho A Nan của con ta hiểu được, nhưng A Nan đã là người xuất gia, nếu con muốn gả cho y, thì con cần phải xuất gia tu hành một năm cái đã”. Thiếu nữ liền gật đầu đồng ý.

Đức Phật nói: “Xuất gia cần phải được sự đồng ý của cha mẹ, cha mẹ con đồng ý cho con xuất gia sao?”

Thiếu nữ đáp: “Bẩm Phật Đà! Từ nhỏ đến lớn cha mẹ con lúc nào cũng đều nghe lời con hết, họ nhất định sẽ đồng ý cho con xuất gia”.

Cứ như vậy, thiếu nữ Ma Đăng Già vui vui vẻ vẻ mà xuống tóc tu hành, trở thành một thành viên trong nhóm Tỳ Kheo Ni.

Sau khi xuất gia, dưới sự cảm hóa của Phật Pháp, trái tim nồng nhiệt ban đầu của cô, càng ngày càng trở nên tĩnh lặng, dần dần cô hiểu ra rằng tình cảm ràng buộc đối với A Nan ngày trước đều là sự ngu muội nhất thời mà thôi.

Phật Đà nói với chúng đệ tử rằng: A Nan và Bạt Kiết Đế 500 năm kiếp trước, trong một lần tình cờ gặp gỡ, hai người đã mỉm cười với nhau, từ đó mà dẫn đến tình duyên trong đời này.

Từ đó, Bạt Kiết Đế càng thêm nỗ lực tinh tấn tu hành, sau cùng cô trở thành một trong những người kiệt xuất trong nhóm Tỳ Kheo Ni, chứng đắc Thánh quả còn sớm hơn cả A Nan.

(Dựa theo “Câu chuyện mười đại đệ tử của Đức Phật”)

Nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng

Nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng

Đăng lúc: 22:43 - 04/06/2015

Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được vận dụng để minh họa cho thính chúng dễ hiểu, dễ liên hệ, nhận rõ ý nghĩa những lời dạy của Ngài. Nước sông Hằng đã được Thế Tôn dùng để chỉ cho nước mắt của chúng sanh khóc thương nhau trong những lần tử biệt sanh ly, chuyển lưu sanh tử trong nhiều đời kiếp.

Một trẻ thơ chào đời, mọi người thân đều vui. Một người nhắm mắt lìa đời, những người thân yêu đều tiếc thương, ngậm ngùi khóc than tiễn biệt. Nhịp sống cứ tiếp nối như vậy, trải qua biết bao lần vui buồn với tử sanh, khiến cho nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng, thậm chí nhiều hơn nước trong bốn biển.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào, Tỳ-kheo các thầy lưu chuyển sanh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng? Hay nước sông Hằng nhiều?
Các Tỳ-kheo đến trước bạch Phật:
- Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sanh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lành thay, lành thay! Các Tỳ-kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sanh tử, nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao thế? Ở trong sanh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên chán họa sanh tử, xa lìa pháp ấy. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Phi thường,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.527)

Thế Tôn nói một cách cụ thể về sự “thương nhớ khóc lóc không thể tính kể”, về “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” để chỉ cho chúng ta thấy rằng, mình đã trôi lăn trong luân hồi nhiều kiếp, mình đã trải qua vô lượng khóc than tiễn biệt nhau, nay được làm thân người “nên chán họa sanh tử” mà hướng đến vô sanh. Biết rằng rồi đây mình sẽ chết, sẽ kết thúc một đời vốn nhiều khổ đau và giả tạm này nhưng sau cái chung cuộc ấy thì cánh cửa nào sẽ mở ra?
Tam giới, lục đạo hay Cực Lạc, Niết-bàn hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức, cách sống và cách tu dưỡng của chính mình trong hiện tại. Nếu muốn sanh lên, muốn hướng thượng và thăng hoa thì cần xả buông. Buông được chừng nào thì càng nhẹ nhàng chừng nấy. Còn nắm giữ, dính mắc càng nhiều thì càng bị kẹt và nặng nề thêm, không thể thoát ra được.
Người con Phật phải nhận rõ khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi, chứng đắc Niết-bàn hay ít ra là thành tựu vãng sanh Cực Lạc. Giải thoát từng phần chính là sự thực hành xả buông trong đời sống hàng ngày.
Chán ngán cuộc luân hồi tử sanh vô tận (Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán) là tuệ giác đầu tiên, là nền tảng cho nguyện lực quyết buông bỏ những dính mắc và trói buộc thế thường để cất bước ra đi tìm đường thoát khỏi sanh già bệnh chết. Như Thế Tôn xưa, sau khi dạo bốn cửa thành thấy chán ngán tất cả mới đủ nguyện lực xả buông, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo.
Chúng ta ngày nay bước chân vào chùa, vào đạo là nguyện theo dấu chân xưa. Dẫu sống trong cuộc đời như bao người nhưng quyết không bị kẹt, không chìm đắm. Dẫu cũng tử sanh như bao người nhưng nguyện đó là lần sau cùng. Dẫu biết rằng giải thoát khỏi tử sanh là vượt sang bờ kia nhưng kỳ thực làm gì có bờ để sang, có tử sanh để vượt thoát.
“Sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải” chính là chỗ này. Khổ đau, sanh tử cũng từ tâm mình mà ra và cũng ngay nơi tâm mà diệt. Xả buông đến tận cùng, không chấp thủ bất cứ vật hay việc gì thì ngay đây, ngay nơi tử sanh mà giải thoát, ngay nơi cuộc đời “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” này chính là Cực Lạc, Niết-bàn.

Quảng Tánh (

Thân và tâm cái nào quan trọng?

Thân và tâm cái nào quan trọng?

Đăng lúc: 22:41 - 04/06/2015

Thân và tâm, tức thể xác và tinh thần, cái nào quan trọng hơn? Đa số chúng ta thường lo cho thể xác hay lo cho tinh thần? Chúng ta ai cũng lo cho thân làm sao được sạch đẹp, sung mãn, đầy đủ; còn phần tinh thần ít ai quan tâm tới. Nhưng thử hỏi, chúng ta lo cho thể xác được sung mãn, đầy đủ thì nó có bền bỉ, lâu dài được không? Rất tiếc, dù ta lo cho nó cách mấy thì thân này cũng phải già-bệnh-chết.


Ta lo cho thân đầy đủ để rồi ngày mai nó sẽ mất. Vậy lo cho thân như thế là mình khôn hay dại? Ấy vậy mà ai cũng lo, lo giữ cái không thể bền bỉ, lâu dài mà vô tâm, không để ý đến phần chủ động để mặc tình nó ra sao thì ra. Chúng ta hành động như vậy là sáng suốt hay si mê? Ta nào là lo nhà cửa, lo cơm ăn áo mặc, lo tiền bạc của cải làm sao cho có thật nhiều; nhưng khi nhắm mắt ta chỉ mang theo nghiệp tốt hoặc xấu, tất cả những thứ đó ta đều phải bỏ lại hết, mà nghiệp tốt hay xấu là do tâm tạo tác mà ra.
Khi muốn làm gì thì ý phải nghĩ trước rồi thân này mới hành động. Tinh thần là cái chỉ huy, sắp đặt mọi việc trong cuộc sống nên chúng ta phải làm sao lo cho nó được thánh thiện, tốt đẹp, cao quý mới phải. Thân này vốn dĩ tạm bợ, thân chỉ là phần phụ vì tâm đoan chánh, ngay thẳng mới quyết định nghiệp tốt hay nghiệp xấu.
Lâu nay chúng ta cho thân người là thật, tâm suy tư nghĩ tưởng cũng là thật. Do mê lầm, chấp chặt như vậy nên chúng ta cứ lo tìm cách gom góp tài sản, của cải cho mình và con cháu mai sau. Đầu tiên ta chấp cảnh, sau mình chấp thân và tâm là thường, là ngã.
Vì tình chấp như thế nên Phật dạy thân người do bốn chất đất-nước-gió-lửa giả hợp mà có, song bốn chất này thường xung khắc nhau; đất ngăn ngại nước, nước xói mòn đất, nước làm tắt lửa, gió thổi thì đất rung rinh. Chúng xung khắc mà phải hợp lại nên thường sanh ra những hiện tượng bất hòa như đau yếu, bệnh hoạn. Khi chúng không dung hợp nhau được nữa thì tan rã, tứ đại phân ly; nên mới nói “có thân là có khổ”. Ai cũng có thể biết vậy nhưng làm việc gì cũng lo cho thân, ăn uống bồi bổ cũng vì thân.
Thân chúng ta những chất cứng như da, thịt, gân, xương, tóc, răng thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, mồ hôi, nước mắt thuộc về nước. Những vật có tính động như hơi thở vô, hơi thở ra thuộc về gió. Nhiệt độ trong thân như hơi ấm thuộc về lửa.
Khoa học hiện đại ngày nay phân tích thân người có hằng hà vô số tế bào, song cũng từ bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành. Từ lâu chúng ta lầm tưởng thân này là thật tôi, là của tôi, rồi cứ chấp chặt vào đó. Nếu ai đụng chạm đến “cái tôi” này thì ta liền phản ứng chống trả lại hoặc tìm đủ mọi cách để bảo vệ, vun bồi cho nó được đầy đủ, thỏa mãn.
Nhưng với tuệ giác của Phật thì Ngài thấy rõ thân do đất-nước-gió-lửa hợp lại mà thành, nếu thiếu một trong bốn chất ấy thì thân này tan rã. Song, mỗi ngày chúng ta muốn duy trì thân để được tồn tại phải ăn cơm, uống nước, hít thở không khí. Cứ thế ta vay mượn đất-nước-gió-lửa bên ngoài để bồi bổ, thay thế cho đất-nước-gió-lửa bên trong. Suốt cả cuộc đời chúng ta sống bằng sự vay mượn liên tục, khi hết vay mượn thì mạng sống dừng.
Hơi thở trả về với gió. Hơi ấm trả về với lửa. Máu, nước miếng, nước mắt trả về với nước. Da, thịt, gân xương trả về với đất. Tất cả đều rã tan, trở thành một cái xác thúi chẳng còn gì gọi là thân mạng nữa. Vậy mà ai cũng cố tâm lo cho chúng mà quên hẳn phần tinh thần.


Thích Đạt ma Phổ Giác

Phải đoạn tuyệt phiền não thị phi

Phải đoạn tuyệt phiền não thị phi

Đăng lúc: 22:39 - 04/06/2015

Hàng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, và còn ranh giới giữa Ta và Người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy, khen chê có đến muôn ngàn, và không ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật, chư Bồ Tát vì lòng đại bi mà thị hiện giữa cõi trần để độ
Hàng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, và còn ranh giới giữa Ta và Người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy, khen chê có đến muôn ngàn, và không ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật, chư Bồ Tát vì lòng đại bi mà thị hiện giữa cõi trần để độ sinh, cũng phải chịu cảnh thị phi, thương ghét.




Những sự thị phi làm cho người niệm Phật, nếu không sáng suốt, bình tỉnh, nhiều khi phải xao động mà phát sinh phiền não, gây chướng ngại cho việc hành trì.


Nếu chúng ta muốn dứt tâm thị phi, cần phải:

1. Phải xét lỗi mình, đừng nói lỗi người. Là phàm phu, ai cũng thích lời khen, ghét tiếng chê, và ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi lầm, chẳng có chi là tốt đẹp cả. Cho nên nguyên tắc của người niệm Phật là phải luôn luôn tự phản tỉnh, xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn và nói đến lỗi lầm của người khác. Xét sửa lỗi lầm của mình sẽ giúp cho mình càng ngày càng sáng. Còn nhìn nói lỗi người tất càng thêm oan trái.

2. Khi bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn mà niệm Phật nhiều hơn, chứ đừng tìm cách biện minh. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, thì ta cứ để yên, nó chỉ dơ một chút đó rồi lần lần phai nhạt, nếu lấy tay lau chùi tất sẽ hoan ố toàn diện. Bởi khi việc khinh báng xẩy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy, tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả báo. Giả sử kiếp trước mình không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi lầm, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới cùng sinh ra trong chốn ngũ trược này.

3. Người niệm Phật phải giữ vững lập trường, tin chắc nhân quả và đừng xao động vì tiếng hay, dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú dạy:

_ " Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố
Người chân chính an nhiên giữa tiếng thị phi".

Những tiếng khen, chê bên ngoài không làm cho ta tốt hay xấu, siêu hay đọa. Mà tốt, xấu, siêu, đọa đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân tố lành, thì dù người có khinh là xấu xa, tội ác, nhưng ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, nếu ta gây nhân tố xấu ác thì tuy người khác quý trọng, ngợi khen, nhưng ta vẫn phải chịu đọa lạc.

Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng:

" Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê là kém dở
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi
Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ".

HT. Thích Thiền Tâm

Cách sống để cuộc đời bạn tràn đầy ý nghĩa

Cách sống để cuộc đời bạn tràn đầy ý nghĩa

Đăng lúc: 19:39 - 03/06/2015

Mục đích của cuộc đời chúng ta là giúp đỡ chúng sinh; nếu không thế, ít nhất là không làm hại họ. Trong phạm vi công việc hàng ngày của bạn, hãy bắt đầu nó một cách trung thực, với sự chính trực. Nếu bạn làm điều đó với một mức độ gian dối, bạn sẽ không thể rút ra được ý nghĩa cốt tủy từ cuộc đời này

Một góc nhìn về sự hưng thịnh và suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ

Một góc nhìn về sự hưng thịnh và suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ

Đăng lúc: 19:36 - 03/06/2015

Làm thế nào để giải thích Phật giáo đã chinh phục được cả Á châu lại biến mất ở Ấn độ, trong khi Ấn giáo gần như không bành trướng ra khỏi Ấn độ nhưng vẫn tiếp tục sinh động trên bán lục địa này?

Tìm Tĩnh Lặng Trong Mâu Thuẩn Của Cuộc Đời

Tìm Tĩnh Lặng Trong Mâu Thuẩn Của Cuộc Đời

Đăng lúc: 20:45 - 27/05/2015

Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt. Đó là chủ yếu.

dieuPhapam full 1624

Phật dạy 8 pháp để sống an lạc

Đăng lúc: 20:44 - 27/05/2015

bao điều họa phúc, là ông chủ ra lệnh cho kẻ đầy tớ trung thành của mình để nói năng và hành động tốt hay xấu.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 46
  • Hôm nay 2,536
  • Tháng hiện tại 38,991
  • Tổng lượt truy cập 23,445,240