Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của hoa sen trên 100 cổ vật

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/05/2015 05:20 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh

Hình tượng hoa sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, trong nghệ thuật Phật giáo, trong đời sống xã hội… đều toát lên vẻ đẹp tinh túy, thanh tao.

Sáng 14/5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”, nhằm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt, góp phần phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt.

 

Ang rửa bút (thủy trì) hình lá sen. Chất liệu Ngọc. Thế kỷ 19 - 20. Một hiện vật cung đình triều Nguyễn

 

Từ lâu, hình tượng hoa sen đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Sen được dùng khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình. 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 - 9 tới thời Nguyễn (1802 - 1945) được trưng bày thành nhiều nhóm gồm: Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng, sen trên vật liệu kiến trúc, sen trong đời sống xã hội, tranh thêu đề tài hoa sen.

Trong triển lãm này, cổ vật cung đình triều Nguyễn có sen thường là đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà. Dưới bàn tay tài khéo của những người thợ, hình tượng hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo, mềm mại làm cho các đồ dùng của Hoàng gia trở nên sang trọng, quý giá.

 

Hộp đúc nổi hình sen - uyên ương bằng bạc triều Nguyễn, thế kỷ 19 - 20

 

Không chỉ trong Phật giáo, trong cung đình, sen còn hiện hữu rất phong phú đa dạng trong cuộc sống thường nhật qua sưu tập đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Vào thời Lý, Trần, Lê, hình tượng hoa sen phổ biến trên các đồ gia dụng như bát, đĩa, bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp…, làm họa tiết trang trí kiến trúc trên gạch, ngói, hay trong các tác phẩm nghệ thuật… Hình tượng hoa sen góp phần tạo nênvẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái cho từng món đồ.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Hoa sen là một loài thảo mộc tồn tại và phát triển trên mọi miền đất nước, gắn bó với đời sống và trở thành một phần trong tâm thức người dân. Hoa sen trong đời sống tự nhiên của nó, ngoài đóng vai trò như một loài hoa trang trí, còn có nhiều giá trị sử dụng. Quan trọng nhất, hoa sen mang vẻ đẹp trở thành mô típ, nguồn cảm hứng cho mỹ thuật, kiến trúc. Hoa sen cũng gần như một biểu tượng về tinh thần. Không phải tự nhiên mà chúng ta lựa chọn trong muôn loài hoa, bông sen có một cái gì đó gần gũi đến mức, có lúc chúng ta đang đặt vấn đề đó là quốc hoa của dân tộc ta. Hơn nữa, hoa sen phổ biến rất nhiều ở các quốc gia theo đạo Phật như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… cũng là một yếu tố có thể gắn kết được các cộng đồng, các nền văn hóa với Việt Nam”.

Triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 9 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia./.

Một số hình ảnh trong triển lãm:

 

Lá sen ngọc thế kỷ 19 - 20, hiện vật cung đình triều Nguyễn
Đỉnh chạm hoa sen dây cách điệu bằng ngọc, thế kỷ 19 - 20, hiện vật cung đình triều Nguyễn
Bình chạm nổi hoa sen dây cách điệu bằng ngọc, thế kỷ 19 - 20 (trái) và bình trang trí nổi sen, mai, lựu, tùng chất liệu đồng - vàng
Ấm chạm nổi hoa sen dây cùng chén, đĩa hình lá sen bằng ngọc, thế kỷ 19 - 20, hiện vật cung đình triều Nguyễn
Kiếm trang trí hoa sen triều Nguyễn
Hộp hình hoa sen baằng àng nam đá quý, thế kỷ 19 - 20
Hộp chạm lộng hoa lá trong ô cánh sen (trái) và hộp trang trí nổi băng cánh sen bằng vàng thời Nguyễn
Mũ trang trí cánh sen bằng vàng, văn hóa Chăm pa, thế kỷ 17 - 18
Chậu trang trí lá sen bằng vàng, thế kỷ 19 - 20

Chân nến hình khóm sen bằng vàng, thế kỷ 19 - 20
Hộp "Nội phủ thị lam vẽ sen, cỏ lau" bằng sứ hoa lam bịt vàng, thời Chúa Trịnh Sâm 1767 - 1782
Đĩa vẽ hoa sen bằng gốm nhiều màu, thời Lê Sơ, thế kỷ 15
Khay trang trí sen, mẫu đơn, bầu, đào, bằng đồng tráng men nhiều màu, thời Nguyễn
Gạch lát nền in nổi hình hoa sen nở mãn khai bằng chất liệu đất nung, thời Lý, thế kỷ 11 - 13
Miệng giếng chạm nổi băng cánh sen, chất liệu đất nung, thời Trần, thế kỷ 13- 14
Trang trí kiến trúc bằng hoa sen, chất liệu đất nung, thời Lý, thế kỷ 11 - 13
Tượng Bồ tát Chuẩn đề ngồi trên tòa sen bằng đồng khảm tam khí, thế kỷ 19 - 20
Tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen bằng gỗ sơn, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 - 18

 

Hà Phương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 4
  • Tháng hiện tại 61,758
  • Tổng lượt truy cập 23,468,007