Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cứu người mà không sát vong

Cứu người mà không sát vong

Đăng lúc: 22:06 - 26/09/2017

Khóa tu chỉ có bảy người, trong đó có hai tu sĩ (đã xuất gia từ thuở nhỏ), còn lại là nam cư sĩ. Cả đoàn lặng lẽ lên núi, trú nhờ nơi gian nhà tổ của một ngôi chùa. Chùa xa và nghèo, nên chùa vắng; thuận tiện cho khóa tập; duy chỉ không có người “phục vụ” nên đoàn phải mang theo lương thực-thực phẩm đủ dùng cho hơn một tháng. Mỗi ngày, công việc chính của đoàn là bốn thời thiền tọa, mỗi thời khoảng hai giờ. Thời gian còn lại dành cho việc chẻ củi, lặt rau, bếp núc… Nghĩa là không có thời giờ trống…

aminhhoa.jpg
Ảnh minh họa
Khoảng giữa khóa thiền, một hôm có đôi vợ chồng đến gặp thầy, dắt theo người con gái để nhờ thầy trị bệnh. (Không biết do đâu mà dẫn đến việc nhờ trị bệnh này, vì khóa thiền diễn ra rất âm thầm!). Người con gái khoảng hơn hai mươi tuổi, sắc mặt hồng hào, không có vẻ gì là người có bệnh. Bệnh, theo lời đôi vợ chồng nói, là không hiểu sao, ngày nào người con gái cũng múa hát cười cợt lung tung…

Nhìn chăm chú người con gái giây lát, thầy hỏi: Có phải cháu thích ăn kẹo bánh và cứ chiều chiều, là cháu mới lên cơn, phải không? Đôi vợ chồng thưa: Quả thế thật. Cháu còn thích mặc áo quần đẹp nữa. Gia đình đã đi tìm thầy chữa hơn ba năm rồi mà thầy nào cũng… lắc đầu. Nhờ thầy làm ơn làm phước…

Thầy bảo hai vợ chồng đưa cháu về, vài hôm sau sẽ gặp lại.

Đêm ấy, thầy khó ngủ, cứ đi đi lại lại trước sân chùa…

Trong buổi uống trà sáng hôm sau, mấy huynh đệ được thầy cho biết, người con gái ấy bị một vong trẻ con đeo bám lâu ngày nên mới có những biểu hiện như thích ăn bánh kẹo, thích mặc áo quần mới… Thầy đang phân vân, chưa chọn được cách giải quyết chu toàn.

***

Mấy ngày sau, cả nhà người con gái ấy trở lên núi. Thầy cho bệnh nhân ngồi chính giữa bộ phản gỗ lớn đặt bên phải gian nhà Tổ, hai bên và phía sau bệnh nhân, thầy bảo ba huynh đệ cùng đặt tay lên lưng và hai vai người bệnh; thầy ngồi đối diện với người bệnh. Thầy bắt ấn, lâm râm trì chú rồi nói lớn: Đi, đi ra khỏi đây ngay, đi mà tìm nơi tu tập, nếu không ta sát! Vừa dứt lời, thầy đánh mạnh vào bệnh nhân…

***

Khi khóa thiền sắp kết thúc, gia đình bệnh nhân lại lên núi để báo tin, rằng sinh hoạt của con gái họ đang dần dần trở lại bình thường. Các huynh đệ đều chúc mừng, mong họ thêm vững lòng tin vào Phật pháp. Thầy cũng chân thành bày tỏ, rằng cái vong đeo bám cô gái là một vong hiền, nên thầy mới có thể “gọi” nó rời bỏ khỏi thân thể cô ấy. Và điều khiến thầy phải đắn đo khi trị bệnh, là làm sao vừa giúp được bệnh nhân mà vẫn không làm thương tổn đến cái vong ấy. Bởi vì nó cũng không có ác ý làm hại người bệnh, nó cũng chỉ là nạn nhân của chính những nghiệp quả đã gieo, đang trôi lăn trong dòng luân hồi u u minh minh bất tận. Thầy lưu ý cho tất cả huynh đệ hiểu-nhận sâu sắc rằng, mỗi một ấn quyết và thần chú đều có công năng riêng nhưng điều chủ yếu là phải dùng tâm từ để điều khiển khi sử dụng ấn chú vào những mục đích tốt đẹp nhằm cứu giúp người khác. Nếu đi lệch khỏi động cơ và mục đích ấy, mọi việc làm đều trở nên vô nghĩa, vô ích và có hại cho bản thân, vì nó chỉ làm tăng thêm cái “ngã” mà thôi. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi người trong việc nhận thức về những thế giới tồn tại bên cạnh đời sống hàng ngày của con người, là sự tôn trọng đối với họ…

Buổi sớm mai, tiết trời se se. Còn lại mãi trong sâu xa của tất cả huynh đệ ngày ấy, là hình ảnh thầy vừa nâng tách trà nóng, vừa từ tốn: Đức Khổng phu tử đã từng dặn rằng: Kính quỷ thần nhi viễn chi! (Đối với quỷ thần thì kính trọng nhưng nên tránh xa). Ngài còn nói: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã (Luận ngữ), có nghĩa là những kẻ vừa mới nghe giảng Đạo rồi đi thuật lại liền sau đó, thì xem như bỏ mất cái đức nơi mình, cũng có nghĩa là, người học Đạo cần phải có sự trải nghiệm chứ không chỉ nghe suông nói suông...
Nguyễn Đông Nhật

Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddhartha

Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddhartha

Đăng lúc: 14:56 - 02/01/2017

Đêm Bồ-tát Siddhartha vượt thành xuất gia, cả hoàng thành Kapilavatthu chìm trong im ắng và hoang lạnh. Không khí chia ly buồn thương man mác như bao trùm khắp các ngã đường của kinh thành mỗi nơi Ngài đi qua. Bồ-tát Siddhartha cảm nhận rất rõ ràng dù Ngài không hề ngoái lại.


Siddhartha quyết tâm ra đi với tất cả nhiệt huyết của tuổi xuân, quyết tìm ra chân lý để giải quyết vấn đề khổ đau sinh tử cho mình và cho cả muôn loài.
Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddhartha
Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddhartha
Sau khi vượt sông Anomà, Siddhartha cởi hoàng bào, cắt tóc trao cho Channa đem về trình báo phụ hoàng, tạm biệt người hầu cận trung thành và ngựa Kanthaka yêu quý, Ngài nhắm rừng xanh thẳng tiến. Người thanh niên, vị đông cung thái tử đã để lại phía sau tất cả dư âm của một đời sống vương giả, hiện thân làm đạo sĩ lang thang trong rừng xanh núi thẳm, với lộ trình phía trước dường như vô định, chưa biết về đâu.

Năm năm tầm sư học đạo, bấy giờ Bồ-tát còn được gọi là đạo sĩ Gotama đã gặp hai vị thầy nổi tiếng đương thời, đó là Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Tại đạo tràng của đạo sư Alàra Kàlàma, Bồ-tát Siddhartha đã chứng được Vô sở hữu xứ, một thiền chứng thâm sâu thuộc tầng thứ ba của Tứ không định. Đạo sĩ Gotama được mời ở lại để lãnh đạo, dẫn dắt đồ chúng nhưng Ngài thấy rằng: “Giáo lý này không dẫn đến buông xả, không tận diệt ái dục, không dẫn đến chấm dứt, không dẫn đến thanh bình an lạc, trực chứng, giác ngộ và Niết Bàn” nên từ giả ra đi.

Rời Alàra Kàlàma, Bồ-tát lần tìm đến với đạo sư Uddaka Ràmaputta. Tại đây, đạo sĩ Gotama đã chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiền chứng cao nhất trong tam giới và trong tất cả các đạo sĩ đương thời. Uddaka Ràmaputta cũng thỉnh cầu đạo sĩ Gotama ở lại lãnh đạo đồ chúng nhưng Bồ-tát vẫn thấy rằng thiền chứng này tuy rất thậm thâm nhưng vẫn chưa đạt đến giác ngộ và Niết-bàn, nên giả từ ra đi.

Với thời gian dài đến năm năm, tuy không đạt được giác ngộ tối hậu nhưng Bồ-tát Siddhartha đã thành tựu kinh nghiệm về thiền định, nhất là thiền Chỉ với các thiền chứng của Tứ không định rất sâu xa, tịch tịnh. Lúc rời xa vị thầy Uddaka Ràmaputta danh tiếng nhất, kỳ thật Bồ-tát cũng không biết phải nương tựa vào ai. Trong tận cùng của niềm cô độc, tiếng gọi khổ hạnh bỗng trở nên réo rắt gọi mời. Trong tín niệm đương thời, các đạo sĩ luôn đề cao khổ hạnh, xem đó là cửa ngõ duy nhất để diệt trừ tất cả tội lỗi cũng như phiền não, mở toang cánh cửa u tối vô minh, thành tựu giải thoát tối hậu.
Những khu rừng xanh tốt và thâm u xứ Uruvela là thánh địa của những đạo sĩ khổ hạnh. Đạo sĩ Gotama tìm đến để thực hành khổ hạnh cùng với năm người bạn đồng tu, nhóm đạo sĩ Kondanna. Thêm sáu năm trường khổ ải, đạo sĩ Gotama đã tận lực đi theo con đường khổ hạnh, tự đọa đày. Ngài tinh tấn đến độ vượt thắng tất cả mọi hình thức khổ hạnh của các đạo sĩ đương thời, có thể nói là bậc đệ nhất khổ hạnh và đỉnh cao là ngấp nghé bờ vực của sự tự hủy diệt. Trong tình trạng sắp đối diện với cái chết, đạo sĩ Gotama chợt nhận ra rằng: Khổ hạnh không đưa đến giác ngộ. Đời sống vương giả của bậc đế vương hưởng thọ dục lạc là chìm đắm trong sanh tử thì đã đành nhưng đời sống khổ hạnh đến tận cùng cũng chỉ làm thân thể suy kiệt, tinh thần héo úa và nhất là bế tắc trong việc khai mở tuệ giác, chỉ phí công vô ích mà thôi.

Bồ-tát Siddhartha tiếp tục trầm tư về con đường đưa đến giác ngộ. Có một đạo lộ nào khác nữa chăng? Nhớ đến thời thơ ấu, trong buổi lễ hạ điền Ngài đã thể nhập Sơ thiền, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh. Một ý tưởng sáng chói chợt hiện ra nơi Ngài là hướng nội và xả ly. Đạo sĩ Gotama liền quyết định từ bỏ khổ hạnh, thọ dụng bát sữa của Sujata, tắm rửa ở dòng sông Neranjara, bắt đầu một phương pháp thực tập hướng nội theo tinh thần Trung đạo, tránh xa hai cực đoan. Sau khi sức khỏe được hồi phục, tinh thần minh mẫn, định tỉnh trở lại, Bồ-tát Siddhartha đến cội bồ-đề hạ quyết tâm thiền định.
Trong lúc Bồ-tát phát đại nguyện dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ thì không rời khỏi cội bồ-đề thì nhóm đạo sĩ Kondanna từ bỏ Ngài ra đi. Họ khinh ghét Ngài vì đã thối thất, không đi đến tận cùng con đường khổ hạnh. Còn lại một mình trong rừng thiêng nước độc, bốn bề hoang lạnh, đối diện với vô vàn hiểm nguy, Bồ-tát thể nhập thiền định với quyết tâm sắt đá, ý chí kim cương. 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội bồ-đề là cuộc chiến hàng phục nội ma và ngoại chướng vô cùng cam go và cuối cùng Ngài đã chiến thắng.

Trong đêm cuối cùng, trước khi tuệ giác bùng vỡ, kinh sách ghi rằng Bồ-tát hướng đến giác ngộ tối hậu bằng cách tuần tự nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Trên nền tảng Tứ thiền, Bồ-tát vận dụng “tâm định tỉnh, thanh tịnh, không còn ô nhiễm, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, dễ xử dụng, giác tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển”, hướng tâm ấy về tuệ giác “Hồi nhớ những kiếp sống quá khứ”. Ngài liền nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ với đầy đủ các chi tiết. Ðó là tuệ giác đầu tiên, Túc mạng minh, Bồ-tát Siddhartha chứng ngộ vào lúc canh Đầu, đêm Thành đạo.
Tuệ giác và tịnh lạc đã phát sanh, nhưng Bồ-tát vẫn giữ chánh niệm, tự giác tỉnh, tiếp tục hướng tâm ấy về “Sự hiểu biết hiện tượng sanh và diệt của chúng sanh”. Ngài thấy rõ chính hành vi tạo tác của mỗi người là tác nhân đưa họ sanh tử luân hồi trôi lăn trong ba cõi. Bồ-tát chứng Thiên nhãn minh, tuệ giác thứ hai vào canh Giữa, đêm Thành đạo.
Ngài tiếp tục hướng tâm ấy đến “Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các lậu hoặc”. Vào canh Cuối của đêm Thành đạo, lúc sao Mai vừa mọc, Bồ-tát chứng được Lậu tận minh. Màn đêm tăm tối của dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu đã bị phá tan và trí tuệ bùng phát. Ngài biết rằng: “Ta đã được giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại đời này nữa”. Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đây, Ngài được tôn xưng là Đức Phật với mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.
Trải qua vô lượng kiếp hành Bồ-tát đạo, và trong kiếp hiện tại Bồ-tát Siddhartha cũng phải bao phen khó nhọc, dám hy sinh cả thân mạng mới có ngày huy hoàng, thành Bậc Giác Ngộ, Thế Tôn, Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ-đề.
Có thể xem Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh) là nội dung chứng ngộ của Bồ-tát Siddhartha trong đêm Thành đạo. Tam minh là tuệ giác của thiền Quán được Đức Phật phát triển và thành tựu dựa trên nền tảng thiền Chỉ của Tứ thiền. Chính sự khám phá này của Thế Tôn, về sau đã trở thành nguyên tắc cơ bản cho sự tu tập và thăng chứng của các Tỷ-kheo đệ tử.

Kinh Đại Sư Tử Hống (Trung Bộ I) tóm tắt lộ trình tu tập của vị Tỷ-kheo bằng cách chứng nhập từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi từ Tứ thiền chuyên tâm tu tập thiền Quán vô ngã, vô thường, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu.

Có một đạo lộ khác để thành tựu giác ngộ là từ Tứ thiền, hành giả tiếp tục đi sâu vào Tứ không định. Tuy nhiên, Thế Tôn thường cảnh tỉnh phải xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ để nhập cảnh giới Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu. Tốt nhất là nên dừng lại ở Vô sở hữu xứ, rồi tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) để băng đến Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu (Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, tr.229).
Như vậy, dù Bồ-tát Siddhartha đã trải qua vô lượng kiếp tu tập Bồ-tát đạo, mang trong mình năng lực và bản nguyện của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ nhưng nội dung tu tập và chứng ngộ của Ngài thật cụ thể, rõ ràng mà hàng đệ tử hậu thế có thể lần theo dấu xưa để thành tựu Thánh quả A-la-hán.
Mặt khác, Tứ thiền và Tứ không định tuy là những thiền chứng của ngoại đạo hoặc là những dạng thức thiền Chỉ, theo Phật giáo, nhưng có vai trò rất quan trọng, làm nền tảng cho thiền Quán để phát huy tuệ giác nhằm thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn.
Chính thiền Quán với tuệ minh sát có năng lực soi chiếu phá tan si ám về tự ngã, thường hằng để thấu triệt sự thật vô ngã, vô thường của vạn pháp đồng thời làm sụp đổ những kiết sử căn bản vốn là thành trì của sanh tử luân hồi nhằm chứng đạt giải thoát tối hậu, chính là phát kiến vĩ đại của Bồ-tát Siddhartha.
Nếu không có phát kiến thiền Quán thì Bồ-tát Siddhartha không thể thành đạo, thành Phật cũng như không có đạo Phật ở thế gian này.

Cho nên, Phật không thành đạo mà chỉ có Bồ-tát Siddhartha thành đạo. Và thiền định Chỉ-Quán từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn là tinh túy, cốt tủy của pháp hành trong Phật giáo có tác dụng chuyển hóa, đưa hành giả từ phàm phu lên Thánh vị.


Quảng Tánh / Phật học đời sống

Tâm yên không phải là vô cảm

Tâm yên không phải là vô cảm

Đăng lúc: 06:34 - 30/06/2016

Khi đề cập đến sự bình tâm, tâm yên, điều quan trọng là đừng nhầm lẫn nó với sự vô cảm. Đúng hơn, bình tâm là một trạng thái tâm mà trong mối liên hệ với người khác, người ta thoát ra khỏi những thành kiến có gốc rễ rất sâu liên quan đến sự đam mê thái quá hoặc ghét bỏ thái quá.
ducphat1.jpg

Có hai phương pháp chính để thực tập sự bình tâm. Một phương pháp giống như khi làm vườn, người ta san bằng đất đai để cây cối chúng ta trồng mọc đều và tươi tốt. Mục đích của nó là xóa bỏ khuynh hướng của chúng ta quen định nghĩa mối tương quan giữa chúng ta với người khác theo các tiêu chí bạn, thù, người lạ. Phương pháp thứ hai là phát triển nhận thức về sự bình đẳng căn bản giữa mình và người khác: tất cả đều là những con người với khát vọng hạnh phúc và mong ước tránh khổ đau (…)

Những người mà chúng ta xem là kẻ thù hôm nay, có thể sẽ không còn như thế trong tương lai, và những người bạn ngày nay, ngày mai có thể cũng không còn như thế. Hơn nữa, cảm giác của chúng ta đối với những bạn bè, chẳng hạn như yêu mến, có thể gây rắc rối cho chúng ta, trong khi đó thì tương tác với kẻ thù lại có thể đem đến lợi ích, làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn. Suy nghĩ về những sự phức tạp như vậy có thể đưa bạn đến những suy nghĩ về tính chất vô ích khi quan hệ với người khác theo những thái độ cực đoan - cho dù họ thuộc nhóm thứ ba, hay thậm chí là nhóm thứ nhất.

Một khi chúng ta thấy rằng mối quan hệ với người khác như thế ngăn cản bản thân phát triển thiện chí đối với họ và tạo ra một tác động tiêu cực trên tâm trí của mình, chúng ta sẽ cố gắng làm giảm bớt sức mạnh của các cảm giác mang tính chất cực đoan. Qua một thời gian, trong mối quan hệ với người khác, chúng ta sẽ không còn liệt họ vào nhóm bạn bè hay kẻ thù nữa, mà như những đồng loại, những con người với tính chất bình đẳng căn bản.

Dalai Lama (theo Bên ngoài tôn giáo

Buông bỏ - Thành tựu pháp Không - Hành Bồ-tát đạo

Buông bỏ - Thành tựu pháp Không - Hành Bồ-tát đạo

Đăng lúc: 20:18 - 13/06/2016

Phật tu, buông bỏ tất cả, chỉ có một bình bát, một ca-sa, nhưng mọi người kính trọng Phật.
GN - Đức Phật là vị đại lương y, chỗ chứng ngộ của Phật, hiểu biết của Phật không thể đem dạy người. Ý này Phật khẳng định trong kinh Pháp hoa rằng Ngài không thể nói chân lý, vì chúng sanh không hiểu được, sẽ sanh tâm hủy báng.
Có thể chia mọi người trên cuộc đời này thành ba bậc. Bậc một là chúng sanh ở trong sáu đường sinh tử luân hồi, Phật nói họ như người mù, đương nhiên không làm được gì. Vì vậy, họ phải lo chữa bệnh trước, ví như người bị trúng tên độc, phải nhổ mũi tên và chữa lành vết thương, còn lo tìm nguyên nhân ai bắn tên, có mục đích gì, thì chưa nghĩ ra được đã chết.
Đối với chúng sanh trong sáu đường sinh tử, Phật chữa cho họ thoát khỏi bệnh nghiệp, nên Ngài nói Đạo đế, đó là phương thuốc chữa bệnh cho tất cả mọi người ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì vậy, dù tu pháp môn nào cũng phải kiểm chứng xem chúng ta có được thành quả này hay không.
Tại sao chúng ta khổ, phải có phương pháp trị liệu là Đạo đế, Khổ đế là nghiệp bệnh của chúng ta. Kết hợp Khổ đế và Đạo đế để chúng ta tu. Phật nói có 84.000 pháp môn tu, bệnh nào có thuốc đó.
Đầu tiên, Phật dạy người tu phải buông bỏ. Không buông bỏ, dù tu pháp gì cũng sẽ bị đọa. Phật tử sai lầm nghĩ mình tu Pháp hoa, hay tu Thiền cao siêu, nhưng cố chấp, không buông bỏ, thì cố chấp nhiều sẽ khổ nhiều, rồi than tại sao tu mà khổ, đó là uống lầm thuốc, nguy hiểm. Thí dụ người bị cảm phải giải độc trước, dùng thuốc tẩy độc trong cơ thể, nhưng không đẩy được chất độc ra, mà cho thuốc bổ vào là chết. Cũng vậy, tu sai, cuối cùng bị đọa.
Thầy có người bạn khoe rằng đã tụng một trăm bộ kinh Pháp hoa, nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt, nhưng không tốt, làm không được tiền, không có nhà ở, tìm nhà trọ cũng không ra. Ông hỏi tại sao tụng một trăm bộ kinh Pháp hoa mà còn khổ hơn lúc chưa tụng kinh. Thầy nói anh đã uống lầm thuốc, thấm vào tim, gan, não rồi. Phải lo giải quyết bệnh tim, gan, não trước.
Phật biết chúng sanh mắc bệnh chấp là nghiệp nhiều, nên Phật dạy phải phá chấp, làm sao lòng chúng ta trống hết. Nghĩa là đầu tiên, chúng ta phải nghĩ rằng mình không là gì hết, dù tụng một ngàn bộ kinh cũng chưa được gì khi còn ôm một khối nghiệp chấp.
Điều chính yếu là pháp Phật dạy chúng ta giải thoát. Nếu tu lâu mà cố chấp nặng, thực tế là tuổi lớn, ở chùa lâu, gặp người nhỏ tuổi xem thường, mình dễ buồn giận. Thầy thường kiểm chứng khi người xúc phạm, mình có thanh thản không, phải trở về pháp căn bản là quán không. Không này từ trí giác của Phật mà ra. Sống với bản giác, hay chơn tâm, mới trụ pháp không, thấy mình không là gì.
Kinh nghiệm của Phật cho chúng ta thấy, Ngài giàu nhất, thông minh nhất, hảo tướng nhất, khỏe mạnh nhất… Tất cả cái gì Phật cũng nhất, nhưng Ngài ôm bình đi khất thực, sống chung với Sa-môn nghèo đói, lang thang. Có thời gian thầy tu cũng tập hạnh đầu-đà để xả ly. Khi mới đi khất thực, thầy cũng cảm thấy xấu hổ, tự ái, liền cắt bỏ cảm nghĩ phiền não này. Trên bước đường tu, trải qua năm năm, mười năm, không buồn giận, lo sợ, an trú pháp Không. Đụng chạm nhiều tất yếu sanh phiền não, nhưng mình cắt bỏ lần, cho đến không còn gì tác hại được tâm mình.
Năm 1975, có người nói thầy chết đến nơi mà không lo. Lúc đó, thầy đang thể nghiệm pháp tu Thiền, đang quán pháp Không, coi sống chết bình thường. Bạn thầy lo sợ quá, vượt biên, chết trên biển. Người khác vượt biên được, nhưng ở nước ngoài rồi cũng chết. Đến lúc chết thì lo cũng chết, nhưng lo sợ mà chết dễ bị đọa. Tâm hồn sợ hãi, hốt hoảng là cửa địa ngục mở ra. Lo tính đủ cách, nhưng không thoát, đọa ngạ quỷ. Tim cách đối phó, nhưng không được, đọa A-tu-la.
Tu pháp Không là không buồn, giận, lo, sợ, đó là nguyên tắc đầu tiên mà Phật dạy ra khỏi sinh tử. Chỉ giữ tâm thanh tịnh, nếu chết, ta về Phật được. Nói cách khác, thầy chuẩn bị chết nhiều hơn sống, nhưng không chết. Bây giờ, thầy cũng chuẩn bị sẵn để chết, vì Phật dạy thở ra mà không hít vào là chết. Chuẩn bị là giữ tâm thanh tịnh, lúc nào cũng có Phật, thì chết chắc chắn về Phật.
Pháp căn bản là Tứ niệm xứ, vì vậy, không đạt được thành quả từ pháp tu này, tất cả việc khác đều trở nên vô ích. Chất độc trong người phải giải. Độc phát xuất từ lòng tham, tham muốn ngũ dục, ham tiền, ham sắc, ham danh, ham ăn, ham ngủ. Càng ham nhiều thì khổ nhiều, không ham không khổ, dứt khoát như vậy.
Phật bỏ ngai vàng, danh lợi, tài sản…, coi có tiếc không. Bỏ hết, không bị những thứ này chi phối là quá trình tu của Phật và Ngài dạy mình cuối cùng bỏ luôn khen chê bên ngoài của thiên hạ để xem lòng mình có bị tác hại không, tâm phải thanh thản. Mình không làm việc xấu, nhưng họ dán lên mình thì “tức chết”. Phải bỏ cái “tức chết”.
Phật dạy nếu mình kiểm chứng thấy họ nói đúng, thì phải coi họ là thầy chỉ lỗi cho mình, nên phải sửa đổi. Còn tu, cứ nghĩ rằng mình đúng, họ nhỏ nhưng chỉ thẳng nghiệp mình, phải cám ơn họ, nhờ họ mà mình không tái phạm lỗi đó nữa.
Theo Phật giáo Nguyên thủy, Đề Bà Đạt Đa hại Phật đủ cách, nhưng trong kinh Pháp hoa, Phật nói Đề Bà Đạt Đa là ân nhân của Phật, vì có Đề Bà Đạt Đa làm đối tượng để Ngài tự rèn luyện tâm hoàn toàn trong sạch. Nếu không có thử thách làm sao biết mình trong sạch hay không.
Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, người ngoại đạo chê trách Phật, sau này họ trở thành đệ tử Phật và trung thành với Phật, vì cảm thấy hối hận đã nói xấu để hại Phật.
Theo thầy, người nói lỗi mình không đúng, buộc lòng họ phải nói lại. Thực tế cho thấy, khi nghe nói sai về mình, người ta thường tìm đến coi thực hư ra sao, nhưng thấy mình tốt thì họ cũng theo mình.
Ngoại đạo nói xấu Phật, người tìm đến Phật, rồi quy y Phật. Như vậy, nói xấu cũng như quảng cáo cho mình. Chỉ sợ mình xấu, nhưng người ta lại nghĩ mình tốt. Phải sợ phạm lỗi lầm mà biết sửa mình. Họ nói mình tốt, nhưng chưa tốt thì phải ráng sao cho mình tốt.
Phật ví thân tứ đại ngũ uẩn như chiếc áo dơ bẩn có chứa viên ngọc quý bên trong, nghĩa là chân tâm mình bị ngũ uẩn bao che, làm mình không sáng suốt. Tất cả người tu sám hối là chữa bệnh, tức giặt áo dơ thì thân tâm mình sạch. Nhưng làm sao biết đã sạch. Muốn biết, Phật nói lấy xã hội làm tấm gương soi bóng. Nếu mình tốt thiệt, người ta sẽ cư xử tốt với mình. Cứ xem phán đoán của người mà biết mình thế nào.
Phật bảo tu hành phải nhìn vô, đừng nhìn ra. Vì vậy, tu phải thấy lỗi mình, không thấy lỗi người, vì thấy lỗi người, mình sẽ khi dễ họ là tâm ác mình sanh ra, thì về sau mình cũng sẽ phạm lỗi như họ vậy. Nhiều lúc, thầy nghĩ lắng lòng xuống để nhận xét, thấy người nói đúng, mình phải sửa cho mình đúng, thì người sẽ không nói được, hay có nói cũng không ai nghe.
Làm sao giặt giũ thân và tâm cho sạch và tâm sạch, Phật nói sẽ hiện hảo tướng. Đức Phật có 32 tướng tốt. Ai cũng là người, nhưng người hiện hảo tướng là do giữ giới, tức những gì mà người không thích thì mình không làm, điều gì người quý, mình cố gắng làm.
Nhiều người hiểu lầm hảo tướng là tướng tốt thiệt, nhưng hảo tướng luôn biến đổi, làm tốt thì người kính trọng, mai kia làm dở, họ không kính nữa. Hảo tướng không cố định, do tu tạo mà được, biết vậy, phải cố gắng giữ, không cho mất.
Tu đúng, hảo tướng hiện là thân được kết hợp bằng phước đức. Muốn thấy hảo tướng, thầy dùng pháp tu Sám hối Hồng danh là lạy Phật, đem Phật vào lòng, lúc nào tâm mình cũng thấy Phật là thấy hảo tướng và khi thể nghiệm pháp này thuần thục, thầy thấy ai cũng là Phật. Có người nói rằng người này không tốt, nhưng ai đối với thầy cũng tốt, vì lòng thầy đang nghĩ Phật, nên thấy Phật và Phật này ở trong lòng người khác. Vì vậy, thầy nghĩ họ tốt, nên họ tốt với thầy. Mình nghĩ người xấu, chắc chắn họ không thể tốt với mình. Dù họ không tốt, nhưng mình nghĩ tốt, họ cũng có cảm tình với mình.
Thể hiện lý này, Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát rằng vào địa ngục mà không thấy ai tốt, thì không nên vào địa ngục. Sợ nhất bị lây nhiễm là thấy điều không tốt đem vào lòng mình, mai mốt mình cũng không tốt. Phật khuyên Địa Tạng vào địa ngục cố tìm điểm tốt nhất của người, dù họ có một ngàn điều xấu cũng không nghĩ đến, chỉ thấy một điểm tốt của họ thôi.
Địa Tạng hỏi một ngàn điều xấu bao vây điểm tốt nhỏ thì làm sao thấy cái tốt. Phật nói hạt châu của ông để đâu. Chúng ta thấy tượng Địa Tạng cầm hạt châu. Tâm chúng ta thanh tịnh, sáng suốt, ví như hạt châu thấy được thật tướng các pháp, tất nhiên thấy được một điểm tốt nhỏ là nhờ hạt châu.
Phật tử vào đời cứu chúng sanh, nhớ cầm hạt châu trên tay mà nhìn. Kinh Pháp hoa nói hạt châu để trong chéo áo, trong thân tứ đại, nhưng cùng tử không bao giờ dùng mà đi làm thuê mướn, đói khát. Phật dạy chỉ giữ hạt châu, còn tất cả thứ khác thì buông bỏ. Thầy thường nói trên bước đường tu, thầy nhường quyền lợi, danh vọng, địa vị… nhường tất cả cho thiên hạ, còn học và tu thì không nhường, hạt châu không cho ai. Sử dụng được hạt châu rất quan trọng.
Có chỗ, Phật nói hạt châu trong búi tóc trên đầu. Đầu chúng ta nghĩ lung tung phải khổ. Bao giờ lấy hạt châu cầm trong tay, thấy được mọi việc đúng như thật, thấy được điểm tốt của người thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và thanh thản. Theo kinh nghiệm của thầy, nếu thầy không thấy điều tốt của người, chắc chắn không ai theo thầy. Đơn giản là Phật tử còn về chùa tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp là tốt rồi, cái khác không kể. Còn quyên góp làm người sợ là tâm mình tham, muốn người làm, nhưng người chưa phát tâm, không làm thì mình lại nghĩ họ xấu.
Có Tỳ-kheo hỏi Phật rằng ông đang tu quán pháp không, có con rồng tới, ông cảm thấy bị phiền hà. Rồng làm mưa làm gió, tiêu biểu cho người có quyền thế, ngày xưa chỉ cho vua. Người tu đắc đạo có sức thu hút người, vua cũng tới.
Phật bảo ông muốn nó không tới thì xin hạt châu của nó. Có hạt châu mới làm rồng, không có hạt châu thành rắn. Còn phước đức, trí tuệ thì còn làm mưa làm gió, mất phước đức, trí tuệ trở thành người thường.
Trước rồng hỏi thầy Tỳ-kheo cần gì, nó sẽ cúng dường. Ông nói không cần gì thì nó lại tới. Nhưng nghe lời Phật dạy, ông nói cần hạt châu của long vương, nghe vậy, long vương vội vàng rút lui.
Khi chúng ta không cần, tất cả mọi việc tốt tự nhiên tới theo phước đức, nhưng cần là tham vọng, tất cả mất hết.
Nhìn người qua hạt châu, thấy rõ người và về sau, không cần nữa, đem hạt châu để trên búi tóc, là Bồ-tát Địa Tạng làm như vậy, thì khi Ngài suy nghĩ điều gì, cái đó hiện ra, gọi là Phật hộ niệm. Theo kinh nghiệm hành đạo, khi khó khăn, thầy lắng lòng, nhận được trí tuệ Phật rọi vô lòng, thấy được lối thoát, thấy được hướng đi.
Giai đoạn một, tu hành, xả tục, xuất gia, tập bỏ hết. Đức Phật bỏ tất cả, Ngài làm Sa-môn, coi tâm có vắng lặng không. Chúng ta theo Phật tu, nếu không thực tập như vậy, thì nghĩ ở nhà mình được đầy đủ, nhưng tu buồn quá, cảm thấy tiếc, muốn trở về là hỏng.
Thầy nhớ thuở nhỏ, đi học về, không có thức ăn ngon, là giả bệnh. Bà ngoại rất thương thầy, sờ đầu thầy coi có bị sốt không, rồi làm đồ ăn ngon cho thầy, mà thầy cũng không ăn. Nhưng tu, vô chùa, mình bệnh thiệt, không lên quả đường được. Thầy khác bưng cháo trắng và muối cho thầy. Thấy vậy, thầy nhớ lúc chưa đi tu được bà ngoại chìu chuộng, săn sóc, nên tủi thân, không muốn ăn cháo trắng với muối. Hết giờ, không ăn thì người ta dẹp cháo, lúc đó, thầy vội nói tôi chưa ăn mà!
Đức Phật nói người giàu đi tu, khó vượt được tự ái này. Cha mẹ giàu có, sống sung sướng, tu khổ hạnh khó lắm. Điều quan trọng, phải vượt qua cửa ải này mới vào đạo được.
Về sau, khá hơn, thầy được làm thị giả Hòa thượng Thiện Hoa. Một hôm có bát cháo nấm chỉ cúng dường Hòa thượng Giám đốc (HT.Thiện Hòa) và Hòa thượng Trưởng ban (HT.Thiện Hoa). Thầy bưng cháo lên, Hòa thượng Thiện Hoa nói cho con. Thầy bưng ra, gặp thầy khác mở nắp cháo coi, ngửi mùi cháo rồi nói cháo này ngon lắm. Thầy nhớ Phật dạy rằng bần cùng bố thí nan, nghĩa là người nghèo bố thí khó. Món ngon nhất mình được thầy cho mà người khác muốn ăn, thầy liền nghĩ mình theo Phật tu phải thực tập điều Phật dạy, nên thầy nói tôi không ăn cháo, huynh ăn đi. Thiệt mình cũng muốn ăn, nhưng phải cắt cái tâm muốn ăn để bố thí, là vượt được cửa ải này.
Người giàu đi tu, thường nhớ việc sang trọng của quá khứ. Nghèo khổ thì bố thí cũng khó. Phải vượt qua hai cửa ải này, một lần vượt được một cửa ải thì người sẽ thương mình, đó là hảo tướng, đức tướng trang bị cho mình. Không phải khuôn mặt đẹp là hảo tướng. Đức Phật trải qua vô số kiếp cứu độ chúng sanh, tạo thành một hảo tướng do người khác nhìn thấy Ngài là ân nhân của họ, nên có cảm tình với Ngài.
Qua pháp Tứ chánh cần, làm sao gieo vào lòng chúng sanh ý niệm tốt nhiều chừng nào thì tốt chừng đó.
tuong but.jpg
Trong Sám hối Hồng danh, Phật dạy rằng phải sám hối tất cả tội lỗi quá khứ như trộm của người, của mười phương Tăng, hay của thường trụ, tất cả các tội có che giấu, hoặc không che giấu đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nơi chốn biên địa, nghèo khổ, đọa đày…
Phải tự kiểm lại xem mình có phạm tội như vậy không. Thầy sanh vùng biên địa, nghèo khổ, nên nhớ Phật dạy, nhiều kiếp trộm của người, nợ người thì sanh kiếp này nghèo đói, khổ sở. Hơn thế nữa, trộm của thường trụ thì tu vẫn nghèo đói. Nhiều người nghĩ tu thì không bị nghèo đói, nhưng thực tế cho thấy có vị tu được cúng dường, có vị tu bị chửi mắng, hay bị nghèo đói, vì đã phạm tội trộm của Tăng, của thường trụ. Vì vậy, chí thành sám hối, cầu Phật chứng minh, hết tội thì không còn ai ghét, rồi mới làm việc khác là hành bố thí, tu tịnh hạnh làm gương cho đời.
Phật tu, buông bỏ tất cả, chỉ có một bình bát, một ca-sa, nhưng mọi người kính trọng Phật. Phật nói không phải quyền thế, tiền bạc, hay mua chuộc mà được, nhưng là đức hạnh do tịnh hạnh nhiều đời đã thực hiện, nên đã gieo hạt giống lành vào tâm chúng sanh từ kiếp xa xưa, thì kiếp này, họ tự phát tâm và quý trọng Phật. Đó là pháp tu Phật đã trải qua và dạy chúng ta. Nếu mình thực hành đúng theo Phật dạy, sẽ đạt kết quả tốt.
Trước khi làm như vậy, phải giặt áo dơ tứ đại cho sạch, người thương và quý trọng mới làm được. Họ chưa thương, làm gì cũng không ai nghe theo. Vì vậy, từ phàm phu ở giai đoạn một cho đến chứng quả A-la-hán, phải tu pháp không. Chứng A-la-hán, thực tế là nhìn đời của chúng ta không còn sai lầm. Phật nói một vị A-la-hán biết được 500 kiếp trước. Là phàm phu, trong đời này việc đã qua, chúng ta còn quên. Nhưng A-la-hán thấy rõ đến 500 kiếp, nên tất cả những người quan hệ tốt, xấu với họ, họ đều biết rõ. Không biết như vậy, dễ chuốc họa vào thân và biết chỗ nên tới, chỗ không nên tới mà tới, chắc chắn bị hại.
Vua Tần Bà Sa La đã thọ ơn Phật đời trước. Ngài đã cứu ông, nên kiếp này, khi thấy Phật, ông liền có thiện cảm. Chúng ta dù chưa khám phá được minh châu, chưa để minh châu trên búi tóc, nhưng nếu đắc quả A-la-hán, vẫn thấy không sai lầm là thành tựu Chánh kiến trong Bát chánh đạo, nên thấy rõ ai có nhân duyên làm bạn, hay có duyên đến độ, không có duyên thì nên tránh, đáng độ nhưng không đến độ là bỏ mất cơ hội.
Nhiều thầy nghĩ làm sao độ đệ tử đông, nhưng chưa đắc Thánh quả, không đáng độ mà độ là kết bè đảng với người ác xấu, rất nguy hiểm, vì tập hợp đám ô hợp, hậu quả khó lường. Vị Thánh thấy duyên chưa tới, ẩn tu. Một La-hán đắc đạo chỉ độ được một người đến ba người. Điển hình như Tổ Bồ Đề Đạt Ma độ một Huệ Khả, Huệ Khả độ Tăng Xán, Tăng Xán độ Đạo Tín, Đạo Tín độ Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn độ Lục tổ Huệ Năng. Đó là các vị Thánh.
Chúng ta nhìn các bậc chân tu đắc đạo có những điểm mà chúng ta cần học. Chưa ra Nhà lửa tam giới, chưa trụ pháp không, nguy hiểm. Ra bên ngoài, tâm trống không, trí sáng suốt, thấy chính xác, mới hành Bồ-tát đạo.
Ở giai đoạn hai là cứu đời, giúp người, nhưng không phải liều mạng làm hại mình mà không cứu được ai. Ra cứu người là hành sáu pháp Ba-la-mật, đó là đạo của Bồ-tát, nhưng Bồ-tát theo kinh Bát-nhã, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, hành đạo khác nhau.
Bồ-tát theo kinh Pháp hoa là đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác rồi. Bồ-tát theo kinh Hoa nghiêm từ thập trụ đến thập hạnh, thập hồi hướng là Hiền vị. Thập địa là Thánh vị. Bồ-tát Hiền vị phải nương Bồ-tát lớn mới làm được. Mình biết nhưng phải nhờ người khác làm, mình làm theo.
Và lên Thánh vị theo kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Sơ địa tu bố thí là chính và ở vị trí là vua mới làm được. Mình không phải là vua, nhưng muốn làm, phải hợp tác với vua có đạo đức, hợp tác với ác vương dễ chuốc họa vào thân.
Bồ-tát hiện thân Sơ địa làm tiểu vương, giữ vững biên cương, nhân dân an lạc, nói đạo giải thoát, dạy chúng tu Thiền, đất nước bình yên thì Ngài thoái vị. Thầy nghĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông hành Bồ-tát đạo với tư cách là tiểu vương, vì lúc đó, Việt Nam là nước nhỏ chỉ từ Quảng Bình trở ra. Ngài nói một câu đơn giản nhưng rất có ý nghĩa, rằng Ngài xem ngai vàng như chiếc giày rách. Ngài nói được, làm được, là bỏ ngai vàng đi tu lúc Ngài chưa tròn 40 tuổi, vì đã thành tựu mục tiêu đánh đuổi được quân Mông Nguyên. Có người hỏi nếu giặc trở lại phải làm cách nào. Ngài nói nó không trở lại, mới đi tu. Theo thầy, vua Trần Nhân Tông là Bồ-tát sơ địa, thành tựu việc làm của tiểu vương theo tinh thần Hoa nghiêm.
Còn người kiếm được năm trăm triệu đi bố thí, quay phim, coi là nhất, nhưng thực sự đó chỉ là làm từ thiện xã hội cỏn con. Phải có trí tuệ thấu suốt năm trăm kiếp mới có thể phát tâm làm việc cứu đời và biết rõ lúc nào nên làm, làm ở đâu.
Tóm lại, trước khi cứu người, giúp đời, phải giặt giũ thân tâm cho trong sạch, thanh tịnh, qua thể nghiệm pháp tu buông xả, thành tựu pháp không và có được hiểu biết chính xác, thấy việc nên làm, người đáng độ, từ đó mới hành Bồ-tát đạo làm lợi ích cho người.

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Đăng lúc: 07:48 - 02/08/2015

Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.


Năm 980 nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, năm 1009 nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Hai cuộc thay ngôi đổi chủ cách nhau 29 năm nhưng tương đối giống nhau. Hai vua kế vị tiền triều đều còn bé, sự việc diễn ra trong hòa bình và hai vua mới đều được hai bà Thái hậu triều trước trân trọng mời vào cung trao long bào và ngôi báu. Chỉ khác nhau ở chỗ người chủ xướng thay đổi triều Đinh là một đại tướng quân có binh quyền, còn người chủ xướng thay đổi triều Tiền Lê là nhà sư trong tay không tấc sắt không tên quân.
Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành băng hà, truyền ngôi cho Thái tử Lê Long Việt. Các hoàng tử khác tranh giành ngôi báu đem quân đánh nhau suốt 8 tháng trời mới yên, Thái tử đăng cơ chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết hại, cướp ngôi.
Trong bốn năm trị vì (1005-1009) xét công luận tội thì Long Đỉnh tội nhiều hơn công. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét ”Ngọa Triều (Long Đỉnh) không những thích giết người lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man để họ kêu gào, nhiều lần phạm đến tên húy của cha mà lấy làm thích” Còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì :”Khai Minh Vương(Long Đỉnh) là dứa con hư của Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của Trung Tông (Long Việt)…là kiếp sau của vua Kiệt vua Trụ, nhốt tù nhân dưới nước, đặt hình phạt ngọn cây, trác táng vì rượu gái, nhiều điều tối tăm hỗn loạn không thể nào hình dung”.
Khi Long Đỉnh chết, Ngô Thì Sĩ liên hệ đến triều Đinh và cho đó là quả báo nhãn tiền ”Long Đỉnh giết Long Việt thì cũng như Đinh Liễn giết Hạng Lang. Bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Đại Hành cũng như bọn Đào Cam Mộc phò Lý Thái Tổ lên ngôi. Quả báo của kẻ làm nhiều điều ác như xoay theo vòng tròn” Rồi ông tiết lộ một bí mật mà các sử gia khác không biết ”Lý Thái Tổ lại rất căm phẫn về tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép, nếu quả như vậy cũng là đạo trời hay báo ứng cho nên chép phụ vào đây để làm răn”. Thực hư ra sao không rõ, chỉ thấy Lý Công Uẩn lên ngôi hoàn toàn danh chánh ngôn thuận.
Trước khi Long Đỉnh qua đời, một hôm, ở làng Diên Uẩn có mưa to gió lớn, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ làm tét một mãng da lớn. Vài ngày sau dân làng phát hiện chỗ sét đánh có nhiều chữ chi chít và cho đó là sấm ký của thần nhân. Bài sấm như sau “Thụ căn diểu diểu. Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc. Thập bát tử thành. Đông A nhập địa. Mộc dị tái sinh. Chấn cung xuất nhật. Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian. Thiên hạ thái bình” (Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Hạt hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Đông A vào đất. Cây khác lại sanh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu mình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình)
Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.
Bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hanh nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, Sư nói với Lý Công Uẩn ”Gần đây cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai khoan từ nhân thứ rất được lòng người như Thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ Thân vệ thì còn ai đương nổi”.
Lúc bấy giờ Long Đỉnh còn tại vị, sợ sự việc tiết lộ mang họa sát thân, Công Uẩn không dám bàn đến việc đó mà còn đem Sư dấu ở Tiên Sơn. Sự cẩn thận của Công Uẩn không phải vô ích, Long Đỉnh cũng nghe biết bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hạnh, âm thầm sai thủ hạ thân tín tìm giết hết người họ Lý nhưng không hề đả động đến Công Uẩn thường xuyên kề cận bên mình. Có lẽ ông ta cho Công Uẩn không phải là người phản bội bởi khi ông ta giết Long Việt cướp ngôi, quần thần sợ hãi không ai dám phản ứng, chỉ có Công Uẩn ôm xác Long Việt khóc than thương tiếc được ông ta khen trung thành và thăng chức từ Đội trưởng cấm quân lên Tứ sương quân phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Long Đỉnh chết, con còn bé, Chi hậu Đào Cam Mộc nói với Công Uẩn ”Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái họa không thể che dấu nổi, chuyển họa thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo, Thân vệ còn ngờ gì nữa” Công Uẩn nói”Tôi biết rõ ý ông không khác ý Vạn Hạnh. Nếu đúng như lời ấy thì nên tính kế thế nào?” Biết Công Uẩn đồng ý, Cam Mộc bàn với quần thần, không ai có ý khác, bèn cùng nhau vào cung tâu với Thái hậu, bà đồng ý, vời Công Uẩn vào khuyên lên ngôi hoàng đế.
Thật ra thì bài sấm ký đó không phải của thần nhân ban cho mà tác giả chính là…Sư Vạn Hạnh. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết ”Ôi! trời có nói gì đâu! Một tiếng sét thành ra chữ, chỉ bốn mươi chữ mà việc hưng phế của dòng họ các đời trong khoảng vài trăm năm đều khái quát vào đấy cả. Có lẽ Sư Vạn Hạnh giỏi về suy đoán, nhân sét đánh cây gạo, giả thác bài chữ sét đánh để tỏ sự thần dị”.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn (không biết tên gì) sanh năm 938, người làng Cổ Pháp cùng quê với Công Uẩn. Năm 21 tuổi xuất gia tại chùa Lục Tổ, đệ tử sư Thiền Ông, thông minh, học nhiều biết rộng, tinh thông Tam giáo (Nho-Phật-Lão), từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành cả chánh trị lẫn quân sự, giúp vua chiến thắng quân Tống quân Chiêm xâm lược và quấy phá nước ta.
Nói Sư Vạn Hạnh giỏi suy đoán, tiên liệu việc như thần, nói đâu trúng đó cũng không ngoa, không cường điệu. Vì, Sư lăn lộn trong chính trường nhiều năm, giữ vị trí quan trong trong triều, thân cận bên vua nên không có việc gì không biết, không có biến cố nào không trải qua. Một người như thế chắc chắn tích lũy nhiều vốn sống, kinh nghiệm, nhìn vạn vật biển chuyển, thế sự thăng trầm, lòng người thay đổi là có thể đoán biết hồi kết như thế nào.
Lúc bấy giờ mọi người đều chán ghét sự hà khắc, bạo ngươc, tàn ác của Long Đỉnh, tiếng oán than, căm phẫn vang lên khắp nơi thì không chỉ có Sư mà bất cứ kẻ sĩ nào cũng biết nhà Lê đã suy vong nên thần dân ngoảnh mặt quay lưng không còn lưu luyến gì với triều đại xấu xa tàn ác đó. Thời cơ đã đến, nhân chuyện sét đánh cây gạo Sư bèn viết bài sấm ký để tác động tâm lý và kích thích lòng dân cùng khanh tướng, quan lại triều đình và cả Công Uẩn..
Công Uẩn lại được Sư nuôi dạy từ năm 7 tuổi đến trưởng thành theo sự phó thác của sư Khánh Văn. Sư nhận xét đứa học trò “Cậu bé nầy không phải là người thường, sau nầy lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Do vậy, tự thân không thể làm vua thì làm thầy vua, Sư quyết định đưa Công Uẩn lên ngôi cửu ngũ không phải bằng vũ lực mà bằng…văn chương! Việc làm của Sư xem ra khá mạo hiểm, liên quan đến an nguy sinh mạng của học trò vì Long Đỉnh có thể giết hại Công Uẩn bất cứ lúc nào để bảo vệ củng cố ngôi vị. Tuy nhiên, như đã nói trên, Sư đã từng trải nhiều năm trong triều đình, vốn sống phong phú, đầy đủ kinh nghiệm, biết người biết ta cho nên chuyện đó đã không xảy ra.
Sử thần Ngô Sĩ Liên khen Sư biết sự chuyển biến của thời vận, trí thức hơn người thường, còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét Sư có chí khí hơn đời, ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương, có kiến thức, biết tính toán nên biết trước sự việc xảy ra “cũng là tay lỗi lạc trong giới thiền”.
Năm 1025 Sư viên tịch, để lại cho các đệ tử bài thơ :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy.
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân người như ánh chớp có rồi không. Muôn cây mùa xuân tươi tốt mùa thu héo khô. Mặc cho thời vận thịnh suy không nên sợ hãi. Vận thịnh suy như hạt sương trên ngọn cỏ tan biến cấp kỳ).
Sau nầy, cảm kích công đức cao dày của Sư, vua Lý Nhân Tông có làm bài thơ khen tặng:
Vạn Hanh dung tam tế.
Chân phù cổ sấm ky.
Hương quan danh Cổ pháp.
Trụ tích trấn vương kỳ
(Vạn Hạnh thông ba kiếp. Phục hợp cổ sấm thi. Quê hương làng Cổ pháp. Cấm gậy trấn kinh kỳ). *./

Theo Đạo Phật ngày nay

Tự lực là con đường dẫn đến thành công

Tự lực là con đường dẫn đến thành công

Đăng lúc: 06:51 - 29/07/2015

Trong cuộc sống, chúng ta làm việc cũng giống như quả bóng bằng cao su, khi rơi xuống đất nó sẽ tưng lên. Chính vì thế, ta có thể thay đổi nghề nghiệp sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần, lại được ví như những quả bóng bằng thủy tinh, nếu lỡ tay đánh rơi thì chúng sẽ trầy trụa, bị nứt, bị hư hoặc bị vỡ nát. Khi đó, ta khó mà hàn gắn và sửa chữa lại được.


Cũng vậy, khi ta không biết giữ gìn sức khỏe mà lao vào những thú chơi vô ích, thức suốt sáng thâu đêm để cờ bạc, rượu chè, hút chích, đàn điếm mà lãng phí thời gian một cách vô tích sự. Ai đã lỡ vướng vào vòng này thì thân tàn ma dại, sống thì làm khổ gia đình người thân, chết thì bị đọa lạc vào ba đường dữ, chịu khổ báo vô số kiếp không có ngày cùng.
Đến khi trở lại làm người thì thân thể xấu xí, đen đúa, bệnh tật, cô đơn, không người nuôi dưỡng. Gia đình là tổ ấm để chúng ta nương tựa, là nền tảng vững chắc nhằm phát triển một xã hội tốt đẹp.
Một con người tốt, một gia đình đạo đức, một xóm làng sống có nghĩa tình, biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta sống không hiếu thuận với ông bà cha mẹ, không biết kính trên nhường dưới, vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau, không biết nuôi dạy con cái làm điều thiện lành tốt đẹp, không biết sống có chừng mực đạo đức, “muốn ít biết đủ”, thì ta sẽ dễ dàng bị tha hóa, sa đọa, mà bị dòng đời cuốn trôi.
Một khi con người đã sống thiếu hiểu biết thì rất nguy hại cho gia đình, xã hội, tình cha nghĩa mẹ không còn, tình chồng vợ cũng bị phôi phai, chia lìa, con cái cũng bị ảnh hưởng mà không có chỗ tựa nương. Nói chung, một con người hư hại làm khổ lụy bao nhiêu người thân và làm xã hội thêm nhiều gánh nặng.
Nhiều người dính vào tệ nạn xã hội dẫn đến trộm cướp, lường gạt, giết hại lẫn nhau. Có tệ nạn xã hội, có phạm pháp thì phải có chỗ dung chứa tội nhân, nên cứ thế con người mãi nghèo nàn, lạc hậu và trình trạng đạo đức, nhân phẩm con người càng bị xuống cấp trầm trọng. Đó là nỗi đau chung cả nhân loại phải gánh lấy, dần rồi tình người không còn nữa và con người dễ dàng sống trong vô cảm.
Chính chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá lừng lẫy làm con người mỗi lúc mỗi xa rời nhau, bởi thời gian ngồi lại bên nhau tâm tình, sẻ chia không có. Gia đình là nền tảng của xã hội, vậy mà ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái không có cơ hội để sống yêu thương, hiểu biết. Xã hội càng nghèo nàn lạc hậu thì con người càng mê tín, mù mờ, càng sống theo chủ nghĩa tiêu thụ vật chất nên tình người dần rồi không còn nữa.
Chính vì vậy mà Phật dạy ta phải “muốn ít biết đủ” để có cơ hội cùng giúp đỡ sẻ chia, mà cùng cảm thông nỗi đau của người khác. Cái gì cần xài ta mới xài, để có dư chút đỉnh mà mở rộng tấm lòng, với tinh thần lá lành đùm lá rách. Khi đau yếu, bệnh hoạn, ta mới thấy sức khỏe là quý. Khi sa cơ, thất thế, ta mới thấy tình người là quan trọng. Vậy mà đa số con người chỉ biết sống vì tiền bạc, tài sản, vật chất mà đành lòng giết hại lẫn nhau.

Thế giới này là một vòng lẩn quẫn của sự hơn thua, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại. Ta cứ mãi tranh giành các thứ vật chất vô tri phù phiếm xa hoa, mà làm mất đi tình nghĩa của một con người. Vật chất là vô tri, con người là hiểu biết, là tri giác, con người là nền tảng của gia đình và xã hội. Do đó, ta cần sự yêu thương bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ, biết khoan dung và độ lượng, nhưng ta lại mặc tình làm ngơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.
Cuộc sống này sở dĩ xây dựng mở mang phát triển cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người, ấy thế mà có mấy ai có được tấm lòng rộng mở vì tha nhân? Phật dạy, “trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đều phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống”.
Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, kẻ thiếu phước thì phải cày sâu cuốc bẩm, phơi mình trong nắng mưa vậy mà đôi khi vẫn bị thiếu ăn. Ta không nuôi tằm, dệt vải, nhưng vẫn có áo quần và ta cứ như thế mà có đủ các thứ phục vụ nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày.
Sức khỏe của ta và những người thân yêu nếu để mất đi thì khó tìm lại được. Bạn bè cũng rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, nó là nhịp cầu nối kết để cùng nhau chia vui, sớt khổ. Có gia đình, có bè bạn, có sức khỏe, ta có thể sống vui, sống khỏe mà cùng nhau gầy dựng sự nghiệp giống nòi nhân loại.
Tinh thần lại càng quan trọng hơn hết, ta có hiểu biết, ta có nhận thức sáng suốt, nên biết tiếp nhận những thứ gì cần thiết. Nhờ vậy, ta sống có định tĩnh chừng mực nên khi được lợi lộc ta không vì nó mà tham đắm, mê mờ. Ngược lại, khi bị mất mát ta cũng không quá sầu bi, khổ não, do đó ít bị hai thứ được mất, hơn thua làm tổn hại tinh thần, nhờ ta thường xuyên biết quay lại chính mình mà thân tâm luôn được an ổn.
Tóm lại, ta muốn thành đạt trong cuộc sống thì trước tiên phải có ý chí và nghị lực, biết tranh thủ tận dụng hoàn cảnh sống của mình vì ta có hai bàn tay và khối óc. Như anh ăn mày cụt tay kia, nếu không được bà già cho một liều thuốc bổ tự lực cánh sinh, thì chắc có lẽ anh sẽ chịu chết chìm trong cuộc đời bần cùng, đói rách. Lần đầu tiên rinh gạch một tay gần hai tiếng đồng hồ, anh chắc phải chịu nhức mỏi, ê ẩm cả người. Nhờ vậy, anh học được cách thức làm người “sống phải có lòng tự trọng”.
Khi còn nhỏ dại, ta đương nhiên phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng nếu bất hạnh, ta không có người thân thì sao? Ta vẫn phải chấp nhận một mình đơn độc, tự mình bươn chải, để làm sao có miếng ăn mà tồn tại với đời.
Cũng như có hai đứa bé một con nhà giàu, một con nhà nghèo. Đứa con nhà giàu khi bị té ngã sẽ khóc thét lên, chờ cha mẹ đỡ dậy. Cha mẹ vì thương con nên mọi cái đều đỡ đần chu đáo khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại, cái gì cũng đều trông chờ người khác. Ngược lại, đứa trẻ con nhà nghèo khi bị té ngã không có ai nâng đỡ, nó không khóc ré như đứa con nhà giàu, mà tự đứng lên tiếp tục bước đi.
Cũng vậy, ai biết nỗ lực, siêng năng, tinh cần học hỏi, quyết chí vươn lên sống không ỷ lại nhờ vã người khác, thì người này nếu đầy đủ phước báu sẽ thành tựu trong nay mai mà vững vàng đi tới, không chịu khuất phục bởi một áp lực nào.
Người Phật tử chân chính khi đến với đạo pháp, ban đầu phải nhờ vào tha lực, nhờ sự hướng dẫn của quý Thầy Cô, đến khi hiểu biết rồi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, hành trì theo chánh Pháp. Chính vì vậy, Lục Tổ Huệ Năng nói, “Khi mê thì Thầy độ - Khi ngộ thì tự độ”.
Nhiều người chỉ hiểu biết suông nên lúc nào cũng van xin cầu cạnh người khác, cứ nghĩ rằng trời Phật sẽ ban ơn hay gia hộ cho mình, nên đành chấp nhận cuộc sống như bèo dạt, mây trôi. Họ chẳng biết suy nghĩ, tìm tòi nghĩa lý sự thật của cuộc đời, thấy ai làm sao thì mình làm vậy mà không biết đúng sai, phải trái. Tuy nhiên, sự sống này ta vẫn cần “tha lực”. Khi chưa có hiểu biết hay đủ khả năng, ta vẫn cần sự trợ giúp của người khác. Khi đã biết rồi thì chính ta phải tự lực vươn lên.
Chính vì vậy mà Phật thường nói, “ta chỉ là người Thầy dẫn đường, còn có chịu tu hay không là do ý chí và nghị lực của mọi người”. Tha lực tuy rất cần thiết cho con người bước đầu vượt qua khó khăn, thử thách nhưng nếu muốn đạt được thành công viên mãn thì ta phải tự lực vươn lên bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Năm Tháng Không Đợi Đừng Hẹn Ngày Mai

Năm Tháng Không Đợi Đừng Hẹn Ngày Mai

Đăng lúc: 07:59 - 22/06/2015

Trên con đường tu hành, việc niệm Phật là một việc vừa cần thiết, vừa cấp bách. Hễ gặp dịp tu là tu liền, gặp dịp niệm được là niệm ngay, chớ nên chần chờ để cho thời gian luống trôi qua một cách vô ích.



Phật dạy mạng người ở trong một hơi thở, thở ra mà không thở vào nữa là đời tàn! Bất luận lúc nào, giờ phút nào, con người cũng có thể chết được, không một ai có đủ tài năng bảo đảm đời sống vững chắc lâu dài. Thế gian có câu ca rằng: “Đời người khác thể bóng câu, sớm còn tối mất biết đâu mà lường”.

Sự thật đơn giản và phũ phàng ấy, từ Thánh nhân cho đến thế tục, không ai là không xác nhận. Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, cho nên muốn kịp thời đối phó với cái chết bất thần, ta không nên để lỡ một thời gian nào trôi qua mà không tu niệm. Bất cứ lúc nào tu được, niệm được thì phải gấp rút và tinh tấn hành trì; có thế lúc lâm chung mới tránh khỏi cảnh hoang mang tay quàng chân rối, lúng túng chẳng biết về đâu!

Có một số thường nghĩ sai lầm rằng tay chân còn tráng kiện, đời sống còn dài, việc tu niệm xin để gác lại, đợi khi nào già yếu sẽ bắt đầu hạ thủ công phu cũng không muộn gì. Trong sự tu niệm bằng cách sắp đặt tính toán như trên thường hay đưa đến hỏng việc.

Ngày xưa, có người đến nhà bạn là Trương tổ Lưu khuyên niệm Phật. Trương nghe theo, nhưng xin khất lại một ngày khác vì có ba việc chưa làm xong: một là cha mẹ đang còn cần phải lo phụng dưỡng, hai là con cái chưa dựng gả xong, ba là việc nhà chưa thu xếp gọn. Trương hẹn khi nào làm xong ba việc ấy, sẽ hạ thủ công phu, nhất tâm niệm Phật. Sau khi cáo ra về được vài ba tháng, người kia trở lui thăm với chủ ý khiến ông bạn đừng nên chần chờ nữa, nhưng than ôi! Khi đến mới biết rằng bạn đã là người thiên cổ! Bèn ngậm ngùi than thở và làm một bài thơ điếu rằng:

“Ngô hữu danh vi Trương tổ Lưu,
Khuyến y niệm Phật thuyết tam điều,
Khước hận Diêm công vô phân hiểu,
Tam điều vị liễu tiện lai câu.”

Tạm dịch là:

“Ông bạn tôi tên Trương tổ Lưu,
Tôi khuyên niệm Phật hẹn ba điều,
Diêm vương ác hại không thèm hiểu,
Ba việc chưa xong vội bắt liều.”

Người đời dù quyền cao chức trọng đến đâu, vẫn không thể bảo đảm cho tương lai đời mình một cách chắc chắn được. Trường hợp như Trương tổ Lưu trên đây không phải là hiếm, vì thế nếu đã có chí tu hành thì tâm phải cho quyết và phải biết lợi dụng thời gian mới khỏi để ân hận về sau. Vậy, lúc nào tu được là nên tu liền, phút nào niệm được là phải niệm ngay.
Trích PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ
Hòa Thượng Thích Trí Thủ biên tập

An tâm như thế nào?

An tâm như thế nào?

Đăng lúc: 08:28 - 20/06/2015

Trong Thiền tông có một câu chuyện đối thoại giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và đệ tử thiền sư Huệ Khả.



Thiền sư Huệ Khả cảm thấy trong tâm có rất nhiều vấn đề, nên muốn Tổ giúp đỡ mình an tâm. Vì thế, Tổ hỏi Thiền sư: “Tâm con ở đâu? Con hãy đem tâm bất an ra cho thầy xem thử!”. Kết quả, Thiền sư không tìm được tâm mình. Lúc đó, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Thầy đã an tâm cho con rồi”.

Nguyên nhân nội tâm con người bất an, rốt cuộc là không phải ở bên ngoài mà do tâm ganh tỵ, tâm lo lắng, tâm sân hận, tâm tức giận, tâm tham... gây mâu thuẫn xung đột. Sự xung đột này bao gồm giữa mình với mình, hoặc mình với người khác, có thể là thật mà cũng có thể là tưởng tượng.

Như tâm ganh tỵ, có lúc chúng ta nhìn thấy người khác thành công, trong tâm rất khó chịu. Đúng ra, người khác thể hiện sự thành công, chúng ta phải vui mừng, khen ngợi, chia vui cùng họ; vả lại, sự thành công của họ làm cho chúng ta được thơm lây, thậm chí có cơ hội học theo. Thay vì ganh tỵ với người khác, chi bằng tìm hiểu nguyên nhân nào họ có thể thành công; đồng thời, hãy xem xét lại mình làm thế nào mới có thể tài giỏi giống như họ. Nhưng có lúc người khác làm được mà chúng ta cố gắng hết sức mình vẫn không làm được; lúc đó, chúng ta hãy nghĩ lại nhân duyên, phước báo của mình chưa đủ, cần phải nỗ lực thêm. Sau đó, cố gắng vun trồng nhân duyên, phước đức thì tất nhiên sẽ thành tựu.

Sở dĩ, người khác được thành công là vì họ phải trải qua nỗ lực vất vả; cho dù trong đời này họ không cực nhọc, nhưng đời quá khứ họ cũng từng tích lũy. Có người nhìn thấy người khác giàu sang, có địa vị danh vọng cảm thấy không khâm phục, cho rằng mình suốt đời làm lụng cực khổ mà vẫn thiếu trước hụt sau, cũng không có hạnh phúc. Lúc đó, chúng ta hãy nghĩ lại, người khác được giàu sang, hạnh phúc là kết quả từ đời quá khứ đã nỗ lực tu tập, chúng ta không ngưỡng mộ họ, cũng không nên ganh tỵ.

Ngoài ra, tâm tham cũng là nguyên nhân làm cho tâm con người bất an, người sống biết đủ không gọi là tham, người không biết đủ luôn tìm cầu gọi là tham. Người tham không biết chán là điều rất đau khổ, thật ra người biết đủ tất sẽ được đầy đủ. Chúng ta không cần suy nghĩ tìm mọi cách để đi tranh giành với người khác, chỉ cần nỗ lực làm việc thì tất nhiên sẽ được đơm hoa kết trái. Nếu như thành quả chưa xuất hiện là chứng tỏ nhân duyên chưa thành thục, chúng ta cũng không nên buồn vì việc này. Nếu suy nghĩ như thế sẽ tiêu trừ nhân tham sinh ra đau khổ.

Trên thực tế, tâm bất an chủ yếu là tự mình làm khổ mình, tự chuốc phiền não. Khi chúng ta cảm thấy bất an, trước phải hiểu rõ vì sao mình bất an? Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì thấy rất nhiều phiền não mà chúng ta cũng không cần bận tâm. Như chúng ta đi thi, sau khi thi xong, có người hàng ngày trông chờ kết quả, trong tâm lúc nào cũng hồi hộp lo lắng, không biết mình có thi đậu không? Thi đậu rồi học ở đâu? Nếu như lúc đó chúng ta suy nghĩ: “Dù sao mình cũng đã thi xong, có lo lắng như thế cũng chẳng giải quyết được gì; còn sau khi đậu học ở đâu, đến lúc đó sẽ tính, hiện tại có lo lắng cũng vô ích, cần gì tự mình chuốc lấy phiền não?”. Nếu nghĩ như thế thì tâm an liền, cảm thấy mình suy nghĩ lung tung thật vô duyên.

Cho nên, khi tâm chúng ta bất an thì hãy nghĩ lại, tự hỏi mình nguyên nhân bất an là gì? Do mình suy nghĩ quá nhiều, thực ra chẳng có việc gì đáng làm cho chúng ta phiền não và buồn rầu. Khi phản tỉnh như thế thì tâm chúng ta sẽ an ổn.

Ngoài ra, khi bất an, cũng có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hay Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu chuyên tâm niệm Phật, sẽ không còn nghĩ những vấn đề phiền não, tất nhiên từ từ tâm sẽ an lạc.

HT. Thánh Nghiêm

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 13
  • Hôm nay 3,787
  • Tháng hiện tại 61,172
  • Tổng lượt truy cập 23,467,421