Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
BIỂU TƯỢNG HOA SEN TRONG ĐẠO PHẬT

BIỂU TƯỢNG HOA SEN TRONG ĐẠO PHẬT

Đăng lúc: 08:45 - 27/06/2018

Đây là hình ảnh không những thường được nhắc đến trong đạo Phật mà luôn được dân tộc Việt Nam ca ngợi với một đức tính cao đẹp. Nói tới hoa sen là nói đến sự tinh khiết giữa chốn bùn lầy. Cho nên hoa sen trong Phật giáo tượng trưng cho sự vươn lên, giác ngộ giải thoát ngay tại cõi đời ô trược.

108 tiếng chuông chùa

108 tiếng chuông chùa

Đăng lúc: 20:20 - 04/12/2016

Vừa bước đến cổng chùa thì cơn mưa ập xuống. Hải gấp ô bước vào sân thì cũng là lúc tiếng đại hồng chung đã ngân lên. Từng tiếng chuông cách quãng đều nhau tạo ra những vòng khuyên âm thanh lan rộng đến cõi vô cùng. Đã nhiều lần Hải thử nhẩm đếm tiếng chuông. 108 tiếng, đúng 108 tiếng. Tiếng chuông chùa đã thấm vào tâm hồn Hải từ hồi lẩm chẩm biết đi và cứ như thế nó cứ âm vang suốt cuộc đời cậu. Nhà Hải ở sát mé sau vườn chùa Quang Đức.
chuong.jpg
Minh họa: Nhuận Thường

Thầy trú trì là một người rất giản dị. Cốc của thầy lợp tranh, tường thưng ván, xung quanh cốc đặt đầy các chậu địa lan. Quấn quýt bên chân thầy là con chó dị tật chỉ có 3 chân mà thầy xin của một Phật tử về nuôi. Mấy hôm nay thầy bị cảm cúm. Con Bin nhận ra người quen đã ứ ứ chực sẵn trên bậc thềm.

- Bạch thầy, con…

Hải chưa nói hết câu thì thầy đã nhỏ nhẹ: “Vào nhanh đi kẻo ướt”.

Hải ngồi xuống. Thầy Nguyên Dung đã rót trà mời khách. Chùa Quang Đức có lịch sử đã hơn trăm năm và thuộc dòng thiền Liễu Quán - dòng thiền lớn ở Huế và miền Trung do một vị sư người Việt sáng lập từ thế kỷ XVII. Pháp danh của thầy bắt đầu từ Nguyên (Nguyên Dung) theo thế thứ truyền thừa đã quy định trong Thiền hệ thi của Tổ Liễu Quán.

Hòa thượng Nguyên Dung là bậc chân tu, am tường giáo lý và lễ nghi Phật giáo. Từ hồi 16 tuổi, sau khi mẹ mất đã xin phép cha đi tu và cho đến nay con đường tu của Hòa thượng đã trên 60 hạ lạp.

Những hiểu biết ít ỏi về đạo Phật mà Hải có được không phải do quá trình huân tập như các vị tu sĩ mà do tích dần từ những câu chuyện với Hòa thượng trú trì Quang Đức.

Ngoài trời vẫn mưa, tiếng chuông chùa cứ thung dung điểm từng tiếng ngân xa xóa tan những vùng tăm tối.

- Này con…

Đang thả hồn theo tiếng chuông và hình dung những vòng khuyên âm thanh tỏa ra trong không trung, Hải giật mình nghe tiếng thầy.

- Chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày: Lần đầu hôm và lần vào 4 giờ sáng. 108 tiếng chuông là biểu tượng cho 108 phiền não của đời người. Gọi là chuông U minh vì theo Phật giáo, tiếng chuông vang lên đến đâu sẽ xóa tan u mê, tăm tối giúp con người nhận thấy lầm lạc để sửa mình mà sửa mình là gốc để sửa đời. Từ xưa đến giờ không biết bao nhiêu người nhờ nghe được tiếng chuông mà ngộ ra chân lý, bỏ ác làm thiện, lấy ân báo oán.

Dừng một lúc sau khi thưởng một tách trà, Hòa thượng tiếp tục mạch chuyện:

- Nỗi đau khổ, phiền não của con người không phải chỉ là 108 mà nó chỉ là con số tượng trưng cho biển khổ của chúng sinh. Những phiền não, đau khổ ấy do chính con người gây ra và con người phải có trách nhiệm hóa giải đau khổ ấy. Biện chứng luận của Phật giáo chỉ ra rằng muốn diệt bỏ đau khổ không có cách gì hơn là diệt bỏ nguồn gốc của đau khổ, đó là Tham - Sân - Si ở mỗi con người.

Con số 108 cứ ám ảnh Hải từ lâu. 108 bậc cấp lên chùa Bái Đính, 108 bậc cấp lên Trúc Lâm thiền viện Truồi, 108 hạt trong chuỗi tràng hạt… và làm sao để nhớ chính xác đã đánh 108 tiếng.

Hòa thượng đã đoán đúng ý cần biết của Hải và tiếp tục:

- Các chùa xưa, trước khi thỉnh chuông U minh phải đọc bài kệ gọi là kệ thỉnh chuông U minh. Mỗi tiếng chuông tương ứng với một cái thẻ. Cứ đánh xong một tiếng chuông là phải gạt một cái thẻ sang một bên. Khi nào gạt xong dãy thẻ 108 cái ấy là vừa đúng 108 tiếng. Gần đây nhiều chùa không còn giữ được thể thức này mà tối giản chỉ đánh 36 tiếng hay thậm chí đánh theo thời gian 30 phút.

Hòa thượng Nguyên Dung chừng như đã mệt nhưng tiếng thầy vẫn rành rẽ. Trong cốc của thầy không thấy tranh, tượng Phật mà chỉ có một ngọn đèn tỏa rạng ở vị trí mà người ta thường treo chân dung Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài trời dường như đã ngớt mưa. Mùi hương mặc lan quý phái thoảng vào phòng. Đã nhiều lần thăm thầy và được nghe thầy luận giải về bao điều, nhưng đêm nay Hải thấy mình như ngộ ra được điều hệ trọng.

Xin phép thầy ra về, đến cổng ngoảnh lại thấy thầy đã cầm trên tay cuốn sách. Tiếng chuông U minh cuối cùng vừa dứt.

Đã khuya rồi mà Hải không sao chợp mắt được. Cảnh tượng hàng ngàn người đến bệnh viện khám chữa bệnh và nhiều người trong họ mắc bệnh ung thư do bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn mà Hải chứng kiến qua những ca thực tập của sinh viên y khoa năm cuối cứ ám ảnh Hải. Tiếng chuông chùa cứ vang vọng mãi trong tâm hồn của một bác sĩ tương lai và con số 108 cũng chỉ là con số tượng trưng cho hàng ngàn hàng vạn loại thân bệnh, tâm bệnh mà con người đã gây ra và giờ đây họ phải gánh chịu. Con người đang đầu độc mình, con người đang hủy hoại môi trường sống của mình. Những người nông dân, những người chế biến và buôn bán thực phẩm và thậm chí từng con người chúng ta do thiếu hiểu biết và do lòng tham đã vô tình từng ngày từng giờ gây ra cái chết và nỗi đau thể xác và tâm hồn cho con người.

Làm sao để con người nhận ra sai lạc và trách nhiệm của mình để từng người tự khắc phục. Khi lòng tham và sự ích kỷ đã chế ngự ý nghĩ và hành động của con người thì truyền thông trở thành bất lực.

Mải suy nghĩ miên man, bất chợt tiếng chuông U minh buổi sáng đã ngân lên phía chùa Quang Đức. 108 tiếng chuông chùa lại rành rẽ vang vọng và trong cơn mơ muộn màng của một ngày mới Hải được hóa thân trong tiếng chuông chùa, mang thông điệp Phật pháp đến thức tỉnh mọi nhà, mọi người để ai cũng nhận ra lỗi lầm của mình trong công việc hàng ngày nhằm để giữ sạch môi trường sống, làm điều có ích cho xã hội để chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mang lại hạnh phúc, an lạc cho con người.
Truyện ngắn Nguyễn Hới Thọ

Chùa Đức Hậu: Khai Đại Hồng Chung nhân ngày Vía Bồ Tát Quán Âm

Chùa Đức Hậu: Khai Đại Hồng Chung nhân ngày Vía Bồ Tát Quán Âm

Đăng lúc: 11:46 - 28/03/2016

Chuông là một pháp bảo của chùa, vì quả chuông, hay con gọi là đại hồng chung đã trở thành một pháp khí linh thiêng của chùa có sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh đối với mọi người, mọi loài và mọi cảnh giới nữa.

Đại hồng chung trong chùa

Chuông hay đại hồng chung là một pháp bảo, pháp khí linh thiêng có sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh của con người, mọi loài và mọi cảnh giới. Tiếng chuông chùa, theo kinh điển, có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Nên chùa nào cũng có chuông, chuông to, chuông nhỏ tùy theo khả năng của mỗi chùa.

Mỗi khi chú tạo chuông, nhà chùa thường thực hành nghi lễ trọng thể, chú nguyện rất trang nghiêm. Trên thân của bất kỳ quả chuông nào cũng đều có trang trí các đường nét hoa văn tượng trưng cho rất nhiều ý nghĩa sâu sắc của giáo lý nhà Phật cùng với hai bài kệ thỉnh chuông bằng chữ Hán (hoặc chữ Việt tùy theo), để mỗi khi đánh chuông, lời kệ cùng tiếng chuông vang vọng thấu cõi âm ti để chuyển hóa nghiệp lực chúng sanh và thức tỉnh nhân tâm, bỏ ác làm lành, quay về nẻo giác.

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 10:58 - 28/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Đăng lúc: 18:49 - 29/10/2015

Từ nhỏ tôi đã được dạy trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Bác tôi là người xuất gia trụ trì một ngôi chùa, ông thường dạy tôi cũng như các Phật tử khác trì tụng chú Đại bi và danh hiệu của Bồ-tát.
Botat QAm.jpg
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi vốn ốm yếu và thường hay bệnh, thể chất lẫn tinh thần đều kém. Tôi luôn sống trong mặc cảm tự ti, không có lòng tin nơi bản thân mình, thường ngại tiếp xúc với người khác và ít khi tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng. Chính vì tâm lý yếu đuối mà tôi có nhu cầu một nơi nương tựa tinh thần và sự chở che, giúp đỡ từ một đấng thiêng liêng.

Bác tôi dạy rằng Bồ-tát Quán Thế Âm có tâm từ bi rộng lớn, thường cứu khổ ban vui cho chúng sinh, vì thế cần nên nhớ nghĩ công hạnh, thường trì niệm danh hiệu và học đức tính lợi tha của Ngài.

Tôi tin tưởng lời bác dạy và niệm danh hiệu Bồ-tát mỗi ngày, nhất là khi đi đâu xa và khi chuẩn bị làm việc gì đó hay thi cử. Hễ lên tàu, xe là tôi nhiếp tâm niệm danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ, vì tôi sợ tai nạn, rủi ro xảy ra. Những khi vào phòng thi cử cũng niệm mãi danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ cho tôi làm bài đạt kết quả tốt. Tôi không ỷ lại vào sự giúp đỡ của Bồ-tát, vẫn chăm chỉ học hành, nhưng vì không có lòng tin nơi bản thân, vì tâm lý không vững thường hay hoang mang lo lắng mà tôi cầu sự trợ giúp của Bồ-tát, cầu sự an tâm nơi Bồ-tát.

Cho đến sau này tôi mới hiểu hơn về ý nghĩa của việc trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Phần lớn những ai tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đều xem Ngài như một đấng thiêng liêng có quyền năng ban bố phước lành và bảo hộ sự sống, sự bình an, giải lâm nguy, cứu khổ nạn. Tuy nhiên nếu nghĩ như thế thì Bồ-tát Quán Thế Âm không khác gì các vị thần linh của các tôn giáo khác. Suy nghĩ và niềm tin của nhiều người đã thần linh hóa Bồ-tát Quán Thế Âm, biến Ngài thành một vị thần.

Sự thật thì Bồ-tát có thể làm trái luật Nhân quả, ban phước lành, tiêu trừ tai ách, bệnh tật, khổ não cho mọi người không? Nếu có thể thì từ lâu Bồ-tát đã cứu độ tất cả chúng sinh rồi, đâu cần đợi đến khi chúng sinh trì niệm danh hiệu và cầu nguyện sự cứu giúp của Ngài, vì Bồ-tát vốn dĩ từ bi mà. Không ai có thể làm trái luật Nhân quả, và Bồ-tát cũng thế.

Tại sao có người được sự gia hộ, cứu giúp của Bồ-tát, sự cầu nguyện của họ có cảm ứng? Tại sao có người cũng trì niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện sự bình an, tiêu tai tiêu nạn mà chẳng có kết quả gì? Tất cả chỉ là nhân duyên. Khi nhân duyên hội tụ đủ thì thành tựu, nhân duyên chưa đủ hoặc trái nghịch nhau, phá hoại nhau thì không thành tựu. Nếu trong quá khứ đời này hoặc những đời trước đã từng tạo các nhân duyên thiện lành, hiện tại lại tu tạo thêm công đức phước báo (thông qua các việc thiện như cúng dường, bố thí, phóng sinh, làm các việc có ích cho tha nhân, trì niệm danh hiệu Bồ-tát, trau giồi đạo đức...), khi nhân duyên lành hội tụ đủ thì thành tựu quả lành.

Trì niệm danh hiệu của Bồ-tát, nhớ nghĩ đến Bồ-tát và những công hạnh của Ngài chính là đang hướng tâm về điều lành, điều thiện, bởi vì Bồ-tát là hình ảnh đại diện cho những đức tính cao quý, cao thượng: từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Nếu nhân duyên lành trong quá khứ quá ít, hoặc quá khứ chưa từng tạo nhân duyên lành, hiện tại tạo nhân duyên tốt chưa đủ sức chuyển hóa những nhân duyên quá khứ, chưa đủ để thành tựu quả thiện lành, như thế thì không thể có được những điều mình mong muốn, nguyện cầu. Đó không phải là do Bồ-tát ban cho hay không ban cho, mà do nhân duyên mình tạo tác.

Từ khi hiểu như thế tôi niệm Bồ-tát không phải để cầu xin phước lành, cầu sự chở che, bảo hộ. Tôi niệm Bồ-tát để nhớ nghĩ về điều thiện, về các đức tính từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, phụng sự tha nhân, phụng sự chúng sinh không mệt mỏi. Khi trì niệm danh hiệu Bồ-tát, nhiếp tâm vào danh hiệu thì không khởi vọng tưởng, nhờ đó mà có sự bình an; không khởi phiền não thì tâm mát dịu như được uống nước cam lộ, một loại nước ngon ngọt (cam) và mát mẻ như sương mai (lộ).

Khi tâm định tĩnh, sáng suốt thì không còn hoang mang lo lắng, không còn sợ hãi và trí tuệ sẽ soi sáng hành động, việc làm, giúp mình có những giải pháp tốt trong cuộc sống, giúp mình vượt qua khó khăn, khổ nạn.

Tôi học được nhiều điều từ ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của Bồ-tát. Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục (nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi đối tượng tiếp xúc để tu học, để làm việc, để phụng sự tha nhân, có nhẫn nhục như thế mới thành tựu được trí tuệ và tâm đại bi).

Nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho tình thương từ bi mát dịu, ngọt ngon. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh vô nhiễm. Ngàn mắt của Bồ-tát (thiên nhãn) tượng trưng cho trí tuệ soi sáng cho hành động, việc làm. Ngàn tay (thiên thủ) tượng trưng cho biện tài, năng lực phụng sự, độ sinh v.v…

Trong kinh Pháp hoa (phẩm Phổ môn), Đức Phật dạy hạnh nguyện của Bồ-tát là quán sát lắng nghe âm thanh thế gian (quán thế âm) và ứng hiện ban thí vô úy (sự bình an, không sợ hãi), tùy theo sự mong cầu của thế gian mà đáp ứng, cứu giúp. Điều này dạy tôi về hạnh lắng nghe và yêu thương, chia sẻ. Biết lắng nghe để hiểu và thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong tình thương yêu và hiểu biết. Người khác có nhu cầu gì, cần sự giúp đỡ nào thì mình quan tâm chia sẻ, ở đâu cần thì mình đến, không ngại gian khổ, khó khăn, vì an lạc hạnh phúc cho tha nhân mà dấn thân phụng sự trên nhiều phương diện.

Hình ảnh của Bồ-tát với dương liễu tịnh bình hoặc ngàn mắt ngàn tay luôn nhắc nhở tôi về tâm đại từ đại bi và hạnh nguyện cứu khổ, ban vui, mang lại sự bình an vô úy và hạnh phúc cho cuộc đời, nhắc nhở tôi phải nỗ lực tinh tấn trong tu học Phật pháp, rèn luyện trau giồi đạo đức, trí tuệ, tài năng để có được tâm hạnh Bồ-tát và khả năng làm lợi ích cho cuộc đời.
Minh Hạnh Đức

Hệ thống ẩn trong tượng Phật đá lớn nhất thế giới

Hệ thống ẩn trong tượng Phật đá lớn nhất thế giới

Đăng lúc: 09:24 - 16/07/2015

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét ở Trung Quốc được xem là tượng đá lớn nhất thế giới, với hệ thống thoát nước ẩn trong người giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ.

Tượng đá Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: Wikipedia
Nằm cách thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc 160 km về phía nam, bức tượng Lạc Sơn Đại Phật hơn 1.300 tuổi được tạc vào núi Lăng Vân là tượng Phật làm bằng đá lớn nhất nhất thế giới.

Bức tượng đối diện núi Nga Mi ở phía đông thành phố Lạc Sơn. Đây là nơi giao nhau của ba con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Bức tượng tạc một tu sĩ đang mỉm cười, dáng ngồi bình thản, hai tay để trên đầu gối, mắt nhìn chăm chú qua sông.

Đây được cho là tượng Phật Di Lặc, đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Nin (người sáng lập của Phật giáo), tượng trưng cho sự sáng suốt và hạnh phúc. Việc tôn thờ Phật Di Lặc đặc biệt phổ biến giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 7. Hiện nay, hình ảnh của Phật Di Lặc vẫn còn xuất hiện trong những ngôi chùa khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Sự hấp dẫn của tượng Phật không chỉ nằm ở kích thước mà còn thể hiện qua kiến trúc khéo léo. Toàn bộ bức tượng được làm từ đá, ngoại trừ phần tai làm từ gỗ phủ đất sét. Tóc của Phật là 1.021 vòng xoắn đá gắn vào đầu.

Mái tóc tượng Phật có 1.021 vòng xoắn. Ảnh: Chi King/Flickr
Chiều cao bức tượng bằng tòa nhà mười tầng (71 mét), phần đầu cao 15 mét, vai rộng 28 mét, lông mày dài 5,5 mét, mũi cao 6 mét, tai dài 7 mét có khả năng giữ hai người bên trong, mỗi bàn chân trần dài 11m, rộng 8,5m, đủ lớn cho hơn 100 người ngồi. Trong tư thế đứng thẳng, tượng Phật sẽ ngang bằng với tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Phật ngồi ở tư thế đối xứng, tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.

Hệ thống thoát nước khéo léo

Dù có nhiều phần nhỏ bị hư hại nhưng đáng ngạc nhiên là bức tượng vẫn còn nguyên vẹn, nhờ vào hệ thống thoát nước ngầm, giúp các phần bên trong luôn khô ráo. Một số đoạn thoát nước ẩn trong tóc, cổ, và nhiều rãnh phía sau tai, ngực. Hệ thống này giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ. Lúc đầu bức tượng được bảo vệ bởi 13 tầng gác làm bằng gỗ lớn, nhưng chúng đã bị phá hủy vào cuối triều đại nhà Minh, khiến bức tượng không còn được che chắn nữa.

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được khởi công xây dựng vào năm 713 thời nhà Đường, do nhà sư Hải Thông người Trung Quốc chỉ huy. Ông hy vọng rằng tượng Phật có thể giúp làm cho nước sông chảy êm đềm, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông.

Theo truyền thuyết, một số quan chức chính quyền địa phương muốn lấy số tiền quyên góp xây tượng Phật từ Hải Thông, nhưng nhà sư này tuyên bố thà mù mắt chứ không chịu mất tiền.

Khi ngân khố dành cho công trình không còn, nhà sư đã tự khoét mắt để thể hiện sự chân thành và tận tâm vào công việc. Cuối cùng ông cũng gom đủ số tiền sau 20 năm đi quyên góp và tiết kiệm. Khi ông qua đời, hai đệ tử của ông tiếp tục cho xây dựng công trình và hoàn thành năm 803.

Kể từ khi xây xong tượng Phật, dòng nước sông hung dữ trở nên hiền hòa. Theo giải thích của các nhà khoa học, trong quá trình xây dựng, đá từ vách núi rơi xuống đáy sông, thay đổi dòng chảy, khiến con sông an toàn hơn. Nhờ đó tàu bè có thể yên tâm qua lại.

Nhà sư Hải Tông, người có công xây dựng tượng Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: David Schroeter/Flickr

Ngoài tượng Lạc Sơn Đại Phật, hàng nghìn tượng Phật nhỏ được người dân chạm khắc xung quanh bức tượng khổng lồ này, tạo thành một bảo tàng điêu khắc trên núi của Phật giáo.

Khu vực Nga My bao gồm bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996. Hiện nay, bức tượng Phật luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Trung Quốc.

Lê Hùng (vnexpress.net)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 14
  • Hôm nay 3,795
  • Tháng hiện tại 40,250
  • Tổng lượt truy cập 23,446,499