Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Làm phước không bao giờ đủ

Làm phước không bao giờ đủ

Đăng lúc: 19:25 - 04/01/2017

Làm phước không bao giờ đủ

GN - Làm phước hay vun bồi phước đức là một trong những hạnh tu căn bản của người đệ tử Phật. Nhất là với hàng Phật tử tại gia thì việc tu phước có vai trò rất quan trọng vì tương đối dễ làm, và nhờ phước đức nâng đỡ nên mọi phương diện cuộc sống trở nên thuận lợi, tốt đẹp hơn. Trong các việc phước thì bố thí, cúng dường, hộ trì Tam bảo mang đến phước báo thù thắng nhất.
a cung dang.jpg
Cúng dường chư Tăng

“Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc… đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết thâm pháp cho vua, khuyến khích, làm cho hoan hỷ. Vua Ba-tư-nặc nghe thuyết pháp xong, bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn nhận lời con thỉnh trong ba tháng, cùng Tỳ-kheo Tăng, chớ đi nơi khác.

Thế Tôn làm thinh nhận lời thỉnh của vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc thấy Thế Tôn yên lặng nhận lời mời, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui đi. Về đến thành Xá-vệ, vua ra lệnh cho các quần thần: Ta muốn cúng dường thức ăn cho Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng trong ba tháng, cung cấp các thức cần dùng như y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men khi bệnh tật. Các ông cũng nên phát tâm hoan hỷ. Quần thần đáp: Xin vâng.

Vua Ba-tư-nặc liền cất đại giảng đường ngoài cửa cung cấm hết sức đẹp đẽ, treo giăng phướn, lọng, kỹ nhạc xướng lên vô kể, bày các ao tắm, chưng các đèn dầu, dọn các thức ăn trăm vị.

Bấy giờ Thế Tôn thấy đã đến giờ, đắp y, ôm bát, cùng các Tỳ-kheo Tăng, vây quanh trước sau vào thành Xá-vệ, đến giảng đường kia. Đến rồi Ngài lại tòa ngồi, các Tỳ-kheo mỗi vị ngồi theo thứ tự. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc cùng các cung nhân tự tay đem thức ăn cung cấp chỗ cần dùng; suốt ba tháng không chút thiếu sót, cung cấp y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men khi bệnh tật. Thấy Thế Tôn ăn xong, vua đem các thứ hoa rải lên Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng rồi lấy một ghế nhỏ đến trước Như Lai ngồi, bạch Thế Tôn:

Con từng theo Phật nghe: do gốc nhân duyên bố thí thức ăn cho súc sanh được phước trăm lần, cho người phạm giới ăn được phước ngàn lần, cho người trì giới ăn được phước vạn lần, cho tiên nhân đoạn dục ăn được phước ức lần, cho bậc hướng Tu-đà-hoàn ăn được phước chẳng thể kể, huống lại Thánh quả Tu-đà-hoàn, huống là bậc hướng Tư-đà-hàm, đắc đạo Tư-đà-hàm, huống bậc hướng A-na-hàm, đắc đạo A-na-hàm, huống bậc hướng A-la-hán, đắc đạo A-la-hán, huống bậc hướng Bích-chi Phật, đắc Bích-chi Phật, huống bậc hướng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, huống bậc thành Phật và Tỳ-kheo Tăng, phước đó công đức không thể tính kể. Hôm nay con tạo công đức đã xong.

Thế Tôn bảo: Đại vương! Chớ có nói thế! Làm phước không nhàm chán, hôm nay cớ sao nói đã làm xong? Vì sao thế? Vì sanh tử dài lâu không thể kể…”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 23. Địa chủ [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.401)

Căn bản của tinh thần bố thí, cúng dường theo lời Phật dạy là bình đẳng, phổ cập, không phân biệt. Nhưng được gieo duyên cúng dường với những bậc giới đức, trí tuệ, giải thoát như Đức Phật, chư vị Thánh Tăng thì phước báo vô lượng.

Trong pháp thoại này, vua Ba-tư-nặc đã hội đủ duyên lành, được cúng dường Thế Tôn và chư Thánh Tăng suốt ba tháng, dĩ nhiên phước báo của vua không thể nghĩ bàn. Tuy vậy, khi vua có ý tự mãn, xem việc làm phước của mình đã đủ, tạo công đức đã xong thì Đức Phật liền quở “Đại vương! Chớ có nói thế!”. Vì nói như thế là chưa đúng, làm phước không bao giờ đủ cả.

Sở dĩ Thế Tôn khuyến cáo đức vua không nên tự mãn “vì sanh tử dài lâu không thể kể…”. Khi chưa thành tựu giải thoát tối hậu, chúng ta vẫn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử, nguy cơ vương vào ác nghiệp, làm tổn giảm phước đức rất cao. Nên người chưa tạo phước thì hãy cố gắng gây tạo, người đã biết làm phước thì tinh tấn làm thêm. Người đệ tử Phật nguyện làm phước không nhàm chán, không bao giờ nói đã làm xong, cho đến ngày phước trí nhị nghiêm, công viên quả mãn.
Quảng Tánh

Khái Niệm

Khái Niệm

Đăng lúc: 14:29 - 24/05/2016

Khái niệm của khái niệm là những khái niệm được định nghĩa bởi tư duy hữu ngã. Ý thức tổng quan và xử lý các thông tin thu lượm từ năm thức giác quan và từ đó đưa ra các kết luận chủ quan và vì thế, mọi pháp đều có giá trị tương đối tùy theo ý thức nhận thức của mỗi con người.

Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Đăng lúc: 17:14 - 13/04/2016

Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

HỎI: Tôi chỉ mới bắt đầu đi chùa đọc kinh nhưng không hiểu vì sao, thời gian gần đây, trong tâm thức tôi lại hay khởi lên ý nghĩ bất kính khi lễ Phật, khi đọc kinh sách Phật. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không còn suy nghĩ đó nhưng không được. Tôi cảm thấy rất phiền não về những ý nghĩ như vậy. Tôi muốn hỏi làm thế nào để vượt qua được những ý nghĩ ấy? Khi tâm bất kính xuất hiện thì có phải tôi đã tạo nghiệp ác không? Mong quý Báo giúp tôi, để tôi có thể vượt qua chướng ngại này.

(XUÂN LÀNH, ngsinhcompany@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Xuân Lành thân mến!

Thiết nghĩ, có ba trường hợp chính để hình thành tâm bất kính trong bạn hiện nay. Thứ nhất, bạn mới bắt đầu học đạo, khi hiểu biết về giáo pháp chưa sâu rộng, khi niềm tin Tam bảo chưa được vững chắc, thì có thể bạn nghe những đối luận không thiện cảm với Phật giáo, hay biết được những hạn chế của hàng đệ tử Phật (đơn cử như có vị xuất gia hoặc cư sĩ khiếm khuyết đạo đức chẳng hạn), những điều ấy sẽ dễ khiến bạn hoài nghi, mất thiện cảm dẫn đến sinh tâm bất kính Tam bảo.

Thứ hai, nếu bạn đủ hiểu biết để nhìn thấu hai mặt của vấn đề, và đủ bao dung khi nhìn mọi sự trong tính tương đối nhưng vẫn dấy khởi ý nghĩ bất kính Tam bảo, có thể đó là hiệu ứng của những xung đột quan điểm trong chính bản thân bạn. Thứ ba là những hạt giống ngã mạn ở quá khứ còn vương lại trong tâm thức bạn nay đủ duyên bộc phát.

Với trường hợp thứ nhất, bạn cần tìm hiểu Phật pháp nhiều hơn nữa, đặc biệt là cần tham vấn những vị có kinh nghiệm tu học để tháo gỡ những vướng mắc cho bạn. Đạo Phật chủ trương “đến để thấy”, thấy rõ rồi mới tin. Với niềm tin được trí tuệ soi sáng, bạn sẽ luôn vững vàng trước những đối luận không thiện cảm về Phật giáo. Kế đến, nhân cách tốt hay xấu của những người bạn đạo vẫn ảnh hưởng đến niềm tin của mình nhưng đó là bên ngoài, thứ yếu. Bạn cần phát huy tuệ giác để thấy rằng, cốt tủy của người học Phật vẫn là “Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”. Không có tổ chức hay cá nhân nào tuyệt đối hoàn hảo cả. Người xưa nói “nhơn hư, đạo bất hư” nhằm nhắc nhở mình, mọi chuyện với cá nhân đều có thể xảy ra nhưng với đạo thì luôn tốt đẹp. Tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ góp phần chuyển hóa tâm bất kính của bạn.

Với trường hợp thứ hai, khi tiếp cận với cái mới thì xung đột nội tại là vấn đề thường xảy ra. Bạn đang tìm hiểu và từng bước xác lập niềm tin vào đạo Phật, dĩ nhiên có nhiều điều mới mẻ trong Phật giáo khác với tín ngưỡng truyền thống hay các tư tưởng, triết học mà bạn đã tiếp nhận từ trước. Sự phân biệt, so sánh, phân vân, hoài nghi, chấp nhận và phủ nhận giữa cái cũ và mới sẽ hình thành trong giai đoạn này, từ đó góp phần làm dấy khởi tâm bất kính. Nếu cần thì bạn hãy dành cho mình một khoảng lặng để chiêm nghiệm trước khi quyết định.

Ở đây, bạn nên học theo tinh thần tự do tín ngưỡng của Đức Phật: “Khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”. Rõ ràng theo tinh thần này, bạn sẽ đến với đạo Phật bằng sự tự do, chủ động với trí tuệ mà không hề chịu bất cứ áp lực nào cả.

Với trường hợp thứ ba, bạn nên biết rằng, tâm thức chúng ta lưu giữ tất cả những chủng tử nghiệp thiện ác, khi chưa đủ duyên thì tiềm ẩn, khi đủ duyên thì chúng trỗi dậy. Nếu tâm bất kính Tam bảo dấy khởi mà không có nguyên nhân rõ ràng như đã phân tích ở trên, thì chắc chắn đây là biểu hiện cụ thể của nghiệp ngã mạn trong quá khứ. Để chuyển hóa tâm bất kính này, bạn cần thành tâm lễ Phật sám hối những nghiệp xấu ngã mạn.

Người bình thường không thể kiểm soát được những ý tưởng bất chợt của mình. Nên khi những ý nghĩ bất kính xuất hiện, ngay thời điểm đầu tiên nó chưa phải là tội lỗi. Nhưng nếu không phản tỉnh để dừng lại mà cứ duyên theo nó thì sẽ tạo nên ý nghiệp xấu ác. Do vậy, muốn vượt qua chướng ngại này, bạn cần nương theo pháp lễ Phật sám hối để hóa giải nghiệp ngã mạn trong quá khứ và phát huy tuệ giác để hiểu đúng Chánh pháp. Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

ImageView

TP. HCM Đại giới đàn Trí Đức chính thức khảo hạch giới tử

Đăng lúc: 19:19 - 23/11/2015

Từ sáng sớm nay, 22-11 (nhằm ngày 11-10-Ất Mùi), gần 500 giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đã vân tập tại Tuyển Phật trường - chùa Huê Nghiêm, P.Bình Khánh, Q.2 tham gia kỳ khảo hạch nhằm tuyển chọn các giới tử đủ điều kiện thọ giới tại các đàn truyền giới của 8 giới trường thuộc Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 - DL.2015 do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức.

Quang lâm chứng minh và tham dự lễ khai mạc kỳ khảo hạch có sự hiện diện của chư tôn đức giáo phẩm: HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM,Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn Trí Đức; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Đại giới đàn Trí Đức; HT.Thích Minh Thông, Phó BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Minh, Phó Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM; TT.Thích Hiển Đức, Tổng Giám thị; quý Ni trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM cùng chư tôn đức BTS GHPGVN TP.HCM, Ban Tổ chức Đại giới đàn, Hội đồng Giám khảo, Ban Giám khảo giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ban Giám thị… đã quang lâm Tuyển Phật trường.

>>> Tuyển Phật trường Huê Nghiêm khảo hạch giới tử Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na


HT.Thích Trí Quảng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã phát biểu khai mạc


Giới tử Tỳ-kheo Bắc tông

HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã phát biểu khai mạc nhắc lại thời kỳ Đức Phật xây dựng giáo đoàn và Đức Phật chế định giới luật nhằm bảo vệ những tu sĩ có mục tiêu cao cả.

Hòa thượng nhấn mạnh, kỳ khảo hạch lần này nhằm tuyển chọn những người tài đức, gánh vác Phật sự cho Giáo hội. Hòa thượng nhắc nhở giới tử nếu là những người thật tu thật học, Ban Kiến đàn luôn luôn hỗ trợ còn nếu những người vì mục tiêu khác thì Ban Giám khảo sẽ công minh loại ra khỏi giới trường.

Hòa thượng tin tưởng vào hồng ân của Đức Phật gia hộ để giới tử vượt qua kỳ khảo hạch đạt kết quả tốt để đủ điều kiện được tấn đàn thọ giới tại các giới trường Đại giới đàn Trí Đức.


HT.Thích Trí Quảng thỉnh một hồi kẻng dài khai mạc kỳ khảo hạch


TT.Thích Hiển Đức đánh 3 tiếng kẻng lệnh, Ban Giám khảo chính thức khảo hạch

TT.Thích Hiển Đức, Tổng Giám thị Đại giới đàn Trí Đức, thay mặt Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Giám thị thông báo những nội quy của kỳ khảo hạch, những điều nên và không nên làm đối với giới tử để kỳ thi tuyển diễn ra trang nghiêm và công bằng.

Sau một hồi kẻng dài của HT.Thích Trí Quảng chính thức khai mạc kỳ khảo hạch và 3 tiếng kẻng lệnh của TT.Thích Hiển Đức, đúng 7 giờ 30, Ban Giám khảo tại Tuyển Phật trường chính thức khảo hạch giới tử.

478 giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thuộc các Hệ phái Bắc tông, Nam tông Kinh, Khất sĩ (và 8 tu nữ Hệ phái Nam tông Kinh) bước vào kỳ khảo hạch phần luật, Phật pháp căn bản và phần tụng niệm.


Giới tử trả lời trước Ban Giám khảo


Giới tử Tỳ-kheo Hệ phái Nam tông Kinh trả lời vấn đáp

Tuyển Phật trường chia làm 11 nhóm Giám khảo Tỳ-kheo và 11 nhóm Giám khảo Tỳ-kheo-ni. Từng giới tử lần lượt đối trước Ban Giám khảo trả lời các câu hỏi trực tiếp (vấn đáp).

Nội dung khảo thí Đại giới đàn Trí Đức có hai phần: Ban Giám khảo tập trung vào khảo hạch giới luật, giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni gồm nội dung trong 4 quyển Luật Trường hàng (Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách) và khảo hạch nội dung giáo lý trong 4 quyển đầu của bộ Phật học phổ thông và nội dung về tụng niệm.


Giới tử Tỳ-kheo Hệ phái Khất sĩ trả lời trước Ban Giám khảo


Giới tử Tỳ-kheo-ni Hệ phái Khất sĩ

Phụ trách khảo hạch giới tử Tỳ-kheo: HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; HT.Thích Minh Thông, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, đứng đầu Ban Giám khảo giới tử Tỳ-kheo (phần luật); HT.Thích Như Niệm, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, đứng đầu Ban Giám khảo giới tử Tỳ-kheo (phần Phật pháp căn bản); HT.Thích Thiện Nhân, đứng đầu Giám khảo giới tử Tỳ-kheo Hệ phái Nam tông Kinh (phần luật và Phật pháp căn bản); HT.Thích Giác Hà, đứng đầu Giám khảo giới tử Tỳ-kheo Hệ phái Khất sĩ (phần luật và Phật pháp căn bản);

Phụ trách giới tử Tỳ-kheo-ni: NT.Thích Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, đứng đầu Ban Giám khảo giới tử Tỳ-kheo-ni (phần Luật); NT.Thích Như Châu, Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, đứng đầu Ban Giám khảo giới tử Tỳ-kheo-ni (phần Phật pháp căn bản); NT.Thích Viên Liên, đứng đầu Giám khảo giới tử Tỳ-kheo-ni Hệ phái Khất sĩ (phần luật và Phật pháp căn bản).


Giới tử Tỳ-kheo-ni Bắc tông trả lời khảo hạch của Ban Giám khảo


Tuyển Phật trường diễn ra kỳ khảo hạch trang nghiêm
Tại Tuyển Phật trường, TT.Thích Hiển Đức, Tổng Giám thị Đại giới đàn Trí Đức cho biết: “Tuyển Phật trường Huê Nghiêm sáng nay được tổ chức trang nghiêm tạo niềm tin quý báu cho giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.

Kỳ khảo hạch đã diễn ra nghiêm túc tạo không gian tĩnh lặng để giới tử tư duy đến giáo điển, luật học của Đức Phật. Các vị trong Ban Giám khảo thực thi nhiệm vụ, chức năng của mình một cách nghiêm túc và tròn vẹn. Qua tinh thần nghiêm túc đó, Ban Giám khảo rất hoan hỷ và hài lòng khi ngồi ở cương vị của mình.

BTS GHPGVN TP.HCM nếu tổ chức các Đại giới đàn sau này, Ban Kiến đàn nên duy trì phong cách tổ chức này để tạo cho giới tử niềm tin trong Chánh pháp”.

Chiều nay, 596 giới tử Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na sẽ vân tập tại Tuyển Phật trường Huê Nghiêm vào lúc 13 giờ để tham gia kỳ khảo hạch.

Kết quả khảo hạch, Ban Kiến đàn sẽ thông báo kèm giấy báo trúng tuyển về đơn vị Phật giáo (BTS GHPGVN quận, huyện) nơi giới tử đăng ký hồ sơ thọ giới.


Giới tử Tỳ-kheo trước Ban Giám khảo


Giới tử Hệ phái Nam tông Kinh và Khất sĩ tại Tuyển Phật trường

Theo chương trình Đại giới đàn Trí Đức, vào lúc 6 giờ ngày 28-11 (nhằm ngày 17-10-Ất Mùi), tất cả các giới tử vượt qua kỳ khảo hạch sẽ vân tập làm thủ tục nhập giới trường học các nghi thức thiền môn để chuẩn bị thọ giới.

Theo đó, giới tử Tỳ-kheo tại giới trường chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân); Sa-di tại giới trường chùa Huê Nghiêm (Q.2); Tỳ-kheo-ni tại giới trường chùa Từ Nghiêm (Q.10); Thức-xoa-ma-na tại giới trường chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận); Sa-di-ni tại giới trường chùa Huê Lâm (Q.11).

Giới tử Tỳ-kheo, Sa-di Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh tại Giới trường biệt truyền chùa Bửu Quang (Q.Thủ Đức); Giới tử Tỳ-kheo, Sa-di Hệ phái Khất sĩ tại giới trường tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh); Giới tử Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni Hệ phái Khất sĩ tại giới trường tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp).

Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức từ ngày 1 đến ngày 6-12-2015 (nhằm ngày 20 đến 25-10-Ất Mùi) với 1.082 giới tử từ 24 BTS PG quận, huyện và các tỉnh, thành.

Đại giới đàn Trí Đức chính thức khai mạc vào 8 giờ, ngày 2-12 (nhằm ngày 21-10-Ất Mùi) tại Đại giới trường - chùa Huê Nghiêm, quận 2.
H.Diệu
Ảnh: Bảo Toàn

Đa số các giới tử trả lời khá tốt nội dung khảo hạch

*Giới tử Tỳ-kheo Thích Ngộ Đức, thuộc BTS GHPGVN quận 10: “Tôi được Ban Giám khảo hỏi 3 câu, trong đó có phần giới luật và Phật pháp căn bản. Tôi cũng khá tự tin đánh giá phần trả lời của mình là khá tốt và hy vọng sẽ vượt qua kỳ khảo hạch, có tên trong danh sách trúng tuyển để được thọ giới lần này”.

*Giới tử Tỳ-kheo Thích Hạnh Nguyện thuộc Hệ phái Nam tông Kinh: “Kỳ khảo hạch lần này giới tử đông nhưng Ban Kiến đàn tổ chức rất trang nghiêm, tạo không gian tĩnh lặng cho giới tử tập trung trả lời vấn đáp. Tôi cũng rất hoan hỷ và kỳ vọng với các câu trả lời của mình trước Ban Giám khảo, tôi sẽ đạt được kết quả tốt, hy vọng được thọ giới Đại giới đàn Trí Đức”.

*Giới tử Tỳ-kheo-ni Thích nữ Liên Thuần thuộc Hệ phái Khất sĩ: “Dù có hơi hồi hộp nhưng tôi cũng hoàn thành 4 câu hỏi của Ban Giám khảo đặt ra, trong đó có phần giới luật, Phật pháp và phần về tụng niệm. Tôi cũng có hy vọng sẽ được thọ giới trong Đại giới đàn Trí Đức lần này”.

*Giới tử Tỳ-kheo-ni Thích nữ An Huệ, giới tử tỉnh Lâm Đồng: “Dù thọ giới hơi muộn so với các giới tử khác, tôi vẫn nuôi chí nguyện được thọ giới lần này. Các câu hỏi của Ban Giám khảo đưa ra về phần luật và Phật pháp căn bản tôi trả lời tương đối tốt. Từ tỉnh Lâm Đông, tôi có duyên được tham gia kỳ khảo hạch lần này, tôi hy vọng mình sẽ có tên trong danh sách được thọ giới Đại giới đàn Trí Đức”.

tải xuống(4)

Bàn về cái tôi của con người

Đăng lúc: 22:59 - 16/10/2015

Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Tự điển Thesaurus định nghĩa về cái tôi (hay ngã kiến - egoismism/the selfness) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.

Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian trong quá trình sống của con người... Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình, nói cách khác, cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau và ít khi “để bụng” những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.
Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: (1) Tích cực: sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân; (2) Tiêu cực: sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn.
Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Nếu một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. “Mình thật chẳng làm nên trò trống gì là vô tích sự”, “Tôi thật là xấu xí, “Chẳng ai ưa tôi cả”… đó là một số những suy nghĩ thường có của một số những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.
Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm, người ta thường suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc dẫn đến thái độ bi quan hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là có ác cảm với những người mà họ cho là ba hoa, phô trương và kiêu ngạo... Không hài lòng với chính mình, ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén, cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên (sau khi đã đè nén nó), thì cái tôi đó nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo.
Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan điểm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: “Hãy thành thật với chính mình”.
Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn với thế giới quanh ta cũng như sẵn sàng đón nhận để vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Qua đó, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất tự tin, bởi vì bạn biết rằng bạn còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa bé gái khi bị trêu chọc là sún răng, nó liền hỏi lại: “Còn đôi mắt con thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu “chịu khó” và chân thành (nghĩa là công bằng với chính mình) trong cuộc tìm kiếm, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị riêng của chính mình.
Thế thì một người phụ nữ nội trợ sẽ không thấy mất tự tin vì nghĩ rằng mình không tạo ra đuợc thu nhập và có vị trí xã hội như những người khác. Là một người vợ và một người mẹ tốt, giá trị của họ vô cùng to lớn đối với gia đình của họ và do đó họ tất nhiên là những người rất cần thiết trong xã hội. Một người không có diện mạo xinh đẹp vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người xung quanh họ nếu người ấy thân thiện và vui tính.
Không những chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình, con người còn có thể phát triển thêm những giá trị mới cho chính mình. Điều này cũng tương tự như việc các công ty trong quá trình phát triển giá trị thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm (value adding service) cho khách hàng của mình. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay phát triển thêm dịch vụ giao vé tận nhà, hướng dẫn lộ trình bay, tư vấn cách chọn chuyến bay…
Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh “cái tôi quá to” cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.
Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?
Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?
Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ”, là “trung tâm của thế giới”… Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.
Đã không phải là vũ trụ mà chỉ là “cái rốn” của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.
Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬt GIÁO

water leaves fallen leaves HD Wallpapers

Cuộc Ðời Tương Ðối Mà

Đăng lúc: 08:08 - 02/08/2015

Hầu hết chúng ta đều mắc phải cái bệnh “đòi hỏi tuyệt đối”. Giàu thì mình muốn giàu hơn tất cả, sang cũng muốn mình sang hơn tất cả, cho đến đẹp, giỏi, khen, đều là hơn tất cả. Có cái gì thua kém hơn người là buồn, tủi, bực dọc không hài lòng. Do đó cộc sống không thấy có hạnh phúc, vì thấy mình còn thua người này kẻ nọ. Hoặc than trách người thân của mình sao không được như ý mình muốn. Những nỗi khổ đau buồn bực ấy đều do không hiểu “cuộc đời tương đối mà!”
Muôn Vật Tương Ðối
Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối. Người thì có nam nữ, loài vật thì có giống đực giống cái, điện thì có điện âm điện dương…, từ lý tương đối ấy mà sinh ra vạn vật. Chính lý tương đối là gốc sinh hóa vô cùng vô tận. Nếu chúng tách rời sự vật ra từng phần đơn độc thì sự sinh hóa phải dừng lại. Cuộc sống chúng ta là tương quan trong cái đối nghịch, sinh trưởng trong cái chống chọi. Như thế, làm sao chúng ta tìm ra sự bình an hoàn toàn, sự hạnh phúc miên viễn trong cuộc đời tương đối. Sáng suốt nhất là chúng ta nhìn sự tương đối là lý đương nhiên, không oán hờn, không trách cứ trước mọi sự việc trái ngược nhau. Ðồng thời chúng ta khéo lợi dụng lý tương đối tạo thành những công năng hữu ích cho con người. Thí dụ nước với lửa là đối nghịch nhau, song nếu chúng ta khéo dùng lửa đun sôi nước để nấu chín các thức ăn… Ðiện âm điện dương đối nghịch nhau, chạm nhau làm tóe sáng, con người khéo lợi dụng sự phát sáng đó tạo ra vô số công năng của điện… Chừng đó chúng ta mới thấy sự hữu dụng của nước với lửa, của điện âm điện dương phục vụ cho con người một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ sợ nước dập tắt lửa, tách rời xa chúng thì chúng ta có được lợi gì trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không sợ sự đối nghịch của vạn vật mà chỉ khéo léo sử dụng sự đối nghịch một cách hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.
Bản Thân Con Người Tương Ðối
Con người có hai phần vật chất và tinh thần, cả hai phần này đều là tương đối.
Phần vật chất: – Ðức Phật phân tích một cách đơn giản, trong cơ thể con người do bốn thứ cất tạo thành. Phần cứng rắn là đất, phần thấm ướt là nước, phần nóng ấm là lửa, phần chuyển động là gió. Bốn phần này chung họp làm thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần, thân này phải bại hoại. Bản thân bốn phần này lại đối nghịch nhau, nước chống với lửa, gió chọi với đất. Cho nên trong khi nước thạnh lửa suy thì sanh ra bệnh lạnh, hoặc phù thủng…, ngược lại khi lửa thạnh nước suy thì sinh ra bệnh nóng, nhức đầu…, khi gió thạnh đất suy thì sanh ra bệnh đau nhức khắp thân thể; khi đất thạnh gió suy thì sanh ra bệnh tê liệt, khó thở … Do đó mang thân này suốt đời chúng ta phải điều hòa tứ đại. Tứ đại được điều hòa thì thân mới mạnh khỏe an ổn, ngược lại thì đau ốm liên miên. Bốn thứ đối nghịch này, chúng ta có nên hủy hoại nó không, nếu chúng ta còn muốn sống? Hay mỗi ngày chúng ta cố gắng điều hòa chúng để cho thân này được an ổn. Bốn thứ thù nghịch nhau, song nhờ bốn thứ mà thân này mới tồn tại. Như thế chúng ta sợ ghét sự chống đối hay khéo điều hòa sự chống đối ? Muốn thân này còn sống được an ổn, không cách nào hơn chúng ta phải biết điều hòa chúng một cách thích hợp. Ðó là khôn ngoan, là biết sống.
Phần tinh thần- Nội tâm chúng ta đối nghịch nhau rất là phức tạp. Ở đây tạm chia tâm niệm thiện và tâm niệm ác đối nghịch nhau. Song khi niệm ác dấy lên thì niệm thiện ẩn đi, ngược lại khi niệm thiện dấy lên thì niệm ác trốn mất, hai thứ đối nghịch nhau mà không đồng thời. Vì thế nếu biết tu, chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng niệm thiện thì niệm ác lặn mất. Nếu người không biết tu, cả ngày dung chứa niệm ác thì niệm thiện không bao giờ xuất hiện. Nuôi dưỡng niệm thiện là bậc hiền thánh, dung chứa niệm ác là kẻ bạo tàn. Chúng ta trọn quyền tạo lập cho mình một chỗ đứng vào hàng thánh thiện, cũng chính chúng ta tự bước lùi vào hang quỉ, chỗ thú cầm. Không ai bắt buộc, không ai lôi kéo chúng ta đến nơi này hay nơi nọ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta tu quán từ bi để trừ tâm sân hận, quán tứ niệm xứ để diệt mê lầm, hoặc niệm danh Phật để át tạp niệm…Chúng ta có đủ khả năng làm hiền thánh, chúng ta cũng có đủ chủng tử ngạ quỉ súc sanh. Bởi vậy nói tu tâm là chúng ta khéo điều phục những tâm niệm xấu ác, nuôi dưỡng những tâm hiền thiện. Khi sắp lâm chung, những tâm niệm nào mạnh sẽ lôi chúng ta đến cảnh tương xứng. Vì tâm niệm là gốc của luân hồi sanh tử.
Thế thì bản thân chúng ta từ vật chất đến tinh thần đều là tương đối. Như vậy chúng ta không ưa tương đối, chạy trốn tương đối có được không? Quả là điều dại khờ. Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt tìm mọi cách điều hòa cho thân an ổn, chinh phục cho tâm hiền thiện. Ðây là việc làm của người biết sống và sống vươn lên.
Tương Quan Mình và Người
Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh“cầu toàn trách bị”. Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý sẽ làm chúng ta sinh bực bội chán chường. Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông Phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được quyền can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm theo ý mình muốn. Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi cuả mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa. Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta muốn từ từ xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ thông cảm tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.
Bệnh Thần Tượng
Chúng ta dễ mắc cái bệnh “thần tượng hóa” người mình quí kính. Người mình quí kính là thánh thiện một trăm phần trăm, nếu thân cận một thời gian, thấy vị ấy còn một vài điều phàm tục, “thần tượng” liền sụp đổ. Từ đây ta sanh tâm khinh nhờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Ðây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất lòng tin. Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi sinh bê tha hư đốn. Tại sao ta không sét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm hay sáu chục phần trăm thì đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. Bởi vì vị thầy chưa phải là thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ. Bồ tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quí kính là tương đối, thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không “thần tượng hóa”. Nếu vị thầy ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi qúa đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bực. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Ðâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy” “các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi”, lại “các ông phải làm cồn đảo cho mình”. Thế nên, không vì “thần tượng sụp đổ” mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quí kính vẫn là tương đối thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các ngài.
Lục Tổ Dậy 36 Pháp Ðối
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ dạy đệ tử sau này có ai hỏi đạo nên dùng 36 pháp đối để trả lời thì không sai tông chỉ nhà thiền. Nếu người hỏi “có” lấy “không” đáp, người hỏi “sáng” lấy “tối” đáp… Tại sao ? Vì nhơn “không” mà lập “có”. Bởi có cái “không” mới thành lập cái “có” không có cái “không” thì cái “có” cũng chẳng thành. Ngược lại, nhơn cái “có” mà lập cái “không”, nếu chẳng có cái “có” thì cái “không” cũng vô nghĩa. Ðến cái sáng cái tối cũng thế. Do tối mới lập sáng, nhơn sáng mới nói tối. Hai cái nương nhau mà thành, không có thật pháp. Tất cả sự vật ở thế gian đều là đối đãi nhau mà lập, không có một pháp nào là thật. Thế mà chúng ta chấp thật pháp, thật ngã, tăng trưởng si mê, chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử. Dưới con mắt của Phật của Tổ thấy rõ các pháp như huyễn như hoá, nên các ngài vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Thấy tất cả là tương đối hư giả là cái thấy của người giác ngộ.
Chỉ Tâm Chẳng Sanh Diệt Là Tuyệt Ðối
Tuy nhiên trong cuộc đời tương đối vẫn có cái tuyệt đối mà ít ai biết đến. Chúng ta cứ quen chạy theo hình sắc thanh âm là những thứ vô thường sanh diệt. Ngay cái sanh diệt lại đòi cho được tuyệt đối, quả là chúng ta bắt bóng mò trăng. Làm gì có, ngay cái đối đãi sanh diệt lại là tuyệt đối vô sanh. Khi chúng ta vươn theo hình thức sự vật mà mong được cái chẳng sanh chẳng diệt. Hãy nghe hai câu sau trong bài kệ trình kiến giải lên Ngũ Tổ của người cư sĩ họ Lư: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”(Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai). Có vật là vô thường sinh diệt, dù cứng như chất kim cương, cũng là vô thường sinh diệt. Chỉ có tâm thể không hình tướng, không dấy động mới là bất sanh bất diệt. Tâm thể vượt ngoài đối đãi hai bên, vĩnh hằng bất biến. Vừa thấy hai bên là mất tâm thể rồi. Cho nên Tổ Tang Xán kết thúc bài Tín Tâm Minh nói “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm” (Tin tâm không còn hai, không hai tin tâm). Có hai còn là đối đãi, không hai thì đối đãi với cái gì. Chính cái vượt ngoài đối đãi mới thực sự là tuyệt đối. Cái tuyệt đối có sẵn nơi mọi người chúng ta không phải tìm kiếm bên ngoài. Biết buông tâm niệm đối đãi, sống bằng thể không đối đãi là người giác. Trái lại, chạy theo tâm niệm đối đãi sinh diệt, quên mất tâm thể bất sanh bất diệt là ngưòi mê.
Kết Thúc
Con người chán nản ê chề khổ đau cùng cực, vì những thần tượng của mình dựng nên đều sụp đổ. Còn tin tưởng vào đâu khi lòng tin tuyệt đối dồn vào các thần tượng, mà nay tan vỡ hết rồi. Ðây là người mắc bệnh thiếu thực tế, lúc nào cũng lý tưởng hoá kẻ khác. Khi lý tưởng bị thất vọng, họ đâm ra thù ghét chán chường. Cộng thêm bệnh đòi hỏi quá đáng, khiến họ không bằng lòng một ngừơi nào trên thế gian này. Thế là, họ đang sống trong đông đảo quần chúng, mà cảm thấy như mình lang thang trong bãi sa mạc. Sự chán đời tuyệt vọng của những người này phát xuất từ sự gởi gấm tất cả lòng tin vào kẻ khác. Chúng ta phải khôn ngoan nhìn mọi người bằng con mắt tương đối, tin mọi người bằng lòng tin giới hạn. Chúng ta sẽ bằng lòng trong đời sống này, và sẽ cảm thông tha thứ những người thân với mình khi họ phạm phải sai lầm. Chúng ta còn chỗ nương dựa duy nhất là chính mình. Mình sẵn có hòn ngọc quí mà lâu nay đã quên lãng.Hôm nay khéo tay mở chéo áo lấy hòn ngọc đem ra dùng, đời ta sẽ hạnh phúc biết là bao!
HT. Thích Thanh Từ

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Đăng lúc: 07:48 - 02/08/2015

Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.


Năm 980 nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, năm 1009 nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Hai cuộc thay ngôi đổi chủ cách nhau 29 năm nhưng tương đối giống nhau. Hai vua kế vị tiền triều đều còn bé, sự việc diễn ra trong hòa bình và hai vua mới đều được hai bà Thái hậu triều trước trân trọng mời vào cung trao long bào và ngôi báu. Chỉ khác nhau ở chỗ người chủ xướng thay đổi triều Đinh là một đại tướng quân có binh quyền, còn người chủ xướng thay đổi triều Tiền Lê là nhà sư trong tay không tấc sắt không tên quân.
Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành băng hà, truyền ngôi cho Thái tử Lê Long Việt. Các hoàng tử khác tranh giành ngôi báu đem quân đánh nhau suốt 8 tháng trời mới yên, Thái tử đăng cơ chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết hại, cướp ngôi.
Trong bốn năm trị vì (1005-1009) xét công luận tội thì Long Đỉnh tội nhiều hơn công. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét ”Ngọa Triều (Long Đỉnh) không những thích giết người lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man để họ kêu gào, nhiều lần phạm đến tên húy của cha mà lấy làm thích” Còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì :”Khai Minh Vương(Long Đỉnh) là dứa con hư của Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của Trung Tông (Long Việt)…là kiếp sau của vua Kiệt vua Trụ, nhốt tù nhân dưới nước, đặt hình phạt ngọn cây, trác táng vì rượu gái, nhiều điều tối tăm hỗn loạn không thể nào hình dung”.
Khi Long Đỉnh chết, Ngô Thì Sĩ liên hệ đến triều Đinh và cho đó là quả báo nhãn tiền ”Long Đỉnh giết Long Việt thì cũng như Đinh Liễn giết Hạng Lang. Bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Đại Hành cũng như bọn Đào Cam Mộc phò Lý Thái Tổ lên ngôi. Quả báo của kẻ làm nhiều điều ác như xoay theo vòng tròn” Rồi ông tiết lộ một bí mật mà các sử gia khác không biết ”Lý Thái Tổ lại rất căm phẫn về tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép, nếu quả như vậy cũng là đạo trời hay báo ứng cho nên chép phụ vào đây để làm răn”. Thực hư ra sao không rõ, chỉ thấy Lý Công Uẩn lên ngôi hoàn toàn danh chánh ngôn thuận.
Trước khi Long Đỉnh qua đời, một hôm, ở làng Diên Uẩn có mưa to gió lớn, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ làm tét một mãng da lớn. Vài ngày sau dân làng phát hiện chỗ sét đánh có nhiều chữ chi chít và cho đó là sấm ký của thần nhân. Bài sấm như sau “Thụ căn diểu diểu. Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc. Thập bát tử thành. Đông A nhập địa. Mộc dị tái sinh. Chấn cung xuất nhật. Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian. Thiên hạ thái bình” (Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Hạt hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Đông A vào đất. Cây khác lại sanh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu mình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình)
Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.
Bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hanh nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, Sư nói với Lý Công Uẩn ”Gần đây cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai khoan từ nhân thứ rất được lòng người như Thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ Thân vệ thì còn ai đương nổi”.
Lúc bấy giờ Long Đỉnh còn tại vị, sợ sự việc tiết lộ mang họa sát thân, Công Uẩn không dám bàn đến việc đó mà còn đem Sư dấu ở Tiên Sơn. Sự cẩn thận của Công Uẩn không phải vô ích, Long Đỉnh cũng nghe biết bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hạnh, âm thầm sai thủ hạ thân tín tìm giết hết người họ Lý nhưng không hề đả động đến Công Uẩn thường xuyên kề cận bên mình. Có lẽ ông ta cho Công Uẩn không phải là người phản bội bởi khi ông ta giết Long Việt cướp ngôi, quần thần sợ hãi không ai dám phản ứng, chỉ có Công Uẩn ôm xác Long Việt khóc than thương tiếc được ông ta khen trung thành và thăng chức từ Đội trưởng cấm quân lên Tứ sương quân phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Long Đỉnh chết, con còn bé, Chi hậu Đào Cam Mộc nói với Công Uẩn ”Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái họa không thể che dấu nổi, chuyển họa thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo, Thân vệ còn ngờ gì nữa” Công Uẩn nói”Tôi biết rõ ý ông không khác ý Vạn Hạnh. Nếu đúng như lời ấy thì nên tính kế thế nào?” Biết Công Uẩn đồng ý, Cam Mộc bàn với quần thần, không ai có ý khác, bèn cùng nhau vào cung tâu với Thái hậu, bà đồng ý, vời Công Uẩn vào khuyên lên ngôi hoàng đế.
Thật ra thì bài sấm ký đó không phải của thần nhân ban cho mà tác giả chính là…Sư Vạn Hạnh. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết ”Ôi! trời có nói gì đâu! Một tiếng sét thành ra chữ, chỉ bốn mươi chữ mà việc hưng phế của dòng họ các đời trong khoảng vài trăm năm đều khái quát vào đấy cả. Có lẽ Sư Vạn Hạnh giỏi về suy đoán, nhân sét đánh cây gạo, giả thác bài chữ sét đánh để tỏ sự thần dị”.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn (không biết tên gì) sanh năm 938, người làng Cổ Pháp cùng quê với Công Uẩn. Năm 21 tuổi xuất gia tại chùa Lục Tổ, đệ tử sư Thiền Ông, thông minh, học nhiều biết rộng, tinh thông Tam giáo (Nho-Phật-Lão), từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành cả chánh trị lẫn quân sự, giúp vua chiến thắng quân Tống quân Chiêm xâm lược và quấy phá nước ta.
Nói Sư Vạn Hạnh giỏi suy đoán, tiên liệu việc như thần, nói đâu trúng đó cũng không ngoa, không cường điệu. Vì, Sư lăn lộn trong chính trường nhiều năm, giữ vị trí quan trong trong triều, thân cận bên vua nên không có việc gì không biết, không có biến cố nào không trải qua. Một người như thế chắc chắn tích lũy nhiều vốn sống, kinh nghiệm, nhìn vạn vật biển chuyển, thế sự thăng trầm, lòng người thay đổi là có thể đoán biết hồi kết như thế nào.
Lúc bấy giờ mọi người đều chán ghét sự hà khắc, bạo ngươc, tàn ác của Long Đỉnh, tiếng oán than, căm phẫn vang lên khắp nơi thì không chỉ có Sư mà bất cứ kẻ sĩ nào cũng biết nhà Lê đã suy vong nên thần dân ngoảnh mặt quay lưng không còn lưu luyến gì với triều đại xấu xa tàn ác đó. Thời cơ đã đến, nhân chuyện sét đánh cây gạo Sư bèn viết bài sấm ký để tác động tâm lý và kích thích lòng dân cùng khanh tướng, quan lại triều đình và cả Công Uẩn..
Công Uẩn lại được Sư nuôi dạy từ năm 7 tuổi đến trưởng thành theo sự phó thác của sư Khánh Văn. Sư nhận xét đứa học trò “Cậu bé nầy không phải là người thường, sau nầy lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Do vậy, tự thân không thể làm vua thì làm thầy vua, Sư quyết định đưa Công Uẩn lên ngôi cửu ngũ không phải bằng vũ lực mà bằng…văn chương! Việc làm của Sư xem ra khá mạo hiểm, liên quan đến an nguy sinh mạng của học trò vì Long Đỉnh có thể giết hại Công Uẩn bất cứ lúc nào để bảo vệ củng cố ngôi vị. Tuy nhiên, như đã nói trên, Sư đã từng trải nhiều năm trong triều đình, vốn sống phong phú, đầy đủ kinh nghiệm, biết người biết ta cho nên chuyện đó đã không xảy ra.
Sử thần Ngô Sĩ Liên khen Sư biết sự chuyển biến của thời vận, trí thức hơn người thường, còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét Sư có chí khí hơn đời, ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương, có kiến thức, biết tính toán nên biết trước sự việc xảy ra “cũng là tay lỗi lạc trong giới thiền”.
Năm 1025 Sư viên tịch, để lại cho các đệ tử bài thơ :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy.
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân người như ánh chớp có rồi không. Muôn cây mùa xuân tươi tốt mùa thu héo khô. Mặc cho thời vận thịnh suy không nên sợ hãi. Vận thịnh suy như hạt sương trên ngọn cỏ tan biến cấp kỳ).
Sau nầy, cảm kích công đức cao dày của Sư, vua Lý Nhân Tông có làm bài thơ khen tặng:
Vạn Hanh dung tam tế.
Chân phù cổ sấm ky.
Hương quan danh Cổ pháp.
Trụ tích trấn vương kỳ
(Vạn Hạnh thông ba kiếp. Phục hợp cổ sấm thi. Quê hương làng Cổ pháp. Cấm gậy trấn kinh kỳ). *./

Theo Đạo Phật ngày nay

Tâm ta, tâm người

Tâm ta, tâm người

Đăng lúc: 05:35 - 14/07/2015

Người xưa rất hay, nói hơi bị thừa...- “tiên trách kỷ hệu trách nhân”, đừng vội vàng chụp mũ người, hãy soi lại bản thân mình, nói kiểu bây giờ: không được chủ quan. Nhân sinh thường gặp nhau ở chỗ: nhìn người thì rõ, nhìn mình thì...không rõ, thấy lỗi người thì dễ, lỗi ta thì…Đặc điểm này phổ biến lắm. Tâm ta tâm người có sự sai biệt là chuyện thường tình.
Tôi “mê” nữ Nhà văn nọ từ lúc cô chập chững bước chân lên văn đàn với những tác phẩm nhỏ đầu tay. Dõi theo ngòi bút nữ nhân tài hoa ấy, đến khi cô viết được chừng ..vài chục đầu sách, thì gặp.

Trong một dịp tình cờ, bắt tay người nữ thâm trầm, trẻ tuổi, có đôi mắt tinh anh, tôi ngỡ ngàng biết đấy là thần tượng của mình, nữ văn sĩ X. Vài câu nói xã giao. Lần thứ hai gặp trong một dịp, cũng tình cờ, nhận ra nhau, tôi chủ động chào và được “thưởng” một nụ cười biết nói. Và, với riêng tôi, như thế đã là...trực quan sinh động lắm rồi, sau khi đã đọc không sót đầu sách nào của cô văn sĩ ấy, thêm cả những sáng tác mới chỉ được giới thiệu trên báo. Văn chương, tâm hồn, nhân dáng nữ nhân tài hoa ấy, với tôi, rất hài hòa, mười phân ít ra vẹn…chín. Nếu cô ấy lập một câu lạc bộ những người hâm mộ ắt tên tôi ở hàng đầu vì sự ngưỡng mộ. Nhưng đấy chỉ là tâm tôi thôi.


Gáo nước lạnh đầu tiên tôi nhận được khi giao lưu văn nghệ tại một tòa soạn lớn, anh bạn biên tập là con mọt sách thứ thiệt đã không hề tế nhị (mà chắc chi anh biết tôi là fan của cô văn sĩ nọ?), nói thẳng: Bà đó viết không hay! Tôi bị sốc nặng, nín thinh. Bắt đầu có những suy nghĩ “tại sao” … Chú gần nhà, học ít song mê văn, mượn sách của tôi (tác phẩm của cô văn sĩ nọ) đọc miết, rồi buông một câu còn đau hơn: tao thấy cũng thường thôi! Chẳng thà chú đánh tôi còn dễ chịu hơn. Chưa hết đâu, lần nọ đi mua thuốc tây ở hiệu dược quen, cô dược sĩ trẻ măng mang kính trắng, đang lúc rảnh rỗi, bắt chuyện văn chương với tôi, và khi nghe tôi nhắc đến thần tượng, nữ văn sĩ X, cô gái xinh đẹp ấy đã đánh đòn đau điếng: nhà văn X là ai? Trời ạ, sao lại thế?

Bây giờ tôi ngộ rồi: cuộc sống là tập hợp những cá thể rất khác nhau, sự sai biệt tư tưởng là được nhiên, không có gì lạ. chẳng riêng gì chuyện văn chương, món rất chi trừu tượng, sự khác biệt thấy ở mọi nơi mọi lúc với đủ các đối tượng: chính trị, văn hóa, thể thao, ẩm thực… Người ta tranh luận, cãi vã, bất đồng...xoay quanh nhận thức về một đối bóng, một khuynh hướng, một giọng ca…

Có những cuộc tranh luận bất phân thắng bại vì chẳng ai chịu ai, song cũng có những khác biệt dung hòa giải quyết được do người trong cuộc nhận ra khác biệt là bình thường, và đấy rất hay, theo tôi, chính vũ trụ cũng tồn tại hài hòa trong sự khác biệt cơ mà?

Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả độc giả đều chỉ thích đúng một nhà văn duy nhất, hay một giọng ca? Các quán ăn phục vụ độc vị mỗi một món? Chán lắm… Vũ trụ mênh mông bao la với các hành tinh chuyển động với quỹ đạo khác nhau, cấu tạo hành tình cũng khác, và các vệ tinh quay quanh cũng chẳng giống nhau.

Những sự khác biệt ấy tồn tại trong trật tự hài hòa, chân phương, tuyệt mỹ, và nhờ đấy sự sống trên trái đất có nắng ấm, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông nhịp nhàng.

Trật tự ấy là hoàn mãn đến mức không ai ngốc đến mức đồ bỏ bớt chi tiết này hay chi tiết khác, cũng như bộ máy chiếc đồng hồ tự động, xê dịch một tí sự đo thời gian bị hỏng ngay. Tập hợp các khác biệt hợp thành sự hoàn mỹ.

Tâm ta khác tâm người do căn cơ và sự huân tập khác nhau, lòng từ, bi, hỉ, xả..sẽ dung hợp được sự khác biệt thay vì sân si từng câu nói, từng ánh mắt.

Sự thấy biết khác nhau là thường tình do duyên nghiệp và phước báu riêng. Đức Phật giác ngộ mỹ mãn mới thấu suốt lẽ thật, chúng ta phàm phu nhìn nhận sự vật hiện tượng tương đối là chuyện có gì phải bàn? Như mặt nước phản chiếu mây bay, trong thêm một chút, mây càng rõ, cố lắng lọc tâm ta cho thấu suốt sự thu cảm sẽ trong sáng hơn, ngày hôm nay thấy tốt hơn hôm qua, ngày mai lại tốt hơn nữa, rồi có ngày sẽ có diễm phúc thấy được lẽ thật, sự thật rốt ráo.

Tôi có duyên nghiệp gì đấy với nhà văn nọ, và rất nhiều người cũng đồng nghiệp như tôi, tìm thấy ở con chữ của cô cái hay cái đẹp, nói thay hồn mình.

Nhưng cũng phải thừa nhận cuộc sống mênh mông, nếu có người không chung nghiệp với ta, thấy con chữ nhà văn ấy lấn cấn chỗ nào đó, không mê, cũng nên cho là thường, đành rằng cũng lao xao buồn, việc gì phải một sống một chết “bảo vệ” nhà văn ấy, thực ra, dưới góc nhìn của đức Phật, - đấy là bảo vệ cái tâm ích kỷ của ta mà thôi, thỏa mãn tâm lý “cái gì mình cũng đúng”.

Rồi đến khi ngộ ra, biết rằng chính tâm ta cũng giả nốt, có đâu mà chấp.

Vậy thôi.

Nguyễn Thành CôngNgười xưa rất hay, nói hơi bị thừa...- “tiên trách kỷ hệu trách nhân”, đừng vội vàng chụp mũ người, hãy soi lại bản thân mình, nói kiểu bây giờ: không được chủ quan. Nhân sinh thường gặp nhau ở chỗ: nhìn người thì rõ, nhìn mình thì...không rõ, thấy lỗi người thì dễ, lỗi ta thì…Đặc điểm này phổ biến lắm. Tâm ta tâm người có sự sai biệt là chuyện thường tình.
Tôi “mê” nữ Nhà văn nọ từ lúc cô chập chững bước chân lên văn đàn với những tác phẩm nhỏ đầu tay. Dõi theo ngòi bút nữ nhân tài hoa ấy, đến khi cô viết được chừng ..vài chục đầu sách, thì gặp.

Trong một dịp tình cờ, bắt tay người nữ thâm trầm, trẻ tuổi, có đôi mắt tinh anh, tôi ngỡ ngàng biết đấy là thần tượng của mình, nữ văn sĩ X. Vài câu nói xã giao. Lần thứ hai gặp trong một dịp, cũng tình cờ, nhận ra nhau, tôi chủ động chào và được “thưởng” một nụ cười biết nói. Và, với riêng tôi, như thế đã là...trực quan sinh động lắm rồi, sau khi đã đọc không sót đầu sách nào của cô văn sĩ ấy, thêm cả những sáng tác mới chỉ được giới thiệu trên báo. Văn chương, tâm hồn, nhân dáng nữ nhân tài hoa ấy, với tôi, rất hài hòa, mười phân ít ra vẹn…chín. Nếu cô ấy lập một câu lạc bộ những người hâm mộ ắt tên tôi ở hàng đầu vì sự ngưỡng mộ. Nhưng đấy chỉ là tâm tôi thôi.


Gáo nước lạnh đầu tiên tôi nhận được khi giao lưu văn nghệ tại một tòa soạn lớn, anh bạn biên tập là con mọt sách thứ thiệt đã không hề tế nhị (mà chắc chi anh biết tôi là fan của cô văn sĩ nọ?), nói thẳng: Bà đó viết không hay! Tôi bị sốc nặng, nín thinh. Bắt đầu có những suy nghĩ “tại sao” … Chú gần nhà, học ít song mê văn, mượn sách của tôi (tác phẩm của cô văn sĩ nọ) đọc miết, rồi buông một câu còn đau hơn: tao thấy cũng thường thôi! Chẳng thà chú đánh tôi còn dễ chịu hơn. Chưa hết đâu, lần nọ đi mua thuốc tây ở hiệu dược quen, cô dược sĩ trẻ măng mang kính trắng, đang lúc rảnh rỗi, bắt chuyện văn chương với tôi, và khi nghe tôi nhắc đến thần tượng, nữ văn sĩ X, cô gái xinh đẹp ấy đã đánh đòn đau điếng: nhà văn X là ai? Trời ạ, sao lại thế?

Bây giờ tôi ngộ rồi: cuộc sống là tập hợp những cá thể rất khác nhau, sự sai biệt tư tưởng là được nhiên, không có gì lạ. chẳng riêng gì chuyện văn chương, món rất chi trừu tượng, sự khác biệt thấy ở mọi nơi mọi lúc với đủ các đối tượng: chính trị, văn hóa, thể thao, ẩm thực… Người ta tranh luận, cãi vã, bất đồng...xoay quanh nhận thức về một đối bóng, một khuynh hướng, một giọng ca…

Có những cuộc tranh luận bất phân thắng bại vì chẳng ai chịu ai, song cũng có những khác biệt dung hòa giải quyết được do người trong cuộc nhận ra khác biệt là bình thường, và đấy rất hay, theo tôi, chính vũ trụ cũng tồn tại hài hòa trong sự khác biệt cơ mà?

Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả độc giả đều chỉ thích đúng một nhà văn duy nhất, hay một giọng ca? Các quán ăn phục vụ độc vị mỗi một món? Chán lắm… Vũ trụ mênh mông bao la với các hành tinh chuyển động với quỹ đạo khác nhau, cấu tạo hành tình cũng khác, và các vệ tinh quay quanh cũng chẳng giống nhau.

Những sự khác biệt ấy tồn tại trong trật tự hài hòa, chân phương, tuyệt mỹ, và nhờ đấy sự sống trên trái đất có nắng ấm, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông nhịp nhàng.

Trật tự ấy là hoàn mãn đến mức không ai ngốc đến mức đồ bỏ bớt chi tiết này hay chi tiết khác, cũng như bộ máy chiếc đồng hồ tự động, xê dịch một tí sự đo thời gian bị hỏng ngay. Tập hợp các khác biệt hợp thành sự hoàn mỹ.

Tâm ta khác tâm người do căn cơ và sự huân tập khác nhau, lòng từ, bi, hỉ, xả..sẽ dung hợp được sự khác biệt thay vì sân si từng câu nói, từng ánh mắt.

Sự thấy biết khác nhau là thường tình do duyên nghiệp và phước báu riêng. Đức Phật giác ngộ mỹ mãn mới thấu suốt lẽ thật, chúng ta phàm phu nhìn nhận sự vật hiện tượng tương đối là chuyện có gì phải bàn? Như mặt nước phản chiếu mây bay, trong thêm một chút, mây càng rõ, cố lắng lọc tâm ta cho thấu suốt sự thu cảm sẽ trong sáng hơn, ngày hôm nay thấy tốt hơn hôm qua, ngày mai lại tốt hơn nữa, rồi có ngày sẽ có diễm phúc thấy được lẽ thật, sự thật rốt ráo.

Tôi có duyên nghiệp gì đấy với nhà văn nọ, và rất nhiều người cũng đồng nghiệp như tôi, tìm thấy ở con chữ của cô cái hay cái đẹp, nói thay hồn mình.

Nhưng cũng phải thừa nhận cuộc sống mênh mông, nếu có người không chung nghiệp với ta, thấy con chữ nhà văn ấy lấn cấn chỗ nào đó, không mê, cũng nên cho là thường, đành rằng cũng lao xao buồn, việc gì phải một sống một chết “bảo vệ” nhà văn ấy, thực ra, dưới góc nhìn của đức Phật, - đấy là bảo vệ cái tâm ích kỷ của ta mà thôi, thỏa mãn tâm lý “cái gì mình cũng đúng”.

Rồi đến khi ngộ ra, biết rằng chính tâm ta cũng giả nốt, có đâu mà chấp.

Vậy thôi.

Nguyễn Thành Công

Mỗi câu chuyện một bài học (hay)

Mỗi câu chuyện một bài học (hay)

Đăng lúc: 07:20 - 06/07/2015

Đôi lúc bạn cứ khăng khăng rằng chuyện này phải làm thế này mới là đúng, nhưng đôi khi người khác lại không nghĩ thế, hãy đặt bản thân mình vào vị trí của đối phương, bạn sẽ có được những suy nghĩ mới, biết đâu khi đó bạn chợt “tỉnh ngộ” và thốt lên “à thì ra là thế”.

cay-du

Mượn dù

Một ngày kia, Khổng Tử đi ra ngoài, bỗng trời muốn đổ mưa, nhưng ông không có mang theo dù, có người kiến nghị rằng: “Tử Hạ có dù, thầy có thể mượn của Tử Hạ”.

Khổng Tử vừa nghe xong, liền nói: “Không được, con người của Tử Hạ vốn rất keo kiệt, nếu như Thầy mượn mà y không cho, người khác sẽ trách móc rằng y không tôn trọng thầy của mình; còn nếu đưa cho thầy, trong lòng y nhất định sẽ khó chịu”.

Giao thiệp với người ta, thì cần phải hiểu rõ khuyết điểm lẫn ưu điểm của ngươi ta thì mới được, đừng có bao giờ khuấy động hoặc đùa cợt với khuyết điểm của họ, nếu không thì tình cảm của đôi bên sẽ không thể kéo dài được.

Thỉnh kinh

Ngựa và lừa nghe nói Đường Tăng sẽ đi Tây Thiên thỉnh kinh, con lừa cảm thấy chuyến đi này khó nạn trùng trùng, liền bỏ cuộc; còn ngựa thì lập tức đuổi theo sau, trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng đã thỉnh được chân Kinh trở về.

Con lừa hỏi: “Người anh em, có phải là rất vất vả không?”.

Ngựa nói: “Kỳ thực, trong khoảng thời gian tôi đi sang Tây Thiên thỉnh kinh, con đường mà cậu đi nếu đem so với tôi thì cũng không kém cạnh gì, ngoài ra cậu còn bị người ta bịt mắt, đánh đập. Thật ra, tôi thấy sống những tháng ngày không có lý tưởng thì còn mệt mỏi hơn”.

Mệt mỏi thật sự đến từ sự vô tri và mê mờ trong tâm của mỗi người.

Đậu xe

Trụ sở chính của công ty Volvo Thụy Sĩ có hơn hai nghìn chỗ đậu xe, những người đến sớm luôn đậu xe ở khu vực cách xa văn phòng làm việc nhất, mỗi ngày đều như vậy cả.

Một người hỏi: “Chỗ đậu xe của các vị là cố định hay sao?”.

Họ trả lời: “Chúng tôi đến tương đối sớm, có thời gian thì hãy đi bộ nhiều một chút. Các đồng nghiệp đến muộn hoặc đến trễ, họ nên là những người cần được đậu xe ở gần văn phòng làm việc hơn”.

Khi ta nghĩ nhiều đến người khác, con đường đi được sẽ nhiều và xa hơn.

chia-khoa

Hợp tác

Một ngày nọ, đêm khuya thanh vắng, ổ khóa gọi chìa khóa dậy, rồi oán trách: “Tôi mỗi ngày phải vất vả cực nhọc mà canh gác nhà cửa cho chủ nhân, vậy mà chủ nhân chỉ thích cậu thôi, lúc nào cũng mang cậu theo bên mình, thật là ngưỡng mộ cậu quá!”

Thế là chìa khóa cũng bất mãn, nói: “Cậu mỗi ngày chỉ ngồi ở nhà chờ đợi, thật là an nhàn thoải mái biết bao! Còn tôi hàng ngày phải đi theo chủ nhân, dầm mưa dãi nắng, khổ sở biết chừng nào! Mình phải hâm mộ cậu thì đúng hơn”.

Một lần kia, chiếc chìa khóa cũng muốn được sống những tháng ngày an nhàn, thế là liền giấu bản thân mình vào chỗ khác. Người chủ sau khi trở về thì không thấy chìa khóa đâu cả, trong lúc bực bội đã kêu thợ đến phá khóa, rồi tiện tay quăng luôn ổ khóa vào đống rác.

Sau khi vào nhà, chủ nhà đã tìm thấy chiếc chìa khóa, tức giận nói: “Ổ khóa cũng đã đập bỏ rồi, bây giờ giữ ngươi lại thì còn có ích gì nữa”. Nói xong, ông cũng tiện tay quăng chiếc chìa khóa vào trong đống rác.

Ở trong đống rác, ổ khóa và chìa khóa gặp nhau, bất giác tự cảm thán rằng: “Hôm nay, chúng ta rơi vào tình cảnh này, đều vì trong quá khứ, chúng ta không có nhìn thấy giá trị và phó xuất của đối phương, mà chỉ biết đứng núi này trông núi nọ, đôi bên chỉ biết so đo tính toán, đố kỵ và ngờ vực lẫn nhau”.

Rất nhiều lúc, mối quan hệ giữa con người với nhau đều là bổ sung cho nhau, những cuộc cãi vã, tranh đấu chỉ có thể mang lại thương tổn cho đôi bên, chỉ có phối hợp với nhau, tán thưởng, đoàn kết, ủng hộ, tín nhiệm, trân quý nhau, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hợp tác thành công được.

Tiểu Thiện

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 27
  • Hôm nay 3,137
  • Tháng hiện tại 60,522
  • Tổng lượt truy cập 23,466,771