Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Vì sao tu thiền định?

Vì sao tu thiền định?

Đăng lúc: 20:21 - 10/06/2016

Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.

HT Thanh Tu.JPG
HT.Thích Thanh Từ

Chúng ta tu thiền định là tu thế nào? Nhiều vị không hiểu nói người mới tu thiền phải quán hơi thở tức là sổ tức. Sổ tức là đếm số, hít vô cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai, đếm tới mười bỏ, rồi đếm trở lại một. Cứ như vậy đếm hoài cả buổi có lợi ích gì đâu, mầu nhiệm gì đâu?

Chúng ta thử đặt lại vấn đề, tại sao đếm hơi thở? Vì muốn dừng tâm lăng xăng. Hít vô nhớ mình hít vô tới đâu, thở ra nhớ mình thở ra tới đâu, rồi nhớ số nữa. Bắt nhớ như thế để tâm quên chạy theo vọng tưởng. Dừng được tâm này là định nên nói thiền định. Thiền định là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Tĩnh lự, nghĩa là lặng cái suy nghĩ lăng xăng, chớ không gì lạ.
Qua giai đoạn đếm hơi thở rồi đến giai đoạn theo hơi thở. Khi ta chú tâm đếm hơi thở, tâm không chạy bậy, lần lần thuần thục ta bỏ đếm, chỉ theo hơi thở thôi. Nghĩa là hít vô tới đâu biết, thở ra tới đâu biết. Theo dõi như người thiếu nợ trốn chủ, bất thần chủ nợ tìm gặp, nên theo sát lưng không bỏ. Tu cũng vậy, ban đầu đếm hơi thở, sau đó theo hơi thở thật khít khao để tâm không tán loạn. Đó là phương tiện buổi đầu của người tập tu thiền.

Kế đến chúng tôi hướng dẫn hành giả tu thiền, khi niệm dấy khởi lên biết nó là hư dối, bỏ. Bởi vì khởi nghĩ không thật, mà mê theo nó thì thành thật. Như giận người A, khi dấy niệm giận mình theo niệm đó phát nổi hung hăng, muốn chửi đánh người ta, thành ra tạo nghiệp. Nếu vừa nhớ tới A liền bỏ không nghĩ, thì đâu còn tức mà muốn đánh chửi người ta. Manh mối ban đầu vừa mọc mầm liền thấy, chỉ mặt nó thì nó dừng lại nhẹ nhàng.

Tọa thiền dùng trí thấy thẳng để dẹp vọng tưởng. Đó là thấy ngay lẽ thật, không mượn phương tiện. Thiền tông dạy trực chỉ nhân tâm tức chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật là nhận ra bản tánh của mình thì thành Phật. Chỉ thẳng tâm người là tâm lăng xăng, tâm điên đảo đó. Nó vừa dấy lên, chỉ mặt rầy thì nó lặng. Cho tới bao giờ tâm ấy hoàn toàn lặng hết thì tánh Phật hiện ra. Tánh Phật là Pháp thân. Người tu thiền đặt trí tuệ lên hàng đầu. Nhìn thẳng thấy rõ ràng, không để vọng tưởng lừa gạt. Nó rủ đi đâu là chặn liền, không cho nó dụ dỗ.

Phật tử bây giờ có bệnh, mình tu thích hợp với pháp này liền chê pháp của người khác, khen pháp của mình. Do đó tâm lăng xăng càng tăng trưởng chớ không giảm. Như vậy đâu phải tu. Tu là để giảm suy nghĩ lăng xăng, rối bời, mà mình tu càng ngày càng tăng là không đúng rồi. Cho nên thấy người tu niệm Phật, ta hoan hỷ nói “Chị tu niệm Phật tốt. Ráng niệm cho nhất tâm”. Thấy người tu trì chú, nói “Anh tu trì chú tốt. Ráng trì cho tới tam mật”. Thấy người tu thiền, nói “Anh tu thiền tốt. Ráng ngồi thiền cho được định”. Như vậy ai cũng tốt hết.

Người biết tu phải hiểu cho thấu đáo để không hờn phiền những người đồng đạo. Nếu không khéo sẽ dẫn tới tình trạng người này trách người kia, người kia phiền người nọ. Chính huynh đệ trong đạo chỉ trích nhau hoài, không hòa thuận nói gì tu hành. Bởi vậy tất cả chúng ta phải hiểu rõ điều này.

Tại sao Phật dạy chúng ta phải dẹp cái nghĩ lăng xăng lộn xộn của mình? Những ý nghĩ quấy dẹp thì phải, nhưng ý nghĩ phải tại sao cũng dẹp? Nếu nghĩ xấu sai, ta sẽ nói làm theo nghiệp ác. Nếu nghĩ tốt dĩ nhiên ta nói làm theo nghiệp lành. Như vậy nghiệp lành, nghiệp ác từ ý nghĩ mà ra. Nghiệp ác thì đọa vào đường dữ, nghiệp lành thì sanh về cõi lành. Nhưng dù lành hay dữ cũng còn trong dòng trầm luân sanh tử, còn trở đi trở lại mãi trong ba cõi là còn khổ.

Tại sao nghiệp lành vẫn không giải thoát? Vì nghiệp lành thì sanh cõi lành, như được làm người sung sướng. Nhưng mấy chục năm hưởng hết phước rồi cũng chết. Hoặc sanh lên cõi Trời, ở cảnh cao sang muốn gì được nấy, nhưng hết phước cũng đọa xuống trở lại. Lên lên xuống xuống không có ngày cùng. Chỉ có ra khỏi dòng sanh tử mới được giải thoát, hết khổ đau. Bây giờ nếu chúng ta tu tới nhất tâm, không còn nghĩ thiện nghĩ ác thì đi đâu? Hết nghĩ thì hết nghiệp, hết nghiệp là hết sanh tử, đó là giải thoát. Chỗ cứu kính chân thật Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy là cái sáng suốt, bất sanh bất diệt nên gọi là Niết-bàn, vô sanh. Không có sanh lấy gì có tử.

Đức Phật vì thương chúng sanh mê lầm đuổi theo hư ảo cho là mình, rồi cả ngày sống trong cái hư ảo đó, chịu vô lượng khổ đau. Đã sống trong hư ảo thì dù làm việc tốt cũng chưa hẳn là tốt. Ví như có hai nhóm đi làm từ thiện. Nhóm A được nhiều người hoan nghênh, nhóm B cũng làm từ thiện nhưng lại bị nhiều người chỉ trích. Vậy nhóm B có vui nhìn nhóm A không? Bị thua thì giận rồi, mặc dù giận vì làm việc thiện.

Bởi vậy nói tâm của chúng ta không chân thật. Vì nó hư ảo nên biến chuyển luôn. Do đó nhiều người lúc nhỏ rất hiền lành, nhưng lớn lên bị ngoại duyên không tốt tác động lâu ngày trở thành hung dữ. Ngược lại, người lúc nhỏ hung dữ nhưng lớn lên nhờ gần gũi duyên tốt nên trở lại hiền lành. Tâm ta luôn đổi thay, không đứng một chỗ. Gặp môi trường tốt, thầy tốt, bạn tốt thì tốt theo, gặp môi trường xấu, thầy xấu, bạn xấu thì xấu theo. Tâm đó tùy thuộc ngoại cảnh chớ không tự làm chủ được. Vậy mà tất cả chúng ta đều đuổi theo nhận nó là mình, thử hỏi có đáng buồn không?

Nếu chúng ta không nhận những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn đó là tâm mình, thì dù ở chung cả trăm ngàn người cũng không có chuyện cãi vã, nói gì đánh đập nhau. Sở dĩ chúng ta ở chung có chuyện này, chuyện kia là vì không đồng ý nhau. Mỗi người đều cho cái suy nghĩ là đúng, là tâm mình nên rồi hơn thua, phải quấy, oán thù đủ chuyện. Nuôi tâm ấy như nuôi kẻ cướp trong nhà, do đó Phật nói “Nhận giặc làm con”. Vì nhận giặc làm con nên nghe lời nó, không chịu bỏ nó. Đã vậy thì đời ta cứ đi trong trầm luân đau khổ không có ngày cùng.

Muốn ra khỏi dòng sanh tử không gì hơn là lặng được chú tạo nghiệp đó. Nghĩa là đừng nhận nó làm con nữa, đuổi nó ra khỏi nhà. Dễ quá, nó không phải là con mình thì đuổi đi. Nhưng khổ nỗi ta lại thương nó, không chịu đuổi. Khi thấy chúng sanh mê lầm như vậy, Đức Phật có thương không? Có. Chúng sanh đang lặn hụp giữa biển cả mênh mông, Ngài đưa tay xuống chờ mình ngóc đầu dậy thì kéo liền. Nhưng chúng sanh cứ mải miết lặn hụp không chịu đưa tay cho Ngài kéo.

Mỗi một ngày hết mười hai tiếng chúng ta chạy theo cái hư giả, chỉ còn một hai tiếng trở về cái thật, nên ráng buông xả cho các vọng tưởng lặng xuống, giành quyền làm chủ phần nào. Nếu không mình cứ bị nó làm chủ hoài. Ngày nào ta giảm bớt được hơn thua, phải quấy thì ngày đó an vui. Ngược lại, nếu cứ để nó lôi dẫn chạy ngược chạy xuôi, khi nhắm mắt chắc chắn phải luân hồi sanh tử.

Phật tử tu mà không hiểu, cứ ỷ lại vào thầy. Tháng nào cũng đi chùa cúng thầy một ít, chừng nào nhắm mắt mời thầy tới độ cho về Cực Lạc, khỏe ru. Tu như vậy thì oan cho đạo Phật quá. Quý vị phải nhớ chúng ta lo cho Tam bảo, để việc giáo hóa mọi người thức tỉnh được trường tồn, được phát triển. Muốn thế bản thân mình phải tu, rồi tạo điều kiện hỗ trợ Tam bảo tồn tại lâu dài nơi thế gian, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Hôm nay tôi nhắc những điều thiết yếu cho tất cả quý Phật tử biết, ứng dụng tu đúng pháp Phật dạy. Mong tất cả thực hành đúng Chánh pháp, đừng vì sự tu mà tạo phân biệt, nuôi lớn phải quấy đối đãi, trái xa với bản ý Phật dạy, cũng là tự vùi lấp sự giác ngộ của mình. Hiểu vậy trên đường tu tôi tin chắc quý vị sẽ tiến, sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
HT.Thích Thanh Từ

unnamed (1)

Nhân húy nhật lần thứ 31 của cố Hòa thượng: HT.Thích Hành Trụ (1904-1984)

Đăng lúc: 21:44 - 08/12/2015

HT.Thích Hành Trụ (1904-1984), là bậc cao Tăng thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài có công đức lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và truyền thừa chính pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến cho Tăng Ni, Phật tử.

Thân thế

Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh (1) đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật.


Tôn dung HT.Thích Hành Trụ

Thời kỳ hành đạo
Ngài xuất gia năm 12 tuổi ở chùa làng, đến năm 19 tuổi được Hòa thượng Giải Tường, chùa Phước Sơn thế độ làm đệ tử và học tại đây. Năm 22 tuổi, ngài thọ cụ túc giới và giữ chức thư ký trong chùa.

Với phong cách đĩnh đạc và say mê học hỏi, ngài đã trau giồi kinh luật nội điển cùng Quốc văn ở hầu hết các trường hạ, khóa học được tổ chức bấy giờ ở khắp các đạo tràng chùa Thiên Phước (Thủ Đức) năm 1934; đạo tràng tổ đình Bát Nhã (Phú Yên) năm 1935... Gặp lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển, ngài vào Nam tham học ở học đường Lưỡng Xuyên do các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang lãnh đạo.

Năm 1936, ngài được tiến ở làm giáo thọ sau khóa trường hương do Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tổ chức tại chùa Long Phước ở Vĩnh Long. Sau đó, ngài được cử ra Huế học tại Phật học đường chùa Tường Vân, rồi đến chùa Tây Thiên với học Tăng cả ba miền tham dự, do quốc sư Phước Huệ làm pháp chủ giảng dạy.

Năm 1940, vì bệnh trầm trọng, ngài phải trở vào Nam điều trị, và ở lại giảng dạy tại Ni trường chùa Kim Sơn ở Phú Nhuận. Năm 1942, ngài được tổ Khánh Hòa bổ về Sóc Trăng làm giáo thọ giảng dạy ở chùa Hiệp Châu, chi hội Kế Sách của Hội Lưỡng Xuyên Phật Học và chùa Viên Giác tại Vĩnh Long.

]Năm 1945, ngài được Hòa thượng Vạn An đưa về làm giáo thọ giảng dạy tại chùa Hội Phước, huyện Nha Mân, tỉnh Sa Đéc. Trong thời gian ấy, ngài làm Đệ nhất Yết-ma trong Đại giới ðàn chùa An Phước, Châu Đốc. Sau đó, ngài về chùa Long An ở Sa Đéc, tại đây đã kết nghĩa pháp đạo huynh đệ cùng ba vị Khánh Phước, Thới An, Thiện Tường và mở Phật học đường. Chư Tăng khắp lục tỉnh hội tụ về tu học rất đông. Xuất thân từ đây có các Hòa thượng Từ Nhơn, Hòa thượng Huệ Hưng...

Năm 1946, ngài với ba vị sư đệ kết nghĩa lên Sài Gòn hợp nhau lập chùa Tăng Già, hiện nay là chùa Kim Liên, để tiếp độ chúng Tăng tựu về học. Đây là Phật học ðường đầu tiên ở đất Sài Gòn trong phong trào chấn hưng Phật giáo, mở đường cho các Phật học viện sau này phát triển.

Năm 1947, ngài lại cùng ba vị sư đệ dựng nên ngôi già lam thứ hai là chùa Giác Nguyên để chuyển chư Tăng về đây tu học, chùa Tăng Già biến thành trường Phật học dành cho Ni chúng. Hai đạo tràng này ngày thêm vang tiếng và Tăng Ni khắp nơi về học rất đông, góp sức phần lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại đất Sài Gòn bấy giờ. Ngài đảm nhiệm Giám đốc Phật học đường Giác Nguyên và Hóa chủ Phật học Ni trường Tăng già.

Năm 1948, ngài mở Đại giới ðàn tại Phật học đường Giác Nguyên để truyền trao giới pháp cho Tăng, Ni thọ trì tu học. Sau ngài được đề cử làm Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng Già Nam Việt vào năm 1951, làm chứng minh Đạo sư Hội Phật học Nam Việt tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn cho đến cuối đời (1956 - 1984), và làm Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới kỳ 4 tại Nam Vang năm 1957.

Năm 1963, ngài khai mở Phật học đường Chánh Giác tại chùa Chánh Giác ở Gia Định do ngài làm Giám đốc kiêm trụ trì. Sau đó, ngài về trụ trì thêm chùa Đông Hưng ở Thủ Thiêm và chọn nơi này làm chốn tĩnh tu nhập thất vào những mùa an cư kiết hạ. Năm 1967 - 1969, ngài làm giới sư các Đại giới ðàn Hải Đức ở Phật học viện Hải Đức (Nha Trang) và Quảng Đức ở Phật học viện Huệ Nghiêm (Sài Gòn).

Năm 1975, 1977 - 1980, liên tiếp ngài làm Đàn đầu Hòa thượng các Đại giới ðàn tại chùa Ấn Quang do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mở ra để truyền trao giới pháp cho giới tử toàn quốc. Từ năm 1977 - 1981, ngài kiêm chức Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được cung thỉnh vào làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương.

Để lại nhiều tác phẩm phiên dịch, kinh luật...

Nhận thấy thời gian đồng hành với lão bệnh, phát sinh nơi thân tứ đại, từ năm 1976 trở đi, ngài phát nguyện nhập thất an tịnh cho đến khi về cõi Phật. Vào ngày 29 tháng 10 năm Giáp Tý (1984), huyễn thân ngài nhẹ nhàng chuyển hóa. Ngài trụ thế 80 năm, được 59 hạ lạp, để lại trong tâm tưởng đàn hậu tấn niềm tri ân vô hạn bởi một sự nghiệp vô cùng lớn lao.

Ngài có công đức lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài, và truyền thừa chính pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến với các tác phẩm để lại: Sa-di luật giải, Qui Sơn Cảnh Sách, Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, Phạm Võng Bồ-tát Giới, Kinh A Di Đà Sớ Sao, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Kinh Hiền Nhân, Kinh Trừ Khủng Tai Hoạn, Tỳ-kheo Giới Kinh, Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Long Thơ Tịnh Độ, Sơ đẳng Phật học Giáo Khoa Thư, Nghi thức Lễ Sám, Kinh Thi Ca La Việt, Sự Tích Phật Giáng Thế...

Hòa thượng là vị Sư Biểu của hàng cao Tăng đạo cao đức trọng, uy kính trong Tăng già. Công hạnh của ngài mãi còn được sự ngưỡng vọng trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Chú thích:

(1) Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong ba dòng thiền lớn tại miền Trung Việt Nam. Nguyên ủy, dòng Thiền Lâm Tế Trung Hoa đến đời pháp thứ 21, thiền sư Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Ðồng đã lập ra bài kệ truyền thừa pháp phái như sau:

Tổ đạo giới định tông/ Phương quảng chứng viên thông/ Hạnh siêu minh thật tế/ Liễu đạt ngộ chân không/ Như nhật quang thường chiếu/ Phổ châu lợi ích đồng/ Tín hương sanh phước huệ/ Tương kế chấn từ phong.

Tổ Minh Hải Pháp Bảo (thuộc thế hệ thứ 34 trong bài kệ truyền pháp trên) người tỉnh Phước Kiến Trung Hoa, sang Quảng Nam thời chúa Nguyễn, khai sơn chùa Chúc Thánh và lập ra dòng kệ truyền thừa pháp phái như sau:

Minh thật pháp toàn chương/ Ấn chơn như thị đồng/ Chúc thánh thọ thiên cữu/ Kỳ quốc tộ địa trường/ Ðắc chánh luật vi tuyên/ Tổ đạo giải hành thông/ Giác hoa Bồ Ðề thọ/ Sung mãn nhân thiên trung.

Dòng thiền truyền thừa của ngài gọi là Lâm Tế Chúc Thánh. Trong dòng Lâm Tế Chúc Thánh, các Tổ dùng bốn câu đầu để đặt pháp danh cho đệ tử và dùng bốn câu kệ sau để đặt pháp tự cho các vị tăng ni. Theo đó, Hòa Thượng Hành Trụ húy (pháp danh) là Thị Thủy nên pháp tự phải bắt đầu bằng chữ tương ứng là chữ Hành. Các vị Tăng đệ tử của Hòa Thượng Hành Trụ tại chùa Ðông Hưng đều có pháp tự bắt đầu bằng chữ Thông (vì pháp danh bắt đầu bằng chữ Ðồng). Thượng tọa Thông Bửu, Phước Nhơn và Thông Ðức cũng thuộc dòng thiền này (đời chữ Ðồng).

Từ trước tới nay, bài kệ trên vẫn được dùng để đặt pháp danh trong dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh, nhưng năm 1979, HT Ðỗng Quán tìm được bài kệ truyền dòng khác được ghi trong gia phả của nhà họ Tạ (họ của tổ Nguyên Thiều).

Minh thật pháp toàn chương/ Ấn chân như thị đồng/ Vạn hữu duy nhất thể/ Quán liễu tâm cảnh không/ Giới hương thành thánh quả/ Giác hải dũng liên hoa/ Tín tấn sanh phước huệ/ Hạnh trí giải viên thông/ Ảnh nguyệt thanh trung thủy/ Vân phi nhật khứ lai/ Ðạt ngộ vi diệu pháp/ Hoằng khai tổ đạo trường.

TT.Thích Ðồng Bổn cung soạn

Tìm bình an cho hiện tại

Tìm bình an cho hiện tại

Đăng lúc: 06:53 - 25/07/2015

Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không sống hôm nay, thì bạn không cảm nhận được giá trị của cuộc đời.
Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở thành mối nghi ngờ, và tương lai trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông.
Từ chốn cung điện nhìn xuống đám dân nghèo, ông cảm thấy như thèm muốn được như họ, vì ở họ toát lên nỗi đơn sơ, chất phác và không một chút lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an như vậy.
Ngày kia, vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời. Vị vua giả dạng hỏi: “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”. Người nghèo đáp: “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay”. Vị vua giả dạng hỏi tiếp: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?”. “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”, người thợ đáp.
happy-486294-1368273159_600x0.jpg
Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin của người thợ giày. Vua ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết bộ luật mới ban, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối.
Trời tối, vị vua dưới dạng người ăn mày lại tới thăm người nghèo. Người thợ sửa giày vẫn giữ thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua cho ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày của mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, đức vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, mà phải hết tháng ông mới nhận được thù lao. Mặc dù vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc.
Vị vua giả dạng tới thăm ông và hỏi, “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?”. “Tôi được làm lính cho vua”, người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng: “Làm lính nhưng nhận lương vào cuối tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm thật và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ.” Nhà vua giả dạng hỏi tiếp, “Nhưng nếu ông phải sử dụng tới gươm vào ngày mai thì sao?”. Người thợ sửa giày đợt trước vần thản nhiên: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.
chuongio1-221617-1368273159_600x0.jpg
Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người đàn ông này sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Và như vậy để xem niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp được hay không?
Tên tử tội quỳ xuống chân anh lính và van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Người đàn ông nhà nghèo trong trang phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn: “Lạy Đấng tối cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Còn nếu anh ta vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ”. Ngay tức khắc, ông rút lưỡi gươm ra và quả thực thanh gươm bằng sắt đã biến thành gươm gỗ. Đám đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ”. Vị vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng: “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm. Ngươi hãy dạy cho ta cách sống lạc quan và bình an”.
Bạn thân mến, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Thế đó, cuộc sống chỉ thực sự tồn tại trong hiện tại, chứ không ở trong quá khứ hay trong tương lai. Cái triết lý của người đàn ông nghèo thực sự có giá hơn cả vàng bạc, địa vị, nhan sắc hay quyền lực.
Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu bạn không sống hôm nay, thì bạn không cảm nhận được giá trị của cuộc đời. Nếu bạn không sống cho giây phút hiện tại, thì cuộc đời của bạn vẫn như là những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “an toàn, hạnh phúc” một cách vô vọng. Thật hữu ý và hợp tình khi danh từ tiếng Anh “present” mang nghĩa “quà tặng” và cũng có nghĩa “hiện tại.” Như vậy, hiện tại là quà tặng. Ai không sống trong hiện tại là tự mình khước từ quà tặng của cuộc sống. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc sự bình an và tự chủ trong mọi giây phút của cuộc đời mỗi người.

S.T

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 3,234
  • Tháng hiện tại 60,619
  • Tổng lượt truy cập 23,466,868