Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Muộn chồng hay vợ có thực là do duyên âm?

Muộn chồng hay vợ có thực là do duyên âm?

Đăng lúc: 17:41 - 04/08/2016

Hiện nay, không ít trai thanh nữ tú muộn tuổi dựng vợ gả chồng thường đi xem bói, các thầy đều phán chung chung rằng do duyên âm với người kiếp trước còn nặng. Bởi vậy, không ít người phải chi một khoản tiền lớn để "cắt tiền duyên", mong xây dựng được gia đình… Dân gian gọi đó là "duyên âm", "tình duyên" từ kiếp trước. Vậy duyên âm, tiền duyên có thực sự tồn tại hay chỉ là những băn khoăn trong cơn mê mị nhất thời?.
Muộn chồng có thực là do duyên âm?
Ảnh minh họa
Mối nhân duyên khiến cuộc sống lao đao
Các chuyên gia nghiên cứu về tâm linh cho rằng, tiền duyên là những mối nhân duyên của một người trần tục với người ở thế giới khác từ những kiếp trước đây. Nó được phân định thành hai dạng là tình duyên giữa người trần và những người ở thế giới khác từ những kiếp trước còn ảnh hưởng đến bây giờ, thường gọi là tiền duyên. Dạng thứ hai là tình duyên hiện tại giữa người trần và những người ở thế giới khác (thường là với các vong hoặc tà), thường được gọi là duyên âm.
Giải thích về vấn đề này, GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, tác giả cuốn sách Khoa học và vấn đề tâm linh cho rằng, linh hồn tồn tại bất tử sau khi chết.
Nhiều nhà nghiên cứu các kiến thức y học Đông Phương và Tây phương đều cho rằng, cấu tạo con người gồm 7 phần: Cơ thể thể xác, năng lượng, cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần, trong đó chỉ có thể xác là hữu hình được y học chính thống giảng dạy (năng lượng đặc). Sáu phần còn lại là năng lượng không đặc (vía) như thể xác. Khi chết chỉ là phần thể xác mất đi. Sáu phần còn lại mãi và giữ được nhân cách của con người - linh hồn.
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu cho biết, một công trình điều tra của Viện Gallup (Mỹ) trên 12.000 người đã từng cận tử và chết lâm sàng cho hay, trong lịch sử tồn tại của loài người đã có khoảng 70 tỷ người đi qua cửa tử, tức là nhiều gấp 10 lần dân số thế giới hiện nay cho kết quả: Sau khi chết con người từ cõi trần vào cõi trung giới vô hình. Cõi này gồm 7 cảnh giới khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Tùy theo nhân cách tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi người khi sống mà sau khi chết họ ở cảnh giới tương ứng. Đa số vong linh có hình dáng như khi sống nhưng lờ mờ không rõ. Vì sự rung động của nguyên tử giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi trần.
Đặc biệt, theo công bố của một tiến sỹ người Anh chuyên nghiên cứu và đã có 10 năm tu luyện ở Viện Lạt – ma Tây Tạng cho hay, đối với một số người chết yểu, bất đắc kỳ tử, vong linh không chấp nhận mình đã chết, cố bám lấy sự sống ở trên đời. Vì thế, họ cứ nguyên trạng giống như khi còn sống, trong khi họ ở cõi âm.
Duyên âm thường xảy ra ở những người lúc còn sống có thú tính mạnh mẽ. Sau khi chết, hình dáng vong linh của họ biến đổi theo tư tưởng luôn oán hận, ham muốn, thường hay tìm cách trở về cõi trần theo "người cũ" hoặc một ai đó. Cũng có trường hợp tìm dục tính ở nơi buôn hương bán phấn và rung động theo những khoái cảm của những cặp trai gái...
Hầu hết ai cũng có tiền duyên
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu cho biết, theo Phật giáo, chúng ta có kiếp luân hồi. Khi được chuyển kiếp người ta vẫn lưu giữ những ký ức về kiếp trước. Theo nghiên cứu của những người đã trải nghiệm cận tử (chết đi sống lại), địa vị xã hội không quan trọng sau khi chết. Chỉ có tình cảm với người khác là khó quên nhất. Khi sống, hầu hết con người ta ai cũng có tình cảm khác giới.
Ngoài tình cảm vợ chồng thì còn có những mối tình nam nữ. Nhưng vì một lý do nào đó mà họ không thành vợ chồng hoặc là vợ chồng rồi nhưng không được ở lâu dài với nhau... Vì thế, ai cũng có sự nhớ thương hoặc nếu bị phản bội, đối xử quá tệ bạc thì sẽ trở thành hận tình.
Tình yêu có sức mạnh vô biên, sức mạnh ấy đưa những linh hồn này đi tìm người mà mình yêu hiện đang sống ở trần tục để giúp đỡ hoặc cản trở, phá hoại (ghen) khiến người trần tục không thể lấy chồng hoặc lấy vợ. Nếu người trần tục vẫn lấy chồng hoặc lấy vợ được thì tìm cách phá hoại hạnh phúc của đôi vợ chồng này.
Từ trước đến nay người trần tục chỉ nghĩ rằng, những người không lấy được vợ hoặc chồng hay rất khó khăn trong việc tìm vợ tìm chồng thì mới có tiền duyên. Theo một vài nghiên cứu thì hầu như ai cũng có tiền duyên. Chỉ có điều, những tiền duyên đó đã ảnh hưởng tới cuộc sống tình cảm vợ chồng hiện nay đến mức nào.
Nhưng quan niệm về “duyên âm” không chỉ dừng lại ở những “phiền toái” xuất hiện ở chuyện tình duyên mà theo thạc sỹ Vũ Đức Huynh, tác giả của hơn chục cuốn sách về tâm linh và cổ học phương Đông cho biết, “ông bà tổ tiên phù hộ” cũng là một dạng thức “duyên âm”.
Ông lý giải rằng người chết chưa phải là hết mà vẫn còn phần hồn. Người và vong hồn luôn còn mối quan hệ giao thức sóng do cùng có nguồn gốc tần số xung động nào đó của các dòng hạt điện sinh học. Vong hồn nào cũng còn mối quan hệ giao thức với thân nhân tiền kiếp. Dân gian có quan niệm "ông bà tổ tiên phù hộ" chính là bắt nguồn từ điều này.
“Khắc phục” duyên âm
Việc nợ tiền duyên có muôn hình vạn trạng. Người còn bị nợ tiền duyên phải biết chính xác việc mình còn nợ nần như thế nào thì trả mới được đúng. ThS. Vũ Đức Huynh cũng cho biết, cắt tiền duyên chính là làm phép để cho vong hồn tỉnh ngộ mà rời cõi trần quay về cõi vong để tu luyện lên các bậc cao hơn.
Cắt tiền duyên là để cầu siêu cho linh hồn. Từ cổ chí kim đã có tục lệ cầu siêu cho oan hồn. Cầu siêu có sức mạnh tư tưởng mãnh liệt bất kể đối với người theo một tôn giáo hay một người vô thần. Liên hiệp quốc cũng làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân thảm họa quốc tế.
Cầu siêu không đòi hỏi nghi thức cầu kỳ, chỉ cần thành tâm và tiến hành trong 49 ngày đầu sau khi chết là lúc người chết đang ở trong trạng thái bất định, hoang mang, sự cầu nguyện khiến họ được an ủi, linh hồn trở nên sáng suốt hơn, để siêu thoát.
Như đã đề cập, phải tùy tình trạng nợ duyên đó như thế nào mà làm hình nhân thế mạng, thế duyên để trả nợ duyên. Có khi chỉ cần 1 hình nhân là đủ, nhưng cũng có thể phải cần đến 3-4 hình nhân thế mạng, thế duyên mới đủ. Lễ trả nợ tiền duyên được thực hiện tại các đền thờ Thánh Mẫu ở trong các Chùa, Các Đền, Điện, Phủ khác ngoài Chùa. Người có thể làm việc này là các Pháp Sư, Đồng Thầy Tứ Phủ, Thầy cúng Tứ Phủ.
Bên cạnh đó, nhiều người tìm hiểu chuyện hôn nhân trong tương lai hoặc hôn nhân hiện tại, thấy đoán số nói rằng “hai lần đò". Đây chính là trường hợp của những người nợ tiền duyên, những người nợ cô thần, quả tú hoặc là cả hai trường hợp đó mà chưa biết cách làm lễ trả.
Nhưng nhờ Duyên Phận Nhân Quả mà đến vận được kết hôn.Việc chung sống theo đó đương nhiên không thể nào hạnh phúc lâu dài, khó tránh khỏi sự rạn nứt tình cảm và tan vỡ hôn nhân...
Để tránh được điều này, theo quan niệm phải "cưới hai lần" để "giải ân, giải nợ". Làm đám cưới hai lần sẽ tránh được nghiệp Quả tiền Duyên. Nghĩa là tránh được sự ly tán, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Đây là việc làm thuận theo hướng dẫn của Thiên Quy. Người cõi Âm dù còn vướng mắc ân tình với người Dương thế cũng không đi theo quấy quả nữa.
Mặc dù vẫn chưa hề được giải mã chặt chẽ, khoa học nhưng những câu chuyện về duyên âm vẫn đã và đang tồn tại từ đời này sang đời khác. Sự thật về sức ảnh hưởng, tốt xấu hay phiền toái đến đâu vẫn chưa được xác thực nhưng nét tín ngưỡng này đã mang đến màu sắc lý thú cho nền văn hóa Việt.
Còn nữa…
Bình luận 0 Hạnh Lê

Thân cận thiện sĩ

Thân cận thiện sĩ

Đăng lúc: 09:51 - 08/06/2016

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, những bậc có nhân cách cao thượng.

Kinh Tăng nhất A-hàm có hai phẩm vinh danh người cư sĩ tại gia, đó là phẩm Thanh tín sĩ, vinh danh bốn mươi nam cư sĩ đệ nhất, và phẩm Thanh tín nữ, vinh danh ba mươi nữ cư sĩ đệ nhất. Qua đó, chúng ta thấy trong hàng đệ tử tại gia của Phật có những cư sĩ tài năng, trí tuệ, thần đức, hàng phục bọn ma, nhiếp phục ngoại đạo, thuyết pháp sâu sắc, biện tài vô ngại, sở thí rộng rãi…, đặc biệt trong số những cư sĩ được vinh danh hội đủ mọi thành phần trong xã hội, từ địa vị quân chủ cho đến hàng thứ dân. Sự vinh danh này chính là sự ấn chứng, sự thọ ký của Đức Phật về khả năng tu tập và đạt được kết quả giải thoát đối với hàng cư sĩ tại gia.

Cư sĩ tại gia là người không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh hoạt thế gian mà thực hành những vấn đề cơ bản Phật pháp, đó là dùng tam quy ngũ giới để hoàn thành tư cách Phật tử đối với bản thân, đối với gia đình và đối với xã hội; để rồi từ đó hướng đến địa vị cao thượng là giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, người cư sĩ sống giữa cuộc đời trần tục với đầy dẫy những ràng buộc, phiền não nhưng dùng chất liệu Phật pháp để chuyển hoá, biến cải cuộc đời, để Phật hóa gia đình, biến nhân gian thành Tịnh độ.

Kinh điển Nguyên thủy cho thấy người cư sĩ tại gia có khả năng tu tập và đạt đến quả vị thứ ba trong bốn thánh quả, tức A-na-hàm. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì tin rằng mục đích cứu cánh của giác ngộ là quả vị Phật-đà, và người tại gia cư sĩ cũng có thể đạt đến quả vị đó bằng cách phát tâm Bồ-đề, tự lãnh trách nhiệm hộ trì Chánh pháp, gọi là tu tập Bồ-tát hạnh. Tuy nhiên, bước chân khởi đầu của người cư sĩ vẫn là sự quay về nương tựa Tam bảo để trở thành một người Phật tử.

Kinh Tăng chi nói: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử”. Nhưng để trở thành một người Phật tử có đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ thì cần phải tăng thượng tâm bằng bốn đức tính Dự lưu chi, gồm: thân cận thiện sĩ, thính văn Chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Chính nhờ bốn đức tính này mà người cư sĩ giữ tròn giới thể, không tạo nghiệp ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu.

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, nhưng hơn hết là gần gũi với những bậc có nhân cách cao thượng. Làm thế nào để nhận biết nhân cách cao thượng? Đó “là người không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào Nhị thừa, tâm thường trong sáng, tán dương phạm hạnh, không làm cho người sống không giới luật”. Gần gũi, thân cận với những người có nhân cách, phẩm chất, trí tuệ cao thượng để được nghe và được học, để hiểu biết những giá trị cao thượng mà người cư sĩ tại gia dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội cũng không thể tìm thấy trong những thú vui ngũ dục (thính văn Chánh pháp). Những gì đã nghe, đã học cần được suy nghĩ một cách sâu sắc, chân chánh (như lý tác ý) để thể nghiệm trong đời sống hằng ngày (pháp tùy pháp hành). Đây là bốn đức tính đưa người Phật tử vào đạo, dự vào dòng Thánh.

Một khi hội đủ được bốn đức tính Dự lưu, người Phật tử sẽ Nhập lưu bằng bốn niềm tin thanh tịnh, trong sáng, không bao giờ thay đổi, gọi là Tứ bất hoại tín, hay Tứ chứng tịnh (Tứ bất hoại tịnh). Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới. Với bốn niềm tin này, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại. Kinh Tạp A-hàm nói rằng, người nào thành tựu bốn pháp Bất hoại tịnh này thì muốn cầu thọ mạng lâu dài liền được thọ mạng lâu dài; muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Đức Thế Tôn bảo: “Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ”. Kinh còn nói, dù làm Chuyển luân Thánh vương, có đầy đủ bảy báu, có bốn thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cõi trời, cũng chẳng bằng một vị Tỳ-kheo mang y phấn tảo, xin ăn khắp mọi nhà, dùng ngọa cụ bằng cỏ. Vì sao vậy? Bởi Chuyển luân Thánh vương chưa đoạn trừ được cái khổ của đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do chưa đạt được bốn Bất hoại tịnh. Còn Tỳ-kheo Thánh đệ tử đã giải thoát được cái khổ của các đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do đã thành tựu được bốn Bất hoại tịnh.

Kinh ghi: “Dù bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi tăng giảm, bốn Bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến khác. Chúng không tăng giảm biến khác, cho nên đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, mà nếu bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì điều này không thể có được”.

Người Phật tử thành tựu được bốn niềm tin bất hoại thì được gọi là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có đầy đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ. Kinh nói: “Người cư sĩ lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Này Ma-ha-nam, đó gọi là cư sĩ có đủ tín”. Như vậy, những lợi ích có được từ sự thành tựu bốn niềm tin bất hoại là không thể nghĩ bàn, và tất cả những lợi ích ấy đều được bắt đầu từ sự thân cận thiện sĩ. Nhưng, niềm tin của người Phật tử không dừng lại ở đây, mà còn tin tưởng bản thân mình cùng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật bằng cách hành Bồ-tát đạo, qua sự phát tâm Bồ-đề, và cũng từ sự tăng thượng tâm nhờ thân cận thiện sĩ. Kinh Bồ-tát an lạc bản nghiệp, quyển thượng nói: “Tất cả chúng sanh thuận theo Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cũng có thể thành Phật nên gọi là Phật tử”.

‘Bởi có thể thành Phật nên gọi là Phật tử’. Đó là nhận thức cơ bản mà tất cả những ai đã, đang và sẽ tự cho mình là Phật tử cần phải ghi nhớ, bởi chính nhận thức này giúp người Phật tử đứng đúng vào địa vị và làm tròn bổn phận của mình trong ngôi nhà Phật pháp. Bổn phận của người Phật tử là hộ trì Chánh pháp, nhưng cần phải ý thức rằng cái bổn phận đó là để hoàn thành Bồ-tát hạnh của mình, để thành tựu cái quả vị Phật-đà cho chính mình, chứ không đơn giản chỉ là bảo trợ đời sống cho người xuất gia, xây dựng chùa tháp… Hẳn nhiên, như kinh Như thị ngữ đã nói: “Chúng xuất gia nhờ chúng tại gia giúp đỡ những đồ dùng như quần áo, thức ăn, chỗ ở v.v...; chúng tại gia nương chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và phạm hạnh. Cả hai bên nương nhau tu hành theo Chánh pháp”, nhưng người Phật tử đã thành tựu tín, giới, văn, thí xả, trí tuệ thì luôn luôn nhận thức rằng, mục đích cứu cánh của người cận sự nam, cận sự nữ là đạt được giác ngộ giải thoát, mà nói theo lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh ngay trong cuộc đời trần tục của mình, chứ không phải chỉ cầu phước báo nhân thiên bằng sự hộ pháp.

Thật vậy, lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là chuyển hóa cõi Ta-bà uế trược này thành nhân gian Tịnh độ thanh lương. Lý tưởng đó, với nhiều người, là quá lớn lao. Thế nhưng, nó không phải là điều không tưởng, mà có thể thực hiện được bằng một ít nỗ lực, với một hành vi hết sức tầm thường, như kinh Pháp hoa nói, là chỉ cần chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’.

Chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, thế là đủ để quyết định sẽ thành Phật. Đây là điều bất khả tư nghì. Ấy vậy mà nó đã từng xảy ra với một người, trong một hoàn cảnh, mà đối với chúng ta bây giờ, đã trở thành một huyền thoại.

Chuyện kể rằng, một thời tại thành Tỳ-xá-li có kỹ nữ nổi tiếng tên là Ambapāli, quản lý trung tâm giải trí công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc dành cho hàng vương tôn công tử quyền uy. Trong một cơ duyên hạnh ngộ, được diện kiến và nghe Đức Phật thuyết pháp, trong lòng Ambapāli chợt rung động và chuyển hóa hoàn toàn, nàng sụp lạy Đức Thế Tôn, thành kính chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, rồi phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo và thọ trì năm giới.

Từ phút giây ấy trở đi, Ambapāli trở thành con người mới. Nàng đã biến cải công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc thành chốn tu hành thanh nghiêm dâng cúng cho Tăng đoàn Đức Phật. Và tại đây, cũng từ giây phút ‘đổi đời’ của Ambapāli, hàng trăm công tử Ly-xa, một bộ tộc hùng mạnh đang cai trị thành Tỳ-xá-li phú cường, với áo mão cân đai, cờ phướn, xe cộ… mỗi lần đi ra không khác chư thiên tử cõi trời, cũng tìm đến công viên nhưng không phải để hưởng thụ dục lạc mà để tìm chân lý. Tất cả sự biến cải, chuyển hóa tại công viên Am-la không xứng đáng để được gọi là Tịnh hóa, Phật hóa gia đình, xã hội hay đẹp hơn là tịnh Phật quốc độ chăng?

Mọi sự thành tựu ấy đều từ việc làm: Thân cận thiện sĩ.

Nói tóm, thân cận thiện sĩ là bước chân đầu tiên người Phật tử dự vào dòng Thánh, bởi từ đó người Phật tử được nghe, được học, được thấy những phẩm chất cao thượng mà họ không thể tìm thấy ở giữa cuộc đời trần tục.
Thích Nguyên Hùng

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 4,346
  • Tháng hiện tại 61,731
  • Tổng lượt truy cập 23,467,980