Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cờ ngũ sắc Phật giáo lần đầu tiên treo ở trong White House của Hoa Ky‏

Cờ ngũ sắc Phật giáo lần đầu tiên treo ở trong White House của Hoa Ky‏

Đăng lúc: 15:35 - 21/06/2015

Lá cờ Phật giáo Thế giới được giương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.



Buổi chiều ngày 14/05/2015 tại Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo Phật giáo bao gồm Chư tôn đức Tăng già, các nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học, các nhà hoạt động Phật giáo thuộc đa dạng các truyền thống, từ Phật giáo châu Á đến châu Mỹ.
Hàng trăm nhà lãnh đạo từ các cộng đồng Phật giáo tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tại Đại học George, Washington Hoa Kỳ (14/05/2015).

Tại đây, lần đầu tiên cờ ngũ sắc Phật giáo được treo trong Nhà Trắng, Hoa Kỳ. Lá cờ Phật Giáo là biểu tượng của Phật giáo qua sự hiện hữu của Đạo Phật trong cuộc đời này. Cờ Phật giáo do Đại tá Henry Steel Olcott (1832 – 1907), người Hoa Kỳ, theo học Phật pháp cùng với Thượng tọa H. Sumangala, người Tích Lan, đã phỏng theo sáu màu hào quang của Đức Phật : xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu vừa kể để phác họa vào năm 1889.

Ngoài ý nghĩa tinh thần ra, màu cờ Phật Giáo còn tiêu biểu cho màu da, chủng tộc của các sắc dân, không phân biệt da vàng, da đen, da trắng, da đỏ v.v... Mà tất cả con người trên thế giới đều là anh em với nhau cùng tôn thờ lý tưởng Phật Giáo để cùng nhau bắt tay xây dựng và phát triển ngôi nhà chánh pháp của Đức Như Lai.





Lá cờ Phật giáo Thế giới được giương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.

Lá cờ ngũ sắc được treo trong Nhà Trắng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Phật giáo trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Với sự tụ hội của các lãnh đạo Phật giáo thế giới, cùng chia sẻ các mối quan ngại xã hội đã cho thấy người theo Phật giáo không phải “động thổ” những vùng đất mới mà là tiếp tục và duy trì sự quay về với đức Phật - Người đã du hóa vùng đông bắc Ấn Độ nhằm thiết lập và xây dựng đời sống con người từ sự dẫn bước soi đường của Chính pháp, trong ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ, từ giới vương tôn quý tộc cho đến người dân bình thường. Phật giáo không hướng đến việc áp đặt niềm tin tôn giáo lên giới chức lãnh đạo nhưng đi vào hướng tiếp cận rằng các chính sách lãnh đạo phải được xây dựng và thực hiện trên nền tảng của tình thương, lòng từ bi, công bằng xã hội, hòa bình và có trách nhiệm với môi sinh - vốn là giá trị cốt lõi nhất của Phật giáo và các giá trị tôn giáo chân chính trên thế giới.





Đưa các giá trị của Phật giáo vào đời sống là sự chung tay cùng các tổ chức có cùng chí hướng, sẽ giúp chia sẻ và hợp tác để hướng đến công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sống, giảm sức mạnh chưa chính nghĩa của quân đội và cao nhất là xây dựng một thế giới hòa bình.



Phap Bao va Pv Anh Thy

Con đường Bồ-tát

Con đường Bồ-tát

Đăng lúc: 15:31 - 21/06/2015

Con đường Bồ-tát, con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, không phải là pháp tu để thành thánh mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong đạt được.

Con đường Bồ-tát - con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa - không phải là pháp tu để thành thánh, thành tiên, mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong thành tựu được. Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche giải thích rằng, ai phát nguyện tu hạnh Bồ-tát thì chỉ có một lời nguyện đơn giản là: lo cho chúng sinh trước hết và không giữ lại gì cho chính mình.
Tu hạnh Bồ-tát là phát nguyện lo cho chúng sanh trước bản thân. Đó là một lời tuyên bố tự nguyện hy sinh bản thân mình, ngay như cả hy sinh sự giác ngộ của mình vì tất cả mọi loài. Và một vị Bồ-tát là một người chỉ sống vì hạnh nguyện đó, hoàn thành công hạnh qua việc thực hành sáu ba-la-mật (lục độ) - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - nỗ lực để giải thoát cho tất cả hữu tình.


Phát nguyện tu hạnh Bồ-tát bao hàm ý rằng mình mở rộng lòng đón mời thế giới mình đang sống và không cầm giữ, hay bảo vệ bất cứ cái gì cho bản thân. Nghĩa là, mình tự nguyện chấp nhận một trách nhiệm rộng lớn, bao la. Đúng ra, nó có nghĩa là tạo một duyên lớn. Nhưng việc tạo ra một nhân duyên rộng lớn như vậy không phải để làm một anh hùng rơm hay phục vụ cho cá tính lập dị của mình. Mà nhân duyên này từng được hàng triệu Bồ-tát, như các bậc đã giác ngộ và các vị đại sư, đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, một truyền thống chịu trách nhiệm này đã được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và giờ đây, chúng ta cũng đang tham gia vào cái truyền thống sáng chói và danh giá này.
Có một dòng truyền thừa con đường Bồ-tát không gián đoạn, bắt nguồn từ đại Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Vajrapani), và Văn Thù (Manjushri). Nó không gián đoạn vì không Bồ-tát nào trong dòng truyền thừa này, qua nhiều thế hệ và thế kỷ, sống tham đắm bảo vệ cho mình. Thay vì vậy, các Bồ-tát này liên tục nỗ lực tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Di sản này đã được truyền lại không gián đoạn, cho đến ngày hôm nay, không phải là một huyền thoại, mà là một bằng chứng sống.
Sự trong sạch của truyền thống này rất có uy lực. Việc chúng ta phát nguyện tu theo hạnh Bồ-tát là một điều rất cao quý và vinh dự. Với một truyền thống gom hết tâm ý cho tinh thần Bồ-tát như vậy nên ai mà chưa gia nhập vào sẽ cảm thấy mình còn tệ lắm. Họ có thể ganh tức với một truyền thống phong phú như vậy. Nhưng gia nhập vào cũng sẽ khiến mình cảm thấy có một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mình sẽ không còn có ý định tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân; mình phải làm việc với những thứ khác. Nghĩa là làm việc với những thứ liên quan đến bên trong bản thân, như là tính toán tương lai cho mình, tình cảm cá nhân, mong muốn làm cho đời mình thoải mái hơn…; và làm việc với những thứ liên quan với thế giới bên ngoài, như là thế giới đang hiện hữu ngoài kia, nào là con cái la khóc, dĩa chén dơ bẩn, rối loạn đường tu, và đủ loại chúng sanh…
Vậy, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là một cam kết thật sự vì nhận thấy những khổ đau và vô minh của chính bản thân và của các hữu tình khác. Cách duy nhất, để có thể phá vỡ màn vô minh và khổ đau, và tu tập để thành tựu đạo giác ngộ, là phải tự nhận chịu trách nhiệm. Nếu mình không làm gì với tình trạng vô minh này, và nếu mình không tự giải quyết vấn đề này, thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Mình không thể lệ thuộc vào người khác làm việc này cho mình. Đây là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta có một sức mạnh kinh thiên để làm thay đổi nghiệp lực của thế gian này. Vậy, phát nguyện đi con đường Bồ-tát, chúng ta đang công nhận rằng chúng ta sẽ không tiếp tục làm kẻ đồng lõa với những hỗn loạn và khổ đau trong thế gian này. Ngược lại, chúng ta là những người giải phóng, những Bồ-tát, mong muốn tự cứu độ mình, cũng như cứu độ những người khác.
Quyết định cứu độ người khác cần có sự cảm hứng rộng lớn. Mình không còn nỗ lực để biến mình thành một kẻ vĩ đại. Mình chỉ đơn giản muốn làm một con người với thực tâm muốn cứu giúp người khác; nghĩa là, chúng ta phát huy vượt bậc cá tính vị tha, một đặc tính luôn thiếu thốn trên thế gian này. Noi gương Phật Thích Ca, người đã từ bỏ ngai vàng để cống hiến đời mình cho chúng sinh, chúng ta, cuối cùng rồi, cũng trở thành người giúp ích cho xã hội, nhân quần.
Mỗi người chúng ta có thể đã khám phá ra một ít sự thật, như là sự thật về thơ văn, phim ảnh, hay vi sinh vật, mà có thể dùng để giúp ích cho người khác. Nhưng chúng ta hay có khuynh hướng dùng những sự thật như vậy để xây đắp uy tín, tiếng tăm riêng cho mình. Chỉ lo phát huy những sự thật đó cho mình là một hướng hành động ích kỷ, thấp hèn. Ngược lại, công hạnh của một vị Bồ-tát là không cần uy tín, tiếng tăm. Chúng ta có thể bị đánh đập, hành hạ, hay bạc đãi, nhưng chúng ta vẫn tử tế và tự nguyện giúp ích người khác. Đây là một công việc hoàn toàn không được công trạng, nhưng lại rất chân thật và uy dũng.
Phát nguyện con đường Đại thừa bao la nghĩa là từ bỏ cá nhân và phát huy tâm tánh rộng lớn hơn. Thay vì tập trung vào kế hoạch nhỏ nhoi của mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình để ôm trọn cả thế gian, thiên hà, và vũ trụ.
Muốn thực hiện tâm bao la như vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu tình hình thật rõ ràng và toàn diện. Chúng ta cần phải phát triển tâm từ bi để loại trừ bản ngã vì bản ngã sẽ khiến giới hạn tầm nhìn và làm sai lạc hành động của mình. Theo truyền thống, mình phải bắt đầu bằng việc khai mở lòng từ bi với chính mình, rồi hướng tâm này đến những người gần gũi mình nhất, và sau hết, là tất cả mọi loài chúng sinh, kể cả kẻ thù của mình. Tột cùng, chúng ta xem tất cả mọi loài chúng sinh như là những người mẹ ruột thịt của mình. Chúng ta có thể chưa theo đúng con đường truyền thống ở thời điểm này, nhưng mình có thể phát huy thêm tâm tính rộng lượng và hòa nhã. Điểm chính là mình phải bắt đầu bằng cách bắt tay vào việc trước.
Thông thường chúng ta hay bị mắc kẹt với cách cư xử ở đời: “Anh ta sẽ nói lời xin lỗi trước hay là tôi phải nói xin lỗi trước?”. Nhưng khi trở thành một vị tu theo hạnh Bồ-tát, chúng ta phá cái rào cản đó: mình không đợi người kia làm, mà mình đã quyết định tự làm trước. Con người có quá nhiều vấn đề và chính vậy, mà họ khổ vì đó. Và chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ, những khổ đau đang xảy ra trong đất nước mình, chưa nói là cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới đang hứng chịu khổ đau vì thiếu từ bi, giới luật, kham nhẫn, tinh tiến, thiền định, và tuệ giác. Điểm chính của sự khởi đầu phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là không tìm cách cải đạo người khác; cần quan niệm rằng là chúng ta nên đóng góp cái gì đó cho thế giới, chỉ bằng sự tương trợ và hòa hợp theo tính cách riêng của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, mình công nhận rằng mình có thể thực hiện được công hạnh đó trong thế giới này. Từ quan điểm của một Bồ-tát, không có gì khó khăn và không chữa trị được trong cuộc đời này. Noi theo đời sống điển hình của Phật cùng chư đại Bồ-tát, và trong những lời dạy đầy cảm hứng của Phật pháp, không gì không làm được trong thế gian này. Chúng ta có thể tham gia vào công cuộc vận động của chư Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh một cách đúng đắn, đầy đủ, và triệt để mà không bị chấp thủ, vô minh, và sân hận quấy phá. Một công cuộc như vậy là sự phát triển một cách tự nhiên của việc thực tập thiền quán vì thiền quán mang đến việc cảm nhận được tính vô ngã.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta mở lòng đón nhận những yêu cầu của chúng sinh. Nếu ai cần đến chúng ta, mình không nên từ chối; nếu chúng ta được mời làm bậc phụ huynh, mình sẽ không từ nan. Nói một cách khác, mình phải có sự thích thú trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khác, và sự biết ơn đối với thế giới quanh mình và các chúng sinh sống trong đó. Đây không phải là một vấn đề dễ làm! Việc này đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn phụng sự không mỏi mệt và kham nhẫn với tất cả những sự điên rồ, ích kỷ, đáng kinh tởm của người mình phụng sự; hơn vậy, chúng ta luôn biết ơn và dọn sạch những thứ đó cho họ. Chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng cho phép những tình cảnh như vậy xảy ra dù phải chịu một chút bất tiện; chúng ta chấp nhận những khó khăn và choáng ngộp do những tình huống trên gây ra cho mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát nghĩa là chúng ta phát tâm sống đời sống hàng ngày của mình theo lời Phật dạy. Hành trì như vậy giúp chúng ta đủ trưởng thành để không giữ gì lại cho mình. Tài năng thế tục của chúng ta không bị chối bỏ, mà còn được tận dụng làm một phần của quá trình học và tu. Một vị Bồ-tát có thể dạy Phật pháp trong hình thức hiểu biết về mặt kiến thức, nghệ thuật, và ngay như cả thương mại. Như vậy, dấn thân vào con đường Bồ-tát, chúng ta tiếp tục tận dụng những tài năng của mình theo hướng giác ngộ, mà không bị chúng đe dọa hay làm xáo trộn. Lúc đầu những tài năng thế tục của chúng ta tưởng đã bị “tước bỏ,” vì một phần hiểu lầm, nhưng giờ đây chúng ta đang làm chúng sống lại. Chúng có thể được nẩy mầm thêm nhờ có Pháp bảo, Tăng bảo, và sự kham nhẫn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo mọi tình huống trong đời sống. Tất nhiên, vẫn còn một ít hiểu lầm sẽ xảy ra! Nhưng đồng thời cũng thấy có một tia sáng của sự khai thông và một tiềm năng vô hạn.
Vào thời điểm này, mình cần phải tin tưởng chính mình mà nhảy vào cuộc. Chúng ta, thực ra, có thể điều chỉnh bất cứ những ý tưởng kích động, hay thiếu lòng từ bi nào xảy ra, mà có tính cách chống phá Bồ-tát hạnh; mình có thể nhận ra sự điên đảo của mình và chuyển hóa nó, thay vì là cố tình che giấu hay loại bỏ nó. Theo cách này, những hình thức suy tư điên đảo sẽ được hóa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp ‘làm việc’ với sự điên đảo của mình thì nó liền trở thành một hành động từ bi. Bản năng thông thường của con người là tính lợi cho mình trước và chỉ làm bạn với ai nếu họ có thể đem lợi lạc về cho mình. Đây có thể gọi là “bản năng của loài khỉ” (ape instinct).
Nhưng trong trường hợp của hạnh nguyện Bồ-tát, chúng ta đang nói về một loại bản năng siêu phàm, thâm sâu và đầy đủ hơn hết. Được gợi hứng từ bản năng này, chúng ta tự nguyện chấp nhận cái cảm giác trống vắng, kiệt sức, và xáo trộn. Nhưng chính nhờ sự tự nguyện khiến mình cảm nhận được như vậy, và cùng lúc, mình cũng có thể ra tay cứu giúp người. Như vậy, chúng ta vẫn còn chỗ dành cho sự lẫn lộn, rối tung, và ngã ái của mình vì chúng là những viên gạch nền tảng. Ngay như những phiền não xảy ra trong lúc tu theo con đường Bồ-tát đều là một cách để xác định sự quyết tâm của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta thực sự biến mình thành tài sản chung cho mọi loài chúng sanh: tùy theo hoàn cảnh, mình tự nguyện làm một đại lộ, một con thuyền, một cái sàn nhà, hay là một căn nhà… Chúng ta cho phép tất cả hữu tình sử dụng chúng ta bằng mọi cách họ chọn. Cũng như trái đất duy trì không khí, và không gian dung chứa các vì sao, thiên hà, và tất cả những thứ khác, chúng ta tự nguyện mang gánh nặng của cả thế gian. Chúng ta lấy cảm hứng từ thí dụ vật thể của vũ trụ. Chúng ta cống hiến chính mình như là gió, là lửa, là không khí, là đất, và là nước - tất cả ngũ đại.
Nhưng điều cần thiết và rất quan trọng là phải tránh khởi tâm từ một cách thiếu tuệ giác. Nếu mình sử dụng lửa không đúng cách, mình sẽ bị bỏng; nếu cưỡi ngựa không đúng kiểu, mình sẽ bị nó hất rơi xuống đất. Mình phải có một cảm nhận thực tế trong thế giới này. Làm việc trong thế gian đòi hỏi phải có một tri thức thực tế. Chúng ta không thể là một Bồ-tát “yêu thương và nhẹ nhàng” nếu chúng ta không biết cách giúp đỡ chúng sanh một cách thông minh, sự cứu giúp của mình có thể hoàn toàn khiến họ lệ thuộc, chứ không phải là vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh sẽ trở nên lệ thuộc vào sự cứu giúp của mình cũng giống như người bị nghiện thuốc ngủ vậy. Họ càng ngày càng trở nên yếu ớt vì cứ muốn được cứu giúp hoài! Do vậy, vì lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần mở rộng lòng với một thái độ vô úy, không sợ. Vì bản tính cố hữu của con người hay thích lệ thuộc, nhờ cậy, đôi khi điều tốt nhất là mình phải nói thẳng và làm thẳng. Phương pháp tế độ của một Bồ-tát là giúp người để họ tự cứu chính họ. Tương tự như bốn đại đất, nước, gió, lửa sẽ không hợp tác với chúng ta nếu mình không sử dụng chúng một cách thích đáng, nhưng đồng thời, chúng rộng lượng cống hiến và hòa hợp nếu được sử dụng đúng đắn.
Một trở ngại lớn đối với việc thực hiện giới Bồ-tát là sự thiếu vắng của tính hài hước; chúng ta có thể đã xem vấn đề giữ giới quá nghiêm túc. Thực hiện lòng nhân từ của một Bồ-tát theo kiểu quân cách sẽ không thành tựu được gì. Người mới bắt đầu tu thường quá khắt khe với việc hành trì và tiến bộ của họ, tu Đại thừa theo phong cách của Tiểu thừa. Nhưng quân cách khắt khe thì hoàn toàn khác với tâm từ ái và vui vẻ của con đường Bồ-tát. Khi mới bắt đầu, bạn có thể chưa thực sự rộng lượng và vui vẻ. Nhưng ít nhất bạn nên cố gắng rộng lượng, tươi vui, và luôn cả can đảm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục tu tập một cách uyển chuyển vì muốn tu theo con đường Bồ-tát bạn phải luôn luôn biết linh động.
Cái cảm giác sung sướng và hân hoan vì cuối cùng chúng ta có thể gia nhập vào gia đình của chư Phật. Rốt cuộc, mình đã quyết định tuyên bố quyền thừa kế về sự giác ngộ của chính mình. Từ khía cạnh còn hồ nghi, bất cứ đặc tính giác ngộ nào còn lại trong chúng ta dường như là rất nhỏ nhoi. Nhưng từ khía cạnh thực tế, một hữu tình đã giác ngộ trọn vẹn đang tồn tại bên trong chúng ta rồi! Vì vậy, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc mình đang đi trên con đường đạo hay không. Rõ ràng chúng ta đã phát nguyện và rằng mình sẽ phát triển lộ trình rộng lớn này để thành Phật.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát là một biểu thị của việc an cư và sống tự tại trong thế gian này. Mình không lo sợ ai đó tấn công hay giết chóc mình. Mình luôn hy sinh thân mình vì lợi ích của chúng sanh. Thậm chí, mình còn từ bỏ việc tìm kiếm con đường giác ngộ cho riêng mình vì muốn cứu khổ người khác. Tuy nhiên, dù không nỗ lực gì chúng ta vẫn đạt được sự giác ngộ. Chư Phật và chư Bồ-tát đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đơn giản là do chúng ta có chấp nhận sự sung túc này hay là bác bỏ nó và chấp nhận sống trong một trạng thái tâm linh nghèo nàn.
Chogyam Trungpa Rinpoche
Thiện Ý chuyển ngữ
(Trích từ “Tác phẩm chọn lọc của Chogyam Trungpa”, tập 3, Nhà xuất bản Shambhala phát hành năm 2003).
Theo Giác Ngộ

grab1434673382Set Bo luc lac cho 02 nguoi tai True Cafe 37B Ly Thuong Kiet 550x356

Ăn thịt là nguồn gốc của tai kiếp

Đăng lúc: 08:26 - 20/06/2015

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người thích việc sát sinh và có rất ít người tôn trọng sự sống. Đa số chỉ biết làm thế nào để giết, chứ hoàn toàn thờ ơ với việc phóng sinh. Khi bạn giết một sinh vật, sinh vật ấy cũng muốn giết bạn. Sự báo thù lẫn nhau dẫn đến sự tái sinh luân hồi trong đời ngũ trược ác thế. Sự báo oán lẫn nhau vậy đến khi nào mới chấm dứt? Người xưa từng nói:
“Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh.”
Dịch là:
“Ngàn năm oán hận ngập bát canh,
Oán sâu như biển, hận khó tan.
Muốn biết vì sao có chiến tranh,
Hãy nghe lò thịt, lúc nửa đêm!”
Miếng thịt trong tô canh tuy nhỏ, nhưng thật sự trong đó chất chứa sự thù hằn sâu như biển cả vậy. Người đập lộn với người, nhà này đánh nhau với nhà kia, nước này xâu xé nước kia, địa cầu này tiêu hủy địa cầu khác; gây nên chiến tranh như vậy đều là do ăn thịt mà ra. Tất cả những tai nạn đao binh, thủy hỏa, tật dịch lưu hành, đều là do ăn thịt mà thành. Nếu muốn hiểu rõ đạo lý thì lúc nửa đêm hãy tới nhà người đồ tể mà lắng nghe: lắng nghe tiếng rống đau đớn của con heo bị thọc huyết, lắng nghe tiếng khóc uất ức của con trâu hay con dê bị giết.
Set-Bo-luc-lac-cho-02-nguoi-tai-True-Cafe-37B-Ly-Thuong-Kiet
Chúng ta nên đặt nền tảng đạo lý của cuộc sống chúng ta trên những lời của Khổng Phu Tử: “Đã thấy sự sống của nó rồi thì không nỡ nào thấy cái chết của nó. Đã nghe tiếng kêu của nó rồi thì không nỡ nào ăn thịt nó. Do vậy, người quân tử nên tránh xa nhà bếp”. (Kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử. Văn kỳ thanh bất nhẫn thực kỳ nhục. Thị dĩ quân tử viễn bào trù dã). Dù hàng trăm ngàn năm nay, bát canh thịt còn đó. Quý vị đã ăn rồi, và tôi cũng thế. Bát canh này là thịt hầm, nó chứa đựng sự oán hận sâu hơn biển, rất khó làm tiêu trừ. Để chuyển hóa lòng oán hận này không phải dễ dàng gì.
Bạn có muốn biết tại sao trên thế giới lại có chiến tranh, lụt lội, hạn hán dịch bệnh? Nguyên nhân nào gây ra sự đau khổ, giết chóc, thảm sát đổ máu trong chiến tranh? Tại sao người ta lại tìm kiếm nhau mãi để trả thù. Bởi vì họ đã gieo quá nhiều việc chết chóc. Nếu bạn chưa hiểu, xin hãy đến gần lò sát sinh súc vật, và lắng nghe tiếng kêu thét của súc vật vào lúc nửa đêm ở đó. Tiếng heo kêu thét, tiếng dê cừu khóc, tiếng bò trâu rống. Tất cả đó là sự van xin: “Xin Ông tha mạng cho con!” nhưng ta giả vờ không nghe, không thấy lời kêu than ấy, chúng ta cứ tiến hành giết không cần 1 giây suy nghĩ. Khi ta vừa giết chúng thì một niềm sân hận từ những con heo, bò, dê bị giết khởi dậy, niệm ấy dẫn chúng tìm người giết để báo thù trong tương lai. Điều này dẫn đến những thảm trạng như chiến tranh trên thế giới, và mọi thứ tai ương, tử vong. Tất cả đều do việc sát hại sinh mạng mà tạo nên.
Tuy vậy, ngay nơi sự báo oán có khi còn chưa đủ. Hiện nay, tai họa lớn nhất là bệnh ung thư (cancer) là một loại bệnh tật quái dị. Tại sao bệnh này lại xuất hiện? Vì người ta ăn quá nhiều thịt. Hiện nay không khí bị ô nhiễm nặng nề, trái đất bị ô nhiễm và nước cũng bị ô nhiễm. Không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, đất ô nhiễm này tạo nên một thứ độc tố. Khi súc vật ăn những thực vật có độc tố. Chất độc ngấm dần vào cơ thể của nó. Mặc dù chất độc vẫn ở yên trong cơ thể chúng nó không gây tác hại gì, nhưng nếu ta ăn thịt chúng chất độc sẽ truyền sang cơ thể ta, khiến cho ta mắc phải vô số bệnh quái dị, khó trị liệu vô cùng.
Những bệnh khó trị liệu này không phải ngẫu nhiên mà có. Đằng sau nó là những oan hồn kêu than đòi trả mạng. Vậy nên bây giờ có rất nhiều oan hồn quanh quẩn khắp nơi, cố gắng tìm cách bắt người khác trả mạng hay làm cho họ khổ đau bằng cách gây ra vô số bệnh tật quái lạ. Những oan hồn vất vưởng này là những bào thai bị nạo, bị phá thai trước khi nó có được một cuộc sống hoàn chỉnh như người. Vì vậy, nó rất căm hận, nó có thể làm đóng nghẽn tim người, làm nát gan, thận, túi mật người. Nó có thể phá hủy ngũ tạng của bạn khiến bạn phải chết dù bạn chưa muốn chết.
Tại sao nó hiểm độc như thế? Vì bạn đã giết hại nó trước bây giờ nó muốn trả thù. Những căn bệnh gây nên bởi ma oán thì không thể chữa lành bởi bất kỳ bác sĩ nào cả. Dù bác sĩ Đông Y hay Tây Y đều chữa không được. Việc bạn có thể làm là không ăn uống gì cả rồi chờ chết. Sau khi bạn trút hơi thở cuối cùng, lại đến phiên bạn tìm báo thù. Những gì tôi nói là lời chân thành nhất.
Nếu tôi nói nữa có lẽ có người sẽ không muốn nghe. Tuy nhiên tôi có khuyết điểm là tôi muốn nói cho dù người ta thích nghe hay không thích nghe. Tôi đặc biệt thích nói những điều mà mọi người không muốn nghe. Do vậy, nên các bạn ở đây nên chuẩn bị tâm lý. Bạn nên nói với chính mình: “Ta chẳng muốn nghe nhưng ta sẽ kiên nhẫn một chút để nghe ông ta nói gì”.
Điều tôi muốn nói là tôi sẽ giải thích chữ “thịt” – Tiếng Hán là “Nhục” 肉 , có bộ “khẩu” 口 nhưng nét dưới bị mất đi, có nghĩa là mở miệng. Tại sao lại mở miệng? Là để ăn người. Cho nên trong chữ thịt “Nhục” 肉) có hai người – chữ “Nhân” 人 . Một người bên trong 人 và một người bên ngoài 人. Chữ này biểu thị ý niệm “thịt” là không thể tách rời được miệng người. Tuy nhiên Người không thể bị dính mắc, không tách rời ra khỏi “thịt” được. Chữ này biểu tượng con người ăn thịt và con người đang bị kẻ khác ăn thịt mình. Cái đầu của một người đi ra từ cái miệng và người khác thì đang ở trong miệng. Nhưng vì cái miệng không đóng, nên người ấy có thể đi ra. Có thể ra đi nên có thể làm người trở lại, khi làm người rồi, anh ta sẽ tìm và ăn thịt lại người đã ăn thịt mình. Ăn sống nuốt tươi lẫn nhau. Vì thế nên có hai chữ “Nhân” (người) trong chữ “Nhục” kế bên dưới chữ “Nhân” là người ở trong bao trùm người ở ngoài “Người bên trong, người bên ngoài che đậy bắt giữ lẫn nhau (lý biên tráo trước ngoại biên nhân) “Chúng sinh ăn thịt lẫn nhau”, nếu quan sát kỹ đó là người ăn thịt người. (Chúng sinh hoàn cật chúng sinh nhục – Tử tế tư lương thị nhân cật nhân)
Vì đó là người ăn thịt người, có lẽ nào người ấy là bạn ta. Ta chẳng biết! Có lẽ nào đó là bà con ruột thịt của ta. Ta chẳng biết! Có lẽ nào đó là cha ta, mẹ ta, tổ tiên ông bà mình. Ta chẳng hay. Cái không biết này làm nảy sinh vô số vấn đề. Do vậy tốt nhất là mọi người chẳng nên ăn thịt.
anthit
Mặc khác, không ăn thịt là một yếu tố tối quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật. Không sinh bệnh. Không nóng tính. Nếu bạn không nóng giận, thì tác nhân gây nghiệp muốn báo thù bằng cách làm cho bạn bị bệnh sẽ khó khăn khi tìm gặp bạn. Bởi vì ngay khi bạn nổi nóng, là có một lỗ hổng để ma oán chen vào. Mỗi khi ma oán kiếm được lối vào, bệnh tình của bạn càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Nếu bạn muốn khỏe mạnh, sống lâu, không bệnh hoạn, điều chủ yếu là không nên ăn thịt, không nóng giận, không hút thuốc, uống rượu. Đây là những cách để có được khỏe mạnh.
Chẳng nên rước vào mình một thứ bệnh tật để tự hủy hoại thân mạng mình. Nếu bạn làm thế là bạn sẽ phải tìm một bác sĩ để trao cho ông ta tiền, mà ông ta vẫn không thể chữa lành bệnh cho bạn. Đó phải chăng là nỗi phiền muộn lớn lao của chúng ta?
Hòa thượng Tuyên Hóa
Trích “Vạn Phật Thành”
Theo TGPG

Thiền định có thể làm chậm lão hóa não, phòng chống bệnh mất trí nhớ

Thiền định có thể làm chậm lão hóa não, phòng chống bệnh mất trí nhớ

Đăng lúc: 06:22 - 18/06/2015

Mọi người đều biết, ngồi thiền có thể làm giảm đau nhức, cải thiện sự tập trung và chức năng miễn dịch, hạ huyết áp, ức chế lo nghĩ và mất ngủ. Ngoài ra, Nghiên cứu khoa học phát hiện việc ngồi thiền có thể đề cao trí lực, giảm bớt lão hóa, giúp phòng ngừa sự lão hóa của não và bệnh mất trí nhớ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 356 triệu người trên thế giới mắc bệnh mất trí nhớ, và mỗi năm gia tăng thêm 7.7 triệu người. Trong đó bệnh Alzheimer chiếm 60-70% tổng số người có vấn trên.

Báo cáo của Viện Y tế quốc gia và Viện lão khoa quốc gia (Mỹ) cho thấy, Alzheimer là một loại rối loạn chức năng thần kinh kéo dài, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất trong bệnh mất trí nhớ. Tuy hiện nay vẫn chưa có giải pháp trị liệu hoặc thuốc có thể phòng tránh hoặc trì hoãn Alzheimer, nhưng trong cuộc sống thường ngày lại có một số phương pháp giúp ích cho sức khỏe, đồng thời cũng có thể giảm nguy cơ bệnh phát sinh.

thien-dinh-phap-bao

Thiền định có thể đạt hiệu quả phòng ngừa lão hóa não

Theo trang tin tức sức khỏe Counsel & Heal, nghiên cứu mới nhất của Đại học Califorina (Los Angeles) phát hiện, ngồi thiền có thể phòng ngừa sự lão hóa của não, hoặc có thể giúp phòng tránh bệnh mất trí.

Nhìn chung, não lão hóa nhanh hơn những bộ phận khác trên cơ thể, khi đến tuổi 20 là đã quá trình này bắt đầu tăng tốc.
Trước đây ngồi thiền được chứng minh là có thể làm giảm teo tiểu não có liên quan đến tuổi tác. Trong nghiên cứu mới này, nhà nghiên cứu phát hiện, ngồi thiền rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa tổn thất chất xám của não. Phó giáo sư thần kinh học Eileen Luders chủ trì nghiên cứu này cho biết, lúc đầu họ cho rằng hiệu quả của ngồi thiền có thể không cao và tập trung vào một sỗ chỗ nào đó. Tuy nhiên, họ đã quan sát thấy toàn bộ não đều chịu ảnh hưởng rất lớn của thiền.

Những phát hiện này có thể giúp ích cho việc phòng ngừa các bệnh tâm lý và thoái hóa thần kinh, là những loại bệnh gia tăng theo tuổi thọ con người. TS. Luders nói, trước đây có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào sàng lọc nguyên nhân có thể gia tăng các bệnh tâm lý và chứng thoái hóa thần kinh, nhưng không quan tâm nhiều đến phương pháp có thể tăng cường sức khỏe của não bộ.

Luders chỉ ra, kết quả của họ rất có ý nghĩa. Tích lũy chứng cứ khoa học có liên quan đến việc ngồi thiền làm thay đổi trạng thái của não, cuối cùng đã có thể chuyển từ nghiên cứu thành ứng dụng thực tế. Nghiên cứu mới này được công bố trong kỳ báo mới nhất của tạp chí “ Thông tin tâm lý học.”

Thiền định giúp vùng não kiểm soát cảm xúc tích cực trở nên hoạt động hơn

Trong nghiên cứu từ trước đến nay, với công nghệ quét não, các nhà khoa học phát hiện người ngồi thiền trường kỳ có những vùng chịu trách nhiệm các cảm giác nhạy cảm trong cơ thể con người dày lên rõ rệt. Giáo sư Richard Davidson (Đại học Wisconsin, Mỹ) cho biết, dù là người mới ngồi thiền, vùng não kiểm soát cảm xúc tích cực trở nên hoạt động hơn, điều này tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh cảm cúm.

Giáo sư Davidson còn nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngồi thiền đối với khả năng chú ý và độ nhạy cảm các giác quan của con người. Trong khi quan sát sự vật, con người thường bỏ lỡ chi tiết nào đó. Giống như khi hai hình ảnh hiển thị trên màn hình cách nhau nửa giây, người ta thường không nhìn thấy hình ảnh thứ hai. Những người trải qua tập luyện thiền định lại có thể nhìn thấy thứ mà người khác bỏ sót.

thien-dinh-suc-khoe

Thiền giúp tư duy nhanh nhẹn, kiểm soát cảm xúc

Tháng 8/2010, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ từng công bố một nghiên cứu, cho thấy thiền trong văn hóa phương Đông có thể thay đổi đường đi của thần kinh não bộ. Đề tài này do Đại học Oregon và Đại học Công nghệ Đại Liên hợp tác nghiên cứu, cho thấy thực hành thiền định có thể trợ giúp não bộ kiểm soát cảm xúc, giúp con người càng thêm thoải mái, giảm bớt lo nghĩ.

Nghiên cứu trước đây của Đại học Califorina cũng phát hiện, vùng phụ trách sự tập trung và điều tiết cảm xúc trong não của người ngồi thiền có dung tích lớn hơn, vả lại chất xám của não nhiều hơn, do đó cải thiện được trí lực hơn.

Bảo vệ não là điều kiện quan trọng để sống lâu

Trong cuốn sách “101 cách sống đến 100 tuổi không bị mất trí nhớ” của mình, Giáo sư Shirasawa Takuji (Đại học Juntendo, Nhật bản), một chuyên gia nghiên cứu chống lão hóa nổi tiếng, cho rằng thói quen sinh hoạt lành mạnh là một trong những nhân tố chủ yếu giữ cho não trẻ, cũng là điều kiện quan trọng của sống thọ.

Shirasawa Takuji căn cứ vào kết quả nghiên cứu nhiều năm, phỏng vấn kỹ lưỡng nhiều người sống thọ của Nhật. Thông qua kiểm tra trạng thái sức khỏe, khả năng vận động, và các vấn đề hoóc-môn liên quan đến sống thọ trên cơ thể họ, ông đã phát hiện, những người không dễ mắc chứng bệnh mất trí sống lâu hơn.

Nếu như trong cuộc sống hàng ngày, ai có thể thực hành thói quen chống mất trí, chắc chắn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.
Người sống lâu nhất nước Pháp Jeanne Calment, thọ 122 năm lẻ 5 tháng 14 ngày, đã phá kỷ lục guiness của Shigechiyo Izumi người Nhật Bản sống thọ 120 tuổi 37 ngày. Lúc Calment còn sống đã luôn nói, phải không ngừng sử dụng bộ não, muốn sống trường thọ cũng phải có đầu óc tỉnh táo.

Theo Đại Kỷ Nguyên Đài Loan

grab14345062184 Copy 298568082

Nepal: đang khắc phục Chùa Tháp Swayambhunath sau trận động đất

Đăng lúc: 06:21 - 18/06/2015

Một trong những ngôi Cổ tự và Bảo tháp được tôn kính và linh thiêng nhất ở Nepal đã bị thiệt hại trong trận động đất kinh hoàng vừa qua. Những nhà Bảo tồn hy vọng sẽ khắc phục Bảo Tháp trước mùa mưa.
Chùa Tháp Swayambhunath còn được gọi là chùa Khỉ (bởi nơi đây có nhiều khỉ cư trú, đặc biệt là ban đêm), ngôi Cổ tự tọa lạc trên một ngọn đồi được bao phủ bởi rặng cây xanh ở phía Tây thung lũng Kathmandu, nơi thu hút du khách thập phương hành hương trãi qua 1.400 năm qua. Đỉnh Bảo Tháp cao vút với sắc huỳnh kim lấp lánh và mái vòm màu trắng vươn lên trên ngọn đồi, hòa lẫn bầu trời mây bay bãng lãng, từ xa xa đã dễ dàng nhìn thấy.

Chùa Tháp Swayambhunath được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979.

Ông Christian Manhart, giám đốc UNESCO tại Kathmandu, chia sẻ rằng: “Bảo Tháp Swayambhunath đã bị ảnh hưởng trong trận động đất kinh hoàng vừa qua. Chúng ta phải khẩn trương khắc phục những vết của Bảo Tháp trước mùa mưa”.

Dân Nepal và người nước ngoài cùng làm công việc dọn dẹp các mảnh vỡ của Thánh tích này sau trọng động đất vào ngày 25/04/2015 đã cướp đi hơn 8.500 người, bị thương 23.000 người và hàng trăm nghìn người vô gia cư, đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Các trận động đất kinh hoàng đã tàn phá các di sản cổ xưa của Nepal, đây là trung tâm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân địa phương, bởi Thánh tích này là một hấp dẫn lớn đối với khách du lịch, một nơi thu ngoại tệ, góp ngân sách cho địa phương.

Theo tài liệu của UNESCO, hơn 30 di tích trong thung lũng Kathmandu đã bị thiệt hại trong trận động đất, và đã phát hiện thêm 120 di tích khác bị một phần thiệt hại.

Ông Christian Manhart, Giám đốc UNESCO tại Kathmandu và đồng nghiệp ước tính sẽ mất ít nhất $ 160,000,000 để sửa chữa và khôi phục 1.000 di tích bị hư hỏng, và bị phá hủy bao gồm Tu viện, Đền miếu công trình văn hóa lịch sử trên khắp cả nước. Đối với quốc gia đa Tôn giáo sắc tộc này, việc phục dựng lại là một ưu tiên đặc biệt.

Ông David Andolfatto, Nhà khảo cổ học và sử học nghệ thuật, một chuyên gia tư vấn của UNESCO, cho biết: “Chúng tôi đang kiểm kê các di tích di sản làm từ đá, đất nung và cất giữ tạm trong ngôi Cổ Tự. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay là ngăn chặn để chúng không bị cướp đi.

Bình nhật mỗi buổi sáng cư dân địa phương và du khách hành hương đi nhiễu quanh Đại bảo tháp Swayambhu, nhưng bây giờ họ không thể đến Thánh tích này được bởi không an toàn”.

Sau trận động đất, Ông David Andolfatto vội vã ra đường, nhảy vọt lên xe đạp của mình để đi kiểm tra Bảo tháp Swayambhu, nằm ở phía tây của thành phố Kathmandu. Ông đã dành thời gian quý báu của mình cho việc bảo vệ Thánh tích này cho đến hôm nay.

Cùng với việc khắc phục sửa chữa các vết nứt của Bảo Tháp, Ông là người nỗ lực giám sát những bích họa có nguy cơ mất dạng tại một ngôi Cổ tự nhỏ có tên là Shantipur. Điều này đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận với chư tôn đức Phật giáo địa phương, và chỉ có các vị Giáo phẩm Phật giáo mới hiểu rõ được những chi tiết nơi tôn nghiêm bên trong ngôi Cổ tự nhỏ này.

Ông Christian Manhart, giám đốc UNESCO tại Kathmandu nói: “Trong trận động đất kinh hoàng vừa qua, tại Trung tâm Thủ đô, Bảo tàng Hanuman Dhoka Palace cũng chịu chung số phận trong tình trạng thảm khốc. Các bức tường và mái nhà bị rã tan.

Quân đội và các công nhân đang bảo vệ các địa điểm di tích, họ đang củng cố các bức tường và việc tìm kiếm các bộ phận khác của để bảo vệ trước khi cơn mưa đến.

Theo UNESCO đánh giá thiệt hại của trận động đất được tập trung ở thung lũng Kathmandu, một vị trí đặc biệt trong lịch sử Nam Á. Trong khi Phật giáo Ấn Độ phần lớn bị biến mất vào khoảng thế kỷ 12, nhưng Phật giáo tại Kathmandu vẫn phát triển mạnh (Năm 1178, quân đội Hồi giáo của Muhammad Ghuri đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt Ấn Độ. Hầu hết các công trình Phật giáo đã dần dà bị tiêu hủy. Vào năm 1197, trung tâm Phật giáo Nālandā bị hủy diệt hoàn toàn, kể cả các tăng sĩ. Vikramaśīla cũng bị chiếm năm 1203, chấm dứt hoàn toàn một thời đại lịch sử của Phật giáo tại Ấn Độ). Chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử Phật giáo và Ấn Độ giáo tuyệt vời.

Ví dụ, một số Tự viện Phật giáo có khả năng phát triển ở đó và lan rộng khắp châu Á, những truyền thống này vẫn sôi động cho đến khi trận động đất rung chuyển đã lật đổ hàng chục công trình.

Hằng ngày mọi người đến các Tự viện Phật giáo để chiêm bái, sinh hoạt Tín ngưỡng Chánh tín, thưởng thức nghệ thuật kiến trúc, một tách Trà đạo, màu xanh biếc của những ngọn đồi núi xum xuê hùng vĩ. . .

UNESCO và Bộ Văn hóa Nepal đang tập trung vào việc củng cố di tích bị hư hỏng và có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa sắp tới, mưa kéo dài suốt mùa hè. Sau đó, họ sẽ chuyển sang phục hồi cấu trúc sụp đổ, kể cả nhà lịch sử.

Có những bản vẽ kiến trúc rộng lớn, cung cấp một cơ sở vững chắc để xây dựng lại. May mắn thay, hiện số tài chính quyên góp lên đến 400.000 USD và tổng cộng $ 2.000.000 từ các quốc gia Sri Lanka, Đức, Áo, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác”.

Theo chuyên gia Andolfatto tự tin rằng: “Người Nepal sẽ vượt qua những bi kịch và phục hồi di tích lịch sử văn hóa Tôn giáo một cách nhanh chóng bởi nhu cầu tối cần thiết bởi yếu tố tâm linh và về tinh thần dân tộc của họ”.















Thích Vân Phong(Theo Geographic. Ảnh: Niranjan Shrestha)

Nhìn sâu vào mỗi sự vật...

Nhìn sâu vào mỗi sự vật...

Đăng lúc: 06:21 - 08/06/2015

Trong cuộc sống quá bận rộn, đôi khi chúng ta làm rất nhiều việc hoàn toàn chỉ là theo quán tính mà không để tâm suy nghĩ, phân tích gì cả. Thậm chí có những bữa ăn cũng trôi qua thật vội vàng đến nỗi ta không cảm nhận được hết mùi vị của thức ăn.



Khi tôi còn nhỏ, tôi đã rất lấy làm buồn cười khi đọc truyện Tây du ký đến đoạn Trư Bát Giới ăn nhân sâm cùng với Tôn Ngộ Không. Anh chàng háu ăn này đã ăn nhanh đến nỗi vừa ăn xong mà không biết được mùi vị của quả nhân sâm như thế nào!

Ngày nay chúng ta có rất nhiều khi rơi vào trường hợp tương tự. Mặc dù chúng ta không tham ăn, nhưng chúng ta có quá nhiều việc để bận tâm suy nghĩ, có quá nhiều việc đang đợi chúng ta làm, và vì thế chúng ta luôn ăn vội ăn vàng cho qua bữa, không hề để tâm nhận biết nhiều về thức ăn.

Nhưng không chỉ là chuyện bữa ăn. Mỗi ngày chúng ta để cho rất nhiều chuyện khác nữa trôi qua trong sự lơ đễnh, vì đầu óc ta luôn có những chuyện khác để âu lo, suy tưởng.

Với cách sống như thế, chúng ta sống mà thật sự chưa hề cảm nhận được cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy và tiếp xúc với sự vật nhưng không thể hiểu được bản chất sâu xa hoặc cảm nhận được giá trị thực có của chúng.

Đôi khi tôi nhớ đến những củ khoai lùi thời thơ ấu, và lấy làm lạ là giờ đây nhiều lúc tôi không thưởng thức được những món ăn rất ngon lành theo cách như tôi đã từng ăn khoai lùi thuở nhỏ. Tôi còn nhớ mình đã phân biệt được mùi thơm của lớp vỏ khoai cháy sém bên ngoài như thế nào, mùi tro nóng bám vào vỏ khoai ra sao, ruột khoai thơm nóng như thế nào... Thậm chí tôi còn phân biệt được sự khác nhau giữa phần trên và phần dưới của cùng một củ khoai...

Thỉnh thoảng chúng ta nên có những bữa ăn theo cách của một em bé ăn khoai lùi... nghĩa là không để cho bất cứ một việc gì chi phối vào bữa ăn của ta.

Khi nhìn vào một món ăn, ta nên nhìn rõ xuất xứ của nó. Từ hạt gạo trắng thơm, cọng rau tươi xanh hay miếng đậu phụ... ta biết được chúng do đâu mà có. Ta nhìn thấy được người nông dân cần khổ lao động để làm ra hạt gạo, cọng rau... Ta nhìn thấy ánh nắng, cơn mưa đã giúp cây lớn lên từ đất... Ta cũng biết được rất nhiều người không có đầy đủ những món ăn như ta đang có. Mỗi ngày đều có những người chết vì đói trên thế giới này. Nhiều nơi, trẻ em không có đủ thức ăn và phải bị suy dinh dưỡng.

Từ những suy nghĩ quán sát như vậy, ta ý thức được đầy đủ giá trị của một bữa ăn. Vì thế, ta không thể nuốt vội nuốt vàng những thứ ấy một cách vô tâm cho qua bữa. Hơn thế nữa, ta biết rằng chỉ khi ta ăn với sự tỉnh thức thì thức ăn và ta mới cùng hiện hữu. Bằng không, xem như ta đã bỏ phí thời gian bữa ăn mà không thật sự sống một chút nào.

Ta nên ăn một cách chậm rãi. Cho dù ta vội vã đến đâu cũng vẫn còn rất nhiều việc khác chưa làm xong. Rút ngắn thời gian một bữa ăn không phải là cách giải quyết vấn đề. Ta chỉ thường làm thế là theo với thói quen từ lâu nay. Dù bận rộn đến đâu, việc dành thời gian thỏa đáng cho một bữa ăn không hề là điều phí phạm. Hơn nữa, mọi sự bận rộn của ta đều nhắm đến phục vụ đời sống. Vậy nếu ta từ bỏ những giây phút thật sự đang sống trong hiện tại thì tất cả những việc khác liệu còn có ý nghĩa gì?

Khi chúng ta ăn một bữa ăn trong sự tỉnh thức, đó không còn chỉ đơn thuần là một bữa ăn. Đó là biểu hiện cụ thể của đời sống, là phương cách ta tiếp xúc và cảm nhận sự vật. Vì thế, nó không những mang lại cho ta năng lượng vật chất, mà còn giúp ta hồi phục những giá trị tinh thần đã mất.

Nếu bạn thường xuyên thực tập điều này cùng với gia đình, đó là một cách giáo dục tốt nhất để hình thành nhân cách đạo đức cho con cái bạn. Bởi vì, trẻ con thường không học theo những gì ta nói, mà chúng học theo những gì chúng ta làm.

Ngoài bữa ăn ra, chúng ta cũng có thể thực tập tinh thần tỉnh thức trong mọi việc chúng ta làm thường ngày. Chúng ta nên tập nhìn sự vật với chiều sâu của nó. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm được với những khó khăn và nỗi khổ của người khác. Chúng ta cũng kiên nhẫn hơn khi gặp phải những chậm trễ, bế tắc trong công việc. Ta giải quyết mỗi vấn đề bằng vào sự phán đoán sáng suốt và tỉnh táo, không phải bằng sự vội vã, nôn nóng.

Chúng ta không phải là thực thể duy nhất tồn tại trong cuộc sống này. Ngược lại, ta gắn bó và đồng thời tồn tại, chịu sự chi phối của tất cả những sự vật khác. Không chỉ là những món ăn thức uống hàng ngày mới ảnh hưởng đến ta. Mưa, nắng, sương gió... hay bất cứ những gì chúng ta nhìn thấy hoặc cảm nhận được quanh ta đều có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống của ta. Một người hút thuốc nhả khói vào khoảng không, điều đó cũng có ảnh hưởng nhất định đến môi trường sống của chúng ta. Nói chung, mọi sự kiện trong đời sống đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, và chỉ khi nhìn sâu vào bản chất sự vật ta mới có thể hiểu được điều đó.

Nhìn sâu vào sự vật không chỉ giúp ta hiểu được bản chất sự vật mà còn giúp ta hiểu được chính mình. Ta cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống từ nhiều góc độ. Ta cảm thông nhiều hơn với đồng loại và sẵn lòng hơn trong việc chia sẻ những gì mình có. Chính nhờ đó ta có được niềm vui và hạnh phúc, vì nhận thức được rằng cuộc sống của ta thật sự có ý nghĩa biết bao!

Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)

Nghieng minh truoc vi Bo Tat

Nghiêng mình trước vị Bồ Tát giữa đời thường

Đăng lúc: 07:31 - 07/06/2015

Quyết định bãi nại cho tài xế vụ đâm chết 5 người thân của bà Huỳnh Thị Cẩn khiến chúng ta nghiêng mình cảm phục.


Một tai nạn giao thông vào sáng sớm ngày 31/5 tại TP HCM khiến cả nước bàng hoàng và đau xót, 5 nạn nhân đều là thành viên trong một gia đình. Họ đang trên đường đi lễ chùa và làm từ thiện.

Làm sao kể hết nỗi đau của bà Huỳnh Thị Cẩn, chỉ trong chốc lát, bà mất chồng và hai vợ chồng người con gái. Một đại gia đình tan nát, hai đứa cháu ngoại bơ vơ ở nước ngoài, vẫn hàng ngày ngóng trông cha mẹ.

Thế mà người đàn bà ấy đã mở rộng tấm lòng trời biển bao la như một vị Bồ Tát. Bà cho biết, sau đám tang các thành viên trong gia đình, bà sẽ đến thăm gia đình người tài xế gây tai nạn và làm đơn bãi nại cho người này.

Thật là một quyết định ít ai ngờ được. Thật là một điều thiện lành rất ít người làm được nếu ở trong hoàn cảnh của bà. Bà Cẩn bảo: “Sống chết có số nên tôi không oán trách ai. Tôi không giận người lái xe gây tai nạn mà ngược lại còn lo cho ông ấy nữa. Ông ấy cũng có gia đình, có vợ con. Ông vướng vào vòng lao lý thì gia đình ông sẽ ra sao?”

Chao ôi, đó là một trái tim Bồ tát. Đó là một bức chân dung đẹp nhất mà chúng ta có thể vẽ về một con người. Mọi sáo ngữ đều trở nên vô nghĩa trước người đàn bà có tấm lòng cao cả ấy.

Bà Huỳnh Thị Cẩn đã đem đến cho xã hội một bài học đạo đức vô giá, bài học bằng xương bằng thịt mà không sách vở nào truyền tải nổi. Rằng mọi sự trên đời, đều có thể hóa giải bằng tình thương.

Không biết đọc tin này, những tài xế đã từng gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân cho đến chết, những tài xế khi gây tai nạn đã nhẫn tâm tới mức cán thêm cho chết nạn nhân để đền một lần cho rảnh nợ, họ có thấy ăn năn?

Họ có thấy những hành động của mình là tàn ác, vô nhân, dã man, mông muội, không xứng đáng với cái danh xưng “con người” mà họ đang mang? Cùng là đồng loại, cùng da cùng thịt, cùng dòng máu đào, sao không biết xót thương nhau?

Với những con người như bà Huỳnh Thị Cẩn, chúng ta tự hào biết bao nhiêu về hai chữ “con người”. Bởi bà đã vượt lên trên nỗi đau xé lòng của bản thân, để đau cho nỗi đau của gia đình người gây nên tội.

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu ngày càng có nhiều người biết gieo những hạt mầm thiện. Cây phúc mà bà Cẩn đã trồng hôm nay, hai đứa cháu mồ côi đáng thương của bà rồi sẽ được thụ hưởng, sẽ được cuộc đời đền đáp.

Mong hai cháu hãy cố gắng lớn lên, thành người tốt để xứng đáng với tấm lòng vị tha của bà mình, xứng đáng với cha mẹ đã khuất của mình.

Cuộc đời này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp lắm thưa bạn đọc. Trong hằng hà sa số những người bình dị trong xã hội, vẫn có những vị Bồ Tát như bà Cẩn. Họ là ngọn nến soi đường mỗi khi chúng ta thấy tuyệt vọng vì sự xuống cấp của đạo đức, sự sa sút của luân thường đạo lý. Họ là ánh mặt trời để sưởi ấm trái tim của chúng ta, trong một cuộc sống đang ngày càng cạn kiệt tình người.

Những kẻ đang ngày ngày bất chấp tất cả, đang dùng mọi thủ đoạn để có một cuộc sống với tiền tài địa vị hơn người, không hiểu có thấy chùn tay khi đứng trước một vị Bồ Tát như bà Cẩn?

Tôi chợt thấy thương hại cho những người như vậy. Nghĩ mà xem, trước khi rời bỏ thế giới này, họ sẽ để lại gì cho dương thế? Một đống của cải vô tri vô giác, một danh sách dài những tội lỗi đáng phỉ nhổ?

Một việc thiện bà Huỳnh Thị Cẩn làm hôm nay, tiếng thơm sẽ để lại muôn đời, hạt mầm tốt lành ấy mới là vô giá. Nó cho xã hội chúng ta niềm tin, rằng những người tốt ở đời còn nhiều lắm, hãy tự tin mà nắm lấy tay nhau.

Và chính họ, chứ không phải ai khác, mới là nguồn cảm hứng, là người duy trì màu xanh cho đời sống này.

Nhật Bản Hiện Đại Nhưng Vô Cùng Giản Dị

Nhật Bản Hiện Đại Nhưng Vô Cùng Giản Dị

Đăng lúc: 07:08 - 19/05/2015

Những người đã từng đến nước Nhật đều bị choáng ngợp bởi sự hiện đại được tạo ra trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Có được điều đó là nhờ những công nghệ tối tân nhất thế giới do chính người Nhật làm ra cho dân cho nước mình dùng và tận hưởng.

Những câu chuyện bí ẩn có thật không lời đáp

Những câu chuyện bí ẩn có thật không lời đáp

Đăng lúc: 07:14 - 15/05/2015

Được ghép tim nhưng sau đó lại tử vong với cùng lý do của người hiến tặng, bị các thực thể ma quái bám đuổi hay bị ám tới nỗi tự treo cổ khi đang mộng du… Thế giới luôn chứa đầy những sự bí ẩn con người chưa thể giải đáp.

Hinh 5 JPG 7575 1428321274

Ngôi chùa có tượng Phật nằm lớn thứ ba thế giới

Đăng lúc: 07:23 - 12/05/2015

Wat Chaiya Mangkalaram là ngôi chùa nổi tiếng ở đảo Penang – phía tây bắc Malaysia có pho tượng Phật nằm lớn thứ ba thế giới, dài 33 m.

phatgiao org vn Lumbini Buddha

Lâm Tỳ Ni vẫn yên bình sau trận động đất ở Nepal

Đăng lúc: 06:31 - 11/05/2015

Sau trận động đất kinh hoàng ngày 25/4 tại Nepal, nhiều di sản văn hóa nổi tiếng thế giới đã hoàn toàn bị phá hủy. Nhưng điều kỳ diệu là vùng đất Lâm Tỳ Ni, nơi được coi là quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lại không hề bị ảnh hưởng.

Công bố 10 đề cử Kỷ lục Phật giáo Thế giới đầu tiên

Công bố 10 đề cử Kỷ lục Phật giáo Thế giới đầu tiên

Đăng lúc: 20:16 - 09/05/2015

Nhân Đại Lễ Phật Đản (tháng 5 năm 2015 – Phật lịch 2559), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings chính thức công bố và gửi đến Đại Hội Đồng Liên Minh Kỷ Lục Thế giới danh sách 10 đề cử Kỷ lục Phật giáo Thế giới đầu tiên.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 50
  • Hôm nay 1,197
  • Tháng hiện tại 62,951
  • Tổng lượt truy cập 23,469,200