Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Không có gì bền chắc

Không có gì bền chắc

Đăng lúc: 19:26 - 24/03/2017

Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển, nghĩa là các pháp hữu vi như chiêm bao, như giọt sương, như làn chớp. Người tu phải quán như thế. Nhiều người hiểu sai ý này. Phải xác định rằng pháp vô vi đối lập với pháp hữu vi. Người hiểu được pháp vô vi mới là người tu thực sự.
tuongphat.jpg
Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển - Ảnh: Pixabay

Pháp hữu vi là những gì chúng ta nắm bắt được, hiểu được đều nằm trong sanh diệt pháp. Kinh Niết-bàn nói chư hạnh vô thường thị sanh diệt pháp, tức cái gì chúng ta nắm bắt, hiểu được là vô thường, là pháp hữu vi sanh diệt. Nhưng, còn mặt sau phải biết rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc. Phật dạy lý này để chúng ta chấm dứt sanh diệt mới chứng Vô sanh.

Cũng ý này, Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng sơn cùng thủy tận, hay tuyệt mạng tuyệt thể. Nghĩa là người tu phải đi ngược dốc, lên tận đỉnh núi, hay đi ngược về tận nguồn sông, tức về nguồn chơn tâm.

Trong dòng chảy sinh tử luân hồi, chúng ta từ nguồn chơn tâm theo vọng tưởng điên đảo mà xuất hiện trên cuộc đời này, kinh Hoa nghiêm gọi là vô minh duyên khởi. Thật vậy, từ nguồn nước trong, chúng ta theo vọng tình trôi ra dòng sông mê sẽ dẫn ra biển khổ, đó là con đường mà chúng ta đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp luân hồi do mê mờ dẫn chúng ta đến cuộc sống hiện tại khổ đau không có lối thoát gọi là biển khổ, hay địa ngục.

Và trong biển khổ này, chúng ta gặp được Phật pháp ví như con rùa mù gặp bộng cây nổi trên biển cả mà chui vào, là chúng ta nương vào Phật pháp, trở về nguồn thì bớt khổ, cho đến hết khổ. Như vậy là cắt được hữu vi pháp.

Pháp hữu vi sanh từ vô minh, mới khởi lên nghiệp. Nghiệp có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, Ý nghiệp là chính. Vô minh phát xuất từ ý là tham lam, bực tức, sai lầm dẫn đến quả khổ và từ quả này lại tạo nhân khác khổ hơn. Thí dụ người mới trưởng thành do vô minh sanh nghiệp ái là nghiệp đáng sợ nhất trong tất cả các nghiệp. Chàng trai hay cô gái khởi ái nghiệp dẫn họ vào mê hồn trận, nên nhìn không chính xác. Người Việt thường nói thương thì trái ấu cũng tròn, thiệt nó méo nhưng si mê thấy nó tròn, tốt. Đến khi đeo bám nó, mới thấy nó không còn tốt. Thầy có người bạn, anh này mê cô bán hàng đến trốn học, đứng gốc cây me để ngắm cô ta. Nhưng cưới được cô rồi, anh ta lại nói bây giờ con thấy bả con sợ! Mê thấy khác, tỉnh thấy khác, cứ như vậy mà người ta lún sâu vào vũng bùn nghiệp. Thấy cô gái họ cưới được đáng sợ, nên lại nghĩ đến cô khác rồi mê cô khác, làm gia đình tan nát. Đó là biển khổ mênh mông sóng ngập trời.

Tất cả pháp hữu vi không có gì bền chắc. Chúng ta thấy toàn ảo giác, vì mê nên ta thấy sai, rồi chạy theo nó; nhưng Phật dạy nó không thực bền chắc. Như Ma Đăng Già mê A Nan, dùng bùa để mê hoặc A Nan. Phật dùng thần chú Lăng Nghiêm cứu A Nan. A Nan tỉnh lại, chạy về chùa. Ma Đăng Già đuổi theo, gặp Phật, bảo Phật trả A Nan cho bà. Phật hỏi Ma Đăng Già mê A Nan cái gì. Bà nói ổng có con mắt đẹp quá. Phật dùng thần lực biến mắt A Nan đỏ chảy máu khiến bà thấy khiếp sợ.

Phật thấy sự thật, nói rằng thân người là cái túi da đựng đồ hôi thối. Nhìn bằng tuệ giác thấy chẳng những không có gì bền chắc mà còn gớm ghiếc. Với người mê sắc, Phật dạy ra thi lâm nhìn xác chết mà ghê sợ và đoạn được ái dục. Nghĩa là tu đi ngược về nguồn, chuyển cái thấy si mê thành thấy theo thật trí. Không phải thấy không bền chắc làm chúng ta chán đời, buông bỏ tất cả là sai.

Biết các pháp hữu vi không bền chắc thì hướng suy nghĩ và việc làm của mình theo con đường đúng đắn của Phật. Những gì không bền chắc chúng ta sẵn lòng buông bỏ, vì biết không giữ được, cuối cùng sinh mạng của chúng ta là nghiệp thân cũng phải bỏ. Có thân vì do nghiệp tạo, nhưng ta lại chấp thân là ta, nên phải khổ.

Huệ Tư thiền sư có thân xấu xí, ai cũng ghét và chê ngài. Nếu là phàm phu bị người chê, ghét, thì ức lắm và nói tại nghèo, nên bị khi dể, tại xấu nên bị chê. Ngài Huệ Tư nhận thấy rõ xấu xí, nghèo nàn, ngu dốt là cái nghiệp của mình. Nên ngài nói rằng người ta khinh chê, ghét bỏ là khinh chê, ghét bỏ cái nghiệp của mình, không phải khinh chê, ghét bỏ mình. Nhờ người chê mà biết được nghiệp của mình, từ đó, tu hành phải phá nghiệp, còn chấp nghiệp là mình thì cứ khổ thêm.

Biết nghèo bị khi dể thì cũng biết nghèo là do nghiệp, Phật dạy do nhiều đời gian tham trộm cắp, nên đời này làm gì cũng thất bại. Cải tạo nghiệp này, không gian tham, trộm cắp, mới thoát được cái nghèo. Vì vậy, Phật tử phải tập sống chân thật, nhờ đó lần lần có uy tín. Chính tâm chân thật, không gian tham, trộm cắp, người ta mới chấp nhận hợp tác với mình. Thực tế nhìn tướng, nghe giọng nói, hay thấy nét mặt cũng biết họ tham. Tuy muốn giúp, nhưng sợ cho vô nhà thì họ ăn cắp, thương muốn cho họ vô ở chung, nhưng sợ họ quậy phá. Khắc phục nghiệp này là tập tánh nghèo không tham.

Tướng trung thực, lời nói trung thực, hiền lành, người ta cho vô ở nhà, nhưng biết thân phận không dám vô là kinh Pháp hoa nói gã cùng tử làm công cho trưởng giả vẫn ở am tranh. Riêng thầy, tự biết thân phận nghèo, nên không dám gần ai, vì gần người có nhiều tiền, không khéo họ nghi mình làm thân để nhờ vả, hay ăn cắp. Vì vậy, thời thầy đi tu, giữ kỹ điều này lắm, tức không tới nhà giàu, vì làm thân với người giàu, họ xem thường mình. Phật cũng dạy vị Sa-môn điều này, gần người giàu, họ sợ mình ăn cắp. Trên bước đường tu, tránh gần người giàu, người quyền thế, chỉ lo tu và gạn lọc tâm cho đến tâm và lời nói mình trong sạch thì họ không sợ mình ăn cắp.

Huệ Tư dạy rằng họ chê, hay nói xấu là chê cái nghiệp, nói xấu cái nghiệp của mình. Hiểu như vậy, chúng ta tu, cám ơn người nói xấu ta, cám ơn người hại ta. Ta này là nghiệp và tu hành, biết ta từ chân tánh, hay ta và Phật đồng nhau theo kinh Hoa nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế, ta khác với Phật vì bị vô minh vọng tưởng bao bọc tầm nhìn, khiến mình thấy sai lầm, mới tạo vô số nghiệp ác.

Con người trong sáu đường sinh tử đều do nghiệp tạo. Nếu tạo thiện nghiệp sẽ có thân người tốt đẹp, cuộc sống sung sướng. Và tạo được cùng tột điều thiện sẽ có thân chư Thiên tốt đẹp nhất. Tạo cùng tột việc ác là ác ma. Vì vậy, Phật nói địa ngục hay thiên đường cũng do nghiệp tạo.

Chư hạnh vô thường do nghiệp và nghiệp là ảo. Vì vậy, nghiệp mất là đáng mừng, vì chúng ta cũng muốn bỏ nghiệp. Thi hào Nguyễn Du nói dễ thương rằng đã mang lấy nghiệp vào thân thì đừng trách trời, trách đất.

Mang nghiệp vô thì phải bỏ nghiệp được. Phật dạy xả uẩn, hay xả chấp. Bỏ được, nhưng vì chúng ta không chịu bỏ, sợ khổ, nhưng cứ ôm cái khổ. Bỏ nghiệp hết khổ liền. Thực tế có anh bị vợ bỏ, nếu không biết tu thì thấy khổ; nhưng anh biết tu, thấy nhẹ quá, khỏi lo nữa, được tự do làm công quả. Biết được nghiệp, mình chấp nhận thực tế này sẽ cắt được lòng tham ái, tham dục, hết khổ. Và kế tiếp, cắt luôn tham tài, tham danh. Phải biết nghiệp mình chỗ nào để cắt. Phước đến đâu hưởng đến đó. Theo thầy, Phật tử nên hưởng dưới mức mình có thì càng được an lạc hơn.

Người thương mình, mình thương họ là tình bạn đạo, nhưng mình thương mà họ không thương là nghiệp, là duyên hợp tan mà Phật nói vô thường, không bền chắc, thấy đó rồi mất. Thầy thấy biết bao người bạn mình quý trọng, nhưng nhìn lại không còn ai, đó là vô thường.

Tuy nhiên, nhìn xa trong vô thường có chơn thường là con người thực và thấy điều thực này thì mình và bạn đang hiện hữu trong thế giới tâm linh là Tịch Quang chơn cảnh. Như vậy, thầy mình và bạn mình đang ở thế giới này và khi mình mãn duyên trần sẽ đi vô đây.

Còn mình tiếc thân tứ đại mỗi ngày già yếu, bệnh hoạn, hoàn cảnh khó khăn hơn là khổ chồng chất khổ, nhưng chúng ta theo Phật, sống với chân tánh của chúng ta thì không có tướng già, không có tướng bệnh, không có tướng chết.

Từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa, kinh nào cũng chỉ vô thường sanh diệt để chúng ta hướng đến bất sanh bất diệt là thế giới của Phật, Bồ-tát. Trong kinh Hoa nghiêm, Đức Phật dạy từ khởi thủy đến chung cuộc. Khởi thủy là gì. Người tu đi tìm nguồn gốc coi mình từ đâu tới đây và tương lai chết về đâu.
Tu Hoa nghiêm cứ đi ngược về nhiều kiếp trước để chứng Túc mạng minh. Nhờ đi ngược về quá khứ, mình mới thấy hiện tại. Nói rõ hơn, nếu quá khứ chúng ta trồng căn lành ở Phật pháp, thì hiện tại mới gặp thầy hiền bạn tốt. Vì vậy, thầy tâm đắc câu kinh trong Phổ Hiền hạnh nguyện rằng: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung các cõi nước. Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau. Tất cả hạnh mầu cùng tu tập…” Đây là thiện tri thức quá khứ của chúng ta tái sanh gặp lại thành bạn tâm giao, hiểu nhau, quý nhau, giúp nhau.

Thầy gặp Hòa thượng Ito. Ông đón thầy và nói rất dễ thương: Xin chào bạn. Hỏi bạn hồi nào. Nói bạn ở hội Linh Sơn. Lúc đó thầy trẻ, còn ông là Hòa thượng lớn tuổi. Như vậy, quý vị có dám nhận là bạn hay không. Bạn này là bạn tâm linh, bạn tâm giao, nên gặp là tự nhiên thương, quý trọng liền. Họ nói gì mình cũng dễ chấp nhận. Đây là thầy, là bạn quá khứ gặp lại, tự quý trọng nhau. Còn người mà mình nói gì, họ liền nói ngược lại. Thầy gặp người như vậy là thầy chấm dứt câu chuyện, không nói nữa. Phật cho biết Đề Bà Đạt Đa nhiều đời trước đã là bạn luôn chống đối Ngài.

Trên bước đường tu, quán chiếu quá khứ để biết hiện tại. Thấy người ghét mình, tự biết đó là oan gia đời trước gặp lại. Thấy người thương mình, tự biết họ đã từng là thiện tri thức đời trước. Thầy thường nói đường đi của mình đến quả vị Phật còn xa, việc làm còn nhiều, nên tránh phiền phức để đi cho nhanh. Không phải là Bà-la-môn mà ở đó tranh cãi. Còn nghe, còn cãi, còn góp ý chi cho khổ.

Nhờ thấy hiện tại mà biết quá khứ, biết ai làm bạn đồng tu, đồng hạnh, đồng nguyện. Ai nghịch hạnh thì tránh. Như vậy, mình tu nhẹ nhàng, không hơn thua tranh cãi, miễn sao sống an lạc, giải thoát. Đạo Phật là đạo tìm ra sự thật và sống với sự thật, biết nó cố cãi để hơn mình, thì mình chịu thua để cho mình được nhẹ.

Nhìn kỹ người làm đạo được nhờ duyên quá khứ là người bạn trong quá khứ tái sanh gặp lại, hỗ trợ nhau, như Khương Tăng Hội xuất gia ở Luy Lâu (Hà Nội), nhưng ngài qua Thượng Hải xây chùa Kim Sơn. Ngài nói sang Trung Hoa để gặp Ngô Tôn Quyền. Lúc đó Trung Hoa chưa có đạo Phật, dù kinh từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa rồi, nhưng người Trung Hoa chưa tin đạo Phật, nên đạo Phật không phát triển được.

Khương Tăng Hội sang Trung Hoa truyền đạo vì ngài biết có bạn ở đó và ngài cũng biết rằng bạn ngài sanh lại làm vua, ngài làm sư, hai người kết hợp để phát triển đạo Phật. Khương Tăng Hội là nhà sư đầu tiên đến Thượng Hải. Ngài không đi bình thường, nhưng đi trên chiếc nón lá. Mọi người thấy hình tướng của ngài kỳ lạ, nên tâu với vua Ngô Tôn Quyền. Ông nghĩ phải chăng Hán Minh Đế mơ thấy bạn là người này chăng.

Vua cho mời ngài tới. Ngài trả lời vua bằng tiếng Trung Hoa thông thạo như người Trung Hoa, làm vua nể phục. Vua hỏi Khương Tăng Hội khi Phật Niết-bàn, có gì để lại để thấy sự linh nghiệm. Ngài nói Phật Niết-bàn còn để lại xá-lợi là kết tinh công đức tu hành của Phật. Vua nói muốn xem công đức tu hành của Phật như thế nào mà kết tinh thành xá-lợi.

Khương Tăng Hội nói vì là công đức tu hành, người thụ đắc xá-lợi cũng phải do công đức tu hành mới được, không phải ai cũng có được. Và người có công đức mới thấy xá-lợi Phật, không phải ai cũng thấy xá-lợi hay giữ được xá-lợi.

Vua hỏi trẫm có thể thấy xá-lợi không. Khương Tăng Hội nói rằng làm vua là có phước thì thấy được xá-lợi, nhưng phải có niềm tin. Thực tế vua Ngô Tôn Quyền được coi là vua hiền đức, nhưng ông vua con là Tôn Hạo rất dữ.

Bệ hạ có phước nên thấy được xá-lợi, còn bần tăng phải nỗ lực tu mới có công đức, nhưng ngài cũng không dám nói mình có xá-lợi. Ngài bảo vua dựng thảo am để ngài tu một tuần nhằm hồi phục công đức thì mới thụ đắc xá-lợi. Nhưng thực sự ngài đã có bình xá-lợi rồi.

Trong một tuần ngài tu miên mật Thiền quán, không ăn ngủ. Qua một tuần, Ngô Tôn Quyền hỏi xá-lợi đâu. Ngài nói cho thêm một tuần tiếp tục Thiền quán. Sau đó, ngài lại xin thêm một tuần nữa. Vua nói nếu lần này không có xá-lợi thì là yêu ma, sẽ bị giết.

Tới đúng 21 ngày, am tranh ngài tỏa hào quang ngũ sắc rực sáng. Ngài bưng xá-lợi vào triều. Ngô Tôn Quyền hỏi ngoài hào quang như thế, xá-lợi còn gì linh nghiệm không. Ngài nói xá-lợi thật cứng đến chày kim cương giã không bể. Ngô Tôn Quyền bảo giã thử xem và để xá-lợi lên khối sắt cho lực sĩ giã. Xá-lợi không bể, mà lực sĩ dội té và cái cối lún xuống. Vua sụp lạy, cho xây chùa Kiến Sơ để thờ xá-lợi.

Tất cả vật là vô thường, không bền chắc, nhưng xá-lợi Phật là công đức tu của Phật thì bền chắc đến chày kim cương của Bát bộ chúng đánh không bể, tiêu biểu cho công đức tu của Phật trường tồn miên viễn.

Tu theo Phật đúng như pháp, khi xả huyễn thân, chân thân tức phước đức và trí tuệ của hành giả bền chắc. Ý thức như vậy, chúng ta bỏ giả thân không bền chắc để được cái không hư hoại, bỏ sinh mạng ngắn ngủi này để có sinh mạng vô cùng. Đó là ý Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng chúng ta tu ngược về nguồn để gạn lọc vọng tâm tham đắm mà nhiều kiếp bám chặt mình. Cần sám hối cho tiêu nghiệp mới đem Phật pháp vào tâm. Tu đúng từng bước đi lên. Tu hình thức mà thực chất không có sẽ dễ bỏ cuộc.

Tóm lại, trên bước đường tu, ban đầu chúng ta chấp chặt thân vô thường sanh diệt nên khổ với nó. Trải qua quá trình tu Thanh văn, cởi bỏ được pháp sanh diệt, tức trần lao nghiệp chướng, được giải thoát và tiến lên hành Bồ-tát đạo. Lần lần Pháp thân Bồ-tát của chúng ta hiện ra và lớn lần theo mỗi kiếp tu hành, thì tái sanh, phước đức, trí tuệ chúng ta tăng trưởng, cho đến khi đầy đủ 32 tướng tốt, trí giác và tâm đại bi viên mãn, thành tựu quả vị Phật.
HT.Thích Trí Quảng

Thân cận thiện sĩ

Thân cận thiện sĩ

Đăng lúc: 09:51 - 08/06/2016

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, những bậc có nhân cách cao thượng.

Kinh Tăng nhất A-hàm có hai phẩm vinh danh người cư sĩ tại gia, đó là phẩm Thanh tín sĩ, vinh danh bốn mươi nam cư sĩ đệ nhất, và phẩm Thanh tín nữ, vinh danh ba mươi nữ cư sĩ đệ nhất. Qua đó, chúng ta thấy trong hàng đệ tử tại gia của Phật có những cư sĩ tài năng, trí tuệ, thần đức, hàng phục bọn ma, nhiếp phục ngoại đạo, thuyết pháp sâu sắc, biện tài vô ngại, sở thí rộng rãi…, đặc biệt trong số những cư sĩ được vinh danh hội đủ mọi thành phần trong xã hội, từ địa vị quân chủ cho đến hàng thứ dân. Sự vinh danh này chính là sự ấn chứng, sự thọ ký của Đức Phật về khả năng tu tập và đạt được kết quả giải thoát đối với hàng cư sĩ tại gia.

Cư sĩ tại gia là người không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh hoạt thế gian mà thực hành những vấn đề cơ bản Phật pháp, đó là dùng tam quy ngũ giới để hoàn thành tư cách Phật tử đối với bản thân, đối với gia đình và đối với xã hội; để rồi từ đó hướng đến địa vị cao thượng là giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, người cư sĩ sống giữa cuộc đời trần tục với đầy dẫy những ràng buộc, phiền não nhưng dùng chất liệu Phật pháp để chuyển hoá, biến cải cuộc đời, để Phật hóa gia đình, biến nhân gian thành Tịnh độ.

Kinh điển Nguyên thủy cho thấy người cư sĩ tại gia có khả năng tu tập và đạt đến quả vị thứ ba trong bốn thánh quả, tức A-na-hàm. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì tin rằng mục đích cứu cánh của giác ngộ là quả vị Phật-đà, và người tại gia cư sĩ cũng có thể đạt đến quả vị đó bằng cách phát tâm Bồ-đề, tự lãnh trách nhiệm hộ trì Chánh pháp, gọi là tu tập Bồ-tát hạnh. Tuy nhiên, bước chân khởi đầu của người cư sĩ vẫn là sự quay về nương tựa Tam bảo để trở thành một người Phật tử.

Kinh Tăng chi nói: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử”. Nhưng để trở thành một người Phật tử có đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ thì cần phải tăng thượng tâm bằng bốn đức tính Dự lưu chi, gồm: thân cận thiện sĩ, thính văn Chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Chính nhờ bốn đức tính này mà người cư sĩ giữ tròn giới thể, không tạo nghiệp ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu.

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, nhưng hơn hết là gần gũi với những bậc có nhân cách cao thượng. Làm thế nào để nhận biết nhân cách cao thượng? Đó “là người không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào Nhị thừa, tâm thường trong sáng, tán dương phạm hạnh, không làm cho người sống không giới luật”. Gần gũi, thân cận với những người có nhân cách, phẩm chất, trí tuệ cao thượng để được nghe và được học, để hiểu biết những giá trị cao thượng mà người cư sĩ tại gia dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội cũng không thể tìm thấy trong những thú vui ngũ dục (thính văn Chánh pháp). Những gì đã nghe, đã học cần được suy nghĩ một cách sâu sắc, chân chánh (như lý tác ý) để thể nghiệm trong đời sống hằng ngày (pháp tùy pháp hành). Đây là bốn đức tính đưa người Phật tử vào đạo, dự vào dòng Thánh.

Một khi hội đủ được bốn đức tính Dự lưu, người Phật tử sẽ Nhập lưu bằng bốn niềm tin thanh tịnh, trong sáng, không bao giờ thay đổi, gọi là Tứ bất hoại tín, hay Tứ chứng tịnh (Tứ bất hoại tịnh). Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới. Với bốn niềm tin này, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại. Kinh Tạp A-hàm nói rằng, người nào thành tựu bốn pháp Bất hoại tịnh này thì muốn cầu thọ mạng lâu dài liền được thọ mạng lâu dài; muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Đức Thế Tôn bảo: “Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ”. Kinh còn nói, dù làm Chuyển luân Thánh vương, có đầy đủ bảy báu, có bốn thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cõi trời, cũng chẳng bằng một vị Tỳ-kheo mang y phấn tảo, xin ăn khắp mọi nhà, dùng ngọa cụ bằng cỏ. Vì sao vậy? Bởi Chuyển luân Thánh vương chưa đoạn trừ được cái khổ của đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do chưa đạt được bốn Bất hoại tịnh. Còn Tỳ-kheo Thánh đệ tử đã giải thoát được cái khổ của các đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do đã thành tựu được bốn Bất hoại tịnh.

Kinh ghi: “Dù bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi tăng giảm, bốn Bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến khác. Chúng không tăng giảm biến khác, cho nên đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, mà nếu bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì điều này không thể có được”.

Người Phật tử thành tựu được bốn niềm tin bất hoại thì được gọi là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có đầy đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ. Kinh nói: “Người cư sĩ lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Này Ma-ha-nam, đó gọi là cư sĩ có đủ tín”. Như vậy, những lợi ích có được từ sự thành tựu bốn niềm tin bất hoại là không thể nghĩ bàn, và tất cả những lợi ích ấy đều được bắt đầu từ sự thân cận thiện sĩ. Nhưng, niềm tin của người Phật tử không dừng lại ở đây, mà còn tin tưởng bản thân mình cùng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật bằng cách hành Bồ-tát đạo, qua sự phát tâm Bồ-đề, và cũng từ sự tăng thượng tâm nhờ thân cận thiện sĩ. Kinh Bồ-tát an lạc bản nghiệp, quyển thượng nói: “Tất cả chúng sanh thuận theo Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cũng có thể thành Phật nên gọi là Phật tử”.

‘Bởi có thể thành Phật nên gọi là Phật tử’. Đó là nhận thức cơ bản mà tất cả những ai đã, đang và sẽ tự cho mình là Phật tử cần phải ghi nhớ, bởi chính nhận thức này giúp người Phật tử đứng đúng vào địa vị và làm tròn bổn phận của mình trong ngôi nhà Phật pháp. Bổn phận của người Phật tử là hộ trì Chánh pháp, nhưng cần phải ý thức rằng cái bổn phận đó là để hoàn thành Bồ-tát hạnh của mình, để thành tựu cái quả vị Phật-đà cho chính mình, chứ không đơn giản chỉ là bảo trợ đời sống cho người xuất gia, xây dựng chùa tháp… Hẳn nhiên, như kinh Như thị ngữ đã nói: “Chúng xuất gia nhờ chúng tại gia giúp đỡ những đồ dùng như quần áo, thức ăn, chỗ ở v.v...; chúng tại gia nương chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và phạm hạnh. Cả hai bên nương nhau tu hành theo Chánh pháp”, nhưng người Phật tử đã thành tựu tín, giới, văn, thí xả, trí tuệ thì luôn luôn nhận thức rằng, mục đích cứu cánh của người cận sự nam, cận sự nữ là đạt được giác ngộ giải thoát, mà nói theo lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh ngay trong cuộc đời trần tục của mình, chứ không phải chỉ cầu phước báo nhân thiên bằng sự hộ pháp.

Thật vậy, lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là chuyển hóa cõi Ta-bà uế trược này thành nhân gian Tịnh độ thanh lương. Lý tưởng đó, với nhiều người, là quá lớn lao. Thế nhưng, nó không phải là điều không tưởng, mà có thể thực hiện được bằng một ít nỗ lực, với một hành vi hết sức tầm thường, như kinh Pháp hoa nói, là chỉ cần chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’.

Chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, thế là đủ để quyết định sẽ thành Phật. Đây là điều bất khả tư nghì. Ấy vậy mà nó đã từng xảy ra với một người, trong một hoàn cảnh, mà đối với chúng ta bây giờ, đã trở thành một huyền thoại.

Chuyện kể rằng, một thời tại thành Tỳ-xá-li có kỹ nữ nổi tiếng tên là Ambapāli, quản lý trung tâm giải trí công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc dành cho hàng vương tôn công tử quyền uy. Trong một cơ duyên hạnh ngộ, được diện kiến và nghe Đức Phật thuyết pháp, trong lòng Ambapāli chợt rung động và chuyển hóa hoàn toàn, nàng sụp lạy Đức Thế Tôn, thành kính chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, rồi phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo và thọ trì năm giới.

Từ phút giây ấy trở đi, Ambapāli trở thành con người mới. Nàng đã biến cải công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc thành chốn tu hành thanh nghiêm dâng cúng cho Tăng đoàn Đức Phật. Và tại đây, cũng từ giây phút ‘đổi đời’ của Ambapāli, hàng trăm công tử Ly-xa, một bộ tộc hùng mạnh đang cai trị thành Tỳ-xá-li phú cường, với áo mão cân đai, cờ phướn, xe cộ… mỗi lần đi ra không khác chư thiên tử cõi trời, cũng tìm đến công viên nhưng không phải để hưởng thụ dục lạc mà để tìm chân lý. Tất cả sự biến cải, chuyển hóa tại công viên Am-la không xứng đáng để được gọi là Tịnh hóa, Phật hóa gia đình, xã hội hay đẹp hơn là tịnh Phật quốc độ chăng?

Mọi sự thành tựu ấy đều từ việc làm: Thân cận thiện sĩ.

Nói tóm, thân cận thiện sĩ là bước chân đầu tiên người Phật tử dự vào dòng Thánh, bởi từ đó người Phật tử được nghe, được học, được thấy những phẩm chất cao thượng mà họ không thể tìm thấy ở giữa cuộc đời trần tục.
Thích Nguyên Hùng

Trao đổi về bài: Sau khi chết xác thân chỉ là “Đất"

Trao đổi về bài: Sau khi chết xác thân chỉ là “Đất"

Đăng lúc: 22:04 - 17/12/2015

Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ...

HỎI: Tôi không đồng ý với câu trả lời của Tổ Tư vấn (TTV) về bài Sau khi chết xác thân chỉ là “đất”, đăng trên Giác Ngộ số 822, với 2 vấn đề dưới đây:

1. Còn việc bạn “mơ thấy cha hiện về, ông có điều gì đó phản ứng rất dữ dội” chỉ là biểu hiện của chính tâm thức bạn. Vì bạn suy nghĩ quá nhiều về điều ấy nên tâm bạn tự “nhào nặn” thành giấc mơ, hoàn toàn không phải là cha của bạn về báo mộng hay chưa tái sinh. Xin hỏi TTV dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Nếu đó chỉ là suy luận thì tôi nghĩ là không nên, vì từ suy luận đến thực tế khác xa lắm. Hơn nữa giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ.

2. Kinh Phật dạy rằng, một người chết đi lập tức tái sanh nếu sinh thời tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác. Còn nếu tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn có thể trải qua thân trung gian, tối đa 49 ngày là tái sinh. Cha của bạn mất đã 29 năm, dĩ nhiên đã theo nghiệp tái sinh, không hề có chuyện “ông vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình”. Vậy thì cúng Mông Sơn thí thực là để làm gì? Có phải vì lòng từ bi của nhà Phật mà đem thức ăn cho những chúng sanh đang đói khát hay không? Theo tôi biết, những chúng sanh đang đói khát đó chính là những người đã chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai. Trong kinh sách nhà Phật cũng nói rất nhiều về điều này. Thiết nghĩ, TTV nên trả lời những gì mình biết chứ không nên tùy tiện suy diễn.

(QUỲNH, quynhuyenvo@gmail.com)


Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Quỳnh thân mến!

Trước hết, chúng tôi xin chân thành tri ân sự phản hồi của bạn. Trong quá trình học tập giáo pháp, sự thành tâm trao đổi, luận bàn có vai trò rất quan trọng giúp chúng ta soi sáng lẫn nhau để tin hiểu Chánh pháp sâu sắc hơn.

Vấn đề 1, bạn hỏi, dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Xin trả lời, chúng tôi đã dựa vào Chánh pháp. Theo một số kinh, luận (A-tỳ-đàm), cái gọi là giấc mơ hay chiêm bao có thể được tạo ra do nhiều nguyên nhân: Một giấc mơ có thể hình thành do những tác động sinh lý trong cơ thể, do sự tồn đọng của những hồi ức lúc thức, do sự tác động của một ngoại nhân có thần lực, hoặc chiêm bao cũng có thể là một điềm báo được tạo ra do sự chiêu cảm của nghiệp lực cá nhân hay tập thể.

Nói chung, hầu hết các giấc mơ đều là sản phẩm của tâm thức, là biểu hiện của chính tâm thức chúng ta. Tất cả các ý niệm, nhận thức, kinh nghiệm… của con người được lưu trữ trong tâm (tàng thức), tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh mà biểu hiện thành những giấc mơ với nội dung khác nhau.

Chúng tôi tán đồng nhận định “giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ” của bạn, nhưng tin vào báo mộng của người chết là chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi không suy luận hay suy diễn mà hiểu rõ, giáo lý của đạo Phật không chủ trương tin vào báo mộng của người chết.

Nói rõ hơn, báo mộng là tín niệm dân gian. Tín niệm này vốn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Tin vào báo mộng của người chết hay không là quyền của mỗi người, nhưng dưới ánh sáng chánh kiến của Phật giáo, mộng mị vốn là huyễn, không thực. Vì thế, Đức Phật không khuyến khích học tập các dị thuật như chiêm tinh, đoán mộng v.v…, thậm chí còn ngăn cấm.

Vấn đề 2, bạn hỏi, vậy cúng Mông Sơn thí thực để làm gì? Xin trả lời, cúng Mông Sơn thí thực nhằm bố thí thức ăn cho loài Ngạ quỷ đói khát được no đủ. Kinh điển nhà Phật nói rõ các chúng sanh trong lục đạo (thuộc Dục giới) bao gồm: Trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Những chúng sinh nào tập nghiệp tham lam, bỏn sẻn nặng nề sau khi chết sẽ tái sinh (đầu thai) vào loài Ngạ quỷ.

Cần xác định “những chúng sanh đang đói khát” ấy chính là loài Ngạ quỷ, một số ít khác thuộc chúng quỷ thần, chứ không phải là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Cụ thể hơn, Phật giáo Nam truyền không chủ trương có thân trung ấm, chết là tái sinh tức khắc. Phật giáo Bắc truyền chủ trương con người chết đi có thọ thân trung ấm, trong thời gian thọ thân trung ấm vẫn có thể thọ dụng thực phẩm (mùi hương) do người thân hiến cúng, nhưng tối đa khoảng 49 ngày là tái sinh. Phật giáo Tạng truyền (Mật tông Tây Tạng) cho biết, một số rất ít các thân trung ấm có thể kéo dài hơn 49 ngày, nhưng đó là những trường hợp cá biệt.

Vì vậy, chúng ta thờ cúng ông bà tổ tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính và tri ân. Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ, và do nghiệp duyên nơi loài mà các vị ấy đã tái sinh vào cũng khác biệt nên không dễ hội đủ nhân duyên để can thiệp vào đời sống của chúng ta.

Mặt khác, không nên xem loài Ngạ quỷ (đã đầu thai), phần lớn cộng cư với loài người, thường được loài người cúng thí thực phẩm là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,783
  • Tháng hiện tại 61,168
  • Tổng lượt truy cập 23,467,417